Đọc báo Pháp – 22/06/2019
Hồng Kông:
Hai triệu tiếng nói chống Trung Quốc
Với chữ Hồng Kông màu vàng trên nền đỏ, bên trên hàng tựa lớn chẳng khác gì một khẩu hiệu « Không (chấp nhận) Trung Quốc ! – Non à la Chine ! », tạp chí Pháp Courrier International tuần này đã nêu bật trên trang bìa thắng lợi của người dân Hồng Kông trong cuộc đấu tranh chống dự luật dẫn độ qua Trung Quốc. Courrier International là tuần báo Pháp duy nhất dành trang bìa cho thời sự quốc tế, trái với các đồng nghiệp như L’Obs, L’Express hay Le Point đều tập trung trên thời sự Pháp.
Về Hồng Kông, ngay ở trang bìa, Courrier International ghi nhận : « Hàng triệu người biểu tình đã tuần hành để bảo vệ quyền tự do của mình. Một cái tát cho Bắc Kinh ». Ở bên trong, tuần báo Pháp nêu rõ thêm : « Hai triệu người Hồng Kông đã xuống đường để nói với dự luật dẫn độ qua Trung Quốc có nguy cơ đe dọa nguyên tắc « một quốc gia, hai chế độ ». Theo Courrier International, dự luật đã bị đình chỉ, nhưng đối với Bắc Kinh, tác hại đã rõ ràng.
Để giúp độc giả hiểu rõ vấn đề, Courrier International đã trích dịch một số bài phân tích từ báo chí châu Á, đặc biệt là từ hai tờ Minh Báo (Ming Pao) và Tài Kinh Tân Văn (Shun Po) tại Hồng Kông.
2 triệu câu trả lời “không !” của Hồng Kông cho Trung Quốc
Đối với tờ Minh Báo, một trong những nhật báo tiếng Hoa có uy tín tại Hồng Kông, thì hai triệu người xuống đường đã khuất phục được sự bướng bỉnh của trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga, hôm 18 tháng Sáu vừa qua, đã phải đình chỉ kế hoạch thông qua dự luật cho phép dẫn độ qua Trung Quốc.
Điều được nhà bình luận của tờ Minh Báo ghi nhận là thoạt đầu không ai dám nghĩ là đám đông có thể thành công. Thế nhưng, sức phản kháng bùng lên trở lại của người dân để bảo vệ nền dân chủ Hồng Kông đã mang lại cho phong trào phản đối niềm tự hào và nguồn sinh lực mới với tất cả các lực lượng tham gia đoàn kết một lòng. Toàn bộ xã hội Hồng Kông không phân biệt phe phái đều đã sôi sục, giúp cho phong trào phản đối dự luật đạt kết quả.
Vì sao người Hồng Kông lại phẫn nộ như vậy ? Minh Báo cho rằng dự thảo luật cho phép dẫn độ sang Trung Quốc sẽ phá hoại tính chất độc lập của nền tư pháp và quyền tự chủ của Hồng Kông, vốn là cốt lõi của nguyên tắc « một đất nước, hai chế độ ».
Nhưng quan trọng hơn, theo tờ báo Hồng Kông, các sự kiện vừa qua phản ánh sự phá sản của mô hình quan hệ giữa chính quyền Hồng Kông và người dân. Chính quyền và phe « xây dựng » [ủng hộ Bắc Kinh] đã không đếm xỉa đến những tiếng nói phản kháng đang trỗi dậy trong xã hội, trong lúc ý kiến của các đại biểu dân chủ được dân bầu lên lại không được tôn trọng trong Nghị Viện (Hội Đồng Lập Pháp).
Thái độ độc đoán của phe « xây dựng » cùng với sự kiêu ngạo thô bạo của trưởng đặc khu Hồng Kông cho thấy sự thất bại của một thể chế dân chủ đại diện bị cắt xén : Các nghị sĩ thì xuất phát từ nhiều cách bầu cử khác nhau, dựa trên các tiêu chí địa dư và ngành nghề, một hệ thống phức tạp bất lợi cho đảng Dân Chủ ; trưởng đặc khu thì do Bắc Kinh bổ nhiệm…
Hồng Kông khủng hoảng vào thời điểm tệ hại nhất cho Bắc Kinh
Cũng phân tích về tình hình Hồng Kông, nhưng nhật báo Tài Kinh Tân Văn, được Courrier International trích đăng, đã ghi nhận là cuộc khủng hoảng tại đặc khu kinh tế này nổ ra vào thời điểm tệ hại nhất cho Bắc Kinh.
