Tin Biển Đông – 1806/2019
Biển Đông: Mỹ tăng sức răn đe Trung Quốc,
nhắm vào dân quân biển
Vào lúc giới chức quân sự và công luận Philippines đang ngày càng phẫn nộ trước vụ một tàu cá Trung Quốc đâm vào một ngư thuyền Philippines rồi bỏ chạy, đại sứ Mỹ tại Manila hôm 14/06/2019 vừa qua đã lên tiếng nhắc nhở rằng những hành vi tấn công vào lực lượng Philippines, kể cả khi đến từ các nhóm dân quân biển Trung Quốc, có thể dẫn đến việc Mỹ can thiệp trong khuôn khổ Hiệp Định Phòng Thủ Hỗ Tương Hoa Kỳ-Philippines.
Lời nhắc nhở này nêu bật một chuyển hướng quan trọng trong chiến lược răn đe Trung Quốc tại Biển Đông, mà Hải Quân Mỹ đã tiết lộ từ đầu năm 2019 này, một nhân tố mà theo trang tin Business Insider ngày 17/06, đã làm tăng khả năng xảy ra xung đột tại Biển Đông.
Theo tác giả bài báo, Mỹ mới đây đã cho thấy rõ một lập trường cứng rắn hơn đối với dân quân biển Trung Quốc, một lực lượng bán quân sự được ngụy trang thành một đội tàu đánh cá, nhiều khi được tung ra để sách nhiễu các đối thủ nước ngoài, giúp Bắc Kinh áp đặt các yêu sách chủ quyền rộng lớn của Trung Quốc tại vùng Biển Đông.
Theo Andrew Erickson, một chuyên gia hàng đầu tại Trường Hải Chiến Hoa Kỳ, Bắc Kinh đã cố che giấu sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng dân quân biển Trung Quốc, nhưng ngày nay sự tồn tại của đội quân này đã ngày càng lộ rõ.
Mỹ đã bắt đầu cảnh báo về dân quân biển Trung Quốc từ 2017
Trong báo cáo năm 2017 về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, bộ Quốc Phòng Mỹ lần đầu tiên đã thu hút sự chú ý đến lực lượng dân quân biển này, xác định rằng Trung Quốc đã sử dụng đội tàu đánh cá thương mại của họ vào những chiến dịch tấn công « vùng xám », tức là giấu mặt, để « áp đặt các yêu sách trên biển và thúc đẩy quyền lợi ích của Trung Quốc », như tránh được việc gây nên chiến tranh thực sự.
Tuy nhiên, phải đợi đến đầu năm 2019 này, Mỹ mới thực sự bắt đầu gây áp lực nhắm vào lực lượng dân quân biển Trung Quốc.
Theo nhật báo Anh Financial Times, tư lệnh Hải Quân Mỹ John Richardson, nhân một cuộc họp tại Bắc Kinh hồi tháng Giêng đã cảnh báo người đồng cấp Trung Quốc rằng Hải Quân Hoa Kỳ sẽ coi các tàu Hải Cảnh và tàu dân quân biển là những phương tiện chiến đấu, tương tự như tàu hải quân, và sẽ dùng các biện pháp đối phó với Hải Quân Trung Quốc để đáp trả những hành động khiêu khích của những chiếc tàu này.
Qua tháng Ba, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã công khai cam kết với Philippines rằng Mỹ sẽ đến bảo vệ đồng minh trong trường hợp nước này bị tấn công ở Biển Đông.
Theo ông Pompeo, « bất kỳ một cuộc tấn công vũ trang nào nhắm vào binh lính, phi cơ hoặc tàu công vụ của Philippines trên Biển Đông đều sẽ kích hoạt nghĩa vụ bảo vệ lẫn nhau » có trong hiệp định phòng thủ chung Mỹ-Philippines.
Và ông Sung Kim, đại sứ Mỹ tại Philippines, đã làm rõ thêm các cam kết này hôm 14/06 vừa qua khi xác nhận với báo chí rằng cam kết bảo đảm an ninh của Mỹ cũng áp dụng cho các hành vi gây hấn của dân quân biển Trung Quốc.
Theo nhật báo Philippine Star, đại sứ Mỹ đã nói nguyên văn như sau: « Khái niệm bất kỳ một hành động tấn công võ trang nào, theo tôi, bao gồm cả những hành vi của lực lượng dân quân được chính quyền cho phép ».
Tuy nhiên, đại sứ Mỹ đã không nói rõ thế nào là một hành động tấn công võ trang.
Washington muốn buộc Bắc Kinh hạn chế hành vi gây bất ổn trên biển
Theo các nhà phân tích, khi tăng cường sức ép trên các lực lượng trên biển của Trung Quốc, Hoa Kỳ muốn Bắc Kinh điều chỉnh các tính toán chiến lược tại Biển Đông.
Trả lời nhật báo Anh Financial Times vào tháng Tư vừa qua, bà Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế cho rằng « Hoa Kỳ hy vọng răn đe được Trung Quốc để ngăn chặn các hành vi gây bất ổn định trên biển, trong đó có việc dùng đến các lực lượng bảo vệ bờ biển và các tàu dân quân biển để đe dọa các nước láng giềng nhỏ bé hơn. »
Tuy nhiên, theo Business Insider, việc Mỹ duy trì một tình trạng mơ hồ trong chủ trương răn đe, cũng như vai trò bất minh của lực lượng dân quân biển Trung Quốc, xung đột trên quy mô nhỏ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng dễ dàng nổ ra.
