Tin Việt Nam – 14/06/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 14/06/2019

Công an tỉnh Vĩnh Phúc công bố thông tin

vụ đoàn Thanh tra Bộ Xây Dựng đòi tiền

Cơ quan Cảnh sát Điều Tra Công an tỉnh Vĩnh Phúc gửi văn bản thông báo đến Đảng bộ Thanh tra Bộ Xây Dựng; Chi bộ Phòng Chống Tham Nhũng; Chi Bộ Phòng Thanh Tra Xây Dựng 2 về vụ việc đoàn thanh tra Bộ Xây Dựng bị lập biên bản về hành vi vòi tiền khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Tin ngày 14 tháng 6 cho hay trong văn bản, Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết hôm 12/6 đã bắt quả tang hành vi nhận hối lộ theo điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015, nên đã khám xét khẩn cấp nơi làm việc của bà Nguyễn Thị Kim Anh, phó trưởng phòng Phòng, chống tham nhũng – Thanh tra Bộ Xây dựng và ông Đặng Hải Anh, chuyên viên phòng Thanh tra xây dựng 2 – Thanh tra Bộ Xây dựng.

Vụ việc xảy ra khi hai vị thanh tra vừa nêu, thực hiện nhiệm vụ thanh tra công tác quy hoạch, công tác cấp phép xây dựng và công tác quản lý đầu tư xây dựng tại một số dự án trên địa bàn huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Tin cho biết, số tiền đòi ‘chung chi’ được nói là hằng chục tỷ đồng và các cán bộ của đoàn thanh tra nhiều lần mặc cả số tiền với các bên liên quan khi đến thanh tra tại tỉnh Vĩnh Phúc.

Công an tỉnh Vĩnh Phúc cũng cho biết, bà Nguyễn Thị Kim Anh và ông Đặng Hải Anh đang bị tạm giữ tại Trại tạm giam Công an tỉnh Vĩnh Phúc.

Trong khi đó thông tin từ Chánh Văn Phòng Bộ Xây Dựng cho hay có 3 trên 5 cán bộ bị tạm giữ tại tỉnh Vĩnh Phúc vào tối ngày 13 tháng 6 đã được tại ngoại.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vinh-phuc-police-issue-first-declaration-about-the-inspection-team-from-ministry-of-construction-06142019091955.html

 

Ông Nguyễn Hữu Linh sẽ được tòa xử kín

Ông Nguyễn Hữu Linh, người bị cáo buộc dâm ô một bé gái trong thang máy hồi tháng Tư, sẽ hầu tòa hôm 25/6 trong một phiên sơ thẩm kín.

Phiên xét xử ông Linh sẽ do Phó chánh án TAND Q.4 Nguyễn Hải Nam làm chủ tọa.

Ông Nguyễn Hữu Linh 61 tuổi, nguyên là Phó viện trưởng Viện KSND TP.Đà Nẵng, đang cư trú Q.2, TP HCM.

Phản ứng về tin Nguyễn Hữu Linh bị truy tố

VN: Có ít nhất 8 vụ ấu dâm trong tháng Tư

Sàm sỡ trẻ trong thang máy: Hòa giải hay khởi tố?

Khung hình phạt cho ông Linh là từ 6 tháng đến 3 năm tù, với tội danh bị truy tố theo khoản 1 Điều 146 Bộ luật hình sự 2015 về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.

Luật sư Trần Bá Học (Đoàn luật sư TP.HCM) sẽ là người bào chữa cho ông Linh.

Gia đình bé gái đã có đơn xin xử vắng mặt và từ chối luật sư.

Sự việc xảy ra như thế nào?

Kkhoảng 21 .30 ngày 1/4, cháu N.K.C (8 tuổi) đi một mình vào thang máy tòa nhà chung cư Galaxy, đường Nguyễn Khoái, P.1 TP Hồ Chí Minh.

Trong thang máy lúc này chỉ có ông Linh và cháu bé.

Khi thang máy đóng lại, ông Linh, đã choàng vai, ôm hôn cháu bé. Ông tiếp tục kéo cháu lại khi cháu bé tiến ra cửa thang máy.

Cửa mở, cháu bé bỏ chạy về nhà kể cho ba mẹ việc bị một người đàn ông không quen biết ôm hôn.

Cha mẹ cháu bé đã yêu cầu chung cư cung cấp camera trích xuất, sau đó có buổi làm việc với ông Linh hôm 2/4.

Ông Linh nhận sai do trước đó có uống rượu. Sau đó cha mẹ cháu bé đồng ý bỏ qua sự việc.

Qua làm việc, cha mẹ cháu bé đồng ý bỏ qua sự việc.

Tuy nhiên, clip vụ việc xảy ra trong thang máy nhanh chóng tràn ngập mạng xã hội. Sau đó, ngày 3/4 ông Linh đến công an quận 4 để trình diện.

Vì sao tòa xử kín?

Theo Điều 25 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015: “Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật Nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai”.

Tuy nhiên hiện khái niệm “thuần phong mỹ tục” và “bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự” vẫn chưa được hướng dẫn, giải thích cụ thể để áp dụng thống nhất, theo trang Luatvietnam.vn.

Tờ Tuổi Trẻ cho hay lý do tòa xử kín là do gia đình cháu bé bị hại có đơn đề nghị.

Cơ quan tố tụng quận 4, Tp Hồ Chí Minh, đánh giá hành vi của ông Linh là “nguy hiểm cho xã hội xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự của người dưới 16 tuổi, làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự xã hội tại địa phương. Đồng thời, bản thân bị can là người từng làm việc trong cơ quan tư pháp nhưng vi phạm pháp luật tạo dư luận xấu, gây ảnh hưởng đến Cơ quan tư pháp nên cần xử lý nghiêm để có tác dụng răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung,” theo Thanh Niên.

Ít nhất 8 vụ ấu dâm chấn động Việt Nam tháng Tư

Ngoài vụ việc của ông Nguyễn Hữu Linh xảy ra trong tháng 4, còn có thêm ít nhất 7 vụ ấu dâm gây chấn động khác chỉ riêng trong tháng này tại Việt Nam.

Hà Nội: Nạn nhân 11 tuổi

Theo Tuổi Trẻ, ngày 4/4, Nguyễn Đình Phúc, 41 tuổi, chạy xe máy không biển số đến khu phố Khương Trung thì gặp hai chị em cháu C., 11 tuổi và cháu Đ. đi mua vở về nhà.

Phúc dụ hai cháu bé vào sâu trong ngõ, rồi dựng xe máy ép cháu C. vào sát tường rồi thực hiện hành vi dâm ô. Cháu C. gạt tay Phúc và khóc.

Đến ngày 8/4, mạng xã hội và báo chí đưa thông tin, hình ảnh camera từ nhà người dân về vụ việc. Đến 15/4, công an Quận Thanh Xuân tạm giữ hình sự Phúc và đến 21/4 tiến hành khởi tố hình sự.

Bắc Ninh: Nạn nhân là con gái người tình

Theo Tuổi Trẻ, Nguyễn Bá Ứng, 53 tuổi, đến nhà người tình thì chỉ thấy có hai con nhỏ của người tình là con gái 13 tuổi và con trai 10 tuổi.

Ứng đưa bé trai 10.000 cho đi mua kẹo. Khi người tình trở về thì thấy Ứng đang có hành vi xâm hại con gái và tố cáo lên công an.

17/4, công an huyện Thuận Thành khởi tố hình sự Ứng để điều tra hành vi xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi.

Lào Cai: Nạn nhân lớp 8 tố thầy giáo làm có thai

Theo VTC, ngày 22/4, thấy nữ sinh H. lớp 8 có biểu hiện bất thường, gia đình đưa đi khám mới biết H. đã mang thai 12 tuần.

Nữ sinh cho biết thầy giáo N.V.A “dọa không được nói cho bất kỳ ai”. Gia đình làm đơn tố cáo lên cơ quan chức năng xã Thượng Hà, huyện Bảo Yên.

