Tin Việt Nam – 24/06/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 24/06/2019

Công dân Mỹ Michael Nguyễn lĩnh án 12 năm tù

 vì âm mưu ‘lật đổ chính quyền’

Việt Nam hôm 24/6 kết án công dân Mỹ Michael Phương Minh Nguyễn 12 năm tù về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” để “xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản” và sẽ trục xuất ông sau khi mãn hạn tù.

Truyền thông Việt Nam cho biết, ông Michael Nguyễn, 55 tuổi, bị kết án cùng với 3 người Việt Nam khác với tổng mức án hơn 30 năm tù.

Phiên tòa sơ thẩm, dự kiến diễn ra trong hai ngày từ 24 đến 25/6, nhưng đã kết thúc chỉ sau nửa ngày đầu tiên, Luật sư Nguyễn Văn Miếng, người báo chữa cho ông Michael Nguyễn, cho Reuters biết.

Bản cáo trạng được tờ Công an TP HCM trích dẫn cho biết, ông Michael và các bị cáo khác là Trần Long Phi, 21 tuổi, và Huỳnh Đức Thanh Bình, 23 tuổi, nhận tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 109 Bộ luật Hình sự. Ông Phi bị kết án 8 năm tù và ông Bình lãnh án 10 năm tù. Ngoài ra, ông Huỳnh Đức Thịnh, 67 tuổi, cha của bị cáo Bình, bị kết án 1 năm tù về tội “không tố giác tội phạm.”

Luật sư Miếng nói với Reuters sau khi phiên tòa kết thúc hôm 24/6 rằng thân chủ của ông nhận tội và yêu cầu được giảm án để có thể trở về đoàn tụ với gia đình. Vợ và bốn người con của ông Michael hiện sinh sống tại California, Mỹ.

Theo bản cáo trạng, từ đầu năm 2017, ông Michael và những người trên cùng một số đối tượng khác đã “cấu kết cùng nhau thành lập, tham gia tổ chức ‘Quốc nội quật khởi’” để “lập kế hoạch mua vũ khí và lôi kéo người tham gia biểu tình, chiếm trụ sở chính quyền tại TP HCM và Hà Nội, gây bạo loạn tiến tới nhằm lật đổ chính quyền nhà nước Việt Nam, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.”

VOA không thể liên lạc được với gia đình ông Micheal để phỏng vấn về bản án 12 năm tù mà chính quyền Việt Nam vừa đưa ra đối với ông cũng như về thông tin ông “nhận tội”.

Trong một cuộc phỏng vấn đầu năm nay với VOA, bà Helen Nguyễn, vợ của ông Michael, nói rằng bà và bốn người con gái “luôn tin rằng chính phủ Hoa Kỳ sẽ giúp đưa được anh Michael về đoàn tụ với gia đình.”

Đầu tháng này, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cho các Dân biểu Mỹ biết rằng tòa đại sứ sẽ yêu cầu Việt Nam trục xuất ông Micheal ngay sau khi phiên tòa diễn ra.

Tuy nhiên, Hội đồng xét xử của TAND TP HCM tuyên rằng ông Michael sẽ chỉ bị trục xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam sau khi chấp hành xong hình phạt.

Luật sư Nguyễn An Đôn, người từng bào chữa cho hai bị cáo người Việt Nam cũng bị cáo buộc tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” trước đây, cho rằng đây là một “mức án quá nặng” nhưng được đưa ra nhằm để răn đe những người khác.

“Vụ án ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’ ở Việt Nam đa số là bị xử nặng,” Luật sư Đôn, người từng bào chữa cho blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh mà sau này bị trục xuất sang Mỹ, nói từ Phú Yên. “Chỉ cần người dân nói lên tiếng nói của họ hoặc là thể hiện chính kiến thôi nhưng mà chính quyền không thích thì họ muốn kết tội gì thì kết tội. Đa số họ bị kết tội ‘lật đổ chính quyền’ hoặc ‘tuyên truyền chống phá nhà nước.’ Hai tội đó thường được áp dụng cho những người bất đồng chính kiến.”

Hội đồng xét xử nhận định rằng việc làm của ông Micheal và các bị cáo là “đặc biệt nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến sự tồn tại vững mạnh của chính quyền nhân dân và nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” nên “cần thiết phải có mức án tương xứng,” theo báo Công an TP HCM.

“Chúng tôi thất vọng về bản án ngày hôm nay,” một người phát ngôn của Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội nói trong một thông cáo qua email gửi cho Reuters. “Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa ra các quan ngại của chúng tôi liên quan đến trường hợp của ông (Micheal) Nguyễn, về tình trạng sức khỏe của ông ấy, ở mọi mức độ phù hợp.”

Trước đó, trong một chuyến thăm Việt Nam vào tháng 4/2019, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Patrick Leahy đã nêu vụ công dân Mỹ Michael Nguyễn bị bắt giữ với chính quyền Việt Nam, theo The Orange County Register.

Ông Michael bị chính quyền Việt Nam bắt giữ vào ngày 7/7/2018 khi đang trên đường từ Đà Nẵng đến TP HCM “để lôi kéo một số đối tượng tham gia biểu tình,” theo bản cáo trạng.

Vào tháng 10 năm ngoái, 21 dân biểu Hoa Kỳ đã gửi thư đến Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo yêu cầu gây áp lực phía Việt Nam nhằm trả tự do cho ông Michael. Trước đó một tháng, hai dân biểu Mỹ đã lên tiếng cảnh báo sẽ có hậu quả nếu Hà Nội ngược đãi công dân Hoa Kỳ.

