Tin khắp nơi – 14/06/2019
Mỹ cáo buộc Iran tấn công tàu chở dầu ở Vịnh Oman
Iran nói rằng họ “mạnh mẽ phủ nhận” tuyên bố của Hoa Kỳ rằng họ đứng sau các cuộc tấn công vào hai tàu chở dầu ở Vịnh Oman.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm 14/6 đã đổ lỗi cho Iran về “các cuộc tấn công vô cớ” này.
Ông nói thêm rằng Hoa Kỳ đã đưa ra nhận định dựa trên thông tin tình báo về loại vũ khí được sử dụng.
Nghi vấn quanh vụ tàu dầu Việt Tín 01 tới Bắc Hàn
Hoa Kỳ điều tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan
Trump: Chiến tranh sẽ “kết thúc Iran”
Tàu chở dầu ‘có nguy cơ nổ’ ở biển Hoa Đông
Nhưng Iran bác bỏ tuyên bố này, gọi nó là “vô căn cứ”. Một quan chức cấp cao của Iran trước đó nói với BBC rằng “Iran không liên quan” với vụ nổ.
Hàng chục thủy thủ đoàn được giải cứu sau vụ nổ trên tàu Kokuka Courageous thuộc sở hữu của Nhật Bản, và tàu Front Altair thuộc sở hữu của một công ty Na Uy.
Cả Iran và Mỹ đều cho hay thủy thủ đoàn đã được sơ tán.
Trong một tuyên bố được đưa ra vào thứ Sáu 14/6, phái đoàn Iran tại Liên Hiệp Quốc cho biết: “Iran bác bỏ một cách có căn cứ cáo buộc vô căn cứ của Mỹ liên quan đến các sự cố tàu chở dầu ngày 13/6, và lên án mạnh mẽ việc này.”
Vụ nổ xảy ra tại một trong những tuyến đường chở dầu bận rộn nhất thế giới, một tháng sau khi bốn tàu chở dầu khác bị tấn công ngoài khơi Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Không có nhóm hoặc quốc gia nào thừa nhận trách nhiệm vụ tấn công vào tháng Năm. Những tấn công nay không gây thương vong.
Hoa Kỳ tại thời điểm đó đổ lỗi cho Iran – nhưng Tehran phủ nhận các cáo buộc.
Giá dầu tăng 4% sau sự cố hôm 13/6.
Vịnh Oman nằm ở một đầu của eo biển chiến lược Hormuz – một tuyến vận chuyển quan trọng nơi các tàu dầu trị giá hàng trăm triệu đô la lưu thông.
BIMCO, hiệp hội vận tải quốc tế lớn nhất thế giới, cho biết căng thẳng ở eo biển Hormuz và vùng Vịnh “hiện nay gia tăng dù không phải là một cuộc xung đột vũ trang thực sự”.
Hiệp hội cũng kêu gọi các chủ tàu “hết sức thận trọng” trong khu vực.
Ông Mike Pompeo nói gì?
“Hoa Kỳ nhận định rằng Cộng hòa Hồi giáo Iran chịu trách nhiệm về các vụ tấn công”, Ngoại trưởng Mỹ cho biết trong một cuộc họp báo ở Washington.
“Nhận định này dựa trên tình báo, vũ khí được sử dụng, trình độ chuyên môn cần thiết để triển khai chiến dịch, các cuộc tấn công tàu chở hàng tương tự gần đây của Iran, và thực tế là không có nhóm nào hoạt động trong khu vực có tài nguyên và hành động thành thạo như vậy ở mức độ tinh vi cao. “
Ông Pompeo không đưa ra bằng chứng nào.
“Đây chỉ là vụ mới nhất trong loạt các vụ tấn công do Cộng hòa Hồi giáo Iran và các đại diện của họ chống lại lợi ích của Mỹ và đồng minh.”
“Nhìn chung, các cuộc tấn công vô cớ này là mối đe dọa rõ ràng đối với hòa bình và an ninh quốc tế, một cuộc tấn công trắng trợn về tự do hàng hải và một chiến dịch leo thang căng thẳng không thể chấp nhận được của Iran”, ông Pompeo nói.
Một nguồn tin chính phủ Anh cho biết họ đồng tình với nhận định của Mỹ, theo phóng viên về ngoại giao của BBC James Landale.
Chúng ta biết gì về vụ nổ?
Cơ quan Hàng hải Na Uy cho biết hôm thứ Năm 13/6 rằng tàu Front Altair đã bị “tấn công” và có ba vụ nổ trên tàu.
Wu I-fang, phát ngôn viên của nhà máy lọc dầu CPC Corp của Đài Loan, công ty điều hành Front Altair, cho biết tàu chở 75.000 tấn dầu và “nghi ngờ bị trúng ngư lôi”, mặc dù điều này chưa được xác nhận.
Các báo cáo chưa được xác minh khác cho hay đó là một cuộc tấn công bằng mìn.
Chủ sở hữu tàu, Frontline, cho biết con tàu bốc cháy – nhưng phủ nhận các thông tin trên truyền thông Iran rằng tàu bị chìm.
Nhà điều hành của Kokuka Courageous, BSM Ship Management, cho biết thủy đoàn đã rời con tàu bốc cháy và được một tàu đi qua cứu.
Truyền hình nhà nước Irib của Iran phát sóng những gì được cho là cảnh các thành viên thủy thủ đoàn được giải cứu đang ngồi trên ghế sofa và trò chuyện tại cảng Jask của Iran.
Đoạn video được hãng tin Isna của Iran công bố với chú thích: “Hình ảnh các thành viên được giải cứu khỏi con tàu bị hư hỏng ở biển Oman”.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48632667
Căng thẳng Iran – Mỹ có vượt quá kiểm soát?
Liệu chiến tranh giữa Mỹ và Iran có xảy ra không, sau khi Tổng thống Donald Trump quy tội cho Tehran quanh vụ tấn công tàu chở dầu ở Vịnh Oman.
Mỹ cáo buộc Iran tấn công tàu chở dầu ở Vịnh Oman
Nghi vấn quanh vụ tàu dầu Việt Tín 01 tới Bắc Hàn
Hải quân Mỹ công bố đoạn băng video mà họ tuyên bố cho thấy một tàu Iran đang gỡ bỏ một quả mìn chưa nổ từ một con tàu chở dầu.
Trả lời Fox News hôm thứ Sáu, Tổng thống Donald Trump tuyên bố: “Iran đã làm, các bạn thấy con tàu rồi đó.”
Ông Trump chỉ vào đoạn video, mà Mỹ nói quay cảnh tàu Iran gỡ một quả mìn chưa nổ khỏi tàu Kokuka Courageous do Nhật sở hữu.
Hình ảnh của Mỹ được nói là do tàu USS Bainbridge quay. Tàu khu trục này đã cứu 21 thủ thủy khỏi con tàu chở dầu.
Hai tàu chở dầu bị tấn công gần Eo biển Hormuz, rất quan trọng cho việc chở dầu trong vùng.
Iran đã bác bỏ mọi dính líu, giống như hồi tháng Năm, khi xảy ra các cuộc tấn công hồi tháng Năm nhắm vào các tàu chở dầu trong vùng Vịnh.
Hoa Kỳ nay khẳng định cả hai vụ đều do Iran làm.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã khăng khăng về vai trò của Iran.
Ông Pompeo nói kết luận của Mỹ dựa trên tình báo, các vũ khí sử dụng, mức độ chuyên môn cần có và các vụ tấn công khác của Iran trước đây.
Nếu bị tấn công, rất có thể Iran sẽ mở chiến tranh tổng hợp, sử dụng các nhóm dân quân trong vùng thực hiện tấn công các mục tiêu.
Đó là một viễn cảnh rất đáng lo ngại trong vùng.
Với Hoa Kỳ, một cuộc tấn công bằng hải quân và không quân vào Iran cũng sẽ gây ra rủi ro.
Có vẻ như đến giờ này, Tổng thống Mỹ Donald Trump không mặn mà với các sứ vụ quân sự ở hải ngoại. Các vụ không kích của Mỹ ở Syria chỉ mang tính biểu tượng.
Nhưng nếu các tiếng nói diều hâu trong chính phủ Mỹ thắng thế, và Iran cảm thấy bị đe dọa, liệu nó có dẫn tới tính toán sai cho cả hai phía?
Một cuộc chiến tình cờ, không chủ ý, là một rủi ro có thật.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nói với Hội đồng Bảo an hôm thứ Năm rằng thế giới không muốn “một đối đầu lớn ở Vùng Vịnh”.
Trung Quốc, EU và nhiều nước đã kêu gọi kiềm chế.
Căng thẳng Iran và Mỹ đã gia tăng sau khi Tổng thống Donald Trump rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân hồi năm ngoái.
Kể từ đó, Washington đã gia tăng trừng phạt Iran.
Xuất khẩu dầu thô của Iran đã giảm chỉ còn 400.000 thùng mỗi ngày, so với 2, 5 triệu thùng hồi tháng 4/2018.
Vụ tấn công tàu chở dầu hôm thứ Năm xảy ra trong khi Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đang thăm Iran.
Jon Alterman, từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nói: “Luôn có khả năng có ai đó đổ trách nhiệm cho Iran.”
“Nhưng khả năng lớn hơn, đây là cố gắng nhằm thúc đẩy ngoại giao Iran bằng cách khiến quốc tế thấy cần giúp Mỹ và Iran nói chuyện.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48636855
Mỹ cáo buộc Triều Tiên mua dầu bất hợp pháp
Hoa Kỳ và hàng chục đồng minh khác cáo buộc Triều Tiên vi phạm hạn mức dầu tinh chế trong khuôn khổ lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc bằng con đường chuyển hàng bí mật từ tàu này sang tàu kia giữa biển, theo một tài liệu mà Reuters nhìn thấy hôm 12/6.
