Tin Việt Nam – 16/05/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 16/05/2019

Chiêu bài lấy đất chỉnh trang đô thị

rồi giao doanh nghiệp phân lô bán nền

Trung Khang, RFA

Người dân bị mất đất ở khu IV-B3 ở Phường Trần Phú, Thành phố Quảng Ngãi, kêu cứu nhiều nơi, nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng. Theo họ chính quyền địa phương thông đồng với doanh nghiệp mập mờ mục đích cưỡng chế để lấy đất của dân, và đền bù với giá rẻ mạt.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi vào ngày 20/11/2017 đã ban hành quyết định số 865 về chủ trương đầu tư dự án khu dân cư IV-B3 tai thành phố Quảng Ngãi. Theo báo chí trong nước, Dự án được giao cho công ty Đồng Khánh theo đề nghị của công ty này vào năm 2017.

Khi người dân đang khiếu nại nhiều nơi vì công ty Đồng Khánh đưa ra giá đền bù không thỏa đáng, thì đến ngày 27/3/2019, là thời điểm chỉ còn hơn một tuần thời hạn đầu tư kết thúc, nếu doanh nghiệp không thực hiện dự án sẽ bị thu hồi, khi đó chính quyền địa phương đã cùng doanh nghiệp cưỡng chế đất của dân một cách thô bạo.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 15/5, Chị Nguyễn Thị Hoàng, một người dân mất đất cùng tài sản trên đất, kể lại:

“Hôm cưỡng chế, cả một bộ máy chính quyền, công an quân đội ra làm hùng hổ lắm, có cả xã hội đen từ đêm hôm trước ra nằm ăn nhậu giữ ở đó, hăm dọa khiến sáng hôm cưỡng chế thì 6 hộ dân không ai dám ra. Về dự án này, doanh nghiệp chỉ được một năm và không được gia hạn, đúng ra đến tháng 12/2018 là hết hạn, sau đó cho thêm 3 tháng, đúng ra là 1/4/2019 là phải rút dự án, nên ngày 27/3 nó cố tình làm sai trái, ra cưỡng chế luôn và khởi công dự án trong ngày cưỡng chế luôn. Bức xúc lắm, oan ức chịu không nổi, bây giờ dân đang làm đơn từ gởi đi khắp nơi.”

Hôm cưỡng chế, cả một bộ máy chính quyền, công an quân đội ra làm hùng hổ lắm, có cả xã hội đen từ đêm hôm trước ra nằm ăn nhậu giữ ở đó, hăm dọa khiến sáng hôm cưỡng chế thì 6 hộ dân không ai dám ra.

-Chị Nguyễn Thị Hoàng

Cũng mất đất tại khu IV-B3, Chị Trần Thị Xuân Hương, nhớ lại:

“Chính quyền làm vậy là không đúng, ngày 27/3/2019 mới là ngày tiến hành cưỡng chế, mà 1 giờ trưa ngày 26/3 đã xuất quân ra đứng trên đất IV-B3, vừa dân quân tự vệ, vừa thuê cái đồ giang hồ gì đâu tới, tùm lum hết, xe cộ như lũ cướp chứ không phải nhà nước đứng ra thu hồi cưỡng chế.”

Ông Nguyễn Hải, nguyên Phó Chủ tịch Thành phố Quảng Ngãi, khi trao đổi với chúng tôi về việc này nhận định:

“Trong chủ trương của Chủ tịch tỉnh, thì đến ngày đó không làm là thu hồi, tỉnh không cho làm nữa, cho nên họ tranh thủ cưỡng chế thôi.”

Vào ngày 25/3/2019, tức trước 2 ngày bị cưỡng chế, người dân khu IV-B3 đã gửi đơn khiếu nại kêu cứu đến Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên mãi đến ngày 1/4/2019, tức gần 1 tuần sau cưỡng chế, báo chí trong nước mới đăng tin Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo địa phương kiểm tra, rà soát lại hồ sơ vụ việc và giải quyết đơn khiếu nại của người dân. Tuy nhiên, cho đến nay các hộ dân có đất tại khu IV-B3 Quảng Ngãi vẫn không được giải quyết gì!?

Theo một người dân có đất ở khu IV-B3, không muốn nêu tên thì khu đất này là có diện tích khoảng 30 ngàn m2, là khu đất vàng của Quảng Ngãi, hiện giá đất ở đây rất cao:

“Chưa có sổ đỏ đã 20 triệu / m2, đối với thành phố tỉnh lẻ như Quảng Ngãi thì giá trị như vậy là rất lớn. Thế mà nhà nước quy hoạch từ năm 1990 đến giờ, mấy chục năm rồi, ở vất vả lắm, như nhà tôi mưa ngập không cho sửa, không cho sang nhượng, làm sổ đỏ gì cả. Giữ đó, đến giờ giao cho công ty Đồng Khánh, là doanh nghiệp sân sau của Bí Thư Tỉnh Ủy Lê Viết Chữ.”

Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Xây dựng Đồng Khánh có trụ sở tại địa chỉ số 151 Nguyễn Đình Chiểu, Phường Nghĩa Lộ, Thành phố Quảng Ngãi, do ông Nguyễn Văn Hiền làm giám đốc. Tuy nhiên theo người dân đồn đoán, công ty này thực chất là sân sau của hai vị lãnh đạo cấp cao của tỉnh Quảng Ngãi.

Trước đây, công ty Đồng Khánh từng trúng thầu nhiều dự án tại Quảng Ngãi làm dư luận nghi ngại, như năm 2016 trúng thầu xây dựng cây cầu Thạch Bích bắc qua sông Trà Khúc do Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư là 643 tỷ đồng. Tuy nhiên, vốn điều lệ của công ty Đồng Khánh khi đó chỉ có 17 tỷ đồng.

Chị Nguyễn Thị Hoàng cho biết:

“Chính quyền địa phương o bế doanh nghiệp này lắm, doanh nghiệp này có hai ông lớn đứng đằng sau, lớn nhất của tỉnh này, ai cũng biết, nên nó không coi ai ra gì. Đến nỗi khi ra phường gặp dân, phó giám đốc công ty tuyên bố công ty nó không cần gặp ai, nó chỉ mua theo giá nhà nước, hộ nào muốn mua lại đất của công ty Đồng Khánh thì gặp nó, nhưng nó chỉ làm việc dưới bàn, trước chính quyền địa phương, chủ tịch phường mà nó tuyên bố vậy đó, nó đâu coi dân ra gì.”

