Tin khắp nơi – 10/06/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 10/06/2019

Tranh cãi về luận tội Donald Trump:

Đảng Dân chủ sẽ làm gì?

Anthony ZurcherPhóng viên BBC, Bắc Mỹ

Kể từ khi cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller kết thúc vào tháng 3, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã phải hết sức cố gắng cân bằng giữa những tranh cãi về việc khởi xướng thủ tục tố tụng để luận tội tổng thống.

Bà Pelosi nói bà muốn giữ tất cả mọi lựa chọn, trong lúc một loạt các cuộc điều tra của quốc hội về Donald Trump đang xẩy ra, nhưng chưa vượt qua chữ “i”, như theo cách gọi cuả ông Trump.

“I” ở đây là Impeach, tức luận tội.

Chủ tịch Hạ viện Pelosi nói ‘muốn thấy ông Trump vào tù’

Số người Mỹ đòi luận tội ông Trump tăng

Mỹ: Bộ trưởng Tư pháp bị cáo buộc khinh miệt Quốc hội

Một buổi sáng thứ Bảy tại thành phố San Francisco, nơi được xem là quê nhà của Pelosi, rõ ràng cho thấy chiến lược hiện tại của bà có thể có nguy cơ sụp đổ.

Khi phát biểu trước một cuộc họp của Đảng Dân chủ tại California – một tổ chức bà từng chủ trì – Pelosi đã cất tiếng nêu ra những lời phê bình giờ đã quen thuộc của bà về tổng thống.

Pelosi nói rằng ông Trump đã tham gia vào một vụ che đậy và rằng đảng Dân chủ trong Quốc hội sẽ vạch trần “hành vi sai trái và tham nhũng” của ông.

Lời nói suông của bà không đủ cho một số khán giả – một tập hợp các nhà hoạt động và dân cử trên toàn tiểu bang nổi tiếng là cấp tiến.

Khi Pelosi tiếp tục bài phát biểu, điệp khúc “luận tội!” ̣(Impeach!) ngày càng vang lớn trong khắp hội trường. Một số người trong đám đông dương cao các biển hiệu – cả viết tay lẫn in sẵn – thúc giục các thành viên đảng Dân chủ tại Hạ viện thực hiện bước đầu tiên trong quy trình được hiến pháp phân định để loại bỏ một tổng thống được bầu ra hợp lệ.

“Chúng tôi sẽ xây dựng một hồ sơ vững như sắt để hành động”, bà Pelosi kết luận, sau khi nhanh chóng thừa nhận sự bùng nổ về ý kiến phải luận tội. “Tổng thống Trump sẽ phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình.”

Sự ồn ào của hội nghị đảng được báo chí toàn quốc đưa tin, nhiều phóng viên sử dụng diễn biến này làm tập phim để minh họa sự xung đột ý kiến trong Đảng Dân chủ.

Sean Sullivan của tờ Washington Post viết về “tình huống khó xử” của chủ tịch Hạ viện và nhóm bà, những người đang cố gắng cân bằng cuộc đối thoại từ một “căn cứ chống Trump nhiệt thành” với các cử tri ôn hòa hơn, gồm hầu hết những người đã dùng lá phiếu chuyển đa số cho đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm ngoái.

Vấn đề phức tạp cho Pelosi là hơn một chục ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, cũng đã phát biểu tại hội nghị và các sự kiện liên kết ở San Francisco – cũng như những bài học mà họ có thể rút tỉa được về tiềm năng chính trị của việc luận tội.

Trong khi một số người tránh xa vấn đề này, ngay sau khi bà Pelosi xuất hiện hôm thứ Bảy, Thượng nghị sĩ California Kamala Harris đã phát biểu trước đám đông – và nhận được sự cổ vũ lớn nhất khi bà kêu gọi luận tội.

“Chúng ta cần một vị tổng tư lệnh mới,” bà nói, trước sự vỗ tay rầm trời của khán giả. “Vì vậy, chúng ta phải chuẩn bị cho một cuộc chiến.”

Cuối ngày hôm đó, tại một cuộc họp mặt được tổ chức bởi MoveOn – một nhóm hoạt động cánh tả, có phần trớ trêu thay, được thành lập để phản đối việc luận tội Tổng thống Dân chủ Bill Clinton năm 1998 – ứng cử viên Dân chủ Cory Booker cũng nhận được một phản ứng nhiệt tình tương tự khi ông lặp lại việc kêu gọi luận tội mà ông đã đưa ra vào đầu tuần.

“Chúng ta hãy nhớ đến sự khôn ngoan của King [Martin Luther], khi ông nói rằng chúng ta phải ăn năn không chỉ vì hành động mạnh mẽ và bạo lực của những người xấu, mà còn vì sự im lặng kinh khủng và nhắm mắt làm ngơ của những người tốt”, Thượng nghị sĩ tiểu bang New Jersey nói.

Luận tội (Impeachment) là gì?

• Điều II của Hiến pháp Hoa kỳ phác thảo quá trình luận tội và bãi nhiệm một tổng thống phạm tội “phản quốc, hối lộ hoặc các tội hình sự và tội nhẹ cao” khác

• Hạ viện có thể bỏ phiếu để luận tội tổng thống với số phiếu đa số đơn giản – một hành động tương tự như một bản cáo trạng trong một phiên tòa hình sự

• Thượng viện sau đó xúc tiến một phiên tòa xét xử tổng thống bị đưa ra luận tội – cần phải có số phiếu của hai phần ba Thượng viện yêu cầu kết án thì mới bãi nhiệm được tổng thống khỏi chức vụ

• Chỉ có hai tổng thống Hoa Kỳ đã bị Hạ viện luận tội, Andrew Johnson năm 1868 và Bill Clinton năm 1998. Cả hai đều được Thượng viện tha bổng. Richard Nixon từ chức trước khi Hạ viện bỏ phiếu.

Các cuộc thăm dò ý kiến gần đây cho thấy ngày càng nhiều thành viên đảng Dân chủ ủng hộ việc bắt đầu các thủ tục luận tội, ngay cả khi phần lớn công chúng nói chung vẫn phản đối.

Tuy nhiên, cuộc trò chuyện với một số người ủng hộ việc luận tội cho thấy nhiều sắc thái trong quan điểm của họ – và sự liên tục hỗ trợ cho bà Pelosi, bất chấp quan điểm chưa muốn luận tội của bà.

“Tôi là một người hâm mộ lớn của Pelosi, nhưng bà ấy cần phải ngừng do dự”, Alan Hinman, một người về hưu từ Paradise, California, tham gia diễn đàn ứng cử viên MoveOn nói.

Đối với Hinman, luận tội là một vấn đề liên quan đến việc đúng sai, ngay cả khi đảng Dân chủ phải trả giá chính trị trong thời gian ngắn hạn. “Tôi không quan tâm đến chính trị,” ông nói thêm.

Ted Smith, một nhà hoạt động môi trường từ San Jose, là một trong những người tham dự hội nghị mang theo một bản luận tội viết tay. Ông cũng có những lời tốt đẹp cho bà chủ tịch Hạ viện – theo sau là một cảnh báo.

“Bà ấy là một người khá thông minh, và đã xử lý Trump khá tốt, nhưng tôi nghĩ đến một lúc nào đó mọi người sẽ nhìn lại và hỏi chúng ta đã có đứng lên làm điều cần phải làm chưa”, ông nói. “Tôi nghĩ rằng những ai do dự quá lâu sẽ không làm cho nhiều người vui lòng.”

Ông Smith nói thêm rằng ông nghĩ rằng luận tội sẽ giúp đảng Dân chủ giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử, vì các phiên điều trần của quốc hội sẽ minh họa cho các kết luận gây tổn hại trong báo cáo của Mueller.

“Dân chúng không thích bản báo cáo, họ thích xem mọi việc qua phim”, ông vạch ra.

Ông Smith ủng hộ Thượng nghị sĩ tiểu bang Massachusetts Elizabeth Warren, người là ứng cử viên tổng thống đầu tiên của đảng Dân chủ kêu gọi luận tội và, có lẽ nhờ thế, đã chứng kiến sự gia tăng tỷ lệ ủng hộ sau đó trong các cuộc thăm dò dư luận và được nhiều giới lên tiếng hỗ trợ trong các hội trường vùng San Francisco.

Kể từ bài phát biểu của bà Pelosi tại San Francisco, nhân vật cao thứ ba trong đảng Dân chủ tại Hạ viện, dân biểu Jim Clyburn của Nam Carolina nói rằng ông nghĩ rằng một bản luận tội chính thức sẽ là kết quả cuối cùng của các cuộc điều tra quốc hội hiện nay.

Hôm thứ ba, một liên minh gồm 30 dân biểu trong nhóm cấp tiến gửi thư cho bà Pelosi bày tỏ “sự thất vọng và quan tâm sâu sắc” về sự do dự của bà trong việc xúc tiến các thủ tục bắt đầu luận tội.

“Cử tri đã trao cho đảng Dân chủ quyền kiểm soát Hạ viện vì họ muốn sự giám sát mạnh mẽ về chính quyền Trump”, thư viết. “Tuy nhiên, sự lãnh đạo của bà đang dẫn đến một tình trạng bất động nguy hiểm, cho phép vị tổng thống phân biệt chủng tộc và bài ngoại này làm theo ý mình thích.”

Trở lại Washington vào sáng thứ Tư, bà Pelosi tiếp tục sát cánh với cách cách tiếp cận cởi mở của mình đối với các cuộc điều tra tổng thống và “con đường” mà bà đã chọn, nói rằng hầu hết người Mỹ có thể không biết rằng luận tội không tự động phế bỏ tổng thống.

Nó tương đương với một “bản cáo trạng” dẫn đến một phiên tòa của Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát. Trong các cuộc phỏng vấn trước đây, bà Pelosi từng nói rằng, nếu không có bằng chứng không thể chối cãi, việc tha bổng của Thượng viện và tổng thống sẽ tuyên bố là ông không có lỗi gì cả là điều hoàn toàn có thể xẩy ra.

Theo Politico, bà Pelosi được tường trình là đã nói với các dân biểu đảng Dân chủ thúc đẩy việc bắt đầu quá trình luận tội bà muốn thấy ông Trump “vào tù”, thay vì bị buộc tội – cho rằng cách tốt nhất để bắt tổng thống chịu trách nhiệm là truy tố ông sau khi ông thất cử vào năm 2020, thay vì tham gia vào một nỗ lực phế bỏ vô ích.

Ethan Willard ở Berkeley ủng hộ chiến lược của chủ tịch Hạ viện, gọi đó là “con đường trung dung”. Ông khuyến nghị nên duy trì áp lực điều tra tổng thống cho đến cuộc bầu cử năm 2020, mà không bao giờ để đảng Cộng hòa ở Thượng viện có thể lên tiếng nói.

“Chúng ta tiếp tục mang đến một sự vùi dập vô tận cho Trump với tất cả những tin tức xấu này”, ông nói.

Hiện giờ, bà Pelosi dường như đang làm hầu hết các thành viên của tổ chức Dân chủ tại Hạ viện hài lòng.

Mặc dù đã có một số người lên tiếng đòi luận tội – một ước tính của CBS News đưa con số này lên tới 57 trong số 235 thành viên đảng Dân chủ tại Hạ viện (cộng với một thành viên đảng Cộng hòa) – hầu hết các dân biểu đảng Dân chủ đã chọn cách hoặc ủng hộ bà Pelosi, hay giữ im lặng, thay vì làm cho bà mất lòng.

