Tin khắp nơi – 19/06/2019
Hải quân Mỹ nói có bằng chứng Iran dính líu
đến vụ tấn công tàu chở dầu
Hải quân Hoa Kỳ hôm thứ Tư 19/6 trưng bày các mảnh của loại thủy lôi từ tính và một mẩu nam châm mà họ nói đã lấy ra từ một trong hai tàu chở dầu bị tấn công ở Vịnh Oman hồi tuần trước. Hải quân Mỹ nói các quả thủy lôi này có sự tương đồng đáng kinh ngạc với các thủy lôi của Iran.
Hoa Kỳ hiện đang tiến hành chiến dịch trừng phạt với áp lực tối đa đối với Iran nhằm ngăn chặn các hoạt động về hạt nhân và trong khu vực của Iran. Mỹ đã và đang cố gắng tạo dựng sự đồng thuận quốc tế cho rằng Iran đứng đằng sau các vụ gây nổ tàu tuần trước, cũng như cuộc tấn công hồi ngày 12/5 vào 4 tàu chở dầu ngoài khơi Các tiểu Vương quốc A rập Thống nhất. Tehran phủ nhận chuyện họ có bất cứ liên quan gì đến cả hai vụ tấn công gần eo biển Hormuz.
Quân đội Hoa Kỳ trước đó đã công bố những hình ảnh họ nói là cho thấy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đã gỡ một quả thủy lôi từ tính chưa nổ khỏi tàu chở dầu Kokuka Courageous thuộc sở hữu của Nhật Bản. Tàu này cũng bị nổ cùng với tàu Front Altair thuộc sở hữu của Na Uy hôm 13/6.
“Thủy lôi từ tính được sử dụng trong vụ tấn công có thể nhận dạng riêng và nó nhìn cũng rất giống với các thủy lôi của Iran đã được trưng bày công khai trong các cuộc duyệt binh của quân đội Iran”, Trung tá hải quân Sean Kido nói. Ông là chỉ huy của một nhóm đặc nhiệm về lặn và trục vớt vật liệu nổ thuộc Bộ Tư lệnh Trung tâm Lực lượng Hải quân (NAVCENT).
Ông đã phát biểu với các phóng viên tại một cơ sở của NAVCENT gần cảng Fujairah của Các tiểu Vương quốc A rập Thống nhất. Lời thuyết minh cho hay các mảnh thủy lôi được lấy ra từ tàu Kokuka Courageous, được trưng bày cùng với một mẩu nam châm được cho là do nhóm Vệ binh Cách mạng Iran cố tình để lại, và ghi lại trong một đoạn video.
Washington và Riyadh đã công khai đổ lỗi cho Iran về cuộc tấn công hồi tuần trước và vụ phá hoại 4 con tàu hồi tháng trước, bao gồm hai tàu chở dầu của A rập Thống nhất, ngoài khơi Fujairah. Một số quốc gia châu Âu đã nói rằng cần có thêm bằng chứng.
Một nguồn tin quân sự phương Tây nói với Reuters rằng các quốc gia có quân nhân trú đóng ở vùng Vịnh đang chờ Hoa Kỳ lãnh đạo các nỗ lực tăng cường an ninh trên biển ở vùng Vịnh.
Mỹ phạt các hãng dùng Campuchia
để trốn thuế của TT Trump đánh vào TQ
Hoa Kỳ vừa phạt một số công ty vì họ xuất khẩu hàng thông qua một đặc khu kinh tế thuộc sở hữu của Trung Quốc đặt tại Campuchia nhằm né thuế mà Tổng thống Donald Trump đánh vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc, một quan chức Đại sứ quán Mỹ tại Phnom Penh nói với Reuters hôm thứ Tư 19/6.
Đầu tháng này, hải quan Việt Nam cho biết họ cũng phát hiện nhiều trường hợp các nhà xuất khẩu gắn trái phép nhãn mác “Made in Vietnam” (Sản xuất tại Việt Nam) lên hàng Trung Quốc, nhằm tránh thuế quan do chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang diễn ra.
“Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ đã kiểm tra và phạt một số công ty vì trốn thuế ở Hoa Kỳ bằng cách đưa hàng hóa đi vòng qua Campuchia”, phát ngôn viên Đại sứ quán Hoa Kỳ Arend Zwartjes nói với Reuters trong một tuyên bố gửi qua email.
“Những công ty này nằm trong Đặc khu Kinh tế Sihanoukville của Campuchia”, ông Zwartjes nói, nhưng không nêu tên hoặc cho biết có bao nhiêu công ty đã bị phạt vì né thuế, hay mức phạt bằng từng nào, cũng như hàng hóa mà các công ty đã xuất khẩu là gì.
Trung Quốc là nước viện trợ và đầu tư lớn nhất vào Campuchia, rót hàng tỷ đô la trợ giúp phát triển và cho vay thông qua Sáng kiến Vành đai-Con đường, đại dự án nhằm mục đích tăng cường kết nối trên bộ và trên biển với Đông Nam Á, Trung Á, Trung Đông, Châu Âu và Châu Phi.
Đặc khu Kinh tế Sihanoukville (SSEZ), cách thủ đô Phnom Penh 210 km về phía tây, là một liên doanh giữa Trung Quốc và Campuchia trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai-Con đường. Các doanh nghiệp ở đó sản xuất hàng dệt may, túi xách và các sản phẩm da, theo trang mạng của đặc khu.
Mỹ-Trung hâm nóng đàm phán thương mại
trước cuộc họp Trump-Tập tại G20
Tổng thống Trump hôm 18/6 cho hay phái đoàn của hai bên sẽ bắt đầu chuẩn bị cho hai nhà lãnh đạo gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản. Trung Quốc trước đây từ chối cho biết liệu hai nhà lãnh đạo có gặp nhau hay không, nay đã xác nhận cuộc họp thượng đỉnh này.
“Đã có cuộc nói chuyện bằng điện thoại rất tốt với . Chúng tôi sẽ có cuộc gặp mở rộng vào tuần tới tại G20 ở Nhật Bản. Các toán liên hệ của chúng tôi sẽ bắt đầu thảo luận trước cuộc gặp của chúng tôi,” ông Trump nói trong một Twitter.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang trong vòng tranh chấp về thương mại gây nhiều thiệt hại, tạo áp lực lên thị trường tài chánh và làm thiệt hại cho kinh tế thế giới.
Những cuộc thảo luận để đạt được một thỏa thuận rộng lớn tan vỡ trong tháng qua sau khi các giới chức Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc rút lại các cam kết đã được thỏa thuận trước đây. Kể từ đó tiếp xúc giữa đôi bên đã bị hạn chế, và ông Trump liên tiếp đe dọa sẽ áp thêm thuế đối với hàng Trung Quốc trong một cuộc leo thang mà doanh nghiệp cả hai bên đều muốn tránh.
Các giới chức Tòa Bạch Ốc từ chối đưa ra chi tiết về việc chuẩn bị hay kỳ vọng về kết quả của những cuộc thảo luận tại Nhật, nhưng cả hai bên đều nhắc lại lập trường kiên quyết trước đây. Các giới chức Mỹ kêu gọi thay đổi cơ cấu trong nền kinh tế Trung Quốc và cách thức Trung Quốc đối xử với các doanh nghiệp Mỹ.
Đáp lại, Trung Quốc kêu gọi đối thoại thay vì áp đặt thuế quan cao.
(Theo Reuters)
Tổng thống Trump
phát động chiến dịch tái tranh cử 2020
Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức khởi động chiến dịch tái tranh cử 2020, kêu gọi những người ủng hộ “giữ đội ngũ này” trong bốn năm nữa.
Ông Trump tuyên bố tái tranh cử trước hàng ngàn người ủng hộ tại Florida, ông gọi tiểu bang này là “ngôi nhà thứ hai của tôi”.
Ông dùng bài phát biểu để đả kích đảng Dân chủ, cáo buộc họ cố gắng “chia rẽ đất nước của chúng ta”.
Các cuộc thăm dò sớm xếp ông Trump đứng sau một số đối thủ tiềm năng của đảng Dân chủ.
Paul Manafort, cựu giám đốc tranh cử của Trump bị bỏ tù
Trump nói sẵn sàng ‘nhận’ tin xấu về đối thủ từ nước ngoài
Lầu Năm Góc: ‘Không được chính trị hóa quân đội’
“Chúng tôi sẽ đảm bảo nước Mỹ vĩ đại trở lại,” ông Trump nói tại buổi vận động ở Orlando vào tối 18/6. “Tối nay tôi đứng trước các bạn để chính thức khởi động chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ thứ hai với tư cách là tổng thống Hoa Kỳ.”
Ông Trump nhắc lại chiến dịch tranh cử đầu tiên của mình, tuyên bố đó là “một phong trào chính trị vĩ đại”.
“Miễn là bạn giữ được đội ngũ này, chúng ta có một con đường rộng lớn để tiến lên. Tương lai của chúng ta chưa bao giờ trông tươi sáng hay sắc nét hơn thế.”
Ông Trump nhắc lại lời hứa trong chiến dịch tranh cử của ông năm 2016 rằng ông sẽ trấn áp nhập cư bất hợp pháp, cảnh báo các đối thủ đảng Dân chủ muốn hợp pháp hóa vấn đề di cư qua biên giới phía nam.
Một ngày trước đó, tổng thống Trump viết trên Twitter rằng giới chức sẽ “trục xuất hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp vào Hoa Kỳ”.
Ông Trump nói gì về kế hoạch trục xuất?
Ông Trump viết trên Twitter tối 17/6 rằng những người di cư không có giấy tờ ở Mỹ sẽ bị “trục xuất nhanh như khi họ đến”.
Thông thường, Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE) thường không công bố các cuộc đột kích và giới chức của cơ quan này nói với truyền thông Hoa Kỳ rằng họ không biết tổng thống sẽ tweet về các kế hoạch như vậy.
Đầu tháng này, Giám đốc ICE, Mark Morgan, cho biết chính quyền sẽ nhắm mục tiêu đến những người di cư đã nhận được lệnh trục xuất cuối cùng, bao gồm cả các gia đình.
Trong các tweet vào tối thứ Hai, ông Trump cũng so sánh “luật nhập cư” của Mexico – sản phẩm của một thỏa thuận mới nhằm ngăn chặn thuế Mỹ – với các chính sách biên giới của đảng Dân chủ Hoa Kỳ.
Như một phần của thỏa thuận, Mexico đang triển khai 6.000 nhân viên Vệ binh Quốc gia tới biên giới để trấn áp di cư Trung Mỹ.
Một quan chức cao cấp của Mexico nói với hãng tin Associated Press rằng số người di cư đến biên giới Hoa Kỳ đã giảm từ 4.200 xuống 2.600 mỗi ngày.
Chuyện gì đang diễn ở Florida?
Hàng ngàn người ủng hộ tập trung trước địa điểm tổ chức meeting của tổng thống Trump.
Một số người cắm trại bên ngoài khu vực Amway Center ở Orlando từ sáng sớm thứ Hai 17/6.
CBS News tường thuật rằng nhiều người trong số này xếp kinh tế và nhập cư trong số những mối quan tâm hàng đầu của họ – vấn đề mà ông Trump chắc chắn sẽ nói tới trong suốt chiến dịch tranh cử của mình.
Florida là một tiểu bang quan trọng và là nơi mà ông Trump giành chiến thắng sít sao trong năm 2016.
Một ‘cuộc chạy thử’
Phân tích của Anthony Zurcher, BBC Bắc Mỹ
Tối 18/6 tại Orlando, ông Donald Trump chính thức tuyên bố ông chạy đua ứng cử một nhiệm kỳ tổng thống bốn năm nữa.
