Đọc báo Pháp – 14/05/2019
Chiến tranh thương mại:
Ván bài nguy hiểm của Donald Trump
Căng thẳng Mỹ -Trung leo thang làm chứng khoán thế giới tuột dốc, nguy cơ Iran phong tỏa vùng Vịnh, Pháp soán ngôi Trung Quốc trong danh sách hấp dẫn đầu tư, tranh cãi về vòng xoáy bạo động – bạo lực tại Pháp, tranh cử Nghị Viện Châu Âu là những đề tài chung trên báo Pháp hôm nay.
Trang nhất Le Figaro giành cho buổi lễ truy điệu hai chiến sĩ đặc nhiệm Pháp hy sinh trong trận giải cứu con tin ở Châu Phi, Le Monde giới thiệu bài điều tra về những sai sót trong guồng máy an ninh Pháp, đứng đầu trách nhiệm là bộ trưởng Nội Vụ và tổng thống Macron. Nhưng thông tin nổi bật hơn hết là thương chiến Mỹ-Trung bước vào giai đoạn đáng ngại : hai bên cùng rút súng.
« Thương chiến, Trung Quốc trả đũa » bất chấp khuyến cáo của tổng thống Mỹ « coi chừng làm tình hình xấu thêm ». Le Figaro cho biết vài phút sau khi Bắc Kinh loan báo tăng thuế lên 60 tỷ đôla hàng hóa Mỹ, tổng thống Donald Trump « bắn » một loạt « tweet » đe dọa : tôi đã nói thẳng với chủ tịch Tập và những người bạn tại Trung Quốc là Trung Quốc sẽ bị thiệt hại nặng, nếu không thỏa thuận. Bởi vì giới công ty sẽ bỏ Trung Quốc.
Trước mắt, « Căng thẳng làm thị trường chứng khoán rơi rụng », « Giới đầu tư chuẩn bị kịch bản xấu nhất » « đồng tiền Trung Quốc mất giá kỷ lục kể từ đầu năm nay, châu Á có nguy cơ bị chấn động », loạt bài của Les Echos.
Theo nhật báo kinh tế, ngày hôm qua, không một sàn giao dịch nào thoát hiểm, sau khi đoán lầm Donald Trump chỉ dọa Trung Quốc để gây sức ép. Cuối cùng căng thẳng thật sự leo thang với những hệ quả trước mắt : Wall Street mất giá 2%. Đồng nhân dân tệ giảm 0,8% so với đôla. Một loạt đồng tiền châu Á, nhất là các nước đang trỗi dậy, buôn bán với Hoa lục chắc chắn sẽ bị lôi xuống theo.
Trong toàn cảnh này, bài xã luận của Les Echos cảnh báo « Lá bài nguy hiểm của Donald Trump ». Biến động trên sàn giao dịch chỉ là bước thứ nhất, hệ quả kinh tế tiếp theo mới là chuyện đáng lo. Chắc chắn Trung Quốc bị thiệt hại nặng nhất, vì quá lệ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ. Nhưng Donald Trump đánh ván bài nguy hiểm, vì làm tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ mất trớn. Chiến tranh thương mại kéo dài sẽ tác động đến toàn thế giới, nhất là Châu Âu, đại cường xuất khẩu công nghệ. Les Echos nhìn nhận Donald Trump có lý khi buộc Trung Quốc mở cửa thị trường và tôn trọng tác quyền trí tuệ. Nhưng tổng thống Mỹ đã sai lầm khi sử dụng biện pháp trừng phạt đơn phương, thay vì qua Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, gây ra phản ứng trả đũa từ phía Trung Quốc.
Gây căng thẳng với Trung Quốc và Iran để thu hút cử tri Mỹ trước bầu cử 2020, tổng thống Donald Trump đã đặt thế giới vào tình huống bất trắc, Les Echos phê phán.
Cũng cùng nhận định này, Le Figaro cảnh báo : Cách nay vài hôm, truyền thông một chiều ở Hoa lục nhìn nhận chiến tranh thương mại có hại cho Trung Quốc, nhưng giờ đây giọng lưỡi đã đổi khác : Trung Quốc sẵn sàng giao chiến.
Pháp vào « top 5 » những quốc gia đầu tư hấp dẫn
Pháp vào « top 5 » những quốc gia hấp dẫn đầu tư quốc tế. Đây là tin vui bất ngờ, vì cho dù phong trào Áo vàng xuống đường mỗi thứ bảy suốt 25 tuần liên tiếp, Pháp soán ngôi Trung Quốc trong danh sách « đất lành chim đậu ». Le Monde và Les Echos đồng nhận định.
