Tin khắp nơi – 22/05/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 22/05/2019

Sau Huawei,

Mỹ có thể đưa thêm hãng công nghệ TQ vào sổ đen

Chính quyền Hoa Kỳ đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt nhằm vào hãng thiết bị video theo dõi Hikvision của Trung Quốc, tương tự như các biện pháp áp dụng đối với Huawei.

Các lệnh cấm sẽ hạn chế khả năng của Hikvision mua công nghệ Mỹ, và các công ty Mỹ có thể phải xin phép chính phủ mới được cung cấp linh kiện cho công ty Trung Quốc, New York Times đưa tin hôm 21/5.

Hoa Kỳ đã đưa hãng Huawei Technologies vào sổ đen thương mại hồi tuần trước, cấm các công ty Hoa Kỳ hợp tác kinh doanh với nhà sản xuất thiết bị mạng viễn thông lớn nhất thế giới, đây là bước leo thang lớn trong cuộc chiến thương mại. Tuy nhiên, trong tuần này, chính quyền của Tổng thống Trump đã gia hạn cho Huawei được phép mua hàng hóa của Hoa Kỳ cho đến ngày 19/8 để giảm thiểu các xáo trộn đối với khách hàng.

Huawei cho biết họ có thể đảm bảo chuỗi cung ứng linh kiện ổn định mà không cần sự trợ giúp của Hoa Kỳ. Một cán bộ điều hành của Hikvision cũng đưa ra tuyên bố tương tự.

“Ngay cả khi Hoa Kỳ ngừng bán linh kiện cho chúng tôi, chúng tôi có thể khắc phục điều này thông qua các nhà cung cấp khác”, một cán bộ điều hành của Hikvision cho biết với điều kiện không nêu danh tính do bản chất nhạy cảm của vấn đề.

“Các con chip mà Hikvision sử dụng được bán rộng rãi và hầu hết các nhà cung cấp thực sự đều đặt ở Trung Quốc”, bà nói, đồng thời cho biết thêm là công ty chưa nhận được thông báo về việc có thể bị Hoa Kỳ đưa vào sổ đen.

Bloomberg, dẫn lời những người nắm thông tin về vấn đề này, đưa tin rằng chính phủ Hoa Kỳ đang cân nhắc có nên hay không thêm vào sổ đen các hãng gồm Hikvision, công ty thiết bị an ninh Zhejiang Dahua Technology và một số công ty khác không nêu tên cụ thể.

Hikvision, với giá trị trên thị trường là hơn 37 tỷ đô la, tự nhận là nhà sản xuất thiết bị video theo dõi lớn nhất thế giới.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 22/5 kêu gọi Hoa Kỳ mở ra một môi trường công bằng cho các công ty Trung Quốc, trong bối cảnh có tin Hikvision có thể bị đưa vào sổ đen.

“Thời gian gần đây, chúng tôi đã nhiều lần bày tỏ lập trường của Trung Quốc phản đối việc Hoa Kỳ lạm dụng quyền lực quốc gia để cố tình bôi nhọ và đàn áp các công ty nước ngoài, trong đó có các công ty của Trung Quốc”, phát ngôn viên Lục Khảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói tại một buổi họp báo.

https://www.voatiengviet.com/a/sau-huawei-my-co-them-them-hang-cong-nghe-tq-vao-so-den/4927739.html

 

Liệu TQ có biến đất hiếm thành vũ khí

trong cuộc chiến công nghệ với Mỹ?

Hoa Kỳ đang đánh đòn đau vào Trung Quốc bằng cách áp đặt các hạn chế đối với hãng viễn thông khổng lồ Huawei, nhưng việc Bắc Kinh kiểm soát nguồn cung đất hiếm cho toàn cầu, vật liệu để làm điện thoại thông minh và ô tô điện, giúp Trung Quốc có một vũ khí mạnh trong cuộc chiến công nghệ đang leo thang.

Trong tuần này, Chủ tịch Tập Cận Bình tới thăm một công ty đất hiếm của Trung Quốc. Chuyến thăm dường như diễn ra theo thường lệ được nhiều người xem như một lời đe dọa rằng Bắc Kinh đang sẵn sàng hành động.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc có vẻ còn e ngại, chưa đi theo hướng đó, có thể họ sợ “gậy ông đập lưng ông” vì làm như vậy sẽ thúc đẩy các nước trên thế giới nhanh chóng tìm kiếm nguồn cung thay thế.

Trung Quốc hiện chiếm vị trí đầy quyền uy, sản xuất hơn 95% đất hiếm trên thế giới, và Hoa Kỳ phụ thuộc vào Trung Quốc với lượng nhập khẩu là hơn 80%.

Đất hiếm là 17 nguyên tố quan trọng để sản xuất mọi thứ, từ điện thoại thông minh và TV cho đến máy ảnh và bóng đèn.

Song Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất có trữ lượng lớn đất hiếm.

Năm ngoái, Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ ước tính trữ lượng đất hiếm trên toàn thế giới lên đến 120 triệu tấn, bao gồm 44 triệu ở Trung Quốc, 22 triệu ở Brazil và 18 triệu ở Nga.

Trung Quốc là nhà sản xuất hàng đầu một phần vì một số quốc gia e ngại về các rủi ro môi trường trong việc khai thác trữ lượng của chính họ. Khai thác đất hiếm sinh ra chất thải độc hại, có thể kèm theo cả các chất thải phóng xạ có hại.

“Không loại trừ khả năng là Trung Quốc sẽ hạn chế xuất xuất khẩu, nhưng xem ra những gì chúng ta đang thấy hiện nay chỉ là một dạng đe dọa”, Kokichiro Mio, nhà nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu NLI, nói.

“Mỹ sẽ gặp rắc rối trong một khoảng thời gian ngắn. Nhưng có phần chắc là Trung Quốc không muốn đổ dầu vào lửa”, bà Mio nói thêm.

Li Mingjiang, điều phối viên chương trình vềTrung Quốc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam (RSIS) tại Singapore, nhận định rằng việc chặn xuất khẩu đất hiếm sang Hoa Kỳ sẽ đánh dấu sự leo thang mạnh mẽ, nhưng đó không phải một việc Trung Quốc dám làm.

“Sự khác biệt là Mỹ đang nhắm mục tiêu vào các công ty cụ thể của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc nhắm vào cả nước Mỹ … điều đó có thể bị Mỹ và thế giới coi là sự leo thang đáng kể của cuộc chiến thương mại”, ông nói.

(Bangkok Post, South China Morning Post)

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-dat-hiem-chien-tranh-cong-nghe-my/4927669.html

 

CNN: Mặt trận mới của ông Tập thực chất chẳng đáng sợ

như lời đồn – “Hổ giấy” TQ chỉ bắn ra được “đạn giấy”?

CNN bình luận, mặc dù đất hiếm có thể là điểm yếu của Mỹ, nhưng đó chưa chắc đã là lợi thế lớn như nhiều người Trung Quốc vẫn tưởng.

Các hoạt động của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tuần này đều mang tính biểu tượng, theo CNN.

Hôm thứ 2 (20/5), ông Tập đã tới một đài tưởng niệm đặt vòng hoa tưởng nhớ cuộc “Vạn lý Trường chinh” – cuộc rút quân lịch sử của Hồng quân Cộng sản Trung Quốc kéo dài 365 ngày trên hành trình hơn 9.000 km trong cuộc nội chiến Quốc-Cộng năm xưa.

Liệu đây có phải là dấu hiệu cho thấy trận đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ trong cuộc thương chiến mở rộng cũng sẽ kéo dài như vậy?

Có thể suy luận này không đúng, tuy nhiên thông điệp “dằn mặt” Mỹ được ông Tập thể hiện qua một động thái đáng chú ý khác là điều không thể nhầm lẫn, và truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng đã đồng loạt đăng tải thông tin này.

Vừa qua, ông Tập đã lần đầu tiên đi thị sát một công ty chuyên sản xuất đất hiếm tại tỉnh Giang Tây, Đông Nam Trung Quốc. Đây là loại nguyên liệu thiết yếu để sản xuất các sản phẩm công nghệ cao như điện thoại thông minh, tia laser, hệ thống tên lửa, chất siêu dẫn, v.v…

Theo số liệu của Viện Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, đến 80% lượng đất hiếm được Mỹ nhập khẩu trong giai đoạn 2014-2017 là từ Trung Quốc. Và trong đòn giáng thuế quan gần nhất nhằm vào Trung Quốc, Mỹ đã “chừa lại” mặt hàng này.

Trong chuyến thăm và thị sát nhà máy đất hiếm tại tỉnh Giang Tây, ông Tập đã đi cùng Phó Thủ tướng Lưu Hạc – người dẫn đầu đoàn đàm phán thương mại của Trung Quốc.

Và mặc dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cố gắng bác bỏ những đồn đoán xung quanh sự xuất hiện của cặp đôi quyền lực này, thì các nhà phân tích và các cơ quan ngôn luận của nhà nước đều hiểu rõ ý nghĩa của động thái ấy.

Thời báo Hoàn cầu – một trong những cơ quan ngôn luận của chính phủ Trung Quốc – cho biết chuyến thăm của ông Tập đã “là sự động viên lớn lao đối với ngành công nghiệp quan trọng – được nhiều người biết đến là một trong những đòn bẩy của Trung Quốc trong cuộc thương chiến với Mỹ”.

Trong một bài báo được đăng tải tuần trước, tờ báo này thậm chí còn đi xa hơn nữa, khi nói rằng nhu cầu sử dụng đất hiếm của Washington chính là “quân át chủ bài trong tay Bắc Kinh”.

“Mỹ sẽ phải mất nhiều năm để tái xây dựng ngành công nghiệp đất hiếm trong nước, và gia tăng nguồn cung nội địa để giảm phụ thuộc vào khoáng sản Trung Quốc”, theo bài viết được đăng tải trên Thời báo Hoàn cầu.

“Thời gian ấy đủ dài để Trung Quốc giành chiến thắng trong cuộc thương chiến với Mỹ, bởi trong lúc đó thế độc quyền của Trung Quốc về sản xuất đất hiếm sẽ giúp Bắc Kinh kiểm soát được thứ được coi là ‘máu’ đối với lĩnh vực sản xuất hàng công nghệ cao của Mỹ”, bài báo viết.

Tuy nhiên, mặc dù đất hiếm có thể là điểm yếu của Mỹ, nhưng đó chưa chắc đã là lợi thế lớn như nhiều người Trung Quốc vẫn tưởng.

Vũ khí ảo tưởng?

Trước đây chúng ta đã từng chứng kiến điều tương tự.

Vào năm 2010, sau khi xảy ra xung đột với Nhật Bản vì các đảo tranh chấp, trong đó một thuyền trưởng tàu cá người Trung Quốc đã bị Tokyo bắt giữ, Bắc Kinh đã ngừng xuất khẩu đất hiếm sang nước bạn. Sau quyết định ấy, phía Nhật Bản đã nhanh chóng trả tự do cho thuyền trưởng bị bắt giữ – một động thái bị chỉ trích là “sự rút lui đáng xấu hổ”.

Khả năng sử dụng thế độc quyền về đất hiếm làm đòn bẩy nhằm gây sức ép khiến đối phương nhượng bộ của Trung Quốc đã khiến nhiều nước lo sợ, trong đó có Washington. Thậm chí Quốc hội Mỹ đã phải mở phiên điều trần để thảo luận về điều này.

Trong gần một thập kỷ sau vụ xung đột giữa hai nước Trung-Nhật, các chuyên gia đã đặt ra nghi vấn về mức độ nguy hiểm của chiêu đòn đất hiếm. Trung Quốc đòi được công dân của mình, nhưng tranh chấp giữa hai nước về chủ quyền trên đảo Senkaku/Điếu Ngư Đài vẫn tiếp diễn.

Ông Eugene Gholz, người từng tham vấn chính phủ Mỹ về vấn đề đất hiếm, đã viết trong một bản báo cáo cho Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ rằng sức mạnh đòn bẩy đất hiếm của Trung Quốc năm 2010 là lớn nhất từ trước tới nay, “nhưng ngay cả trong hoàn cảnh thuận lợi như vậy, Trung Quốc vẫn khó mà khai thác được sức mạnh thị trường và đòn bẩy chính trị”.

“Một bài học lớn là các nhà hoạch định chính sách không nên chịu khuất phục trước áp lực phải hành động quá nhanh chóng hoặc với quy mô quá lớn khi phải đối mặt với các mối đe dọa về nguyên liệu thô. Không phải mối đe dọa nào cũng đáng sợ như cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973”, ông Gholz đề cập tới lệnh cấm vận dầu mỏ do các thành viên Ả Rập thuộc Tổ chức các Quốc gia Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) ban bố nhằm trả đũa Mỹ vì đã hỗ trợ quân đội Israel trong Cuộc chiến tranh Ả Rập-Israel năm 1973.

“Cần đặc biệt thận trọng về việc phóng đại các mối đe dọa về nguyên liệu thô, bởi khi các nhà phân tích chính sách đối ngoại hoặc tình báo nhìn thấy mối nguy đối với thị trường và nền kinh tế, thì một số doanh nghiệp cũng có thể thấy được trong đó cơ hội để tranh thủ cạnh tranh và kiếm lợi nhuận, giảm thiểu rủi ro”, ông Gholz nói.

Khi “sức mạnh” cũng có điểm yếu

Mặc dù có tên là “đất hiếm”, nhưng nguyên liệu này thực sự không “hiếm có khó tìm” đến vậy. Thực chất, tuy đây đây là loại khoáng chất rất khó – và thậm chí có thể hủy hoại môi trường – để khai thác, trích xuất và tinh chế, nhưng một số loại đất hiếm lại thuộc top khoáng sản dồi dào nhất thế giới.

Không giống với các nguyên liệu thô khác như dầu mỏ, nhu cầu sử dụng thường xuyên và số lượng lớn đối với nhiều loại đất hiếm cũng không lớn bằng.

Nhiều loại sản phẩm cần sử dụng đất hiếm cũng chỉ cần đến một lượng rất nhỏ – khiến loại nguyên liệu này còn được mệnh danh là “vitamin của ngành công nghệ hiện đại” – do đó, kể cả khi mặt hàng này bị đánh thuế thì cũng sẽ không có ảnh hưởng ngay lập tức.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng đã dự trữ một lượng khá lớn những loại đất hiếm chủ chốt, ít nhất là các loại được sử dụng trong công nghiệp quốc phòng.

Mặt khác, thế độc quyền của Trung Quốc đối với mặt hàng đất hiếm thực chất không giống như nhiều người vẫn nghĩ.

Mặc dù nước này hiện đang có thị phần lớn về đất hiếm trong thương mại toàn cầu, nhưng họ có được điều đó phần nhiều là “nhờ” những điểm lỏng lẻo trong bộ luật môi trường – điều này đã tạo điều kiện để Trung Quốc khai thác, trích xuất và tinh chế với giá thành thấp hơn nhiều so với các nước khác.

“Lợi thế” này đã dần bị thu hẹp lại trong những năm gần đây, khi Bắc Kinh quyết tâm xử lý mạnh tay các công ty sản xuất đất hiếm hoạt động trái phép.

Trung Quốc sở hữu khoảng 1/3 trữ lượng đất hiếm còn lại trên thế giới, gần bằng trữ lượng của Brazil và Việt Nam cộng lại. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng là nước sử dụng đất hiếm hàng đầu thế giới do có ngành công nghiệp đang phát triển mạnh.

Dự kiến đến năm 2025, Trung Quốc sẽ trở thành nhà nhập khẩu ròng đất hiếm – yếu tố có thể khiến Bắc Kinh lo sợ sẽ bị “gậy ông đập lưng ông”, nếu như họ quyết định hành động khiến giá đất hiếm toàn cầu tăng cao, hoặc mở ra tiền lệ sử dụng đất hiếm làm công cụ chính trị.

Bên cạnh Trung Quốc, thì các mỏ đất hiếm cũng được phát hiện tại nhiều nơi khác trên thế giới như Nhật Bản, Đông Nam Á, Australia, và một số khu vực ở miền Đông và miền Nam châu Phi.

Ngoài ra, các công ty công nghệ cũng đã bắt đầu tìm ra giải pháp mới để sử dụng đất hiếm tiết kiệm và thông minh hơn. Trong một báo cáo về trách nhiệm đối với môi trường gần đây, tập đoàn Apple cho biết họ đã bắt đầu tái chế đất hiếm từ những chiếc iPhone cũ và các sản phẩm khác.

Bắc Kinh từng một lần lầm tưởng về Washington trong cuộc thương chiến, khi họ kì vọng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ “chớp mắt” trước khi họ giáng đòn kinh tế vào những khu vực ủng hộ ông này. Tính toán sai lầm ấy đã khiến trận chiến thuế quan leo thang, và một ông lớn công nghệ của Trung Quốc là tập đoàn Huawei bị “dính đòn”.

Trung Quốc hiện nay không chỉ gặp khó ở Washington, mà ngay cả kinh tế trong nước cũng có nhiều dấu hiệu cho thấy tiên lượng xấu trong cuộc thương chiến. Và ngay cả ván cược đất hiếm – những tưởng là quân át chủ bài của Trung Quốc – có thể cũng chỉ là “viên đạn giấy” của con “hổ giấy”.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/28170-cnn-mat-tran-moi-cua-ong-tap-thuc-chat-chang-dang-so-nhu-loi-don-ho-giay-tq-chi-ban-ra-duoc-dan-giay.html

 

Huawei đã gây tội gì với Mỹ

khiến ông Trump ra đòn chí mạng?

Từ lâu mối quan hệ giữa Huawei với Mỹ đã không tốt đẹp do những cáo buộc về quan hệ giữa Huawei với chính phủ Trung Quốc, làm ăn với Iran… Liệu động thái mới đây của Washington là ‘gom tội xử 1 lần’?

Tập đoàn Huawei của Trung Quốc đã trải qua mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” với Mỹ trong 1 thập niên qua và đỉnh điểm là việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước cấm các công ty công nghệ Mỹ làm ăn với đối tác cách nửa vòng trái đất này.

Dù Mỹ từ lâu đã nghi ngờ Huawei dính líu tới các hoạt động phi pháp như gián điệp, hiện không rõ Huawei đã làm bất cứ chuyện gì cụ thể gần đây để trở thành tâm điểm gây lo ngại như vậy.

Lệnh cấm được đưa ra rõ ràng gây sự ngạc nhiên cho giới quan sát. Ngày 21-5 (giờ Mỹ), chính quyền ông Trump cho biết tạm thời sẽ giảm một ít các giới hạn nhằm vào Huawei. Đối với Huawei và hầu hết công ty Mỹ, lệnh cấm vẫn đứng sừng sững đó như Vạn Lý Trường Thành.