Vào tháng 8/2018, một tòa án ở TP HCM đã tuyên cùng mức án 14 năm tù cho hai công dân Mỹ gốc Việt Angel Phan và James Nguyễn về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.” Hai công dân Mỹ này và 10 người Việt Nam khác được cho là thành viên của tổ chức “Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời” có trụ sở ở Hoa Kỳ.

https://www.voatiengviet.com/a/ong-michael-nguyen-linh-an-12-nam-tu-vi-am-muu-lat-do-chinh-quyen/4971463.html

 

Tòa sẽ xét xử kín vụ án nguyên phó Viện trưởng

Nguyễn Hữu Linh dâm ô bé gái

Tòa án Nhân dân quận 4, thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ mở phiên tòa sơ thẩm để xét xử vụ việc ông Nguyễn Hữu Linh, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Đà Nẵng, bị cáo buộc tội “dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” vào ngày 25 tháng 6 năm 2019. Tuy nhiên, phiên tòa sẽ được xét xử kín theo yêu cầu của đại diện hợp pháp của người bị hại.

Truyền thông trong nước loan tin vừa nêu một ngày trước khi phiên tòa được dự kiến diễn ra.

Tin cho biết Viện Kiểm sát Nhân dân quận 4, thành phố Hồ Chí Minh truy tố bị cáo Nguyễn Hữu Linh theo khoản 1, Điều 146 Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù.

Báo giới vào ngày 18 tháng 6 cũng cho biết thông tin bị cáo Nguyễn Hữu Linh khai nhận trong biên bản giao nhận kết luận điều tra và hỏi cung rằng đã ôm hôn bé gái 3 lần trong thang máy ở chung cư Galaxy, nhưng không cho đó là hành vi dâm ô.

Trước đó ngay sau khi vụ việc xảy ra vào ngày 01/04/19, ông Nguyễn Hữu Linh đã khai tên giả với Công an quận 4 nhằm tránh lộ thân phận, nói rằng hành động của ông chỉ là nựng bé gái và đã có dàn xếp ổn thỏa với gia đình của cháu bé.

Bố mẹ của gia đình bé gái nạn nhân, được báo giới trích lời cho biết đã gửi đơn đến tòa xin cho cháu bé vắng mặt trong phiền sơ thẩm để tránh ảnh hưởng đến tâm sinh lý của cháu, đồng thời đề nghị tòa xét xử theo quy định của pháp luật.

Vụ việc ông Nguyễn Hữu Linh, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Đà Nẵng sàm sỡ bé gái trong thang máy ở chung cư Galaxy, quận 4 thành phố Hồ Chí Minh được dư luận đặc biệt quan tâm vì ông là cán bộ của ngành tư pháp mà lại có hành vi phạm tội dâm ô người dưới 16 tuổi.

Phiên tòa sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Hữu Linh tuy được thông báo sẽ xét xử kín, tuy nhiên công luận đang chờ đợi một kết quả nghiêm minh được tòa phán quyết.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/the-trial-child-harassing-case-nguyen-huu-linh-scheduled-in-closed-loop-06242019085529.html

 

Cộng đồng Facebook hẹn nhau đến phiên toà

 xử đảng viên “dâm ô” Nguyễn Hữu Linh

Tin Saigon.-  Báo Pháp Luật ngày 24 tháng 6 năm 2019 loan tin, theo dự trù, vào sáng mai, ngày 25 tháng 6, toà án quận 4, Sài Gòn  sẽ mở phiên toà kín xét xử đảng viên

Nguyễn Hữu Linh, cựu Viện phó viện Kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.

Mặc dù là phiên toà xử kín, nhưng để “đồng hành” cùng phiên toà, nhiều nhóm bạn trẻ đã hẹn nhau trên trang mạng facebook là sẽ cùng nhau mặc áo in số 111, và khẩu hiệu “Trừng trị ấu dâm. Bảo vệ trẻ em” để đứng ngoài cổng trụ sở toà án quận 4 vào ngày xử án. Số 111 là tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em.

Trước đó, vào ngày 1 tháng 4 năm 2019, Nguyễn Hữu Linh đã tấn công tình dục một bé gái 8 tuổi trong thang máy thuộc chung cư Galaxy ở quận 4. Sự việc nhanh chóng được lan truyền trên mạng xã hội gây bất mãn dư luận, thế nhưng, phía cơ quan chức năng không hề có bất kì động thái gì đối với đảng viên Linh. Sự việc khiến nhiều người dân bất mãn, nghĩ ra nhiều hình thức đấu tranh để gây áp lực với cơ quan tố tụng như: Thường xuyên ghé nhà ông Linh ở Đà Nẵng chụp hình, cùng dòng chữ “ấu dâm”, in hình ông Linh kèm dòng chữ nói rõ hành vi của ông Linh rồi dán khắp nơi, từ trên xe hơi đến thùng rác. Cơ quan tố tụng càng im lặng thì phản ứng của người dân càng mạnh mẽ hơn.

Rốt cuộc, dù ông Linh được cho là có thế lực của Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng CSVN đứng sau chống đỡ nhưng cũng đã bị  với điều khoản nhẹ nhất trong bộ Luật hình sự dành cho đối tượng “dâm ô”. Tuy nhiên, ông Linh lại có được sự bảo vệ của chính gia đình nạn nhân.

https://www.sbtn.tv/cong-dong-facebook-hen-nhau-den-phien-toa-xu-dang-vien-dam-o-nguyen-huu-linh/

 

Phiên toà xử

nhà hoạt động chống BOT bẩn Hà Văn Nam bị hoãn

Tin ngày 24/6/2019: Nhà cầm quyền tỉnh Bắc Ninh đã quyết định hoãn phiên toà sơ thẩm xét xử nhà hoạt động chống BOT bẩn Hà Văn Nam sang tháng 7 mà không nêu lý do cụ thể.

Trước đó, nhà chức trách của tỉnh này định mở phiên toà sơ thẩm vào ngày 25/6 để xét xử anh Nam và 6 bạn khác về tội danh nguỵ tạo “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 318 của Bộ luật hình sự 2015. Cả 7 người có khả năng phải đối mặt với án tù từ 2 đến 7 năm tù cho mỗi người nếu bị kết tội.

