Tin Việt Nam – 20/05/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 20/05/2019

Một phụ nữ bị đánh, 5 nguoi khác bị bắt giam

vì phản đối BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài

Tin từ Hà Nội, ngày 20/5/2019: Công an huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, đã bắt giữ 6 nhà hoạt động chống BOT bẩn, đánh đập dã man một phụ nữ trong quá trình bắt giữ vào sáng ngày 20/5/2019.

Nhàhoạt động Trần Thị Thu Thuỷ, người có mặt ở hiện trường Trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long-Nội Bài cho biết ngườibị công an Sóc Sơn đánh là chị Đặng Thị Huệ, nhữngngười bị bắt tên là Phạm Nam Hải, Phan Đức Thắng, Phạm Thị Tiếp, Mạnh Hùngvà một lái xe chưa rõ tên.

Chị Đặng Thị Huệ bị công an Sóc Sơn bắt giữ (Nguồn ảnh: FB Nguyễn Trần Công)

Sáng ngày thứ Hai, nhiều lái xe đến trạm thu phí trên để chất vấn tại sao trạm vẫn thu tiền của lái xe khi đã bị uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội và Bộ Giao thông Vận tải kết luận rằng trạm đã bị đặt sai vị trí và thu tiền bất hợp pháp nhiều xe qua lại trong hơn 10 năm qua. Thay vì trả lời và đối thoại, trạm đã gọi công an đến đàn áp.

Chị Thuỷ, một nhà hoạt động chống BOT bẩn, cho biết chính chị cũng bị công an Sóc Sơn bắt nhưng phải trả tự do cho chị vì không có chứng cứ. Tuy nhiên, công an vẫn còn đang giam giữ 6 nhà hoạt động nói trên.

Đầu giờ chiều, nghe tin chị Thuỷ bị bắt giữ, chồng và em chị tên Nguyễn Thơ đến trạm thu phí để hỏi thông tin và công an cũng bắt luôn họ.

Đây là vụ đàn áp mạnh tay thứ 2 của công an Sóc Sơn chỉ trong vòng 10 ngày. Sáng ngày 11/5, công an huyện này đã đánh đập và bắt giữ khoảng 20 tài xế khi họ đến phản đối việc thu phí bất hợp pháp. Công an chỉ trả tự do cho họ sau nhiều giờ giam cầm, và có tới 7 người bị giữ lại gần 24 giờ. Xe của họ bị phía công an cẩu ra khỏi khu vực trạm thu tiền và đưa vào bãi đỗ xe bị phạt. 7 trong số họ bị buộc phải nộp phạt mỗi người 2.5 triệu đồng vì “Cản trở hoạt động bình thường của cơ quan tổ chức.”

Trạm thu tiền Bắc Thăng Long- Nội Bài là một trong hàng chục trạm thu tiền được đặt không đúng vị trí, hay còn gọi BOT bẩn ở nhiều địa phương trong đó có Hà Nội, Sài Gòn, Nam Định và Thái Bình. Những trạm này được nhà đầu tư đặt sai vị trí nhằm thu được nhiều tiền hơn, thu cả những người không sử dụng dịch vụ mà nhà đầu tư cung cấp. Tất cả các trạm thu tiền này đều được bảo kê của quan chức cao cấp của chế độ.

Hà Văn Nam và một số nhà hoạt động chống BOT bẩn đã bị bắt, bị bắt cóc và đánh đập bởi mật vụ hay côn đồ. Nam bị cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” và có thể phải đối mặt với mức án cao nhất là 7 năm tù giam.

Quốc Tuấn

https://www.sbtn.tv/mot-phu-nu-bi-danh-5-nguoi-khac-bi-bat-giam-vi-phan-doi-bot-bac-thang-long-noi-bai/

 

Bảy người phản đối ô nhiễm bị kết án tù

Bảy phụ nữ ở Tây Ninh vào tuần qua bị tòa án sơ thẩm tuyên từ 24 đến 30 tháng  tù treo với cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng’.

Tin nói rõ bảy phụ nữ bị kết án vì tham gia chặn xe chở cát mà họ cho là gây ô nhiễm tại ấp Tân Tiến, xã Tân Phú, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.

Vụ việc xảy ra vào tháng 9 năm 2017 khi đó một số người dân sống dọc tuyến đường DH805 tại địa phương vừa nêu bắt đầu biện pháp chặn xe chở cát của Công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Việt- Úc, chi nhánh 2 lưu thông từ bãi cát ra tuyến đường 785.

Người dân phản đối cho rằng xe chở cát gây ô nhiễm khói bụi cũng như là mối nguy hiểm giao thông cho dân chúng địa phương. Những người phản đối yêu cầu công ty phải xây dựng đường tránh để vận chuyển cát nhằm tránh tình trạng gây ô nhiễm và nguy hiểm.

Biện pháp chặn xe chở cát của dân địa phương tiếp diễn và lần chặn vào ngày 11 tháng 12 năm 2017 được nói khiến giao thông bị ách tắc 2 tiếng rưỡi đồng hồ.

Cơ quan chức năng vào ngày 12 tháng 12 năm 2017 tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can bà bắt tạm giam hai trong nhóm 7 người phản đối. Sau đó tiếp tục bắt 5 phụ nữ khác.

