Bloomberg: Mỹ diệt Huawei, chiến tranh lạnh công nghệ bùng nổ

Cac Bai Khac

No sub-categories

Bloomberg: Mỹ diệt Huawei, chiến tranh lạnh công nghệ bùng nổ

 

Google, Intel, Qualcomm dong loat 'chia tay' Huawei hinh anh 4

Bloomberg: Mỹ diệt Huawei, chiến tranh lạnh công nghệ bùng nổ
21/05/2019
Trên Bloomberg, nhà phân tích Tim Culpan nhận định với việc Google và các công ty Mỹ “chia tay” Huawei, “chiến tranh lạnh công nghệ” Mỹ – Trung đã thực sự bùng nổ.
Sau khi Google tuyên bố đình chỉ các hoạt động kinh doanh với Huawei (bao gồm chuyển giao phần cứng, phần mềm và các dịch vụ kỹ thuật chính), đến lượt các nhà sản xuất chip như Qualcomm Inc., Xilinx Inc. and Broadcom Inc. thông báo ngừng cung cấp linh kiện cho công ty Trung Cộng.
Trên thực tế, trước đây kịch bản tương tự cũng từng xảy ra với công ty viễn thông Trung Quốc ZTE Corp. Do vi phạm lệnh cấm vận Iran, ZTE bị cấm mua các sản phẩm Mỹ. Lệnh cấm vận của chính quyền Washington đẩy ZTE đến bờ vực của sự sụp đổ trước khi được dỡ bỏ khi Mỹ và Trung Cộng đàm phán thương mại.
Bloomberg News cho biết một năm trước, Huawei đã lường trước nguy cơ bị Mỹ cấm vận và đã chuẩn bị kho linh kiện có thể dùng trong ít nhất 3 tháng. Điều đó cho thấy nhà sản xuất điện thoại lớn thứ hai thế giới hiểu rõ nguy cơ mà hãng này phải đối mặt lớn đến mức nào.
Bloomberg: My diet Huawei, chien tranh lanh cong nghe bung no hinh anh 1
Huawei đối mặt với vô số khó khăn khi bị Mỹ cấm vận. Ảnh: Getty Images.
Hồi đầu tháng 5, hãng Counterpoint Research cho biết trong quý I/2019, doanh số điện thoại thông minh của Huawei lên tới 59,1 triệu máy, chiếm 17% thị phần toàn cầu, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Huawei vượt mặt Apple để trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Samsung.
Ngoài ra, Huawei cũng được đánh giá là nhà phát triển công nghệ 5G hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, với chiếc “vòng kim cô Tôn Ngộ Không” mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump úp lên đầu, Huawei không còn cửa thực hiện tham vọng chiếm ngôi bá chủ làng di động toàn cầu, như nhận định của giới chuyên gia công nghệ và thương mại.
Vẫn còn một khả năng nhỏ là Mỹ và Trung Cộng nối lại đàm phán thương mại và đạt được một thỏa thuận. Khi đó, “vòng kim cô” trên đầu Huawei sẽ được dỡ bỏ. Tuy nhiên, nhà phân tích Culpan cho rằng kể cả vậy, chính quyền Trung Cộng cũng sẽ xác định rằng nước này không thể dựa vào công nghệ Mỹ.
Ông dự đoán chính quyền Trung Cộng sẽ đổ tiền ồ ạt để Huawei và các công ty công nghệ nội địa khác phát triển hệ điều hành điện thoại di động riêng, thiết kế chip riêng, phát triển công nghệ bán dẫn… và áp dụng các tiêu chuẩn công nghệ riêng.
Bloomberg: My diet Huawei, chien tranh lanh cong nghe bung no hinh anh 2
Nhiều khả năng Trung Cộng sẽ đổ tiền để Huawei phát triển hệ điều hành điện thoại riêng. Ảnh: Getty Images.
 
Nhà phân tích Culpan cho rằng khi đó, một “bức màn sắt (Iron Curtain) kỹ thuật số” sẽ hình thành, chia rẽ thế giới thành hai khu vực công nghệ hoàn toàn riêng biệt.