Điều này hoàn toàn không gây ngạc nhiên, vì ông Trump đã nộp hồ sơ tái tranh cử 2020 vào ngay sau lễ nhậm chức tháng 1/2017 và thường xuyên tổ chức các cuộc gặp theo phong cách chiến dịch tranh cử tại khắp các tiểu bang từ đó đến nay.
Và cũng vậy vào thứ Ba 18/6, tại Florida, một trong những mặt trận bầu cử quan trọng nhất mà tổng thống Trump dứt khoát phải dành thắng lợi năm 2020, vấn đề bây giờ không phải ở chỗ ông Trump có chạy đua tái tranh cử hay không mà là không sẽ chạy đua như thế nào.
Điều gì đang xảy ra trong các cuộc thăm dò?
Theo Gallup, tỷ lệ ủng hộ Trump chưa bao giờ vượt quá 46% – và tính đến tháng trước, tỷ lệ này giảm xuống 40%.
Kết quả thăm dò khả quan nhất của ông đến từ Rasmussen, với tỷ lệ ủng hộ là 48%.
Và khi so sánh với những đối thủ đảng Dân chủ, một cuộc thăm dò từ hãng tin yêu thích của ông Trump, Fox News, đã xếp ông sau ông Biden 10 điểm phần trăm và Bernie Sanders 9 điểm.
Elizabeth Warren và Kamala Harris cũng đứng trước ông Trump, dù với tỷ lệ nhỏ hơn.
Các trợ lý của tổng thống đã chỉ ra rằng ông đã bị xóa tên trong các cuộc thăm dò vào năm 2016.
Chiến dịch tranh cử của Trump được cho là đã sa thải một số nhân viên thăm dò sau khi tin tức rò rỉ cho thấy ông Trump sẽ thua Đảng Dân chủ vào năm tới tại một số bang quan trọng.
Nhưng ông Trump thì kiên quyết rằng các cuộc thăm dò cho thấy “chúng ta dẫn đầu trong tất cả 17 swing state [những bang mà sự chênh lệch giữa tỷ lệ ủng hộ của ứng viên này không nhiều hơn là bao so với ứng viên kia, và người thắng cử lần này có thể là của đảng Cộng hòa hay Dân chủ thay đổi theo từng mùa bầu cử].
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48686886
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ rút lui
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan rút lui trong việc được đề cử làm lãnh đạo Ngũ Giác Đài, Tổng thống Donald Trump ngày 18/6 loan báo.
Quyết định được đưa ra giữa lúc có báo cáo về bạo hành trong gia đình ông Shanahan, giữa vợ cũ với con trai của ông và giữa ông với vợ cũ. Tin này xuất hiện trong lúc FBI kiểm tra lý lịch của ông Shanahan trước khi có phiên điều trần chuẩn nhận tại Thượng viện.
Tổng thống Trump nói Bộ trưởng Lục quân, Mark Esper, sẽ được đề cử làm quyền Bộ trưởng quốc phòng mới. Ông Esper được kính trọng tại Ngũ Giác Đài được xem như là nhân vật hàng đầu trong chức vụ này nếu cuối cùng ông Shanahan không được chuẩn nhận.
Ông Trump cho biết quyết định này là do ông Shanahan muốn có nhiều thời gian cho gia đình và việc này sẽ kéo dài thêm thời kỳ dài nhất nước Mỹ không có Bộ trưởng Quốc phòng. Ông Shanahan là người giữ chức quyền Bộ trưởng quốc phòng lâu nhất trong lịch sự nước Mỹ, theo như số liệu của Ngũ Giác Đài.
Một nguồn tin cho Reuters biết ông Shanahan gặp Tổng thống Trump tại Phòng Bầu dục vào sáng 18/6 và thông báo muốn từ chức. Nguồn tin ẩn danh nói với Reuters là quyết định này hoàn toàn 100% là của ông Shanahan.
Vài giờ sau khi cử ông Esper làm quyền Bộ trưởng, Tổng thống Trump cho biết ông có thể sẽ đề cử ông Esper làm tân Bộ trưởng Quốc phòng.
(Theo Reuters)
Nghị sĩ Mỹ
quyết ngăn ông Trump bán vũ khí cho Ả rập Xê út
Thượng nghị sĩ Mỹ Bob Menendez ngày 18/6 bắt đầu một tiến trình chính thức chặn kế hoạch của Tổng thống Donald Trump muốn bán hơn 8 tỉ đô la trang bị quân sự cho Ả rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Trong một bài diễn văn tại Thượng viện, ông Menendez yêu cầu Thượng viện cứu xét ngay một nghị quyết không chấp thuận kế hoạch bán các vũ khí có hướng dẫn chính xác cho Ả rập Xê-út.
Đây là nghị quyết đầu tiên trong số 22 nghị quyết như vậy bác bỏ việc bán trang cụ quân sự đã được các Thượng nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa đưa ra hồi tháng trước. Chuyện này xảy ra sau khi chính quyền ông Trump tuyên bố “tình trạng khẩn cấp” vì những hành động của Iran để bỏ qua tiến trình duyệt xét của Quốc hội và hoàn tất thỏa thuận vũ khí.
Thượng nghị sĩ Menendez nói Ả rập Xê-út đã sử dụng loại vũ khí hướng dẫn chính xác hay PGM do công ty Raytheon chế tạo trong việc giết hại một số thường dân vô tội trong chiến dịch hiện nay tại Yemen.
Tin nói Tòa Bạch Ốc
từng cân nhắc giáng chức ông Powell
Trước đây trong năm các luật sư Tòa Bạch Ốc thăm dò các biện pháp pháp lý để tước bỏ chức Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang của ông Jerome Powell và giáng cấp để ông trở thành một trong bảy Thống đốc của Ngân hàng Trung ương Mỹ, Reuters thuật lại một tin đăng tải trên Bloomberg hôm 18/6.
Cố vấn kinh tế Tòa Bạch Ốc Larry Kudlow từ chối xác nhận hay phủ nhận tin này, vốn được đăng trong lúc ông Powell triệu tập một cuộc họp ấn định lãi suất. Tuy nhiên, ông Kudlow nói với các phóng viên tại Tòa Bạch Ốc là Tổng thống Donald Trump không cứu xét bất kỳ thay đổi nào về tình trạng của ông Powell.
Ông Trump đã chỉ trích Cục Dự trữ Liên bang (Fed) vì điều mà ông cho là phá hoại các chính sách kinh tế và thương mại của ông bằng cách duy trì chính sách quá cứng nhắc. Tổng thống Trump cũng than phiền là dưới sự lãnh đạo của ông Powell, Fed đã trở nên “điên rồ.”
Ông Powell được ông Trump bổ nhiệm để thay bà Janet Yellen trong nhiệm kỳ 4 năm kéo dài cho đến năm 2022.
Bloomberg News, dẫn nguồn từ những người thạo tin, cho hay văn phòng luật sư Tòa Bạch Ốc đã xem xét khía cạnh pháp lý để giáng chức ông Powell vào tháng 2 năm nay sau khi ông Trump thảo luận về việc cách chức Chủ tịch Fed, một việc chưa có tiền lệ trong 100 năm lịch sử của Fed.
Ông Kudlow nói: “Fed độc lập, hành động theo thời điểm và cách thức riêng.”
Ông Powell từng tuyên bố không tin là Tổng thống có quyền cách chức ông và rằng ông sẽ không đáp yêu cầu từ chức.
(Theo Reuters/Bloomberg)
Những điều không thể đảo ngược
nếu Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ
Tổng thống Mỹ, Donald Trump vào hôm qua, 18/06/2019, đã chính thức loan báo tranh cử nhiệm kỳ 2. Ông Trump, mừng sinh nhật thứ 73 hôm 14/06, đã luôn tỏ ra nôn nóng lao vào cuộc tranh cử cho năm 2020.
Nhiều người đến giờ tỏ ra nghi ngờ về khả năng thắng cử của ông do hàng loạt tai tiếng, nhưng một số chuyên gia nhìn thấy nhiều yếu tố có thể giúp ông tái đắc cử.
Trên tờ Huffington Post, ngày 18/06/2016, Jean-Eric Braana, chuyên gia về Hoa Kỳ và Donald Cuccioletta, chuyên gia về chính trị Mỹ tại Montréal, Canada, đã nêu bật khả năng trên và còn nhìn thấy một số quyết định đáng tiếc không thể đảo ngược được.
Hai chuyên gia nhắc lại là cho dù ông Trump bị nhiều người chỉ trích, nhất là trên báo chí hay các mạng xã hội, thì không nên quên rằng ông cũng có một nền tảng cử tri vững chắc ủng hộ. Ông đã được bầu vào năm 2016 trên cơ sở một chương trình gây nhiều tranh cãi và việc ông cố gắng thực hiện những điều đã hứa, đôi khi không dễ dàng chút nào, như xây bức tường ở biên giới với Mêhicô, có thể khuyến khích cử tri đảng Cộng Hòa và những thành phần bảo thủ bỏ phiếu cho ông một lần nữa.
Vì sao Donald Trump có nhiều khả năng tái đắc cử
Theo Hufington Post, tổng thống đương nhiệm đang nắm được nhiều lợi thế để được tái đắc cử, trước tiên hết là những số liệu cho thấy kinh tế tốt lên.
Về kinh tế Mỹ, mới đây tạp chí Mỹ Forbes đã ghi nhận : « Tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất, lạm phát cũng vậy và nhịp độ tạo công việc làm dồn dập. Những người nghiên cứu về chính sách của tổng thống, ai cũng biết rằng kinh tế mạnh là yếu tố quan trọng nhất hỗ trợ cho tổng thống mãn nhiệm ».
Nhiều yếu tố khác thuận lợi đáng kể nữa : thuế giảm, nước Mỹ « thái bình » vì chủ nhân Nhà Trắng đã giảm xuống mức tối thiểu sự hiện quân đội Mỹ ở những nước có tình hình căng thẳng.
Ngoài ra, căn cứ vào lịch sử, rất hiếm khi cử tri Mỹ ngăn không cho một tổng thống mãn nhiệm làm tiếp nhiệm kỳ thứ hai, ngoại trừ một số trường hợp cá biệt như đối với Jimmy Carter và George Bush cha. Các ông Nixon, Reagan, Clinton, G.W. Bush et Obama, tất cả đều được bầu lại nhiệm kỳ 2, bất kể việc ít ra hai người trong số này đã gây nhiều tranh cãi. Nhưng nghịch lý là những tổng thống gây tranh cãi nhiều nhất lại là những người có xu hướng tập hợp nhiều cơ may tái đắc cử, như tờ Forbes ghi nhận.
Nhìn chung, khả năng có « thêm 4 năm nữa » có vẻ không nằm ngoài tầm tay của ông Trump, và điều này sẽ cho phép ông tiếp tục và củng cố quan điểm của ông.
Những điều khó thể đảo ngược
Đối với giới phân tích, trong chiều hướng đó, hậu quả của một số quyết định của tổng thống Mỹ sẽ không thể đảo ngược được nữa.
Theo ghi nhận của chuyên gia Donald Cuccioletta, thì « quan điểm của ông Trump sẽ cứng rắn thêm, đi xa hơn nữa trong các mục tiêu đề ra, ví dụ như việc xây bức tường, cuộc chiến thương mại với Trung Quốc vốn có thể trở thành một cuộc chiến quân sự, hay củng cố quan hệ với Bắc Triều Tiên, cho đất nước này một tầm quan trọng lớn hơn ».