Vậy Huawei đã làm gì để bị dồn vào đường cùng như hiện nay?

Át chủ bài trong thương chiến Mỹ – Trung

Mỹ và Trung Quốc đã dính vào chiến tranh thương mại trong hơn 1 năm qua và Huawei bị kẹt giữa cuộc chiến không có lối thoát này.

Theo Đài CNN, giữa bối cảnh đó, Huawei đã trở thành một con bài mặc cả quan trọng. Đó là một công ty viễn thông khổng lồ của Trung Quốc đầy tham vọng trở thành nhà sản xuất smartphone số 1 thế giới và là một trong số ít công ty sản xuất thiết bị mạng 5G cho các công ty mạng không dây.

Huawei công bố đã đạt doanh thu kỷ lục 105 tỉ USD trong năm 2018, hơn cả IBM của Mỹ.

Ý định sử dụng Huawei như làm con bài mặc cả từng được Tổng thống Trump để ngỏ trong các phát biểu liên quan tới cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc.

Quan hệ với chính phủ Trung Quốc

Năm 2012, sau cuộc điều tra kéo dài 1 năm, Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ đã công bố báo cáo cho thấy Huawei đặt ra mối đe dọa an ninh cho Mỹ.

Báo cáo kết luận Huawei và công ty viễn thông ZTE của Trung Quốc đã hành động thay mặt chính phủ Trung Quốc, và do đó không nên được phép vận hành các hạ tầng quan trọng vốn kiểm soát mạng không dây của Mỹ.

Phía Huawei tuyên bố họ hoạt động độc lập với chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, từ lâu Mỹ đã hoài nghi Huawei tiến hành hoạt động gián điệp nhằm vào mạng lưới của Mỹ có sử dụng công nghệ của Huawei, dù công ty này liên tục bác bỏ cáo buộc gián điệp.

Trước mối lo ngại này, chính quyền ông Trump còn yêu cầu các đồng minh của Washington dừng mua thiết bị viễn thông từ Huawei.

Quan hệ với Iran

Chính quyền ông Trump đã nộp một loạt cáo buộc hình sự nhằm vào Huawei vào đầu năm nay, theo đó tuyên bố công ty này đã âm mưu vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran.

Nằm một phần trong vụ việc này, Canada đã bắt giữ giám đốc tài chính Huawei, bà Mạnh Vãn Chu (Meng Wan Zhou). Hiện “công chúa” Huawei đối mặt với khả năng bị dẫn độ sang Mỹ.

Tập đoàn Huawei bị cáo buộc đã lừa gạt các tổ chức tài chính và chính phủ Mỹ về hoạt động làm ăn ở Iran.

Trong số các cáo buộc đưa ra, Mỹ còn tuyên bố nhà sáng lập Huawei, ông Nhậm Chính Phi (Ren Zheng Fei), đã nối dối Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) hồi năm 2007 rằng Huawei không vi phạm luật xuất khẩu của Mỹ và Huawei cũng không làm ăn trực tiếp với bất kỳ công ty Iran nào.

Cáo buộc đánh cắp tài sản trí tuệ

Chính quyền ông Trump còn kiện Huawei với cáo buộc đánh cắp các bí mật thương mại từ nhà mạng T-Mobile của Mỹ.

Trong bản cáo trạng, các công tố viên Mỹ cho biết nhiều năm liền, Huawei đã tìm cách đánh cắp thông tin về thiết kế của một robot có tên “Tappy” do tập đoàn T-Mobile chế tạo vào năm 2006.

Huawei cung cấp điện thoại cho T-Mobile và được cho đã tiếp cận một số thông tin về Tappy nhờ vào mối quan hệ đó.

Công tố viên Mỹ cáo buộc Huawei đã yêu cầu nhân viên của T-mobile gửi ảnh chụp ảnh robot này từ nhiều góc độ, số sê-ri của từng bộ phận và nhiều thông tin khác.

Cuộc đua công nghệ tương lai

Theo Đài CNN, công nghệ của Huawei vốn cần thiết đối với tương lai của 5G, một công nghệ mà Mỹ có tham vọng thống trị.

Huawei được xem là nhà lãnh đạo về 5G, cung cấp công nghệ hỗ trợ việc triển khai 5G của các mạng không dây.

Những đối thủ đủ sức cạnh tranh với Huawei là Nokia và Ericsson. Tuy nhiên, Huawei là một công ty lớn hơn nhiều, với khả năng cung cấp công nghệ này nhanh và rẻ hơn.

Mỹ mong muốn các công ty viễn thông của nước này đi đầu về công nghệ mới. 5G có thể mở ra làn sóng công nghệ kế tiếp giúp thay đổi nền kinh tế, bao gồm các xe tự lái.

Tương lai nào cho Huawei?

Bất chấp những động thái mạnh tay gần đây của Mỹ nhắm vào Huawei, gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc vẫn có thể nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm.

Tháng 4-2018, Bộ Thương mại Mỹ cho biết tập đoàn ZTE của Trung Quốc đã nói dối các quan chức Mỹ về việc trừng phạt những nhân viên vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ nhằm vào Triều Tiên và Iran.

Mỹ đã cấm các công ty nước này bán linh kiện cho ZTE, khiến tập đoàn này không thể mua chip và các thành phần khác từ những nhà cung cấp quan trọng của Mỹ.

Tuy nhiên, một tháng sau đó, ông Trump cho biết sẽ thảo luận riêng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm đưa ZTE “trở lại hoạt động kinh doanh nhanh chóng”.

Tổng thống Trump nói rằng biện pháp trừng phạt của Mỹ đã ảnh hưởng tới việc làm của nhiều người Trung Quốc. Tháng 7 cùng năm, chính quyền Mỹ đã dỡ bỏ lệnh trừng phạt sau khi ZTE ký thỏa thuận với phía Mỹ.

Nếu chính quyền ông Trump đang sử dụng Huawei – một công ty vốn lớn hơn nhiều so với ZTE – để làm con bài mặc cả tương tự trong thương chiến với Trung Quốc, Washington có thể đòi hỏi những nhượng bộ về chính trị từ Trung Quốc để đỏi lấy việc “giải cứu” Huawei.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/28147-huawei-da-gay-toi-gi-voi-my-khien-ong-trump-ra-don-chi-mang.html

 

Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) của TQ:

Nhìn từ khía cạnh Biển Đông

và quan điểm hiện nay của Mỹ

BRI là dự án chính sách đối ngoại mang màu sắc của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nó là biểu tượng của chính sách đối ngoại quyết đoán hơn của Trung Quốc, khác xa chiến lược khiêm tốn “giấu mình chờ thời” mà từ lâu đã là đặc trưng của sự can dự toàn cầu của Bắc Kinh. Hiện nay, Trung Quốc đang lấy BRI làm bằng chứng cho thấy nước này đã đảm nhận trách nhiệm lớn, thúc đẩy sự kết nối, phát triển toàn cầu.

TQ lợi dụng BRI để lôi kéo sự ủng hộ trong vấn đề Biển Đông

Trong quá trình theo đuổi các yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, Bắc Kinh đã tìm cách thông qua nhiều cơ chế, phương thức để lôi kéo sự ủng hộ của các nước đối với lập trường và hành động của nước này ở Biển Đông. Trường hợp điển hình là Campuchia, nước ủng hộ và tham gia BRI. Trung Quốc đã cho Campuchia những lợi ích khi tham gia BRI cả về phương diện kinh tế lẫn chiến lược. Thứ nhất, BRI mang lại nhiều cơ hội to lớn cho Campuchia trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng như các cảng biển, đường cao tốc và đường sắt. Campuchia cũng là nước tham gia sáng lập Ngân hàng đầu tư phát riển hạ tầng châu Á (AIIB). Trung Quốc đã cung cấp 600 triệu USD dưới dạng viện trợ để giúp nước này tham gia các dự án của AIIB. Thứ hai, Trung Quốc cũng giúp Campuchia nâng cao mức độ an ninh của Campuchia tại các đường biên giới với Việt Nam và Thái Lan. Đổi lại, Campuchia là nước ủng hộ mạnh mẽ nhất Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông tại ASEAN. Trường hợp thứ hai là Philippines, Trung Quốc đã thu hút Philippines tham gia vào BRI bằng những cam kết đầu tư lớn, nhập khẩu nông sản, hỗ trợ tài chính để bù đắp lại những thiếu hụt do cấm vận từ Mỹ và châu Âu. Trung Quốc cũng lên tiếng ủng hộ cuộc chiến chống tham nhũng và ma túy của chính quyền Tổng thống Duterte. Đổi lại, Philippines đã chuyển từ đối đầu căng thẳng trong vấn đề Biển Đông sang hòa hiếu, thắt chặt quan hệ với Trung Quốc. Trường hợp thứ ba là Indonesia. Để đạt được mục đích này, Indonesia đã hoạch định xây dựng 24 cảng biển với tổng khối lượng đầu tư khoảng 55,4 tỷ USD. Cũng tương tự như trường hợp Thái Lan, nước đang giữ chức Chủ tịch ASEAN 2019. Thái Lan ủng hộ và sẵn sàng tham gia tích cực vào BRI. Thái Lan cũng nhận được sự hỗ trợ không hề nhỏ từ Trung Quốc. Đổi lại, Thái Lan giữ quan điểm trung lập, có phần nghiêng về Trung Quốc trong nhiều trường hợp. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang đầu tư lớn vào châu Phi, Mỹ Latinh thông qua kết nối với BRI, song đổi lại những nước này đều phải ủng hộ quan điểm của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

Quan điểm của Mỹ về BRI của TQ

Cách tiếp cận và các lợi ích của Trung Quốc trong việc theo đuổi BRI đã vấp phải sự chỉ trích ngày càng tăng từ phía Mỹ, các quốc gia phát triển khác ở phương Tây và thậm chí là các nước đang phát triển thuộc phạm vi của BRI vì thiếu tính minh bạch, tính bền vững kinh tế và chất lượng cao. Thêm vào các mối quan ngại này là những mối lo âu về việc đằng sau BRI có thể là những động cơ thúc đẩy mang tính chiến lược, có khả năng làm thay đổi bối cảnh địa chính trị và các tiêu chuẩn quản trị toàn cầu của cộng đồng quốc tế. Nhiều nhà quan sát mô tả BRI chỉ là một mánh khóe địa chính trị của Trung Quốc nhằm thống trị thế giới, hay là biểu hiện của chính sách “kinh tế trục lợi”, theo cách nói của cựu Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson.

Thứ nhất, theo các nhà chính sách Mỹ, các dự án BRI quá thường xuyên có xu hướng vướng vào tham nhũng, đồng thời thiếu nghiêm trọng tính bền vững kinh tế, tính minh bạch pháp lý và sự quản trị tốt. Cùng với nhau, những thiếu sót này dẫn tới các dự án đe dọa chủ quyền, các chuẩn mực và thông lệ dưới chuẩn trong xuất khẩu, và gây quan ngại về những tác động địa chiến lược của sáng kiến này. Những tình cảm này đã được nêu ra trong một số bài phát biểu của các thành viên cấp cao trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó có Phó Tổng thống Mike Pence và Ngoại trưởng Mike Pompeo. Nếu Trung Quốc không có hành động gì nhằm giải quyết những vấn đề này, thì các nước bên thứ ba như Mỹ không khỏi nhìn nhận BRI với thái độ hoài nghi, thay vì coi đó là một cơ hội cộng tác.

Thứ hai, Trung Quốc đang áp dụng ngoại giao bẫy nợ thông qua BRI, khiến các nước đang phát triển lệ thuộc vào nợ và sau đó chuyển sự lệ thuộc đó thành ảnh hưởng địa chính trị. Trung tâm Phát triển toàn cầu chọn ra 8 quốc gia được coi là “đặc biệt có nguy cơ vỡ nợ” do tham gia BRI của Trung Quốc. Những hành động của Trung Quốc tại Sri Lanka, Pakistan và Malaysia có vai trò trung tâm đối với các cuộc tranh luận về bẫy nợ. Trung Quốc đã có được quyền vận hành cảng Hambantota ở miền Nam Sri Lanka trong 99 năm sau khi chi phí cho dự án này vượt ra ngoài tầm kiểm soát, buộc Colombo từ bỏ quyền kiểm soát cảng để đổi lấy một gói cứu trợ từ phía Trung Quốc. Ở Pakistan, một cuộc khủng hoảng tài chính đã làm gia tăng thái độ phản đối các dự án thuộc Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC), một nhánh lớn của BRI. Lập luận về bẫy nợ càng trở nên đáng tin cậy sau khi Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad hủy bỏ các dự án BRI với tổng trị giá 23 tỷ USD và cảnh báo rằng Trung Quốc có nguy cơ trở thành con mồi của “chủ nghĩa thực dân phiên bản mới”. Trung Quốc lập luận rằng các quốc gia vốn không thể đảm đương gánh nặng về nợ của các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn ngay từ đầu không nên chấp thuận những dự án như vậy. Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc cũng có trách nhiệm tiến hành trước những nghiên cứu về rủi ro và tính khả thi trong kinh doanh để bảo đảm rằng các quốc gia nhận đầu tư sẽ thanh toán nghĩa vụ nợ và có năng lực hoàn trả nợ. Khi xét tới môi trường kinh doanh và chính trị phức tạp ở nhiều quốc gia đang phát triển, nơi những dự án này được triển khai,

người ta thường phóng đại những khó khăn trong việc tiến hành các phân tích kỹ lưỡng cần thiết. Không thể bảo đảm tuyệt đối thành công của bất kỳ dự án nào, ngay cả với sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhất; tuy nhiên, việc số lượng các quốc gia thông báo rằng họ đang phải chật vật với các khoản nợ liên quan tới các dự án BRI ngày càng tăng cho thấy các công ty Trung Quốc cần củng cố tiến trình thực hiện dự án của họ. Một phần công việc cải thiện điều này xoay quanh việc gia tăng tính minh bạch của dự án.

Thứ ba, sự thiếu minh bạch xoay quanh sáng kiến này là một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến Mỹ phản đối việc thực hiện BRI. Sự mập mờ khiến các công ty nước ngoài khó tham gia các dự án liên quan đến BRI cho đến khi những dự án này khởi công, và cũng có thể tạo ra mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng. Những quan ngại này không phải là đặc trưng của riêng BRI mà còn được phản ánh trong các tranh chấp thương mại và kinh tế rộng hơn đang tiếp diễn giữa Mỹ và Trung Quốc về sự công bằng và có đi có lại cho các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc. Trung Quốc tiếp tục khuyến khích đầu tư bên ngoài nhằm giúp khắc phục tình trạng thiếu trầm trọng nguồn vốn cần thiết cho việc hoàn thiện tầm nhìn của nước này, nhưng giữa các bên muốn tham gia và những cơ hội thực sự lại tồn tại một khoảng cách. Tiêu chuẩn thấp, khó khăn khi cạnh tranh trong quá trình mua sắm, đấu thầu và rủi ro của các khoản đầu tư là những trở ngại hơn nữa đối với việc tham gia. Sự hội tụ của những vấn đề phức tạp làm tăng vẻ đáng tin của những nhận thức hiện có rằng BRI là một sáng kiến được “sản xuất tại Trung Quốc, sản xuất cho Trung Quốc”, theo cách mô tả của Brian Hook, Giám đốc hoạch định chính sách thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ. Thiếu sự minh bạch làm gia tăng những quan ngại rằng các dự án BRI có thể khuyến khích sự quản trị yếu kém và trở thành những thỏi nam châm thu hút tham nhũng. Theo Tổ chức minh bạch quốc tế, nhiều quốc gia thuộc phạm vi của BRI vốn đã nằm trong danh sách các nước tham nhũng nhất thế giới. Bản chất không rõ ràng của các dự án BRI khiến chúng trở thành mảnh đất màu mỡ cho tình trạng tham ô và quản lý sai nguyên tắc. Trong điều kiện như vậy, các nhà lãnh đạo chính trị ở các nước BRI có thể cho rằng những dự án được Trung Quốc hậu thuẫn đem lại lợi ích cho cả đôi bên. Các nhà lãnh đạo có thể tuyên bố rằng họ đang mang lại sự phát triển trong khi vẫn bòn rút ngân sách thông qua các khoản “lại quả” và các giao dịch tài chính mờ ám.

Thứ tư, theo quan điểm Mỹ, quy mô của sáng kiến đồng nghĩa với việc nó nhất thiết phải có những tác động về địa chính trị. Khi điều này kết hợp với sự thiếu minh bạch, những tuyên bố của Trung Quốc về “hợp tác cùng thắng” hay “cộng đồng chung vận mệnh” có vẻ không chân thật, hay thậm chí là vỏ bọc nhằm che giấu những ý định thực sự của sáng kiến. Điều này đặc biệt đúng khi BRI được coi là gián tiếp hoặc trực tiếp dẫn tới việc thúc đẩy những giá trị mâu thuẫn với trật tự toàn cầu hiện tại. Những trường hợp gần đây, trong đó Hy Lạp và Hungary từ chối chỉ trích Bắc Kinh vì những hành vi vi phạm nhân quyền hay những tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp của họ Biển Đông minh họa cho những quan ngại như vậy. Và trong khi các cuộc thảo luận về việc Bắc Kinh xuất khẩu “mô hình Trung Quốc” có xu hướng cường điệu hóa ý định của Trung Quốc thúc đẩy BRI như một phương tiện nhằm lật đổ trật tự quốc tế, thì những ví dụ như vậy, cũng như ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh ở châu Âu thông qua sáng kiến 16+1 (một diễn đàn do Trung Quốc khởi xướng mà qua đó, nước này can dự với các nước Trung và Đông Âu), khiến các nhà quan sát bên ngoài ngày càng hoài nghi. Tương tự, thành phần Con đường tơ lụa kỹ thuật số của BRI đóng vai trò đường dẫn cho hoạt động xuất khẩu công nghệ giám sát và quyền riêng tư của Trung Quốc. Điều này bao gồm việc sử dụng phần mềm nhận diện khuôn mặt ở Zimbabwe, các hệ thống tương tự như chấm điểm tín dụng xã hội ở Venezuela… Một số dự án BRI nằm ở các vị trí chiến lược cho thấy đã có sự tính toán về địa chính trị. Ở eo biển Malacca, tuyến đường giao thương có lưu lượng cao, từng là nguyên nhân gây căng thẳng giữa Malaysia và nước láng giềng Singapore, dự kiến có 3 cảng được xây dựng trong khuôn khổ BRI, đem lại khả năng tiếp cận trực tiếp tuyến đường này. Mặc dù tất cả các cảng đều được lên kế hoạch phục vụ mục đích thương mại chứ không phải quân sự, nhưng những tác động chiến lược của việc Trung Quốc tài trợ cho các cảng ở tất cả các địa điểm bị tranh chấp này đủ để khiến một số người lo ngại rằng sự hiện diện của Trung Quốc trong khu vực sẽ phát triển vượt ra ngoài các cảng thương mại.

