Tin Việt Nam – 12/05/2019
Việt Nam: Thêm hai người bị án tù
vì chống dự luật Đặc Khu
Hôm 11/05/2019, báo chí chính thức tại Việt Nam cho biết, một tòa án tại tỉnh Đồng Nai kết án tù hai phụ nữ, bị cáo buộc kêu gọi biểu tình chống hai dự luật Đặc khu và An ninh mạng hồi năm 2018. Một số nhà hoạt động nhân quyền tố cáo chính quyền gây áp lực để đương sự phải nhận luật sư « chỉ định », nhằm dễ bề khép tội.
Hai bà Vũ Thị Dung, 54 tuổi, và bà Nguyễn Thị Ngọc Sương, 51 tuổi, cư trú tại huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, bị khép tội « làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam » (Điều 117 Bộ luật Hình Sự Việt Nam). Bà Dung bị án 6 năm tù, bà Sương bị phạt 5 năm tù.
Theo cáo trạng của cơ quan công tố Việt Nam, bà Vũ Thị Dung đã viết hơn 100 tờ truyền đơn có nhiều nội dung kêu gọi « Tổng biểu tình ngày 13/10/2018; biểu tình tại nhà thờ Fatima và trên toàn quốc; xuống đường chống lại áp bức, tẩy chay hàng Trung Quốc… ». Hai bà Vũ Thị Dung và Nguyễn Thị Ngọc Sương bị bắt vào hồi tháng 10/2018.
Trả lời RFI Tiếng Việt, bà Trần Thu Nguyệt (Sài Gòn), một nhà hoạt động nhân quyền đã tiếp xúc với con của bà Vũ Thị Dung, cho biết :
« Con của chị Dung có nói là khi họ khám xét nhà, thì không thấy có một tài liệu gì hết. Duy nhất chỉ có một tấm biểu ngữ viết bằng tay của chị Dung, với nội dung : Phản đối dự luật đặc khu, cho Trung Cộng thuê đất. Khi họ kiểm tra trên điện thoại của chị Dung, cháu kể là khi vào Facebook của mẹ cháu, thấy chia sẻ một số clip của những người hay kêu gọi biểu tình, bạo động. Chỉ có mỗi vậy thôi, họ làm giấy và quyết định bắt đưa đi.
Bên phía an ninh, họ ép không được nhận lời luật sư bên ngoài. Họ đưa luật sư chỉ định của phía bên tòa án ra. Con của chị Dung có nói với tôi hồi sáng nay như vậy. Theo lời kể, tôi biết là hoàn toàn do phía an ninh họ dựng chuyện, vu khống. Tôi cũng nói chuyện với con chị Dung, để cháu phân tích cho mẹ biết, không nên tin phía bên an ninh. Không nên tin những người mà nhà cầm quyền chỉ định. Họ chỉ nói để cho mình chấp nhận ký vào bất cứ tờ giấy biên bản nó sắp đặt sẵn, rồi nó ghép tội cho mình.
Đã bị rồi, bây giờ mình phải bảo vệ bản thân mình. Nên làm đơn kháng cáo trong vòng 15 ngày. Bởi sau đó thì hết hạn. Và yêu cầu có luật sư của mình, không chấp nhận luật sư mà nhà cầm quyền đưa tới ».
Theo AFP, dự luật lập Đặc khu kinh tế hồi năm ngoái của chính quyền, mở cửa cho nước ngoài thuê đất 99 năm, bị dân chúng tại Việt Nam phản đối dữ dội. Kể từ đó đến nay, nhiều nhà hoạt động nhân quyền cáo buộc chính quyền Việt Nam bỏ tù nhiều người biểu tình, sau các phiên tòa xét xử chóng vánh, không bảo đảm thủ tục tố tụng.
Tổ chức bảo vệ nhân quyền HRW, hồi tháng 2/2019, khuyến cáo các định chế quốc tế gây áp lực buộc chính quyền Việt Nam hủy bỏ nhiều điều khoản trong Bộ luật Hình Sự, bị coi là các công cụ đàn áp quyền tự do ngôn luận và những người bất đồng chính kiến. Trong số các điều khoản nói trên, có điều 117 được áp dụng để khép tội hai bà Vũ Thị Dung và Nguyễn Thị Ngọc Sương. HRW cũng kêu gọi chính quyền Việt Nam sửa đổi Bộ luật Hình sự cho phù hợp với Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR), mà Việt Nam đã tham gia.
Chính quyền Việt Nam cũng bị tố cáo đã trì hoãn việc thông qua luật Biểu Tình, để người dân có thể thực thi quyền biểu tình, quyền bày tỏ chính kiến nơi công cộng, được Hiến pháp bảo vệ.