Lời tố cáo do Mỹ đứng đầu gửi đến Ủy ban cấm vận của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc liệt kê 79 lần chuyển giao nhiên liệu bất hợp pháp trong năm nay của Bình Nhưỡng và kết luận rằng quốc gia đông bắc Á này đã vi phạm hạn mức 500.000 thùng dầu mà Liên Hiệp Quốc áp đặt hồi tháng 12 năm 2017.
“Những hạn chế lên nhập khẩu dầu tinh chế của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên là rất quan trọng trong việc duy trì áp lực lên nước này, bao gồm các bên chịu trách nhiệm về chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt, để đạt được việc giải trừ hạt nhân hoàn toàn có thể kiểm chứng được,” bản báo cáo gửi cho Ủy ban trừng phạt Triều Tiên viết.
Cáo buộc này, được đề ngày 11/6, trùng với tuyên bố của Tổng thống Donald Trump rằng ông đã nhận được một lá thư ‘rất lịch sự’ từ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Washington đang tìm cách tạo dựng lại thời cơ cho các cuộc thương thuyết đang bị đình trệ với Bình Nhưỡng nhằm để thuyết phục Triều Tiên giải trừ chương trình vũ khí hạt nhân của họ.
Sau khi có lời lẽ nhục mạ qua lại và giọng điệu chiến tranh với ông Kim vào đầu nhiệm kỳ Tổng thống của mình, ông Trump trong năm qua đã liên tục ca ngợi ông Kim. Họ đã tổ chức hai cuộc họp thượng đỉnh trong lúc ông Trump tìm cách biến điều mà ông cho là mối quan hệ cá nhân nồng ấm thành đột phá ngoại giao.
Phái đoàn Triều Tiên ở Liên Hiệp Quốc không phản hồi yêu cầu bình luận về cáo buộc của Mỹ.
Mỹ và khoảng trên hai mươi quốc gia đã đề nghị Ủy ban cấm vận của Hội đồng Bảo an yêu cầu dừng ngay lập tức việc giao dầu tinh chế cho Triều Tiên.
Tuy nhiên, ủy ban gồm 15 thành viên này hoạt động dựa trên sự nhất trí và các đồng minh của Bình Nhưỡng như Trung Quốc và Nga đã phong tỏa một yêu cầu tương tự của Mỹ một năm trước đây với lý do là họ cần thêm chi tiết về cáo buộc của Washington về 89 lần nhận dầu phi pháp của Triều Tiên trong năm tháng đầu tiên của năm 2018.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã nhất trí tăng cường trừng phạt Triều Tiên kể từ năm 2006 trong nỗ lực bóp nghẹt nguồn tài chính cho các chương trình hạt nhân và phi đạn đạn đạo của Bình Nhưỡng. Theo đó, Triều Tiên bị cấm xuất khẩu các mặt hàng như than, sắt, chì, sản phẩm dệt may, hải sản và đặt ra hạn mức nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu tinh chế vào nước này.
Theo khuôn khổ của lệnh cấm vận Liên Hiệp Quốc, các quốc gia buộc phải báo cáo cho Ủy ban trừng phạt Triều Tiên số lượng dầu tinh chế họ giao cho Triều Tiên mỗi tháng. Theo ủy ban này thì chỉ có Nga và Trung Quốc đã báo cáo sản lượng dầu họ bán hợp pháp cho Bình Nhưỡng trong vòng hai năm qua.
Mặc dù lời tố cáo của Mỹ không nêu danh quốc gia nào mà họ tin là đang cung cấp dầu để chuyển từ tàu sang tàu cho Triều Tiên trên biển, nhưng bà Nikki Haley, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, hồi tháng 9 đã cáo buộc Nga là ‘gian dối’ về lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc đối với Triều Tiên. Bộ Ngoại giao Nga đã bác bỏ cáo buộc này.
Đây mới là thứ Amazon, Facebook, Google
và chính quyền Mỹ thực sự thèm khát ở TQ
Không chỉ mong muốn tiếp cận thị trường, các tập đoàn công nghệ khổng lồ đang nhìn chằm chằm vào miếng bánh dữ liệu của TQ, quốc gia đông dân nhất thế giới với hơn 1,4 tỷ người.
Tảng băng chìm
Những hạn chế mà chính phủ Mỹ đã áp đặt đối lên các công ty làm ăn với Huawei, việc bắt giữ Mạnh Vãn Chu hay việc cố gắng hạn chế các quốc gia khác mua công nghệ 5G của Huawei chỉ là phần nhỏ trong một trận chiến lớn. Bởi một chủ đề được báo cáo rất ít trong vòng xoáy chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang dần được hé lộ, đó là cuộc tranh đoạt dữ liệu người dùng.
Cũng giống như cuộc chiến đấu về các lô hàng nông sản hay cáo buộc trộm cắp tài sản trí tuệ, một trong những chủ đề chính được thảo luận trong các cuộc đàm phán gần đây giữa hai quốc gia hàng đầu thế giới này là việc cải thiện quyền truy cập cho Amazon, Microsoft, Google, IBM và Apple ở Trung Quốc.
Tuy nhiên trong các báo cáo, nó lại được định nghĩa dưới dạng “tiếp cận thị trường”, liên quan đến việc Trung Quốc đang hạn chế các công ty Mỹ và từ chối họ một cơ hội kinh doanh.
Tuy nhiên, ở phía ngược lại, Mỹ cũng như các quốc gia phương Tây cũng đang hành động tương tự với Huawei. Có thể nói, đằng sau cuộc chiến smartphone là các vấn đề về an ninh, sức mạnh kinh tế và chủ quyền.
Với Huawei, Mỹ lo ngại rằng việc chuyển sang công nghệ truyền thông 5G, Trung Quốc sẽ kiểm soát phần lớn các mạng mà dữ liệu trên toàn thế giới sẽ truyền qua. Nó không chỉ là vấn đề về người cung cấp thiết bị. Đó là một câu hỏi về người sẽ kiểm soát việc truy cập vào hệ thống Internet toàn cầu.
Những con cáo trước cửa chuồng gà
Trung Quốc là một thị trường khác biệt so với phần còn lại của thế giới. Những tập đoàn công nghệ khổng lồ đã thất bại trong việc thống trị hoàn toàn ngành công nghệ thông tin ở thị trường này, bởi Trung Quốc đã thành công trong việc tạo ra các công ty đối trọng như Weibo, Alibaba, JD.com, Baidu, Tencent và Lenovo. Điều này dẫn tới việc các công ty Mỹ có rất ít quyền truy cập vào dữ liệu của Trung Quốc.
Google đã nỗ lực để đạt được giấy phép hoạt động ở Trung Quốc trong một thời gian, nhưng hiện tại toàn bộ dịch vụ của công ty này hầu như bị chặn bởi hệ thống tường lửa của chính quyền Bắc Kinh. Để giải quyết vấn đề này, hãng đã cân nhắc việc phát triển một phiên bản tích hợp công cụ kiểm duyệt nhằm thỏa mãn yêu cầu của giới chức Trung Quốc, nhưng dự án này cũng đang mắc cạn bởi rất nhiều lời phản đối trong chính nội bộ công ty.
Các công ty công nghệ khác của Mỹ cũng thất bại một cách tương tự. Facebook, Bing, WhatsApp và Twitter cũng bị chặn. Windows và MS Office gần như không tồn tại, ngoại trừ ở dạng lậu. Amazon gần đây đã từ bỏ các hoạt động kinh doanh sau một thập kỷ vật lộn mà không thực hiện được bất kỳ bước tiến nào.
Ít ra, còn có Apple. Công ty đã gặt hái được nhiều thành công hơn. Nhưng mới đây, một phong trào tẩy chay các sản phẩm của Apple đã được khởi động trên mạng xã hội Weibo, một số công ty Trung Quốc thậm chí đe dọa sẽ sa thải những nhân viên sở hữu iPhone.
Còn khi nói đến điện toán đám mây, các công ty nước ngoài muốn kinh doanh đều phải làm việc thông qua một công ty địa phương và buộc phải cấp cho đối tác toàn bộ giấy phép về công nghệ. Những công ty này cũng buộc phải lưu trữ dữ liệu ở các máy chủ tại Trung Quốc.
Dưới áp lực của các cuộc đàm phán thương mại gần đây, Mỹ đang hé lộ ý định mở rộng thị trường này. Trung Quốc đã có phần nhượng bộ khi nói rằng các công ty Mỹ có thể thiết lập các dịch vụ điện toán đám mây của riêng họ, nhưng chỉ trong một khu vực thí điểm, giống như một khu vườn có tường bao quanh. T
Tuy nhiên, điều mà các công ty Mỹ thực sự muốn là có thể hoạt động tự do đằng sau hệ thống tường lửa Great Firewall, để có thể tìm kiếm khả năng thu thập dữ liệu người dùng ở Trung Quốc giống như những nơi khác.
Nếu các công ty này sở hữu bộ lưu trữ, họ có thể dễ dàng truy cập vào các thông tin như email cá nhân và doanh nghiệp, báo cáo và kế hoạch của mọi công ty, nội dung các cuộc trò chuyện, giao dịch trực tuyến, mật khẩu. Thông qua tất cả những điều đó, họ có khả năng hiểu được mọi người dân ở Trung Quốc đang nghĩ và nói gì.