Theo luật sư Trần Thu Nam, đây là một vụ án có nhiều dấu hiệu oan sai, chụp mũ đối với Hà Văn Nam, một người từng tốt nghiệp thạc sỹ quản trị kinh doanh và giám đốc một doanh nghiệp.

Trước khi bị bắt vào ngày 05/3, anh Nam cùng với nhiều nhà hoạt động xã hội khác thực hiện nhiều hoạt động nhằm phản đối việc thu phí của nhiều trạm thu phí vì những trạm này không được đặt đúng vị trí. Chính vì các hoạt động này của họ mà các chủ trạm thu phí rất tức và sử dụng côn đồ hay cấu kết với công an để đánh đập, sách nhiễu người chống BOT.

Cuối tháng 1, anh Nam bị một nhóm mặc thường phục bắt cóc và đánh đập anh trước khi bỏ anh xuống ở một địa điểm thuộc huyện Đan Phượng. Anh bị gãy xương sườn và nhiều vết đau khắp cơ thể. Anh là một trong nhiều nhà hoạt động chống BOT bị đánh đập, giam hãm trong xe riêng nhiều giờ trong vài tháng gần đây.

Việt Nam hiện nay có gần 100 trạm thu phí BOT (Build-Operate-Transfer) trên khắp cả nước. Rất nhiều trong số này bị cố tình đặt sai vị trí nhằm giúp chủ đầu tư thu được nhiều tiền phí, kể cả từ những xe không sử dụng dịch vụ. Tất cả các trạm thu phí BOT đều có quan chức cao cấp của chính quyền CSVN chống lưng.

Anh Nam được Ân xá Quốc tế coi là tù nhân lương tâm.

Quốc Tuấn

https://www.sbtn.tv/phien-toa-xu-nha-hoat-dong-chong-bot-ban-ha-van-nam-bi-hoan/

 

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân có trên 300 bộ áo dài

không dưới 100 triệu một bộ?

Tin Vietnam.-  Hai ngày nay, ngày 23 và 24 tháng 6 năm 2019, cộng đồng mạng xã hội Việt Nam dậy sóng trước thông tin bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội CSVN sở hữu 300 bộ áo dài, do nhà thiết kế nổi tiếng Võ Việt Chung thực hiện.

Cộng đồng mạng đã bất với thói xa xỉ của bà Ngân, một “công bộc” với câu nói nổi tiếng là: “Người dân đã làm được gì cho đất nước”, mặc dù bà đã và đang sống bằng tiền thuế của nhân dân. Theo facebook Nguyễn Lân Thắng, mỗi bộ áo dài của bà Ngân được thiết kế bởi nhà thiết kế Võ Việt Chung đều có giá không dưới 100 triệu đồng một bộ. Ông Thắng bình luận thêm, Việt Nam là một quốc gia nghèo, nhưng bà Chủ tịch quốc hội chỉ biết chăm lo cho bộ lông của mình thì không bằng loài cầm thú.

Thông tin của dư luận còn nghi là số áo dài bà Ngân đang sở hữu có thể lớn hơn rất nhiều con số 300 bộ mà Võ Việt Chung cung cấp. Bởi vì 300 bộ là con số có từ năm 2017, và Võ Việt Chung chỉ là một trong những nhà thiết kế chuyên thiết kế trang phục áo dài cho bà Ngân. Mỗi lần xuất hiện trước công chúng, bà chủ tịch quốc hội lại khoác lên người một bộ áo dài mới toanh, không hề “đụng hàng”.

An Nhiên

https://www.sbtn.tv/ba-nguyen-thi-kim-ngan-co-tren-300-bo-ao-dai-khong-duoi-100-trieu-mot-bo/

 

‘Quyền lực mới nổi’ mang tên Nguyễn Thị Kim Ngân

Không biết vô tình hay hữu ý, trong lúc kỳ họp quốc hội tháng 5 – 6 năm 2019 chứng kiến tình trạng ‘mất tích’ từ đầu đến cuối của ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng, một hình ảnh uy quyền bất chợt nổi lên.

Hình ảnh ấy mang tên Nguyễn Thị Kim Ngân – chủ tịch quốc hội.

Khác hẳn với tư thế co thủ, thận trọng và gần như ‘khép miệng’ trong nhiều kỳ họp quốc hội trước đây, vào lần này bà Ngân đã khiến giới quan sát và nhiều đại biểu quốc hội ngạc nhiên vì có ít nhất hai lần bà ta cắt ngang phần chất vấn và trả lời chất vấn một cách dũng cảm và… thô bạo.

Vết mờ Thuận Phong

Đầu tiên là vụ ‘chặn họng’ đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân lẫn cắt ngang Bộ trưởng Công an Tô Lâm, liên quan đến câu hỏi của đại biểu Vân về vụ phân bón Thuận Phong.

Khi ông Lê Thanh Vân đặt hai câu hỏi “Vụ sản xuất phân bón giả Thuận Phong, đã được nhiều đại biểu quốc hội liên tiếp hai khóa và hai vị hai phó thủ tướng, trong đó có một vị nay đã là thủ tướng, quan tâm chỉ đạo quyết liệt, nhưng vì sao đến nay chưa khởi tố?”, đến lượt Bộ trưởng Tô Lâm vừa trả lời “đại biểu hỏi về công ty sản xuất thương mại Thuận Phong…”, thì Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân – nhân vật chủ trì phiên họp – lập tức ngắt lời.

Bà Ngân nói: “Câu này rất cụ thể, có trách nhiệm của cả Viện Kiểm sát, do đó nó không nằm trong chuyên đề này.”

Tôi đề nghị những vụ việc cụ thể, sẽ trả lời bằng văn bản vì sao chưa khởi tố công ty Thuận Phong mà Quốc hội cũng nhiều lần nhắc ở đây.”

