Bí mật về việc bắt cóc người của Bắc Hàn

Cac Bai Khac

No sub-categories

Bí mật về việc bắt cóc người của Bắc Hàn
 

1. Mở bài
Viết bài rất khó, nhiều khi bí quá không biết phải viết những gì, treo bút cả tuần lễ, 10 ngày mà không tìm ra được đề tài mong muốn. Tuy nhiên, có nhiều “quới nhơn” (Quý nhân) phù trợ nên Trúc Giang có bài viết thường xuyên hơn. Rất cảm tạ những quý nhân nầy.
Đó là các thân hữu trong hội Cựu Quân Y Hải Quân VNCH, là hai anh Bác sĩ Nguyễn Tích Lai và Dược sĩ Nguyễn Tất Tiên. Đặc biệt là chị Tống Mỹ Loan (Pháp) đã hàng ngày chuyển đến những tài liệu vô cùng phong phú và đa dạng. Đó là những tài liệu để Trúc Giang viết bài.
Xin cảm ơn các thân hữu đó.
Do gợi ý của DS Nguyễn Tất Tiên (California) nên Trúc Giang mới có bài viết nầy: “Bí mật về việc bắt cóc người của Bắc Hàn”.
Tổng thống Donald Trump có cuộc viếng thăm Nhật Bản trong bốn ngày, bắt đầu từ 27-5-2019, tại cuộc họp tại nhà quốc khách Điện Akasaka, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe có những cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ về việc giải trừ vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn. Bên cạnh đó, 
Thủ tướng Nhật nhấn mạnh: “Chủ đề bắt cóc công dân Nhật vẫn là điều quan trọng. Việc bức hại công dân Nhật là điều quan tâm nhất đối với chính phủ của tôi. Bất kể nhiệm kỳ của tôi ra sao, tôi cũng phải làm mọi thứ để giải quyết vấn đề nầy”. 
Tổng thống Donald Trump cam kết giúp đỡ các nạn nhân bị Bình Nhưỡng bắt cóc.
2. Bắc Hàn bắt cóc hàng trăm người Nhật
Ngày 4-7-2013, tờ Telegraph (Anh) cho biết: “Cảnh sát Nhật Bản đã bắt đầu công bố hình ảnh và tên tuổi của hàng trăm đàn ông và phụ nữ bị cho là mất tích trong 6 thập niên qua, có thể là do tình báo Bắc Hàn bắt cóc”.
Tên tuổi của 169 người mất tích được công bố và còn 124 trường hợp nữa sẽ được cảnh sát công bố vào những tháng tới.
Ngoài ra, nhà chức trách cũng đang thảo luận với thân nhân của 308 trường hợp bị mất tích để được phép công bố tên tuổi và hình ảnh của những nạn nhân, nhưng cảnh sát cho hay, 263 trường hợp đã từ chối việc công khai tên tuổi thân nhân của họ.
Bà Yuki Yakabe, Giám đốc Ủy ban Điều tra người Nhật Mất tích, cho biết: “Chúng tôi xem đây là một bước tiến nhỏ nhoi, theo đúng hướng. Tuy nhiên, đã quá muộn. Nếu cảnh sát bắt tay điều tra sớm hơn có lẻ một số vụ việc đã được làm sáng tỏ rồi”.
Việc bắt cóc công dân Nhật diễn ra từ năm 1977 đến 1983. Đã có 17 người Nhật, 8 nam, 9 nữ được chính quyền Nhật chính thức công nhận là họ bị Bắc Hàn bắt cóc. Ngoài ra, con số không chính thức có thể lên đến hàng trăm người. Năm 2002, lãnh tụ Bắc Hàn, Kim Chánh Nhật, thú nhận đã bắt cóc 13 công dân Nhật Bản.
2.1 Tổng thống Donald Trump cam kết giúp đỡ các nạn nhân bị Bình Nhưỡng bắt cóc.
Ngày 6-11-2017, Tổng thống Trump và phu nhân Melania đã gặp 14 người thân và gia đình các công dân Nhật Bản bị Bắc Hàn bắt cóc và cam kết sẽ làm việc với Thủ tướng Shinzo Abe để đưa họ trở về Nhật Bản.
Sau đó, ông Trump đã nói với các phóng viên rằng ông đã nghe những câu chuyện “rất, rất buồn” về các nạn nhân. “Chúng tôi sẽ làm việc với Thủ tướng Abe, chúng tôi sẽ cố gắng đưa họ trở về Nhật Bản”.
