Sự nguy hiểm của ‘Thuyết tiền tệ hiện đại’
Nguồn: Sebastián Edwards, “Modern Monetary Disasters”, Project Syndicate, 16/05/2019 – Biên dịch: Phan Nguyên
Thuyết tiền tệ hiện đại (Modern Monetary Theory – MMT), một cách tiếp cận chính sách kinh tế có vẻ mới, đã trở thành một chủ đề nóng, nhận được sự ủng hộ từ các chính trị gia cánh tả hàng đầu của Hoa Kỳ như ứng cử viên tổng thống Bernie Sanders và Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Alexandria Ocasio-Cortez. Nhưng những người ủng hộ thuyết MMT nên chú ý đến những bài học kinh nghiệm ở Mỹ Latinh, nơi các chính sách dựa trên những ý tưởng tương tự đã mang lại những thảm họa kinh tế không thể tránh khỏi.
Theo những người ủng hộ thuyết MMT, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ nên in số lượng tiền lớn để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng công cộng khổng lồ, cùng với một chương trình “đảm bảo việc làm” nhằm mục đích đạt được toàn dụng lao động. Những người ủng hộ thuyết MMT tuyên bố một sự gia tăng nợ công lớn sẽ không gây nguy hiểm cho một quốc gia có thể đi vay bằng chính đồng tiền của mình như trường hợp Hoa Kỳ.
Quan điểm phi truyền thống này đã bị chỉ trích bởi những người theo chủ thuyết Keynes cũng như các học giả theo thuyết trọng tiền. Nhiều nhà kinh tế đáng kính, bao gồm Paul Krugman, Kenneth Rogoff và Larry Summers, đều nói rằng thuyết MMT không có ý nghĩa gì.
Đáp lại, những người ủng hộ thuyết MMT cho rằng các nhà phê bình không hiểu đầy đủ về cách thức hoạt động của một nền kinh tế tiền tệ hiện đại. Theo những người ủng hộ thuyết MMT có ảnh hưởng như Stephanie Kelton, chính phủ ở các quốc gia có đồng tiền quốc gia (mạnh), chẳng hạn như Mỹ, không phải đối mặt với những giới hạn ngân sách cứng vì đơn giản họ có thể in thêm tiền để tài trợ cho chi tiêu cao hơn.
Đánh giá giá trị của thuyết MMT là rất khó, vì hai lý do. Thứ nhất, những người ủng hộ thuyết này không cung cấp một mô tả chi tiết, thống nhất về cách thức hoạt động của mô hình. Như Krugman đã viết gần đây, những người ủng hộ MMT “có xu hướng không rõ ràng về sự khác biệt cụ thể giữa quan điểm của họ với các quan điểm truyền thống, đồng thời có thói quen mạnh mẽ gạt bỏ mọi nỗ lực nhằm làm rõ ý của họ là gì”. Ngoài ra, những người ủng hộ thuyết MMT hầu như không đưa ra bất kỳ phân tích nào về cách chính sách có thể hoạt động trên thực tế, đặc biệt là trong trung và dài hạn.
Tuy nhiên, cách tiếp cận này không phải là chưa từng có tiền lệ. Thuyết MMT, hoặc một số phiên bản của nó, đã được thử nghiệm ở một số quốc gia Mỹ Latinh, bao gồm Chile, Argentina, Brazil, Ecuador, Nicaragua, Peru và Venezuela. Tất cả đều có đồng tiền riêng của mình tại thời điểm áp dụng chính sách này. Hơn nữa, chính phủ của họ – hầu hết đều là dân túy – đã dựa vào những lập luận tương tự như của những người ủng hộ thuyết MMT ngày nay để biện minh cho sự tăng mạnh chi tiêu công được tài trợ bởi ngân hàng trung ương. Và tất cả những thí nghiệm này đã dẫn đến lạm phát phi mã, đồng tiền mất giá mạnh và sự sụt giảm nhanh chóng của tiền lương thực tế.
Bốn trường hợp đặc biệt tiêu biểu là Chile dưới chế độ xã hội chủ nghĩa của Tổng thống Salvador Allende từ 1970 đến 1973; Peru thời kỳ chính quyền đầu tiên của Tổng thống Alan García (1985-1990); Argentina dưới thời Tổng thống Néstor Kirchner và Cristina Fernández de Kirchner từ năm 2003 đến 2015; và Venezuela từ năm 1999 dưới thời các Tổng thống Hugo Chávez và Nicolás Maduro.
