Tin khắp nơi – 11/06/2019
Cờ Đài Loan xuất hiện
ở buổi lễ của TT Trump và quân đội Mỹ
Cờ sao trắng trên nền xanh dương của Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) trong buổi lễ tốt nghiệp khóa 2019 của học viên Học viện Không quân Hoa Kỳ 30/05 ở Colorado với sự có mặt của TT Trump
Có tài liệu của Hoa Kỳ nay công khai gọi Đài Loan là ‘quốc gia” và cờ Đài Loan xuất hiện cả ở buổi lễ có mặt Tổng thống Donald Trump.
Hôm 01/06/2019, cộng đồng mạng tiếng Trung và báo chí Đài Loan “phát hiện” ra rằng Đài Loan được đặt trong danh sách “các quốc gia ” (countries) trên trang của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Nội dung trang web đó viết về chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.
Trước đó, Tòa Bạch Ốc đăng trên Instagram hình Tổng thống Donald Trump chúc mừng các học viên tốt nghiệp Học viện Không quân Hoa Kỳ (US Air Force Academy) hôm 30/05, với lá cờ sao trắng của Đài Loan cùng nhiều cờ các nước phía sau.
‘Có 5.000 gián điệp TQ hoạt động ở Đài Loan’
Vì sao Mỹ luôn quyết liệt về Đài Loan?
‘Tôi nghe tiếng Việt vang reo ở xứ Đài’
Hong Kong và thỏa thuận dẫn độ với TQ
Có vẻ đây không phải là những việc làm tình cờ và cho thấy quan hệ Washington – Đài Bắc đang “bình thường hóa”, bất chấp phản đối từ Bắc Kinh.
Mới nhất, theo trang South China Morning Post (10/06/2019), Bộ Tư lệnh Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ đăng ảnh Trung tướng H. Stacy Clardy III bắt tay, trao đổi quà với Thiếu tướng Đài Loan, Lưu Nhĩ Vinh (Liu Erh-jung) tại một hội thảo ở Honolulu tuần trước.
Bản quyền hình ảnhALBERTO BUZZOLAImage captionCờ Đài Loan được dùng thoải mái trên hòn đảo này nhưng bị Trung Quốc cấm dùng ở nhiều nước khác
Vẫy cờ Đài Loan ở Mỹ
Từ nhiều năm qua Trung Quốc gây sức ép lên mọi quốc gia để không ở đâu có xuất hiện lá cờ Đài Loan.
Khi thi đấu ở các giải quốc tế, vận động viên Đài Loan phải dùng một lá cờ khác, có hình bông hoa màu trắng và dòng chữ Chinese Taipei – Trung Hoa Đài Bắc.
Sinh viên Trung Quốc du học ở Phương Tây cũng từng tẩy chay, thậm chí đe dọa người Đài Loan nếu họ đem cờ nước họ ra trước công chúng.
Nhưng nay có vẻ ‘lệnh cấm’ của Trung Quốc bị vứt bỏ ở Hoa Kỳ.
Theo trang Taipei Times, một học viên tốt nghiệp Học viện Không quân Hoa Kỳ ở bang Colorado đã vẫy cờ Đài Loan trong buổi lễ có mặt tổng thống Trump.
Người này là một trong số học viên từ Kazakhstan, Hàn Quốc, Romania, Rwanda, Sri Lanka, Thái Lan, Philippines, Singapore và Tunisia cùng tốt nghiệp với các học viên Hoa Kỳ.
Sau đó, một cờ Đài Loan khác được thấy rõ trong hình mà chính Tòa Bạch Ốc đăng trên mạng xã hội.
Bản quyền hình ảnhSAM YEHImage captionKhông lực Đài Loan có nhiều sĩ quan là nữ
Vẫn theo tờ Taipei Times, hiện Bộ Quốc phòng Đài Loan không công bố con số quân nhân họ gửi đi học tại các học viện quân sự của Hoa Kỳ.
Washington không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Bắc nhưng vẫn trợ giúp huấn luyện quân sự.
Hồi tháng 4, Hoa Kỳ tiết lộ về kế hoạch huấn luyện phi công cho Đài Loan, một phần của chương trình 500 triệu USD giúp Đài Loan bảo trì và có nhân sự cho các phi cơ F-16.
Được biết phi công Đài Loan học bay F-16 ở căn cứ Luke Air Force, Arizona.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48586577
Phía sau chiến tranh thương mại,Trung-Mỹ
còn 1 mặt trận tiềm ẩn đang nóng lên từng ngày
Nếu cuộc chiến thương mại leo thang căng thẳng kéo dài, thế giới sẽ chứng kiến cuộc chạy đua giữa hai sức mạnh quốc gia.
Xung đột thương mại khiến mối quan hệ Trung Mỹ leo thang căng thẳng, cuộc tranh chấp đã kéo dài từ trao đổi thương mại đến nhiều lĩnh vực khác và nếu mâu thuẫn tiếp tục duy trì trong thời gian dài tới, đây sẽ là cuộc chạy đua giữa hai sức mạnh quốc gia, trong đó đội ngũ nhân tài dự bị sẽ trở thành vũ khí bí mật để giành chiến thắng trong cuộc chiến này.
Theo giới phân tích, cuộc cạnh tranh nhân tài giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ trở thành một mặt trận tiềm ẩn trong bối cảnh chiến tranh thương mại.
Vào ngày 3/6, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã ban hành Cảnh báo nguy cơ du học số 1 năm 2019, nhắc nhở đội ngũ sinh viên và học giả cần tăng cường đánh giá rủi ro trước khi đi du học, nâng cao nhận thức cảnh giác, chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó.
Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết, trong thời gian qua, nước Mỹ đã thực hiện chính sách hạn chế du học sinh Trung Quốc, kéo dài thời gian xem xét visa, rút ngắn thời gian hiệu lực visa và tăng tỷ lệ từ chối visa du học.
Theo báo cáo hàng năm Open Doors của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE) vào năm 2018, hơn 1 triệu sinh viên quốc tế đã theo học tại các trường đại học Mỹ trong năm học 2017-2018, trong đó hơn 363.000 sinh viên Trung Quốc, chiếm 33,2% tổng số sinh viên quốc tế tại Mỹ.
“Visa rõ ràng là khó khăn hơn trước, rất khó xin được visa có hiệu lực 5 năm, visa của tôi chỉ có thời hạn 1 năm. Tôi lo lắng rằng visa sẽ bị từ chối sau khi tôi trở về Trung Quốc gây ảnh hưởng tới việc học nên tôi chỉ có thể về nước sau khi tốt nghiệp”, Tiểu Kim – nữ du học sinh Trung Quốc đang theo học thạc sĩ vật lý tại Ivy League.
Theo dữ liệu do ông Từ Vĩnh Cát, Vụ phó Vụ Hợp tác và Trao đổi quốc tế, Bộ Giáo dục Trung Quốc, từ tháng 1-3/2019, hơn 1.350 sinh viên Trung Quốc đã nộp đơn xin visa du học Mỹ, nhưng 182 sinh viên bị từ chối, chiếm 13,5% số hồ sơ xin visa.
Ông Từ cho hay, số sinh viên bị từ chối visa du học Mỹ đã tăng 3% so với năm 2018.
Theo tờ Washington Examiner, các nghị sĩ Mỹ đã kiến nghị xây dựng quy định hạn chế công dân Trung Quốc du học và trao đổi giáo dục tại nước này, hãng thông tấn trung ương Trung Quốc Tân Hoa Xã cũng từng đưa tin về vấn đề này.
Kiến nghị trên kêu gọi đình chỉ cấp visa cho các đối tượng là sinh viên, học giả trao đổi có liên quan tới quân đội Trung Quốc. Đồng thời, các chuyên ngành khác như công nghệ sinh học, công nghệ vi xử lý, khoa học vật liệu tiên tiến v.v… cũng có thể bị tiến hành đánh giá bổ sung.
Bên cạnh vấn đề visa du học, lĩnh vực nghiên cứu và trao đổi giáo dục cũng đối mặt nhiều khó khăn. Trước đó, Viện Kỹ sư điện và điện tử (IEEE) tuyên bố, do chính phủ Mỹ đã liệt gã khổng lồ truyền thông Trung Quốc Huawei vào danh sách đen nên IEEE đã không chấp
nhận bổ nhiệm các nhân viên của Huawei vào vị trí thẩm định hoặc biên tập viên. Tuy nhiên, vào ngày 3/6, IEEE tuyên bố đã hủy bỏ lệnh cấm đối với Huawei.
Trên thực tế, IEEE là tổ chức giáo dục kỹ thuật chuyên nghiệp lớn nhất thế giới với 420.000 thành viên đến từ 175 quốc gia. Viện này xuất bản nhiều tạp chí và sách, tổ chức hơn 300 hội nghị chuyên ngành vào mỗi năm.
Trong khi đó Huawei là doanh nghiêp công nghệ đã tài trợ cho nhiều hội nghị trên toàn cầu nên nhiều nhân viên của Huawei là thành viên của IEEE. Huawei dựa vào các tổ chức giáo dục lớn như vậy để tiến hành nghiên cứu, sản xuất, tối ưu hóa sản phẩm. Một khi IEEE cấm các nhân viên Huawei tham gia vào công việc đánh giá, Huawei sẽ mất cơ hội xem xét các tạp chí chuyên ngành cũng như đưa thêm nhân viên mới vào tổ chức này.
Điều này khiến các du học sinh Trung Quốc vô cùng lo lắng. Tiểu Kim cho biết, vài tháng trước, một giáo sư người Mỹ gốc Hoa tại trường thông báo rằng ông đã thành lập một dự án nghiên cứu hợp tác với một trường đại học ở châu Á (không phải Trung Quốc). Nhà trường đã đồng ý và hỗ trợ tài chính nhưng chỉ vài tuần trước, phía nhà trường đã thu hồi lại quyết định này khiến dự án bị đình chỉ tạm thời. “Rõ ràng tình hình hiện nay khiến giới học giả rất lo lắng”, Kim nói.
Theo giới quan sát, về chiến lược nhân tài, Mỹ luôn theo đuổi chiến lược “phạm vi rộng và nghiêm khắc”, khuyến khích các tài năng khoa học và công nghệ nước ngoài chuyển đến Mỹ và hạn chế dòng chảy ngược lại. Điều này vô hình trung đã cản trở chiến lược “kế hoạch ngàn người” của Trung Quốc.
Kế hoạch ngàn người là một chiến lược quốc gia để Trung Quốc thu hút nhân tài ở nước ngoài về nước. Kể từ khi chính thức ra mắt năm 2008, gần 8.000 chuyên gia ở nước ngoài đã được lựa chọn.
Tuy nhiên, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) nghi ngờ rằng chiến lược này có liên quan đến lĩnh vực an ninh Trung Quốc. Vào năm 2015, trước khi xảy ra chiến tranh thương mại, FBI đã bắt giữ nhà vật lý gốc Hoa Hy Tiểu Tinh và truy tố tội danh gián điệp nhưng sau đó tội danh không được thành lập do thiếu bằng chứng.
Trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông, ông này nói rằng: “Trường hợp của tôi đã khiến nhiều nhà khoa học cảm thấy sợ hãi. Nhiều người Mỹ gốc Hoa và người Mỹ gốc Á cũng sợ hãi”.
Tài liệu công khai cho thấy 39% người Mỹ đã giành giải thưởng Nobel về vật lý, hóa học và y học trong những năm gần đây là các nhà khoa học nhập cư.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, những động thái tương tự của Mỹ sẽ gây phản ứng sợ hãi trong giới nhân tài, bởi đội ngũ này được coi là chìa khóa quan trọng trong chiến lược phát triển của Mỹ.
Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng, đối với Trung Quốc và Mỹ, bất kể kết quả của cuộc chiến thương mại như thế nào thì cạnh tranh nhân tài vẫn có thể tiếp tục kéo dài trong một thời gian dài.
Giữa thương chiến căng thẳng, Mỹ liên tục
hối thúc WTO “chặt đứt” điểm tựa của TQ
Mỹ đang liên tục hối thúc WTO loại bỏ, tước đặc quyền Trung Quốc khỏi nhóm các nước đang phát triển.
Reuters ngày 6/6 đưa tin, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ tiếp tục leo thang, phía Washington đã liên tục yêu cầu Tổ chức thương mại thế giới WTO loại bỏ Trung Quốc ra khỏi nhóm các nước đang phát triển.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump lên tiếng phê phán việc dù đang là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới nhưng Trung Quốc vẫn nhận những hỗ trợ từ WTO với tư cách của 1 nước đang phát triển, Reuter cho biết.
Theo hãng tin này, Chủ tịch Tiểu ban châu Á – Thái Bình Dương, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Ted Yoho cho biết tại cuộc họp liên quan đến Trung Quốc do Hiệp hội Chính sách đối ngoại (AFPC) tổ chức, Quốc hội Mỹ đang liên tục thúc giục WTO loại bỏ Trung Quốc khỏi nhóm các nước đang phát triển, đồng thời cho hay đã thảo luận về các vấn đề liên quan với Ngoại trưởng Mike Pompeo.
Ông Yoho phát biểu: “Không thể coi Trung Quốc là một quốc gia đang phát triển được.” “Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, đã chế tạo 5 tàu sân bay và đang đầu tư sáng kiến Vành đai và con đường”.
“Làm sao có thể coi một nước đã phát triển đến cả chương trình vũ trụ như Trung Quốc là một nước phát triển?”, ông này nhấn mạnh.
Theo quy định của WTO, nếu được công nhận là một nước đang phát triển thì nước đó sẽ nhận được nhiều hỗ trợ như được cấp phát tiền trợ cấp. Các quy định liên quan đến thương mại cũng có lợi thế là linh hoạt hơn so với các nước phát triển. Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001, đã được hưởng lợi từ vị thế như một quốc gia đang phát triển cho đến tận ngày nay.
Chính quyền Tổng thống Trump đã phàn nàn và nhiều lần tranh luận về việc loại bỏ vị trí của Trung Quốc thuộc nhóm các nước đang phát triển trong WTO.