Tổng thống Trump cùng phu nhân đã gặp gỡ người thân của các nạn nhân bị Bình Nhưỡng bắt cóc (Ảnh: AFP-JIJI)
Đa số những người Nhật bị bắt cóc ở lứa tuổi 20 và một người trẻ nhất là Megumi Yokota, 13 tuổi.
Mục đích bắt cóc về để dạy tiếng Nhật và văn hoá Nhật cho gián điệp ở các trường tình báo. Đồng thời, cũng dạy tiếng Nhật cho nhân viên hải quan và những người có nhu cầu nói tiếng Nhật. Những ngư dân Nhật lớn tuổi bị bắt cóc để tước đoạt lý lịch cá nhân rồi trao lý lịch đó lại cho gián điệp Bắc Hàn. Nạn nhân bị giết ngay sau đó, vì trên đời chỉ có một người mang lý lịch đó mà thôi. Một số phụ nữ bị bắt về làm vợ cho các tên khủng bố Bắc Hàn nằm vùng ở Nhật, và một vài trường hợp để bịt miệng vì người đó vô tình chứng kiến việc gián điệp bắt cóc người, đó là trường hợp của cô bé 13 tuổi, Megumi Yokota.
2.2 Cuộc đàm phán Nhật Bắc Hàn năm 2002
Ngày 17-9-2002, thủ tướng Nhật Junichiro Koizumi đến Bắc Hàn để thúc đẩy quan hệ ngoại giao bình thường và viện trợ cho nước Cộng Sản đang nghèo đói nầy, trong dịp đó, Kim Chánh Nhật thú nhận đã bắt cóc 13 công dân Nhật và mở miệng xin lỗi. Đồng thời, Bắc Hàn cũng cung cấp giấy khai tử của 8 người Nhật mà họ cho rằng đã chết.
Nhưng sau đó, trong phiên họp vào tháng 11 năm 2004 Kim Chánh Nhật xác nhận rằng đó là những tờ khai tử giả mạo.
2. 3 Bắc Hàn thả 5 nạn nhân về Nhật
Ngày 15-10-2002, Bắc Hàn cho phép 5 nạn nhân bị bắt cóc được về Nhật. Năm người đó là:
– Yasushi Chimura sinh ngày 4-6-1955 và vợ là Fukie Hamamoto sinh ngày 8-6-1955 bị bắt vào ngày 7-7-1978.
Yasushi Chimura 23 Fukie Hamamoto, 23
Yasushi Chimura gặp cha 
– Kaoru Hasuike sinh ngày 29-9-1957 và vợ là Yukiko Okudo, sinh ngày 15-4-1956, bị bắt ngày 31-7-1978, khi họ là sinh viên đang ngồi trên bãi biển, bị 4 gián điệp Bắc Hàn đánh gục, bỏ vào bao tải lớn trước khi mang xuống tàu.
 
Vợ chồng ông Kaoru Hasuike được thả năm 2002
– Hitomi Soga, y tá, vợ của trung sĩ Mỹ Charles Robert Jenkins đã đào ngũ trốn sang Bắc Hàn. Hitomi Soga bị bắt trong lúc đi mua sắm vào ngày 12-8-1978.
Ngày 22-5-2004, trong chuyến viếng thăm thứ hai của thủ tướng Nhật Junishiro Koizumi, 3 người con của Yasushi Chimura sinh ra ở Bắc Hàn, mang quốc tịch nước nầy, được cho phép đến Nhật sống với cha mẹ.
Ngày 9-7-2004, cụu trung sĩ Mỹ đào ngũ, Charles Robert Jenkins cùng 2 con gái được thả. Jenkins sợ bị đưa ra toà án quân sự Hoa Kỳ, nên đã đến Jakarta, Indonesia, gặp vợ, và đến ngày 18-7-2004, cả gia đình âm thầm về Nhật.
Ngày 22-5-2004, trong chuyến viếng thăm Bắc Hàn lần thứ hai của thủ tướng Junichiro Koizumi, 5 người con của những nạn nhân được trả về Nhật, là những người con sinh ra ở Bắc Hàn và mang quốc tịch của nước nầy, được cho phép đến Nhật để sum hợp gia đình với cha mẹ.
