Tin Biển Đông – 08/05/2019
Quân đội TQ “báo động cao”,
đòi chiến hạm Mỹ rời khỏi Biển Đông
Quân đội Trung Quốc nhận lệnh duy trì tình trạng báo động cao và triển khai mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền quốc gia, sau sự kiện hai tàu khu trục tên lửa dẫn đường của hải quân Mỹ xuất hiện ở Biển Đông.
Hãng AMN đưa tin theo Thượng tá Li Huamin, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam của quân đội Trung Quốc , lực lượng này đã cảnh báo và yêu cầu hai tàu khu trục của hải quân Mỹ rời khỏi Biển Đông vào ngày 6/5.
Trong khi đó, chia sẻ với Reuters, phát ngôn viên quân đội Mỹ cho hay hai tàu khu trục tên lửa dẫn đường là USS Preble và USS Chung Hoon đã xuất hiện gần khu vực Đá Gaven và Đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Hai thực thể này đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép bất chấp sự phản đối của Việt Nam và cộng đồng quốc tế.
Trung tá Clay Doss, người phát ngôn Hạm đội 7 khẳng định, hai tàu khu trục USS Preble và USS Chung Hoon thực hiện quyền “đi lại vô hại” quanh các đảo đá nhằm “thách thức những tuyên bố hàng hải vô lý và đảm bảo quyền tiếp cận đối với những tuyến đường hàng hải được luật pháp quốc tế quy định”.
Tuy nhiên phát biểu trong cuộc họp báo hôm 6/5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nhấn mạnh Trung Quốc vô cùng không hài lòng và cực lực phản đối thái độ của hai tàu khu trục Mỹ ở Biển Đông .
Ông Cảnh cho rằng, sự xuất hiện của hai tàu khu trục USS Preble và USS Chung Hoon là vi phạm chủ quyền của Trung Quốc cũng như làm ảnh hưởng xấu tới nền hòa bình và ổn định ở khu vực.
“Tình hình ở Biển Đông đang được cải thiện nhờ vào những nỗ lực của Trung Quốc và các nước ASEAN”, ông Cảnh nói.
Nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Hải quân Trung Quốc, ông Zhang Junshe chia sẻ với tờ Thời báo Hoàn Cầu rằng, “tình hình ở Biển Đông đang ổn định. Các nước trực tiếp có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông như Philippines đều đồng thuận giải quyết bất đồng trong hòa bình bằng con đường đàm phán và đối thoại. Ngoài ra, các nước cũng đang chú trọng tới việc hợp tác kinh tế”.
Theo giới chuyên gia, sự xuất hiện của hai tàu khu trục tên lửa dẫn đường thuộc hải quân Mỹ ở Biển Đông hôm 6/5 được xem là động thái đáp trả mới nhất của chính quyền Washington liên quan tới những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm giới hạn hoạt động tự do đi lại ở vùng biển chiến lược.
Cụ thể, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc còn ngang nhiên tiến hành cải tạo, xây dựng nhiều hòn đảo nhân tạo ở những khu vực đang xảy ra tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, cũng như triển khai quân sự hóa trên một số thực thể mà nước này chiếm đóng trái phép.
Mục đích, ý đồ của TQ khi khoe máy bay săn ngầm
thế hệ mới nhất hoạt động ở Biển Đông
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) vừa đăng tải loạt hình ảnh về loại máy bay săn ngầm thế hệ mới nhất của quân đội nước này, mang số hiệu Y-8Q hay GX-6. Những thông tin về loại máy bay này được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang bị dư luận các nước lên án về hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông.
Y-8Q/GX6 được trang bị cho Hạm đội Nam Hải ở Biển Đông
Theo CCTV, Y-8Q/GX6 được thiết kế trên khung gầm máy bay vận tải hạng trung Y-8/Y-9 được sản xuất bởi Tổng Công ty máy bay Thiểm Tây (SAC). Đáng chú ý, Y-8Q/GX6 hiện được trang bị cho Hạm đội Nam Hải phụ trách trách khu vực Biển Đông. Có thể thấy, Trung Quốc đang đưa các loại vũ khí hiện đại nhất tới vùng Biển Đông phục vụ cho các âm mưu tranh chấp lãnh hải của mình. Tuy vậy, CCTV không tiết lộ các thông tin chi tiết khí tài trên máy bay, chỉ biết rằng nó được trang bị radar tìm kiếm mục tiêu mặt biển, trạm trinh sát quang điện tử và phát hiện từ tính tàu ngầm lạ.