“Họ biết rằng nếu làm điều này, bạn sẽ thách thức bà chủ tịch và bà sẽ nhớ điều đó khi khi bạn cần một thứ gì đó sau này,” một phụ tá cao cấp ẩn danh của Hạ viện nói với trang the Daily Beast. “Bà Pelosi có trí nhớ dai nhất trong số mọi người.”

Tất nhiên, không phải là bà Nancy Pelosi không có đối thủ.

Trong hành lang của Hội nghị đảng Dân chủ California vào cuối tuần trước, Tom Gallagher – một giáo viên trường công – đã xúc tiến chiến dịch hạ bệ bà Pelosi trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2020. Ông nói rằng bà dân biểu 32 năm kinh nghiệm của Quốc hội đã không còn nắm vững quan điểm của cử tri ở San Francisco về các vấn đề như chăm sóc sức khỏe, chi tiêu quân sự và Thỏa thuận về môi trường.

Còn về luận tội? Tom Gallagher nói đó không phải là điều ông ấy nghe nhiều khi nói chuyện với cử tri tại quận.

“Tôi không có ý nói họ không quan tâm,” ông nói, “nhưng đó không phải là quan tâm hàng đầu.”

Nếu một người muốn đánh bại bà Pelosi trong các cuộc thăm dò ý kiến không thấy đây là một cơ hội chính trị, bà chủ tịch Hạ viện vẫn có thể có một số chỗ để điều động.

Tuy nhiên, nếu các cuộc kêu gọi luận tội vượt ra ngoài giới các nhà hoạt động và những lá thư được viết mạnh mẽ từ các dân biểu thuộc nhóm cấp tiến bộ, mọi vịêc sẽ phải được xét lại.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-48578168

 

Bão tố mới trong tam giác Mỹ – Trung – Đài

Mối quan hệ tam giác Mỹ – Trung – Đài luôn đầy rẫy tính phức tạp khi Mỹ vừa muốn tạo mối quan hệ gắn kết với một Trung Quốc trỗi dậy, vừa không muốn bỏ rơi đồng minh Đài Loan của mình.

Hai dòng trên trang 30 trong báo cáo chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương dài 55 trang được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố mới đây đã gây bão trong mối quan hệ Trung – Mỹ khi lãnh thổ Đài Loan được đề cập là “quốc gia” cùng với Singapore, New Zealand và Mông Cổ là các đối tác tin cậy, có năng lực của Mỹ.

Trong khi đó, Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời. Sự cố này xát muối thêm vào vết thương của Trung Quốc khi chính quyền Trump liên tục công kích Trung Quốc trên nhiều “mặt trận” khác nhau từ thương mại, Huawei, sáng kiến Vành đai – con đường, Biển Đông, nay là vấn đề Đài Loan.

Điểm nóng không bao giờ nguội

Mối quan hệ tam giác Mỹ – Trung – Đài luôn đầy rẫy tính phức tạp khi Mỹ vừa muốn tạo mối quan hệ gắn kết với một Trung Quốc trỗi dậy, vừa không muốn bỏ rơi đồng minh Đài Loan của mình. Ngược lại lịch sử trong thời chiến tranh lạnh, mối quan hệ Mỹ và Trung Hoa lục địa ngày càng cải thiện trong khi Đài Loan chứng kiến mối quan hệ của mình với Mỹ ngày càng xuống cấp.

Năm 1972, trong chuyến thăm của tổng thống Richard Nixon, Trung Quốc và Mỹ đưa ra thông cáo Thượng Hải 1972 công nhận chính sách “một Trung Quốc” thừa nhận Đài Loan (lúc đó gọi là Trung Hoa Dân Quốc) là một phần của Trung Quốc.

Tháng 1-1979, tổng thống Mỹ Jimmy Carter cắt đứt quan hệ với Đài Loan để thiết lập quan hệ với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Tuy nhiên, giới lập pháp Mỹ cũng trong năm 1979 thông qua đạo luật quan hệ với Đài Loan như một cam kết rằng Mỹ không ủng hộ Trung Quốc thống nhất Đài Loan bằng biện pháp bạo lực.

Dù cho sự cố này có thể được diễn dịch như là một lỗi ngớ ngẩn thỉnh thoảng gặp trong ngoại giao, hay là một cố ý rõ ràng mà Mỹ muốn kiểm tra phản ứng của Trung Quốc khi các báo cáo của chính phủ liên bang Mỹ luôn được đọc soát, hiệu chỉnh và lựa chọn từ vựng rất kỹ càng trước khi công bố, thì chúng ta không thể bỏ qua một bức tranh rộng lớn hơn.

Đó là Đài Loan là một điểm nóng không bao giờ nguội trong quan hệ Mỹ – Trung, nó ngày càng leo thang và sẵn sàng bùng phát kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức đến nay.

Con bài mặc cả

Tháng 11-2017, khi tiếp Tổng thống Trump thăm Trung Quốc, Tổng bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh: “Đài Loan là vấn đề quan trọng và nhạy cảm nhất trong quan hệ Trung – Mỹ”.

Trung Quốc phát tín hiệu rằng bất kỳ hành động nào của Mỹ, dù mang tính ẩn ý, ủng hộ độc lập, hay thậm chí chỉ tăng cường khả năng tự vệ phòng thủ của Đài Loan, cũng sẽ làm mối quan hệ Trung – Mỹ xuống dốc. Vì thế ông Tập rất không hài lòng khi bà Thái Anh Văn, nhà lãnh đạo Đài Loan, gọi điện chúc mừng ông Trump vừa đắc cử một năm trước đó.

Tuy nhiên, ông Trump vẫn duy trì chính sách ủng hộ Đài Loan vừa như con bài mặc cả vừa như một mẫu hình dân chủ cho Trung Quốc, ngoài việc nâng cao độ khả tín của Mỹ đối với đồng minh.

Vào tháng 3-2018, Tổng thống Trump ký ban hành đạo luật đi lại Đài Loan cho phép các viên chức cao cấp của Mỹ có thể viếng thăm Đài Loan và ngược lại, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc cho rằng đạo luật này đi ngược lại nguyên tắc “một Trung Quốc”.

Tháng 11-2018, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong buổi gặp Quốc vụ khanh Trung Quốc Dương Khiết Trì tuyên bố: “Mỹ không theo đuổi một cuộc chiến tranh lạnh hay chính sách ngăn chặn với Trung Quốc, nhưng chúng tôi lo ngại về việc Trung Quốc đang gia tăng nỗ lực để cưỡng ép các quốc gia khác, và hạn chế hoạt động quốc tế của Đài Loan”.

Mỹ tỏ dấu hiệu không hài lòng với các chính sách ngày càng cưỡng ép của Trung Quốc đối với đồng minh của mình.

Điều cốt lõi sâu xa hơn trong bản báo cáo không phải là việc Đài Loan được đề cập với tư cách là quốc gia mà chính nội dung báo cáo cho rằng Đài Loan hiện nay đang phải đối diện với “mối đe dọa ngày càng tăng”.

Không khó hiểu để đoán rằng mối đe dọa đến từ đâu khi ngay trong phần đầu của bản báo cáo, Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc đang tạo ra một trật tự thế giới cưỡng ép các quốc gia khác.

Không phải ngẫu nhiên, số lượng các chuyến hải trình của các tàu hải quân Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan lên tới khoảng 8 lần trong 9 tháng vừa qua. Đây là một con số đáng kể nếu biết rằng các năm trước trung bình mỗi năm hải quân Mỹ chỉ thực hiện 1 chuyến đi qua eo biển Đài Loan.

Do đó, vấn đề Đài Loan được đề cập như một “quốc gia” như một hình thức bác bỏ chính sách “một Trung Quốc” trong bản báo cáo chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm báo hiệu rằng mối quan hệ Mỹ – Trung đang lao dốc mà chưa biết điểm dừng khi các lợi ích giữa hai quốc gia này càng xa nhau.

15 tỉ USD

Theo Lầu Năm Góc, kể từ 2010 đến nay Mỹ đã bán cho Đài Loan hơn 15 tỉ USD vũ khí và đang thương thảo để cung cấp hơn 100 xe tăng M1A2 Abrams, các vũ khí chống tăng và chống máy bay trị giá khoảng 2 tỉ USD. Điều này không giúp Đài Loan có thể đương đầu với Trung Quốc về mặt quân sự, nhưng nó làm phức tạp thêm tính toán của Trung Quốc cũng như giúp Đài Loan an tâm rằng họ không bị Mỹ bỏ rơi.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/28580-bao-to-moi-trong-tam-giac-my-trung-dai.html

 

EU kêu gọi cấm vận quan chức TQ,

dừng xuất khẩu công nghệ tới TQ

Ngày 18/4 vừa qua, trong một phiên họp toàn thể, Nghị viện châu Âu đã phê chuẩn một nghị quyết khẩn cấp, kêu gọi cộng đồng quốc tế chú ý tới tình trạng nhân quyền ở Trung Quốc, nhất là đối với cộng đồng dân tộc thiểu số và cộng đồng tín ngưỡng ở quốc gia này. Đặc biệt, lần đầu tiên Nghị viện châu Âu lên tiếng kêu gọi Hội đồng châu Âu ra lệnh cấm vận các quan chức Trung Quốc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, và kêu gọi các nước châu Âu nói riêng cũng như phương Tây nói chung dừng xuất khẩu công nghệ và hàng hóa phục vụ cho hệ thống theo dõi công dân độc tài của ĐCSTQ.

Mở đầu, nghị quyết nhấn mạnh việc Liên minh châu Âu cam kết “đặt nhân quyền ở vị trí trung tâm trong các mối quan hệ với tất cả các nước khác, bao gồm cả các đối tác chiến lược”, đồng thời nhân quyền, dân chủ và pháp quyền sẽ được thúc đẩy trong “tất cả các hoạt động đối ngoại của Liên minh châu Âu mà không có ngoại lệ”.

Chính vì vậy, Nghị viện châu Âu bày tỏ lo ngại đối với hàng loạt các vấn đề nhân quyền đang diễn ra tại Trung Quốc:

Trung Quốc là nơi có những nhóm tù nhân tôn giáo lớn nhất thế giới.

Các quy định mới về vấn đề tôn giáo có hiệu lực vào ngày 1/2/2018 đã hạn chế nghiêm ngặt hơn hơn đối với các nhóm tôn giáo và hoạt động tôn giáo, buộc họ phải tuân thủ chặt chẽ hơn các chính sách của đảng.

Các cộng đồng Kitô giáo phải đối mặt với sự đàn áp ngày càng tăng ở Trung Quốc.

Tình hình ở Tân Cương, nơi có 10 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và người Kazakh sinh sống, ngày càng xấu đi. Hàng chục ngàn tới hàng triệu người bị giam giữ trong trại cải tạo không qua xét xử. Chính phủ Trung Quốc đã từ chối nhiều yêu cầu tới Tân Cương từ nhiều nhóm điều tra của Liên Hợp Quốc.

Tình hình ở Tây Tạng đã xấu đi trong vài năm qua với việc chính quyền Trung Quốc cắt giảm một loạt các quyền con người dưới cái cớ an ninh và ổn định, và tham gia vào các cuộc tấn công không ngừng chống lại bản sắc và văn hóa Tây Tạng.

Mạng lưới giám sát công nghệ cao đang hoạt động trên khắp Trung Quốc, với công nghệ nhận dạng khuôn mặt và thu thập dữ liệu.

Từ đó, Nghị viện châu Âu yêu cầu chính quyền Trung Quốc chấm dứt các hành vi đàn áp tín ngưỡng đối với người Duy Ngô Nhĩ, người tập Pháp Luân Công, người Tây Tạng, cộng đồng Kitô giáo; thả ngay các cá nhân được nhắc tới đặc biệt, bao gồm cả một người Thụy Điển và hai người Canada.

