Tin Biển Đông – 22/05/2019
TQ dùng bài “chia để trị” với láng giềng ở Biển Đông,
dồn sức trước áp lực từ Mỹ
Trung Quốc đang tạo áp lực với Malaysia nhằm giải quyết tranh chấp ở Biển Đông với hy vọng xoa dịu một trong những láng giềng quan trọng nhất.
Một nguồn thạo tin về quan hệ Trung Quốc – Malaysia cho biết, Bắc Kinh gợi ý thiết lập “cơ chế tham vấn song phương” để thảo luận về các tranh chấp với riêng Malaysia, một trong những bên có tiếng nói mạnh mẽ về vấn đề Biển Đông, kể từ khi Thủ tướng Mahathir Mohamad lên nắm quyền năm ngoái.
Bắc Kinh vẫn nhắm mục tiêu đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông với các nước ASEAN và hoàn thành dự thảo đầu tiên vào cuối năm nay, nhưng 2 bên vẫn còn nhiều tồn tại.
Trung Quốc đã có cơ chế làm việc cấp Thứ trưởng với Philippines, cuộc họp đầu tiên là vào năm 2017.
Manila đã giành được một chiến thắng đáng kể trong vụ kiện tại Tòa thường trực Liên Hợp quốc tại The Hague (Hà Lan) với các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhưng Tổng thống Duterte đã theo đuổi quan hệ thân thiết với Bắc Kinh nhằm đổi lại các khoản viện trợ xây dựng cơ sở hạ tầng ở Philippines.
Tuy nhiên, Malaysia vẫn lưỡng lự, chưa đồng ý với cơ chế tương tự, nguồn tin ẩn danh mô tả đây không gì khác ngoài chiến thuật “chia để trị” của Trung Quốc với các nước láng giềng nhỏ hơn.
“Trung Quốc vẫn ưu tiên đàm phán với từng nước riêng rẽ, để khi các nước nhóm họp, sẽ không cần thiết phải thảo luận mà chỉ cần thừa nhận những gì Bắc Kinh đặt trên bàn đàm phán”, nguồn tin cho hay.
Đầu tuần này, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah cho biết, nước này muốn giải quyết vấn đề đa phương hơn là chỉ với Bắc Kinh.
“Malaysia nhất quán với vai trò trung tâm của ASEAN trong giải quyết vấn đề Biển Đông với Trung Quốc”, ông Saifuddin Abdullah nói.
“Trung Quốc thực ra đã đề nghị riêng từng nước trong nhóm ASEAN rằng liệu các nước có thảo luận song phương về vấn đề này. Nhưng Malaysia luôn luôn giữ quan điểm sẽ đàm phán thông qua cơ chế đa phương”, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia khẳng định.
Zhang Mingliang, phó giáo sư chuyên nghiên cứu về Biển Đông tại Đại học JiNan, Quảng Châu, cho biết sự cạnh tranh leo thang của Trung Quốc với Mỹ đã gây áp lực buộc Bắc Kinh phải tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nước láng giềng nhỏ hơn, nhưng ý định này có thể gặp phải sự kháng cự từ Malaysia.
Với những áp lực to lớn từ cuộc chiến thương mại với Mỹ, Trung Quốc cần ổn định khu vực lân cận và ngăn chặn chỉ trích từ các nước láng giềng, ông Zhang nói.
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Mahathir, Malaysia hiểu rất rõ tình hình và biết rõ rằng giờ đây họ có nhiều đòn bẩy hơn đối với Trung Quốc, và việc đàm phán song phương chỉ khiến họ bất lợi mà thôi.
Tập trận trên Biển Đông:
Thông điệp của Mỹ và đồng minh gửi tới TQ
Hải quân Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Philippines (2-8/5) tiến hành tập trận ở Biển Đông nhằm gửi thông điệp cứng rắn, phản đối các hoạt động khiêu khích trái pháp luật của Trung Quốc trong thời gian qua.
