Đọc báo Pháp – 15/06/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 15/06/2019

Dự luật dẫn độ Hồng Kông:

Sự đối đầu giữa nhân dân và quyền lực

Thanh Hà

Hai chữ Hồng Kông chiếm trọn trang bìa màu đỏ tuần báo Anh, The Economist. Tất cả các chữ cái màu đen, ngoại trừ hai chữ o màu vàng, được nối liền bằng một sợi xích, thành chiếc còng tay.

Trong bài báo mang tựa đề “Khuôn pháp luật”, tạp chí phát hành tại Luân Đôn này đưa ra ba nhận định về một trong những cuộc xuống đường rầm rộ nhất ở Hồng Kông từ khi Anh Quốc trao trả lại Hồng Kông cho Bắc Kinh năm 1997. Thứ nhất, đại đa số những người xuống đường phản đối dự luật cho dẫn độ về Hoa Lục còn rất trẻ, quá trẻ để có thể hoài niệm về thời kỳ Hồng Kông còn là thuộc địa của vương quốc Anh. Điểm thứ hai là số này không hạnh phúc khi thấy Bắc Kinh ngày càng mạnh tay kiểm soát các sinh hoạt chính trị, xã hội tại đặc khu hành chính này. Thứ ba là sự can đảm của những người biểu tình Hồng Kông cho thấy mức độ quan tâm của số này đối với tương lai của chính mình.

“Một quốc gia hai chế độ” : khẩu hiệu chỉ có trên giấy tờ

Dù vậy The Economist không hề ảo tưởng về hồi kết của cuộc đọ sức bất tương xứng giữa một bên là thường dân và bên kia là bộ máy của chính quyền. Hơn một triệu dân Hồng Kông xuống đường, không chắc đủ làm Tập Cận Bình nao núng. Bài báo kết luận “mỗi lần nổ ra một cuộc nổi dậy, thế giới lại được chứng kiến thái độ không khoan nhượng của Bắc Kinh và các đợt đàn áp thô bạo đó hoàn toàn trái ngược với hình ảnh một đất nước hài hòa” mà Trung Quốc muốn đưa ra. Hai mươi hai năm trước khi Hồng Kông được trao trả về với “mẫu quốc” người ta nghĩ rằng “hai chế độ” sẽ được song hành. Chuyện đó không có thực.

Tuần báo L’Obs đăng bức ảnh Hồng Kông chìm trong một biển người bên cạnh hàng chữ “Cuộc tuần hành khổng lồ”. Courrier International trích lại một bài báo của South China Morning Post cho thấy hành pháp Hồng Kông trong thế “Trên đe dưới búa” : dự luật cho dẫn độ về Hoa Lục đã làm sống lại phong trào phản kháng tại Hồng Kông. Dự luật này cũng có thể là hồi chuông báo tử cho sự nghiệp chính trị của lãnh đạo Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga.

Từ sau thất bại năm 2014 của phong trào dù vàng đòi được quyền bầu ra ban lãnh đạo cho đặc khu hành chính này theo mô hình phổ thông đầu phiếu, và sau một cuộc nổi dậy tại khu vực Mongkok năm 2016 mà chính quyền cho rằng phe đòi ly khai đã khuấy lên, tình hình tại Hồng Kông đã lắng dịu. Đối lập bị hụt hơi. Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga củng cố chiếc ghế lãnh đạo, tăng điểm trong mắt của Bắc Kinh cho dù đó là nhờ may mắn nhiều hơn là nhờ vào tài năng của nữ chính trị gia này.