Đáng chú ý, đối với các nước thành viên, Nghị viện châu Âu kêu gọi:

Kêu gọi các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu EU ngăn chặn mọi hoạt động do chính quyền Trung Quốc thực hiện trên lãnh thổ EU nhằm quấy rối cộng đồng người Turk, người Tây Tạng và các nhóm tôn giáo hoặc sắc tộc khác để buộc họ làm người cung cấp thông tin, buộc họ quay trở lại Trung Quốc hoặc buộc họ im lặng.

Kêu gọi các quốc gia thành viên giám sát tình hình nhân quyền đáng lo ngại ở Tân Cương mạnh hơn, bao gồm cả hành vi đàn áp và giám sát của chính phủ, và lên tiếng chống lại các vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc.

Kêu gọi Hội đồng châu Âu xem xét áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức chịu trách nhiệm về vấn đề đàn áp ở Khu tự trị Tân Cương.

Kêu gọi EU, các quốc gia thành viên và cộng đồng quốc tế tạm dừng mọi hoạt động xuất khẩu và chuyển giao công nghệ, hàng hóa và dịch vụ – những thứ đang được Trung Quốc sử dụng để mở rộng và cải thiện bộ máy giám sát công nghệ cao. Đồng thời bày tỏ lo ngại rằng Trung Quốc đã đang xuất khẩu công nghệ này tới các quốc gia độc tài khác trên toàn thế giới.

Trong rất nhiều nghị quyết lên án nhân quyền ở Trung Quốc, lần đầu tiên sau nhiều năm, Nghị viện châu Âu đề cập tới việc cấm vận và ngừng xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây là một động thái mạnh mẽ, nằm trong một bối cảnh chung trên thế giới, khi hàng loạt quốc gia công khai gây áp lực tới chính quyền ĐCSTQ trước thực trạng nhân quyền của nước này. Cùng với những áp lực về thương chiến, áp lực nhân quyền cũng khiến chính quyền ĐCSTQ ngày càng lo sợ hơn.

Châu Âu không phải là nơi duy nhất đang cân nhắc tới lệnh cấm vận đối với quan chức Trung Quốc. Trước đó, các nghị sĩ Mỹ từ cả Thượng viện và Hạ viện đã lên tiếng kêu gọi chính quyền cấm vận Trung Quốc vì nhân quyền. Các chuyên gia cũng đang tác động tới chính phủ Canada nhằm cấm vận các quan chức Trung Quốc theo đạo luật Magnitsky được ban hành hơn 18 tháng trước.

Úc và Liên minh Châu Âu đã tham gia cùng Anh, Mỹ, Canada, Estonia, Latvia và Lithuania để dự lập một đạo luật Magnitsky quốc tế. Đạo luật này sẽ cho phép cộng đồng quốc tế có thể thực hiện nhiều biện pháp cấm vận các quốc gia vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Ý nghĩa của nó là việc cấm vận đối với chính quyền ĐCSTQ sẽ có thể xảy ra trên phạm vi toàn cầu.

http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/28578-eu-keu-goi-cam-van-quan-chuc-tq-dung-xuat-khau-cong-nghe-toi-tq.html

 

Anh khởi động chiến dịch tranh chức thủ tướng

Trọng Nghĩa

Các ứng viên chủ chốt ngắm nghía chức thủ tướng Anh đã chính thức khởi động chiến dịch tranh cử từ ngày 10/06/2019.

Tổng cộng có 11 người – 9 nam, 2 nữ – nuôi hy vọng thay thế bà Theresa May lãnh đạo đảng Bảo Thủ, qua đó đương nhiên trở thành thủ tướng Anh.

Theo đúng thủ tục, các ứng viên phải được ít nhất tám nghị sĩ Bảo Thủ khác bảo trợ, một ngưỡng cao gấp bốn lần so với trước đây. Toàn bộ các nghị sĩ Bảo Thủ sau đó sẽ tiến hành nhiều vòng bỏ phiếu để giảm bớt số lượng ứng cử viên.

Trong số ứng viên thủ tướng nhiều triển vọng nhất, có hai nhân vật đáng chú ý. Trước hết là cựu ngoại trưởng Anh Boris Johnson, người chủ trương Anh Quốc phải cứng rắn bảo vệ quyền lợi của mình trước các đòi hỏi của Bruxelles, và cho rằng cuộc chia tay với Liên Hiệp Châu Âu dứt khoát phải được thực hiện từ nay đến 31/10/2019.

Trong những ngày qua, ông Johnson đã lớn tiếng đe dọa là Luân Đôn sẽ không trả số tiền từ 40 đến 50 tỷ euro mà Anh Quốc phải trả cho Liên Hiệp Châu Âu, nếu Bruxelles không dành cho nước ông những điều kiện chia tay dễ dãi.

Nhân vật đáng chú ý thứ hai là đương kim ngoại trưởng Jeremy Hunt, người ủng hộ một cuộc đối thoại linh hoạt hơn với châu Âu. Tuy nhiên, theo nhận định của AFP, ông Boris Johnson có vẻ như đang chiếm thượng phong so với các đối thủ còn lại.

Trong khi chờ đợi đảng Bảo Thủ Anh quyết định ai sẽ là người lèo lái nước Anh trong tiến trình Brexit, Luân Đôn và Seoul đã quyết định đi trước một bước. Theo bộ Thương Mại Hàn Quốc vào hôm nay, 10/06, hai bên đã đồng ý trên nguyên tắc là sẽ ký kết một hiệp định tự do mậu dịch song phương chuẩn bị trước cho việc Anh Quốc rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190610-anh-quoc-chien-dich-tranh-chuc-thu-tuong-khoi-dong-voi-11-ung-vien

 

Ba báo Nga ra tuyên bố chung hiếm hoi,

ủng hộ phóng viên bị bắt

Ba tờ báo hàng đầu của Nga vừa công khai ủng hộ một phóng viên, người bị cáo buộc các tội danh liên quan đến ma túy.

Vụ bắt giữ phóng viên điều tra Ivan Golunov tuần trước đã khiến công chúng giận dữ.

Nhà báo Nga bị bắn chết ở Ukraine

Nhà nước Việt Nam cần dũng khí ‘từ bỏ độc quyền báo chí’

Các dòng tin chính chạy trên trang nhất của Vedomosti, RBC, và Kommersant đồng loạt viết “Chúng tôi là Ivan Golunov”.

Ông Golunov bị cáo buộc tìm cách bán ma túy. Luật sư của ông nói đây là vụ gài bẫy.

Có tin nói ông đã bị đánh đập khi bị bắt hồi tuần trước.

Ông Golunov, 36 tuổi, là phóng viên tự do, viết bài cho một số báo, trong đó có trang tin Meduza đặt tại Latvia.

Vụ bắt giữ ông đã gây ra những cuộc tranh luận nảy lửa giữa người dùng mạng xã hội tại Nga. Nhiều người cáo buộc giới chức đang tìm cách bóp nghẹt tự do báo chí.

Giới chức Nga cho đến nay vẫn chưa bình luận gì về vụ việc.

Một tòa án ở Moscow hôm Chủ Nhật đã ra lệnh đặt ông Golunov vào tình trạng quản chế tại gia thay vì bị bắt giam, điều vốn là thủ tục tố tụng đúng chuẩn đối với các vụ liên quan tới ma túy tại Nga.

Các phóng viên tại Nga trong những năm gần đây thường bị quấy nhiễu hoặc bị tấn công do các bài viết của họ. Nhiều nhân vật đối lập và các nhà hoạt động nhân quyền tại Nga đã bị bắt giữ dựa trên các cáo buộc rõ ràng là mang tính thêu dệt liên quan tới tội phạm ma túy. Đây là cách mà nhiều người coi là nỗ lực của giới chức nhằm đàn áp bất đồng chính trị.

Hầu hết truyền thông Nga bị kiểm soát bởi nhà nước, và Nga đứng thứ 83 trong tổng số 100 quốc gia trên bảng xếp hạng về tự do báo chí của Freedom House.

Báo Nga nói gì?

Ba nhật báo kinh doanh trên hôm thứ Hai đã ra một thông cáo chung, công khai đặt câu hỏi về tính hợp pháp của vụ bắt giữ ông Golunov.

“Chúng tôi không cảm thấy thuyết phục về những bằng chứng mà các điều tra viên đưa ra nhằm buộc tội ông Ivan Golunov,” thông cáo viết.

“Chúng tôi không bác bỏ khả năng là vụ tạm giữ rồi sau đó là bắt ông Golunov có liên quan tới các hoạt động nghề nghiệp của ông.”

Các tờ báo cũng đòi phải có một cuộc điều tra thấu đáo đối với việc cảnh sát đã hành động như thế nào khi bắt người.

Vụ bắt giữ ông Golunov

Hôm thứ Năm tuần trước, 6/6, ông Golunov khi đang trên đường tới gặp một phóng viên khác thì bị chặn lại và bị cảnh sát lục soát.

Cảnh sát nói họ tìm thấy chất mephedrone tổng hợp trong ba lô của ông, và cuộc khám xét căn hộ ông sau đó cho thấy có thêm ma túy và một số cái cân, dấu hiệu cho thấy ông có tham gia vào việc buôn bán.

Phóng viên này sau đó bị cáo buộc tội tìm cách sản xuất, đem bán hoặc giao cho người khác ma túy.

Cảnh sát công bố các ảnh chụp mà họ nói là cho thấy chất ma túy paraphernalia trong căn hộ của ông Golunov, nhưng các ảnh này sau đó đã bị rút lại.

Cảnh sát sau đó thừa nhận là “hầu hết các ảnh đã công bố đều không phải là được chụp tại căn hộ của ông Golunov, mà là có liên quan tới một cuộc điều tra tội phạm khác có thể có dính dáng đến việc tạm giữ ông ấy”.

Meduza trong một thông cáo được hãng tin Reuters công bố rằng ông Golunov đã nhận được những lời đe dọa trong những tháng gần đây liên quan tới một câu chuyện mà ông đang điều tra.

“Chúng tôi tin rằng Ivan Golunov vô tội,” thông cáo viết. “Hơn nữa, chúng tôi có căn cứ để tin rằng Golunov đang bị ngược đãi do hoạt động nghề báo của ông.”

Meduza nói ông Golunov đã bị cảnh sát đánh đập cả khi bị bắt lẫn khi đã được đưa vào đồn cảnh sát. Trang tin này nói ông chỉ được phép liên hệ với một người bạn sau khi bị bắt giam 14 giờ đồng hồ.

Luật sư của ông, Dmitry Julay, nói với các phóng viên rằng thân chủ của ông đã không được cho ăn uống, không được ngủ trong suốt 24 giờ đồng hồ.

Ông Golunov không phải là cái tên quen thuộc trong các gia đình người Nga, tuy rất nổi tiếng trong các phóng viên độc lập và độc giả của họ.

Ông đã nhiều lần phơi bày tình trạng tham nhũng trong giới doanh nhân có tiếng và giới tinh hoa chính trị ở Moscow, cũng như tình trạng gian dối trong các chương trình tài chính tại thành phố.

Những người ủng hộ ông nói rằng chính các cuộc điều tra này mới là nguyên nhân dẫn đến việc bắt giữ ông chứ không phải do ma túy, điều mà họ nói là ông đã bị gài bẫy.