Chị Phạm Thị Hạnh, cũng sở hữu đất tại khu IV-B3, cho biết, nếu quy hoạch khu dân cư để phục vụ cho quốc phòng, lợi ích của nhà nước thì Chị sẵn sàng. Tuy nhiên Chị nói tiếp:

“Nhưng đây là lấy đất của bọn tui đưa cho nhà đầu tư phân lô bán nền, trong khi gần một sào đất của chị 465m2, họ đền bù 230 triệu. Trong khi giá ở đó khi lên rồi là khoảng từ 2 tỷ đến 4 tỷ một lô, mà một sào gần 5 lô, trả 230 triệu mà bán ra tới mười mấy tỷ.”

“Nếu lấy đất của tôi để phân lô bán nền thì phải giải quyết thỏa đáng cho tôi, tôi mới chịu, thì ông Chủ tịch Phường Trần Phú, Hồ Kỳ Phương nói ‘công trình này để phát triển kinh tế xã hội, nhưng nhà nước không có vốn đầu tư, cho nên kêu gọi nhà đầu tư, mà đã kêu gọi nhà đầu tư thì họ phải có lời’.”

Chúng tôi liên lạc Ông Hồ Kỳ Phương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Phường Trần Phú, Thành phố Quảng Ngãi, qua số điện thoại 098.xxxx.797 do người dân cung cấp thì nhận được câu trả lời như sau:

“Tôi không biết… anh lộn số rồi nhe…”

Chúng tôi tiếp tục liên lạc đến số này thì nhận được tín hiệu tắt máy.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 15/5/2019 về vấn đề này, Ông Phạm Tấn Hoàng, hiện là Chủ tịch Thành phố Quảng Ngãi cho biết như sau:

“Tôi đây… về khu IV-B3 thì do các cơ quan chức năng tham mưu rồi… Tôi đang có việc chút nhe… Cái đó thành phố đã giao cho các cơ quan chuyên môn của thành phố… để tham mưu xử lý theo quy định nhe… tôi đang có việc nhé… tôi đang đi ngoài đường… tôi đang lái xe… nhe.”

Theo người dân địa phương, quyết định ban đầu là chỉnh trang đô thị khu vực này và kinh doanh bất động sản, giao cho chủ đầu tư là công ty Đồng Khánh là quyết định sai, không phải là sự kết hợp công tư, và không rạch ròi giữa diện tích chỉnh trang đô thị và diện tích kinh doanh bất động sản. Người dân này nói tiếp:

Mấy ổng làm sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, nếu nói đền bù theo giá nhà nước thì đất phải sạch, đất sạch thì phải đấu giá chứ làm gì có chuyện đất có thu tiền sử dụng đất, luật cũ cũng vậy và luật mới cũng vậy.

-Ông Nguyễn Hải

“Theo thông lệ, nếu 80% đồng thuận và 20% không đồng thuận thì người ta sẽ cưỡng chế. Nhưng ở đây, người ta lấy số liệu trong khu dân cư không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng lại đồng thuận việc chỉnh trang đô thị, số ấy đông nhưng chỉ chiếm 5 hay 6 ngàn m2 thôi. Chúng tôi chỉ 24 hộ nhưng tổng diện tích chúng tôi nắm là khoảng 25 ngàn m2. Nhưng người ta chả để ý gì đến ý kiến của chúng tôi, vẫn tiến hành cưỡng chế để phân lô bán nền dựa trên tiêu chí là chỉnh trang đô thị. Tức là chính quyền tỉnh Quảng Ngãi mượn cớ chỉnh trang đô thị của khu IV-B3, để mập mờ giữa hai mục đích chỉnh trang đô thị và mục đích kinh doanh bất động sản của công ty Đồng Khánh, để cưỡng chế 6 hộ dân vào ngày 27 tháng 3 năm 2019.”

Khi trả lời báo chí hôm 11/12/2013 về Luật Đất đai sửa đổi, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải từng nói: “Luật Đất đai sửa đổi quy định, tất cả dự án, ngoài dự án được xác định là vì lợi ích kinh tế – xã hội, vì mục đích công cộng, phải thực hiện theo cơ chế thỏa thuận với tất cả người dân có đất bị thu hồi, Nhà nước dứt khoát không can thiệp bằng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất. Doanh nghiệp thỏa thuận được với tất cả người dân có đất bị thu hồi thì đầu tư, không thì thôi, không lẫn lộn cơ chế thu hồi và cơ chế thỏa thuận.”

Ông Nguyễn Hải, nguyên Phó Chủ tịch Thành phố Quảng Ngãi nhận định:

“Hồi xưa tôi làm thì luật đất đai khác, bây giờ thì luật mới nó khác. Theo tôi nhận thức về điều 62 của luật đất đai năm 2013, đền bù phải theo phương pháp thỏa thuận với dân, chủ đầu tư phải thỏa thuận với dân. Thứ hai là muốn thu hồi đất những dự án như thế thì phải thông qua Hội Đồng Nhân Dân Tỉnh, nhưng các anh lãnh đạo của tỉnh, của thành phố bây giờ không làm theo cái đó. Chỗ đó mà quy hoạch khu dân cư thì tôi cũng ủng hộ thôi, chủ trương đô thị hóa thì mình cũng chấp hành thôi, nhưng mà phải làm cho đúng.”

Vì vậy ông Nguyễn Hải cho rằng, doanh nghiệp phải đứng ra để thỏa thuận với dân để đền bù, chứ không thể là nhà nước áp dụng theo giá đền bù điều 62 Luật Đất đai sửa đổi 2013, là không được. Ông Hải nói tiếp:

“Mấy ổng làm sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, thường thường giao đất sạch, nếu nói đền bù theo giá nhà nước thì đất phải sạch, đất sạch thì phải đấu giá chứ làm gì có chuyện đất có thu tiền sử dụng đất, luật cũ cũng vậy và luật mới cũng vậy.”

Người dân tại khu IV-B3, Phường Trần Phú, Quảng Ngãi cho biết, vì lý do đất còn đang khiếu nại, khiếu kiện, nên họ mong muốn, những ai đang muốn mua bất động sản tọa lạc trên khu đất này từ doanh nghiệp Đồng Khánh, hãy suy xét một cách thận trọng.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/quang-ngai-does-the-government-take-land-for-urban-embellishment-or-let-businesses-divide-the-plot-to-sell-05152019140906.html

 

Trung ương đảng họp hội nghị

chuẩn bị cho đại hội đảng năm 2020

Hội nghị trung ương 10 đảng cộng sản Việt Nam khai mạc tại Hà Nội hôm nay 16 tháng 5 và ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư kiêm chủ tịch nước, phát biểu khai mạc hội nghị.