Bộ trưởng và Viện Kiểm sát sẽ trả lời bằng văn bản cho đại biểu Lê Thanh Vân.

Nhưng theo luật sư Trần Vũ Hải, nhiều quan chức cao nhất và các cơ quan có trách nhiệm của Chính phủ đã khẳng định, vụ phân bón Thuận Phong đã đủ dấu hiệu truy cứu trách nhiệm về hành vi “sản xuất, buôn bán phân bón giả”, song nhì nhằng mấy năm nay vẫn chưa khởi tố vụ án hình sự.

Lẽ ra người dân cần biết, những thế lực nào “mạnh” đến mức phủ định cả những ý kiến của những lãnh đạo Chính Phủ và kết luận của 6 bộ ngành về vụ phân bón giả này? Và trách nhiệm của Quốc hội đến đâu trong việc giám sát vụ nổi bật này?

Nhưng bà Ngân lại để cho Bộ Công an và Viện kiểm sát trả lời riêng cho ông Nghị Vân là không thoả đáng, không công khai, minh bạch. Biết đâu, có ngày Bộ công an trả lời cho ông Nghị Vân, rồi đánh dấu “bí mật” như thư trả lời ông Dương Trung Quốc về vụ bắt cụ Kình ở Đồng Tâm. Khi đó “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” chỉ là khẩu hiệu đầu lưỡi của các vị thôi!

Cũng theo luật sư Hải, bà Ngân đã xâm phạm đến quyền chất vấn của đại biểu Quốc hội và quyền hạn lẫn trách nhiệm trả lời chất vấn, giải trình của một thành viên Chính Phủ, nhưng đặc biệt là quyền của cử tri, quyền giám sát các đại biểu Quốc hội và các cơ quan công quyền, nhất là quyền được biết về hoạt động của những cơ quan đó, có đúng luật không và có vì dân không, nếu làm chưa tốt, ai chịu trách nhiệm và xử lý thế nào, kể cả cấp trên của những người vi phạm.

Còn theo nhiều chuyên gia, vụ này nếu không xử lý kiên quyết, sẽ là tiền lệ xấu khiến tình trạng sản xuất buôn bán phân bón giả, kém chất lượng tiếp tục ngang nhiên lộng hành tại Việt Nam, đặc biệt tại Nam Bộ, quê hương của chính bà Ngân, thiệt hại cho hàng chục triệu nông dân Việt Nam.

Thái độ ‘chặn họng’ thô bạo của Nguyễn Thị Kim Ngân về vụ phân bón giả Thuận Phong đang bị dư luận nghi ngờ về động cơ của bà ta muốn che đậy cho Thuận Phong khỏi bị khởi tố và truy tố.

Bệt đen ‘luật bán nước’

Vụ ‘chặn họng’ tiếp theo của Nguyễn Thị Kim Ngân xảy ra với đại biểu Nguyễn Anh Trí khi đại biểu này cắc cớ hỏi về dự luật Đặc khu.

Xin ông phân tích, đánh giá nếu lập 3 đặc khu kinh tế thì mức độ phát triển của nó như thế nào đối với địa phương, với vùng đó?” – đại biểu Nguyễn Anh Trí chất vấn Phó thủ tướng Vương Đình Huệ – quan chức thay mặt Thủ tướng đăng đàn tại Quốc hội khoá 14 tháng 5 – 6 năm 2019.

Việc ra đời đặc khu không ảnh hưởng gì tới nguồn lực của Trung ương, địa phương tập trung cho phát triển 2 đầu tàu kinh tế và 7 khu kinh tế trọng điểm” – Vương Đình Huệ trả lời.

Dùng quyền tranh luận, đại biểu Trí cho rằng bản thân ông không hài lòng với câu trả lời của phó thủ tướng và nhắc lại “Vấn đề tôi muốn hỏi ở đây là rồi đây Bắc Vân Phong, Vân Đồn, Phú Quốc sẽ phát triển tới mức nào nếu chúng ta cho làm đặc khu? Cái này tôi muốn phó thủ tướng thông tin cho dân biết? Thứ hai nữa là việc phát triển đặc khu như thế thì vấn đề an ninh toàn vẹn lãnh thổ sẽ được tính như thế nào?

Ngay lập tức, Nguyễn Thị Kim Ngân ngắt lời “Quốc hội đang bàn Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, hiện chưa ban hành, để có câu trả lời đầy đủ vấn đề đại biểu nêu thì cần nghiên cứu chặt chẽ hơn. Cho nên tôi đề nghị đại biểu cho phó thủ tướng có thời gian chuẩn bị và sẽ trả lời câu hỏi của đại biểu bằng văn bản“.

Vụ ‘chặn họng’ trên lại xảy ra đúng vào thời điểm ‘kỷ niệm’ tròn một năm phát ngôn ‘Bộ Chính trị đã quyết định về luật đặc khu rồi…’

Rất nhiều người thắc mắc và bức xúc vì sao bà Ngân lại ‘chặn họng’ đại biểu về dự luật Đặc khu.

Hãy quay ngược về quá khứ: vào tháng 5 năm 2018 khi ‘luật bán nước’ – một cái tên bi thảm mà người dân đã gọi để lên án Luật Đặc khu và vẫn tồn tại cho đến giờ đây – thình lình được trình ra Quốc hội mà không trước đó không hề thông báo cho dân biết, một số đại biểu quốc hội đã có thái độ thắc mắc, phản ứng về hành vi khuất tất đó và những hậu quả mà Luật Đặc khu có thể rước về. Nhưng ngay lập tức, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã ‘chặn họng’ theo lối áp đặt ‘Bộ Chính trị đã quyết định về luật đặc khu rồi…’. Chính từ thái độ và hành động áp đặt theo lối ‘cả vú lấp miệng em’ như thế, người dân đã phát hiện ra nguồn cơn của nó: vào thời gian hội thảo về chủ trương đặc khu Vân Đồn ở Quảng Ninh mà được sự hỗ trợ hết sức nhiệt tình của phía Trung Quốc cùng sự tham gia trực tiếp của một nữ cố vấn Đào Nhất Đào của Tập Cận Bình, Nguyễn Thị Kim Ngân nằm trong số quan chức VIP tham dự hội thảo này, cùng với Phạm Minh Chính đã ‘nhiệt tình vỗ tay’ dành cho ‘luật bán nước’!