Tháng 5 năm 2004, 5 người con được về Nhật
2.4 Vụ bắt cóc Megumi Yokota 13 tuổi
Megumi Yokota bị bắt cóc lúc 13 tuổi
Vào một buổi tối rét buốt ngày 15-11-1977, tại thành phố Niigata, Nhật, bà Sakie Yokota không ngừng nhìn đồng hồ trên tường, lòng dạ bồn chồn, đứng ngồi không yên, không biết tại sao đứa con gái lớn của bà chưa về nhà. Megumi Yokota, 13 tuổi, (sinh ngày 15-10-1964) luôn luôn đi thẳng về nhà sau khi tan trường, nhưng hôm đó quá trễ. Bà lo sợ, chạy đến trường học, nhưng không ai trông thấy cô bé cả.
Ông bà cùng cảnh sát lùng sụt khắp nơi trong khu vực mà không có tin tức nào.
Một năm lo lắng và mong chờ trôi qua, rồi 5 năm, rồi 10 năm, 15 năm…. Cuối cùng, 20 năm sau, một nhà báo đến gõ cửa nhà bà, báo một tin làm chấn động cả gia đình. Megumi đã bị gián điệp Bắc Hàn bắt cóc.
Sau đó, Kim Chánh Nhật thú nhận rằng Megumi Yokota đã bị bắt cóc đem về Bình Nhưỡng và xác nhận cô gái 13 tuổi đó đã tự tử chết vào ngày 13-3-1994.
Ông bà Yokota không tin rằng con gái đã chết, nên ra sức vận động khắp nơi, nhờ can thiệp để cho con ông bà được thả ra.
Tháng 11 năm 2004, Bắc Hàn trao trả 2 bộ hài cốt, cho rằng đó là của 2 người mang tên:
Megumi Yokota và Kaoru Mastsuki.
Qua thử nghiệm DNA, Nhật cho rằng đó không phải là hài cốt của 2 người.
Ngày 27-4-2004, bà Sakie Yokota ra điều trần trước Hạ Viện Hoa Kỳ về công dân Nhật bị bắt cóc. Ngày hôm sau, Tổng thống George W. Bush tiếp kiến bà Sakie và đại diện của những gia đình có người bị bắt cóc. Hoa Kỳ hứa sẽ đưa vấn đề ra LHQ để áp lực, buộc Bắc Hàn phải thả người.
 
Bà Sakie Yokota gặp TT George W. Bush
Ông bà Sakie Yokota trả lời báo chí
2. 5 Hành trình 30 năm tìm con
 
Sakie Yokota, mẹ của Megumi Yokota, Bà Yokota in con bà còn song
Ngày 10-10-2011, tờ Yonhap dẫn lời của nghị sĩ Park Sun-young, một thành viên của đảng đối lập Nam Hàn, cho biết, một người Bắc Hàn đào thoát sang Nam Hàn tiết lộ rằng bà Megumi Yokota vẫn còn sống, nhưng bà không thể về Nhật Bản vì bà đã biết quá nhiều bí mật chính trị nhạy cảm của Bắc Hàn.
Việc bắt cóc công dân Nhật nằm trong mục đích cài gián điệp Bắc Hàn vào Nhật Bản.
Trong cuộc gặp gỡ với thân nhân những người bị bắt cóc, thủ tướng Nhật Yoshiko Noda bày tỏ ý định sẽ đến Bắc Hàn để thảo luận về vấn đề bắt cóc 30 năm về trước.
3. Bạo chúa mê điện ảnh, bắt cóc đạo diễn Nam Hàn
 
Đạo diễn Shin Sang-ok và vợ Choi Eun-hee và Kim Jong-il 
3.1 Nữ diễn viên điện ảnh Nam Hàn, Choi Eun-hee bị bắt cóc
Năm 1978, nữ diễn viên điện ảnh Nam Hàn, Choi Eun-hee, được mời đến Hồng Kông để xem xét một hợp đồng đóng phim. Bà Choi không ngờ hai người “đầu tư” là điệp viên Bắc Hàn. Bị đánh thuốc mê. Khi tỉnh dậy thì biết đang ở trên một chiếc tàu hướng về Bắc Hàn. Sự mất tích của bà khiến cho nhà chức trách Hồng Kông nỗ lực truy tìm, nhưng vô hiệu quả. Bí mật bao trùm.
Người chồng đã ly dị là đạo diễn nổi tiếng Nam Hàn, ông Shin Sang-ok, rời Seoul đến Hồng Kông tìm vợ cũ và cũng mất tích luôn. Dư luận xôn xao. Nhiều câu hỏi được đặt ra, ai là thủ phạm? Có phải vì lý do chính trị không? Hay bắt cóc tống tiền? Bàn tay nào ở phía sau những vụ mất tích đó? Không có câu trả lời.