Tất nhiên ở mặt ngoài, các công ty này có thể tiếp tục tuyên bố rằng họ đang quảng bá tự do ngôn luận và hỗ trợ nhân quyền. Nhưng phía sau, chính quyền Mỹ và các gã khổng lồ công nghệ có thể sử dụng những thông tin nói trên để thay đổi cái nhìn của người dùng Internet ở Trung Quốc, tiến tới thúc đẩy quốc gia này hướng tới điều mà nước Mỹ gọi là “cởi mở hơn”.
Bởi nên nhớ rằng kiểm soát dịch vụ điện toán đám mây cung cấp một bước tiến mới trên con đường ảnh hưởng đến tin tức, thúc đẩy các mô hình thay thế tiến bộ chính trị và điều chỉnh ý kiến của người dùng. Rõ ràng, đối với Trung Quốc, đây là những rủi ro vô cùng lớn. Đó cũng là lý do tại sao chính quyền nước này luôn cứng rắn trong việc giữ vững lập trường của mình.
Trung Quốc biết rằng các công ty Mỹ này giống như những con cáo muốn xông vào chuồng gà, đặc biệt là khi nhiều gương mặt trong số này có liên hệ chặt chẽ với quân đội. Trước đó, Google đã từng bị phát hiện có một số mối liên hệ bí mật với Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ.
Quay trở lại câu chuyện ban đầu, những gì đang bị đe dọa ở đây không chỉ là chuyện kinh doanh. Đây là về cơ hội để Mỹ có thể ảnh hưởng đến suy nghĩ của người dân ở Trung Quốc. Cốt lõi của nó là một trận chiến giữa “trái tim và lý trí”.
Nói một cách khác, những gì đang bày ra trước mắt mọi người có thể không chỉ là một cuộc chiến về thương mại. Đó nhiều khả năng là một cuộc chiến về ý thức hệ, giữa hai quốc gia hàng đầu thế giới.
Fox News: TT Trump nói
‘không thành vấn đề’ nếu ông Tập dự G20
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói hôm thứ Sáu 14/6 rằng ‘không có vấn đề gì’ nếu lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G20 vào cuối tháng này, ông dự đoán rằng đằng nào cũng sẽ có thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh vào một lúc nào đó.
“Chúng ta chờ xem. Rốt cuộc họ sẽ đi đến thỏa thuận”, ông Trump nói trong một cuộc phỏng vấn với kênh Fox News.
Ông Trump nhiều lần nói rằng ông sẽ gặp ông Tập tại hội nghị thượng đỉnh, mặc dù Trung Quốc chưa bao giờ xác nhận về cuộc gặp.
Ông Trump cũng nói rằng Trung Quốc thao túng tiền tệ của nước này để tránh bị bóp nghẹt bởi các mức thuế của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc.
“Họ đang trả hàng trăm tỷ đô la. Tôi thu được 25% từ 250 tỷ đô la … Họ đang thao túng tiền tệ của họ để trả tiền cho điều đó”, ông Trump nói.
https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-noi-khong-thanh-van-de-neu-ong-tap-du-g20/4959305.html
Phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc rời chức
Nữ phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc Sarah Sanders, một người trung thành với Tổng thống Donald Trump và đã trở thành một trong những cố vấn thân cận nhất của ông Trump, sẽ rời chức vào cuối tháng này, theo loan báo của Tổng thống Trump hôm 13/6.
Bà Sanders, 36 tuổi, làm việc với ông Trump kể từ những ngày đầu ông Trump ra tranh cử. Bà là người mới nhất trong danh sách các cố vấn cao cấp rời Tòa Bạch Ốc.
Bà mô tả công việc của mình tại Bạch Cung là “một vinh dự cả đời.”
“Tôi yêu thích công việc này từng phút một, cho dù là những giây phút khó khăn nhất.” “Tôi có 3 con nhỏ và tôi sẽ dành thời gian cho chúng nhiều hơn,” bà Sanders phát biểu với báo giới.
Tổng thống Trump nói bà Sanders là “một chiến binh” “cứng cỏi”, “tài giỏi.”
Có đồn đoán cho rằng bà có thể sẽ ra tranh cử làm thống đốc của Arkansas, vị trí mà thân phụ của bà từng đảm nhiệm.
https://www.voatiengviet.com/a/phat-ngon-nhan-toa-bach-oc-roi-chuc-/4958312.html
Trump bị công kích vì phát biểu
‘sẵn sàng nhận trợ giúp từ nước ngoài’
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hôm 13/6 công kích phát ngôn của Tổng thống Donald Trump rằng ông sẽ nhận sự trợ giúp từ một thực thể nước ngoài trước cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 nhưng bà không cho biết liệu những việc này có châm ngòi cho quy trình luận tội hay không.
Phát biểu trước các phóng viên, bà Pelosi nói rằng các thành viên Đảng Dân chủ của bà trong Quốc hội sẽ tiếp tục điều tra Tổng thống Trump và chính quyền của ông thông qua nhiều ủy ban khác nhau.
Bà Pelosi đưa ra tuyên bố này một ngày sau khi ông Trump nói rằng ông sẽ nhận thông tin từ các nguồn nước ngoài cung cấp cho ông về bất cứ đối thủ chính trị nào và có lẽ sẽ không thông báo cho FBI.
“Ngày hôm qua, một lần nữa, Tổng thống đã đưa ra bằng chứng cho thấy ông không biết phân biệt đúng sai,” bà Pelosi phát biểu tại một cuộc họp báo. “Tất cả mọi người trong nước đều nên cảm thấy thất kinh trước những gì Tổng thống nói tối qua.”
Hôm 12/6, ông Trump nói với kênh ABC News trong một cuộc phỏng vấn được phát qua truyền hình rằng không có gì sai trái khi chấp nhận sự hỗ trợ của nước ngoài và ông sẽ không báo cáo về sự can thiệp đó cho Cục Điều tra Liên bang (FBI). Các chuyên gia pháp lý đã nói rằng những trợ giúp từ nước ngoài như thế là vi phạm luật tài chính tranh cử.
Bà Pelosi hiện đang đối mặt với sức ép từ các thành viên cấp tiến trong đảng của bà đòi phải mở cuộc điều tra chính thức để luận tội ông Trump. Bà đã gọi phát ngôn của ông Trump là ‘gây bàng hoàng’ và ‘hoàn toàn vô đạo đức’, và rằng Đảng Dân chủ ở Hạ viện sẽ theo đuổi các cuộc điều tra khác nhau một cách có phương pháp.
“Trong khi chúng tôi đi trên con đường này để tìm kiếm sự thật cho người Mỹ và để buộc Tổng thống phải có trách nhiệm giải trình, nó không liên quan gì đến chính trị hay bất cứ chiến dịch tranh cử nào cả,” bà nói.
ILO kêu gọi chấm dứt nạn lao động trẻ em
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) kêu gọi chấm dứt tình trạng lao động trẻ em vốn ảnh hưởng đến hàng chục triệu trẻ em trên tất cả các khu vực trên thế giới. Lời kêu gọi này được đưa ra từ Geneva, nơi đang có các sự kiện đặc biệt để đánh dấu Ngày Chống Lao động Trẻ em Thế giới hôm 12/6.
Trong số 152 triệu nạn nhân lao động trẻ em có những em chỉ mới 5 tuổi. Nhiều em trong số này phải làm việc hàng giờ với tiền công ít ỏi hoặc không có tiền công trong tình trạng làm việc giống như nô lệ và bị lạm dụng.
ILO cho biết gần phân nửa trong số này làm các công việc nguy hiểm vốn khiến các em đối mặt với các điều kiện nguy hiểm và không tốt cho sức khỏe.
Họ cho biết đa số các em làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Các lĩnh vực làm việc nguy hiểm khác bao gồm khai mỏ, xây dựng, đánh bắt cá và phụ giúp việc nhà. Bà Beate Andrees, người đứng đầu cơ quan Các Nguyên tắc và Quyền cơ bản của ILO, nói với VOA rằng trẻ em bị dính vào những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất như làm việc để trả nợ và bán dâm. Do đó, các em gánh chịu những thương tổn về thể chất và tâm lý không gì có thể chữa trị được.
“Theo các chuẩn mực của ILO, hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất là gây nguy hại cho sự phát triển của trẻ. Nó cũng bao gồm lao động cưỡng bức, buôn bán trẻ em cũng như chiêu mộ trẻ em đi chiến đấu,” bà nói.
Bà Andrees cho biết đã có những tiến bộ lớn trong việc giảm lao động trẻ em ở châu Á và Mỹ Latin nhưng tình hình ở châu Phi đang thụt lùi. Bà nói châu Phi hiện có tỷ lệ lao động trẻ em cao nhất thế giới.
“Điều này không nhất thiết là do thiếu sự hành động mà nó cũng có thể là do sự phát triển về đặc điểm dân số, di cư, biến đổi khí hậu và các nguyên nhân kinh tế gốc rễ phía dưới vốn có tác dụng khác nhau ở các khu vực khác nhau,” bà Andrees nói thêm.
Bất chấp xu hướng đáng lo ngại này, bà Andrees nói rằng bà cảm thấy ấm lòng khi Liên minh châu Phi đã có những biện pháp kiên quyết để giải quyết vấn nạn này. Bà lưu ý rằng AU đã xây dựng kế hoạch hành động 10 năm để thúc đẩy bãi bỏ lao động trẻ em phù hợp với Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc.
Mục tiêu Phát triển Bền vững kêu gọi đến trước năm 2025 phải bài trừ hẳn tình trạng lao động trẻ em. Tuy nhiên, nếu tốc độ giảm lao động trẻ em vẫn được duy trì ở mức hiện tại, bà Andrees cảnh báo rằng cột mốc đó có thể sẽ không đạt được.
