Đọc báo Pháp – 18/05/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 18/05/2019

Trung Quốc và Hoa Kỳ

lao vào một cuộc chiến tranh lạnh kiểu mới

Trọng Nghĩa

Cuộc đọ sức thương mại Mỹ – Trung đột ngột trở nên gay gắt dĩ nhiên đã được các tuần báo hết sức chú ý. Tuần báo Anh The Economist số ghi ngày 18/05/2019 mở hồ sơ đặc biệt về cuộc tranh chấp này với hàng tựa ở trang bìa « Trung Quốc đấu với Mỹ : Một cuộc chiến tranh lạnh kiểu mới – China vs America: A new kind of cold war ».

Phải nói là hồ sơ đặc biệt của The Economist rất súc tích, bao gồm 9 bài phân tích và mở đầu bằng một bài xã luận trong đó tuần báo Anh cho rằng vấn đề là làm thế nào để quản lý sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Hoa Kỳ và một Trung Quốc đang trỗi dậy.

Tờ báo giải thích : thương mại chỉ là một phần trong các vấn đề tranh chấp giữa hai cường quốc, trải rộng từ các linh kiện bán dẫn cho đến tàu ngầm, từ các bộ phim bom tấn cho đến thám hiểm mặt trăng. Trước đây, hai siêu cường đã tìm kiếm một hình thức giao dịch cả hai bên cùng có lợi, nhưng ngày nay, tình hình đã trở thành « tôi thắng thì anh phải thua ».

Nói cách khác, hoặc là Trung Quốc bị đánh quỵ và sẽ phải tuân theo trật tự của Mỹ; hoặc là Mỹ phải khiêm tốn rút lui ra khỏi khu vực phía tây Thái Bình Dương. Có thể nói đây là một kiểu chiến tranh lạnh mới, trong đó hầu như sẽ không có kẻ chiến thắng.

Trong thời gian gần đây, theo tuần báo Anh, quan hệ giữa hai siêu cường đã trở nên tồi tệ. Mỹ phàn nàn rằng Trung Quốc đang vươn lên vị trí hàng đầu bằng cách gian lận, đánh cắp công nghệ, cũng như bằng cách phô trương sức mạnh ở Biển Đông hay bắt nạt các nền dân chủ như Canada và Thụy Điển. Trung Quốc bị cáo buộc là mối đe dọa cho hòa bình thế giới.

Về phần Trung Quốc, nước này đang bị kẹt giữa giấc mơ giành lại vị trí xứng đáng ở châu Á và nỗi lo sợ rằng nước Mỹ, vì mệt mỏi và ghen tị, không thể chấp nhận đà đi xuống của chính mình, sẽ ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Mỹ muốn cô lập Trung Quốc nhưng không dễ

Đối với The Economist, nguy cơ thảm họa sắp diễn ra đang hiển hiện. Dưới thời các hoàng đế Kaiser, đế quốc Phổ đã lôi thế giới vào chiến tranh; Mỹ và Liên Xô trước đây như đã đùa với thảm họa nguyên tử. Ngay cả trong trường hợp Trung Quốc và Mỹ ngừng xung đột, thế giới sẽ phải gánh chịu hậu quả do việc tăng trưởng chậm lại và các vấn đề tồn tại khác do sự thiếu hợp tác giữ hai nước lớn.

Mong muốn của Mỹ là cô lập được Trung Quốc như họ đã từng làm với Liên Xô trước đây. Vấn đề là vào thời điểm đó, giao thương Hoa Kỳ – Liên Xô là 2 tỷ đô la một năm, thì ngày nay, giao thương Mỹ – Trung Quốc cũng là 2 tỷ đô la, nhưng là một ngày ! Bên cạnh đó, nền kinh tế của hầu hết đồng minh của Mỹ ở châu Á và châu Âu đều lệ thuộc vào việc buôn bán với Trung Quốc.

The Economist kết luận : Cả hai bên cần cảm thấy an toàn hơn, nhưng cũng phải học cách sống chung trong một thế giới không tin tưởng lẫn nhau lắm. Không nên nghĩ rằng đạt được điều đó sẽ dễ dàng hoặc nhanh chóng.

