Tin khắp nơi – 01/05/2019
Trump và Đảng Dân chủ đồng ý
chi 2.000 tỷ đô cho cơ sở hạ tầng
Tổng thống Mỹ Donald Trump và các nhà lãnh đạo Dân chủ hôm 30/4 đã đồng ý chi tiêu 2.000 tỷ đô la để xây dựng cơ sở hạ tầng bao gồm đường sá, cầu, cấp nước, đường truyền băng thông rộng và hệ thống điện, và sẽ gặp nhau một lần nữa trong ba tuần để bàn bạc cách chi tiêu cho kế hoạch, các lãnh đạo Dân chủ nói.
Cuộc gặp này, vốn được xem là rất tích cực, tương phản với các cuộc đàm phán căng thẳng giữa hai bên trên những vấn đề gai góc hơn là di dân và an ninh biên giới. Hai đảng phái đã bày tỏ sự ủng hộ cho một dự luật cơ sở hạ tầng tiềm năng mà nếu được thông qua sẽ trở thành một dẫn chứng hiếm hoi về thành tích lập pháp phi đảng phái.
“Chúng ta đã có một cuộc họp rất hiệu quả với Tổng thống Mỹ,” Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói với các phóng viên ở Nhà Trắng. “Chúng tôi đã có sự nhất trí: rằng thỏa thuận sẽ lớn và táo bạo.”
Mặc dù có sự thống nhất trong mong muốn củng cố cơ sở hạ tầng của Mỹ, các biện pháp để chi trả cho dự luật vốn cần phải được sự phê chuẩn của Quốc hội, có thể là rào cản lớn nhất cho sự hợp tác giữa hai đảng.
“Chúng tôi đã nhất trí về một con số vốn rất, rất tích cực – 2.000 tỷ đô la để xây dựng cơ sở hạ tầng. Lúc đầu chúng tôi đã bắt đầu với con số thấp hơn – ngay cả Tổng thống cũng tích cực đẩy con số đó lên 2.000 tỷ,” ông Chuck Schumer, lãnh đạo phe thiểu số ở Thượng viện, nói.
Nhà Trắng mô tả cuộc họp này là ‘hiệu quả’ và xác nhận rằng một cuộc họp khác sẽ diễn ra vào tháng 5.
Trump ra lệnh siết chặt quy định về xử lý đơn xin tị nạn
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 30/4 chỉ thị cho các quan chức siết chặt quy định tị nạn, bao gồm đưa ra mức phí đối với các hồ sơ tị nạn và cấm những ai vào Mỹ bất hợp pháp được làm việc cho đến khi đơn xin tị nạn của họ được chấp thuận.
Động thái này là nỗ lực mới nhất của chính quyền Trump để ngăn chặn dòng di dân ngày càng đông băng qua biên giới phía nam của Mỹ – nhiều người trong số họ tìm kiếm quy chế tị nạn. Nhiều thay đổi này sẽ làm biến chuyển đáng kể cách thức đối xử với người tị nạn nhưng cũng đòi hỏi những quy trình rất mất nhiều thời gian trước khi chúng có hiệu lực.
Các quan chức của chính quyền Trump lâu nay vẫn cáo buộc là luật pháp Mỹ, vốn bảo vệ người xin tị nạn, là đã khuyến khích những hồ sơ tị nạn dối trá hay không xứng đáng.
Tuy nhiên những tổ chức vì quyền lợi di dân chỉ trích những nỗ lực của chính quyền Trump nhằm hạn chế bảo vệ người tị nạn là làm hại những di dân tìm kiếm con đường tị nạn hợp pháp để thoát khỏi tình trạng bạo lực và bị ngược đãi.
Hôm 30/4, Tổng thống Trump đã ký một bản ghi nhớ của Tổng thống yêu cầu Bộ Tư pháp và Bộ An ninh Nội địa đưa ra một loạt những quy định mới trong vòng 90 ngày để siết chặt chính sách tị nạn, trong đó có đặt ra mức phí mở hồ sơ tị nạn vốn hiện nay vẫn miễn phí.
Ngay cả khi mức phí là rất nhỏ cũng có thể là không thể kham nổi đối với nhiều người xin tị nạn, bà Victoria Neilson, một cựu quan chức ở Sở Di trú và Nhập tịch Mỹ, cơ quan thụ lý các đơn xin tị nạn, cho biết.
“Đa số những người đến Mỹ để xin tị nạn không có gì hơn ngoài những bộ đồ họ mang theo,” bà nói.
Một quy định nữa mà ông Trump yêu cầu các quan chức phải đưa ra là đảm bảo rằng các đơn xin tị nạn sẽ được phán quyết ở các tòa án di dân trong vòng 6 tháng.