Một ý kiến được nhiều người đưa ra là bài viết sắp đăng của ông về chuyện các nhân viên Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) bị cáo buộc đã kiểm soát thị trường dịch vụ tang lễ với giá cắt cổ tại Moscow là giọt nước cuối cùng khiến các viên chức tham nhũng ra tay hành động.

Vụ bắt giữ ông Golunov đã làm nổ ra các cuộc biểu tình tại Moscow và St Petersburg, và khoảng hơn 10 người, chủ yếu là các phóng viên đồng nghiệp, bị bắt giữ rồi sau được thả ra.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-48580763

n lý viễn thông Đài Loan mới đây đã cấm các nhà cung cấp truyền hình cáp của vùng lãnh thổ này mua linh kiện từ các công ty Trung Quốc, trong đó có HiSilicon – công ty con chế tạo chip của Tập đoàn Huawei.

Các nước Châu Á sợ Trung Quốc

nhưng một số sẽ không đứng về phía Mỹ

Mai Vân

Trong một bài phân tích ngày 06/06/2019, tuần báo Anh The Economist cho rằng: “Dù các nước Châu Á có thể không ưa thích kiểu cách bắt nạt của Trung Quốc, nhưng họ cũng có những thắc mắc, ưu tư đối với Mỹ”.

Vào đầu tháng 6/2019 này, nhân cuộc Đối Thoại Shangri-La ở Singapore, diễn đàn an ninh quan trọng nhất tại châu Á, bộ Quốc Phòng Mỹ đã chính thức công bố chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, với trọng tâm là xây dựng một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, kết hợp các nước châu Á chống lại đường lối bị cho là ỷ mạnh hiếp yếu của Trung Quốc. Có mặt tại Singapore, quyền bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đã ra sức thuyết phục các nước về chiến lược của Washington.

Câu hỏi hóm hỉnh mà tác giả bài viết đặt ra, là làm thế nào để mua chuộc một bộ trưởng Quốc Phòng đã có tất cả ? – ý nói đến bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc. Bằng một tập ảnh “đẹp đẽ” về tàu Bắc Triều Tiên đã nhận dầu hỏa một cách phi pháp trên biển chăng ?

Đó là điều mà theo tác giả bài báo, quyền bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, Patrick Shanahan, đã làm với đồng nhiệm Trung Quốc, khi ông cho tướng Ngụy Phượng Hòa xem một bộ không ảnh. Hai bên gặp nhau tại Đối Thoại Shangri–La, diễn ra từ ngày 31/05 đến 02/06/2019 tại Singapore, tập hợp các gương mặt quân sự quan trọng nhân một hội nghị thường niên.

Hành động của ông Shanahan là một cử chỉ để xoa dịu đối phương trong thời kỳ căng thẳng. Khi được The Economist hỏi về những điều mà ông dự kiến nói với tướng Ngụy Phượng Hòa trong cuộc trao đổi song phương, câu trả lời của ông Shanahan không phải là những lời chỉ trích Hoa Vi hay chỉ trích chính sách Trung Quốc ở Biển Đông, mà là thái độ “hứng khởi” của ông trước việc thăm dò được các địa hạt hợp tác với Trung Quốc.

Hành động của Bắc Triều Tiên vi phạm trừng phạt quốc tế, và diễn ra trên các vùng biển Trung Quốc, là chủ đề hàng đầu.

Việc hợp tác như thế cho thấy là Mỹ và Trung Quốc có thể “cạnh tranh với nhau một cách xây dựng”.

Ngày 01/06, Lầu Năm Góc công bố kế hoạch cho cuộc tranh đua này trong chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương. Trọng tâm là ý tưởng về một vùng “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” – (FOIP hay Free and Open Indo-Pacific), một khái niệm chung chung mờ ảo của Nhật Bản mà chính quyền Trump đã phấn khởi thu nhận và phát triển.

FOID là phản ứng thượng tôn luật pháp chống lại Trung Quốc

Về cơ bản, FOID là phản ứng trên tinh thần tôn trọng luật pháp để chống lại chủ trương của Trung Quốc về vùng ảnh hưởng, về chính sách ngoại giao pháo hạm, và những khoản cho vay mờ ám. Trong báo cáo của mình, Lầu Năm Góc cảnh báo “Không quốc gia nào có thể hay có quyền thống trị vùng Ấn Độ Thái Bình Dương”.

Theo The Economist, khái niệm cạnh tranh có trách nhiệm của quyền bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, ngược lại với quan điểm va chạm văn minh của một số đồng nghiệp của ông, rất

đáng được hoan nghênh. Khái niệm này cũng sáng suốt. Các quốc gia Châu Á sẽ hưởng ứng FOIP nếu họ tin là Mỹ không tìm cách gây chiến.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ quả là đang đứng trước một việc làm vô cùng khó khăn, khi vừa phải ổn định quan hệ với Trung Quốc, vừa phải vận động các đối tác để chống lại Trung Quốc.

Về cành ô liu mà Mỹ chìa ra cho ông, tướng Ngụy Phượng Hòa đã không ngần ngại bẻ nó ra thành từng đoạn. Trong phát biểu ngày 02/06, bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc đã trích dẫn quốc ca của Trung Quốc – “Đứng lên! Những người không muốn làm nô lệ ! Với máu thịt chúng ta, hãy cùng nhau xây dựng Trường Thành mới !” – để cảnh cáo là quân đội Trung Quốc không sợ hy sinh. Ông cũng không hứa là sẽ không sử dụng sức mạnh đối với Đài Loan.

Trước những lời lẽ hăm dọa đó, người ta có thể nghĩ là các quốc gia Châu Á sẽ đổ xô nhau ủng hộ chiến lược FOID và lao vào vòng tay của Mỹ. Một số nước đã làm như thế.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, trong nhiệm kỳ hai sẽ thắt chặt hơn quan hệ quốc phòng với Mỹ. Nhật Bản thì củng cố lực lượng quân sự và gởi tàu đến Biển Đông. Các quan chức Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản – thuộc nhóm Bộ Tứ, hội ý thường xuyên hơn, lần gần đây là vào ngày 31/05/2019.

Không phải nước ASEAN nào cũng tin Mỹ

Người ta cũng có thể tưởng tượng ra việc hiệp hội Đông Nam Á ASEAN sẽ là nòng cốt của FOID. Nhưng vấn đề là không phải tất cả các quốc gia trong ASEAN đều hưởng ứng FOID. Lý do là có nhiều nước không tin tưởng là Mỹ sẽ thật sự bám trụ lâu dài trong lúc mà giá phải trả cho bất kỳ cuộc chiến nào với Trung Quốc ngày sẽ tăng cao. Do đó họ tự hỏi là tại sao phải liều mình chọc giận Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc Phòng Malaysia đã than thở: “Tàu tuần duyên Trung Quốc còn to hơn tàu chiến của Malaysia”.

Ông Shanahan đã ra sức trấn an. Ông khẳng định Ấn Độ Thái Bình Dương là ‘địa bàn ưu tiên’ của Mỹ, với một lực lương đông gấp 4 lần nơi khác, với số lượng chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông cũng gia tăng và được tiến hành thường xuyên. Chỉ riêng trong tháng 5 đã có 2 chiến dịch tương tự.

Nhưng sức mạnh quân sự chỉ là một phần. Vấn đề rộng lớn hơn là chính sách ngoại giao cứng rắn và khó lường của ông Trump không phù hợp lắm với các quy tắc của FOIP.

Căng thẳng với Iran đã thu hút sự quan tâm của Mỹ trở lại vùng Trung Đông. Việc áp thuế quan đã phá vỡ quy tắc thương mại dựa trên luật lệ, sự thiếu quan tâm của ông Trump đối với nhân quyền khó mà giúp cho phát triển quyền tự do.

Đối với nhiều người ở Châu Á, cuộc chiến của Mỹ chống Hoa Vi hay trừng phạt những người mua vũ khí của Nga hay dầu hỏa Iran cũng đáng ngại không kém gì “bộ dụng cụ cưỡng bức của Trung Quốc” như ông Shanahan nêu lên.

Đối với The Economist, so sánh như trên quả là không công bằng. Một trật tự Châu Á do Trung Quốc nhào nặn sẽ còn tồi tệ, khó thở hơn là bất kỳ phương sách gì của ông Trump. Việc tướng Ngụy Phượng Hòa bảo vệ vụ đàn áp Thiên An Môn được ông gọi là một “chính sách đúng đắn” mang lại sự ổn định cho Trung Quốc để trở nên giàu có hơn chỉ là những lập luận mang tính chất ý thức hệ.

Úc, Ấn Độ và Nhật Bản đã đi theo chiến lược FOIP. Thái độ thông cảm của Singapore và Việt Nam đã khá rõ. Nhưng phần đông các nước ASEAN rất ghét việc phải chọn phe cho dù vẫn có thái độ nghi ngại ý đồ của Trung Quốc ngày càng lan rộng.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20190610-cac-nuoc-chau-a-so-trung-quoc-nhung-mot-so-se-khong-dung-ve-phia-my

 

Đài Loan cấm mua chip từ công ty con của Huawei

Cơ quan quảBáo South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong ngày 10-6 dẫn lời một người phát ngôn của Ủy ban truyền thông Đài Loan (NCC) cho biết theo lệnh cấm mới, các hộp giải mã kỹ thuật số (set-up box) của các đài truyền hình cáp ở Đài Loan sẽ không còn sử dụng chip và vật liệu bán dẫn được sản xuất tại Trung Quốc.

Lệnh cấm, áp dụng cho cả các chip của HiSilicon, sẽ khiến Huawei thêm “đau đầu” khi tập đoàn này đang nỗ lực duy trì mối quan hệ khách hàng kể từ khi Mỹ cấm Huawei mua linh kiện và các thành phần công nghệ từ công ty Mỹ mà không có sự cho phép.

Hiện người phát ngôn Huawei tại trụ sở ở Thâm Quyến chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.

Theo một nguồn thạo tin, các nhà cung cấp truyền hình cáp của Đài Loan đã được thông báo về lệnh cấm trên từ giữa tháng 3 và tháng 4, tức ngay cả trước khi chính phủ Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen thương mại.

“Trước đây, chúng tôi luôn dùng hộp giải mã do Trung Quốc sản xuất với chip từ HiSilicon. Nhưng với những hạn chế mới nhất, chúng tôi sẽ tránh xa chip của HiSilicon và thay vào đó sử dụng chip từ các nhà sản xuất Mỹ và châu Âu mặc dù chúng có giá đắt hơn” – nguồn tin trên tiết lộ.

Nguồn tin này nói thêm: “Chúng tôi không thể cứ đeo bám một lựa trọn tiềm ẩn quá nhiều nguy cơ chính trị”.

Theo SCMP, tại Đài Loan, khoảng 57,6% trên tổng số 8,75 triệu hộ gia đình đang sử dụng hộp giải mã kỹ thuật số cho truyền hình cáp và dịch vụ băng thông rộng.

Thị trường truyền hình cáp Đài Loan được chi phối bởi 3 công ty tư nhân, gồm: China Network Systems, Kbro, và Taiwan Broadband Communications.

Động thái mới nhất của NCC được đưa ra trong bối cảnh Đài Loan giới thiệu Đạo luật quản lý an ninh mạng – một bộ luật được cơ quan lập pháp Đài Loan thông qua hồi tháng 5-2018 nhằm thiết lập chính sách bảo mật thông tin.

Hồi tháng 4, bà Kolas Yotaka, một người phát ngôn của chính quyền Đài Loan, cho biết các cơ quan Đài Loan đang được yêu cầu soạn thảo một danh sách công nghệ, theo đó xác định

các nhà sản xuất và các nhà cung cấp linh kiện có thể đặt ra mối đe dọa cho an ninh của Đài Loan và nộp danh sách này vào cuối tháng 7 tới.