Sáng 23/4, Chủ tịch huyện quyết định tạm đình chỉ công tác nam giáo viên bị tố cáo.

TPHCM: Nạn nhân 3 tuổi bị ông lão 70 tuổi xâm hại

Cũng theo VTC, ngày 14/5, bé L., 3 tuổi, chạy ra trước hẻm dạy nhà trọ ở xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè để chơi.

Một lúc bé trở về sốt cao, nói đau vùng kín. Mẹ bé kiểm tra thì thấy vùng kín của bé bị tấy đỏ, trầy nhẹ. Sau khi ba mẹ gặng hỏi, bé L. nói ông hàng xóm 70 tuổi sờ soạng, thơm má rồi cho kẹo.

Sau khi đi giám định, bé L. vẫn kêu đau, sốt cao, thường xuyên giật mình, la hét về đêm, không dám ra ngoài và tiếp xúc người lạ.

Thêm vào đó, sau khi tố giác ông Bảy, gia đình bé L. cho biết người nhà ông Bảy kéo khoảng 20 người sang dọa đánh, giết cả nhà.

Chi hội trưởng Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ nói đang tích cực hỗ trợ gia đình cháu bé và phối hợp với các cơ quan điều tra.

Hà Nội: Thầy giáo bị tố dâm ô 7 nam sinh

Theo Tuổi Trẻ, nhiều phụ huynh mới đây đã tố một thầy giáo dạy toán ở trường THCS Trần Phú đã “thường xuyên sờ vào bộ phận sinh dục” 7 nam sinh trong khi luyện thi học sinh giỏi cho các em này trong nhiều tháng qua.

Có thông tin thấy còn gọi học sinh ngồi lên đùi rồi thực hiện hành vi sàm sỡ.

Lê Hải Quang, chủ tịch phường Trần Phú, quận Hoàng Mai cho biết chính quyền địa phương đang làm việc với trường để làm rõ thông tin.

Nha Trang: Lẻn vào trường tiểu học để dâm ô học sinh

Theo Tuổi Trẻ, ngày 4/4, Lê Chính Trực, 32 tuổi, lẻn vào trường Tiểu học Vĩnh Trường, phường Phước Hòa, kéo học sinh lớp 5 vào nhà vệ sinh, theo trình báo của ban giám hiệu.

Từ đầu tháng Tư, Trực khai đã hai lần lẻn vào trường để dụ học sinh vào nhà vệ sinh và thực hiện hành vi dâm ô.

Trưa 12/4, công an Nha Trang đã bắt giữ Trực để điều tra hành vi dâm ô.

TP HCM: hai bé gái bị hiếp dâm và xâm phạm

Cũng theo báo Tuổi Trẻ, khoảng 7h30 tối 11/4, bé N., 9 tuổi đang chơi đùa cùng hai bé gái L., 10 tuổi và D., 8 tuổi tại công viên phường 6, quận 5, thì Bửu đến kéo bé N. đi và thực hiện hành vi hiếp dâm tại công viên.

Khi bé N. kêu la đau đớn, Bửu mới bỏ đi. Sau khi trở về nhà nói bị đau đớn ở vùng kín, gia đình bé N. ngay lập tức trình báo công an.

Công an cho biết ngoài bé N., Bửu còn dâm ô một bé gái khác tại công viên.

Trưa 12/4, công an Quận 5 đã bắt khẩn cấp Lương Tuấn Bửu, 28 tuổi, để điều tra hành vi dâm ô người dưới 16 tuổi.

VN đứng gần chót về chống xâm hại tình dục trẻ em

Theo một báo công vừa được công bố hồi tháng 1/2019 do Economist Intelligence Unite (EIU) thực hiện, Việt Nam đạt 42,9 điểm trên 100, đứng thứ 37 trên 40 nước về chống xâm hại tình dục trẻ em.

Việt Nam thua cả Campuchia (thứ 23), Philippines (thứ 16) và Trung Quốc (thứ 36).

Điểm yếu của Việt Nam nằm ở việc thu thập dữ liệu, chế tài đối với người phạm tội và sự can thiệp của truyền thông.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-48632668

 

Vì sao Nguyễn Hữu Linh được xét xử kín?

Blogger Nguyễn Trang Nhung

Ngày 25/6 tới đây, Nguyễn Hữu Linh sẽ ra tòa vì bị cáo buộc về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Báo chí cho hay Linh sẽ được xét xử kín.

Trước thông tin này, nhiều người tỏ ra bất bình. Họ thắc mắc vì sao lại xét xử kín mà không xét xử công khai?

Các quy định của pháp luật tố tụng hình sự có câu trả lời cho thắc mắc này.

Theo Điều 25, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (BLTTHS), tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, tuy nhiên, tòa án có thể xét xử kín trong các trường hợp đặc biệt sau đây:

Cần giữ bí mật nhà nước

Cần giữ thuần phong, mỹ tục của dân tộc

Cần bảo vệ người dưới 18 tuổi

Cần giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự

Trường hợp của vụ án này là trường hợp đặc biệt thứ 3 (cần bảo vệ người dưới 18 tuổi). Đến đây, có thể ai đó sẽ thắc mắc rằng: vì tòa án có thể xét xử kín, nên tòa án cũng có thể không xét xử kín, vậy đâu là cơ sở cho lựa chọn xét xử kín và không xét xử kín?

Với 4 trường hợp đặc biệt trên đây nói chung, cơ sở cho lựa chọn của tòa án là cân nhắc của chính họ, do đó, khó tránh khỏi sự chủ quan. Riêng với trường hợp đặc biệt thứ 3, khi người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, tòa án có thêm một cơ sở pháp lý cho việc xét xử kín.

Cụ thể, điểm d, khoản 1, Điều 7 Thông tư 02/2018/TT-TANDTC (có hiệu lực kể từ ngày 1/12/2018) quy định “Đối với những vụ án có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục (…) thì Tòa án phải xét xử kín;

Quy định này được hiểu theo 2 cách. Cách hiểu 1 là tòa án phải xét xử kín dù người bị hại có mặt tại phiên tòa hay không. Cách hiểu 2 là tòa án chỉ phải xét xử kín khi người bị hại có mặt tại phiên tòa, và có thể xét xử công khai khi người bị hại vắng mặt.

Theo cách hiểu 1, việc Linh được xét xử kín là nhất thiết, vì nạn nhân ở đây là bé gái 8 tuổi bị dâm ô, cũng có nghĩa là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, và tòa án quyết định xét xử kín là có cơ sở pháp lý chắc chắn.

Theo cách hiểu 2, việc Linh được xét xử kín là không nhất thiết, vì gia đình bé gái đã đề nghị được vắng mặt, và tòa án quyết định xét xử kín là đã lựa chọn chủ quan.

Dẫu vậy, còn một cơ sở pháp lý nữa – trường hợp đặc biệt thứ 4 trong Điều 25, BLTTHS – cho việc xét xử kín của tòa án. Đó là gia đình bé gái đã yêu cầu xét xử kín, như một số tờ báo trong nước đưa tin.

Dù hiểu theo cách nào trong 2 cách kể trên, có thể thấy rằng quyết định xét xử kín của tòa án có cơ sở pháp lý rõ ràng hơn.

Nhiều người có thể cho rằng việc xét xử kín sẽ làm suy giảm tính khách quan và nghiêm minh của tòa án. Song, trong những trường hợp nhất định, không loại trừ trường hợp của vụ án này, giữa việc công khai phiên tòa và việc bảo vệ người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục và/hoặc giữ bí mật đời tư của họ, việc thứ hai nên có ưu tiên cao hơn.

Cũng theo Điều 25, BLTTHS, tuy xét xử kín nhưng tòa án sẽ tuyên án công khai. Vì vậy, dù không thể quan sát và dõi theo phiên tòa, công luận cũng có thể phần nào nhận định về tính khách quan và nghiêm minh của tóa án qua bản án được tuyên.