Tổng thống Trump từng thể hiện sự bất mãn đối với Trung Quốc trên Twitter năm ngoái: “Trung Quốc – một cường quốc kinh tế, vẫn được phân loại là một quốc gia đang phát triển trong Tổ chức Thương mại Thế giới. Vì lí do này hiện Trung Quốc vẫn đang được hưởng rất nhiều đặc ân và lợi ích từ tổ chức này”.
Khi xung đột thương mại giữa hai nước ngày càng sâu sắc, Mỹ hành động ngày càng mạnh mẽ hơn. Tháng 1 năm ngoái, Mỹ đã đệ trình một nghị quyết đặt ra câu hỏi về lập trường của WTO đối với việc công nhận Trung Quốc như một nước đang phát triển, đồng thời yêu cầu hủy bỏ những đặc ân được trao cho Trung Quốc với tư cách 1 nước đang phát triển.
“Trung Quốc hãy ngừng tự xem mình là một quốc gia đang phát triển”, Đại sứ Mỹ tại WTO Dennis Shea nhấn mạnh tại một hội nghị hồi tháng 3, tại trụ sở WTO ở Geneva, Thụy Sĩ.
Ngoài ra, ông còn lên tiếng chỉ trích: “Trung Quốc thậm chí đã phóng tàu thám hiểm vũ trụ lên mặt trăng nhưng vẫn được đối xử ngang hàng với các nước nghèo khó trên thế giới, điều này hoàn toàn không thể chấp nhận được.”
Tuy vậy, có vẻ như Trung Quốc vẫn sẽ không từ bỏ vị trí của một nước đang phát triển của mình ở WTO. Theo lập trường của Trung Quốc: “Chúng ta là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng chúng ta vẫn là một quốc gia đang phát triển dựa theo tiêu chí về tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người (GDP) và các tiêu chuẩn giáo dục.”
Mỹ biến Huawei thành “át chủ bài”
trong chiến tranh thương mại với TQ?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steve Mnuchin thừa nhận, mặc dù tập đoàn viễn thông Huawei là một vấn đề an ninh quốc gia lớn đối với Mỹ, song họ vẫn có thể được dùng để giúp Mỹ có được một thỏa thuận có lợi hơn với Trung Quốc.
Huawei có thể trở thành “át chủ bài” của Mỹ trong chiến tranh thương mại với Trung Quốc?
“Tôi tin rằng điều mà Tổng thống Donald Trump muốn nói đó là, trong tương lai ông sẽ sẵn sàng thực hiện một số bước đi nhất định đối với Huawei nếu ông ấy có được những điều kiện thuận lợi từ Trung Quốc cũng như một số cam kết từ nước này”, ông Mnuchin phát biểu. “Nếu Trung Quốc không muốn làm điều đúng đắn, Tổng thống Trump sẵn sàng áp đặt thuế để tái cân bằng quan hệ giữa hai nước”.
Phát biểu của ông Mnuchin được đưa ra sau những phát ngôn của ông Trump vào tháng 5 vừa qua, sau khi ông đưa Huawei, một trong những công ty đi đầu trong công nghệ mạng 5G của Trung Quốc, vào danh sách đen.
“Huawei là một tổ chức rất nguy hiểm”, ông Trump nói, đồng thời nhấn mạnh những hiểm họa về an ninh và quân sự có thể xảy ra nếu Mỹ để Huawei thâm nhập vào thị trường của mình. Cùng lúc đó, ông cũng thừa nhận rằng ông sẵn sàng chấp nhận một phần mạo hiểm để có được một thỏa thuận thương mại có lợi hơn với Trung Quốc. Theo ông, Huawei có thể được nhắc đến trong nội dung thỏa thuận này “theo cách nào đó”.
Trong lúc Huawei đang triển khai mang lưới 5G ra toàn thế giới, Mỹ khẳng định tập đoàn này đang thực hiện các hoạt động do thám theo mệnh lệnh của chính phủ Trung Quốc. Chính quyền Trump đã thực hiện một chiến dịch lớn để kêu gọi các đồng minh Châu Âu, Châu Á và Châu Mỹ Latinh tẩy chay công nghệ này, và mặc dù một số nước đã nhượng bộ, song rất nhiều quốc gia chủ chốt như Đức và Pháp đã không làm theo.
Ông Trump khẳng định Mỹ đang được lợi từ những hình thức đánh thuế mà ông áp dụng đối với hàng hóa Trung Quốc, và sẵn sàng mạnh tay đánh thuế hơn nữa. Tuy nhiên cố vấn kinh tế của Tổng thống Mỹ là ông Larry Kudlow thừa nhận rằng hai bên đang chịu thiệt trong cuộc chiến thương mại, và chính các công ty và người tiêu dùng Mỹ đang phải chi trả cho mức thuế được áp đặt.
Trump dọa tăng thêm thuế
nếu không đạt thỏa thuận với Trung Quốc ở G20
Hôm qua, 10/06/2019, tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẵn sàng áp thêm thuế quan nhắm vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc, nếu không đạt được thỏa thuận thương mại với chủ tịch Tập Cận Bình nhân Thượng Đỉnh G20, sắp diễn ra vào cuối tháng 6/2019 tại Osaka, Nhật Bản.
Theo hãng tin Mỹ Bloomberg, phát biểu với các phóng viên tại Nhà Trắng, ông Trump tuyên bố là ông có thể đánh thuế quan 25% hoặc « cao hơn 25% rất nhiều » trên 300 tỷ đô la hàng nhập từ Trung Quốc.
Trong thời gian gần đây, tổng thống Mỹ đã nhiều lần bắn tin cho biết là ông sẵn sàng gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, để giải quyết vấn đề thương mại, nhưng cho đến nay, Bắc Kinh vẫn im hơi lặng tiếng, không chính thức xác nhận khả năng diễn ra cuộc tiếp xúc.
Phản ứng trước lời đe dọa mới của ông Trump, Bắc Kinh hôm nay vẫn duy trì một thái độ cứng rắn. Theo phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng, Bắc Kinh sẽ đáp trả một cách kiên quyết, nếu Hoa Kỳ tiếp tục làm cho căng thẳng thương mại leo thang.
Bắc Kinh đồng thời vẫn không cho biết là ông Tập Cận Bình có gặp riêng ông Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh G20 hay không. Trả lời báo chí, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc chỉ nói rằng sẽ có thông báo khi có thông tin.
Cuộc khẩu chiến về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp diễn vào lúc tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi hôm nay thừa nhận rằng doanh số của họ đã bị ảnh hưởng dưới tác động của các biện pháp gây sức ép của Mỹ.
Phát biểu tại một hội chợ hàng điện tử ở Thượng Hải, một lãnh đạo cao cấp của Hoa Vi cho rằng nếu không gặp trở ngại « bất ngờ », thì lẽ ra Hoa Vi đã trở thành tập đoàn điện thoại thông minh số một thế giới vào quý Tư năm 2019. Thế nhưng, trong tình cảnh hiện nay, tập đoàn Trung Quốc cho rằng họ sẽ phải chờ đợi lâu hơn một chút.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190611-tt-my-doa-tang-thue-dat-thoa-thuan-trung-quoc-g20
Wall Street Journal:
Kim Jong-nam ‘là người cấp tin cho CIA’
Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un, “từng là người cấp tin cho CIA”, tờ Wall Street Journal đưa tin hôm 10/6.
Wall Street Journal dẫn một nguồn tin ẩn danh “là người am hiểu vấn đề” cho biết nhiều chi tiết về mối liên hệ của Kim Jong-nam với CIA vẫn chưa được làm rõ.
Vụ giết Kim Jong-nam: Bị cáo Indonesia được trả tự do
Quanh việc đón Đoàn Thị Hương như một ‘ngôi sao’
Đoàn Thị Hương về đến VN sau khi được tự do
Reuters không có nguồn tin độc lập xác nhận sự việc. CIA từ chối bình luận.
Wall Street Journal dẫn lời nguồn tin nói: “Có một mối liên hệ giữa CIA và Kim Jong-nam”.
“Một số cựu quan chức Hoa Kỳ cho biết người anh cùng cha khác mẹ đã sống bên ngoài Bắc Hàn nhiều năm và không có quyền lực gì ở Bình Nhưỡng, dường như không thể cung cấp chi tiết về nội tình của quốc gia bí ẩn này,” tờ báo viết.
Các cựu quan chức cũng cho biết ông Kim Jong-nam gần như chắc chắn đã tiếp xúc với cơ quan an ninh của các quốc gia khác, nhất là Trung Quốc.
Vai trò là người cấp tin cho CIA của Kim Jong-nam được đề cập trong một cuốn sách mới về Kim Jong-un, “Người kế vị vĩ đại” của phóng viên Anna Fifield, Washington Post, dự kiến được phát hành hôm 11/6.
Fifield dẫn nguồn tin tình báo nói rằng Kim Jong-nam thường gặp những “người chuyên trách” ở Singapore và Malaysia.
Cuốn sách nói rằng CCTV từ chuyến đi cuối cùng của Kim Jong-nam tới Malaysia cho thấy ông ta ở trong thang máy khách sạn với một người đàn ông có vẻ ngoài châu Á được ghi nhận là nhân viên tình báo Hoa Kỳ.
Cuốn sách cũng cho biết ba lô của ông Jong-nam chứa 120.000 đôla tiền mặt có thể là khoản thanh toán cho các hoạt động liên quan đến tình báo hoặc thu nhập từ việc đầu tư vào sòng bạc của ông.
Giới chức Nam Hàn và Hoa Kỳ cáo buộc Bình Nhưỡng đã ra lệnh ám sát Kim Jong-nam, người chỉ trích nạn gia đình trị. Bình Nhưỡng bác bỏ cáo buộc này.
Hai phụ nữ bị buộc tội đầu độc Kim Jong-nam bằng cách bôi chất độc VX lên mặt ông tại sân bay Kuala Lumpur vào tháng 2/2017, Đoàn Thị Hương được trả tự do vào tháng 5/2019 và Siti Aisyah, công dân Indonesia vào tháng 3/2019.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48578350
Quan sát Cuộc sống Đó đây
Hồ sơ Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 3
sẽ diễn ra trong năm 2019?
Mỹ và Triều Tiên tiến rất gần đến 1 thỏa thuận trong cuộc gặp ở Hà Nội nên Hội nghị Thượng đỉnh lần 3 nhiều khả năng sẽ diễn ra trong năm 2019.
Theo các nhà phân tích, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ tham dự một cuộc gặp Thượng đỉnh lần 3 trong năm nay bất chấp việc tiến trình phi hạt nhân hóa gần như vẫn “dậm chân tại chỗ”.
Tại các Hội nghị Thượng đỉnh trước đó với cuộc gặp đầu tiên diễn ra ngày 12/6/2018 ở Singapore, ông Kim và ông Trump đã tìm kiếm một thỏa thuận mà theo đó Triều Tiên sẽ dỡ bỏ các vũ khí và các chương trình hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của quốc tế.
Theo Yonhap, các chuyên gia có quan điểm khá chia rẽ về việc Mỹ và Triều Tiên đã đạt được tiến triển tới đâu kể từ Hội nghị Thượng đỉnh ở Singapore khi một số người cho rằng những căng thẳng năm 2017 đã giảm bớt, trong khi những người khác nhận định triển vọng phi hạt nhân hóa Triều Tiên chỉ thêm tồi tệ hơn.
Dù vậy, các nhà phân tích đều nhận định rằng hai nhà lãnh đạo sẽ tìm kiếm một cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 3 trong năm nay.
“Hội nghị Thượng đỉnh Trump – Kim lần 3 gần như chắc chắn sẽ diễn ra năm 2019. Cả hai bên đều tiến quá gần đến một thỏa thuận ở Hà Nội nên sẽ không dễ dàng từ bỏ”, Harry Kazianis – giám đốc Trung Tâm Lợi ích Quốc gia nghiên cứu về Bán đảo Triều Tiên nhận định.
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2 tại Hà Nội, Việt Nam vào tháng 2/2019 đã kết thúc mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận gì do những khác biệt trong cách nhìn nhận về tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên cũng như việc dỡ bỏ trừng phạt từ phía Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn kỳ vọng về một thỏa thuận với Triều Tiên và đã áp dụng các biện pháp cụ thể để duy trì tiến trình ngoại giao với Bình Nhưỡng. Tháng 3/2019, ông Trump đã dừng áp các lệnh trừng phạt mới lên Triều Tiên. Tháng 5/2019, khi Triều Tiên phóng tên lửa tầm ngắn, Tổng thống Mỹ vẫn tuyên bố rằng ông không bận tâm đến điều này.
“Vì Tổng thống Trump muốn tìm kiếm một nhiệm kỳ thứ 2 ở Nhà Trắng nên ông ấy chắc chắn muốn tạo nên một thành tựu quan trọng về chính sách đối ngoại”, chuyên gia Kazianis nhận định.
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un cũng có lý do riêng để tiếp tục một cuộc gặp Thượng đỉnh lần 3 với Tổng thống Mỹ sau khi Hội nghị lần thứ 2 không đạt được thỏa thuận nào.
“Ông Trump muốn một chiến thắng về đối ngoại còn ông Kim cần được dỡ bở trừng phạt”, Frank Aum – chuyên gia cấp cao về Triều Tiên tại Viện Hòa bình Mỹ nhận định, đồng thời cho biết đó là lý do khiến khả năng cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 3 có thể sẽ diễn ra trong năm 2019.
“Câu hỏi đặt ra là mỗi bên đang mong muốn đạt được thỏa thuận đến mức nào”, ông Frank Aum bình luận.
Tổng thống Trump có thể hài lòng với tình hình Triều Tiên không tiến hành bất kỳ vụ thử hạt nhân hay tên lửa nào nhưng có lẽ đó không phải là điều Bình Nhưỡng mong muốn. Nhà phân tích Aum cũng cho rằng Tổng thống Trump sẽ không muốn Triều Tiên bị đẩy đến giới hạn “đỏ” và tiến hành các hành động khiêu khích bởi điều này cũng đồng nghĩa với việc chính sách Triều Tiên của ông Trump phải nhận thất bại ngay trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020.
