Tôi đi học… tập cải tạo
Nguyễn Bá Chổi (Danlambao) – (Xin phép bắt chước Tôi Đi Học của cố nhà văn Thanh Tịnh)
Hàng năm cứ vào cuối Tháng Tư, khi cờ đỏ ngoài đường treo nhiều hơn và trong không gian rộ lên những tiếng loa đài oang oang về “Giải phóng Miền Nam”, lòng tôi lại hừng hực những kỷ niệm ran rát của buổi vào trại tập trung cải tạo.
Tôi không tài nào quên được những cảm giác đen như mõm chó mực trong buổi sáng ấy.
Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy viết lên những gì mình suy nghĩ là “ông chủ” này chết với bọn “đầy tớ nhân dân”, và ngày nay thì tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần đọc báo, nghe đài lải nhải về “Ngày Giải phóng”, lòng tôi lại nóng bừng lên vì vết phỏng hai hòn.
Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương rừng và gió núi. Công an “đột xuất” xông vào nhà tôi, mặt mày lăm lăm, đọc lệnh bắt rồi tức thì dẫn tôi đi trên con đường làng dài và lỗ chỗ đất với đá ba lát. Con đường này tôi đã quen đi lại gần 20 năm, nhưng lần này tất nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính đời tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học… tập cải tạo.
Tôi không kịp đi qua nhà bà con họ hàng kế bên để chào giã biệt như trước đây mỗi khi đi xa nữa.
Trong bộ đồ đang mặc không kịp thay, tôi cảm thấy mình bắt đầu cuộc đời tù nhân.
Dọc đường tôi thấy nhiều người đủ hạng tuổi, quần áo xất bất, nhìn tôi với ánh mắt thương cảm, và nhìn nhau xầm xì. Cái túi xách đựng vài bộ quần áo mà tôi đã chuẩn bị từ lâu cho ngày này ở trên tay tôi đã bắt đầu thấy nặng. Tôi bặm tay thật chặt, định phang một phát vào mặt tên công an rồi ra sao thì sao, nhưng hình ảnh những chiếc chiến xa tôi đã bỏ lại tại Ngã Bảy Chợ Lớn trước đó hai tuần lễ hiện ra trong đầu óc khiến tôi liên tưởng tới “tiên sinh” Từ Hải đã trót “bó tay về với triều đình” thì “phận mình ra sao” của một trong hàng triệu “ hàng thần lơ láo” cũng đành phải chấp nhận thương đau. Sau khi “đổi mới tư duy”, tôi lại bình tĩnh bước đi trước mũi súng AK 47 của cậu công an mặt non choẹt đến trại tập trung cải tạo còn mạng tên “Trung tâm Cải huấn” của chế độ cũ.
Ngày ấy, chốn lao tù đối với tôi là một nơi hoàn toàn xa lạ. Tôi bị bước vào qua cánh cửa dăng mắc đầy dây kẽm gai, và lọt tỏn giữa những người thoạt nhìn qua đã biết họ là “phe ta”.
Tôi trước đây phục vụ trong quân ngũ ở những miền rất xa nơi này, chưa một lần gặp mặt “đồng môn”, nhưng cùng cảnh ngộ với nhau cả nên rất “lạ mà quen”. Lòng tôi không lo sợ vẩn vơ cảnh “tù cũ hiếp tù mới”. Và quả thật như vậy.
Một kỷ niệm tôi nhớ mãi là trong buổi cơm tù đầu tiên. Tôi tạm ngưng nơi đây để ghi lời cảm ơn anh Lưu Hồng Điều (13 năm tù trên đất Bắc và đã về bên kia thế giới) đã để lại cho thằng em một tuyệt phẩm ngắn gọn nhưng ý nghĩa thật là trường thiên xã hội chủ nghĩa hiện thực tiểu thuyết. Câu chuyện đã 41 năm rồi mà nay hồi tưởng lại tôi cứ ngỡ như vừa xảy ra:
Trong bữa cơm tù đầu tiên ấy, sau khi được chia phần ăn gồm một chén cơm gạo mọt độn với cũ khoai lang khô mốc và một chén gọi là canh rau muống với muối, tôi nhìn sang phòng bên kia thấy anh Lưu Hồng Điều là người đồng hương nên chạy sang chào anh cũng đang cầm trên tay chén cơm cùng “tiêu chuẩn”. Thấy tôi, anh liền đưa ngón tay vừa chỉ vào chén cơm vừa lắc đầu nói với giọng ngao ngán:
“Tao đã trốn thoát mày được 20 năm nay, bây giờ mày lại chạy vào đây đeo bám lấy tao nữa!”
Tôi cũng như anh Điều là “Bắc ri cư 54” nên “tự hào” thấm thía hơn bạn đồng môn cải tạo dân Nam Kỳ là những người từ nào tới giờ chưa biết thế nào là cơm độn, một hạt gạo phải còng lưng cõng mấy lát khoai lang khoai mì dày trịch, to tổ chảng mà vì lẽ sinh tồn phải trợn mắt mà nuốt.
Kể cho hết chuyện “Tôi đi học… tập cải tạo” thì đến bao giờ cho hết. Tôi bèn ngưng nơi đây với ước mong rằng muôn đời con cháu mai sau sẽ không bao giờ phải đi “học tập cải tạo” để làm công dân xã hội chủ nghĩa như tôi nữa.