Đây là ngày thứ ba xuất hiện liên tục của người đứng đầu đảng và nhà nước Việt Nam sau kỳ làm việc tại Kiên Giang hôm 13 và 14 tháng 4 vừa qua. Suốt một tháng vắng mặt của ông Nguyễn Phú Trọng nhiều tin đồn được loan đi về tình hình sức khỏe của ông.

Tại cuộc họp với 4 lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam hôm ngày 14 tháng 5, ông Nguyễn Phú Trọng chính thức cho biết hội nghị trung ương 10 diễn ra từ ngày 16 đến 18 tháng 5. Vào ngày 15 tháng 5, ông này cũng chủ trì cuộc họp Bộ chính trị.

Tại hội nghị trung ương 10, ông Nguyễn Phú Trọng đọc diễn văn khai mạc nhưng phân công cho ông thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc điều hành phiên khai mạc.

Hội nghị trung ương 10 hay hội nghị lần thứ 10 ban chấp hành trung ương đảng cộng sản Việt Nam khóa 12 được cho biết tập trung bàn thảo về đề cương các văn kiện trình đại hội 13, chuẩn bị cho biệc chỉ đạo tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới đại hội toàn quốc lần thứ 13 của đảng cộng sản Việt Nam.

Sự kiện đại hội đảng cộng sản được tiến hành 5 năm một lần được nhiều người quan tâm vì đó là mốc đưa ra đường lối, chính sách cũng như những lãnh đạo chủ chốt điều hành đất nước trong khoảng thời gian dài  năm.

Kỳ này cũng không ngoại lệ và nhiều người kỳ vọng lớp lãnh đạo mới trong giai đoạn sắp tới sẽ có những đổi thay để giúp đất nước vượt ra khỏi tình trạng tụt hậu, bế tắc về nhiều lĩnh vực như lâu nay.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-communist-party-convenes-its-10-plenum-debates-preparations-for-13-national-congress-05162019085628.html

 

Sức khỏe ông Nguyễn Phú Trọng

 ‘sẽ quyết định chính trị Việt Nam’

Sức khỏe của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ còn là vấn đề quan trọng hàng đầu trong chính trị Việt Nam trước khi diễn ra Đại hội Đảng năm 2021, theo giới quan sát.

‘Lò vẫn cháy’ trong một tháng TBT Trọng vắng mặt

Thay đổi trong chiến dịch chỉnh Đảng của ông Trọng?

Ngày 16/5, ông Nguyễn Phú Trọng đã dự lễ khai mạc Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Hà Nội.

Hình ảnh do truyền thông nhà nước công bố cho thấy ông Trọng ngồi dự, bên cạnh là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng.

Trước đó, hôm 14/5, lần đầu tiên sau một tháng nghỉ ốm, ông Nguyễn Phú Trọng được báo chí nhà nước đăng hình chủ trì họp lãnh đạo chủ chốt.

Thông điệp về sự ổn định

Bình luận với BBC, cây bút người Mỹ David Brown nói về thông điệp của các bức hình và video về ông Trọng từ ngày 14/5.

“Thông điệp rõ ràng là Đảng sẽ không rơi vào vòng xoáy đấu đá nội bộ trong những tháng dẫn tới Đại hội Đảng 13 sắp đến.”

“Con thuyền nhà nước sẽ đi vững vàng,” ông Brown bình về tín hiệu mà Đảng muốn thể hiện.

Nhà bình luận chính trị kỳ cựu từ Úc, Carlyle Thayer, thì nói với BBC rằng hình ảnh sẽ chưa thể xóa bỏ đồn đoán về sức khỏe của Chủ tịch nước và vấn đề kế vị.

Ông Thayer nói nếu ông Trọng xuất hiện “mạnh khỏe” ở hội nghị trung ương 10, việc này sẽ có thể xóa bỏ các tin đồn.

Còn ông David Brown cũng đồng ý rằng các hình ảnh mà báo chí nhà nước công bố tới giờ chưa đủ làm những người quan sát như ông tin ông Trọng đã khỏe hẳn.

“Tôi chưa tin rằng ông Trọng đã hoàn toàn khỏe để quay lại, với năng lượng và sự tinh nhạy ông sẽ cần có để bảo đảm có chuyển đổi êm đềm cho các lãnh đạo mới chia sẻ viễn kiến của ông.”

Tác giả David Brown nói ông muốn chờ thêm đến lúc ông Nguyễn Phú Trọng có thể tiếp khách nước ngoài, đi gặp cử tri và trả lời báo chí trực tiếp.

Tựu trung lại, các diễn biến từ ngày 14/5 cho thấy Đảng và Nhà nước Việt Nam muốn đưa ra thông điệp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vẫn là lãnh đạo kiểm soát tình hình ở trong nước.

Giáo sư Carlyle Thayer nói các bản tin nhằm chứng tỏ “ông Nguyễn Phú Trọng đang kiểm soát, lãnh đạo đảng và nhà nước như bình thường”.

‘Nêu cao tinh thần đoàn kết’

Tại cuộc họp ngày 14/5, ông Trọng được dẫn lời: “Tiếp tục cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần kiên quyết, kiên trì; nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất cao ở các cấp, các ngành, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.”

Giáo sư Carlyle Thayer bình luận đây là tóm gọn những chủ đề mà ông Trọng vẫn luôn đề cao.

“Các bình luận như thế nhằm nhấn mạnh ông Trọng đang lãnh đạo, đã quay lại như bình thường. Sẽ là con đường tiếp tục, chứ không phải thay đổi.”

Ai là ứng viên ‘tứ trụ’ năm 2021?

BBC hiểu rằng cho đến giờ này, Đảng Cộng sản chưa có quyết định liệu việc một người giữ cả hai vị trí Tổng bí thư và Chủ tịch nước sẽ là quy định được ghi vào điều lệ và hiến pháp hay không.

Ông Nguyễn Phú Trọng đã đảm nhận thêm vị trí chủ tịch nước sau khi ông Trần Đại Quang qua đời vì bệnh tật ngày 21/9/2018.

Như vậy, đến giờ này, vẫn có khả năng sẽ có bốn ứng viên cho bốn vị trí hàng đầu tại Đại hội Đảng đầu năm 2021.

Theo giáo sư Carlyle Thayer, chính sách về hưu cho ủy viên Bộ Chính trị là ở tuổi 65. Như thế, đến năm 2021, chỉ có sáu thành viên Bộ Chính trị hiện tại còn dưới 65 tuổi.

“Quy định của Đảng nói nếu qua 65 tuổi trong khi đã phục vụ một nửa của nhiệm kỳ 5 năm, thì vẫn có thể được đề cử ở lại.”