Trước áp lực của dư luận, cộng sản Việt Nam kiểm tra
chuyển giao xỉ gang của Formosa
Tin Vietnam.– Đài VOV của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam ngày 11 tháng 5 năm 2019 đưa tin về việc Tổng cục môi trường đã tạm dừng và kiểm tra việc thu gom, chuyển giao xỉ gang của Formosa và các doanh nghiệp ở Thái Nguyên.
Ông Nguyễn Thượng Hiền, Vụ trưởng vụ Cai quản chất thải, thuộc bộ Tài Nguyên và Môi trường cho rằng, xỉ gang mà các công ty ở Thái nguyên mua của Formosa không phải là chất thải, mà là phế liệu dùng làm nguyên liệu sản xuất, không thải ra môi trường. Vì vậy, các chuyên gia, và cơ quan chức năng tỉnh Thái nguyên nói là chất thải nguy hại là không đúng, gây hiểu lầm.
Ông Hiền giải thích, gang xỉ mà cơ quan tỉnh Thái Nguyên phát hiện đang được mua bán như hàng hóa là phế liệu gang xỉ khử lưu huỳnh FHS của Formosa có chứa 76.1% là sắt, nên được pháp luật của nhà cầm quyền khuyết khích tái chế, để làm nguyên liệu sản xuất thép; và gang xỉ này không có trong danh mục chất thải nguy hại.
Tuy nhiên dư luận tại Việt Nam cho rằng để chứng minh cho những gì ông Hiền nói thì hãy nhờ một cơ quan độc lập nước ngoài thử nghiệm tất cả chất thải này.
An Nhiên
Thông báo: CTS Hứa Phi
bị an ninh công an canh giữ tại nhà
Theo thông tin từ Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam trong nước cho biết, vào ngày 13 tháng 5 năm 2019 sẽ có buổi gặp mặt với một số cơ quan của Chính Phủ Hoa Kỳ tại Sài Gòn.
Ngay lúc này nhà CTS Hứa Phi bị bao vây xung quanh nhà, xuất hiện nhiều người lạ, họ mặt thường phục đeo khẩu trang, CTS khẳng định đó chính là đội vây bắt và an ninh, công an chìm của Huyện Đức Trọng, Tỉnh Lâm Đồng.
Họ đã canh giữ nhà ông trên 10 ngày nay, từ cuối tháng 3 đến nay, cả ngày lẫn đêm không cho ông đi ra khỏi khu vực, khi ông đi ra vườn cafee an ninh điều bám theo canh giữ.
CTS Hứa Phi cho biết, sắp tới ông cùng với các vị Chức Sắc Tôn Giáo thuộc Hội Đồng Liên Tôn sẽ có buổi tiếp xúc gặp gỡ phái đoàn của chính phủ Hoa Kỳ, để trình bày vấn đề nhân quyền và quyền tự do Tôn Giáo diễn ra tại Việt Nam.
Từ giờ trở đi với tình trạng bị công an cộng sản Việt Nam luôn canh giữ 24/24 nhà CTS, thì rất khó để đi đến gặp gỡ phái đoàn Hoa Kỳ theo như dự kiến được lời mời từ phái đoàn.
Qua đây, chúng tôi một lần nữa tố cáo nhà cầm quyền Việt Nam đã ngăn chặng tiếng nói phản ánh trung thực những gì diễn ra trong nước.
Bên cạnh đó chúng tôi lên án hành động ngăn cảng sự đi lại của công an an ninh Tỉnh Lâm Đồng.
Việt Nam, ngày 11/05/2019.
Người tường trình:
BĐDKNSĐCĐ
https://www.facebook.com/profile.php…
https://vietbao.com/p112a293996/thong-bao-cts-hua-phi-bi-an-ninh-cong-an-canh-giu-tai-nha-
Vụ án Hoàng Công Lương
Ngụy tạo chứng cứ buộc tội bằng cách “bôi xóa, sửa đổi, viết thêm” vào văn bản
Nguyễn Ngọc Lanh
I. KHÔNG NGẪU NHIÊN MÀ VỤ ÁN BỊ ĐỔI TÊN
Ngay từ đầu, khi thấy tên BS Hoàng Công Lương chính thức có trong danh sách ba bị cáo, các ý kiến phản đối từ ngành y tế đã loang nhanh ra xã hội. Dư luận chung cho rằng nhân vật này bị oan, bị ức. Do vậy, không phải bỗng dưng mà giới báo chí gọi vụ án này là “vụ án Hoàng Công Lương” mặc dù ngoài BS Lương còn có tới 6 bị cáo khác. Cũng không phải tình cờ mà trong thời gian ngắn có mấy chục ngàn chữ ký đòi xử “vô tội” cho nhân vật này. Và cũng không phải ngẫu nhiên nốt, khi ông trở thành “nhân vật nổi tiếng”…
Có lẽ, ban đầu có suy nghĩ rằng một thảm họa y tế lớn dường ấy (9 tử vong ngay tại nơi điều trị) mà chỉ có 2 người bị truy tố, cả hai lại không thuộc ngành Y… thì chưa đủ. Phải tìm thêm bị cáo để thể hiện “không bỏ sót tội phạm” và sự nghiêm minh của pháp luật. BS Lương được đưa vào danh sách bị cáo – ngoài nguyên nhân này – có lẽ còn do cấp trên của ông muốn né tội, bèn “thí tốt” (?)