Theo chuyên gia này, một lựa chọn khả thi là hai bên sẽ chấp nhận một thỏa thuận hẹp trước với việc Triều Tiên sẽ được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt ban đầu nếu đóng cửa cơ sở hạt nhân ở Yongbyon. Bước kế tiếp sẽ là hướng đến một thỏa thuận toàn diện trên giấy tờ và thực hiện nó theo từng giai đoạn.
Chính quyền Tổng thống Trump đã khẳng định rằng Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 3 phụ thuộc vào việc tiến trình phi hạt nhân hóa có thể thực hiện đến đâu. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton từng tuyên bố rằng: “Thượng đỉnh lần 3 chỉ có thể diễn ra khi hai bên vượt qua được những hạn chế trong tiến trình đàm phán, cũng như chấm dứt được những căng thẳng qua việc Triều Tiên dừng các hành động khiêu khích trong tương lai”
Đằng sau vụ va chạm giữa tàu chiến Nga-Mỹ
trên biển Hoa Đông
Cuộc đụng độ hôm thứ Sáu tuần trước giữa các tàu chiến của Nga và Mỹ là một sự bất thường nếu xét đến thời điểm và vị trí nơi nó diễn ra.
Lầu Năm góc khẳng định Nga là bên có lỗi trong việc để tàu chiến của mình suýt chút nữa va chạm với một tàu chiến Mỹ ở biển Hoa Đông hôm thứ Sáu tuần trước. Và đây chỉ là một trong những tình huống căng thẳng vẫn thường xuyên xảy ra giữa lực lượng vũ trang của hai nước.
Có một thực tế là, tất cả những tình huống căng thẳng như vậy đều xảy ra ở khu vực có liên quan tới Trung Quốc, và điều đó đã khiến người Mỹ cảm thấy lo ngại về sự hợp tác ngày càng gia tăng giữa Matxcơva và Bắc Kinh, mà mục đích của sự hợp tác này chính là thách thức vị thế của Mỹ với tư cách là cường quốc đứng đầu thế giới.
Cả Nga và Trung Quốc đều đang cố gắng mở rộng phạm vi hoạt động toàn cầu của mình, thách thức sự thống trị của quân đội Mỹ trên không và trên biển. Cả hai quốc gia này đang thay phiên nhau ngày càng có những hành động quyết liệt hơn. Với tư cách là những đối thủ ngang tầm với Mỹ, cả Matxcơva và Bắc Kinh thường xuyên cho thấy sự đồng lòng trong nhiều vấn đề địa chính trị. Và vụ đụng độ hôm thứ Sáu vừa qua giữa các tàu chiến của Nga và Mỹ cũng là một sự bất thường nếu xét đến vị trí nơi nó diễn ra.
Mặc dù Mỹ và Nga đã đưa ra hai kịch bản trái chiều về vụ đụng độ này, tuy nhiên điều rõ ràng là cả hai chiếc tàu chiến đều đang ở rất gần bờ biển Trung Quốc, và tất cả diễn ra sau cuộc họp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin đúng hai ngày.
Thời điểm hiện tại, cả Matxcơva và Bắc Kinh đều tuyên bố rằng mối quan hệ của họ đang ở mức “tốt nhất từ trước đến nay”.
“Có cảm giác rằng họ (Nga) đang bắt tay với người Trung Quốc. Họ đang xem liệu có thể làm được gì cùng với người Trung Quốc để thách thức Mỹ. Và nếu người Trung Quốc cần sự giúp đỡ ở Thái Bình Dương, họ sẽ có mặt. Đổi lại, họ hy vọng người Trung Quốc sẽ giúp đỡ họ ở các khu vực khác, chẳng hạn như Trung Á. Từ đó có thể thấy rằng, tại các điểm
nóng khác nhau trên thế giới, sẽ đều có sự xuất hiện của ba quốc gia này với một bên là Mỹ, và bên kia là Nga và Trung Quốc”, Đại tá nghỉ hưu của Không quân Mỹ, đồng thời là chuyên gia phân tích quân sự của kênh CNN, ông Cedric Leighton, nhận định.
Tổng thống Nga Vladimir Putin không chỉ khẳng định mối quan hệ Nga-Trung đang ở mức cao chưa từng thấy, mà còn nhấn mạnh rằng Matxcơva và Bắc Kinh có chung quan điểm về nhiều vấn đề địa chính trị, bao gồm cả vấn đề Venezuela, xung đột ở Syria và căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.
Về phần mình, ông Tập Cận Bình đã gọi nhà lãnh đạo của nước Nga là “người bạn gần gũi nhất” của mình, đồng thời tuyên bố sự hợp tác giữa hai nước là “dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau”.
Kể từ năm 2013, hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau gần 30 lần. Trung Quốc và Nga đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ trong lĩnh vực thương mại. Và mới đây, cả hai bên đã khẳng định rằng họ sẵn sàng bắt tay với nhau để đạt được mục tiêu chiến lược chung – chống lại ảnh hưởng của Mỹ.
Đang có những dấu hiệu cho thấy Matxcơva muốn tăng cường tầm ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế. Và điều này, rất có thể, sẽ dẫn đến sự leo thang căng thẳng với Mỹ.
Một số đại công ty công nghệ Mỹ
hạn chế nhân viên trao đổi với Huawei
Một số công ty công nghệ lớn nhất thế giới đã ra lệnh cho nhân viên không trao đổi về các tiêu chuẩn công nghệ và kỹ thuật với các đối tác tại công ty Huawei, công ty công nghệ của Trung Quốc bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen gần đây, Reuters dẫn nguồn từ những người thông thạo vấn đề cho biết.
Các nhà sản xuất chip như công ty Intel và Qualcomm, công ty nghiên cứu di động InterDigital Wireless và nhà mạng Hàn Quốc LG Uplus đã hạn chế nhân viên trò chuyện không chính thức với Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, các nguồn tin cho Reuters biết.
Các cuộc thảo luận này là một phần thông lệ trong các cuộc họp quốc tế, nơi các kỹ sư tập họp lại để thiết lập tiêu chuẩn kỹ thuật cho các công nghệ truyền thông, bao gồm cả thế hệ mạng di động tiếp theo là 5G.
Bộ Thương mại Mỹ đã không cấm việc liên lạc giữa các công ty với Huawei.
Vào ngày 16/5, cơ quan này đã đưa Huawei vào danh sách đen, cấm họ kinh doanh với các công ty Mỹ mà không có sự chấp thuận của chính phủ Mỹ. Sau đó vài ngày, Bộ này cho phép các công ty Mỹ tương tác với Huawei trong các cơ quan tiêu chuẩn cho đến hết tháng 8 vì “cần thiết cho sự phát triển các tiêu chuẩn 5G”.
Bộ Thương mại đã lặp lại quan điểm này vào thứ Sáu để trả lời câu hỏi của Reuters.
Tuy nhiên, nhiều công ty công nghệ lớn của Hoa Kỳ và ở nước ngoài đang ra lệnh cho nhân viên hạn chế một số hình thức tương tác trực tiếp, theo nguồn tin của Reuters, trong khi họ cố gắng tránh có bất kỳ rắc rối tiềm tàng nào với chính phủ Hoa Kỳ.
Intel và Qualcomm cho biết họ đã cung cấp hướng dẫn thực hiện cho nhân viên, nhưng từ chối bình luận thêm với Reuters.
Người phát ngôn của InterDigital cho biết họ đã cung cấp hướng dẫn cho các kỹ sư để đảm bảo công ty tuân thủ các quy định của Hoa Kỳ.
Một quan chức của LG Uplus cho biết công ty “đang tự nguyện kiềm chế không tương tác với nhân viên Huawei, ngoài các cuộc họp về việc lắp đặt hoặc bảo trì thiết bị mạng”.
LG Uplus đã đưa ra một tuyên bố với Reuters rằng công ty không có chính sách chính thức về việc hạn chế các cuộc trao đổi với Huawei.
Huawei không đưa ra bình luận nào với Reuters.
Thế nào là một « cường quốc hàng hải » ?
Ngày 01/06/2019, tại diễn đàn Đối thoại An ninh Shangri La – Singapore, bộ trưởng Quân Lực Pháp, bà Florence Parly phát biểu : « Nước Pháp sẽ tiếp tục tuần tra Biển Đông tối thiểu hai lần trong năm ». Tuyên bố này còn nhằm khẳng định vị thế của nước Pháp trong « sân chơi các cường quốc hàng hải ». Thế nào là một « cường quốc hàng hải » ? Khái niệm này có từ bao giờ và có những thay đổi ra sao theo dòng lịch sử ?
Thương mại : Nền tảng định hình « sức mạnh hàng hải » ?
Đây cũng là những câu hỏi mà nhà sử học trường Hải Quân Pháp, bà Isabelle Delumeau tìm cách giải thích trên tờ Diplomatie (Đối Ngoại). Theo chuyên gia này, khái niệm về « cường quốc hàng hải » đã được Thucydides – nhà sử học và là cha đẻ ngành khoa học lịch sử thời Hy Lạp Cổ Đại – đề cập đến lần đầu tiên ngay từ thế kỷ thứ V trước Công Nguyên.
Ông nói rằng tính ưu việt của thành Athens thời ấy nằm ở chính điểm này. Và rất lâu sau đó, nước Anh cũng dựa vào chính nguyên tắc trên để khẳng định ưu thế của mình, nên mới có điệp khúc nổi tiếng Britannia rules the waves (tạm dịch là Nước Anh làm chủ đại dương).
Việc được đánh giá là cường quốc hàng hải có một tầm quan trọng rất lớn và cũng không phải là điều dễ dàng, đòi hỏi phải xem xét lại lịch sử hàng hải từ hàng thế kỷ qua. Do đó, theo nhà sử học Delumeau, câu hỏi đầu tiên cần được giải đáp : « Nên hiểu thế nào về cường quốc hàng hải ? ».
Bởi vì, đây là cả một tiến trình đan xen rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Mỗi công đoạn có tầm quan trọng của nó và chính mối quan hệ tương tác đã sản sinh ra một sức mạnh mà chỉ có một nhóm nhỏ các quốc gia có được.
Nền tảng cội nguồn của tiến trình này là thương mại, một hoạt động mang tính sống còn đối với những xã hội nằm sâu trong những vùng lãnh thổ cằn cỗi. Để phát triển giao thương, các thương nhân buộc phải liên kết với chính quyền đến mức hình thành một hiện tượng cộng sinh, vốn dĩ là nét đặc thù về cơ cấu Nhà nước tại « Cộng hòa Venezia » (697 – 1797). Nhất là ở Hà Lan vào thế kỷ 17 và 18, người ta không thể nào phân biệt được ranh giới giữa lợi ích Nhà nước và lợi ích của các cổ đông tập đoàn thương mại Đông Ấn Hà Lan VOC* đầy quyền lực lúc bấy giờ.
Mục tiêu của mối liên kết này là gì ?
Rất đơn giản. Chỉ nhằm tạo thành một thế độc quyền trải rộng ra cả ngoài biển khơi, hình thành một thị trường mà từ đó người ta có thể độc chiếm quyền kiểm soát việc tiếp cận. Và dĩ nhiên, mối liên kết này còn để bảo vệ các tham vọng của giới thương nhân và đẩy lùi mọi sự thèm muốn của đối thủ cạnh tranh. Đây chính là lúc cần có hạm đội tầu chiến. Vai trò của họ là thăm dò các thị trường mới – nếu cần thiết thì xâm chiếm – và thứ đến là loại trừ các đối thủ bằng vũ lực.
Nói một cách khác, thương thuyền và chiến thuyền có một mối quan hệ chặt chẽ, vừa bổ sung cho nhau vừa ràng buộc lẫn nhau. Thế nhưng, chỉ có vài nước sớm cảm nhận được một định mệnh như vậy. Tác giả liệt kê một số ví dụ điển hình : Nhờ các đời vua Công giáo của Tây Ban Nha nên mới có cuộc thám hiểm của Christophe Colombe. Tại Anh có nữ hoàng Elizabeth I. Còn tại châu Á, có hoàng đế Minh Thành Tổ, đời vua thứ ba của triều đại nhà Minh, người ra chỉ dụ cho phép thái giám Trịnh Hòa tiến hành 7 cuộc thám hiểm Ấn Độ Dương trong suốt 1/3 đầu thế kỷ XV.
Sức mạnh hải quân : Thế mạnh của châu Âu ?
Nếu như ví dụ về Trung Quốc là một trường hợp cá biệt, sức mạnh hải quân là một hiện tượng mang đậm đặc tính châu Âu. « Một quốc gia hùng cường trước hết bởi vì đó là một cường quốc hàng hải », đó là suy nghĩ được coi là tất yếu trong suốt thế kỷ XIX.
Khái niệm này đã được đô đốc người Mỹ Alfred Mahan phát triển thành lý thuyết. Những bài viết và phát biểu hội thảo của ông có tác động mạnh đến việc định hướng chính sách của các nước châu Âu, cũng như Mỹ và Nhật Bản. Nguyên tắc đơn giản như sau : Để có được một vị thế quan trọng trên trường quốc tế, cần phải có một hạm đội tầu chiến hùng hậu, phương tiện quan trọng để thực hiện bành trướng ra biển khơi, công cụ để xâm chiếm thuộc địa và bảo đảm vị trí độc quyền.
Những tư duy này tạo cơ sở cho việc thu hẹp định nghĩa về « cường quốc hải quân », tập trung nhiều hơn vào khía cạnh chiến lược, xoay quanh sự đối kháng giữa « cường quốc lục địa » và « cường quốc trên biển » và người ta thường kết luận là « cường quốc trên biển » thắng thế. Đây cũng chính là bài học người ta rút ra được từ hai cuộc thế chiến và cũng chính dựa vào mô hình này mà các nhà nghiên cứu địa chính trị lý thuyết hóa cuộc chiến tranh lạnh.
