Đọc báo Pháp – 10/06/2019
Algeri : Cuộc cách mạng trong ngõ cụt
Thứ Sáu 07/06/2019, người dân Algeri lại xuống đường, lần thứ 16, để phản đối chế độ cầm quyền, hiện nằm dưới sự điều hành của tướng Ahmed Gaïd Salah, sau khi tổng thống Abdelaziz Bouteflika từ chức. « Algeri trong ngõ cụt » là nhận định của bài xã luận Le Monde bởi vì từ bốn tháng nay, quốc gia Bắc Phi này rơi vào tình trạng « tạm ngừng » trên mọi mặt.
« Tạm ngừng » vì một phong trào phản kháng sâu rộng của người dân kéo dài từ thứ Bẩy 16/02 với một cuộc tuần hành bộc phát phản đối nhiệm kỳ thứ 5 của tổng thống Bouteflika và từ đó đến giờ, cứ thứ 6 hàng tuần, họ lại xuống đường một cách ôn hoà. Một sự kiện chưa từng có trong lịch sử Algeri !
« Tạm ngừng » đối với một chế độ độc tài, giờ do quân đội kiểm soát. Chế độ độc tài đó cầm quyền từ khi Algeri giành được độc lập và vẫn đeo bám quyền lực sau khi chỉ nhân nhượng vài điểm, như tổng thống 82 tuổi Bouteflika rút lui.
« Tạm ngừng » vì một nền kinh tế phát triển chậm lại do bị cuốn theo vòng xoáy chính trị.
Theo xã luận của nhật báo Le Monde, tình hình chính trị ở Algeri hoàn toàn rơi vào ngõ cụt. Chủ Nhật 02/06, Hội Đồng Bảo Hiến quyết định lùi ngày bầu cử tổng thống, dự kiến diễn ta ngày 04/07 vì thiếu ứng viên : Hiện chỉ có hai ứng viên không tên tuổi ghi danh vào cuộc bầu cử mà người biểu tình bác bỏ. Họ phản đối hoàn cảnh và những điều kiện mà cuộc bầu cử sẽ được tổ chức. Đây là lần thứ hai, sau lần đầu vào ngày 18/04, chính quyền thân Bouteflika hủy bầu cử tổng thống nhằm có thêm thời gian.
Như vậy, ngày tổ chức bầu cử tổng thống vẫn chưa được ấn định, trong khi đó nhiệm kỳ tổng thống tạm quyền, sẽ chính thức kết thúc ngày 09/07, vừa được Hội Đồng Bảo Hiến kéo dài vô thời hạn. Tình hình chính trị tại Algeri tiếp tục rơi vào vô định !
Thực quyền hiện nằm trong tay tham mưu trưởng quân đội, tướng Ahmed Gaïd Salah, 79 tuổi, trụ cột của chế độ từ 20 năm nay. Có lẽ cũng bị bất ngờ như chính giới về quy mô của phong trào phản đối và nghĩ rằng phong trào sẽ nhanh chóng bị dập tắt, tướng Salah không đưa ra bất kỳ dấu hiệu cởi mở nào mà dường như chỉ chăm chăm lo giữ chiếc ghế của mình. Và điều này tạo điều kiện cho các cuộc thanh toán nội bộ giữa những phe phái của chế độ cầm quyền, dẫn đến các cuộc bắt giam trong hàng ngũ « đặc quyền đặc lợi ».
Người dân Algeri, đặc biệt là giới trẻ, thể hiện quyết tâm tới cùng. Họ không muốn thay đổi chính trị gia trên thượng tầng mà yêu cầu thay đổi toàn bộ chế độ. Quyết tâm này càng sôi sục hơn sau khi Kamel Eddine Fekhar, một nhà đấu tranh bảo vệ nhân quyền, bị chết trong tù ngày 28/05 sau khi tuyệt thực khi bị bắt ngày 31/03.
Ngày 06/05, tổng thống tạm quyền Bensalah kêu gọi đối thoại giữa « giới chính trị » và « xã hội dân sự » – con đường bắt đầu cho giai đoạn quá độ chính trị. Vấn đề ở chỗ « giới chính trị »hoàn toàn bị mất tín nhiệm, trong khi « xã hội dân sự » chưa tìm được gương mặt đại diện. Để có được đối thoại, tướng Gaïd Salah phải cam kết được với người dân rằng giới cầm quyền chân thành, minh bạch trong việc tôn trọng tiến trình quá độ được tổ chức một cách dân chủ.