Rơi vào bẫy của Bắc Kinh

Vậy thì điều gì đã thôi thúc họ Lâm đưa ra dự luật dẫn độ ? South China Morning Post cho rằng, chính quyền Hồng Kông đã “đi quá đà”. Ban đầu mục tiêu chỉ nhằm cho phép dẫn độ sang Đài Loan một nghi phạm người Hồng Kông bị cáo buộc giết người. Bắc Kinh im lặng để mặc cho chính quyền của bà Lâm tự quyết. Dự luật này ban đầu đã được một số doanh nhân Hồng Kông thân Bắc Kinh và các nghị viên ủng hộ và số này nghĩ rằng, họ sẽ được tự do đề xuất những sửa đổi cho bộ luật đó. Không ngờ chính thành phần này “rơi vào bẫy” của Bắc Kinh.

Trung Quốc quan tâm đến dự luật này hơn ai hết. Để rồi chính những doanh nhân từng ủng hộ về nguyên tắc dẫn độ ý thức được rằng, bộ luật ấy một khi có hiệu lực là con dao hai lưỡi, đe dọa đến quyền lợi của những ai làm ăn nhiều với Hoa Lục. Về phần Lâm Trịnh Nguyệt Nga, bà thừa biết rằng, ưu tiên của Bắc Kinh là thông qua dự luật này chứ không phải là bước kế tiếp trong sự nghiệp chính trị của bà.

1989-2019 thế giới nhầm to về Trung Quốc

Cũng về Trung Quốc, xã luận trên tuần san Le Point thu hút độc giả với hàng tựa : “1989-2019, 30 năm thế giới nhầm to” về Trung Quốc. Vụ thảm sát Thiên An Môn không là một “tai nạn”, mà là ngọn đuốc soi rọi vào thế giới của chúng ta ngày nay.

Tác giả bài viết, Nicolas Baverez trở lại với thời điểm 1989 : vào mùa thu năm đó, tại Đức, bức tường Berlin sụp đổ, chấm dứt chiến tranh lạnh, Liên Xô cáo chung. Trước đó, tại Bắc Kinh phong trào phản kháng ôn hòa của sinh viên Trung Quốc bị đàn áp đẫm máu. Những gì diễn ra tại Berlin khép lại thế kỷ XX. Ngược lại, cuộc nổi dậy ở Bắc Kinh mở ra một trang sử mới cho thế kỷ XXI.

Không ai phủ nhận những ảo vọng của thế giới từ khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ. Hoa Kỳ đã tưởng rằng có thể một mình một chợ để áp đặt luật chơi với phần còn lại của thế giới. Châu Âu thì cũng đã tưởng chừng mô hình xây dựng một nhà nước pháp quyền không còn chông gai.

Thực tế không màu hồng như bức tranh vẽ. Thế giới đã trải qua nhiều vụ “vỡ bong bóng” mà đỉnh điểm là khủng hoảng tài chính 2008. Mô hình dân chủ Châu Âu thì đang bị các làn sóng dân túy thách thức.

Riêng với Trung Quốc, thế giới phạm phải hai sai lầm. Thứ nhất là đã không xem đó là một trong những nền tảng của một mô hình rất đặc trưng của Bắc Kinh. Mô hình đó bao gồm một bên là phát triển kinh tế dưới sự chỉ đạo của đảng và nhà nước, duy trì ổn định về chính trị và bên kia là châm thêm củi lửa cho tinh thần dân tộc chủ nghĩa và chối bỏ tự do.

Chính vì sai lầm này, cộng đồng quốc tế đã mở rộng cửa Tổ Chức Thương Mại Thế Giới cho Bắc Kinh. Phương Tây đâu thể ngờ rằng, Trung Quốc không chuyển mình theo mô hình dân chủ mà trái lại, nhờ có sức mạnh kinh tế Bắc Kinh càng cứng rắn hơn, để hiện nguyên hình là một chế độ chuyên chế. Trung Quốc đã thách thức phương Tây, không che dấu tham vọng thay Mỹ thống lĩnh thế giới từ năm 2050.