“Dĩ nhiên, quy tắc thì vẫn có thể thay đổi, và lại còn có ngoại lệ,” ông Thayer lưu ý.

Nếu dựa theo tuổi tác, ông Thayer dự đoán rằng ứng viên Tổng Bí thư sẽ không phải là Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng hiện nay, vì sẽ quá 65 vào năm 2021.

Nếu cũng dựa theo tuổi tác, thì có vẻ như phó thủ tướng, bộ trưởng công an, chủ tịch Quốc hội đang trong Bộ Chính trị hiện nay cũng không phải là ứng viên tổng bí thư.

Ông Thayer nói nếu dùng tuổi tác để đoán, thì Thường trực Ban Bí thư hiện nay sẽ 68 vào năm 2021, và vì thế chưa phải là ứng viên rõ rệt.

Có sáu thành viên Bộ Chính trị hiện tại còn dưới 65 tuổi vào năm 2021 là Phạm Minh Chính, Vương Đình Huệ, Trương Thị Mai, Nguyễn Văn Bình, Hoàng Trung Hải và Võ Văn Thưởng.

Trong sáu thành viên Bộ Chính trị “còn trẻ” này, không phải ai cũng đã kinh qua nhiều năm lãnh đạo chính phủ.

Giáo sư Thayer chỉ ra rằng phần lớn trong sáu vị có kinh nghiệm lãnh đạo các ban của đảng.

“Ai có thể thay thế ông Trọng làm tổng bí thư, phần lớn sẽ phụ thuộc câu hỏi liệu chức này có kiêm luôn chủ tịch nước không,” ông Thayer nhận xét.

Giáo sư Carlyle Thayer lưu ý đoán định này chỉ mới dựa vào tuổi tác, mà vấn đề tuổi vẫn có thể được thay đổi.

Nói với BBC, một nhà quan sát người Việt khác, muốn giấu tên, thì cho rằng mọi đồn đoán về ứng viên Bộ Chính trị khóa sau “hiện nay chỉ nói cho vui”.

“Kinh nghiệm các Đại hội Đảng gần đây cho thấy các vị trí chủ chốt thường chỉ được quyết định vào một, hai hội nghị trung ương trước Đại hội.”

“Vì thế, theo tôi, nói ai sẽ là ‘tứ trụ’ của 2021 vào lúc này cũng giống như chơi đồng tiền xấp ngửa. Điều chắc chắn là sức khỏe ông Nguyễn Phú Trọng sẽ vô cùng quan trọng,” nhà quan sát người Việt nói với BBC.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-48287325

 

Do đâu ông Nguyễn Phú Trọng mạnh tay

chống tham nhũng?

Diễm Thi, RFA

Mạng Asia Times vừa đăng bài viết của tác giả David Hutt bàn về những lý do thật sự trong công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay.

Mở đầu bài viết, tác giả nhắc lại năm 2016, khi ông Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử chức Tổng bí thư ĐCS Việt Nam, ông Trọng đã đưa ra một chiến dịch chống tham nhũng rộng khắp với nhắc nhở “đánh chuột đừng để vỡ bình”.

Điều ông Trọng muốn nói là chống tham những nhưng không gây thiệt hại cho chính đảng cộng sản. Thực tế chiến dịch chống tham nhũng đã xử l‎ý nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước cũng như các quan chức cao cấp trong chính quyền, chẳng hạn như cựu Chủ tịch Ocean Bank Hà Văn Thắm hay cựu Bí thư thành ủy TP. HCM Đinh La Thăng.

Vụ PetroVietnam trong vai trò đầu tư và mất hơn nửa tỉ đô la vào các dự án tại Venezuela cũng đang được xem xét.

Theo tác giả David Hutt thì có một số lý do mà các nhà quan sát cho rằng đó là ‘lý do’ để ông Trọng mở cuộc chiến chống tham nhũng một cách mạnh mẽ như trong hai năm 2016-2017. Cụ thể trước hết loại bỏ các lãnh đạo doanh nghiệp và chính khách gần gũi với cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và sau đó là chiến dịch nhằm loại bỏ những đảng viên bị cho là “tự chuyển hóa” hoặc không còn đủ lý tưởng chính trị.

Công cuộc chống tham nhũng của ông Trọng có thể hiểu là chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 dùng chống tham nhũng để giữ đảng; Giai đoạn 2 là dùng chống tham nhũng để giữ nước. – Nhà báo Nguyễn An Dân

Nhà báo Nguyễn An Dân từ trong nước nhận định công cuộc chống tham nhũng của ông Trọng có thể hiểu là chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 dùng chống tham nhũng để giữ đảng; Giai đoạn 2 là dùng chống tham nhũng để giữ nước:

“Nói đến công cuộc chống tham nhũng thì phải nói đến khóa 12 này vì Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 là ‘chống tự diễn biến, tự chuyển hóa’ và ‘bảo vệ chế độ’, tức việc chống tham nhũng từ Hội nghị Trung ương 4 đến Hội nghị Trung ương 8 chủ yếu là để bảo vệ đảng. Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 9 là ‘lấy lợi ích quốc gia dân tộc làm trọng tâm’.”

Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa nhận định rằng tham nhũng đe dọa sự tồn vong của chế độ và phá vỡ phẩm chất đạo đức, văn hóa truyền thống của người Việt Nam, cho nên cái gốc của vấn đề là lòng dân bất bình thì chính quyền phải vào cuộc chống tham nhũng. Qua những cuộc tiếp xúc cử tri của nhiều khóa thì người dân phản ứng rất mạnh mẽ về tham nhũng nên khi TBT Nguyễn Phú Trọng phát động công cuộc chống tham nhũng và được xã hội đồng tình, được cả hệ thống chính trị vào cuộc thì đã thu được những kết quả tốt đẹp. Ông nói thêm:

“Trước đây cũng có nghi ngờ về những vấn đề có những vùng cấm hoặc phe phái nội bộ nhưng thực ra càng ngày càng thể hiện đây là quyết tâm của đảng và nhà nước thực hiện theo ý nguyện người dân một cách công tâm và quyết liệt. Tội đến đâu xử lý đến đó chứ không có vùng cấm và không loại trừ một ai. Tất cả đều thượng tôn pháp luật.”