Với phe phương Tây, cần phải có khả năng làm chủ biển cả và vây hãm kẻ thù trên lục địa trong vùng lãnh thổ của họ. Ở phía bên kia, Liên Xô và các đồng minh lại coi lực lượng hải quân có khả năng triển khai sức mạnh quân sự tầm xa và nhất là hàng không mẫu hạm như là vũ khí của phe đế quốc, nên phải phòng thủ.
Cường quốc hải quân thời « toàn cầu hóa »
Rồi chiến tranh lạnh kết thúc. Nhưng lối suy nghĩ về cân bằng quyền lực trên thế giới không hề biến mất, mà dường như còn được phục hồi. Những quốc gia nào từng nếm mùi thực dân như Ấn Độ hay Trung Quốc giờ lại xem hải quân như là một thứ vũ khí bảo đảm nền độc lập đất nước, nhằm tránh cho tấn bi kịch thế kỷ XIX tái diễn. Và thế là khi tìm cách tránh các ý đồ của những cường quốc hải quân thù địch, bản thân họ lại trở thành một cường quốc hải quân.
Nhưng trong lối tư duy này, điều mới mẻ nhưng cũng đầy nghịch lý, chính là vị trí của kinh tế. Trung Quốc hay Ấn Độ phát triển mạnh đã mang lại một cái nhìn hiện đại về khái niệm « cường quốc hải quân » trong một nghĩa rộng hơn. Nếu như hiện tượng toàn cầu hóa giúp cho hàng hóa được lưu thông thuận lợi hơn, thì nó cũng làm thay đổi cả cách nhìn « cường quốc hải quân » : Kinh tế thịnh vượng chưa hẳn là hải quân hùng mạnh.
Bởi vì không gian hàng hải đã được tự do hóa và hội nhập khu vực hơn. Việc tự do lướt sóng và mức độ an toàn cao tại các vùng biển, bất chấp một số hoạt động cướp biển vẫn tồn tại, đã làm tan rã mối quan hệ cộng sinh tồn tại xưa kia giữa các đội chiến thuyền và thương thuyền, nền tảng để các nước dựa vào nhằm khẳng định sức mạnh hải quân của mình.
Từ những quan sát này, bà Isabelle Delumeau lưu ý chớ vội xem Trung Quốc như là một « cường quốc hải quân » chỉ vì dự án « chuỗi ngọc » của nước này như nhiều nhà phân tích nhận định. Bởi vì người ta có lẽ vẫn còn duy trì lối diễn giải địa chính trị kiểu xưa, vốn dĩ cần phải được xem xét lại.
Và nhất là trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có thái độ hung hăng ở Biển Đông, nước Pháp cũng như Mỹ đã đề ra một sách lược cho vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương. Một báo cáo của Quốc Hội Pháp hồi tháng 4/2019 còn đề xuất « châu Âu hóa » các chiến dịch tuần tra ở Biển Đông, nghĩa là kêu gọi một sự hợp tác, liên kết, lập cơ chế quản lý chung. Trong trường hợp này, làm sao định nghĩa « Thế nào là một cường quốc hải quân ? ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190611-the-nao-la-mot-cuong-quoc-hang-hai
Thưởng thức món tartare thời bớt ăn thịt
Khi nhắc đến các thức ăn sống, người ta chủ yếu nghĩ đến các món cá sống như các loại sashimi của người Nhật. Người Tây Âu thường ăn các món thịt bò sống theo kiểu tartare hay carpaccio. Thời gian gần đây, phong trào ăn thêm nhiều rau quả, tôm cá thay vì ăn thịt đã cho ra đời nhiều món sống khác, nhưng vẫn hợp với khẩu vị của đa số thực khách.
Ngay cả những quán ăn chuyên nấu các món thịt giờ đây cũng đưa vào thực đơn của mình một vài món cá, cũng như veggie (chủ yếu là rau củ) để thích nghi với thị hiếu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, món tartare “đích thực” vẫn được làm từ thịt bò tươi. “Một loại thịt bò sống xây nhuyễn được ướp với một chút tương ớt tabasco, sau đó là nước sốt worcestershire, một muỗng nhỏ mù tạt, kèm theo lòng đỏ trứng gà, tất cả được trộn đều với hành lá, ngò tây (loại ngò tây dẹp chứ không phải loại xoắn), dưa chuột thái nhỏ, hành hương và quả câpre (nụ bạch hoa), cuối cùng rắc thêm một chút muối và hạt tiêu“. Đó là các thành phần không thể thiếu theo nhà đầu bếp Aurore Malpièce, cùng với người anh trai Mathieu Malpièce điều hành nhà hàng Lombem nổi tiếng nhờ các món thịt bò ở Paris, quận 2.
Theo cô Aurore, món thịt bò tartare là một món ăn đặc trưng của ẩm thực Pháp, khá phổ biến vì cách làm khá đơn giản, có thể chế biến thật nhanh để phục vụ các bữa ăn trưa, dọn ra bàn với một chút xà lách trộn và khoai tây chiên. Đối với giới sành điệu ẩm thực thì món thịt bò tartare tuyệt đối không có sốt cà chua (theo kiểu ketchup). Nhưng nhiều thực khách vẫn trộn thêm ketchup khi ăn món này và các nhà hàng buộc phải chiều lòng khách hàng.
Tương truyền rằng món thịt bò tartare đến từ vùng Trung Á, bộ tộc du mục Tatars (Thát Đát) trong những chuyến hành trình phiêu lưu dài ngày trên lưng ngựa, vẫn thường rắc muối lên thịt sống, rồi đặt nó dưới yên ngựa. Nhờ cách này, thịt trở nên mềm nhuyễn và có thể được giữ lâu hơn. Thời xưa, người Pháp dùng thịt ngựa để làm món tartare, giờ đây món này chủ yếu được chế biến với thịt bò, nhưng thịt sống cần nhất là độ tươi và sạch.
Các nhà hàng chuyên phục vụ món tartare buộc phải tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe về mặt vệ sinh thực phẩm. Loại máy xay thịt tartare có gắn sẵn một thiết bị đông lạnh để tránh cho thịt bò tươi bị hư hoặc bốc mùi. Theo cô Aurore Malpièce, loại thịt bò dùng cho tartare thường có rất ít mỡ và tuyệt đối không có gân. Thịt bò thường là miếng thịt ngon và tươi, thịt nên được mua và dùng nội trong ngày, sau hai tiếng đồng hồ không sử dụng hay chế biến ngay, thịt bò có thể đem nấu các món khác, chứ đừng nên ăn sống.
Món “Tartare” giờ đây trong ẩm thực Pháp dùng để chỉ chung các loại thực phẩm ăn tươi và sống, chứ không còn đơn thuần là thịt bò. Đối với khẩu vị của người châu Á nói chung, người Việt nói riêng, món này rất kén người ăn, nhất là đối với những ai không quen với mùi vị của thịt sống, món “lap neua dib” của người Thái trộn thêm với nhiều gia vị, còn món bò tái chanh của người Việt thì trộn thêm với nước chanh vắt và ngò ôm.
Để thích nghi với những thực khách không thích ăn thịt, đã có thêm món “tartare” cá hồi (saumon), cá tráp (dorade). Thịt cá ở đây khi lấy thành filet được bằm nhuyễn rồi trộn với nước chanh, dầu ôliu, muối tiêu, một chút sữa chua yaourt (loại không có đường) rồi trộn với các loại rau thơm như thì là (aneth), húng quế, ngò tây, hành lá. Loại tartare cá tráp đặc biệt thich hợp với loại nước sốt đến từ các hải đảo như Maurice hay Tahiti, chủ yếu trộn thêm với dưa leo, trái thơm xắt nhỏ, thay thế nước chanh bằng “passion fruit” (chanh leo) giúp cho cá tươi có thêm hương chua vị ngọt của trái cây.
Bên cạnh món tartare còn có món carpaccio, nguyên là món thịt bò sống thái thành từng lát thật mỏng ,rưới một chút dầu ô liu cùng với một chút chanh, món này được ăn kèm thêm với rau sống roquette (rucola) và một chút phô mai parmesan. Giai thoại kể rằng món ăn này được chế biến lần đầu tiên ở quán Harry’s Bar tại Venise, do đầu bếp Giuseppe Cipriani sáng tạo vào năm 1950.
Ông Giuseppe Cipriani đặt tên món ăn này theo tên nghệ danh họa sĩ Vittore Carpaccio (lúc bấy giờ đang có triển lãm ở Venise), ông nổi tiếng trong cách dùng các gam màu đỏ và trắng trong các bức tranh của mình. Thật vậy, khi nhìn vào đĩa carpaccio, thực khách sẽ thấy nổi bật lên màu đỏ của thịt bò tươi, màu trắng của phô mai, và sau này người ta cho thêm rau roquette (rucola) vào cho đầy đủ màu sắc của quốc kỳ Ý (xanh lá cây, trắng, đỏ).
Thế nhưng, theo bà Roberta Nacmias, chủ quán ăn nổi tiếng Chez Roberta ở quận 18 và là tác giả của quyển sách hướng dẫn cách làm các món ăn Ý nổi tiếng, nghệ thuật chế biến carpaccio không chỉ dừng lại ở thịt tươi thái mỏng. Theo bà, carpaccio ngon là nhờ được ướp vài tiếng trong tủ lạnh, tuyệt đối không rắc muối, mà chi ướp với dầu ô liu nguyên chất “ép lạnh” và một chút nước chanh vắt, đến khi ăn thì mới rắc thêm tiêu, nếu không có phô mai parmessan, thì có thể thay thế bằng loại pecorino.
Với nhịp sống thời nay, thực khách ngày càng bớt ăn thịt, bà Roberta Nacmias cho biết đã thích nghi món carpaccio với nhiều nguyên liệu khác. Ngoài thịt bò trong cách làm truyền thống, người ta giờ đây cũng làm cũng có thể làm carpaccio với cá hồi, hải sản hay rau quả. Đơn giản nhất là món “zucchini carpaccio” làm bằng mướp non. Quả mướp chọn cho thật tươi, sau đó bào thành những lát rất mỏng và khác với cách làm thịt, món này rắc thêm một chút muối và dầu nhưng lại không dùng chanh. Một cách tương tư loại nấm thông (cèpe thuộc loại boletus edulis), rất hợp với món carpaccio.
Tuy nhiên, hầu hết các đầu bếp trứ danh đều công nhận rằng nguyên liệu ngon nhất để làm món carpaccio vẫn là sò điệp. Sò điệp sống thái thật mỏng, rồi đem ướp với dầu hạt dẻ, nước chanh vắt, húng quế, aneth, và nhất là một chút mật ong. Sò điệp cần được ướp một tiếng đồng hồ trước khi ăn, nếu để lâu quá sò điệp dễ bị “chua” và không còn thơm ngon. Đầu bếp trứ danh Alexandre Auger (từng làm việc cho khách sạn 5 sao Meurice) nay điều hành nhà hàng Blossom ở quận 8, chuyên dùng hoa tươi trong các món ăn của mình, ông Alexandre Auger nổi tiếng nhờ món carpaccio kết hợp sò điệp với nước sốt trái bưởi và quýt thay vì với quả chanh. Để cho thêm mùi, ông uớp thêm với hoa capucine (còn được gọi là hoa sen cạn). Khi ăn món này thực khách không có cảm tưởng ăn đồ sống, mà thưởng thức một loại “sò tái chanh” tươi mát, thơm lừng.
http://vi.rfi.fr/phap/20190611-thuong-thuc-mon-tartare-thoi-bot-an-thit
Phóng viên Nga bị buộc tội được thả tự do
sau cuộc phản đối lớn
Tất cả cáo buộc chống lại phóng viên người Nga Ivan Golunov đã được bỏ sau một cuộc phản đối lớn công khai.
Ông Golunov, phóng viên điều tra, đã bị buộc tội buôn bán ma túy – nhưng luật sư của ông nói rằng ma túy được gài bởi chính quyền.
Báo chí Nga tập hợp xung quanh ông trong một chương trình ủng hộ công khai hiếm hoi.
Báo Nga ủng hộ phóng viên bị cảnh sát bắt
Nhà báo Nga bị bắn chết ở Ukraine
Nhà nước Việt Nam cần dũng khí ‘từ bỏ độc quyền báo chí’
Bộ trưởng Nội vụ Nga Vladimir Kolokoltsev nói rằng tội của ông Golunov “chưa được chứng minh” – và hai nhân viên cảnh sát đã bị đình chỉ.
Quyết định được đưa ra sau khi có “các xét nghiệm pháp y, sinh học, dấu vân tay và di truyền,” ông nói.
“Ông ấy sẽ được tự do không bị quản thúc tại gia ngay hôm nay, các buộc tội đã được bỏ,” ông nói thêm.
Ông Golunov, 36 tuổi, là nhà báo tự do đã đang làm việc cho trang tin Meduza đặt tại Latvia, cùng một số báo khác.
Ông đang trên đường đi gặp một nhà báo khác vào tuần trước khi ông bị cảnh sát chặn lại và lục soát.
Myanmar: Hai phóng viên Reuters được trả tự do
Cảnh sát nói họ tìm thấy chất mephedrone tổng hợp trong ba lô của ông, và cuộc khám xét căn hộ ông sau đó cho thấy có thêm ma túy và một số cái cân, dấu hiệu cho thấy ông có tham gia vào việc buôn bán các chất này.
Việc ông bị bắt giữ – bị cho là đánh đập trong thời gian này – gây ra những lời buộc tội rằng giới chức đang tìm cách bóp nghẹt tự do báo chí và báo giới.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48597072
Điểm yếu nhất trong mối quan hệ Nga – Trung
và một mục tiêu xa vời
Mặc dù đã có sự hội tụ chiến lược và mối quan hệ gần gũi công khai giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, quan hệ kinh tế Trung Quốc và Nga vẫn chưa phát triển.
Chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kéo dài 3 ngày (từ 5 – 7/6) đánh dấu chuyến thăm thứ 8 và là chuyến thăm cấp nhà nước thứ 4 tới nước láng giềng phía Bắc của Trung Quốc kể từ khi nhậm chức năm 2013.
