Chưa kịp hưởng lợi, Trung Quốc có thể “mắc bẫy” Vành đai và Con đường

Cac Bai Khac

No sub-categories

Chưa kịp hưởng lợi, Trung Quốc có thể “mắc bẫy” Vành đai và Con đường
06/06/2019   

Trung Quốc có thể sẽ phải gánh chịu những hậu quả từ những dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường do chính nước này đầu tư tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Chưa kịp hưởng lợi, Trung Quốc có thể “mắc bẫy” Vành đai và Con đường - 1
Ông Tập Cận Bình phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác Quốc tế Vành đai và Con đường tại Bắc Kinh hồi tháng 4. (Ảnh: Kyodo)

Những người chỉ trích thường cho rằng Trung Quốc đang sử dụng Sáng kiến Vành đai và Con đường “khổng lồ” như một hình thức “ngoại giao bẫy nợ” mang tính cưỡng ép, nhằm kiểm soát những nước tham gia chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng xuyên quốc gia này.

Theo nhận định của Deborah Brautigam tại Đại học Johns Hopkins, nguy cơ trên thường bị truyền thông thổi phồng. Thực tế, Sáng kiến Vành đai và Con đường có thể tiềm ẩn rủi ro đối với chính Trung Quốc.

Tại hội nghị thượng đỉnh Vành đai và Con đường gần đây diễn ra ở Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như đã thừa nhận những lời chỉ trích về “bẫy nợ”. Trong bài phát biểu của mình, ông Tập nói rằng “xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao, bền vững, ít rủi ro, giá cả hợp lý và có sự tham gia của nhiều bên sẽ giúp các nước tối ưu hóa toàn bộ tài nguyên của họ”.

Đây là một tín hiệu đáng khích lệ, vì điều đó cho thấy Trung Quốc ngày càng nhận thức rõ hơn về hệ quả nợ nần của Sáng kiến Vành đai và Con đường. Một cuộc nghiên cứu do Trung tâm Phát triển Toàn cầu tại Mỹ kết luận rằng 8 trong số 63 nước tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường có nguy cơ rơi vào “khủng hoảng nợ”.

Tuy nhiên, nhà kinh tế học người Anh John Maynard Keynes từng nói: “Nếu bạn nợ ngân hàng một trăm bảng, bạn là người gặp rắc rối. Nhưng nếu bạn nợ ngân hàng một triệu bảng, ngân hàng sẽ gặp rắc rối”. Đặt trong bối cảnh của Sáng kiến Vành đai và Con đường, Trung Quốc trở thành chủ ngân hàng đang bị nợ một triệu bảng.

Trung Quốc có thể trở thành nạn nhân của “mô hình thương lượng lỗi thời”. Theo mô hình này, một nhà đầu tư nước ngoài có thể mất dần năng lực thương lượng nếu đầu tư ngày càng nhiều vào nước sở tại. Các dự án cơ sở hạ tầng như các dự án trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường là ví dụ điển hình, bởi vì chúng có quy mô lớn, gắn liền với khu vực được đầu tư và không có giá trị kinh tế nếu chưa hoàn thiện.

Không có gì bất ngờ khi một số nước đối tác của Sáng kiến Vành đai và Con đường đang yêu cầu đàm phán lại các điều khoản với Trung Quốc, thường là sau khi dự án đã bắt đầu. Trung Quốc buộc phải đưa ra những nhượng bộ thuận lợi nhất cho các nước đối tác để các dự án có thể được tiếp tục.

Hồi giữa tháng 4, Malaysia thông báo một dự án đường sắt lớn thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường, vốn bị chính phủ nước này trì hoãn sau cuộc bầu cử năm ngoái, bây giờ tiếp tục được thực hiện sau khi đàm phán lại với Trung Quốc. Truyền thông đưa tin chi phí xây dựng dự án đã được giảm tới 1/3.

Tương tự Malaysia, các nước tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường khác cũng sẽ yêu cầu Trung Quốc giảm hoặc xóa nợ. Như vậy, người phải gánh chịu chi phí cuối cùng rốt cuộc lại là người Trung Quốc.

Phát sinh nhiều chi phí

Chưa kịp hưởng lợi, Trung Quốc có thể “mắc bẫy” Vành đai và Con đường - 2
Người Kenya nhảy múa bên cạnh đầu tàu do công ty Trung Quốc sản xuất cho dự án đường sắt Mombasa-Nairobi năm 2017. (Ảnh: Xinhua)

Sáng kiến Vành đai và Con đường có thể làm phát sinh nhiều chi phí ngầm cho Trung Quốc. Trước hết, rất khó để thu được tiền từ các dự án cơ sở hạ tầng. Nhiều người tin rằng đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên chưa có nhiều bằng chứng để chứng minh cho nhận định này. Thực tế cho thấy ngay đối với Trung Quốc, phần lớn cơ sở hạ tầng hiện tại của nước này được xây dựng sau khi quá trình tăng trưởng diễn ra.