Trong bản xếp hạng của A.T. Kearney, công ty cố vấn Hoa Kỳ mà Les Echos trích dẫn, nước Mỹ vẫn dẫn đầu, nhưng lần đầu tiên nước Pháp tạo được tin tưởng mạnh trong giới đầu tư. Đó là nhờ « hiệu ứng Macron ». Từ khi điện Elysée đổi chủ cách nay hai năm, nước Pháp nhanh chóng « leo thang » lên hạng 5, sau Mỹ, Đức, Canada và Anh Quốc. Phong trào biểu tình của Áo vàng không tác động gì. Trái lại, đây cũng là lần đầu tiên, Trung Quốc rơi xuống hạng thứ 7, sau hơn một chục năm đứng đầu bảng « do những bất cập bên trong, trong đó có nợ khó đòi và chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ ».
Trong bài xã luận « Khi Pháp lấy chỗ của Trung Quốc », Philippe Escande của Le Monde cho biết giới nhân viên Trung Quốc làm việc cho công ty nước ngoài rất lo âu cho tương lai. Điển hình là công ty điện toán Oracle của Mỹ thông báo hủy bỏ 900 việc làm tại Hoa lục. Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung chỉ là hiện tượng nổi bật của làn gió bảo hộ thương mại mà hệ quả sẽ là tái phối trí bàn cờ thương mại thế giới.
Nghiên cứu của A.T. Kearney từ 20 năm nay, mỗi năm phỏng vấn 500 doanh nghiệp cho thấy sức hấp dẫn của một thị trường không phải là do nhân công rẻ. Trong danh sách 25 nước thuộc loại đất lành chim đậu, hầu hết là các nước tây phương, chỉ có ba nước đang trỗi dậy là Trung Quốc, Ấn Độ và Mêhicô lọt vào. Điển hình là Trung Quốc, đứng đầu bảng từ 2002 đến 2012, đến 2018 vẫn còn bám hạng 5, năm nay bị Pháp chiếm chỗ. Nói gì thì nói, Trung Quốc không có những lợi thế của các nước tây phương : thị trường tiềm năng lớn, thuế khóa hấp dẫn,trình độ công nghệ cao và cuối cùng là có một chế độ ổn định theo nghĩa biết thượng tôn pháp luật.
Căng thẳng tại Vịnh Ba Tư
Vịnh Ba Tư, một hồ sơ nóng khác có nguy cơ đưa đến xung đột giữa Mỹ và Iran. Ngoại trưởng Mỹ gây sức ép với Châu Âu, tựa của La Croix, trong khi Le Figaro báo động : Vịnh Ba Tư căng thẳng, sau khi bốn tàu chở dầu hỏa bị phá hoại, mà chưa rõ ai là thủ phạm.
Vào lúc Washington tố cáo Iran chuẩn bị tấn công vào quyền lợi của Mỹ tại Trung Đông, thì Châu Âu lo ngại xung khắc leo thang thành xung đột võ trang. Sự kiện ngoại trưởng Pompeo đến Bruxelles tham gia cuộc họp cấp ngoại trưởng của Liên Hiệp Châu Âu là một hình thức lôi kéo Anh, Pháp, Đức, ba nước trong lục cường ký hiệp định hạt nhân 2015 ủng hộ lập trường Mỹ. Theo Le Figaro, Bruxelles tiếp đón ngoại trưởng Mỹ một cách lạnh nhạt. Đại diện ngoại giao Federica Mogherini tuyên bố thẳng : lịch trình làm việc rất nặng. Không biết có thời giờ để thảo luận với ông ấy hay không. Còn theo La Croix, Hoa Kỳ vẫn nuôi hy vọng « làm thay đổi chế độ » tại Teheran, khi nói rằng « Mục tiêu của Mỹ không phải là chiến tranh, nhưng muốn giới lãnh đạo Iran thay đổi thái độ ».