Báo Anh : Có âm mưu
cản đường ông Johnson lên làm thủ tướng
Vào hôm qua, 13/06/2019, cựu ngoại trưởng Anh Boris Johnson, ứng viên có nhiều triển vọng nhất trong việc được bầu làm lãnh đạo đảng Bảo Thủ, điều kiện cần thiết để lên làm thủ tướng nước Anh, đã về đầu nhân vòng bỏ phiếu đầu tiên của các nghị sĩ trong đảng, bỏ xa các đối thủ phía sau. Tuy nhiên, theo tiết lộ của nhật báo Anh The Guadrian , một nhóm ứng cử viên đối thủ đang bàn kế liên kết với nhau để cản bước tiến của ông Johnson.
Theo tờ báo, các thành viên trong nhóm của bộ trưởng Y Tế Matt Hancock, đã có cuộc thảo luận riêng với cố vấn của các ứng cử viên Michael Gove và Sajid Javid để xem xét khả năng liên minh và sắp đi đến một quyết định.
Sau vòng bỏ phiếu đầu tiên của 313 nghị sĩ đảng Bảo Thủ, cựu ngoại trưởng Anh từng là thị trưởng Luân Đôn đã được 71 phiếu tín nhiệm, bỏ xa đối thủ về nhì là đương kim ngoại trưởng Jeremy Hunt, chỉ được 43 phiếu.
Áp sát ông Hunt là bộ trưởng Môi Trường Michael Gove (37 phiếu) và cựu bộ trưởng Brexit Dominic Raab (27 phiếu), kế đến là bộ trưởng Nội Vụ Sajid Javid (23 phiếu), Matt Hancock (20 phiếu) và nhà cựu ngoại giao Rory Stewart (19 phiếu).
Theo nhật báo The Times, cựu bộ trưởng Quan Hệ với Quốc Hội, Andrea Leadsom, người bị loại vì không nhận được số phiếu cần thiết, hiện có ý định ủng hộ ông Sajid Javid.
Vào tuần tới, các nghị sĩ Bảo Thủ sẽ tiếp tục bỏ phiếu để sau cùng chọn ra được hai ứng viên sáng giá nhất, để cho 160.000 đảng viên đảng Bảo Thủ trên toàn quốc bầu chọn.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190614-bao-anh-co-am-muu-can-duong-ong-boris-johnson-len-chuc-thu-tuong
Pháp chuẩn bị ra mắt tàu ngầm Barracuda hiện đại
Một buổi lễ trang trọng để ra mắt chiếc tàu ngầm nguyên tử thế hệ mới đầu tiên của Pháp trong chương trình Barracuda sẽ được tổ chức tại cảng Cherbourg vào ngày 12/7 tới, với sự hiện diện của bộ trưởng Quân Lực Florence Parly. Hãng tin AFP hôm 13/06/2019 dẫn một nguồn tin thông thạo cho biết như trên.
Trong buổi lễ này, chiếc tiềm thủy đĩnh tấn công Barracuda hiện đại của Pháp sẽ được đưa từ xưởng đóng tàu đến thiết bị hạ thủy. Lễ hạ thủy chính thức sẽ diễn ra nhiều tuần lễ sau đó, để chuẩn bị chuyển giao cho Hải Quân Pháp vào cuối năm 2020.
Tàu ngầm Barracuda chạy bằng năng lượng nguyên tử nhưng trang bị vũ khí quy ước, dài 99 mét, trọng tải 4.650 tấn ; có khả năng bắn đi thủy lôi F21, hỏa tiễn chống hạm SM39 thế hệ mới, hỏa tiễn hành trình (MdCN). Loại tàu ngầm tấn công thế hệ mới này sẽ hỗ trợ đắc lực cho Hải Quân, có thể tham gia các hoạt động tấn công dưới lòng đại dương, cũng như các chiến dịch đặc biệt của biệt kích và người nhái tác chiến.
Pháp đã đặt hàng sáu chiếc SNA Barracuda vào năm 2006, được coi là một trong những chương trình vũ khí chính yếu cho những thập niên tới. Chi phí dự kiến 7,9 tỉ đô la, nhưng nay đã lên đến 9,1 tỉ đô la. Chiếc tàu ngầm Barracuda cuối cùng sẽ được xuất xưởng vào năm 2029. Hợp đồng này được nhà nước giao cho hai tập đoàn Naval Group và Orano thực hiện.
Naval Group (tập đoàn có trên 62% vốn của Nhà nước Pháp) năm 2016 đã trúng thầu cung cấp 12 chiếc tàu ngầm Barracuda cho chính phủ Úc.
Lễ hạ thủy tàu ngầm nguyên tử gần đây nhất của Pháp là vào năm 2008, khi tổng thống lúc đó là ông Nicolas Sarkozy cho ra mắt chiếc Terrible, tiềm thủy đĩnh tấn công sử dụng hỏa tiễn đạn đạo (SNLE).
http://vi.rfi.fr/phap/20190614-phap-chuan-bi-ra-mat-tau-ngam-barracuda-hien-dai
Cúp thế giới bóng đá nữ:
Nhờ Trung Quốc, Pháp và Đức vào vòng 1/8
Hôm qua, 13/06/2019, trong vòng bảng Cúp thế giới bóng đá nữ tại Pháp, ở bảng B, đội tuyển Trung Quốc đã hạ đội tuyển Nam Phi 1-0 trong trận đấu tại sân vận động Parc des Princes, Paris. Nhờ chiến thắng này mà đội tuyển chủ nhà Pháp và đội tuyển Đức lọt vào vòng 1/8 cho dù chưa đấu trận thứ ba.
Lý do là vì khi đội Trung Quốc (hiện có 3 điểm) sẽ gặp đội Tây Ban Nha (cũng 3 điểm) trong ngày cuối của vòng bảng, thì một trong hai đội sẽ về hạng ba bảng B với 3 điểm (nếu một trong hai đội đá thắng) hoặc 4 điểm (nếu hai đội hòa nhau). Trong bảng D cũng vậy, đội về hạng ba cũng sẽ có ít hơn 6 điểm, sau khi kết thúc các trận vòng bảng.
Do giải vô địch thế giới nữ chỉ có 6 bảng, cho nên, đội Pháp (hiện đã có 6 điểm) tệ lắm cũng nằm trong số 4 đội về hạng ba có số điểm cao nhất, tức là lọt vào vòng 1/8.
Các nữ tuyển thủ của huấn luyện viên Corinne Diacre cho tới nay đã thi đấu rất tốt với hai trận thắng: 4-0 trước đội Hàn Quốc ngày 07/06, và 2-1 trước đội Na Uy ngày 12/06.
Như vậy là thủ quân Amandine Henry và các đồng đội của cô có thể đấu trận thứ 3 gặp đội Nigeria ngày 17/06 tới mà không chịu áp lực gì, vì họ đã cầm chắc chiếc vé vào vòng 1/8. Nhưng dĩ nhiên là các nữ tuyển thủ Pháp cũng cần giành chiến thắng thứ ba, để củng cố vị thế một trong những đội có triển vọng nhất trong cuộc chạy đua giành chức vô địch thế giới bóng đá nữ.
Tương tự như Pháp, cũng nhờ chiến thắng của đội Trung Quốc hôm qua, đội tuyển Đức, trong cùng bảng B, cũng bảo đảm sẽ là một trong hai đội nhiều điểm nhất sau vòng bảng, tức là coi như đã lọt vào vòng 1/8. Đức cũng là một trong những đối thủ nặng ký nhất tại Cúp thế giới bóng đá nữ kỳ này.
Cũng hôm qua, ở bảng C, dù bị dẫn trước hai bàn, các nữ tuyển thủ Úc đã gây ấn tượng mạnh với trận thắng Brazil 3-2 tại Montpellier, rửa mối nhục của trận thua bất ngờ trước đội Ý với tỷ số 1-2 trong trận đầu. Dù thua đội Úc, Brazil (3 điểm) hiện vẫn đứng đầu bảng.
Tuy nhiên, vị trí này đang bị đe dọa, vì tối nay đội tuyển Ý sẽ gặp Jamaica, với nhiều khả năng giành chiến thắng và như vậy sẽ qua mặt Brazil. Trong trận cuối của vòng bảng trong bảng C, Brazil và Ý sẽ đụng nhau vào thứ ba tuần tới và đây chắc chắn sẽ là một trận thư hùng nảy lửa, một mất một còn.
http://vi.rfi.fr/phap/20190614-cup-the-gioi-bong-da-nu-nho-trung-quoc-phap-va-duc-vao-vong-18
Nga: ‘sẽ trả đũa nếu Mỹ đưa thêm quân sang Ba Lan’
Điện Kremlin hôm thứ Năm nói quân đội Nga đang theo sát các kế hoạch của Hoa Kỳ nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Ba Lan. Moscow cho biết là đang tiến hành các bước để bảo đảm an ninh quốc gia Nga không bị đe dọa bởi bước hành động mà Nga mô tả là “một sự bội ước” đối với một thỏa thuận giữa Nga và NATO.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Tư hứa với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda rằng ông sẽ điều động thêm 1.000 lính Mỹ, đồng thời triển khai một phi đội máy bay trinh sát không người lái sang Ba Lan, một bước mà Warsaw hối thúc để răn đe nguy cơ bị Nga xâm lược.
Phát ngôn viên của điện Kremlin, Dmitry Peskov, nói Moscow sẽ không khoanh tay ngồi yên.