Luật pháp Mỹ yêu cầu Bộ Tư pháp hoàn tất các trường hợp xin tị nạn trong vòng 6 tháng nhưng với trên 800.000 hồ sơ tồn đọng, các hồ sơ tị nạn thường phải mất nhiều năm mới có phán quyết.
“Quy định phải thụ lý hồ sơ tị nạn trong vòng 180 ngày đã được đưa ra trong vòng hơn hai thập niên,” ông Ashley Tabaddor, chủ tịch công đoàn các thẩm phán di dân, cho biết. “Vấn đề là chúng tôi chưa bao giờ có đủ nguồn lực để phán quyết những hồ sơ này một cách kịp thời.”
Ông Trump cũng ra lệnh cho các quan chức đưa ra những quy định không cho phép những người xin tị nạn vào Mỹ bất hợp pháp có được giấy phép làm việc trong khi hồ sơ của họ đang được thụ lý. Hiện tại, những người xin tị nạn vào nước Mỹ cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp đều được phép làm việc trong khi chờ hồ sơ của mình được giải quyết.
Mỹ ‘sẵn sàng’ trợ giúp thêm cho nông dân
Chính quyền của Tổng thống Trump sẵn sàng cung cấp thêm hỗ trợ liên bang cho các nông dân, nếu cần, một trợ lý cho biết hôm 30/4.
Theo Reuters, kể từ năm ngoái, khoảng 12 tỷ đôla đã được dùng để hỗ trợ nông dân nhằm giúp họ khắc phục thiệt hại từ cuộc tranh chấp thương mại với Trung Quốc.
Bộ Nông nghiệp Mỹ trước đó loại bỏ khả năng cung cấp thêm hỗ trợ cho năm 2019.
Quan chức Mỹ sắp sang Trung Quốc đàm phán thương mại
Cho tới tháng Ba, theo Reuters, hơn 8 tỷ đôla đã được hỗ trợ theo chương trình năm ngoái.
Hôm 30/4, Bộ này cho biết gia hạn thời hạn nộp đơn xin trợ giúp cho tới ngày 17/5.
Từng giúp mang lại chiến thắng cho Tổng thống Trump vào năm 2016, các nông dân Mỹ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ các chính sách thương mại của ông, vốn dẫn tới việc áp thuế với các đối tác thương mại chính như Trung Quốc, Canada và Mexico.
Lầu Năm Góc triển khai
thêm 320 quân nhân tới biên giới Mexico
Quân đội Mỹ hôm 29/4 thông báo sẽ triển khai thêm 320 quân nhân của Bộ Quốc phòng tới biên giới với Mexico.
Reuters dẫn thông báo, đưa tin rằng số binh sĩ này sẽ tiếp xúc với các di dân nhiều hơn trong các vai trò như lái xe chở họ cũng như “theo dõi” phúc lợi của họ.
Dân quân ở New Mexico bắt giữ di dân tại biên giới
Tuyên bố của Lầu Năm Góc nói rằng chỉ riêng đợt triển khai mới nhất này sẽ tốn khoảng 7,4 triệu đôla cho tới hết tháng Chín.
Nhìn chung, quyết định trên xác nhận các chi tiết về đợt triển khai quân được công bố hôm 26/4.
Theo Reuters, cả người ủng hộ lẫn chống đối chính sách di dân của Tổng thống Trump hiện theo dõi sát việc triển khai quân đội Mỹ tới biên giới với Mexico mà giờ gồm lực lượng khoảng 5 nghìn thành viên.
Cựu phó TT Mỹ Biden dẫn đầu
các cuộc thăm dò dư luận cử tri Dân Chủ
Theo kết quả hai cuộc thăm dò dư luận công bố ngày 30/04/2019, cựu phó tổng thống Joe Biden dẫn đầu trong cuộc chạy đua vòng bầu cử sơ bộ tranh chức ứng viên tổng thống của đảng Dân Chủ năm 2020.
Chỉ sau hai ngày bước vào vận động tranh cử, ông Joe Biden đã được 30% ý định bầu, bỏ xa đối thủ về nhì, thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders, được 15%. Mười tám ứng viên còn lại không ai vượt được 10% ý định bỏ phiếu. Người về thứ 3 là nữ thượng sĩ Elizabeth Warren chỉ được 8%, theo thăm dò của viện SSRS cho đài CNN.
Riêng ông Joe Biden như thế đã tăng 11 điểm so với cuộc thăm dò vào tháng 3. Tuy nhiên, theo AFP, cuộc vận động của đảng Dân Chủ chỉ mới bắt đầu, 64% trong số 1.007 người được hỏi cho là chọn lựa của họ chưa chắc chắn, tức là có thể thay đổi, điều quan trọng là đánh bại được ông Trump. Và đối với 56%, ông Biden là người có khả năng nhất đánh bại đương kim tổng thống trong cuộc bầu cử 2020.