Tất nhiên Trung Cộng không dễ làm được điều này. Một phiên bản Trung Cộng của hệ điều hành Android sẽ không xứng “xách dép” cho hệ điều hành do Google phát triển. Chip viễn thông “Made in China” chắc chắn thua xa sản phẩm của Qualcomm và Xilinx về chất lượng.
“Nhưng chắc chắn chính phủ Trung Cộng sẽ không chấp nhận thất bại. Họ sẽ bơm tiền để đảm bảo ngành công nghiệp này thành công, và sẽ đốt rất nhiều tiền. Tiền không giải quyết được mọi vấn đề, nhưng qua thời gian, ngân sách Trung Cộng sẽ chinh phục được các thách thức để đảm bảo sản phẩm nội địa dùng được, dù không so sánh được với công nghệ Mỹ”, nhà phân tích Culpan dự báo.
“Vậy là chiến tranh lạnh công nghệ đã bùng nổ. Chiến thắng sẽ không thuộc về bên có lực lượng thiện chiến nhất, mà thuộc về bên có khả năng chịu đựng cơn đau thất bại trong thời gian dài”, ông Culpan nhấn mạnh.
Google giết chết tham vọng bá chủ toàn cầu của Huawei
20/05/2019
Giới quan sát nhận định việc Google “nghỉ chơi” với Huawei là cú đòn giết chết tham vọng bá chủ thị trường điện thoại thông minh toàn cầu của hãng công nghệ Trung Cộng.
Theo Reuters, Google đã đình chỉ các hoạt động kinh doanh với Huawei, bao gồm chuyển giao phần cứng, phần mềm và các dịch vụ kỹ thuật chính. Trước đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định đưa Huawei vào “danh sách đen”, nghĩa là các công ty Mỹ cần phải xin giấy phép bán sản phẩm cho tập đoàn Trung Cộng.
Như vậy, Google sẽ ngưng cung cấp các bản cập nhật Android, chấm dứt cấp phép truy cập vào các dịch vụ cốt lõi như Google Play Store, Gmail, YouTube cho thiết bị của hãng công nghệ Trung Cộng trong tương lai. Huawei sẽ chỉ có thể sử dụng phiên bản mã nguồn mở (miễn phí) của Android.
Google giet chet tham vong ba chu toan cau cua Huawei hinh anh 1
Người mua điện thoại Huawei sẽ không còn được trải nghiệm các tiện ích trên Android của Google.
Phản ứng lại, người phát ngôn của Huawei tuyên bố: “Chúng tôi đang đánh giá tác động từ cú đòn của chính phủ Mỹ giáng lên người tiêu dùng”.
CNBC bình luận đây đây là đòn chí mạng đánh vào hoạt động kinh doanh toàn cầu của Huawei. Hãng công nghệ Trung Cộng phụ thuộc hoàn toàn vào Android khi bán điện thoại thông minh ở thị trường nước ngoài.
Trong pham vi Trung Cộng, Huawei sử dụng một phiên bản Android tùy chỉnh, không có các ứng dụng cài sẵn của Google. Nhưng ở các thị trường bên ngoài Trung Cộng, điện thoại Huawei chạy hệ điều hành Android phiên bản đầy đủ, có tất cả các ứng dụng quan trọng của Google.
Thị trường quốc tế rất quan trọng với Huawei. Theo số liệu của Canalys, Huawei bán khoảng 49% số điện thoại của hãng ở thị trường nước ngoài. Tính theo thị phần toàn cầu, Huawei đang là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Samsung.
Công ty Trung Cộng không giấu tham vọng trở thành bá chủ trên thị trường di động toàn cầu vào năm 2020. Nhưng việc Google “nghỉ chơi” khiến việc thực hiện tham vọng của Huawei trở thành nhiệm vụ bất khả thi.
“Đây là cú đòn giết chết tham vọng vượt Samsung tại thị trường toàn cầu của Huawei”, CNBC dẫn lời theo lời ông Nicole Peng, Phó chủ tịch phụ trách mảng di động của Canalys.
Ngoài Google, Huawei còn mua hàng loạt linh kiện quan trọng từ một số nhà cung cấp Mỹ. Danh sách “nhà cung cấp cốt lõi” của Huawei có 30 cái tên Mỹ. Theo Bloomberg, một số công ty Mỹ như Qualcomm và Intel đã ra thông báo nội bộ, cho biết sẽ ngừng bán sản phẩm cho Huawei cho đến khi chính phủ Mỹ có quyết định mới.