Trên thực địa, Hoa Kỳ đã đưa vào vịnh Ba Tư một hải đội tác chiến gồm hàng không mẫu hạm, khu trục hạm, tên lửa chống tên lửa Patriot và tăng cường không lực với nhiều pháo đài bay B52. Trong tình thế này, lại xảy ra vụ phá hoại bốn chiếc tàu chở dầu hỏa xuất khẩu : hai chiếc của Ả Rập Xê Út, một chiếc của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và chiếc thứ tư của Na Uy. Không rõ ai là kẻ thủ lợi, nhưng Ả Rập Xê Út và Iran bị nghi ngờ hơn cả. Theo giải thích của Le Figaro, Dubai cần hoà bình để khai mạc Triển Lãm Hoàn Vũ nên khó bị cáo buộc. Ả Rập Xê Út có thể tạo cớ để Mỹ đánh kẻ thù Shia Iran và mua thêm vũ khí mới. Iran cũng có thể là thủ phạm, không phải vì hiếu chiến, nhưng do không còn giải pháp nào khác để thoát bế tắc nên đánh, để hy vọng lay chuyển cục diện.
Le Figaro ghi nhận thái độ thận trọng của Mỹ, cho đến tối thứ Hai, không cáo buộc một nước nào.
Tranh luận về vụ giải cứu con tin,
khiến hai quân nhân hy sinh
Trở lại thời sự Pháp, vụ du khách Pháp đi du ngoạn ở châu Phi bị bắt cóc, quân đội đi giải cứu bị hy sinh hai quân nhân gây ra một cuộc tranh luận tại Pháp. Cũng như các đồng nghiệp, Liberation dành 6 trang để phân tích lập luận của những kẻ bênh người chống, cùng với bản đồ và các khuyến cáo an ninh của bộ Ngoại Giao : « Điểm đến hiểm nguy » là tựa lớn trên trang bìa với ảnh minh họa là một bãi biển thơ mộng nằm trong tầm kính nhắm của một xạ thủ.
Tại Pháp, tổng thống Macron bị chỉ trích từ mọi phía. Ra tận phi tường đón hai con tin được giải cứu với giá hai biệt kích hy sinh, cũng bị chê trách. « Macron, tổng tư lệnh tối cao, bị hiểu lầm », tựa của Le Monde.
Châu Âu : Phe Brexit Anh bị trừng phạt,
đảng Xanh Đức khởi sắc
Về chính trị Châu Âu, trong cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu sắp tới, đảng Xanh ở Đức thuận buồm xuôi gió, thông tin của Le Monde. Trong khi tại Anh Quốc, đảng bảo thủ có nguy cơ bị cử tri trừng phạt xuống dưới 10% số phiếu bầu, theo hai kết quả thăm dò được trích dẫn trên Les Echos.
Liên hoan Cannes tràn ngập các báo
Trong lĩnh vực điện ảnh, tháng 5 là tháng của mùa Liên hoan Cannes. Tin chuẩn bị Liên hoan lần thứ 72 tràn ngập các báo. Nhiều phim có giá trị được chọn lọc, nhiều minh tinh màn bạc sẽ tham dự, Le Figaro quảng cáo và không quên một ngôi sao của Hollywood vừa tắt lịm ở tuổi 97: Doris Day. Hitchcok, nhà đạo diễn nổi tiếng với các bộ phim nghẹt thở và nhạc phẩm « Que sera, sera » đã đưa người nữ nghệ sĩ nhạc viện tóc vàng đi vào huyền thoại điện ảnh.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190514-chien-tranh-thuong-mai-van-bai-nguy-hiem-cua-trump
Tin đọc nhanh
(AFP) – Bắc Triều Tiên yêu cầu Mỹ trả tầu hàng.
Ngày 14/05/2019, Bình Nhưỡng đánh giá việc Mỹ bắt tầu hàng Wise Honest của Bắc Triều Tiên vào tuần trước là « hành động ăn cắp »và yêu cầu chính quyền Washington trả lại. Sau khi bị Mỹ bắt giữ ngày 09/05 nhằm trừng phạt Bắc Triều Tiên vi phạm cấm vận quốc tế, tầu Wise Honest, nặng 17.000 tấn, bị lai dắt về đảo Samoa của Mỹ từ hôm 11/05.
(The Diplomat) – Hai tầu chiến Úc thăm Việt Nam.
Theo The Diplomat ngày 13/05/2019, hai chiến hạm HMAS Canberra và HMAS Newcastle đã ghé thăm cảng Cam Ranh bốn ngày, vào tuần trước, trong khuôn khổ huấn luyện quân sự chung tại vùng biển Ấn Độ-Thái Bình Dương mang tên « Indo-Pacific Endeavour ». Đây là lần đầu tiên, Việt Nam tham gia hoạt động « Indo-Pacific Endeavour ».
(NHK) – Trực thăng mẫu hạm lớn nhất của Hải Quân Nhật Bản thăm Singapore.