Theo tờ báo kinh tế có uy tín tại Hồng Kông, do đang bị vướng vào cuộc đọ sức với Mỹ, chính quyền Bắc Kinh đã phản ứng vừa phải trước phong trào biểu tình phản kháng rầm rộ ở Hồng Kông mà phía châm ngòi không phải là Trung Quốc, mà là chính quyền đặc khu và lãnh đạo là bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga.
Tờ báo Hồng Kông giải thích : Từ ngày thu hồi Hồng Kông từ tay Anh Quốc từ năm 1997 đến nay, Bắc Kinh chưa hề đòi hỏi một bộ luật dẫn độ. Sáng kiến về dự luật gây tranh cãi hoàn toàn đến từ bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, điều được chính bà và phe thân Bắc Kinh tại Hồng Kông xác nhận. Trong hoàn cảnh đó, khi cần thiết, chính quyền trung ương hoàn toàn có thể trút toàn bộ trách nhiệm lên đầu trưởng đặc khu nếu tình hình xấu đi.
Cuộc biểu tình rầm rộ đầu tiên ngày 09/06 và các vụ xô xát giữa cảnh sát và sinh viên ngày 12/06 đã khiến Bắc Kinh chấn động, và ngay sau đó, họ đã cử phó thủ tướng Hàn Chính (Han Zheng), người đặc trách Hồng Kông tại Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Trung Quốc, đi gặp bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga tại Thâm Quyến, sát cạnh Hồng Kông.
Nhân vật này đã ra lệnh kết thúc cuộc khủng hoảng, có lẽ trong cuộc họp ngày 14/06 với trưởng đặc khu Hồng Kông, và một hôm sau, quyết định đình chỉ dự luật được tuyên bố.
Theo báo Tài Kinh Tân Văn, việc Bắc Kinh đòi dẹp dự luật dẫn độ có thể có liên quan đến việc Đạo Luật Dân Chủ và Nhân Quyền Hồng Kông được đưa ra Quốc Hội Mỹ vào ngày 14/06, quy định việc đánh giá hàng năm tình trạng tự trị của Hồng Kông, xem đấy là điều kiện để có thể duy trì quy chế thương mại đặc biệt của đặc khu với Hoa Kỳ…
Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang gia tăng trên toàn thế giới, Bắc Kinh muốn Hồng Kông tiếp tục có được quy chế pháp lý và thương mại đặc biệt vốn có, vì thông qua thành phố mở này, Trung Quốc vẫn có thể hy vọng sẽ tiếp tục có được các công nghệ và thông tin thiết yếu vào lúc đang phải chống lại một cuộc chiến thương mại do Hoa Kỳ khởi động.
Người Trung Quốc, dù là học giả, chuyên gia hay quan chức cao cấp, hiện đang gặp khó khăn trong việc xin visa vào Mỹ, Hồng Kông như vậy rất thuận tiện cho việc tiếp xúc với đối tác ngoại quốc…
Mặt khác, có khả năng tổng thống Mỹ Donald Trump muốn ngăn chặn các công ty Trung Quốc, đặc biệt là các công ty nhà nước, tiếp cận thị trường vốn của Hoa Kỳ. Mối đe dọa đó biến Hồng Kông thành một nơi quan trọng hơn để huy động vốn. Vì vậy, Bắc Kinh không muốn Hồng Kông rơi vào khủng hoảng.
Courrier International: Iran sẽ lùi bước
Tình hình căng thẳng trong quan hệ Teheran-Washington dĩ nhiên đã được Courrier International chú ý. Tạp chí Pháp đã dành bài xã luận tuần này để trả lời cho câu hỏi : « Iran hay Hoa Kỳ, bên nào sẽ chịu thua trước ? »
Đối với Courrier International, tổng thống Mỹ Donald Trump đã đặt cược trên khả năng ép được Iran đàm phán lại, để đạt được một thỏa thuận hạt nhân phù hợp với ông hơn so với hiệp định năm 2015. Nhưng lịch sử 40 năm qua của Cộng Hòa Hồi Giáo Iran đã cho thấy là họ không muốn nhượng bộ, ít ra là khi cảm thấy bị mất mặt. Và những tuyên bố gần đây về sự vượt quá của quota uranium được cho phép là biểu hiện mới nhất.