Xã luận của Le Monde cho rằng đây là lối thoát duy nhất cho Algeri, trong khi hình ảnh về đất nước Sudan và cuộc đàn áp đẫm máu phong trào nhân dân đã buộc tổng thống Omar Al Bachir phải từ chức vẫn còn đọng lại trong tâm trí người biểu tình Algeri hôm thứ Sáu 07/06.
Algeri : Trở về nơi khai mào phong trào phản kháng dân chủ
Phóng viên của Le Monde đã đến Kherrata, một thành phố có 40.000 dân trong vùng Kabylie, nơi xuất phát từ tháng 02/2019 phong trào chống bộ máy cầm quyền. Đứng đầu là ba thanh niên, một đội ngũ nhà đấu tranh, các nghiệp đoàn và hiệp hội.
Kherrata từng là cái nôi của nhiều cuộc tuần hành trước đó, cuộc nổi dậy năm 2001, cuộc tuần hành phản đối đời sống đắt đỏ năm 2011… Theo lời kể của một số nhân chứng với phóng viên của Le Monde, phẫn nộ trước thông báo ngày 10/02 của tổng thống Bouteflika ra tranh cử nhiệm kỳ thứ 5, ba thanh niên sống ở Kherrata đã nghĩ đến việc tại sao không tổ chức tuần hành phản đối chế độ. Không tự mình làm được, họ kêu gọi « những người anh », các nhà đấu tranh, nghiệp đoàn, hiệp hội giúp đỡ.
Karim Chadli, một nhà giáo, kể với Le Monde : « Cuộc tuần hành được chuẩn bị bí mật trong nhiều ngày. Sau đó chúng tôi đồng loạt xuống đường. Chúng tôi xuất hiện. Dĩ nhiên là cơ quan an ninh nhận dạng được chúng tôi. Nhưng cỗ máy đã được khởi động ».
Khắp thành phố Kherrata và các làng lân cận xuất hiện nhiều biểu ngữ : « Chúng tôi kêu gọi người dân tham gia tuần hành ôn hòa phản đối nhiệm kỳ thứ 5 và hệ thống cầm quyền. Thế giới sẽ bị hủy diệt, không phải tại những người làm điều xấu, mà do chính những người nhìn họ ra tay mà không hành động gì ». Hàng nghìn người đã hưởng ứng và xuống đường ngày 16/02. Phong trào đã lan rộng khắp Algeri trong lần xuống đường thứ hai ngày 22/02, với vài triệu người tham gia.
« Sinh viên đóng vai trò hàng đầu » trong phong trào phản đối chế độ Algeri
Khởi đầu phong trào biểu tình tại Algeri là 3 gương mặt thanh niên. Trả lời phỏng vấn Le Monde, Farida Souiah, nhà nghiên cứu khoa học chính trị tại đại học Aix-Marseille, nhấn mạnh đến « vai trò hàng đầu của sinh viên » trong phong trào phản đối chế độ « chưa từng có trong lịch sử Algeri đương đại » vì đây là « một cuộc biểu tình có quy mô lớn », « kéo dài », diễn ra ở « khắp các vùng », quy tụ « mọi tầng lớp xã hội, mọi thế hệ ».
Theo nhà nghiên cứu, phong trào này trước tiên chính là sự hòa giải giữa người dân Algeri với nhau. Nếu như năm 2011, thế hệ trẻ chưa dám nổi dậy như tại Tunisia hay Ai Cập do sợ « bị trấn áp », hiện nay, phần lớn thanh niên Algeri đã tin vào khả năng của họ trong việc huy động toàn dân và thay đổi đất nước. Thậm chí, họ còn chứng tỏ tư cách và ý thức công dân của mình khi đi nhặt rác sau mỗi cuộc tuần hành thứ Sáu hàng tuần.
Riêng về sinh viên, theo nhà nghiên cứu, họ đóng vai trò quan trọng trong phong trào, vì ngoài cuộc tuần hành toàn dân mỗi thứ Sáu hàng tuần, giới sinh viên còn tổ chức tuần hành riêng vào mỗi thứ Ba. Nhờ phổ cập giáo dục đại học, Algeri hiện có 1,7 triệu sinh viên, trong đó gần 60% là sinh viên nữ.
Hồng Kông biểu tình
chống luật dẫn độ sang Hoa lục
Thời sự châu Á nổi bật là cuộc tuần hành ngày 09/06/2019 của hàng trăm nghìn người dân Hồng Kông chống luật dẫn độ sang Hoa lục, được nhật báo Le Figaro đề cập.
