Hình Tượng Người Mẹ Việt Nam – Cổ Tấn Tinh Châu
Lòng Mẹ! Hai tiếng hết sức ngọt ngào và thiêng liêng làm sao! Tình mẫu tử này được gắn kết bằng sợi dây huyết thống, sự sống của con gắn liền với sự sống của mẹ; tình cảm ấy mang đầy lòng yêu thương, chan chứa vô bờ, chỉ ban phát mà không mong cầu đáp trả. Các bà mẹ nói riêng, là những người mang lấy nhiều nỗi thiệt thòi và bất hạnh. Nhưng lại là những người gánh vác vai trò làm mẹ hết sức cao cả.
Con trưởng thành trong vòng tay cưu mang và che chở của mẹ, trong những lời ru dạy bảo ân tình của mẹ cho con lúc còn thơ ấu, dẫn dắt con từng bước vào đời. Con là một phần thân thể và linh hồn của mẹ, con khổ là mẹ khổ, con khóc lòng mẹ sầu mà con nào có biết đâu!
Cả nước cũng có hàng triệu bà mẹ đã lặng lẽ giấu đi những giọt nước mắt để nhìn những đứa con thân yêu của mình ra trận, chiến đấu vì, tự do dân chủ của đất nước.
Đối với những bà mẹ phải tiễn con ra trận, sự hy sinh đó không chỉ dừng lại ở nỗi mất mát những đứa con, mà còn gắn liền với việc phải hy sinh luôn cảm xúc người mẹ muốn che chở cho con mình được an toàn của họ.
Những bà mẹ vẫn khắc khoải, những vết thương tâm đã hằn sâu trong lòng mẹ, nỗi đau đớn không bao giờ vơi; bao nước mắt của mẹ đã rơi để khóc tiễn đưa những đứa con yêu của mẹ đã ngã xuống ngoài chiến trường, nỗi đau của “đầu bạc đã phải khóc tiễn đầu xanh”.
Ở hậu phương, có bóng hình người mẹ, người vợ vẫn ngày ngày đợi chờ các con, để rồi lại giấu nỗi đau vào tim khi được tin các con mãi không trở về. Nước mắt mẹ không còn, vì khóc những đứa con, lần lượt ra đi, đi mãi mãi. Mẹ là kho tàng yêu thương hạnh phúc, là tàng cây bóng mát che chở cho con nương náu trong những lúc vấp ngã hay cô đơn thất vọng, con lại tìm về suối nguồn yêu thương ấy để được nghe những lời an ủi, khuyên răn vỗ về sưởi ấm lòng con.
Các con bị thương sau khi rời quân y viện lại về trong vòng tay mẹ chăm sóc cho đến ngày trở về đơn vị. Mẹ trở thành điểm tựa ở mọi ngã đường của những người chiến sĩ.
Đất nước Việt Nam trải qua bao cuộc trường chinh khói lửa, mẹ đã gánh cả giang sơn trên đôi vai gầy, đi suốt chiều dài lịch sử. Từ những bà Trưng, bà Triệu cưỡi voi ra trận, đến nữ tướng Bùi Thị Xuân làm khiếp đảm quân xâm lăng.
Những nữ tướng đã mở đầu cho trang truyền thuyết về người mẹ Việt Nam anh hùng. Truyền thuyết ấy cứ dài thêm bất tận bởi những con người sống mãi và đẹp mãi với thời gian. Vẫn biết chiến tranh là mất mát, hy sinh, những nỗi đau trải dài trên thân thể đất nước và đi vào ngóc ngách của cuộc sống.
Ngoài sự mất mát về vật chất, nỗi đau lớn nhứt vẫn là nỗi đau tinh thần đã dằn xé và đeo bám mẹ cho đến ngày hôm nay và mãi mãi. Ta không thể nào cảm nhận được nó. Vợ mất chồng, mẹ mất con. Một mình mẹ đã gánh cả giang sơn to lớn trên đôi vai gầy mà không hề quỵ xuống.
Đối với dân tộc ta, Mẹ Việt Nam từ ngàn đời luôn là biểu tượng cao quý của sự dịu dàng, tấm lòng nhân hậu, bao dung, đức tính kiên trung. Hình ảnh người mẹ đã đi vào trang sách em thơ, đi vào lời ru câu hát, những vần thơ thắm đượm tình người.
Trong khi chúng ta đang say vùi trong giấc ngủ ngon lành của tuổi thơ, ngay cả khi chúng ta đang ngồi chiểm chệ trên chiếc ghế chủ tọa,… có biết chăng các người mẹ của chúng ta đang vật lộn với cuộc sống, tần tảo kiếm từng đồng tiền bát gạo nuôi ta ăn học, rạng rỡ công danh với đời.
Mẹ đã đùm bọc cho những đứa con đang ngày đêm đối diện với giặc xâm lăng. Phía sau lưng, nơi quê nhà yêu dấu, người mẹ là hậu phương vững chắc nâng bước chân cho người chiến sĩ vượt qua mọi gian lao. Nỗi nhớ về hình ảnh người mẹ mang trên vai mình bao nỗi đắng cay đã chuyển thành niềm tin và sự lạc quan cho những người con tiến lên phía trước.
Tình Mẹ! Một thứ tình cảm luôn che chở, cưu mang, bao dung, độ lượng,…; luôn hy sinh, cam chịu trong mọi hoàn cảnh.
Ôi, tình mẹ quê hương đất nước quả thật cao vời! Mẹ đã hoá mình vào đất nước, quê hương. Mẹ của chúng ta cũng chính là bà mẹ Việt Nam. Trong thời chiến, cha phải mang trên vai chí nam nhi nơi chiến truòng lửa đạn. Mẹ một mình gồng gánh nuôi con, vượt qua mọi hiểm nguy, ôm con chạy giặc.