Tại Teheran, tiếng nói của những người ủng hộ đàm phán hầu như bị tắc hoàn toàn, trong lúc lực lượng Vệ Binh Cách Mạng, đạo quân song song của chế độ, thành phần kiểm soát các mảng lớn của nền kinh tế Iran thì vui mừng trong khả năng xung đột nổ ra. Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đã tước đi nguồn doanh thu chính của họ đến từ thị trường chợ đen. Cho dù đã bị Washington đưa vào danh sách các tổ chức khủng bố, lực lượng này là cột trụ của chế độ.
Ngoài ra, theo Courrier International, trong 12 năm đàm phán dẫn đến thỏa thuận năm 2015, Iran cũng đã dao động giữa hai chiến thuật đe dọa hay trấn an, sử dụng các đòn bẩy khác nhau tùy theo tình hình quốc tế. Rất có thể là Iran rốt cuộc sẽ chọn phương án thực dụng là đảm bảo sự tồn tại của chế độ và tránh chiến tranh.
Thế nhưng, câu hỏi mà tuần báo Pháp đặt ra là ngay cả Iran lùi bước, liệu ông Trump có thể dung hòa được các yêu cầu của Teheran với các đòi hỏi của các đồng minh của ông hay không, nhất là của Ả Rập Xê Út và Israel.
L’Express: Nước Pháp trên đà lão hóa
Trang bìa tạp chí L’Express dành cho xu hướng già đi của nước Pháp với dòng tựa: « Hiểm họa xám – Le Péril gris ».
Theo L’Express, vốn dành một hồ sơ 12 trang cho chủ đề này, hiện đã có 13,1 triệu người Pháp hơn 65 tuổi, tức 1 người trên 5, nhưng theo những dự phóng mới nhất của viện thống kê Insee, năm 2070 con số người ở lớp tuổi này sẽ đạt mức 22 triệu tức 30% dân số. Đi vào chi tiết, lượng người trên 75 tuổi sẽ tăng gấp đôi, người hơn 85 tuổi sẽ tăng gấp 4 lần.
Xu hướng lượng người già tăng nhanh này, trước tiên là một tin vui: Tuổi thọ người Pháp được kéo dài. Có điều, khi trong 50 năm nữa, số người Pháp hơn 65 tuổi sẽ gần 35% cao hơn số dưới 20 tuổi, tất cả sẽ bị xáo trộn : từ thị trường lao động, đến việc tài trợ cho các chế độ an sinh xã hội, nhà ở, chuyên chở…
L’Obs: Hãy hợp pháp hóa việc dùng cần sa
Tạp chí L’Obs tuần này dành trang bìa và một hồ sơ 14 trang cho việc hợp pháp hóa cần sa và công bố lời kêu gọi của 70 nhân vật quan trọng, muốn nhà nước Pháp hợp pháp hóa việc sử dụng cần sa, trong trị liệu cũng như trong giải trí, đối với người trên 18 tuổi.
Tạp chí không mấy tán đồng khi thấy các láng giềng của Pháp như Bỉ, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… đều đã nới lỏng luật lệ về cần sa, Canada, Uruguay và nhiều tiểu bang Mỹ thì đã hợp pháp hóa việc dùng cần sa, trong lúc Pháp vẫn chần chừ, « bám víu » vào một luật cấm của năm 1970, một đạo luật hoàn toàn vô hiệu vì Pháp, theo tạp chí, là nước có mức tiêu thụ cần sa cao nhất Châu Âu.
L’Obs đã phỏng vấn hai chuyên gia kinh tế Emmanuelle Auriol et Pierre-Yves Geoffard, tác giả một bản báo cáo gởi lên thủ tướng chính phủ Pháp yêu cầu chấm dứt việc cấm đoán và hợp pháp hóa cần sa, « nhân danh sức khỏe công cộng và nhu cầu chống buôn lậu ».