Bảy người bị án vì phản đối ô nhiễm và gây nguy hiểm trong vụ việc vừa nêu gồm các bà Vũ Thị Cương, Trần Thị Nhẫn- mỗi người bị 30 tháng tù treo. Năm người còn lại bị hai năm tù treo gồm bà Ngô Thị Trúc Mai, Trần Thị Thoại, Hà Thị Mơ, Đào Thị Tiến và Phạm Thị Băng.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/seven-environment-protesters-sentenced-05202019095917.html

 

Em bé Úc 9 tuổi yêu cầu hoàn thuế

món hàng 6 tỷ đồng, hải quan Hà Nội “lúng túng”

Tin Hanoi.–  Báo Tuổi Trẻ ngày 20 tháng 5 năm 2019 loan tin, cơ quan Hải quan Hà Nội cho biết, đơn vị này vẫn chưa biết giải quyết như thế nào trước đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng của một em bé có quốc tịch Australia.

Theo đó, em bé này đã đứng tên mua một chiếc đồng hồ tại Việt Nam trị giá 6 tỷ đồng. Sau đó, em bé này đã đến hải quan Hà Nội đề nghị hoàn lại thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên, phía cơ quan Hải quan giải thích rằng, do thông tư 72 năm 2014 của bộ tài chính CSVN chưa có quy định về độ của tuổi của người đề nghị hoàn thuế. Vì vậy, hải quan  phi trường quốc tế Nội Bài không biết giải quyết như thế nào? Họ còn bày tỏ nghi vấn vì không biết em bé này có đủ tư cách đứng tên làm chủ hóa đơn giá trị gia tăng, kiêm tờ khai yêu cầu hoàn thế hay không.

Ngoài em bé 9 tuổi này, thì có nhiều người ngoại quốc cũng đã làm đơn đề nghị đơn vị hoàn thuế giá trị gia tăng cho hải quan. Tuy nhiên, cơ quan hải quan vẫn đang rất bối rối trước những đơn đề nghị.

An Nhiên

https://www.sbtn.tv/em-be-uc-9-tuoi-yeu-cau-hoan-thue-mon-hang-6-ty-dong-hai-quan-ha-noi-lung-tung/

 

Công ty Bắc Hàn mở nhà hàng tại Hà Nội trá hình

để bán nhu liệu quốc phòng,

vi phạm lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc

Tin Hà Nội, Việt Nam.- Theo CNN, nhà hàng Koryo toạ lạc tại Hà Nội treo lá cờ màu xanh của Bộ thống nhất Triều Tiên làm biểu tượng hoạt động, đã không giấu được mối liên hệ chặt chẽ với Bắc Hàn. Hà Nội cũng không có vẻ giấu giếm mối liên hệ với Bắc Hàn. Bên trong nhà hàng, các nữ nhân viên tiếp tân cũng chăm chỉ phục vụ mì nguội và kim chi cho các thực khách. Tuy nhiên, hồ sơ trên

mạng cho thấy nhà hàng này chỉ là bức bình phong để một công ty bán nhu liệu sử dụng cho kỹ thuật nhận dạng khuôn mặt của con người lén lút hoạt động và bán sản phẩm.

Hai chuyên viên cao cấp của Hoa Kỳ cho rằng việc bán nhu liệu này có thể vi phạm lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc đối với Bắc Hàn từ năm 2017 để ngăn chận Bình Nhưỡng thu thập tiền mặt cung cấp cho chế độ Kim Jong Un tại Bắc Hàn.

Theo Jason Arterburn, nhà phân tích về Bắc Hàn và Trung Cộng tại Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Phòng Hiện Đại thì Bắc Hàn sản xuất và bán nhu liệu trên mạng giúp tin tặc được Bình Nhưỡng huấn luyện thành thạo tìm cách trộm thông tin. Bắc Hàn bị cấm bán vũ khí ra thị trường thế giới mặc dù thực chất vẫn tiếp tục tiến hành, nhưng không rõ nhu liệu cao cấp này có được sử dụng cho mục đích quân sự đang bị cấm vận hay không.

Theo Cameron Trainer, nhà phân tích nghiên cứu việc bảo trợ tài chính bất hợp pháp cho Bắc Hàn tại Trung tâm Nghiên Cứu Hoạt Động Vô Vị Lợi James Martin thì Bắc Hàn vẫn đang tìm kiếm nguồn tiền mặt để sử dụng vào việc sản xuất vũ khí hạt nhân. Các chuyên viên cũng nói rằng nhà hàng của Bắc Hàn toạ lạc tại Hà Nội bị tố cáo bán nhu liệu bất hợp pháp đã làm gia tăng sự lo lắng của thế giới về nguy cơ Bắc Hàn có thể sử dụng các nhà hàng khắp Á châu làm tấm bình phong cho hoạt động bán vũ khí trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Hồ sơ thương mại của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam cho thấy có một công dân Bắc Hàn tên Kim Jong Gil làm chủ một công ty bán cà phê và nhà hàng tại Việt Nam mang tên Mudo Vina, toạ lạc tại địa chỉ của nhà hàng Koryo ở Hà Nội.

https://www.sbtn.tv/cong-ty-bac-han-mo-nha-hang-tai-ha-noi-tra-hinh-de-ban-nhu-lieu-quoc-phong-vi-pham-lenh-cam-van-cua-lien-hiep-quoc/

 

Doanh nghiệp Trung Quốc

muốn làm cao tốc Bắc-Nam, người Việt lo ngại

Các doanh nghiệp của Trung Quốc nằm trong số những nhà đầu tư muốn đấu thầu dự án cao tốc Bắc-Nam của Việt Nam giữa bối cảnh có những quan ngại từ công chúng và cảnh báo của các chuyên gia về chất lượng kém cũng như tham vọng bá quyền của Trung Quốc trong các dự án của họ.