Google giet chet tham vong ba chu toan cau cua Huawei hinh anh 2
“Vòng kim cô” mà Tòa Bạch Ốc úp lên đầu Huawei đang phát huy tác dụng.
Trước đó, Huawei khẳng định đã lường trước và có sự chuẩn bị cho tình huống hiện tại. Hồi tháng 3, công ty Trung Cộng tuyên bố đã phát triển hệ điều hành riêng cho các sản phẩm công nghệ để phòng trường hợp không thể sử dụng các hệ điều hành của Google hay Microsoft.
Mới tuần trước, Nikkei Asian Review tiết lộ từ 6 tháng trước, Huawei thông báo với một số nhà cung cấp rằng hãng muốn chuẩn bị một kho linh kiện đủ dùng trong một năm để chuẩn bị cho tình huống xấu khi căng thẳng thương mại Mỹ – Trung leo thang.
Huawei có thể phần nào giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp Mỹ, nhưng không thể sống thiếu công nghệ Mỹ. Nhiều chuyên gia nghi ngờ khả năng phát triển hệ điều hành riêng của Huawei.
Ông Neil Shah, Giám đốc nghiên cứu hãng Counterpoint Research, nhận định Huawei sẽ phải dựa vào các cửa hàng ứng dụng bên ngoài Google Play với các điện thoại bán bên ngoài Trung Cộng. Bởi Google Play sẽ không được cài đặt sẵn trong điện thoại Huawei trên thị trường quốc tế.
“Như vậy, điện thoại Huawei sẽ gặp nhiều bất lợi so với các sản phẩm Samsung bởi chúng không có Google Play, không tải được các ứng dụng trên cửa hàng chính thức trong khi chất lượng ứng dụng của cửa hàng thứ ba là không đảm bảo. Điện thoại Huawei cũng sẽ không nhận được các bản nâng cấp phần mềm của Google”, ông cho biết.
Google, Intel, Qualcomm đồng loạt ‘chia tay’ Huawei
20/05/2019
Một loạt công ty công nghệ Mỹ đã tuyên bố ngừng hợp tác với Huawei, sau khi sắc lệnh của chính phủ Mỹ cấm Huawei tham gia xây dựng mạng viễn thông được ký.
Theo Bloomberg, GoogleIntelQualcommXilinx và Broadcom đều sẽ tuân theo lệnh của chính phủ Mỹ và ngừng cung cấp linh kiện, công nghệ cho Huawei. Điều đó có nghĩa là Huawei sẽ không được sử dụng hệ điều hành Android cùng những thiết bị phần cứng, bản quyền công nghệ do các công ty Mỹ sở hữu.
Sắc lệnh được ký tuần trước nhằm mục đích cấm cửa các công ty gây nguy hại đến an ninh quốc gia bán sản phẩm vào Mỹ, cũng như cấm các công ty Mỹ bán công nghệ cho họ. Google là công ty đầu tiên đưa ra phản hồi về sắc lệnh này.
Google, Intel, Qualcomm dong loat 'chia tay' Huawei hinh anh 1
Huawei đang đứng trước thời điểm cực kỳ khó khăn bởi ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Ảnh: AP.
Theo nguồn tin thân cận của Reuters, Google đã đình chỉ một số hạng mục hợp tác với Huawei. Theo đó, Huawei sẽ không được tiếp cận các bản cập nhật Android trong tương lai, cũng như không được sử dụng các dịch vụ, ứng dụng của Google.
Google cho biết họ “đang tuân theo các sắc lệnh và xem xét lại cách tiến hành” đối với vấn đề này.
Bloomberg cho biết các công ty sản xuất chip bao gồm Intel, Qualcomm, Xilinx và Broadcom cũng đã ra thông báo nội bộ rằng họ sẽ tạm thời không bán linh kiện cho Huawei.
Google, Intel, Qualcomm dong loat 'chia tay' Huawei hinh anh 2
Nhà sáng lập Nhậm Chính Phi của Huawei mới đây cho biết công ty này đã chuẩn bị sẵn cho viễn cảnh bị các hãng công nghệ Mỹ quay lưng. Ảnh: Kyodo.
