Tin Biển Đông – 09/05/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Mỹ sẽ đối phó với các hành vi khiêu khích

của tàu hải cảnh  và tàu cá TQ ở Biển Đông

 như đối với hải quân

Trước việc các lực lượng bán quân sự Trung Quốc như Hải Cảnh và tàu cá của dân quân biển càng lúc càng hung hăng trên Biển Đông, Tư lệnh hải quân Mỹ,Đô đốc John Richardson đã cảnh cáo Tư lệnh hải quân Trung Quốc,Phó Đô đốc Thẩm Kim Long rằng,Mỹ sẵn sàng áp dụng các quy tắc đối phó với hải quân để đáp trả các hành vi khiêu khích của hải cảnh và tàu cá Trung Quốc.

Mỹ sẽ đối phó với hải cảnh và tàu cá TQ như đối với hải quân

Trả lời phỏng vấn của tờ Financial Times hôm 28/4, Tư lệnh hải quân Mỹ John Richardson cho biết trong cuộc tiếp xúc với Tư lệnh hải quân Trung Quốc, Phó Đô đốc Thẩm Kim Long hồi tháng 01/2019, ông đã lưu ý rằng nếu các tàu hải cảnh hay tàu cá Trung Quốc có những hành động hiếu chiến, Mỹ sẽ không xem đó là các lực lượng dân sự hay bán quân sự, mà sẽ đáp trả bằng các biện pháp dùng để đối phó với một lực lượng hải quân thực thụ, vì các lực lượng này đã được Trung Quốc sử dụng làm công cụ quân sự.

Trong thời gian qua, Trung Quốc đã cho triển khai tại Biển Đông các lực lượng bán quân sự như hải cảnh, hay dân quân biển đội lốt tàu cá dân sự, để áp đặt quyền lực của Trung Quốc. Tờ Financial Times ghi nhận rằng lực lượng dân quân biển Trung Quốc đã được tăng cường kể từ năm 2015, khi Bắc Kinh cho đặt một bản doanh của thành phần này tại quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm đóng, nhưng hiện có Việt Nam và Đài Loan tuyên bố chủ quyền. Dân quân biển Trung Quốc được huấn luyện cùng với hải quân và hải cảnh Trung Quốc. Trong bản báo cáo mới nhất về quân Đội Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết đội dân quân biển này đóng vai trò chính trong các hoạt động cưỡng chế đối phương, cho phép Bắc Kinh đạt được các mục tiêu chính trị mà không cần chiến đấu.

Thực tế hải cảnh và tàu cá TQ đã được quân sự hóa rõ ràng

Trung Quốc ngày càng sử dụng lực lượng dân quân biển để tránh bị phản ứng quân sự từ phía Mỹ. Tuy nhiên, lời cảnh cáo vừa được Tư lệnh hải quân Mỹ đưa ra, đã làm tăng đáng kể nguy cơ đối với các tàu bán quân sự hay dân sự của Trung Quốc can dự vào các hành vi gây hấn. Trong nhiều vụ việc ở Biển Đôn vừa qua, Trung Quốc đã cho tàu cá của họ tấn công hay sách nhiễu tàu của đối phương, phong tỏa lối vào các đảo nhỏ, tiến hành chiếm giữ các rạn san hô và bãi cạn. Trong vụ việc liên quan đảo Thị Tứ (thuộc quần đảo Trường

Sa của Việt Nam hiện do Philippines chiếm đóng) vừa qua, Trung Quốc đã điều hàng trăm tàu cá, tàu hải cảnh bao vây đảo này. Tương tự tại các thực thể khác do Trung Quốc chiếm đóng, nước này cũng huy động một lực lượng lớn tàu cá tạo hàng rào bên ngoài để ngăn cản không cho tàu các nước tiếp cận các đảo do Trung Quốc đang tiến hành xây dựng, quân sự hóa.