Họ giương cao các biểu ngữ : « Dẫn độ sang Trung Quốc là mất tích vĩnh viễn » và đòi đặc khu trưởng Hồng Kồng Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) từ chức. Cuộc biểu tình rầm rộ ngày 09/06 được cho là mang tính quyết định vì luật dẫn độ sẽ được đưa ra thảo luận tại Nghị Viện Hồng Kông, do phe thân Bắc Kinh chiếm đa số, vào thứ Tư 12/06 và có thể sẽ được thông qua từ giờ đến cuối tháng.
Người dân Hồng Kông lo ngại đạo luật trên sẽ làm thụt lùi quy chế bảo vệ tư pháp và có thể bị lạm dụng để trấn áp những tiếng nói chỉ trích chính quyền Bắc Kinh. Nhiều người lo ngại : « Nếu luật được thông qua, bất kỳ ai ở Hồng Kông đều có thể mất tích » vì chẳng ai được xét xử công bằng ở Hoa lục.
Một sinh viên tham gia biểu tình cho rằng luật dẫn độ « sẽ đe dọa trực tiếp đến các giá trị cơ bản của Hồng Kông » và « sự độc lập về tư pháp ». Còn đối với Chris Patten, thống đốc Hồng Kông cuối cùng của Anh, nếu được thông qua, thì đạo luật sẽ là một « cú giáng khủng khiếp »đối với nguyên tắc nhà nước pháp quyền và danh tiếng trung tâm tài chính quốc tế của Hồng Kông.
Các nhà xuất bản độc lập Hồng Kông tìm cách cưỡng lại sức ép từ Bắc Kinh
Trong tầm ngắm của đạo luật dẫn độ sang Hoa lục sẽ có nhiều người trong giới xuất bản độc lập ở Hồng Kông. Đó là những người dám đối đầu với chính quyền Bắc Kinh khi cho xuất bản nhiều tác phẩm chỉ trích chế độ Bắc Kinh, về những sự kiện cấm kị như vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989.
Vẫn theo phóng viên của Le Figaro, không chờ đến luật dẫn độ được thông qua, đã có 5 nhà sách Hồng Kông bị giam cầm ở Hoa lục. Ngay từ năm 2010, Bắc Kinh đã tìm cách bóp nghẹt ngành xuất bản độc lập này, « từ tác giả, nhà xuất bản, nhà in, nhà phân phối, các hiệu sách và khách hàng », theo nhận định của một nhà nghiên cứu cho tổ chức phi chính phủ Human Right Watch.
Tuy nhiên, công chúng vẫn có nhu cầu đọc sách bị cấm in ở Hoa lục và điều này động viên giới xuất bản độc lập Hồng Kông tiếp tục, theo ông Bao Pu, một nhà xuất bản độc lập. Ông Bao Pu cho biết rất nhiều thanh niên Trung Quốc bất chấp rủi ro để có được những tác phẩm tiết lộ những điều mà chính quyền Bắc Kinh luốn muốn che giấu.
Mỹ tham gia cuộc chiến
chống các nhà khổng lồ internet
Bộ Tư Pháp Mỹ, Ủy ban Thương Mại Liên bang và một số nghị sĩ Mỹ đã khởi động tiến trình nhắm vào GAFA, bốn « đại gia » trên internet, gồm Google, Apple, Facebok và Amazon. Le Monde đưa tin : « Washington tham gia cuộc chiến chống các nhà khổng lồ internet ».
Bị nghi ngờ là thống lĩnh, thậm chí là độc quyền, vi phạm luật Clayton chống độc quyền được thông qua năm 1914, các đại tập đoàn trong lĩnh vực kỹ thuật số trở thành đối tượng tấn công của một mặt trận chung, chưa từng có, giữa nghị sĩ của cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ tại Mỹ trong Ủy ban Tư pháp Hạ Viện, trong đó có Apple và Amazon.
Phía Ủy ban Thương mại Liên bang sẽ tập trung vào Facebook, trong khi Bộ Tư Pháp Mỹ sẽ thiên về trường hợp Google.
Vậy « GAFA bị chỉ trích về điều gì ? », câu hỏi được Le Monde nêu lên trong một bài viết khác. Thứ nhất, Facebook bị trỉ chích có quá nhiều quyền lực với hai ứng dụng WhatsApp và Instagram. Google thì trở thành công cụ tìm kiếm quá mạnh. Amazon trở thành trang bán hàng trực tuyến phân biệt, đè bẹp các doanh nghiệp nhỏ. Apple thì quá háu ăn với AppStore.
