Hà Nội nhảy nhịp điệu với Trump
June 9, 2019
Nguyễn Hiền
(VNTB) – Và sự gắn kết giữa Hà Nội với Washington dường như đem lại một không khí tích cực trên cộng đồng người dùng Facebook. Nhiều người dùng kỳ vọng mối quan hệ này sẽ phát triển, và Việt Nam sẽ thu đủ tiềm lực để trở nên độc lập và cứng rắn hơn trước Bắc Kinh, một quốc gia liên tục giao tranh và chiếm đóng Việt Nam trong suốt chu trình lịch sử.
Kể từ khi nắm giữ chức vụ Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump, một “nhà buôn tư bản” đã ưu ái Việt Nam trong ngôn từ, khi ông nhắc đến Việt Nam khi gợi mở sự hỗ trợ kinh tế với nhà nước cộng sản Bắc Triều Tiên, cũng như với Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại vừa qua.
Việt Nam! Việt Nam luôn được ông Donald Trump “réo gọi”, trong cả tweet lẫn khi trả lời phỏng vấn báo giới, và tất “kinh tế – thương mại” là trọng tâm mà người đứng đầu Nhà Trắng nhấn mạnh.
Hà Nội có vẻ “hiểu Donald Trump” nhanh hơn Bắc Kinh, là chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều vào năm 2019, Hà Nội làm Trump hài lòng với lễ ký kết hợp đồng mua máy bay trị giá 15,7 tỷ USD, và 5,3 tỷ USD cho việc mua động cơ của hãng hàng không trong nước.
Vào năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Nhà Trắng, và có hẳn 13 giao dịch trị giá 8 tỷ USD.
Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng cũng ghi nhận dấu ấn 12 tỷ USD thỏa thuận.
Bằng cách ký kết các thỏa thuận thương mại, Hà Nội đã khiến Trump bớt lo lắng hơn về thâm hụt thương mại hai nước.
Hãng tin FT trong một bài viết ngày 6.6 đã thâu tóm toàn bộ mối quan hệ Việt – Mỹ cho đến thời điểm hiện tại bằng cụm từ, “mặc dù thặng dư thương mại 39,5 tỷ USD của Việt Nam trong năm 2018 với Mỹ, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho đến nay dường như đã rất thích Việt Nam.”.
Đó không phải là sự ngẫu nhiên, mà chính là những bước nhảy nhịp điệu đầy chiến lược của Hà Nội với Nhà Trắng, hay Hà Nội đã nhảy điệu nhạc mà ông Donald Trump ưa thích.
Mới đây, trong báo cáo tháng 5 của Bộ Tài chính, Việt Nam là một trong 5 quốc gia mới nhất nằm trong danh sách theo dỏi khả năng thao túng tiền tệ (hiện tại là 9 nước), một trong những lý do chính là do vấn đề thặng dư thương mại với Mỹ và thặng dư cán cân vãng lai. Đáp lại, thống đốc Ngân hàng Việt Nam tuyên bố sẽ “trao đổi, làm việc về các vấn đề mà Bộ Tài chính Mỹ quan tâm trên tinh thần hợp tác, đồng thời tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ”.
Nhưng để làm “hài lòng Mỹ”, có lẽ chuyến thăm sắp tới của ông Nguyễn Phú Trọng sẽ là chuyến thăm nặng ký về thỏa thuận thương mại, có thể vượt mức tỷ giá USD so với chuyến thăm của ông Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 5.2017.
Và đó tiếp tục là điệu nhảy phù hợp với Hà Nội.
Đổi lại, những tin tức thuận lợi về quốc phòng hai quốc gia cũng như biển đông, lẫn tác động tích cực từ cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ đang đổ về Việt Nam.
Vấn đề Biển Đông đang được Mỹ và các nước đồng minh can thiệp sâu, và điều này tạo thuận lợi cho Hà Nội tiếp tục giữ được hòa bình lẫn chủ quyền mà không rơi vào một cuộc xung đột nào với Bắc Kinh, ít nhất cho đến khi ông Donald Trump còn tại vị.
Đối với vấn đề thương mại, trong ba tháng đầu năm 2019, Mỹ đã tăng cường nhập khẩu ghẹ từ Việt Nam, trị giá 13 triệu USD, tăng 10 triệu USD so với cùng kỳ, và coi đây như một nguồn cung đảm bảo hạn chế thiếu hụt từ việc tăng mức thuế đối với mặt hàng này lên 25% đối với Trung Quốc. Một chỉ dấu cho thấy Việt Nam đang hưởng lợi trong cuộc chiến Mỹ – Trung. Nhưng đó chưa phải là kết quả cuối cùng, Business Standard mới đây đã đăng tải một báo cáo cho biết, Việt Nam, Đài Loan, Chile là ba quốc gia tăng trưởng mạnh nhất từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, trong đó Việt Nam là nước hưởng lợi lớn nhất, đạt 7,9% GDP (tổng sản phẩm quốc nội) từ chuyển hướng thương mại, tiếp theo là Đài Loan (2,1% GDP), Chile (1,5%), Malaysia (1,3%) và Argentina (1,2%).[1]
Về quân sự, chính quyền Trump thông báo đang bán máy bay không người lái giám sát vũ trang cho Việt Nam, và điều này đã khiến Trung Quốc phải chú ý. Và Thượng uý Đặng Đức Toại là phi công quân sự đầu tiên của nước Việt Nam cộng sản được không quân Mỹ được huấn luyện, đào tạo.
Tờ Washington Post trong bài báo ngày 6.6 nhận định, Việt Nam có thể kiềm chế tham vọng của Trung Quốc bằng con đường ngoại giao. Nhưng đúng hơn, bên cạnh ngoại giao là những thỏa thuận thương mại, và Hà Nội hoàn toàn hợp ý với chính quyền Trump về cả địa vị chính trị và những bước đi toan tính, ít nhất là tính đến thời điểm hiện tại.
Một nghiên cứu của tác giả Małgorzata Pietrasiak, một nghiên cứu viên thuộc khoa Nghiên cứu quốc tế và chính trị Đông Á, thuộc ĐH Łódź mang tên, “trò chơi Việt Nam giữa Mỹ và Trung Quốc”, nhận định rằng, Việt Nam cố gắng ứng phó với sự thay đổi của quốc tế tình hình, trong khi cố gắng theo đuổi tham vọng của riêng mình.
Hà Nội đang có vẻ chủ động trong trò chơi nêu trên.
Và sự gắn kết giữa Hà Nội với Washington dường như đem lại một không khí tích cực trên cộng đồng người dùng Facebook. Nhiều người dùng kỳ vọng mối quan hệ này sẽ phát triển, và Việt Nam sẽ thu đủ tiềm lực để trở nên độc lập và cứng rắn hơn trước Bắc Kinh, một quốc gia liên tục giao tranh và chiếm đóng Việt Nam trong suốt chu trình lịch sử.
Tham khảo:
Theo VNTB