Mãi đến 8 năm sau, nội vụ được đưa ra ánh sáng khi vợ chồng nhà đạo diễn bỗng nhiên xuất hiện tại sứ quán Mỹ ở nước Áo (Austria), cho biết họ bị Bắc Hàn bắt cóc để làm phim cho nước Cộng Sản nầy.
Từ đó, nhiều vụ bắt cóc bị phanh phui gây ồn ào trong dư luận khắp thế giới, khiến cho Liên Hiệp Quốc phải ra một Nghị quyết lên án và trừng phạt Bắc Hàn về việc vi phạm nhân quyền và bắt cóc người.
Năm 1978, theo lịnh của Kim Chánh Nhật, gián điệp Bắc Hàn thực hiện kế hoạch bắt cóc vợ chồng nhà đạo diễn nổi tiếng của Nam Hàn là ông Shin Sang-ok và vợ là nữ diễn viên Choi Eun-hee.
Bà Choi Eun-hee thuật lại, “Thật là kinh hoàng! Thật là khủng khiếp! Tôi bị đưa ra bến tàu HongKong, và trải qua một hành trình 8 ngày để tới Bình Nhưỡng. Tôi lo âu, sợ hãi nên không ăn uống gì, cho đến khi ngất xỉu.
Chồng bà, đạo diễn Shin Sang-ok từ Nam Hàn bay đến HongKong tìm bà, rồi cũng bị phục kích bắt đi luôn.
Ông Shin thuật lại, một người nào đó, chụp cái bao vải lên đầu, làm tôi không thấy gì cả, họ kéo tôi lên một chiếc xe đậu sẵn và chuyển tôi tới Bình Nhưỡng.
Người đạo diễn bị giam trên 4 năm vì 2 lần mưu toan vượt thoát. Trong tù, ông bị cho ăn cỏ, muối và ít cơm. Sau đó, học qua một lớp cải tạo để quán triệt sự vinh quang và ưu việt của chế độ Cộng Sản Bắc Hàn. Việc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, để cùng Bắc Hàn tiến lên Chủ Nghĩa Xã Hội, là sứ mạng lịch sử của đảng CS Bắc Hàn. Sau đợt học tập cải tạo phải viết thu hoạch, nếu không đạt mục đích yêu cầu thì phải học tiếp.
3.2 Vợ chồng nhà đạo diễn làm phim cho Bắc Hàn
“Sau 4 năm, bỗng dưng, một hôm tôi được đưa đến một bữa ăn tối với Kim Chánh Nhật (Kim Jong-il) và ở đó tôi gặp lại vợ. Kim Chánh Nhật nói, họ bắt tôi về để làm phim cho Bắc Hàn.
Kim nói với tôi: “Các nhà làm phim miền Bắc chỉ làm chiếu lệ, họ không có ý tưởng nào mới cả. Kim đưa tôi đi xem thư viện phim, chứa 20,000 bộ phim Hollywood. Ông cho biết rất thích Liz Taylor, Sean Connery, phim Rambo và những phim hành động, phim sex và kinh dị. Ông sẽ mở một chương mục với số tiền 2.5 triệu USD ở ngân hàng nước Áo, để tôi làm phim thật tốt cho Bắc Hàn.”
Bà Choi Eun-hee cũng được tặng quần áo và mỹ phẩm tây phương đắt tiền để mua chuộc.
Trong 2 năm, họ làm được 20 bộ phim. Cuộc sống không thoải mái, vì ngoài phim trường ra, họ bị canh chừng chặt chẽ.
Chuyên viên phân tích phim Johannes Schonherr nêu nhận xét: “Ông Shin biết cách biến đổi những công thức rập khuôn của Bắc Hàn biến chúng thành những cuồn phim tuyệt vời. Tài năng của ông Shin Sang-ok đã giúp Kim Jong-il cho ra những bộ phim có giá trị.
Năm 1985, cuốn phim Sogum của Bắc Hàn giúp cho bà Choi Eun-hee đoạt giải nữ diễn viên xuất sắc nhất tại Liên Hoan Phim Moscow.
Năm 1986, Bắc Hàn đưa bộ phim Pulgasari đi dự Liên Hoan Phim ở Vienna của Áo. Pulgasari là phim viễn tưởng kinh dị, lấy cảm hứng từ con khỉ đột King Kong của Nhật, con quái vật khổng lồ giúp nông dân đứng lên đấu tranh và lật đổ chế độ áp bức.