Chiếc JS Izumo đã ghé cảng Singapore ngày 13/05/2019. Trong ba ngày 14-16/05 chiếc Izumo sẽ cùng với 22 chiến hạm nước ngoài khác tham gia triển lãm quốc phòng quốc tế IMDEX Asia 2019. Trước lúc ghé Singapore, tàu Nhật đã tham gia tập trận đa phương từ ngày 30/04 cùng với Hải Quân một số nước Đông Nam Á, và Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hàn Quốc. Dù được gọi là « khu trục hạm », nhưng chiếc Izumo là một tàu sân bay cỡ nhỏ, sắp tới đây, có thể dùng cho chiến đấu cơ Mỹ F-35B.
(Reuters) – Dịch tả lợn châu Phi lan rộng, Việt Nam tiêu hủy 1,2 triệu con lợn.
Hôm qua 13/05/2019, chính phủ Việt Nam thông báo như trên. Thịt lợn chiếm ¾ tổng lượng thịt tiêu thụ trong cả nước, trong đó có 30 triệu con lợn nuôi trong nước. Việt Nam phát hiện dịch tả lợn châu Phi hồi tháng 2/2019 và hiện dịch lan rộng ra 29 tỉnh. Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc FAO, hồi tháng 3, khuyến cáo Việt Nam công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia do dịch.
(AFP) – Vợ của cựu chủ tịch Interpol Mạnh Hồng Vĩ được tị nạn tại Pháp.
Trả lời AFP ngày 13/05/2019, luật sư của bà Mạnh cho biết bà Mạnh cùng hai người con chính thức được cấp quy chế tị nạn tại Pháp vào ngày 02/05. Trước đó, bà Grace Mạnh cho biết gia đình bà suýt bị bắt cóc và hiện đang được cảnh sát bảo vệ. Ông Mạnh Hồng Vĩ, trước khi trở thành chủ tịch Interpol, là thứ trưởng Công An Trung Quốc, đã chính thức bị bắt giam tại Trung Quốc vì bị tình nghi nhận hối lộ.
(CNN) – Trung Quốc cấp hàng cứu trợ cho Venezuela.
Trả lời đài CNN, bộ Thông Tin Venezuela cho biết chiếc máy bay vận tải của Trung Quốc chở khoảng 2 triệu trang thiết bị y tế và phẫu thuật đã hạ cánh xuống thủ đô Caracas ngày 13/05/2019. Việc phân phối số hàng này sẽ do chính quyền thực hiện.
(AFP) – Nhiều nước phát triển không tôn trọng quyền của trẻ em.
Theo bảng xếp hạng thường niên của KidsRights, tổ chức phi chính phủ của Hà Lan chuyên về bảo vệ quyền trẻ em, nếu tính đến cả mức độ phát triển kinh tế, thì Anh Quốc và New Zeland còn thua kém cả Syria và Bắc Triều Tiên trong việc bảo vệ trẻ em di dân và các em thuộc các gia đình nghèo khó. Anh Quốc và New Zeland đứng hàng 170 và 169 trong tổng số 181 nước. Các nước được đánh giá cao nhất lần lượt là Island, Bồ Đào Nha, Thụy Sĩ, Phần Lan, Đức, Hà Lan, Bỉ và Pháp.
(AFP) – NASA công bố tên chương trình đưa người Mỹ trở lại mặt trăng là «Artemis».
Từ nay đến năm 2024, các phi hành gia Mỹ, trong đó có một người phụ nữ đầu tiên, sẽ được đưa lên mặt trăng. Hôm qua 13/05/2019, Donald Trump thông báo chính quyền Mỹ đã đề nghị Quốc Hội thông qua 1,6 tỉ đô la ngân sách cho « Artemis ». Trong thần thoại Hy Lạp, Artemis là « nữ thần mặt trăng ». Artemis là chị em sinh đôi của thần Apollo. « Apollo » cũng là tên chương trình đã đưa 12 nhà du hành Mỹ lên mặt trăng trong giai đoạn 1969-1972.
(Reuters) – Thổ Nhĩ Kỳ cân nhắc hoãn nhập tên lửa S-400 của Nga.
Theo một số nguồn tin ngày 13/05/2019, Ankara đắn đo, sau khi nhận được yêu cầu của Washington vào tuần trước, cũng như dọa xét lại việc Thổ Nhĩ Kỳ tham gia sản xuất chiến đấu cơ F-35 của Mỹ. Theo dự kiến, Nga sẽ giao cho Thổ Nhĩ Kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 vào tháng 07/2019.
http://vi.rfi.fr/tong-hop/20190514-tin-doc-nhanh