Tin Biển Đông – 21/05/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 21/05/2019

Trung Quốc điều hàng loạt tàu đánh bắt nghêu

 đến Biển Đông

Sau một thời gian giảm hoạt động từ năm 2016 đến 2018, Trung Quốc trong vòng 6 tháng qua đã điều hàng loạt tàu đến khu vực Biển Đông để khai thác nghêu, đặt ra nguy cơ về tác động tiêu cực đến môi trường. Trang Sáng kiến Minh bạch Hàng hải của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) loan tin này hôm 20/5.

Những hình ảnh vệ tinh của AMTI cho thấy Trung Quốc đã điều hàng chục tàu với các tàu mẹ đến khu vực quần đảo Hoàng Sa, bãi cạn Scarborough và quần đảo Trường Sa bắt đầu từ cuối năm ngoái để cào nghêu.

Tại Hoàng Sa, các hình ảnh vệ tinh cho thấy rõ nhất là tình trạng cào nghêu ở đảo Bom Bay bắt đầu từ cuối năm 2018 và rõ nhất là từ ngày 11/4 vừa qua.

Các tàu Trung Quốc dùng bồ cào dưới đáy biển, đập vỡ các rạn san hô để thu hoạch các loại nghêu lớn đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Theo báo cáo của tác giả Victor Robert Lee trên Diplomat hồi năm 2016, trong giai đoạn từ 2012 đến 2015, việc khai thác nghêu của Trung Quốc đã phá hủy ít nhất 28 rạn san hô ở Biển Đông.

Phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế hồi năm 2016 cũng xác định Trung Quốc đã vi phạm các nghĩa vụ của mình được quy định trong luật quốc tế về bảo vệ môi trường biển.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/china-sent-ships-to-scs-to-catch-clams-05212019092518.html

 

Mỹ nên đưa lực lượng tuần duyên đến Biển Đông

để hỗ trợ các nước ứng phó với TQ

Nếu có sự hiện diện của Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ, các ngư dân của Việt Nam, Philippines sẽ yên tâm tác nghiệp mưu sinh ở khu vực quần đảo Hoàng Sa.

Đầu năm 2019, Hoa Kỳ điều tàu tuần duyên USCGC Bertholf của Lực lượng Bảo vệ bờ biển thuộc Bộ An ninh nội địa Hoa Kỳ từ California tới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đặt dưới sự kiểm soát của Hạm đội 7 thuộc Hải quân Hoa Kỳ đánh dấu một sự mở rộng hoạt động của lực lượng này trong sứ mệnh triển khai Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở. Đô đốc Linda Fagan, chỉ huy các chiến dịch của lực lượng Tuần duyên ở khu vực cho biết Hoa Kỳ cam kết triển khai thêm một tàu tuần duyên tương tự, tàu Stratton vào cuối năm 2019 để giúp các quốc gia đối tác của Hoa Kỳ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Lực lượng bảo vệ bờ biển Hoa Kỳ đang được bổ sung thêm các tàu tuần duyên phản ứng nhanh, trong đó có 3 tàu ở Hawaii, 3 tàu ở đảo Guam nhằm ứng phó với những tình huống đột xuất ở khu vực.

Tháng 3/2019, tàu tuần duyên USCGC Bertholf đã cùng với tàu khu trục USS Curtis Wibur của Hải quân Hoa Kỳ đi qua eo biển Đài Loan để thực thi các nhiệm vụ tuần tra để khẳng định các tuyến đường hàng hải quốc tế gần Trung Quốc luôn mở và được lưu thông tự do.

Sau 17 năm, ngày 15/3/2019, tàu tuần duyên USCGC Bertholf của Hoa Kỳ đã cập cảng Hồng Công trên đường làm nhiệm vụ giám sát thực thi Lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Triều Tiên ở biển Hoa Đông, ngăn chặn việc chuyển hàng hóa trái phép giữa các tàu để chuyển đến Triền Tiên.

Bên cạnh việc quân sự hóa Biển Đông, Trung Quốc đang đẩy mạnh dân sự hóa các tàu kiểm soát ở Biển Đông, trong đó ngoài các tàu Hải cảnh, tàu Kiểm ngư còn có nhiều tàu cá dân binh (tàu quân sự đóng giả tàu cá) hoạt động ở khắp Biển Đông. Trong vụ việc các tàu Trung Quốc bao vây đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa thời gian vừa rồi đã cho thấy rõ điều này. Theo Philippines cho biết có đến gần 300 tàu của Trung Quốc, trong đó có rất nhiều tàu cá dân binh uy hiếp các tàu cá của Philippines ở khu vực đảo Thị Tứ. Trong bối cảnh, lực lượng tuần tra của các nước ven Biển Đông còn yếu hơn nhiều so với lực lượng tuần tra của Trung Quốc, chỉ có Hoa Kỳ có đủ khả năng ngăn cản các hoạt động của tàu tuần tra Trung Quốc, giúp thực thi pháp luật và phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông.