Giới chuyên gia, học giả quốc tế và khu vực nhận định cuộc tập trên là hành động cứng rắn của Mỹ và các nước đồng minh nhằm gửi thông điệp mạnh mẽ tới Bắc Kinh.
Theo chuyên gia Rajeswari Pillai Rajagopalan (Quỹ Nghiên cứu quan sát ở Ấn Độ), cuộc tập trận thể hiện lập trường cứng rắn của Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Philippines về luật pháp quốc tế ở Biển Đông, mà còn xây dựng nên cầu nối những bên có cùng mối quan tâm trước Bắc Kinh. Sự kiện này thể hiện dấu hiệu về sự bất bình của cộng đồng quốc tế đối với các hành động “cơ bắp” của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Trong khi đó, Tiến sỹ Satoru Nagao, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ nhận định cuộc tập trận trên có 3 thông điệp mà Mỹ và đồng minh muốn gửi tới Trung Quốc: (i) Thông điệp gửi đến cho Trung Quốc về việc nước này đã phớt lờ luật pháp quốc tế trong vấn đề Biển Đông – điều mà các quốc gia khác không thể chấp nhận. Thời gian qua, không chỉ hải quân Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, mà hải quân Anh, Pháp… cũng gửi tàu chiến đến Biển Đông để thể hiện sự phản đối trước chính sách của Trung Quốc. (ii) Sự tham gia phối hợp lần này có ý nghĩa quan trọng vì đây là sáng kiến không chỉ của Mỹ mà còn bao gồm nhiều nước khác. Đặc biệt, đối với Nhật Bản thì nước này gửi đến 2 chiến hạm, bao gồm tàu sân bay trực thăng lớp Izumo. Vì thế, sự phối hợp lần này mang biểu tượng như triển khai một nhóm tác chiến tàu sân bay đa quốc gia. (iii) Cuộc tập trận đánh dấu sự tham gia của Ấn Độ. Từ nhiều năm qua, New Delhi đã gửi tàu chiến đến khu vực này nhưng đây là lần đầu tiên phối hợp cùng Mỹ, mở ra một bước ngoặt mới.
Giới chuyên gia Philippines đánh giá tích cực về sự phối hợp giữa các nước trong cuộc tập trận vừa qua. Phó Giáo sư Richard Heydarian, chuyên gia phân tích quốc tế tại Philippines cho rằng trước các hành động của Trung Quốc, nhiều quốc gia có lợi ích ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã thể hiện sự phản ứng mạnh mẽ. Song hành cùng diễn biến đó là sự tăng cường phối hợp giữa các quốc gia liên quan. Mà cuộc tập trận của Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Philippines vừa qua tại Philippines chính là dấu ấn quan trọng cho sự phối hợp đó. Bởi lâu nay, các nước trong 4 quốc gia này đã tập trận chung cùng nhau nhưng đây là lần đầu quy tụ cả bốn, để thúc đẩy ổn định an ninh hàng hải ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, Philippines đã theo đuổi quan hệ nồng ấm hơn với Trung Quốc. Nhưng trước việc Bắc Kinh không ngừng leo thang hoạt động quân sự ở Biển Đông, Manila phải thắt chặt hợp tác an ninh với Washington. Cuối năm nay, Mỹ – Philippines dự kiến đánh giá về hiệp ước phòng thủ chung và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cũng đã công khai kêu gọi Mỹ giữ vững cam kết hợp tác quân sự với Philippines.