Thấy được mối nguy lơ lửng trên đầu BS Hoàng Công Lương, đã có tới 10 vị luật sư sẵn sàng bào chữa miễn phí cho ông. Quả nhiên, cho dù lập luận của công tố viên đã bị bác bỏ trong tranh tụng công khai, nhưng Hội Đồng xét xử ở phiên sơ thẩm vẫn tuyên BS Hoàng Công Lương cái án 42 tháng tù giam. Bởi vậy, dư luận rất có cơ sở cho rằng bản án sẽ tuyên “kỳ được”, dù rất thiếu vắng công lý. Cứ tưởng kết án nặng BS Lương sẽ được dư luận đồng tình; nhưng ngược lại. Ngay thân nhân của các nạn nhân cũng bênh vực BS Lương.
II. “BỘ BA” BỊ CÁO Ở PHIÊN SƠ THẨM 1
Thảm kịch xảy ra tháng 5-2017. Ba người bị khởi tố là Bùi Mạnh Quốc, Trần Văn Sơn và Hoàng Công Lương. Điều tra cả năm trời, tốn công nhất là tìm chứng cứ buộc tội BS Hoàng Công Lương, do vậy tới tận tháng 5 năm sau (2018) mới mở được phiên sơ thẩm.
Vụ án khá đơn giản, nhưng bị phức tạp hóa mà nguyên nhân được cho là do quan điểm, cách thức và trình độ xét xử.
1. Ông Bùi Mạnh Quốc chuyên sửa chữa và bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO (sản xuất nước tinh khiết dành cho “chạy thận”). Với 12 năm kinh nghiệm, ông có thể sống bằng nghề. Hai hệ thống RO1 và RO2 của bệnh viện tỉnh Hòa Bình vẫn thường do một tay ông Quốc chăm sóc, bảo dưỡng. Đã vài chục lần ông hành nghề ở bệnh viện này, rất được tín nhiệm vì đem lại kết quả tốt đẹp. Nhưng lần này thì ông thất bại.
Cụ thể sự việc là ngày 25-5-2017 công ty Thiên Sơn ký với bệnh viện một hợp đồng “béo bở” giá 100 triệu mà công việc vẫn chỉ là sửa chữa và bảo dưỡng hệ RO2, tuy có thêm 2 việc mới, nhưng tốn thêm rất ít công sức và tiền bạc: a) thay mới 2 trong số 4 màng lọc cũ – giá 12-15 triệu; b) gửi thành phẩm đi làm xét nghiệm AAMI (đánh giá mức độ tuyệt hảo của nước lọc), giá 3-4 triệu.
Cũng ngày 25-5-2017 Thiên Sơn thuê ông Quốc làm toàn bộ các công việc với giá 50 triệu. Chỉ ba ngày sau, tức 28-5-2017 (chủ nhật) ông Quốc đã có mặt và thực hiện xong công việc ngay chiều hôm đó. Ông báo ngay cho ông Sơn, để ông Sơn kịp báo cho Đơn Nguyên thận nhân tạo cái tin: Sáng mai (thứ Hai, 29-5) có thể chạy thận theo đúng lịch đã xếp. Hôm sau, BS Lương ra y lệnh “chạy thận”, thảm họa đã xảy ra. Trước tòa, ông Quốc nhận tội, chỉ xin được lượng thứ vì sự sơ suất của mình khi sửa chữa
2. Ông Trần Văn Sơn là kỹ thuật viên của Phòng Vật Tư, có nhiệm vụ tìm hiểu mức độ hư hỏng của các thiết bị cần sửa chữa; sau đó đề xuất những vật tư nào cần thay thế, để cấp trên dựa vào đó, cho “trúng thầu” nơi nào báo giá thấp nhất. Cụ thể, trường hợp này, thiết bị hư hỏng là hệ thống RO2 do Cty Thiên Sơn trúng thầu, thuê ông Quốc thực hiện cả gói thầu (như nói trên). Cuối cùng, ông Sơn phải đối chiếu các vật tư (do ông Quốc mang đến) có đúng với chủng loại và giá đã báo hay không. Ngoài ra, ông không đủ trình độ giám sát kỹ thuật mà ông Quốc thực hiện (với những bí quyết nghề nghiệp riêng). Khi ông Quốc sửa xong, ông nhận bàn giao; sau đó chính thức thông báo để Đơn Nguyên thận nhân tạo biết “đã có đủ nước tinh khiết chạy thận”.
