Bố Cái Và Bác Mẹ
http://www.dslamvien.com/2019/06/bo-cai-va-bac-me.html – Friday, June 21, 2019
Ngôn ngữ của bất cứ quốc gia nào cũng thay đổi theo thời gian, bởi thế được gọi là “sinh ngữ” và xem đó như vật có đời sống và có thay đổi. Trong tiếng Việt, từ ngữ được dùng để chỉ cha mẹ không những thay đổi theo thời gian mà còn khác biệt theo địa phương.
Đặc San Lâm Viên mời quý vị đọc bài biên khảo “Bố Cái và Bác Mẹ” của tác giả Bùi Quý Chiến để tìm hiểu về sự thay đổi và khác biệt của tiếng gọi bậc sinh thành qua nhiều thời kỳ và dịa phương của người Việt Nam.
Bùi Quý Chiến – Đặc San Lâm Viên
Theo Việt Nam Sử Lược của Trần trọng Kim, thời Bắc thuộc lần thứ ba Nhà Đường lập An Nam Đô Hộ Phủ nhằm cai trị nước ta chặt chẽ hơn trước. Quan đô hộ là Cao Chính Bình áp đặt sưu thuế quá nặng khiến lòng dân oán giận. Năm 791 có người tên là Phùng Hưng ở quận Đường Lâm (nay là làng Cam Lâm, huyện Phúc Lộc, tỉnh Sơn Tây) nổi lên đem quân về đánh phủ thành. Vì lo sợ, Cao Chính Bình phát bệnh chết. Phùng Hưng chiếm đóng phủ thành được 2 tháng cũng bị bệnh chết. Quân sĩ lập con là Phùng An lên nối nghiệp.
Nhớ ơn Phùng Hưng, dân lập đền thờ và tôn là Bố Cái Đại Vương, coi như cha mẹ dân, vì thời đó người ta gọi cha mẹ là bố cái.
Ngày nay tiếng bố còn tồn tại nhưng tiếng cái chỉ còn câu tục ngữ “con dại cái mang” (cái mang = mẹ mang tiếng đẻ con ra không biết dạy).
Có điều lạ: thời xưa cái là mẹ sau này đảo xuống là con. Dẫn chứng:
Ca dao tả tình cảnh vợ đưa tiễn chồng đi lính :
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non
Nàng về nuôi cái cùng con
Để anh đi trảy nước non kịp người
Cho kịp chân ngựa chân voi
Cho kịp chân người kẻo thiếu việc quan.
Trong truyện Kiều, khi biết mình bị mua làm điếm, Kiều tự sát nhưng được cứu sống. Tú Bà vỗ về, hứa gả chồng xứng đáng cho Kiều:
Tìm nơi xứng đáng làm con cái nhà.
Làm chi tội báo oan gia
Thiệt mình mà hại đến ta, hay gì?
Theo Việt Nam văn phạm của các đồng tác giả Trần Trọng Kim – Phạm Duy Khiêm – Bùi Kỷ, con và cái là mạo tự (article): con dao, cái thớt, con chó, cái cò…
Ngày nay tính từ cái có 2 nghĩa xuất xứ từ nghĩa mẹ:
- to lớn: sông cái, đường cái, ngón tay/chân cái…
- chỉ động vật thuộc giống cái: chó cái, mèo cái…
Tiếng gọi bố tuy còn tồn tại nhưng có thời kỳ bị liệt xuống giai cấp thấp. Giai cấp này đẻ con thường đặt tên xấu như: thằng Cu, thằng Đỏ, cái Đĩ… và người ta gọi cha mẹ chúng là: bố Cu, bố Đỏ, mẹ Đĩ…
Tiếng bố cũng còn sót lại trong thành ngữ “bỏ bố” (tương đương với “chết cha” của người Nam) và trong câu chửi “tiên sư bố mày” (tương đương với “tổ cha mày” của người Nam).