Nói tới tham nhũng và chiến dịch chống tham nhũng ở Việt Nam, nhà báo Mạnh Kim nhận định nguồn gốc tham nhũng ở Việt Nam không phải từ những cá nhân mà là từ thể chế và có hệ thống, và muốn chống thì không thể chỉ tập trung đánh vào một vài cá nhân nào đó. Ông Trọng chỉ lo bắt những ‘con sâu’ trên bề mặt thì không giải quyết được gì. Ông nhận định thực chất công cuộc chống tham nhũng của ông Trọng:

“Thực chất công cuộc chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng là chuyện đánh chém phe nhóm hơn là thực tâm cải cách chính trị và cải tổ hệ thống lẫn thể chế. Ông Trọng chỉ lo bảo vệ đảng chứ không phải lo cho vận mệnh quốc gia, dân tộc.

Những vấn đề người dân quan tâm ảnh hưởng đến vận mệnh quốc gia như cải cách thể chế, sửa đổi những sai lầm trong hệ thống hay luật đất đai…thì ông Trọng đâu có đụng đến.”

Vì chính trị hay kinh tế

Nhận xét về chiến dịch chống tham nhũng hiện nay ở Việt Nam, tác giả David Hutt cho rằng có thể chiến dịch này đã chuyển hướng, tức là để cải thiện kinh tế Việt Nam, bớt đi mục tiêu chính trị.

Hiện nay ĐCS đang phải đối diện với hiện trạng còn quá nhiều doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ với cơ chế quản lý yếu kém, trong khi ngân sách nhà nước thâm hụt, nợ công tăng. Ông đưa ra con số hiện còn  khoảng 500 doanh nghiệp Nhà nước so với 12.000 doanh nghiệp vào năm 1996 và mục tiêu giảm còn 103 trước năm 2020.

Tác giả David Hutt nhận xét Việt Nam có ba lựa chọn để giải quyết các doanh nghiệp Nhà nước nhưng có lẽ giải pháp thứ ba là phù hợp nhất:

Thứ nhất là tăng cường rà soát và tăng chi cho các doanh nghiệp nhà nước.

Thứ hai là thoái vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp quốc doanh và bán tất cả các doanh nghiệp nhà nước và sau đó tập trung vào quản lý kinh tế từ xa.

Thứ ba là thoái vốn từ càng nhiều công ty nhà nước càng tốt và chỉ giữ lại các công ty làm ăn hiệu quả.

Nhà báo Nguyễn An Dân nhận định việc chống tham nhũng hiện nay  vừa có mục tiêu chính trị vừa có mục tiêu kinh tế, nhưng ưu tiên là chính trị.

“Việc chống tham nhũng vừa vì lý do chính trị vừa để giải quyết bài toán ngân sách cho chính phủ. Về nguyên tắc thì khóa trước dùng chống tham nhũng để thu hồi tài sản về cho chính phủ diễn ra ít, vì lúc

đó Việt Nam còn có thể vay bên ngoài nhiều tiền. Bây giờ việc vay bên ngoài khó khăn hơn thì phải xiết bên trong, dùng chống tham nhũng để thu tiền về cho ngân sách.”

Thực chất công cuộc chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng là chuyện đánh chém phe nhóm hơn là thực tâm cải cách chính trị và cải tổ hệ thống lẫn thể chế. – Nhà báo Mạnh Kim

Nhà báo Mạnh Kim nhận xét rằng báo chí Nhà nước xây dựng ông Nguyễn Phú Trọng là một nhân vật hoàn toàn trong sạch. Với công cuộc chống tham nhũng, ông Trọng muốn thể hiện mình là nhân vật quyền lực nhất khi ông làm rất mạnh và rất nhiều người đang ủng hộ ông Trọng. Nhưng theo nhà báo này thì sẽ không tới đâu vì ông Trọng không thể làm nổi.

Hôm 14 tháng 5 năm 2019, cuộc họp lãnh đạo chủ chốt tại Hà Nội do  Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì sau đúng một tháng vắng bóng, ông Trọng nói “Phải làm tiếp một vài vụ cho ra. Các đồng chí không được nghỉ ngơi, không được có cái gì người ta cảm thấy là chùng xuống cả. Có khi phải làm mạnh hơn nữa thì mới tốt”.

Trong ngày ông Nguyễn Phú Trọng xuất hiện lần đầu sau một tháng vắng bóng với tin đồn bị bệnh nặng, hai tổng giám đốc tại hai thành phố hàng đầu của Việt Nam bị khởi tố và bắt tạm giam. Đó là ông Bùi Quang Huy, tổng giám đốc Công ty Nhật Cường Mobile, một công ty từng ăn nên làm ra dưới thời chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Còn tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Tề Trí Dũng, tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận. Đây là công ty bị Thanh tra Thành phố HCM kết luận có những sai phạm theo chỉ đạo của ông Tất Thành Cang, phó bí thư thường trực Thành ủy TP. HCM.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/real-reasons-for-nuyenphutrong-on-anti-corruption-dt-05152019141221.html

 

Ông Nguyễn Phú Trọng họp liên tiếp

 sau thời gian ‘không khỏe’

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng xuất hiện trở lại hôm 14/5, sau tròn một tháng vắng bóng.

Mọi thay đổi nhỏ nhất của ông so với lần xuất hiện cuối cùng trước đó đều được cư dân mạng đem ra phân tích, mổ xẻ.

‘Lò vẫn cháy’ trong một tháng TBT Trọng vắng mặt

TBT Nguyễn Phú Trọng xuất hiện trở lại

Đặc biệt là chi tiết chiếc đai ở ghế và chiếc đồng hồ thông minh mới đã làm bùng lên nhiều suy đoán về tình hình sức khỏe hiện thời của ông.

Chủ trì cuộc họp tại Hà Nội, ông nhấn mạnh ba vấn đề, gồm nhiệm vụ phải đẩy mạnh và hoàn thành các chương trình, kế hoạch đã đề ra, cần chuẩn bị tốt cho kế hoạch tổ chức Đại hội Đảng XIII, từ cấp cơ sở đến trung ương, và phải tiếp tục đấu tranh chống tham nhũng một cách mạnh mẽ.