Phiên tòa sẽ là một phép thử cho tòa án quận 4 nói riêng và hệ thống tư pháp nói chung, khi họ phải lựa chọn giữa hai điều: một là giữ nguyên tình trạng tồi tệ như vốn có, với sự thờ ơ và tắc trách và hai là trở nên tử tế hơn trong việc bảo vệ trẻ em bị xâm hại tình dục, để từ đó góp phần kiến tạo một xã hội an toàn và đáng sống cho trẻ em, đồng thời cũng là một xã hội có sự hiện diện mạnh mẽ của công lý.

Bài viết không phản ánh quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/xu-kin-ng-hu-li-06142019111834.html

 

Cưỡng chế tháo dỡ

quán bún bò “không bán nước” ở Sài Gòn

Tin từ Sài Gòn, ngày 14/6/2019: Nhà cầm quyền ở thành phố Sài Gòn đã ra quyết định cưỡng chế quán bún bò “không bán nước” của cựu ca sỹ Hoàng Dũng (Dũng Đinh), với lý do rất mơ hồ.

Quán bún bò đặc biệt này được dựng lên trên một mảnh đất ở địa chỉ 45 đường Cao Lỗ, phường 4, quận 8. Mảnh đất này nằm trong khu vực thuộc quy hoạch của thành phố để xây trường học. Do đó, chủ nhân không xây quán kiên cố mà chỉ dựng tạm.

Tuy nhiên, không vì thế mà quán không bị nhà cầm quyền ra lệnh cưỡng chế vì vi phạm quy định về xây dựng.Lý do chính của việc cưỡng chế nằm ở slogan rất đặc biệt “Không bán nước” cùng với một số “nội quy thú vị và hóm hỉnh như: không nhiều chuyện, lên trên mạng nói xấu chủ quán; nếu ăn thấy dở ẹc thì ráng chịu không được chê; quý khách ăn thiếu vui lòng thế chấp giấy tờ nhà, giấy hôn thú… Nhà chức trách đã tịch thu những biển hiệu này, và slogan “Không bán nước”.

Khách ăn của quán bún bò này có thể uống nước tuỳ thích, do đó có slogan “không bán nước.” Tuy nhiên, slogan này lại có thể hiểu theo nghĩa khác, khá “nhạy cảm” đối chính quyền “bán nước” CSVN.  Ban lãnh đạo của thành phố, và rộng ra là của cả quốc gia có thể đã cho rằng chủ quán có ý chỉ trích đảng và chính phủ CSVN đã bán một phần lãnh thổ phía bắc và biển đảo Việt Nam cho Trung cộng.

Quán bún bò Không bán nước có rất nhiều khách hàng vì món ăn độc đáo, không sử dụng hoá chất, trang trí bắt mắt và thái độ phục vụ lịch sự.

Dũng Đinh từng gặt hái được những thành công nhất định vào thời “nhạc Hồng Kông lời Việt” rất thịnh hành tại Việt Nam ở thập niên 90, với những bài hát như Cuộc Chơi Vô Nghĩa, Một Đời Mơ Mong, Tấm Lòng Em Trong Sáng. Sau một thời gian hoạt động ca nhạc và đào tạo ca sỹ, Dũng Đinh chuyển sang buôn bán đủ thể loại, từ quần áo, bất động sản, kinh doanh tiệm vàng…

Quốc Tuấn

https://www.sbtn.tv/cuong-che-thao-do-quan-bun-bo-khong-ban-nuoc-o-sai-gon/

 

Thêm một facebooker bị phạt tiền

vì “xúc phạm lãnh đạo”

Tin từ Trà Vinh, ngày 14/6/2019: Thêm một công dân mạng bị xử phạt vi phạm hành chính vì “xúc phạm lãnh đạo và uy tín của tổ chức” bằng bài viết trên trang Facebook cá nhân.

Ngày 13/6, phó cảnh thanh tra sở thông tin và truyền thông tỉnh Trà Vinh đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính ông Nguyễn Văn Vũ với số tiền 7,5 triệu đồng, về hành vi “xúc phạm uy tín của tổ chức.”

Cụ thể, vào ngày 08/4, ông Vũ được cho là đã viết trên Facebook rằng “cộng sản là một lũ ô hợp ngu dốt và tham lam. Chúng làm lãnh đạo thì tất nhiên con cháu của chúng cũng sẽ làm lãnh đạo”. Báo lề đảng đưa tin sở này đã mời ông Vũ đến làm việc và ông thừa nhận mình đã viết status đó.

Ông Vũ là một trong nhiều người bị phạt vi phạm hành chính vì cáo buộc “xúc phạm lãnh đạo/tổ chức” trên mạng xã hội Facebook kể từ đầu năm nay khi luật An ninh mạng có hiệu lực.

Trước đó, vào giữa tháng 5, nhà cầm quyền huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá quyết định xử phạt hành chính tổng cộng 30 triệu đồng đối với 4 công dân địa phương do “có hành vi bình luận, xúc phạm, nói xấu lãnh đạo đảng, nhà nước và lực lượng công an nhân dân”. Những người bị phạt mỗi người 7.5 triệu đồng là Lê Quang Cường, Nguyễn Thị Loan, Lê Khắc Linh và Đặng Nguyên Tùng. Họ đều là người dân lăng mạ nhà cầm quyền địa phương vì đã cướp đất của họ mà không đền bù thoả đáng.

Quốc Tuấn

https://www.sbtn.tv/them-mot-facebooker-bi-phat-tien-vi-xuc-pham-lanh-dao/

 

Khánh Hòa:

Máy bay quân sự rơi, hai phi công tử nạn

VN: Tai nạn phi cơ quân sự ‘không chết người’

Tìm thấy tổ lái trực thăng rơi ở Bà Rịa – Vũng Tàu

Bộ Quốc Phòng xác nhận phi công VN tử nạn ở Anh

Bộ Quốc phòng Việt Nam xác nhận đại úy Lê Xuân Trường, Biên đội trưởng, Phi đội 1, Trung đoàn 920 hy sinh trong buồng lái.

Còn trung sĩ Đào Văn Long, Học viên bay, hy sinh trên đường đi cấp cứu.

Thông cáo quốc phòng nói máy bay IAK-52 mang số hiệu 09 của Trung đoàn 920 đang bay huấn luyện vào sáng 14/6.

Sau khi hoàn thành bài bay, trên đường bay về, máy bay mất liên lạc với Sở Chỉ huy lúc 9 giờ 35 phút, theo thông cáo.

Sau đó, phía quân đội tìm thấy xác máy bay rơi tại Chân Đập Suối Dầu, Nha Trang, Khánh Hòa (xa khu dân cư).

Theo báo Tiền Phong, trong biên chế của Không quân Nhân dân Việt Nam có khoảng 36 máy bay IAK-52.

Hồi tháng Tư, một chiến đấu cơ của không quân Việt Nam đã “hỏng nhẹ” trong khi bay diễn tập ở Yên Bái.

Bộ Quốc phòng Việt Nam khi đó cho biết phi công nhảy dù an toàn khi càng không ra trong lúc máy bay hạ cánh nhưng một “chiến sĩ làm nhiệm vụ hướng dẫn dưới mặt đất bị thương”.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-48636849

 

Có tài khoản ngân hàng mới được đăng ký xe:

Đề xuất vô lý

Diễm Thi, RFA

Tại hội nghị thông tin về công tác trật tự, an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2019 tổ chức tại Hà Nội sáng 10 tháng 6, Cục Cảnh sát giao thông (thuộc Bộ Công an) đề xuất người dân khi đi đăng ký xe phải có tài khoản ngân hàng.

Không khả thi

Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cảnh sát giao thông dựa theo kết luận 45 của Ban bí thư về cải cách hành chính, áp dụng công nghệ thông tin vào điều hành thì cảnh sát giao thông chỉ xử phạt qua tài khoản. Như thế mỗi chủ xe khi mua xe, đăng ký xe phải có một tài khoản riêng.

Theo ông Dũng, việc bắt buộc chủ xe khi đăng ký phải có tài khoản sẽ rất thuận lợi cho việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông. Nhiều trường hợp mua bán xe hay sang tên đổi chủ mà không nộp lại giấy chứng nhận đăng ký xe.

