Bệnh Trạng ông Trọng và hành trạng dân tộc
A. Bệnh Trạng ông Trọng
Kể từ khi ông Trọng kiêm nhiệm luôn chức Chủ Tịch Nước ngày 23 tháng 10 năm 2018, cuộc hành trình của ông Trọng “kinh qua” những giai đoạn quan trọng đến vận mạng đảng của ông và dân tộc Việt Nam.
Việc đốt lò của ông tạo nên tiếng khen lời chê tùy góc độ nhìn, tùy xu hướng chinh trị, tùy lợi lộc phe nhóm v.v…
Một biến cố lớn bất ngờ xảy ra. Lúc 15h10′ ngày Chủ Nhật 14/4/2019, mạng xã hội rúng động sau khi Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà viết trên trang cá nhân thông tin sức khỏe của Tổng Bí Thư kiêm Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng bất ngờ phải nhập viện Đa khoa Kiên Giang vào buổi trưa cùng ngày.
Tuyệt đối, không có thông tin nào được đưa ra từ truyền thông lề đảng, nhưng truyền thông lề dân cung cấp rầm rộ tin tức về ông Tổng Chủ của nhà nước cộng sản toàn trị. Vui mừng thì nhiều, thương cảm thì hiếm Đó là thước đo mà quần chúng dành cho vị lãnh đạo đảng cộng sản.
1. Thông tin từ nhà nước ít khi nói thật
Chủ Nhật 5/5/2019 và Thứ Hai 6/5/2019, nhiều báo ở Việt Nam đưa tin, như tờ Thanh Niên, Đất Việt đưa tin ông Tổng Bí Thư kiêm Chủ Tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi Thư chúc mừng ông Maha Vajiralongkorn Bodindradebayavarangkun chính thức đăng quang. Dư luận không tin ông có thể ký được tên vào thư chúc mừng nầy.
Cùng ngày, Tổng Bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi mừng Estonia thành lập Chính phủ mới; chúc mừng Quốc khánh Ba Lan; chúc mừng Tổng thống Ukraine vừa đắc cử; chúc mừng tân Thủ tướng quần đảo Solomon Island. Dân thông tin mạng viết trên Facebook nhiều lời xúc phạm ông Trọng khi đọc tin nầy.
Tin trên mạng tờ Nhân Dân của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vẫn nhận các điện thư từ các lãnh đạo quốc tế chia buồn cố chủ tịch Lê Đức Anh.
Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega Saavedra và Phó tổng thống Rosario Murillo cùng gửi thư chia buồn tới Tổng Bí Thư, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng, cùng lời chia buồn của tổng thống Mông Cổ Khaltmaa Battulga.
Tổng Chủ còn gởi thư chúc mừng đến Triều Tiên. Dù đang chữa trị tai biến mạch máu não, ông làm việc bình thường và hơn cả bình thường. Tinh thần hy sinh vì nước vì dân cao đến thế là cùng.
Hơn 10 ngày sau khi ông Trọng bị đột biến về sức khỏe tại Rạch Giá đúng vào ngày sinh nhật thứ 75 của ông ta, hãng tin Reuters ngày 25/4/2019 đưa tin ông Nguyễn Phú Trọng đã được đưa vào bệnh viện Quân y Trung ương 108 tại Hà Nội.
Có tin ông Trọng được bí mật đưa qua Nhật chữa trị như trường hợp Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang đã chữa trị không thành công và tử vong.
2. Bình phẩm từ bọn phản động và thế lực thù địch
Có tin lưu truyền là cha con ông Nguyễn Tấn Dũng đã ra tay để “rửa hận” nhưng tôi nghĩ rằng với mức độ bảo vệ dày đặc và kỹ lưỡng, ông Dũng không thể nào làm được.
Nhất là trong bối cảnh đốt lò đã khiến Tổng Bí thư đã có nhiều kẻ thù, vì thế việc giữ an ninh cho ông Trọng luôn được đặt ở mức cao nhất, nhằm để bảo đảm an toàn nhất.
Bên cạnh đó có tin việc giữ an ninh cho ông Trọng có cố vấn Tàu được giao phụ trách.
Nhưng trong lúc quan hệ Việt Nam – Trung Cộng gần đây ngày càng xấu đi, trong lúc có nhiều dấu hiệu cho thấy Hà Nội ngày càng có xu hướng xích gần lại với Washington trong vấn đề hợp tác quân sự và Biển Đông. Và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không cưỡng lại nổi xu thế này trong Bộ Chính trị. Vì vậy có thể Tàu ra tay diệt “đứa con hoang” có mầm móng phản nghịch.
“Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng tiếp đoàn Thượng viện Hoa Kỳ” và “Đại tướng Ngô Xuân Lịch tiếp đoàn Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ”. Còn Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước chỉ gửi điện mừng tới lãnh đạo mới của Nhà nước Triều Tiên. Ông ở đâu?
Thứ Bảy 4/5/2019, ông Nguyễn Phú Trọng dự trù có mặt trong buổi tiếp xúc cử tri của thành phố Hà Nội nơi ông là đại biểu quốc hội, nhưng không ai thấy mặt ông ta.
Các nhà quan sát nói rằng việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự Diễn đàn Vành đai và Con đường (Belt and Road Forum – BRF) cho thấy sức khỏe của ông Trọng là có vấn đề trầm trọng.
Cũng có tin rằng Hà Nội mời các thầy thuốc giỏi của Trung Quốc sang điều trị cho ông Trọng như họ đã từng mời điều trị cho ông Lê Đức Anh, hoặc tiện có thể đưa ông Trọng sang Tàu chữa trị.
Trong đám tang ông cựu Chủ Tịch Nước Lê Đức Anh, 3/5/2019, ông Nguyễn Phú Trọng được loan báo ông là trưởng ban tang lễ. Nhưng ông chỉ gửi vòng hoa đến mà không đến chia buồn hay đưa tiễn.
Từ 14 tháng 4 đến nay, có tin đồn ông Trọng có thể bị đột quỵ, ông ấy bị liệt, méo mồm. Vấn đề quốc tang cũng chỉ là cái chứng cớ để chứng minh rằng ông Trọng còn khỏe hay là ông ấy yếu, theo nhà văn Nguyên Bình từ Hà Nội.
“Nhìn vào các sự kiện như diễn đàn Vành đai, Con đường ở Bắc Kinh cuối tháng Tư, Hội nghị Trung ương trong tháng Năm, và lời mời của Tổng thống Trump, mời ông Trọng tới thăm Mỹ trong năm nay, cùng nhiều sự kiện nữa lấp kín lịch,” nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam và bang giao quốc tế nói với BBC hôm 22/4, “tôi không rõ là Việt Nam sẽ hướng ra toàn thế giới bên ngoài bằng cách giữ im lặng được bao lâu.”
Tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bị tai biến mạch máu não, tuy không chết nhưng liệt nửa người, đang phải tập đi đứng rất khó khăn, tập nói và lại còn bị méo mồm.
Tôi tin rằng sinh mạng chính trị của ông Nguyễn Phú Trong đã chấm dứt từ lúc 3 giờ 10 phút chiều ngày 14 tháng 4 năm 2019. Vấn đề chúng ta cần bàn bạc là những gì sẽ xảy ra hậu Trọng và chúng ta nên làm gì để cứu sinh mạng đất nước Việt Nam không để lọt vào tay Tàu Cộng.
B. Hành Trạng Dân Tộc
Có thể nói rằng cuộc chạy đua quyền lực thực sự bắt đầu từ lúc tin ông Trọng bị đột qụy và nhập viện ở Kiên Giang. Cuộc chay đua có thể mang hình thái Bắc Nam, hoặc nhóm lợi ích nào dành được gì trên xương máu, nước mắt, mồ hôi dân Việt.
Dù không chết ông Trọng cũng phải từ bỏ chính trường. Tới đây, sẽ có một cuộc xáo trộn lớn trong bộ máy lãnh đạo cao cấp Việt Nam và cuộc chiến quyền lực sẽ diễn ra khốc liệt là điều không tránh khỏi.
Nhóm của Giáo sư Tương Lai phát đi lời kêu gọi để người dân cảnh giác khi Việt Nam có thể xảy ra rối loạn khi ông Trọng có thể qua đời hoặc sức khỏe không thể đảm đương là điều cần thiết, vì thực tế tình hình nội chính của Việt Nam có thể đã bị can thiệp từ lâu.
“Những chiêu trò mới sẽ được tung ra, mà thâm hiểm nhất và cũng có thể sẽ trắng trợn nhất là áp đặt nhân sự sao cho có lợi nhất trong mưu đồ lâu dài và đòi hỏi trước mắt của thời cuộc. Thế nước đã chông chênh sẽ lại càng nghiêng ngả hơn.”