Các sự cố dính líu đến tàu cá Trung Quốc, thành viên tiềm tàng của lực lượng dân quân biển, thường xuyên xảy ra ở Biển Đông. Thế nhưng đến nay vẫn không rõ là chính xác loại sự cố nào có thể kích hoạt sự can thiệp của Hoa Kỳ.
Một ví dụ là vào tháng Tư, hơn 200 tàu cá Trung Quốc đã bị tố cáo tràn xuống đe đọa đảo Thị Tứ, một thực thể do Philippines chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa.
Một ví dụ khác là vụ tàu cá Trung Quốc bị nghi ngờ là đã đâm chìm một tàu Philippines ở Bãi Cỏ Rong (Biển Đông), và sau đó bỏ đi, để mặc cho hơn hai chục ngư dân Philippines đối mặt với nguy cơ chết đuối ngoài biển khơi.
Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc về hành vi sai trái của họ. Và, trong khi tình hình vẫn căng thẳng, giới lãnh đạo Philippines đã kêu gọi bình tĩnh.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190618-bien-dong-my-tang-suc-ran-de-trung-quoc-nham-vao-dan-quan-bien
Đổi trắng thay đen:
Hành động thường gặp của TQ trên Biển Đông
Trong nhiều năm trở lại đây, Trung Quốc với vị thế là cường quốc trên thế giới và là một trong năm nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, song thường xuyên “đổi trắng thay đen” trong vấn đề Biển Đông. Hành động này của Bắc Kinh cho thấy bản chất nguy hiểm trong âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Đổi trắng thay đen trong vấn đề “chủ quyền” ở Biển Đông
Từ trước đến nay, Trung Quốc luôn sử dụng giọng điệu “Bắc Kinh có chủ quyền không thể tranh cãi đối với khu vực Biển Đông” và rằng “khu vực này là do tổ tiên để lại”. Tuy nhiên, đây chỉ là cách Trung Quốc đánh lừa cộng đồng quốc tế. Bắc Kinh thực chất không có cơ sở pháp lý cũng như chứng cứ lịch sử để khẳng định “chủ quyền” ở Biển Đông. Từ khía cạnh luật quốc tế và chứng cứ lịch sử đều chứng minh Trung Quốc không có chủ quyền đối với khu vực quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Việc Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa và 7 đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa từ Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng các quy định luật pháp quốc tế hiện hành, bao gồm Hiến chương LHQ, Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Vì thế, Bắc Kinh đang sử dụng mọi chiêu bài để “đổi trắng thay đen” với hai vùng biển này.
Không những vậy, một trong những dẫn chứng điển hình về việc Trung Quốc cố tình đổi trắng thay đen trong việc tuyên bố “chủ quyền” ở Biển Đông là bản đồ “đường 9 đoạn”. Trung Quốc (7/5/2009) nhằm khẳng định “chủ quyền” sai trái của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Nhà nước Việt Nam, đã gửi công hàm gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc “phản đối việc Việt Nam nộp Báo cáo về Ranh giới ngoài thềm lục địa của mình cho Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc theo quy định của UNCLOS”, Trung Quốc cũng đã gửi kèm một sơ đồ trên đó thể hiện “đường 9 đoạn” của mình trên Biển Đông. Trong công hàm Trung Quốc đã nêu quan điểm “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông) và các vùng nước kế cận, và có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước liên quan cũng như đáy biển và lòng đất đáy biển ở đó”. Với lập luận “đường 9 đoạn” Trung Quốc đã thể hiện yêu sách của mình đối với 80% diện tích của Biển Đông, được vẽ sát vào bờ của các quốc gia ven Biển Đông như Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Brunei, Philippines. Đường yêu sách này ban đầu có 11 đoạn, do chính quyền Trung Quốc (Quốc dân đảng) vẽ ra vào năm 1947 và sau đó được CHND Trung Hoa tiếp tục sử dụng nhưng có sửa đổi, đó là Trung Quốc đã bỏ bớt 2 đoạn trong vịnh Bắc Bộ nên chỉ còn lại 9 đoạn. Công hàm này là văn bản đầu tiên trong hơn 60 năm qua, thể hiện quan điểm chính thức của Trung Quốc về ý nghĩa pháp lý quốc tế của “đường 9 đoạn” và cũng là lần đầu tiên mà Trung Quốc chính thức công bố sơ đồ đường yêu sách này với thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc không hề đưa
ra bất cứ một lời giải thích hoặc chứng cứ pháp lý khẳng định nước này có “chủ quyền” theo “đường 9 đoạn” ở Biển Đông. Trong khi đó, giới học giả Trung Quốc ngang nhiên cho rằng họ không muốn rõ ràng làm rõ “đường lưỡi bò” vì như vậy sẽ gây ảnh hưởng đến các nước khác vì Trung Quốc sẽ phải lấy tất cả các đảo mà các nước khác đang chiếm trên đó . Vì vậy chính sách tốt nhất là giữ nguyên hiện trạng như hiện nay là không làm rõ ràng “đường lưỡi bò”.