Nhân dịp đưa bộ phim Pulgasari tham dự Liên Hoan Phim ở Vienna (Áo), nhờ sự giúp đỡ của một nhà phê bình phim ảnh người Nhật, vợ chồng nhà đạo diễn dùng mưu kế gạt đám vệ sĩ canh chừng và chạy thẳng vào sứ quán Hoa Kỳ xin tỵ nạn.
“Trên đường đến Đại hội Điện ảnh, chúng tôi hối thúc tài xế taxi cố vượt bỏ xe của đám theo dõi. Trong khoảng cách độ 30m xen vào giữa là những chiếc xe khác, đến ngã tư thay vì quẹo trái đến Đại hội, taxi chúng tôi quẹo phải hướng về sứ quán Mỹ. Không thấy xe chúng tôi, đám vệ sĩ gọi radio yêu cầu tài xế xác định hướng đi, tôi dí vào tay tài xế một nắm đô la, yêu cầu anh ta đánh lạc hướng bọn canh chừng. Thế là chúng tôi chạy bộ vào sứ quán Mỹ”.
Kim Chánh Nhật cáo buộc Hoa Kỳ bắt cóc vợ chồng nhà đạo diễn, và mời họ về Bình Nhưỡng, nhưng họ từ chối.
Vợ chồng nhà đạo diễn sang sống ở Mỹ một thời gian vì sợ bị Nam Hàn nghi ngờ làm gián điệp cho Bắc Hàn. Đến năm 1994, họ trở về Hàn Quốc tiếp tục làm phim cho đến ngày ông Shin qua đời vào năm 2006.
4. Bắc Hàn bắt cóc người Nam Hàn
4.1 Bắc Hàn bắt cóc người Nam Hàn
Bắc Hàn nổi tiếng thế giới về tội phạm bắt cóc người. Nhà nước nầy thực hiện tội ác bắt cóc người Nhật Bản và Nam Hàn.
Đối với Nam Hàn có 2 giai đoạn bắt cóc. Đó là bắt cóc trong giai đoạn chiến tranh Nam-Bắc Hàn năm 1950-1953 và giai đoạn sau chiến tranh.
Trong chiến tranh, có 84,532 người Nam Hàn bị bắt cóc.
Sau chiến tranh, có 3,795 người Nam Hàn bị bắt cóc. Do sự can thiệp của quốc tế, Hoa Kỳ và Nhật 3,309 người được thả, và hiện nay còn 484 người bị lưu giữ ngoài ý muốn của họ.
Lee Min Kyo là một trong số 484 người mà Nam Hàn chính thức công nhận bị bắt cóc. Lee là một lực sĩ điền kinh bị bắt trong khi cùng các bạn cắm trại tại bờ biển phía Tây Hàn Quốc hồi năm 1977.
Những gia đình của nạn nhân bị bắt cóc cho rằng Nhật Bản đã thành công trong việc đòi những công dân bị bắt cóc thông qua đàm phán ngoại giao và cung cấp viện trợ, trong khi đó, chính quyền Nam Hàn tìm cách che giấu sự đau khổ của những gia đình nạn nhân, vì lo sợ sự nổi dậy những mâu thuẫn lịch sử giữa hai miền Nam Bắc. Chính quyền chỉ muốn lấy lòng Bắc Hàn mà thôi.
Bị bắt cóc là những thành phần, ngư dân, học sinh trung học, hải quân Nam Hàn và hành khách chiếc phi cơ bị không tặc Bắc Hàn chiếm giữ. Thời gian bắt người, từ những thập niên 1970 và 1980.
Những ngư dân bị bắt về để dạy cách phát âm, những tiếng lóng của người Nam Hàn trong các trường đào tạo gián điệp của Bắc Hàn, nhất là lấy lý lịch trao cho gián điệp Bắc Hàn để giả làm dân địa phương khi xâm nhập vào miền Nam. Ngày 28-5-1955, chiếc tàu của ngư dân Nam Hàn với 10 người bị bắt, kể từ đó số dân chài bị bắt cóc lên tới 3,696 người. Bị Nam Hàn làm dữ, Bắc Hàn thả 3,262 người.