Đây là động thái đã được dự báo từ trước, và nó sẽ khiến cho Huawei phải khốn đốn. Công ty Trung Cộng này là nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, và nhà sản xuất smartphone lớn thứ 2.
Việc tuân theo lệnh của chính phủ và ngừng hợp tác với Huawei cũng ảnh hưởng không nhỏ tới các công ty Mỹ cũng như quá trình phát triển mạng 5G trên toàn thế giới.
Intel hiện là nhà cung cấp chip lớn nhất cho các máy chủ của Huawei. Qualcomm bán cho công ty Trung Cộng các bộ xử lý và modem trên nhiều mẫu smartphone. Xilinx cung cấp chip lập trình sử dụng trong thiết bị viễn thông, còn Broadcom cung cấp chip chuyển mạch, một linh kiện rất quan trọng.
“Huawei phụ thuộc rất nhiều vào các linh kiện bán dẫn của Mỹ và chắc chắn sẽ gặp khó khi không có các linh kiện này. Lệnh cấm của Mỹ sẽ khiến việc triển khai mạng 5G của Trung Cộng bị chậm lại cho tới khi hết bị cấm, đồng thời ảnh hưởng tới nhiều nhà cung cấp trên toàn thế giới”, ông Ryan Koontz, nhà phân tích tại Rosenblatt Securities nói với Bloomberg.
Trước đó, Huawei cho biết họ đã mua đủ số chip và các linh kiện quan trọng để duy trì hoạt động ít nhất 3 tháng. Các nguồn tin cho biết Huawei đã chuẩn bị cho một lệnh cấm từ giữa năm 2018, cùng lúc đó đẩy mạnh phát triển và thiết kế chip của riêng mình.
Những lãnh đạo của Huawei tin rằng công ty này giữ vị trí rất quan trọng trong quá trình đàm phán thương mại Mỹ – Trung, và họ sẽ tiếp tục hợp tác với công ty Mỹ nếu như đàm phán thành công.
Động thái mới của các công ty Mỹ có thể làm gia tăng căng thẳng, thậm chí tạo nên một cuộc “chiến tranh lạnh” giữa 2 siêu cường. Ngoài sức ép đối với các công ty trong nước, chính phủ Mỹ đã liên tục hối thúc các nước đồng minh không sử dụng linh kiện 5G của Huawei trong các mạng viễn thông.
“Khả năng tệ nhất là mảng kinh doanh thiết bị viễn thông của Huawei sẽ bị bóp nghẹt, kéo Trung Cộng trì trệ nhiều năm, và đây có thể coi là động thái chiến tranh với Trung Cộng. Điều này cũng sẽ khiến ngành viễn thông toàn cầu bị ảnh hưởng”, ông Koontz nhận định.
Google, Intel, Qualcomm dong loat 'chia tay' Huawei hinh anh 3
Những smartphone tương lai của Huawei có thể sẽ phải sử dụng phiên bản Android “nội địa”, không có dịch vụ Google. Ảnh: The Verge.
Ngoài mảng viễn thông, mảng di động đang phát triển rất nhanh của Huawei cũng nhận cú đánh rất mạnh. Việc bị Google rút giấy phép khiến cho Huawei chỉ có thể sử dụng bản Android mã nguồn mở. Họ sẽ không được sử dụng những dịch vụ Google như tìm kiếm, bản đồ, Gmail… Điều đó sẽ khiến smartphone Huawei khó bán được ở thị trường quốc tế.
Trước khi bị Google cấm cửa, Huawei nằm trong số ít đối tác được tiếp cận các phiên bản và tính năng Android sớm nhất. Khác với thị trường Trung Cộng vốn đã chặn Google từ lâu, các dịch vụ của Google trên Android là thứ bắt buộc phải có đối với thị trường quốc tế.
Hãng nào đắc lợi sau vụ Google chia tay Huawei?
20/05/2019
Các đối thủ của Huawei có thể đang mừng thầm trong bụng bởi họ có thể bớt đi một “dấu răng” lớn trên “miếng bánh” vốn dĩ đang teo lại từng ngày.