Sai lầm thứ nhì của phương Tây, theo quan điểm của cây bút Baverez trên Le Point là đã “đánh giá quá thấp vị trí của Châu Á trong toàn cảnh thế giới”. Trong khi đó 50% dân số địa cầu sống tại châu lục này và đây cũng là nơi tạo ra 40% GDP của nhân loại, là một trong những chiếc nôi quan trọng của công nghệ mới.

Ngoài hai sai lầm đó, Âu Mỹ lại còn bị vướng tay vì một số chuyện khác : Washington chọn “ưu tiên cho quyền lợi của riêng nước Mỹ”, buông trôi các mối liên minh truyền thống. Cả Hoa Kỳ lẫn Châu Âu cũng không còn là những ngọn hải đăng của thế giới về tự do hay nhân quyền. Trong khi mà, đó mới chính là những điểm mạnh của các nền văn hóa phương Tây.

Boris Johnson, một Donald Trump của Anh Quốc

Nhân vật được nhiều tờ báo Paris chú ý trong tuần là Boris Johson, một “anh hề không chuyên nghiệp có nhiều khả năng trở thành thủ tướng Anh”. Tại Anh Quốc, “Boris Johnson hết duyên chọc cười”, Courrier International đặt tựa cho bài báo trích dịch lại từ tạp chí Foreign Policy của Mỹ số ra ngày 31/05/2019.

Tác giả bài viết phác họa chân dung không tốt đẹp chút nào về nhân vật có vóc dáng và phong cách rất giống Donald Trump này : sự nghiệp chính trị của Boris Johnson lên nhanh như diều, không phải nhờ tài năng mà nhờ các màn “bịp bợm giỏi” của ông ta. Boris Johnson thích nổi tiếng nhưng “lại bất lực trong việc sử dụng danh tiếng của mình một cách hữu ích cho đất nước”.

Trong hai năm ở cương vị ngoại trưởng, và có trọng trách đàm phán với Liên Âu về thủ tục ly dị Brexit, ông không ngừng “thọc gậy bánh xe thủ tướng Theresa May”. Hệ quả sau cùng là bà May đã phải từ bỏ chiếc ghế thủ tướng. Cũng ở cương vị ngoại trưởng Anh, Boris Johnson liên tục làm trò cười cho thiên hạ nhưng tiếc thay trong suốt thời gian đó, với các đối tác quốc tế, “không một lần nào ông Johnson chứng tỏ là một người xứng đáng và đáng tin cậy”, là người đủ sức đưa nước Anh thoát khỏi khủng hoảng hiện nay.

Cũng trong thời gian làm ngoại trưởng này Boris Johnson đã phá hoại một chút thân tình còn đọng lại giữa Luân Đôn với các đối tác châu Âu sau khi đa số dân Anh đứng về phía Brexit.

Dù vậy Stephen Paduano, tác giả bài viết được Courrier International trích dẫn nhìn nhận : Boris Johnson có một ưu điểm. Ông dư thừa năng lực. Đó là điều đảng Bảo Thủ Anh đang rất cần vào thời điểm này.

Cũng về nhân vật lạ lùng này trên chính trường Anh, L’Express tìm cách giải mã hiện tượng Boris Johnson : “Nghịch lý của anh hề Boris Johnson”. Bất tài nhưng lại là vị cứu tinh của đảng Bảo Thủ ?

Đảng Bảo Thủ Anh biết quá rõ nhân vật này, họ biết ông ta có những tuyên bố vụng về, biết rõ bản chất hèn nhát của Johnson và cũng thừa biết ông này có tật nói dối như Cuội. Nhưng trong thời đại thông tin gần như là trực tuyến này, những nhược điểm của Boris Johnson lại trở nên ăn khách và có sức thu hút lạ thường. Chỉ bấy nhiêu cũng đủ để “không một ai chơi lại với Boris Johnson”.