Bản tin của Stratfor, tổ chức nghiên cứu và tham vấn về các vấn đề chính trị quốc tế, hôm 3/5/2019 cho rằng vấn đề sức khỏe không bình thường của ông Nguyễn Phú Trọng có nguy cơ dẫn đến bất ổn định trong hệ thống chính trị của CSVN.
Nhóm nầy cho rằng: “Nếu ông Trọng không còn khả năng đảm nhiệm hoặc chết sẽ tạo ra màn đấu đá chính trị mới, làm cho việc chuyển quyền cai trị dự trù vào năm 2021 (qua Đại hội đảng) nhiều rối ren hơn nữa”.
C. Ai sẽ thay ông Trọng?
ông Trọng đổ bệnh vô hình chung đã mở màn cho cuộc đua vào vị trí Tổng Bí Thư và Chủ Tịch Nước, hai vị trí tối quan trọng trong chính trường Việt Nam và khi Đảng Cộng sản chuẩn bị đại hội trong hai năm tới, đặc biệt với công tác chuẩn bị cán bộ nguồn.
Có một số người hy vọng ông Phúc có khuynh hướng thân Mỹ và phương Tây sẽ có ưu thế trong tình hình hiện nay. Sau chuyến đi Tàu của ông Phúc, câu trả lời có thể có những hé lộ nào đó.
Ông Phúc, một trong những ứng viên mạnh cho vị trí đứng đầu đảng, đi Tàu từ 25-27 và gặp gỡ Chủ tịch Tập Cận Bình, có thể tạo cho ứng viên này thêm lợi thế bên cạnh những lợi thế sẵn có, vượt trội hơn các đối thủ khác về kinh nghiệm điều hành bộ máy hành chinh cấp nhà nước.
Chủ tịch Quốc hội, bà Nguyễn Thị Kim Ngân
Bà là ứng viên không nổi bật, nhưng nếu trong một cuộc đua mà các ứng viên nặng ký không phân thắng bại, họ sẽ tìm người thỏa hiệp thay vì ủng hộ đối thủ của mình và bà Ngân có thể là một nhân vật cho hoàn cảnh đó.
Hai ứng viên khác từ bên đảng và có nhiều khả năng họ sẽ trung thành với công cuộc đốt lò chống tham nhũng là các ông:
Ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư và cựu Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương là cánh tay mặt của ông Trọng trong việc thanh trừng tham nhũng hiện nay. Ông chưa từng giữ bất kỳ vị trí quản lý nhân sự cấp tỉnh thành, bất lợi tiếp theo là ông sẽ vượt giới hạn tuổi 65 dành cho những người có thể ở lại Bộ Chính Trị vào năm 2021.
Ông Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức Trung Ương đảng, một cựu Tướng Công An. Ông Chính sẽ ở tuổi 62 khi đại hội 13 diễn ra. Đây là nhiệm kỳ đầu tiên của ông trong Bộ Chính trị. Ông có những thành công về kinh tế mà ba người kia chưa có.
Ông Trọng sẽ hồi phục và lại tiếp tục ở lại thêm nhiệm kỳ nữa, đó là ý kiến của ai đó, nhưng tôi nghĩ không thực tế, nhất là điều kiện thể chất của người 75 sau cơn bạo bệnh.
Thiển nghĩ, người thay ông Trọng sẽ là nhân vật có bề dài thân Bắc Kinh rất cao, sẽ được Bắc Kinh hậu thuẫn, hoặc tìm cách áp đặt để tiếp tục tuyệt đối trung thành với họ. Bắc Kinh muốn điều đó để Việt Nam tiếp tục làm lá chắn của họ, để có một chư hầu phục vụ nhiệm vụ chiến lược mà Việt Nam đóng vai trò địa chính trị quan trọng.
Phương pháp khả dĩ mà dân tộc Việt Nam có thể chấp nhận đó là việc chuyển giao quyền lực cho nhóm Tướng Lãnh quân đội ít tai tiếng, có tinh thần dân chủ. Từ đó họ cùng người Việt yêu nước có thể thực hiện mô hình Miến Điện để dân chủ hoá đất nước, để cởi trói dân tộc. Việt Nam, một dân tộc có nhiều lợi thế hơn Hàn Quốc mà phải chịu thảm họa do Cộng Sản gây ra hơn 70 năm ròng rã.
Lực bất tòng tâm, Ông Trọng có thể nghêu ngao hai câu thơ sau đây để từ giả chính trường.
“Ai về nhắn với anh Hai Tập
Xót dạ Bắc Kinh hả dạ Ninh Bình”.
Nguyễn Ngọc Sẵng