Sự tăng trưởng của Trung Quốc không phải bắt nguồn từ việc phát triển cơ sở hạ tầng, mà là nhờ cải cách và đầu tư vào nguồn nhân lực. Như vậy, nếu tăng trưởng không diễn ra tại các nước tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường, các công ty Trung Quốc tham gia xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng tại những nước này sẽ phải gánh hậu quả.

Ngoài ra, nhiều nước đối tác của Sáng kiến Vành đai và Con đường cũng đối mặt với rủi ro, trong đó có Pakistan – một nước tiếp nhận đầu tư lớn từ Trung Quốc theo chương trình này. Ngoài các rủi ro chính trị, kinh tế và vỡ nợ cao, các chỉ số giáo dục của Pakistan cũng rất yếu kém. Đây lại là điểm đáng báo động đối với các dự án đầu tư của Trung Quốc tại Pakistan, bởi vì nghiên cứu chỉ ra rằng đầu tư vào cơ sở hạ tầng chỉ thúc đẩy tăng trưởng ở những nước có nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngay chính Trung Quốc được hưởng lợi từ các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng vì nước này đã đầu tư mạnh tay vào giáo dục.

Sáng kiến Vành đai và Con đường có thể giúp khu vực quốc doanh của Trung Quốc trở nên mạnh hơn, tuy nhiên điều này cũng làm gia tăng những mối đe dọa lâu dài đối với nền kinh tế Trung Quốc. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Doanh nghiệp Mỹ, các công ty tư nhân chỉ chiếm 28% trong các dự án đầu tư Vành đai và Con đường trong nửa đầu năm 2018, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2017.

Quy mô khổng lồ của Sáng kiến Vành đai và Con đường, cùng khả năng sinh lợi thấp của khu vực quốc doanh Trung Quốc, đồng nghĩa với việc các dự án theo chương trình này cần tới hỗ trợ mạnh mẽ của các ngân hàng Trung Quốc. Các dự án Vành đai và Con đường chắc chắn sẽ cạnh tranh về nguồn vốn với khu vực tư nhân trong nước của Trung Quốc, trong khi khu vực này đang phải đối mặt với gánh nặng thuế cao và khó khăn do cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Hơn nữa, các công ty phương Tây, vốn là một phần quan trọng của khu vực tư nhân Trung Quốc, đang rút dần khỏi nước này. Một số công ty của Mỹ như Amazon, Oracle, Seagate và Uber, công ty của Hàn Quốc như Samsung và SK Hynix và công ty của Nhật Bản như Toshiba, Mitsubishi và Sony đã cắt giảm quy mô hoạt động tại Trung Quốc hoặc quyết định rời khỏi nước này. Kết quả là, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Mỹ vào Trung Quốc năm 2017 chỉ đạt 2,6 tỷ USD, so với 5,4 tỷ USD năm 2002.

Đây là một diễn biến đáng lo ngại. Thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường, Trung Quốc đang xây dựng mối quan hệ với một số quốc gia thiếu minh bạch về tài chính và thụt lùi về kinh tế. Trong khi đó, chiến tranh thương mại, khu vực quốc doanh ngày càng mạnh và chủ nghĩa bảo hộ đang đẩy Trung Quốc rời xa phương Tây.

Lý do khiến Trung Quốc tăng trưởng và phát triển năng lực để thực hiện các dự án Vành đai và Con đường như hiện nay nhờ vào việc mở cửa nền kinh tế để tiếp cận toàn cầu hóa, công nghệ và bí quyết của phương Tây. So với việc hợp tác với phương Tây, các dự án của Sáng kiến Vành đai và Con đường có thể dẫn tới những rủi ro và bất ổn, từ đó gây tổn hại tới nền kinh tế Trung Quốc. Khi nền kinh tế phát triển chậm lại và triển vọng xuất khẩu ngày càng ảm đạm hơn do các yếu tố địa chính trị, Trung Quốc nên suy nghĩ lại về tốc độ, quy mô và phạm vi của Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Ông Yashen Huang – Giáo sư Chương trình Quốc tế về Kinh tế và Kinh doanh Trung Quốc, Giáo sư Kinh tế và Quản trị Toàn cầu tại Trường Quản trị Sloan thuộc Đại học MIT.

Thành Đạt (dịch)