Tưởng nhớ những người đã nằm xuống ở Thiên An Môn năm 1989 – Ngụy Kinh Sinh – Lê Minh Nguyên dịch

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tưởng nhớ những người đã nằm xuống ở Thiên An Môn năm 1989 – Ngụy Kinh Sinh – Lê Minh Nguyên dịch

Giới trẻ ngày nay có thể không nhận thức đầy đủ về phong trào dân chủ đã xảy ra vào năm 1989 tại Trung Quốc.  Tuy nhiên, những cảnh tượng trong các cuộc biểu tình lớn và rung chuyển trái đất này, và cuộc thảm sát đổ máu để chấm dứt nó, đã khắc sâu vĩnh viễn vào ký ức của nhiều người trung niên và lớn tuổi.  Hàng triệu người ở các thành phố lớn trên khắp Trung Quốc – sinh viên, công dân, trí thức và các quan chức của Đảng Cộng sản và của các cơ quan chính phủ đã xuống đường với những cuộc biểu tình lớn, tự phát, không chỉ làm rung chuyển mạnh mẽ Đảng Cộng sản ở TQ, mà còn làm lay động lòng nguời trên toàn thế giới.

Vào tối 3/6 và đầu giờ ngày 4/6, tiếng súng bắt đầu vang lên ở các thành phố, đặc biệt là ở thủ đô Bắc Kinh. Trên đường phố và trong Quảng trường Thiên An Môn, xác người rơi rụng xuống đất và máu chảy khắp nơi.  Hàng ngàn sinh viên và người dân đã bị bắn hạ bằng súng máy với đạn thật hoặc bị cán qua và nghiền nát bởi xe tăng.  Vì muốn có dân chủ và tự do, vì muốn có cuộc sống hạnh phúc hơn cho bản thân và con cái, vô số những người dũng cảm đã hy sinh máu thịt của họ, tính mạng của họ, để chống lại quân đội chiến đấu vũ trang đến tận răng.

Trong vụ thảm sát này, một số binh sĩ đã thể hiện lương tâm của họ như một con người.  Đại diện cho nhóm này là Trung Tướng Từ Cần Tiên (Xu Qinxian), khi đó là Tư lệnh Quân đoàn 38.  Ông bị đưa ra tòa án quân sự vì đã từ chối tuân theo mệnh lệnh nổ súng vào người biểu tình.  Cũng có những người lính chĩa súng lên cao hơn đầu mọi người, và do đó tránh làm tổn thương đồng bào của họ.  Tuy nhiên, cũng có nhiều người lính vô tâm không nhân đạo, họ đã dùng súng máy và xe tăng để tàn sát người dân một cách bừa bãi, kể cả một số học sinh trung học cấp hai.

Trong 30 năm qua, chế độ Cộng sản TQ đã cấm người dân ở TQ nói về phong trào này, chứ đừng nói chi đến việc tưởng niệm vụ thảm sát tàn nhẫn này.  Hậu quả là nhiều người trẻ dường như quên hoặc thậm chí chưa từng nghe về cuộc trang đấu này của những người lớn tuổi hơn họ.  Tuy nhiên, cũng có nhiều người trẻ khác vẫn không quên những hy sinh mà người thân của họ đã cống hiến. Họ làm lễ tưởng niệm, chiến đấu, yêu cầu làm sáng tỏ và bồi thường từ chế độ Cộng sản.  Ngoài ra còn có rất nhiều người, dẫn đầu bởi các phong trào hải ngoại tranh đấu cho dân chủ ở TQ, những người này công khai tưởng niệm những anh hùng và nạn nhân Thiên An Môn mỗi năm;  trong khi ở TQ đại lục, số đông hơn, dù sợ bị đàn áp và bắt bớ bởi chế độ Cộng sản, cũng thực hiện các cuộc tưởng niệm riêng tư và bí mật.

Đảng Cộng sản và quân đội troll ăn luơng của họ cũng không hoàn toàn im lặng về phong trào dân chủ.  Một trong những lập luận của họ là các nhà tranh đấu của bạn đã cố gắng trong ba thập kỷ rồi mà không thành công.  Họ cũng đã tập trung các cuộc tấn công vào phong trào dân chủ ở hải ngoại, hỏi rằng chúng ta đã đạt được gì trong những năm qua.  Mục đích của họ là kích động sự bất mãn của mọi người đối với phong trào dân chủ.