Theo các báo cáo trước đây, Trung Quốc là nước có đội tàu cá đông nhất thế giới (khoảng 450.000 tàu cá), trong đó khoảng 200.000 tàu đánh cá đại dương. Hàng năm, số tàu cá Trung Quốc khai thác, đánh bắt khoảng 71 triệu tấn cá ở khu vực Biển Đông. Những tàu cá của Trung Quốc thường được trang bị súng, mìn, vòi rồng, hệ thống vệ tinh hàng hải cấp độ quân sự, kết nối với lực lượng tuần duyên Trung Quốc và dễ dàng nhận được sự “trợ giúp” của lực lượng này. Tại Biển Đông, ngư dân Trung Quốc thậm chí còn được khuyến khích đi vào các vùng biển tranh chấp của các nước và hệ thống vệ tinh trên tàu cá sẽ giúp cảnh báo, phát hiện các tàu nước ngoài. Theo các chuyên gia, khi khoác lên mình đồng phục màu xanh, ngư dân TQ trở thành dân quân biển, núp bóng tàu cá để tiến hành trinh sát, do thám cũng như nhiều hành động gây rối tại vùng biển các nước. Ngoài ra, Trung Quốc còn huy động lực lượng hải cảnh Trung Quốc sẵn sàng tiếp tế xăng dầu cho tàu cá, thậm chí ra tay can thiệp khi tàu cá bị cơ quan hành pháp của nước khác truy đuổi, bắt giữ vì hành vi đánh bắt trộm trong vùng đặc quyền kinh tế của họ.

Trong một diễn biến khác liên quan, Mỹ tiếp tục tăng cường sức ép đối với Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan, bằng cách cho chiến hạm vượt eo biển Đài Loan. Một thông cáo của Hạm Đội 7 của Mỹ cho biết là ngày 28/4/2019, hai khu trục hạm Mỹ là USS William P. Lawrence và USS Stethem đã băng qua eo biển Đài Loan nằm giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan. Một phát ngôn viên Hạm Đội 7 tuyên bố: “Việc các chiến hạm quá cảnh eo biển Đài Loan nhằm thể hiện cam kết của Mỹ đối với một Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cởi mở và tự do”.

http://biendong.net/bi-n-nong/27888-my-se-doi-pho-voi-cac-hanh-vi-khieu-khich-cua-tau-hai-canh-va-tau-ca-tq-o-bien-dong-nhu-doi-voi-hai-quan.html

 

Mỹ, Nhật, Ấn, Phi tập trận tại Biển Đông

thách thức Trung Quốc

Hải quân Hoa Kỳ vào ngày 9 tháng 5 cho biết khu trục hạm có tên lửa dẫn đường USS William P. Lawrence của Mỹ vừa tham gia đợt diễn tập chung tại Biển Đông với một hàng không mẫu hạm Nhật, hai chiến hạm Ấn Độ và một tàu tuần duyên của Philippines.

Reuters cho biết Nhật cử một trong hai hàng không mẫu hạm của nước này là chiếc Izumo tham gia; còn phía Ấn Độ cử khu trục hạm INS Kolkata và tàu dầu INS Shakti tham dự.

Cuộc diễn tập kéo dài 1 tuần và kết thúc vào ngày 8 tháng 5 vừa qua. Theo Reuters, đợt diễn tập chung bốn nước như vừa nêu cho thấy thách thức mới đối với Trung Quốc vào khi tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump dọa sẽ tăng thuế đối với lượng hàng hóa Trung Quốc tương đương 200 tỷ đô la.

Trung tá Andrew J. Klug, hạm trưởng khu trục hạm USS William P. Lawrence, ra thông cáo nêu rõ giao lưu chuyên môn với các đồng minh, đối tác và thân hữu trong khu vực là cơ hội để tăng cường các mối quan hệ chặt chẽ hiện có.

Tại Biển Đông, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền qua đường đứt khúc 9 đoạn mà họ tự vạch ra. Tuy nhiên đường này bị Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế- PCA ở La Haye vào ngày 12 tháng 7 năm 2016 tuyên là không có giá trị cả về lịch sử lẫn pháp lý; tuy nhiên Trung Quốc không chấp nhận phán quyết của PCA.