Ông Peskov nói:
“Quân đội Nga đang theo sát những loan báo như thế này, chúng tôi đang phân tích thông tin và làm những gì cần thiết để những bước như vậy không có cách nào có thể đe dọa an ninh của Liên bang Nga.”
Hãng thông tấn RIA dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov, nói rằng bước hành động này của ông Trump thể hiện những ý đồ hung hăng.
“Quân đội Nga đang phân tích thông tin và làm những gì cần thiết để những bước như vậy không có cách nào có thể đe dọa an ninh của Liên bang Nga.”.
Phát ngôn viên của điện Kremlin Dmitry Peskov
Quyết định của Hoa Kỳ điều động thêm binh sĩ tới Ba Lan, chắc chắn sẽ làm cho các quan hệ giữa Hoa Kỳ và Nga xấu đi trước hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản trong tháng này, nơi mà Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Vladimir Putin có thể gặp nhau.
Trong một cuộc phỏng vấn phát đi hôm thứ Năm, ông Putin đồng ý rằng quan hệ giữa Moscow và Washington đang ngày càng tệ hơn.
Hoa Kỳ có kế hoạch tăng sự hiện diện luân phiên ở Ba Lan hiện ở mức 4,500 nhân sự, bằng cách điều thêm khoảng 1.000 binh sĩ tới Ba Lan, đồng thời xây dựng một hệ thống cấu trúc hạ tầng quân sự, bao gồm các trung tâm huấn luyện tác chiến hỗn hợp và một tổng hành dinh.
Không lực Hoa Kỳ cũng sẽ triển khai một phi đội máy bay trinh sát không người lái MQ-9 Reaper sang Ba Lan.
Bộ Ngoại giao Nga nói Moscow coi kế hoạch triển khai của Mỹ là một sự bội ước đối với thỏa thuận giữa Nga và NATO năm 1997, theo đó liên minh NATO đồng ý không triển khai lực lượng quân sự thường trực tới lãnh thổ của các nước thành viên mới.
https://www.voatiengviet.com/a/nga-se-tra-dua-neu-my-dua-them-quan-sang-ba-lan/4958016.html
Iran nói không đáng phúc đáp thông điệp của Trump
Lãnh đạo tối cao của Iran ngày 13/6 nói với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe rằng không đáng để hồi đáp thông điệp của Tổng thống Mỹ Donald Trump mà ông Abe mang tới Tehran trong lúc chuyến thăm ‘hòa giải hòa bình’ bị chi phối bởi các cuộc tấn công ở Vịnh Oman.
Các cuộc tấn công vừa xảy ra là sự cố mới nhất trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran sau nhiều tuần khẩu chiến và siết chặt các biện pháp chế tài từ Mỹ.
Trong số các tàu dầu bị ảnh hưởng có một tàu Nhật.
Ông Trump nói ông cảm kích chuyến đi của Thủ tướng Nhật tới Iran để gặp lãnh đạo tối cao của Iran là Ali Khamenei, nhưng ông tin rằng “còn quá sớm để nghĩ tới chuyện” Hoa Kỳ sẽ có một thỏa thuận với Iran.
“Họ chưa sẵn sàng, và chúng tôi cũng thế, ” ông Trump viết trên Twitter.
Nhật là một trong những khách hàng chính mua dầu của Iran cho tới tháng trước, khi Washington ra lệnh tất cả các nước phải ngưng nhập khẩu dầu từ Iran nếu không sẽ bị chế tài.
Thủ tướng Nhật tháng rồi cũng đã thảo luận vấn đề Iran với Tổng thống Mỹ và nay ông mang đến Iran thông điệp của Mỹ lần này, nhưng ông Khamenei đã từ chối.
“Tôi không thấy ông Trump là người đáng để trao đổi thông điệp, và tôi không có phúc đáp nào cho ông ấy, bây giờ cũng như sau này,” báo nhà nước Iran dẫn lời ông Khamenei nói với Thủ tướng Nhật.
Đồng minh của Mỹ ở Châu Âu và Châu Á nhiều lần bày tỏ quan ngại rằng căng thẳng Iran-Mỹ có thể leo thang thành một cuộc xung đột võ trang.
Sau cuộc họp với Tổng thống Iran, Hassan Rouhani, ông Abe hôm 13/6 cảnh báo nguy cơ xảy ra các cuộc xung đột không chủ ý ở Trung Đông.
https://www.voatiengviet.com/a/iran-noi-khong-dang-phuc-dap-thong-diep-cua-trump-/4958315.html
Sử dụng ứng dụng kỹ thuật bảo mật
để huy động lực lượng biểu tình
Ứng dụng thực tế
Báo mạng Vnepress vào ngày 12/6 có đăng bài viết về “Cách huy động lực lượng phản đối dự luật dẫn độ của người dân Hồng Kông”. Trong bài nêu rõ người dân kêu gọi biểu tình qua nhiều phương tiện khác nhau, từ trực tiếp phát tờ rơi trên đường phố đến việc thành lập những kênh trò chuyện trực tuyến bí mật để bàn thảo phương cách phản đối và xuống đường biểu tình.
Nhà hoạt động xã hội Nguyễn Lân Thắng và cũng là người từng tham gia vào một số cuộc biểu tình tại Việt Nam nói với chúng tôi rằng, đối với các nhà hoạt động xã hội thì các biện pháp kỹ thuật như người dân Hồng Kông sử dụng thì không có gì là mới nhưng điều quan trọng nhất là việc tác động truyền tải đến mọi người gặp nhiều khó khăn.
Anh nói thêm “Tại Việt Nam những người nằm trong con số các hội nhóm có sự chuẩn bị bàn bạc phối hợp thì nó không được nhiều. Như cuộc biểu tình tại Việt Nam hôm 10/6/2018 phản đối luật đặc khu thì số lượng người có bàn bạc nằm trong các hội nhóm này kia thì nó không quá 100 người nên khi ứng dụng các biện pháp để thông tin liên lạc trong 1 nhóm nó không có sự liên kết chặt chẻ và thứ hai là số lượng nó không nhiều nên tại Việt Nam việc dùng cái đó rất là khó khăn.”
Một nhà hoạt động xã hội khác là anh Lã Việt Dũng, thành viên của nhóm No-U từ Hà Nội cũng xác nhận với chúng tôi về việc sử dụng các công cụ kỹ thuật bảo mật để trao đổi trò chuyện nhưng việc bảo mật sẽ nằm ở nhiều cấp độ khác nhau.
“Những người tổ chức ra các cuộc biểu tình như vậy họ cần liên lạc với nhau thì mới bí mật chứ với người dân thường thì họ không cần một cách bí mật nào cả bởi vì họ cần được công
bố rộng rãi. Còn tại Việt Nam thì những nhóm khác nhau thì họ liên lạc bằng nhiều công cụ khác nhau với nhiều ứng dụng bảo mật mà chính quyền họ không thể can thiệp được.”
Mức độ hiệu quả
Một số ứng dụng bảo mật thường được sử dụng tại Việt Nam hiện nay có thể kể đến là Whatsaap. Telegram hay Signal… Tuy nhiên chúng vẫn chưa được phổ biến rộng mà chỉ một số nhà hoạt động sử dụng. Hầu như mọi người chỉ liên lạc bằng điện thoại trực tiếp hay Facebook Messenger thì đó là điều không an toàn.
Ông Vũ Quốc Ngữ, tổng giám đốc tổ chức Người bảo vệ nhân quyền giải thích về tác dụng của các ứng dụng kỹ thuật trò truyện bảo mật:
“Khi mà sử dụng các ứng dụng bảo mật thì nó có tác dụng hai đầu là chỉ có người gửi và người nhận mới có thể biết được nội dung thôi và ngay cả những công ty cung cấp dịch vụ đó họ cũng không thể đọc các tin nhắn của mình gần như bảo mật tuyệt đối.”
Ngoài ra, ông Ngữ còn hướng dẫn cách tăng độ bảo mật cho bản thân.
“Có ứng dụng Signal hay Telegram thì nó có chương trình là tự động xóa trong bao nhiêu lâu tùy theo mình cài đặt chế độ 10 phút hay 20 phút thậm chí cả tiếng chẳng hạn sau đó thì nó sẽ mất đi, điều đó mình có thể hạn chế được rủi ro. Việc sử dụng email muốn an toàn thì thường sẽ không sử dụng chức năng trả lời (reply), ví dụ như thư của đồng đội chẳng hạn nếu mình muốn trả lời lại thì đừng bấm trả lời trên thư đó mà hãy xóa nó đi và trả lời trên một thư mới thì sẽ không chứa lại nội dung của thư trước đó.”
Còn đối với anh Lã Việt Dũng thì các công cụ kỹ thuật bảo mật như hiện nay thì chỉ đạt được ở nhóm nhỏ mà thôi nếu thành nhóm lớn thì nó không còn gì là bí mật nữa.
“Nói chung chỉ đạt được ở nhóm nhỏ thôi chứ thành nhóm lớn thì nó sẽ không còn là bí mật nữa, theo kinh nghiệm của mình những nhóm nhỏ chính quyền chả biết được gì cả không can thiệp được. Không phải trò chuyện nhóm nào cũng là tốt mình phải lựa chọn những công cụ phù hợp và những cái tụi mình đã chọn thì chính quyền hoàn toàn không biết được chuyện đó.”
Đồng thời anh còn khăng định, không có gì là bảo mật tuyệt đối, đôi khi vấn đề xảy ra không phải do lỗi kỹ thuật mà về con người , một số người họ không thể kiểm soát được việc bảo mật nên đa phần lỗi hỏng từ đó mà ra.