Trước tòa, ông Sơn nhận tội, chỉ thanh minh vài điều và mong được khoan hồng.
3. Ông Hoàng Công Lương chức danh chỉ là bác sĩ điều trị, giống như 2 đồng nghiệp cùng chuyên khoa – nhưng ông Lương có tuổi nghề sớm hơn vài năm.
Trước tòa, ông Lương không nhận tội, cho rằng ông chỉ ra y lệnh sau khi được báo chính thức “hệ RO2 đã sửa xong”. Điều này đã thành quy trình từ hàng chục năm nay, mà ông phải tuân theo. Bệnh nhân tử vong không phải do y lệnh của ông, mà do acid tồn dư trong nước tinh khiết vì sự sơ suất ngay từ khâu sửa chữa do ông Quốc đảm nhiệm.
Chứng cứ quan trọng để buộc tội BS Lương là cái cương vị “phụ trác” mà đồng chí Trưởng Khoa tìm cách gán cho cấp dưới (tức ông Lương). Dù rằng các đồng chí Điều Tra viên tiếp tục củng cố cái chứng cứ (giả) này và các đồng chí ở VKS đưa nó vào hồ sơ; nhưng khi tranh luận tại tòa, chứng cứ này bị các luật sư chứng minh là ngụy tạo (làm giả). Do vậy, Tòa chưa thể tuyên án, mà tuyên bố “hoãn” xét xử để điều tra thêm. Thế là, vụ án này có hai phiên sơ thẩm (1 và 2).
III. “BỘ BA” NÀO LÀ GÁN GHÉP hoặc LIÊN ĐỚI?
1. Quốc – Sơn – Lương: Bị gán ghép thành “bộ ba”
Tại phiên sơ thẩm 1, tội danh của BS Hoàng Công Lương là “thiếu trách nhiệm” gây hậu quả nghiêm trọng. Nhưng khi cái chức danh “phụ trách” quàng lên đầu ông bị các luật sư tháo bỏ – trên đã nói – thì (tại phiên sơ thẩm 2) VKS buộc phải đổi tội danh của BS Lương thành “vô ý” gây chết người.
Tại cả hai phiên tòa, lập luận của công tố viên (đại diện VKS) để buộc tội BS Lương (đại ý) là… Lương được xem như trấn giữ cánh cửa cuối cùng ngăn chặn chất độc (acid) vào cơ thể bệnh nhân, nhưng đã “vô ý”….
Như vậy, các cánh cửa trước đó (số 1 và số 2) đã được VKS gán cho ông Bùi Mạnh Quốc và ông Trần Văn Sơn có nhiệm vụ canh giữ – và hai ông này đã nhận tội. Vậy thì… nếu BS Lương không vô ý để ngỏ cánh cửa do mình canh giữ, thảm họa sẽ không xảy ra. Quan điểm và lập luận này thoạt nhìn có vẻ rất logic, nhưng thật ra là gán ghép rất khiên cưỡng, chỉ để thuyết phục mọi người rằng: BS Lương phải nhận tội. Tại tòa, phía buộc tội đã phê phán BS Lương là “chưa thành khẩn”, “thiếu lương tâm”… Thật nực cười.
2. Một “bộ ba” khác: Thật sự liên đới
Còn việc tạo chứng cứ giả, cũng do một “bộ ba”. Vậy, đây vẫn chỉ là sự gán ghép, hay thật sự có liên đới, ràng buộc? Xin cứ đọc tiếp.
– Tại phiên sơ thẩm 1 (2018), chứng cứ giả là những dòng ghi thêm (năm 2017, ngay sau thảm họa) vào Biên Bản họp khoa (từ 1 và 2 năm trước: 2016 và 2015) với hàm ý “BS Lương đã được đồng chí trưởng khoa phân công “phụ trách” Đơn Nguyên thận nhân tạo”. Tiếp đó, sự bịa đặt này được các đồng chỉ điều tra viên khai thác, mở rộng, để nhảy vào rất nhiều “bản khai” của các nhân viên y tế thuộc Đơn Nguyên thận nhân tạo. Cuối cùng, các đồng chí ở VKS đã đưa chúng vào hồ sơ vụ án. Nếu đã có một cương vị (phụ trách) mà không làm tròn, thì đó chính là tội “thiếu trách nhiệm” gây hậu quả. BS Lương được gán tội danh đúng như vậy.
– Đến phiên sơ thẩm 2 (2019), cách nay 3 tháng, chứng cứ mới – quan trọng nhất, để buộc tội BS Lương – cũng nhảy vào hồ sơ vụ án theo cách cũ. Đó là cái Biên Bản Kiểm Tra tình trạng thiết bị được các đồng chí cấp trên của BS Lương sửa chữa, xóa bớt và viết thêm (theo hướng bất lợi cho BS Lương). Ấy vậy mà vẫn được các đồng chí điều tra viên coi là “chứng cứ” và được các đồng chí ở VKS đưa vào hồ sơ. Hậu quả cũng vẫn như cũ: Nó bị các luật sư bác bỏ ngay trước tòa. Luật sư Thúy Kiều – người phát hiện – gọi đây là chứng cứ bị “chỉnh sửa”. Trong lời phát biểu sau cùng BS Lương mong Tòa – khi nghị án – hãy xem xét thấu đáo cái chứng cứ bị “chỉnh sửa” này.