Tâm lý nghi kỵ Trung Quốc tăng cao tại Mỹ

Như nói ở trên, hồ sơ đặc biệt của The Economist về căng thẳng Mỹ-Trung phân tích hầu như mọi khía cạnh của cuộc đọ sức, từ kinh tế, thương mại, cho đến văn hóa, xã hội, và kể cả quân sự.

Bài « Nhìn từ Washington » chẳng hạn nêu bật đồng thuận trong chính giới Mỹ về mối đe dọa Trung Quốc. Những cáo buộc theo đó Trung Quốc đã có những hành vi trộm cắp và làm gián điệp nhắm vào Mỹ đã làm cho dư luận cứng rắn hơn với Bắc Kinh.

Một ví dụ cụ thể của thái độ nghi kỵ gia tăng được ghi nhận trong bài « Xuống nông trại: Tại sao Iowa là nơi Tập Cận Bình ưa thích ở Mỹ ». Ngay tại bang nổi tiếng có cảm tình dành cho ông Tập Cận Bình, thái độ đối với Trung Quốc cũng đang thay đổi.

Ở chiều ngược lại, trong bài « Nhìn từ Bắc Kinh : Đồng sàng dị mộng », tuần báo Anh cho thấy là người Trung Quốc càng lúc càng cay đắng hơn đối với người Mỹ, nhiều quan chức đã tỏ thái độ thất vọng vì Donald Trump.

Một hậu quả được tuần báo Anh nêu bật trong bài « Thuyền chậm : Người Mỹ và Trung Quốc bình thường có dấu hiệu đang rời xa nhau ». Trao đổi văn hóa và giáo dục Mỹ-Trung không còn khởi sắc như trong những năm trước đây…

Tham vọng quân sự của Bắc Kinh:

Đẩy Mỹ ra khỏi vùng Tây Thái Bình Dương

Lãnh vực quân sự dĩ nhiên cũng được chú ý. Trong bài có tựa đề rất lạ « Phát triển quân sự: Các khoảnh khắc Sputnik », The Economist không ngần ngại cảnh báo rằng « quan hệ quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc cần đến các quy tắc » để quản lý tốt các trường hợp đối đầu ngoài ý muốn.

Giải thích về tựa đề bài viết, tuần báo Anh nhắc lại rằng chính việc Liên Xô phóng thành công vệ tinh đầu tiên quay quanh Trái đất, Sputnik 1 vào năm 1957 đã gây ra một cuộc khủng hoảng niềm tin ở người Mỹ, thúc đẩy nước này vươn lên mạnh mẽ thêm về quân sự để giành lại thế thượng phong. Hiện nay Mỹ cũng đang bị một cuộc khủng hoảng niềm tin trước đà trỗi dậy của Trung Quốc, nhưng nguyên nhân không còn là duy nhất một khoảnh khắc Sputnik mà là nhiều vụ nhỏ hơn liên tiếp.

Các lực lượng vũ trang Trung Quốc đang bắt kịp nhanh chóng Quân Đội Mỹ. Trung Quốc đã thay thế kho vũ khí cũ kỹ của Liên Xô bằng các chiến đấu cơ và chiến hạm tiên tiến. Họ đã đầu tư vào các tên lửa chống hạm và các đội tàu ngầm để ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ vào vùng biển Trung Quốc. Bắc Kinh cũng củng cố các hòn đảo nhỏ và rạn san hô trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông bằng tên lửa, radar và phi đạo…

Và điểm nóng quân sự khẩn cấp nhất đối với Hoa Kỳ không còn là Đài Loan nữa. Báo cáo mới đây của Mỹ về sức mạnh quân sự của Trung Quốc nêu rõ thái độ quan ngại của giới hoạch định chính sách Hoa Kỳ trước những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đẩy Mỹ ra khỏi các vùng biển quanh Trung Quốc, thậm chí ra hẳn bên ngoài chuỗi đảo đầu tiên từ Nhật Bản lên đến Đài Loan.

Phi cơ và chiến hạm Mỹ thường xuyên sử dụng các quyền hợp pháp để vượt qua Biển Đông. Điểm đáng lo ngại là các phản ứng của Trung Quốc trước các hành động của Mỹ có thể leo thang một cách khó lường.