Trong chuyến công du này, ông Tập tham dự Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg, khai mạc ngày 6/6. Chuyến thăm cấp nhà nước tới Nga lần này của nhà lãnh đạo Trung Quốc đã được chuẩn bị từ hơn bảy tháng trước, nhưng những nội dung quan trọng mới chỉ được thống nhất gần đây khi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung kích hoạt trở lại sau thời gian đình chiến ngắn ngủi.
Tiềm năng phát triển quan hệ bền chặt?
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Mỹ – đối tác thương mại lớn nhất và lâu năm của Trung Quốc, Bắc Kinh hiện đang đặc biệt muốn nhấn mạnh khía cạnh kinh tế với Nga. Điều đó giải thích lý do tại sao chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập Cận Bình được lên kế hoạch trùng với sự kiện kinh tế quốc tế hàng đầu của Nga. Truyền thông Trung Quốc đã đăng tải nhiều bài viết về quan hệ thương mại Trung – Nga và có một số dấu hiệu ban đầu cho thấy mối quan hệ đang có lợi khi Trung Quốc hạn chế nhập khẩu năng lượng và các sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ.
Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg có thể là một cách để ông Putin và Nga cho thấy tiềm năng của mình và phát triển quan hệ bền chặt với Trung Quốc. Nga là một đối tác trong các sáng kiến kinh tế của Trung Quốc như sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) và sự hợp tác Trung – Nga trong lĩnh vực năng lượng ngày càng phát triển. Nga và Trung Quốc cũng thúc đẩy các thỏa thuận về đồng Ruble và Nhân dân tệ (NDT) nhằm giảm sự phụ thuộc vào USD của Mỹ và các đồng tiền khác của phương Tây, do các lệnh trừng phạt của Washington đối với Nga và các sức ép về thương mại đối với Bắc Kinh.
Theo Bộ Phát triển Kinh tế Nga, Trung Quốc trở thành một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Năm 2018, kim ngạch thương mại song phương đã tăng 27,1% so với năm 2017, lên tới 107 tỷ USD. Các số liệu cho thấy kim ngạch thương mại giữa hai nước dự kiến sẽ tăng mạnh mẽ trong năm nay.
Cuộc gặp giữa lãnh đạo hai cường quốc toàn cầu này diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Nga đang xuống thấp giữa lúc Nga đang chịu các lệnh trừng phạt, và chiến tranh thương mại Mỹ – Trung ngày một leo thang. Các mô hình kinh tế truyền thống giữa hai bên, theo đó Nga xuất khẩu các sản phẩm năng lượng còn Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa, dường như ngày càng không bền vững. Cả Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết cùng chống lại những chính sách bảo hộ, được cho là nhắm vào Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong cuộc phỏng vấn bằng văn bản với truyền thông Nga, ông Tập Cận Bình bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác thương mại giữa hai nước một cách tích cực và ngoại lệ trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Ông nhấn mạnh: “Những kết quả đáng chú ý trong hợp tác kinh tế giữa chúng tôi đặc biệt có giá trị trong môi trường phức tạp hiện tại khi thương mại và đầu tư toàn cầu trì trệ, cùng với chủ nghĩa bảo hộ gia tăng”. Ông Tập nói thêm cả hai chính phủ
“đang nỗ lực chủ động để đưa tổng kim ngạch thương mại hai nước lên một mức cao hơn và thúc đẩy hợp tác thương mại song phương có chất lượng”.
Mục tiêu xa vời
Tuy nhiên, những con số màu hồng và phát biểu trên đang ẩn chứa một bức tranh phức tạp. Phần lớn tăng trưởng thương mại năm 2018 chỉ tập trung vào xuất khẩu năng lượng của Nga, trong khi đầu tư của Trung Quốc vào nước này đã giảm xuống.
Trong năm 2017, theo dữ liệu mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), Nga là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Trung Quốc. Vị trí của Nga xếp sau không chỉ các nước láng giềng của Trung Quốc như Việt Nam, Malaysia, Ấn Độ, mà còn đứng sau cả những đối tác thương mại có vị trí địa lý xa hơn như Brazil, Đức. Nhìn chung, Nga chỉ chiếm dưới 2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong năm 2017 và chỉ hơn 2% tổng kim ngạch nhập khẩu. Nếu so với Mỹ, sự chênh lệch là rất lớn khi Mỹ chiếm tới 19% tổng kim ngạch xuất khẩu và 8% kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc. Rõ ràng, mối quan hệ kinh tế giữa hai nước còn một chặng đường dài để đi.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga cũng công nhận điều này. Năm 2011, họ đã cố gắng khởi động mối quan hệ kinh tế bằng cách đặt ra mục tiêu đầy tham vọng, đó là đạt kim ngạch thương mại song phương 100 tỷ USD vào năm 2015 và 200 tỷ USD vào năm 2020.
Ban đầu mục tiêu này có vẻ đi đúng hướng khi kim ngạch hai chiều Nga – Trung đạt 90 tỷ USD năm 2014. Tuy nhiên, sau đó giá trị trao đổi thương mại giữa hai nước ngày càng giảm bởi các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào Nga. Năm 2015, kim ngạch thương mại hai chiều tụt xuống chỉ còn 64,2 tỷ USD và cho đến năm 2018, trao đổi buôn bán song phương mới tăng trở lại và đạt mức kỷ lục 107 tỷ USD. Song, ngay cả khi thương mại hai bên duy trì tốc độ tăng trưởng 27%, mục tiêu 200 tỷ USD vào năm 2020 vẫn còn rất xa vời, đặc biệt trong trường hợp thương mại hai bên hiện chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng. Đây có thể là lý do tại sao Moscow đã lặng lẽ đẩy mục tiêu đạt 200 tỷ USD kim ngạch thương mại lùi đến năm 2024.
Vấn đề không khả thi về mặt chính trị
Mặt khác, tiềm năng thương mại Trung – Nga còn bị cản trở bởi sự can thiệp sâu của yếu tố chính trị. The Diplomat đã từng đánh giá trong một bài viết “sự hợp tác thực sự sẽ kéo theo những cải cách đáng kể đối với chuỗi cung ứng tại thị trường trong nước, nơi Moscow phải trợ cấp để quản lý các khu vực xa xôi, đáp ứng nhu cầu của các tập đoàn và người dân… Song, đó lại là vấn đề không khả thi về mặt chính trị”. Những hạn chế về thể chế khó có thể sớm được xóa bỏ ở mỗi quốc gia.
Thay vào đó, quan hệ Trung – Nga có sự tập trung rõ rệt vào vị trí địa chính trị. Những từ ngữ liên quan tới kinh tế như giao dịch trực tuyến chỉ được nhắc tới một lần trong bài phát biểu của ông Tập Cận Bình khi ông cùng ông Putin tham gia một buổi họp báo chung hôm 5/6.
Tổng thống Nga cũng không quan tâm tới lĩnh vực này, thay vào đó, ông Putin nhấn mạnh lập trường gần gũi hoặc thống nhất giữa Nga và Trung Quốc về các vấn đề trọng tâm toàn cầu. Rõ ràng, khi ca ngợi hợp tác Trung – Nga đang ở mức độ cao nhất trong lịch sử, ông Putin đã không nói tới vấn đề thương mại. Tương tự như vậy, ông Tập dường như quan tâm nhiều hơn đến việc ca ngợi nền tảng chính trị cơ bản và chiến lược trong mối quan hệ Trung – Nga, đặc biệt nhấn mạnh tới chi tiết hai bên ủng hộ mạnh mẽ lẫn nhau, đồng thời bảo vệ lợi ích sống còn của nhau.
Có một sự thừa nhận ngầm rằng, mối quan hệ Nga – Trung sẽ là yếu nhất khi nói đến kinh tế. Ông Tập đã dùng những lời lẽ hết sức ngoại giao khi khẳng định rằng, Trung Quốc và Nga cần phải hợp tác chặt chẽ để tìm kiếm sức mạnh tổng hợp lớn hơn đối với chiến lược phát triển riêng của mỗi nước và hội tụ sâu hơn lợi ích của các bên.
Trước đó, trong cuộc họp báo trước chuyến thăm Nga của ông Tập Cận Bình, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhang Hanhui nói rằng hai bên sẽ sử dụng chuyến thăm để chuyển những lợi thế trong quan hệ chính trị cấp cao thành kết quả rõ rệt hơn. Tuy nhiên, đến hiện tại những kết quả được cho là hữu hình đó vẫn rất khó nhận ra trong lĩnh vực kinh tế.
Hồng Kông lại chuẩn bị
đối mặt với biểu tình rầm rộ chống luật dẫn độ
Hồng Kông đang chuẩn bị đối mặt với các cuộc đình công, đình trệ giao thông, và một cuộc biểu tình rầm rộ khác để phản đối dự luật dẫn độ cho phép đưa các nghi phạm sang Trung Quốc để xét xử, giữa lúc nhà lãnh đạo đặc khu Hong Kong tuyên bố quyết không nhượng bộ, theo Reuters.
Trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam tuyên bố sẽ tiếp tục thúc đẩy dự luật dẫn độ, bất chấp những lo ngại sâu sắc trên khắp Hong Kong, trung tâm tài chính của châu Á, dẫn tới cuộc biểu tình chính trị lớn nhất trong hơn 15 năm qua hôm Chủ nhật.
Trong một động thái hiếm hoi, các lãnh đạo doanh nghiệp nổi tiếng cảnh báo rằng thông qua dự luật dẫn độ có thể làm suy yếu niềm tin của giới đầu tư vào Hồng Kông, và làm xói mòn lợi thế cạnh tranh của đặc khu này.
Dự luật dẫn độ bị chống đối rộng rãi một cách bất thường cả trong và ngoài nước. Dự luật này sẽ được đưa ra tranh luận vòng hai vào thứ Tư tại Hội đồng Lập pháp có 70 ghế của thành phố. Cơ quan lập pháp này bị kiểm soát bởi đa số thân Bắc Kinh.
Một kiến nghị trực tuyến kêu gọi 50.000 người hãy bao vây tòa nhà lập pháp từ 10 giờ tối thứ Ba 11/6 và ở lại đây cho đến thứ Tư 12/6.
Nước Anh đã trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc cai trị vào năm 1997 theo nguyên tắc “một quốc gia, hai hệ thống”, với đảm bảo rằng quyền tự trị và các quyền tự do của cư dân Hong Kong, kể cả hệ thống tư pháp độc lập, sẽ được bảo vệ.
Nhưng nhiều người tố cáo Trung Quốc đã can thiệp sâu rộng vào Hồng Kông, bác bỏ những cải cách dân chủ, can thiệp vào các cuộc bầu cử địa phương và sự mất tích của 5 người bán sách Hong Kong, bắt đầu từ năm 2015, vốn chuyên bán những sách, tài liệu chỉ trích các lãnh đạo Trung Quốc.
Các cuộc biểu tình hôm Chủ nhật đã khiến Hồng Kông rơi vào khủng hoảng chính trị, giống như thời điểm diễn ra nhiều tháng biểu tình ủng hộ dân chủ vào năm 2014, gây áp lực lên chính quyền của bà Carrie Lam và các giới chức ở Bắc Kinh ủng hộ bà.
Bà cảnh báo dân Hồng Kông chớ có bất kỳ “hành động cực đoan nào”, sau các vụ đụng độ vào đầu ngày thứ Hai giữa một số người biểu tình và cảnh sát sau cuộc tuần hành tương đối ôn hòa hôm Chủ nhật.
Cảnh sát đã dựng lên các hàng rào kim loại để bảo vệ tòa nhà của hội đồng lập pháp giữa lúc một nhóm người biểu tình bắt đầu tụ tập vào tối thứ Ba, bất chấp cảnh báo mưa bão.
Nhà lập pháp ủng hộ dân chủ, bà Claudia Mo, kêu gọi mọi người hãy tham gia cuộc biểu tình và khuyến khích các doanh nghiệp đình công “một hoặc hai ngày, hoặc có thể trong cả tuần”.
Gần 2.000 cửa hàng bán lẻ nhỏ, bao gồm nhà hàng, tạp hóa, hiệu sách và quán cà phê, đã công bố kế hoạch đình công, theo một cuộc khảo sát trực tuyến, một động thái hiếm hoi trong nền kinh tế tư bản của Hong Kong.
Hội sinh viên thuộc nhiều đại học và trường cao đẳng cùng Liên hiệp Giáo viên Chuyên nghiệp Hồng Kông kêu gọi mọi người đình công vào thứ Tư. Gần 4.000 giáo viên cho biết họ sẽ tham gia tuần hành.
Các tổ chức theo dõi nhân quyền đã nhiều lần viện dẫn cáo buộc về tra tấn, giam giữ tùy tiện, ép buộc nhận tội và khó khăn trong việc tiếp cận luật sư ở Trung Quốc, nơi tòa án bị Đảng Cộng sản kiểm soát, là những lý do vì sao Hồng Kông không nên xúc tiến dự luật này.
Giáo phận Công giáo Hồng Kông kêu gọi chính phủ không thông qua dự luật “một cách vội vã” và thúc giục tất cả các Kitô hữu cầu nguyện cho Hong Kong.
Một công đoàn nhân viên trực thuộc một nhóm lao động ủng hộ dân chủ của Công ty Xe buýt Tân Thế Giới kêu gọi các thành viên lái xe với tốc độ chậm 20-25 km/giờ để thể hiện sự phản đối của họ đối với dự luật đề xuất.
Một bài đăng trên Facebook kêu gọi mọi người hãy thưởng thức một buổi dã ngoại bên cạnh các văn phòng chính phủ vào thứ Tư, mô tả khu vực này là “một trong những địa điểm dã ngoại tốt nhất”. Bài đăng đã thu hút gần 10.000 phản hồi từ những người hứa tham gia.
Công ty tư vấn có trụ sở tại Bắc Kinh Gavecal cho biết một số nhân viên ngân hàng ở Hồng Kông báo cáo rằng nhiều khách hàng ở đại lục đang chuyển tài khoản sang Singapore, vì sợ bị kiểm soát ở Hong Kong.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Ba tuyên bố các vấn đề Hồng Kông hoàn toàn là vấn đề nội bộ của Trung Quốc, và Trung Quốc yêu cầu Hoa Kỳ ngừng can thiệp vào các vấn đề Hồng Kông.