Giới quan sát cho rằng có 3 lãnh vực chịu tác động từ các chính sách của ông Trump mà hậu quả sẽ khó có thể đảo ngược được. Trước tiên hết là lãnh vực khí hậu.
Hậu quả do chính sách khí hậu của ông Trump và việc ông rút khỏi Hiệp Định Paris sẽ đè nặng hơn nữa lên khí hậu. Chuyên gia Jean-Eric Braana lấy làm tiếc là « không thể bù lại được thời gian mà Hoa Kỳ đã bỏ bê, không quan tâm đến khí hậu, không kiểm soát việc thải khí CO2. Thời gian có hạn, khí hậu hâm nóng đã bắt đầu tác hại và nếu ông Trump được bầu 4 năm nữa thì thời gian này vĩnh viễn bị lãng phí, không còn cơ cứu vãn ».
Nếu ông Trump được bầu cho một nhiệm kỳ 4 năm nữa thì phải đợi đến năm 2025 để cường quốc hàng đầu thế giới giảm khí thải – với điều kiện người kế nhiệm ông Trump, tích cực lao vào.
Theo Global Carbon Project, một nhóm chuyên gia liên chính phủ về chuyển biến khí hậu, nếu việc « phi carbon hóa » có thể bắt đầu trên thế giới vào năm 2000, thì việc giảm 2% khí thải có thể đủ để duy trì mức khí hậu hâm nóng dưới 2 độ C. Bây giờ thì phải cố giảm đến 5% mỗi năm và nếu đợi một thập niên nữa thì phải giảm đến 9%. Hiện tại, mức thải CO2 vẫn tăng lên.
Tiến trình thứ hai không thể đảo ngược là cuộc chạy đua vũ trang
« Chiến tranh giải quyết tất cả các vấn đề ». Chuyên gia Donald Cuccioletta nhắc lại đây là suy nghĩ của John Bolton, cố vấn an ninh Nhà Trắng, và ông đã quyết định thực hiện câu nói này, khởi động một cuộc chạy đua vũ trang khó cản lại được.
Theo ông Cuccioletta, việc ông Trump tấn công vào các liên minh, rút ra khỏi các hiệp định như hiệp định hạt nhân Iran, hiệp định kiểm soát vũ khí, đã khiến thế giới trở nên nguy hiểm hơn nhiều, một thời kỳ căng thẳng không an toàn.
Đây cũng là quan điểm của báo The Atlantic mà tờ Huffington Post trích dẫn : Nếu ông Trump được bầu lại, nhiều quốc gia có thể chọn trang bị cho mình vũ khí hạt nhân, đặc biệt những nước trong các vùng đã nhờ đến bảo đảm an ninh của Mỹ như Trung Đông và Đông Bắc Á. Một kịch bản sẽ khai tử chế độ toàn cầu không phổ biến hạt nhân mà Hoa Kỳ và châu Âu đã xúc tiến thành công.
Chuyên gia Donald Cuccioletta ghi nhận là « Brazil đang trang bị vũ khí hạt nhân với sự giúp đỡ của ông Trump », và khi một quốc gia trang bị vũ khí nguyên tử thì quá trễ để quay đầu lại.
Một xu thế khó có thể đảo ngược khác nếu ông Trump đắc cử nhiệm kỳ thứ hai là thế cân bằng của Tòa Án Tối Cao Mỹ sẽ nghiêng hẳn về hướng bảo thủ, với những hậu quả hệ trọng cho xã hội Mỹ.
Donald Trump đã đưa vào định chế tư pháp có thẩm quyền cao nhất nước Mỹ hai thẩm phán bảo thủ : Neil Gorsuch, một người có quan điểm chống phá thai, tán thành việc mang vũ khí, và Brett Kavanaugh. Vị thẩm phán này vào Tòa Án Tối Cao đã phá thế cân bằng, đặt các thẩm phán xu hướng tiến bộ vào thế thiểu số, tức 4 trên 9, và tình trạng đó sẽ kéo dài trong nhiều năm.
Nhiệm kỳ 2 của ông Trump sẽ còn khiến Tòa Án Tối Cao mất thêm cân bằng : Thẩm phán cao niên nhất của tòa án, bà Ruth Bader Ginsburg, 86 tuổi, bị ung thư, đã hứa cầm cự cho đến hết nhiệm kỳ đầu của ông Trump… nhưng có lẽ bà sẽ không trụ được thêm 4 năm nữa.
Nếu bà ra đi thì Tòa Án Tối Cao sẽ mất đi một thẩm phán Dân Chủ, tiến bộ, tài năng và ông Trump có thể đưa vào thêm một thẩm phán bảo thủ.
Ngoài ra, thẩm phán tiến bộ khác Stephen Breyer sẽ 82 tuổi vào năm 2020, tuy nhiên theo Donald Cuccioletta, sức khỏe của ông vẫn tốt, có thể cầm cự thêm một nhiệm kỳ mới của ông Trump.
Những thay đổi trong Tòa Án Tối Cao không phải là không có hậu quả trên bình diện xã hội, nhất là về quyền của phụ nữ chẳng hạn : trong những tuần lễ gần đây, người ta đã thấy nhiều tiểu bang đưa ra luật lệ rất gắt gao trong việc phá thai. Mục tiêu là buộc Tòa Án Tối Cao xem lại luật lệ ban hành năm 1973, điều khoản gọi là « Roe vs.Wade » đưa quyền phá thai vào Hiến Pháp. Khả năng xem xét lại rất có thể diễn ra với một đa số bảo thủ ở Tòa Án.
Donald Trump sẽ nắm quyền lực gần như tuyệt đối
Nhờ hai thẩm phán mà ông đưa vào Tòa Án Tối Cao, Donald Trump có nhiều tự do hành động hơn. Tuy nhiên, từ năm 2018, ông đã không thể thực sự cho thông qua những luật mới vì đã mất đa số ở Hạ Viện sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, và ông phải sử dụng đến sắc lệnh để hành động.
Nhưng sau cuộc bầu cử tổng thống 2020, thì ông Trump vẫn có thể giành lại Hạ Viện và điều đó được cho là không khó.
Theo Donald Cuccioletta, « không nên bịt mắt trước thực tế là dù ông Trump không nắm được Hạ Viện, thì ngay trong số các dân biểu Dân Chủ cũng có những người bảo thủ có thể chấp nhận một số luật mà ông Trump đề nghị, và như thế dù không được rảnh tay như trước, nhưng ông vẫn có thể cho thông qua những dự luật bảo thủ », nhất là trong địa hạt phá thai hay những giới hạn nghiêm khắc đối với người đồng tính, đặc biệt những người chuyển giới.
Chuyên gia Jean – Eric Braana đi đến kết luận : « Phải thừa nhận rằng nếu được bầu lại, thì ông Trump sẽ vô cùng mạnh mẽ và chứng minh là việc ông được bầu năm 2016 không phải là một sai lầm, và người Mỹ muốn các chính sách mà ông đề nghị. Kế đến, thắng lợi của ông là thất bại của đảng Dân Chủ, vấn đề sẽ được đặt lại từ phía bên trong đảng, có thể dẫn đến khủng hoảng nghiêm trọng do các bất đồng nội bộ, mọi người đổ lỗi cho nhau. Chính trường Mỹ sẽ kinh qua một giai đoạn rất khó khăn. »
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190619-nhung-dieu-khong-the-dao-nguoc-neu-trump-tai-dac-cu-tong-thong-my
Chuyên gia LHQ: Có bằng chứng
thái tử A rập Xê út đứng sau vụ giết Khashoggi
Một điều tra viên về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc nói hôm thứ Tư 19/6 rằng Thái tử A rập Xê út Mohammed bin Salman và các quan chức cấp cao khác của nước này cần phải bị điều tra về vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi vì có bằng chứng đáng tin cậy là họ phải chịu trách nhiệm về cái chết của nhà báo.
Adel al-Jubeir, Bộ trưởng Ngoại giao A rập Xê út, bác bỏ báo cáo của điều tra viên LHQ, cho rằng “không có gì mới”.
Agnes Callamard, báo cáo viên đặc biệt của LHQ về các vụ hành quyết phi pháp, kêu gọi các nước áp dụng quyền tài phán chung đối với vụ việc mà bà gọi là tội phạm quốc tế và thực hiện bắt giữ nếu các cá nhân liên quan bị chứng minh là có trách nhiệm.
Trong một bản báo cáo dựa trên cuộc điều tra kéo dài sáu tháng, bà cũng kêu gọi các nước mở rộng các biện pháp trừng phạt để bao gồm cả vị thái tử, nhân vật được nhiều nước xem là lãnh đạo trên thực tế của A rập Xê út; cũng như tài sản cá nhân của ông ta ở nước ngoài, cho đến khi và trừ khi ông có thể chứng minh rằng ông ta không phải chịu trách nhiệm.
Khashoggi, một người chỉ trích thái tử và viết chuyên mục cho tờ Washington Post, được nhìn thấy lần cuối tại lãnh sự quán A rập Xê út ở Istanbul vào ngày 2/10/2018, nơi ông làm thủ tục giấy tờ trước đám cưới của mình.
Thi thể của ông đã bị cắt rời và bị đem ra khỏi tòa nhà, một công tố viên của A rập Xê út cho biết, nhưng người ta vẫn chưa tìm được hài cốt của ông.
CIA và một số nước phương Tây tin rằng vị thái tử đã ra lệnh giết ông, điều này bị các quan chức A rập Xê út phủ nhận.
WB: ‘Vành đai-Con đường’
có thể tăng tốc phát triển, nhưng cần minh bạch
Sáng kiến hạ tầng cơ sở quy mô của Trung Quốc mang tên ‘Vành đai-Con đường’ có thể đẩy nhanh phát triển kinh tế và giảm đói nghèo cho nhiều quốc gia đang phát triển, Ngân hàng Thế giới nhận định hôm 18/6 trong một phúc trình mới kêu gọi cải cách chính sách sâu rộng và minh bạch hơn đối với sáng kiến này.
Theo bản phúc trình bị trì hoãn lâu nay, Vành đai-Con đường gồm một chuỗi các bến cảng, đường ray, đường bộ và cầu cống cùng những đầu tư khác nối liền Trung Quốc với châu Âu qua Trung và Nam Á, có thể đưa 32 triệu người thoát khỏi tình trạng nghèo đói nếu được thực thi đầy đủ.
Tuy nhiên, sáng kiến này kèm theo những “nguy cơ đáng kể” vì thiếu minh bạch và các vấn đề định chế tại một số nền kinh tế tham gia sáng kiến, Ngân hàng Thế giới nói.
“Hoàn tất tham vọng của sáng kiến Vành đai-Con đường đòi hỏi những cải cách tham vọng của các nước tham gia,” bà Ceyla Pazarbasioglu, Phó Chủ tịch phụ trách mảng tăng trưởng đồng đều thuộc Ngân hàng Thế giới, cho biết.
“Cải tiến báo cáo dữ liệu và minh bạch hóa-đặc biệt là về nợ-mua bán của chính phủ rõ ràng, tuân thủ những tiêu chuẩn xã hội và những tiêu chuẩn môi trường cao nhất sẽ giúp một cách đáng kể,” bà Pazarbasioglu nói thêm.
Tân Chủ tịch của Ngân hàng Thế giới David Malpass không tham dự thượng đỉnh Vành-Con đường tháng 4 năm nay. Ông Malpass là một người chỉ trích sáng kiến này khi còn là một giới chức tại Bộ Tài chính Hoa Kỳ.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu
bác bỏ cáo buộc của Trump
Theo hãng tin AFP, hôm qua, 18/06/2019, chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu ( BCE ) Mario Draghi đã bác bỏ cáo buộc của tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng BCE thao túng các hối suất theo hướng có lợi cho khu vực đồng euro.