Cơ quan chức năng can thiệp
Dư luận xã hội đặt vấn đề rằng đối với các ứng dụng bảo mật như vậy thì tại sao cơ quan chức năng đến nay vẫn không có biện pháp nào can thiệp như đã làm với mạng xã hội Facebook thời gian qua.
Ông Vũ Quốc Ngữ khẳng định ngay chính những công ty cung cấp dịch vụ đó họ cũng không thể đọc các tin nhắn hay các cuộc trò chuyện của khách hàng thì cơ quan chức năng không thể nào can thiệp được và điều này gần như bảo mật tuyệt đối.
Anh Lã Việt Dũng đồng ý việc cơ quan chức năng không thể can thiệp nhưng để khai thác được thông tin thì họ sẽ làm bằng mọi cách.
“Thật ra họ biết nhóm mình trao đổi với nhau rồi họ sẽ tìm cách họ bắt bớ rồi họ mở điện thoại rồi bẻ khóa điện thoại họ tìm thông tin họ tìm bằng chứng. Trong những lúc biểu tình như vậy mình phải xác định là có thể bị bắt bất cứ lúc nào nên không thể chủ quan được và điều thứ hai là điện thoại phải tăng cường bảo mật để mở ra là điều không dễ dàng, nhiều bạn để dấu vân tay hay nhận diện khuôn mặt là họ ra được ngay.”
Không thể so sánh thực tế Hong Kong với Việt Nam; tuy vậy những nhân tố tích cực muốn thay đổi xã hội ở trong nước đã có. Những nhân tố này hướng đến những công cụ bảo mật để tránh sự theo dõi của chính phủ. Trong khi đó cơ quan chức năng Nhà Nước cũng bỏ kinh phí để giúp lực lượng của họ ngăn chặn mọi thành phần tiến bộ lan tỏa ảnh hưởng cũng như thông tin liên lạc.
Hồng Kông: Chính sách khủng bố tinh thần
của Bắc Kinh bị phá sản
Vì sao một dự luật dẫn độ hình sự có thể tạo ra bầu không khí « tổng nổi dậy » ở Hồng Kông, một nhượng địa sắp trở về Hoa Lục vào năm 2047 ? Gọng kềm của Bắc Kinh, từ kiểm soát không gian chính trị, trừng phạt tù đày, hay bắt cóc hù dọa tinh thần đều không bịt miệng được người dân Hồng Kông. Sức mạnh của tinh thần yêu chuộng tự do bắt đầu thắng thế.
Theo AFP, lãnh đạo đặc khu Hồng Kông thân Bắc Kinh, Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) đang bị công kích từ bên trong nội bộ. Sau những cuộc biểu tình khổng lồ phản kháng trong tuần qua, đến lượt các đại biểu thân Trung Quốc như Michael Tien và cả cố vấn « tối cao » Bernard Chan của chủ tịch hành pháp kêu gọi từ bỏ dự luật dẫn độ.
Dự luật này bị đối lập xem là bẫy lừa của Bắc Kinh, can thiệp vào thẩm quyền của tư pháp Hồng Kông, để truy bắt những người bất đồng chính kiến, đối lập chính trị hoặc đảng viên ly khai. Nói cách khác là tước đoạt quyền tự do và quy chế tự trị của Hồng Kông, chà đạp lời hứa « một quốc gia, hai chế độ » mà Đặng Tiểu Bình cam kết với Anh Quốc và người dân địa phương trong khi đàm phán thỏa thuận 1997.
Từ 2014 đến nay, chính quyền Tập Cận Bình dứt khoát không cho tổ chức bầu trưởng đặc khu theo thể thức phổ thông đầu phiếu, mà phải do 1200 đại cử tri được chỉ định và phải được Bắc Kinh cho phép. Phong trào Dù Vàng bùng lên vào thời điểm đó, nhưng sau hai tháng làm tê liệt thành phố, đối lập không đòi được đáp ứng nguyện vọng « bầu cử tự do ».
Phong trào dân chủ tưởng đâu chìm xuống. Những cuộc kỷ niệm ngày ký hiệp định 01/07/1997, hàng năm, hay tưởng niệm nạn nhân Thiên An Môn 04/06 chỉ huy động từ vài ngàn đến hai chục ngàn là nhiều. Một loạt các lãnh tụ sinh viên và đối lập bị bắt, bị kết án tù.
Thế nhưng, tình hình có vẻ đổi khác. Đêm tưởng niệm Thiên An Môn đông người tham dự hơn. Tiếp theo là phong trào chống luật dẫn độ đã huy động mọi tầng lớp xã hội, từ luật gia cho đến thương gia, sinh viên học sinh, thu hút hơn một triệu người.
Sự kiện này cho thấy một thế hệ đấu tranh này chưa gục xuống, một thế hệ khác đã vùng lên cũng vì tự do.
Từ Hồng Kông, thông tín viên Florence de Changy gửi về bài phóng sự :
“Tuổi trẻ Hồng Kông đã áp dụng bài học chính trị đặc biệt là bài « bất phục tùng dân sự », bằng cách tham gia vào phong trào Dù Vàng năm 2014. Nhưng lần đấu tranh này, với cuộc xuống đường ngày thứ Tư vừa qua, có một động cơ nghiêm trọng hơn thúc đẩy họ.
Một nhóm sinh viên giải thích : « Phong trào Dù Vàng lúc trước chỉ đòi quyền tự do bầu chọn người lãnh đạo hành pháp Hồng Kông. Bây giờ, chúng tôi chỉ đòi không bị rủi ro dẫn độ sang Trung Quốc ». Một sinh viên khác nói : « Chế độ Nhà nước thượng tôn pháp luật phải được duy trì tại Hồng Kông. Chúng tôi có pháp luật riêng, chúng tôi không muốn người ta đụng đến ». « Chúng tôi đều là sinh viên học sinh, là thanh thiếu niên, họ có gì cho tương lai chúng tôi ». « Tương lai chúng tôi là quyền lợi của chúng tôi, vì nó mà chúng tôi tranh đấu ».
Giới trẻ Hồng Kông ý thức giá trị của tự do, nhất là giá trị đó tương phản với Hoa Lục láng giềng mà trên nguyên tắc Hồng Kông phải hội nhập vào năm 2047. Một sinh viên khẳng định sự khác biệt này : « Chúng tôi muốn tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do hội họp, biểu tình. Các quyền này đâu được công nhận tại Trung Quốc ».
Nhiều người cho là cuộc tranh đấu sẽ thất bại, nhưng giới trẻ Hồng Kông, vì bổn phận của người công dân, cương quyết lên tiếng vất bỏ thứ tương lai áp đặt.”
Chưa biết là lãnh đạo hành pháp sẽ phản ứng ra sao trước những ý kiến trong nội bộ thiên về giải pháp nhượng bộ dân chúng. Nhưng rõ ràng là phong trào đường phố chống dự luật đã tác động đến “cung đình”.
Nhà nghiên cứu Eric Sautedé, quan sát viên tại chổ, thẩm định : một triệu người xuống đường cho dù các lãnh tụ phong trào 2014, kể cả các giáo sư đại học đáng kính, đang ngồi tù, chứng tỏ chính sách khủng bố tinh thần của Tập Cận Bình và nhóm lãnh đạo thân Bắc Kinh bị phá sản.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190614-hong-kong-chinh-sach-khung-bo-tinh-than-cua-bac-kinh-bi-pha-san
Hồng Kông: Dự luật dẫn độ
bị chỉ trích ngay trong chính quyền
Trưởng đặc khu thân Bắc Kinh, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) hôm nay 14/06/2019 phải đối mặt với những chỉ trích ngay trong chính quyền Hồng Kông về dự luật dẫn độ đã khiến hơn 1 triệu người xuống đường phản đối. Quốc Hội lưỡng viện Hoa Kỳ hôm qua đã đưa ra một dự luật tái khẳng định sự ủng hộ nền dân chủ Hồng Kông. Về phía phong trào phản kháng, họ chuẩn bị cho cuộc biểu tình Chủ nhật tới và tổng đình công vào thứ Hai.
Dân biểu thân Bắc Kinh Đoàn Bắc Thìn (Michael Tien) công khai kêu gọi chính quyền từ bỏ dự luật dẫn độ. Theo ông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga chỉ có lợi khi thay đổi quan điểm, bây giờ chưa phải đã muộn. Ngay chính cố vấn cao cấp của bà Lâm, ông Trần Bách Lý (Bernard Chan) cũng cho rằng việc vội vã thông qua dự luật dẫn độ là « bất khả », trong tình hình bị Phong trào phản kháng ở Hồng Kông có được sự ủng hộ của mọi giới: luật sư, các tổ chức tư pháp uy tín, giới kỹ nghệ, kinh doanh, nhà báo, các nhà ngoại giao phương Tây… Đặc biệt tại Hoa Kỳ, hôm qua các đại biểu cả Cộng Hòa lẫn Dân Chủ đã trình ra lưỡng viện Quốc Hội một dự luật về « nhân quyền và dân chủ ở Hồng Kông ».
Tại đặc khu này, sau khi các cuộc biểu tình hôm thứ Tư 12/6 bị đàn áp khiến 70 người bị thương, người dân vẫn chuẩn bị tiếp tục xuống đường. Đặc phái viên Stéphane Lagarde tường trình từ Hồng Kông :
« Những cuộn băng keo, bút lông, giấy…Những « xưởng sản xuất áp-phích » xuất hiện trên các ngả đường dẫn vào LegCo tức Nghị Viện Hồng Kông, nơi diễn ra các vụ đụng độ trong những ngày gần đây. Những bức tường và cột bê-tông được dán kín các truyền đơn, khẩu hiệu bằng tiếng quan thoại và tiếng Anh như « Phản đối bạo lực », « Hủy bỏ luật dẫn độ ». Bên cạnh đó là các hình vẽ, ảnh chụp, như ngón tay chĩa về phía cảnh sát và chính quyền, nói lên sự phẫn nộ tột cùng của đa số tuổi trẻ Hồng Kông.