Dầu diesel hay cuộc khủng hoảng công nghiệp

Về kinh tế, tuần báo L’Express báo động “Diesel, cuộc khủng hoảng công nghiệp” : khối lượng xe chạy bằng dầu diesel giảm mạnh trên thế giới, đe dọa trực tiếp đến 15.000 người lao động trong lĩnh vực sản xuất xe hơi và các hãng gia công cho ngành sản xuất ô tô.

Emmanuel Botta trên L’Express cho biết trong thời gian từ 2012 đến 2019 khối lượng xe diesel bán ra trên thị trường châu Âu giảm mạnh. Bảy năm trước xe chạy dầu diesel chiếm 70 % thị phần châu Âu, giờ đây tỷ lệ này bị thu hẹp lại còn 34 % trong quý đầu năm 2019. Các xưởng sản xuất đầu máy diesel tại Pháp, tại Đức liên tục sa thải bớt nhân công. Trình trạng trở nên nghiêm trọng đến nỗi hôm 11/03/2019 bộ trưởng Kinh Tế Pháp đã phải triệu tập đại diện các hãng gia công cho ngành sản xuất ô tô để bàn thảo về một “chiến lược chuyển hướng chưa từng có trong lịch sử ngành xe hơi”.

Điện thoại về âm phủ

Nhìn đến phần trang xã hội và văn hóa, độc giả L’Obs sẽ tò mò đọc kỹ bài báo của Đoan Bùi dưới hàng tựa : “Nhật Bản, cái điện thoại cho phép nói chuyện với người của thế giới bên kia”.Tác giả đưa chúng ta đến Otsuchi, một ngôi làng ở miền đông bắc Nhật Bản, nơi trận sóng thần năm 2011 đã ập qua. Một ca-bin điện thoại, đường dây không nối vào bất kỳ hệ thống viễn thông nào … ngoại trừ là với “âm phủ”.

Itaru Sasaki, một người đàn ông ngoài 70 tuổi đã dựng lên một cái chòi sơn gỗ trắng ngay trong vườn nhà. Bên trong chòi đặt một chiếc điện thoại. Chủ nhân gọi đây là “Điện thoại của gió” bởi gió cuốn đi những tiếng thờ dài trong ngậm ngùi và thương nhớ của những người ở lại. Từ hơn 8 năm qua, hàng ngàn người đôi khi đến từ phương xa đã về đây, đã dừng chân trên mảnh vườn của ông già Itaru Sasaki, mượn chiếc “điện thoại của gió ấy” để trò chuyện với những người đã khuất.

Nói không cạn lời, đôi khi họ để lại những tin nhắn trong những cuốn sổ chủ nhân khu vườn nhìn ra biển cả đã có nhã ý để lại trong căn chòi. Với năm tháng không chỉ có những nạn nhân sóng thần tìm đến căn chòi gỗ sơn trắng này để nói chuyện với những người thân thương đã về bên kia núi. Những cuốn sổ trong khu vườn nhà cụ Itaru Sasaki được viết bằng khá nhiều thứ tiếng. Ngoài tiếng Nhật còn có cả những dòng chữ bằng tiếng Anh, tiếng Bengali. Cũng có những người đã mất thân nhân trong vụ tấn công tại New York 11 tháng 9 năm 2001 tìm đến với khu vườn của cụ ông Itaru Sasaki để tâm sự với nạn nhân vụ 911.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20190614-du-luat-dan-do-hong-kong-su-doi-dau-giua-nhan-dan-va-quyen-luc

 

 

Tin đọc nhanh

(AFP) – Những chiếc xe hơi đầu tiên Made In Vietnam sẽ được giao ngày 17/06/2019. 

Nhà sản xuất ô tô Việt Nam VinFast đã cho biết như trên vào hôm qua, 14/06. VinFast cho biết họ nhắm vào một thị trường nội địa đang mở rộng nhanh chóng, mặc dù sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ những tác nhân ngoại quốc uy tín như Toyota và Ford. Vinfast đang tìm cách đánh vào tâm lý tự hào dân tộc, và sản xuất ra các phương tiện bao gồm các mẫu xe sedan và SUV, cùng với xe tay ga điện tử và thậm chí cả xe buýt điện.

