Tin Biển Đông – 10/06/2019
TQ ‘ngụy biện’ về đảo nhân tạo ở Biển Đông
Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2019 tại Singapore, Giám đốc Trung tâm Hợp tác An ninh thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Đại tá Zhou Bo, đã cố gắng ngụy biện rằng các hòn đảo nhân tạo mà họ xây dựng phi pháp ở Biển Đông là có tư cách như các hòn đảo bình thường vì đã được đặt tên từ rất lâu.
Điều 60 của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) quy định rằng quốc gia ven biển “sẽ có độc quyền xây dựng, ủy quyền và quản lý việc xây dựng, vận hành và sử dụng” các đảo nhân tạo.
Theo UNCLOS, các đảo nhân tạo, các cấu trúc và công trình lắp đặt không được công nhận là tư cách của các hòn đảo tự nhiên.
“Chúng không có vùng lãnh hải của riêng mình và sự hiện diện của chúng không ảnh hưởng đến việc phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa”, UNCLOS quy định.
Tuy nhiên, Trung Quốc tự nhận các công trình nhân tạo mà họ xây dựng phi pháp trên các rạn san hô ở Biển Đông là một phần lãnh thổ của họ, trái ngược với điều khoản của UNCLOS rằng các đảo nhân tạo không được coi là hòn đảo, không có vùng lãnh hải của riêng chúng.
Thắng lợi ban đầu của Tổng thống Trump trước Trung Quốc trên Biển Đông
Trong bài phát biểu tại Shangri-La, ông Zhou Bo chất vấn “[Nếu] chúng là các đảo nhân tạo, thế thì tên của chúng là ở đâu ra?”, Collin Koh, chuyên gia nghiên cứu an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, trích dẫn lời ông Bo trên Twitter.
Ông Zhou Bo đã “nhập nhèm” giữa tên gọi của các rạn san hô và các công trình nhân tạo mà Trung Quốc tự ý xây dựng trên đó.
Với tuyên bố rằng các công trình nhân tạo cũng có tư cách là các hòn đảo, Bắc Kinh tự nhận rằng các thực thể này là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.
Tại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hoàng đưa ra lời ngụy biện rằng Bắc Kinh quân sự hóa các công trình nhân tạo trên Biển Đông để “tự vệ”.
“Trung Quốc đã xây dựng các cơ sở quốc phòng hạn chế trên các đảo và rạn san hô để tự vệ. Chỉ đến khi có những mối đe dọa thì mới có phòng thủ”, ông Ngụy nói.
Cũng trong sự kiện này, ông Ngụy tuyên bố vụ quân đội thảm sát hàng ngàn sinh viên ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 là một điều “đúng đắn”, thu hút sự chỉ trích từ Đài Loan, hòn đảo có cùng nguồn gốc văn hóa truyền thống Trung Hoa nhưng đi theo con đường tự do, dân chủ.
Đài Loan kêu gọi Trung Quốc “hối lỗi” về vụ thảm sát và tiến hành cải cách theo hướng dân chủ.
http://biendong.net/bi-n-nong/28512-tq-nguy-bien-ve-dao-nhan-tao-o-bien-dong.html
Đức có thể điều tàu chiến qua eo biển Đài Loan
Chính phủ Đức có thể thay đổi chính sách tránh đối đầu và tăng hiện diện quân sự ở châu Á nhằm cải thiện quan hệ với Mỹ.
Các quan chức cấp cao Đức hồi tuần trước cho biết Bộ Quốc phòng nước này đang thảo luận kế hoạch điều tàu chiến qua eo biển Đài Loan, nhưng thời gian cụ thể chưa được quyết định.
Theo giới quan sát, nếu kế hoạch được thông qua, đây sẽ là điều chỉnh đáng chú ý trong chính sách “tránh đối đầu” được Đức duy trì suốt nhiều thập kỷ qua. Berlin gần đây có một số động thái thể hiện lập trường không can dự vào các vấn đề quốc tế như rút binh sĩ khỏi Libya vào năm 2011, thận trọng trong việc triển khai quân ở Afghanistan cũng như không tham gia vào chiến dịch chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria.
Việc chính quyền Đức công khai ủng hộ đồng minh Mỹ trong vấn đề Đài Loan nhiều khả năng sẽ vấp phải sự phản đối gay gắt từ các đảng phái theo đuổi quan điểm chống can dự trong nước.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng nhiều quan chức trong chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel đã nhận thấy nhiều lợi ích mà động thái này đem lại, đặc biệt trong việc cải thiện mối quan hệ với Mỹ trong bối cảnh Washington đang có kế hoạch hoãn tăng thuế ôtô nhập khẩu từ Đức trong 6 tháng tới.
Ngoài ra, kế hoạch điều tàu chiến qua eo biển Đài Loan cũng giúp Đức gửi thông điệp cạnh tranh tới Pháp, quốc gia gần đây luôn thể hiện như một cường quốc quân sự số một trong Liên minh châu Âu (EU) và thường xuyên chỉ trích chính sách im lặng của Berlin.