Một số hoạt động đáng chú ý của ông Nguyễn Phú Trọng thời gian hơn một tháng qua:

14/4: Công du Kiên Giang. Cùng ngày, có tin ông ốm bệnh

18/4: Gửi điện chúc mừng lãnh đạo Bắc Triều Tiên nhưng không dự cuộc họp theo kế hoạch với đoàn thượng nghị sỹ Mỹ

21/4: Gửi điện chia buồn với lãnh đạo Sri Lanka

25/4: Bộ Ngoại giao chính thức xác nhận ông ‘không khỏe’

27/4: Giới chức công bố ông là Trưởng ban tang lễ, quốc tang cố Chủ tịch Lê Đức Anh

3/5: Gửi vòng hoa viếng cố Chủ tịch Lê Đức Anh

14/5: Xuất hiện trở lại lần đầu tiên, chủ trì phiên họp với ‘lãnh đạo chủ chốt’ tại Hà Nội

15/5: Chủ trì họp Bộ Chính trị

16/5: Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 10

https://www.bbc.com/vietnamese/media-48293007

 

‘Lò vẫn cháy’ trong một tháng

TBT Nguyễn Phú Trọng vắng mặt

Một luật sư bình luận với BBC rằng việc “đốt lò” của ông Nguyễn Phú Trọng hiện nay “là công cuộc hay công cụ thì thời gian sẽ trả lời”.

BBC điểm lại những vụ bắt giữ trong một tháng ông Nguyễn Phú Trọng vắng mặt do bệnh tật.

Đêm 14/5, truyền thông Việt Nam đưa tin Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng xuất hiện trở lại và tuyên bố “tiếp tục cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần kiên quyết, kiên trì”.

Trước đó, dù ông không xuất hiện trước công chúng nhưng trong một tháng vắng mặt từ hôm 14/4, liên tiếp xảy ra những vụ bắt giữ, đề nghị kỷ luật đối với quan chức.

Thay đổi trong chiến dịch chỉnh Đảng của ông Trọng?

VN xác nhận ông Nguyễn Phú Trọng ‘đang không khỏe’

Nguyễn Phú Trọng: ‘Người đốt lò vĩ đại’

Sức khỏe ông Nguyễn Phú Trọng: Mạng xã hội ồn ào tin tức

Những vụ bắt giữ

Hôm 13/4: Ông Phạm Nhật Vũ, cựu chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG), là nhân vật mới nhất trong thương vụ MobiFone-AVG bị bắt giam.

Hôm 14/5: Ông Tề Trí Dũng, cựu Tổng giám đốc Công ty Tân Thuận (IPC), bị khởi tố, bắt tạm giam vì liên quan đến sai phạm ở doanh nghiệp này.

Không chống tham nhũng đất nước này sẽ tan nát tất cả, từ truyền thống, đạo đức xã hội và có thể mất luôn cả cái tên nước Việt Nam trên bản đồ thế giới.bạn đọc Khuê Đàm bình luận trên Facebook BBC Tiếng Việt

Hôm 15/5: Tổng giám đốc Sadeco Hồ Thị Thanh Phúc bị bắt tạm giam sau cáo buộc tham ô tài sản và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Dư luận nói gì về sự tái xuất hiện của TBT Nguyễn Phú Trọng?

Công an khám xét Công ty Nhật Cường

Ông Ninh bị qui trách nhiệm vụ cảng Quy Nhơn

Thay đổi trong chiến dịch chỉnh Đảng của ông Trọng?

Những vụ bị đề nghị kỷ luật, cách chức

Hôm 5/5: Cựu phó thủ tướng Vũ Văn Ninh bị đề nghị kỷ luật vì “có vi phạm, khuyết điểm trong việc quyết định chủ trương thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông vận tải”.

Hôm 5/5: Đô đốc Hải quân, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến bị xem xét kỷ luật vì “những vi phạm trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng”.

Hôm 5/5: Bốn thứ trưởng Giao thông Vận tải cùng bị kết luận có sai phạm là Nguyễn Hồng Trường, Nguyễn Văn Công, Nguyễn Ngọc Đông và Nguyễn Nhật.

Hôm 14/5, ông Nguyễn Bá Cảnh, phó Ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng do “đã sống chung với người khác như vợ chồng và có con riêng khi đang có vợ trong thời gian hôn nhân hợp pháp, vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống”.

‘Công cuộc hay công cụ?’

Hôm 16/5, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp bình luận với BBC:

“Khi nói đến công chống tham nhũng tức nhiên phải phanh phui các vụ án tham nhũng và xử lý người tham nhũng. Tuy nhiên việc phanh phui các vụ án tham nhũng và xử lý người tham nhũng chưa hẳn là đang thực công cuộc chống tham nhũng, vì về lý thuyết người ta hoàn toàn có thể sử dụng việc chống tham nhũng như là một công cụ để thanh trừng, đấu đá nội bộ.”

“Việc xử lý các vụ án tham nhũng hiện nay là công cuộc hay công cụ thì chỉ có người khởi xướng việc chống tham nhũng mới biết được. Đối với người dân thì phải chờ thêm một thời gian nữa. Nếu sau khi “dọn dẹp” xong tham nhũng của phe khác thì người khởi xướng có “sờ” đến những kẻ tham nhũng trong phe mình hay không.”

“Nếu người khởi xướng “sờ” đến luôn cả những kẻ tham nhũng trong phe mình thì đó mới thực sự là công cuộc chống tham nhũng, nếu không thì nó chỉ là công cụ chống tham nhũng mà thôi.”

“Để không xảy ra tình huống “lưỡng đầu thọ địch”, và dồn lực triệt hạ những kẻ tham nhũng trong phe cánh của đối thủ thì tốt nhất, trước mắt, không nên bới móc những kẻ tham nhũng trong phe mình.”

“Tôi nghĩ điều này hết sức bình thường và ai rơi vào tình huống này cũng phải hành động như vậy. Vì vậy, trong một giai đoạn nào đó, chúng ta cần phải chấp nhận việc chống tham nhũng được sử dụng như là công cụ để loại bỏ những kẻ thiếu đức, thiếu tài ra khỏi vai trò lãnh đạo. Chúng ta chỉ nên lên án khi mà dùng việc chống tham nhũng để loại bỏ những hiền tài không thuộc phe mình.”

“Theo tôi, việc “đốt lò” của ông Nguyễn Phú Trọng hiện nay là công cuộc hay công cụ thì thời gian sẽ trả lời.”

‘Giữ Đảng, giữ nước’

Trả lời BBC hôm 15/5, nhà báo tự do Nguyễn An Dân nói: “Theo quan sát của tôi, vì trong lần gặp lần nhất, ông Nguyễn Phú Trọng bắt tay Tổng thống Mỹ Donald Trump bằng cả hai tay nên cần nhìn công cuộc đốt lò theo hàm nghĩa “vừa giữ Đảng, vừa giữ nước”.

“Giai đoạn đầu đốt “nhánh Đinh La Thăng, Trần Bắc Hà…” là để giữ Đảng.”

“Giai đoạn hai này là “để giữ nước” nên sẽ tập trung vào các nhánh củi có xu hướng liên quan nhiều đến Trung Quốc hoặc có nguy cơ gây mất an ninh quốc phòng, chứ tham nhũng thì hầu như nhiều giới chức tham nhũng nên cần ưu tiên trước và sau.”

“Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4 đến Hội nghị Trung ương 8 là “bảo vệ Đảng, chống chuyển hóa.”

“Còn theo tôi dự báo, nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 là “lợi ích quốc gia dân tộc là tối thượng” thì lò sẽ đốt về hướng quan chức thân Trung Quốc mà có xu hướng phá hoại.”

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-48242694

 

Ông Trọng khai mạc Hội nghị Trung ương 10,

chuẩn bị ‘tiến tới Đại hội 13’

Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa chính thức khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 vào ngày 16/5, 2 ngày sau khi ông xuất hiện trở lại sau một tháng bị bệnh.

Theo TTXVN, nội dung thảo luận của hội nghị bao gồm các đề cương báo cáo chính trị, cương lĩnh, thi hành điều lệ Đảng; tổng kết việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội trong 10 năm (2011-2020) và xây dựng chiến lược cho 10 năm tới (2021-2030).

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh rằng Hội nghị Trung ương lần này “có ý nghĩa rất quan trọng” đối với việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Ban chấp hành Trung ương khóa 12 để chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ 13, dự kiến diễn ra vào quý 1 năm 2021.

Đây là lần xuất hiện chính thức trong ngày thứ 3 liên tiếp sau khi ông Trọng vắng mặt suốt một tháng vì lý do sức khỏe “bị ảnh hưởng bởi thời tiết và cường độ làm việc” trong chuyến công tác đến Kiên Giang vào tháng trước, theo lời phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng của Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Sự vắng mặt của ông trong nhiều sự kiện quan trọng vừa qua đã làm rộ lên nhiều suy đoán về tình trạng sức khỏe của ông cũng như khả năng có những thay đổi lớn về “cán cân quyền lực” trong các kỳ đại hội quan trọng của Đảng Cộng sản sắp tới.

https://www.voatiengviet.com/a/ong-trong-khai-mac-hoi-nghi-trung-uong-10/4920040.html

 

Tư lệnh hải quân Mỹ: Hy vọng tàu sân bay Mỹ

sớm đến thăm Việt Nam lần hai

Tư lệnh Hải quân Hoa Kỳ, Đô Đốc John Richardson, cho biết phía Mỹ đang làm việc với chính phủ Việt Nam về chuyến thăm thứ hai của tàu sân bay Mỹ và ông hy vọng chuyến thăm sẽ sớm diễn ra.

Đô đốc Richardson trả lời các phóng viên quốc tế như trên hôm 16 tháng 5, tuy nhiên ông không nói cụ thể thời điểm và tên của tàu sân bay Mỹ vì vẫn còn quá sớm để đề cập đến những thông tin này.

Về cuộc tập trận chung sắp tới cùng các nước ASEAN, Đô Đốc Richardson khẳng định hoạt động đó có ý nghĩa rất quan trọng đối với Mỹ bởi sự kiện này cho phép các nước phối hợp trong khía cạnh vận hành chiến dịch. ASEAN luôn là một phần quan trọng trong nỗ lực đảm bảo hòa bình và ổn định tại khu vực.

Ông cũng cho biết còn quá sớm để công bố thời điểm tổ chức cuộc tập trận cũng như các lực lượng sẽ tham gia.

Hồi tháng 10 năm 2018, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và các nước ASEAN đã thống nhất diễn tập hàng hải trong năm 2019.

Về vấn đề an ninh hàng hải trong khu vực, Đô Đốc Richardson nhấn mạnh việc Trung Quốc phát triển lực lượng hải quân đủ khả năng đảm bảo an ninh cho nền kinh tế và quyền lực quốc gia cũng là bước tiến tự nhiên, nhưng ông hy vọng và khuyến cáo là sự phát triển của Trung Quốc phải tuân thủ trật tự quốc tế dựa trên luật pháp.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/us-navy-commander-hopefully-the-us-aircraft-carrier-to-visit-vietnam-soon-05162019090459.html

 

Điều khác biệt duy nhất

khiến ông Trump quyết “đánh” TQ dữ dội

nhưng lại cởi mở với Việt Nam

Chiến tranh thương mại vẫn leo thang nhưng một số quốc gia dường như không bị ảnh hưởng quá nhiều, trong đó có Việt Nam.

Nghịch lí của ông Trump?

Theo Bloomberg, đối với Mỹ, Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điểm chung về mặt kinh tế và văn hóa. Cả 2 quốc gia đều sản xuất nhiều mặt hàng giá rẻ, tỷ giá hối đoái được kiểm soát chặt chẽ, nhân công dồi dào, nhận nhiều thặng dư thương mại và cẩn trọng trong việc mở cửa các nền công nghiệp nhạy cảm cho nước ngoài. Ngoài ra, 2 nước đều từng có thời kì mâu thuẫn với Mỹ trong suốt chiều dài lịch sử.

Tuy nhiên, hiện tại, Trung Quốc là nước bị Mỹ áp thuế nặng nề, còn Việt Nam thì không.

Với mong muốn giảm chi phí sản xuất, các công ty từ Nike (hãng quần áo và dụng cụ thể thao thương mại) tới Ikea (tập đoàn bán lẻ đồ nội thất lớn nhất thế giới) đã bắt đầu chuyển các chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam trong những năm gần đây.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đã tăng liên tục trong 6 năm liên tiếp; tăng trưởng kinh tế đạt ngưỡng 7%; và chính phủ đã giảm bớt một số rào cản đối với sở hữu nước ngoài ở Việt Nam. Đây là những lí do để đất nước này được nhiều chuyên gia nhận định là “người chiến thắng” trong chiến tranh thương mại.

Và điều đó cũng đặt ra câu hỏi là tại sao mặc dù có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc, nhưng Việt Nam lại không bị tổng thống Trump và đội ngũ kinh tế của ông áp thuế quan “dữ dội”.

Nếu một quốc gia “ít nguy hiểm” như Đức – với nhân công giá cao, chính phủ dân chủ và sử dụng đồng tiền chung – vẫn bị Mỹ đánh thuế, thì rõ ràng Việt Nam không thể không bị ông Trump liệt vào “danh sách đen”.

Lợi thế của Việt Nam

Chuyên gia tại Bloomberg lí giải rằng, điều khiến Việt Nam thoát khỏi thuế quan có lẽ là quy mô của nền kinh tế và xã hội. Việt Nam có khoảng 100 triệu dân – gần như ngang bằng với Philippines – và GDP là 224 tỉ USD (năm 2018).