Ngày 19/5, theo nguồn tin thân cận của Reuters, Google có thể đã đình chỉ một số hạng mục hợp tác với Huawei. Gã khổng lồ tìm kiếm yêu cầu Huawei bàn giao tất cả các sản phẩm phần cứng, phần mềm có liên quan tới Google.
Tuy nhiên, các sản phẩm được bảo vệ với giấy phép mã nguồn mở, chẳng hạn Android phiên bản mã nguồn mở (Android Open Source Project – AOSP), Huawei vẫn được sử dụng nhưng không có các dịch vụ Google đi kèm như Gmail, YouTube, Search…
Hang nao dac loi sau vu Google chia tay Huawei? hinh anh 1
Liên tục gặp những tin xấu, Huawei đang yếu đi trong mắt các đối thủ. Ảnh: Reuters.
Như vậy, những sản phẩm mang thương hiệu Huawei đã có mặt trên thị trường sẽ tiếp tục sử dụng bản Android hiện tại và không được cập nhật thêm. Các sản phẩm trong tương lai của Huawei, sẽ không có các dịch vụ Google như Gmail, YouTube, Google Play…
Trên thực tế, các đối thủ của Huawei có thể đang mừng thầm trong bụng bởi họ có thể bớt đi một “dấu răng” lớn trên “miếng bánh” vốn dĩ đang teo lại từng ngày.
Tuy nhiên, niềm vui nỗi buồn ở mỗi hãng điện thoại lại rất khác nhau.
Apple: “Trâu bò đá nhau ruồi muỗi chết”
Tuy cạnh tranh ở vị trí hãng điện thoại di động lớn thứ 2 trong những năm qua, nhưng Apple có thể sẽ không mong muốn kết cục xấu cho Huawei ở thời điểm này. Bởi Apple chưa thực sự sẵn sàng để thoát khỏi lệ thuộc với Trung Cộng.
Trong khi đó, Trung Cộng đang xem Apple là con tin trong ván cờ chiến tranh thương mại với Mỹ. Sau động thái mạnh tay với Huawei của chính phủ Mỹ, có thể Apple sẽ là mục tiêu trả đũa của TTrung Cộng.
Hang nao dac loi sau vu Google chia tay Huawei? hinh anh 2
Trung Cộng chiếm 20% doanh thu của Apple với 51,9 tỷ USD năm 2018. Ảnh: Statista.
Ước tính mỗi năm công ty gia công Foxconn tại Trung Cộng xuất xưởng 150 triệu chiếc iPhone, 20 triệu iPad cùng các thiết bị điện tử khác cho Apple.
“Phần lớn các sản phẩm phần cứng của Apple bao gồm iPhone, iPad, Watch và Mac được lắp ráp, nhập khẩu từ Trung Cộng, rủi ro chịu thuế nhập khẩu khá lớn”, Peter Sankar, nhà phân tích tại Cowen nhận định.
Hiện Apple đang sản xuất thiết bị tại nhiều quốc gia như Ấn Độ, Indonesia… Tuy vậy, táo khuyết vẫn gần như phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Cộng. Hãng điện thoại từ Mỹ vẫn chưa quyết liệt trong việc dịch chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Cộng dù mầm mống chiến tranh thương mại đã nổ ra từ năm 2012.
Theo danh sách đối tác cung ứng đăng tải trên trang của Apple, hiện công ty có hơn 300 đối tác đến từ Trung Cộng. Điều này khiến các sản phẩm Apple chịu ảnh hưởng kép khi vừa gánh thuế nhập khẩu nếu được bán cho người Mỹ, nơi nắm 40% doanh thu của công ty, vừa bị thị trường Trung Cộng tẩy chay.
Tháng 11/2018, Tổng thống Mỹ nói với tờ Wall Street Journal rằng ông sẽ áp thuế smartphone và laptop. Đồng nghĩa việc người dùng sẽ “có thể chịu” mức giá cao hơn 10%.
Những chiếc iPhone có giá khởi điểm từ 750-1.450 USD. Bất kỳ mức thuế nào áp lên cũng có thể khiến smartphone của Apple vượt quá khả năng chi tiêu của người dùng.