Cách tuyên bố và giải thích trên của Trung Quốc chỉ là mang tính ngụy biện cho tham vọng độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh. Thực tế không có “đường lưỡi bò” thì Trung Quốc vẫn duy trì cái chính sách chủ quyền đối với các đảo. Cũng lập luận vì Trung Quốc có yêu sách nên bắt buộc phải dùng vũ lực cho nên Trung Quốc cũng đã yêu sách đối với chủ quyền của Hoàng Sa và Trường Sa (của Việt Nam) cũng như các đảo khác trong tranh chấp với Philipines. Không những vậy, Trung Quốc muốn sử dụng mập mờ “đường lưỡi bò” là một để đòi hỏi quyền chủ quyền và quyền tài phán, chủ yếu là tài nguyên của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước khác; bản thân nội bộ Trung Quốc cũng có ít nhiều ý kiến khác nhau và họ cũng không thống nhất nhau làm thế nào để làm rõ ràng và cơ bản là làm rõ yêu sách theo Công ước luật biển sẽ làm hạn chế việc Trung Quốc tự do hoạt động như bây giờ.
Trên khía cạnh pháp lý, Tòa trọng tài theo phụ lục VII của LHQ (7/2016) đã ra phán quyết liên quan vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, trong đó tuyên bố: Toà Trọng tài nhận thấy có thẩm quyền để xem xét tranh chấp giữa các bên liên quan đến quyền lịch sử và nguồn của quyền hưởng các vùng biển tại Biển Đông. Về mặt nội dung thực chất, Toà kết luận rằng UNCLOS quy định một cách toàn diện về các quyền đối với các vùng biển và việc bảo vệ các quyền tồn tại trước UNCLOS liên quan đến tài nguyên đã được xem xét nhưng chúng không được thông qua và quy định tại UNCLOS. Theo đó, Tòa kết luận rằng trong phạm vi quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên trong các vùng biển ở Biển Đông, quyền này bị xóa bỏ do chúng không phù hợp với chế định vùng đặc quyền kinh tế trong UNCLOS. Toà cũng nhận thấy dù trong lịch sử, những người đi biển cũng như ngư dân từ Trung Quốc cũng như từ các nước khác đã sử dụng các đảo tại Biển Đông nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy về mặt lịch sử Trung Quốc đã chỉ một mình thực hiện việc kiểm soát vùng nước này cũng như tài nguyên tại đây. Vì vậy, Toà kết luận không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong “đường 9 đoạn” hay còn được gọi là “đường lưỡi bò”.
Ngoài ra, xét về mặt nhà nước xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì duy nhất chỉ có Nhà nước Việt Nam là có đầy đủ chứng cứ và phù hợp với các nguyên tắc của luật quốc tế về xác lập chủ quyền đối với những vùng lãnh thổ. Với những cơ sở pháp lý được thể hiện qua các phương diện như sử học, khảo cổ học, luật pháp và văn hoá biển đã chứng minh vào nửa đầu thế kỷ XVII khi Nhà nước Việt Nam đã thiết lập chủ quyền về mặt nhà nước đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì chưa có bất kỳ một quốc gia hay vùng lãnh thổ nào trong khu vực và trên thế giới xác lập chủ quyền về mặt nhà nước đối với hai quần đảo đó. Việc các Chúa Nguyễn thực thi chủ quyền về mặt nhà nước được thể hiện rõ nét qua các sự kiện quan trọng như tổ chức “Đội Hoàng Sa,” “Đội Bắc Hải”…
Các hoạt động của Chúa Nguyễn, Triều đại Tây Sơn đến Triều đình Nhà Nguyễn và các thể chế nhà nước tiếp theo tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được lưu lại trong rất nhiều tài liệu lịch sử của các sử quan và sử gia đương thời cũng như các bộ chính sử của Nhà nước Việt Nam tiêu biểu như “Toản tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ đồ thư” của Đỗ Bá tự Công Đạo (1686), “Phủ Biên tạp lục” của nhà bác học Lê Quý Đôn (1776), Đại Việt sử ký toàn thư (1697)… và những ghi chép của nhiều học giả nước ngoài như “Hải ngoại ký sự” Thích Đại Sán….
Điều đó cho thấy, việc xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là về mặt nhà nước, chứ không phải là hành động sử dụng vũ lực để tiến hành sự xâm lăng, chiếm cứ hay phát hiện của một cá nhân. Điều này hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc của luật quốc tế về khẳng định chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ của quốc gia. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất trong khu vực có được cơ sở pháp lý quốc tế khẳng định chủ quyền ở Biển Đông.
Đổi trắng thay đen trong vấn đề quân sự hóa Biển Đông
Việc Trung Quốc đi ngược lại cam kết không quân sự hóa trên Biển Đông là một trong những ví dụ điển hình về hành vi “đổi trắng thay đen” trong khu vực. Trước đây, phát biểu trong chuyến thăm Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (9/2015) đã công khai cam kết Trung Quốc sẽ “bảo vệ an ninh hàng hải qua Biển Đông và không quân sự hoá quần đảo Trường Sa”. Trước đó, nhiều quan chức của Trung Quốc cũng cho rằng các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông là nhằm “thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế và Trung Quốc không có các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông, hay chạy đua vũ trang trong khu vực”. Gần đây nhất, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, Trưởng đoàn của Trung Quốc, Trung tướng Hà Lôi, Phó Viện trưởng Viện hàn lâm Khoa học Quân sự Trung Quốc khẳng định phát biểu của Mỹ về việc Trung Quốc triển khai vũ khí tới Biển Đông là “thiếu trách nhiệm, những hành động của Trung Quốc chỉ nhằm mục đích phòng thủ quốc gia, tránh nguy cơ xâm lược từ các nước khác”.