Ngay sau khi Cục CSGT đưa ra đề xuất này thì có nhiều ý kiến cho rằng cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng để tránh việc lạm dụng quy định, gây khó khăn, phiền hà người dân.

Anh V., một người dân Sài Gòn cho rằng đây chỉ là biện bạch vì các vi phạm đều có quy định pháp luật chế tài hết, không liên quan gì đến tài khoản ngân hàng. Theo anh thì đề xuất của CSGT chỉ là thăm dò phản ứng xã hội chứ không thể nào thực hiện được hết. Một hình thức kiểm soát tài sản của dân:

Đề xuất quá vô lý. Ai cũng cần chiếc xe nhưng không phải ai cũng có tài khoản ngân hàng. Lao động phổ thông thì đa số trả lương bằng tiền mặt. Đâu phải sống văn minh như ở nước ngoài đâu. Ở quê khổ sở đâu có hiểu biết nhiều làm sao xài thẻ hay tài khoản ngân hàng. – Bà Lan

“Đây chỉ là “ném đá dò đường” để thăm dò phản ứng trong dân chúng chứ không thể nào thực hiện được. Thật ra đó là hình thức thanh toán văn minh, có lợi cho kinh tế, nhưng ở một nước độc tài như Việt Nam thì tôi nghĩ mục đích chính là nhà nước muốn nhìn vào túi tiền của dân, muốn kiểm soát nguồn tiền của dân.”

Với bà Nguyễn Thị Kim Lan ở vùng quê Phú Yên thì đề xuất này quá vô lý. Bà cho biết nơi bà ở gần như chẳng ai biết tài khoản ngân hàng là gì. Bà được con trai ở Sài Gòn mở tài khoản để con bà chuyển tiền hàng tháng, bà cũng không biết rút tiền như thế nào chứ đừng nói tới chuyện chuyển khoản:

“Đề xuất quá vô lý. Ai cũng cần chiếc xe nhưng không phải ai cũng có tài khoản ngân hàng. Lao động phổ thông thì đa số trả lương bằng tiền mặt. Đâu phải sống văn minh như ở nước ngoài đâu. Ở quê khổ sở đâu có hiểu biết nhiều làm sao xài thẻ hay tài khoản ngân hàng.”

Báo cáo “Số hóa tiền mặt ở ASEAN” của Standard Chartered công bố hồi tháng 5 vừa qua chỉ ra tỉ lệ dân số Việt Nam có tài khoản ngân hàng hiện mới chỉ đạt 31%, thấp nhất trong 6 quốc gia khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt ở các vùng sâu vùng xa, miền núi cao, là những nơi hệ thống ngân hàng chưa thể vươn tới. Báo cáo cũng cho thấy hơn 90% giao dịch giao dịch mua hàng trực tuyến tại Việt Nam thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng.

Chuyên gia tài chánh – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho đề xuất này là phi lý.

“Có lẽ khoảng 30% người dân Việt Nam có tài khoản ngân hàng. 70% những người dân vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn không tiếp cận được với ngân hàng. Thành ra việc đòi hỏi người dân phải có tài khoản mới được đăng ký xe là điều phi lý.

Tôi bây giờ ra ngoài mỗi ngày đều phải có tiền mặt trong túi để chi tiêu, từ ăn uống, đổ xăng, mua sách…không chỗ nào nhận những phương tiện thanh toán phi tiền mặt cả.”

Theo thống kê của các thành viên Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam thì năm 2018 có gần 3.400.000 chiếc xe máy được bán ra, mỗi ngày thị trường xe máy Việt Nam hơn 9.000 xe. Với số lượng xe bán ra như thế mà số người có tài khoản ngân hàng quá ít thì là sao đề xuất khó có thể khả thi.

Bà Ch., chủ một doanh nghiệp nhỏ trong ngành thực phẩm phản đối đề xuất của Bộ CSGT:

“Đề xuất quá vô lý. Ai cũng cần chiếc xe nhưng đâu phải ai cũng có tài khoản ngân hàng. Người lao động phổ thông đa số nhận lương bằng tiền mặt, chuyển qua ngân hàng thì phải tốn phí nữa.

Tui có 60 nhân viên nhưng chỉ 5 nhân viên có tài khoản ngân hàng vì mỗi tháng phải đóng phí quản lý rồi mất thời gian đi rút tiền.

Chuyện đăng ký xe và có tài khoản ngân hàng không có gì liên quan hết. Tui nộp đủ tiền thì tui có giấy đăng ký xe thôi. Mục đích của nhà nước là kiểm soát tiền của dân thôi.”

Vì sao vẫn đề xuất?

Chuyện giao dịch qua ngân hàng ở Việt Nam hiện nay còn một vài bất tiện như vào những ngày lễ tết thì các cây ATM không còn tiền mặt để rút do lượng công nhân rút quá đông. Chuyện này từng được báo chí trong nước đăng tải. Vào dịp lễ tết, người dân khốn khổ vì ATM hết tiền, chuyển khoản nghẽn.

Bên cạnh đó là chuyện cướp giật. Những ngày cận tết, nhu cầu rút tiền từ cây ATM tăng cao cũng là thời điểm tội phạm cướp giật lộng hành.

Chuyện đăng ký xe và có tài khoản ngân hàng không có gì liên quan hết. Tui nộp đủ tiền thì tui có giấy đăng ký xe thôi. Mục đích của nhà nước là kiểm soát tiền của dân thôi. – Bà Ch.

Nhiều vụ dàn cảnh, cướp tiền của người dân tại các trụ máy ATM vẫn thường xuyên diễn ra khiến không ít người lo lắng.

Đầu năm 2019, tại Hội thảo Hướng đến một xã hội không sử dụng tiền mặt, Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ Lê Thế Chữ đã đề xuất lấy ngày 16/6 hàng năm là ngày Không sử dụng tiền mặt – Cashless Day.

Theo báo Tuổi trẻ thì sự kiện này cộng với sự đồng hành của các ngân hàng, đơn vị trung gian thanh toán, nhà bán lẻ… và đơn vị cung cấp dịch vụ công sẽ giúp người dân có cơ hội biết đến các sản phẩm dịch vụ thanh toán không tiền mặt nhiều hơn.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu đưa ra những lý do người Việt Nam thích xài tiền mặt:

“Có một số lý do như thế này: Thứ nhất là do thói quen, tập quán người Việt dùng tiền mặt từ bao nhiêu năm trước. Những phương tiện thanh toán phi tiền mặt chỉ mới bắt đầu khoảng 20 năm nay và đặc biệt khoảng 10 năm sau này người dân mới thanh toán qua chuyển khoản, ngân hàng ATM, thể ngân hàng mới phổ biến. Thứ hai là nếu giới trẻ sẵn sàng mở tài khoản và dùng smart phone để thanh toán các giao dịch hàng ngày, thì những cửa hàng vẫn chưa có những thiết bị tương ứng cho việc nhận thanh toán qua thẻ.”

Tiến sĩ Hiếu nhận định rằng biến nền kinh tế Việt Nam thành nền kinh tế phi tiền mặt hiện nay là điều không thể thực hiện được chứ chưa nói đến vấn đề không hợp lý. Muốn thay đổi thì phải có lộ trình từ 5 đến 10 năm.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/no-bank-account-no-motocycle-dt-06132019135829.html

 

“Nếu Quốc hội để cho tình trạng rượu bia

tiếp tục duy trì thì đang làm nghèo đất nước”

Hòa Ái, RFA

Quốc hội Việt Nam khóa XIV sẽ biểu quyết thông qua Luật phòng, chống tác hại rượu, bia vào ngày 14 tháng 6.

Đài RFA có cuộc phỏng vấn với Bác sĩ Trần Tuấn, thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng, là người dốc sức tham gia gửi thư kiến nghị tới Quốc hội, kêu gọi đặc biệt quan tâm đúng mức đến việc xem xét và thông qua Dự luật này.