(AFP) – Tổng thống Brazil Bolsonaro lại phải đối phó với tổng đình công. 

Phong trào tổng đình công chống kế hoạch cải cách hưu bổng hôm qua, 14/06/2019 đã làm xáo trộn ngành chuyên chở công cộng, gây nên tình trạng kẹt xe và một số vụ xô xát giữa người biểu tình và cảnh sát. Chính phủ của tổng thống Jair Bolsonaro, tại chức chưa đầy sáu tháng, đang phải đối mặt với càng lúc càng nhiều các cuộc biểu tình phản đối. Thế nhưng phong trào phản kháng hôm qua có quy mô nhỏ hơn nhiều so với những ngày 15 và 30 tháng Năm vừa qua, đã thu hút được hàng trăm ngàn người Brazil xuống đường để bảo vệ ngành giáo dục.

(AFP) – Hàng trăm ngàn phụ nữ Thụy Sĩ xuống đường để bảo vệ quyền lợi của họ. 

Những người biểu tình, mặc trang phục màu tím, đã trương cao các khẩu hiệu đòi nữ quyền như “Đả đảo chế độ phụ hệ gia trưởng”, “Cơ thể của tôi là của tôi” hoặc “Harry Potter sẽ chết nếu Hermione không tồn tại”. Xe điện bị tắc nghẽn ở Zurich, nhà thờ sáng lên với hoa hồng ở Lausanne, biểu tượng nắm tay nữ quyền được chiếu rọi trên tòa nhà chọc trời ở Basel …

(AFP) – Trump : Tập Cận Bình tham dự G20 “không phải là điều quan trọng”. 

Tổng thống Mỹ hôm qua, 14/06/2019, trong một phỏng vấn với Fox News, khẳng định Bắc Kinh sẽ chấp nhận một thỏa thuận thương mại với Mỹ, để chấm dứt chiến tranh thuế, và việc chủ tịch Trung Quốc tham gia hay không vào hội nghị cuối tháng 6 tại Nhật không phải là vấn đề chính. Trước đó, ông Trump nhiều lần thông báo sẽ gặp Tập Cận Bình tại G20, nhưng Bắc Kinh chưa bao giờ xác nhận điều này.

(Reuters) – Hơn 600 công ty Mỹ yêu cầu Washington chấm dứt xung đột thương mại với Trung Quốc. 

Tập đoàn phân phối số một thế giới Walmart, và hàng trăm công ty Mỹ hôm qua, 13/06, đã gửi một bức thư chung đến chính quyền. Lý do đưa ra là cuộc chiến thuế gây thiệt hại cho các doanh nghiệp và người tiêu thụ Mỹ, mà không phải là công cụ hiệu quả để buộc Bắc Kinh từ bỏ các hoạt động bất chính.

(Reuters) – Mỹ trưng cầu ý kiến doanh nghiệp về dự án đánh thuế thêm với 300 tỉ đô la hàng Trung Quốc.

Cơ quan đại diện Thương Mại Hoa Kỳ (USTR) ngày 17/06 sẽ khởi sự việc tham vấn doanh nghiệp, đặc biệt trong các ngành công nghiệp và ngành phân phối. Hơn 300 người sẽ được USTR thẩm định về vấn đề này. Đợt tham vấn kết thúc ngày 25/06.

(AFP) – Algérie : Biểu tình tuần thứ 17 liên tiếp chống chính quyền độc tài. 

Bất chấp việc có thêm hai cựu thủ tướng của chính quyền tổng thống Bouteflika trước đây bị tống giam. Hôm qua, 14/06/2019, biểu tình diễn ra rầm rộ trên khắp cả nước, để yêu cầu giải thể chế độ, thực thi tiến trình chuyển hóa sang dân chủ.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190615-tin-doc-nhanh