Tuy nhiên, hành động thực tế của Trung Quốc trên Biển Đông lại khác hoàn toàn so với những gì Bắc Kinh tuyên bố. Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã triển khai phi pháp nhiều loại hình vũ khí tấn công trên các thực thể chiếm đóng trái phép của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa như điều máy bay quân sự Tây An Y-7 tới đá Vành Khăn; thiết lập hơn 40 cơ sở radar khác nhau trên 7 đảo đá ở Trường Sa; triển khai 03 xe đặc chủng mang thiết bị phá song quân sự trên đá Vành Khăn và cũng đã triển khai một số hệ thống phá sóng tại đá Chữ Thập; điều máy bay Thiểm Tây Y-8 tới đá Xu Bi; triển khai tên lửa tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và các tên lửa đất đối không tầm xa HQ-9A hoặc HQ-9B đá Vành Khăn, đá Xu Bi và đá Chữ Thập; triển khai phi pháp một loạt khí tài như hệ thống tên lửa đất đối không hoặc đối hạm, radar, xe hậu cần, thiết bị phá sóng đến đảo Phú Lâm; đưa máy bay ném bom, kể cả Tây An H-6K tới ở đảo Phú Lâm; kích hoạt và thử nghiệm các thiết bị tác chiến điện tử được lắp đặt trên các đá Vành Khăn, Chữ Thập; đưa tàu tìm kiếm cứu nạn “Nam Hải cứu 115”, có bãi đáp cho trực thăng cứu hộ cỡ trung tới neo đậu thường trú tại Đá Xu Bi; điều tàu chiến có tên lửa dẫn đường Type 054A ra Đá Chữ Thập ở Trường Sa…
Hành động trên của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của cộng đồng quốc tế, buộc Bắc Kinh “muối măt” thừa nhận quân sự hóa trên Biển Đông. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (4/8/2018) đã ngang nhiên cho rằng “một số nước ngoài khu vực, chủ yếu là Mỹ, đã đưa vũ khí chiến lược lớn đến khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông, như là cách để phô bày sức mạnh quân sự và gây sức ép với các nước tại khu vực, bao gồm Trung Quốc. Tôi e rằng đây là động lực lớn nhất cho việc Trung Quốc thúc đẩy việc quân sự hóa tại khu vực”. Không những vậy, ông Vương Nghị còn ngang nhiên cho rằng “Trung Quốc hoàn toàn có quyền làm những việc đó vì Trung Quốc cần bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của mình. Và bởi vì ngày càng có nhiều áp lực với Trung Quốc, việc Trung Quốc tiến hành thêm nhiều biện pháp tự vệ là điều tự nhiên”. Đồng thời, ông Vương Nghị cũng không quên cáo buộc “các nước ngoài khu vực” cố tình gây rối tại Hội nghị Ngoại trưởng Thượng đỉnh Đông Á (EAS), Hội nghị của ASEAN và 8 nước khác, bao gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Nga, Hàn Quốc và Mỹ. Gần đây nhất, Bộ trường Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phương Hòa đã ngang nhiên cho rằng Trung Quốc “có quyền” xây dựng các cơ sở quốc phòng trên các đảo tự nhiên và nhân tạo ở Biển Đông và rằng “đây là quyền hợp pháp của một quốc gia có chủ quyền để thực hiện xây dựng trên lãnh thổ của mình”.
Giới chuyên gia nhận định, Trung Quốc ngang nhiên quân sự hóa ở Biển Đông (bất chấp cam kết trước đây của Tập Cận Bình) là nhằm ngăn chặn và đẩy Mỹ ra khỏi khu vực này, biến khu vực Biển Đông thành vùng chịu ảnh hưởng chi phối của Trung Quốc; đồng thời tìm cách gây áp lực với các nước cùng có tranh chấp ở Biển Đông, nhằm khiến các nước này nản chí, từ bỏ hy vọng có ngày giành lại được khu vực tranh chấp. Ngoài ra, việc thừa nhận quân sự hóa ở Biển Đông cũng phục vụ mục đích “răn đe” và đe dọa của Bắc Kinh, đặc biệt là trong bối cảnh các tranh chấp về quyền đánh cá và khai thác tài nguyên có thể nóng lên trong khu vực. Đặc biệt, trong bối cảnh Mỹ đánh thuế nặng đối với nhiều loại hàng hóa của Trung Quốc tác động mạnh mẽ đến tình hình xuất khẩu cũng như giá trị đồng tiền của nước này, từ đó ảnh hưởng lớn đến tình hình trong nước. Vì thế, Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động quân sự hóa Biển Đông là nhằm hướng sự chú ý của người dân sang một vấn đề khác.