Hay nói ngắn gọn: Việt Nam không phải là Trung Quốc, về địa chính trị, nhân khẩu học, kinh tế hay quân sự, và không phải là một mối lo tới lợi ích chiến lược của Mỹ. Trong những năm qua, mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đã ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.

Môi trường sản xuất kinh doanh ở Việt Nam ngày càng nóng lên.

Các công ty Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và thậm chí là Trung Quốc đã tăng cường khảo sát và tìm kiếm các địa điểm ở Việt Nam để thoát khỏi cuộc chiến tranh thương mại khốc liệt giữa Washington và Bắc Kinh.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo ngại liệu các cảng biển và tuyến đường bộ của Việt Nam có thể chịu được lưu lượng giao thông lớn; liệu nhân công có đủ kĩ năng cần thiết; và liệu giá đất có đang tăng quá nhanh hay không.

Nếu so với Trung Quốc, kinh tế của Việt Nam vẫn chưa quá lớn. Nhưng Bloomberg cho rằng, mô hình phát triển và chiến lược của Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc.

Mỹ đã từng coi Trung Quốc là cơ hội đầu tư “trăm năm có một”. Hàng loạt nhà đầu tư và lãnh đạo kinh tế đã tuyên bố rằng Trung Quốc là địa điểm tuyệt vời để kinh doanh. Những vấn đề chính trị đã là quá khứ – và cách khai thác kinh tế của phương Tây sẽ giúp quan hệ các nước trở nên tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, ngày nay mọi thứ đã khác với Trung Quốc.

Điều tương tự có thể sẽ xảy ra với Việt Nam. Nhưng cho tới thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn là điểm đến đầy hứa hẹn với tất cả các nước.

http://biendong.net/diem-tin/28054-dieu-khac-biet-duy-nhat-khien-ong-trump-quyet-danh-tq-du-doi-nhung-lai-coi-mo-voi-viet-nam.html

 

Hoa Kỳ và Việt Nam

đối thoại nhân quyền thường niên lần thứ 23

Hôm 15/5, chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam đã thực hiện đối thoại nhân quyền thường niên lần thứ 23 tại thủ đô Hà Nội.

Trong một thông cáo trên trang Facebook, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam hôm 15/5 cho biết: “Tại Đối thoại Nhân quyền hôm nay, chúng tôi đã có cuộc trao đổi thẳng thắn và hiệu quả với các đối tác Việt Nam về các vấn đề nhân quyền, quyền của người lao động, và tự do tôn giáo ở Việt Nam.”

“Chúng tôi tin tưởng rằng cuộc thảo luận của chúng tôi về nhân quyền sẽ thúc đẩy các mục tiêu chung nhằm ủng hộ một Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập,” thông cáo cho biết thêm.

Cũng trong dịp này các nhà ngoại giao Hoa Kỳ cũng nhắc lại tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về việc các quốc gia cần tôn trọng lợi ích của người dân của chính quốc gia mình:

“Chúng tôi không mong muốn hướng các quốc gia cùng chia sẻ các nền văn hoá, truyền thống hay hệ thống chính trị. Song chúng tôi thực sự mong muốn tất cả các quốc gia […] tôn trọng lợi ích của chính người dân của họ.”

Cũng hôm 15/5, Đại sứ Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink đã có cuộc gặp với Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh.

Ông Kritenbrink loan báo hôm 16/5: “Hôm qua, tôi rất vui khi có dịp gặp Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh để thảo luận về các cách thức giúp tăng cường hơn nữa Quan hệ đối tác toàn diện Hoa Kỳ – Việt Nam.”

Trước đó, hôm 13 và 14 tháng 5, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Scott Busby đã có cuộc gặp với các nhà bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền, và tự do tôn giáo ở Việt Nam.

https://www.voatiengviet.com/a/hoa-ky-va-vietnam-doi-thoai-nhan-quyen-thuong-nien-lan-thu-23/4919831.html

 

Phó Thủ tướng VN sắp thăm Mỹ,

 chuẩn bị cho ‘những chuyến thăm quan trọng’ sắp tới

Khánh An-VOA

Phó Thủ tướng-Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ thăm chính thức Cuba và Mỹ từ ngày 19-23/5, thông báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết vào ngày 16/5. Chuyến đi được thực hiện theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

Trả lời phỏng vấn báo TG&VN, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, ông Hà Kim Ngọc, cho biết chuyến thăm của ông Phạm Bình Minh vừa nhằm thúc đẩy các nội dung hợp tác cụ thể, đồng thời “chuẩn bị cho những chuyến thăm và hoạt động đối ngoại quan trọng” giữa hai nước trong thời gian tới.

Quan hệ Việt-Mỹ trong thời gian gần đây được đánh giá là có nhiều tiến triển, với biểu hiện bên ngoài là số lượng gia tăng các chuyến thăm chính thức giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.

Theo lời Đại sứ Hà Kim Ngọc nói với báo TG&VN, ngoài các chuyến thăm của các quan chức hàng đầu Việt Nam như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng… đến Mỹ, thì sự kiện Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đến thăm Việt Nam 2 lần chỉ trong vòng 15 tháng là điều “chưa từng có trong quan hệ hai nước”.

Tin cho hay tại cuộc hội đàm với Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khi đến Hà Nội tham dự hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim, Tổng thống Trump mời ông Trọng đến thăm chính thức Mỹ trong năm nay để “tiếp tục trao đổi về những biện pháp làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước”, theo báo Người Lao Động.

Trong cuộc họp báo ngày 14/3, người phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cũng xác nhận thông tin ông Trọng sắp thăm Mỹ, nhưng không cho biết thời điểm dự kiến sẽ thực hiện chuyến thăm.

Song gần đây, sự kiện người đứng đầu đảng Cộng sản vắng mặt trong suốt một tháng qua vì lý do sức khỏe đã khiến công luận đưa ra nhiều suy đoán về khả năng ông Trọng khó có thể thực hiện chuyến thăm quan trọng này.

Năm tới, Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ (1995-2020) vốn được xem là một “biểu tượng” cho tiến trình “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”, theo lời Đại sứ Hà Kim Ngọc.

Ngoài hợp tác, trao đổi về ngoại giao, quốc phòng, trong lĩnh vực kinh tế, hiện Mỹ đang là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đạt mức kỷ lục 60,3 tỷ đôla vào năm ngoái.

Việt Nam cũng được dự đoán là quốc gia “hưởng lợi” về kinh tế trong chiều hướng căng thẳng ngày càng tăng của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

https://www.voatiengviet.com/a/pho-thu-tuong-vn-sap-tham-my/4920092.html