Trong cuộc vận động của ông, Joe Biden muốn tạo ra cho mình hình ảnh một người biết đoàn kết, với phát biểu « ôn hòa ». Ông còn nhắc nhiều đến xuất thân bình dân của mình. Trả lời đài ABC, hôm qua, ông Biden khẳng định muốn chấm dứt sự chia rẽ nước Mỹ mà ông cho rằng chính ông Trump đã gây nên.
Cựu phó tổng thống Mỹ còn ca ngợi Barack Obama. Trên Twitter ông nhắc lại những năm làm phó tổng thống cho Obama, từ 2009 đến 2017, là một vinh dự đối với ông. Tuy nhiên Joe Biden cũng yêu cầu ông Obama là không chính thức ủng hộ ông vào lúc này.
Sau cuộc vận động ở Pittsburgh, Pennsylvania, và Iowa, ông Biden sẽ có cuộc mít tinh lớn ở Philadelphia vào ngày 18/05.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190501-cuu-pho-tt-my-biden-tham-do-du-luan-cu-tri-dan-chu
Facebook tăng bảo mật cho Instagram và Whatsapp
By Zoe KleinmanPhóng viên công nghệ BBC News
Mark Zuckerberg vừa tiết lộ một loạt thay đổi đối với các ứng dụng và nền tảng mạng xã hội Instagram và Whatsapp.
Các thiết kế và tính năng mới là đáp ứng trực tiếp đối với những lời chỉ trích về cách Facebook bảo vệ dữ liệu người dùng.
Zuckerberg cho biết công ty có kế hoạch đặt quyền riêng tư lên hàng đầu.
Ông thừa nhận rằng Facebook cần phải xây dựng lại niềm tin.
Trong bài nói chuyện với các kỹ sư viết lập trình, Zuckerberg nói việc chuyển trọng tâm của công ty sang quyền riêng tư là “thay đổi lớn” trong cách thức hoạt động của Facebook.
Một số thay đổi rõ ràng đối với người dùng bao gồm:
Các tin nhắn được gửi qua Facebook Messenger sẽ được mã hóa đầu đến cuối theo mặc định, có nghĩa là chính Facebook cũng không nhìn thấy nội dung tin nhắn và Messenger sẽ được tích hợp hoàn toàn với WhatsApp.
Instagram đang thử nghiệm tính năng “số lượt thích riêng tư”, vốn sẽ ẩn “số lượt thích” đối với người xem, nhưng không ẩn với chủ tài khoản.
Sẽ có nhiều cách “phù du” hơn để chia sẻ nội dung trong tin nhắn – có nghĩa là sẽ không có hồ sơ lưu trữ các tin nhắn này.
Một dịch vụ thanh toán an toàn trên WhatsApp đang được thử nghiệm ở Ấn Độ sẽ được triển khai tới các quốc gia khác vào cuối năm nay.
Facebook đang được thiết kế lại để khiến các nhóm cộng đồng trở thành trung tâm của newsfeed. Việc thiết kế lại đang được triển khai ở Mỹ và sau đó sẽ lan rộng ngay lập tức.
Các bài đăng trên Instagram sẽ không còn phải bắt đầu bằng ảnh hoặc video, có thể chia sẻ nội dung chỉ bằng văn bản, nhãn dán hoặc hình vẽ nhờ chế độ máy ảnh “Create” mới.
“Trong tương lai, quyền riêng tư là điều tối quan trọng,” Zuckerberg nói.
“Tôi biết danh tiếng của chúng ta về quyền riêng tư không được tốt lắm vào lúc này, nói một cách nhẹ nhàng là vậy.”
Zuckerberg cho biết Facebook đã tập trung vào việc tìm cách mã hóa quyền riêng tư trên toàn bộ nền tảng mảng xã hội của công ty.
“Nó sẽ không xảy ra ngay trong một đêm và tôi muốn nói rõ rằng, chúng ta không có tất cả các câu trả lời.”
Trước đó, Zuckerberg cũng nói rằng ông tin rằng mọi người sẽ muốn thảo luận riêng trong các nhóm và cộng đồng nhỏ trong tương lai.
Tuy nhiên, ông sẽ phải thuyết phục công luận rằng Facebook chính là nơi để làm điều này, một số nhà phân tích nhận xét.
