Pháp muốn «châu Âu hóa» các chiến dịch tuần tra ở Biển Đông
Minh Anh
Ngày 02/06/2019, trong cuộc Đối thoại An ninh Shangri-La, ở Singapore, bộ trưởng Quân Lực Pháp, Florence Parly trình bày chiến lược mới đối chọi với Trung Quốc tại châu Á. Phải chăng giọng điệu cứng rắn lần này của Paris là theo hướng quan điểm « châu Âu hóa » các chiến dịch tuần tra Biển Đông – hiểu theo nghĩa hợp tác, liên kết, lập cơ chế quản lý chung – được trình bày trong một bản báo cáo của Quốc Hội Pháp ?
Tài liệu có tiêu đề « Báo cáo thông tin về những thách thức chiến lược tại Biển Đông », do hai tác giả Delphine O và Jean-Luc Reitzer thuộc Ủy Ban Đối Ngoại của Quốc Hội thực hiện. Ủy ban được thành lập vào 17/10/2018 và báo cáo đã được công bố ngày 10/04/2019.
Báo cáo dài 77 trang này cho rằng « chiến thuật sự đã rồi » của Bắc Kinh tại Biển Đông đi ngược lại các mục tiêu của Liên Hiệp Quốc, nhất là điều khoản số 2, đoạn thứ 4, trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc. Đồng thời, chiến lược của Bắc Kinh còn nhằm chia rẽ các nước thành viên khối ASEAN. Theo các tác giả bản báo cáo, ASEAN bị chia rẽ thành 4 nhóm trong hồ sơ Biển Đông.
Đó là nhóm các bên đòi hỏi yêu sách chủ quyền (Việt Nam) ; nhóm đòi hỏi thụ động (Philippines, Malaysia, Brunei), tiếp theo là những nước lo ngại nhưng không có đòi hỏi chủ quyền (Singapore, Indonesia) và cuối cùng là nhóm các nước không quan tâm, thậm chí thân Trung Quốc (Thái Lan, Cam Bốt, Miến Điện và Lào).
Điểm khiến các tác giả quan ngại là tình hình căng thẳng ở Biển Đông đã vượt quá khuôn khổ những tranh chấp lãnh thổ trong khu vực. Việc Bắc Kinh quân sự hóa và nhất là quyết định lập vùng chống tiếp cận và xâm nhập (A2/AD – Anti-Access/Area Denial) tại nhiều đảo đá ngầm ở Biển Đông đã buộc nhiều nước trong khu vực lao vào một cuộc chạy đua vũ trang, tăng cường nỗ lực quân sự và làm gia tăng sự hiện diện của các tầu chiến Mỹ. Hệ quả là nguy cơ leo thang quân sự gia tăng, có thể tác động nghiêm trọng đến các hoạt động giao thương hàng hải quốc tế.
Báo cáo lưu ý là tuyến hàng hải Biển Đông/Ấn Độ Dương/Suez/Địa Trung Hải/biển Manche chiếm 50% các hoạt động giao thương của Liên Hiệp Châu Âu. Một cuộc xung đột nổ ra tại khu vực này có thể gây ra những hậu quả kinh tế tàn khốc cho châu Âu. Điều này giải thích vì sao những năm gần đây hải quân Pháp tăng cường hiện diện trong khu vực. Tuy nhiên, những chiến dịch này của Pháp có thể khiến Bắc Kinh tức giận và đưa ra những quyết định « trừng phạt » làm tổn hại đến các lợi ích kinh tế của Paris.
Do vậy, báo cáo của Ủy Ban Đối Ngoại Quốc Hội Pháp cho rằng giải pháp hợp lý nhất hiện nay đối với Paris là nên thúc đẩy « châu Âu hóa » các chiến dịch can thiệp của Pháp nhằm ngăn chận tham vọng « độc chiếm » Biển Đông của Bắc Kinh, theo một trong bốn hướng.
Thứ nhất là hợp tác hải quân Pháp – Đức. Cả hai nước vốn chia sẻ cùng mối bận tâm về thái độ của Trung Quốc trong việc tôn trọng các luật lệ quốc tế. Câu hỏi đặt ra là liệu Hải Quân Đức có đủ khả năng để lao vào cuộc chơi này tại Biển Đông hay không ?
Hướng thứ hai là thắt chặt hợp tác Anh – Pháp đồng thời lôi kéo thêm cả Đức. Hướng đi này được cho là có nhiều lợi thế vì Anh đã có ý định trở lại trong khu vực. Theo các tác giả, một chương trình hành động chung cho phép bảo đảm duy trì một sự hiện diện của châu Âu bất kỳ lúc nào trong khu vực.
Chọn lựa thứ ba là một sự can dự trực tiếp hơn của những nước châu Âu nào có lập trường gần với Pháp như Hà Lan, Đan Mạch và như vậy « sự can dự này sẽ có một tầm cỡ châu Âu thật sự hơn ».
Cuối cùng là kêu gọi sự tham gia của nhiều nước Trung và Đông Âu. Điều này có thể vấp phải sự do dự vì nhiều nước trong số này có các mối liên hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc. Dù vậy, báo cáo của Quốc Hội Pháp cho rằng vẫn có thể thúc đẩy quan hệ đối tác với Ba Lan và nếu thành công, sự liên kết này còn có một tính biểu tượng cao hơn, phá vỡ kế hoạch chia rẽ « Đông – Tây » của Trung Quốc.
Liệu các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu có thể gạt sang một bên các lợi ích kinh tế riêng để có được một tiếng nói chung rõ nét, có trọng lượng hơn đối với các chiến dịch can thiệp Biển Đông hay không ? Đây quả là một câu hỏi khó trả lời.