Tóm lại, một bài viết trong mục « Ý kiến » trên Le Figaro nhận định : « Đến hồi chấm dứt tình trạng độc quyền Gafa », chấm dứt « quyền bất khả xâm phạm » do sự đóng góp của các tập đoàn này cho nền kinh tế Mỹ, cũng như mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan tình báo. Chính quyền Mỹ không thể khoanh tay trước sự phẫn nộ của công luận sau hàng loạt vụ tai tiếng trao đổi, đánh cắp thông tin người sử dụng, trốn thuế, tung tin giả, hoặc mạng xã hội được thánh chiến huy động để tuyên truyền khủng bố.
Trang nhất các nhật báo
Thứ Hai 10/06 là ngày lễ chúa thánh thần hiện xuống, chỉ có hai nhật báo Pháp Le Figaro và Le Monde số ba ngày ra rạp. Tình hình nội bộ với những rạn nứt, chia rẽ trong đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa (Les Républicains) là chủ đề chính của Le Figaro. Trang nhất của Le Monde trở lại cội nguồn của cuộc phản kháng ở Algeri, hiện đang rơi vào ngõ cụt.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190610-algeri-cuoc-cach-mang-trong-ngo-cut
Tin đọc nhanh
(AFP) – Trung Quốc : Xuất khẩu vẫn tăng mạnh bất chấp cuộc chiến thương mại.
Sau khi bị khựng lại trong tháng, xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng vọt trở lại trong tháng 05/2019. Theo số liệu của hải quan Trung Quốc công bố hôm nay 10/06/2019, hàng hóa xuất cảng tăng 1,1%, trong khi khối lượng hàng nhập khẩu giảm mạnh 8,5%, so với mức tăng 4% trong tháng 4.
(AFP) – Pháp khai mạc Liên hoan phim hoạt hình Annecy lần thứ 43.
Annecy, thành phố phía đông nước Pháp, một điểm hẹn lớn cho ngành sản xuất phim hoạt hình, hôm nay 10/06/2019 chính thức khai mạc. Trong vòng 6 ngày, hơn 500 bộ phim sẽ được trình chiếu, trong đó có 214 phim dự tranh giải. Nhật Bản với hơn 100 bộ phim được trao giải trong năm 2017 sẽ là khách mời danh dự năm nay. Nhật Bản cũng là quốc gia sản xuất phim hoạt hình đứng hàng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ.
(Reuters) – Chiến đấu cơ F-35 Nhật Bản gặp nạn vì phi công bị chóng mặt.
Theo không quân Nhật Bản ngày 10/06/2019, tình trạng « mất phương hướng về không gian » của phi công có lẽ là nguyên nhân khiến cho một chiếc F-35 chúi mũi đâm xuống Thái Bình Dương vào tháng Tư vừa qua với vận tốc hơn 1.100 cây số/giờ. Chiếc chiến đấu cơ tàng hình hiện đại đã biến mất khỏi màn hình ra đa nhân một cuộc tập huấn cùng với ba chiếc F-35 khác. Nhiều mảnh vỡ của phi cơ đã được tìm thấy, còn viên phi công 41 tuổi đã thiệt mạng.
(AFP) – G20 quan tâm đến vấn đề dân số già nua.
Bộ trưởng Tài Chính các quốc gia G20 vào hôm qua, 09/06/2019, đã thảo luận về vấn đề dân số già đi, khiến chi phí về sức khỏe bùng nổ trong lúc số người trong tuổi lao động ngày càng giảm đi. Nhật Bản nước chủ trì cuộc họp ở Fukuoka, đã chọn chủ đề này để chia sẻ kinh nghiệm vì sẽ có 28% cư dân trên 65 tuổi và tỷ lệ này sẽ lên 40% vào năm 2050. Tổng thư Ký G20, Angel Gurria nhận định bi quan : « Đây là xu hướng không thể tránh được và cũng không thể đột nhiên ngăn chặn được, riêng G20 đặc biệt già đi rất nhanh ».
(AFP) – Chuyến bay đầu tiên xuyên Đại Tây Dương tròn 100 tuổi.
Cách đây 100 năm hai phi công người Anh, đại úy John Alcock và thiếu úy Arthur Whitten Brown, ngày 14/06/1919, đã thực hiện chuyến bay đầu tiên không ngừng nghỉ xuyên Đại Tây Dương. Trên chiếc máy bay hai động cơ Vickers, họ đi một mạch từ vùng Terre Neuve, vượt 3000 cây số, phần hẹp nhất phía bắc Đại Tây Dương, bay đến Ireland. Trước họ, đã có ba thủy phi cơ Mỹ băng qua Đại Tây Dương, nhưng đã có chặng dừng trên một số đảo.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190610-tin-doc-nhanh