Việc Hoa Kỳ điều tàu tuần duyên của Lực lượng Bảo vệ bờ biển (trước đây thường hoạt động gần vùng lãnh thổ Hoa Kỳ) đến eo biển Đài Loan và Biển Đông để chứng minh với Trung Quốc rằng không phải Trung Quốc muốn làm gì thì làm. Sau khi lên cầm quyền Tổng thống D. Trump đã tăng cường các chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông bằng việc hàng chục lần cho các tàu khu trục vào sát các cấu trúc mà Trung Quốc đang chiếm đóng ở Hoàng Sa và Trường Sa để thách thức yêu sách quá đáng của Trung Quốc (gần đây nhất, ngày 06/5/2019, hai tàu khu trục có tên lửa dẫn đường đã áp sát, trong phạm vi 12 hải lý đá Ga Ven và Gạc Ma mà Trung Quốc chiếm đóng ở Trường Sa), song chưa đủ để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Thông qua việc điều các tàu tuần duyên đến khu vực, Hoa Kỳ muốn nhắc nhở Trung Quốc rằng các tàu tuần duyên của Hoa Kỳ đang ở trong khu vực chiến lược cách bờ biển Trung Quốc vai trăm hải lý. Chỉ huy Lực lượng Bảo vệ bờ biển Hoa Kỳ, Đô đốc Karl L.Schultz cho biết khi Bộ Quốc phòng chuyển trọng tâm sang cạnh tranh với Nga và Trung Quốc, Hải quân Hoa Kỳ đã bị quá tải và “Lực lượng Bảo vệ bờ biển có thể giúp cân bằng tình trạng này. Lực lượng Bảo vệ bờ biển có quyền thi hành dưới mức chiến tranh. Đây là các tàu chiến, nhưng trông khác biệt với thân tàu màu trắng và sọc màu cam”.

Các nhà nghiên cứu về an ninh khu vực cho rằng trong những thập kỷ qua, sự tham gia của Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ ở Châu Á là rất ít, nhưng hiện nay điều này đang đáp ứng những yêu cầu từ các quốc gia nhỏ trong khu vực để kiểm soát, quản lý các vùng biển của các nước này. Các nhà phân tích nhận định việc Hoa Kỳ đưa tàu tuần duyên đến khu vực là cách làm thông minh để đối chọi lại với các lực lượng “bán quân sự” hay còn gọi là “dân binh” của Trung Quốc dày đặc trên Biển Đông. Các nhà phân tích cũng cho rằng “mối quan hệ giữa các tàu thực thi pháp luật và lực lượng tuần duyên ít gây ra nguy cơ xung đột leo thang hơn là hải quân”.

Lực lượng Tuần duyên của Hoa Kỳ có thể triển khai việc tìm kiếm, cứu nạn và thực thi pháp luật nghề cá. Việc điều tàu Tuần duyên đến eo biển Đài Loan và Biển Đông còn là bước đi để triển khai chiến lược Ấn Độ dương – Thái Bình dương tự do, rộng mở. Phó Tư lệnh, Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình dương Hoa Kỳ Dagvin Anderson khẳng định rằng “lực lượng

Tuần duyên đem đến những sự hiểu biết sâu sắc và những khả năng đặc biệt quan trọng” với các đồng minh và đối tác ở khu vực.

Các nước ven Biển Đông là những nước nhỏ, đều muốn bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp trên biển của mình, song cũng không muốn xung đột xảy ra mà luôn mong muốn duy trì hòa bình, ổn định nên việc Hoa Kỳ đưa tàu tuần duyên đến Biển Đông thực thi pháp luật trên biển sẽ nhận được sự đón chào và hoan nghênh của các nước này. Những ngư dân nghèo khó lâu nay bị các tàu chấp pháp Trung Quốc hăm dọa, sẽ rất vui mừng khi được các tàu Tuần duyên của Hoa Kỳ đến hỗ trợ khi họ đánh bắt trên biển.

Lâu nay, ngư dân Việt Nam thường bị Trung Quốc truy đuổi, bắt giữ khi hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa; ngư dân của Philippines thì bị truy bắt, xua đuổi ở khu vực bãi Scarborough. Các lực lượng chức năng của Việt Nam và Philippines chưa đủ mạnh để bảo vệ được họ nên cần sự hỗ trợ của Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ. Nếu có sự hiện diện của Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ, các ngư dân của Việt Nam, Philippines sẽ yên tâm tác nghiệp mưu sinh ở những khu vực này.

Như vậy, trước việc Trung Quốc gia tăng bành trướng ở Biển Đông thông qua các lực lượng “bán quân sự”, xâm phạm lợi ích của các nước ven Biển Đông, ảnh hưởng đến tự do và an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông, các nước khu vực mong muốn sự hiện diện của các tàu tuần duyên thuộc Lực lượng Bảo vệ bờ biển Hoa Kỳ để bảo đảm cho việc thực thi pháp luật trên biển, chống lại những hành động hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc.

http://biendong.net/bien-dong/28138-my-nen-dua-luc-luong-tuan-duyen-den-bien-dong-de-ho-tro-cac-nuoc-ung-pho-voi-tq.html