Tin khắp nơi – 01/06/2019
Mỹ bắt đầu thu thuế cao hơn
đối với hàng TQ đi đường biển
Hoa Kỳ bắt đầu thu thuế cao hơn, với thuế suất là 25%, đối với nhiều hàng hóa Trung Quốc cập cảng biển của Mỹ vào sáng thứ Bảy 1/6, vào lúc cuộc chiến tranh thương mại leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và dẫn đến sự trả đũa từ Bắc Kinh.Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã quyết định tăng thuế đối với danh mục hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ đô la vào ngày 10/5, nhưng cho phép có khoảng ân hạn đối với hàng hóa đi đường biển đã rời Trung Quốc trước ngày đó, vẫn được hưởng thuế suất 10% trước đó.Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ trong thông báo đăng trên Công báo Liên bang ngày 15/5 đặt ra hạn chót cho các hàng hóa đó đến Hoa Kỳ là ngày 1/6. Sau đó, Cơ quan Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ sẽ bắt đầu áp dụng thuế suất 25% tại các cảng của Hoa Kỳ. Đã hết hạn chót lúc 12:01 sáng ngày 1/6, giờ miền Đông Hoa Kỳ.Mức thuế cao hơn ảnh hưởng đến một loạt các mặt hàng tiêu dùng và các hàng hóa trung gian nhập từ Trung Quốc, bao gồm cả các bộ modem và router internet, mạch in, đồ nội thất, máy hút bụi và các sản phẩm chiếu sáng.Trước đó, cũng trong ngày 1/6, Trung Quốc đã bắt đầu thu thuế cao hơn để trả đũa. Mục tiêu là danh mục hàng hóa Mỹ trị giá 60 tỷ đôla. Khoản thuế đó, được công bố vào ngày 13/5 và có hiệu lực vào nửa đêm ở Bắc Kinh, có thuế suất bổ sung là 20% hoặc 25% đối với hơn một nửa trong số 5.140 sản phẩm của Hoa Kỳ bị nhắm làm mục tiêu. Bắc Kinh trước đây đã tăng thuế thêm 5% hoặc 10% vào số hàng hóa mục tiêu.Chưa có lịch về đàm phán thương mại giữa các nhà đàm phán hàng đầu của Trung Quốc và Hoa Kỳ kể từ khi vòng đàm phán mới đây kết thúc trong bế tắc hôm ngày 10/5, cũng là ngày ông Trump công bố mức thuế cao hơn đối với 200 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc và sau đó tiến hành các bước để đánh thuế đối với tất cả hàng nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc.Trung Quốc đã ra lệnh tăng thuế gần đây nhất để đáp trả động thái của ông Trump.
https://www.voatiengviet.com/a/my-bat-dau-thu-thue-cao-hon-voi-hang-tq-duong-bien/4941802.html
Mỹ và Trung Quốc khẩu chiến
về Đài Loan và Biển Đông
Giới chức Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc đã có những phát biểu mạnh mẽ về vấn đề Đài Loan và Biển Đông hôm 1/6 tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, diễn đàn về quân sự và an ninh hàng năm trong khu vực.
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan nói rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp túc thực hiện nghĩa vụ về quốc phòng với Đài Loan, giúp người dân Đài Loan tự quyết định tương lai của chính mình.
Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ nói Hoa Kỳ sẽ thực hiện cam kết của mình Theo đạo luật Taiwan Relations Act mà theo đó Hoa Kỳ sẽ cung cấp cho Đài Loan các vũ khi và dịch vụ quốc phòng.
Mặc dù không nêu tên quốc gia cụ thể nào nhưng ông Shanahan nói rằng một số nước đang sử dụng cách xâm lược để làm mất ổn định trong khu vực, bao gồm cả việc triển khai vũ khí ra các khu vực tranh chấp, và hỗ trợ việc đánh cắp công nghệ quốc phòng và dân sự của nước khác.
Đáp lại lời phát biểu của quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Shao Yuanming, một quan chức cấp cao của Quân đội Nhân dân Trung Hoa có mặt tại Đối thoại, nói rằng các hành động của Mỹ với Đài Loan và Biển Đông không có lợi cho việc duy trì ổn định trong khu vực.
“Ông (Shanahan) đã bày tỏ cách nhìn không đúng và lặp lại những luận điệu cũ về vấn đề Đài Loan và Biển Đông”, ông Shao Yuanming nói với báo giới, đồng thời khẳng định phát biểu của phía Mỹ đang gây nguy hại cho hoà bình và ổn định khu vực.
Đại diện Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng lên tiếng bảo vệ các quyền lợi của Trung Quốc khi nói rằng nước này sẽ bảo vệ chủ quyền của mình bằng mọi giá nếu ai đó có ý định tách rời Đài Loan khỏi Trung Quốc.
Trước đó, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng nói với các đại biểu các nước có mặt tại Đối thoại lần này là Hoa Kỳ sẽ không còn “rón rén” trước các hoạt động của Trung Quốc ở Châu Ákhi mà ổn định trong khu vực đang bị đe doạ xung quanh vấn đề Biển Đông và Đài Loan.
Mỹ trong những tháng gần đây đã gia tăng các hoạt động tuần tra Biển Đông trong chương trình Tự do hàng hải. Từ đầu năm đến nay, tàu chiến của Mỹ đã 4 lần đi vào gần các khu vực quanh các đảo và bãi đá mà Trung Quốc đòi chủ quyền. Trung Quốc tức giận gọi đây là các hành động vi phạm chủ quyền của nước này.
Tại Shangri-La, Washington kêu gọi
Bắc Kinh ngừng xâm lấn chủ quyền của láng giềng
Hôm nay, 01/06/2019, tại Diễn đàn An ninh châu Á, Shangi-La, Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc chấm dứt xâm lấn chủ quyền của các nước láng giềng. Washington cũng cảnh báo sẽ đầu tư ồ ạt trong 5 năm tới để duy trì ưu thế quân sự trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Trong diễn văn tại diễn đàn hội nghị, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, Patrick Shanahan tuyên bố : « Trung Quốc có thể và phải có quan hệ hợp tác với các nước còn lại trong vùng… Nhưng những hành vi làm xói mòn chủ quyền của các nước làm gieo rắc nghi ngờ của Trung Quốc phải được chấm dứt ».
Mỹ đặc biệt chỉ trích Bắc Kinh chiếm đóng và quân sự hóa nhiều đảo trên Biển Đông mà các nước như Việt Nam, Philippines, Đài Loan hay Brunei vẫn đòi chủ quyền. Nhân danh tự do hàng hải, Hoa Kỳ vẫn thường xuyên tiến hành các chuyến tuần tra, giám sát trong khu vực Thái bình Dương cũng như không phận quốc tế. Mỹ vẫn đưa tàu chiến đi vào các vùng như eo biển Đài Loan và vùng biển có các đảo Trung Quốc chiếm giữ nhưng đang có tranh chấp các nước xung quanh.
Lãnh đạo Quốc Phòng Mỹ cảnh báo, « chúng tôi sẽ không làm ngơ trước hành vi của Trung Quốc ». Ông Shanahan khẳng định, không một nước nào có thể hay có quyền thống trị khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và Hoa Kỳ « bảo đảm không một đối thủ nào có thể nghĩ rằng họ có thể đạt mục đích chính trị bằng sức mạnh quân sự ».
Ông Shanahan nhắc lại là Bộ Quốc Phòng Mỹ dự trù ngân sách 104 tỷ đô la cho nghiên cứu và phát triển quân sự. Lầu Năm Góc còn « đầu tư nhiều hơn nữa trong 5 năm tới cho các chương trình chủ chốt để Ấn Độ – Thái Bình Dương là khu vực ổn định chắc chắn ».
Hôm qua bên lề diễn đàn, bộ trưởng Patrick Shanahan và đồng nhiệm Trung Quốc, tướng Ngụy Phượng Hòa đã có cuộc gặp riêng. Lãnh đạo Quốc Phòng Mỹ khẳng định hai nước vẫn có những lĩnh vực có thể hợp tác được với nhau, đặc biệt trong việc kiểm soát thực thi lệnh trừng phạt quốc tế đối với Bắc Triều Tiên.
Đăng đàn sau đó, bộ tưởng Quân Lực Pháp, bà Florence Parly nhắc lại là Pháp có các vùng lãnh thổ tại Thái Bình Dương và khẳng định sẽ bảo vệ lợi ích, công dân, lãnh thổ và các vùng đặc quyền kinh tế của mình trong vùng. Ám chỉ đến hành động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông, bà Parly tuyên bố : « Chúng tôi coi chủ trương ʺsự đã rồiʺ là vi phạm rõ ràng Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190601-shangri-la-washington-bac-kinh-xam-lan-chu-quyen-lang-gieng
Mỹ Đánh Vào Xương Sống TC
Vi Anh
Tổng Thống Mỹ D. Trump vừa ký sắc lệnh đưa Tập đoàn Huawei và 68 chi nhánh tại hơn 20 quốc gia trên thế giới vào “danh sách đen” thương mại Entity List, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 17-5. Đó là đòn bó tay, trói chân TC trong chiến lược “Made in China 2025” và “Một Vành Đai Một Con Đường”. Hãng Bloomberg mới đây cho biết, Trung Quốc đang xem xét việc trì hoãn các mục tiêu trong chương trình này. Đang trong thời Chiến tranh Thương mại căng thẳng với Mỹ, TC e ngại Mỹ đánh mạnh, đánh toàn diện, đánh xa luân chiến nên Đảng Nhà Nước TC mật lịnh không cho ‘báo đài’ của Đảng Nhà Nước thông tin, nghị luận ì xèo về hai chiến lược này. Nhưng Mỹ đề cao cảnh giác có thể đó là chiến thuật lùi một bước để tiến hai ba bước của TC.
Trong kỳ họp thứ 11, TC xoá bỏ hầu như mọi cam kết trong các phiên đàm phán trước suốt cả mấy tháng trời, nên TT Trump tăng mức thuế quan từ 10% lên 25% trên các mặt hàng TC nhập vào Mỹ trị giá 200 tỷ Mỹ kim và sau đó có thể lên 300 tỷ.
Chiến lược “Made in China 2025” và chiến lược “Một Vành Đai, Một Con Đường” là hai chiến lược TC mưu toan đánh Mỹ để tranh giành vị thế đệ nhứt siêu cường thế giới của Mỹ. Theo các nguồn tin và phân tích đang tin cậy “Made in China 2025” là kế hoạch nâng cấp năng lực sản xuất của Trung Quốc để phản ánh cơ sở hạ tầng đẳng cấp thế giới của họ. Theo tờ Financial Times cho biết, ‘ý đồ’ của TC hiện đại hoá trong sản xuất sử dụng người máy, 5G, trí thuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT).
Chiến lược này được đặt lên hàng đầu trong sách lược kinh tế của Chủ tịch Tập Cận Bình và là một phần trong gói kế hoạch của ông hướng tới mục tiêu tạo ra mô hình kinh tế bền vững, vượt trội của TC. Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2025, TC sẽ đạt 70% “tự cung tự cấp” trong những thiết bị và nguyên liệu chính cho công nghệ cao.
Còn chiến lược “Một Vành Đai Một Con Đường” là chiến lược TC bành trường kinh tế, chánh trị, quân sự khắp thế giới để TC như Đế Quốc La Mã các nước “đường nào cũng về La Mã”.
Nhưng Tổng thống D. Trump và chánh quyền Mỹ nhận thức được “ý đồ” của Chủ Tịch Bình. Do đó chánh quyền Trump đã biến các lĩnh vực công nghiệp và sản phẩm của TC vào trong trọng tâm của cuộc Chiến tranh Thương mại giữa hai nước.
Sau 10 phiên họp của hai bên Mỹ và TC cả 10 tháng trời kết quả rất tốt. Chính Ô. Tập Cận Bình cụ thể hoá lời hứa “Chúng tôi sẽ thiết lập một hệ thống cơ chế thực thi ràng buộc với các thỏa thuận quốc tế”. Ông Bình cho biết Trung Quốc sẽ tiêu chuẩn hóa tất cả ban ngành của chính phủ trong vấn đề ban hành thủ tục hành chính và quản lý thị trường. Chính phủ nước này cũng sẽ loại bỏ những quy định bất hợp lý, biện pháp trợ cấp và những thông lệ gây cản trở cho môi trường cạnh tranh công bằng cũng như làm nhiễu loạn thị trường. “Trung Quốc sẽ không can thiệp làm hạ giá đồng nội tệ, gây thiệt hại cho các quốc gia khác. Đồng nhân dân tệ sẽ được giữ ở mức hợp lý và cân bằng. Thị trường sẽ giữ vai trò lớn hơn trong việc định đoạt tỷ giá ngoại hối”, ông Tập Cận Bình khẳng định như thế.
Nhưng đến phiên họp thứ 11 lẽ ra hai bên sẽ phải ký một thỏa thuận chung như trên. Nhưng TC lại lật lọng bỏ gần hết những cam kết của TC. Ngày 10-5 vừa qua, Tổng thống D. Trump phản ứng mạnh. Ông tuyên bố Mỹ sẽ áp mức thuế 25% đối với lượng hàng hóa trị giá hơn 200 tỷ USD của Trung Quốc, đồng thời cân nhắc sẽ tăng mức thuế đối với lượng hàng hóa còn lại có trị giá trên 325 tỷ USD.
TC cũng không phải tay vừa, bèn trả đũa. Ngày 13-5, Trung Quốc thông báo sẽ tăng thuế nhập cảng từ 10% lên 20-25% đối với lượng hàng hóa nhập cảng từ Mỹ có giá trị 60 tỷ USD.