Hôm 13-9-2013, Bộ Thống Nhất của Nam Hàn cho biết, một công dân Nam Hàn đã trốn thoát sau 41 năm bị bắt cóc ở Bắc Hàn. Ông Jeon Wook-pyo cho biết ông cùng 25 thủy thủ trên 2 tàu cá đã bị Bắc Hàn bắt cóc hồi năm 1972. Số phận những người khác không rõ.
Một tổ chức nhân quyền cho biết, ông Jeon bị điều tra hai tuần lễ để xem có phải là gián điệp của Bắc Hàn hay không.
4.2 Những vụ bắt cóc khác ở nhiều nơi
Tháng 12 năm 1969, chuyến bay YS-11 của hãng hàng không Korean Air Lines, Nam Hàn, chở 51 người, bị không tặc khống chế buộc phải đáp xuống Bắc Hàn. 39 người được thả, chiếc phi cơ và 12 hành khách không được trả về Nam Hàn, Kim Chánh Nhật tuyên bố họ muốn tỵ nạn chính trị ở Bắc Hàn.
Năm 1970, nhiều phụ nữ Hàn Quốc ở Li Băng bị bắt cóc. Cũng năm 1970, một phụ nữ Nam Hàn là một diễn viên và nhạc sĩ dương cầm cùng chồng bị bắt Yugoslavia.
Ngoài ra còn có: 2 vụ bắt cóc ở Ma Cau, 2 ở Đức, 3 ở Pháp, 3 ở Ý, 4 ở Malaysia, 1 ở Jordan, 1 ở Singapore, 2 ở Tây Ban Nha và 1 ở Đan Mạch. Bắt cóc thuộc tầm mức tội ác quốc tế của nước Cộng Sản nầy.
5. Nghị Quyết của Liên Hiệp Quốc lên án và trừng phạt Bắc Hàn
Ngày 27-4-2005, Anh Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và 45 quốc gia, bao gồm Liên Âu, đệ nạp một dự thảo Nghị Quyết trừng phạt Bắc Hàn về vi phạm nhân quyền và bắt cóc người. Đại Hội Đồng LHQ thông qua NQ với 88 phiếu thuận, 21 phiếu chống và 60 nước vắng mặt, không bỏ phiếu. Trung Cộng và Nga là 2 quốc gia chống việc trừng phạt Bắc Hàn về hành động bắt cóc
6. Cuộc đào tẩu vào địa ngục 40 năm của anh lính Mỹ 
Charles Jenkins trước khi đào ngũ và ở Nhật 2004
6.1 Đâm đầu vào địa ngục
Charles Robert Jenkins sinh ngày 18-2-1940 tại North Carolina, tình nguyện nhập ngũ năm 1958, được chuyển đến Sư Đoàn 1 Kỵ Binh trú đóng ở Nam Hàn. Trung sĩ Jenkins làm trưởng toán tuần tiểu ở khu phi quân sự DMZ (Demilitarized Zone) Bàn Môn Điếm ở vĩ tuyến 38, chia cắt Nam-Bắc Hàn.
Năm 1965, chiến tranh Việt Nam đang diễn ra khốc liệt, Jenkins hoang mang lo lắng sợ bị chuyển qua chiến trường Việt Nam thế rồi anh ta bắt đầu uống rượu.
Đêm 4-1-1965, trung sĩ Charles Robert Jenkins nốc một hơi 10 lon bia và bỏ tuần tiểu đêm đó. Sáng sớm ngày 5-1-1965, Jenkins buộc áo sơ mi trắng trên đầu súng, giơ lên cao và đi qua khu phi quân sự, tiến về phía binh lính Bắc Hàn.
Vì lo sợ nguy hiểm khi bị đổi qua chiến trường Việt Nam, anh lính Mỹ nầy đào tẩu, đâm đầu vào địa ngục Cộng Sản Bắc Hàn.
Trong bụng nghĩ rằng, anh hy vọng sẽ yêu cầu Bắc Hàn chuyển anh vào sứ quán Liên Xô, rồi sau đó, thông qua việc trao trả tù binh giữa Mỹ và Liên Xô, và cuối cùng anh sẽ được về quê hương. Nhưng anh lầm to.
Liền ngay sau đó, Bắc Hàn phát động một chiến dịch tuyên truyền rầm rộ, tuyên bố rằng một trung sĩ Mỹ đã đào tỵ sang Bắc Hàn. Lời tuyên bố bằng tiếng Anh của đương sự được loa phóng thanh ra rả suốt ngày chĩa vào phía quân đội Hoa Kỳ.