Kinh tế : Vũ khí hủy diệt hàng loạt của Trump

Tuần báo Pháp Courrier International cũng dành hồ sơ chính cho tình hình Hoa Kỳ, với một câu hỏi rất khiêu khích làm tựa trang bìa : « Giả sử nước Mỹ trở thành xã hội chủ nghĩa thì sao?»

Tại Mỹ, chiến dịch tranh cử tổng thống vào tháng 11 năm 2020 đã bắt đầu, và cánh tả Mỹ, do các gương mặt tiêu biểu như Alexandria Ocasio-Cortez và Bernie Sanders dẫn đầu, dường như đang khởi sắc trở lại. Tuần báo Pháp đã trích dịch các bài phân tích trên báo chí Anh Mỹ về vấn đề này.

Hồ sơ của Courrier International đặc biệt chú ý đến các động thái ngoại giao của Mỹ thời chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Lý thú nhất có lẽ là bài « Kinh tế, vũ khí hủy diệt hàng loạt» đăng trên nhật báo Mỹ Wall Street Journal, nhận thấy chính quyền Donald Trump dùng sức mạnh kinh tế của Mỹ để áp đặt quan điểm chính trị của Washington với các nước khác, không những với Trung Quốc, Venezuela đã đành, mà cả với các đồng minh. Theo tác giả bài báo, khi làm như vậy, Hoa Kỳ có thể thúc đẩy mọi người liên minh chống lại Mỹ.

Courrier International cũng trích dịch một bài viết khác về ngoại giao đăng trên tờ New York Times ghi nhận : « Bắc Triều Tiên, Iran, Venezuela: Trump nhân rộng các cuộc khủng hoảng ». Tổng thống Mỹ đã liên tục khởi động các trận chiến ngoại giao chống lại một số chế độ trên hành tinh. Vấn đề là các hành động này không cho thấy một tầm nhìn chiến lược dài hạn.

Trong số các hồ sơ nóng, có vấn đề Trung Đông với căng thẳng đang leo thang giữa Mỹ và Iran. Trong bài « Trump trên đường chiến tranh với Iran », tạp chí Mỹ Foreign Policy, được Courrier International trích đăng, đã lo ngại rằng dưới ảnh hưởng của các cố vấn diều hâu đang bao quanh ông, cũng như thói quen dùng những lời lẽ hiếu thắng, tổng thống Mỹ có nguy cơ vô tình gây ra một cuộc chiến tàn khốc chống lại chế độ Iran.

Riêng về chính sách Bắc Triều Tiên của chính quyền Donald Trump, Courrier International đã trích dịch một bài viết trên tờ Kyunghyang Shinmun tại Seoul mang tựa đề lơ lửng « Chừng nào mà tên lửa của Bắc Triều Tiên không đe dọa Hoa Kỳ… ». Tờ báo đã tỏ thái độ phẫn nộ trước điều được cho là quan điểm ích kỷ của Washington trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, chỉ nghĩ đến lợi ích của Mỹ mà thôi.

Lãnh đạo cực hữu Ý Salvini,

nhân vật mạnh mới của châu Âu

Với chiến dịch vận động tranh cử vào Nghị Viện Châu Âu đang diễn ra tại các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu, không hẹn mà gặp, hai tuần báo Pháp Le Point và L’Obs đều dành trang bìa và hồ sơ chính cho các phong trào dân túy châu Âu.

Với trang bìa mang tựa lớn « Salvini, nhân vật mạnh mới của châu Âu » trên nền ảnh chân dung của đương kim bộ trưởng Nội Vụ Ý, Le Point đã dành một hồ sơ 12 trang cho điều được tạp chí mệnh danh là một « liên minh quốc tế không thể tưởng tượng nổi của các thành phần dân tộc chủ nghĩa », kết hợp từ Le Pen tại Pháp, Orban tại Hungary, cho đến Steve Bannon tại Mỹ.