Chiến tranh Thương mại Mỹ chống TC, mục tiêu giảm thâm hụt thương mại cho Mỹ chỉ là một mục chiến thuật, mục tiêu chiến lược, chánh yếu trong cả chục cuộc đàm phán của Mỹ ngăn chặn sự trỗi dậy của TC qua hai chiến lược “Made in China 2025” và “Một Vành Đai Một Con Đường. Tức là Mỹ đánh vào xương sống kinh tế, chánh trị, ngoại giao của TC.
Những yêu cầu của Tổng thống Trump đối với TC cho ta thấy rõ. Phái đoàn đại diện thương mại Mỹ cố gắng tập trung vào đường hướng chỉ đạo của TT Trump minh thị trong những điểm sau. TC phải: (1) cắt giảm hỗ trợ của nhà nước cho các ngành công nghiệp công nghệ cao; (2) chấm dứt tình trạng ép buộc các công ty nước ngoài phải chia sẻ những công nghệ then chốt đối với các doanh nghiệp Trung Quốc; (3) bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; (4) gỡ bỏ những hạn chế về quyền sở hữu đối với các dự án đầu tư sắp tới, mở cửa rộng hơn nữa cho hàng hóa và dịch vụ nước ngoài vào Trung Quốc; (5) từ bỏ mục tiêu tự cung tự cấp trong những lĩnh vực công nghệ chủ chốt và các sản phẩm thuộc các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao.
Để thúc đẩy những bước tiến này, chính phủ Mỹ đã áp dụng mức thuế 10-25% đối với hàng hóa TC xuất cảng sang Mỹ (trị giá 250 tỷ USD), siết chặt kiểm soát đối với đầu tư của Trung Quốc vào các công ty công nghệ của Mỹ và đưa ra các lệnh trừng phạt đối với sản phẩm xuất cảng của một số công ty công nghệ của Trung Quốc.
Phản ứng của Mỹ gây tác động bất lợi cho TC. Nhiều công ty đa quốc gia chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc, đe dọa nền kinh tế hiện nay của Trung Quốc và kế hoạch nâng cấp công nghệ của nước này.
Nếu cuộc tranh chấp thương mại leo thang hơn nữa, Trung Quốc có thể tương nhượng một phần thứ yếu của chiến lược “Made in China 2025” bằng cách rút lại sự tài trợ cho các công ty TQ, cải thiện công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tạo điều kiện thuận lợi hơn một chút cho các công ty tư nhân trong nước và nước ngoài so với các doanh nghiệp nhà nước.
Tuy nhiên, ít có khả năng kế hoạch “Made in China 2025” bị từ bỏ hoàn toàn; thay vào đó, nhiều khả năng, Bắc Kinh sẽ đưa một chiến lược quốc gia mới cho việc phát triển công nghệ dưới một cái tên mới, về cơ bản là kế hoạch B của “Made in China 2025”.
Nhưng cứu cánh của Mỹ không phải là những nhượng bộ thứ yếu ấy. Cứu cánh tối hậu của Mỹ là bó tay, trói chân TC trong việc tiếp cận, làm chủ khoa học, kỹ thuật, công nghệ để hàng hoá của TC “made in China 2025” vượt trội hơn Mỹ. Và chiến lược “Môt Vành Đai Một Con Đường” chết lặng lẽ vì TC thiếu vốn đầu tư, cho vay bẫy nợ, bị các nước tẩy chay.
Nên chính phủ Mỹ đặt ra thêm những hạn chế đối với các sinh viên và các nhà nghiên cứu Trung Quốc tại các trường đại học của Mỹ, ngăn chặn những trao đổi, tương tác giữa các nhà khoa học của cả hai nước, hoặc cản trở các nhà đầu tư và các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc mua lại các công ty khởi nghiệp tại thung lũng Silicon, tốc độ thu nạp kiến thức tại Trung Quốc có thể giảm dần và chấm dứt./.(VA)
https://vietbao.com/a294784/my-danh-vao-xuong-song-tc
Quyền Bộ Trưởng Nội An Mỹ Báo Động:
Khủng Hoảng Nhân Đạo Và An Ninh Tại Biên Giới;
WASHINGTON – TT Trump dùng twitter loan báo: mọi hàng hóa nhập cảng từ Mexico sẽ phải chịu thuế suất 5% từ ngày 10-6.
Ông cho biết: biện pháp thuế này sẽ được thực hành từ trong lúc Mexico chấn chỉnh các biện pháp di trú để di dân Trung Mỹ không tràn đến biên giới nam Hoa Kỳ.
Chính phủ Trump ban bố tình trạng khẩn cấp an ninh từ nhiều tháng qua trong lúc xiết chặt kiểm soát biên giới.
Tin BBC cho hay: Biên Phòng báo cáo “làn sóng di dân tràn ngập” nhưng giới phê bình tin là các cơ quan di trú làm việc kém hiệu quả và ngược đãi di dân.
Trong khi đó, TT Obrador kêu gọi TT Hoa Kỳ không tính thuế nhập cảng với toàn bộ hàng hóa xuất cảng của Mexico, lấy cớ lân bang phía nam không nỗ lực kiểm soát di dân Trung Mỹ quá cảnh Mexico trên đường xâm nhập biên giới Hoa Kỳ.
Thời hạn ngày 10-6 do TT Trump đề ra là thách thức ngoại giao chưa từng thấy với TT Obrador sau 6 tháng tránh đối đầu.
Trong buổi họp báo sáng 31-5, ông Obrador tuyên bố với quốc dân “Hãy có niềm tin – chúng ta sẽ vượt qua nguy cơ này. Vì nhân dân Mexico không đáng bị cư xử theo cách đang được toan tính.
Phòng thương mại Hoa Kỳ loan báo: đang tìm cách thách thức biện pháp gây áp lực bằng thuế của chính quyền Trump.
Theo TT Obrador, TT Trump thừa hiểu rằng thuế trừng phạt không là cách để giải quyết vấn đề di trú. Thông điệp đe dọa của chủ nhân Bạch Ốc báo trước “thuế nhập cảng hàng hóa Mexico sẽ tăng dần từ 5% để là 25% từ đầu Tháng 10.
Twitter của ngoại trưởng Mexico gọi cách cư xử của Washington là “không công bằng, không hợp lẽ về kinh tế. Trong khi đó, cố vấn thương mại Peter Navaro của chính quyền Trump tỏ ý tin tưởng rằng phản ứng của Mexico sẽ là thuận lợi và nhanh chóng. Ngoài ra, twitter của chủ nhân Bạch Ốc khẳng định Mexico được lợi trong giao thương từ nhiều năm – họ có thể giải quyết dễ dàng. Đã đến lúc để họ làm việc phải làm”.
TT Obrador cho biết: ngoại trưởng Ebrard sẽ đi Washington nay mai để thuyết phục lân bang phía bắc rằng tăng thuế không là lợi, đồng thời chứng minh các tiến bộ về di trú tại Mexico.
Trong thời gian qua, TT Obrador hô hào TT Trump giúp kích thích phát triển kinh tế tại Trung Mỹ, là các giải quyết từ căn bản động lực thúc đẩy dân Trung Mỹ bỏ xứ để tránh nghèo khó và bạo động.
Tin bổ túc từ CNN ghi: TT Trump và TT Obrador chưa nói chuyện trực tiếp về thuế – tham vụ báo chi Sarah Sanders tuyên bố “2 vị chưa nói chuyện với nhau – nhưng chắc chắc các phụ tá của 2 bên vẫn có những giao tiếp thường lệ – như tôi đã nói: chúng ta trao đổi với họ từ nhiều tháng, yêu cầu làm mạnh và làm nhiều hơn về di trú.
Phòng thương mại nhắc nhở: thuế nhập cảng hàng Mexico là phần tiền mà người mua phải trả trong khi 1 nghị sĩ CH phê bình là “xử dụng sai thẩm quyền thuế của TT”. Nghị sĩ Chuck Grassley, là chủ tịch ủy ban tài chinh Thượng Viện, giải thích “chính dách thương mại và an ninh biên giới là 2 lãnh vực khác nhau” – theo ông, Hành Pháp có thể dùng phương cách khác để gây áp lực trên chính quyền Mexico mà không gây thiệt hại người mua và việc làm trong nước. Ông nhấn mạnh “Hậu thuẫn mọi biện pháp di trú của TT Trump, nhưng không gồm áp lực thuế”.
Mặt khác, nghị sĩ Mitch McConnell, thủ lãnh đa số Thượng Viện nhắc nhở: mọi biện pháp ảnh hưởng các quan hệ kinh tế với Mexico đánng được cân nhắc cẩn trọng.
Twitter sáng Thứ Sáu của chủ nhân Bạch Ốc ghi: Mexico phải giành lại chủ quyền từ các trùm ma túy và băng đảng – mục đich của thuế phạt là chận đứng ma túy và tội đồ tại biên giới. Ông Trump cũng nhắc lại khiếm ngạch mậu dịch với Mexico là 100 tỉ.
Trong lúc nói chuyện với các phóng viên vào chiều tối Thứ Năm, Quyền Bộ Trưởng Nội An Hoa Kỳ Kevin McAleenan nói rằng Cảnh Sát Biên Phòng cho biết nhiều ngàn di dân lậu tới biên giới mỗi ngày.
Ông McAleenan cho biết rằng, “Tình trạng này là khủng hoảng nhân đạo và an ninh đã trở thành tình trạng khẩn cấp quốc gia.”
TT Trump không còn cho Ấn Độ
hưởng quy chế thương mại đặc biệt
Chính quyền của Tổng thống Trump tuyên bố hôm thứ Sáu 31/5 rằng họ sẽ không còn cho phép Ấn Độ hưởng quy chế thương mại đặc biệt.
Vào ngày 5/6, Nhà Trắng sẽ bãi bỏ sự đối xử đặc biệt dành cho Ấn Độ, nước hiện đang được miễn thuế hàng tỷ đô la.
Thông báo về sự thay đổi này khẳng định rằng Ấn Độ không cho Hoa Kỳ “được tiếp cận công bằng và hợp lý vào các thị trường của Ấn Độ”.
Chính quyền Mỹ cũng sẽ đánh thuế lên các tấm pin mặt trời và máy giặt Ấn Độ, dừng việc miễn thuế mà Ấn Độ và các nước khác đã được hưởng.
Một tuyên bố hôm 1/6 của Bộ Thương mại Ấn Độ gọi diễn biến này là “thật đáng tiếc”, đồng thời bộ nói rằng Ấn Độ đã cố đưa ra những giải pháp với phía Hoa Kỳ song không giải quyết được vấn đề.
Hoa Kỳ và Ấn Độ đã bất đồng về thương mại trong nhiều tháng, đặc biệt là về chính sách bảo hộ của Ấn Độ và các nỗ lực của Hoa Kỳ để ngăn chặn nước này mua dầu của Iran.
Động thái này diễn ra cùng lúc chính quyền ông Trump leo thang các hành động về thương mại trong tuần này, bao gồm cả lời đe dọa áp thuế đối với tất cả hàng hóa từ Mexico, một đồng minh khác của Hoa Kỳ, trừ khi nước này nỗ lực hạn chế di dân bất hợp pháp vào Hoa Kỳ.
(The Hill, New York Times)
https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-khong-cho-an-do-quy-che-thuong-mai-dac-biet/4941781.html
Tin về BTT hành quyết đặc sứ :
Mỹ thông báo đang kiểm chứng
Ngày 31/05/2019, ngoại trưởng Mỹ thông báo đang kiểm chứng thông tin từ báo chí Hàn Quốc, về việc lãnh đạo Bình Nhưỡng ra lệnh xử tử một số quan chức ngoại giao, sau khi thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên tại Hà Nội thất bại. Cùng lúc đó, Nhà Trắng khẳng định sẽ không để vấn đề này ảnh hưởng đến đàm phán « phi hạt nhân hóa ».
Theo CNN, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong cuộc họp báo với đồng nhiệm Đức Heiko Maas tại Berlin, cho biết phía Mỹ đã bắt đầu xem xét các báo cáo, và đang nỗ lực kiểm chứng thông tin. Về phần mình, phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders xác nhận là Washington « theo dõi sát » vấn đề này, nhưng không đưa ra bình luận.
Tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc ngày 31/05/2019 loan tin ông Kim Jong Un ra lệnh xử tử đặc sứ Kim Hyok Chol cùng bốn quan chức ngoại giao bị cáo buộc « phản bội lãnh đạo » sau khi thượng đỉnh tại Hà Nội thất bại. Chosun Ilbo là nhật báo có số lượng ấn bản lớn nhất tại Hàn Quốc. Các hãng thông tấn quốc tế đều đưa lại tin này một cách dè dặt. Trước đây, từng có một số trường hợp quan chức Bắc Triều Tiên được thông tin là đã bị hành quyết, và xuất hiện trở lại sau đó ít lâu.
« Các vụ hành quyết » ám ảnh Diễn đàn Shangri-La
Trả lời phỏng vấn CNN, đặc sứ Hoa Kỳ về Bắc Triều Tiên, Stephen Biegun, có mặt tại Diễn đàn Shangri-la hôm nay, 01/06/2019, cũng không đưa ra bình luận nào về thông tin đối tác Bắc Triều Tiên bị xử tử. Thông tin về vụ hành quyết năm nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên tham gia đàm phán tại Hà Nội cũng là chủ đề được thảo luận bên lề Diễn đàn An ninh châu Á tại Singapore.
Trước cử tọa hàng trăm người tham dự Diễn đàn, quyền bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Patrick Shanahan, khẳng định Bắc Triều Tiên vẫn là « một mối đe dọa lớn, và điều này đòi hỏi phải thường xuyên cảnh giác ».
Về phần mình, đặc sứ Hoa Kỳ về đàm phán hạt nhân với Bắc Triều Tiên Stephen Biegun tỏ ra tin tưởng vào đường lối của tổng thống Trump, « tin tưởng chủ tịch Kim Jong Un sẽ tôn trọng các cam kết được đưa ra tại đây (tức Singapore) ».