Trước hết, Bác sĩ Trần Tuấn cho biết ông rất thất vọng trước kết quả có ít hơn 50% Đại biểu Quốc hội, vào hôm 03/06 bỏ phiếu thông qua đưa quy định cấm uống rượu bia khi lái xe vào luật:

Bác sĩ Trần Tuấn: Với một kết quả biểu quyết như vậy thì có thể thấy rằng trong kỳ họp Quốc hội lần này, số Đại biểu không quan tâm tình hình thực tế của đất nước, tức là gần nhất trong tháng vừa rồi thôi đã xảy ra một loạt các vụ tai nạn ngay tại Hà Nội bởi do lái xe mà uống rượu bia gây ra, thế mà vẫn có thể biểu quyết được như vậy. Trong khi các nước xung quanh hoặc là đi ra nước ngoài thì thấy rằng việc kiểm soát bia rượu liên quan đến lái xe rất chặt chẽ, thậm chí họ coi đó là tội ác. Vậy mà ở Việt Nam có đến non nửa Đại biểu Quốc hội không nhất trí đưa vào luật để kiểm soát thì tôi cho rằng thật sự nhóm người đó nếu không nói là vô tâm, vô cảm thì chắc là có liên quan đến lợi ích của ngành công nghiệp rượu bia.

RFA: Đài RFA ghi nhận phát biểu của Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền với truyền thông trong nước hồi hạ tuần tháng 5 vừa qua rằng Dự luật phòng, chống tác hại rượu, bia yếu dần sau mỗi lần chỉnh sửa. Nhận định của ông như thế nào liên quan phát biểu vừa nêu?

Bác sĩ Trần Tuấn: Nhận định rằng dự luật cứ yếu dần đi trong quá trình chỉnh sửa, góp ý của các bộ ngành, chính phủ cũng như của Quốc hội sau đó thì đấy là sự thật. Và chúng tôi từ các cơ quan nghiên cứu khoa học vận động chính sách ở ngoài Nhà nước cũng thấy vấn đề này rất rõ, đồng thời chúng tôi đã gửi những thư kiến nghị lên cấp chính phủ và Quốc hội suốt gần một năm qua. Ngay từ lá thư đầu tiên, chúng tôi đã cảnh báo về sự can thiệp của ngành công nghiệp rượu bia rồi liên tục trong các thư thứ hai, thứ 3, thứ 4 thì chúng tôi đều nhấn rất mạnh rằng chắc chắn sự can thiệp sâu sắc từ ngành công nghiệp rượu bia đang làm cho Dự luật này ngày một yếu đi. Cho nên việc các Đại biểu Quốc hội phát niểu như vậy là hoàn toàn rất phù hợp với tình hình thực tế.

RFA: Tuy nhiên, Đài RFA ghi nhận cũng có ý kiến của Đại biểu Quốc hội cho rằng nên bảo vệ cho ngành rượu bia Việt Nam phát triển và đóng góp tích cực. Ông nghĩ sao, thưa Bác sĩ?

Bác sĩ Trần Tuấn: Sự “lobby” để ngành công nghiệp rượu bia can thiệp vào tiến trình xây dựng Dự luật này cũng như các Đại biểu Quốc hội hoặc là các thành viên của Chính phủ mà bảo vệ lợi ích của ngành công nghiệp rượu bia trong quá trình xây dựng luật là vi phạm đạo đức công vụ. Điều này rất rõ ràng và chúng tôi cũng đã trích dẫn các kêu gọi của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề nghị các nước thành viên không được để cho ngành công nghiệp rượu bia can thiệp vào tiến trình xây dựng chính sách luật pháp dù ở bất kỳ hình thức nào.

Thế còn cơ sở nói rằng ngành rượu bia đem lại lợi ích thì nếu như không có các nghiên cứu khoa học chỉ ra cách đây 10, 15 hay 20 năm với mức đóng thuế cao như vậy là đóng góp tạo ra ngân sách; nhưng với sự tiến bộ của khoa học hiện nay thì có thể đo lường chính xác về thuế đóng ra sao, những tác hại do rượu bia gây ra và chi phí khắc phục tác hại thế nào…Khoa học đã chỉ ra rất rõ ràng rằng thuế do ngành rượu bia đóng vào ở các quốc gia không bù được những chi phí do tác hại của rượu bia gây ra và người ta tính mức trung bình của một nước có sự kiểm soát tốt thì phải mất 1,3% GDP, còn những nước không kiểm soát tốt thì có thể lên đến 3% GDP.

Đối với Việt Nam, về thuế do ngành rượu bia và nước giải khát nói chung đóng vào thì bản thân Chính phủ cũng không theo dõi và báo cáo được số tiền thuế thu vào là bao nhiêu.

Hiện nay thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào rượu bia của Việt Nam chỉ bằng phân nửa so với của Thái Lan, Úc hoặc New Zealand. Như vậy là thất thoát rất lớn và ngành công nghiệp rượu bia được lợi. Và ngành công nghiệp rượu bia không phải của việt Nam mà của các tập đoàn đa quốc gia. Điều này có nghĩa là đất nước bị mất mát rất lớn. Do đó, chúng tôi vẫn đang vận động và tiếp tục lên tiếng rằng nếu Quốc hội cứ để cho tình trạng này duy trì thì thật sự đang làm nghèo đất nước

-Bác sĩ Trần Tuấn

Chúng tôi có chất vấn và tham dự các cuộc phản biện về dự luật này thì các số liệu toàn do chính ngành công nghiệp rượu bia đưa ra mà thôi. Tôi cho rằng ngành công nghiệp rượu bia bao giờ cũng nêu khống lên lợi ích đóng thuế do ngành này mang lại. Số liệu tiền thuế rượu bia cho đến nay thường viện dẫn con số 50 nghìn tỷ, thực ra là gộp cả thuế nước giải khát và được ngành công nghiệp rượu bia cứ phát biểu thành thuế đóng từ rượu bia. Và tôi cũng không thấy phía Chính phủ làm rõ chuyện này với giới truyền thông. Trong tương lai phải có sự theo dõi độc lập thuế rươu bia mới có được con số chính xác.

Cứ cho là con số 50 nghìn tỷ đồng, nhưng tính theo GDP ở mức chi thấp nhất để khắc phục tác hại của rượu bia thì cũng chi ra vượt con số đó, vào khỏang 65 nghìn tỷ đồng. Còn như ở ngưỡng dự đoán của thế giới ở 3% thì có thể lên xấp xỉ 200 nghìn tỷ đồng, gấp 4 lần tiền thuế đóng vào. Đây là bài toán mà tất cả các Đại biểu Quốc hội đều được chúng tôi gửi số liệu đến tận tay, cho nên không thể nào mà họ không biết được.

Thêm nữa, những tính toán đó cũng chưa tính hết đầy đủ đâu. Ví dụ như tác hại do rượu bia gây ra, đặc biệt về tai nạn giao thông thì chúng tôi có thể nói rằng ngay Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cũng không thống kê đầy đủ được. Số liệu báo cáo ở bệnh viện khác, và số liệu trên thực địa cũng khác. Và số liệu của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia công bố thì tôi cũng cho rằng cũng có sự can thiệp của ngành công nghiệp rượu bia vào, cho nên những con số này luôn được ước lượng thấp hơn so với thực tế.

Riêng Bộ Y tế có ước lượng tốt hơn trên cơ sở của vấn đề sức khỏe, chỉ rõ rằng chi phí của tác hại rượu bia gây ra, về tai nạn giao thông và bệnh tật thôi thì số tiền đóng thuế của ngành công nghiệp rượu bia chưa đủ để khắc phục hậu quả của tai nạn giao thông do rượu bia, còn lại là bệnh tật từ tâm thần cho đến ngộ độc cấp, ngộ độc mãn và một loạt các bệnh trực tiếp do rượu bia gây ra như xơ gan, ung thư gan…thì chưa tính đến. Vì thế, nếu những lập luận rằng ngành công nghiệp rượu bia đóng nhiều thuế, phải bảo vệ lợi ích thì chúng tôi gọi đấy là những lập luận ngụy khoa học và những người nào bảo vệ cho những lập luận đó thì hoàn toàn hoặc là trực tiếp gắn liền với ngành công nghiệp rượu bia hoặc là trong nhóm thụ lợi trong việc tạo dự luật có hơi hướng bảo vệ cho ngành công nghiệp rượu bia.