Le Point đã dành trọn 6 trang bài để nói về Matteo Salvini, gương mặt tiêu biểu của xu hướng này tại Tây Âu. Độc giả sẽ biết được là chính khách người Ý này từng mặc áo T-shirt mang dòng chữ « Giáo hoàng của tôi là Benedicto », cũng nhắc đến « Thánh Gioan Phao Lồ Đệ Nhị », nhưng ông không mấy ưa thích giáo hoàng Phanxicô đương nhiệm, bị ông cho là một người thiên tả bảo vệ nhập cư.

Tạp chí Pháp đặc biệt lưu ý đến việc dù không phải là tổng thống hay thủ tướng của nước Ý, nhưng Salvini luôn chiếm lĩnh trang bìa các tạp chí Pháp, Anh, Đức. Và khi được mời giải thích vì sao ông lại thu hút sự chú ý của quần chúng, ông đã trả lời : « Tôi không biết nữa, tôi không giải thích được. Có lẽ lúc này là một thời đại mà người ta cần những con người thật, không dựa dẫm vào giới kỹ trị, không triết lý viễn vông, tôi sử dụng ngôn ngữ của những con người thật. »

Dù sao thì quyển sách ghi lại những cuộc nói chuyện với bộ trưởng Ý hiện là sách bán chạy số 1 trên trang mạng Amazon tại Ý.

L’Obs: Dân túy là một dịch bệnh chết người đang lây lan

Cũng đề cập đến các phong trào dân túy ở châu Âu, nhưng tạp chí L’Obs nhấn mạnh hiện tượng « lây lan » của một « bệnh dịch chết người ». Tuần báo Pháp theo xu hướng thiên tả đã chạy tựa lớn trên trang bìa « Sống trong chủ nghĩa dân túy », kèm theo lời giải thích: « Ý, Ba Lan, Hungary… Chuyến du hành qua những vùng châu Âu đã chuyển hướng ».

Trong một hồ sơ dài 15 trang, L’Obs không ngần ngại so sánh chủ nghĩa dân túy với một « dịch bệnh chết người », đã « lây nhiễm cho 150 triệu người Châu Âu ». Tạp chí ghi nhận : « Hàng triệu người Châu Âu hiện nằm dưới sự cai quản của các lãnh đạo dân túy. Một số đã thích nghi, nhưng một số khác thì kháng cự lại mô hình độc đoán mới này ».

Tạp chí Pháp nhắc lại rằng dịch dân túy đã thâm nhập Hungary vào năm 2010, rồi lan sang Ba Lan, Áo, và Ý vào năm 2018. Triệu chứng đã xuất hiện tại Bulgari. Căn bệnh này, theo L’Obs, chính là mô hình chính phủ dân túy do tổng thống Nga Vladimir Putin sáng chế, một « nền dân chủ phi tự do », một chế độ bảo thủ và dân túy, có khuynh hướng độc tài nhưng « cố tìm tính chính đáng qua các thùng phiếu ».

Tạp chí L’Obs đã đi điều tra tại Hungary, Ba Lan, Ý, nhưng cũng không quên nước Pháp với ví dụ của Robert Ménard ở Béziers.

Dân túy cũng nằm trong lãnh vực kinh tế, đặc biệt là ở Hungary : Công ty Điện Lực Pháp EDF, Hãng Chèque Déjeuner (chuyên cung cấp phiếu ăn trưa)… và các công ty Pháp hoạt động trong các lãnh vực mà đảng cầm quyền Fidesz tại Hungary xem là quan trọng để giữ vị trí lãnh đạo – năng lượng, viễn thông, phân phối, tài chính, đều đã bị đuổi khỏi đất nước này. Tập đoàn siêu thị Pháp Auchan cũng biết là đang trong tầm ngắm của chính quyền.

Và cũng như Trump, chính sách kinh tế của thủ tướng Orban tại Hungary đã cho thấy kết quả : « Tăng trưởng tốt đẹp, nợ công giảm, thất nghiệp hầu như số không, kiểm tra thuế cho phép thu tiền về cho quỹ nhà nước, đầu tư dễ dàng, thuế 9% rất thuận lợi đối với các công ty và thuế duy nhất 15% đánh trên thu nhập được dân chúng hoan nghênh ».