Đáng chú ý, giới chuyên gia nhận định cuộc tập trận quy mô lớn giữa 4 nước ở Biển Đông còn thể hiện quyết tâm của Mỹ và các nước đồng minh nhằm bảo vệ tự do hàng hải, hàng không trong khu vực. Tiến sỹ James R.Holmes, chuyên gia quân sự, Trường Hải chiến Mỹ cho rằng Trung Quốc lâu nay vẫn thích đối phó riêng lẻ với từng bên. Điều đó có thể dẫn đến sự mất cân bằng trong ngoại giao cũng như đàm phán, nên các quốc gia liên quan cần phối hợp cùng nhau để ứng phó. Giờ đây các nước trong khu vực có lợi ích liên quan việc đảm bảo tự do hàng hải cần phải cùng góp sức bằng biện pháp ngoại giao, hoạt động hải quân… để hướng đến mục tiêu chung. Vì thế, cuộc tập trận chung trên mang ý nghĩa lớn khi kết nối 4 quốc gia gồm: Mỹ là một cường quốc luôn nhấn mạnh quyền tự do hàng hải; Philippines – quốc gia liên quan Biển Đông nhưng gần đây, dưới thời Tổng thống Duterte, đã “mềm mỏng” với Trung Quốc; Nhật Bản – một cường quốc tại châu Á nhưng nằm ngoài Biển Đông; Ấn Độ – một cường quốc khác nằm ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhưng cũng nằm ngoài Biển Đông. Để đảm bảo quyền tự do hàng hải, sự phối hợp cần được mở rộng hơn nữa. Nếu các quốc gia ở cả châu Âu như Anh, Pháp cũng tham gia thì sẽ càng tạo ra một tuyên bố mạnh mẽ hơn nữa trước Trung Quốc.
Ngoài ra, theo Tiến sỹ Collin Koh Swee Lean, chuyên gia tại Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam – Singapore, cuộc tập trận trên còn bao hàm ý nghĩa chính trị sâu sắc. Mặc dù cuộc tập trận không có phần phối hợp nào mang tính “nhạy cảm”, chủ yếu tăng cường khả năng tương tác giữa hải quân nhiều nước và phối hợp triển khai máy bay trực thăng, nhưng hàm chứa ý nghĩa chính trị sâu sắc. Đó là nhấn mạnh quyền tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông, tô đậm sự hội tụ chiến lược của hải quân 4 nước liên quan đến nguyên tắc quốc tế, tự do hàng hải lẫn vùng trời trong khu vực. Sự tham gia của Philippines cũng có ý nghĩa lớn khi chính quyền nước này gần đây chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc về vấn đề Biển Đông liên quan tình hình bãi cạn Scarborough, ngư dân Philippines bị quấy rối. Điều này cũng ít nhiều thể hiện quan điểm lâu dài của Philippines là tuy có những bất đồng với Mỹ, nhưng Manila vẫn là một đồng minh lâu dài, duy trì các thỏa thuận quân sự với Washington.
Trái ngược với nhận định, đánh giá của cộng đồng quốc tế, giới chuyên gia, học giả và truyền thông Trung Quốc có cách nhìn phiến diện, lệch lạc và tìm cách chỉ trích Mỹ cùng các nước đồng minh. Thời báo Hoàn Cầu – phụ san của Tân Hoa xã, có khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa có bài xã luận chỉ trích các hoạt động được gọi là “tự do hàng hải của Mỹ” gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng; ngang nhiên cho rằng các hoạt động của Mỹ và đồng minh “nhắc nhở Trung Quốc phải củng cố sức mạnh hải quân”, khẳng định “chỉ khi hải quân Trung Quốc đủ mạnh, hải quân Mỹ mới không dám cố tình đi vào vùng nước của Trung Quốc để phô trương cơ bắp”.Đáng chú ý, trang tin Đa Chiều cho rằng, tuy trước đây Mỹ đã từng nhiều lần tiến hành các cuộc tập trận tương tự trên Biển Đông, nhưng cuộc diễn tập chung lần này diễn ra đúng vào thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa gia tăng mức thuế trừng phạt đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nên động thái này được xem là sự thách thức mới đối với Bắc Kinh.
Đi nước cờ quân sự dồn dập,
Mỹ khiến TQ ‘khó sống’ ở Biển Đông
Quân đội Mỹ cho biết, một trong những chiếc tàu chiến của họ hôm 19/5 vừa đi qua khu vực bãi cạn Scarborough ở Biển Đông. Đây là động thái có thể khiến Bắc Kinh nổi giận trong thời điểm quan hệ Mỹ-Trung Quốc vốn đang “căng như dây đàn” vì cuộc chiến thương mại không khoan nhượng.