Tham dự Hội nghị kêu gọi đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức hôm 17/5, có hơn 170 nhà thầu trong và ngoài nước, trong đó có các nhà thầu Trung Quốc, theo truyền thông trong nước.

Cho đến thời điểm này, Bộ GTVT đã bán ra 80 bộ hồ sơ cho các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, và cả các doanh nghiệp trong nước, theo ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công-tư của Bộ GTVT, được tờ Người Lao Động trích lời nói.

Theo quan sát của phóng viên VOA tiếng Việt, kể từ đầu năm nay, công chúng Việt Nam đã bày tỏ quan ngại trước các thông tin nói rằng Tập đoàn Thái Bình Dương của Trung Quốc đề xuất với Bộ GTVT được tham gia đầu tư vào Dự án cao tốc Bắc-Nam.

Ngoài công chúng, các chuyên gia và cả những đại biểu quốc hội cũng khuyến cáo nhà chức trách cần cân nhắc kỹ việc nhà thầu Trung Quốc muốn tham gia làm tuyến đường cao tốc “huyết mạch” của Việt Nam.

Theo Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, có ba nguyên nhân khiến người Việt quan ngại về các nhà đầu tư Trung Quốc. Một trong số đó là việc một số nước đã tham gia vào sáng kiến Một Vành đai Một Con đường của Trung Quốc và bây giờ “bị mắc nợ rất nặng”.

Ông Doanh đưa ra 2 ví dụ là Sri Lanka và Campuchia, những nước đã cho Trung Quốc sử dụng cảng biển và giờ đây đang là những “con nợ” lớn của Trung Quốc.

Theo East Asia Forum, Sri Lanka hiện không có khả năng trả nợ Trung Quốc trong khi Campuchia bị phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc về mặt kinh tế.

“Điều thứ hai mà người dân Việt Nam rất quan tâm là đường cao tốc Bắc-Nam là đường cao tốc có ý nghĩa chiến lược và có liên quan đến vấn đề về an ninh, quốc phòng. Qua những điều mà báo chí thế giới nêu lên, nhiều nước lấy làm lo ngại về việc đầu tư của Trung Quốc có thể liên quan đến những tham vọng về bá quyền, chủ quyền và những tham vọng khác về an ninh quốc phòng,” ông Doanh nói.

Hàng lang vận tải Bắc-Nam, theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, “có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước.” Ông Nhật được tờ Nhân Dân trích lời phát biểu khai mạc hội nghị hôm 17/5 rằng hành lang này “kết nối trung tâm chính trị thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế TP Hồ Chí Minh, đi qua 32 tỉnh, thành phố và kết nối bốn vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, miền Trung, phía Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long, kết nối các đô thị lớn, các cảng biển, trung tâm kinh tế.”

Theo South China Morning Post, trong những tháng gần đây, các quốc gia châu, Liên minh châu Ấu, Úc, Nhật và Canada đã tham gia vào “một phản ứng dữ dội toàn cầu chưa từng có” đối với vốn đầu tư của Trung Quốc với lý do là các mối quan ngại về an ninh quốc gia.

TS Doanh, người từng là cố vấn kinh tế cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết, một mối lo ngại khác của công chúng Việt Nam là nếu nhà đầu tư Trung Quốc thắng thầu, họ “sẽ sử dụng hoàn toàn lao động Trung Quốc mà không sử dụng lao động Việt Nam.”

Theo thống kê của Bộ Lao đông-Thương binh và Xã hội đưa ra hồi năm 2017, lao động mang quốc tịch Trung Quốc chiếm tỷ lệ cao nhất, với 30% trong số lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Liên quan đến việc dư luận lo ngại “có rất nhiều nhà đầu tư Trung Quốc muốn tham gia các dự án”, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Đối tác công-tư, được Thanh Niên trích lời nói hôm 17/5 rằng Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới nên theo quy định của tổ chức này, không được phân biệt đối xử với bất kỳ một quốc gia nào.

“Việc nhiều nhà đầu tư đến từ Trung Quốc quan tâm đến dự án cao tốc Bắc-Nam là điều hoàn toàn bình thường, giống như các nhà đầu tư trong nước hay các nhà đầu từ đến từ các quốc gia khác,” theo ông Huy. “Vì thế chúng ta không phân biệt đối xử.”