Việc Trung Quốc tiến hành quân sự hóa ở Biển Đông không chỉ đi ngược lại cam kết của ông Tập Cận Bình mà còn vi phạm hiến chương Liên Hợp quốc; vi phạm Công ước luật biển; vi phạm tuyên bố ứng xử các bên trên biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký ASEAN (2002) ở PhnomPenh Campuchia. Về mặt đối ngoại họ đã đi ngược lại điều cam kết với các nước ASEAN là giữ nguyên hiện trạng trong quan hệ Việt Nam và thống nhất 6 nguyên tắc ứng xử giải quyết tranh chấp biển Đông. Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng ký tuyên bố chung Việt – Trung, trong đó khẳng định lại hai bên cam kết đảm bảo hòa bình ổn định khu vực. Đặc biệt, trong cuộc họp báo quốc tế ở nhà trắng, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố rằng Trung Quốc không quân sự hóa biển Đông. Tuy nhiên, trên thực tế Trung Quốc đã đi ngược lại với điều cam kết, ngược lại với quốc tế
Không những vậy, việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông khiến cộng đồng quốc tế hiểu rõ bản chất và bộ mặt thật của Trung Quốc. Điều này không chỉ khiến Trung Quốc đã tự cô lập họ trong khu vực, đặc biệt trong mối quan hệ với các nước ASEAN mà còn khiến uy tín, danh dự quốc gia của Trung Quốc bị tụt giảm nghiêm trọng.
Đổi trắng thay đen trong vấn đề tấn công tàu cá các nước
Trung Quốc là một trong những nước có cách hành xử thô bạo, nguy hiểm và có phần tàn độc đối với ngư dân các nước đang đánh bắt cá trên Biển Đông. Việc Trung Quốc sử dụng lực lượng dân quân biển hay lực lượng chấp pháp (Cảnh sát biển, Ngư chính…) tấn công, cướp bóc, đâm chìm tàu cá của ngư dân các nước đang đánh bắt cá hợp pháp trên Biển Đông không phải hiếm gặp. Tuy nhiên, thay vì nhận sai và bồi thường cho ngư dân các nước, Chính quyền Trung Quốc lại ngang nhiên cho rằng lực lượng chấp pháp của minh “không hề tấn công” tàu cá các nước, khẳng định “tàu Trung Quốc đã cứu vớt” tàu cá các nước… Những hành động này chỉ mang tính đổi trắng thay đen, vì ngư dân các nước đều là những bằng chứng sống tố cáo hành vi gian ác của Bắc Kinh trên Biển Đông. Một số vụ việc điển hình gần đây như:
Mới đây nhất, tàu dân quân biển của Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Philippines khi đang nghỉ đêm tại vùng biển bãi Cỏ Rong rồi bỏ mặc 22 ngư dân trôi dạt trên biển. Chính quyền Trung Quốc đã cố tình đưa ra các tuyên bố chối tội, tìm cách xoa dịu dư luận Philippines. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng (13/6) ngang nhiên tuyên bố nước này vẫn “đang điều tra” và việc Philippines “chính trị hóa vụ việc mà không xác thực” là hành động vô trách nhiệm; khẳng định đây chỉ là “tai nạn hàng hải bình thường khi lưu thông trên biển”. Tuy nhiên, ông Cảnh Sảng cho biết thêm: “Nếu những thông tin liên quan là đúng, thì dù thủ phạm là người nước nào, hành vi của họ cũng cần bị lên án”. Đại sứ quan Trung Quốc tại Philippines (14/6) công bố kế quả điều tra sơ bộ, bao biện cho rằng tàu cá Yuemaobinyu 42212 từ tỉnh Quảng Đông đã tham gia vào “hoạt động kéo lưới” ở khu vực xung quanh bãi Cỏ Rong ở Biển Đông vào ngày 9/6; nhấn mạnh tàu 42212 “bất ngờ bị 7 hoặc 8 tàu Philippines bao vây” và “trong lúc sơ tán, dây cáp thép trên mạng lưới thắp sáng của tàu va chạm với buồng lái của tàu Gem-Ver 1”. Thuyền trưởng Trung Quốc đã cố cứu ngư dân Philippines, nhưng sợ bị các tàu Philippines khác bao vây. Vì vậy, khi xác định được những ngư dân đó được các tàu Philippines khác cứu, tàu 42212 mới rời khỏi hiện trường”.
Trước đó, tàu Trung Quốc mang biển kiểm soát 44101 (6/3) đã ngang nhiên đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam trong khu vực đảo Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Khi bị đâm chìm, tàu cá Quảng Ngãi chỉ nổi phần mũi, năm ngư dân trên tàu phải bám vào phần nổi này và đã được một tàu cá khác của Việt Nam cứu vớt an toàn, rời khu vực bị nạn để tiếp tục đánh bắt hải sản. Tuy nhiên, thay vì nhận lỗi và đền bù cho ngư dân Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng (7/3) xuyên tạc rằng tàu Ngư chính của Trung Quốc liên lạc với Trung tâm Tìm kiếm và Cứu hộ Trên biển của Trung Quốc và “cứu” các ngư dân trong buổi chiều, cho rằng khi tàu Trung Quốc tiếp cận tới tàu cá Việt Nam, thì tàu này đã chìm. Trước đó, ông Lục Khảng (3/1/2019) ngang nhiên cho rằng việc tàu cảnh sát biển Trung Quốc đâm va tàu của ngư dân Việt Nam hoạt động đánh cá ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam hiện Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép là “hành động chấp pháp bình thường”. Theo đó, phía Trung Quốc xuyên tạc rằng: “Căn cứ tình hình mà chúng tôi nắm được, tàu công vụ Trung Quốc luôn chỉ tuần tra chấp pháp bình thường trên vùng biển mà Trung Quốc quản hạt. Một số biện pháp đã được áp
dụng cho tàu cá nước ngoài xâm nhập đánh bắt là điều bình thường, cũng là phương thức chấp pháp ở mức thấp nhất. Mà theo tôi tìm hiểu thì những việc mà bạn hỏi chỉ là tình hình cá biệt. Việc một số quốc gia láng giềng trên thế giới thỉnh thoảng xảy ra tranh chấp nghề cá cũng là rất bình thường”.