RFA: Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, trong cuộc phỏng vấn với Tuổi Trẻ Online, đăng tải vào ngày 24 tháng 5 vừa qua cho rằng cần phải điều chỉnh hành vi của người uống bia rượu, chứ không phải điều chỉnh hành vi của bia rượu và ông Dương Trung Quốc khẳng định rằng không có quốc gia nào làm luật giống Việt Nam là chống lại tác hại của bia rượu. Quan điểm cá nhân của ông?

Bác sĩ Trần Tuấn: Nếu nói rằng Dự luật rượu bia đi theo chiều hướng kiểm soát các tác hại thì tôi nói rằng tác hại của rượu bia không chỉ ở Việt Nam, mà có khắp nơi trên thế giới. Và thế giới đã đi trước trong vấn đề này, đặc biệt các nước tôn trọng quyền con người, các nước nhân đạo, bảo vệ lấy sức khỏe làm đầu như các nước Bắc Âu đã ra các luật kiểm soát rất chặt chẽ. Họ không cấm rượu bia. Việt Nam cũng không cấm rượu bia, nhưng phải làm sao cho hành vi uống rượu bia phải đảm bảo theo những điều kiện nhất định vì đây là sản phẩm gây độc và gây bệnh và là sản phẩm có thể thay đổi hành vi, cảm xúc, cảm giác của người uống dẫn đến các tác hại xã hội rất lớn.

Không nói đâu xa, ngay cả Thái Lan và Lào bên cạnh Việt Nam đều có tiến bộ trong tầm hơn một chục năm trở lại đây. Họ ra luật hoặc ra các điều kiện kiểm soát rất chặt chẽ trong vấn đề rượu bia.

Mục tiêu của Luật rượu, bia thì chúng tôi đề nghị phải làm sao bảo vệ cho trẻ vị thành niên vì khi đã nghiện rồi thì họ trở thành những người tình nguyện đóng tiền cho ngành công nghiệp rượu bia, chất gây nghiện sẽ thúc đẩy họ như vậy. Thực chất quảng cáo của ngành rượu bia là nhắm vào quảng cáo cho giới trẻ, tiếp xúc với giới trẻ nên Luật rượu, bia phải rất chặt chẽ vấn đề này. Chính vì thế, những giới hạn về giờ uống, giới hạn về quảng cáo bắt buộc phải đưa vào luật.

Việc non nửa Đại biểu Quốc hội vừa rồi không đồng ý đưa vào luật về giới hạn giờ bán bia, những nhóm người chống đối việc đưa vào luật như vậy chắc chắn là họ biết vì qua thư từ chúng tôi đã gửi đến và trên mạng xã hội lẫn truyền thông đại chúng từng phổ biến, chưa kể chính các Đại biểu của Thái Lan sang đây đã trình bày, trao đổi các ý kiến của họ khi Chính phủ Việt Nam mời trong quá trình soạn thảo luật. Thế thì tại sao không học tập những cái tốt mà lại đi ngược lại? Tôi cho rằng ở đây là vấn đề đạo đức và liên quan đến vấn đề gọi là lợi ích gắn chặt với ngành công nghiệp rượu bia ở số Đại biểu Quốc hội này.

WHO đã nêu ra nếu thực thi phương án kiểm soát tác hại của rượu bia bằng biện pháp chân kiềng là giảm sự có sẵn, chủ yếu là giới hạn giờ bán, tăng thuế lên và kiểm soát vấn đề quảng cáo, phải cấm hoàn toàn quảng cáo đến giới trẻ. Nếu thực hiện 3 điều này thì thấy rõ rằng chỉ 1 đô la Mỹ (USD) đầu tư vào gói giải pháp hữu hiệu đó thì lợi ích thu lại sau này là 9,13 USD. Cho nên nếu nói nhìn vào khía cạnh kinh tế để quyết cho vấn đề luật thì càng thôi thúc phải đưa vào luật những biện pháp kiểm soát chặt chẽ

-Bác sĩ Trần Tuấn

RFA: Các biểu quyết của non nửa Đại biểu Quốc hội không thông qua một số biện pháp kiểm soát trong Dự luật phòng, chống tác hại của rượu, bia vấp phải sự tranh cãi cũng như phản đối trong dư luận. Là một người phản biện trong vấn đề này, ông có thể cho biết vì sao?

Bác sĩ Trần Tuấn: Thực ra đưa vào luật thì mới làm tăng lợi ích kinh tế cho xã hội. Bởi vì Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nêu ra nếu thực thi phương án kiểm soát tác hại của rượu bia bằng biện pháp chân kiềng là giảm sự có sẵn, chủ yếu là giới hạn giờ bán, tăng thuế lên và kiểm soát vấn đề quảng cáo, phải cấm hoàn toàn quảng cáo đến giới trẻ. Nếu thực hiện 3 điều này thì thấy rõ rằng chỉ 1 đô la Mỹ (USD) đầu tư vào gói giải pháp hữu hiệu đó thì lợi ích thu lại sau này là 9,13 USD. Cho nên nếu nói nhìn vào khía cạnh kinh tế để quyết cho vấn đề luật thì càng thôi thúc phải đưa vào luật những biện pháp chặt chẽ.

Hiện nay thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào rượu bia của Việt Nam chỉ bằng phân nửa so với của Thái Lan, Úc hoặc New Zealand. Như vậy là thất thoát rất lớn và ngành công nghiệp rượu bia được lợi. Và ngành công nghiệp rượu bia không phải của việt Nam mà của các tập đoàn đa quốc gia. Điều này có nghĩa là đất nước bị mất mát rất lớn. Do đó, chúng tôi vẫn đang vận động và tiếp tục lên tiếng rằng nếu Quốc hội cứ để cho tình trạng này duy trì thì thật sự đang làm nghèo đất nước và nếu nói một cách thẳng thắn thì đây là sự để cho Quốc hội đã bị can thiệp sâu sắc bởi chính ngành công nghiệp rượu bia và các nhóm thu lợi dính dáng đến ngành công nghiệp rượu bia. Đây là một sự xấu hổ.

Hòa Ái: Chân thành cảm ơn Bác sĩ Trần Tuấn dành cho Đài RFA cuộc phỏng vấn này.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-facing-poverty-if-maintaining-current-alcoholic-industry-06132019162609.html

 

Biểu tình Hong Kong:

Giới vận động và thanh niên Việt Nam nghĩ gì?

Allie BùiGửi đến BBC từ TP HCM

Tuần qua, khoảng 1 triệu người Hong Kong xuống đường biểu tình để ngăn đạo luật dẫn độ cho phép đem nghi phạm về xét xử ở Trung Quốc, mà theo họ, sẽ khiến Hong Kong bị đặt vào hệ thống tư pháp của Trung Quốc, dẫn đến sự xói mòn nền độc lập tư pháp của khu vực hành chính này.

Cuộc biểu tình với phần lớn là thanh niên Hong Kong khiến giới trẻ Việt Namvà nhất là những người thuộc các tổ chức vận động nghĩ gì? Tôi đã tìm hiểu điều này và xin trình bày các ý kiến thu lượm được dưới đây:

Thay ảnh đại diện để ủng hộ

Ngày 12/06, cuộc biểu tình diễn ra tại Hong Kong được ghi nhận đã leo thang khi cảnh sát sử dụng nhiều loại vũ khí như đạn cao su, đạn hơi cay, bình xịt hơi cay để đẩy người biểu tình ra khỏi tòa nhà Viện Lập pháp.