Theo báo chí trong nước, nghị quyết của Quốc hội ban hành ngày 22/11/2017 thông qua chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Trước mắt đầu tư 11 dự án thành phần với chiều dài khoảng 654km, đi qua 13 tỉnh, thành phố, gồm ba dự án đầu tư công và tám dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP), với tổng mức đầu tư khoảng 118.716 tỷ đồng.

“Theo tôi rất cần có sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội và nên có một hội đồng các chuyên gia độc lập để xem xét, giám sát việc đấu thầu này,” TS Doanh nói.

Hồi tháng 3, hàng trăm người đã bày tỏ ý kiến trên các diễn đàn mạng xã hội đồng tình với đề xuất rằng nếu chính phủ Việt Nam muốn vay vốn Trung Quốc để làm cao tốc Bắc-Nam thì cần phải trưng cầu dân ý, vì việc này “liên quan đến an ninh quốc gia, sự tồn vong của dân tộc”.

https://www.voatiengviet.com/a/doanh-nghiep-trung-quoc-muon-lam-cao-toc-bac-nam-nguoi-viet-lo-ngai/4924782.html

 

Kiến nghị ‘xử lý’ người bức xúc về giá điện,

Bộ Công thương bị lên án

Dư luận Việt Nam, bao gồm nhiều người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội, đưa ra những lời lên án gay gắt nhằm vào Bộ Công thương trong dịp cuối tuần qua, sau khi bộ kiến nghị chính phủ “xử lý” những người có quan điểm phản đối đợt tăng giá điện gần đây.

Kiến nghị của Bộ Công thương là một phần trong báo cáo đề ngày 17/5 gửi đến chính phủ, theo các bản tin của Thanh Niên, Người Lao Động và VnExpress.

Hôm 20/3, giá điện ở Việt Nam “tăng 8,36%”, theo báo cáo chính thức của Bộ Công thương, mà bộ gọi đó là việc điều chỉnh giá “đúng quy định, quy trình, cũng như thời điểm”.

Tuy nhiên, theo quan sát của VOA, trên mạng xã hội, nhiều người dân viết rằng số tiền họ phải trả theo hóa đơn của tháng 4 tăng “từ 35 đến 75%” so với trước, kèm theo là vô số những lời lẽ bày tỏ bất bình cao độ về mức giá tăng vọt.

Vẫn theo ghi nhận của VOA, nhiều đài, báo chính thống ở Việt Nam như VOV, VietNamNet hay Zing News cũng đã đăng các bài cho hay, người dân “sốc”, “choáng váng” về mức giá tăng. Bên cạnh đó, các báo đài trong nước trích dẫn ý kiến một số chuyên gia nói rằng cách tính giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có những điểm bất hợp lý.

Như là một động thái đáp trả những phản ứng kể trên, trong báo cáo mới đây, Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông “chỉ đạo” các cơ quan báo chí “không đưa thông tin trái chiều về giá điện”.

Đồng thời, bộ cũng kiến nghị “có các biện pháp chấn chỉnh hoặc xử lý những cá nhân cố tình xuyên tạc, đưa thông tin không đầy đủ, khách quan về đợt điều chỉnh giá điện vừa qua nhằm kích động, gây rối trật tự, an toàn xã hội”.

Kiến nghị của bộ ngay lập tức vấp phải vô số lời lên án thể hiện trên các trang Facebook cá nhân cũng như trong hai diễn đàn “Góc nhìn Báo chí-Công dân” và “Bàn luận về Kinh tế-Chính trị” gồm tổng cộng trên 260.000 thành viên.

Hai nhà hoạt động được nhiều người biết đến, nhà báo độc lập Chu Vĩnh Hải và nhạc sĩ Tuấn Khanh, đều coi kiến nghị đó là “ngu xuẩn”. Ông Hải giải thích với VOA vì sao ông có cách nhìn như vậy:

“Khi anh ra một chính sách sai trái, người dân được quyền nêu ra chính kiến của mình. Đề xuất của Bộ Công thương vô tình dập tắt tiếng nói phản biện của người dân. Thứ hai, Bộ Công thương không thể giải thích được thế nào là chống phá, hoặc là gây rối được. Mà như thế anh làm sao xử lý được? Xử lý bằng cách nào?”

Chia sẻ với quan điểm của ông Chu Vĩnh Hải, nhạc sĩ Tuấn Khanh nhận xét rằng kiến nghị của Bộ Công thương cho thấy bộ có một lối tư duy “không có luật pháp, không hiểu biết về hành chính, công quyền”.

Nói thêm với VOA, nhà báo độc lập Chu Vĩnh Hải nhận định rằng Bộ Công thương đang mắc “sai lầm lớn” khi tìm cách hình sự hóa một vấn đề giữa người dân với ngành điện.

Nhà báo thường lên tiếng vì dân chủ và tiến bộ xã hội cho rằng sai lầm của Bộ Công thương có nguy cơ đổ thêm dầu vào lửa, khi mà sự bất bình của người dân về giá điện chưa hề lắng xuống, tròn hai tháng kể từ ngày giá tăng.