Đó là sản xuất. Về phần tiêu thụ sản phẩm, theo Statista, Trung Cộng chiếm 20% doanh thu của Apple trong năm 2018 với 51,9 tỷ USD.
Hang nao dac loi sau vu Google chia tay Huawei? hinh anh 3
Apple là hãng có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất sau việc Google tẩy chay Huawei.
Trong cuộc chơi này, 60% doanh số của Apple đang chịu ảnh hưởng của chiến tranh thương mại. Trong khi đó, Huawei có 50% doanh số bán ra trong nước. Như vậy, Google “nghỉ chơi” với Huawei, Apple chịu ảnh hưởng khá nặng nề.
Nếu hứng trọn làn sóng tẩy chay hoặc một lệnh cấm nào đó từ chính phủ Trung Cộng, số phận Apple cũng không kém phần bi thảm so với Huawei.
“Đó là các công ty bán máy tính, máy chủ và thiết bị viễn thông. Nhưng nếu họ thực sự muốn trả đũa, đó phải là một công ty Mỹ rất nổi tiếng”. Tim Bajarin, chuyên gia phân tích công nghệ người Mỹ nói. Như vậy, công ty công nghệ rất nổi tiếng ở đây là Intel, Microsoft hay Apple?
Samsung: “Ngư ông đắc lợi”
Tại Trung Cộng, Samsung đang chật vật mới có thể lọt vào top 10 những hãng điện thoại lớn tại Trung Cộng. Vì vậy, họ không có gì phải lo khi căng thẳng giữ Mỹ và Trung leo thang. Bên cạnh đó, Trung Cộng không muốn có thêm đối thủ là Hàn Quốc về phe Mỹ.
Tuy nhiên, việc mất lợi thế ở thị trường thế giới thôi thúc Huawei tập trung vào thị trường trong nước. Điều này có thể khiến Samsung biến mất khỏi bản đồ smartphone của thị trường đông dân nhất hành tinh này.
Hang nao dac loi sau vu Google chia tay Huawei? hinh anh 4
Biến cố của Huawei giúp Samsung gia tăng cách biệt với Apple và Huawei.
Tóm lại, Samsung đang nắm trong tay phần lợi bởi trong cuộc chiến thương mại này, cả hai đối thủ Apple và Huawei đều “bị thương”. Đây là cơ hội cho Samsung gia tăng cách biệt, bảo vệ ngôi vương đang bị Huawei lăm le từ lâu.
Samsung đang ở thế không bị cấm ở Mỹ, Trung, mạnh ở Ấn, không bị áp thuế nhập/xuất khẩu cao, không dính “dớp” an toàn thông tin. Tóm lại, Samsung là bên được lợi.
Oppo, Vivo, Oneplus, Xiaomi… không tự quyết định số phận
Đều là những thương hiệu đến từ Trung Cộng, Oppo, Xiaomi, Vivo, OnePlus có thể chịu kết cục như Huawei bất kỳ lúc nào. Tuy vậy, những thương hiệu này quá nhỏ để có thể bị ông Trump chú ý. Những công ty này cũng không quá “nguy hiểm” với Mỹ bởi không có trong tay công nghệ 5G cũng như tiềm lực hùng mạnh như Huawei.
Việc có thể làm của nhóm thương hiệu này là ngồi chờ cách Huawei xử lý vấn đề, sau này áp dụng cho bản thân nếu gặp chuyện. Bên cạnh đó, các thương hiệu trên cũng nên mừng thầm khi không bị chính quyền TT Trump chọn là mục tiêu. Bởi không phải cứ nhỏ là an toàn, ZTE là một tấm gương.
Huawei tuyên bố đã tạo ra một hệ điều hành mới có khả năng thay thế Android trong trường hợp bị “ép vào đường cùng”. Đây có thể là tia sáng mới cho thị trường di động vốn quá lệ thuộc vào Google. Nhưng đó cũng là bài toán chết chóc mà Huawei phải giải, bởi Nokia, Amazon, Microsoft… đều đã đầu hàng vô điều kiện khi tự phát triển hệ điều hành riêng.
Những thương hiệu như Oppo, Vivo, Xiaomi, Vivo có thể cân nhắc hợp tác với hệ điều hành mới của Huawei này. Vừa ủng hộ “đồng hương” Huawei, vừa tránh lệ thuộc vào nền tảng Google của Mỹ.