Kim Jong Un trở lại nơi thử hỏa tiễn xuyên lục địa đầu tiên
Trong khi đó, tại Bắc Triều Tiên, hãng tin Nhà nước KCNA hôm nay thông báo lãnh đạo Bắc Triều Tiên vừa thị sát một số nhà máy trọng điểm, nhưng không cho biết chuyến đi diễn ra khi nào. Theo chuyên gia Mỹ tại một trung tâm nghiên cứu về không phổ biến vũ khí hạt nhân (CNS), ở California, thì địa điểm mà ông Kim Jong Un thị sát chính là « trái tim của nền công nghiệp quân sự Bắc Triều Tiên ».
Trong số các cơ sở này, có nhà máy Mùng 8 tháng 2, nơi từng chế tạo các dàn phóng tên lửa đạn đạo. Đây cũng là nơi Kim Jong Un từng chứng kiến vụ bắn thử lần đầu tiên tên lửa liên lục địa ICBM Hwasong-14, vào ngày 28/07/2017. Tên lửa được tuyên bố có khả năng tấn công lãnh thổ Hoa Kỳ. Vụ thử tên lửa này buộc Hội Đồng Bảo An gia tăng trừng phạt Bình Nhưỡng.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190601-btt-hanh-quyet-dac-su-my-thong-bao-dang-kiem-chung
Mỹ, Virginia Beach: 12 người chết
khi tay súng bắn các nhân viên tòa thị chính
Ít nhất 12 người chết và một số người đã bị thương vào thứ Sáu trong vụ xả súng hàng loạt vào một tòa nhà chính phủ ở bang Virginia, Hoa Kỳ.
Cảnh sát cho biết nghi phạm là một nhân viên lâu năm ở trung tâm hành chính thành phố Virginia Beach.
Người đàn ông đã xả súng liên tiếp vào tòa nhà phụ trách phục vụ công cộng.
Tay súng đã bị bắn chết trong một cuộc đấu súng với cảnh sát, và hiện danh tính vẫn chưa được công bố. Trong đó, một cảnh sát đã bị thương.
Một số nét về văn hóa dùng súng ở Mỹ
Báo Mỹ đoạt giải Pulitzer cho các bài ‘không mong muốn’
Mỹ: 5 người chết trong vụ xả súng tại Illinois
Vụ xả súng xảy ra như thế nào?
Vụ tấn công bắt đầu vào lúc 4 giờ chiều giờ địa phương, tại Trung tâm hành chính thành phố Virginia Beach, một khu vực có nhiều tòa nhà của chính quyền thành phố. Khu vực này hiện đã bị cảnh sát và nhân viên khóa chặt.
“Chúng tôi chỉ nghe thấy mọi người la hét nói phải nằm rạp xuống [để che chắn],” Megan Banton, một trợ lý hành chính trong tòa nhà, nói với đài truyền hình địa phương WAVY.
Một nạn nhân bị bắn ở bên ngoài tòa nhà, trong một chiếc ô tô. Những người còn lại được tìm thấy trên ba tầng của tòa nhà chính phủ, Cảnh sát trưởng James Cervera nói.
Bốn cảnh sát tiến vào tòa nhà và xác định được địa điểm của tay súng và “ngay lập tức tiếp cận” anh ta. Kẻ tấn công sau đó đã bị bắn chết sau một cuộc đấu súng kéo dài.
Vị cảnh sát trưởng mô tả hiện trường vụ án là “khủng khiếp” và trông như thể “một chiến trường”.
“Tôi muốn các bạn biết rằng trong cuộc đấu súng này, về cơ bản, các sĩ quan đã ngăn chặn cá nhân này thực hiện thêm nhiều vụ tàn sát trong tòa nhà đó,” Cảnh sát trưởng Cervera nói.
Cảnh sát đã thu hồi một khẩu súng trường và một khẩu súng ngắn, được cho là đã được nghi phạm sử dụng, tại hiện trường.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48458533
Venezuela: Chuyện gì xảy ra
với cuộc nổi dậy chống Maduro?
Barbara Plett UsherPhóng viên BBC từ Caracas
Tôi có nguồn tin đáng tin cậy nói rằng âm mưu lật đổ Tổng thống Nicolás Maduro bắt nguồn từ giới thân cận với ông, chứ không phải từ phe đối lập.
Câu hỏi lớn được đặt ra là vì sao họ lại không tiếp tục, mặc dù một bài báo đăng trên tờ the Washington Post có viết về một câu chuyện khá thuyết phục.
Một điều đã rõ rằng đó là một kế hoạch tinh vi, và có lẽ chúng ta ít có khả năng sớm được chứng kiến một kế hoạch tương tự.
Sự bất bình trong những quan chức chính phủ hàng đầu làm lộ những rạn nứt trong chính phủ Manduro, cho thấy vị tổng thống đã bị làm suy yếu bởi những căng thẳng nội bộ. Nhưng sau một tháng, cả ông lẫn lãnh đạo phe đối lập do ông Juan Guaido đưng đầu đều dường như không có khả năng đánh bại phe kia bằng một động thái quyết định.
Thay vào đó, họ bắt đầu đàm phán một tiến trình hòa bình tại Oslo do người Na Uy dàn xếp.
Venezuela: Guaido nổi dậy thất bại, Mỹ ‘phải nhờ ngoại giao’
Maduro cảm ơn quân đội đã chặn ‘đảo chính’
Juan Guaidó bị cấm vị trí công 15 năm
Trong khi đó, người dân Venezuela, những người tưởng rằng cuộc nổi dậy có thể làm thay đổi cuộc sống cơ cực của mình, lại quay về vật lộn với sinh tồn hàng ngày.
Tình hình đúng là như vậy đối với một phụ nữ trẻ, người tôi hỏi chuyện tại trung tâm Caracas.
Chị nói với tôi chị đã ở bệnh viện hai tháng chờ đến lượt làm phẫu thuật vì đốt sống lưng bị gẫy. Nhưng cuối cùng chị không được phẫu thuật vì bác sỹ không có thuốc men và dụng cụ y tế, kể cả thuốc sát trùng.
Chị cho biết chỉ một trong 10 phụ nữ được phẫu thuật trong thời gian chị ở bệnh viện. Chín người còn lại phải về nhà trong tình trạng bị nhiễm trùng lây trong bệnh viện. Một người bị liệt do viêm màng não.
Những câu chuyện kinh khủng như vậy là rất phổ biến tại quốc gia giàu tài nguyên giờ đang gặp khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng này. Khủng hoảng là kết quả của nhiều năm quản lý tồi, tham nhũng, kết hợp với giá dầu tụt giảm.
Những người dễ tổn thương nhất tất nhiên là trẻ em. Maria Gutierrez đi đầu trong cuộc chiến chống suy dinh dưỡng ở Petare, khu nhà ổ chuột lớn nhất Venezuela.
Bà đảm bảo cho những trẻ em cần nhất được ăn một bữa mỗi ngày, với những bữa ăn đủ chất có cơm, rau và thịt. Bà nấu ăn trong căn bếp nhỏ và tiền mua thực phẩm do một tổ chức đối lập tài trợ.
“Chị nhìn này,” bà kể cho tôi, đẩy hai em trai ra phía trước: “Nhìn xem các cháu thấp thế này.” Con trai bà, cùng tuổi với hai em, cao gần gấp đôi.
Ngay cả trong các khu nhà ổ chuột của Venezuela, người dân từng có đủ thức ăn vì họ được chính phủ xã hội chủ nghĩa trợ cấp. Nay họ vẫn được trợ cấp đôi chút, nhưng ít hơn nhiều vì khủng hoảng kinh tế ngày một sâu.
Và tình hình gần như chắc chắn sẽ xấu đi trước lệnh trừng phạt của Mỹ. Đó là chiến lược chính của chính quyền Trump, nhằm đẩy ông Maduro ra khỏi ghế tổng thống và giúp ông Guaidó lên đứng đầu một chính phủ chuyển giao với nhiệm vụ tổ chức các kỳ bầu cử tổng thống mới.
Venezuela: Một tháng lương mua được hai quả trứng
Phía Mỹ trông đợi quân đội sẽ chuyển phe ủng hộ. Tuy nhiên điều này, như chúng ta thấy, vẫn chưa xảy ra.
Và đàm phán không nằm trong kế hoạch: “Điều duy nhất cần đàm phán với Nicolás Maduro là điều kiện ra đi của ông ta,” Bộ Ngoại giao Mỹ nói về cuộc đàm phán ở Oslo.
Can thiệp quan sự, ít nhất là tại thời điểm này, cũng không nằm trong kế hoạch, mặc dù có những lời đe dọa rằng “mọi khả năng đều nằm trên bàn.”
Nhưng một số người dân Venezuela nói với tôi họ có thái độ cởi mở với can thiệp từ bên ngoài, và chán nản với bất cứ giải pháp nào khác để giải quyết bế tắc chính trị.
“Chúng tôi cần Lính thủy đánh bộ [Mỹ],” một người đàn ông lớn tuổi nói. Ông lên án các bộ trưởng nội các là “những kẻ hút máu” và phủ nhận phe đối lập do ông Guaidó là không hiệu quả. “Vì sao họ vẫn chưa vào?”
Một người đàn ông lớn tuổi khác sống cùng khu cũng không ủng hộ chính phủ. Nhưng ông từng là người ủng hộ lý tưởng chính trị cánh tả của cố Tổng thống Hugo Hugo Chávez.
“Tôi vẫn là một người Chavista [theo Chavez],” ông nói, rồi ngừng lại. “Tại sao tôi vẫn là một Chavista? Đến cả tôi cũng không biết nữa.”
Có lẽ, ông gợi ý, tôi không phải là một “Madurista” [người theo Maduro].
Cũng như ở tất cả các nhà nước thất bại khác, vẫn có sự giàu có ở đâu đó – một số là do tiền từ trước để lại, một số là tiền mới có thu từ tham nhũng hoặc thu được nhờ có quan hệ thân thiết với chế độ.
Chúng tôi ở trong bong bóng tại một khách sạn năm sao đã qua thời hoàng kim.
Tôi bị dị ứng nặng vì chiếc máy lọc không khí quá bẩn, nhưng trong khách sạn có nước, có điện, có internet. Đó là thiên đường.
Đối với Maria, chỉ có khu ổ chuột Petare.
Bà tìm được việc làm thợ may, nhưng chỉ là khâu và quần áo cũ, chẳng ai có tiền để mua quần áo mới. Và nếu có ai cần phéc-mơ-tuya mới, quên đi, sẽ chẳng có cái nào để tìm.
Tôi ngắm bà khâu vá đống quần áo cũ trong của hàng tối, ẩm mốc. Có những tấm vải rách chi chít.
Nhưng bà còn kiếm được một túi gạo hay bột mì cho mỗi đống quần áo cũ bà khâu – và kiếm được năm hay sáu túi sau 12 giờ làm việc. Bà nghỉ tay vào ba giờ sáng, ngủ vài tiếng rồi lại dậy nấu ăn cho trẻ em trong khu.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48484372
Brazil đổi ý, không mời đại diện
của phe đối lập Venezuela đến trình quốc thư
Đặc sứ của lãnh đạo đối lập Venezuela ngày 31/5 cho biết bà bị Brazil rút lại lời mời đến trình quốc thư, nhưng bà bác ý kiến cho rằng điều này cho thấy sự ngờ vực từ cánh quân sự trong chính phủ của Tổng thống Brazil, Jair Bolsonaro.
Các cựu tướng lĩnh vốn chiếm gần một phần ba trong nội các của ông Bolsonaro đã lo ngại về việc gây hấn với Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Họ cảnh báo không nên có những động thái khiến đẩy cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội thành bạo lực ở bên kia biên giới phía bắc của Brazil.
Đặc sứ của lãnh đạo đối lập Venezuela, Juan Guaidó, là bà Maria Teresa Belandria. Bà Belandria đã được mời đến trình quốc thư ở Dinh Tổng thống cùng với đại sứ các nước khác vào ngày 4/6 nhưng sau đó chính phủ Brazil đã đổi ý.
“Tôi không được mời,” bà nói với Reuters, nhưng cũng bác bỏ những ý kiến cho rằng hành động làm bẽ mặt thể hiện sự ủng hộ suy giảm dành cho ông Guaidó.
“Sẽ có cơ hội khác,” bà nói. “Sự ủng hộ của Brazil tiếp tục mạnh mẽ, vững chắc và quyết đoán. Đó đơn giản chỉ là vấn đề quy trình.”
Phát ngôn nhân Tổng thống, Tướng Otavio Rego Barros cho biết bà Belandria là đại diện của ‘Tổng thống hợp pháp’ của Venezuela và bác bỏ việc họ đã rút lại lời mời trình quốc thư.
“Cho dù có tiếp đón hay không thì quốc thư sẽ được xem xét ở một thời điểm thích hợp hơn,” ông nói với Reuters.
Các nhật báo của Brazil Folha de S.Paulo và O Globo đưa tin rằng chính quyền ông Bolsonaro đã hủy lời mời bà Belandria bởi vì các cựu trợ lý quân đội muốn theo đuổi đối thoại với Tổng thống theo chủ nghĩa xã hội của Venezuela, Nicolas Maduro, người cũng có đại diện chính thức ở Brasilia.
Ông Guaidó đã viện Hiến pháp Venezuela hồi tháng 1 để đảm nhiệm chức vụ Tổng thống với lý do là ông Maduro đắc cử một cách không hợp pháp. Hầu hết các quốc gia phương Tây kể từ đó đã công nhận ông Guaido là nguyên thủ Venezuela.
Mặc dù chính phủ Brazil cấp quy chế ngoại giao cho bà Belandria, họ cũng không thu hồi quy chế cho đại diện của ông Maduro.