Ngay hôm đó, không ít tài khoản Facebook ở Việt Nam đã đồng loạt đổi ảnh đại diện với biểu tượng từ lá cờ Hong Kong được khởi xướng từ trang mạng Hong Kong Anti Extradition Law cùng khẩu hiệu “Khi chế độ độc tài là hiện thực, cách mạng trở thành một nghĩa vụ”.

Hong Kong sốc sau biểu tình

Hong Kong: Biểu tình có bao giờ đạt kết quả?

Đụng độ tại biểu tình hơn nửa triệu người ở Hong Kong

Ông Nguyễn Đình Hà, một luật gia ở Hà Nội chia sẻ suy nghĩ:

“Với cá nhân tôi, thay ảnh đại diện là cách thể hiện tôi ủng hộ và đứng về phía người dân Hong Kong. Đây không chỉ đơn thuần là cuộc biểu tình chống một dự luật mà là việc bảo vệ nền dân chủ, tự do. Việc đổi avatar giúp lan tỏa về mặt tinh thần. Khi càng nhiều người thay ảnh, càng nhiều người khác sẽ tò mò và chú ý đến sự kiện. Nhất là khi đàn áp đang gia tăng ở Hong Kong”.

Là người được sinh ra trong trại tị nạn Hong Kong, Hoàng Thành – thành viên nhóm Green Trees Hà Nội nói:

“Tôi xem Hong Kong là quê hương thứ hai của mình và bước ngoặt khiến tôi quan tâm tới Hong Kong nhiều hơn là Phong trào Dù vàng 2014. Những nhà lãnh đạo phong trào lúc đó – như Josua Wong đã tạo nên hàng nghìn các nhà lãnh đạo tiềm năng khác. Vì thế, tôi đổi avatar thể hiện mình đứng về phía người dân Hong Kong, ủng hộ tự do và những người trẻ”.

Trong diễn biến đó, trang mạng mang tên “Phong trào Dù vàng – Hong Kong” liên tục cập nhật thông tin về cuộc biểu tình ở Hong Kong những ngày qua đã nhận được nhiều phản hồi, đa phần từ những người trẻ, ở độ tuổi 18-34 tuổi (chiếm 45%) về sự kiện này.

Nguyễn Anh, quản trị trang “Phong trào Dù vàng – Hồng Kông” trả lời BBC Việt Ngữ:

“Chúng tôi là một nhóm yêu mến Hong Kong và phong trào dân chủ sáng tạo, thông minh, hoà bình từ thời Occupy – Dù Vàng Hong Kong. Chúng tôi nhận thấy nhiều tin bên lề rất hay, rất sát với tình hình Việt Nam mà Việt Nam có thể học hỏi nhưng các bài báo chính thống lại không đưa tin. Vì vậy, chúng tôi quyết định chia nhau ra để theo dõi và cập nhật.

Mặc khác, bản thân tôi không thích sự độc tài của Trung Quốc nên đây có thể xem như một cách ủng hộ tinh thần tự do của người Hong Kong”.

Vì sao người trẻ Hong Kong xuống đường?

Năm 2014, cuộc biểu tình được coi là “Cách mạng ô dù” hay Dù Vàng là cuộc biểu tình của sinh viên, thanh niên Hong Kong nhằm đòi phổ thông đầu phiếu trong cuộc bầu cử lãnh đạo đặc khu hành chính Hong Kong 2017.

Trong cuộc biểu tình chống dự luật dẫn độ năm 2019, sinh viên và thanh niên Hong Kong cũng là thành phần chính, tham gia quyết liệt với nhiều hình thức như bãi học, tọa kháng, và xích tay khi đi biểu tình.

Theo bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (blogger Mẹ Nấm), hiện đã sang Hoa Kỳ sau khi bị đưa đi khỏi Việt Nam, điều này cho thấy phong trào học sinh sinh viên đã lớn mạnh hơn cách đây năm năm khá nhiều:

“Theo dõi tin tức sẽ thấy công tác tổ chức, phương thức lựa chọn thời điểm và chủ đề để có thêm quần chúng tham gia của cuộc biểu tình được chuẩn bị rất tốt. Quan trọng hơn, phong trào lần này không chỉ có sinh viên, thanh niên mà những thành phần khác trong xã hội như bác sĩ, luật sư đã bắt đầu bước chân xuống đường để lên tiếng. Phải nói rằng, các bạn trẻ Hong Kong đã thành công trong việc đánh động ý thức bảo vệ nền dân chủ tự do mà họ được thừa hưởng” – bà Như Quỳnh nhận định nói với BBC.Về khía cạnh này, quản trị trang “Phong trào Dù vàng – Hong Kong” nói thêm rằng, người dân Hong Kong được dạy bài bản về quyền công dân, các công ước quốc tế nên họ hiểu rõ vai trò và nhiệm vụ công dân:

“Sự tham gia của nhiều người trẻ là sinh viên thời Dù Vàng sau đó thành lập các đảng trẻ như Demosito, có các nghị sĩ trẻ như Nathan Law trúng cử khi mới 23 tuổi, khiến chính trị gần gũi với người trẻ, là sự cổ vũ và niềm cảm hứng lớn cho giới trẻ” – Nguyễn Anh nhấn mạnh.

Còn nhà hoạt động xã hội Nguyễn Trường Sơn thì cho rằng:

“Làn sóng biểu tình chống lại dự luật dẫn độ lần này là kết quả của một quá trình tích tụ sự ức chế của xã hội Hong Kong, đặc biệt là những người trẻ. Phong trào Dù Vàng năm 2014 với lực lượng nòng cốt là học sinh, sinh viên và thanh niên dù rất sôi nổi nhưng lại thất bại trong việc buộc chính quyền Hong Kong nghe theo yêu sách của họ. Sự thất bại này càng làm tăng thêm ức chế xã hội và việc xây dựng luật dẫn độ như giọt nước tràn lý khiến giới trẻ Hong Kong phải xuống đường như lời thề năm xưa “We’ll be back” (Chúng tôi sẽ trở lại)”.

Có sự giống và khác gì?

Cuộc biểu tình phản đối luật dẫn độ ở Hong Kong ngày 9/6/2019 khiến nhiều người nhớ đến cuộc xuống đường phản đối đạo luật an ninh mạng và luật đặc khu ở Việt Nam ngày 10/6/2018.

Nhiều người chia sẻ bức ảnh đám đông biểu tình ở Hong Kong và Việt Nam như một cách cổ động cho phong trào dân sự, dân chủ ở cả hai nơi.

Nhân viên pháp lý Trần Đại Lâm nói:

“Các bạn trẻ Hong Kong cho thấy sự tươi mới và đây là dấu hiệu tích cực cho thấy giới trẻ ý thức được quyền của mình. Với tôi, là bài học về dân chủ cho người trẻ Việt Nam biết cách thức thực hiện quyền tự do hội họp của mình. Ở Hong Kong, họ có đội ngũ tình nguyện những người mang ô dù, dặn nhau mang kính bảo hộ, mang nước, hay cầm biển để thông báo: bên phải là đi làm, bên trái là đi biểu tình rất trật tự”.

Nguyễn Định – thành viên YSEALI (Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á) cho rằng, khác với các nhà hoạt động xã hội, hầu hết các bạn sinh viên Việt Nam vẫn còn xa lạ với việc tham gia phong trào lên tiếng tự phát:

“Chính phủ Việt Nam và lẫn các cơ sở giáo dục đều không khuyến khích các hoạt động này. Việc tham gia vào các phong trào không có sự cho phép chính thức từ các cơ quan công quyền tại Việt Nam có thể dẫn đến các hậu quả như bị đuổi học, bị làm khó không được ở trọ hay xin việc. Dó đó, một bức từng sợ hãi đã được đựng lên khiến giới trẻ Việt Nam chùn bước với các hoạt động dân sự”.

Còn bạn Nguyễn Thu Thảo, một người sống tại TP HCM thì nói:

“Cuộc biểu tình rầm rộ ở Hong Kong khiến tôi cảm thấy nể phục, có phần ganh tị với giới trẻ Hong Kong vì thói quen quan tâm đến tình hình chính trị, không chịu được sự thắt chặt dần tự do của Trung Quốc của các bạn ấy. Đây là kết quả của việc được thừa hưởng nền giáo dục dân chủ, tự do của Anh.