Trong lúc đó tại Ba Lan, chính quyền dân túy lại kêu gọi sử dụng bạo lực đối với đối lập. Theo L’Obs, đảng PiS đang cầm quyền chọn lấy một đối thủ cần triệt hạ, tìm cách hạ uy tín đối thủ đó rồi bêu ra làm mồi kích động nỗi tức giận của dân chúng. Một chính khách đối lập Ba Lan, bà Agnieszka Pomaska, thuộc đảng Cương Lĩnh Công Dân đã tố cáo : « Họ đã chia Ba Lan làm hai : một bên là người Ba Lan tốt, những người yêu nước và bên kia là kẻ xấu, kẻ phản bội».

Một nạn nhân điển hình: Thị trưởng Gdansk Pawel Adamowicz, thuộc phe đối lập, đã bị đâm chết trước hàng trăm người ngày 13/01 vừa qua.

L’Express : Chất độc Facebook

Khác với các đồng nghiệp, L’Express đã giành trang bìa cho « Chất độc Facebook » và một hồ sơ dài 13 trang để giải mã những « lời nói dối » của Facebook.

Trả lời tạp chí Pháp, Aaron Greenspan, bạn học cũ tại Harvard của chủ nhân Facebook Mark Zuckerberg, đã tố cáo : « Mark đã xây dựng một doanh nghiệp dựa trên 15 năm dối trá ».

L’Express nhắc lại rằng trong một báo cáo công bố vào tháng Giêng năm 2019, Greenspan, người từng cáo buộc Zuckerberg đã cướp mất khái niệm Facebook của anh, ước tính rằng hơn một nửa trong số 2,38 tỷ người dùng mạng là người giả. Đối với Greenspan, tỷ lệ tài khoản Facebook giả mạo có thể lên đến 63%.

L’Express trích lời Nicolas Chagny, chủ tịch Internet Society France, một tổ chức phi chính phủ « bảo vệ quyền của người dùng Internet » cho rằng : « Trước đây, để đo lường số lượng khán giả, người ta sử dụng các định chế bên ngoài công ty. Tuy nhiên ngày nay, những tập đoàn khổng lồ như Facebook tự mình sản xuất ra số liệu, họ vừa đá bóng, vừa thổi còi ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20190518-trung-quoc-hoa-ky-chien-tranh-lanh-kieu-moi

 

 

Tin đọc nhanh

(Yonhap) – Hàn Quốc cho phép các công ty đến Kaesong. 

Bộ Thống Nhất Hàn Quốc hôm 17/05/2019 thông báo sẽ cho phép một nhóm chủ doanh nghiệp đến khu kỹ nghệ Kaesong tại Bắc Triều Tiên, lần đầu tiên từ khi khu này bị đóng cửa vào năm 2016. Khoảng 200 công ty có nhà máy tại đây đã nhiều lần đưa ra yêu cầu này để kiểm tra tình trạng thiết bị tại chỗ, sau khi bị đột ngột buộc ngưng hoạt động.

(AFP) – Giải cứu bốn con tin châu Á tại Libya. 

Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất hôm 17/05/2019 loan báo đã giải cứu được ba kỹ sư người Philippines và một người Hàn Quốc, bị bắt cóc hồi tháng 7/2018 tại Libya, nhờ có sự trợ giúp của thống chế Khalifa Haftar. Cả bốn người châu Á này làm việc tại một dự án thủy điện của chính quyền Libya, đã được đưa về Abou Dhabi trước khi hồi hương.

(AFP) – Trung Quốc nhận dạng khuôn mặt cả gấu trúc. 

Tân Hoa Xã hôm 17/05/2019 khoe rằng Trung Quốc đã triển khai một ứng dụng giúp các nhà khoa học nhận ra được từng con gấu trúc (panda) một, nhờ công nghệ nhận diện. Một cơ sở dữ liệu gồm trên 120.000 tầm hình và 10.000 video về gấu trúc khổng lồ cũng đã được thiết lập, để giúp nhận dạng khuôn mặt của từng con gấu.

(AFP) – Tàu chở hàng bị Mỹ chận giữ, Bắc Triều Tiên cầu cứu LHQ. 