Bình luận được đưa ra sau khi Washington hôm thứ Hai nói Hoa Kỳ rất quan tâm đến dự luật được đề xuất và cảnh báo rằng động thái như vậy có thể nguy hại cho quy chế đặc biệt mà Washington dành cho Hồng Kông.
Một đạo luật của Hoa Kỳ năm 1992 công nhận quy chế đặc biệt của Hồng Kông và cho phép Hoa Kỳ giao du với Hong Kong như một thực thể không có chủ quyền, khác với Trung Quốc, trong các vấn đề thương mại và kinh tế. Các lĩnh vực được đối xử đặc biệt bao gồm thị thực, thực thi pháp luật, kể cả dẫn độ và đầu tư.
Những doanh nhân được nhiều người biết tiếng kêu gọi chính quyền hãy thận trọng để bảo vệ tính cạnh tranh của Hồng Kông.
https://www.voatiengviet.com/a/hong-kong-bieu-tinh/4954456.html
Hong Kong điều động 5000 cảnh sát
đối phó với biểu tình
Cảnh sát Hong Kong đang có kế hoạch điều động 5.000 cảnh sát trong tổng số 30.000 cảnh sát để đối phó với làn sóng biểu tình lần thứ hai để phản đối dự luật trục xuất tội phạm về Trung Quốc. Trang tin South China Morning Post trích các nguồn tin từ giới chức Hong Kong cho biết như vậy hôm 11/6.
Một nguồn tin cho cho SCMP biết đây là một hoạt động lớn và lực lượng cảnh sát sẽ được huy động từ tất cả các quận.
Hôm 9/6, hơn 1 triệu người Hong Kong đã xuống đường phản đối dự luật dẫn độ tội phạm về Trung Quốc xét xử vì lo ngại sẽ có những vụ bắt giữ vì mục đích chính trị trả đũa từ phía Trung Quốc.
Đây được coi là cuộc biểu tình lớn nhất tại Hong Kong kể từ khi vùng đất này được Anh trao trả lại cho Trung Quốc hồi năm 1997.
Cuộc biểu tình ôn hòa hôm 9/6 đã đẫn đến đụng độ giữa một số người biểu tình và cảnh sát.
Trưởng đặc khu Hong Kong, bà Carrie Lam, hôm 10/6 cho biết dự luật nhằm giúp Hong Kong thực thi các nghĩa vụ quốc tế của mình trong việc chống các tội phạm xuyên biên giới và xuyên quốc gia. Bà Carrie Lam cũng nói bà không có ý định rút lại dự luận này.
Hồng Kông :
Cứu vớt những gì còn lại của vùng tự trị
Hơn một triệu người Hồng Kông đã xuống đường hôm Chủ Nhật (09/06/2019), theo con số của các nhà tổ chức, để phản đối dự luật dẫn độ về Trung Quốc. Cuộc huy động lớn lần này tiếp tục kéo dài, một lần nữa cho thấy mối lo ngại sâu sắc của người dân Hồng Kông khi thấy họ đang dần dần bị Bắc Kinh tước đi các quyền cơ bản trong vùng đất được gọi là tự trị.
Đây là một trong những cuộc biểu tình lớn nhất từ khi thuộc địa cũ của Anh Quốc được trao trả lại Trung Quốc dưới quy chế một đặc khu hành chính tự trị. Theo thỏa thuận năm 1997, nước Anh trả lại mảnh đất này cho Trung Quốc với điều kiện Hồng Kông được hưởng quy chế “Đặc khu hành chính” trong vòng 50 năm.
Là vùng đất thuộc chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, ngoài vấn đề quốc phòng và ngoại giao, Hồng Kông được toàn quyền tự quyết. Hơn 7 triệu người dân của hòn đảo phải được hưởng một hệ thống chính trị, lập pháp, tư pháp và tài chính riêng, không lệ thuộc vào Hoa Lục.
Đó là trên giấy tờ, còn trên thực tế thì từ khi trở về trong quy chế đặc biệt do cựu lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đề xuất, gọi là “một đất nước, hai chế độ”, trong 12 năm qua, Hồng Kông luôn là vùng đất đầy biến động chính trị, xã hội, mà căn nguyên là các nỗ lực của chính quyền Hoa Lục muốn bóp nghẹt các quyền tự do dân chủ, đưa dần Hồng Kông vào khuôn phép của một chế độ Cộng sản toàn trị.
Người Hồng Kông ngày càng cảm thấy các quyền tự trị của họ bị Bắc Kinh, bằng cách thao túng chính quyền sở tại, cắt xén dần. Các điều luật, quy định được chính quyền đặc khu sửa đổi, lái theo ý muốn của chính quyền Cộng sản Hoa lục.
Mùa thu năm 2014, phong trào Dù Vàng bùng lên. Hàng ngàn học sinh, sinh viên chiếm đóng khu trung tâm Hồng Kông trong nhiều tuần lễ, để đòi quyền tự bầu chọn lãnh đạo đặc khu nhưng không thành.
Năm 2018, chính quyền Hồng Kông đã cấm đảng chủ trương độc lập HKNP hoạt động, các dân biểu đối lập bị Nghị Viện đa phần thân Bắc Kinh tìm cách loại bỏ. Trước đó vào năm 2015 -2016, đã xảy ra vụ các chủ hiệu sách tại Hồng Kong đột ngột mất tích, để rồi sau đó “xuất hiện trở lại” ở Trung Quốc, với lời “xin lỗi” chế độ Bắc Kinh. Họ có một điểm chung là đều bán các tác phẩm chỉ trích Bắc Kinh.
Lần này, phần đông người dân cảm thấy dự luật dẫn độ như giọt nước làm tràn ly. Dư luận đã bày tỏ sự phẫn nộ trên truyền thông từ nhiều tuần qua, và giờ đây là xuống đường đấu tranh. Bản thân các thẩm phán ở Hồng Kông đã bày tỏ phản đối mạnh mẽ dự luật. Nếu được thông qua, luật dẫn độ sẽ cho phép chính quyền đặc khu hành chính đưa bất kỳ một công dân nào từ Hồng Kông về Trung Quốc lục địa để xét xử, kể cả những đối tượng mà đảng Cộng sản Trung Quốc không ưa.
Nhà tài phiệt báo chí nổi tiếng Hồng Kông, Jimmy Lai, được nhật báo Pháp Libération trích dẫn nhận định, nếu ai đó bị dẫn độ thì tức là họ “sẽ bị xét xử tại Hoa lục, nơi không có Nhà nước pháp quyền, luật pháp được cắt gọt theo nhu cầu của đảng Cộng Sản…. Nếu văn kiện được thông qua thì sẽ vô cùng rủi ro khi kinh doanh tại Trung Quốc, kể cả với người nước ngoài. Chỉ cần một chút không hài lòng, người ta có thể chế ra các cáo buộc đủ loại để bẫy người khác và phục vụ kế hoạch của chế độ (Bắc Kinh)”
Giới quan sát nhận định, dự luật dẫn độ rồi sẽ được chính quyền của Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) cho thông qua, vì Bắc Kinh đã muốn và đã chỉ đạo Hồng Kông làm đến cùng. Cuộc huy động phản kháng luật dẫn độ lần này có hơi hướng giống khi khởi phát phong trào Occupy Central năm 2014 đòi quyền tự bầu cử lãnh đạo.
Phong trào Dù Vàng đã diễn ra quyết liệt, nhưng cuối cùng đã không mang lại kết quả, ngoài hình ảnh của một thế hệ người Hồng Kông khát khao dân chủ, ý thức được những quyền cơ bản của mình đang bị đe dọa từ Bắc Kinh và sẵn sàng đứng lên đấu tranh bảo vệ.
Thêm một lần nữa người Hồng Kông đương đầu kháng cự với đại lục để cứu vớt những gì còn lại của một quy chế tự trị ở Hồng Kông, vốn đã bị Bắc Kinh làm xói mòn và rỗng dần về nội dung.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190611-hong-kong-cuu-vot-nhung-gi-con-lai-cua-vung-dat-tu-tri
Huawei: ‘Chúng tôi trần trụi trước thế giới’
Mary-Ann RussonPhóng viên công nghệ BBC News
Giám đốc an ninh mạng của Huawei John Suffolk nói với các nghị sĩ Anh hôm 9/6 rằng Huawei chưa bao giờ bị Trung Quốc hoặc bất kỳ chính phủ nào yêu cầu “làm bất cứ điều gì không mong muốn”.
Ông Suffolk cho biết Huawei hoan nghênh người ngoài phân tích các sản phẩm của mình và phát hiện các lỗ hổng kỹ thuật hoặc mã hóa.
“Chúng tôi trần trụi trước thế giới, nhưng chúng tôi muốn làm điều đó, bởi vì nó cho phép chúng tôi cải thiện sản phẩm của mình.”
Huawei ký thỏa thuận phát triển 5G tại Nga
Ông Tập ‘thăm gấu Nga, tặng gấu trúc’
Ông nói thêm: “Chúng tôi muốn mọi người tìm thấy điều gì đó, cho dù họ tìm thấy một hay một nghìn, chúng tôi không quan tâm. Chúng tôi không xấu hổ với những gì mọi người tìm thấy.”
Huawei đã được mời đến Ủy ban Lựa chọn Khoa học và Công nghệ để trả lời các câu hỏi của các nghị sĩ về tính bảo mật của thiết bị và các liên kết với chính phủ Trung Quốc.
Mỹ đã khuyến khích các đồng minh chặn Huawei – nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới – khỏi mạng 5G của họ, cho rằng chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng các sản phẩm của mình để giám sát.
“Chúng tôi chưa bao giờ có yêu cầu từ chính phủ Trung Quốc để làm bất cứ điều gì không mong muốn,” ông Suffolk nói.
“Chúng tôi chưa bao giờ bị chính phủ Trung Quốc hoặc bất kỳ chính phủ nào yêu cầu, tôi có thể nói thêm, làm bất cứ điều gì làm suy yếu tính bảo mật của sản phẩm.”
Các nghị sĩ bày tỏ lo ngại về các vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, như các báo cáo cho thấy có tới một triệu người Hồi giáo đang ở trong các nhà tù ở tỉnh Tân Cương.
Họ hỏi liệu Huawei có bắt buộc phải cung cấp thiết bị cho tỉnh Tân Cương, đặc biệt là theo luật tình báo Trung Quốc năm 2017, yêu cầu các cá nhân và hiệp hội tuân thủ các cơ quan tình báo của Trung Quốc.
Ông Suffolk nói: “Chúng tôi đã phải trải qua giai đoạn làm minh bạch với chính phủ Trung Quốc, điều đó đã sáng tỏ và khá rõ rằng đó không phải là yêu cầu của bất kỳ công ty nào.
“Chúng tôi đã chứng thực điều này thông qua luật sư và được xác nhận lại bởi Clifford Chance … theo lời khuyên pháp lý của chúng tôi, rằng Huawei không bị yêu cầu thực hiện bất cứ điều gì làm suy yếu vị thế của Huawei về mặt bảo mật.”
Truy cập từ xa
Các nghị sĩ hỏi liệu Huawei có thể truy cập từ xa vào mạng di động 5G của Anh thông qua thiết bị của họ hay không.
Trả lời, ông Suffolk nhấn mạnh rằng Huawei là nhà cung cấp thiết bị viễn thông cho các nhà khai thác mạng di động.
“Chúng tôi không chạy mạng và vì thế, chúng tôi không có quyền truy cập vào bất kỳ dữ liệu nào đang chạy trên mạng đó”, ông nói.
Malaysia sẽ dùng “tối đa” công nghệ của Huawei
Tại sao vấn nạn của Huawei với Google khiến châu Phi lo lắng
Panasonic rà soát lại quan hệ với Huawei
Ông cũng giải thích rằng Huawei chỉ là một trong số khoảng 200 nhà cung cấp sẽ cung cấp nhiều loại thiết bị khác nhau cuối cùng sẽ tạo nên mạng 5G ở Anh.
Tuy nhiên, nếu một nhà điều hành gặp sự cố với thiết bị Huawei, một trung tâm hỗ trợ có trụ sở tại Romania sẽ có thể truy cập từ xa vào thiết bị để khắc phục sự cố.
Các nghị sĩ muốn biết liệu mạng 5G có thể được sử dụng để theo dõi từng người dùng hay không.
Đáp lại, ông Suffolk giải thích rằng công nghệ điện thoại di động đòi hỏi nhà điều hành di động phải liên tục theo dõi điện thoại của người dùng, để có thể kết nối chúng với mạng di động.
Theo logic đó, nhà điều hành liên tục theo dõi tất cả các khách hàng của mình, mọi lúc.
Ông cũng nói với các nghị sĩ rằng chỉ có khoảng 30% linh kiện trong các sản phẩm của Huawei thực sự do công ty này sản xuất – phần còn lại được lấy từ chuỗi cung ứng toàn cầu mà Huawei giám sát chặt chẽ để ngăn chặn cá vi phạm về bảo mật.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48590811
TQ mở cửa đàm phán thương mại với Mỹ
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 10-6 tuyên bố Bắc Kinh để ngỏ các cuộc đàm phán thương mại với Washington nhưng không lên tiếng về khả năng Chủ tịch Tập Cận Bình gặp Tổng thống Donald Trump tại Nhật Bản.
Theo Reuters, tại một cuộc báo hằng ngày ở thủ đô Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng không xác nhận ông Tập và ông Trump sẽ gặp nhau tại Hội nghị Thượng đỉnh G-20 ở Nhật Bản vào cuối tháng 6.
Tuy nhiên, ông Cảnh cho biết thời gian gần đây, Mỹ nhiều lần “ngỏ ý sắp xếp một cuộc hội đàm giữa lãnh đạo hai nước”. “Nếu có tin tức cụ thể về vấn đề này, Trung Quốc sẽ công bố đúng lúc” – ông Cảnh nói.