Dẫu sao, đến lần xử này Tòa buộc phải tuyên án (chả lẽ, lại “hoãn”?). Sau 5 ngày nghị án, Tòa đã tuyên cái án 42 tháng tù giam cho BS Lương – nghĩa là Tòa công nhận giá trị cái chứng cứ bị “chỉnh sửa” này (!). Chả lẽ, ‘bộ ba” nay thành “bộ tứ”?
IV. BÓC TÁCH CÁI CHỨNG CỨ “MỚI”
Để cãi vô tội cho BS Lương, không thể lập luận chung chung và khiên cưỡng như phía kết tội đã làm, không thể viết kiến nghị hoặc gửi “công văn” mà phải phân tích rất cặn kẽ cái chứng cứ buộc tội, đặng vô hiệu hóa và sổ toẹt nó – theo đúng Luật.
1- Được ngụy tạo để trở thành chứng cứ buộc tội
Chứng cứ “mới” quan trọng nhất (và có lẽ là duy nhất) để buộc tội BS Lương chính là cái BIÊN BẢN KIỂM TRA TÌNH TRẠNG THIẾT BỊ (nói trên) được lập ngày 20-4-2016 (nghĩa là cũ rích) nhưng được sửa thành 2017 (cho gần với cái ngày xảy ra thảm họa). Bà luật sư Nguyễn Thị Thúy Kiều đã dùng bút màu đánh dấu vào những chỗ bị “bôi xóa, sửa đổi, viết thêm”. Xin bạn đọc nhìn vào hình chụp để thấy nó bị chỉnh sửa “khủng” tới mức nào (!).
Chính sự chỉnh sửa này nhằm giúp VKS viết ra những lời lẽ buộc tội rất đanh thép cho BS Lương. Khởi đầu tội lỗi, theo quy chụp của VKS, là việc BS Lương (thừa lệnh đồng chí Trưởng Khoa) “trực tiếp ký đề xuất sửa chữa, khử trùng hệ thống nước RO”. Bài này cần chứng minh đây là sự bóp méo sự việc. Từ đó, sự suy diễn cứ tiếp tục cho đến khi BS Lương (từ vô tội) “trở nên” có tội.
Dưới đây là ba dòng cô đọng trích ra từ Cáo Trạng (báo chí đã đăng tải):
– Lương là người trực tiếp ký đề xuất sửa chữa, do vậy, Lương biết việc sửa chữa, khử trùng hệ thống nước RO.
– Tuy nhiên, dù chưa nhận được bàn giao việc sửa chữa bằng văn bản và chưa biết nguồn nước RO số 2 có đạt tiêu chuẩn hay không nhưng vẫn cho chạy thận cho các bệnh nhân.
– Hành vi của Lương đã thể hiện sự thiếu trách nhiệm, vi phạm nghiêm trọng quy định về khám, chữa bệnh.
2. Tìm hiểu “mẫu” văn bản: Nó dùng vào việc gì?
Mẫu văn bản là do Phòng Vật Tư soạn ra, được giám đốc bệnh viện duyệt, nhờ vậy, được phép in sẵn nhiều bản, để dùng chung trong bệnh viện Hòa Bình, mỗi khi có một thiết bị bị hư hỏng, cần sửa chữa lớn (cần chi tiền, xuất tài khoản)… Xin bạn đọc đọc thêm các chữ in ở các mục I (Tình trạng h hỏng) và II (Nguyên nhân hư hỏng) ở phía dưới. Nói khác, tên đầy đủ của văn bản này phải là Biên Bản Kiểm Tra tình trạng hư hỏng của thiết bị.
Để lập biên bản, phải có đủ 4 chữ ký phù hợp với cương vị mỗi người – như mục I và II ở phần trên đã nêu rõ. Có hai cái tên được in sẵn: Ông Trần Văn Thắng (cương vị Trưởng Phòng Vật Tư) và ông Trần Văn Sơn (cương vị kỹ thuật viên được Trưởng phòng Vật Tư cử ra khám nghiệm thiết bị hư hỏng). Điều này nói lên đây là nơi ban hành và chủ trì văn bản. Còn hai tên khác được để trống (đầu tiên, với cương vị là người sử dụng thiết bị – ở đây là Điều Dưỡng; và tiếp theo là Trưởng Khoa với cương vị là thay mặt đơn vị quản lý thiết bị). Phải để trống hai cái tên này vì bệnh viện Hòa Bình có nhiều Khoa, mỗi Khoa có nhiều thiết bị.