Hồi tháng 5, nhà sản xuất chip ARM ở Anh cũng thông báo với các nhân viên rằng họ phải dừng tất cả hợp đồng làm ăn với Huawei và các chi nhánh của tập đoàn này để tuân thủ lệnh cấm của chính phủ Mỹ.

Trong khi đó, Huawei đã bị cấm tham gia vào việc triển khai mạng 5G ở Mỹ, Nhật Bản và New Zealand. Chính phủ Mỹ đang kêu gọi các đồng minh cẩn trọng vì các thiết bị mạng 5G của Huawei có thể đóng vai trò là “con ngựa thành Troy” phục vụ hoạt động gián điệp cho Bắc Kinh.

http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/28577-dai-loan-cam-mua-chip-tu-cong-ty-con-cua-huawei.html

 

Giải thích dự luật dẫn độ

giữa Hong Kong và TQ gây tranh cãi

Hong Kong bắt đầu thúc đẩy dự luật gây tranh cãi cho phép dẫn độ sang Trung Quốc đại lục, bất chấp các cuộc biểu tình lớn.

Chính phủ lập luận rằng các sửa đổi được đề xuất sẽ “bịt các lỗ hổng trong luật pháp” để thành phố sẽ không trở thành nơi ẩn náu an toàn cho tội phạm.

Nhưng giới chỉ trích nói rằng người dân ở cựu thuộc địa của Anh sẽ bị đặt vào hệ thống tư pháp đầy khiếm khuyết của Trung Quốc, và nó sẽ dẫn đến sự xói mòn thêm sự độc lập tư pháp của thành phố.

Đụng độ tại biểu tình hơn nửa triệu người ở Hong Kong

Hong Kong: Hàng vạn người biểu tình

Hong Kong: Các thủ lĩnh biểu tình bị tuyên có tội

Hàng trăm nghìn người đã biểu tình chống lại dự luật vốn bị phản đối rộng rãi.

Nhà lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam bác bỏ chuyện thay đổi luật dẫn độ và đang thúc đẩy việc thông qua các thay đổi trước tháng Bảy.

Những thay đổi gì?

Những thay đổi sẽ cho phép các yêu cầu dẫn độ từ chính quyền ở Trung Quốc đại lục, Đài Loan và Ma Cao đối với các nghi phạm bị cáo buộc sai phạm hình sự, chẳng hạn như giết người và hiếp dâm.

Các yêu cầu sau đó sẽ được quyết định trên cơ sở từng trường hợp.

Một số hành vi phạm tội thương mại như trốn thuế đã bị xóa khỏi danh sách các tội phạm có thể dẫn độ giữa những lo ngại từ cộng đồng doanh nghiệp.

Các quan chức Hong Kong cho biết tòa án Hong Kong sẽ có phán quyết cuối cùng về việc liệu có nên cho phép các yêu cầu dẫn độ như vậy hay không, và nghi phạm bị cáo buộc phạm tội chính trị và tôn giáo sẽ không bị dẫn độ.

Chính phủ đã tìm cách trấn an công chúng bằng một số nhượng bộ, bao gồm việc hứa chỉ trao trả những người chạy trốn vì các tội mang bản án cao nhất từ bảy năm tù trở lên.

Tại sao gây tranh cãi?

Có rất nhiều sự phản đối từ công chúng, và những chỉ trích nói rằng mọi người sẽ là đối tượng bị giam giữ tùy tiện, xét xử không công bằng và tra tấn dưới hệ thống pháp lý của Trung Quốc.

“Những thay đổi được đề xuất đối với luật dẫn độ sẽ khiến bất cứ ai ở Hong Kong đang làm những công việc có liên quan đến đại lục bị nguy hiểm,” Sophie Richardson của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói trong một tuyên bố. “Sẽ không ai được an toàn, bao gồm các nhà hoạt động, luật sư nhân quyền, nhà báo và nhân viên xã hội.”

Lam Wing Kee, một người bán sách ở Hong Kong cho biết ông đã bị bắt cóc và giam giữ ở Trung Quốc năm 2015 vì bán sách chỉ trích các nhà lãnh đạo Trung Quốc và bị buộc tội “điều hành một hiệu sách bất hợp pháp”.

“Nếu tôi không đi, tôi sẽ bị dẫn độ,” ông Lam nói trong một cuộc biểu tình gần đây chống lại dự luật. “Tôi không tin chính phủ đảm bảo sự an toàn cho tôi, hoặc sự an toàn của bất kỳ người dân Hong Kong nào.”

Cuối tháng Tư, ông Lam trốn khỏi Hong Kong và đến Đài Loan nơi ông được cấp thị thực cư trú tạm thời.

Ai phản đổi đề xuất ở Hong Kong?

Việc phản đối luật đang lan rộng, với các nhóm từ tất cả các thành phần trong xã hội – từ luật sư đến trường học cho đến các bà nội trợ – đã lên tiếng chỉ trích hoặc bắt đầu kiến nghị chống lại những thay đổi.

Các nhà tổ chức ước tính một triệu người đã tham gia tuần hành chống lại dự luật hôm 09/06, mặc dù cảnh sát đưa ra con số 240.000 người vào lúc cao trào.

Nếu ước tính của ban tổ chức được xác nhận là đúng, đây sẽ là cuộc biểu tình lớn nhất ở Hong Kong kể từ khi lãnh thổ này được trao lại cho Trung Quốc vào năm 1997.

Đầu tháng này, 3.000 luật sư, công tố viên, sinh viên luật và các học giả đã tuần hành trong im lặng và kêu gọi chính phủ tạm gác đề xuất này.

Hàng trăm kiến nghị phản đối các sửa đổi khởi đầu bởi các cựu sinh viên đại học và trung học, sinh viên nước ngoài và các nhóm nhà thờ cũng đã xuất hiện trên mạng.

Bản kiến nghị từ trường Đại học St. Francis’ Canossian – trường cũ của nhà lãnh đạo Hồng Kông Carrie Lam – đã được hơn 1.300 người ký.

Thậm chí còn có bản kiến nghị của các bà nội trợ, đã thu thập được hơn 6.000 chữ ký.

Hong Kong bác thị thực cho biên tập viên FT

Hong Kong: Biểu tình tại phiên xử lãnh đạo ‘Occupy’

Người bán sách Hong Kong bị bắt trên tàu TQ

Wong Choi Fung, người mẹ một con sống ở quận Kwun Tong, quận của tầng lớp lao động, nói với truyền thông địa phương rằng bà làm điều này để đấu tranh cho tương lai của con trai mình.

Một số nhóm doanh nhân giàu có nói rằng các sửa đổi, nếu được thông qua, sẽ phá hủy tính cạnh tranh của Hong Kong.

“Những thay đổi được đề xuất sẽ dẫn đến việc mọi người cân nhắc lại liệu có chọn Hong Kong làm cơ sở hoạt động hay trụ sở khu vực vì có nguy cơ bị chuyển đến một quyền tài phán khác mà không cung cấp sự bảo hộ mà họ được hưởng ở Hong Kong,” Phòng Thương mại Quốc tế viết trong một đệ trình lên cơ quan lập pháp.

Quốc tế thì sao?

Dự luật được một số quốc gia quan tâm.

Một ủy ban quốc hội Hoa Kỳ trong tháng Năm cho biết những thay đổi được đề xuất sẽ khiến Hong Kong dễ bị “ép buộc chính trị” của Trung Quốc hơn và xói mòn thêm quyền tự trị của Hong Kong.

Anh và Canada bày tỏ quan điểm tương tự trong một tuyên bố chung, nói thêm rằng họ lo ngại về “tác động tiềm tàng” mà những thay đổi được đề xuất sẽ gây ra đối với công dân Anh và Canada ở Hong Kong.

Liên minh Châu Âu cũng gửi công hàm ngoại giao tới bà Lam bày tỏ lo ngại về những thay đổi luật được đề xuất.

Bộ ngoại giao Trung Quốc bác bỏ quan điểm như vậy, cho rằng họ cố gắng “chính trị hóa” dự luật của chính phủ Hong Kong và can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

Tại sao thay đổi lúc này?

Đề xuất mới nhất được đưa ra sau khi một người thanh niên Hong Kong 19 tuổi bị cáo buộc sát hại bạn gái 20 tuổi đang mang thai, trong khi đang đi nghỉ cùng nhau ở Đài Loan vào tháng Hai năm ngoái. Nam thanh niên đã trốn khỏi Đài Loan và trở về Hong Kong vào năm ngoái.

Giới chức Đài Loan tìm kiếm sự giúp đỡ từ chính quyền Hong Kong để dẫn độ người này, nhưng giới chức Hong Kong nói họ không thể tuân theo vì không có thỏa thuận dẫn độ với Đài Loan.

Nhưng chính phủ Đài Loan tuyên bố sẽ tìm cách dẫn độ nghi phạm giết người theo những thay đổi được đề xuất, và thúc giục Hong Kong giải quyết vụ việc riêng rẽ.

Hong Kong không phải một phần của Trung Quốc sao?

Là thuộc địa cũ của Anh, Hong Kong là chế độ bán tự trị theo nguyên tắc “một quốc gia, hai hệ thống” sau khi nó trở lại sự cai trị của Trung Quốc vào năm 1997.

Thành phố có luật pháp riêng và người dân được hưởng các quyền tự do dân sự mà người dân đại lục không có.

Hong Kong đã ký kết các thỏa thuận dẫn độ với 20 quốc gia, bao gồm cả Anh và Mỹ, nhưng không có thỏa thuận nào như vậy đạt được với Trung Quốc đại lục bất chấp các cuộc đàm phán diễn ra trong hai thập niên qua.

Các nhà phê bình cho các thất bại như vậy là do việc bảo vệ pháp lý kém cỏi với các bị cáo theo luật pháp Trung Quốc.

Jeff Li, BBC Tiếng Trung đưa tin.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-48582317

 

Hồng Kông viết nên lịch sử :

Biển người áo trắng phản kháng Bắc Kinh

Thụy My

Tập hợp mọi tầng lớp của xã hội Hồng Kông, một biển người biểu tình mặc toàn đồ màu trắng hôm qua 09/06/2019 bất chấp sức nóng kinh người, nối đuôi nhau đông đảo xuống đường tại trung tâm cựu thuộc địa Anh, với khẩu hiệu : bảo vệ bản sắc độc đáo của Hồng Kông trước sự can thiệp của Bắc Kinh.

AFP mô tả, có những gia đình với các em bé tay phất những lá cờ, những người cao tuổi đi xe lăn, người nước ngoài làm việc tại đặc khu, nhạc sĩ, nghệ sĩ, cán bộ quản lý, các nhà đấu tranh thuộc nhiều hiệp hội… Đa số mặc trang phục màu trắng tượng trưng cho công lý. Tất cả có mặt để nhất tề bác bỏ một dự luật của chính quyền đặc khu thân Bắc Kinh, cho phép dẫn độ sang Hoa lục.

Ryan Leung trong đoàn biểu tình nhận định : « Dự luật này nếu được thông qua sẽ xóa nhòa hoàn toàn biên giới giữa Hồng Kông và Hoa lục. Nó sẽ phá hủy toàn bộ các quyền tự do mà chúng tôi luôn có, và Nhà nước pháp quyền mà người dân Hồng Kông rất tự hào ».