Trong một lá thư gởi tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Antonio Guterres, ngày 17/05/2019, Kim Song – đại diện thường trực của Bắc Triều Tiên ở Liên Hiệp Quốc, kêu gọi Liên Hiệp Quốc can thiệp « khẩn cấp » nhằm thu hồi lại chiếc tàu hàng bị Mỹ chận giữ. Theo Bình Nhưỡng, hành động chặn giữ tầu chở dầu của Mỹ là « một hành vi bất hợp pháp và quá đáng ». Hành vi này « cho thấy rõ Hoa Kỳ quả thật là một quốc gia xã hội đen không chút màng tới các luật lệ quốc tế »

(AFP) – Indonesia phá vỡ một mạng lưới khủng bố.

Theo cảnh sát Indonesia ngày 17/05/2019, tổng cộng có 29 người bị bắt giữ. Những người này bị nghi ngờ có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo Daech và có âm mưu thực hiện một vụ khủng bố vào thời điểm thông báo kết quả tổng tuyển cử được dự kiến trong tuần tới. Tính từ đầu năm đến nay, an ninh Indonesia đã bắt giữ tổng cộng 60 người trong các chiến dịch chống khủng bố trên toàn quốc.

(AFP) – Liên Hiệp Quốc và Bangladesh cấp thẻ căn cước cho người tị nạn Rohingya.

Phát ngôn viên Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc trong buổi họp báo ngày 17/05/2019 cho biết đã cấp thẻ căn cước cho hơn 250.000 người Rohingya, đang tị nạn tại Bangladesh. Tờ giấy này sẽ cho phép họ trở về Miến Điện một khi điều kiện cho phép.

(AFP) – Căng thẳng vùng Vịnh : Hoa Kỳ cảnh báo các hãng hàng không « thận trọng ».

Theo Cơ quan Quản lý Hàng không Liên bang Mỹ ngày thứ Năm 16/05/2019, nguyên nhân là do các « hoạt động quân sự và căng thẳng chính trị gia tăng trong khu vực ». Cơ quan này còn cảnh báo nguy cơ hệ thống định GPS và các hệ thống liên lạc bị gây nhiễu. Khuyến nghị đưa ra sau khi tổng thống Mỹ điều hàng không mẫu hạm đến vùng Vịnh, đồng thời cho rút các nhân viên ngoại giao không thiết yếu tại Irak, với lý do có nhiều mối đe dọa từ các nhóm vũ trang Irak do Iran hậu thuẫn.

(RFI) – Pháp : Áo Vàng hồi 27 hụt hơi, sau sáu tháng rầm rộ phản đối.

Ngày 18/05/2019 là đúng 6 tháng nổ ra phong trào Áo Vàng tại Pháp, phản đối đời sống đắt đỏ, sưu thuế cao. Thế nhưng, trong ngày thứ Bảy xuống đường thứ 27 liên tiếp này, phong trào Áo vàng có dấu hiệu suy yếu rõ rệt. Kiệt sức và e ngại bạo lực là nguyên nhân chính giải thích cho tình trạng « hụt hơi » này.

(AFP) -Tuần hành chống Monsanto tại nhiều nước

Hôm nay 18/05/2019 nhiều người đã xuống đường tại Paris và khoảng vài chục thành phố khác trên thế giới, để chống lại các tập đoàn hóa chất nông nghiệp, đặc biệt là Monsanto. Đây là năm thứ bảy liên tiếp diễn ra các cuộc tuần hành phản đối phương pháp thâm canh quá mức dựa vào phân bón hóa học, gây ảnh hưởng tai hại cho đa dạng sinh thái và sức khỏe các nhà nông. Tại Pháp, ba yêu sách được đưa ra gồm : hỗ trợ các nông dân sản xuất theo phương pháp sinh thái, cấm sử dụng chất glyphosate, hạn chế vận động hành lang. Cuộc tuần hành tại Paris có sự tham dự của bà Trần Tố Nga, nạn nhân chất độc da cam – mà Monsanto là một trong hai nhà cung ứng lớn nhất cho quân đội Hoa Kỳ trong thời chiến tranh Việt Nam.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190518-tin-doc-nhanh