Nhiều hoạt động rải rác dự kiến diễn ra trong suốt cả ngày hôm nay, không quy mô bằng những ngày trước nhưng nhằm duy trì phong trào phản kháng. Có những sinh viên tuyệt thực 103 tiếng đồng hồ, con số này để nhắc nhở rằng 1,03 triệu người đã biểu tình trên các đường phố Hồng Kông hôm Chủ Nhật trước.
Một nữ sinh viên cho biết có những hoạt động khác trên mạng xã hội: « Trên internet, nhiều người thảo luận về chiến lược và chuẩn bị hành động. Không phải để trực tiếp đối đầu với cảnh sát, nhưng chẳng hạn có một số bạn tuyệt thực trong vài ngày, số khác đăng các áp-phích, khẩu hiệu để kêu gọi lớp người đi trước và những người thân không ủng hộ chính quyền. Chúng tôi chuẩn bị cho tổng đình công ngày thứ Hai tới và một cuộc biểu tình mới vào Chủ nhật này ».
Còn ngay trong hôm nay, những người phản kháng mời gọi mọi người đồng loạt mặc áo màu đen, để bày tỏ sự bất bình trước dự luật dẫn độ ».
Một sự kiện khác khiến người Hồng Kông xôn xao trên mạng hôm nay là khi gõ câu tiếng Anh « Tôi đau buồn khi thấy Hồng Kông trở thành một phần của Trung Quốc » vào công cụ dịch thuật của Google, thì trong bản dịch tiếng Hoa chữ « đau buồn » lại biến thành « vui mừng ». Hãng tin Pháp đã thử và cũng cho ra kểt quả tương tự. Một tiếng đồng hồ sau công cụ dịch thuật này mới trở lại thường.
Hôm qua, ứng dụng tin nhắn Telegram đã tố cáo bị tin tặc Trung Quốc tấn công ồ ạt.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190614-hong-kong-du-luat-dan-do-bi-chi-trich-ngay-trong-chinh-quyen
Trung Quốc điều tra
vụ tàu nước này đâm chìm tàu cá Philippines
Chính phủ Trung Quốc đang điều tra ‘nghiêm túc’ vụ đụng độ giữa tàu Trung Quốc và một tàu cá Philippines gần khu vực Bãi Cỏ Rong ở Biển Đông.
Phát ngôn viên Salvador Panelo của Điện Malacañang, Philippines, cho biết tin hôm 13/6 trong một cuộc phỏng vấn truyền thanh, rằng Đại sứ Trung Quốc tại Philippines khẳng định Trung Quốc đã mở cuộc điều tra về vụ việc vừa nêu.
Vụ việc xảy ra vào tối Chủ Nhật 9/6 vừa qua khi tàu đánh cá của Philippines đang neo đậu gần Bãi Cỏ Rong thì bị một tàu Trung Quốc đâm. Tàu Trung Quốc được quân đội Philippines mô tả giống như ‘đâm rồi bỏ chạy’. 22 ngư dân Philippines sau đó được một tàu Việt Nam đến giải cứu.
Vụ việc đã khiến chính phủ Philippines gửi công hàm ngoại giao phản đối đến Trung Quốc. Phát ngôn viên Salvador Panelo vào hôm 13/6 nói chính phủ Philippines có thể sẽ cắt đứt quan hệ với Trung Quốc nếu vụ va chạm trên được chứng minh là có chủ ý.
Đại sứ Trung Quốc tại Philippines cho biết nếu đúng thủ phạm vụ việc là tàu cá Trung Quốc, các ngư dân sẽ bị giáo dục và trừng phạt thích đáng vì hành vi vô trách nhiệm.
TQ: Hai ngân hàng suýt vỡ nợ
và phải nhờ Chính phủ giải cứu,
hệ thống ngân hàng xuất hiện nhiều rạn nứt
Sự hậu thuẫn của PBOC cho các ngân hàng gặp rắc rối có thể giúp tạm thời che đậy những vết nứt trong hệ thống tài chính của Trung Quốc. Tuy nhiên, về dài hạn ẩn chứa nhiều nguy.
Người Trung Quốc có một truyện cổ như sau: một người đàn ông chôn 300 nén bạc trong vườn và trên bãi đất đó ông cắm tấm biển “Ở đây không có 300 nén bạc”, kết quả là người hàng xóm của ông đã đào trộm toàn bộ số bạc đó và để lại mảnh giấy ghi “Ông Vương hàng xóm không đánh cắp bạc”.
Tháng trước, Chính phủ Trung Quốc đã tiếp quản Baoshang Bank, 1 ngân hàng nhỏ ở miền Bắc nước này để cứu nó khỏi cảnh phá sản. Giới chức Trung Quốc quả quyết rằng đây chỉ là một trường hợp cá biệt và các ngân hàng nhỏ khác trong hệ thống vẫn an toàn. Tuy nhiên, giống như trong câu chuyện trên, thị trường không tin vào điều này.
Lợi suất chứng chỉ tiền gửi có thể chuyển nhượng được, công cụ cấp vốn quan trọng cho các ngân hàng nhỏ, đã tăng mạnh đối với các ngân hàng phát hành bị xếp hạng tín nhiệm ở mức thấp. Thị trường dường như đã bình tĩnh trở lại vào hôm thứ ba, nhưng chỉ sau khi NHTW Trung Quốc (PBOC) đồng ý gián tiếp hỗ trợ 1 ngân hàng nhỏ khác có tên là Bank of Jinzhou.
PBOC đã hỗ trợ bằng cách bật đèn xanh cho ngân hàng này phát hành “chứng quyền phòng vệ rủi ro tín dụng” (là 1 công cụ giống với các hợp đồng hoán đổi vỡ nợ tín dụng). Nếu như Bank of Jinzhou phá sản, 1 công ty bảo hiểm tín dụng quốc doanh sẽ đứng ra chi trả. Ngân hàng này bắt đầu trở thành tâm điểm chú ý của thị trường sau khi các kiểm toán viên kiểm toán nó năm 2018 từ chức hồi cuối tháng 5.
Sự hậu thuẫn của PBOC cho các ngân hàng gặp rắc rối có thể giúp tạm thời che đậy những vết nứt trong hệ thống tài chính của Trung Quốc. Tuy nhiên, lịch sử khủng hoảng tài chính 2008 cho thấy “nguy cơ lây lan” là 1 con dao hai lưỡi. Nếu như những vết nứt quá lớn để có thể hàn gắn, về dài hạn tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn rất nhiều.
Thị trường chứng chỉ tiền gửi có thể chuyển nhượng (NCD) ở Trung Quốc đang rơi vào tình trạng báo động vì 2 lý do khá rõ ràng. Thứ nhất, không giống như phần lớn các thỏa thuận
cho vay ngắn hạn khác trên thị trường tài chính Trung Quốc, NCD không hề có tài sản đảm bảo. Điều đó có nghĩa là nếu như người đi vay phá sản, tổn thất sẽ lớn hơn.
Thứ hai, Baoshang không phải là ngân hàng nhỏ duy nhất đang phát đi những tín hiệu đáng lo ngại. Tính cả 2 ngân hàng kể trên, trên cả nước đã có khoảng 19 ngân hàng nhỏ trì hoãn công bố báo cáo thường niên năm 2018.
Lớn nhất trong danh sách này là Henfeng Bank (tên tiếng Anh là Evergrowing Bank) với tài sản 1,4 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 202,58 tỷ USD). Tổng tài sản của toàn hệ thống ngân hàng Trung Quốc là 276 nghìn tỷ nhân dân tệ tính đến tháng 3. Các NCD của Hengfeng đang nhận được thái độ thờ ơ của nhà đầu tư kể từ vụ Baoshang. Tính đến đầu tuần này Hengfeng mới chỉ bán được 11% số NCD kỳ hạn 3 tháng có tổng giá trị 2 tỷ nhân dân tệ mà nó dự định sẽ phát hành.
Những ai quan sát kỹ thị trường tài chính Trung Quốc đều sẽ nhận thấy giới chức nước này chính là những “chuyên gia” trong việc “vá đập”. Có vẻ như Trung Quốc cũng không coi đây là 1 giải pháp có tính bền vững, nhưng với quá nhiều lỗ hổng thì chúng ta sẽ không thể biết được chính xác là ở điểm nào và khi nào thì con đập ấy cuối cùng sẽ vỡ tung.
TQ triệu tập nhà ngoại giao Mỹ,
phê phán phát biểu về Hồng Kông
Trung Quốc triệu tập một nhà ngoại giao cấp cao của Hoa Kỳ hôm thứ Sáu 14/6 để khiếu nại chính thức về những bình luận của Hoa Kỳ về Hồng Kông, sau khi các nhà lập pháp Mỹ trình dự luật yêu cầu chính phủ phải đưa ra lý do cho việc tiếp tục trao quy chế đối xử đặc biệt cho vùng lãnh thổ này.
Dự luật trình ra Thượng viện, do một số thượng nghị sĩ kỳ cựu bảo trợ, sẽ yêu cầu bộ trưởng ngoại giao Mỹ hàng năm phải xác nhận về sự tự trị của Hồng Kông để biện minh cho quy chế đối xử đặc biệt căn cứ theo Đạo luật Chính sách Hồng Kông năm 1992 của Mỹ.