Venezuela mới đây đã mở lại cửa khẩu với Brazil sau gần 3 tháng đóng cửa và các trợ lý của Bolsonaro đang tìm cách khôi phục cung cấp điện thường xuyên cho bang Roraima của Brazil vốn dựa vào lưới điện của Venezuela.
Cố vấn an ninh hàng đầu của ông Bolsonaro, Tướng về hưu Augusto Heleno, đã nói với Reuters hai tuần trước rằng quân đội Venezuela sẽ quyết định tương lai của ông Maduro và có thể sẽ lật đổ ông này để dẫn đến sự chuyển đổi sang bầu cử dân chủ.
Trên 100 nghìn dân Ba Lan
xin thẻ định cư ở Anh sau Brexit
Ba Lan có số dân xin định cư ở Anh sau Brexit nhiều nhất trong các công dân EU theo quy định mới, theo sau là Romania và Ý.
Kể từ khi thủ tục xin định cư cho công dân EU ở Anh sau Brexit được mở ra vào tháng 8/2018, đến nay có trên 750 nghìn đơn đã được Bộ Nội vụ Anh xem xét.
Ba Lan đang cần nhiều lao động từ Việt Nam
Anh tuyển lao động phổ thông từ ngoài EU
Việt Nam thiệt hại khi hãng Nhật ngại tuyển lao động ngoại?
Thứ trưởng Ba Lan mất chức vì muốn lao động VN
Vì Anh ra khỏi EU, công dân EU, vốn có quyền định cư, làm việc và hưởng các phúc lợi như công dân Anh, sẽ không nghiễm nhiên được hưởng các quyền đó như trước nữa.
Luật về định cư cho công dân EU sau Brexit (EU Settlement Scheme) buộc họ phải đăng ký quy chế này cho đến hạn chót là 31/12/2020.
Nhưng chỉ đến hết tháng 4/2019, đã có hàng trăm nghìn công dân EU gửi đơn xin định cư tại Anh.
Con số công dân 10 nước nộp đơn được Bộ Nội vụ Anh công bố hôm 30/05/2019 là như sau:
Ba Lan 103,200
Romania 89,800
Italy 70,800
Bồ Đào Nha 52,400
Tây Ban Nha 41,800
Bulgaria 34,700
Lithuania 26,800
Pháp 26,500
Đức 22,200
Hà Lan 20,900
Hiện một ước tính cho hay có tới 3 triệu rưỡi công dân EU đã sống và làm việc tại Anh.
Những người sống ở đây 5 năm trở lên, được xét và cấp quy chế ‘định cư’ (settled status).
Một số khác, thường chưa đủ 5 năm sống ở Anh, được công nhận quy chế ‘tiền định cư’ (pre-settled status).
Sau khi được định cư, họ có thể xin nhập tịch Anh nếu muốn.
Hàng trăm người vẫn muốn ở lại Anh
Các con số trên cho thấy dù Brexit xảy ra hay không, số dân châu Âu muốn sống vĩnh viễn tại Anh vẫn rất đông.
Ngược lại, về phía nước chủ nhà, có tiếng nói từ Scotland trách chính quyền trung ương làm chưa đủ để giải quyết nhanh hơn cho người EU định cư ở Scotland.
Tôi đã bắt đầu cuộc sống ở Anh, vừa sinh con, và đang tính phải xin quy chế định cư hoặc quốc tịch dù biết là tốn kémBà Ksenia, công dân EU ở Anh
Bộ Nội vụ Anh cho hay trong 200 nghìn công dân EU ở Scoland, đến nay chỉ có 31.400 người nộp đơn xin định cư.
Điều này gây lo ngại cho chính phủ địa phương và giới doanh nghiệp, theo ông Colin Borland từ Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ Scotland.
Theo ông, cứ bốn doanh nghiệp nhỏ Scotland thì có một tuyển ít nhất là một công dân EU, và thị trường việc làm sẽ bất ổn nếu họ không giải quyết quy chế định cư.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-48479019
Madrid tăng cường an ninh cao độ
trước trận chung kết cúp C1 100% Anh
Tối nay (01/06/2019), trên sân vận động Metropolitano ở Madrid có sức chứa 68 nghìn khán giả, diễn ra trận chung kết cúp C1 bóng đá châu Âu mùa bóng 2018-2019 giữa hai đội bóng của nước Anh, Liverpool và Tottenham.
Từ nhiều ngày qua, hàng chục ngàn cổ động viên Anh đã đổ về Madrid kéo theo bầu không khí lễ hội bóng đá tràn ngập nhưng đồng thời cả nỗi lo về an ninh cho chính quyền thành phố Madrid. Thủ đô Tây Ban Nha được đặt trong tình trạng báo động cao, chỉ dưới mức có khủng bố.
Thông tín viên RFI Pierre Chaperon tại Madrid tường thuật :
Biểu diễn ca nhạc, hoạt động vui chơi giải trí liên quan đến bóng đá… từ hôm thứ Năm (30/05), trung tâm thành phố Madrid đã sống trong không khí trận chung kết Cúp C1.
Hàng trăm con phố nhỏ đã biến thành những khán đài của cổ động viên. Christopher từ Liverpool đến từ đầu tuần, trên tay cầm ly bia, khen ngợi sự đón tiếp của Madrid. Anh nói :
« Không khí thật là tuyệt, ngày hôm nay cũng vậy. Chúng tôi chỉ còn chiến thắng tối thứ Bảy này và chúng tôi sẽ rất hài lòng trở về nhà. Với người Anh, chúng tôi không mấy khi nhìn thấy nắng… mà dù gì chúng tôi rất hạnh phúc… »
Đúng vậy nhưng với Madrid và Tây Ban Nha, còn một thách thức khác cho trận chung kết. Đó là vấn đề an ninh. Mọi biện pháp an ninh lớn đều được sử dụng : Một tàu lượn không người lái giám sát mọi biến động trong cổ động viên Anh. Khoảng 4700 nhân viên an ninh được huy động. Một con số kỷ lục, theo bà phó cảnh sát trưởng Madrid, Maria Garcia-Vera.
« Đó là các biện pháp an ninh quy mô lớn ở mọi cấp độ. Trận đấu này được coi là sự kiện nguy hiểm cao độ. Vì thế chúng tôi thiết lập phương tiện an ninh lớn không chỉ giới hạn trong thành phố Madrid. »
Giữa không khí hội hè và nỗi lo bạo lực bùng phát, thủ đô Tây Ban Nha hy vọng sẽ có một ngày hội bóng đá thực sự.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190601-madrid-an-ninh-cao-do-chung-ket-cup-c1-100-anh
Thủ lĩnh Hezbollah : Chiến tranh của Mỹ
chống Iran sẽ kéo lan ra toàn khu vực
Không khí vùng Vịnh căng thẳng. Trong lúc Ả Rập Xê Út tổ chức cùng lúc ba hội nghị khu vực tại Ryad, để huy động một mặt trận chung chống Teheran, nhiều hoạt động ủng hộ chính quyền Iran diễn ra tại Liban và Irak.
Tại Beyrouth, thủ lĩnh Hezbollah cảnh báo mọi cuộc chiến chống Iran sẽ lan rộng ra khu vực. Hezbollah là một phong trào vũ trang Liban, theo hệ phái Shia, đồng minh của chính quyền Teheran. Mục tiêu tấn công của tổ chức này là kế hoạch hòa bình cho Cận Đông, đang được chính quyền Mỹ chuẩn bị. Phần kinh tế của kế hoạch này sẽ được thông báo vào tháng 6 này tại một hội nghị ở Barhein, quốc gia đồng minh vùng Vịnh của Ả Rập Xê Út.
Hồi đầu tháng 5, con rể và là cố vấn của Donald Trump, ông Jared Kusnher khẳng định là trong kế hoạch này sẽ không có nội dung « hai Nhà nước », hay nói cách khác, không thừa nhận sự tồn tại của Nhà nước Palestine độc lập bên cạnh Israel. Mà chính sách « hai Nhà nước » lại là tâm điểm của ngoại giao quốc tế về Cận Đông.
Thông tín viên Paul Khalifeh tường trình từ Beyrouth :
« Trong một bài diễn văn được truyền lại trên màn hình khổng lồ, trước hàng nghìn người ủng hộ, tập hợp nhân ngày Jerusalem, giọng nói của lãnh đạo Hezbollah đầy vẻ đe dọa. Trong lúc, căng thẳng giữa Washington và Teheran dâng cao, ông Hassan Nasrallah tuyên bố ‘‘tổng thống Donald Trump, chính phủ của ông ta và các cơ quan tình báo của ông ta biết rất rõ rằng mọi cuộc chiến nhắm vào Iran sẽ không thể dừng lại bên trong biên giới của quốc gia này’’. Lãnh đạo Hezbollah cảnh báo : ‘‘Mọi cuộc chiến chống Iran sẽ lan ra toàn bộ khu vực’’
Thủ lĩnh Hezbollah cũng khẳng định là tổ chức này sẽ trả đũa ‘‘ngay tức khắc và mãnh liệt’’ chống lại mọi tấn công từ phía Israel nhắm vào Hezbollah.
Ông Hassan Narallhah chỉ trích quyết liệt kế hoạch hòa bình của Mỹ đối với khu vực Cận Đông, mà ông gọi một ‘‘thỏa thuận trống rỗng’’ và một ‘‘tội ác lịch sử’’. Thủ lĩnh Hezbollah Liban khẳng định nghĩa vụ của tổ chức này là chống lại thỏa thuận của Mỹ về Cận Đông, đồng thời lên án dữ dội các nước Ả Rập đang tạo điều kiện cho việc thực thi thỏa thuận này. Các nước Ả Rập được nhắc đến, ngụ ý để chỉ Ả Rập Xê Út và các quốc gia vùng Vịnh. Theo thủ lĩnh Hezbollah, Jordani và Ai Cập đều lo ngại ổn định quốc gia sẽ bị kế hoạch của Hoa Kỳ đe dọa. »
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190601-hezbollah-chien-tranh-my-iran-khu-vuc
Hoa Vi, Gấu trúc và Trật tự thế giới
Việt Trung
Gần đây dư luận cả trong nước lẫn quốc tế hầm hập nóng lên khi chứng kiến “cú đấm huỷ diệt” của Trump tung thẳng vào Tập Cận Bình qua vụ phong toả tập đoàn Hoa Vi (Huawei). Tập Chủ tịch buộc phải đưa ra lời cầu cứu “thần dân” của mình hãy tham gia vào cuộc Vạn lý Trường chinh (Wanli Changzheng) mới và tất cả “phải bắt đầu lại từ đầu” (nguyên văn lời của Tập) để ứng phó với đòn đánh hiểm hóc của Trump.
Cho dân biết sự thật?
Nhưng Vạn lý Trường chinh là một cuộc rút lui, một cuộc tháo chạy của Hồng quân Công nông Trung Hoa, lực lượng tiền thân của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, diễn ra từ năm 1934 đến 1936. Trong một lần tiếp xúc với Phạm Văn Đồng, Chu Ân Lai từng mở bầu tâm sự: Nếu Trung Quốc biết miếng võ “chiến tranh nhân dân” như Việt Nam, chúng tôi đã không phải tiến hành cuộc “trường chinh” giản khổ và tổn thất quá lớn.
Điều lạ lùng là ông Tập, một lần nữa lại “bẻ lái” con tàu đồ sộ mang tên CHND Trung Hoa theo hướng “ăn mày dĩ vãng”. Này nhé, Đặng Tiểu Bình từng cố gắng khôi phục chế độ “lãnh đạo tập thể”, thay thế “tệ sùng bái cá nhân” của Mao gây ra cái chết cho hàng chục triệu cán bộ đảng viên. Thế mà đến lượt mình, Tập lại sửa Điều lệ Đảng, thay đổi Hiến pháp, để “ôm trọn gói” cái ghế “Tổng Bí thư – Chủ tịch nước” suốt đời. Và nay, sau đòn trừng phạt của Trump, thì hôm 20/5, ông Tập lại trở về “chốn xưa”, thăm tỉnh Giang Tây (địa điểm khỏi hành cuộc trường chinh) để tìm liều thuốc kích thích Wanli Changzheng.
Cũng may mà lần này chưa thấy Ban Tuyên giáo Việt Nam huýt còi, cấm các báo quốc doanh bình luận về gót chân a-sin của Trung Quốc qua vụ Hoa Vi, nên độc giả trong nước mới được biết đến cuộc đấu ngoạn mục giữa Trump và Tập thông qua những bình luận khá sắc sảo trên tờ “Thanh Niên”[1]. Cuộc chiến thương mại, xem ra, giờ đây đã mở rộng ra phạm vi các hãng sản xuất chip và bán dẫn.
Nhớ lại những lần nước sôi lửa bỏng khi Bắc Kinh cắm cái giàn khoan HD981 vào vùng biển VN, hoặc mới vài năm trước đây thôi, Trung Quốc đã dùng tàu chiến và tàu hải cảnh đuổi Việt Nam cùng với các đối tác (trong đấy có cả đối tác chiến lược Tây Ban Nha) ra khỏi những giềng dầu nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Mặc! Đảng vẫn im bặt. Đảng vẫn cấm không cho dân mở miệng. Đảng nói (qua hệ thống dư luận viên), mọi chuyện có Đảng lo!
Nhưng giờ thì đảng không còn đứng ra “hứng đạn” thay cho Trung Quốc được nữa rồi. Đúng như bà con đang bàn tán trên mạng, cái chiến lược phát triển “ăn xổi ở thì”, chuyên sao chép và đánh cắp công nghệ của Trung Quốc sẽ phải trả giá vô cùng đắt. Không chỉ việc kinh doanh smartphone trên thị trường quốc tế của Huawei sẽ “đi đời nhà ma”, mà hậu quả sẽ còn sâu rộng và dài lâu hơn nhiều người tưởng.