Những tác động từ BRI đến Mỹ và tình hình Biển Đông

Các nhà hoạch định chính sách Mỹ không được để những thất bại rõ ràng của BRI che lấp những thành công của nó. Bất chấp những quan ngại nhiều vô số, việc phản đối BRI theo phản xạ sẽ gây phản tác dụng. Thứ nhất, một phản ứng như vậy sẽ làm gia tăng căng thẳng không cần thiết giữa Mỹ và Trung Quốc và củng cố những nhận thức của Trung Quốc cho rằng Mỹ tìm cách kiềm chế Trung Quốc, một quan điểm vốn đã rất thịnh hành ở Bắc Kinh. Thứ hai, nó sẽ chỉ làm trầm trọng thêm những quan ngại hiện tại về BRI. Nếu Trung Quốc vẫn là lựa chọn duy nhất ở các quốc gia thuộc phạm vi của BRI, thì nhiều khả năng họ sẽ chấp nhận các điều khoản của Bắc Kinh mà không thắc mắc. Thứ ba, nó sẽ hạn chế khả năng của Mỹ trong việc thúc đẩy BRI theo hướng tích cực bằng cách loại Mỹ khỏi các cuộc thảo luận xoay quanh sáng kiến này. Nếu Trung Quốc cho rằng Mỹ phản đối những sáng kiến của họ theo phản xạ, thì nước này ít có khả năng nghiêm túc nhìn nhận những mối quan ngại chính đáng của Mỹ về sáng kiến này.

Đối với tình hình Biển Đông và ASEAN, tác động tiêu cực từ BRI thể hiện: Thứ nhất, giúp Trung Quốc gia tăng hiện diện ở Đông Nam Á và gia tăng ảnh hưởng với các nước thành viên ASEAN, qua đó giảm tính cố kết và thống nhất trong ASEAN. Điển hình, Campuchia luôn tránh không chỉ trích Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, khiến ASEAN khó phản ứng thống nhất. Thứ hai, làm trầm trọng các xung đột, tranh chấp về chủ quyền và quyền tài phán trên Biển Đông vì đây là khu vực sẽ diễn ra sự chồng chéo về chủ quyền khi triển khai hợp tác BRI về biển. Thứ ba, làm giảm vai trò an ninh của Mỹ, tạo ra bàn đạp để Trung Quốc xâm nhập quân sự vào khu vực. Nguy cơ này trở nên hiện hữu bởi ASEAN thiếu một cấu trúc an ninh khu vực hiệu quả và cam kết của Tổng thống Trump đối với khu vực không rõ ràng và chắc chắn. Việc tăng cường lực lượng quân sự trên sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra sự cố, va chạm ngoài ý muốn trên Biển Đông.

http://biendong.net/bien-dong/28154-sang-kien-vanh-dai-con-duong-bri-cua-tq-nhin-tu-khia-canh-bien-dong-va-quan-diem-hien-nay-cua-my.html

 

Mỹ, Nhật, EU

bàn về chính sách bao cấp của Trung Quốc

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer sẽ gặp giới chức từ Liên hiệp Châu Âu và Nhật tại Paris vào ngày 23/5 để bàn về các nỗ lực chung giải quyết các chính sách và cách hành xử phi thị trường của các nước khác, văn phòng ông Lighthizer cho biết ngày 21/5.

Cuộc họp dự kiến sẽ chủ yếu tập trung về các chính sách bao cấp của nhà nước Trung Quốc. Sự kiện này sẽ diễn ra bên lề cuộc họp cấp Bộ trưởng của Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế OECD tại Paris, Pháp, vào ngày 23 và 24 tháng này.

Ông Lighthizer cũng sẽ tổ chức một số cuộc họp song phương với các bạn hàng chính và tham dự cuộc họp không chính thức cấp Bộ trưởng của Tổ chức Thương mại Thế giới, thông cáo từ văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho biết.

https://www.voatiengviet.com/a/my-nhat-eu-ban-ve-chinh-sach-bao-cap-cua-trung-quoc-/4926971.html

 

Chiến tranh thương mại :

Doanh nghiệp Mỹ dự định rời khỏi Trung Quốc

Gia Hưng

Theo một bài thăm dò doanh nghiệp của Phòng Thương Mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc và Phòng Thương Mại Hoa Kỳ tại Thượng Hải được công bố hôm nay, 22/05/2019, trên gần một nửa các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc “đã rời hoặc đang dự định rời” khỏi đây do chiến tranh thương mại giữa hai nước.

Có 250 doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc được thăm dò từ ngày 16/05 tới 20/05, trong số đó 3/4 cho biết chiến tranh thương mại hai nước khiến các doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực. Thuế nhập khẩu tăng khiến giá thành sản phẩm và chi phí sản xuất tăng cao. Ngoài ra, 40% tổng số doanh nghiệp cho biết “đã rời hoặc dự định rời” khỏi Trung Quốc, chuyển hoạt động sản xuất sang Mêhicô hoặc các nước Đông Nam Á.

Các doanh nghiệp cũng cho biết đã gặp phải nhiều trở ngại, bị thanh tra nhiều hơn và thông quan hàng hóa chậm hơn.

Bất chấp thông điệp của Donald Trump kêu gọi doanh nghiệp Mỹ chuyển khâu sản xuất về trong nước, chỉ hơn 5% số doanh nghiệp nói trên bày tỏ ý định chuyển cơ sở sản xuất về Hoa Kỳ.

Tuy phải chịu áp lực kinh tế, hơn nửa số doanh nghiệp được thăm dò mong muốn hai nước trở lại bàn đàm phán nhằm “tháo gỡ các khúc mắc về cơ cấu nền kinh tế, giúp họ cạnh tranh lành mạnh”.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20190522-chien-tranh-thuong-mai-doanh-nghiep-my-du-dinh-roi-khoi-trung-quoc

 

LHQ kêu gọi đối xử với người Venezuela bỏ trốn

như người tị nạn

Những người Venezuela bỏ nước ra đi lánh nạn để tránh cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế tại quê nhà xứng đáng được bảo vệ như những người tị nạn, Liên Hiệp Quốc nói hôm 21/5 và kêu gọi các quốc gia khác đừng trục xuất họ, theo Reuters.

Khoảng 3,7 triệu người đã rời khỏi Venezuela, trong số này có 3 triệu người đã ra đi kể từ năm 2015, khi nền kinh tế Venezuela sụp đổ, gây ra tình trạng thiếu hụt và đói khát trên diện rộng, trong khi các cuộc biểu tình chống chính phủ trên các đường phố gây ra những làn sóng bạo lực và tử vong.

Người dân Venezuela tiếp tục bỏ nước ra đi lánh nạn, theo tỷ lệ từ 3.000 đến 5.000 người mỗi ngày, Reuters dẫn nguồn từ cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) cho biết, đồng thời đưa ra hướng dẫn cập nhật về cách xử lý đối với cuộc di cư.

Phát ngôn viên của cơ quan này, bà Liz Throssel, nói trong một cuộc họp báo: “Cao uỷ Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) xem phần lớn những người chạy trốn khỏi Venezuela là những người cần được cơ quan tị nạn quốc tế bảo vệ”.

“Xét tình hình ở Venezuela, điều cực kỳ quan trọng là không nên để xảy ra những vụ trục xuất hay cưỡng bức hồi hương”.

UNHCR lưu ý là trong thời gian qua, đã có một số vụ trục xuất từ các đảo Caribê, kể cả Trinidad và Tobago hồi năm ngoái.

Chỉ có 460.000 người Venezuela nộp đơn xin tị nạn chính thức vào cuối năm 2018, chủ yếu tại Peru, Hoa Kỳ, Brazil và Tây Ban Nha, trong khi những người khác được phép tạm cư một cách hợp pháp tại các quốc gia như Colombia, Chile và Ecuador.

Cơ quan phụ trách về trẻ em của Liên Hiệp Quốc cho biết tình trạng xấu đi ở Venezuela đã khiến trẻ em bị hạn chế trong việc tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục, bảo vệ và dinh dưỡng.

Cơ quan này đã cung cấp cho phép gần 190.000 trẻ em được tiếp cận các chương trình dinh dưỡng, nhưng không thể làm tất cả những gì họ muốn làm ở Venezuela, người phát ngôn UNICEF, Oliverhe Boulierac nói.

Hàng chục quốc gia trên thế giới công nhận lãnh đạo đối lập Juan Guaido là Tổng thống lâm thời Venezuela, nói rằng Tổng thống Nicolas Maduro đã gian lận trong cuộc bầu cử năm 2018 và đang hành xử như một nhà độc tài. Nhưng ông Guaido cho tới giờ, chưa lật đổ được ông Maduro, vì ông này vẫn được sự hậu thuẫn các tướng lãnh hàng đầu trong quân đội Venezuela.

https://www.voatiengviet.com/a/lhq-keu-goi-doi-xu-voi-nguoi-venezuela-bo-tron-nhu-nguoi-ti-nan/4926621.html

 

Bầu Nghị Viện Châu Âu,

không phải thành viên nào cũng bi quan

Tú Anh

Trong bối cảnh bầu cử Nghị Viện Châu Âu, hầu hết các nhà bình luận đều không giấu tâm trạng bi quan. Kẻ lo dân túy chiến thắng, người lo cử tri tẩy chay hoặc trừng phạt chính quyền tại chức. Tuy nhiên, thực tế bao giờ cũng có biệt lệ. Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Cộng Hoà Ai Len… hào hứng với châu Âu, theo kết quả thăm dò ý kiến thực hiện tại 28 thành viên. Cụ thể ra sao ?

Trong bầu không khí chuẩn bị bầu cử Nghị Viện Châu Âu, ngày 23/05 tại Anh và Hà Lan, ngày 26 ở các thành viên còn lại, các đảng cực hữu bài ngoại, các tổ chức bảo thủ bài châu Âu, các nhóm dân tộc chủ nghĩa mị dân ước mơ giành được chiến thắng bất ngờ.

Theo kết quả thăm dò ý kiến mới được Nghị Viện Châu Âu công bố, điều bất ngờ là có đến 61% công dân châu Âu cho rằng gia nhập Liên Hiệp Châu Âu là quyết định đúng đắn. Theo AFP, chưa bao giờ uy tín của Liên Hiệp Châu Âu được như thế kể đợt mở rộng, đón nhận hàng loạt thành viên mới hồi thập niên 1990, sau khi Liên Xô tan rã.

Biểu tượng hơn hết là trường hợp Tây Ban Nha. Với 69% cử tri «  » châu Âu, đất nước của tây ban cầm sẽ đưa đa số ứng cử viên của đảng Xã Hội đang cầm quyền vào nghị viện Strasbourg.

Tâm lý hãnh diện là « công dân châu Âu » của người dân Tây Ban Nha cao hơn thành viên Nam Âu khác là Ý và hai đầu tàu châu Âu là Pháp và Đức. Theo giải thích của chuyên gia Jose Ignacio Torreblanca, thuộc viện European Council on Foreign Relations, có hai nguyên nhân chính. Việc Tây Ban Nha được dân chủ hóa vào năm 1975, rồi được hỗ trợ gia nhập Liên Hiệp Châu Âu năm 1986, đã khắc sâu vào tâm khảm người dân nước này như hai mặt của chiếc huy chương. Bản sắc dân tộc hòa hợp với bản sắc châu Âu giúp cho người dân Tây Ban Nha miễn nhiễm với chủ nghĩa quốc gia cực đoan. Ngay đảng cực hữu Vox, đang lên trong cuộc bầu cử Quốc Hội tháng 4, trong cương lĩnh tranh cử cũng ghi đậm : Chúng tôi tin vào châu Âu vì chúng tôi là châu Âu. Nhà phân tích Torreblanca cho biết thêm : đối với người dân Tây Ban Nha, thời hưng thịnh, phú cường bắt đầu từ khi gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, trong khi người Pháp hoài niệm thời vàng son sau thế chiến.

Gia nhập Liên Hiệp Châu Âu đã đưa Tây Ban Nha vào thời đại phát triển. Hạ tầng cơ sở, đường xe lửa cao tốc dài nhất châu Âu do ngân sách của Bruxelles tài trợ phân nửa.

Cùng định mệnh với Tây Ban Nha, láng giềng Bồ Đào Nha cũng vượt qua giai đoạn chế độ quân phiệt, dân chủ hóa và gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. Từ 1995 đến nay, tỷ lệ người già nghèo khó đã giảm phân nửa. Thăm dò ý kiến cho thấy, cũng như Tây Ban Nha, 69% công dân Bồ Đào Nha hãnh diện làm « công dân châu Âu » và sẽ bầu cho danh sách Xã Hội vào nghị viện Strasbourg.

Ngược lên phía bắc, Cộng Hoà Ai Len với 83% dân chúng «  » châu Âu, phát triển kinh tế đồng nghĩa với làm thành viên châu Âu. Từ năm 1973 đến nay, Cộng Hoà Ai Len nhận được 42 tỷ euro từ Quỹ Châu Âu, tạo ra 700.000 việc làm, ngoại thương tăng thêm 90 lần. Tất cả các chính đảng đều « thân châu Âu ».

Ba nước Baltic, sau khi độc lập với Liên Xô, gia nhập Liên Hiệp Châu Âu từ năm 2004 và đồng tiền chung. Liên Hiệp Châu Âu đồng nghĩa với thịnh vượng qua một thị trường chung. Ngay ở Estonia, cho dù đảng cực hữu nằm trong chính phủ liên hiệp, tỷ lệ công luận thân châu Âu cũng lên đến 74%. Ở hai nước còn lại Litva và Latvia, không một nhóm bài châu Âu nào lập danh sách ứng cử.

Phải chăng dân chúng ở các quốc gia này biết rút tỉa kinh nghiệm đau thương nên chọn con đường đồng hành hơn là xé lẻ ?

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190522-bau-nghi-vien-chau-au-khong-phai-thanh-vien-nao-cung-bi-quan

 

Brexit: Thủ tướng Anh kêu gọi các bên cùng thỏa hiệp

Thủ tướng Anh Theresa May nói với các nghị sĩ rằng họ có “một cơ hội cuối cùng” để hoàn thành Brexit, khi bà sắp đệ trình một dự thảo “thỏa thuận Brexit mới”.

Các nghị sĩ sẽ có một cuộc bỏ phiếu về việc có nên tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý khác hay không nếu họ ủng hộ một dự luật về Thỏa thuận rút nước Anh ra khỏi EU, bà nói.

Dự luật cũng có những đảm bảo mới về quyền của người lao động, bảo vệ môi trường và đảm bảo cuối cùng trên đường biên giới Ireland, cũng như một “thỏa hiệp” về hải quan.

Anh: Kêu gọi bầu cử lại sẽ ‘giết chết Brexit’

Bà May đồng ý lên thời biểu chọn tân thủ tướng Anh

Brexit: Anh quốc hỏi ‘bao giờ cho tới tháng Mười’

Nếu các nghị sĩ từ chối dự luật, Thủ tướng Anh cảnh báo họ rằng việc rời khỏi EU trong đàm phán sẽ bị “chết đuối” và Brexit có thể bị chặn lại.

Các nghị sĩ Anh đã ba lần bác bỏ thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng May đã đàm phán với EU.

Trong những gì được coi là một quân bài hay con xúc xắc cuối cùng tung ra, bà May đang muốn luật hóa Thỏa thuận Brexit để giúp đưa thỏa thuận này thành luật pháp trình Quốc hội Anh vào đầu tháng 6/2019.

Trong một bài phát biểu được truyền hình trực tiếp tại London, Thủ tướng Anh nói rằng bế tắc đối với Brexit đang có tác động “ăn mòn” nền chính trị Anh và ngăn chặn tiến bộ trong các lĩnh vực khác.

“Chúng ta đang thực hiện một đề nghị mới để tìm kiếm lập trường chung trong Quốc hội”, bà May nói. “Đó là cách duy nhất để thực hiện Brexit.”

Kêu gọi thỏa hiệp

Bà nói rằng các nghị sĩ sẽ có cơ hội bỏ phiếu về việc có nên tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý khác hay không trước khi thỏa thuận Brexit được phê chuẩn và nếu các nghị sĩ ủng hộ nó, chính phủ sẽ có những thỏa thuận cần thiết.

Brexit: Thủ tướng Anh gặp lãnh đạo Đức, Pháp

Tôi đã thỏa hiệp, bây giờ tôi cũng yêu cầu các vị thỏa hiệpThủ tướng Theresa May

Brexit: Thủ tướng Anh tìm cách giải thế bế tắc trong nước và EU

Trong khi cá nhân bà May phản đối một cuộc trưng cầu dân ý khác về các điều khoản của Brexit, Thủ tướng nói rằng bà đã nhận ra những cảm xúc “chân thật và chân thành” về vấn đề này tại Quốc hội.

Bà kêu gọi các nghị sĩ trước hết ủng hộ Dự luật về Thỏa thuận Brexit tại Quốc hội và sau đó “đưa ra quyết định” cho một cuộc bỏ phiếu công khai khác khi dự luật được xem xét chi tiết.

Bà May cũng cho biết sẽ có luật mới để đảm bảo quyền của người lao động ở Anh “không kém phần thuận lợi” so với phía EU và đảm bảo rằng sẽ không có sự “loãng, giảm” trong các tiêu chuẩn về môi trường.

Trong một động thái để trấn an các nghị sỹ thuộc đảng Bảo thủ cầm quyền chủ trương ủng hộ Brexit, bà May nói rằng chính phủ sẽ có nghĩa vụ pháp lý để tìm các thỏa thuận thay thế nhằm duy trì biên giới mở ở Bắc Ireland vào cuối năm 2020 để đảm bảo ngăn chặn việc đưa trở lại có hiệu lực một đường biên giới cứng gây tranh cãi.

Bắc Ireland sẽ vẫn liên kết với phần còn lại của Vương quốc Anh, về mặt luật định, sau Brexit và sẽ không nằm trong một lãnh thổ hải quan riêng biệt.

Laura Kuenssberg, Biên tập viên chính trị của BBC theo dõi tại chỗ bài phát biểu của Thủ tướng May đưa ra nhận định:

“Như cách tôi hiểu, việc bỏ phiếu cho một cuộc trưng cầu dân ý khác là một lời hứa sẽ dành thời gian ở giai đoạn ủy ban làm việc về dự luật, nếu các nghị sĩ thông qua lần thứ hai- nói cách khác là hứa sẽ bỏ phiếu để tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý khác, nhưng chỉ trong trường hợp các nghị sĩ sẽ ủng hộ chính phủ vào tuần sau.”