Không chỉ đâm chìm tàu cá các nước, lực lượng chức năng của Trung Quốc còn kiêm nhiệm chức năng “cướp biển”. Mới đây, tàu cá QNa-91441 của ngư dân Quảng Nam (2/6) bị tàu Cảnh sát biển Trung Quốc số hiệu 46305 chặn cướp tài sản khi đánh bắt cá trong vùng biển gần đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Theo thông tin trên, tàu cá của ngư dân Quảng Nam có số hiệu QNa-91441 khai báo rằng tàu bị “tàu Trung Quốc mang số hiệu 46305 áp sát, yêu cầu mở hầm tàu và đưa hết mực khô bên trong rồi vận chuyển sang ca nô chở về tàu 46305”. Vụ cướp được ghi nhận xảy ra tại vị trí 15 độ 42 phút Bắc, 111 độ 34 phút Đông, thuộc đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Thuyền trưởng tàu QNa-91441 cho biết, “trong khi khống chế và lấy mực, có người trên tàu Trung Quốc nói tiếng Việt với các ngư dân rằng đây thuộc vùng biển Trung Quốc nên cấm khai thác. Ngoài ra người này còn dọa sẽ cắt hết lưới và lấy hết dụng cụ hành nghề nếu phát hiện ngư dân Việt Nam lần sau”. Tin cho hay trị giá của 2 tấn mực khô vào khoảng 250 triệu đồng, nhưng thiệt hại chung do chuyến đi gặp trở ngại có thể cao hơn gấp đôi.
Nhìn chung, trong những năm gần đây, cộng đồng quốc tế không lại gì những trò bẩn của Trung Quốc trên Biển Đông. Với việc là nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, một trong những cường quốc quân sự, kinh tế trên thế giới lại chơi trò “mặt dày” đi cướp đất, chiếm biển đảo của Việt Nam, tấn công tàu cá ngư dân các nước, nói không đi đôi với làm… là không thể chấp nhận được. Để tránh bị cộng đồng quốc tế lên án, cô lập, Trung Quốc cần chấm dứt ngay những hành động phi pháp trên, tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam trên Biển Đông, đền bù thỏa đáng cho ngư dân Việt Nam cũng như ngư dân các nước.
Tàu cá TQ đe dọa môi trường Biển Đông
Giới chuyên gia quốc tế quan ngại cách thức hoạt động của tàu cá Trung Quốc sẽ ảnh hưởng nặng nề đến môi trường và nguồn tài nguyên Biển Đông.
Trong báo cáo mới nhất, Chương trình sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) cho hay nhiều tàu khai thác sò tai tượng của Trung Quốc đã bắt đầu hoạt động trở lại trên Biển Đông. Trước đó, đội tàu này đã gây tổn hại nghiêm trọng hoặc phá hủy ít nhất 28 bãi đá ngầm ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2012 – 2015. Đến tháng 7.2016, Tòa trọng tài quốc tế phán quyết Trung Quốc vi phạm trách nhiệm quốc tế về bảo vệ môi trường biển và hoạt động khai thác sò tai tượng của nước này tạm ngừng một thời gian.
Theo AMTI, đội tàu khai thác sò tai tượng của Trung Quốc thường bao gồm hàng chục tàu cỡ nhỏ đi cùng với một số “tàu mẹ” lớn hơn và dùng nhiều biện pháp thô bạo phá hủy các rạn san hô để đánh bắt. Hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy số tàu này đang hoạt động thường xuyên ở đá Bông Bay thuộc Hoàng Sa, để lại những vết cào xước dài trên bề mặt san hô. Tại khu vực đảo Bạch Quy thuộc Hoàng Sa cũng xảy ra tình trạng tương tự. Cũng theo hình ảnh vệ tinh, một số lượng lớn tàu khai thác sò tai tượng Trung Quốc đã trở lại bãi cạn Scarborough đang tranh chấp với Philippines. Hồi tháng 4, Đài ABS-CBN chiếu đoạn phim quay từ hiện trường cho thấy nhiều tàu dùng các ống dài gắn vào động cơ để luồn sâu vào bề mặt bãi cạn. Theo ngư dân Philippines, cách thức này “mang tính phá hoại nghiêm trọng” và phát tán cặn bẩn ra các vùng biển lân cận.