Căng thẳng tại eo biển Đài Loan gần đây gia tăng khi Mỹ tăng cường triển khai tàu chiến đi qua khu vực, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc. Hồi đầu tháng 5, Hạ viện Mỹ thông qua dự luật ủng hộ Đài Loan khi các nghị sĩ kêu gọi cách tiếp cận sắc nét hơn trong quan hệ với Trung Quốc. Lầu Năm Góc cho biết Mỹ đã bán hơn 15 tỷ USD vũ khí cho Đài Loan kể từ
năm 2010, trong khi các quan chức chính phủ Mỹ cho hay họ đang theo đuổi hợp đồng bán vũ khí trị giá hơn 2,6 tỷ USD cho hòn đảo này.
Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một tỉnh cần phải thống nhất bằng mọi giá, kể cả phải sử dụng vũ lực, cũng như là vấn đề nhạy cảm và quan trọng nhất trong quan hệ với Mỹ. Chính quyền Tổng thống Trump gần đây thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ hơn với Đài Loan, dù vẫn duy trì chính sách “Một Trung Quốc”.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/28532-duc-co-the-dieu-tau-chien-qua-eo-bien-dai-loan.html
Tàu khu trục và tàu tiếp vận hậu cần của Canada
thăm cảng Cam Ranh
Tàu khu trục Regina và tàu tiếp vận hậu cần Asterix của Hải quân Hoàng gia Canada cùng 240 thủy thủ đoàn thăm Việt Nam trong 3 ngày, từ ngày 10 đến ngày 13 tháng 6.
Truyền thông cho biết đây là lần đầu tiên hai chiếc tàu Regina và Asterix vừa cập cảng Cam Ranh và mục đích của chuyến thăm này nhằm tiếp tục tăng cường mối quan hệ quốc phòng giữa hai nước Canada và Việt Nam.
Trong lịch trình chuyến thăm, chỉ huy hai tàu Canada sẽ gặp gỡ với Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa và Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân. Đồng thời, Đoàn hải quân Hoàng gia Canada có các buổi giao lưu, sinh hoạt tại địa phận tỉnh Khánh Hòa với cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân, sinh viên Đại học Khánh Hòa, Trung tâm Bảo trợ trẻ em ở thành phố Nha Trang và Mái ấm Nhân Ái ở thành phố Cam Ranh.
Báo giới quốc nội dẫn lời của Đại sứ quán Canada cho biết tàu khu trục Regina đang tham dự chương trình hoạt động trao đổi giữa Hải quân Hoàng gia Canada với hải quân các nước đối tác trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, nhằm củng cố khả năng thực hiện các hoạt động chung được hiệu quả.
Theo Times Colonist, tàu Regina và Asterix rời cảng Esquimalt ở Canada hồi đầu tháng 2 vừa qua để thực hiện chuyến đi kéo dài 7 tháng đến khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và Trung Đông. Theo lịch trình, tàu cũng sẽ đi vào vùng Biển Đông đang có tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước.
Úc và Nhật ủng hộ Mỹ
trong vấn đề tự do hàng hải ở Biển Đông
Australia và Nhật Bản cùng Hoa Kỳ cam kết duy trì tự do hàng hải và trên không ở khu vực Biển Đông, đồng thời cũng quan tâm đến bất kỳ hành động quân sự hóa nào tại khu vực biển này nhằm chủ đích tranh chấp, tạo ra bất ổn và nguy hiểm.
Cam kết vừa nêu được tuyên bố tại cuộc họp cấp bộ trưởng 3 nước bên lề Đối thoại Shangri-La 2019 giữa Bộ trưởng Quốc phòng Úc Linda Reynolds, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya và Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Patrick Shanahan, diễn ra vào hôm 1/6, tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) ở Singapore.
Tại buổi họp vừa nêu, ba vị Bộ trưởng Quốc phòng của Úc, Nhật và Mỹ cam kết sẽ cùng hỗ trợ nhau nhiều hơn nữa vì mục tiêu an ninh, ổn định và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Trong tuyên bố chung, 3 nước Mỹ, Úc và Nhật Bản còn nhấn mạnh rằng sẽ không để cho tình trạng vi phạm luật biển và luật quốc tế khác xảy ra đối với các xung đột ở Biển Đông nói riêng.
Ba vị Bộ trưởng còn khẳng định rằng Úc, Nhật và Mỹ có chung quan điểm về khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương cởi mở, đa dạng, tuân thủ luật lệ và tôn trọng chủ quyền của các vùng có tranh chấp được giải quyết trên tinh thần hòa bình và không cưỡng ép.
Khu vực Biển Đông là vùng nước đang tranh chấp giữa Trung Quốc và một số nước Châu Á, trong đó có Việt Nam.
Từ năm 2015 đến nay, tàu chiến và máy bay chiến đấu của Hoa Kỳ đã nhiều lần đi qua khu vực này trong Chương trình Tự do Hàng hải nhằm thách thức những đòi hỏi về chủ quyền quá đáng của Trung Quốc tại khu vực này.
Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng phản đối các hoạt động này của Mỹ và đồng minh, coi đây là hoạt động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc và gây bất ổn trong khu vực.