Quân đội Mỹ không có lời bình luận nào cả. Hoàn toàn im lặng. Riêng về phía gia đình của anh, họ nghĩ rằng anh bị địch bắt cóc trong lúc thi hành nhiệm vụ.
Sau đó, mọi tin tức về trung sĩ Jenkins chìm vào bí mật bên kia bức màn sắt, không ai nhắc nhở đến anh cả.
6.2 Những năm tháng không thể nào quên
Sau nầy, Jenkins tiết lộ, ngay sau đó anh rất hối tiếc về việc đào ngũ nầy. Anh cùng ba quân nhân Hoa Kỳ khác là James Joseph Dresnok, Larry Allen Abshier và Jerry Wayne Parrish bị giam chung trong một căn phòng không có nước để dùng, suốt thời gian 7 năm.
Đến năm 1972, 4 người Mỹ được cho học tập chính trị về triết lý cách mạng của Kim Nhật Thành (Kim Il-sung). Bọn họ phải học thuộc lòng bài vở lý thuyết cách mạng, bị thường xuyên đánh đập nếu không thuộc bài.
Jenkins thuật lại, hồi năm 1966, anh đã tìm cách vào được sứ quán Liên Xô ở Bình Nhưỡng để xin tỵ nạn, nhưng bị từ chối.
Sau đó, Jenkins được tách ra khỏi nhóm tù binh, anh được cử đi dạy tiếng Anh cho lớp đào tạo gián điệp thuộc trường Đại học Bình Nhưỡng. Nhưng sau một thời gian, Bắc Hàn đã phát hiện ra giọng nói tiếng Anh đặc sệt của miền Nam Hoa Kỳ, không đạt mục đích yêu cầu của họ, thế là anh bị cho nghỉ việc.
6.3 Tình yêu trong địa ngục
Năm 1980, họ giới thiệu cho anh một y tá đến học tiếng Anh tên Hitomi Soga người Nhật, sinh ngày 17-5-1959, cũng bị gián điệp Bắc Hàn bắt cóc cùng với người mẹ tên Miyoshi Soga, sinh năm 1932, bị bắt vào ngày 12-8-1978 mang về Bình Nhưỡng để dạy văn hoá và tiếng Nhật cho lớp đào tạo gián điệp Bắc Hàn sẽ được cài vào nằm vùng ở Nhật.
Ba mươi tám ngày sau khi gặp nhau, hai người cùng cảnh ngộ yêu nhau và cưới nhau vào ngày 8-8-1980.
“Đó là một định mệnh. Chúng tôi yêu nhau và cưới nhau trong vòng một tháng”. Bà Hitomi Soga Jenkins nói về cuộc hôn nhân của mình hơn một phần tư thế kỷ với anh lính Mỹ đào ngũ.
Sau đó, họ có hai con gái: Roberta Mika Jenkins (sinh năm 1983) rồi Brinda Carol Jenkins (1985).
 
Bà Hitomi Soga * Charles R. Jenkins và vợ (1980 Bắc Hàn)
Năm 1982, với mục đích xuất hiện để đánh tiếng thông báo với Hoa Kỳ và gia đình rằng anh vẫn còn sống để họ can thiệp giải cứu anh ra khỏi Bắc Hàn, Jenkins tham gia đóng một vai trong cuốn phim tuyên truyền Nameless heroes (Những anh hùng vô danh) nhưng chính phủ Hoa Kỳ không công khai tiết lộ tin tức nầy. Anh thất vọng.
6.4 Xác nhận việc bắt cóc và cho trở về
Năm 2002, Kim Chánh Nhật (Kim Jong-il) xác nhận trước dư luận thế giới rằng Bắc Hàn đã từng bắt cóc những công dân Nhật, và trong nỗ lực làm giảm bớt căng thẳng của việc cấm vận áp dụng vào Bắc Hàn, những công dân bị bắt cóc mà còn sống, được phép về viếng thăm Nhật Bản trong đó có Hitomi Soga vợ của Jenkins.
Chuyến đi dự trù một tuần lễ nhưng chính phủ Nhật không cho họ trở về Bắc Hàn theo như chương trình đã định, mà đặt vấn đề thương lượng cho con của những người Nhật bị bắt cóc nầy được về sum hợp với cha mẹ ở Nhật.
Hầu hết thân nhân của những người bị bắt cóc được cho về Nhật qua những cuộc trao đổi viện trợ cho Bắc Hàn, chỉ trừ Jenkins và hai con gái.