Sáng hôm qua, ông Draghi đã tuyên bố là Ngân hàng Trung ương châu Âu có thể bắt đầu hạ thấp trở lại các lãi suất. Ngay lập tức, tổng thống Mỹ đã có phản ứng, cho rằng đây là một mưu toan của khu vực đồng euro nhằm làm giảm tỷ giá giữa đồng euro so với đôla, qua đó thúc đẩy xuất khẩu của các nước châu Âu.
Trên mạng Twitter, tổng thống Trump viết : « Ông Draghi vừa thông báo là những biện pháp mới có thể kích thích nền kinh tế và tuyên bố này ngay lập tức đã làm sụt giá đồng euro so với đôla, tạo ra một lợi thế bất chính để cạnh tranh với Hoa Kỳ ».
Đáp lại những chỉ trích của tổng thống Mỹ, tại một cuộc hội thảo do BCE tổ chức ở Bồ Đào Nha, ông Draghi khẳng định là ngân hàng này không hề đề ra mục tiêu về hối suất, mà nhiệm vụ của ông trong nhiệm kỳ chủ tịch BCE chỉ là bảo đảm ổn định giá cả. Dầu sao, việc chủ tịch BCE lại nêu khả năng giảm các lãi suất đã làm tăng nhiều điểm chỉ số của các thị trường chứng khoán hôm qua.
Theo hãng tin AFP, Cục Dự trữ Liên bang ( Ngân hàng Trung ương ) Mỹ hôm nay họp lại và các nhà đầu tư chờ đợi những tín hiệu cho thấy định chế này, sau nhiều tháng cưỡng lại áp lực của tổng thống Trump và của các thị trường, cuối cùng cũng sẽ quyết định giảm các lãi suất. Sự thay đổi thái độ này là do tình hình kinh tế thế giới đang suy giảm, thêm vào đó là căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ với các đối tác chính, đặc biệt là với Trung Quốc và Liên Hiệp Châu Âu.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190619-chu-tich-ngan-hang-trung-uong-chau-au-bac-bo-cao-buoc-cua-trump
Boris Johnson bỏ xa đối thủ
trong cuộc đua giành chức thủ tướng Anh
Trong vòng bỏ phiếu thứ hai ngày hôm qua, 18/06/2019, trong nội bộ các nghị sĩ đảng Bảo Thủ Anh để chọn ứng viên vào chức lãnh đạo đảng, điều kiện để trở thành người kế nhiệm thủ tướng Anh Theresa May đã xin từ chức, cựu ngoại trưởng Boris Johnson đã được 126 phiếu, trong khi người về nhì, đương kim ngoại trưởng Jeremy Hunt chỉ được 46 phiếu.
Trong số 10 ứng cử viên tính ra chỉ còn có 5 người là hội đủ số phiếu cần thiết để tiếp tục cuộc đua giành hai vị trí đầu. Với kết quả hôm qua, ông Johnson đã củng cố thêm vị thế là người nhiều triển vọng về đầu, trong lúc 4 người còn lại sẽ phải cố tranh vị trí thứ hai.
Điểm đáng chú ý là nhân vòng hai này của cuộc bầu lãnh đạo đảng Bảo Thủ, ông Johnson đã chấp nhận tham gia một cuộc tranh luận truyền hình, trái với Chủ Nhật vừa qua.
Thông tín viên RFI tại Luân Đôn Muriel Delcroix tường trình :
Bị chỉ trích rất dữ dội vì đã tránh không tham gia cuộc thảo luận Chủ Nhật vừa qua, Boris Johnson lần này đã đồng ý đối đầu với các ứng viên khác còn lại. Là người có nhiều triển vọng nhất trong cuộc chạy đua, cựu ngoại trưởng Anh và cựu đô trưởng Luân Đôn được chờ đợi nhiều nhất trên vấn đề nóng bỏng Brexit, và ông một lần nữa đã khẳng định quyết tâm rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu vào thời hạn mới 31 tháng 10 tới đây.
Ông nói : Tôi nghĩ là hoàn toàn có thể đi ra vào ngày 31 tháng 10. Nếu chúng ta cứ nói là thời hạn cuối mà rốt cuộc không phải là cuối, và để ngày 31/10 trội qua như là ngày 29/03, rồi tháng 4 vừa qua, thì tôi nghĩ là người dân Anh sẽ rất hoang mang !
Tuy nhiên? ý muốn không một có chút bảo đảm cụ thể đó đã bị đả kích, và nhìn chung, vấn đề Brexit đã dẫn đến một cuộc tranh luận nháo nhào giữa các ứng viên đảng Bảo Thủ. Không một ứng viên nào thuyết phục được khán giả được mời tham gia buổi truyền hình.
Họ rất bực bội trước sự thiếu vắng thực chất cũng như giải pháp rõ ràng về Brexit hay trong chương trình của các ứng viên.
Các nghị sĩ đảng Bảo Thủ sẽ bỏ phiếu lần nữa vào thứ Tư và thứ Năm, và các ứng viên sẽ đấu nhau để giành hạng 2 bên cạnh Boris Johnson trước khi đảng viên Bảo Thủ bỏ phiếu thông qua đường bưu điện. »
Bà Angela Merkel có thực sự “ổn” về sức khỏe?
Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng bà vẫn ổn, sau khi bà được trông thấy “run bắn người” liên tục trong lúc chào đón tổng thống Ukraine trong một ngày nóng nực ở Berlin hôm 18/6/2019.
Bà Merkel, 64 tuổi, “run bần bật” khi đứng cạnh ông Volodymyr Zelensky trong khi một ban nhạc quân đội cử quốc ca của hai nước dưới ánh nắng giữa trưa hôm thứ Ba.
Nhiệt độ tại thủ đô nước Đức đã lên tới 30C vào thời điểm đó.
Tôi đã uống ít nhất ba ly nước và vì vậy đã ổnThủ tướng Đức Angela Merkel
Ukraine: Cả nhóm làm truyền hình lên nắm quyền
Bầu cử Ukraine: Diễn viên hài Zelensky thắng áp đảo
Bà Merkel thảo luận vụ Trịnh Xuân Thanh ở Slovakia
Angela Merkel sẽ nghỉ làm thủ tướng năm 2021
Bà Merkel nói rằng bà bị mất nước.
“Tôi đã uống ít nhất ba ly nước và vì vậy đã ổn.”
Thủ tướng đã trả lời một câu hỏi về sức khỏe của bà tại một cuộc họp báo chung với Tổng thống Zelensky.
‘An toàn’
Trong khi đó, ông Zelensky, một diễn viên hài đắc cử tổng thống, nói rằng ông sẽ cứu trợ nếu cần thiết.
“Bà ấy đứng cạnh tôi và hoàn toàn an toàn,” ông nói.
Bà Merkel là một trong những chính trị gia có ảnh hưởng nhiều nhất của Liên minh Châu Âu.
Bà còn được mô tả là Hoàng hậu nước Đức và thậm chí là Nữ hoàng của Châu Âu.
Bà Merkel đưa ra tuyên bố sẽ từ chức khi nhiệm kỳ hiện tại – cũng là nhiệm kỳ thứ tư của bà – đáo hạn vào năm 2021.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48613216
Hà Lan nêu tên bốn nghi phạm
trong vụ bắn rơi phi cơ MH17
Ba người đầu được công tố viên trong cuộc điều tra ở Hà Lan nói là làm việc cho Liên bang Nga.
Còn ông Leonid Kharchenko là người Ukraine, chỉ huy một đơn vị vũ trang chống chính phủ Kiev ở vùng phía Đông Ukraine.
Công tố viên lần đầu tiên nêu đích danh bốn nghi phạm bị buộc tội chịu trách nhiệm trong vụ vận chuyển hỏa tiễn vào khu vực bắn lên chiếc phi cơ hành khách, giết chết 298 người gồm cả phi hành đoàn vào tháng 7/2014.
Chuyến bay xấu số của hàng không Malaysia trên đường từ Amsterdam đi Kuala Lumpur thì bị bắn hạ.
Vụ xử án sẽ được bắt đầu chính thức ở Hà Lan vào ngày 9/03/2020.
Lệnh truy nã quốc tế đã được ban ra để bắt bốn người đàn ông nêu trên.
‘Nga phải chịu trách nhiệm’ vụ bắn MH17
Tên lửa bắn rơi MH17 là ‘của quân đội Nga’
Putin cổ vũ huyền thoại Thế chiến Hai
Phi công TQ ‘bị hút nửa người’ ra ngoài máy bay
Nhóm điều tra do Hà Lan chỉ đạo (JIT) nói họ sẽ xử các nghi phạm theo luật Hà Lan, và trước đó đã cho hay họ có một “danh sách dài” những người sẽ được mời ra làm nhân chứng, vì cuộc điều tra vẫn đang tiếp tục.
Igor Girkin (còn là Strelkov) từng mang hàm đại tá trong Cục An ninh Liên bang Nga (FSB).
Tại khu vực phiến quân thân Nga kiểm soát ở Donetsk ông ta được phong làm “bộ trưởng quốc phòng” và là nhân vật cao cấp nhất liên lạc với Liên bang Nga.
Ông Girkin đã ra tuyên bố nói: “các nhóm dân quân không bắn hạ chiếc Boeing”.
Sergei Dubinskiy (còn có tên là Khmuriy), làm việc cho Quân báo Nga – GRU.
Oleg Pulatov, hay Giurza, là cựu quân nhân Đặc nhiệm Spetznaz của GRU.
Còn người Ukraine, Leonid Kharchenko không phải quân nhân nhưng đã chỉ huy một nhóm vũ trang ở vùng Đông Ukraine.
Trong số gần ba trăm nạn nhân vụ bắn rơi chiếc phi cơ MH17 có ba mẹ con trong gia đình gốc Việt, quốc tịch Hà Lan, bị tử nạn.
Đó là bà Nguyễn Ngọc Minh (sinh năm 1977) và hai con là Đặng Minh Châu (sinh 1997) và Đặng Quốc Huy (sinh 2001) trên đường quá cảnh tại Kuala Lumpur, Malaysia, để về Hà Nội nghỉ hè cùng gia đình.
Hồi tháng 5/2018, Úc và Hà Lan – hai nước có nhiều công dân bị chết trong vụ MH17, cáo buộc Nga phải chịu trách nhiệm đã bắn rơi phi cơ.
Hai nước này nói họ muốn đàm phán mà chưa đưa vụ việc ra toà án quốc tế.
https://www.bbc.com/vietnamese/48693233
Iran tuyên bố phá vỡ một mạng lưới gián điệp Mỹ
Vào lúc quan hệ với Washington đang cực kỳ căng thẳng, chính quyền Teheran vào hôm qua, 18/06/2019, khẳng định đã phá vỡ được một mạng lưới gián điệp « mới » hoạt động cho Mỹ.
Theo hãng thông tấn chính thức IRNA, trích dẫn « lãnh đạo cơ quan phản gián thuộc bộ Tình Báo », nhưng không nêu tên, thì đây là một màng lưới gián điệp mới bao gồm những người vừa được Mỹ tuyển mộ. Màng lưới này đã bị phát hiện và phá vỡ « trên cơ sở các thông tin tình báo của chính Iran và những manh mối thu thập được từ các cơ quan tình báo Mỹ ».