2- Quy trình ký tên khi lập Biên Bản về tình trạng hư hỏng thiết bị
Đây nói tiếp về cái Biên Bản cụ thể mà bài này đưa hình chụp của nó. Cũng là chứng cứ dùng để buộc tội BS Lương. Muốn sổ toẹt lập luận hùng hồn của phía kết tội, phải phân tích rất kỹ cái Biên Bản mà họ dùng để buộc tội.
a) Khi một thiết bị hư hỏng – cụ thể, ở đây là hệ thống RO, thi người phát hiện đầu tiên (tất nhiên) là người đang sử dụng nó. Đó là bà Nguyễn Thu Hằng.
b) Bà Hằng không được phép thông báo (vượt cấp) lên “thẳng” phòng Vật Tư, mà phải báo cáo với cấp trên trực tiếp của mình (trực tiếp, a-lô, hoặc mảnh giấy) tới ông Trưởng khoa. Trường hợp này, BS Lương là người được ủy nhiệm. Với cương vị của mình, vị trưởng khoa đã đưa cái tin “máy hỏng” (mảnh giấy, hoặc dùng điện thoại) tới Phòng Vật Tư – nơi có nhiệm vụ sửa chữa.
Biên bản lập năm 2016 bị chữa thành 2017. Thay thế và tẩy rửa cho RO1 bị sửa thành RO2. Số vật tư thay thế cũng bị sửa đổi…
c) Được tin báo, vị Trưởng Phòng Vật Tư liền phái nhân viên (trường hợp này là kỹ thuật viên Trần Văn Sơn) về Khoa, đem theo tờ “mẫu” biên bản để lập biên bản sau khi chính tay ông khám nghiệm cỗ máy RO. Không thể có chuyện “bỗng dưng” ông Sơn tới khoa để khám máy do nổi hứng. Câu đầu tiên, ông hỏi: Máy hỏng thế nào (giống như BS hỏi bệnh nhân để điền vào mục “lý do vào viện” khi bắt đầu lập bệnh án. Chính cái “lý do vào viện” (ví dụ, ho lâu” đã giúp BS không khám miên man mọi cơ quan, mà tập trung vào bộ máy Hô Hấp). BS Lương (hoặc Điều dưỡng Hằng) đã trả lời: “nước ra yếu, không đủ sử dụng cho việc rửa quả lọc thận”. Ông Sơn đã ghi nguyên văn câu này vào Biên Bản – bạn đọc rất dễ nhận ra. Nhờ vậy, ông Sơn không khám “miên man” toàn cơ thể cỗ máy, mà tập trung vào một số bộ phận. Phát hiện được gì, ông ghi vào mục II. Nguyên nhân hư hỏng. Đó là bán tắc màng lọc và hở van (gây thất thoát nước)…
Ông Sơn mời bà Hằng, BS Lương ký vào Biên Bản, rồi ông ký tiếp.
d) Phải có đủ 3 chữ ký, ông Trần Văn Thắng mới ký cuối cùng (chốt).
e) Phải đủ 4 chữ ký, giám đốc bệnh viện mới coi Biên Bản là hợp lệ, mới “xem xét và duyệt ngân khoản sửa chữa”.
3. Biên Bản này liên quan tiền nong
Tóm lại, đây là cái Biên Bản phải lập đúng quy trình, chặt chẽ, vì liên quan tài chính. Quyền BS trưởng khoa rất oai, nhưng chỉ trong nội bộ khoa, còn trong sửa chữa thiết bị thì ông không oai hơn kỹ thuật viên, mà là kém. Trong việc xuất tài khoản (để sửa máy) ông càng ở khâu rất thấp. Ông chỉ biết tình trạng máy hư hỏng ở cái mức “nước ra yếu”, mà mù tịt về nguyên nhân và cụ thể cách khắc phục ra sao.
4. Câu hỏi dành cho phía buộc tội
Quý vị viết ra câu đầu tiên để buộc tội (Lương là người trực tiếp ký đề xuất sửa chữa, do vậy, Lương biết việc sửa chữa, khử trùng hệ thống nước RO) (ở trên) liệu có đúng? Nếu câu này sai về bản chất, thì các câu duy diễn sau đó thế nào?
Quốc Hội VN đã đưa vào Luật Hình Sự 2015 cái điều Suy Đoán vô tội, tức là trước một bằng chứng phân vân giữa “có tội” và “vô tội” thì phải suy đoán có lợi cho bị cáo. Ngay tại tòa, các luật sư đã cảnh báo và phê phán VKS chỉ toàn suy đoán “có tội” mà chưa lần nào suy đoán “vô tội”. Cũng đáng ái ngại cho vị công tố viên – trình độ thấp chỉ là một phần – mà là trong tay các vị không có chứng cứ buộc tội, thậm chí phải ngụy tạo chứng cứ. Hãy sửa đối quan điểm (từ 101% suy đoán có tội hãy cố trau dồi để trong tâm can có 1% suy đoán vô tội) lập tức các vi đủ can đảm và lương tâm tuyên vô tội cho BS Lương.