Tại khu vực Biển Đông, ngoài Trung Quốc và Đài Loan còn Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam có tuyên bố chủ quyền ở đó.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/us-japan-india-and-philippines-challenge-beijing-with-naval-drills-in-the-scs-05092019085313.html

 

Nhật Bản: Hoạt động quân sự của TQ ở Biển Đông

 là “mối quan ngại an ninh nghiêm trọng” đối với khu vực

Nhật Bản đã nhiều lần lên tiếng phản đối các hành động như xây dựng và quân sự hóa các đảo trên biển ở quy mô lớn của Trung Quốc; ủng hộ phán quyết của Toà trọng tài; phản đối các hành động đơn phương của Trung Quốc trong giải quyết tranh chấp trên biển. Vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Takeshi Iwaya tiếp tục khẳng định các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông và các vùng biển xung quanh là “mối quan ngại an ninh nghiêm trọng đối với khu vực bao gồm Nhật Bản và cộng đồng quốc tế”.

Trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch tại Hà Nội hôm 02/5, Bộ trưởng Quốc phòng Takeshi Iwaya đã một lần nữa khẳng định trong Bản Hướng dẫn Chương trình Quốc phòng mới nhất của Nhật Bản được thông qua vào tháng 12/2018, Nhật Bản đã gọi các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông và các vùng biển xung quanh là “mối quan ngại an ninh nghiêm trọng đối với khu vực bao gồm Nhật Bản và cộng đồng quốc tế”.

Theo các quan chức quốc phòng Nhật Bản, Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đã nhất trí tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho tranh chấp lãnh thổ của quốc gia Đông Nam Á với Trung Quốc ở Biển Đông. “Nhật Bản hy vọng sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ với Việt Nam trong kỷ nguyên của triều đại mới với niên hiệu Reiwa” (Lệnh Hòa), dưới thời Hoàng đế Naruhito, người lên ngôi hôm 01/5.

Tình hình căng thẳng Biển Đông tiếp tục gia tăng do Trung Quốc đẩy các yêu sách của mình lên gần như toàn bộ vùng biển này, một tuyến vận chuyển quan trọng với ngư trường phong phú và có thể là các mỏ dầu lớn và khí đốt tự nhiên. Nhật Bản cũng đang bị kẹt trong một cuộc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Hoa Đông đối với Quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát, mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Các cuộc thảo luận giữa Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch là cuộc hội đàm chính thức đầu tiên giữa các bộ trưởng quốc phòng hai nước kể từ tháng 6/2018.

Thời gian qua, giới Lãnh đạo của Nhật Bản tích cực thể hiện chính sách, đưa ra các tuyên bố về Biển Đông, trong đó khẳng định Nhật Bản không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ và vùng biển. Nước này chủ trương các tranh chấp phải giải quyết một cách hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng trật tự toàn cầu dựa trên luật pháp. Nhật Bản cũng lo việc đảm bảo một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương (trong đó bao gồm Biển Đông) tự do và mở, các nước tôn trọng tự do hàng hải và hàng không, thương mại biển không bị cản trở ảnh hưởng đến thịnh vượng của Nhật Bản. Nhật Bản tích cực giúp nâng cao năng lực cho các nước là các bên tranh chấp ở Biển Đông. Nhật Bản duy trì sự hiện diện trong khu vực thông qua hoạt động thăm viếng quân sự của tàu hải quân đến các nước kết hợp diễn tập chung nâng cao năng lực và hỗ trợ ODA mua sắm trang thiết bị cho lực lượng chấp pháp biển của các nước ven Biển Đông. Nhật Bản coi việc hỗ trợ năng lực cho các nước ven biển là cần thiết đối với việc đảm bảo an toàn tự do hàng hải dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.

http://biendong.net/bien-dong/27898-nhat-ban-hoat-dong-quan-su-cua-tq-o-bien-dong-la-moi-quan-ngai-an-ninh-nghiem-trong-doi-voi-khu-vuc.html