Trong lời kêu gọi hướng tới các nghị sĩ để ủng hộ kế hoạch của mình, bà May nói rằng kế hoạch sẽ tôn trọng kết quả trưng cầu dân ý năm 2016.

“Tôi đã thỏa hiệp, bây giờ tôi cũng yêu cầu các vị thỏa hiệp,” Thủ tướng Anh nói thêm.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-48359452

 

Nghịch lý nước Anh :

Vừa bầu cử Nghị Viện Châu Âu vừa chờ Brexit

Cùng với Hà Lan, ngày 23/05/2019, nước Anh mở màn cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu trong bối cảnh cuộc chia tay với Liên Hiệp Châu Âu vẫn còn đang bề bộn không lối thoát bởi sự chia rẽ chính trị trong nước ngày càng sâu sắc.

Thông tín viên RFI tại Luân Đôn, Hoàng Đức Thắng lý giải những nghịch lý của chính trường Anh khi mà các đảng phái đang lao vào cuộc chạy đua giành những chiếc ghế ở nghị trường châu Âu trong khi chưa biết chắc có được ngồi.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190522-nghich-ly-nuoc-anh-vua-bau-cu-nghi-vien-chau-au-vua-cho-brexit

 

Đức xét xử nhóm cưỡng bức mại dâm với người Thái Lan

Năm người bị đưa ra xét xử ở Đức vì cáo buộc buôn bán tới 200 phụ nữ Thái Lan và buộc họ phải làm việc trong một mạng lưới nhà thổ trên toàn quốc.

Bốn phụ nữ Thái Lan và một người đàn ông Đức đã bị bắt vào năm ngoái trong vụ việc được mệnh danh là chiến dịch khám xét quy mô lớn nhất trong lịch sử của cảnh sát liên bang.

Các nạn nhân, một số người trong số họ là người chuyển giới, được cho là có hộ chiếu bị nhóm buôn người tịch thu và tiền lương bị nhóm này giữ lại.

Bên trong phố đèn đỏ ở Đức

Phụ nữ Bắc Hàn bị ép làm nô lệ tình dục ở TQ

Hợp pháp hóa nghề mại dâm: lợi hay hại?

Từ Đại án tới phố Đèn Đỏ và thu phí BOT

Phiên tòa bắt đầu vào thứ Ba, 21/5/2019 tại một tòa án ở thị trấn Hanau.

Các công tố viên nói rằng các bị cáo, ở độ tuổi từ 49 đến 60, thuộc về một mạng lưới điều hành các nhà thổ, trong đó phụ nữ bị buộc phải làm việc theo một “hệ thống luân chuyển”.

Hộ chiếu giả và ép buộc làm việc

Các nạn nhân đã bị đưa vào nước Đức bằng thị thực du lịch giả và ban đầu bị buộc phải làm việc trong ba nhà thổ ở thành phố Siegen trước khi được chuyển đi nơi khác.

Mại dâm là hợp pháp ở Đức, nhưng các nghi phạm được cho là đã không trả tiền cho những phụ nữ làm công việc này.

Các công tố viên nói rằng các nghi phạm đã lấy tiền của các phụ nữ nói là để bù cho khoản thanh toán vận chuyển họ vào khu vực biên giới tự do đi lại Schengen của châu Âu và bù cho tiền thuê chỗ ở.

Năm người đang phải đối mặt với tội buôn bán và bóc lột. Hai trong số các bị cáo từng bị buộc tội trốn thuế.

Chiến dịch quy mô của cảnh sát diễn ra sau khi các nghị sĩ Đức thắt chặt luật pháp hồi năm ngoái để trấn áp nạn bóc lột con người.

Theo quy định, người bán dâm được yêu cầu phải đăng ký với chính quyền địa phương và việc cố tình thuê dịch vụ tình dục của những người bị ép hoạt động mại dâm cũng là bất hợp pháp.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-48359453

 

Hai nhà hoạt động Hồng Kông được tị nạn ở Đức

Đức đã trao quy chế tị nạn cho hai nhà hoạt động Hồng Kông phải đối mặt với các cáo buộc tại quê hương, một trong số họ cho biết hôm 22/5. Đây dường như là lần đầu tiên Đức xác nhận về tình trạng tị nạn của những người cổ súy cho dân chủ tại thành phố nằm dưới sự cai trị của Trung Quốc.

Ray Wong, 25 tuổi, và Alan Li, 27 tuổi, đã được cấp quy chế tị nạn ở Đức vào tháng 5/2018, Wong nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại từ Đức. Anh cũng cho xem một văn bản về quy chế này,

“Giờ đây Hong Kong cũng có những người tị nạn chính trị”, Wong nói.

Lãnh sự quán Đức tại Hồng Kông cho biết họ nắm thông tin về hai cư dân Hồng Kông đang có mặt ở Đức, mặc dù vậy, lãnh sự quán không cung cấp thông tin chi tiết về các trường hợp cụ thể, cũng như không xác nhận liệu hai người kể trên đã được trao quy chế tị nạn hay không.

Wong, cựu thành viên của nhóm độc lập Hong Kong Indigenous, và Li bị cáo buộc vì tấn công gây bạo loạn liên quan đến một cuộc biểu tình đã trở nên bạo lực vào tháng 2/2016. Sau đó, hai người này đã bỏ mặc khoản tiền bảo lãnh tại ngoại và trốn sang Đức vào năm 2017.

Các nhà hoạt động Hồng Kông đấu tranh cho dân chủ ngày càng trở nên thách thức hơn trong những năm gần đây, trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về sự can thiệp mỗi lúc một tăng từ phía Bắc Kinh, bất chấp việc họ từng cam kết về quyền tự trị đặc biệt.

Nhiều nhà hoạt động đã bị bỏ tù với các cáo buộc khác nhau, bao gồm tội khinh thường tòa án và gây rối trật tự công cộng. Những người chỉ trích nói rằng chính quyền Hồng Kông đang truy tố các nhà hoạt động để ngăn ngừa các cuộc biểu tình và ngăn chặn tự do ngôn luận và hội họp.

Chính quyền Hồng Kông phủ nhận việc họ trấn áp các nhà hoạt động.

https://www.voatiengviet.com/a/hai-nha-hoat-dong-hong-kong-ti-nan-o-duc/4927911.html

 

Tân Tổng thống Ukraine

đưa cả nhóm bạn cũ từ TV lên nắm quyền

Tân tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky (sinh năm 1978), vừa đưa các bạn của ông từ ngành truyền hình vào nhiều chức lãnh đạo nhà nước.

Họ đều là những người không có kinh nghiệm cầm quyền như ông Volodymyr Zelensky, người đã đóng vai Napoleon và vai tổng thống trong show truyền hình.

Tân Phó chánh văn phòng Phủ Tổng thống Serhiy Trofimov là nhà sản xuất chương trình trong studio mang tên Kvartal 95 của ông Zelensky.

Bầu cử Ukraine: Diễn viên hài là ứng viên dẫn đầu

Cáo buộc tham ô trong ngành quốc phòng Ukraine

Ukraine cấm thí sinh Nga dự thi Eurovision

Giáo hội Chính thống Ukraine chia tay Moscow

Một biên kịch, một cựu sáng lập viên phòng thu, và một nhà sản xuất truyền hình được phong các chức cố vấn của tổng thống.

Đó là các ông Serhiy Shefirm, Yuriy Kostiuk, và Kyrylo Tymoshenko.

Tôi đồng ý cải cách hệ thống bầu cửBà Tymoshenko

Chức vụ quan trọng, Phó Giám đốc Cục An ninh Quốc gia (SBU) nay được trao cho Ivan Bakanov, bạn cùng nghề truyền hình với ông Zelensky.

So với những người kia, ông Bakanov có kinh nghiệm hoạt động chính trị ở vai trò là người lập ra đảng của ông Zelensky.

Tuyên bố bổ nhiệm các chức vụ quan trọng trong bộ máy được đưa ra không lâu sau khi ông Zelensky nhậm chức hôm 20/05.

Hòa bình với Nga?

Cũng ngay trong diễn văn nhậm chức, ông ra lệnh giải tán Quốc hội Ukraine để tổ chức bầu cử lại vào tháng 7/2019.

Các quyết định đưa nhiều nhân vật từ ngành truyền hình vào chính quyền được cho là “biến giấc mơ trên TV thành hiện thực”.

Tuy thế, có những nhân vật không từ ngành truyền hình và giải trí, được trao chức vụ to trong tân chính quyền.

Andriy Bohdan, luật sư, người từng làm việc cho tỷ phú Ihor Kolomoisky nhưng sau hỗ trợ ông Zelensky trong chiến dịch tranh cử, sẽ nắm bộ máy hành chính.

Ông Bohdan vừa nêu ra một sáng kiến quan trọng cho quan hệ với Nga, theo đó, Ukraine sẽ đem vấn đề hiệp ước hòa bình với Moscow ra trưng cầu dân ý.

Trong diễn văn nhậm chức hôm đầu tuần, ông Zelensky nói ưu tiên của ông là làm sao đạt được hòa bình ở phía Đông.

Pháp và Đức cũng đang thúc giục Tổng thống Vladimir Putin của Nga chấp nhận một giải pháp hòa bình với Ukraine.

Cho đến nay, Moscow nói Nga và Ukraine không hề có chiến tranh nên chẳng cần đối thoại hòa bình và Kiev cần tự giải quyết vấn đề ở miền Đông.

Xung đột xảy ra sau khi Nga đơn phương sáp nhập Crimea của Ukraine (03/2014) và ủng hộ phe ly khai nói tiếng Nga ở các vùng phía Đông Ukraine.

Những nhóm vũ trang này lập ra hai ‘cộng hòa’ tự xưng mà không được quốc tế công nhận.

Nga chỉ công nhận việc sử dụng giấy tờ do hai ‘cộng hòa’ Donetsk và Luhansk phát hành chứ không coi đây là hai nước độc lập.

Cả hai thực thể này kiểm soát trên 4 triệu dân, một phần nhỏ của tổng dân số Ukraine hiện là 44 triệu.

Dư luận châu Âu hiện chờ xem chính sách của ông Zelensky với Nga sẽ ra sao.

Là người chỉ thạo tiếng Nga, ông lại lên tiếng ủng hộ luật coi tiếng Ukraine là ngôn ngữ chính thức duy nhất.

Tuy thế, luật này vẫn đang được bàn thảo trong Quốc hội.

Cựu tổng thống Ukraine bị phế truất, Viktor Yanukovych, người nói tiếng Nga và hiện sống lưu vong ở Nga, đã gửi lời chúc mừng tới ông Zelensky.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-48370400

 

“Kẻ thù” của Mỹ bắt tay “kỳ phùng địch thủ” của Nga:

 Một liên minh đáng gờm mới đã hình thành?

Hai quốc gia “không đội trời chung” với Nga, Mỹ đã bắt đầu thắt chặt mối quan hệ cộng tác trong những năm trở lại đây.

Các công nhân lắp ráp động cơ ở nhà máy của Motor Sich ở Ukraine. Ảnh: Washington Post

Mối quan hệ có lợi cho đôi bên

Chủ tịch của công ty hàng không vũ trụ hàng đầu Ukraine cho biết các nhà đầu tư Trung Quốc luôn tìm cách bắt chuyện các nhân viên Ukraine.

Họ muốn biết về kế hoạch, tài liệu, thiết kế dây chuyền sản xuất và tương tác giữa các nhà xưởng.

“Người Trung Quốc sẽ hỏi chuyện trong vòng 3 tiếng đồng hồ, và tới ngày tiếp theo, một nhóm các nhà đầu tư Trung Quốc khác lại tới,” Vyacheslav Boguslayev, chủ tịch công ty Motor Sich – một trong những hãng sản xuất động cơ máy bay quân sự tân tiến nhất thế giới, cho hay.

“Họ sẽ hỏi những câu hỏi y hệt như ngày hôm trước, và chuyện này sẽ tiếp diễn trong cả tuần”.

Với mong muốn cải thiện quân đội, Trung Quốc đã bắt đầu nhờ cậy Ukraine nhiều hơn. Và Ukraine – quốc gia bị ảnh hưởng kinh tế nặng nề trong cuộc mâu thuẫn với Nga – sẵn sàng mở cửa và chấp nhận hợp tác với Trung Quốc.

“Nếu họ cấm chúng tôi làm ăn với Trung Quốc, thì việc đầu tiên tôi sẽ làm là sa thải 10.000 nhân công,” ông Boguslayev tuyên bố.

Công ty Motor Sich đã được truyền thông Trung Quốc gọi là “Ông Vua của các loại động cơ” do nắm giữ tất cả những gì Bắc Kinh muốn: công ty này có thể cung cấp động cơ cho máy bay chiến đấu và hướng dẫn chế tạo để Trung Quốc có thể tự sản xuất.

Ngược lại, Trung Quốc có thể cung cấp cho Motor Sich những gì mà công ty này muốn: những khách hàng uy tín, thường xuyên.

Công ty Motor Sich đã mất thị trường lớn nhất – cung cấp động cơ cho máy bay trực thăng quân sự và những loại máy bay khác của Nga – sau khi cuộc chiến ở miền đông Ukraine nổ ra vào năm 2014. Hiện tại, công ty Ukraine này hầu như chỉ bán sản phẩm cho Trung Quốc.

Đối tác lớn thay thế Nga

Động thái âm thầm bắt tay với Ukraine của Trung Quốc đã cho thấy Bắc Kinh đã để mắt tới sản phẩm công nghệ nhập khẩu mặc dù các quốc gia Phương Tây ít có những khoản xuất khẩu liên quan tới quân sự cho Trung Quốc.

Hoạt động này bắt đầu được đẩy mạnh trong bối cảnh Ukraine gặp khó khăn trong việc chuyển hướng kinh tế khỏi phụ thuộc vào Nga. Trong khi đó, chính quyền Bắc Kinh cũng phải đương đầu với cuộc chiến tranh thương mại ngày càng khốc liệt với Washington trong thời gian gần đây.

“Những người địa phương rất tốt bụng, có học vấn tốt và giá nhân công rẻ,” Liu Siun, cố vấn thương mại và giao dịch tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Kiev, nói trong cuộc phỏng vấn. Ông Liu trả lời phỏng vấn bằng tiếng Nga thành thạo: “Tôi luôn nghĩ rằng người Ukraine có rất nhiều tiềm năng trong công nghệ và khoa học.”

Nhà máy Ukraine đã có thời sản xuất xe tăng, đóng tàu chiến và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cho Hồng Quân. Nơi đây từng là một trong những điểm then chốt trong chuỗi cung ứng cho bộ quốc phòng Nga.

Năm 2014, những cuộc giao tranh và mâu thuẫn với Moskva đã buộc Kiev phải tìm những thị trường khác ngoài Nga – nước láng giềng và đối tác thương mại lớn nhất của Ukraine. Các nhà đầu tư Mỹ và Châu Âu lo lắng về việc làm ăn với một quốc gia đang giao tranh, có cơ sở hạ tầng không đạt chuẩn và nạn tham nhũng lan tràn.

Trong khi đó, Trung Quốc lại nhìn thấy những cơ hội mới. Các công ty như Motor Sich, có trụ sở tại Zaporizhia – cách tiền tuyến miền Đông Ukraine khoảng 160km – đã trở nên tuyệt vọng khi đơn đặt hàng từ Nga đã bắt đầu cạn kiệt.

“Điều chúng tôi quan tâm duy nhất bây giờ là: Mỹ có mua hàng của chúng tôi không? Không. Chấm hết. Nhưng người Trung Quốc mua hàng của chúng tôi,” ông Gennadiy Chyzhykov, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Ukraine, tuyên bố.

Từ giờ tới sang năm, Trung Quốc đang trên lộ trình vượt Nga để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ukraine. Năm 2018, Ukraine đã giao dịch 9,8 tỉ USD hàng hóa với Trung Quốc – tăng 51% trong 2 năm và gấp gần 2,5 lần con số 4 tỉ USD giao dịch với Mỹ.

Trong năm ngoái, Trung Quốc đã được truyền thông Ukraine ca ngợi tích cực khi trao tặng cho Kiev nhiều món quà giá trị, trong đó bao gồm: 50 xe cứu thương, 50 xe tìm kiếm cứu nạn, và 137 triệu USD giá trị các loại thiết bị cho bệnh viện địa phương. Hồi tháng 4, chính phủ Ukraine thông báo Trung Quốc đã đầu tư 340 triệu USD để xây cây cầu mới bắc qua sông Dnieper.

Nhà phân tích Andeas Umland nhận xét về Ukraine: “Nếu có một đối tác đem tiền tới, Ukraine sẽ nhận. Kiev không có nhiều lựa chọn để cân nhắc một cách chiến lược trong nhiều năm tới.”

Vào thời điểm năm 2014, Trung Quốc đã thiết lập mối quan hệ kinh tế và quốc phòng với Ukraine. Bắc Kinh đã mua một tàu sân bay chưa hoàn thiện từ Ukraine và đặt hàng 4 thủy phi cơ cỡ lớn vào năm 2009. Ngược lại, các nước phương Tây hầu như không liên quan mấy tới hệ thống sản xuất quốc phòng từ thời Liên Xô của Ukraine.

“Bằng cách này hay cách khác, Ukraine sẽ phải lựa chọn. Họ không thể cộng tác mãi mãi với Trung Quốc trong khi vẫn nghiêng về phía phương Tây,” một nhà ngoại giao ở Kiev đề nghị giấu tên bình luận về mối quan hệ của Kiev.

Ngoại trưởng Ukraine đã từ chối bình luận bởi sự hợp tác Ukraine – Trung Quốc là một vấn đề nhạy cảm, xét tới việc Ukraine muốn thắt chặt quan hệ với Mỹ và Trung Quốc đang mở rộng quan hệ đối tác với Nga.

Mới đây, tổng thống mới đắc cử Ukraine Vladimir Zelensky đã gặp đại sứ Trung Quốc ở Kiev và nói: “Kinh nghiệm và nguồn đầu tư của Trung Quốc rất quan trọng với Ukraine”.

Tham vọng xây dựng quân đội của Trung Quốc

Trung Quốc đã tăng cường tầm ảnh hưởng khắp các quốc gia thuộc khối Liên Xô cũ. Tại Belarus, Trung Quốc đã đồng tài trợ dự án xây dựng nhà ở cho hơn 100.000 nhân công. Ở biển Đen, Georgia đang trở thành một trung tâm then chốt để Trung Quốc giao thương với Châu Âu.

Nhưng Ukraine lại cho Trung Quốc những nguồn lực riêng biệt để giúp Bắc Kinh xây dựng quân đội tiêu chuẩn quốc tế – các nhà phân tích phương Tây nhận xét.