Bài viết đầy đủ hơn: Bài 11, trong tang nghiencuulichsu.com
Bài tham khảo:
Bỏ tư duy “suy đoán có tội” mới giảm oan sai
Nguyên tắc suy đoán vô tội trong BLTTHS năm 2015
Những chứng cứ “giả mạo” buộc tội Hoàng Công Lương
Nơi thu thập chữ ký ủng hộ BS Hoàng Công Lương
https://hopecom.org/petition/kien-nghi-ung-ho-bac-si-hoang-cong-luong-vo-toi/
….
Bài của Nguyễn Ngọc Lanh (1935)
Nguyên GS đại học Y Hà Nội
NGND
Nhà thờ Bùi Chu
và việc bảo tồn di sản kiến trúc tôn giáo
Sự kiện “hạ giải” Nhà thờ Bùi Chu hay “vệ sinh” Vườn xuân Trung Nam Bắc (của họa sĩ Nguyễn Gia Trí) cần được ghi nhận như những cảnh báo cuối cùng trong việc gìn giữ các di sản kiến trúc và nghệ thuật tạo hình của Việt Nam, còn tồn tại không nhiều cả về số lượng, chất lượng. Sự kiệc này cũng phản ánh các bất cập trong chính sách bảo tồn công trình tín ngưỡng tôn giáo hiện nay, nổi bật là Công giáo.
Cùng với nhà ở và công trình công cộng-hạ tầng, công trình tín ngưỡng-tôn giáo là một trong ba thể loại nền tảng của di sản kiến trúc một quốc gia. Thiên tai và điều kiện khí hậu tự nhiên có tác động quan trọng đến duy trì chất lượng và tuổi thọ công trình, tuy nhiên nhân tố chính quyết định tồn tại của di sản là con người, với hoạt động chiến tranh, phát triển kinh tế và/hoặc đô thị, nhãn quan của chính quyền về kiến trúc – đặc biệt là đối với công trình tôn giáo và trụ sở quyền lực. Một ví dụ nổi bật là năm 1931, Stalin cho phá hủy toàn bộ Nhà thờ chính tòa Chúa Kitô Đấng Cứu Độ (1883), nhà thờ trung tâm của Giáo hội Chính Thống giáo Nga ở Moscow, cũng là nhà thờ Chính thống giáo lớn nhất thế giới. Sau khi Liên Xô tan rã, chính quyền Nga mới đã phải cho phục dựng lại nguyên bản với một kinh phí không nhỏ.
Ngược lại, năm 1905, chính quyền Pháp ban hành luật thế tục, phân chia rõ giữa quyền lực Nhà nước và Giáo hội Công giáo, qua đó quốc hữu hóa toàn bộ các nhà thờ (công trình và đất) ở Pháp. Các nhà thờ lớn (cathedral) đã được xếp hạng di sản được trực tiếp quản lý bởi chính quyền trung ương (Bộ Văn hóa), phần còn lại (cathedral và church) thuộc quản lý của chính quyền thành phố hay địa phương các cấp. Các giáo xứ được toàn quyền sử dụng nhà thờ cho hoạt động tôn giáo và tham quan, nhưng việc duy tu định kỳ và bảo tồn kiến trúc thuộc về trách nhiệm của chính quyền trung ương và địa phương, cả về nhân lực và tài chính. Việc này chỉ có thể thực hiện được trên nền tảng của luật tư hữu về đất đai rõ ràng, sự tin tưởng, tôn trọng giữa chính quyền và Giáo hội trong việc quản lý, duy trì nguyên trạng tài sản và tự do hoạt động tôn giáo.
Sau năm 1954 ở miền Bắc và nhất là 1975 ở miền Nam, các công trình tín ngưỡng tôn giáo (đình, chùa, đền và tất nhiên nhà thờ), các công trình công cộng xây dựng bởi người Pháp, Mỹ, các công trình theo Trào lưu Hiện đại sáng tạo bởi kiến trúc sư Việt Nam ở miền Nam (như Thư viện Quốc gia Sài Gòn) chịu nhiều định kiến chính trị, mà các nhận định của KTS Ngô Huy Quỳnh là ví dụ tiêu biểu (sách Lịch sử Kiến trúc Việt Nam, 2001). Sự mở cửa đất nước và “hòa giải” với văn hóa dân tộc đã giải thoát cho các kiến trúc tín ngưỡng tôn giáo đình, đền, miếu, chùa: từ việc trả lại chức năng, mở lại hoạt động, xếp hạng di sản, cấp kinh phí duy tu đến việc xây dựng hàng loạt với qui mô lớn gần đây với mức đầu tư rất lớn, kèm theo nhiều hoạt động mê tín biến tướng. Sự “hòa giải” với các cựu thù đã đưa đến việc trùng tu toàn bộ Nhà hát lớn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, cũng như nhiều công trình “kiến trúc thuộc địa” khác, và được xếp vào di sản kiến trúc chung của Việt Nam.