Cũng theo IRNA, một số điệp viên trong màng lưới do cơ quan tình báo Mỹ CIA thành lập đã bị bắt và giao cho bộ Tư Pháp Iran. Tuy nhiên, hãng tin Iran không cho biết số lượng điệp viên làm cho Mỹ cũng như quốc tịch các kẻ bị tình nghi.
Thông báo trên đây được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Iran, gây lo ngại cho cả Nga và Trung Quốc.
Căng thẳng giữa Iran và Mỹ đã lên cao hơn thêm khi Washington vào hôm thứ Hai, 17/06/2019 loan báo tăng số quân Mỹ đóng tại Trung Đông, trong lúc phía Iran thông báo sẽ vượt các giới hạn về chương trình hạt nhân mà họ đã chấp nhận trước đây khi ký kết hiệp định hạt nhân năm 2015.
Cuộc tấn công vào tàu chở dầu vào tháng 5 và 6 ở vùng vịnh Oman mà Washington quy trách nhiệm cho Iran càng đổ thêm dầu vào lửa.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190619-iran-tuyen-bo-pha-vo-mot-mang-luoi-gian-diep-my
Bắn lựu đạn cay vào tủ kính Hong Kong
Nguyễn Xuân Nghĩa
Hành chánh Trưởng quan Lâm Trịnh Nguyệt Nga có thể từ chức vì dự luật dẫn độ gây ra khủng hoảng tại Hong Kong, mà Tổng bí thư Tập Cận Bình thì không. Đấy mới là vấn đề của Trung Quốc. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu nghịch lý này…
Vì sao Hong Kong khủng hoảng?
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, đề tài tuần này sẽ là vụ khủng khoảng tại Hong Kong khi dự luật dẫn độ lại gây phản ứng dữ dội của người dân khiến vị Hành chánh Trưởng quan là bà Carrie Lâm hay Lâm Trịnh Nguyệt Nga phải đình chỉ việc Nghị viện thảo luận về văn kiện này rồi xin lỗi người dân. Theo dõi vụ khủng hoảng, ông nghĩ sao và cho rằng chúng ta nên kết luận như thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Tôi nghĩ rằng cái gốc của vụ khủng hoảng Hong Kong nằm tại Bắc Kinh và thuộc về trách nhiệm của chính Tổng bí thư Tập Cận Bình.
– Sau ba vụ biểu tình phản đối dự luật mang ý nghĩa lịch sử vào các ngày chín, 12 và 16, lịch sử vì số người tham gia quá đông vào hai ngày Chủ Nhật và vì sự đàn áp quá nặng của Cảnh sát vào ngày Thứ Tư 12, Chính quyền Hong Kong phơi bày sự bất lực trước làn sóng phẫn nộ của dân chúng. Nhưng mà Bắc Kinh khó giải nhiệm bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga nên sự phẫn nộ vẫn còn và điều ấy mới là vấn đề cho ông Tập Cận Bình. Chúng ta sẽ từng bước tìm hiểu tại sao…
Người dân Hong Kong có dân trí rất cao, và giới trẻ Hong Kong có dân khí rất mạnh. Họ không cần có tổ chức và lãnh đạo hay lãnh tụ mà gây khó cho một chế độ có nhiều phương tiện tân tiến để kiểm soát tư tưởng và hành vi của mọi người.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyên Lam: Thưa ông, chúng ta sẽ khởi đi từ dự luật dẫn độ gây tai tiếng này hay từ những biến cố nào khác xảy ra trước đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Sau khi tiếp thu Hong Kong từ nước Anh vào mùng một Tháng Bảy năm 1997, lãnh đạo Bắc Kinh lầm tưởng rằng sức mạnh kinh tế của Trung Quốc tất nhiên vượt qua Hong Kong – như với hai trung tâm tài chính là Thượng Hải và Thâm Quyến nay đã hội nhập vào luồng giao dịch với quốc tế – nên đặc khu mất dần tầm quan trọng và cũng mất dần quy chế tự trị mà Bắc Kinh đã cam kết trước đó. Đấy là sự lầm lẫn thứ nhất.
– Thứ hai, sau khi tăng cường kiểm soát hệ thống cai trị đặc khu này – ban đầu thì còn kín đáo rồi ngày càng lộ liễu kể từ năm 2014 về sau – Bắc Kinh cân nhắc rủi ro kinh tế với rủi ro chính trị và tưởng có thể vượt qua được rủi ro chính trị nên mới bầy ra dự luật dẫn độ để kiểm soát Hong Kong mà không ngờ người dân đặc khu lại phản ứng đông đảo và kiên định như vậy nên đành để cho Đặc khu trưởng lãnh trách nhiệm. Thật ra, trách nhiệm nằm trong tay Tổng bí thư Tập Cận Bình. Lầm lẫn thứ hai này là sự chủ quan của viên Tổng bí thư sau khi đã thâu tóm quyền lực tuyệt đối vào trong tay.
Trách nhiệm của ai?
Nguyên Lam: Vì sao ông có vẻ nhấn mạnh đến trách nhiệm của viên Tổng bí thư Tập Cận Bình?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Vì chính ông ta nói ra điều ấy khi thăm Hong Kong trong ba ngày, chứng giám lễ nhậm chức của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga và đọc bài diễn văn hôm mùng một Tháng Bảy năm 2017 nhân lễ kỷ niệm 20 năm Hong Kong “hồi quy cố quốc”. Trong bài diễn văn, họ Tập nói tới hai khía cạnh kinh tế và chính trị của Hong Kong và rằng, tôi xin trích dẫn; “bất cứ dự tính nào đe dọa chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, hay thách đố quyền hạn của chính quyền trung ương (tại Bắc Kinh) hoặc dùng Hong Kong để xâm nhập hay phá hoại Hoa lục đều là hành động vượt qua lằn ranh đỏ và không thể chấp nhận được. Hong Kong phải cải tiến hệ thống luật lệ để tôn trọng chủ quyền, an ninh và sự thịnh vượng của quốc gia”. Quốc gia ở đây là Trung Cộng và lời tuyên bố ấy của Tập Cận Bình có nghĩa là Hong Kong chỉ là một tỉnh của Trung Quốc thôi mà chẳng cần đợi tới năm 2047 như đã thỏa thuận với Anh quốc về tương lai Hong Kong theo nguyên tắc “nhất quốc lưỡng chế” trong 50
năm. Việc ban hành đạo luật dẫn độ là một “cải tiến luật lệ” theo lệnh của họ Tập, có thể do Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Hàn Chính chỉ đạo việc thi hành cho Carrie Lâm thực hiện.
Nguyên Lam: Nói về tầm quan trọng kinh tế và chính trị của Hong Kong, ông cho rằng ông Tập Cận Bình còn sai lầm ở điều gì nữa?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Trước khi về với Trung Quốc thì sản lượng kinh tế của Hong Kong cao bằng khoảng 25% sản lượng kinh tế Trung Quốc. Ngày nay, sản lượng của Hong Kong chưa tới 3% của sản lượng Hoa lục và còn thua sản lượng của thành phố Thâm Quyến. Nhưng Tập Cận Bình đánh giá sai rủi ro chính trị vì mặc dù có được du học nước ngoài, ông ta không nhận chân giá trị của Đặc khu này là chế độ pháp lý mà người dân đã hưởng từ lâu.
– Chúng ta ta nên nhớ rằng Kong Kong không có dân chủ vì là một thuộc địa của Anh, với lãnh đạo do Đế quốc Anh chỉ định. Nhưng Hong Kong vẫn có tự do, thuộc loại tự do nhất thế giới nhờ chế độ pháp trị, tức là hệ thống luật lệ công khai minh bạch áp dụng cho mọi người và được mọi người tuân thủ. Đấy là tủ kính trưng bày giá trị của luật pháp khiến thiên hạ vui vẻ làm ăn với niềm tin là luật lệ sẽ bảo vệ quyền tự do cho mọi người, nhờ đó ai cũng có quyền phê bình và sáng tạo. Sức mạnh kinh tế của Hong Kong chỉ là kết quả của hệ thống luật lệ nghiêm minh trong tinh thần cởi mở, phê bình và sáng tạo.
Nguyên Lam: Và thưa ông, phải chăng Tổng bí thư Tập Cận Bình đánh giá sai cái nền tảng căn bản đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Đúng như vậy. Một người đã tập trung quyền lực và có toàn quyền ban hành mọi luật lệ tại Hoa lục như Tập Cận Bình thì nghĩ luật lệ của Hong Kong có thể nhiễm độc vào Trung Quốc và thu hẹp quyền hạn của mình nên mới đòi sửa với luật dẫn độ. Ông ta thọc tay bóp nát cái bánh da lợn mà chẳng đạt kết quả mà chỉ làm tinh thần tự do của Hong Kong càng bùng phát.
– Kết cuộc thì cảnh sát Hong Kong đã bắn lựu đạn cay vào tủ kính tráng lệ của một phòng triển lãm vĩ đại trước sự chứng kiến của cả thế giới và đạo diễn của bi hài kịch này là Tập Cận Bình khó đổ lỗi cho ai khác.
Ưu thế tự do
Nguyên Lam: Nếu vậy, thưa ông, phải chăng ưu thế tự do chứ không phải là sức mạnh kinh tế của Hong Kong mới là mối nguy chính trị cho lãnh đạo Bắc Kinh?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Tôi cho rằng thế hệ Đặng Tiểu Bình hiểu ra ưu thế của Hong Kong khi cần phát huy tinh thần sáng tạo và học từ Hong Kong những gì sẽ áp dụng cho Thâm Quyến nên có đạt kết quả chuyển hóa rất ngoạn mục.
– Nhưng tình hình Trung Quốc ngày nay đã khác, với quá nhiều bài toán bên trong và vì các bài toán đó, lãnh đạo của đảng Cộng sản mới dần dần trao toàn quyền cho Tập Cận Bình. Họ tưởng rằng chế độ độc tài toàn trị sẽ giải quyết được mọi việc. Đấy là một sai lầm khác của họ Tập: ông ta không thể giải quyết được mọi vấn đề, như nâng cao sức tiêu thụ nội địa, bảo vệ môi sinh và giải trừ nguy cơ khủng hoảng tài chính vì núi nợ quá lớn trong khi đà tăng trưởng cứ giảm dần. Ta chưa nói gì về áp lực rất mạnh của Hoa Kỳ nhằm thay đổi hệ thống luật lệ Trung Quốc cho thông thoáng minh bạch hơn. Thông thoáng minh bạch như…. Hong Kong.
Như mọi nhà độc tài cổ kim, Tập Cận Bình tưởng quyền lực tuyệt đối là sức mạnh vô song, không ai địch nổi. Tuổi trẻ Hong Kong vừa chứng minh ngược, và sẽ còn tiếp tục nên làm suy yếu vị trí của Tập Cận Bình.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyên Lam: Thưa ông, liệu sức ép của Hoa Kỳ có góp phần gây ra vụ khủng hoảng tại Hong Kong hay chăng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Lãnh đạo Bắc Kinh đang muốn giải thích như vậy cho đảng viên cán bộ trong khi hoàn toàn kiểm duyệt mọi nguồn tin để dân Hoa lục không thể biết gì về những gì đang xảy ra tại Hong Kông. Vô hình chung, thế giới lại thấy tủ kính Hong Kong bốc khói vì bị quăng lựu đạn cay trong khi dân Trung Quốc bị bịt mắt nên chẳng thấy cả triệu người Hong Kong biểu tình rầm rộ.