Tàu khu trục Preble của Mỹ đã tiến hành chiến dịch ở Biển Đông, một phát ngôn viên của quân đội Mỹ cho hay. “Tàu Preble đi vào khu vực thuộc phạm vi 12 hải lý so với bãi cạn Scarborough để thách thức các đòi hỏi chủ quyền thái quá và bảo vệ sự tự do hàng hải theo quy định của quốc tế”, Chỉ huy Clay Doss – một phát ngôn viên của Hạm đội Số 7 cho hay.
Bãi cạn Scarborough nằm cách đảo chính Luzon của Philippines chỉ khoảng 230km. Trong khi đó, khu vực đất liền gần nhất của Trung Quốc là tỉnh Hải Nam cũng cách bãi cạn Scarborough đến 1.200km.
Bãi cạn này là nơi chứng kiến cuộc đối đầu vô cùng căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc được châm ngòi từ một vụ va chạm giữa tàu chiến lớn nhất của Philippines với hai tàu hải giám Trung Quốc hồi tháng 4 năm 2012.
Sau vụ va chạm trên, Trung Quốc trên thực tế đã chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough vốn là ngư trường đánh cá truyền thống của Philippines.
Đây là lần thứ hai chỉ trong vòng một tháng quân đội Mỹ thực hiện chiến dịch được gọi là “tự do hàng hải” ở Biển Đông.
Trước đó, hôm 6/5, quân đội Mỹ cũng đã cử hai chiến hạm của Hải quân đi thực hiện nhiệm vụ ở khu vực gần với những đảo mà Trung Quốc đang đòi chủ quyền gây tranh cãi ở Biển Đông.
Cụ thể, hai tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Preble và Chung Hoon của Hải quân Mỹ đã đi vào khu vực phạm vi 12 hải lý so với đá Gaven và đá Johnson thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc tranh chấp.
Vào thời điểm đó, Chỉ huy Clay Doss – một phát ngôn viên của Hạm đội Số 7, cho biết, hoạt động đưa tàu chiến đi qua khu vực nói trên là nhằm để “thách thức những đòi hỏi chủ quyền tham lam và bảo vệ việc tiếp cận các đường biển theo quy địnhh của pháp luật quốc tế.”
Những động thái của Mỹ chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc thêm phần bất an và vụ việc này sẽ đẩy mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước leo thang hơn nữa trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc không chỉ “đấu” nhau ở Biển Đông, trong vấn đề Đài Loan và các biện pháp trừng phạt mà còn đang có cuộc chiến thương mại nóng bỏng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã và đang tăng cường sức ép mạnh mẽ lên Trung Quốc nhằm đạt được một thỏa thuận thương mại.
Mỹ từ lâu đã có chiến dịch phản đối mạnh mẽ những đòi hỏi chủ quyền tham lam, phi lý và trái luật của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với 4 nước láng giềng Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Trung Quốc đang ngang nhiên đòi chủ quyền đến 90% Biển Đông – một khu vực biển có những tuyến đường hàng hải chiến lược có tính sống còn đồng thời chứa các nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú.
Trung Quốc đã và đang gây ra một làn sóng phản đối dữ dội và quyết liệt chưa từng có của các nước láng giềng trong khu vực cũng như của cộng đồng thế giới vì việc nước này đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng trái phép và giờ là quân sự hóa ở Biển Đông.
Trong một động thái làm đẩy cao căng thẳng ở Biển Đông, Trung Quốc gần đây liên tiếp cho triển khai vũ khí, trong đó có các tên lửa, đến các cấu trúc mà nước này đã xây dựng trái phép ở Biển Đông.
Để phản đối đòi hỏi chủ quyền tham lam cũng như các bước đi quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ gần đây đẩy mạnh chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông, liên tiếp đưa tàu chiến và máy bay quân sự vào khu vực, khiến Bắc Kinh “mất ăn mất ngủ”.
http://biendong.net/bi-n-nong/28168-di-nuoc-co-quan-su-don-dap-my-khien-tq-kho-song-o-bien-dong.html