Không chỉ tiết lộ về hình ảnh loại máy bay săn ngầm Y-8Q/GX6, CCTV còn đăng một loạt hình ảnh bên trong loại máy bay này. Thông thường, không nhiều quốc gia tự tin “khoe” nội thất trong hệ thống giao diện người – máy của máy bay săn ngầm hay máy bay trinh sát điện tử vì nó liên quan tới bí mật quân sự. Có thể thấy sự tinh vi hiện đại hệ thống kiểm soát chỉ huy trong Y-8Q/GX6. Theo hình ảnh phi hành đoàn của Y-8Q/GX6 có thể lên tới 10-12 người gồm cả phi công.
Mục đích, ý đồ của TQ khi công bố thông tin về Y-8Q/GX6
Mẫu máy bay săn ngầm này của Hải quân Trung Quốc được trang bị 4 động cơ turboprop WJ-6C với 6 cánh quạt cho tốc độ tối đa 660km/h, tốc độ hành trình 550km/h. Máy bay đạt tầm bay tối đa 5.615km, trần bay 10,4km, tốc độ lên cao 10m/s. Theo một số nguồn tin khác,
nguyên mẫu đầu tiên của Y-8Q/GX6 được nhìn thấy lần đầu tiên tại nhà máy Thiểm Tây là vào tháng 11/2011 khi đó Trung Quốc hoàn thành bản thử nghiệm. Sau đó, việc sản xuất hàng loạt được bắt đầu vào năm 2015. Trong khi đó các hệ thống radar, trinh sát điện tử trên máy bay được chế tạo bởi Tổ hợp điện tử Thành Đô (CAIC).
Việc Trung Quốc cho công khai hình ảnh thông tin về loại máy bay săn ngầm Y-8Q/GX6 có thể là nhằm đối phó với việc các nước bên ngoài như Mỹ, Nhật Bản và các nước khu vực như Indonesia đang tăng cường lực lượng tàu ngầm để triển khai ở Biển Đông. Thông tin trên cũng có thể được Trung Quốc công bố nhằm phô trương sức mạnh quân sự trong dịp nước này kỷ niệm 70 năm ngày thành lập lực lượng hải quân vừa qua.
Y-8Q/GX6 còn thua xa máy bay săn ngầm P-8A của Mỹ
Máy bay săn ngầm P-8A Poseidon hiện là loại tối tân nhất của quân đội Mỹ. Máy bay trinh sát P-8A được trang bị nhiều hệ thống cảm biến hiện đại, cùng nhiều vũ khí để tiêu diệt tàu ngầm ẩn mình dưới biển. P-8A được thiết kế để thực hiện nhiệm vụ ở độ cao lớn, nơi bầu khí quyển mỏng hơn, giúp tiết kiệm nhiên liệu và tối ưu hóa hoạt động của hệ thống cảm biến. Mẫu máy bay này có khả năng tiếp dầu trên không, tăng tầm bay và thời gian tuần thám liên tục. P-8A đạt tốc độ tối đa 900 km/h so với 580 km/h của P-3C. Máy bay được trang bị hàng loạt hệ thống trinh sát và phát hiện tàu ngầm, trong đó chủ lực là radar khẩu độ tổng hợp đa chế độ AN/APY-10. Loại khí tài này không chỉ bám bắt được mục tiêu tàu nổi từ khoảng cách hàng trăm km, mà còn sở hữu chế độ phân giải cao, đủ sức nhận dạng kính tiềm vọng của tàu ngầm trồi lên mặt nước. Cụm cảm biến quang – điện tử và hồng ngoại MX-20 cho phép xác định mục tiêu ở tầm gần hơn AN/APY-10, trong khi các thiết bị điện tử trên máy bay đóng vai trò trinh sát, gây nhiễu và tác chiến mạng. Gần đây, dòng P-8A được bổ sung thêm radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) hai mặt với tầm quét 360 độ, cho phép xác định các mục tiêu gần bờ biển và sâu trong đất liền. Ngoài khả năng theo dõi tàu nổi và dấu hiệu tàu ngầm trên mặt biển, P-8 được lắp nhiều thiết bị nhằm phát hiện tàu ngầm đang lặn. Nó có giá treo phao thủy âm phía đuôi, mỗi tổ hợp phao có thể phát ra nhiều tín hiệu để tăng tầm giám sát. Ngoài ra, máy bay còn được trang bị cảm biến xác định khí xả động cơ và hơi dầu của tàu ngầm diesel – điện, loại tàu ngầm có độ ồn rất thấp và khó bị phát hiện trên biển. Trong trường hợp nổ ra xung đột, mỗi chiếc Poseidon có thể mang theo tối đa 11 tên lửa, bom chìm hoặc ngư lôi trong thân và dưới cánh. Trong khi phiên bản P-3C phải bay thấp để thả ngư lôi, máy bay P-8A có thể triển khai ngư lôi Mark 54 từ độ cao 9 km nhờ Hệ thống phóng vũ khí độ cao lớn (HAALA). P-8A cũng được trang bị tên lửa chống hạm AGM-84H/K với tầm bắn 240 km.