Dự luật được đưa ra trong bối cảnh đang có khủng hoảng chính trị ở thuộc địa cũ của Anh, với các cuộc biểu tình sôi sục chống lại một dự luật về dẫn độ sang Trung Quốc đại lục.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành triệu tập ông Robert Forden, Phó Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh, để “giao thiệp nghiêm khắc” về những phát biểu hay động thái gần đây của Hoa Kỳ về Hồng Kông và dự luật dẫn độ, đồng thời kêu gọi Washington ngay lập tức ngừng can thiệp vào các vấn đề của thành phố này.
Ông Lạc kêu gọi Washington không thực hiện bất kỳ hành động nào gây tổn hại đến sự thịnh vượng và ổn định của Hồng Kông, theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Dự luật tại Thượng viện Mỹ cũng yêu cầu tổng thống ban hành chiến lược bảo vệ công dân và doanh nghiệp Hoa Kỳ khỏi những tác động của luật dẫn độ sửa đổi, và yêu cầu Bộ Thương mại Hoa Kỳ ban hành báo cáo thường niên đánh giá xem Hồng Kông có thực thi đầy đủ các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên Hiệp Quốc hay không, đặc biệt là các lệnh trừng phạt Iran và Bắc Triều Tiên.
Ngoài ra, dự luật cũng nêu rõ rằng không nên từ chối cấp visa Mỹ cho công dân Hồng Kông nếu họ bị bắt hoặc bị giam giữ liên quan đến hoạt động biểu tình ở đó.
Huawei đăng ký bản quyền hệ điều hành của riêng họ
Hãng viễn thông khổng lồ của Trung Quốc Huawei đăng ký bản quyền hệ điều hành Hồng Mông (Hongmeng) của họ ở ít nhất 9 quốc gia và châu Âu, dữ liệu từ cơ quan chuyên trách của Liên Hiệp Quốc cho biết, trong một dấu hiệu cho thấy họ có khả năng thực hiện kế hoạch dự phòng ở những thị trường chủ chốt trong lúc các lệnh trừng phạt của Mỹ đang đe dọa hoạt động kinh doanh của họ.
Động thái này diễn ra sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa Huawei vào danh sách đen hồi tháng trước theo đó Huawei bị cấm làm ăn với các công ty công nghệ của Mỹ như Alphabet Inc. Huawei dùng hệ điều hành Android OS của hãng này trong các mẫu điện thoại của họ.
Một quan chức Mỹ hôm 13/5 nói rằng các khách hàng của Huawei nên tự hỏi liệu hãng viễn thông Trung Quốc này đã đáp ứng được các cam kết của họ hay không do sự lệ thuộc của họ vào các công ty Mỹ.
Huawei đã nộp đơn đăng ký bản quyền cho Hồng Mông ở những thị trường như Campuchia, Canada, Hàn Quốc và New Zealand, dữ liệu của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) của Liên Hiệp Quốc cho biết.
Họ cũng nộp hồ sơ đăng ký ở Peru hôm 27/5, theo cơ quan chống độc quyền của nước này Indecopi.
Trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo Đức Die Welt hồi đầu năm, ông Richard Yu, giám đốc điều hành bộ phận người tiêu dùng của hãng, cho biết rằng Huawei có hệ điều hành dự phòng để phòng trường hợp họ bị chặn đường tiếp cận các phần mềm do Mỹ sản xuất.
Huawei vẫn chưa công bố chi tiết về hệ điều hành của họ.
Đơn xin cấp bản quyền hệ điều hành của Huawei cho thấy họ muốn sử dụng ‘Hồng Mông’ cho các thiết bị điện tử từ điện thoại thông minh, máy tính xách tay cho đến robot và tivi trên xe hơi.
Ở trong nước, Huawei đã đăng ký bản quyền Hồng Mông hồi tháng 8 năm ngoái và đã được chấp thuận hồi tháng trước, theo thông tin hồ sơ trên trang web của cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ của Trung Quốc.
Theo dữ liệu của WIPO, đơn đăng ký bản quyền sớm nhất của Huwwei đối với hệ điều hành Hồng Mông bên ngoài Trung Quốc là trình cho Văn phòng Sở hữu Trí tuệ châu Âu và Hàn Quốc hôm 14/5, tức là sau khi Mỹ nói rằng họ vẫn giữ nguyên Huawei trong danh sách đen cấm mua thiết bị từ Mỹ.
Hy vọng của Huawei trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu thế giới trong quý bốn của năm nay đã bị hoãn lại, một giám đốc cao cấp của Huawei cho biết.
Tàu cá bị đâm chìm,
Philippines dọa cắt quan hệ với TQ
Trung Quốc cho rằng vụ va chạm tàu cá chỉ là tai nạn thông thường, trong khi Philippines dọa cắt đứt quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh.
Ngày 13/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết, nước này vẫn đang tiến hành điều tra vụ tai nạn hàng hải thông thường gần bãi Cỏ Rong ở Biển Đông.
“Nếu những thông tin được chứng minh là đúng, bất kể thủ phạm từ quốc gia nào thì hành vi của họ cũng phải bị lên án. Phía Philippines thật vô trách nhiệm khi chính trị hóa vụ việc trong lúc chưa có kết luận điều tra”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.
Bình luận của Bộ Ngoại giao Trung Quốc được đưa ra sau khi người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines, ông Salvador Panelo, khẳng định Philippines sẵn sàng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Trung Quốc nếu chứng minh được tàu Trung Quốc cố tình đâm chìm tàu Philippines.
“Sau khi phản đối về mặt ngoại giao, chúng tôi sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao. Đó là điều đầu tiên được thực hiện khi phát hiện hành vi gây hấn”, ông Panelo nhấn mạnh và cho biết nếu tàu Trung Quốc cố ý, Philippines sẽ coi đây là “hành động khiêu khích”.
“Phản ứng của chúng tôi sẽ luôn được điều chỉnh, tùy thuộc vào mức độ (của vụ việc). Nhưng chắc chắn, chúng tôi sẽ không cho phép mình bị tấn công, bắt nạt hay trở thành mục tiêu của những hành động man rợ, thiếu văn minh và quá đáng”, ông Panelo tuyên bố.
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. cho hay, Manila đã gửi công hàm phản đối về vụ đâm tàu cá nêu trên.
Sự cố xảy ra tại bãi Cỏ Rong vào tối 9/6 (giờ địa phương). Tàu cá Trung Quốc bị cáo buộc đâm chìm tàu FB Gimver 1 của Philippines rồi bỏ chạy.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana lên án hành động của tàu Trung Quốc vì lập tức rời khỏi hiện trường, bỏ rơi 22 ngư dân Philippines. Theo ông Lorenzana, một tàu cá Việt Nam đã cứu tất cả 22 ngư dân Philippines.
Ông Lorenzana đồng thời cảm ơn thuyền trưởng và thủy thủ đoàn của tàu Việt Nam vì đã cứu mạng sống của 22 thành viên thủy thủ Philippines.
http://biendong.net/bi-n-nong/28683-tau-ca-bi-dam-chim-philippines-doa-cat-quan-he-voi-tq.html
Ngư dân Philippines phản đối
TQ đánh bắt ngao khổng lồ ở Scarborough
Bắc Kinh bỏ ngoài tai việc Manila phản đối và yêu cầu ngư dân Trung Quốc ngừng đánh bắt ngao khổng lồ tại bãi cạn Scarborough, một nhóm ngư dân Philippines cho hay hôm thứ Sáu 14/6, vào lúc căng thẳng song phương lại gia tăng vì vụ một tàu đánh cá Trung Quốc bị nghi là đã làm chìm một tàu đánh cá của Philippines.
Theo Nards Cuaresman – chủ tịch hội ngư dân địa phương ở thị trấn Masinloc ở Zambales, một tỉnh gần Biển Đông – dân quân biển Trung Quốc sử dụng chân vịt gắn trên thuyền nhỏ để phá san hô và đào bới trong vùng biển rộng 150 km vuông. Sau đó người ta đưa các con ngao lên một con tàu lớn hơn.
“Họ cũng dùng cả búa chìm. Họ đập nát các rạn san hô chỉ để lấy ngao khổng lồ. Nếu chính phủ không làm gì đó, thì trong hai năm tới, tất cả các dải san hô và quần thể ngao khổng lồ sẽ biến mất”, ông nói.
Bất chấp lời phản đối ngoại giao của Philippines hồi đầu năm nay, ông Cuaresman cho biết, lực lượng dân quân biển Trung Quốc vẫn tiếp tục đánh bắt ngao trong bãi cạn được Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham, còn Philippines gọi là bãi Pantag.
Hơn nữa, trái với những gì chính phủ Trung Quốc nói, Cuaresman cho biết ngư dân địa phương không thể tự do đánh cá ở bãi cạn, vì cảnh sát biển Trung Quốc luôn ngăn chặn và sách nhiễu họ.
“Thuyền đánh cá nhỏ của chúng tôi chỉ có thể lẻn vào nếu thời tiết xấu”, ông nói.
Manila trước đó đã phản đối sự hiện diện của hơn 200 tàu Trung Quốc từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay ngoài khơi đảo Pag-asa (Thị Tứ) hiện do Philippines kiểm soát ở Biển Đông.
Cũng như Philippines, Việt Nam tuyên bố chủ quyền một phần về Biển Đông, trong khi Bắc Kinh tuyên bố “chủ quyền không thể tranh chấp” và xây dựng các đảo nhân tạo với các cơ sở quân sự và phi đạo. Đài Loan, Brunei và Malaysia cũng có tuyên bố chủ quyền trong khu vực này.
(South China Morning Post, Inquirer.net)