Để chống lại lập luận cho rằng việc hợp pháp hóa này sẽ tác hại đến sự cân bằng về kinh tế trong các khu phố mà tệ nạn buôn lậu cần sa rất mạnh, hai tác giả bản báo cáo đã cho rằng những khu phố này chịu tác hại nhiều hơn là được lợi do nạn buôn lậu cần sa. Họ còn cho rằng việc hợp pháp hóa cần sa sẽ giúp cảnh sát đỡ được gánh nặng liên quan, và sẽ có điều kiện tập trung vào những hành vi phạm tội khác.
Các công tình nghiên cứu cũng cho thấy rõ các hành vi phạm tội đã giảm nhiều ở những nơi hợp pháp hóa cần sa, trong lúc cần sa, ngược lại với rượu, làm giảm bớt sự hung hăng.
Theo thăm dò dư luận của viện Ifop vào năm 2018, có 51% người Pháp sẵn sàng chấp nhận việc hợp pháp hóa này.
Le Point: Hiện tượng cực đoan hóa theo Hồi Giáo
trong các cơ quan công cộng Pháp
Tuần báo Pháp tiết lộ nội dung một báo cáo nóng bỏng chưa công bố về hiện tượng cực đoan hóa mà các cơ quan công cộng, nhất trong ngành chuyên chở công cộng chưa mấy đề cao cảnh giác. Tạp chí chạy một tựa ngắn gọn : Cơ quan công cộng đối mặt với Hồi Giáo cực đoan.
Theo Le Point một nhóm nghiên cứu chuyên trách của Quốc Hội đang đánh giá chính sách của Nhà Nước Pháp trong việc đối phó với tình trạng cực đoan hóa và cục bộ cộng đồng. Nhóm này đã hoàn thành một báo cáo mà các kết luận sẽ được công bố vào ngày 26/06/2019.
Căn cứ vào tường trình của các công chức cao cấp và các nhà hoạt động trên hiện trường, bản phúc trình sẽ nêu chi tiết xu hướng cực đoan hóa, cụ thể là đi theo luận điệu của các thành phần Hồi Giáo cực đoan tại Pháp, và chính sách của nhà nước để đối phó với hiện tượng đáng ngại này.
Theo Le Point, báo cáo cho thấy là đa số các cơ quan nhà nước đã ý thức được rõ mối nguy hiểm, và đã có những hướng chống lại. Vấn đề là không phải cơ quan nào cũng quan tâm đúng mức. Hệ thống nhà tù, một trong những môi trường để Hồi Giáo cực đoan phát triển đã có phản ứng tốt, hệ thống trường học đang trên đà cải thiện. Còn yếu kém là hệ thống bệnh viện.
Một ví dụ nhận thức kém về nguy cơ này đã được Le Point nêu bật là tình trạng tại công ty chuyên chở công cộng Paris RATP. Người ta đã ghi nhận nhiều dấu hiệu cực đoan hóa như nhân viên để râu rậm, những buổi cầu nguyện thường nhật, nhưng cơ sở cấm phụ nữ. Thế nhưng, giới chức trách nhiệm ở đó vẫn không chịu xem đó là những biểu hiện của đà xu hướng cực đoan hóa.
The Economist : Texafornia là tương lai nước Mỹ
Riêng tạp chí Anh The Economist thì dành trang bìa cho một “thực thể” mới tại Mỹ được tờ báo gọi là Texafornia, ghép từ tên của hai đại tiểu bang Hoa Kỳ Texas và California.
Giải thích về tên gọi lạ lùng đó, tuần báo Anh cho rằng tương lai nước Mỹ sẽ được viết tại hai tiểu bang đó. Trong một hồ sơ đặc biệt, The Economist ghi nhận rằng Texas và California là những bang lớn nhất, năng động nhất, quan trọng nhất của nước Mỹ, và đặc biệt là cả hai đều tin chắc rằng họ là tương lai của Hoa Kỳ.
Trong vài thập kỷ qua, họ đã đi theo hai hướng đối lập nhau, trở thành một loại phòng thí nghiệm để xác định xem nước Mỹ hoạt động tốt hơn theo mô hình nào.