Ông Hải mô tả về những gì ông quan sát thấy:

“Người dân bức xúc về giá điện khủng khiếp lắm. Vào tháng 4, kỳ thanh toán đầu tiên sau khi tăng giá điện, thì họ còn than vãn. Nhưng đến kỳ tháng 5 này, nhận hóa đơn điện, thấy mức tăng khủng khiếp quá, rất nhiều người đã khóc. Sáng nay (20/5), tôi đi nộp tiền điện, chính bản thân cô nhân viên thu tiền điện cũng mếu máo khóc. Cô ấy bảo ‘Chúng nó là đồ ăn cướp’. Người dân họ phẫn nộ lắm”.

Trong bối cảnh lòng dân như vậy, kiến nghị của Bộ Công thương chỉ dừng lại như là một sự hăm dọa hay sẽ biến thành hành động trừng phạt cụ thể, đó là một điều “khó lường”, theo nhạc sĩ Tuấn Khanh. Mặc dù vậy, ông phân tích với VOA rằng ở thời điểm này, nhà chức trách Việt Nam có thể chưa “xử lý” những người phản đối giá điện tăng:

“Nhận thức của người dân càng lúc càng nhiều, sự phẫn nộ càng lúc càng lớn. Việc họ làm được lúc này tôi nghĩ tương đối là khó. Tôi không tin là họ không làm, bởi vì đối với những người cộng sản, không có gì họ không dám làm. Nhưng lúc này, cái sự dám làm cũng phải cân nhắc rất nhiều. Đặc biệt là cân nhắc với tình thế lúc này đại hội đảng, mọi thứ họ đang muốn yên lành và họ muốn không có gì bất thường xảy ra trong xã hội”.

Các báo Việt Nam cuối tuần qua cho hay, Bộ Công thương nói trong báo cáo của họ gửi tới chính phủ rằng trước sự bức xúc của nhiều người dân về biểu giá điện bậc thang bị cho là “đã lạc hậu”, trong thời gian tới bộ “sẽ nghiên cứu, đề xuất biểu giá điện mới với mục tiêu giảm bù chéo giữa các hộ tiêu thụ”.

https://www.voatiengviet.com/a/kien-nghi-xu-ly-nguoi-buc-xuc-ve-gia-dien-bo-cong-thuong-bi-len-an/4924748.html

 

Việt Nam chuyển đổi công tác hơn 1.100 cán bộ

Hơn 1100 cán bộ, công chức, viên chức được chuyển đổi vị trí công tác trong quí 1 vừa qua.

Truyền thông trong nước dẫn thông tin vừa nêu từ Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, trong báo cáo gửi Quốc hội về việc thực hiện nghị quyết số 113 Quốc hội khóa 13 và một số nghị quyết của Quốc hội khóa 14.

Theo thanh tra Chính phủ, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục đạt được nhiều kết quả rõ rệt, được người dân và các tổ chức quốc tế ghi nhận. Như dự án Mobifone mua 95% cổ phần của công ty cổ phần nghe nghìn Toàn Cầu AVG; công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam; cổ phần hóa cảng Quy Nhơn; chuyển đổi đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác ở TP Đà Nẵng.v.v…

Thanh tra Chính phủ cũng cho rằng, những kết quả này có tác động mạnh mẽ trong việc răn đe, ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng…  góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, tăng cường an ninh – quốc phòng, đối ngoạị.v.v…

Cũng trong báo cáo của Thanh tra Chính phủ, một số bộ, ngành, địa phương đã ban hành quy chế, tổ chức thi tuyển đối với một số chức danh lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Việc chuyển đổi vị trí công tác tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương thực hiện.

Tuy nhiên nhiều người tỏ ra thắc mắc về một số thuyên chuyển những cán bộ bị kỷ luật sang làm những chức vụ khác như trường hợp mới nhất là chuyển ông Tất Thành Cang ở Thành phố Hồ Chí Minh sang làm công tác ở ban biên soạn lịch sử. Ông Tất Thành Cang, cựu Phó Bí thư Thành ủy thành phố HCM bị kỷ luật đảng vì những sai phạm trong quản lý, sử dụng tài sản tại các doanh nghiệp thuộc sở huxu của  Đảng bộ thành phố.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-transferred-more-than-1100-civil-servants-05202019093224.html

 

Quốc hội đề nghị minh bạch việc tính giá điện

Quốc hội Việt Nam hôm 20/5 yêu cầu chính phủ phải có báo cáo minh bạch về cách tính giá điện, thời điểm tăng giá điện.

Phát biểu tại phiên khai mạc Quốc hội, kỳ họp thứ 7 khóa 14 hôm 20/5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh yêu cầu chính phủ phải có báo cáo đầy đủ về cơ sở của việc tăng giá điện và xăng cùng tác động của việc tăng giá tới chỉ số giá tiêu dùng và các mặt kinh tế, xã hội.

Theo báo cáo của Quốc hội, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 4 tháng đầu năm tăng 2,71% so với cùng kỳ năm ngoái, và được coi là mức tăng thấp nhất trong ba năm qua. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng đầu năm tăng 1,84% so với bình quân cùng kỳ năm ngoái.

Trong các tháng qua, nhiều người dân Việt Nam và một số chuyên gia tỏ ra bất bình với việc Bộ Công thương cho tăng giá điện lên 8,36% hồi tháng 3 vừa qua, ngay sau khi có một loạt lần điều chỉnh giá xăng. Giá điện tăng đột ngột đã khiến hóa đơn của nhiều người dân trong tháng 4 tăng đột biến gấp nhiều lần.