Ngoài ra, tàu cá Trung Quốc còn bị cho là sử dụng nhiều biện pháp đánh bắt thủy sản mang tính tàn phá như dùng thuốc nổ, thuốc độc, giã cào và lưới mắt nhỏ. Hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông cũng góp phần phá hủy san hô trên quy mô lớn, khiến cá mất địa điểm đẻ trứng còn cá con không còn nơi ẩn náu. “Trữ lượng cá chắc chắn giảm. Các tàu lớn đi đến đâu cũng hầu như giết chết mọi thứ”, Đài ABC News dẫn lời ông Vương Đông, chủ một tàu cá nhỏ ở tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), thừa nhận. Trước tình hình này, tiến sĩ Rashid Sumaila thuộc Đại học British Columbia (Canada) cảnh báo nếu tàu cá Trung Quốc tiếp tục duy trì quy mô và cách thức đánh bắt như hiện nay, trữ lượng thủy sản ở Biển Đông có thể suy giảm đến 59% vào năm 2045.
Khen thưởng ngư dân Việt Nam cứu 22 ngư dân Philippines
Chiều 17.6, ông Phạm Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết Sở NN-PTNT vừa có báo cáo nhanh cho UBND tỉnh về vụ việc ngư dân Ngô Văn Thẻng (trú xã Bình Xuân, TX.Gò Công, Tiền Giang) hành nghề lưới rê, đã cứu 22 ngư dân Philippines tại khu vực bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa) của Việt Nam.
Theo ông Tuấn, tàu cá của ông Thẻng mang số hiệu TG 90983 TS, do chính ông Thẻng làm tài công, đánh bắt ở khu vực quần đảo Trường Sa. “Ông Thẻng báo với Chi cục Thủy sản Tiền Giang là đã cứu sống 22 ngư dân người Philippines sau khi tàu của họ bị nạn trên biển. Sau đó, ông Thẻng đã báo cáo vụ việc với lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam và những người này đã được bàn giao cho phía ngành chức năng của Philippines. Ông Thẻng là ngư dân đã nhiều năm hành nghề. Hiện ông ấy vẫn còn trên biển để đánh bắt. Tôi đã yêu cầu Sở NN-PTNT xem xét nghiêm túc cho trường hợp này để tham mưu UBND tỉnh kịp thời khen thưởng, biểu dương xứng đáng cho hành động đẹp của ngư dân Ngô Văn Thẻng”, ông Tuấn cho biết.
Trước đó truyền thông thế giới đưa tin, tối 9.6, tại khu vực biển gần bãi Cỏ Rong trên Biển Đông xảy ra vụ va chạm giữa tàu Trung Quốc và tàu cá Philippines. Hậu quả là tàu cá Philippines chìm, 22 ngư dân trên tàu bị rơi xuống biển. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana lên án hành động của tàu cá Trung Quốc “vì bỏ rơi 22 thuyền viên Philippines”. Ông gửi lời cảm ơn tới thuyền trưởng và các thuyền viên tàu Việt Nam đã cứu ngư dân Philippines.
http://biendong.net/bi-n-nong/28749-tau-ca-tq-de-doa-moi-truong-bien-dong.html
Hải quân Malaysia, Indonesia và Philippines
tiến hành tuần tra, diễn tập chung
đảm bảo an ninh hàng hải trên biển năm 2019
Malaysia, Indonesia và Philippines vừa nhất trí sẽ tổ chức các hoạt động tuần tra, diễn tập chung thường niên lần thứ ba, nhằm tăng cường đảo bảo an ninh hàng hải, trong đó có hoạt động chống cướp biển và khủng bố cực đoan.
Nội dung các hoạt động tuần tra, diễn tập ba nước năm 2019
Theo thông báo của Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu, cuộc diễn tập ba bên giữa Malaysia, Indonesia và Philippines sẽ diễn ra trong một tháng tại thị trấn Tarakan, ở tỉnh Đông Kalimantan, thuộc phần đảo Borneo của Indonesia và một phần khu vực phía Nam của Philippines. Thông báo được đưa ra trong bối cảnh ba nước Đông Nam Á này đang tăng cường hợp tác chặt chẽ trong cuộc chiến chống phiến quân hồi giáo cực đoan và nạn cướp biển. Các hoạt động diễn tập chung gồm việc tàu hải quân ba nước tham gia tuần tra trên biển và trên bộ, ngoài ra còn có hoạt động tuần tra bằng máy bay, hoạt động cứu hộ cứu nạn, truy quét giải cứu con tin khỏi cướp biển, tấn công khủng bố… Bên cạnh đó cũng có hoạt động phối hợp chỉ huy, trao đổi thông tin qua các trung tâm hàng hải đã được ba nước thiết lập từ năm 2017.