Cùng thời với bố mẹ, cha mẹ của giai cấp cao hơn được gọi là: thày u (hoặc bu), thày đẻ, thày mẹ…
Tới thời kỳ Pháp thuộc, cha mẹ ở thành thị được gọi là ba mẹ hoặc ba me, cậu mợ. (Có lẽ ba me phỏng theo tiếng Pháp papa và mère).
Trong Nam, cha mẹ được gọi là ba má.
Khi thoát khỏi nô lệ Pháp, một số vợ chồng trẻ (có lẽ vì vui đùa) cho con gọi mình là bố mẹ . Dần dần bố mẹ có tính nửa vui đùa nửa nghiêm chỉnh. Các vợ chồng trẻ khác hưởng ứng thành làn sóng lan rộng. Cuối cùng bố mẹ trở nên tiếng gọi chính thức. Ngày nay một số người Nam và Trung cũng cho con gọi mình là bố mẹ.
Qua ca dao và thơ Nôm ta biết có thời gian, ít nhất là 400 năm, người xưa gọi cha mẹ là bác mẹ.
Một bài ca dao tả tình cảnh vợ lên Lạng Sơn thăm chồng có câu:
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh
Ai lên phố Lạng cùng anh
Tiếc công bác mẹ sinh thành ra em.
Rõ ràng bác mẹ là cha mẹ vì có 2 chữ sinh thành theo sau.
Ngày xưa con trai cũng ăn trầu. Ra đường người ta thường đem theo trầu têm sẵn để lấy ra ăn khi nhạt miệng. Gặp nhau người ta xã giao mời nhau miếng trầu (miếng trầu là đầu câu chuyện). Mời trầu còn là cách trai gái làm quen với nhau:
Chẳng ăn cầm lấy cho nhau bằng lòng.
Cô gái từ chối:
Làm thân con gái chớ ăn trầu người.
Một cô gái con nhà giàu lấy được chồng là học trò giỏi đang trọ học xa nhà, nàng năng đi thăm nuôi chồng:
Lấy anh hay chữ để mà cậy trông
Mùa hè cho chí mùa đông
Mùa nào thức ấy cho chồng ra đi
Hết gạo thiếp lại gánh đi
Hỏi thăm chàng học ở thì nơi nao
Hỏi thăm đến ngõ thì vào
Tay đặt gánh xuống, miệng chào: Thưa anh.
Có một câu ca dao cho ta biết bác mẹ không phân biệt giai cấp xã hội:
Cho nên tôi phải đâm bèo thái khoai.
Ta không biết từ bao giờ người xưa gọi cha mẹ là bác mẹ. Tuy nhiên bài thơ “vịnh con cóc” của vua Lê Thánh Tông cho ta một thời điểm xưa nhất:
Chốn nghiêm thăm thẳm một mình ngồi
Chép miệng vài ba con kiến gió
Nghiến răng chuyển động bốn phương trời.
Vua Lê Thánh Tông lên ngôi năm 1460 mất năm 1497 .
Theo Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, khi vua Lê Thái Tông chết (liên lụy tới Thị Lộ khiến Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc), triều đình lập con là Bang Cơ mới 2 tuổi lên nối ngôi là Nhân Tông. Lẽ ra Nghi Dân là anh được nối ngôi nhưng bị vua cha truất quyền thế tử vì bà mẹ phạm tội. Nhân Tông trị vì được 17 năm thì bị Nghi Dân giết chết đoạt ngôi vua. Triều thần đồng mưu giết Nghi Dân và tôn Bình Nguyên Vương Tư Thành lên ngôi là Thánh Tông.
Vua Thánh Tông sửa sang chính trị, mở mang việc học, chỉnh đốn võ bị, đánh dẹp Chiêm Thành và Lào, mở mang bờ cõi khiến nước ta cường thịnh hơn các triều đại khác. Ngài giải oan cho Nguyễn Trãi, cho kiếm con cháu còn lẩn trốn về cấp cho 100 mẫu ruộng để thờ phụng tổ tiên.
Sử gia Trần Trọng Kim tránh đề cập tới quan hệ của vua Thái Tông với vua Thánh Tông.