Vấn đề còn tồn tại hiện nay chính là việc vượt qua được mối quan hệ “tế nhị” giữa chính quyền và Giáo hội Công giáo, để đánh giá công tâm và xác nhận di sản kiến trúc cho bản thân các công trình nhà thờ đặc sắc, cũng như của các tôn giáo khác (Tin lành, Hòa Hảo, Cao Đài) nếu phù hợp tiêu chí, như trường hợp Tòa thánh Tây Ninh. Làm được điều này trước mắt sẽ tạo động lực về mặt tinh thần và nền tảng về luật pháp cho việc duy trì và trùng tu các công trình nói trên.
Các nhà thờ Công giáo có qui mô và chất lượng nghệ thuật kiến trúc cần được xếp vào di sản và được bảo vệ, được xây dựng chủ yếu trong thời kỳ Pháp thuộc, rất thú vị là với phong cách thật đa dạng. Nhà thời Lớn Hà Nội (1997) có phong cách Gô-tích, Nhà thờ cửa Bắc (1932) là Art Décor, Nhà thờ Bùi Chu (1885) thì kết hợp giữa phong cách Ba-rốc và vật liệu Việt, Nhà thờ Phát Diệm (1898) lấy cảm hứng từ kiến trúc đình chùa miền Bắc với chất liệu đá và gỗ, Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn pha trộn giữa kiến trúc Ro-man, Gô-tích và gạch đỏ nhập từ Pháp, Nhà thờ Lớn Nam Định (1895) xây dựng toàn bộ bằng đá theo phong cách Roman và được giữ nguyên vẹn cho đến ngày nay. Nhiều nhà thờ mới sau này lại với phong cách hoàn toàn hiện đại phù hợp với phát triển của xã hội. Tất cả đều thuộc quyền sở hữu và quản lý của Giáo hội công giáo.
Nếu thấy được những khó khăn để tìm kiếm tư liệu thiết kế gốc từ Pháp, đơn vị thi công phù hợp và nhất là nguồn kinh phí khổng lồ (dự trù 200 tỉ ĐVN) cho việc trùng tu Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, được quyên góp hoàn toàn bởi Tòa giám mục và giáo dân, sẽ hoàn toàn hiểu được quyết định của Giáo xứ Bùi Chu về cách thức “hạ giải” nhà thờ của mình.
Trùng tu một di sản “sống” là công việc tỉ mỉ, phải có phương pháp khoa học để giữ lại tối đa tính nguyên bản của di sản đồng thời vẫn bảo dảm được an toàn và công năng. Điều này cần được thực hiện qua nhiều bước nghiên cứu tư liệu, hiện trạng, chẩn đoán bệnh chính xác bởi chuyên gia chuyên ngành, thi công bởi những đơn vị kinh nghiệm, sử dụng đúng vật liệu,.. vì vậy thời gian thực hiện có thể rất dài với kinh phí phù hợp. Như vậy, một giáo xứ hay toàn bộ giáo dân Việt Nam cũng rất khó đóng góp đủ. Vai trò điều phối của nhà nước là rất cần thiết cho việc tập hợp đủ kinh phí từ các nguồn khác nhau : tài chính công, đóng góp từ hảo tâm cá nhân, từ tổ chức quốc tế hay quốc gia khác. Đặc biệt nên áp dụng mô hình của các nước phát triển : miễn thuế doanh nghiêp hay thu nhập cá nhân của công ty hay của người giàu đã đóng góp tiền cho việc trùng tu di sản. Kinh phí nước Pháp cho việc bảo trì và trùng tu di sản khoảng 350 triệu euros/năm, nhưng vẫn phải dựa thêm vào các nhà tài trợ và phát hành sổ xố di sản. Việc kêu gọi đóng góp để sửa chữa cho Nhà thờ Đức Bà Paris là một minh chứng cụ thể.
Trước mắt trong trường hợp Bùi Chu, việc giáo xứ quyết định ngưng “hạ giải” là rất phù hợp. Vì lý do an toàn, có thể dùng nhà thờ khác hoặc dựng một nhà thờ tạm để phục vụ cho việc hành lễ (như trường hợp nhà thờ của thành phố Kobe (Nhật Bản) sau vụ động đất lớn năm 1995), trong thời gian thực hiện toàn bộ tiến trình trùng tu một cách bài bản khoa học, mà có thể kéo dài đến 5-10 năm.
https://www.voatiengviet.com/a/bui-chu-vuon-xuan-trung-nam-bac-ha-giai/4912293.html