Bộ Công thương hôm 19/5 có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị chính phủ xử lý những ai cố tình xuyên tạc về đợt “điều chỉnh giá điện” vừa qua.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/parliament-demands-transparency-in-electricity-pricing-05202019092737.html

 

Kiểm toán nhà nước phát hiện nhiều sai sót

trong các dự án BOT và BT trong năm 2018

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc hôm 20/5 báo cáo trước Quốc hội, cho biết nhiều dự án BOT và BT được kiểm toán trong năm 2018 có sai phạm.

BOT là từ viết tắt trong tiếng Anh cho xây dựng, vận hành và chuyển giao. Việt Nam thời gian qua có nhiều dự án BOT đường bộ vấp phải nhiều phản đối của người dân vì thu phí quá cao hoặc trạm thu phí đặt sai vị trí.

BT là viết tắt cho các hợp đồng xây dựng và chuyển giao, thường được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng các công trình hạ tầng.

Ông Hồ Đức Phớc cho biết, kết quả kiểm toán cho thấy hầu hết các dự án trong 8 dự án BOT được kiểm toán năm 2018 có sai phạm về chỉ định nhà đầu tư, chỉ định nhà thầu thi công, xác định sai, tăng tổn mức đầu tư, chưa quy định khung giá vé đối với dự án đầu tư của công trình giao thông, nghiệm thu, thanh toán sai…

Ông Phớc cho hay Kiểm toán Nhà nước đã đề nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 7 trên 8 dự án là hơn 16 năm so với phương án tài chính ban đầu.

7 dự án BT được kiểm toán trong năm 2018 cũng cho thấy việc giao đất chỉ định cho nhà đầu tư trái với quy định của luật Đất đai.

Kiểm toán Nhà nươc cũng cho biết các dự án BT là lỗ hổng lớn nhất làm thất thoát tài sản, ngân sách nhà nước. Kết quả kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính gần 3.000 tỷ đồng.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/auditors-found-wrongdoings-in-a-number-of-bot-and-bt-projects-05202019092424.html

 

Việt Nam hãy nhìn vào đánh giá sai của TQ

về Donald Trump!

Trung Quốc một lần nữa lại đánh giá sai về Donald Trump, Tập Cận Bình đã rơi vào cái bẫy do chính mình dựng lên.

Hệ lụy khó lường 

Trong khi Tập Cận Bình không muốn luật hóa các thỏa thuận mà Mỹ đòi hỏi nhằm đảm bảo Trung Quốc sau này sẽ không vi phạm, thì Donald Trump cũng không muốn ký vào một bản thỏa thuận yếu đuối (weak deal) không phát huy được lợi thế của Mỹ về thuế quan.

Khi Tập Cận Bình đứng trước áp lực của phái cứng rắn tại Bắc Kinh không muốn nhân nhượng Mỹ (đòi Trung Quốc phải thay đổi luật pháp) thì việc đàm phán sẽ đổ vỡ là điều tất nhiên, không có gì bất ngờ.

Kết cục là hai siêu cường về kinh tế đã quay lại hiệp 3 của chiến tranh thương mại mà tuần trước nhiều người tưởng sắp kết thúc.

Không biết các cố vấn của Donald Trump có thực bị sốc vì Bắc Kinh đổi ý hay không, nhưng Donald Trump không muốn Bắc Kinh thoát khỏi thế cờ vây của Mỹ chừng nào họ không từ bỏ những việc làm gây bất ổn (destabilizing practices).

Theo một số chuyên gia, Bắc Kinh đã đoán sai về chính trị Mỹ (hy vọng báo cáo của Muellers và Joe Biden ra tranh cử tác động xấu tới Donald Trump). Họ còn cho rằng kinh tế vĩ mô của Mỹ có dấu hiệu suy yếu nên Donald Trump phải bắt FED giảm lãi suất.

Nhưng, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng cao hơn (3,2%) và thất nghiệp thấp hơn (3,6%), không bị trì trệ như Bắc Kinh đã dự đoán.

Việc tăng thuế quan không làm cho kinh tế Mỹ bị tổn thương nhiều (trong ngắn hạn). (Thương chiến Mỹ Trung: Khúc quanh mới và tác động, Phạm Đỗ Chí, BBC, May 12, 2019).

Trong khi đó, tình hình nội bộ của Trung Quốc bất ổn, tăng trưởng chỉ còn khoảng 6%, thị trường chứng khoán sụt 25% (2018), dự trữ ngoại hối giảm từ $4.000 tỷ xuống còn $2.600 tỷ (10/2018) và phục hồi lên mức $3.100 tỷ, hối suất đồng yuan giảm 6-8%.

Thất nghiệp cao vào lúc này là vấn đề chính trị số một của Tập Cận Bình.

Bắc Kinh chỉ còn cách đầu tư ra ngoài, nhất là các nước láng giềng vì lý do địa chính trị. Nhưng Bắc Kinh sẽ không còn đủ vốn cho kế hoạch đầy tham vọng, nên sáng kiến “Vành đai và Con đường” có thể bị phá sản.