Vùng lên!

Tâm thế và tư thế ‘vùng lên’ của Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân – nhân vật đứng thứ ba trong ‘tam trụ’ sau Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Xuân Phúc – đang phác thảo bức tranh loang lổ bệt màu về chính trường Việt Nam trong thế phân ly: nếu trong tương lai Nguyễn Phú Trọng không thể đủ sức khỏe để ‘cống hiến lâu dài cho cách mạng’, khuynh hướng chuyển giao quyền lực cho các khối đảng, lập pháp, hành pháp và gia tăng quyền lực trong từng khối sẽ hiện ra một cách tất yếu, để từ đó phát sinh mô hình ‘đa trung tâm quyền lực’ mà nhiều quan chức cao cấp thèm muốn nhưng chẳng ai dám chính thức công khai tham vọng ấy.

Nhưng chưa cần đến lúc Nguyễn Phú Trọng ‘nằm xuống’, ngay vào lúc này đã hiện ra cảnh trạng ‘vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm’. Tâm lý muốn thể hiện quyền lực sau một thời gian dài bị kềm hãm là hoàn toàn có thể cảm thông được, nhất là với lãnh đạo của cơ quan ‘dân cử’ vẫn luôn bị dư luận xem là ‘bù nhìn’.

Cần nói thêm, ứng với truyền thống chọn lựa nhân vật trung dung và nằm ngoài giỏ cua đấu đá phe phái là chủ tịch quốc hội cho ghế tổng bí thư – mà những Nông Đức Mạnh và Nguyễn Phú Trọng đã từng ‘buồn ngủ gặp chiếu manh’, Nguyễn Thị Kim Ngân cũng xứng đáng có được niềm hy vọng nhái lại để biết đâu đấy có thể biến thành tổng bí thư nữ đầu tiên tại đại hội 13 của đảng cầm quyền – sẽ diễn ra vào đầu năm 2021, nếu còn có đại hội đó.

https://www.voatiengviet.com/a/quyen-luc-nguyen-thi-kim-ngan/4968938.html

 

Mưa lũ gây thiệt hại tại các các tỉnh phía Bắc

Có 1 người chết và 3 người bị thương do mưa to và sét đánh vào ngày 23 tháng 6 tại tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.

Trong khi đó hai trận lũ quét xảy ra đồng loạt hôm 23/6 trên huyện Mường Tè và Nậm Nhùn thuộc tỉnh Lai Châu cũng gây thiệt hại về tài sản và hoa màu cho người dân địa phương..

Truyền thông trong nước loan tin vừa nêu hôm 24/6 dẫn thống kê từ cơ quan chức năng.

Theo Ban Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu cho báo chí biết, sau trận mưa kéo dài đêm 23/6, hai trận lũ quét xảy ra đồng loạt trên suối Hua Bum, xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn và suối Nậm Sì Lường, xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè.

Theo thống kê ban đầu, lũ đã cuốn trôi 4 ngôi nhà cùng nhiều tài sản của người dân.

Theo Ông Mai Văn Thạch, Chủ tịch UBND huyện Mường Tè, lực lượng chức năng đang giúp dân di tản và tìm kiếm những người bị lũ cuốn trôi.

Mưa lũ đã gây thiệt hại một số tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, nghiêm trọng nhất là tuyến Quốc lộ 4H, tại địa phận xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn, mưa lũ đã làm sạt lở hơn 30 m đường, gây chia cắt huyện Mường Tè với bên ngoài.

Hiện Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các địa phương tăng cường rà soát các hộ dân, không để người dân ngủ tại lán nương, đánh bắt cá trên sông suối…

Cũng trong ngày 24/6, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban quốc gia ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã ban hành Công điện số 04 gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh miền núi phía Bắc cùng các ban ngành liên quan thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc chủ động ứng phó mưa lũ bất thường.

Cụ thể công điện nêu rõ, trọng điểm của đợt mưa này có khả năng xảy ra lũ ở các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái…

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/flooding-caused-great-damage-in-the-northern-provinces-of-vn-06242019074505.html

 

Trạm BOT Hòa Lạc

phải ngừng thu phí trong 14 ngày liên tiếp

Tính đến ngày 24/6, trạm thu phí BOT Hòa Lạc đã ngưng thu phí trong 14 ngày liên tiếp do bị người dân tại 2 xã Yên Quang và Phúc Tiến tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình chặn xe phản đối.

Truyền thông trong nước loan tin trong cùng ngày.

Theo đó, người dân 2 xã nêu trên vào ngày thứ hai 24/6 đã không còn tập trung tại trạm BOT Hòa Lạc để phản đối mà dùng 3 ô tô chắn ngang trạm thu phí, sau đó tài xế bỏ đi. Mục đích phản đối được cho biết để yêu cầu miễn giảm 100% cho các xe của các hộ dân trong bán kính 5km quanh trạm, kể cả xe chính chủ và xe không chính chủ, tức xe chưa đổi tên chủ sở hữu.

Người dân cho biết khi nào yêu cầu vừa nêu được đáp ứng thì mới dừng phản đối.

Hiện tại, các xe đi ngang trạm bằng làn đường xe thô sơ và không mất phí.

Ông Bùi Quang Bát, Giám đốc doanh nghiệp chủ đầu dự án BOT cho biết công ty thiệt hại khoảng 3,5 tỷ đồng sau 14 ngày liên tiếp thất thu. Đồng thời cho biết thêm công ty sẵn sàng miễn giảm giá vé như nguyện vọng của người dân nếu có kết luận của Thủ tướng và các ban ngành yêu cầu.