Về cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ đang diễn ra, ông Cảnh cho rằng “quan điểm của Bắc Kinh rất rõ ràng”. “Trung Quốc không muốn tham gia cuộc chiến thương mại nhưng không sợ một cuộc chiến như vậy. Nếu phía Mỹ sẵn sàng tổ chức các cuộc tham vấn bình đẳng thì chúng tôi sẽ mở cửa. Nếu phía Mỹ khăng khăng leo thang cuộc chiến thương mại, chúng tôi sẽ kiên quyết đáp trả và chiến đấu đến cùng” – ông nhấn mạnh.
Trước khi Hội nghị Thượng đỉnh G-20 được tổ chức ở TP Osaka – Nhật Bản trong hai ngày 28 và 29-6, chính quyền Tổng thống Donald Trump chuẩn bị áp đặt mức thuế 25% đối với hầu hết hàng nhập khẩu của Trung Quốc chưa bị ảnh hưởng bởi thuế quan cho đến nay.
Reuters tiết lộ số hàng hóa trị giá 300 tỉ USD của Trung Quốc nằm trong tầm ngắm bao gồm điện thoại di động, máy tính và quần áo. Ngày 6-6, ông Trump nói tại Pháp rằng ông sẽ quyết định có nên đánh thuế hàng nhập khẩu của Trung Quốc hay không sau cuộc gặp (tiềm tàng) với ông Tập ở Nhật Bản.
Trong khi đó, bên lề cuộc họp các nhà lãnh đạo tài chính ở TP Fukuoka – Nhật Bản ngày 8-6, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã đề nghị Trung Quốc quay trở lại bàn đàm phán.
Bộ trưởng Mnuchin cho biết ông dự định tổ chức một cuộc hội đàm với Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Dịch Cương. Tuy nhiên, ông Mnuchin thừa nhận không có cuộc đàm phán thương mại nào được lên kế hoạch ở Washington hoặc Bắc Kinh cho đến cuối tháng này.
Hội nghị thượng đỉnh ở Buenos Aires – Argentina đã mở đường cho 5 tháng đàm phán nhằm chấm dứt tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Song, các cuộc đàm phán bị đổ vỡ vào đầu tháng 5 vừa qua sau khi Mỹ cáo buộc Trung Quốc từ bỏ các cam kết trước đó.
http://biendong.net/doc-bao-viet/28601-tq-mo-cua-dam-phan-thuong-mai-voi-my.html
TQ có ngồi vào đàm phán để cứu Huawei?
Mỹ để ngỏ khả năng giảm lệnh cấm với Huawei bằng việc kéo Trung Quốc vào bàn đàm phán. Bắc Kinh liệu có chấp nhận?
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin sau khi kết thúc cuộc họp tại Hội nghị đại diện tài chính nhóm các nền kinh tế lớn (G20) đã cho biết, chính quyền Tổng thống Trump sẽ nới lỏng các hạn chế nhằm vào Huawei nếu cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc đạt được các tiến triển.
“Tổng thống Trump sẵn sàng làm điều gì đó với Huawei nếu ông ấy nhận được tín hiệu tốt đẹp trong đàm phán thương mại và các đảm bảo nhất định từ Trung Quốc” – Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói.
Tuy nhiên, ông Munchin lại nói rằng việc liệt Huawei vào danh sách đen thương mại chỉ đơn thuần là một vấn đề an ninh quốc gia và không phải là một “mặt trận phi thuế quan” của chiến tranh thương mại.
Ông Mnuchin cho rằng, Mỹ sẵn sàng đạt được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, song vẫn duy trì áp thuế nhập khẩu nếu cần thiết.
“Nếu Trung Quốc muốn đạt được thỏa thuận, chúng tôi sẵn sàng ký theo những điều khoản mà chúng ta (Mỹ – Trung) đã thống nhất. Còn nếu Trung Quốc không muốn, Tổng thống Trump vẫn hoàn toàn vui vẻ với các đòn thuế để tái cân bằng mối quan hệ” – ông Mnuchin nhấn mạnh.
Quan điểm có phần mâu thuẫn này của vị đại diện tài chính Mỹ cho thấy trước hết là sự thiếu chắc chắn về khả năng mà họ đặt ra với Huawei.
Ngay cả trong trường hợp Mỹ đưa ra đề xuất và thực hiện đúng cam kết đối với Trung Quốc về khả năng bỏ/hạn chế lệnh cấm với Huawei, Trung Quốc cũng không dễ dàng chọn cách ngồi vào đàm phán.
Mỹ đã cho rằng Huawei có hành vi gián điệp cho Chính phủ Trung Quốc, đồng thời đánh cắp tài sản trí tuệ Mỹ. Trong khi Huawei luôn bác bỏ các cáo buộc này thì Bắc Kinh cũng nhiều lần lên tiếng phủ nhận việc quy định các công ty phải cung cấp thông tin cho Chính phủ, đồng thời ngỏ lời mời các đối tác phương Tây trực tiếp tới nhà máy sản xuất của huawei để xem xét việc Huawei có “tuồn thông tin” cho chính phủ hay không.
Đại sứ Trung Quốc tại Liên minh Châu Âu (EU) đã nói, đất nước tỷ dân sẽ có biện pháp trả đũa những chính sách của Mỹ nhằm vào Huawei. Những quyết định của chính quyền dưới thời ông Trump đã hạn chế khả năng phát triển của Huawei trên đất Mỹ: cấm việc sử dụng thiết bị Huawei trên danh nghĩa đảm bảo an ninh quốc gia, yêu cầu Huawei phải có được sự chấp thuận của chính phủ với mỗi đơn hàng linh kiện điện tử mua từ Mỹ.
“Họ đang phá hoại quyền và lợi ích chính đáng của các công ty Trung Quốc, và chính phủ Trung Quốc sẽ không án binh bất động” – Đại sứ Trung Quốc Zhang Minh tuyên bố.
Thực tế, các lệnh cấm Huawei của chính quyền Mỹ là trọng tâm trong cuộc đối đầu thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, khiến nhiều người vẫn đang nghĩ rằng cuộc chiến này là kiềm chế sự bành trướng của Huawei trên thế giới. Có thể ngay cả trong các tuyên bố của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã cho thấy rõ quan điểm đó.
Nhưng về phía Bắc Kinh thì không phải vậy và họ luôn muốn phân tách rạch ròi chuyện đối đầu thương mại với sự kiềm tỏa của Mỹ đối với “con cưng” Huawei.
Nếu Bắc Kinh chấp nhận cuộc đàm phán thương mại vì Washington sẽ giảm cấm vận với Huawei, Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục bị cáo buộc là đứng sau hỗ trợ cho gã khổng lồ công nghệ này.
Thêm nữa, dù những diễn biến bất lợi ban đầu vẫn còn xảy đến với Huawei nhưng chính quyền Mỹ đang bắt đầu lục đục. Huawei đã bắt đầu len lỏi đến các cơ sở quan trọng và ảnh hưởng ở một quy mô lớn đến Mỹ khiến Washington khó mà ngay lập tức thực hiện lệnh cấm một cách nhanh chóng và triệt để đối với Huawei.
Mới đây nhất, Quyền Giám đốc Ngân sách Nhà Trắng Russell Vought đang yêu cầu trì hoãn các hạn chế đối với Tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc. Theo đó, Mỹ nên trì hoãn áp lệnh cấm với Huawei trong vòng 4 năm thay vì 2 năm như hiện tại. Lịch trình thực hiện những hạn chế đối với Huawei sẽ làm giảm đáng kể số lượng nhà thầu có thể bán thiết bị cho chính phủ Mỹ. Thời hạn như vậy cũng cho phép Washington được đánh giá tốt hơn và xem xét các tác động tiềm tàng cũng như các giải pháp khả thi về việc thay thế thiết bị của Trung Quốc.
Quyền Giám đốc Ngân sách Nhà Trắng cũng yêu cầu tổ chức nhiều diễn đàn công cộng nhằm lắng nghe ý kiến từ các nhà cung cấp về lệnh cấm đối với Huawei.
Trong khi đó, Google – công ty đầu tiên lập tức thực thi các lệnh cấm từ chính quyền Mỹ đối với Huawei bây giờ đang ra sức vận động Chính phủ Mỹ cho phép giữ mối quan hệ với Huawei, miễn trừ khỏi lệnh cấm. Google đang diễn ra một cuộc thảo luận giữa Google với Bộ Thương mại Mỹ nhằm kéo dài thời gian “ân hạn” 3 tháng để Huawei được mua các linh kiện và công nghệ Mỹ phục vụ cho việc bảo trì và đáp ứng các mạng viễn thông và smartphone đã bán. Thậm chí, nếu được, Google muốn được miễn trừ hoàn toàn khỏi lệnh cấm.
Lập luận của Google được đưa ra trên cơ sở an ninh quốc gia, cho thấy càng cấm Huawei, nguy cơ bị tấn công (hack) là còn lớn hơn.
Trung Quoc co ngoi vao dam phan de cuu Huawei?
Mỹ cho rằng Huawei đã thực sự bị siết chặt vì lệnh cấm?
Nguồn tin trong ngành nói với Tạp chí Tài chính Mỹ: “Google nói rằng nếu họ không tiếp tục được hợp tác với Huawei, thì kết quả có thể sẽ hai loại hệ điều hành Android, gồm một bản nguyên gốc và một bản ‘lai’. Trong đó, bản ‘lai’ có thể sẽ có nhiều lỗi hơn so với bản Android gốc của Google, và sẽ đặt điện thoại Huawei vào nguy cơ bị tấn công (hack) lớn hơn”.
Không chỉ Google, Microsoft cũng là công ty lớn duy nhất đang thể hiện thái độ không rõ ràng trong các lệnh cấm Huawei của chính phủ Mỹ.
Tầm ảnh hưởng của Huawei cũng như các biện pháp trả đũa mà phía Trung Quốc có thể thực hiện nếu Washington quyết định “chơi khô máu” đang khiến các công ty Mỹ e ngại và đưa ra các động thái cầm chừng.
Trung Quốc vẫn nhẹ giọng với Mỹ
Trong bối cảnh này, Trung Quốc đang thể hiện quan điểm nhún nhường nhưng không khuất phục trước sức ép Mỹ.
Trung Quốc không dễ để các công ty Mỹ lấn lướt.
Chính quyền thành phố Bắc Kinh tuần trước đã triệu tập các công ty công nghệ lớn đang hoạt động tại Trung Quốc, trong đó có Microsoft và Dell của Mỹ, Samsung cùng hai nhà sản xuất chất bán dẫn Arm of Britain và SK Hynix của Hàn Quốc, để cảnh báo liên quan đến lệnh cấm của Nhà Trắng với doanh nghiệp Trung Quốc.
Cuộc họp được tổ chức vào hai ngày 4 và 5/6, có sự tham gia của Cơ quan lập kế hoạch kinh tế trung ương, Ủy ban Quốc gia về Phát triển và Cải cách, đại diện từ Bộ Thương mại, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc. Tại đây, đại diện các đơn vị trên nhấn mạnh những công ty Mỹ hoặc có liên quan đến Mỹ có thể phải đối mặt với “hậu quả thảm khốc” nếu hợp tác với chính quyền Tổng thống Donald Trump, cấm bán công nghệ chủ chốt của Mỹ cho Trung Quốc.
Bên cạnh đó, một số quan chức cũng “bóng gió” rằng các công ty Mỹ nên có những vận động hành lang để thay đổi tình hình hiện tại. Riêng doanh nghiệp không thuộc Mỹ không phải chịu hậu quả nếu tiếp tục làm ăn bình thường với công ty Trung Quốc như hiện tại.
Trong khi đó, Reuters dẫn một nguồn tin tại tập đoàn phần mềm Microsoft của Mỹ nói với Reuters rằng, việc trao đổi với quan chức Trung Quốc không phải là một cảnh báo trực tiếp, nhưng họ đã được nói rõ rằng việc tuân thủ với lệnh cấm của Mỹ nhiều khả năng sẽ dẫn tới sự phức tạp thêm nữa đối với tất cả mọi bên.
Theo nguồn tin, Microsoft cũng được yêu cầu không có các bước đi vội vàng và thiếu cân nhắc trước khi hiểu rõ tình hình. Nguồn tin cũng nói rằng giọng điệu của phía Trung Quốc mang tính hòa giải.
Cho đến nay, Trung Quốc chưa thể hiện thái độ rõ ràng về khả năng sẽ có một cuộc họp tại Thượng đỉnh G20 với phía Mỹ dù thế giới trông đợi sự kiện này có thể mang tới những tín hiệu tốt đẹp đối với đàm phán thương mại Mỹ- Trung, nơi hai bên có thể hiểu rõ thêm các nền tảng cơ bản để hướng tới sự hợp tác cùng có lợi.
Dẫu vậy, với việc ra điều kiện với Bắc Kinh theo kiểu mà Nhà Trắng đang thực thi, bước đi này thật khó khiến Trung Quốc ngồi xuống đề thảo luận với Mỹ về bất cứ điều gì, dù là về đậu tương hay sở hữu trí tuệ.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/28592-tq-co-ngoi-vao-dam-phan-de-cuu-huawei.html
TQ bắt đầu dùng bài đất hiếm: Mỹ hoang mang
Lượng xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc đã giảm trong tháng 5 nhưng không giảm quá nhiều, Mỹ băn khoăn không biết Bắc Kinh đã “chơi chiêu” hay chưa.
Reuters ngày 10/6 thông tin, xuất khẩu đất hiếm trong tháng 5 của Trung Quốc đã giảm trong bối cảnh truyền thông Bắc Kinh từng hăm dọa ngừng cung cấp cho Mỹ những khoáng chất được sử dụng để sản xuất một loạt các thiết bị điện tử tiêu dùng.
Theo số liệu Hải quan Trung Quốc mà Reuters có được, nước này đã xuất khẩu 3.639,5 tấn đất hiếm vào tháng trước, giảm 689.5 tấn (khoảng 16%) lượng xuất khẩu đất hiếm so với tháng 4 (khoảng 4.329 tấn). Lượng đất hiếm Trung Quốc xuất khẩu trung bình hàng tháng từ tháng 1/2018 ở ngưỡng 4.264 tấn.