Ông Boguslayev nói những động cơ mà công ty Motor Sich sản xuất cho Trung Quốc là để dùng cho các máy bay không đem theo vũ khí, ví dụ như chiếc L-15. Nhưng Reuben Johnson, một nhà phân tích công nghiệp quốc phòng ở Kiev, cho rằng mối quan hệ giữa hai bên có thể sẽ giúp Trung Quốc tự sản xuất quy mô lớn các máy bay chiến đấu.

“Trung Quốc không đủ năng lực để phát triển động cơ máy bay có thể sản xuất ở quy mô lớn và hoạt động được đủ giờ trước khi phải bảo dưỡng. Việc tận dụng chất xám và kiến thức chuyên môn từ Motor Sich sẽ giúp họ vượt qua được chướng ngại vật lớn này.”

Một công ty Trung Quốc đã cố gắng mua cổ phần để kiểm soát Motor Sich vào năm 2017. Chính quyền Ukraine đã đóng băng thỏa thuận này vì lí do an ninh quốc gia. Nhưng chủ tịch của Motor Sich cho biết công ty này đã nhận 100 triệu USD từ công ty Trung Quốc và hiện người Trung Quốc chiếm ít nhất 25% cổ phần của Motor Sich.

Phát ngôn viên Motor Sich cho biết 35% trong số 450 triệu USD doanh thu của công ty vào năm ngoái là tới từ Trung Quốc. Không có sản phẩm nào của Motor Sich được bán cho Nga. Trong khi đó, 6 năm trước, 1/3 tổng doanh thu 1,1 tỉ USD của Motor Sich là tới từ Nga.

“Chúng tôi đã kết thúc làm ăn với Nga rồi. Bây giờ là lúc làm ăn với Trung Quốc,” ông Bogyslayev nói.

Chủ tịch công ty nói ông thường xuyên nghe các quan chức Ukraine phàn nàn rằng Mỹ không hài lòng với việc Motor Sich làm ăn với Trung Quốc. Ông trả lời rằng: “Vậy Mỹ có cho chúng tôi việc làm không?”

Khi được hỏi về Motor Sich, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói: “Mỹ không phản đối sự phát triển về kinh tế và công nghệ của Trung Quốc thông qua các phương thức hợp pháp. Tuy nhiên, chúng tôi lo ngại rằng những hành động mà chính phủ Trung Quốc thực hiện có nhiều khác biệt so với lẽ thông thường trên thế giới. Mỹ khuyến khích các nước đối tác cân nhắc những rủi ro an ninh quốc gia có thể xuất hiện trong quá trình giao dịch đầu tư từ nước ngoài.”

Ở thành phố Trùng Khánh, Motor Sich và một công ty Trung Quốc đã đồng ý sẽ cùng xây một nhà máy để sản xuất động cơ máy bay. Đối tác Trung Quốc đề nghị sẽ xây một thị trấn nhỏ để những kĩ sư người Ukraine “cảm thấy như được ở nhà” – ông Boguslayev kể.

“Họ nói: ‘Hãy cho chúng tôi 1.000 người. Chúng tôi sẽ xây nhà thờ, xây cả vườn trẻ cho người Ukraine’,” chủ tịch Motor Sich nhớ lại.

Theo nhận định của các chuyên gia quốc phòng Ukraine và phương Tây, Trung Quốc đang có mong muốn lớn hơn với công nghệ của Ukraine. Bắc Kinh đã tăng cường thuê kĩ sư Ukraine và đưa họ tới Trung Quốc để làm việc.

“Đây không chỉ là thuê người, mà thực tế Trung Quốc đang chiếm những chuyên gia tên lửa và máy bay của Ukraine. Ukraine đang dần mất đi một thế hệ những kĩ sư theo cách này,” Sergii Bondarchuk, cựu chủ tịch công ty xuất khẩu quốc phòng Ukraine Ukrspecexport, nói.

http://biendong.net/diem-tin/28171-ke-thu-cua-my-bat-tay-ky-phung-dich-thu-cua-nga-mot-lien-minh-dang-gom-moi-da-hinh-thanh.html

 

Thổ Nhĩ Kỳ vẫn mua S-400 của Nga

và sẵn sàng đối phó với trừng phạt của Mỹ

Thụy My

Bộ trưởng Quốc Phòng Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay 22/05/2019 khẳng định đã chuẩn bị đối phó nếu bị Mỹ trừng phạt do việc Ankara nhất quyết mua hỏa tiễn S-400 của Nga.

Ông Hulusi Akar tuyên bố : « Chúng tôi sẵn sàng mua cả S-400 lẫn hỏa tiễn Patriot của Mỹ, và tất nhiên chúng tôi chuẩn bị đối mặt với khả năng Hoa Kỳ có thể trừng phạt ». Thổ Nhĩ Kỳ đã gởi nhân viên đến Nga để tập huấn sử dụng các hỏa tiễn S-400, sẽ được Matxcơva giao vào tháng Sáu hay tháng Bảy tới.

Bên cạnh đó bộ trưởng Akar cũng khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ đã « chán ngán » khi luôn luôn phải mua vũ khí của nước ngoài, và bày tỏ mong muốn hợp tác để tự sản xuất.

Washington buộc Ankara phải chọn lựa giữa việc mua hỏa tiễn S-400 của Nga với phi cơ tiêm kích F-35 của Mỹ, và đã nhiều lần cảnh cáo có thể áp dụng luật CAATSA (trừng phạt mọi định chế hoặc quốc gia ký các hợp đồng vũ khí với các công ty Nga).

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190522-tho-nhi-ky-van-mua-s-400-san-sang-doi-pho-voi-trung-phat-cua-my

 

Quân Daech tổ chức phục kích quân đội Syria

Gia Hưng

Hôm qua, 21/05/2019, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo phục kích một đoàn xe quân đội Syria gần khu thành cổ Palmyre. Đây là cuộc tấn công thứ hai của nhóm Daech trong tuần này.

Thông tín viên Paul Khalifeh tường thuật từ Beyrouth :

“Theo các nguồn tin thân cận với chính phủ Syria, quân của Daech đã tổ chức tấn công lực lượng quân đội Syria gần thành phố al-Sukhna, phía Đông-Bắc thành cổ Palmyre, khiến nhiều binh lính thiệt mạng hoặc bị thương. Trong trận phục kích này, quân thánh chiến đã sử dụng các loại tên lửa chống tăng. Một số tên lửa đã bắn trúng mục tiêu.

Vào ngày 16/05, quân Daech đã tấn công một đoàn xe quân đội Syria tại khu vực Tây-Nam thành phố Palmyre, miền trung Syria.

Sau khi bị Lực Lượng Dân Chủ Syria, được Washington hậu thuẫn, đánh bật khỏi vùng biên giới chung với Irak, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đã co cụm lại ở vùng sa mạc Badia rộng lớn, phía tây sông Euphrate. Từ hồi tháng 3, quân thánh chiến đã gia tăng sử dụng chiến thuật du kích tấn công vào quân đội Syria và các đồng minh, khiến hàng chục binh sĩ bị bắt hoặc tử trận.

Quân đội Syria đã tăng cường chi viện mạnh mẽ nhưng không thể bảo đảm an ninh cho tuyến đường cao tốc nối liền Palmyre và thành phố Deir Ezzor sát biên giới Irak.

Ngoài ra, các binh sĩ Nga cũng tham gia các chiến dịch truy quét ở vùng sa mạc Badia. Tại đây, dường như vẫn còn hơn một ngàn quân thánh chiến với các điểm cất giấu vũ khí và dự trữ lương thực, thực phẩm và nước.”

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190522-quan-daech-to-chuc-phuc-kich-quan-doi-syria

 

Đến hẹn lại lên, Biển Đông sẽ tiếp tục “nóng”

tại Đối thoại Shangri-La 2019

Từ 31/5 – 2/6, sẽ diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á năm 2019 (Shangri-La 2019). Dự kiến, vấn đề Biển Đông sẽ tiếp tục được quan chức quốc phòng các nước tập trung thảo luận.

Đối thoại Shangri-La, do Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) tài trợ, được tổ chức hằng năm tại Singapore kể từ năm 2002. Hội nghị có sự tham dự của các Bộ trưởng Quốc phòng, các Bộ trưởng thường trực và các Tướng lĩnh quân đội của 28 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương. Diễn đàn được đặt theo tên của khách sạn Shangri-La ở Singapore, nơi nó đã được tổ chức từ năm 2002. Hội nghị thượng đỉnh dùng để nuôi dưỡng ý thức cộng đồng trong các hoạch định chính sách quan trọng nhất về quốc phòng và an ninh trong khu vực. Các đoàn đại biểu Chính phủ đã tận dụng tốt nhất các hội nghị bằng cách tổ chức những cuộc họp song phương với các đoàn đại biểu khác bên lề hội nghị. Dù chủ yếu là một hội nghị liên chính phủ, Hội nghị cũng có sự tham dự của các nhà lập pháp, các chuyên gia khoa học, nhà báo và các đại biểu kinh doanh.

Các đoàn đại biểu tham dự Hội nghị Shangri-La những năm qua đến từ các nước Australia, Brunei, Miến Điện, Campuchia, Canada, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Lào, Malaysia, Mông Cổ, New Zealand, Pakistan, Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc, Philippines, Nga, Hàn Quốc, Sri Lanka, Singapore, Thái Lan, Đông Timor, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Việt Nam.

Trong những năm qua, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cũng như hành động phi pháp, đơn phương của Trung Quốc trong khu vực luôn thu hút sự quan tâm, theo dõi và phản đối của cộng đồng quốc tế, cụ thể:

Tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 17 (năm 2018), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã đề cập tầm nhìn cũng như những biện pháp của Mỹ đảm bảo một khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương cởi mở và tự do. Theo đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ một lần nữa khẳng định giá trị của khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương đối với không chỉ an ninh, ổn định của Mỹ mà còn nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Theo đó, Mỹ khẳng định tiếp tục cam kết với tầm nhìn Ấn Độ-Thái Bình Dương, với việc tăng cường hợp tác với trụ cột ASEAN, Ấn Độ để xây dựng một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và thịnh vượng cho tất cả; đồng thời, bày tỏ sự hoài nghi về những hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông. Theo Bộ trưởng Quốc

phòng Mỹ James Mattis, “chiến lược của Mỹ nhấn mạnh rằng, không có quốc gia có khả năng hay chắc chắn chế ngự khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương. Các nước đều phải có trách nhiệm hợp tác xây dựng tương lai chung. Tương lai dựa vào sự tôn trọng chủ quyền và độc lập của mỗi quốc gia lớn hay nhỏ, tự do hàng hải và hàng không, giải quyết các bất đồng thông qua đối thoại, tự do và công bằng trong các hoạt động thương mại, dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế”. Ông Mattis cho biết Washington sẽ tăng cường can dự vào khu vực này trong các lĩnh vực kinh tế và an ninh dựa trên luật pháp quốc tế, đồng thời nhấn mạnh rằng các lợi ích của khu vực này gắn chặt với lợi ích của Mỹ. Cũng trong bài phát biểu, Bộ trưởng Mattis nhận định việc quân đội Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự tại Biển Đông thông qua hành động triển khai các hệ thống vũ khí tối tân tại vùng biển này là nhằm mục đích “đe dọa và gây sức ép” với các nước láng giềng. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng nêu rõ Trung Quốc đã triển khai hàng loạt khí tài quân sự, trong đó có tên lửa chống hạm, tên lửa đất đối không và các thiết bị gây nhiễu điện tử trên khắp Biển Đông, khu vực mà Bắc Kinh đã các xây đảo nhân tạo và biến các thực thể trên biển khác thành các cơ sở quân sự.  Theo Bộ trưởng Mattis, việc Trung Quốc triển khai những hệ thống vũ khí có liên hệ trực tiếp với việc sử dụng vũ khí quân sự cho mục đích “đe dọa và gây sức ép” là đi ngược với những cam kết trước đó của Bắc Kinh. Ông nhấn mạnh Mỹ ủng hộ giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, trao đổi thương mại đầu tư tự do và công bằng, cũng như tuân thủ các luật lệ và quy định quốc tế.

Tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 16 (năm 2017), đã nhất trí thông qua nhiều tuyên bố, cam kết được đưa ra, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh khu vực phải dựa trên việc tuân thủ luật lệ quốc tế.Đứng trước một loạt thách thức an ninh như căng thẳng ở Biển Đông, vấn đề hạt nhân Triều Tiên hay mối đe dọa khủng bố đang lan rộng trong khu vực, hội nghị đã nhất trí về sự cần thiết phải tìm kiếm một nền tảng chung để xử lý các vấn đề an ninh. Điểm nổi bật tại Đối thoại lần này là nhiều vấn đề thách thức an ninh đã được đưa ra thảo luận mà không né tránh, trong đó bao gồm vấn đề Biển Đông, an ninh biển, chương trình hạt nhân Triều Tiên hay chống khủng bố. Về quan điểm đối với an ninh khu vực, các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản và Australia nhấn mạnh cách tiếp cận giải quyết các thách thức an ninh khu vực theo hướng tăng cường can dự ngoại giao, chính trị và thúc đẩy tôn trọng luật pháp quốc tế bởi đây chính là chìa khóa để đảm bảo an ninh và thịnh vượng của khu vực. Điều này cũng liên quan đến việc các nước ASEAN và Trung Quốc nhất trí về dự thảo khung của Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Các bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Nhật Bản cho rằng trật tự quốc tế phải được tôn trọng dựa trên quy tắc và luật lệ quốc tế, đảm bảo lợi ích bình đẳng của tất cả các nước, kể cả các nước nhỏ; và luật pháp quốc tế có thể thay đổi dựa trên tình hình thực tế, nhưng không thể phá bỏ hiện thực và việc làm xáo trộn trật tự quốc tế là một quyết định thiếu sáng suốt.

Trong bài phát biểu trước các đại biểu và giới truyền thông tham dự Đối thoại Shangri-La 16, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã đưa ra một thông điệp rõ ràng: Mỹ sẽ không rời bỏ châu Á. Đây là tuyên bố hiếm hoi của một quan chức hàng đầu trong chính quyền của tân Tổng thống Donald Trump về cách tiếp cận riêng biệt đối với khu vực này trong khi sự phối hợp với Trung Quốc vẫn còn là một thách thức, đặc biệt trong vấn đề Triều Tiên và những tranh cãi về vấn đề Biển Đông. Ông Mattis đã trình bày một chiến lược 3 điểm của chính quyền mới của Mỹ về khu vực này. Thứ nhất, ông nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu của Mỹ vẫn là tăng cường quan hệ liên minh với các đồng minh ở khu vực gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Philippines và Thái Lan, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho 2 bên, trong khi kiềm chế kế hoạch của những nước muốn tấn công hoặc tìm cách áp đặt ý chí của họ lên các nước khác. Thứ hai, Mỹ có kế hoạch tăng cường sức mạnh cho các quốc gia khác ở châu Á để họ có thể duy trì hòa bình và an ninh quốc gia. Ông Mattis đánh giá nhiều nước trong khu vực là các đối tác quân sự quan trọng tiềm năng, đồng thời bày tỏ sự lạc quan về tương lai của ASEAN. Cuối cùng, ông tuyên bố các kế hoạch nhằm thúc đẩy năng lực quân sự của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương, cho rằng sức mạnh quân sự là nền tảng cho ngoại giao. Một nội dung khác đáng quan tâm trong bài phát biểu của ông Mattis là việc ông cảnh báo Washington không chấp nhận hành động quân sự hóa và triển khai vũ khí của Trung Quốc tại các thực thể chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông. Bộ trưởng Mattis khẳng định Mỹ “không thể và sẽ không chấp nhận những thay đổi mang tính đơn phương và ép buộc đối

với nguyên trạng” làm ảnh hưởng tới tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông cũng như phá vỡ trật tự luật pháp quốc tế.

Tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 (năm 2016), trong bài phát biểu dẫn đề khai mạc Đối thoại, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan O-Cha đã nêu rõ căng thẳng trên Biển Đông là thách thức đầu tiên trong 7 thách thức mà khu vực châu Á Thái Bình Dương đang phải đối mặt. Thủ tướng Thái Lan cho rằng ASEAN cần phải đoàn kết và đề cao vai trò luật pháp quốc tế trong giải quyết vấn đề Biển Đông. Theo ông Prayuth Chan O-Cha, “chúng ta cần thúc đẩy tự do hàng không, tự do hàng hải cũng như ủng hộ giải pháp hòa bình cho các tranh chấp theo luật pháp quốc tế trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển. Thái Lan tin rằng việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông DOC sẽ tạo ra không khí để giải quyết vấn đề và chúng tôi ủng hộ việc sớm kết thúc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC. Các nước có tranh chấp chủ quyền cần tận dụng mọi cơ hội, mọi diễn đàn để cho thấy ý chí chính trị giải quyết vấn đề”. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã bày tỏ lo ngại về những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông. Ông Ashton Carter nhận định, “tại Biển Đông, Trung Quốc đã và đang thực hiện những hành động mở rộng và chưa từng có tiền lệ, gây lo ngại về những toan tính chiến lược của Trung Quốc. Các nước trong khu vực đã có những hành động và lên tiếng, công khai hoặc ngầm, bày tỏ lo ngại ở cấp cao nhất tại các hội nghị khu vực và các diễn đàn toàn cầu. Vì vậy, các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông đang cô lập nước này vào thời điểm cả khu vực đang xích lại gần nhau và liên kết cùng nhau”. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar cũng đã bày tỏ lo ngại về tình hình Biển Đông – nơi mà Ấn Độ có cùng lợi ích. Ông Manohar Parrikar khẳng định căng thẳng trên Biển Đông tiếp tục là mối lo ngại hiện hữu. Ấn Độ có quan hệ truyền thống với các nước ở phía biển Đông. Hơn ½ hàng hóa thương mại của Ấn Độ vận chuyển qua vùng biển này nhưng Ấn Độ không đứng về bên nào trong tranh chấp mà cần được giải quyết hòa bình, không đe dọa hay sử dụng vũ lực. Ấn Độ đề cao tự do hàng hải và tự do hàng không phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển của LHQ.

Dự kiến, tại Đối thoại Shangri-La năm 2019, các nước sẽ tiếp tục tập trung nêu quan ngại về các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông; ASEAN và Trung Quốc thúc đẩy đàm phán và ký kết COC; hoạt động tuần tra tự do hàng hải trong khu vưc..

http://biendong.net/bien-dong/28152-den-hen-lai-len-bien-dong-se-tiep-tuc-nong-tai-doi-thoai-shangri-la-2019.html

 

Hải quân Đài Loan tập trận chống Trung Quốc xâm lược

Thụy My

Hải quân Đài Loan hôm nay 22/05/2019 tập trận bắn đạn thật tại khu vực bờ biển phía đông, trong bối cảnh liên tục bị chiến hạm và chiến đấu cơ Trung Quốc đe dọa.