Theo cuốn “Tang Thương Ngẫu Lục” của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án, vua Thánh Tông không phải là con thuộc dòng chính thống của vua Thái Tông. Mẹ ngài (một thường dân ở kinh thành Thăng Long) có người nhà là Phi Tần nên được ra vào Hoàng Cung chơi với người nhà. Nhân cơ duyên này vua Thái Tông để ý tới bà. Quan hệ giữa hai người dẫn tới kết quả mẹ ngài mang thai sinh ra ngài. Tuy nhiên hai mẹ con ngài vẫn sống như thường dân ở gần Văn Miếu. Ngài từ nhỏ nổi tiếng thông minh và rất có hiếu với mẹ. Vua Thái Tông nghe tiếng cho gọi vào cung phong cho tước Bình Nguyên Vương Tư Thành. Tuy được phong vương ngài vẫn sống với mẹ như thường dân.
Khi lên ngôi, ngài đón mẹ vào cung và phong làm Hoàng Thái Hậu.
Ngài lập hội Tao Đàn gồm 28 người là các quan trong triều (nhị thập bát tú) cùng nhau xướng họa.
Trở lại bài thơ vịnh con cóc của vua Lê Thánh Tông; hai chữ bác mẹ chứng tỏ giữa thế kỷ 15 người ta đã gọi cha mẹ là bác mẹ. Tiếng gọi này rất có thể có từ đầu thế kỷ 15.
Ta cũng có bằng chứng tiếng gọi bác mẹ còn tồn tại tới giữa thế kỷ 19.
Trong tập “Nhị Thập Tứ Hiếu ” của Lý Văn Phức có câu:
Ai là không bác mẹ sinh thành.
Lý văn Phức sinh năm 1785 mất năm 1849, làm quan trong 3 đời vua (Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức). Ông có đi sứ Tàu. Nhân chuyến đi này ông sưu tập truyện 24 người nổi tiếng có hiếu với cha mẹ để diễn ra Nôm. Tập “Nhị Thập Tứ Hiếu” gồm 416 câu theo thể song thất lục bát.
Rất có thể tiếng gọi bác mẹ còn tồn tại cho tới khi nước ta trọn vẹn bị thuộc Pháp.
Lời bài hát:
Đôi rằng đôi bên bác i mẹ có a cùng già, lấy í anh là anh hay chữ, song song để ới á song tình là tình rằng ây ấy a, để mà cậy ì trông.
Chị rằng Hai ơi í ơ ơ chị rằng Hai như hoa nở có a sân rồng, tôi như là như cành bích, song song để ới á song tình là tình rằng ây ấy a cành hồng là sánh ì đôi.
Anh rằng Ba ơi í ơ ơ anh rằng Ba như sao vượt có a giữa giời. Em như là như chấu sẩy, song song để ới á song tình là tình rằng ây ấy a dám chơi bên đọ nào là anh rằng Tư ơi.
Anh rằng Tư ơi í ơ ơ anh rằng Tư như tấm ì vóc có a lụa đào. Em như là chỉ kim tuyến, song song để ới á song tình là tình rằng ây ấy a thêu vào là có nên chăng?
Chị rằng Năm ơi í ơ ơ chị rằng Năm đi, tôi dặn có a nhời rằng, đâu ớ hơn là hơn người kết, song song để ới á song tình là tình rằng ây ấy a đâu bằng người đợi (tôi) em.
Đâu í a lá đâu bằng, đâu bằng người đợi em.
Lời thơ:
Đôi bên bác mẹ cùng già,
Lấy anh hay chữ để mà cậy trông.
Người như huê nở sân rồng,
Tôi như cành bích, cành hồng sánh đôi.
Người như sao vượt giữa giời,
Tôi như chấu sẩy dám chơi đọ nào.
Người như tấm vóc lụa đào,
Tôi chỉ kim tuyến thêu vào nên chăng!
Người đi tôi dặn nhời rằng,
Đâu hơn người kết, đâu bằng đợi tôi.