– Tôi ngờ rằng dù không thể nói ra, Tập Cận Bình cũng biết mình đang lâm vào khủng hoảng cho nên tăng cường kiểm soát và đàn áp người dân Trung Quốc. Nhưng chính vì vậy, ông ta mới sợ tinh thần cởi mở từ Hong Kong sẽ gieo họa vào Hoa Lục, như ông phát biểu cách nay đúng hai năm tại Hong Kong. Hy sinh tự ái, họ Tập muốn Bắc Kinh xiết gọng kìm để kiểm soát Hong Kong, nào ngờ gọng kìm lại gẫy trước sự chứng giám của cả thế giới!
Nguyên Lam: Nếu vậy, chúng ta có thể nào kết luận rằng ông Tập Cận Bình đã lấy rủi ro lớn khi muốn kiểm soát Hong Kong và nay lại gặp một rủi ro lớn hơn?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Thưa rằng đúng như vậy. Người dân Hong Kong có dân trí rất cao, và giới trẻ Hong Kong có dân khí rất mạnh. Họ không cần có tổ chức và lãnh đạo hay lãnh tụ mà gây khó cho một chế độ có nhiều phương tiện tân tiến để kiểm soát tư tưởng và hành vi của mọi người. Họ sẽ còn tiếp tục biểu tình phản đối để bảo vệ được nền tự do của Hong Kong, lần tới sẽ là Chủ Nhật 30 Tháng Sáu và Thứ Hai mùng một Tháng Bảy, nhân lễ kỷ niệm “hồi quy cố quốc” ngày một Tháng Bảy 1997.
– Bên cạnh đó, Đài Loan cũng thấy sự phá sản của nguyên tắc “nhất quốc lưỡng chế” – một quốc gia hai chế độ chính trị – mà Bắc Kinh hứa áp dụng cho Hong Kong và Đài Loan. Dân Hong Kong đã chống lại chế độ chính trị do Bắc Kinh áp đặt cho mình, dân Đài Loan cũng thấy số phận đen tối của họ sau này khi bị Bắc Kinh thống hợp bằng ngoại giao hay quân sự. Như mọi nhà độc tài cổ kim, Tập Cận Bình tưởng quyền lực tuyệt đối là sức mạnh vô song, không ai địch nổi. Tuổi trẻ Hong Kong vừa chứng minh ngược, và sẽ còn tiếp tục nên làm suy yếu vị trí của Tập Cận Bình.
– Hậu quả là người dân Hoa lục sẽ bị đàn áp mạnh hơn cho nên các vấn đề kinh tế xã hội lại dội ngược lên chính trị làm cái “trật tự thế giới theo kiểu Bắc Kinh” mà Tập Cận Bình đang rao bán cho các nước sẽ là một hỗn độn lớn!
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích tuần này.
Người biểu tình không chấp nhận
lời xin lỗi của lãnh đạo Hồng Kông
Hôm qua, 18/06/2019, lãnh đạo Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã công khai xin lỗi người dân đặc khu này vì đã để xảy ra cuộc khủng hoảng về dự luật dẫn độ gây tranh cãi. Nhưng những người biểu tình chống dự luật dẫn độ không chấp nhận lời xin lỗi của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, nhất là vì bà không chịu rút lại văn bản này, cũng như không từ chức.
Từ Hồng Kông, thông tín viên Florence de Changy gởi về bài tường trình :
« Họ cho biết rất phẫn nộ và không thõa mãn chút nào về những lời xin lỗi của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, vì bà đã không đáp ứng bất cứ yêu sách nào trong bốn yêu sách được đưa ra. Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga thậm chí không chính thức rút lại dự luật gây tranh cãi, mà chỉ nhắc lại rằng, do vấn đề thời hạn của thủ tục, dự luật này sẽ không thể được xem xét trước khi kết thúc nhiệm kỳ của nghị viện hiện nay.
Tuy vậy, những người tổ chức vẫn còn đang ở thế mạnh. Cho đến nay họ đã tổ chức được hai cuộc biểu tình với tầm mức chưa từng có : một cuộc biểu tình quy tụ 1 triệu người, còn cuộc biểu tình một tuần sau đó đã có sự tham gia của 2 triệu người.
Hiện giờ những người tổ chức phong trào phản kháng vẫn kiểm soát được lực lượng của họ và cho biết : Chúng tôi cũng đã nhận được nhiều đề xuất mới để bảo toàn sức mạnh của phong trào.
Tuy nhiên, họ cũng tỏ ra thận trọng và đang tham khảo ý kiến qua các cuộc họp với phe đối lập dân chủ, với các công đoàn của đủ mọi ngành và với các lãnh đạo tôn giáo.
Mặt trận Dân sự Nhân quyền hy vọng sẽ công bố được kế hoạch hành động của họ trong những ngày tới. Trong khi đó, phe thân Bắc Kinh tại nghị viện đã chấp nhận những lời xin lỗi của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga. Phe này cho rằng đã đến lúc lật qua một trang mới, chấm dứt cuộc khủng hoảng. »
Trong khi đó, tại cuộc họp của Hội đồng Lập pháp Hồng Kông hôm nay, nhiều nghị sĩ phe đối lập đã chỉ trích lực lượng an ninh về việc sử dụng vũ lực với những người biểu tình vào ngày 12/06. Hôm đó, cảnh sát đã dùng hơi cay, dùi cui, đạn cao su để đẩy lùi những người biểu tình đang xông vào định chiếm tòa nhà Hội đồng Lập pháp Hồng Kông. Vụ đàn áp này đã bị công luận lên án đến mức vào thứ Bảy tuần trước, lãnh đạo Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã phải thông báo đình hoãn việc đưa dự luật dẫn độ ra biểu quyết.
Tập Cận Bình ‘kiên quyết
ủng hộ nỗ lực của Bình Nhưỡng’
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố nước này ủng hộ Bắc Hàn “chỉnh hướng” trong việc giải quyết vấn đề chính trị trên bán đảo Triều Tiên, theo báo Rodong Sinmun của Bình Nhưỡng.
Reuters cho biết, bài xã hội đăng trên trang nhất cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên là vinh dự hiếm khi được trao cho các nhà lãnh đạo nước ngoài và được đăng một ngày trước chuyến thăm Bình Nhưỡng của ông Tập.
Trump sẽ gặp Tập Cận Bình tháng tới
TQ trấn an thế giới về Vành đai và Con đường
‘Vành đai, Con đường’: Tập Cận Bình tin tưởng nước nào?
TQ có thể thay thế Mỹ về ảnh hưởng quân sự tại châu Á?
Ông Tập là nhà lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên đến thăm Bắc Hàn sau 14 năm.
Chuyến thăm được cho là sự trợ giúp hết sức cần thiết cho ông Kim Jong-un, người đang cần tái thiết nền kinh tế sau Hội nghị Thượng đỉnh Trump-Kim đổ vỡ hồi tháng 2/2019.
Trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều vẫn bị ngưng trệ và căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington, chuyến thăm của ông Tập mở màn cho một loạt hoạt động ngoại giao cấp cao quanh bán đảo Triều Tiên trước hội nghị G20 dự kiến diễn ra ở Nhật vào cuối tháng này.
Ông Tập cho biết hai nước châu Á “sẽ thắt chặt trao đổi về chiến lược” và nói thêm rằng Trung Quốc “sẽ trợ giúp mạnh mẽ cho những thành tựu của ông Kim trong việc xây dựng xã hội chủ nghĩa”, đặt mục tiêu phát triển kinh tế và cải thiện cuộc sống của người dân, theo Rodong Sinmun.
Ông nói Bắc Hàn và Trung Quốc “sẽ mở rộng và phát triển quan hệ trong các lĩnh vực dân sự gồm giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch, thanh niên và nông thôn”.
“Chúng tôi sẽ đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng trong khu vực bằng cách tăng cường liên lạc và phối hợp với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên,” ông Tập viết.
“Trung Quốc cũng sẽ tham gia với các bên hữu quan khác bằng cách thúc đẩy tiến trình đối thoại và đàm phán về các vấn đề của bán đảo Triều Tiên,” ông nói thêm.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48660427
TQ ủng hộ cách giải quyết căng thẳng
của Triều Tiên
Chủ tịch Trung Quốc khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với Triều Tiên để giải quyết các vấn đề gây căng thẳng trên bán đảo.
“Chúng tôi sẽ tích cực cố gắng đóng góp vào hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng của khu vực bằng cách tăng cường kết nối và hợp tác với Triều Tiên cũng như các bên liên quan khác để đạt được tiến bộ trong các cuộc thảo luận và đàm phán về những vấn đề trên bán đảo”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm nay cho biết qua một bài viết đăng trên tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên.
“Trung Quốc ủng hộ Triều Tiên vì đã có cách tiếp cận hợp lý về mặt chính trị nhằm giải quyết các vấn đề trên bán đảo và cố gắng xử lý những vấn đề liên quan thông qua đối thoại”, ông Tập nói thêm. Chủ tịch Trung Quốc đồng thời cho hay Bắc Kinh sẽ tiếp tục đẩy mạnh liên lạc và trao đổi với Bình Nhưỡng trong tương lai.
Triều Tiên và Trung Quốc hôm 17/6 bất ngờ thông báo Chủ tịch Tập sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước hai ngày tới Bình Nhưỡng, bắt đầu từ ngày 20/6, theo lời mời của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Đây là lần đầu tiên trong 14 năm một lãnh đạo Trung Quốc tới thăm Triều Tiên. Năm ngoái, ông Kim Jong-un đã tới Trung Quốc tổng cộng 4 lần.
Chuyến thăm sắp tới được nhìn nhận như một dấu hiệu cho thấy nỗ lực của Trung Quốc nhằm gây ảnh hưởng tới Triều Tiên trong bối cảnh Bắc Kinh đang cạnh tranh gay gắt với Mỹ trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thương mại. Tuần tới, Chủ tịch Trung Quốc sẽ gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/28774-tq-ung-ho-cach-giai-quyet-cang-thang-cua-trieu-tien.html
Trung Quốc đỡ đòn Mỹ,
sớm muộn phải lùi một bước?
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc cho rằng Trung Quốc đang ở thế yếu so với Mỹ và sớm muộn cũng phải lùi một bước.
Cục Thống kê Quốc gia (NBS) Trung Quốc vừa đưa ra những con số buồn về nền kinh tế Trung Quốc khi các ngành công nghiệp và sản xuất chính bị sụt giảm, nhiều trong số đó phụ thuộc vào xuất khẩu.
Công nghiệp sản xuất là thước đo sản lượng của các ngành công nghiệp trong nền kinh tế Trung Quốc, bao gồm sản xuất, khai thác khoáng sản và dịch vụ. Con số tăng trưởng của ngành này đã giảm hơn so với mức 5,4% của tháng trước và đạt dưới mức kỳ vọng của các nhà kinh tế, đã dự đoán mức tăng trưởng đạt 5,5%.
Đây là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ tháng 2/2002, khi đó là 2,7%.
Trong khi đó, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đang trong đà giảm khi tính đến ngày 18/6, 6,9270 Nhân dân tệ đổi 1 USD.
Nhìn vào các diễn biến của nền kinh tế Trung Quốc, PGS.TS Nguyễn Huy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc cho hay, việc Trung Quốc định giá đồng nội tệ thấp đã tạo sức cạnh tranh cho hàng hoá xuất khẩu, mang lại nhiều lợi thế hàng hóa xuất khẩu của nước này song không có lợi cho nhập khẩu của Trung Quốc.
Trong tình huống Trung Quốc xuất nhiều, nhập ít thì tính riêng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, Trung Quốc vẫn lợi.