Người dân bắt đầu phản đối trạm thu phí BOT Hòa Lạc kể từ ngày 7/5, tức chỉ 4 ngày sau khi trạm bắt đầu thu phí.

Từ đó đến nay, người dân liên tiếp tổ chức các cuộc phản đối tại trạm yêu cầu các cơ quan chức năng giải quyết nguyện vọng.

Trước đó, phía chủ đầu tư dự án cho biết đã trình vụ việc lên Bộ Giao thông – Vận tải và chính quyền địa phương, nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hoa-lac-bot-toll-fee-booth-hasnt-been-able-to-collect-fee-in-14-days-06242019090105.html

 

Việt Nam vẫn tăng mức nhập hàng hoá Trung Cộng

Tin Vietnam.-  Báo Một thế giới ngày 24 tháng 6 năm 2019 loan tin, theo thống kê của cơ quan Hải quan, tính hết tháng 5 năm 2019, Việt Nam đã chi 29,9 tỷ Mỹ kim để nhập cảng hàng hoá của Trung Cộng.

Kim ngạch nhập cảng hàng hoá Trung Cộng trong những tháng vừa qua được đánh giá là tăng rất cao, với 20,3% so với cùng kỳ năm 2018; đồng thời chiếm 29,4% tổng kim ngạch nhập cảng của cả nước. Việt Nam đang nhập cảng hàng hoá Trung Cộng nhiều nhất. Nhóm hàng nhập nhiều nhất là các sản phẩm điện tử, linh kiện, máy tính với kim ngạch đạt 5,05 tỷ Mỹ kim, với tốc độ tăng 80,8%; các loại máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 5,67%, tăng 29,2%. Ngoài ra còn một số mặt hàng khác như vải, da, giày, bông, xơ sợi dệt vải.

Đáng lưu ý là mặt hàng sắt thép, dù đang bị Mỹ đánh thuế cao và điều tra, và nhiều công ty trong nước bị ngừng hoạt động, nhưng lượng sắt thép Việt Nam nhập của Trung Cộng vẫn tăng 0,1% về lượng, trị giá đạt 1,63 tỷ Mỹ kim. Phía Mỹ đã cảnh cáo các công ty Việt Nam, đồng thời đang thực hiện điều tra nhiều mặt hàng của Việt Nam nhập vào nước này. Mỹ đang nghi ngờ các công ty Việt Nam đã bắt tay với Trung Cộng để thay đổi nhãn sản xuất nhằm đánh lừa thị trường Mỹ, và để tránh thuế.

An Nhiên

https://www.sbtn.tv/viet-nam-van-tang-muc-nhap-hang-hoa-trung-cong/

 

Nhà tù không phải nơi để huỷ diệt nhân tính

Tuấn Khanh

Lời kể của chị Kim Thanh, vợ của tù nhân Trương Minh Đức tại trại giam Thanh Chương, Nghệ An, là một điểm nhấn tàn bạo khó tin về hệ thống nhà tù tại Việt Nam. Chuyện thật mới mẻ, chỉ vào giữa tháng 6/2019 thôi, chỉ chưa đầy nửa năm, sau khi đại diện của Nhà nước Việt Nam khẳng định trước Liên Hợp Quốc rằng không có chuyện đối xử tàn tệ hay tra tấn tù nhân.

“Chắc anh không thể còn về được để gặp em”, nhà báo tự do Trương Minh Đức, người bị tuyên án 12 năm tù với tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”. Nhân vật bị nhận định với tội danh ghê gớm đó đã vô số lần bị an ninh thường phục đánh đập đến nhập viện, bị câu lưu, giam tù 5 năm trước đó do đã viết bài ủng hộ cho giới công nhân bị đàn áp, bị bóc lột bởi giới chủ cũng như bày tỏ quan điểm về một Việt Nam cần một chính quyền tốt hơn.

Chị Kim Thanh kể lại lời nhắn này trong sự thảng thốt. Người tù chính trị ở Việt Nam thường phải chọn mãn hạn ra tù như một kẻ bị bẻ gãy ý chí, sống chấp nhận nhục nhằn với quản giáo, hoặc không còn là mình nếu sống theo luật pháp và quyền con người trong một trại giam. Anh Trương Minh Đức được nói lại với gia đình những điều này, khi anh và thầy Đào Quang Thực, ông Nguyễn Văn Túc cùng tuyệt thực phản đối sự đối đãi tàn tệ trong trại giam này. Đã hơn 2 tuần lễ của cuộc tuyệt thực này diễn ra – điều cùng cục mà những người tù nhân lớn tuổi này quyết phải làm – là bởi họ đã yêu cầu, kêu gọi bằng tiếng nói con người.

Mùa hè ở Nghệ An, nơi những cành lá oằn mình cháy xém trước sự thiêu đốt lên đến hơn 40 độ. Thì nơi nhà giam thấp, mái tôn, nhiều người bị giam chung, sức nóng có thể lên hơn 43-45 độ. Nhưng không có quạt, phòng giam nghẹt thở không có quạt để xua bớt sức nóng. Khi mọi người xin mở quạt, thì giám thị đáp nhanh là “quạt hỏng”. Nhưng đó chỉ là một lý do để không cải thiện tình hình, kéo dài sự hành hạ mà mục đích là bóp chết dần sức sống của những tù nhân bệnh tật và cao tuổi.

Câu chuyện của tù nhân Trương Minh Đức, Đào Quang Thực và Nguyễn Văn Túc chỉ là một góc nhỏ của nấm mồ khồng lồ mang tên trại giam, trại cải tạo dành cho người Việt trên đất nước hiện nay.