6.5 Bà Hitomi Soga vận động cho chồng con được về Nhật
Bà Hitomi Soga tìm mọi cách để đưa chồng con thoát ra khỏi địa ngục trần gian ở Cộng Sản Bắc Hàn. Bà viết báo, kể chuyện gian khổ, bị hành hạ, khủng bố dưới chế độ hà khắc của người phụ nữ bị bắt cóc, sống với chồng là anh lính Mỹ đào ngũ, trong thời gian hơn một phần tư thế kỷ.
Câu chuyện thương tâm của bà gây xúc động trong quần chúng. Năm 2004, nhờ sự can thiệp và lo lót bằng viện trợ của chính phủ Nhật, Jenkins và hai con gái được cho phép về Nhật.
Jenkins và 2 con gái
Vì sợ phải ra tòa án quân sự Mỹ về tội đào ngũ, Jenkins được thu xếp cho đến Jakarta, Indonesia, vì nước nầy không có hiệp ước dẫn độ với Hoa Kỳ, gia đình Jenkins sum hợp nhau ngày 18-7-2004 tại Jakarta.
Chính phủ Nhật xin ân xá cho Jenkins nhưng bị Mỹ từ chối. Ngày 11-9-2004, trước cổng căn cứ Mỹ ở trại Camp Zama, một ông Mỹ 64 tuổi, già nua, ốm yếu xin gặp quân cảnh Mỹ để yêu cầu được gặp tướng Paul Nigeara, đầu thú về tội đào ngũ 40 năm trước.
Ngày 3-11-2004, trước toà án quân sự Mỹ, Jenkins nhận tội đào ngũ, giúp đỡ kẻ thù, nhưng không nhận tội phản bội tổ quốc.
 
Ra tòa
Jenkins rời tòa án bằng trực thăng
Ủy viên công tố muốn buộc tội thật nặng để làm gương cho binh sĩ đang ở chiến trường Iraq, nhưng tình hình giữa Nhật và Mỹ đang căng thẳng, dân chúng Nhật biểu tình không muốn cho Mỹ đóng căn cứ ở Nhật và do sự can thiệp của chính phủ Nhật, trung sĩ Jenkins bị kết án 30 ngày tù giam, giáng cấp bậc xuống còn binh nhì, cho giải ngũ vì kỷ luật, tước đoạt tất cả quyền lợi của một cựu chiến binh. Jenkins ra tù sớm hơn 6 ngày, do có hạnh kiểm tốt trong nhà giam.
6.6 Trở về thăm mẹ
Jenkins và mẹ Pattie 91 tuổi * Công dân Nhật
Gia đình Jenkins định cư ở đảo Sado, phía bắc Tokyo. Ngày 14-6-2005, Jenkins đưa gia đình về thăm bà mẹ Pattie, 91 tuổi, ở bang North Carolina.
Ngày 15-7-2008, Jenkins được cấp thẻ thường trú ở Nhật và ông tuyên bố sẽ trở thành công dân và sống ở Nhật suốt quảng đời còn lại.
Jenkins xuất bản cuốn hồi ký tựa đề “Nói lên sự thật” về đời sống gian khổ: đào ngũ, ra toà và 40 năm cầm tù ở Bắc Hàn. Cuốn sách có ấn bản bằng tiếng Nhật, tiếng Anh và tiếng Hàn.
7. Kết luận
Nước Cộng Sản chí phèo nghèo đói nầy lúc nào cũng đem cái mạng cùi ra hù dọa thế giới để nhận viện trợ nhân đạo nuôi dân. Lúc nào cũng tự cho mình có cái sứ mạng thiêng liêng mà lịch sử giao phó là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên CNXH nghèo đói cùng nhau ăn bo bo.
Cũng có một đám người cho rằng thống nhất đất nước để về chế độ Cộng Sản là vai trò lịch sử đầy chính nghĩa, nhưng bọn họ không biết rằng thống nhất để làm gì? Ca ngợi việc thống nhất để đưa cả một dân tộc vào chế độ độc tài, các quyền tự do bị tước đoạt, thì chỉ có mấy cha nội thuộc đám người bát nháo mà người ta gọi là hám danh, hám lợi, bản chất nâng bi, hoặc ba trợn, tưng tửng như chạm mát dây thần kinh, mới ca ngợi và cổ võ việc thống nhất như thế mà thôi. 
Đó là một số quý vị giáo sư đại học vô liêm sỉ chuyên ca ngợi Cộng Sản mà chúng ta từng nghe, thấy.

Trúc Giang