Cho nên có cấm cũng không xong, đảng đành định hướng cho các báo viết vừa phải (đủ cho dân biết nhưng cũng không làm phật lòng Trung Quốc). Cứ để cho truyền thông phanh phui, biết đâu, Việt Nam sẽ học được nhiều bài học khác, trong đó có kinh nghiệm (giờ phải trả giá) của việc “đi tắt đón đầu” kiểu Huawei trong kỷ nguyên 4.0.
Gấu trúc và Trai tượng
Bắc Kinh dùng Hoa Vi để thực hiện âm mưu làm bá chủ thế giới, thông qua con đường công nghệ cao. Chuyện này gợi nhớ đến nền ngoại giao “gấu trúc Panda”, dưới cái mũ bảo tồn động vật quý hiếm để vươn ra thế giới, với bộ mặt nhân văn. Trung Quốc hiện đang đem gấu trúc cho mượn, hoặc cho thuê tại 26 vườn thú ở 18 quốc gia. Sự xuất hiện của gấu trúc thường gắn liền với các hội nghị quốc tế, kết thúc các vòng đàm phán thương mại, hoặc các cuộc viếng thăm cấp nhà nước của lãnh đạo Trung Quốc khi ra nước ngoài.
Một trong những “bí mật công khai” cho động thái nói trên là Trung Quốc muốn dùng hình ảnh gấu trúc Panda để “mềm hoá bớt” chế độ sắt máu của mình ở bên ngoài và làm sâu sắc thêm quan hệ với các nước có thể đem lại cho Bắc Kinh những nguồn lực và công nghệ giá trị. Điều này đã được mô tả như là một trong những nguồn mạch của “quyền lực mềm”.
Trong khi làm ra vẻ chăm lo bảo vệ môi trường thiên nhiên, môi trường sinh thái ở những nơi khác thì đối với Việt Nam, Trung Quốc hành động hoàn toàn ngược lại. Việc đẩy mạnh quân sự hoá các đảo đá cưỡng chiếm đã bị quốc tế tố cáo là làm huỷ hoại môi trường sinh thái, lâu nay TQ thường xuyên huỷ hoại môi trường sinh thái của VN.
Đặc biệt nghiêm trọng, ngày 23/5, tổ chức “Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á” (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington cảnh báo, các hình ảnh vệ tinh mà họ có được cho thấy các đội tàu khai thác trai tượng – Trung Quốc xem đây là “vàng trắng của biển cả” do giá của nó trong vòng bốn năm qua đã tăng đột biến – đã trở lại Biển Đông. Cũng theo cơ quan này thì từ 2012 cho đến 2015, Trung Quốc đã làm hư hại hay phá hủy ít nhất 28 bãi san hô trên khắp Biển Đông.
Còn trên đất liền, ngày 25/5, theo báo chí trong nước, Trung Quốc đã xả lũ trên thượng nguồn mà không thông báo trước cho Việt Nam, gây ngập lụt đối với toàn thành phố Móng Cái, Quảng Ninh, khiến có người mất tích, hàng chục đò chở hàng bị đắm. Sau đó tuy không mưa nữa nhưng phía đầu nguồn bên Trung Quốc vẫn tiếp tục xả lũ nên nước vẫn dâng cao.
Cuộc chiến giữa các nền văn minh?
Hoa Vi, Gấu trúc và Trai trượng là những câu chuyện riêng rẽ song tất cả đều liên đới với nhau bằng một điểm chung: tất cả đều là phương tiện của chủ nghĩa đại Hán hiện đại, tất cả đều là những chiếc vòi của con bạch tuộc bành trướng bá quyền Trung Quốc. Nhưng giờ đây những biện pháp bất minh ấy đã bị thế giới phát hiện. Nếu chúng không được ngăn chận kịp thời, quả thật nền văn minh Âu Mỹ đúng là đang bị đe doạ.
Không phải ngẫu nhiên mà Cục trưởng Cục Hoạch định Chính sách Bộ Ngoại giao Mỹ Kiron Skinner từng phát biểu trong một diễn đàn an ninh mới đẩy rằng, cuộc cạnh tranh giữa Mỹ với Trung Quốc hiện nay là “cuộc chiến với một nền văn minh thực sự khác biệt và một hệ tư tưởng khác biệt”[2]. Ông Cục trưởng còn gọi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh quyền lực không phải là người da trắng đầu tiên của Hoa Kỳ”.
Ngoại trừ một chi tiết nhỏ ông Cục trưởng bỏ qua. Số là trước đây, chính Nhật Bản cũng từng là một đối thủ cạnh tranh quyền lực với Mỹ mà không phải người da trắng. Nhưng lời cảnh báo của ông quả là đã được đưa ra đúng thời điểm. Tuy là đứng trên đối chân đất sét (trường hợp Hoa Vi), gã khổng lồ Bắc Kinh (hãy nhìn các đội tàu khai thác trai tượng đang tràn xuống Biển Đông) vẫn còn dư quốc lực và đủ mưu mô (hãy cảnh giác với những chú gấu Panda) để gây hại cho Mỹ và các nước, trong đó có Việt Nam.
Lời kêu gọi của Phu Xích ngày nào vẫn còn nguyên giá trị: “Hỡi nhân loại, hãy cảnh giác!”
[1] https://thanhnien.vn/cong-nghe/cong-nghe-trung-quoc-nguoi-khong-lo-co-doi-chan-dat-set-1084160.html
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/huawei-panda-and-world-order-05312019221031.html
Trung Quốc phải ngừng thổi bùng
ngọn lửa chủ nghĩa dân tộc nhằm chống Mỹ
Giữa bối cảnh cuộc chiến thương mại tiếp tục leo thang, Trung Quốc dường như đang mở ra một mặt trận trong nước bằng cách kích động chủ nghĩa dân tộc chống Mỹ, với những lời hùng biện và những bộ phim chiến tranh thời Maoist kéo dài hàng thập niên, theo bài phân tích của giáo sư Minxin Pei, Chủ tịch Quan hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc tại Trung tâm Kluge, Thư viện Quốc gia Hoa Kỳ.
Cho đến khi cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước bế tắc vào những tuần trước và Washington đã tăng thuế từ 10 đến 25% trên 200 tỷ đô la hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc tới Hoa Kỳ. Chính phủ Trung Quốc đã can thiệp bộ máy kiểm soát của họ. Những người kiểm duyệt siêng năng của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đảm bảo rằng không chỉ cuộc chiến thương mại được đưa tin một cách tối thiểu mà còn cả những lời chỉ trích Hoa Kỳ cũng đã bị ngăn chặn trên truyền thông, bài viết đăng tải trên tờ Nikkei cho biết.
Nhưng Bắc Kinh đã cư xử theo cách thù địch hơn vào giữa tháng Năm, sau khi các cuộc đàm phán thất bại, dẫn đến việc nối lại ngay lập tức cuộc chiến thương mại.
Những lời hùng biện chống Mỹ bắt đầu phủ sóng các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc. Washington đang được miêu tả là một kẻ bắt nạt kìm giữ Trung Quốc khỏi việc ngày càng giàu có và thịnh vượng.
Để chắc chắn rằng thông điệp của họ được xuyên suốt, một kênh phim của Đài truyền hình Trung ương đã thay đổi chương trình phát sóng “giờ vàng” của họ từ ngày 17 đến 19/5, để chiếu ba bộ phim chống Mỹ về Chiến tranh Triều Tiên bao gồm ‘Heroic Sons and Daughters’ (1964), ‘Battle on Shangganling Mountain’ (1954), và ‘Surprise Attack’ (1960).
Vì những bộ phim này đã không được chiếu trên truyền hình nhà nước trong nhiều thập niên, nên sự trở lại nổi bật của chúng rõ ràng báo hiệu rằng, những người hâm mộ chủ nghĩa dân tộc chống Mỹ của Trung Quốc đã tạo ra một sự hỗ trợ tổng lực cho các chính sách chính quyền.
Chính phủ Trung Quốc cho đến nay đã kiềm chế không tấn công cá nhân ông Trump, có lẽ vì lo ngại rằng việc này có thể sẽ làm cho vấn đề tồi tệ hơn, theo ông Minxin Pei. Tuy nhiên, nếu chính phủ Trung Quốc nghĩ rằng họ có thể dùng luận điệu tuyên truyền quốc gia chống Mỹ để phù hợp với mục tiêu ngoại giao của nó thì họ phải suy nghĩ lại.
Trong khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể gặt hái một số lợi ích chính trị ngắn hạn bằng cách thúc đẩy tình cảm dân tộc chống Mỹ ở đại lục, chiến lược này cuối cùng sẽ phản tác dụng, thậm chí là tự đánh bại. Nếu chính phủ Trung Quốc thực sự có ý định đưa cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đi đến một cái kết đàm phán, điều cuối cùng cần làm là “giải phóng” chủ nghĩa chống Mỹ trong lòng công chúng Trung Quốc.
Một trong những điểm đã ngăn cản các nhà đàm phán Trung Quốc và Mỹ đạt được thỏa thuận là văn bản nêu ra chi tiết của các điều khoản thuân thủ và thực thi. Trung Quốc tin là các điều khoản này không cân bằng khi đặt trách nhiệm tuân thủ về phía Trung Quốc, đồng thời trao cho Hoa Kỳ các công cụ đơn phương để áp đặt các chế tài trừng phạt trong trường hợp Trung Quốc vi phạm. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc dường như lo sợ rằng việc chấp nhận các điều khoản như vậy được xem là phải “nuốt” một “hiệp ước bất bình đẳng”.
Nhưng việc khơi dậy tình cảm chủ nghĩa dân tộc vào thời điểm này chỉ khiến Trung Quốc gặp khó khăn hơn khi phải đồng ý với một thỏa thuận cuối cùng rằng, sẽ cần phải có các điều khoản thực thi đáng tin cậy. Hơn nữa, bất kỳ lợi ích chính trị nào mà chính phủ Trung Quốc hy vọng sẽ thu được từ việc tăng cường bộ máy tuyên truyền chủ nghĩa dân tộc của nó chắc chắn là ngắn ngủi.
Nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu sụp đổ?
Có thể, những lời lẽ hùng biện ‘không khoan nhượng’ của Bắc Kinh có thể đã kích động người dân thường Trung Quốc phẫn nộ với chiến tranh thương mại và nỗ lực của Washington làm tê liệt Huawei – bởi từ chối cho phép họ tiếp cận công nghệ Mỹ.
Nhưng chẳng bao lâu nữa, thực tế khắc nghiệt sẽ xảy ra với hậu quả của cuộc chiến thương mại, đó là mất việc làm trong lĩnh vực xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế thấp hơn, và bất ổn trong thị trường chứng khoán Trung Quốc – càng trở nên rõ ràng và đau đớn hơn.
Các nạn nhân của cuộc chiến thương mại ở Trung Quốc ban đầu sẽ đổ lỗi cho Hoa Kỳ vì sự đau khổ của họ, nhưng chắc chắn sự giận dữ của họ sẽ quay hướng sang chính phủ nếu họ không đưa ra được cái giải pháp hiệu quả để khôi phục niềm tin và khôi phục nền kinh tế.
“Lợi ích cốt lõi” của chính quyền Bắc Kinh
rốt cuộc là chỉ điều gì?
Theo trang CNBC đưa tin hôm 27/5, cùng với chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đang ngày càng tập trung vào việc Trung Quốc sẽ đối đãi như thế nào với công ty nước ngoài tại Trung Quốc trong tương lai, chính quyền Bắc Kinh cho biết việc Mỹ chỉ trích về kết cấu của nền kinh tế Trung Quốc chính là đang xung đột với “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc.
Hàm ý câu “lợi ích cốt lõi” này của Bắc Kinh có nghĩa là, những vấn đề nói trên không thích hợp để đưa ra đàm phán.
Trước đó, câu “lợi ích cốt lõi” có định nghĩa mơ hồ thường được Trung Quốc lý giải là chủ trương về lãnh thổ của mình, ví dụ như chủ trương lãnh thổ đối với Đài Loan. Tuy nhiên, cuối tuần trước (26/5), cơ quan thông tấn nhà nước Trung Quốc là Tân Hoa Xã đã xuất bản bài bình luận nhấn mạnh về việc làm thế nào quản lý nền kinh tế nước nhà, Trung Quốc sẽ không khuất phục trước áp lực từ nước ngoài, và không thỏa hiệp để thay đổi mô hình kinh tế.
Nhiều doanh nghiệp quốc hữu khổng lồ của Trung Quốc đang kiểm soát các ngành nghề chiến lược như năng lượng, viễn thông và quốc phòng. Do các doanh nghiệp này nhận được lợi ích từ các chính sách trợ cấp, nên doanh nghiệp nước ngoài phàn nàn rằng doanh nghiệp Trung Quốc có ưu thế cạnh tranh không công bằng.
Tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc liên tục leo thang, chủ yếu tập trung vào vấn đề Trung Quốc cưỡng ép doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ và vấn đề xâm phạm sở hữu trí tuệ.
Có bình luận nói, Trung Quốc đã nhận được lợi ích kinh tế kể từ sau khi tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới năm 2001, nhưng Trung Quốc lại không hề thực hiện cam kết giảm mức độ kiểm soát của nhà nước đối với các doanh nghiệp. Đương nhiên, Bắc Kinh đã thực hiện một số nỗ lực để tăng vai trò của thị trường trong nền kinh tế và cho phép các công ty nước ngoài có được nhiều cơ hội hơn. Nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng những hành động này là quá ít và quá chậm.