Theo thỏa thuận năm 1984 giữa Luân Đôn và Bắc Kinh về việc trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc năm 1997, Hồng Kông được quyền bán tự trị và được hưởng những quyền tự do « không mơ thấy nổi » ở Hoa lục cho đến năm 2047 – trên lý thuyết.

« Chúng tôi không thể ngồi yên »

Tuy vậy từ hơn một chục năm qua, cựu thuộc địa Anh là nơi diễn ra nhiều xung đột chính trị mạnh mẽ, do người dân lo sợ sự can thiệp ngày càng lớn của Bắc Kinh vào việc nội bộ của Hồng Kông, và cảm giác thỏa thuận trao trả không còn được tôn trọng.

Nhưng nếu thành phố này thường diễn ra những cuộc biểu tình ngoạn mục trên bối cảnh một rừng các tòa nhà chọc trời, thì cuộc xuống đường đại quy mô hôm Chủ nhật 09/06/2019 đã đi vào lịch sử với số lượng người hiện diện.

Những người tổ chức cho biết có một triệu người biểu tình, còn cảnh sát nói rằng có 240.000 người. Đây là cuộc biểu tình lớn thứ hai kể từ khi Hồng Kông bị trao trả cho Trung Quốc.

Tuy vào giai đoạn kết thúc đã xảy ra những vụ đụng độ giữa các thanh niên mang khẩu trang với lực lượng cảnh sát chống bạo động, nhưng suốt cả ngày cuộc biểu tình đã diễn ra một cách ôn hòa. Ngọn triều dâng màu trắng kéo dài nhiều kilomet trên mặt đường trải nhựa, trong bầu không khí nóng ẩm khó chịu của miền nhiệt đới.

Cô bé Fiona Lau, 15 tuổi nói : « Ngay cả trước dự luật này, đã có vụ các nhà xuất bản bị bắt cóc rồi. Một khi nó được thông qua, tình hình chúng tôi sẽ trở nên bi kịch. Chúng tôi không thể ngồi yên ». Chan Sze Chai, thành viên một nghiệp đoàn sinh viên tố cáo : « Chính quyền Hồng Kông không hề bình đẳng với Trung Quốc ».

Bắt bớ vì mục đích chính trị

Đối với sinh viên này, nếu Bắc Kinh yêu cầu dẫn độ một nhà ly khai hay muốn dùng biện pháp truy tố để dập tắt những tiếng nói đối lập, « thì chính quyền Hồng Kông chỉ có việc thi hành. Người dân Hồng Kông không thể nào tin tưởng vào chính quyền Trung Quốc và các lãnh đạo đặc khu ».

Shaun Martin, một người Anh sống tại Hồng Kông từ 5 năm qua, nói rằng anh xuống đường biểu tình vì Trung Quốc bắt giữ hai công dân Canada ngay sau khi Vancouver bắt một nhà lãnh đạo công ty Hoa Vi (Huawei) của Trung Quốc. Theo anh, nếu dự luật dẫn độ được thông qua, không có gì ngăn cản Hồng Kông trở thành nơi diễn ra những vụ bắt bớ mang tính chính trị, trong bối cảnh quan hệ giữa Bắc Kinh và một số cường quốc phương Tây đang xấu đi. Martin giải thích : « Những người lao động nước ngoài như tôi thực sự lo ngại Trung Quốc sẽ bắt giữ công dân một số nước để trả đũa ».

Ngay cả khi màn đêm buông xuống, không khí trong đám đông vẫn mang vẻ lễ hội. Họ nồng nhiệt vỗ tay khi nghe loan báo con số người tham dự. Jimmy Shun, một trong những nhà tổ chức nói : « Hồng Kông đã viết nên lịch sử ».

Nhưng đến khuya, tình hình xấu dần đi với các vụ đụng độ giữa các nhà đấu tranh trẻ tuổi, khuôn mặt giấu sau những chiếc khẩu trang, và cảnh sát sử dụng hơi cay.

Thất bại của « Cách mạng Dù », phong trào đòi dân chủ quy mô đã làm tê liệt Hồng Kông trong nhiều tuần lễ hồi cuối năm 2014, đã mang lại hậu quả là một bộ phận giới trẻ trở nên cứng rắn hơn, họ không còn tin vào những cuộc biểu tình ôn hòa. Một số nay còn đòi độc lập, điều mà với Bắc Kinh tuyệt đối là lằn ranh đỏ.

Philip Leung, 23 tuổi, trước những cảnh tượng xô xát với cảnh sát vào buổi tối, đã đặt câu hỏi : « Nếu chính quyền tiếp tục làm ngơ trước ý kiến của hơn một triệu người, làm thế nào có thể nói rằng Hồng Kông là một lãnh thổ tự do ? »

http://vi.rfi.fr/chau-a/20190610-hong-kong-viet-nen-lich-su-bien-nguoi-ao-trang-phan-khang-bac-kinh

 

Trung Quốc cáo buộc thế lực nước ngoài

kích động biểu tình Hong Kong

Khoảng hơn 1 triệu người Hong Kong đã xuống đường biểu tình vào ngày Chủ Nhật, 9/6, để phản đối dự luật dẫn độ tội phạm về Trung Quốc xét xử. Con số người biểu tình được những người tổ chức ước tính. Tuy nhiên, phía cảnh sát cho rằng số người biểu tình chỉ khoảng 240.000 người.

Đây là cuộc biểu tình lớn nhất tại Hong Kong kể từ khi lãnh thổ này được Anh trao trả lại cho Trung Quốc hồi năm 1997.

Những người chỉ trích dự luật cho rằng dự luật sẽ khiến bất cứ người nào ở Hong Kong cũng dễ dàng bị giới chức Trung Quốc bắt giữ vì lý do chính trị hoặc những sai phạm kinh doanh khó tránh và làm nguy hại đến hệ thống luật pháp bán tự trị của Hong Kong

Chính quyền Hong Kong nói rằng dự luật nhằm lấp vào những lỗ hổng trong luật hiện tại của Hong Kong bằng cách cho phép chính quyền Hong Kong được quyết định tuỳ theo từng trường hợp có gửi người đến các lãnh thổ khác hay không. Các vùng lãnh thổ này bao gồm Macau, Đài Loan và Trung Quốc đại lục, vốn là những nơi chưa ký các thoả thuận dẫn độ chính thức với Hong Kong.

Trưởng đặc khu hành chính Carrie Lam hôm 10/6 nói bà không có ý định rút lại dự luật. Bà Carrie Lam nói rằng đây là một dự luật quan trọng giúp duy trì công lý và đảm bảo Hong Kong tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế về tội phạm xuyên biên giới và xuyên quốc gia.

Hồi tháng trước, các đại diện của EU đã gặp giới chức Hong Kong để bày tỏ quan ngại về dự luật này. Đại diện Mỹ cũng đã lên tiếng phản đối dự luật và cảnh báo giới chức Hong Kong rằng dự luật có thể sẽ ảnh hưởng xấu đến quan hệ Mỹ – Hong Kong.

Tờ China Daily của chính phủ Trung Quốc hôm 10/6 có bài xã luận cho rằng các thế lực nước ngoài đã kích động người dân Hong Kong biểu tình.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/china-accuses-foreign-hostil-forces-stir-up-hongkong-06102019093341.html

 

Chiến tranh thương mại:

Mỹ chặn cửa chính, Trung lách cửa hậu

Trung Quốc né đòn trừng phạt của Mỹ bằng cách dịch chuyển các cơ sở sản xuất hoặc dán nhãn hàng của các nước láng giềng để xuất khẩu sang Mỹ.

Theo một bài viết trên trang web của Sputnik cho biết, không thể nói về việc nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung được nữa, bởi xung đột chỉ có thể gia tăng thêm cường độ chứ không thể nhanh chóng hạ nhiệt, chứ đừng nói là kết thúc.

Trong khi Nhà Trắng đang tăng thuế, Bắc Kinh đã sử dụng các sơ đồ cho phép họ tiếp tục bán hàng hóa sang Mỹ và thậm chí tăng kim ngạch xuất khẩu, bỏ qua các hạn chế. Những ai giúp Trung Quốc duy trì thặng dư thương mại với Hoa Kỳ? Và lý do tại sao doanh nghiệp Trung Quốc sẵn sàng chuyển cơ sở sản xuất sang các nước láng giềng và Nga?

Xuất khẩu Trung Quốc sang Mỹ có thực sự giảm?

Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ, từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay, xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm với tỷ lệ hàng năm là 12% (tương đương với 15,2 tỷ dollars). Những suy giảm liên tiếp này đã khiến thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc vào tháng 3 đã giảm xuống còn 20,75 tỷ USD, ở mức cách đây 5 năm. Thông tin nhận được trước lần cuối cùng Mỹ tăng thuế cho thấy, con số thâm hụt này có thể sẽ tiếp tục giảm sâu hơn nữa.

Tuy nhiên, một nghiên cứu trên ấn phẩm kinh doanh Nikkei Asian Review khiến số liệu này trở nên đáng ngờ.

Sau khi phân tích dữ liệu của Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (USITC), Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) và kiểm tra sự dịch chuyển hàng hóa giữa Hoa Kỳ, Trung Quốc và phần còn lại của thế giới, các nhà phân tích phát hiện ra hậu quả của việc tăng thuế của

Mỹ đối với các nhà xuất khẩu Trung Quốc không phải là quá thảm khốc. Các chuyên gia ghi nhận sự gia tăng “xuất khẩu đường vòng”, che giấu nguồn gốc thực sự của hàng hóa Trung Quốc, với nhiều quốc gia trung gian đang giúp tổ chức việc đó.

Tạp chí Nikkei Asian Review đã nghiên cứu năm nhóm hàng hóa xuất khẩu chính của Trung Quốc với thiệt hại lớn nhất từ ​​sự tăng thuế nhập khẩu của Mỹ, bao gồm: Máy móc xây dựng, thiết bị điện và ô tô cùng với phụ tùng linh kiện, đồ nội thất, đồ chơi. Theo đó, từ tháng 1-tháng 3, xuất khẩu của năm nhóm hàng hóa này từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ đã thực sự giảm 16% (tương đương 12,2 tỷ dollars); nhưng thực tế khối lượng xuất khẩu những hàng hóa này từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ lại tăng lên, thông qua các nước như Đài Loan hay Mexico.

Như vậy, các sản phẩm của Trung Quốc xuất từ các nước trung gian đến Hoa Kỳ đã tăng thêm 58% (tương đương với 2,7 tỷ dollars). Trong đó, xuất khẩu hàng hóa năm nhóm này từ Trung Quốc sang Đài Loan tăng 23% trong ba tháng và từ Đài Loan sang Mỹ tăng 31%.

Những lý do rất rõ ràng: Để bù đắp tổn thất do thuế của Mỹ, các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang tạo ra chuỗi cung ứng mới. Kể từ khi Washington đưa ra các mức thuế cấm nhập, sáu quốc gia ở Đông Nam Á và Đài Loan đã tổ chức giao gần 1600 loại hàng hóa mới mà trước đây họ chưa từng bán ở Hoa Kỳ.

Trung Quốc “xuất khẩu vòng” sang Mỹ từ các nước trung gian

Thực tế là các nhà sản xuất Trung Quốc đã, đang và sẽ tính cách để lách luật của Mỹ – các chuyên gia đã cảnh báo vào hồi năm ngoái.

“Trong ngắn hạn, các hạn chế thương mại dẫn đến cách giải quyết lách luật, bởi thực tế là hầu hết các sản phẩm Trung Quốc đều có lợi nhuận thấp và mức thuế 10% thực sự là đã ăn hết lợi nhuận của nhà sản xuất”, Dein Chamorro, đối tác cao cấp của công ty tư vấn Control Risks (Sigapore) cho biết.