Đồng thời, các bạn nhận được sự ủng hộ của gia đình, chứ không phải riêng bản thân đứng lên thể hiện tiếng nói của thế hệ mình chứ không cô đơn hay chịu ảnh hưởng bởi KOL nào trên mạng xã hội như hầu hết các bạn trẻ ở Việt Nam”.

Là chủ nhiệm trang Tinh thần Khai Minh, Nguyễn Vi Yên nhận xét:

“Các thủ lĩnh của phong trào Dù Vàng đã liên tục bị kết án và bỏ tù, điển hình là thủ lĩnh Hoàng Chi Phong vừa mới bị bắt giam lại tháng trước. Với những khó khăn như vậy nhưng lý tưởng tranh đấu của người dân Hong Kong vẫn không bị dập tắt. Tinh thần dấn thân không ngừng nghỉ là một điều mà chúng ta nên học hỏi ở người trẻ Hong Kong”.

“Một năm về trước, một cuộc biểu tình tương đối lớn đã nổ ra ở Việt Nam nhằm phản đối hai dự luật Đặc khu và An ninh mạng, song nhiều người đã bị đàn áp, tra tấn, hàng chục người trong số đó hiện vẫn còn bị giam giữ và chịu án tù.

Với môi trường chính trị khắc nghiệt như ở Việt Nam, chúng ta chưa thể kỳ vọng rằng người trẻ Việt Nam có thể học hỏi ngay những gì mà giới trẻ Hong Kong đang làm nhưng mọi phong trào, muốn thành công, đều cần được nuôi dưỡng và thử thách,” cô Vi Yên kết luận.

Bài viết thể hiện cách hành văn riêng của nữ tác giả, một cây bút tự do hiện sống tại TPHCM.

https://www.bbc.com/vietnamese/48605241

 

Thăm VinFast, ông Nguyễn Xuân Phúc muốn

 doanh nhân ‘có khát vọng’

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã dự lễ khánh thành Nhà máy sản xuất ô tô VinFast của tập đoàn Vingroup hôm 14/6.

Chủ tịch SK Group gặp lãnh đạo Vingroup và Masan

Xe VinFast ra mắt ở Paris Motor Show 2018

VinFast ‘là niềm tự hào quốc dân’?

Vinfast và hình ảnh quốc gia

Thăm nhà máy đặt tại KCN Đình Vũ, Cát Hải, Hải Phòng, ông Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ ngạc nhiên lớn và “rất khâm phục người chỉ huy, đội ngũ xây dựng nhà máy”, theo trang web chính phủ Việt Nam.

Bài trên trang web chính phủ Việt Nam gọi VinFast là “kỳ tích ô tô”, đánh dấu đúng 650 ngày kể từ khi Thủ tướng dự lễ khởi công Nhà máy ô tô Vinfast -2/9/2017.

Phát biểu tại đây, ông Nguyễn Xuân Phúc nói: “Doanh nhân Việt Nam phải có khát vọng cùng dân tộc với niềm tự hào sâu sắc về tiềm năng con người Việt Nam.”

“Phải dám nghĩ dám làm, phải có tinh thần cách mạng dấn thân, nói phải đi đôi với làm, làm thì phải làm khẩn trương, làm đến nơi, đến chốn.”

Trong dư luận đã có không ít nghi ngờ về tính khả thi thương mại của dự án VinFast.

Nhưng VinFast, công ty con của tỉ phú Việt Nam Phạm Nhật Vượng, khẳng định họ sắp bàn giao những chiếc xe đầu tiên cho khách hàng.

Sản phẩm VinFast Fadil sẽ được bàn giao từ ngày 17/6/2019, trong khi Lux A2.0 và Lux SA2.0 sẽ được giao vào cuối tháng 7/2019.

VinFast cũng nói họ dự kiến sẽ ra mắt 12 mẫu ô tô các loại và xe máy điện trong năm 2019 và năm 2020.

Được xây dựng trên diện tích hơn 500 nghìn m2, nhà máy sản xuất ô tô VinFast có công suất thiết kế giai đoạn 1 là 250.000 xe/năm, giai đoạn 2 là 500.000 xe/năm.

Vingroup khẳng định VinFast là nhà máy ô tô duy nhất tại Việt Nam “làm chủ được các công đoạn cốt lõi, có năng lực tự sản xuất những cấu phần chính của một chiếc ô tô như thân vỏ, động cơ….”

Tại buổi lễ, ông Phạm Nhật Vượng nói: “Chúng tôi cam kết sẽ nỗ lực không ngừng để khẳng định đẳng cấp và vị trí của thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế.”

Bày tỏ ủng hộ VinFast, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói lợi thế lớn nhất của VinFast, Vingroup là được lãnh đạo bởi “một doanh nhân có tài và khát vọng dân tộc”, theo trang web chính phủ Việt Nam.

Theo bản tin của Bloomberg, xe Fadil dùng khung gầm của mẫu Karl Rocks của Opel.

Mẫu xe sedan và SUV của VinFast được làm từ thân xe của BMW AG.

CEO của VinFast là ông Jim Deluca, được tuyển mộ từ General Motors.

https://www.bbc.com/vietnamese/business-48581610

 

Hai chiến hạm lớn nhất của Nhật Bản

đến Việt Nam

Hai tàu khu trục trực thăng JS Izumo và JS Murasame cùng với 600 sỹ quan và thủy thủ đoàn thuộc Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (JMSDF) cập cảng Cam Ranh vào ngày 14 tháng 6, bắt đầu chuyến thăm Việt Nam trong 4 ngày.

Vào ngày 10 tháng 6, Tờ Diplomat dẫn nguồn từ thông cáo báo chí của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (JMSDF) cho biết chuyến thăm vừa nêu nhằm tăng cường sự hiện diện của Hải quân Nhật tại khu vực Đông Nam Á, cũng như đánh dấu sự phát triển trong hợp tác quân sự song phương Việt-Nhật.

Truyền thông trong nước, vào ngày 14 tháng 6 cho biết Chuẩn Đô đốc Hiroshi Egawa, Chỉ huy Biên đội tàu khu trục số 1 làm trưởng đoàn và trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam từ ngày 14 đến ngày 17 tháng 6, đoàn chỉ huy tàu Nhật Bản sẽ gặp gỡ với Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân và Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa. Bên cạnh đó, thủy thủ đoàn cũng sẽ giao lưu với binh sỹ Vùng 4 Hải quân và tham gia một số hoạt động cộng đồng tại tỉnh Khánh Hòa.

Biên đội tàu JS Izumo và JS Murasame đang thực hiện hải trình đến khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương từ ngày 30 tháng 4 đến ngày 10 tháng 7. Hồi đầu tháng 5 vừa qua, tàu JS Izumo đã có cuộc tập trận chung với tàu chiến của Mỹ, Ấn Độ và Philippines tại Biển Đông.

Trong cùng lãnh vực liên quan, một phái đoàn Hải quân Việt Nam cấp cao đến thăm và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 11 đến ngày 15 tháng 6. Chuyến đi được nói theo lời mời của Trung tướng Tần Sinh Tường, Chính ủy Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Vững, trưởng phái đoàn Hải quân Việt Nam, tại buổi hội đàm với Trung tướng Tần Sinh Tường ngỏ lời mời Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cử đoàn đến tham dự Duyệt binh hàng hải quốc tế, trong khuôn khổ của Hội thảo an ninh hàng hải quốc tế do Hải quân Việt Nam tổ chức khi Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.

Qua các buổi gặp gỡ và tiếp xúc với các cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc, phái đoàn Hải quân Việt Nam bày tỏ sự nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng Việt-Trung, giải quyết tốt bất đồng trên cơ sở nhận thức chung giữa hai nước nhằm duy trì an ninh, hòa bình, ổn định trong khu vực.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/two-japanese-warships-arriving-cam-ranh-port-on-jun14-06142019084850.html