Hoạt động xuất khẩu đất hiếm ra nước ngoài trong 5 tháng đầu năm 2019 giảm 7.2% xuống 19,265 tấn so với cùng kỳ năm trước.
Mức giảm này lập tức được gắn với cuộc đối đầu thương mại với Mỹ khi truyền thông Bắc Kinh từng đồn đoán về khả năng sẽ sử dụng đất hiếm như cú trả thù vào những gì mà Washington đã áp đặt lên hãng công nghệ viễn thông khổng lồ của nước này là Huawei.
Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (USITC) cho thấy, Washington hiện vẫn phụ thuộc vào đất hiếm từ Bắc Kinh. Mỹ đang là quốc gia nhập khẩu đất hiếm đã qua xử lý lớn nhất thế giới, trong đó 59% lượng nhập khẩu đất hiếm (trị giá 92 triệu USD) đến từ Trung Quốc.
Trong bối cảnh hai nước chưa có động thái nào nhằm thay đổi cục diện đối đầu thương mại hiện nay theo hướng tích cực thì mức sụt giảm về lượng đất hiếm xuất khẩu của Bắc Kinh là cần đặt một dấu hỏi lớn.
Dẫu vậy, Reuters đánh giá rằng, mức giảm lượng xuất khẩu của Trung Quốc là phù hợp với sự thay đổi thông thường về thương mại. Mặt hàng đất hiếm này từng có những thời điểm
dao động mạnh về khối lượng xuất khẩu. Giữa hai tháng liên tiếp thậm chí chênh lệch lên tới 20%.
Điều này càng khiến giới đầu tư hoang mang, thực sự thì đây có phải là chiêu bài mà Bắc Kinh muốn sử dụng đến hay không?
Các chuyên gia hiện vẫn chưa nhất quán trong việc đánh giá tác động của biện pháp ngưng xuất khẩu đất hiếm của Bắc Kinh. Liệu nó có thể là một yếu tố thay đổi cuộc chơi trong cuộc chiến tranh thương mại đang diễn ra hay không.
Một số ý kiến cho rằng, căn cứ vào những dữ liệu thương mại hiện tại, Mỹ hiện phụ thuộc nhiều vào nguồn cung của Trung Quốc. Do đó, việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm có thể gây tổn hại cho các ngành công nghiệp của Mỹ như công nghiệp quốc phòng và ô tô, thậm chí là cả sản xuất vũ khí quốc phòng.
Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 5 khi tới một nhà máy đất hiếm đã thúc đẩy suy đoán rằng Trung Quốc sẽ sử dụng vị trí thống trị của mình (sản xuất 70% lượng đất hiếm trên thế giới, số liệu năm 2018) để làm đòn bẩy trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến khác nói rằng công nghiệp sản xuất của Mỹ không tiêu thụ nhiều đất hiếm, bên cạnh đó, họ có thể có được những nguồn cung khác Trung Quốc. Vì vậy, khả năng Bắc Kinh sử dụng các khoáng sản này để trả đũa Washington sẽ có ít tác dụng.
Qiao Yide, Phó Chủ tịch của Cơ quan Nghiên cứu Phát triển Thượng Hải (SDRF) – một tổ chức phi lợi nhuận được thiết lập với mục đích thúc đẩy nghiên cứu về các vấn đề phát triển nhận định: “Trung Quốc vẫn nên mang thái độ cởi mở về căng thẳng thương mại, đối xử với các thỏa thuận thương mại và các công ty nước ngoài một cách thân thiện. Ngay cả khi hai bên không thể tiến tới thỏa thuận thương mại trong tương lai, Trung Quốc nên cải cách thị trường để nó trở nên công bằng và minh bạch trên hệ thống thương mại toàn cầu”.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/28591-tq-bat-dau-dung-bai-dat-hiem-my-hoang-mang.html
Không thể kết thêm bạn, cũng không được lắng nghe:
TQ đau đáu tìm giải pháp trị “cơn đau đầu” mãn tính?
Các quan chức Trung Quốc hiện nay đang phải đối mặt với thách thức chưa từng có tiền lệ khi vừa phải nghĩ cách làm vừa lòng công chúng, vừa khiến lãnh đạo hài lòng.
Tại sao Trung Quốc không thể kết thêm bạn?
Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP – Hồng Kông), tuần trước, một quan chức Trung Quốc đã nêu ra một câu hỏi đáng suy ngẫm đối với các đồng nghiệp của mình và cả chính phủ nước này: Tại sao [Trung Quốc] không thể kết thêm bạn, và tại sao tiếng nói của chúng ta không được [người khác] lắng nghe?
Trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng tăng nhiệt, câu hỏi trên lại càng có sức nặng hơn nữa, khi các quan chức trung Quốc nỗ lực giành được sự ủng hộ của dư luận trong nước và nước ngoài.
Và tất nhiên, trong sự kiện Đối thoại Shangri-La được tổ chức tại Singapore cuối tuần trước, thì câu hỏi này càng được chú ý và bàn luận nhiều hơn nữa, khi các quan chức Trung Quốc phải cân bằng giữa việc tỏ ra cứng rắn đối với một bộ phận công chúng trong nước ngày càng gia tăng tinh thần dân tộc, đồng thời cũng phải duy trì hình ảnh hòa hữu trước một bộ phận công chúng quốc tế cảnh giác trước những chính sách đối ngoại và quốc phòng quyết đoán của Trung Quốc.
Đại tá Triệu Hiểu Trác, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Khoa học Quân đội thuộc lực lượng Giải phóng Quân Nhân dân Trung Quốc (PLA) và từng là nhà ngoại giao của quân đội, cho biết những kỳ vọng trong và ngoài nước về biểu hiện của các quan chức tại Singapore có nhiều điểm mâu thuẫn.
“Hiện nay đang tồn tại hai luồng dư luận, một trong nước và một ngoài nước, và về cơ bản thì hai luồng ý kiến này đang phân về hai thái cực đối lập hoàn toàn”, ông Triệu nói.
“Nếu chúng tôi tỏ ra cứng rắn, thì dư luận trong nước sẽ hài lòng, nhưng điều đó lại làm mếch lòng công chúng quốc tế. Nhưng nếu chúng tôi tỏ vẻ mềm mỏng, thì chúng tôi sẽ trở
thành mục tiêu của làn sóng chỉ trích ở quê nhà”, vị đại tá này giải thích về tình thế giữa đôi dòng nước mà các quan chức Trung Quốc đang phải đối mặt.
Theo lời ông Triệu, thì đây là thách thức chưa từng có tiền lệ đối với những quan chức Trung Quốc, bởi họ không chỉ phải nghĩ cách làm vừa lòng công chúng, mà còn phải khiến lãnh đạo hài lòng.
“Nhiệm vụ của chúng tôi là làm ngoại giao và kết bạn”; tuy nhiên nếu giữ lập trường cứng rắn, thì “rất có thể anh không chỉ mất khả năng kết thêm bạn, mà còn khiến căng thẳng thêm trầm trọng”, ông Triệu nói.
Lần tái xuất hiếm hoi và bài phát biểu đặc biệt
Áp lực này đặc biệt lớn khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa có bài phát biểu trong lần tái xuất hiếm hoi tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La.
Theo một nguồn tin thân cận với truyền thông Trung Quốc, Chính phủ Bắc Kinh đã lo ngại về phản ứng của dư luận nội bộ trước bài phát biểu của ông Ngụy. Họ đã lệnh cho các cơ quan truyền thông trong nước hạn chế đăng tin về bài phát biểu của Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan, trong trường hợp phát ngôn của ông này khiến Trung Quốc có vẻ yếu thế hơn tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La.
Trong phần phát biểu của mình, ông Ngụy đã đưa ra các lập luận với giọng điệu thách thức, khẳng định rằng lực lượng PLA sẽ “chiến đấu bằng mọi giá” để “thống nhất” đảo Đài Loan. Bên cạnh đó, ông này cũng tuyên bố đanh thép rằng Trung Quốc đã sẵn sàng đấu với Mỹ tới tận cùng của cuộc chiến thương mại.
Thiếu tướng Kim Nhất Nam đến từ Đại học Quốc phòng Trung Quốc là một trong những thành viên thuộc phái đoàn đại diện của nước này tham dự diễn đàn Đối thoại Shangri-La. Ông Kim cho biết bài phát biểu của bộ trưởng Ngụy đã chứng minh sự tự tin của Trung Quốc trên trường quốc tế và vượt qua những kì vọng rằng Trung Quốc sẽ kiềm chế trước Mỹ.
Những phản ứng từ dư luận trong nước đã tới rất nhanh chóng và đầy tích cực. Hàn vạn người dùng internet của Trung Quốc đã sử dụng các kênh mạng xã hội như Weibo để thể hiện sự đồng tình trước bài phát biểu cứng rắn của ông Ngụy.
“Đây chính là kiểu thái độ mà quân đội Trung Quốc cần cho cả thế giới thấy”, một người bình luận.
“Tôi rất tự hào khi đất nước mình mạnh mẽ đến vậy”, một người khác nói.
Năm ngoái, cơ quan tuyên truyền của nhà nước Trung Quốc đã kiểm soát chặt chẽ truyền thông nước này về những vấn đề liên quan tới cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, và cấm báo đài đưa tin độc lập về các xung đột giữa hai nước.
Tuy nhiên, sau khi đàm phán thương mại đổ vỡ hồi đầu tháng 5 vừa qua, quan chức nước này đã cho phép và tăng cường đăng tải các bài viết, tin tức khơi gợi tinh thần dân tộc trên báo đài.
Không chỉ có vậy, mà Trung Quốc còn nỗ lực gây chú ý với thế giới bằng cách đưa ra tuyên bố chính thức. Vào cùng ngày Bộ trưởng Quốc phòng nước này có bài phát biểu tại Singapore, thì trong nước, Quốc vụ viện Trung Quốc cũng công bố văn bản “sách trắng”, nói rằng Mỹ phải chịu trách nhiệm cho việc đàm phán thương mại đổ vỡ.
Một đại biểu Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La cho biết, Bắc Kinh đã hiểu rằng Washington đã có được lợi thế trong việc định hình dư luận toàn cầu từ rất lâu, do đó Trung Quốc có nhiệm vụ cấp bách là phải tìm cách khiến người khác nghe thấy tiếng nói của mình.
“Phía Mỹ đã chỉ trích chúng ta rất nhiều. Nhưng tại sao chúng ta lại để họ thống lĩnh tất cả các diễn đàn và nói câu chốt trong mọi vấn đề như vậy?”, vị đại biểu trên nói.
Trong 8 năm qua, Trung Quốc không cử quan chức cấp cao tới dự Đối thoại Shangri-La, và sự xuất hiện của ông Ngụy tại sự kiện năm nay được cho là có ý nghĩa đặc biệt. Có thể nói rằng trước đó Bắc Kinh đã không đánh giá đúng tầm quan trọng của diễn đàn này khi cho rằng đây là một nền tảng để Mỹ và các đồng minh phương Tây tấn công Trung Quốc.
Năm 2002, Trung Quốc đã bắt đầu tổ chức diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh – một nền tảng cạnh tranh với Đối thoại Shangri-La nhằm khuếch đại tiếng nói của nước này về những vấn đề an ninh.
Diễn đàn Hương Sơn tuy không có quy mô và uy tín như diễn đàn Đối thoại Shangri-La, tuy nhiên điều này cũng cho thấy Trung Quốc có nỗ lực “khiến người khác lắng nghe”.
Triều Tiên kêu gọi
Hoa Kỳ thay đổi ‘chính sách thù địch’
Truyền thông nhà nước Triều Tiên hôm 11/6 kêu gọi Hoa Kỳ hãy “rút lại chính sách thù địch” đối với Bình Nhưỡng, nếu không thì các thỏa thuận đã đạt tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore một năm về trước có thể “trở thành tờ giấy trắng”, theo Reuters.
Tuyên bố đó đăng tải trên KCNA- hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên, lặp lại một cảnh báo tương tự vào tuần trước, phản ánh sự bế tắc kể từ sau thất bại của hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Hà Nội hồi tháng 2.
Hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội thất bại về những bất đồng khi Hoa Kỳ đòi Triều Tiên phi hạt nhân hóa trong khi Triều Tiên yêu cầu Mỹ phải dỡ bỏ trừng phạt.
Reuters dẫn lại tuyên bố của KCNA: “Chính sách đơn phương và ngạo mạn của Hoa Kỳ sẽ không bao giờ có hiệu quả đối với CHDCND Triều Tiên, vốn rất coi trọng chủ quyền”,
Bài viết nói rằng tuyên bố chung bốn điểm mà ông Trump và ông Kim đã ký vào ngày 12/6 năm ngoái, cam kết làm việc hướng tới một mối quan hệ mới, đang “có nguy cơ trở thành một tờ giấy trắng bởi vì Hoa Kỳ làm ngơ việc thực thi thỏa thuận đó”.
“…giờ đã tới lúc Hoa Kỳ phải từ bỏ chính sách thù địch của mình đối với CHDCND Triều Tiên”, theo KCNA.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm thứ Hai nói ông tin rằng các cuộc đàm phán giữa Hàn Quốc và Triều Tiên và giữa Triều Tiên và Hoa Kỳ sẽ sớm nối lại.
Trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Phần Lan, ông Moon nói các cuộc đàm phán về cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ ba giữa Triều Tiên và Hoa Kỳ đang diễn ra, “vì vậy tôi nghĩ là trong tình huống này, không cần phải có sự dàn xếp của một nước thứ ba”.
Tuần trước, ông Trump nói ông mong gặp lại ông Kim vào một thời điểm thích hợp.
Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản vào cuối tháng này, và sau đó sẽ đến Hàn Quốc để gặp ông Moon và phối hợp nỗ lực cho việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên, Reuters dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Morgan Ortagus cho biết hôm thứ Hai.
https://www.voatiengviet.com/a/trieu-tien-keu-goi-hoa-ky-thay-doi-chinh-sach-thu-dich/4954522.html