Trong nhiều năm, người Trung Quốc đã xây dựng các sơ đồ “xuất khẩu đường vòng” trong buôn bán mật ong. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là nhà sản xuất sản phẩm này lớn nhất thế giới, nhưng kể từ năm 2001, các trung gian địa phương đã phải chịu thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ.

Họ đã thành công vượt qua các hạn chế bằng cách gửi những thùng mật ong khổng lồ không nhãn mác đến một số nước Đông Nam Á như Thái Lan. Ở đó, sản phẩm được đóng gói trong các lon và dán nhãn địa phương.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/28576-chien-tranh-thuong-mai-my-chan-cua-chinh-trung-lach-cua-hau.html

 

Ông Tập đổi giọng nhanh thế!

Mới đây trong chuyến thăm Nga, ông Tập Cận Bình đã gọi Tổng thống Trump là “bạn của tôi”. Đồng thời, ông Tập cũng hạ cấp chiến tranh thương mại thành “xung đột” thương mại, và cho biết không mong muốn nhìn thấy quan hệ Trung – Mỹ tách rời triệt để. Trước “Hội nghị Trump-Tập” diễn ra bên lề Thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản vào cuối tháng 6 tới đây, thái độ này của ông Tập Cận Bình đưa ra tín hiệu gì cũng đã thu hút được nhiều sự chú ý.

Tập Cận Bình bày tỏ thái độ không muốn mối quan hệ Trung – Mỹ bị cắt đứt

Ngày 7/6, tham dự Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg trong khuôn khổ chuyến thăm Nga, ông Tập Cận Bình nói, “Mặc dù hiện tại chúng tôi và Mỹ có một số xung đột, nhưng hiện tại Mỹ và Trung Quốc đã là ‘trong bạn có tôi, trong tôi có bạn’. Tôi cũng rất khó tưởng tượng về việc Trung Quốc và Mỹ cắt đứt hoàn toàn quan hệ.”

Ông Tập còn nói, “Tình huống đó không chỉ tôi không muốn nhìn thấy, mà bạn bè Mỹ của chúng ta cũng không muốn nhìn thấy. Bạn của tôi – Tổng thống Trump, tôi tin rằng ông ấy cũng không muốn nhìn thấy tình huống đó.”

Đây là lần đầu tiên ông Tập Cận Bình công khai gọi ông Trump là bạn của mình, hơn nữa lại là biểu thị thái độ trong thời điểm nhạy cảm chiến tranh thương mại đang leo thang, khiến cho dư luận có nhiều đồn đoán.

Giới quan sát còn để ý tới việc, khi ông Tập Cận Bình nhắc tới chiến tranh thương mại Trung – Mỹ, đã thay đổi cách gọi thành “xung đột thương mại”, dừng như có ý muốn giảm nhiệt chiến tranh thương mại. Cuối tháng này, Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ tổ chức tại Nhật Bản,

khi đó, ông Tập Cận Bình sẽ gặp mặt Tổng thống Trump, hai bên liệu có đạt được cam kết hay không cũng đã trở thành chủ đề bàn tán của dư luận

Thực tế, từ tháng 1/2017 đến nay, sau khi ông Trump chính thức làm Tổng thống Mỹ, ông vẫn luôn đưa ra nhiều tín hiệu thiện ý với bản thân ông Tập Cận Bình, nhiều lần trong các trường hợp công khai hoặc trên mạng xã hội ông đều gọi ông Tập Cận Bình là bạn của mình. Mặc dù hồi đầu tháng 5, Bắc Kinh đã phá vỡ bản thảo cam kết, và chiến tranh thương mại tiếp tục nóng lên, nhưng ông Trump vẫn nguyện ý để Bắc Kinh có cơ hội ngồi lại bàn đàm phán.

Chiều ngày 7/6, ông Trump tham dự hoạt động kỷ niệm 75 năm cuộc đổ bộ vào Normandie, ông cho biết, tại Hội nghị G20, ông “sẽ gặp mặt Chủ tịch Tập Cận Bình, để xem xem điều gì sẽ xảy ra.”

Ông Trump nói, “có thể sau Thượng đỉnh G20 sẽ quyết định, (liệu có tăng thuế quan 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc hay không).”

Giới quan sát phân tích cho rằng, Hội nghị Trump – Tập bên lề Thượng đỉnh G20 rất có thể sẽ là cơ hội cuối cùng mà ông Trump trao cho ông Tập Cận Bình, nếu Bắc Kinh tiếp tục lỡ cơ hội này, chiến tranh thương mại sẽ bùng nổ toàn diện, lan sang lĩnh vực công nghệ, tài chính, tiền tệ và nhân quyền.

Phe Giang Trạch Dân bẫy Tập Cận Bình vào thương chiến, mượn cơ hội để ép Tập “thoái vị”

Trong lần gặp gỡ đầu tiên giữa ông Trump và ông Tập Cận Bình, ông Tập từng nói, “Chúng ta có hàng ngàn lý do để làm tốt mối quan hệ Trung – Mỹ, không có lý do nào để khiến cho mối quan hệ này xấu đi.” Nhưng không ngờ mối quan hệ Trung – Mỹ lại nhanh chóng đi xuống.

Có phân tích cho rằng, ông Tập Cận Bình bị ảnh hưởng của tình báo giả nên đã phán đoán sai lầm, khiến cho chiến tranh thương mại bùng nổ, quan hệ Trung – Mỹ xấu đi. Trong dư luận từ lâu đã có lời đồn về Trung Nam Hải nói ông Tập Cận Bình bị phe của ông Giang Trạch Dân dẫn hướng sai và rơi vào chiến tranh thương mại, chiến tranh thương mại chính là cạm bẫy mà phe ông Giang Trạch Dân dành cho ông Tập Cận Bình.

Đầu năm ngoái (năm 2018), khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung chưa bùng nổ, đã có kênh truyền thông Đài Loan đăng bài xã luận trích dẫn lời của nhân sĩ trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nói, những người thuộc phe thực dụng như Vương Kỳ Sơn, Lưu Hạc, Uông Dương biết rõ rằng quốc lực kiệt quệ, không chịu nổi một trận chiến. Tuy nhiên, “thành viên chủ chốt không rành thực tế của ĐCSTQ” và “người thuộc phe bảo thủ với dụng tâm hiểm ác” lại cực lực cổ súy tình cảm chủ nghĩa dân tộc, cổ súy khai chiến với Mỹ.

Bình luận viên Cao Sam của tờ Epoch Times phân tích về toàn bộ quá trình rằng, đầu tiên là người của ông Giang Trạch Dân chủ quản về lĩnh vực tuyên truyền hình thái ý thức của đảng Cộng sản Trung Quốc (ông Vương Hộ Ninh) triển khai tấn công bằng cách “tâng bốc” trên quy mô lớn, ông Tập Cận Bình bị đẩy lên vị trí “định tại nhất tôn” (chỉ uy quyền tối cao, người duy nhất quyết định tất cả, ví như Vua)

Sau đó là ông Tập Cận Bình sửa đổi điều lệ đảng một cách thuận lợi “khiến người khác sinh nghi”, hoàn thành “mộng tưởng” có thể ngồi ở vị trí cao vô thời hạn. Tiếp đó truyền thông nhà nước bắt đầu cổ súy “Kế hoạch ngàn nhân tài”, “Made in China 2025”, “Thế kỷ 21 là của đảng Cộng sản Trung Quốc”, v.v. không những đánh cắp công nghệ người khác, mà còn tuyên truyền một cách rầm rộ. Cuối cùng đã thành công trong việc khiến cho Mỹ chú ý, và chiến tranh thương mại bùng nổ, ông Tập Cận Bình bị đẩy lên tuyến đầu đối kháng với Mỹ.

Còn ông Vương Hộ Ninh được coi là “bộ óc Trung Nam Hải” lại đặt bẫy ông Tập Cận Bình, dùng ý thức Mao tả (Left Maoist) để ứng phó chiến tranh thương mại, khiến mâu thuẫn tăng cao. Vương Hộ Ninh bị cho là người sớm nhất “dẫn hướng sai” ông Tập Cận Bình, là đầu sỏ tội lỗi khiến chiến tranh thương mại bùng nổ.

Sau khi chiến tranh thương mại tiếp tục nóng lên, truyền thông Hồng Kông lần đầu tiên tiết lộ về quyết định của ông Tập Cận Bình lật đổ cam kết thương mại, khiến cho mũi giáo bất mãn với chiến tranh thương mại đều chĩa vào ông Tập Cận Bình.

Mới đây trang tin The Stand News tại Hồng Kông có bài viết nói, dưới tiền đề “định tại nhất tôn” của ông Tập Cận Bình, đã khiến cho các thế lực khác trong ĐCSTQ bất mãn, họ đều đang tìm cơ hội để lật đổ ông Tập Cận Bình. Đại diện những thế lực này chính là nhân vật

phản đối Trung – Mỹ đạt được thỏa thuận thương mại. Nếu phía Trung Quốc vì chiến tranh thương mại mà khiến cho kinh tế trượt dốc nghiêm trọng, họ có thể sẽ mượn cơ hội này để bức cung yêu cầu ông Tập Cận Bình từ chức.

Hiện tại, dưới sự xung kích của chiến tranh thương mại, chính quyền Trung Quốc đã rơi vào tình thế nguy cấp, Bắc Kinh đang gặp khó khăn cả trong lẫn ngoài, đấu đá trong nội bộ Trung Nam Hải trở lên kịch liệt, lòng dân muốn thay đổi.

Một bài viết đặc biệt trên tờ Epoch Times hôm 3/6 một lần nữa nhắc nhở, ông Tập Cận Bình hiện giờ cần nhìn thấy được con thuyền cũ ĐCSTQ sắp bị lật đổ trong sóng to gió lớn của lịch sử. Ông cần có quyết định kịp thời, không thể để mất cơ hội.

http://biendong.net/dam-luan/28575-ong-tap-doi-giong-nhanh-the.html

 

‘Chiến thuật’ chống Mỹ đặc biệt của TQ

Giới chức Trung Quốc dường như đang muốn gửi một thông điệp rõ ràng đến công dân của mình về nước Mỹ.

Trung Quốc mới đây đã đưa ra cảnh báo du lịch cho các công dân đang có ý định đi Mỹ. Hôm 4/6, Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc đã cảnh báo người dân về các rủi ro trong việc đến Mỹ du lịch trong một bản báo động, trích dẫn các vụ “xả súng, cướp giật và trộm cắp” gần đây.

Cùng ngày, các cơ quan ngoại giao của Trung Quốc ở Mỹ đưa ra cảnh báo an ninh với công dân Trung Quốc, cáo buộc các hành vi “quấy rối lặp lại nhiều lần” được thực hiện bởi các nhân viên hành pháp Mỹ đối với người dân Trung Quốc tại xứ sở cờ hoa.

Cả hai thông báo đều khuyến nghị công dân Trung Quốc “tăng cường ý thức bảo vệ an toàn” khi ở Mỹ, và chúng được đưa ra không lâu sau khi Bộ Giáo dục Trung Quốc lưu ý học sinh và nghiên cứu sinh nước này về các hiểm họa trong việc đi du học tại Mỹ..

Trên thực tế, những cảnh báo này không được đưa ra một cách đơn độc, truyền thông Trung Quốc cũng đăng tải nhiều bài viết phản đối Mỹ. Trong một bài viết đáng chú ý xuất bản hôm 4/6 trên tờ Nhân dân Nhật báo, nước Mỹ còn bị dán nhãn “kẻ thù của thế giới”.