Đã có quá nhiều câu chuyện kể, nối tiếp và kinh hoàng, từ cái chết của thầy giáo Đinh Đăng Định, Huỳnh Anh Trí, mục sư Tin Lành Ksor Xiem… rồi những người bị tra tấn trong tù một cách tàn bạo như mục sư Nguyễn Công Chính,  Hoàng Bình, Nguyễn Văn Hóa, Nguyễn Viết Dũng… Thậm chí những nghi vấn về thức ăn có chủ đích tàn phá sức khỏe người bị giam giữ cũng đã được phát đi từ Trần Hoàng Phúc, Trần Huỳnh Duy Thức… khiến lịch sử về nhà tù và thái độ ứng xử của một nhà nước với tù nhân bất đồng chính kiến đã ngày càng được phác thảo rõ hơn.

Và nếu tất cả đang diễn ra đồng bộ mở mọi trại giam, mọi quản giáo và mọi thời điểm, bất kỳ ai cũng có thể nhìn thấy đó hoàn toàn có tính hệ thống chứ không thể là của một vài cá nhân có thói quen tàn bạo – như kiểu Thượng tướng Lê Quý Vương từng trả lời trước Liên Hợp Quốc (LHQ) về công ước chống tra tấn, vào tháng 11/2018, là có sai lầm của một vài cá nhân cán bộ.

Không chỉ trong nhà giam, mà cách hành xử bên ngoài với dân thường ở các trại tạm giam, nhục hình điều tra, thậm chí khi không có lệnh khởi tố… cũng là những hình ảnh khác nhức nhối về một nhà nước Việt Nam tự ứng cử vào ghế Hội đồng Bảo an LHQ. Ngay cả với câu trả lời các sai lầm thuộc về cá nhân cán bộ – người ta phải tự đặt câu hỏi, vì sao ngành công an Việt Nam – đặc biệt là trong trại giam lại tuyển dụng nhiều kiểu người tàn bạo và phi nhân tính như vậy?

Có rất nhiều thứ để người ta phải ngẫm nghĩ về đạo đức của một nhà cầm quyền, dẫu đó là loại đạo đức giả hiệu. Từ sau năm 1989 đến nay, thế giới vẫn chưa bao giờ ngừng thu thập các tài liệu về các vụ tra tấn thể chất và chà đạp tinh thần con người trong các nhà tù cộng sản ở Ba Lan, Đức, Rumani, Nga Sô… những kẻ thi hành nhiệm vụ cho đến những kẻ ra lệnh vẫn luôn được gọi tên và đưa ra xét xử. Nhưng điểm chung của tất cả các trại giam và phạm nhân chính trị ấy đều có chung một đặc điểm là một bên thì cố bẻ gãy ý chí, thậm chí bào mòn sức sống của tù nhân bằng mọi cách. Một bên thì cố giữ lại phần nhân tính của mình để dành lại cho quê hương mai sau không còn cộng sản – mà điều ấy chắc chắn sẽ đến. Nột bật hơn hết, là trò kỳ quái, khi đã kết án, các trại giam và các quản giáo xay thịt luôn buộc các phạm nhân phải viết bản nhận tội và tự thú thành khẩn trong những năm tháng bị giam hãm.

Nhiều ví dụ ở Việt Nam cũng đang cho thấy điều đó, tương tự.

Khi bạn đọc được những dòng chữ này. Ở Việt Nam, vẫn còn ai đó đang tuyệt thực. Vẫn có ai đó đang bị chà đạp tinh thần hay thân thể trong các trại giam. Và ở đâu đó, vẫn còn những con người Việt Nam luôn muốn sống với luật pháp, với tư duy văn minh và đòi một làn gió cho mình, bất chấp nhà cầm quyền có thể chối bỏ hay che lấp những số phận đó.

Nếu bạn là yêu sự công bằng. Yêu sự tồn tại đường hoàng của con cái mình trong tương lai, ở một quốc gia tiến bộ và có quyền con người, bạn cần lắng nghe thấy họ, và lên tiếng cho những người như ông Trương Minh Đức, Đào Quang Thực, Nguyễn Văn Hóa, Hoàng Binh, Nguyễn Trung Tôn, Trần Hoàng Phúc, Phan kim Khánh… rất nhiều ở Việt Nam lúc này, không thể kế hết. Bạn cần lên tiếng cho những con người đang chịu tù đày – dù đúng hay sai đi nữa – vì nơi đó không phải là để dành cho việc hủy diệt nhân tính.

Bạn hãy lên tiếng, kể cả khi tôi không có thể lên tiếng cùng bạn, như ngày hôm nay.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/prison-not-place-to-kill-your-passion-06232019223828.html

 

Võ Văn Thưởng “rạch mặt ăn vạ”

Chiến Thành

Nếu không có truyền thông xã hội (TTXH) thì làm sao biết được nhà báo tự do Trương Minh Đức, người bị kết án lần thứ hai 13 năm tù giam, hiện đang tuyệt thực cùng với nhiều anh em tù nhân lương tâm khác tại trại giam số 6 Thanh Chương, Nghệ An…

Nếu không có TTXH thì làm sao chúng ta biết được 2 trên 7 triệu người dân Hồng Kông đã xuống đường hôm 16/6, đòi xoá dự luật dẫn độ sang Trung Quốc và đòi trưởng đặc khu hành chính HK Carrie Lam phải từ chức, vì chỉ mới tạm ngưng dự luật cho phép dẫn độ người về lục địa để xét xử…

Trong một xã hội như Việt Nam hiện nay, cái gì cũng giả, chỉ các bản án khắc nghiệt, đầy đoạ đối với những người yêu nước như Trương Minh Đức, Trần Huỳnh Duy Thức… và hàng trăm tù nhân lương tâm khác là có thật.

Giả và lừa đảo là phổ biến! Từ bệnh tình các vị đứng đầu đất nước đến “hàng Việt Nam chất lượng cao” kiểu Asanzo… Trong bối cảnh những câu chuyện theo lệnh thầy Tàu để lừa đảo và bức hại dân Việt đầy rẫy như vậy, rõ ràng sự hù doạ của Võ Văn Thưởng về TTXH chỉ là một trò ăn vạ!