Mỹ tăng cường sức ép lên các công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc (như Huawei và ZTE) với các cáo buộc vi phạm cấm vận và gián điệp công nghệ. Vụ bắt giam Mạnh Vãn Chu tại Canada để dẫn độ sang Mỹ là một ví dụ.

Tại Biển Đông, các chiến hạm của Mỹ và đồng minh tăng cường tập trận và tuần tra “FONOP”.

Tuy Trung Quốc có thể bắt nạt được các nước láng giềng nhỏ yếu trong ASEAN, nhưng phải đối mặt với một liên minh chiến lược mới là “Tứ cường” (Quad) gồm Mỹ-Nhật, Ấn-Úc.

(Trump Renews Trade War as China Talks End Without a Deal, Alan Rappeport & Ana Swanson, NYT, May 10, 2019).

Theo Reuters (10/5/2019), căn cứ vào 6 nguồn thạo tin khác nhau (trong đó có 3 nguồn từ phía Mỹ) Trung Quốc đã thay đổi hầu hết các cam kết mà họ đưa ra trong quá trình đàm phán và chính điều này đã làm Donald Trump nổi giận.

Trong 7 chương của dự thảo, Trung Quốc đã xóa bỏ các cam kết sẽ thay đổi luật pháp của mình để giải quyết những đòi hỏi cốt lõi của Mỹ là những ngòi nổ dẫn đến chiến tranh thương mại (như đánh cắp sở hữu trí tuệ và bí mật thương mại; ép buộc các công ty Mỹ ở Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ; cạnh tranh không lành mạnh; hạn chế việc tiếp cận thị trường tài chính Trung Quốc; thao túng tiền tệ).

Robert Lighthizer và Steven Mnuchin đã bị sốc trước sự thay đổi lập trường của phía Trung Quốc. Ngay những người bạn cũ của Bắc Kinh (như Henry Kissinger và Henry Paulson) cũng lo ngại và lên tiếng chỉ trích.

Theo CNN (9/5/2019) Trung Quốc một lần nữa lại đánh giá sai về Donald Trump, khi họ bắt bí vào giờ chót với hy vọng Wasington phải chấp nhận thỏa thuận với Bắc Kinh. Tập Cận Bình đã rơi vào cái bẫy do chính mình dựng lên.

Cả hai bên đều không muốn để cho dân chúng thấy mình đã nhượng bộ đối thủ, nên Trung Quốc và Mỹ đã khóa tay khóa chân nhau, cùng đẩy nhau tới bờ vực của cuộc chiến tranh thương mại.

Hầu hết các phân tích đều cho rằng nếu chiến tranh thương mại kéo dài, Bắc Kinh sẽ thiệt hại nhiều hơn Washington.

Khi thương mại bị gián đoạn trong cuộc chiến này, “Trung Quốc sẽ bị tổn thương nhiều hơn bảy lần so với Mỹ”.

Ngay khi Mỹ cũng chịu tổn thất thì Trung Quốc vẫn là bên bị tổn thương kinh tế nhiều hơn do phụ thuộc nhiều hơn vào xuất khẩu và gánh nợ ngày càng tăng của họ.

Nói cách khác, kinh tế Mỹ không yếu như một số người ở Bắc Kinh lầm tưởng, trong khi sách lược bắt bí Mỹ vào giờ chót làm Trump nổi giận.

Cơ hội và rủi ro của Việt Nam 

Các chuyên gia cho rằng các quốc gia mới nổi ở khu vực (như Việt Nam) sẽ được lợi nhiều nhất khi các công ty của Mỹ có thương hiệu lớn (như Adidas, Nike, Apple, Brooks Running) buộc phải rời Trung Quốc để chuyển sang nước khác.

Tháng 2/2019, HSBC đã xếp hạng Việt Nam nằm trong số các thị trường châu Á hưởng lợi lớn nhất từ nhiều kịch bản của chiến tranh thương mại.

Theo Natixis Research, Việt Nam có mức lương cạnh tranh nhất so với Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc (ngoài kỹ năng lao động tốt và chi phí thấp).

Brooks Running (của Warren Buffett) vừa công bố sẽ chuyển khoảng 8.000 việc làm của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam. Điều này sẽ khiến Việt Nam chiếm 65% sản lượng của Brooks Running trong khi Trung Quốc chỉ còn khoảng 10%.

Một đại diện của công ty JLL tại Việt Nam cho biết vài năm trở lại đây, các công ty có mặt tại Trung Quốc đã bắt đầu để mắt và rục rịch chuyển sang Việt Nam.

Cách đây khoảng 6 tháng, các công ty đó còn đang thăm dò, nhưng nay họ đã khá chắc chắn rằng Việt Nam là một lựa chọn tốt. (Tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đến Việt Nam? New Straits times, May 12, 2019).

Việc Mỹ áp thuế 25% lên hàng hóa từ Trung Quốc sẽ làm tăng nhanh tốc độ dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á, một hiện tượng đã diễn ra từ mấy năm qua trong ngành dệt may và điện tử.

Đặc biệt đối với Việt Nam, trong số 10 mặt hàng xuất khẩu hàng đầu, có 8 mặt hàng cùng loại với đối thủ Trung Quốc đang bị Mỹ đánh thuế.