Mô hình Texas, theo The Economist, là một nơi có thuế thấp, có ít quy định ràng buộc, trong đó chính phủ hỗ trợ rất ít cho người dân. Còn California là một nơi có thuế cao, có nhiều luật lệ ràng buộc, trong đó vai trò của chính phủ là giải quyết các vấn đề, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, thường được coi là công việc của chính quyền liên bang.
Cách vận hành của hai bang này có cái hay cái dở, và tuần báo Anh cho rằng nước Mỹ nói chung có thể học tập rất nhiều từ hai bang này, để tạo ra một nơi lý tưởng chỉ áp dụng những cái tốt đến từ Texas và California. The Economist đề nghị đặt cho đất nước tưởng tượng đó cái tên là Texafornia.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190622-hong-kong-hai-trieu-tieng-noi-chong-trung-quoc
Tin đọc nhanh
( AFP ) – Trump bổ nhiệm tân bộ trưởng Quốc Phòng.
Hôm qua, 21/06/2019, tổng thống Donald Trump đã bổ nhiệm ông Mark Esper làm tân bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ. Hôm thứ ba vừa qua, ông Esper đã thay thế ông Patrick Shanahan trong cương bị quyền bộ trưởng Quốc Phòng. Việc bổ nhiệm ông Esper làm tân bộ trưởng Quốc Phòng còn phải được Thượng Viện Mỹ chuẩn y.
(AFP) – Hoa Kỳ chuẩn bị bắt giữ 2000 di dân bất hợp pháp.
Truyền thông Mỹ ngày 21/06/2019 cho biết chiến dịch này có thể khởi động ngay từ Chủ Nhật 22/06. Tổng thống Mỹ ngày thứ Hai tuần này (17/06) trên Twitter thông báo sẽ trục xuất « hàng triệu » di dân bất hợp pháp. Dòng tin nhắn này của ông đã thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình chuẩn bị đang diễn ra từ nhiều tuần nay.
(AFP) – Phủ Cao Ủy Nhân Quyền LHQ kêu gọi Caracas trả tự do cho các tù nhân chính trị.
Lời khuyến nghị này được bà Michelle Bachelet, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đưa ra trong buổi họp báo ngày 21/06/2019, kết thúc chuyến đi thị sát ba ngày tại Venezuela. Lãnh đạo Cao ủy Nhân quyền cho biết thêm sẽ thành lập các phái đoàn để giám sát vấn đề nhân quyền tại Venezuela.
(AFP) – Albani : Biểu tình đòi thủ tướng từ chức.
Trong một cuộc biểu tình hiếm hoi không xảy ra một vụ rối loạn nào, hôm qua, 21/06/2019, hàng ngàn người đã một lần nũa đòi thủ tướng Edi Rama từ chức, vì nhân vật này bị tố cáo tham nhũng và có liên hệ với tổ chức tội phạm. Từ thứ ba, những người thuộc phe đối lập cánh hữu đã xông các phòng phiếu, thường đặt trong các trường học, phá hủy các thùng phiếu và lá phiếu để phản đối việc tổ chức bầu cử địa phương ngày 30/06.
(AFP) – Sri Lanka gia hạn tình trạng khẩn cấp.
Thế nhưng, sắc lệnh do tổng thống Maithripala Sirisena ban hành ngày 22/06/2019 lại không giải thích rõ vì sao tổng thống Sri Lanka lại đổi ý và kéo dài tình trạng khẩn cấp. Cuối tháng 5/2019, ông Sirisena phát biểu trước đại diện ngoại giao của các nước Úc, Canada, Nhật Bản, Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu khác là tình hình an ninh « 99% đã trở lại bình thường » và ông sẽ dỡ bỏ các biện pháp khẩn cấp vào ngày 22/06.
( AFP ) – Bóng đá Mỹ : Đấu tranh đòi bình quyền nam nữ.
Theo tin từ nhật báo The Wall Street Journal hôm qua, 21/06/2019, sau Cúp thế giới 2019, Liên đoàn bóng đá Mỹ và đội tuyển quốc gia nữ sẽ thương lượng với nhau để giải quyết đơn kiện của các nữ tuyển thủ đương kim vô địch thế giới đòi được trả lương và tiền thưởng bằng các nam tuyển thủ, cũng như đòi những điều kiện tập luyện như bên nam giới.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190622-tin-doc-nhanh