Đây là một phần của cuộc tập trận thường niên Hán Quang (Han Kuang), nhằm đối phó với cuộc tấn công xâm lược giả định của Trung Quốc – vốn không loại trừ khả năng thống nhất Đài Loan bằng vũ lực.

Các chiến hạm bắn ra những loạt đại bác, hỏa tiễn và những quả bom tấn công tàu ngầm; trong khi các chiến đấu cơ nã đạn và các phi cơ chống tàu ngầm thả phao cấp cứu. Hãng tin AP nhấn mạnh, tàu ngầm cùng với nhiều loại hỏa tiễn đạn đạo nằm trong số các loại vũ khí có uy lực mạnh nhất, có thể được Trung Quốc sử dụng để tấn công Đài Loan.

Tại vùng duyên hải thưa dân ở phía đông Đài Loan có một căn cứ Không quân, cùng với nhiều cơ sở quân sự quan trọng khác. Chỉ huy trưởng Soong Shu Kou nói với báo chí : « Chúng tôi tập trận thường xuyên ở những địa điểm được cho là chiến tranh có thể xảy ra. Vùng biển phía đông là nơi thiết yếu, vì có thể trở thành chiến trường tương lai ».

Phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Chen Jung Ji tuyên bố, Đài Loan phải tăng cường tập trận chống Trung Quốc vì « chỉ có thể dựa vào chính mình để tự vệ ».

Gần đây Bắc Kinh đã tăng cường đe dọa Đài Bắc bằng cách gởi nhiều tàu chiến đến vùng biển kế cận, cho máy bay chiến đấu bay vòng quanh hòn đảo với lý do tập dượt. Trong khi phải cần gởi hàng ngàn binh lính qua eo biển Đài Loan để có thể đổ bộ, các nhà hoạch định của Bắc Kinh tin rằng một cuộc tấn công chớp nhoáng có thể hủy hoại khả năng tự vệ của Đài Loan, buộc Đài Bắc phải đầu hàng trước khi đồng minh Hoa Kỳ kịp cứu viện.

Bên cạnh việc gia tăng áp lực về quân sự, Bắc Kinh còn nỗ lực cô lập Đài Bắc về mặt ngoại giao và kinh tế, nhằm buộc tổng thống Thái Anh Văn phải nhìn nhận Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc, tuy đảo quốc này đã độc lập từ năm 1949.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20190522-hai-quan-dai-loan-tap-tran-chong-trung-quoc-xam-luoc

 

Triều Tiên đả kích ông Biden

 là ‘thằng ngu có chỉ số IQ thấp’

22/05/2019

Truyền thông nhà nước Triều Tiên hôm 22/5 đả kích ông Joe Biden là “thằng ngu” và “đồ dốt nát với IQ thấp”. Đó là những lời bình luận đáng kể đầu tiên của Bình Nhưỡng về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.

Bài bình luận trên Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA) chỉ trích ông Biden vì gần đây ông đã đề cập đến nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un là “một tên côn đồ” và “bạo chúa”.

“[Biden] đã tung ra những lời đao to búa lớn vu khống nhà lãnh đạo tối cao của CHDCND Triều Tiên”, KCNA viết. “Những gì ông ta thốt ra đơn giản là sự ngụy biện của một kẻ vô dụng không có phẩm chất cơ bản như một con người, nói gì đến chuyện là chính trị gia”.

Những lời lẽ của bài xã luận không thể hiện sự ủng hộ chính thức dành cho Tổng thống Trump; truyền thông Triều Tiên thường đả kích các nhà lãnh đạo thế giới nào chỉ trích các thành viên trong gia đình họ Kim cầm quyền.

Leif-Eric Easley, giáo sư tại Đại học Ewha, Seoul, nói: “Điều thú vị lần này là Triều Tiên có lẽ tấn công người mà họ cho là đối thủ chính của ông Trump để kích thích sự ủng hộ cho tổng thống”.

Các cuộc thăm dò cho thấy ông Biden dẫn trước các đối thủ trong cùng đảng Dân chủ của ông, cũng như dẫn trước ông Trump, trong cuộc đua năm 2020.

Cựu phó tổng thống Mỹ thường chỉ trích phương pháp tiếp cận ngoại giao của ông Trump đối với các nhà lãnh đạo toàn trị. Gần đây ông Biden đã gọi ông Kim là “một tên côn đồ”.

Bài xã luận của KCNA không đề cập đến ông Trump. Nhưng nó dường như đồng tình với biệt danh mới được ông Trump tung ra gán cho ông Biden là “Joe buồn ngủ”.

Ông Trump, 72 tuổi, đã cố gắng miêu tả ông Biden, 76 tuổi, là người không có đủ sức để trở thành tổng thống.

Mặc dù gần đây Triều Tiên đã có lập trường mạnh mẽ hơn đối với Hoa Kỳ, song truyền thông nước này đã thận trọng không chỉ trích ông Trump.

Bà Soo Kim, một người theo dõi Triều Tiên và từng là nhà phân tích của CIA, cho rằng Bình Nhưỡng rõ ràng muốn ông Trump vẫn nắm quyền để các cuộc đàm phán có thể tiếp tục.

Các cuộc đàm phán hạt nhân đã đổ vỡ sau cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim vào tháng 2 tại Hà Nội, Việt Nam.

https://www.voatiengviet.com/a/trieu-tien-da-kich-biden/4927814.html

 

Triều Tiên khuyến cáo Mỹ về vụ bắt giữ tàu hàng

Triều Tiên ngày 21/5 đẩy mạnh chiến dịch đòi Mỹ trả lại một tàu chở hàng bị tịch thu thuộc sở hữu của Bình Nhưỡng, cảnh báo Washington rằng họ đã vi phạm chủ quyền của Triều Tiên trong một bước đi có thể ảnh hưởng đến “những diễn biến trong tương lai” giữa hai nước.

Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc Kim Song tổ chức một cuộc họp báo hiếm hoi tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York để đòi trả lại con tàu ngay lập tức. Mỹ hồi đầu tháng này nói đã tịch thu con tàu này vì những cáo buộc nó được sử dụng để vận chuyển than vi phạm các chế tài của Mỹ và LHQ.

“Mỹ nên cân nhắc và suy nghĩ kĩ về những hậu quả mà hành động quá đáng của Mỹ có thể gây ra đối với những diễn biến trong tương lai. Ngoài ra Mỹ phải trả lại tàu chở hàng của chúng tôi không chậm trễ,” ông Kim nói. “Chúng tôi coi nó là một phần lãnh thổ của chúng tôi, nơi chủ quyền của chúng tôi được thực thi đầy đủ.”

Ông nói rằng vụ tịch thu con tàu tên “Wise Honest” đi ngược lại tinh thần của một tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sau cuộc hội kiến đầu tiên của họ ở Singapore vào tháng 6 năm 2018. Hai bên lúc đó cam kết xây dựng mối quan hệ mới và nỗ lực hướng tới giải trừ hạt nhân Triều Tiên.

Bộ Tư pháp Mỹ trước đó trong tháng này cho biết con tàu đã bị tịch thu và câu lưu tại lãnh thổ Samoa thuộc Mỹ. Tàu bị Indonesia bắt giữ lần đầu tiên vào tháng 4 năm 2018.

Cuộc hội kiến thứ hai giữa ông Trump và Kim Jong Un tại Hà Nội đổ vỡ vào tháng 2. Với các cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân bị đình trệ, Triều Tiên tiến hành thêm các cuộc thử nghiệm vũ khí trong tháng này. Các cuộc thử nghiệm được coi là sự phản kháng của ông Kim sau khi ông Trump khước từ lời kêu gọi của ông Kim giảm nhẹ chế tài tại hội nghị thượng đỉnh Hà Nội.

Hội đồng Bảo an LHQ đã nhất trí tăng cường các chế tài đối với Triều Tiên kể từ năm 2006 trong nỗ lực bóp nghẹt kinh phí cho các chương trình phi đạn đạn đạo và hạt nhân của Bình Nhưỡng, cấm xuất khẩu các mặt hàng bao gồm than, sắt, chì, hàng dệt may và hải sản, và hạn chế nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế.

“Chúng tôi sẽ theo dõi cẩn thận mọi đường đi nước bước của Mỹ,” ông Kim nói.

Ông Kim đã viết thư cho Tổng thư kí Liên hiệp quốc Antonio Guterres vào thứ Năm tuần trước yêu cầu đưa ra “những biện pháp khẩn cấp” về vấn đề này.

Người phát ngôn Liên hiệp quốc Stephane Dujarric hôm thứ Ba xác nhận: “Chúng tôi đang xem xét. Vấn đề chế tài, thi hành chế tài, diễn giải chế tài, thực sự là vấn đề mà Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc quyết định và thảo luận,” ông nói.

https://www.voatiengviet.com/a/trieu-tien-khuyen-cao-my-ve-vu-bat-giu-tau-hang/4926983.html

 

Trung Quốc ‘sẵn sàng

cho các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ’

Bắc Kinh “sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán thương mại với Washington,” đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ Thôi Thiên Khải cho biết.

Reuters cho hay phát ngôn nêu trên được đưa ra trong bối cảnh không có cuộc đàm phán thương mại nào giữa các nhà đàm phán hàng đầu của Trung Quốc và Hoa Kỳ được lên kế hoạch kể từ khi vòng gần nhất kết thúc trong bế tắc vào ngày 10/5.

Vòng đàm phán gần nhất xảy ra cùng ngày Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng mạnh thuế quan đối với hàng Trung Quốc trị giá 200 tỷ đôla và tiến hành các bước để áp thuế đối với tất cả hàng nhập khẩu Trung Quốc còn lại.

Mỹ nói TQ quay đầu với cam kết thương mại

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung qua năm biểu đồ

Thị trường ổn giữa hy vọng đàm phán Mỹ-Trung

Trump nói quan hệ Mỹ-Trung vẫn ‘rất mạnh’

Sự gay gắt tăng lên từ tuần trước, thời điểm Washington đưa Huawei vào danh sách đen. Đây được cho là đòn giáng mạnh vào hãng viễn thông Trung Quốc, làm xáo trộn chuỗi cung ứng công nghệ và nhà đầu tư.

Một hãng công nghệ lớn khác của Trung Quốc, nhà sản xuất thiết bị giám sát video Hikvision Digital Technology, cũng đang có nguy cơ đối mặt với lệnh giới hạn về khả năng mua công nghệ của Mỹ, theo New York Times. Tin này làm cổ phiếu của công ty niêm yết ở Thâm Quyến mất giá 10% vào giờ sáng 22/5.

Các cuộc đàm phán giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trở nên gay gắt kể từ đầu tháng 5/2019, khi các quan chức Trung Quốc toan có những thay đổi lớn về thỏa thuận mà chính quyền Trump nói hai bên đã thống nhất.

Mỹ ‘thay đổi suy nghĩ’

Nhưng khi trả lời Fox News, Đại sứ Trung Quốc tại Washington Thôi Thiên Khải cho biết Bắc Kinh vẫn đang để ngỏ khả năng đàm phán.

“Trung Quốc vẫn sẵn sàng tiếp tục cuộc hội đàm với phía Mỹ để đi đến kết luận,” ông Thôi nói.

Ông đổ lỗi cho phía Hoa Kỳ vì thường xuyên “thay đổi suy nghĩ” về thỏa thuận dự kiến ​​để chấm dứt tranh chấp thương mại Mỹ-Trung.

Ông đảo ngược tình thế khi nói rằng chính các nhà đàm phán Hoa Kỳ đã đột ngột rút khỏi một số thỏa thuận vốn đã đạt được trong năm qua.

“Rõ ràng phía Hoa Kỳ đã hơn một lần đổi ý chỉ sau một đêm và phá vỡ thỏa thuận ​​đã đạt được. Vì vậy, chúng tôi vẫn giữ cam kết với bất cứ điều gì chúng tôi đồng ý làm, nhưng chính phía Hoa Kỳ lại thường xuyên thay đổi suy nghĩ,” ông Thôi nói.

Những điều cần biết về thương chiến Mỹ-Trung

Thương chiến Mỹ-Trung và chiến lược của Trump

Thương chiến Mỹ-Trung: Khúc quanh mới và tác động

Tàu Mỹ áp sát Hoàng Sa khiến Bắc Kinh giận dữ

Vào tháng 6/2018, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross tổ chức các cuộc đàm phán với Phó phủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc về đề xuất của Trung Quốc tăng mua hàng Mỹ lên khoảng 70 tỷ đôla, giới chức Hoa Kỳ cho biết vào thời điểm đó.

Nhưng Tổng thống Trump đã không chấp nhận đề xuất, thay vào đó, chọn cách bắt đầu áp thuế đối với hàng Trung Quốc.

Tuần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi người dân chuẩn bị cho cuộc trường chinh mới, gợi lại tinh thần ái quốc trong thời điểm 1934-1936 của đảng viên Cộng sản chạy trốn khỏi cuộc nội chiến tàn khốc đến một căn cứ nông thôn hẻo lánh, nơi họ tập hợp lại và cuối cùng lên nắm quyền vào năm 1949.

Tuy ông Tập không đề cập mối liên hệ trực tiếp với cuộc chiến thương mại, nhưng các nhà phân tích thị trường tài chính diễn giải phát ngôn của ông là chỉ dấu cho thấy Bắc Kinh ám chỉ cuộc tranh chấp với Washington sẽ kéo dài.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-48362472

 

Huawei mất Android:

Người dùng bị ảnh hưởng thế nào

Leo KelionBiên tập viên Công nghệ

Các hạn chế quyền truy cập vào hệ điều hành Android đối với Huawei sẽ phủ bóng đen lên buổi ra mắt điện thoại mới nhất của công ty Trung Quốc.

Hãng này đã mời báo chí từ khắp nơi trên thế giới tới London để chứng kiến ra mắt dòng điện thoại thông minh Honor 20 vào ngày 21/5.

BBC được hiểu là các thiết bị này vẫn sẽ cung cấp trải nghiệm Android đầy đủ – gồm cả việc sử dụng app store của Google.

Nhưng trừ khi vấn đề với chính phủ Hoa Kỳ được giải quyết, các sản phẩm ra mắt trong tương lai chỉ có thể mang lại trải nghiệm hạn chế hơn nhiều.

Vẫn chưa rõ liệu những hạn chế mà Google mới áp dụng đối với Huawei sẽ kéo dài hay không.

Google loại Huawei khỏi danh sách nhận cập nhật Android

Những nước nào chặn công nghệ 5G của Huawei?

Huawei mất Android, người dùng mất gì?

Có lẽ Google không muốn phá vỡ mối quan hệ với nhà sản xuất điện thoại Android bán chạy thứ hai thế giới sau Samsung. Gần đây, Huawel cho biết hơn có nửa tỷ người tiêu dùng sử dụng điện thoại của họ.

Về lý thuyết, Cục Công nghiệp và An ninh Hoa Kỳ có thể cấp giấy phép cho phép Google tiếp tục mối quan hệ hoặc ít nhất là một phần, hoặc thậm chí bỏ hoàn toàn các hạn chế.

Nhưng giả sử vấn đề không được giải quyết sớm, hãy cùng thử tìm cách khắc phục hậu quả.

Chính xác Google đã làm gì?

Công ty công nghệ Mỹ đang tạm dừng mọi hoạt động kinh doanh với Huawei liên quan đến việc chuyển giao phần mềm, phần mềm và dịch vụ kỹ thuật “không công khai”.

Điều đó không có nghĩa là Huawei mất tất cả quyền truy cập vào Android, vì hệ điều hành cốt lõi là một dự án nguồn mở. Bất kỳ nhà sản xuất nào cũng có thể sửa đổi nó và cài đặt nó trên thiết bị của họ mà không cần phải xin phép.

Nhưng trên thực tế, tất cả các nhà cung cấp lớn đều dựa vào rất nhiều hỗ trợ từ Google.

Ngoài ra, Google kiểm soát quyền truy cập vào một số phần mềm bổ trợ, bao gồm:

Cửa hàng ứng dụng Google Play

Các ứng dụng riêng của Google

Trợ lý ảo Google Assistant

Dịch vụ email Gmail

Các công cụ cho phép các dịch vụ của bên thứ ba truy cập vào các chức năng nhất định

Điều này ảnh hưởng đến thiết bị cầm tay Huawei hiện tại như thế nào?

Chủ sở hữu điện thoại Huawei hoặc Honor sẽ không rơi vào tình trạng đột nhiên không thể cài đặt ứng dụng mới hoặc nhận các bản cập nhật cho các dịch vụ của Google.

Lý do là các thiết bị của họ đã được chứng nhận theo các quy trình được gọi là Bộ kiểm tra tương thích (CTS) và Bộ kiểm tra nhà cung cấp (VTS).

Do đó, Google có thể cung cấp cho họ các phiên bản mới của phần mềm và cho phép tải xuống từ cửa hàng Play của mình mà không phải giao dịch trực tiếp với chính Huawei.

Tuy nhiên, vấn đề trở nên phức tạp hơn khi cập nhật bảo mật.

Bộ trưởng quốc phòng Anh ‘bay chức’ vì vụ Huawei

Tình báo Mỹ: Huawei được an ninh nhà nước TQ tài trợ

Đại học hàng đầu Mỹ MIT cắt quan hệ với Huawei, ZTE

Huawei kiện chính phủ Mỹ về lệnh cấm thiết bị

Huawei và cuộc tấn công mạng ‘bí hiểm’ ở châu Phi

Cách thức hoạt động của công đoạn này là Google cung cấp cho các nhà sản xuất thiết bị Android mã sửa lỗi phần mềm của họ khoảng một tháng trước khi công bố chi tiết cho công chúng về các lỗ hổng liên quan.

Điều này cho phép các nhà sản xuất có thời gian kiểm tra các bản vá, đảm bảo chúng không gây ra sự cố cho phần mềm của riêng họ và sau đó từng hãng sẽ đóng gói phiên bản sửa lỗi để cho người dùng tải xuống.

Huawei bây giờ sẽ chỉ có thể biết về các bản vá vào ngày chúng được phát hành cho Dự án mã nguồn mở Android (AOSP), nghĩa là sẽ có độ trễ trước khi có thể phân phối chúng.

Về mặt lý thuyết có thể dẫn đến một tình huống trong đó một lỗ hổng nghiêm trọng được tiết lộ và các thiết bị của Huawei bị đe dọa trong vài ngày hoặc vài tuần.

Thế còn điện thoại mới thì sao?