Huawei có thể sống thiếu công nghệ Mỹ?
20/05/2019
Hầu hết các công nghệ hiện nay của Huawei đều phụ thuộc vào những nhà cung cấp Mỹ. Các chuyên gia nhận định công ty khó có thể “tự chủ” như trong những tuyên bố gần đây.
Nhà sáng lập Huawei, ông Nhậm Chính Phi, từng quả quyết rằng công ty sẽ không bị chính phủ Mỹ chèn ép như đã làm với ZTE. Tuyên ngôn trên cho thấy nhà sản xuất Trung Cộng có thể sẽ sống tốt mà không cần linh kiện hoặc thành phần từ Qualcomm, Intel và Micron – những đơn vị cung cấp đến từ Mỹ.
Vào tuần trước, HiSilicon, công ty con của Huawei, tuyên bố đã có thể tự thiết kế và sản xuất vi xử lý. Danh sách bao gồm chip SoC Kirin và modem Balong từng được sử dụng trên những model flagship của hãng.
Chủ tịch HiSilicon He Tingbo cho biết: “Chúng tôi đã dự đoán viễn cảnh này từ nhiều năm trước và lên các kế hoạch dự phòng”. Trong một lá thư gửi đến nhân viên, bà viết rằng HiSilicon sẽ “tự chủ”.
Huawei co the song thieu cong nghe My? hinh anh 1
Modem mạng 5G Balong 5000 của Huawei. Ảnh: PhoneArena.
Song theo Reuters, các chuyên gia về vi xử lý không tin tưởng vào “kế hoạch dự phòng” nói trên.
Tuần trước, Mỹ đã thêm Huawei vào “danh sách đen” của Bộ Thương mại. Điều đó có nghĩa các công ty Mỹ không thể bán linh kiện cho Huawei mà không có giấy phép từ chính phủ. Công ty  này hiện là mối đe doạ an ninh quốc gia, với những cáo buộc theo dõi người dùng và tập đoàn lớn, phục vụ mục đích chính trị.
Trong nhiều năm, các thiết bị của Huawei bị cho là chứa các phần mềm backdoor – hoạt động như đường dây gửi thông tin trực tiếp về cho Bắc Kinh. Tuy nhiên, Giám đốc Điều hành Huawei đã bác bỏ điều này. Công ty cũng cho biết sẵn sàng ký biên bản xác nhận “không gián điệp” với bất kỳ quốc gia nào.
Huawei đã chi 11 tỷ USD để mua linh kiện từ các nhà sản xuất Mỹ vào năm 2018. Theo Reuters, một nhân viên công nghệ Trung Cộng cho biết không có nhà cung cấp nào của nước này có thể thay thế các linh kiện từ phương Tây, ít nhất trong vài năm tới.
Chuyên gia phân tích Linda Sui của Strategy Analytics cũng đánh giá: “Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu HiSilicon có thể tự tồn tại mà không cần bất cứ linh kiện nào từ Mỹ”.
Trong khi HiSilicon tuyên bố có thể tự thiết kế chip, một chuyên gia khác cho rằng Huawei đang sử dụng phần mềm thiết kế từ những công ty Mỹ Cadence Design Systems Inc và Synopsys Inc. Mike Demler, nhà phân tích cấp cao của Linley Group, chỉ ra rằng phần mềm của 2 công ty này cho phép HiSilicon thử nghiệm chip mới trước khi đưa vào dây chuyền sản xuất – quá trình có thể giúp công ty tiết kiệm nhiều tiền và thời gian.
Mới đây, Google đã dành cho Huawei một “quả bom” khi cắt giảm các mối quan hệ kinh doanh với nhà sản xuất Trung Cộng. Điều đó đồng nghĩa với việc các thiết bị Huawei không thể nhận cập nhật Android, cũng như hạn chế quyền truy cập vào các dịch vụ Google nếu muốn phát triển phần mềm mới.
Huawei co the song thieu cong nghe My? hinh anh 2
Vẫn sống tốt ở Trung Cộng, nhưng Huawei sẽ gặp nhiều khó khăn ở thị trường quốc tế. Ảnh: Financial Times.