Dù vậy, trong bối cảnh Mỹ tăng thuế quan lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và sắp tới có thể tiếp tục tăng thuế đối với 325 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, còn Trung Quốc mới nâng thuế với 60 tỷ USD hàng Mỹ, theo đánh giá của PGS Quý, cái được của Bắc Kinh không bù lại được so với cái mất của nước này.
“Sau cùng, tất cả những ngón đòn đó chỉ là biện pháp để hai nước mặc cả với nhau. Trong tương lai, Mỹ và Trung Quốc có khả năng ký kết một văn kiện để điều chỉnh các chính sách thuế quan, xuất nhập khẩu giữa hai bên bởi cốt lõi của cuộc chiến này không phải là nhập khẩu, thương mại mà là vấn đề công nghệ.
Ngay đối với công nghệ, lúc đầu Mỹ ra đòn rất mạnh với Trung Quốc nhưng bây giờ nhiều dấu hiệu cho thấy Washington đã nới tay một chút vì ra đòn với Bắc Kinh thì Mỹ cũng không hoàn toàn yên ổn.
Trong cuộc chiến này, cả hai bên đều không có lợi. Mỹ tung một loạt đòn với Trung Quốc, còn Trung Quốc, nói một cách thẳng thắn, họ có biện pháp để giải quyết chỉ có điều chúng chưa được tiết lộ”, PGS.TS Nguyễn Huy Quý nhận xét.
Đối với hoạt động hoán đổi tiền tệ giữa Trung Quốc với nhiều quốc gia trên thế giới hay việc nước này tăng cường tích trữ vàng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc chỉ ra rằng chúng đã được Bắc Kinh tiến hành từ nhiều năm trước.
Lượng tiền tệ Trung Quốc hoán đổi với các nước có nhiều, có ít, tùy theo tầm quan trọng trong quan hệ giữa nước thứ ba đó với Mỹ và Trung Quốc.
Ví dụ, thời gian tới, hoán đổi tiền tệ giữa Trung Quốc và Nga sẽ mạnh mẽ hơn vì hai bên cùng bị đồng USD tác động và đều muốn thoát khỏi ảnh hưởng của đồng USD. Trung Quốc cũng thực hiện hoán đổi tiền tệ với Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada và nhiều nước trong ASEAN…
Tuy nhiên, tính đến năm 2018, lượng tiền tệ hoán đổi chỉ chiếm chưa đầy 10% trong quan hệ tài chính đối ngoại của Trung Quốc.
Vì lẽ đó, PGS.TS Nguyễn Huy Quý cho rằng, việc Trung Quốc hoán đổi tiền tệ với các quốc gia chỉ là để đỡ đòn, không giải quyết được hoàn toàn vấn đề.
Đối với việc Trung Quốc tăng cường dự trữ vàng, theo chuyên gia, cũng liên quan đến đồng USD.
Mỹ dùng USD để mặc cả, đấu tranh với Trung Quốc về mặt thương mại nhưng không có nghĩa Mỹ muốn in bao nhiêu USD cũng được. Nước Mỹ phải có dự trữ vàng đủ để đảm bảo giá trị của đồng USD.
Ngược lại, Trung Quốc đấu tranh được với Mỹ về vấn đề tiền tệ hay không tùy thuộc vào dự trữ vàng của nước này. Nếu Trung Quốc in thêm Nhân dân tệ, đổi lấy USD, trong khi không có vàng dự trữ đảm bảo giá trị của đồng Nhân dân tệ thì tài chính của Trung Quốc có thể rơi vào thảm họa.
Cho nên, để đảm bảo giá trị đồng tiền, quan trọng nhất vẫn là vàng và đó là lý do Trung Quốc tăng dự trữ vàng.
Đánh giá một cách tổng thể những đòn trả đũa của Trung Quốc đối với Mỹ, PGS.TS Nguyễn Huy Quý cho rằng, Trung Quốc đang ở thế yếu so với Mỹ.
“Những thứ mà Trung Quốc đưa ra chỉ là đòn đỡ. Trung Quốc có thể khiến đòn của Mỹ trở nên ít nghiêm trọng, ít nguy hiểm hơn nhưng để tránh được tất cả những đòn của Mỹ thì đó là điều không thể.
Mỹ có nhiều thứ để mặc cả với Trung Quốc, nhất là hàng công nghệ cao, mang tính lưỡng dụng, trong khi Trung Quốc ít có đòn hơn.
Điểm chung giữa hai nước là đều phải giải quyết vấn đề đối nội. Khi chiến tranh thương mại xảy ra, người thiệt chính là người tiêu dùng, là doanh nghiệp của Mỹ và Trung Quốc.
Cả hai nước đều bỏ tiền ra để bù chỗ cho người dân nhằm giảm nhẹ phản ứng của họ với chính quyền, thế nhưng Trung Quốc tiền ít, người nhiều nên về cơ bản đó vẫn chỉ là đòn đỡ và Trung Quốc bị thiệt nhiều hơn”, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc phân tích.
Cuộc chiến tranh nào cũng phải đi đến hồi kết và theo PGS.TS Nguyễn Huy Quý, thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ từng bước được cải thiện trong từng năm. Thế nhưng, cạnh tranh giữa hai nước xung quanh vấn đề công nghệ có thể kéo dài nhiều năm.
“Thắng thua ra sao trong hàng thập kỷ tới không thể biết trước được, nhưng trong khoảng 5-7 năm tới, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ phải lùi một bước.
Trung Quốc có hai chiến lược đặc biệt quan trọng là Một vành đai, Một con đường và Made in China 2025, thế nhưng họ phải điều chỉnh hai chiến lược ấy bởi không thể giành được mục tiêu như tham vọng ban đầu.
Mỹ sẽ hạn chế được tốc độ phát triển của Trung Quốc nhưng Mỹ không thể ngăn chặn được sự lớn mạnh của Trung Quốc.
Điều đó có nghĩa: Dưới thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump Trump hay chính quyền kế tiếp, đường lối của Mỹ vẫn sẽ tiếp tục và Washington sẽ đạt được kết quả, không để cho Trung Quốc tăng trưởng một cách quá dễ dàng, nhanh chóng như đầu thế kỷ XIX cho đến nay nhưng cũng không thể kìm hãm được sự phát triển của Trung Quốc.
Trung Quốc vẫn mạnh nhưng tốc độ đó phải điều chỉnh và nó không như mục tiêu ban đầu mà Trung Quốc đặt ra”, PGS.TS Nguyễn Huy Quý nhận định.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/28772-trung-quoc-do-don-my-som-muon-phai-lui-mot-buoc.html
Thăm Bắc Triều Tiên: chủ tịch Trung Quốc
muốn có thêm lá bài mặc cả với Mỹ
Ngày 28 và 29/06/2019 tại thượng đỉnh khối G20 ở Osaka, chủ tịch Trung Quốc và tổng thống Mỹ dự kiến gặp nhau. Tranh chấp thương mại là hồ sơ trọng tâm. Chỉ ít ngày trước cuộc gặp quan trọng này, Bắc Kinh thông báo ông Tập Cận Bình thăm Bắc Triều Tiên trong hai ngày, 20 và 21/06/2019.
Đây lần đầu tiên một nguyên thủ Trung Quốc đến Bình Nhưỡng kể từ 14 năm nay. Vì sao ông Tập Cận Bình chọn thời điểm đặc biệt này để công du Bắc Triều Tiên ?
Truyền thông Nhà nước Trung Quốc dĩ nhiên là cổ vũ cho chuyến đi, được cho là mang lại hy vọng các bên có thể sẽ đi đến một giải pháp hòa bình cho bán đảo Triều Tiên. Trong giới chuyên gia quốc tế cũng có nhiều tiếng nói khẳng định Bắc Kinh sẽ có tác động tích cực nhất định đến tiến trình đối thoại Mỹ – Bắc Triều Tiên.
Theo nhiều chuyên gia, một trong những lý do chính để Bắc Kinh chọn thời điểm đặc biệt nhạy cảm này là để khẳng định vị thế đối tác không thể thay thế trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, hiện đang rơi vào bế tắc, kể từ sau thất bại của thượng đỉnh Trump – Kim tại Hà Nội, cuối tháng 02/2019. Việc chủ tịch Trung Quốc thăm Bắc Triều Tiên cũng có thể khiến hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên nổi lên trở lại, trong bối cảnh căng thẳng tại vùng Vịnh đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, và phong trào phản đối dự luật dẫn độ tại Hồng Kông buộc Bắc Kinh rút vào thế phòng ngự tạm thời.
Theo ông Chu Chí Quần (Zhiqun Zhu), chuyên gia về chính trị quốc tế, Đại học Bucknell, Pennsylvania, được báo Nhật Japan Times trích dẫn, Bắc Kinh muốn gửi đi một thông điệp rõ ràng : Trung Quốc vẫn là đối tác chủ chốt tại khu vực Đông Bắc Á, không có sự ra tay của Bắc Kinh, mọi nỗ lực tháo gỡ bế tắc trong đàm phán hạt nhân Bắc Triều Tiên đều vô ích.
Ông Triệu Thông (Zhao Tong), chuyên gia về Bắc Triều Tiên, thuộc trung tâm Carnegie – Tsinghua, Bắc Kinh, cũng nhấn mạnh, cuộc hội kiến Tập – Kim tại Bình Nhưỡng là một cơ hội cho thấy Trung Quốc vẫn còn có khả năng tác động đến chế độ Bắc Triều Tiên, với tư cách người bảo trợ, đồng minh thân cận nhất. Chuyến công du này cũng đưa ra một lời cảnh báo đến Washington, là nếu Hoa Kỳ muốn đạt được các mục tiêu chiến lược tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, thì phải có các nhân nhượng với Trung Quốc.
Ông Triệu Thông phỏng đoán, Bắc Kinh có thể đứng ra đóng vai trò thu hẹp khoảng cách về lập trường giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên trong đàm phán về phi hạt nhân hóa, đổi lại Washington sẽ « mềm mại » hơn với Bắc Kinh trong tranh chấp thương mại. Chuyên gia Chu Chí Quần (Zhiqun Zhu), Đại học Bucknell, Pennsylvania, nêu kịch bản lãnh đạo Bắc Triều Tiên thông qua chủ tịch Trung Quốc gửi một thông điệp đến tổng thống Mỹ, đề nghị ông Trump có thái độ thực tế hơn, và nhìn nhận một cách nghiêm túc hơn về các lo ngại của chế độ Bắc Triều Tiên, trong hồ sơ phi hạt nhân hóa.
Theo ông Abraham Denmark, giám đốc chương trình châu Á của viện tư vấn Wilson center, Washington, việc các thương thuyết Mỹ – Bắc Triều Tiên có tiến triển, cho dù còn xa mới đi đến đích phi hạt nhân hóa, cũng nằm trong lợi ích của Trung Quốc, bởi Bắc Kinh lo ngại đàm phán bế tắc có thể dẫn đến những căng thẳng mới tại khu vực, thậm chí xung đột vượt tầm kiểm soát.
Tuy nhiên, trên thực tế, khả năng Bắc Kinh tác động vào tiến trình đàm phán Mỹ – Bắc Triều Tiên đến đâu, có thể khai thông bế tắc hay không, cho đến nay vẫn hoàn toàn là một ẩn số. Việc ông Tập Cận Bình tới Bình Nhưỡng với những tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ chế độ Bắc Triều Tiên, kèm theo đó là nhiều khoản viện trợ và các hỗ trợ lớn dự kiến sau đó, càng khiến chính quyền Kim Jong Un thêm vững tâm, khó lòng thỏa hiệp theo đòi hỏi của Mỹ, như nhận định của ông James Schoff, một chuyên gia về Đông Á của bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ.