Các điện thoại mới sẽ không được chứng nhận và do đó, sẽ không thể cài đặt sẵn Dịch vụ di động của Google (GMS).

Gói này bao gồm một bộ ứng dụng riêng của Google, trong đó có:

Cửa hàng Google Play cho ứng dụng, âm nhạc, phim…

Google Photos

YouTube

Bản đồ Google Maps

Dịch vụ lưu trữ đám mây Google Drive

Gọi điện video Google Duo

Một số dịch vụ này sẽ vẫn có thể truy cập qua web, nhưng sẽ bất tiện hơn.

Mất mát này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến người dùng ở Trung Quốc, những người vốn đã bị chặn truy cập vào hầu hết các dịch vụ của Google. Nhưng ở những nơi khác, nó có thể là một khó chấp nhận với nhiều người tiêu dùng.

Họ vẫn có thể cài đặt các ứng dụng của bên thứ ba thông qua các cửa hàng thay thế hoặc cài trực tiếp không qua kiểm duyệt bảo mật.

Nhưng Google không cho phép các ứng dụng của mình được cài đặt trên các thiết bị không có chứng nhận.

Hơn nữa, mất quyền truy cập vào GMS cũng có nghĩa là các nhà phát triển bên thứ ba sẽ không thể truy cập vào các giao diện lập trình ứng dụng (API) của Google trên các thiết bị mới.

Hậu quả sẽ là ứng dụng của họ có thể mất một số chức năng.

Giả sử một ứng dụng muốn gửi thông báo đến thiết bị của bạn”, Mishaal Rahman, tổng biên tập của trang tin tức XDA-developers.com, giải thích với BBC.

“Có khả năng cao ứng dụng đó sẽ sử dụng Dịch vụ Google Play cho chức năng thông báo của mình. Vì vậy, mọi ứng dụng – ngay cả Twitter – đều có thể ngừng mất chức năng thông báo mới.”

Một ví dụ khác, ông nói thêm, là Casting, một thiết bị cho phép thiết bị cầm tay truyền phát âm thanh và video không dây đến TV hoặc các thiết bị khác cũng không còn tương thích.

Còn những phiên bản phát Android mới thì sao?

Đã có rất nhiều suy đoán rằng các thiết bị Huawei có thể bị mắc kẹt với phiên bản Android hiện tại.

Nhưng ông Rahman tin rằng điều đó khó xảy ra vì phiên bản tiếp theo – Android Q – cũng sẽ là nguồn mở và Google đã chia sẻ hầu hết mã nguồn với Huawei và các đối tác khác.

Tuy nhiên, ông nói thêm rằng mọi thứ có thể khó khăn hơn cho lần phát hành tiếp theo – Android R – vào năm 2020.

“Quá trình diễn ra như sau, các đối tác hàng đầu của Google – bao gồm các công ty như Huawei và Samsung – có quyền truy cập sớm vào mã nguồn nhiều tháng trước khi phát hành phiên bản beta công khai”, ông giải thích.

“Điều đó mang lại cho họ thời gian điều chỉnh các bản phát hành phần mềm của riêng họ.

“Tác động đối với Huawei sẽ là nó sẽ mất vài tháng thời gian phát triển.”

Hơn nữa, ông Rahman nói thêm, ngay cả khi công ty Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận nó chỉ có thể cung cấp hệ điều hành muộn hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh, nó cũng sẽ phải đối mặt với một cơn ác mộng tiếp thị.

“Android thực sự là một thương hiệu và để sử dụng nó, phần mềm của bạn phải [được chứng nhận],” ông giải thích.

“Vì vậy, ngay cả khi Huawei tiếp tục bán các thiết bị sử dụng mã nguồn mở, họ không thể gọi một cách hợp pháp các thiết bị của mình là Android.”

Vậy giải pháp khác là gì?

Huawei nói với BBC rằng họ muốn làm việc với Android, nhưng đã tạo ra một hệ điều hành mới để làm Phương án B.

“Chúng tôi đã lên kế hoạch cho tình huống này – nhưng nó chưa xảy ra”, Jeremy Thompson, phó chủ tịch điều hành tại Anh của Huawei cho biết.

“Chúng tôi có một chương trình song song để phát triển hệ điều hành thay thế mà chúng tôi nghĩ sẽ làm hài lòng khách hàng của mình.

“Trong ngắn hạn, đó không phải là tin tốt cho Huawei, nhưng tôi nghĩ chúng ta có thể xử lý điều này.”

Ở Trung Quốc, điều này có thể không quá chán đông do thực tế là người dùng dành phần lớn thời gian của họ trong WeChat – một nền tảng cho phép các ứng dụng của bên thứ ba chạy trong đó.

Hơn nữa, các nhà phát triển khác có thể sẽ chịu áp lực phải nhanh chóng phát hành các phiên bản ứng dụng độc lập của họ cho hệ điều hành mới.

Nhưng nơi khác nước đi này có thể rất có vấn đề.

“Bất cứ thứ gì họ làm ra đều chết từ trong trứng nước”, ông Rahman tuyên bố.

“Phần quan trọng của thành công với HĐH di động là số lượng ứng dụng có sẵn trên thị trường.

“Và bên cạnh iOS của Apple, Android có nền tảng nhà phát triển lớn nhất.”

https://www.bbc.com/vietnamese/world-48346431

 

Hạm đội bị diệt gọn trong 9 phút, TQ bàng hoàng

chứng kiến thiên triều thất thế ra sao?

Tháng 6/1840, xung đột quân sự quy mô lớn lần đầu tiên nổ ra giữa quân đội triều đình Trung Quốc và quân đội Anh, mở màn Chiến tranh nha phiến lần thứ nhất.

Xung đột vũ trang bùng nổ, Trung Quốc lập tức thất thế

Tháng 6/1840, hạm đội Anh gồm hơn 40 tàu – gồm tàu hơi nước, pháo hạng nặng, pháo Congreve, và 4.000 binh sĩ được trang bị súng trường tầm xa có độ chính xác cao, tiến về vùng biển tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, leo thang xung đột vũ trang trong Chiến tranh nha phiến thứ nhất.

Nhận chỉ thị từ ngoại trưởng Henry John Temple, quân viễn chinh Anh phong tỏa các cửa biển ở Quảng Châu, Hạ Môn,… cắt đứt tuyến hàng hải thương mại của Trung Quốc.

Ngày 5/7, Anh bắt đầu tấn công huyện Định Hải ở ven biển tỉnh Chiết Giang. Sáng sớm hôm sau, lực lượng Anh tấn công vào thị trấn, tri huyện Định Hải nhảy xuống biển tự vẫn, còn tổng binh Trương Triều Phát tử trận từ trước đó.

Chiến dịch Định Hải là một đòn choáng váng với Trung Quốc, khi hải quân Thanh tại Định Hải bị tiêu diệt toàn hạm đội trong vòng 9 phút, trong khi các chiến hạm Anh trúng… 3 phát đạn, không có thương vong.

Ngày 20/7, tin Định Hải thất thủ truyền về Bắc Kinh. Trước khi chiến sự bùng phát, Trung Quốc vẫn coi quân đội Anh là một lực lượng man di đến từ phương xa và không gây ra bất kỳ đe dọa nào.

Đến thời điểm Định Hải bị công phá, ngoại trừ vùng biển tỉnh Quảng Đông được tổng đốc, khâm sai Lâm Tắc Từ tăng cường hoạt động phòng thủ, các vị trí ven biển Trung Quốc khác tương đối lỏng lẻo. Lâm cũng là người đứng đầu chiến dịch chống buôn lậu thuốc phiện quyết liệt của chính phủ Thanh tại Quảng Đông năm 1839, động thái được cho là nguồn cơn khiến các nhà buôn Anh đòi hỏi London can thiệp để bảo vệ lợi ích.

Tháng 8/1840, hạm đội của Anh công thành chiếm đất với tốc độ kinh ngạc, và áp sát cửa biển Thiên Tân vào ngày 11/8. Tổng đốc Trực Lệ Kỳ Thiện – một quý tộc thuộc Chính Hoàng Kỳ của triều đình Thanh – có cuộc gặp với tư lệnh Anh và chuyển thư của Anh tới vua Đạo Quang.

Đạo Quang ban đầu chủ trương trả đũa quân sự nhằm vào người Anh, nhưng đã trở nên khiếp sợ khi thấy hạm đội của Anh tiến đến Thiên Tân, chỉ cách Bắc Kinh hơn 130km. Trước sức ép quân sự của đối phương, triều đình phúc đáp yêu sách của người Anh ngày 20/8, cho phép thông thương, cách chức Lâm Tắc Từ và điều Kỳ Thiện làm đặc phái viên tới đàm phán tại Quảng Châu, nhằm đổi lại việc Anh rút lực lượng trở lại phía Nam. Tháng 10/1840, Kỳ Thiện nhận chức tổng đốc Lưỡng Quảng, đại diện triều đình trong đàm phán Trung-Anh.

Ngày 29/11/1840, vòng đàm phán Trung-Anh vừa bắt đầu tại Quảng Châu đã nhanh chóng đi vào bế tắc do bất đồng lớn trong đòi hỏi giữa đôi bên. Một tháng sau đó, Kỳ Thiện gửi báo cáo đầu tiên về Bắc Kinh.

Cho rằng những yêu cầu của người Anh là quá đáng – tương tự những điều khoản trong Hiệp ước Nam Kinh mà hai nước ký sau này, khi Trung Quốc thất trận, Đạo Quang ra lệnh cho quân đội sẵn sàng chiến đấu. Các tỉnh duyên hải miền Đông được lệnh tăng cường phòng thủ bờ biển, đồng thời tổng đốc Lưỡng Giang Yilibu – một thành viên hoàng tộc – dẫn quân tiến đến vùng Chiết Đông (tỉnh Chiết Giang), chuẩn bị chiến dịch tái chiếm Định Hải.

Ngày 30/12, báo cáo thứ hai của Kỳ Thiện đánh giá đàm phán không có kết quả và được triều đình chỉ thị “không được tỏ ra yếu thế”. Lực lượng ba tỉnh Tứ Xuyên, Hồ Nam, Quý Châu được điều động để tiếp viện cho Quảng Đông. Trong quá trình đàm phán, Kỳ Thiện cũng liên tục điều động lực lượng từ các địa phương trong tỉnh Quảng Đông về Hổ Môn để sẵn sàng cho chiến sự, khiến binh lực tại đây lên tới 11.000 người. Hổ Môn trở thành pháo đài có hỏa lực mạnh nhất của phía Trung Quốc trong Chiến tranh nha phiến.

Ngày 6/1/1841, Đạo Quang ra lệnh “đại quân thảo phạt” người Anh. Một ngày sau đó, tướng Anh Charles Elliot quyết định “đánh xong mới đàm” và tái khởi động quân sự. Quân Anh tấn công bất ngờ vào các pháo đài Đại Giác, Sa Giác ở Hổ Môn khiến quân triều đình thương vong hơn 700 người, 11 tàu thuyền gồm soái hạm, tàu kéo,… bị đánh chìm. 38 lính Anh bị thương.

Chiến dịch của Anh buộc Kỳ Thiện phải trở lại bàn đàm phán chỉ 2 ngày sau khi Đạo Quang ban hành mệnh lệnh tấn công. Đàm phán kéo dài đến 25/1/1841, Kỳ Thiện cùng Charles Elliot ký kết Thảo ước Xuyên Tỵ, với điều khoản đầu tiên là “nhường” đảo Hồng Kông cho Anh. Tuy thỏa thuận chưa được nhà vua phê chuẩn và không được đóng dấu của triều đình, do đó không có giá trị pháp lý, song tình hình thực địa đã cho phép quân Anh chiếm lĩnh Hồng Kông ngay trong ngày 26/1.

Chiến dịch Hổ Môn: Hòa ước đầu tiên

Vụ Kỳ Thiện tự ý ký kết Thảo ước Xuyên Tỵ với Elliot khiến Bắc Kinh nổi giận. Đạo Quang cách chức Kỳ Thiện, đồng thời bổ nhiệm Dịch Sơn làm tướng quân, Long Văn và Dương Phương làm tham tán đại thần đến chỉ huy chiến sự tại Quảng Đông.

Ngày 23/2, quân triều đình tấn công pháo đài Hổ Môn. Mặc dù quân đội Trung Quốc được ghi nhận nỗ lực, song kết quả không giành được chiến thắng và pháo đài này vẫn thất thủ. Ba ngày sau đó, Anh huy động hải quân, lục quân đánh phá một loạt pháo đài ở tuyến đầu của Hổ Môn, áp sát đe dọa trực diện Quảng Châu. Thủy sư đề đốc Quan Thiên Bồi của Trung Quốc tử trận.

Ngày 21/5, Dịch Sơn điều động 1.700 binh sĩ đột kích tàu Anh bằng hỏa công, nhưng bị quân Anh đẩy lùi vào rạng sáng hôm sau. Đến ngày 24, Anh phát động tấn công Quảng Châu, chiếm lĩnh các điểm cao và phá vỡ các pháo đài ở phía đông, bắc thành Quảng Châu, đồng thời nã pháo vào thành phố. Những vùng yếu địa xung quanh Quảng Châu hoàn toàn thất thủ, buộc 18.000 quân Thanh rút lui vào nội thành. Trong tình hình quân đội “vỡ trận”, Dịch Sơn – một hoàng thân cùng họ với nhà vua – đã giương cờ trắng đầu hàng.

Dịch Sơn chấp nhận các điều kiện của Anh, ký kết Hòa ước Quảng Châu. Người Anh thắng thế, ra yêu sách buộc các nhà buôn ở Quảng Châu chi trả 6 triệu lượng bạc trắng “phí chuộc thành”. Trong khi đó, Dịch Sơn tìm cách tránh sự trừng phạt của Bắc Kinh bằng cách làm báo cáo giả, biến thảm bại trong chiến dịch Hổ Môn thành một chiến tích buộc quân Anh rút lui.

Người Anh tiến vào Nam Kinh, Trung Quốc thỏa hiệp

Mặc dù thu về nhiều lợi ích cho London, Charles Elliot bị ngoại trưởng John Temple đánh giá là quá bảo thủ. Ngày 31/5/1841, Henry Pottinger được bổ nhiệm thay thế Elliot giữ chức vụ Toàn quyền, phụ trách sự vụ Trung Quốc.

Nhậm chức từ tháng 8/1841, ngày 21/8, Pottinger chỉ huy hạm đội 37 tàu, 2.500 quân nhân xuất phát từ Hồng Kông tiến về phương Bắc, tấn công thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến và chiếm cứ núi Cổ Lãng.

Hạm đội Anh tiếp tục di chuyển tới Chiết Giang, một lần nữa chiếm lĩnh Định Hải vào ngày 1/10. Trước đó, quân Anh đã phải từ bỏ địa bàn này vào tháng 2 cùng năm do dịch bệnh lây lan. Ngày 10/10, quân đội triều đình tiếp tục thất thế tại Trấn Hải (nay thuộc thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang); ngày 13 Anh chiếm được Ninh Ba và tạm ngưng chiến dịch để chờ đợi viện binh.

Sau loạt chiến bại ở Phúc Kiến, Chiết Giang, vua Đạo Quang tiếp tục bổ nhiệm Thượng thư Bộ lại Dịch Kinh làm Dương Uy tướng quân tiếp quản chiến sự Chiết Giang, đồng thời liên tục tập trung quân lực để phản kích.

Tháng 3/1842, Dịch Kinh đánh giá binh lực đã đủ, quyết định phản công quân Anh từ hai đường thủy, bộ nhằm tái chiếm Ninh Ba, Trấn Hải, Định Hải. Đêm ngày 10/3, quân triều đình tấn công Ninh Ba và Trấn Hải bất thành, bị buộc thoái lui, còn chiến dịch Định Hải bị trì hoãn bởi ngược gió.

Ngày 15/3, quân Anh đồn trú tại Ninh Ba phản kích tại một loạt vị trí xung quanh thành phố. Quân Thanh tiếp tục thua thảm và phải rút về phòng thủ ở bờ tây sông Tào Nga.

Chiến dịch phản công được trù bị kỹ lưỡng của Dịch Kinh thất bại khiến Tử Cấm Thành rối loạn. Tử Cấm Thành một lần nữa phải tính đến phương án hòa đàm, vua Đạo Quang cử tướng Kỳ Anh tới Giang Nam để đàm phán với quân Anh.

Trên đà thắng lợi, Anh từ bỏ Ninh Ba vào tháng 5/1842 và tập trung quân lực tiến về phía Bắc. Tháng 6, Henry Pottinger chỉ huy hạm đội gồm 73 tàu chiến, lục quân 12.000 binh sĩ di chuyển trên Trường Giang, chuẩn bị cắt đứt tuyến giao thông vận tải đường thủy lớn nhất của Trung Quốc Đại lục.

Ngày 21/7, Anh bắt đầu tấn công thành phố Trấn Giang, bờ đông Trường Giang, thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Bất chấp quân đội Thanh chống trả quyết liệt, lực lượng vượt trội của Anh vẫn chiếm được cứ điểm này với 169 thương vong. Quân triều đình trong thành phố thiệt hại 30% lực lượng.

Ngày 2/8, quân Anh bắt đầu rời Trấn Giang tiến công Nam Kinh. Thời điểm này, phía Trung Quốc quyết định cầu hòa.

Ngày 4/8, người Anh đổ bộ vào Nam Kinh, bắt đầu quan sát địa hình và tuyên bố tấn công thành phố này. Dưới áp lực từ những pháo hạm hùng hậu của hải quân Anh, Kỳ Anh, Yilibu cùng tổng đốc Lưỡng Giang Ngưu Giám chính thức thỏa hiệp, bắt đầu vòng đàm phán với Anh tại Nam Kinh.

Ngày 29/8, Kỳ Anh đại diện Trung Quốc ký kết Điều ước Nam Kinh với Henry Pottinger – hiệp ước bất bình đẳng đầu tiên mà Bắc Kinh ký với phương Tây.

Đáng chú ý, các đại diện Trung Quốc dường như đã một lần nữa vượt quyền nhà vua, bởi đến ngày 31/8, Đạo Quang mới ban lệnh chấp nhận ký kết thỏa thuận với Anh. Chiếu chỉ được đưa tới Nam Kinh ngày 7/9/1842, chính thức khép lại Chiến tranh nha phiến lần thứ nhất.

Theo Điều ước, chính phủ Thanh chấp nhận cắt Hồng Kông cho Anh, đồng thời mở các thương cảng Quảng Châu, Hạ Môn, Phúc Châu, Thượng Hải, Ninh Ba cho tất cả các thương nhân. Trung Quốc cũng phải bồi thường chiến phí nặng nề 21 triệu lượng bạc.