Trong cảnh mạng sống bị đe doạ, ta lại nhìn thấy hình ảnh mẹ cao cả, bao la,… sự che chở an toàn cho con trong phút giây hiểm nguy nhứt. Thật cảm động, hình ảnh của nhiều người mẹ đã ngã gục bên đường, lấy thân mình che đạn cho con.
Dẫu có bao nhiêu nhọc nhằn gian lao, mẹ sẵn sàng đón nhận miễn sao cho con mình được khôn lớn trong sự bình yên hạnh phúc. Mẹ mong sao con mình thành nhân, phải sống cho có nghĩa, cho dù phải đánh đổi cái giá quá đắc cho đời mình.
Cứ chiều chiều, mẹ lại nhìn ra đầu ngõ, trông chồng đợi con, đôi mắt sâu thẳm của mẹ u buồn trong nỗi niềm khắc khoải nhớ thương, hoài vọng những đứa con trở về.
Trong khi chiến tranh mẹ trở thành điểm tựa tinh thần ở mọi ngã đường của người chiến sĩ, trong những lúc gian nguy nhứt, đau đớn nhứt lại tìm được điểm tựa vững chắc về tinh thần ở nơi mẹ.
Nỗi đau mất mát những người con ruột thịt quá lớn. Nén nỗi đau, hàng ngày mẹ nâng niu, trân trọng kỷ vật còn sót lại của con trai, lấy đó làm niềm tin tiếp tục sống, chờ ngày hòa bình để gặp lại các con.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau, hậu quả của chiến tranh vẫn đọng lại. Trong chiến tranh, những người mẹ đã hy sinh cả tuổi thanh xuân và những gì yêu quý nhứt của mình. Nỗi đau quá lớn của người và nỗi cô đơn mà mẹ phải đối mặt trong những năm tháng còn lại của cuộc đời.
Trong sự mất mát chia lìa bởi chiến tranh, người mẹ nào chẳng khóc đau xé lòng vì con mình hy sinh trong trận mạc, dẫu biết chiến tranh nghiệt ngã sinh tử là điều không tránh khỏi, nhưng tình mẫu tử khiến nước mắt mẹ không còn để khóc những người con lần lượt ra đi, đi mãi mãi. Nấm mồ này cỏ chưa kịp lên xanh, mẹ lại phải đắp thêm nấm mộ khác.
Khói lửa chiến tranh tan rồi, còn lại hình bóng người mẹ hiền cô đơn trong hoàng hôn cuộc đời.
Hình ảnh một người mẹ đầu tóc bạc phơ lăn dài nước mắt ở nghĩa trang trong ngày Tết mới càng thấm thía với sự hy sinh của cả một dân tộc và vết thương lòng của những người mẹ vẫn còn hằn sâu theo tháng năm dù cuộc chiến đã lùi xa hơn 40 năm.
Tấm lòng của mẹ ngày đêm hướng về chiến trận – nơi có mấy người con bà dứt ruột sinh ra nhưng vì tổ quốc phải từ biệt mẹ tham gia chiến đấu chống xâm lăng. Khói lửa chiến tranh qua rồi, cả mấy con mẹ đều gởi lại tuổi xuân ở chiến trường, còn lại một mình mẹ thôi.
Nỗi đau thương vẫn còn len lỏi âm thầm trong căn nhà nhỏ, nơi mẹ và các con của mẹ cùng chung sống. Cũng không biết bao lần, mẹ đứng ở đầu ngõ trông về phương xa.
Mỗi ngày người mẹ ngồi bên mâm cơm với mấy cái chén và mấy đôi đũa, ở giữa là bình nhang nhắc tên từng đứa con đã hy sinh khiến tim chúng ta nghẹn lại vì cảm động.
Chúng ta khó cầm được nước mắt, đó là khi mẹ đến bàn thờ với hai bàn tay nhăn nhúm của mẹ để lên từng bức hình, rồi sờ lên đầu, lên mắt các con. Mẹ áp má lên di ảnh con mình. Nỗi đau vẫn còn đó trong lòng, nhưng các mẹ cũng hiểu, sự hy sinh to lớn của con mình chính là để bảo vệ chủ quyền của tổ quốc.
Có một khoảng trống lòng mẹ không bao giờ lấp đầy được, một nỗi hiu quạnh không bao giờ ấm lại, nỗi buồn đau không bao giờ dứt.
Đến nay khi mẹ đong đầy nước mắt, mẹ mới nhận ra rằng đó là những gì mẹ không bao giờ quên được.
Cuộc chiến đã lùi xa, nhưng mẹ vẫn đau nỗi đau xé lòng, buồn nỗi buồn khôn cạn, sống với kỷ niệm không phai, hình ảnh không mờ của những người thân yêu nhứt, càng ngày mẹ càng héo hắt, vầng trán mẹ thêm nhiều nếp nhăn, lưng mẹ còm cỏi và yếu dần theo năm tháng.
Cảm ơn cuộc đời này vì đã cho chúng con được là con của các mẹ! Chúng con luôn hướng về gia đình, hướng về mẹ. Mẹ mãi là vòng tay ấm áp và bình yên của các con.
Con cám ơn mẹ vì những gì mà mẹ đã làm cho con, vì những khó khăn, vất vả mẹ đã phải vượt qua để nuôi nấng con. Nhờ mẹ mà con mới trở thành một người như hôm nay. Cám ơn mẹ vì tất cả. Con yêu mẹ!
Mẹ là quà tặng vô giá mà cuộc đời dành cho chúng ta -những đứa con thân yêu của mẹ .
Cổ Tấn Tinh Châu
Tháng 5 năm 2019