Huawei đã đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất điện thoại số một vào năm tới, nhưng điều đó đang dần trở nên khó khăn hơn. Thậm chí Mate 30, flagship của Huawei dự kiến ra mắt vào cuối năm nay, cũng chưa rõ sẽ dùng chip và hệ điều hành nào. Hiển nhiên Huawei sẽ chọn sử dụng một phiên bản từ mã nguồn mở Android, nhưng giải pháp này không thực sự hiệu quả ở những thị trường ngoài Trung Cộng.
Tháng 8 năm ngoái, có tin đồn Huawei đang phát triển hệ điều hành riêng, song đã bị hãng bác bỏ ngay sau đó. Đến đầu năm nay, công ty nói rằng họ đã có hệ điều hành mới, nhưng chỉ dự phòng trong các trường hợp cần thiết.
Ở thời điểm này, câu hỏi đặt ra là liệu Chính phủ Mỹ đưa Huawei vào danh sách theo dõi vì lý do an ninh quốc gia, hay chỉ là đòn bẩy trong các cuộc đàm phán thương mại tương lai.
Đến lượt công ty Đức ngừng hợp tác với Huawei
20/05/2019
Sau khi các ông lớn công nghệ Mỹ cắt đứt quan hệ với Huawei, một đối tác Đức cũng tạm dừng giao hàng cho tập đoàn Trung Cộng.
Theo Nikkei Asian Review, công ty sản xuất chip Infineon Technologies của Đức ngưng giao các lô hàng đến Huawei, dấu hiệu cho thấy chính sách cấm vận của chính quyền Donald Trump đã vượt ra khỏi phạm vi nước Mỹ.
Quyết định đưa ra sau khi Bộ Thương mại Mỹ liệt Huawei vào danh sách “xuất khẩu có kiểm soát”, đồng nghĩa với việc bất kỳ công ty nào của Mỹ muốn buôn bán cho Huawei đều phải có giấy phép từ chính phủ. Các doanh nghiệp nước ngoài sử dụng công nghệ có nguồn gốc từ Mỹ theo một tỷ lệ nhất định cũng nằm trong phạm vi điều chỉnh của quy định mới.
Den luot cong ty Duc ngung hop tac voi Huawei hinh anh 1
Infineon quyết định dừng cung cấp chip cho Huawei. Ảnh: AP.
“Infineon quyết định áp dụng biện pháp thận trọng hơn và dừng lô hàng. Nhưng họ sẽ họp lại trong tuần này để thảo luận về tình hình và đưa ra đánh giá”, một nguồn tin của Nikkei Asian Review cho biết.
Infineon cung cấp một số linh kiện quan trọng cho Huawei, bao gồm vi điều khiển và mạch tích hợp quản lý năng lượng. Vì vậy, dù lượng hàng Infineon cung cấp mỗi năm chỉ khoảng 100 triệu USD nhưng lại có khả năng ảnh hưởng lớn tới đối tác Trung Quốc.
Ngoài ra, các công ty khác ở châu Âu và châu Á cũng có thể đưa ra động thái tương tự nhằm tránh bị Mỹ liệt vào “danh sách đen”.
ST Microelectronics – nhà sản xuất chip có trụ sở tại châu Âu – dự kiến sẽ họp lại trong tuần này để xem xét các đơn đặt hàng của Huawei, theo nguồn tin của Nikkei Asian Review.
Đối tác quan trọng của Huawei tại châu Á là TSMC vẫn tiếp tục các hợp đồng cung ứng chip nhưng “đang đánh giá các tác động có thể xảy ra” sau quyết định của chính quyền Mỹ. Một số nhà cung cấp lớn như Toshiba Memory, công ty cung ứng bộ nhớ flash NAND lớn thứ 2 thế giới, liên doanh sản xuất màn hình Japan Display Inc cũng tỏ thái độ thận trọng trước tình hình này.
Phát biểu với giới truyền thông Nhật Bản hôm 18/5, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi khẳng định tập đoàn vẫn “ổn” ngay cả khi Qualcomm và các nhà cung cấp khác không bán chip cho Huawei. “Chúng tôi đã chuẩn bị cho việc này”, ông Nhậm cho biết.
Theo Bloomberg