Các báo cáo của Trung Quốc ngày nay cho rằng, Chiến tranh nha phiến là cuộc chiến thể hiện tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân đội và quần chúng Trung Quốc, đồng thời thể hiện tinh thần yêu nước cao. Tuy nhiên, Trung Quốc đã thất bại bởi chính phủ Thanh dao động liên tục giữa hai phe chủ hòa và chủ chiến, trong khi các tướng lĩnh không đủ năng lực, chiến lược và chiến thuật quân sự lạc hậu, khí tài lỗi thời. Hậu Chiến tranh nha phiến thứ nhất, Trung Quốc dần dần rơi vào trạng thái của một xã hội phong kiến bán thuộc địa.

http://biendong.net/tham-su-bi-su/28172-ham-doi-bi-diet-gon-trong-9-phut-tq-bang-hoang-chung-kien-thien-trieu-that-the-ra-sao.html

 

Sau Biển Đông, liệu TQ và Philippines

có đang phối hợp lập trường

để đáp trả Canada trong vụ Huawei hiện nay?

Vấn đề được giới quan sát quan tâm và bàn luận nhiều hiện nay là việc liệu Trung Quốc và Philippines có đang phối hợp lập trường để đáp trả Canada hay không, khi quan hệ Canada và Philippines bỗng dưng căng thẳng do các container rác thải, trong bối cảnh quan hệ Trung Quốc – Canada đang căng thẳng do vụ việc liên quan Tập đoàn Huawei.

Khủng hoảng giữa TQ và Canada liên quan tập đoàn Huawei

Trung Quốc và Canada chính thức thiết lập quan hệ từ năm 1942. Hai nước có quan hệ hợp tác đầu tư thương mại phát triển. Năm 2017, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Canada ở châu Á. Trung Quốc và Canada đã có quá trình bình thường hóa quan hệ và đạt được nhiều thành tựu cho đến khi vụ việc Chính quyền Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc Tài chính và là con gái nhà sáng lập tập đoàn viễn thông lớn nhất Trung Quốc Huawei hôm 1/12/2018, theo yêu cầu của Mỹ với cáo buộc gian lận trong hoạt động kinh doanh. Phía Trung Quốc đã giận giữ và phản ứng quyết liệt cho rằng hành động bắt giam bà Mạnh Vãn Chu có động cơ chính trị và cảnh báo sẽ cảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ Trung Quốc và Canada. Hàng loạt biện pháp đáp trả được đưa ra, bắt đầu bằng việc các vụ liên quan công dân Canada vi phạm pháp luật và bị bắt giữ tại Trung Quốc xuất hiện nhiều hơn. Ngày 14/1, Tòa án nhân dân thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc kết án tử hình với Robert Lloyd Schellenberg, công dân Canada, bị buộc tội buôn ma túy. Vụ việc lập tức được liên kết ngay tới trường hợp Canada bắt giám đốc tài chính Công ty Huawei Mạnh Vãn Chu, nhiều người nghĩ Trung Quốc có ý trả đũa hoặc gây áp lực ngoại giao lên Canada để thả bà Mạnh.Tính đến đầu năm 2019, đã có tổng cộng 13 công dân Canada bị bắt giữ tại Trung Quốc, sau đó có 8 người đã được thả. Vụ việc điển hình hiện nay là việc Trung Quốc bắt giữ hai công dân Canada gồm cựu nhân viên ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor từ ngày 10/12/2018 với cáo buộc thu thập và đánh cắp “các thông tin nhạy cảm cũng như các thông tin tình báo khác” từ năm 2017.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng thông báo hai công dân Canada Michael Kovrig và Michael Spavor đã chính thức bị bắt giữ vào ngày 16/5 và việc bắt giữ này được các cơ quan truy tố Trung Quốc chấp thuận. Ông Lục cũng yêu cầu Canada dừng “đưa ra những phát ngôn thiếu trách nhiệm về luật pháp của Trung Quốc”. “Michael Kovrig

gần đây bị bắt vì hành vi thu thập bí mật nhà nước và làm tình báo cho các tổ chức nước ngoài, trong khi Michael Spavor bị bắt vì đánh cắp và cung cấp bí mật quốc gia cho các tổ chức nước ngoài”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.

Đáp lại động thái từ Trung Quốc, Canada vẫn giữ quan điểm cương quyết đối với vụ việc bà Mạnh Vãn Chu, trong đó Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã yêu cầu Trung Quốc thả người, mô tả hành động bắt giữ của Bắc Kinh là “tùy tiện”; đồng thời để ngỏ việc áp dụng Hiệp ước dẫn độ song phương giữa Mỹ và Canada đối với bà Mạnh Vãn Chu. Hiện bà Chu được tại ngoại tại Canada, song cấm xuất cảnh và đợi dẫn độ sang Mỹ.

Vấn đề rác thải nổi cộm trong quan hệ giữa Philippines và Canada

Cũng tương tự như cặp quan hệ Trung Quốc – Canada, mối quan hệ giữa Philippines và Canada cẳng thăng sau khi xuất hiện các container rác thải của Canada tại cảng biển Philippines. Theo tờ khai hải quan, thực tế thì các container này chứa rác thải nhựa nhập khẩu vào Philippines trong thời gian từ năm 2013-2014 để tái chế, song bên trong lại chứa cả rác thải sinh hoạt và điện tử. Chính phủ Canada vẫn khẳng định rằng đây là một giao dịch thương mại không được chính phủ hậu thuẫn. Vấn đề được giới quan sát quan tâm và bàn luận nhiều là tại sao động thái cứng rắn của Philippines lại diễn ra hiện nay, đúng vào lúc mà mối quan hệ giữa Trung Quốc và Canada đang căng thẳng. Vì vấn đề vốn đã tồn tại từ năm 2013-2014 và phía Canada cũng đã xác nhận đây là một giao dịch thương mại không được chính phủ Canada hậu thuẫn. Vấn đề pháp lý và kiện tụng xuất hiện ở đây rõ ràng là giữa Philippines với cá nhân, doanh nghiệp của Canada.

Cẳng thẳng được đẩy lên cao khi Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin ngày 16/5 tuyên bố nước này sẽ giảm mức hiện diện ngoại giao ở Canada cho đến khi số rác thải trên được đưa trở lại Canada. Tuyên bố này được đưa ra sau hạn chót ngày 15/5 Philippines yêu cầu Canada phải nhận lại toàn bộ số rác thải nêu trên. Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau từng tuyên bố sẽ nhận lại số rác này song các thủ tục được thực hiện chậm chạp, khiến vấn đề rác thải leo thang với lời “tuyên chiến” của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nếu Canada không hành động. “Tôi muốn Canada đưa số rác thải này về. Tôi đã đưa cảnh báo nhiều lần. Nếu Canada không chuyển, tôi sẽ đích thân áp tải chuyển số rác thải trên trở lại Canada bằng đường biển. Chúng tôi sẽ đưa biện pháp cứng rắn nếu Canada không nhận lại số rác thải này”, ông Duterte tuyên bố. Cảnh báo của Tổng thống Philippines đã vấp phải sự chỉ trích của Canada. Bộ trưởng Môi trường và biến đổi khí hậu Canada Catherine Mckena khẳng định: “Tôi không nghĩ cảnh báo của Tổng thống Philippines có thể giúp ích cho việc giải quyết vấn đề này giữa hai nước. Tuy nhiên Canada cũng sẽ xem xét một cách nghiêm túc vấn đề này”.

Philippines và TQ đang “đi đêm” trong vấn đề Biển Đông

Sau khi Tổng thống Duterte lên nắm quyền, chính sách của Philippines đối với Trung Quốc đã được điều chỉnh mạnh mẽ theo hướng cải thiện quan hệ rõ ràng với Trung Quốc. Hai bên coi trọng việc đàm phán song phương, thúc đẩy hợp tác khai thác chung ở Biển Đông. Chuyển hướng chính sách quan hệ với Trung Quốc của Chính quyền Duterte khiến dư luận các nước lo ngại về việc hình thành cặp quan hệ “đi đêm” sẽ tổn hại đến lợi ích chung của khu vực.

Bắt đầu từ tháng 10/2016, trong chuyến thăm lần đầu tiên đến thăm Trung Quốc của Tổng thống Philippines Duterte, hai nước đã nhắc lại rằng các tranh chấp giữa Bắc Kinh và Manila trên Biển Đông không phải là toàn bộ quan hệ song phương giữa hai nước. Do đó, các tranh chấp trên Biển Đông phải được xử lý một cách thích hợp và các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ và quyền chủ quyền nên được giải quyết một cách hòa bình giữa các nước có liên quan trực tiếp thông qua thương lượng và đàm phán hoà bình. Đối với việc khai thác tài nguyên dầu khí ở Biển Đông, Tổng thống Duterte đã nhiều lần bày tỏ mong muốn sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc để cùng khai thác các nguồn tài nguyên trên biển. Tháng 7/2017, trong báo cáo phát biểu về tình hình trong nước, Tổng thống Duterte đã nhấn mạnh việc Philippines mong muốn thăm dò và khai thác chung dầu khí với Trung Quốc và gợi ý rằng hai bên có thể hình thành một dự án liên doanh. Tháng 8/2018, Ngoại trưởng Philippines Kayatano cho biết Manila đã thành lập một nhóm công tác kỹ thuật đặc biệt (TWG) để thăm dò chung tại các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, và mong sớm ký một thỏa thuận hợp tác giữa hai nước. Qua các tiếp xúc song phương, phía Trung Quốc cam kết sẽ đầu tư và

cung cấp những khoản hỗ trợ tài chính ưu đãi lên đế hàng chục tỉ USD cho mục tiêu phát tiển nền kinh tế Philippines.

Nhiều nguồn tin cho biết ngay sau vụ căng thẳng quan hệ giữa Trung Quốc và Canada liên quan vụ việc tập đoàn Huawei, Trung Quốc đã tiến hành chiến dịch gây sức ép toàn diện đối với Canada, trong đó có việc thông qua việc vận động các nước gây sức ép với Canada trong vụ việc này và trường hợp Philippines là điển hình nhất. Trong các cuộc tiếp xúc giữa quan chức hai nước, vấn đề liên quan Canada đều được đề cập đến, theo một số nguồn thạo tin tại Philippines tiết lộ.

Kết luận: Từ những diễn biến trong quan hệ Trung Quốc – Canada, Philippines – Canada và Trung Quốc – Philippines hiện nay đang khiến quan hệ chính trị quốc tế căng thẳng. Những động thái của Trung Quốc và Philippines cùng nhắm đến đích là Canada có thể khiến giới nghiên cứu kết luận rằng đang có một mối liên hệ rõ ràng trong bộ ba quan hệ này, trong đó Trung Quốc và Philippines là hai nước có quan hệ thân thiết và qua lại lợi ích, đặc biệt là sau những gì chúng ta đã chứng kiến Trung Quốc và Philippines đã làm trong vấn đề Biển Đông.

http://biendong.net/bien-dong/28155-sau-bien-dong-lieu-tq-va-philippines-co-dang-phoi-hop-lap-truong-de-dap-tra-canada-trong-vu-huawei-hien-nay.html

 

Huawei tố cáo Mỹ ỷ mạnh hiếp yếu

Nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei của Trung Quốc ngày 21/5 nói họ là nạn nhân bị Mỹ ‘hiếp đáp’ và cho hay đang làm việc với Google để đáp ứng các hạn chế thương mại mà Washington áp đặt tuần trước, một giám đốc điều hành cao cấp của Huawei được Reuters dẫn lời cho biết.

Chính phủ Mỹ loan báo ban hành chế tài vì Huawei dính líu tới các hoạt động trái với an ninh quốc gia và lợi ích của Mỹ.

Đầu tuần này, Mỹ tạm nới lỏng các hạn chế để giảm thiểu tác động cho khách hàng nhưng Huawei nói họ đã chuẩn bị sẵn sàng cho hành động của Mỹ.

Công ty Google đình chỉ các hoạt động làm ăn với Huawei mà đòi hỏi cần phải chuyển giao phần mềm, phần cứng và các dịch vụ kỹ thuật.

“Google không có động lực nào để ngăn chặn chúng tôi. Chúng tôi đang làm việc chặt chẽ với họ để tìm cách xử lý tình hình và ứng phó với tác động từ quyết định từ Bộ Thương mại Mỹ,” đại diện Huawei Abraham Liu cho Reuters biết.

“Huawei trở thành nạn nhân của sự hiếp đáp từ chính quyền Mỹ. Đây không chỉ là đòn tấn công Huawei mà tấn công lên trật tự dựa trên luật lệ và tự do” ông Liu tố cáo.

https://www.voatiengviet.com/a/huawei-to-cao-my-y-manh-hiep-yeu/4926970.html

 

Bị Mỹ tấn công, Hoa Vi kêu gọi Bruxelles phản ứng

Tú Anh

Than phiền là « nạn nhân » trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, tập đoàn viễn thông Hoa Vi của Trung Quốc kêu gọi châu Âu phản ứng lại những đòn tấn công của Washington.

Sau khi Hoa Vi bị xếp vào danh sách công ty « đe dọa an ninh Hoa Kỳ », đại diện của tập đoàn viễn thông Trung Quốc tại châu Âu kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu không nên thụ động.

Tiếp xúc với báo chí tại Bruxelles, Abraham Liu, đại diện của Hoa Vi bên cạnh các định chế châu Âu, lên án chính phủ Mỹ tấn công vào quyền tự do kinh doanh, rằng « hôm nay là Hoa Vi, ngày mai sẽ đến công ty nào ? » trước khi khuyến cáo châu Âu « không nên nhắm mắt làm ngơ »trước thái độ « nguy hiểm » của Hoa Kỳ.

Song song với lời kêu gọi này, đại diện của Hoa Vi cũng tìm cách trấn an châu Âu, cam kết sẽ nỗ lực hơn nữa để đánh tan những mối lo ngại Hoa Vi làm gián điệp cho chế độ Bắc Kinh.

« Do tầm quan trọng của mạng viễn thông thế hệ 5, Hoa Vi sẵn sàng ký kết hiệp ước không làm gián điệp với bất cứ chính phủ và khách hàng nào ở tất cả các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu », ông Abraham Liu khẳng định.

Trong khuôn khổ chiến tranh thương mại và công nghệ cao với Trung Quốc, tổng thống Mỹ quyết định cấm bán một số công nghệ cho Hoa Vi vì công ty viễn thông Trung Quốc bị xem có khả năng đe dọa an ninh Hoa Kỳ.

Theo truyền thông Mỹ, sau Hoa Vi, nhiều công ty khác của Trung Quốc sắp bị trừng phạt, trong đó có hãng Hikvision chế tạo camera nhận diện.

Trong khi đó tại Washington, đại sứ Trung Quốc Thôi Thiên Khải cho biết Bắc Kinh sẵn sàng mở lại đàm phán với Mỹ. Trả lời câu hỏi của đài Fox News, hôm thứ Ba: Vì sao Trung Quốc đột ngột thay đổi thái độ phủ nhận thỏa hiệp đạt được ?

Đại sứ Trung Quốc đưa ra lời giải thích khác hoàn toàn trái ngược với lập luận của chính quyền Donald Trump rằng chính các nhà thương thuyết Mỹ đã bất ngờ thay đổi ý kiến, hủy bỏ những cam kết đạt được ở các vòng đàm phán trước.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20190522-bi-my-tan-cong-tap-doan-hoa-vi-keu-goi-bruxelles-phan-ung

 

Sáu người thiệt mạng

vì biểu tình bạo động sau bầu cử tại Jakarta

Sáu người thiệt mạng và 200 người bị thương trong các cuộc biểu tình rầm rộ chống lại việc Tổng thống Indonesia Joko Widodo tái đắc cử, thống đốc Jakarta cho hay.

Cảnh sát nói họ không thể xác nhận con số kể trên nhưng cho biết đã nhận được thông tin rằng “một số [đã] chết”,

Các cuộc biểu tình ở thủ đô Jakarta bắt đầu một cách hòa bình vào hôm thứ Ba nhưng nhanh chóng trở thành bạo động.

Tin cho hay xe hơi bị đốt và người biểu tình đốt pháo và ném vào cảnh sát.

Cảnh sát chống bạo động được huy động để giải tán đám đông.

Trong một cuộc họp báo vào thứ Tư, cảnh sát không xác nhận số thương vong do Thống đốc Anies Baswedan đưa ra, nhưng cho biết họ đã nhận được thông tin “một số người [bị] bị thương và một số đã chết”.

Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra các vụ thiệt mạng.

Phát ngôn viên Cảnh sát Quốc gia M Iqbal nói thêm rằng 69 người biểu tình đã bị bắt giữ sau vụ bạo động.

“Chúng tôi kết luận từ những sự kiện này rằng đây không phải là do quần chúng tự phát. Họ muốn gây tình trạng hỗn loạn, tạo ra bạo loạn”, ông nói.

Các cuộc biểu tình nổ ra sau khi kết quả bầu cử cho thấy ông Widodo đã đánh bại đối thủ lâu năm của mình là Prabowo Subianto.

Thống đốc Jakarta cho biết các bệnh viện sẽ tiến hành giảo nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân các vụ chết người.

Indonesia: Widodo tìm nhiệm kỳ hai

Indonesia sẽ chuyển thủ đô ra khỏi Jakarta

Tổng Bí thư Trọng thăm Indonesia và Myanmar

Ủy ban Tổng tuyển cử quốc gia xác nhận hôm thứ ba rằng ông Widodo đã giành được chức tổng thống, chiếm 55,5% phiếu bầu.

Ông Prabowo đã bác bỏ kết quả này, và cáo buộc có gian lận.

Vị cựu tướng này cũng thua ông Widodo trong cuộc bầu cử gần nhất vào năm 2014, và khi đó đã thách thức kết quả nhưng không thành.

Hơn 192 triệu người đủ điều kiện để bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống và tổng tuyển cử vào ngày 17 tháng Tư.

Sau khi kết quả chính thức được công bố vào thứ Ba, hàng ngàn người đã tập trung trước tòa nhà giám sát bầu cử để ủng hộ ông Prabowo, nhưng sau đó chuyển sang các khu vực khác tại Jakarta sau khi cảnh sát kêu gọi đám đông giải tán, theo BBC Indonesia.

Đến tối, các cuộc biểu tình đã trở thành bạo động.

Các đài truyền hình địa phương đưa hình ảnh cho thấy một số cuộc đối đầu giữa người biểu tình và cảnh sát ở một số nơi thành phố.

Tuy nhiên, phát ngôn viên cảnh sát Dedi Prasetyo nói với hãng tin Reuters rằng lực lượng an ninh tại chỗ không được trang bị đạn thật.

Hơn 30.000 lính được triển khai tại thành phố Jakarta để phòng đối phó với khả năng xảy ra bạo động.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-48365984