Sau các bài bình luận dẫn lời nhiều nhân vật, từ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến triết gia ở thế kỷ 18 Adam Smith, báo chí nước này còn nhắc đến cuộc đụng độ giữa binh sĩ hai nước trong giai đoạn chiến tranh Triều Tiên (từ 1950 đến 1953).

Trận chiến trên núi Thượng Cam Lĩnh được ca ngợi ở Trung Quốc trong suốt nhiều thập kỉ qua như một bước ngoặt của cuộc chiến tranh Triều Tiên, khi ý chí và sự hi sinh của các binh lính Trung Quốc đã khiến quân Mỹ “bại trận”.

Kênh CCTV6 của Truyền hình Trung ương Trung Quốc gần đây còn phát sóng một loạt phim cũ vào khung giờ vàng, các bộ phim có nội dung liên quan tới chiến tranh Triều Tiên như “Trận chiến núi Thượng Cam Lĩnh” (1954), “Cuộc tấn công bất ngờ” (1960), “Những người con anh hùng” (1964), “Những vệ binh đường sắt” (1960).

Một bài bình luận hôm 3/6 trên trang mạng xã hội của cơ quan an ninh mạng quốc gia viết: “Quân đội Mỹ đã phải trả một cái giá quá đắt… Thượng Cam Lĩnh đã trở thành “ngọn núi đau thương” của họ”; “Đó là một khoảnh khắc dấu mốc, khi cả thế giới công nhận sức mạnh của Trung Quốc và quân đội nước này”.

Đài CCTV hiện đang chiếu lại một series phim tài liệu về cuộc chiến chống Mỹ và trợ giúp Triều Tiên, bao gồm các thước phim lịch sử và những lời bình mang đầy tính tự hào dân tộc.

Trong bài bình luận trên tờ Thời báo Học tập hôm 5/6, tác giả bài viết đã đánh giá lại về cuộc thương lượng Mỹ – Trung trong chiến tranh Triều Tiên và đưa ra thông điệp: “Cuộc đàm phán kéo dài hơn hai năm đã cho thế giới thấy những gì Mỹ không thể đạt được trên bàn đàm phán thì cũng không thể đạt được bằng chiến cơ và thần công”.

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát không cho rằng chiến thuật truyền thông cứng rắn của Trung Quốc sẽ mang lại hiệu quả tích cực.

“Trung Quốc có thật sự nghĩ họ có thể sử dụng các thông điệp tuyên truyền trong nước ngày càng cứng rắn, mà sẽ không làm chính phủ ông Trump nổi giận và giảm bớt triển vọng trở lại bàn đàm phán trong thời gian sớm nhất?”, Bill Bishop hôm 5/6 bình luận trên trang Sinocism.

Trước cả khi Bắc Kinh đưa ra cảnh báo du lịch, thống kê từ Chính phủ Mỹ cho thấy lượng du khách Trung Quốc đến Mỹ đã giảm hơn 5% xuống còn 2,99 triệu người trong 2018, khi cuộc chiến tranh thương mại bắt đầu. Đây là lần đầu tiên con số này tụt giảm trong 15 năm qua.

Ngoài ra, trong tổng số du học sinh quốc tế theo học tại các trường đại học Mỹ, những người đã đóng góp 39 tỉ USD cho nền kinh tế Mỹ trong năm học 2017-2018, một phần ba là đến từ Trung Quốc – theo số liệu từ Hiệp hội Nhà giáo dục Quốc tế.

Với các cảnh báo từ Bộ Giáo dục, nhiều nhà phân tích đã dự đoán rằng số lượng học sinh Trung Quốc đến Mỹ du học sẽ giảm đi. Trong khi đó, nhiều người khác lại cho rằng thái độ lo lắng và hoảng loạn đã bị thổi phồng lên quá mức.

“Tôi không thể suy đoán mỗi chính phủ đang nghĩ gì và sẽ làm gì, nhưng tôi chưa thấy vấn đề gì về visa đối với hàng trăm học sinh của chúng tôi”, Tomer Rothschild, người đồng sáng lập công ty tư vấn giáo dục Elite Schools tại Bắc Kinh, nơi giúp khoảng 150 sinh viên vào nhập học tại các trường đại học Mỹ mỗi năm, nói. “Tôi vẫn khuyên các phụ huynh tỉnh táo và giữ bình tĩnh”.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/28572-chien-thuat-chong-my-dac-biet-cua-tq.html

 

TQ chưa xác nhận cuộc gặp thượng đỉnh với Mỹ ở G20

Hôm 10/6, Trung Quốc vẫn chưa tiết lộ thông tin về cuộc gặp có thể diễn ra giữa hai nhà lãnh đạo Trung – Mỹ bên lề thượng đỉnh G20 vào tháng này, nhưng nói rằng Bắc Kinh vẫn “để ngỏ” đối thoại vấn đề thương mại với Washington, theo Reuters.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nhiều lần nói rằng ông sẵn sàng gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật, vào cuối tháng 6, nhưng phía Trung Quốc chưa xác nhận.

Hôm 8/6, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin cho biết, cuộc họp của hai nhà lãnh đạo Mỹ – Trung có một số điểm tương đồng với hội nghị thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires vào tháng 12 năm ngoái, mà Washington đã hoãn tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc trong khi hai bên nối lại đàm phán.

Phát biểu tại Bắc Kinh trong cuộc họp báo hàng ngày hôm 10/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng một lần nữa không xác nhận sẽ diễn ra cuộc gặp giữa lãnh đạo Mỹ – Trung tại Osaka.

Nhưng ông Cảng cho biết, Trung Quốc đã nhận thấy rằng gần đây, phía Hoa Kỳ đã nhiều lần nói rằng họ hy vọng sẽ sắp xếp một cuộc họp.

“Nếu có tin tức cụ thể về vấn đề này, Trung Quốc sẽ thông báo kịp thời,” ông Cảnh nói thêm.

Về tranh chấp thương mại Trung – Mỹ, ông Cảnh nói thêm rằng quan điểm của Bắc Kinh rất rõ ràng:

“Trung Quốc không muốn tham chiến trong cuộc chiến thương mại, nhưng không sợ một cuộc chiến như vậy. Nếu phía Hoa Kỳ sẵn sàng có các cuộc tham vấn bình đẳng thì cánh cửa của chúng tôi sẽ mở rộng. Còn nếu phía Hoa Kỳ khăng khăng leo thang xích mích thương mại, chúng tôi sẽ kiên quyết đáp trả và chiến đấu đến cùng.”

https://www.voatiengviet.com/a/tq-chua-xac-nhan-cuoc-gap-thuong-dinh-voi-my-o-g20/4952948.html

 

V. Putin, một lá bài « hữu ích » cho Trung Quốc

để đối chọi với Mỹ ?

Minh Anh

Ngày 07/06/2019, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kết thúc chuyến thăm chính thức nước Nga. Tham vọng của Nga là muốn trở thành một đối tác thương mại của Trung Quốc, thay thế cho Hoa Kỳ. Nhưng với Bắc Kinh, nước Nga hiện chỉ là một đối tác do « hoàn cảnh » và « cực chẳng đã ».

Thượng đỉnh Nga – Trung diễn ra trong vòng ba ngày 5-7/06/2019, trong bối cảnh Hoa Kỳ tăng mức áp thuế nhắm vào các mặt hàng nhập khẩu Trung Quốc bắt đầu từ đầu tháng 5/2019. Tại cuộc gặp này, Nga và Trung Quốc đều loan báo ký kết nhiều hợp đồng thương mại trị giá 20 tỷ đô la và tăng cường hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ.

Nga tuyên bố sẵn sàng gia tăng sản lượng đậu nành và tham gia vào một quỹ đầu tư chung trị giá một tỷ đô la dành cho công nghệ mới. Nước Nga cũng mở rộng vòng tay cho Hoa Vi, phát triển mạng 5G tại Nga. Tóm lại, Vladimir Putin đã làm tất cả để cho thấy nước Nga là một đối tác thương mại đáng tin cậy, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung còn kéo dài.

Tuy nhiên, ông Jean-François Dufour, giám đốc văn phòng cố vấn DCA Trung Quốc – trên đài France 24, lưu ý : « Trung Quốc chỉ xem Nga như là một đối tác bất đắc dĩ và nếu có thể Bắc Kinh tìm cách tránh lệ thuộc kinh tế vào Nga » vì hai lý do chính.

Thứ nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Đối với giới lãnh đạo Trung Quốc, nước Nga vẫn chỉ là một « chú lùn ». Xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga thấp hơn 10 lần so với sang Mỹ. Trung Quốc không dại gì dốc hết tiền vào Nga, vì như thế có nguy cơ làm phật lòng Washington, đối thủ địa chính trị chính của Matxcơva.

Thứ hai là về công nghệ. Nga không thể nào giúp Trung Quốc đạt được mục tiêu trở thành cường quốc hàng đầu công nghệ cao. Ông Jean-François Dufour nhấn mạnh rằng mục đích đầu tiên của Bắc Kinh là « không bán công nghệ của họ cho người khác, mà tìm cách sở hữu công nghệ mới nhờ vào các mối quan hệ đối tác với các doanh nghiệp đi đầu ». Nhìn từ góc độ này, rõ ràng nước Nga của ông Putin chẳng có được những công nghệ nào hấp dẫn Trung Quốc cả. Duy chỉ có công nghệ hàng không và cung cấp năng lượng là những lĩnh vực duy nhất mà Trung Quốc thật sự cần đến Nga.

Vậy Trung Quốc muốn gì ở Nga nhân cuộc gặp thượng đỉnh vừa qua ? Trong giai đoạn thương chiến căng thẳng với Mỹ, với một tầm vóc địa chính trị to lớn, quả thật nước Nga của ông Putin là một quân cờ có lợi cho Trung Quốc. Do vậy, ông Putin được ca ngợi là « người bạn tốt nhất » của Tập Cận Bình và tổng thống Nga vẫn là một lá chủ bài tốt nhất của Trung Quốc trong các cuộc thương lượng với Mỹ.

Lãnh đạo Trung Quốc có thể dọa mở rộng liên kết với Nga. Điều này « sẽ là một mối họa thật sự quan trọng cho Mỹ » như khẳng định của ông Jean-François Dufour. Một trục Nga – Trung có nguy cơ gây thêm phiền toái cho Donald Trump trong nhiều hồ sơ quốc tế khác như Venezuela, Iran và Syria.

Mặt khác, việc Trung Quốc « giương củ cà rốt » với Nga có lẽ còn nhằm mục đích kềm hãm nước này xích lại gần với phương Tây. « Một sự liên kết giữa Nga với khối này rất có thể sẽ là một cơn ác mộng chiến lược cho Trung Quốc, dù trong trước mắt đây mới chỉ là một giả thuyết có vẻ hơi kỳ cục », theo như phân tích của chuyên gia Arnaud Dubien, giám đốc đài Quan sát Pháp – Nga trên tờ Le Figaro.

Đối tác nhưng cũng không có nghĩa là không có cạnh tranh. Nga cần đầu tư của Trung Quốc để phát triển kinh tế. Quan hệ giữa Nga và Trung Quốc tuy ngày càng được thắt chặt nhưng luôn dựa trên một nguyên tắc « không bao giờ cùng với Trung Quốc, nhưng cũng không bao giờ chống lại Trung Quốc ». Nguyên tắc này cũng được áp dụng tương tự tại Bắc Kinh.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20190610-v-putin-mot-la-bai-%C2%AB-huu-ich-%C2%BB-cho-trung-quoc-de-doi-choi-voi-my