Cuộc tuần tra, diễn tập chung ba nước năm 2017 và 2018
Các cuộc tuần tra, diễn tập chung giữa Indonesia, Malaysia, Philippines được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 6/2017, sau đó là lần thứ hai cũng diễn ra vào tháng 6/2018 nhằm đối phó với các thách thức an ninh trong vùng biển giữa ba quốc gia này.Trong những năm gần đây, hàng chục người Indonesia và Malaysia đã bị nhóm phiến quân Abu Sayyaf bắt cóc tại vùng biển Sulu, phía Tây Nam Philippines. Bên cạnh đó, các phiên quân thuộc tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) trở về từ Trung Đông cũng làm gia tăng các thách thức an ninh tại khu vực này. Cuộc tuần tra, diễn tập chung diễn ra trên vùng biển ngoài khơi của vùng Mindanao nhằm phòng ngừa và trấn áp nguy cơ an ninh từ các phiến quân hồi giáo và phiến quân IS. Nhóm phiến quân Hồi giáo Maute từng nhiều lần tuyên thệ trung thành với IS đã tấn công thành phố Marawi trên đảo Mindanao ở miền Nam Philippines, buộc Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phải ban hành thiết quân luật trên toàn hòn đảo. Tuy nhiên theo giới phân tích, do vùng biên giới lãnh hải của ba nước này còn có nhiều chỗ hỗng nên việc phát hiện nhất cử nhất động của nhóm phiến quân rất khó khăn. Indonesia và Singapore cũng đã tiến hành các đợt tuần tra chung thành công ở vùng eo biển Malacca trong công cuộc chống nạn cướp biển.
Trung tâm chỉ huy hàng hải thúc đẩy chia sẻ thông tin và phối hợp tác chiến giữa các nước
Tại các cuộc tuần tra, diễn tập chung giữa Indonesia, Malaysia, Philippines được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 6/2017, ba nước đã mở trung tâm chỉ huy hải quân. Indonesia mở cửa một trung tâm chỉ huy hải quân tại căn cứ Taracan, trên đảo Borneo. Hai trung tâm chỉ huy hải quân khác được thành lập tại Malaysia và Philippines. Các trung tâm hoạt động trên cơ sở phối hợp tuần tra và chia sẻ thông tin tạo thành tam giác kiểm soát an ninh khu vực. Phát biểu nhân các sự kiện này, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia, ông Ryamizard Ryacudu nhấn mạnh duy trì an ninh hàng hải là nhiệm vụ chung của các nước thành viên ASEAN, chứ không phải của riêng nước nào. Hải quân Indonesia cũng yêu cầu người dân địa phương, ngư dân tại khu vực lãnh hải giáp Philippines báo cáo cho lực lượng an ninh về những đối tượng khả nghi. Một đơn vị cảnh sát cơ động cũng được điều tới khu vực phía Bắc đảo Sulawesi để ngăn chặn các tay súng vượt biên.
Những biến động an ninh tại miền Nam Phillipines thời gian qua cũng là hồi chuông cảnh báo đối với các quốc gia láng giềng như Indonesia và Malaysia. Bộ trưởng Nurmantyo cho biết có khoảng 500 đến 600 phần tử khủng bố trong khu vực trong đó 257 tên đã bị tiêu diệt, số còn lại rất có thể đã trà trộn vào dòng người sơ tán để bỏ chạy. Tại vùng biển Đông Sabah thuộc Malaysia có hoạt động của các nhóm vũ trang tấn công tàu thuyền và bắt cóc thuyền viên. Còn tại eo biển Singapore, các tàu được khuyến cáo đề cao cảnh giác và tiếp tục duy trì các biện pháp phòng ngừa cướp biển, cướp có vũ trang thích hợp. Đặc biệt, các nhóm cướp thường tấn công tàu đang di chuyển qua khu vực này hoặc đang thả neo và ban đêm. Những năm qua, các trung tâm chỉ huy hải quân của Indonesia, Malaysia, Philippines đã phát huy tốt vai trò cung cấp thông tin về cướp biển và khủng bố.
ASEAN cần tăng cường các hoạt động tuần tra chung và chia sẻ thông tin về đảm bảo an ninh hàng hải
Phát biểu tại một sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị An ninh Hàng hải quốc tế (IMSC) lần thứ 6 diễn ra tại Singapore ngày 14/5 vừa qua, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Chan Chun Sing nhận định rằng việc xây dựng lòng tin hướng tới đối thoại hòa bình và khuyến khích thỏa hiệp là điều quan trọng để ứng phó với những thách thức an ninh hàng hải phức tạp vốn đang đe dọa mạng lưới thương mại hiện nay.Bộ trưởng Chan Chun Sing đã đề cập đến các thách thức hàng hải như mối đe dọa cướp biển và khủng bố.Ông cho biết không nên đánh giá thấp những tác động của một vụ tấn công tại các khu vực hành lang hẹp và sâu trên biển như Kênh đào Panama hoặc Kênh đào Suez vì đây sẽ là “thảm họa” và có khả năng cắt đứt những cầu nối thương mại giữa các khu vực lớn của thế giới.Do đó, ông cho rằng để đối phó với hoạt động khủng bố trên biển, cần sự phối hợp chặt chẽ cũng như cần niềm tin giữa các nước trong việc chia sẻ tin tức tình báo.Các vụ tấn công mạng nhằm vào cảng biển hay các hoạt động trên biển đã từng xảy ra. Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore cho hay với đường cáp dưới biển vốn là cơ sở hạ tầng cho công nghệ số, một vụ tấn công hay sự cố xảy ra dưới đáy biển có thể cắt đứt những dữ liệu quan trọng hỗ trợ cho các quốc gia; đồng thời cảnh báo trong bối cảnh kinh tế thế giới hướng tới kết nối dữ liệu lớn hơn, sự tác động từ các cuộc tấn công mạng càng gia tăng, do vậy các nước cần đảm bảo an toàn cho không gian mạng dành cho hoạt động giao thương hàng hải và các cơ sở hạ tầng khác.