Đây là mối lợi bất ngờ cho Việt Nam, thu hút được hàng loạt đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong đó có những tên tuổi lớn như Samsung.

Một số nước khác cũng đang hy vọng trong trung hạn, như nhận xét của Tony Cripps (CEO của HSBC tại Singapore):

“Chuyển đổi một chuỗi sản xuất quy mô cần có thời gian. Nếu căng thẳng tiếp tục, Thái Lan hay Malaysia cũng sẽ được quan tâm”. (Chiến tranh thương mại Mỹ Trung vừa đánh vừa đàm, VOA, May 10, 2019).

Theo các chuyên gia, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đối với Việt Nam là “con dao hai lưỡi” (a sword that cuts both ways), làm Việt Nam “vừa được vừa mất” (a winner and loser).

Investors Services đã nghiên cứu 23 nước ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và thấy có 4 nền kinh tế được lợi từ chiến tranh thương mại là Malaysia, Đài Loan, Thailand và Việt Nam. Đồng thời thấy có 4 nền kinh tế dễ bị thiệt hại là Hong Kong, Mông Cổ, Singapore và Việt Nam.

Trong khi lợi lộc là ngắn hạn thì chiến tranh thương mại kéo dài có thể làm suy yếu thương mại toàn cầu. Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào thương mại nên cần chuẩn bị cho tình huống xấu. Về lâu dài, Việt Nam cần cải cách thể chế sâu rộng.

“Với triển vọng bất ổn về tăng trưởng và thương mại, cũng như điều kiện tài chính eo hẹp hơn, việc suy giảm đầu tư sẽ làm thương mại sụt giảm, đặc biệt là Hong Kong, Singapore, Đài Loan, Việt Nam và Mông Cổ”. (For Vietnam Trade War a Sword That Cuts Both Ways, Ha Nguyen, VOA, April 11, 2019).

Theo các chuyên gia, phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư nước ngoài cũng làm cho Việt Nam dễ bị tổn thương trước sự thay đổi của xu hướng thương mại toàn cầu.

Họ khuyên Việt Nam cải cách kinh tế thực sự và có tầm nhìn lâu dài đối với những cản trở làm cho đất nước dễ bị tổn thương trước các xung đột thương mại.

Họ lo ngại rằng Việt Nam quan tâm quá ít đến cải cách mà chú trọng quá nhiều đến ký kết các hiệp định thương mại và bình ổn tiền tệ, chỉ tập trung nhiều vào các giải pháp tình huống để duy trì ổn định

vĩ mô và tăng xuất khẩu trong ngắn hạn mà bỏ qua cải cách kinh tế triệt để nhằm tái tạo khả năng tăng trưởng bền vững.

Trong cuộc họp Trump-Kim tại Hà Nội (27-28/2/2019), dự thảo thỏa thuận đã sẵn sàng để hai bên ký vào trưa ngày 28/2. Nhưng Donald Trump đã nổi giận bay về Mỹ ngay trưa hôm đó, sau cuộc họp báo ngắn.

Theo tin giờ chót, Bắc Kinh đã khuyên Kim Jong-un nên cứng rắn đối với Donald Trump, vì cho rằng lúc đó Donald Trump đang bối rối do cả đêm mất ngủ để theo dõi diễn biến buổi họp Quốc Hội kết tội mình sau lời khai gây sốc của luật sư Cohen, hy vọng Donald Trump sẽ cần một thỏa thuận với Kim Jong-un với bất cứ giá nào.

Nhưng Donald Trump đã tức giận bỏ về, làm Kim Jong-un nuối tiếc vì đánh mất một cơ hội hiếm có để Mỹ bỏ cấm vận và Nam Hàn giúp phục hồi kinh tế.

Nhưng dường như các quan chức Trung Quốc vẫn chưa thực sự hiểu tính cách và phong cách đàm phán thất thường của Donald Trump.

Tuy Tập Cận Bình đã thay đổi cam kết sau khi xem lại dự thảo văn bản, nhưng Phó thủ tướng Lưu Hạc chắc phải chịu một phần trách nhiệm về sự đổ vỡ đó.

Có lẽ Tập Cận Bình đã đánh giá sai khả năng có thể gây sức ép đối với Donald Trump, nên Bắc Kinh chắc bị bất ngờ khi Donald Trump hành động mạnh mẽ, quyết liệt, không cho tiếp tục đàm phán, khiến sách lược hoãn binh câu giờ của Tập Cận Bình mất tác dụng.

Giữa Mỹ và Trung Quốc dường như không có sự tin cậy lẫn nhau về các vấn đề nhạy cảm như cạnh tranh về công nghệ, Đài Loan và Biển Đông.

Có thể nói dù có đạt được thỏa thuận hay không, giới tinh hoa Mỹ vẫn đồng thuận coi Trung Quốc là mối đe dọa chiến lược. (As China Trade Talks Stall Xi Faces a Dilemma: Fold Or Double Down? Chris Buckley & Steven Lee Myers, NYT, May 9, 2019).

http://biendong.net/goc-nhin-moi/28120-viet-nam-hay-nhin-vao-danh-gia-sai-cua-tq-ve-donald-trump.html