Trong cả bốn trường hợp, một mẫu hình tương tự nhau đã xuất hiện. Sau khi chính quyền in tiền để tài trợ thâm hụt ngân sách rất lớn, nền kinh tế ngay lập tức bùng nổ theo. Tiền lương tăng (nhờ mức tăng lương tối thiểu đáng kể) và thất nghiệp giảm. Tuy nhiên, ngay sau đó, các nút thắt đã xuất hiện và giá cả tăng vọt, trong một số trường hợp là siêu lạm phát. Lạm phát lên mức 500% ở Chile vào năm 1973, khoảng 7.000% ở Peru vào năm 1990 và dự kiến sẽ gần mười triệu phần trăm ở Venezuela trong năm nay. Trong khi đó, ở Argentina, lạm phát thấp hơn nhưng vẫn rất cao, trung bình ở mức 40% trong năm 2015.
Chính quyền đã phản ứng bằng cách áp đặt kiểm soát giá cả và tiền lương cũng như các chính sách bảo hộ cứng nhắc. Nhưng các biện pháp kiểm soát đều không hiệu quả, và sản lượng lẫn việc làm cuối cùng đã sụp đổ. Tệ hơn nữa, ở ba trong số bốn quốc gia này, tiền lương được điều chỉnh theo lạm phát đã giảm mạnh trong thời gian thử nghiệm chính sách kiểu MMT. Trong các giai đoạn đề cập trên, tiền lương thực tế giảm 39% ở Chile, 41% ở Peru và hơn 50% ở Venezuela – làm tổn thương người nghèo và tầng lớp trung lưu.
Trong các trường hợp này, ngân hàng trung ương đều được kiểm soát bởi các chính trị gia, và kết cục là có thể dự đoán được. Tại Chile, cung tiền đã tăng 360% chỉ riêng trong năm 1973, giúp tài trợ cho khoản thâm hụt ngân sách lớn tương đương với 24% GDP. Ở Peru năm 1989, tăng trưởng cung tiền là 7.000% và thâm hụt ngân sách vượt quá 10% GDP. Tại Argentina năm 2015, thâm hụt ngân sách là 6% GDP, với tỷ lệ in tiền hàng năm vượt quá 40%. Và Venezuela hiện đang thâm hụt ngân sách bằng 32% GDP, với nguồn cung tiền ước tính cũng sẽ tăng với tốc độ hàng năm là hơn 1.000%.
Khi lạm phát gia tăng ở các quốc gia này, người dân tìm cách giảm nắm giữ đồng nội tệ. Nhưng vì các chính phủ yêu cầu trả thuế bằng nội tệ, nên nó không hoàn toàn biến mất. Thay vào đó, tốc độ tiền lưu chuyển từ tay người này sang tay người khác – thứ mà các nhà kinh tế gọi là “tốc độ lưu thông tiền tệ”- tăng lên đáng kể. Không ai muốn giữ tiền giấy mà mất 20% giá trị hoặc hơn mỗi tháng.
Khi nhu cầu giữ tiền sụp đổ, tác động của tăng trưởng cung tiền đối với lạm phát lại càng được khuếch đại và một vòng luẩn quẩn xuất hiện. Một hậu quả nghiêm trọng là đồng tiền mất giá nhanh chóng trên thị trường quốc tế. Những người ủng hộ thuyết MMT tìm cách bỏ qua thực tế đơn giản là nhu cầu đối với đồng tiền địa phương sẽ giảm mạnh khi giá trị của nó giảm. Đây có lẽ là một trong những điểm yếu lớn nhất của thuyết MMT, và là điều khiến nó trở nên cực kỳ rủi ro cho bất kỳ quốc gia nào muốn thực hiện.
Kinh nghiệm của Mỹ Latinh nên là một cảnh báo rõ ràng cho những người ủng hộ thuyết MMT ngày nay. Ở nhiều quốc gia khác nhau, và vào những thời điểm khác nhau, việc thực hiện chính sách tài khóa mở rộng được tài trợ bằng cách in tiền đều dẫn đến sự mất ổn định kinh tế không thể kiểm soát được. Các ý tưởng chính sách kinh tế thường rất nguy hiểm trong thực tế nếu chúng còn thiếu sót về mặt lý thuyết. Thuyết MMT có thể là một trường hợp như vậy.
Sebastián Edwards là Giáo sư Kinh tế Quốc tế tại Trường Cao học về Quản lý tại Đại học California, Los Angeles. Cuốn sách mới nhất của ông là American Default: The Untold Story of FDR, the Supreme Court, and the Battle over Gold.