Lợi ích cốt lõi
Chính quyền Bắc Kinh có khuynh hướng từng bước phát triển trong lĩnh vực kinh tế, đồng thời có thái độ cứng rắn trong vấn đề địa chính trị. Trong bài bình luận cuối tuần trước trên truyền thông nhà nước Trung Quốc, có thể thấy Bắc Kinh muốn coi công nghệ và kinh tế là lợi ích cốt lõi của họ.
Tháng 1/2018, Tân Hoa Xã xuất bản một bài bình luận bằng tiếng Anh nói rằng: “Toàn vẹn lãnh thổ là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Hồng Kông, Macau, Đài Loan và Tây Tạng đều là những địa phương không thể thiếu của Trung Quốc. Những sự thực này là điều không thể nghi ngờ và thách thức.” Bài viết chỉ trích Công ty Marriott tại Mỹ coi những khu vực này thành quốc gia độc lập trong bảng câu hỏi trưng cầu ý kiến. Tuyên bố công khai của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng tái khẳng định lập trường này.
Tuy nhiên, cũng có một số nhà phân tích chỉ ra, trước đó chính quyền Bắc Kinh cũng coi việc phát triển kinh tế là một trong những lợi ích cốt lõi của mình.
Tháng 9/2011, khi ông Hồ Cẩm Đào vẫn còn là Chủ tịch nước Trung Quốc, chính phủ Trung Quốc đã công bố sách trắng liên quan đến “Trung Quốc trỗi dậy trong hòa bình”. Trong văn kiện này, lợi ích cốt lõi của Trung Quốc bao gồm: “chủ quyền quốc gia, an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, đoàn kết dân tộc, sự ổn định của chế độ chính trị quốc gia và xã hội được thiết lập bởi Hiến pháp Trung Quốc, là những đảm bảo cơ bản cho sự phát triển bền vững của kinh tế và xã hội.”
Một số thuật ngữ chính trị phiên dịch sang tiếng Anh cũng cho thấy sự không nhất quán của chính quyền Bắc Kinh. Ví dụ như kế hoạch “Một vành đai, Một con đường” mà ông Tập Cận Bình đưa ra, để chỉ về việc Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng và tuyến đường thương mại trong khu vực. Ban đầu, tên của sáng kiến này được dịch sang tiếng Anh là “One Belt, One Road Initiative”, nó mang ý vị là Trung Quốc mong muốn lợi dụng kế hoạch này để tăng cường địa vị thống trị toàn cầu của mình. Tuy nhiên, cách đây vài năm, Bắc Kinh đã đổi tên
tiếng Anh của nó thành “Belt and Road Initiative”, để biểu thị Trung Quốc khởi xướng nhưng không chiếm địa vị chủ đạo.
Nội dung cụ thể của kế hoạch “Một vành đai, Một con đường” vẫn không hề minh bạch. Một số nhà phân tích chỉ ra, diễn đàn “Vành đai và Con đường” được tổ chức tại Bắc Kinh vừa qua đã cho thấy rõ, các dự án mà Bắc Kinh chủ đạo đang vượt quá lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh phương diện ảnh hưởng công nghệ và thống trị toàn cầu.
Ông Tập: ‘TQ không tìm kiếm
vùng ảnh hưởng ở Thái Bình Dương’
Đó là lời khẳng định của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong buổi tiếp đón Thủ tướng Vanuatu tại Bắc Kinh hôm qua (28-5). Nhưng chỉ bấy nhiêu có lẽ chưa thuyết phục nổi khối phương Tây, đặc biệt là Mỹ và Úc.
Theo Hãng tin Reuters, hôm qua (28-5) Chủ tịch Tập Cận Bình đã long trọng đón tiếp Thủ tướng Vanuatu Charlot Salwai tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh. Vanuatu là một quốc gia – quần đảo nhỏ ở tây nam Thái Bình Dương.
Tại cuộc gặp, ông Tập cam kết Trung Quốc giữ vững các nguyên tắc “chân thành, kết quả thật sự và niềm tin tốt đẹp” nhằm tăng cường hợp tác với các đảo quốc ở Thái Bình Dương.
“Chúng tôi không có lợi ích riêng nào ở các đảo quốc, và không tìm kiếm cái gọi là vùng ảnh hưởng. Các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, giàu hay nghèo, đều là thành viên bình đẳng của cộng đồng quốc tế” – ông Tập lên tiếng trấn an.
Ông Tập bổ sung thêm: Trung quốc “sẽ luôn là người bạn và đối tác tốt”, và luôn phản đối “chủ nghĩa Sô vanh siêu cường”.
Thông điệp của ông Tập có thể hiểu được chuyển đến các nước phương Tây, tiêu biểu là Mỹ và Úc. Vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương là mối lo của Washington và Canberra.
Thông điệp trên được đưa ra ngay trước ngày Thủ tướng Scott Morrison và nội các mới của Úc tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ mới. Thủ tướng Úc Scott Morrison dự kiến sẽ công du quần đảo Solomon tuần tới.
Ngoài ra, ông Tập nói Bắc Kinh sẵn sàng tăng cường hợp tác công nghệ nông nghiệp với Vanuatu và khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư.
Năm ngoái, Vanuatu và Trung Quốc từng bác bỏ một thông tin nói rằng Bắc Kinh muốn thiết lập hiện diện quân sự thường trực.
Đầu tháng 4-2018, báo Fairfax Media của Úc dẫn các nguồn giấu tên cho biết Bắc Kinh chưa đưa ra đề nghị chính thức nhưng đã có những thảo luận sơ bộ với chính quyền Vanuatu về việc thiết lập một căn cứ quân sự đầy đủ.
Ngoại trưởng Úc khi đó, bà Julie Bishop, lập tức tuyên bố đã nhận được lời đảm bảo từ chính quyền Vanuatu về việc không có đề nghị chính thức nào từ Bắc Kinh nhưng bà không xác nhận đã có cuộc thảo luận sơ bộ nào giữa Vanuatu với Bắc Kinh hay không.
“Chính quyền Vanuatu khẳng định không có đề nghị chính thức nào từ Bắc Kinh nhưng phải thấy rằng Trung Quốc đang đổ ra đầu tư hạ tầng khắp thế giới” – bà Bishop phát biểu trên Đài phát thanh ABC của Úc sáng 10-4-2018.
“Tôi tin tưởng rằng Úc vẫn luôn là đối tác chiến lược mà Vanuatu lựa chọn” – Ngoại trưởng Úc nhấn mạnh hàm ý nhắc nhở.
Trong bài phát biểu về chính sách lớn vào đầu tháng 11-2018, Thủ tướng Scott Morrison từng cho biết Canberra sẽ chi nhiều tỉ USD cho quỹ giúp các quốc đảo ở Thái Bình Dương xây dựng cơ sở hạ tầng.
Mục đích của ông là khôi phục Thái Bình Dương thành “tiền tuyến và trung tâm” trong triển vọng nước ngoài của Úc.
Thái Bình Dương còn là vùng cạnh tranh giữa Trung Quốc và Đài Loan – vùng lãnh thổ có quan hệ ngoại giao với một số đảo quốc.
Tuần trước, một quan chức cấp cao Mỹ kêu gọi các đảo quốc Thái Bình Dương có quan hệ ngoại giao với Đài Loan nên duy trì chúng trong bối cảnh Trung Quốc liên tục gây sức ép để cô lập vùng lãnh thổ này.
Du học sinh TQ ‘rời’ Mỹ,
chuyển hướng sang Anh, Úc, Canada
Tác động của thương chiến Mỹ – Trung không chỉ trong lĩnh vực đầu tư, thương mại, mà còn chi phối cả tới lựa chọn điểm đến học tập của các du học sinh Trung Quốc.
Theo báo South China Morning Post, để tránh những tác động không mong muốn từ xung đột thương mại Mỹ – Trung, nhiều sinh viên Trung Quốc đã chọn tới các nước khác như Anh, Canada và Úc để học thay vì đến Mỹ.
Tờ báo của Hong Kong dẫn số liệu thống kê từ công ty chuyên cung cấp dịch vụ chuyển tiền Easy Transfer cho thấy xu hướng dịch chuyển này.
Easy Transfer là một start-up nổi bật trong lĩnh vực giúp chuyển tiền thanh toán học phí cho nhiều du học sinh Trung Quốc tại nước ngoài. Theo công ty này, sau khi chính quyền ông Trump áp chính sách phạt thuế với hàng nhập khẩu Trung Quốc năm ngoái, số du học sinh Trung Quốc muốn tới Mỹ đã giảm đáng kể vì lo ngại không xin được visa.
Theo doanh nghiệp có trụ sở tại Bắc Kinh, tổng số tiền giao dịch thông qua hệ thống của họ năm 2018 đạt 776 triệu USD và dự kiến đạt 1 tỉ USD trong năm nay.
Tuy nhiên số tiền giao dịch cho các thanh toán từ Trung Quốc sang Mỹ từng chiếm tới 95% năm 2015 thì nay chỉ còn 50% trong quý 1-2019.
“Có một xu hướng là các sinh viên Trung Quốc đang lựa chọn du học tại các trường đại học không phải của Mỹ. Những nước đang có số tiền giao dịch tăng mới thêm với sinh viên Trung Quốc là Anh, Canada và Úc”, ông Tony Gao, giám đốc điều hành công ty Easy Transfer, nói.
“Ngày càng nhiều các doanh nghiệp Trung Quốc đang tính tới một loạt thị trường khác khi họ khuếch trương quy mô hoạt động ra ngoài Trung Quốc”, ông Tony tiếp.
Báo cáo khảo sát tình hình du học của sinh viên Trung Quốc năm 2019 của Công ty tư vấn giáo dục Trung Quốc EIC Education cho thấy 20,14% những người được hỏi cho biết đã chọn Vương quốc Anh là điểm đến đầu tiên của họ, trong khi Mỹ là 17,05%. Các lựa chọn phổ biến khác gồm Canada, Úc, Đức, Pháp, Hong Kong, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Đất hiếm của TQ: Quyền lực ảo
Một trong những biện pháp Trung Quốc tận dụng để đáp trả cuộc chiến thương mại là dừng xuất khẩu đất hiếm – thứ nguyên tố thiết yếu cho ngành sản xuất thiết bị điện tử. Chính phủ Trung Quốc coi đất hiếm là “con át chủ bài trong tay Bắc Kinh”. Nhưng đất hiếm mà Trung Quốc đang độc quyền có thực sự hiếm, quyền lực đó có thực sự đủ mạnh để đe dọa Trump và ngành công nghệ toàn cầu?
Đất hiếm là gì?
Trung Quốc là nguồn cung cấp đất hiếm lớn nhất thế giới hiện nay trong khi Mỹ, Nhật và ngành sản xuất công nghệ cao toàn cầu sử dụng đất hiếm để làm smartphone, xe điện, pin…
TheoIUPAC, các nguyên tố đất hiếm và các kim loại đất hiếm là tập hợp của mười bảy nguyên tố hóa học thuộc bảng tuần hoàn của Mendeleev, có tên gọi là scandi, yttri và mười lăm nguyên tố của nhóm Lantan và trái ngược với tên gọi (loại trừ promethi), có hàm lượng lớn trong Trái Đất. Người ta có thể tìm thấy các nguyên tố đất hiếm ở trong các lớp trầm tích, các mỏ quặng và cát đen. Tại Việt Nam, theo Wikipedia, theo đánh giá của các nhà
khoa học địa chất, trữ lượng đất hiếm ở khoảng 10 triệu tấn phân bố rải rác ở các mỏ quặng vùng Tây Bắc và dạng cát đen phân bố dọc theo ven biển các tỉnh miền Trung.
Tại sao đất hiếm lại giữ vị trí quan trọng trong ngành sản xuất công nghệ cao?
Tuy được biết tới từ đầu thế kỉ 19, đất hiếm chỉ thực sự chiếm lĩnh một vai trò chiến lược trong các khoáng sản từ nửa sau thế kỉ 20 và đặc biệt quan trong trong 1 thập kỷ gần đây khi nó được sử dụng trong hầu hết các lĩnh vực công nghệ cao, dân sự hay quân sự.
Đất hiếm được dùng trong các công nghệ sạch và xanh, làm chất xúc tác trong ngành lọc dầu, trong nhiều loại hợp kim cao cấp, trong công nghiệp điện tử – màn hình phẳng, DVD, GPS – công nghiệp thuỷ tinh và đồ gốm công nghiệp, trong các loại bóng đèn tiết kiệm năng lượng… Các chất neodymium và samarium có vai trò thiết yếu trong các loại nam châm vĩnh cửu, vừa mạnh, vừa nhẹ hơn các loại nam châm thường, lại rất dễ làm nhỏ, dùng trong các máy tính điện tử, trong máy xe hơi điện và máy điện gió… Quan trọng không kém, đất hiếm được dùng trong các bộ phận điện tử quân sự từ màn hình radar đến tia laser, hệ thống điều khiển tên lửa và những thiết bị nhìn đêm.
Các chuyên gia ví von đất hiếm giống như “vitamin hóa học”, một lượng nhỏ sẽ làm nam châm vĩnh cửu mạnh hơn, màn hình điện tử sáng hơn, dung lượng pin cao hơn …
Và như vậy, nếu thực sự đất hiếm chỉ nằm tại Trung Quốc, là tài nguyên mà Trung Quốc nắm giữ tới 90% trữ lượng toàn cầu thì hiển nhiên sự “nổi giận” của Trung Quốc sẽ đẩy ngành sản xuất công nghệ cao lùi lại 10 năm, bạn sẽ phải từ bỏ điện thoại smartphone để quay về với điện thoại “cục gạch” đen trắng kinh điển, từ bỏ tivi màn hình hết phẳng lại cong, mỏng dính của bạn để trở lại với tivi to đùng thời đại cũ. Chưa nói đến các ứng dụng khác tới các thiết bị của ô tô, ứng dụng khác trong phân trừ sâu bệnh cho cây trồng, xử lý môi trường….