Sự điêu trác của kẻ đứng đầu ban Tuyên giáo trung ương thật đáng xấu hổ nếu bản thân ông chịu khó làm một phép so sánh. Không nói đâu xa, chỉ hơn một năm trở lại đây, bao nhiêu tin tức về Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh…, rồi Trần Đại Quang và gần đây nhất là về Nguyễn Phú Trọng, người dân tìm sự thật trên mạng, chứ không phải trên mấy trăm tờ báo ông do ông làm tổng biên tập.

Đấy cũng chính là nguyên nhân dẫn đến bài viết của ông và đồng đảng (gồm các trợ lý giúp ông chấp bút) – “Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam” – thực sự đã/đang gây phẫn nộ trên các trang mạng.

Hãy click vào boxitvn để thấy GS-TS Nguyễn Đình Cống – một “lão tướng” trong làng báo độc lập – đã điểm lại một cách cô đọng như thế nào các tiếng nói phản biện công khai từ một số bỉnh bút nổi tiếng, bàn về câu chuyện vu oan giáo hoạ vô liêm sĩ của trưởng ban Tuyên giáo.

Vẫn biết các pha “rạch mặt ăn vạ” là ngón nghề khá phổ biến hiện nay ở Trung Quốc. Nhưng dùng chiêu rẻ tiền ấy để bôi nhọ các trào lưu dân chủ, đặc biệt các trào lưu ấy lại là kết quả đấu tranh, có khi tự phát, có khi âm ỉ bao lâu nay dưới “đống tro nóng” tích tụ từ áp bức, bất công của các chế độ toàn trị, thì sự lu loa ấy không thể gọi tên gì khác hơn là đáng xấu hổ và thật vô liêm sĩ!

Bôi nhọ trào lưu dân chủ hoá trong sinh hoạt quốc tế, ông trưởng ban càng làm cho thế giới tiến bộ thấy rõ cái hoang mạc lý sự cùn của Việt Nam nó khô cằn, thoái hoá, thậm chí bị “lại giống” đến nhường nào, nếu nhìn từ góc độ tiến hoá.

Ông Thưởng quy kết mọi nguyên nhân của các cuộc cách mạng từ Nam Tư đến Ucraina, từ Belarus đến Libya, Sirya, thậm chí cả những biến động xã hội mới đây nhất ở Pháp và Venezuela… đều là do TTXH. “TTXH đã châm ngòi, thổi bùng bằng kích động, tổ chức và thông tin, khiến ban đầu là các phong trào đường phố, đi đến bạo động…”, ông Thưởng viết.

Này ông trưởng ban, ông đừng đánh tráo các khái niệm kiểu như vậy! Biểu tình vốn ra đời từ trước cả thời ông Hồ Chí Minh đến tận Versailles, Pháp để đưa cái quyền ấy vào trong bản thỉnh nguyện thư, đòi tự do hội họp, tức “freedom to associate freely” cho dân An Nam.

Từ “tự do lập hội và hội họp” (trong đó có biểu tình) cho đến TTXH là một bước tiễn vĩ đại của nhân loại. Dù là biểu tình hay TTXH… tất cả chỉ là một trong những phương tiện để người dân có thể biểu đạt ý kiến của mình, nó không “châm ngòi”, không “thổi bùng” cái gì cả như ông trưởng ban vu vạ.

Nói lại một lần cho Võ Văn Thưởng và đồng bọn rõ, đấy chính là những quyền ông Hồ đòi từ 1919, đến nay đã tròn 100 năm mà các “nghị gật” các ông vẫn lờ tịt, lấy cớ là quốc hội bận không đủ thời gian để thảo luận. Thật là trớ trêu, nhưng lịch sử sẽ ghi lại điều này như một trong nhiều vết nhơ của cái chính thể được gọi là “cộng hoà xã hội chủ nghĩa” của các ông.

Chỉ vì để áp-phe chính trị mà ông toan tính để cướp mất một cơ hội nữa đối với người dân trong nước đang háo hức theo dõi sát sao mọi diễn biến trên dải đất Hồng Kông. Người dân nhìn những cô gái chàng trai tham gia biểu tình như đi trẩy hội. Họ nhìn hàng triệu triệu người xuống đường và mơ ước đến một ngày dân Việt cũng sẽ biết cách hành động như thế.

Bên kia chiến tuyến, ông và phe cánh thực sự run sợ trước sức mạnh lan toả của một biến cố đang thu hút sự quan tâm tích cực của đa số người dân Việt cũng như đông đảo dư luận tiến bộ trên hành tinh. Đúng là các ông “sợ cái cái minh bạch, cái thức tỉnh, cái hiểu biết và sợ sự thật được phơi bày”.

Bài viết tràng giang đại hải của ông Thưởng dẫn dắt đến một ngõ cụt nghe nhàm tai: “Không để cho các thế lực thù địch lợi dụng, chiếm lĩnh TTXH”. Rõ ràng run sợ trước đa số “quyền lực của kẻ không có quyền lực”, nên xung quanh mình các ông chỉ thấy toàn hận thù và tứ bề thọ địch. Một đất nước toàn là “sâu mọt” và “củi lửa” như vậy thì các ông định sống với ai?

Là trưởng ban Tuyên giáo, nhưng cái kết bài viết của ông sặc mùi súng đạn, dùi cui và còng số 8. Tưởng ông học được các bậc minh quân, làm thế nào để “khắp nơi làng mạc không có tiếng oán giận than sầu” (Nguyễn Trãi). Đằng này, giải pháp duy nhất của ông và các đồng chí là “Luật an ninh mạng”, một bộ luật tiếp tục gặp nhiều chỉ trích từ đầu 2019 tới nay./.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/vo-van-thuong-throws-tantrum-06242019113005.html