Phillipines sẽ đề cập căng thẳng Biển Đông
ở Thượng đỉnh ASEAN
Tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines sẽ đề cập vấn đề Trung Quốc tiếp tục gây hấn ở Biển Đông tại Thượng đỉnh ASEAN sắp diễn ra cuối tuần này tại Thái Lan.
Bà Junever Mahilum-West, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Philippines hôm 18/6 cho báo giới biết nghị trình của Thượng đỉnh lần này sẽ bao gồm vấn đề Biển Đông và lãnh đạo các nước ASEAN sẽ trao đổi quan điểm về vấn đề này.
Trung Quốc hiện là nước đòi chủ quyền phần lớn khu vực Biển Đông nơi các nước khác cũng đòi chủ quyền, bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, và Đài Loan.
Hôm 9/6 vừa qua, một tàu cá Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá của Phillipines ở Bãi Cỏ Rong ở quần đảo Trường Sa đang tranh chấp giữa các nước. Giới chức Philippines cáo buộc tàu Trung Quốc đã bỏ mặc 22 ngư dân Philippines phải chờ hàng giờ trên mặt biển trước khi được cứu bởi một tàu cá của Việt Nam.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila hôm 15/6 xác nhận tàu cá nước này đã ‘đâm phải’ tàu của Philippines, nhưng từ chối cáo buộc ‘đụng rồi bỏ chạy’ của giới chức Philippines.
Tổng thống Rodrigo Duterte từ khi lên nắm quyền vào năm 2016 đã theo đuổi chính sách xích lại gần hơn với Trung Quốc, đang phải chịu sức ép buộc phải cứng rắn hơn với Bắc Kinh. Tuy nhiên, ông Duterte hôm 17/6 cho rằng vụ việc là một tai nạn hàng hải bình thường và kêu gọi quân đội ‘tránh gây rắc rối’.
Lập trường trên của ông Duterte gặp phải phản ứng của nhóm dân tộc chủ nghĩa ở Philippines. Hôm 18/6, một nhóm nhà hoạt động Philippines biểu tình ở Manila và đốt 22 cờ Trung Quốc để phản đối.
Philippines cứng rắn
đáp trả hành động vô nhân đạo của tàu TQ
Sau khi một đội tàu Trung Quốc (9/6) đâm chìm tàu cá của ngư dân Philippines khi đang ngủ ở khu vực gần bãi Cỏ Rong, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam rồi bỏ chạy, Chính phủ Philippines đã đưa ra phản ứng cứng răn đáp trả hành vi trên của Trung Quốc.
Diễn biến vụ việc
Đêm 9/6, khi tàu cá Philippines mang số hiệu F/B GIMVER 1 đang neo đậu ở khu vực gần bãi Cỏ Rong, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam để ngủ, thì bị một đồi tàu Trung Quốc tiến đến đâm chìm. Điểm đặc biệt, đội tàu Trung Quốc đã tắt hết thiết bị chiếu sáng khi đâm chìm tàu cá của ngư dân Philippines nhằm tránh bị nhận dạng. Sau khi tàu cá trên bị chìm, tàu của Trung Quốc cũng không cứu vớt 22 ngư dân Philippines dưới biển, mà để mặc họ vùng vẫy dưới biển. Một thời gian sau, tàu cá của Việt Nam đã tới cứu giúp và đưa 22 ngư dân Philippines lên tàu.
Phản ứng của Philippines
Ngay sau vụ việc, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana (12/6) cho biết tàu Trung Quốc đã chìm tàu cá của Philippines và “bỏ mặc 22 ngư dân” Philippines giữa biển. Ông Delfin Lorenzana lên án hành động của tàu Trung Quốc, khẳng định đây không phải là hành động của những người có trách nhiệm và thiện chí. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cũng gửi lời cảm ơn tới thuyền trưởng và thủy thủ đoàn của một tàu cá Việt Nam vì đã tới giải cứu các ngư dân Philippines gặp nạn, đồng thời kêu gọi mở một cuộc điều tra về vụ va chạm, nhấn mạnh “các biện pháp ngoại giao” nên được tiến hành để ngăn chặn một vụ việc tương tự tái diễn.
Lực lượng Vũ trang Philippines cho rằng hành động của tàu Trung Quốc không phải ngẫu nhiên và được xem là chiêu “đánh rồi chạy”. Bởi theo lẽ thường, tàu Trung Quốc nên dừng lại và cứu ngư dân Philippines chứ không phải “cố tình tắt đèn để tránh bị nhận dạng”. Trung tá Stephen Penetrante, một người phát ngôn của quân đội tại khu vực, nói vụ việc có vẻ “như gây tai nạn rồi bỏ trốn” vì tàu Trung Quốc lập tức di chuyển khỏi hiện trường sau khi đâm vào tàu Philippines. Việc này đã vi phạm quy định của luật pháp quốc tế, trong đó yêu cầu các tàu phải cứu giúp người đang gặp nạn trên biển.
Người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Philippines Salvador Panelo (13/6) tuyên bố Manila có thể chấm dứt quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh nếu xác định vụ “va chạm” tàu ở Biển Đông mới đây là do Trung Quốc cố ý gây ra. Ông Panelo lưu ý rằng vụ “va chạm” với tàu cá Trung Quốc gần bãi Cỏ Rong có thể bị xem là hành động “tấn công” nếu được chứng minh là cố ý, “Philippines sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao”. Ngoài ra, ông Salvador Panelo cũng cho
biết thêm, Chính phủ nước này “kêu gọi cơ quan chức năng có thẩm quyền của Trung Quốc tiến hành điều tra vụ va chạm và trừng phạt các thuyền viên Trung Quốc”; nhấn mạnh “thuyền trưởng và thuyền viên trên tàu Trung Quốc lẽ ra không bỏ mặc những người bị thương mà không có bất cứ sự hỗ trợ hay cứu giúp nào. Hành động bỏ đi như vậy là vô nhân đạo vì nó thật man rợ”.
Theo Ngoại trưởng Philippines Teddy Boy Locsin, Chính phủ nước này đã gửi công hàm phản đối với Trung Quốc về vụ việc trên. Trung Quốc chưa có phản ứng về động thái của Philippines.
Giới chuyên gia, học giả cũng có nhận định tương tự khi cho rằng Trung Quốc cố tình đâm chìm tàu cá của ngư dân Philippines nhằm đe dọa và cảnh cáo ngư dân nước này không được hoạt động trên Biển Đông. Ramon Beleno, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Ateneo De Dqavoau, cho biết quyết định bỏ mặc ngư dân Philippines gặp nạn là “không phù hợp”; nhấn mạnh “việc này là phi đạo đức, nếu một tai nạn xảy ra, cho dù đó có phải là bạn của chúng ta hay không, ngay cả khi vô ý, điều đúng đắn cần làm là giúp đỡ những nạn nhân đó”. Theo ông Ramon Beleno, “điều đúng đắn mà Bắc Kinh cần làm là hỗ trợ việc điều tra và bắt giữ những người liên quan. Đó là những gì chúng tôi mong đợi từ họ”.
Giám đốc điều hành của Viện Cải cách Chính trị và Kinh tế Ramon Casiple cũng có chung quan ngại, khi cho rằng tàu Trung Quốc “không nên bỏ mặc các thuyền viên Philippines”, khẳng định cứu giúp người gặp nạn là hành vi phổ quát. Trong khi đó, chuyên gia Jay Batongbacal, một chuyên gia hàng hải của Đại học Luật Philippines cho rằng “không có nghi ngờ gì về việc chuyện này là cố ý và có chủ đích”. Theo ông, khi tàu Philippines neo đậu trong khu vực bãi Cỏ Rong, đây là một thực thể chìm hoàn toàn (dưới mặt biển). Điều này có nghĩa là con tàu đứng yên trong vùng nước mở, và tàu kia có thể dễ dàng tránh va chạm vì không có gì che khuất tầm nhìn. Việc bỏ đi sau vụ va chạm mà không ở lại giúp đỡ tàu và thuyền viên gặp nạn càng chứng tỏ ý định cố tình gây hại.
Bangladesh: Công nhân Trung Quốc chết
sau xô xát với người địa phương
Cảnh sát Bangladesh giải tán một cuộc ẩu đả giữa hàng trăm công nhân Trung Quốc và Bangladesh tại một địa điểm ở nhà máy điện do Trung Quốc tài trợ và xây dựng một phần.
Một công nhân Trung Quốc thiệt mạng trong cuộc ẩu đả ở quận phía nam của Patuakhali, cảnh sát nói với BBC.
Bạo lực bùng phát sau khi một công nhân Bangladesh tử vong do ngã từ trên cao, và công nhân địa phương cáo buộc người Trung Quốc cố gắng che đậy vụ việc.
TQ sẽ để Vành đai Con đường lặng lẽ chết?
Canh bạc kinh tế thật to của Trung Quốc
APEC: Trung Quốc muốn gì ở Thái Bình Dương
‘Đừng bán đất của tôi cho Trung Quốc!’
Hơn 1.000 cảnh sát đã được điều đến để chấm dứt xô xát.
Các công ty Trung Quốc đầu tư rất nhiều vào Bangladesh trong những năm gần đây, tài trợ xây cầu, làm đường và các nhà máy điện.
Phóng viên cho biết ở một số khu vực, số lượng lớn công nhân Trung Quốc đã dẫn tới căng thẳng với cộng đồng địa phương.
Khoảng 6.000 công nhân – 2.000 trong số họ là người Trung Quốc – làm việc tại nhà máy điện ở Patuakhali, cách thủ đô Dhaka khoảng 200km, cảnh sát cho biết.
Cảnh sát trưởng địa phương Moinul Hasan nói với BBC Bengali rằng một công nhân Bangladesh đã chết sau khi rơi từ trên cao vào tối hôm 18/06/2019, sau đó một cuộc cãi vã ổ ra giữa hai nhóm công nhân trước khi biến thành bạo lực.
Hơn một chục công nhân bị thương, gồm sáu người Trung Quốc, cảnh sát cho biết thêm. Một trong số những công nhân Trung Quốc này bị thương nặng và chết trong bệnh viện sau đó.
Quản trị viên khu vực Ram Chandra Das cho biết một cuộc điều tra đã được tiến hành. Không ai bị bắt giữ và tình hình hiện đã ổn định, ông nói với hãng tin AFP.
Căng thẳng liên quan đến người dân địa phương và các dự án do Trung Quốc tài trợ đã tràn ra vùng nông thôn trước đó. Năm 2016, cảnh sát nổ súng vào dân làng ở phía đông nam Bangladesh khi họ biểu tình phản đối việc xây dựng hai nhà máy điện do Trung Quốc hậu thuẫn. Bốn người đã thiệt mạng.
TQ hỗ trợ điện than, gây lo ngại biến đổi khí hậu
Pakistan: Vành đai, Con đường của Trung Quốc gặp rắc rối
Tài trợ của Bắc Kinh cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn khắp thế giới được gọi là Sáng kiến Vành đai Con đường. Nó được coi là Con đường Tơ lụa mới, giống như tuyến đường thương mại xa xưa, nhằm mục đích đẩy nhanh hàng hóa Trung Quốc đến các thị trường xa hơn.
Tuy nhiên, giới chỉ trích coi đó cũng là nỗ lực tăng cường ảnh hưởng địa chính trị và chiến lược của Trung Quốc.