Đây không phải lần đầu Trung Quốc dùng đất hiếm để “làm mình làm mẩy” với Mỹ, Nhật và phương Tây mỗi khi không hài lòng với chính sách quân sự, chính trị hoặc sự chỉ trích tình trạng dân chủ tệ hại mà Mỹ và phương Tây nhắm vào quốc gia này.
Trung Quốc từng nắm thế độc quyền ảo đối với nguồn cung đất hiếm toàn thế giới. Ở nhiều thời điểm, điều này đã gây ra nhiều căng thẳng địa chính trị. Mỹ và phương Tây phản ứng mạnh mẽ với việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm vào cuối thập niên 2000 do phản ứng về chính sách quân sự của Nhật; chính phủ nhiều nước như Nhật, Mỹ và EU phải khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Cuối cùng, WTO đã ra phán quyết chống Trung Quốc, Trung Quốc đã loại bỏ hạn ngạch xuất khẩu vào năm 2015.
Quyền lực với đất hiếm của Trung Quốc phải chăng chỉ là quyền lực ảo?
Có thể nói như vậy, bởi quyền lực ảo này được xây dựng từ các “mánh lới” sản xuất và thương mại bẩn, có hại cho môi trường và người dân Trung Quốc.
Thật ra, đất hiếm không hiếm. Hiện nay, hàng năm Trung Quốc sản xuất khoảng 110.000 tấn trên tổng số 125.000 tấn đất hiếm được sử dụng trên thế giới, và chiếm lĩnh tới hơn 95% thị phần xuất khẩu mặt hàng này. Trong nhiều thập kỷ trước – cho tới những năm 1950 Nam Phi và Mỹ mới là nhà sản xuất hàng đầu trên thế giới – và sau này chắc cũng sẽ khác. Trữ lượng khoáng sản có đất hiếm trên thế giới, theo báo cáo nói trên của GAO là khoảng 99 triệu tấn (trong đó Trung Quốc chiếm 36%, Mỹ 13%, Úc 5,4%, các nước Liên Xô cũ 19%, các nước khác 22%), đủ dùng cho cả thế giới vài trăm năm.
Vấn đề phức tạp nằm ở quy trình sản xuất đất hiếm mà bảo vệ được môi trường sống của con người. Sản xuất đất hiếm thuần tuý (độ tinh khiết đòi hỏi nhiều khi lên đến 99,9999%) từ đất mỏ có trộn lẫn nhiều loại khoáng chất, bao gồm nhiều công đoạn rất ô nhiễm, độc hại – kể cả nguy cơ nhiễm phóng xạ do nhiều mỏ có các chất phóng xạ (thorium, uranium). Chi phí sản xuất dĩ nhiên càng cao khi xã hội càng đòi hỏi những biện pháp bảo vệ môi trường và bảo vệ nhân công. Bởi vậy, quy trình sản xuất đất hiếm tại Mỹ và các quốc gia phát triển khác có chi phí lớn, kiểm soát gắt gao.
Có thể nói đây chính là lỗ hổng để nền sản xuất bẩn bất chấp an toàn và sinh mệnh của dân như Trung Quốc nắm lấy và vươn lên vị trí độc quyền.
Trung Quốc bắt đầu khai thác đất hiếm từ những năm 1980 và loại dần các đối thủ do giá thành rẻ mạt của mình bằng cách sẵn sàng hy sinh môi trường và sinh mệnh của người dân, bỏ qua các điều kiện, tiêu chuẩn gắt gao về môi trường trong sản xuất đất hiếm.
Sau khi mỏ đất hiếm Mountain Pass ở California, Mỹ, buộc phải đóng cửa từ năm 2002, thế giới ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc. Rất nhanh, Trung Quốc cũng có kế hoạch để tăng cường thống trị của mình trên mặt hàng này, bằng cách xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao, giá rẻ dùng đất hiếm, song song với tăng giá nguyên liệu – thậm chí ép các nước Tây phương cung cấp công nghệ cao đó, nếu không sẽ khoá ngay nguồn đất hiếm…
Và dù Trung Quốc làm mưa làm gió trên thị trường đất hiếm bởi sản xuất bẩn và cạnh tranh bất bình đẳng, nhưng một sự thật là: nếu đất hiếm thực sự hiếm thì giá của nó không thể lên xuống và dao động thất thường như thế suốt gần 2 thập kỷ qua. Theo nguyên tắc thị trường, mặt hàng nào hiếm, cầu cao và bị độc quyền nguồn cung thì giá của nó không co giãn, chỉ kiên định đi lên theo chiều thẳng đứng. Bản chất là, Trung Quốc chỉ độc quyền cao về nguồn cung đất hiếm giá rẻ mà thôi.
Vì đất hiếm không hiếm và cũng vì tính chất chiến lược với an ninh địa chính trị mà mặt hàng này đang đòi hỏi chính quyền Mỹ và các nước Tây phương khởi động lại công nghiệp sản xuất và chế biến đất hiếm, dù sao cũng với một ưu thế nhất định về mặt khoa học và công nghệ từ đầu thập kỷ 2010. Một thông tin từ Đại học Leeds (Anh) cuối năm 2009, cho biết một ê-kip của đại học này, khi nghiên cứu về một quy trình thu hồi oxyd titan (TiO2) từ các phế liệu công nghiệp, đã đồng thời tìm được một phương thức mới để thu hồi các loại đất hiếm có trong đó, một cách đơn giản và ít tốn kém (theo Futura Sciences). Mọi nghiên cứu giúp các nhà sản xuất giảm nhẹ cường độ ô nhiễm và giá thành của công nghệ sản xuất đất hiếm sẽ đẩy nhanh quy trình khởi động lại này…
Bản thân Nhật bản cũng thành lập các viện nghiên cứu và tìm đất hiếm từ đầu thập niên 2010. Cuối năm 2018, mỏ đất hiếm ngoài khơi của Nhật Bản được công bố trên các tạp chí khoa học danh tiếng, với trữ lượng 16 triệu tấn kim loại có giá trị đủ để cả thế giới dùng trong suốt 800 năm tới.
Đất hiếm cũng nằm rải rác khắp Việt Nam, theo Báo Petro Times,nguồn tài nguyên này được đánh giá có trữ lượng 11 triệu tấn và dự báo là 22 triệu tấn, phân bố chủ yếu ở miền Tây Bắc, gồm các vùng Nậm Xe, Đông Pao, Mường Hum và Yên Bái.
Đương nhiên, sản lượng sản xuất thay thế Trung Quốc và giá thành đất hiếm tăng có thể làm khó ngành công nghệ cao của Mỹ, Nhật và phương Tây trong ngắn hạn. Nhưng nên nhớ, Mỹ từng đi đầu thế giới về sản xuất đất hiếm, Mỹ không thiếu tài nguyên, các trường đại học của Mỹ trong suốt 2 thập kỷ qua vẫn không ngừng nghiên cứu về quy trình sản xuất đất hiếm an toàn và hiệu quả hơn, công ty sản xuất hiếm duy nhất của Mỹ có thể quay lại mở cửa (thực tế họ đã có động thái với Nhà trắng) ngay lập tức. Mỹ và phương Tây nắm trong tay thực quyền về tư bản, công nghệ, quy trình và cả thị trường công bằng hơn cho người bán – người mua và sức khỏe người dân. Đây là điều khác biệt giữa Mỹ, Phương Tây và Trung Quốc – đối thủ thương mại chỉ nắm độc quyền ảo do sản xuất và thương mại bẩn.
Thiết nghĩ nếu người dân Trung Quốc ai ai cũng hiểu sự độc quyền ảo đất hiếm mà họ đang cổ súy, đang tự hào có được là do chính quyền hy sinh chất lượng môi trường mà họ sống, họ có còn hăng hái đến thế không?
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/28377-dat-hiem-cua-tq-quyen-luc-ao.html
Dự luật ngăn quân sự hóa Biển Đông
động chạm đến cấp nào của TQ?
Nếu Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật Trừng phạt Biển Đông và Hoa Đông, những lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc cũng có thể bị cấm vận nếu người đó trực tiếp chỉ đạo quân sự hóa hai vùng biển đang tranh chấp.
Trong một nước Mỹ chia rẽ dưới thời Tổng thống Donald Trump, không dễ chứng kiến một khoảnh khắc đoàn kết của lưỡng đảng Dân chủ và Cộng hòa trong bất cứ vấn đề nào. Tuy nhiên, điều này đã xảy ra khi xuất hiện một cái tên: Trung Quốc.
Giữa lúc nhánh hành pháp đang thương chiến rực lửa với Bắc Kinh, tuần trước, 14 nhà lập pháp Dân chủ và Cộng hòa, đại diện bởi thượng nghị sĩ Marco Rubio, đã đệ trình lên quốc hội dự luật trừng phạt các cá nhân và tổ chức Trung Quốc có dính líu đến hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông và Hoa Đông.
Dự luật ngăn quân sự hóa Biển Đông động chạm đến cấp nào của Trung Quốc? – Ảnh 2.
Trang mở đầu của Đạo luật Trừng phạt Biển Đông và Hoa Đông – Ảnh chụp màn hình
Cú đấm cho Trung Quốc
Tên đầy đủ của văn bản là “Dự luật áp lệnh cấm vận đối với Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa liên quan đến các hoạt động trên Biển Đông và Hoa Đông và các mục đích khác”.
Tiêu đề rút gọn là “Đạo luật Trừng phạt/cấm vận Biển Đông và Hoa Đông 2019”. Có tất cả 12 điều mục.
Trong Mục 2 – Phát hiện của văn bản, quan điểm của Mỹ nêu rõ: “Dù Hoa Kỳ đứng trung lập trong tranh chấp chủ quyền đối với các thực thể đất trong khu vực… Tất cả yêu sách hàng hải phải được dựa trên thực thể tự nhiên (đảo hình thành tự nhiên – PV), theo đúng luật quốc tế”. (Báo cáo Bộ Quốc phòng Mỹ tháng 8-2015)
Đáng chú ý, trong Mục 5, quan điểm trên được nâng tầm về mặt pháp lý, nhấn mạnh rằng Quốc hội Mỹ “phản đối hành động của chính phủ bất cứ quốc gia nào can thiệp vào quyền tự do sử dụng vùng nước và không phận ở Biển Đông hoặc Hoa Đông”; yêu cầu Trung Quốc “ngừng theo đuổi các yêu sách bất hợp pháp và hành động quân sự hóa một khu vực quan trọng đối với an ninh toàn cầu”.
Đạo luật cũng kêu gọi Chính phủ Mỹ “mở rộng các chiến dịch tự do hàng hải và hàng không, phản ứng lại hành động khiêu khích của Trung Quốc bằng các biện pháp tương xứng”.
Tờ báo Asia Times bình luận: với những từ ngữ, nội dung cứng rắn như trên, Đạo luật Trừng phạt Biển Đông và Hoa Đông 2019 hứa hẹn sẽ khiến Bắc Kinh phản ứng mạnh nếu được thông qua, thương chiến cũng sẽ gia tăng vì nhiều công ty hàng đầu Trung Quốc có liên quan đến hoạt động cải tạo ở Biển Đông.
Giới quan sát quốc tế quan ngại Trung Quốc hiện chỉ còn thiếu chút nữa là tuyên bố Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Bước đi này sẽ đặt cả khu vực dưới sự kiểm soát quân sự của Bắc Kinh một cách không chính thức.
Dự luật ngăn quân sự hóa Biển Đông động chạm đến cấp nào của Trung Quốc? – Ảnh 3.
Hải quân thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) biểu dương sức mạnh trên Biển Đông tháng 4-2018 – REUTERS
Ai sẽ bị Mỹ cấm vận?
Dự luật đang được Quốc hội Mỹ xem xét yêu cầu tổng thống “áp lệnh trừng phạt về nhập cảnh và tài sản tại Mỹ đối với bất cứ người Trung Quốc nào có liên quan đến các dự án xây dựng và phát triển, trực tiếp bằng hành động hoặc chính sách, mang tính chất đe dọa hòa bình và ổn định ở Biển Đông”.
Cũng theo báo Asia Times, do cách tiếp cận toàn diện của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông, trong đó chính quyền địa phương, quân đội, các tổ chức bán quân sự… đều có tham gia, lệnh cấm vận của Mỹ có thể vượt xa hơn các doanh nghiệp nhà nước lớn, bao trùm cả Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) và các đơn vị chính quyền.
Dự luật có đính kèm danh sách ban đầu gồm 25 công ty Trung Quốc có thể bị trừng phạt ngay, đáng chú ý là CCCC Dredging Group – công ty con của Tập đoàn Xây dựng viễn thông Trung Quốc, đơn vị tham gia xây đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Những cái tên còn lại cũng toàn là các đại gia nhà nước: Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc (Sinopec), Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC), China Mobile, Tổng công ty Viễn thông Trung Quốc (China Telecom), Tập đoàn Khoa học và công nghiệp hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASIC)…
Nếu bị trừng phạt, những pháp nhân trên sẽ bị cấm tiếp cận các định chế tài chính đóng ở Mỹ, đồng nghĩa với cú đấm cực mạnh dành cho những công ty có hoạt động toàn cầu.
Thêm vào đó, về mặt lý thuyết cấm vận có thể áp dụng với cả lãnh đạo cao cấp nhất Trung Quốc, nếu người đó chủ trương quân sự hóa Biển Đông.
Một số nhà phân tích nhìn nhận dự luật này chẳng khác nào phương án “ngoại giao hạt nhân” mà Mỹ có thể xài trong trường hợp mọi đàm phán với Bắc Kinh bế tắc.
Theo quy trình, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ là người chịu trách nhiệm báo cáo cho Quốc hội tên tuổi những tổ chức Trung Quốc nào sẽ bị cấm vận. Trong một phát biểu gần đây, ông tỏ ra tự tin với chiến lược gây sức ép tối đa lên Trung Quốc.