Nó có dễ dàng cho một phần tư dân số thế giới đạt được dân chủ và hưởng được tự do không?  Hoa Kỳ, nơi mà chỉ có vài triệu người khi lập quốc, chỉ thành công sau khi những người đi tiên phong đã đấu tranh và chiến đấu trong hơn hai thế kỷ.  Tại sao người dân TQ phải thành công chỉ sau ba thập kỷ?  Tôi tin rằng trách nhiệm của các thế hệ chúng ta là làm bất cứ điều gì có thể làm để đặt nền tảng cho sự chiến thắng cuối cùng trong tương lai, mà không cần tìm kiếm một phần thưởng ngay lập tức cho ngày hôm nay.

Có những người đã làm việc không ngừng nghỉ mà không có bất kỳ một khoản bồi hoàn nào, họ đã đóng góp thời gian, sức lực và tiền bạc, đôi khi còn gây nguy hiểm cho phúc lợi của người thân do sự kiểm soát tàn nhẫn của chế độ cộng sản.  Họ đã tiếp tục như thế này trong ba hay thậm chí bốn thập kỷ qua.  Họ là những tinh hoa của đất nước chúng ta.  Các đồng chí của chúng ta ở TQ đại lục xứng đáng được tôn trọng hơn nữa.  Họ đã hứng chịu những điều kiện hết sức là tồi tệ, vào tù ra khám, và một số thậm chí đã bị sát hại dưới lớp vỏ bọc của bệnh tật.  Họ thực sự là những anh hùng.  Chúng ta thực sự không nên quá phê bình họ.  Tất nhiên, những kẻ troll tuyên truyền được chế độ trả luơng để chỉ trích rất khắc nghiệt và có hại cho họ.  Nhưng cũng có những kẻ ngốc thực sự, những người đủ ngu để giúp đỡ các đặc vụ của chế độ mà không hề hay biết.

Qua Internet, tôi có cảm giác rằng nhiều người thường có một tâm lý hoang tuởng, nghĩ rằng những điều tuyệt vời cuối cùng sẽ từ trên bầu trời cao rơi xuống. Các cán bộ tuyên truyền của chế độ đã siêng năng làm việc để nuôi dưỡng và thúc đẩy lối suy nghĩ như vậy trong nhân dân.  Đó chính là lý do tại sao những rác rưới như “hòa bình, hợp lẽ, và không bạo lực”;  “hòa giải” của những think tanks của chế độ, và các thứ như “lãnh đạo hợp hiến do Đảng Cộng sản cai trị” tung ra để đánh lừa, càng ngày càng phổ biến.  Những thứ này được CS thiết kế để cung cấp cho những người ngây thơ và hoang tuởng, khiến họ say mê tin rằng những điều tuyệt vời sẽ thực sự từ trên trời rơi xuống

Tất nhiên, diễn biến hòa bình sẽ là kết quả tốt nhất mà chúng ta hy vọng có được.  Tuy nhiên, nếu không thuyết phục được những người có quyền lực rằng họ dùng bạo lực cuối cùng họ sẽ nhận được bạo lực và họ sẽ phải đối mặt với những hậu quả nặng nề nhất bởi vì điều đó, thì hà cớ gì họ lại chịu từ bỏ quyền lực của họ để có diễn biến hòa bình?  Nếu ta không có quyết tâm đấu tranh cho những gì mà ta tin tưởng vào bằng mạng sống của mình, thì liệu những tên côn đồ lừa đảo của chế độ có nhượng bộ cho mong muốn của nguời dân?  Diễn biến hòa bình sẽ không xảy ra đơn giản chỉ vì chúng ta mong muốn có nó.  Nếu không trả bằng một giá rất đắt, nó sẽ không bao giờ xảy ra.

Ngay cả sau khi nền dân chủ đã được thiết lập, những kết quả tốt đẹp chỉ có thể đạt được bằng sự đòi hỏi của mọi người và sẽ đi kèm theo với những cái giá phải trả.  Dân chủ pháp trị chỉ cung cấp một môi trường hòa bình, hợp lý và không bạo lực cho những người tranh đấu không chấp nhận bạo lực đẫm máu.  Ngoài việc áp bức và bóc lột, chế độ chuyên chế độc tài thường vướng vào các cuộc đấu tranh chính trị phi lý và bạo lực.  Nó không chỉ tàn nhẫn với những người bình thường, mà nó còn không dung tha với những người trong chính trị.  Những điều tuyệt vời từ trên trời rơi xuống luôn chỉ là một giấc mơ không bao giờ thành hiện thực.