“Tôi chưa từng gặp người nào ở châu Á tin rằng đã diễn ra chính sách xoay trục thời kỳ chính quyền trước (Tổng thống Obama). Nhưng hôm nay, họ sẽ thấy chúng tôi tham gia nhiều hơn. Chúng tôi đã có mặt. Chúng tôi không chỉ đi dự họp, chúng tôi còn hành động. Quân đội của chúng tôi hành động” – Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh nhiều lần.
Dự luật ngăn quân sự hóa Biển Đông động chạm đến cấp nào của Trung Quốc? – Ảnh 4.
Lần đầu tiên trong lịch sử
Khó mà diễn tả hết tầm mức quan trọng của sự kiện nếu Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Trừng phạt Biển Đông và Hoa Đông 2019, mà khả năng này lại cao trong bầu không khí “chống Trung” đang dâng trào ở Washington.
Đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử, sức mạnh quân sự Mỹ đứng ngay sau lưng các đồng minh và đối tác chiến lược châu Á chống lại Trung Quốc. Lệnh cấm vận cũng đồng nghĩa Mỹ thôi không còn “trung lập” trong tranh chấp lãnh thổ và tài nguyên trên các vùng biển giáp Trung Quốc, đặc biệt là Biển Đông.
Dư luận chú ý nhiều đến quan điểm cứng rắn trong thương mại của chính quyền Tổng thống Trump với Trung Quốc, nhưng ít ai để ý chính sách quốc phòng của Mỹ cũng thay đổi theo hướng đó. Nhưng chính vì thay đổi chiến lược này, các quốc gia khu vực không sớm thì muộn sẽ phải lựa chọn giữa 2 cường quốc hàng đầu thế giới.
Cuối tuần này, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan sẽ công bố Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương mới nhân sự kiện Đối thoại Shangri-La tại Singapore, trước sự có mặt của đại diện Trung Quốc và các quan chức quốc phòng hàng đầu thế giới.
Giới quan sát dự đoán chiến lược mới sẽ bao gồm các biện pháp quân sự, ngoại giao và kinh tế nhằm kiềm chế và trừng phạt chủ nghĩa bành trướng hàng hải của Trung Quốc trên các vùng biển khu vực Đông Á.
Một số ý kiến cho rằng đạo luật trừng phạt Mỹ đang cân nhắc được thiết kế chủ ý nhằm bổ sung cho chiến lược châu Á sắp công bố. Theo cách “nhẹ nhàng” nhất, Mỹ có thể dùng công cụ cấm vận này để ép Bắc Kinh bớt “manh động” ở Biển Đông.
TQ tìm tiếng nói ‘phản chiến’ từ nước Mỹ
Bắc Kinh yêu cầu truyền thông nước này sử dụng từ ngữ thận trọng, chẳng hạn không dùng các cụm từ có sắc thái ‘vơ đũa cả nắm’, nhằm thu hút những người Mỹ có lập trường ủng hộ Trung Quốc.
Trong bối cảnh căng thẳng thương chiến với Mỹ, Trung Quốc đang hi vọng sẽ thu hút được “những tiếng nói đồng cảm” từ bên còn lại bằng cách yêu cầu các quan chức chính phủ và truyền thông nước này tránh chỉ trích quá mức nhằm vào Mỹ, theo báo South China Morning Post (SCMP).
“Chúng tôi được yêu cầu không sử dụng cụm từ ‘phía Mỹ’ chung chung trên các bài viết vì có nhiều tiếng nói khác nhau trong lòng nước Mỹ” – nhân viên của một cơ quan truyền thông nhà nước giấu tên cho biết.
Người này nói rằng chỉ thị trên được đưa ra vì Bắc Kinh cho rằng vẫn còn “có những người ở Mỹ đang chống lại thương chiến hoặc cách tiếp cận đối đầu (của Mỹ) chống lại Trung Quốc”.
Trong khi đó, một nguồn tin thứ hai đến từ một công ty quốc doanh Trung Quốc đánh giá phản ứng của Bắc Kinh trước các diễn biến căng thẳng của thương chiến Mỹ – Trung hiện vẫn còn “thận trọng”.
“Ít nhất vẫn không có ai hô to các khẩu hiệu trước đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh hay các vụ đập phá cửa hàng Mỹ ở Trung Quốc” – vị này cho biết.
Trong khi đó, hồi tháng 5-1999, nhiều người Trung Quốc đã hô to các khẩu hiệu chống Mỹ và ném đá vào đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh trong sự giận dữ sau khi Mỹ dội nhầm 5 quả bom
xuống sứ quán Trung Quốc ở Nam Tư do lỗi bản đồ khiến 3 nhà báo Trung Quốc thiệt mạng.
Căng thẳng thương chiến Mỹ – Trung dâng cao sau khi Mỹ quyết định tăng thuế nhập khẩu lên 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc, trong khi Trung Quốc cũng tuyên bố tăng thuế đáp trả lên 60 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.
Quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới không có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi tập đoàn Huawei của Trung Quốc bị liệt vào danh sách đen thương mại và bị cấm mua các linh kiện từ công ty Mỹ.
Dẫu vậy, theo báo SCMP, Trung Quốc vẫn đang mở rộng cửa đón các nhà đầu tư Mỹ và hoan nghênh những quan chức cũng như các công dân Mỹ khác có cùng lập trường với Bắc Kinh, hay ít nhất là có cách tiếp cận ít đối đầu hơn với nước này.
Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc và truyền thông nhà nước vẫn tiếp tục tránh công kích cá nhân nhằm vào Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm “lấy lòng” Washington.
http://biendong.net/bi-n-nong/28342-tq-tim-tieng-noi-phan-chien-tu-nuoc-my.html
TC Dọa Sẽ Lập Sổ Đen Trừng Phạt Trả Đũa Mỹ;
Tập Cận Bình Không Vội Đối Thoại Với Trump Về Mậu Dịch
BEIJING – Hội đàm Xi-Trump bên lề hội nghị G-20 Osaka vẫn là chuyện không tưởng vì các điều kiện hiện tại là không thích hợp.
Nhà nghiên cứu hàng đầu Zhang Yansheng của Centre for International Ecomomic Exhange (Beijing) nói “Chúng ta là người phương đông coi trọng thể diện về những điểm mà người Mỹ bất kể. Tôi nghĩ là nên chờ xem”.
Tuy cơ quan của Zhang không trực tiếp dự phần hoạch định kế hoạch công du ngoại quốc của Xi, bình luận của ông ám chỉ Beijing không vội dàn xếp 1 cuộc đối thoại giữa Xi và Trump, hạ thấp kỳ vọng về khả năng 2 nhà lãnh đạo có thể phá vỡ bế tắc của đàm phán mậu dịch.
Phát ngôn viên Lu Kang taị Bộ ngoại giao tuyên bố ngày 30-5 “sẵn sàng tiếp tục thương lượng” nhưng nhắc nhở “các trừng phạt ban hành tuần qua chống lại Huawei và các công ty Trung Cộng không giúp tạo môi trường xây dựng cho việc điều đình”.
Cựu thống đốc ngân hàng trung ương Dai Xianlong nhận xét: khai thông bế tắc không là dễ với phía Hoa Kỳ để thực hiện các điều chỉnh mạnh và có hệ thống những gì Trump đã làm.
Ngoài ra, phát ngôn viên Bộ thương mại không trả lời câu hỏi về triển vọng đối thoại Xi-Trump tại Osaka cuối Tháng 6.
Nguồn ngoại giao Nhật cho hay: chưa thấy 2 bên dàn xếp, tuy 2 nhà lãnh đạo có nhiều cơ hội tại sự kiện Osada – theo nguồn tin này, Washington phải cử 1 viên chức đi Beijing để tham khảo.
Trong khi đó, Bộ thương mại Trung Cộng dọa công bố sổ đen trừng phạt tuy không nói rõ là nước nào, hãng nào, nhưng có ý nghĩa leo thang căng thẳng sau loan báo “sổ đen” của Bộ thương mại Hoa Kỳ công bố gần đây, gồm Huawei.
Nhưng, Bộ thương mại Trung Cộng cũng cho biết: các đối tượng trừng phạt gồm doanh nghiệp và cá nhân vi phạm các quy định thị trường hay hợp đồng vì các lý do phi thương mại gây thiệt hại nghiêm trọng các quyền lợi hợp thức của doanh nghiệp Trung Cộng, và gây hại an ninh quốc gia của Trung Cộng.
Cựu thống đốc ngân hàng nhà nước thời kỳ 1995-2002 Dai Xianlong đang là 1 nhân vật ảnh hưởng, nói: định hướng của Trump là America First và bắt nạt, không mong cuộc gặp gỡ giữa 2 nguyên thủ tại Osaka đưa tới khai thông. Ông Dai cũng không loại trừ khả năng Beijing trả đũa mạnh cũng bằng thuế nhập cảng.
TQ nhắm mục tiêu vào FedEx, đưa ra ‘cảnh báo’ với Mỹ
Trung Quốc nhắm mục tiêu vào hãng FedEx trong cuộc chiến thương mại đang leo thang với Hoa Kỳ. Động thái này gợi ý về những công ty nước ngoài mà Trung Quốc có thể đưa vào sổ đen về những thành phần “không đáng tin cậy”.
Vào lúc các quan chức Trung Quốc sẽ ra tuyên bố trong ngày 2/6 cho biết quan điểm của họ về đàm phán thương mại với Hoa Kỳ, cuộc điều tra về việc FedEx “giao hàng sai” được xem như một lời cảnh báo của Bắc Kinh sau khi chính quyền ông Trump áp đặt lệnh cấm kinh doanh với hãng viễn thông Huawei Technologies.
Động thái mới nhất này báo hiệu rằng chưa thấy có sự hòa hoãn nào trong cuộc đấu giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tại thời điểm cuộc đàm phán thương mại đã đổ vỡ.
FedEx đã xin lỗi trong tuần này vì lỗi giao hàng liên quan đến các gói hàng của Huawei sau khi có các báo cáo rằng bưu kiện đã được trả lại cho người gửi, và công ty công nghệ lớn nhất của Trung Quốc nói họ đang xem xét lại mối quan hệ của họ với hãng vận chuyển bưu kiện của Hoa Kỳ. Hai bưu kiện chứa các tài liệu được gửi từ Nhật Bản đến công ty ở Trung Quốc đã bị chuyển hướng đi đến Hoa Kỳ mà không được phép, theo tin của Reuters.
Tân Hoa Xã đưa tin hôm 1/6 rằng Trung Quốc mở cuộc điều tra vì FedEx đã vi phạm luật pháp và quy định của Trung Quốc, và gây thiệt hại cho khách hàng khi thay đổi hướng vận chuyển các bưu kiện.
“Giờ đây, khi Trung Quốc đã lập sổ đen về các thành phần không đáng tin cậy, cuộc điều tra về FedEx sẽ là một lời cảnh báo cho các công ty và cá nhân nước ngoài khác vi phạm luật pháp và quy định của Trung Quốc”, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc nói trong một bài bình luận.
Trung Quốc cho biết hôm 31/5 là họ sẽ lập sổ đen về “các thành phần không đáng tin cậy” gây hại cho các công ty Trung Quốc. Điều đó mở đường cho nước này nhắm mục tiêu vào một loạt các hãng công nghệ toàn cầu, từ những hãng khổng lồ của Hoa Kỳ như Alphabet, Google, Qualcomm và Intel, cho đến các nhà cung cấp ở ngoài nước Mỹ đã cắt đứt hoạt động với Huawei, như Toshiba và Arm.
(Bloomberg, New York Times)
https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-dieu-tra-fedex/4941772.html
Singapore, TQ sắp có các diễn tập quy mô lớn
Singapore và Trung Quốc nhất trí thỏa thuận quốc phòng mới, trong đó thúc đẩy hợp tác và tăng cường quy mô các cuộc diễn tập.
Đài Channel News Asia ngày 29-5 dẫn thông báo từ Bộ Quốc phòng Singapore cho biết Thỏa thuận hợp tác an ninh và trao đổi quốc phòng (ADESC) sửa đổi dự kiến được ký vào cuối năm nay.
Thông tin đưa khi Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa cùng ngày.
Ông Ngụy có mặt tại đảo quốc sư tử tham gia Hội nghị Thượng đỉnh an ninh châu Á Shangri-La sắp diễn ra vào cuối tuần. Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc có mặt tại hội nghị trong nhiều năm.
“Hai bộ trưởng đã thống nhất chương trình cốt yếu để làm sâu sắc quan hệ quốc phòng và tăng cường cam kết song phương về nhiều mặt” – Bộ Quốc phòng Singapore cho biết.
Ngoài ra, hai bộ trưởng cũng thảo luận về an ninh khu vực và những cách thiết thực để xây dựng niềm tin giữa các bên và tránh xung đột.
Hai bên nhất trí tiến hành phối hợp diễn tập giữa quân đội hai nước trong năm nay và tổ chức diễn tập hợp tác hàng hải trong năm 2020. Một số đề xuất khác bao gồm tăng cường đối thoại cấp cao, trao đổi hàn lâm.
Khi được hỏi về việc Singapore tăng cường hợp tác với Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng Mỹ -Trung đang nóng, Bộ trưởng Singapore khẳng định đảo quốc này “luôn muốn quan hệ hữu hảo với tất cả các nước và chúng tôi đang đối xử với Trung Quốc như vẫn làm trước đây”.
Thỏa thuận ADESC được Singapore và Trung Quốc ký kết năm 2008 nhằm tăng cường hợp tác an ninh và quốc phòng song phương.
http://biendong.net/bi-n-nong/28343-singapore-tq-sap-co-cac-dien-tap-quy-mo-lon.html