“Câu hỏi lớn là nó sẽ thực hiện điều đó như thế nào trong một thế giới mà mạng xã hội đang bị kiểm duyệt trong năm 2019 và những năm sau đó,” Matt Navarra, cố vấn truyền thông xã hội nói.
“Phán quyết của tôi: Facebook sẽ bỏ ra nhiều nỗ lực chỉnh đốn và vựng dậy trở lại, nhưng những tai tiếng của nó sẽ vẫn còn được nhắc đến trong nhiều năm tới.”
Phân tích của Dave Lee
phóng viên công nghệ BBC Bắc Mỹ
Quyền riêng tư cá nhân chính là tương lai của Facebook, như Mark Zuckerberg đã nói trước đây, nhưng lần này thì Facebook có thêm nhiều chi tiết cụ thể hơn.
Những thay đổi về thiết kế là tái thiết lớn nhất trong khoảng 5 năm trở lại đây. Facebook sẽ tập trung hơn vào các nhóm và các tương tác riêng tư với tin nhắn được mã hóa đến mức mà chính Facebook cũng không thể truy cập được.
Và, đây mới là tin lớn… nó sẽ không còn màu xanh nữa. Các ứng dụng máy tính để bàn cho thấy Zuckerberg muốn nhắm đến thứ tương tự như iMessage của Apple.
Nhưng Facebook cần phải chứng minh rằng đây không chỉ là công việc sơn sửa lại diện mạo để thoát khỏi những rắc rối hiện tại.
Mark Zuckerberg đề cập nhanh về việc công ty không có danh tiếng tốt về quyền riêng tư – gần như nhếch mép khi anh ta nói điều đó. Công ty đang nỗ lực làm việc để lấy lại niềm tin, Zuckerberg nhấn mạnh.
Đồng thời Facebook phải cho thấy nó tiếp tục đổi mới ngay cả khi phải đối phó với những khó khăn trước mắt. Đó có lẽ là rủi ro lớn hơn đối với Facebook ở đây: trong khi nó đang khắc phục vấn đề của mình, các đối thủ cạnh tranh đang nỗ lực để có được chỗ đứng.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48104298
Hoa Kỳ sắp công bố chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương mới
trong tháng 5
Hoa Kỳ sẽ công bố chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương mới tại diễn đàn Shangri-la ở Singapore vào cuối tháng này, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách An ninh Ấn Độ Thái Bình Dương của Mỹ, Randall Schriver cho biết như vậy vào tuần trước tại Malaysia.
Diễn đàn Shangri-la được tổ chức hàng năm, quy tụ các lãnh đạo quốc phòng của nhiều quốc gia, để thảo luận các vấn đề liên quan đến an ninh.
Ông Shriver cho biết bài phát biểu của quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan tại Singapore sẽ tập trung vào báo cáo Chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương và nói rõ hơn về chiến lược này của Mỹ.
“Chiến lược Quốc phòng Quốc gia và Chiến lược An ninh Quốc gia của Mỹ đã xác định khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương là ưu tiên”, ông Shriver cho biết. Ông Shriver cũng cho biết trong thời gian tới các nước sẽ thấy thêm sự hiện diện và nguồn lực của Mỹ ở trong khu vực nhưng không nói cụ thể sự hiện diện và nguồn lực của Mỹ là gì.
Đại diện Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cho biết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cho tàu chiến và máy bay đi qua khu vực Biển Đông theo chương trình tự do hàng hải mà Mỹ đã tiến hành từ năm 2015 trở lại đây.
Ông Schriver cũng cho biết chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương mà Mỹ thực hiện không nhằm vào bất cứ một quốc gia cụ thể nào, nhưng vẫn có một số nghi ngờ cho rằng các hành vi của Trung Quốc cho thấy những mục tiêu của nước này đi ngược lại các mục tiêu của chiến lược khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương mở của Mỹ.
Chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương lần đầu tiên được Tổng thống Donald Trump đưa ra tại Thượng đỉnh APEC tổ chức ở Việt Nam vào tháng 11/2017. Đây được coi là chiến lược mới của Mỹ thay thế chiến lược chuyển trục về Châu Á của Tổng thống Barack Obama trước đó nhằm đối phó với sự lớn mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
90% các vụ kiện gián điệp kinh tế của Hoa Kỳ liên quan đến TQ
Mới đây, Phó trợ lý Tổng chưởng lý Bộ Tư pháp Hoa Kỳ Adam Hickey cho biết, kế hoạch “Made in China 2025” của Trung Quôc là một “lộ trình trộm cắp”. Hành vi trộm cắp bí quyết thương mại của chính phủ Trung Quốc đã đe dọa Hoa Kỳ, họ phải chịu trách nhiệm về những vụ trộm này ở một mức độ nhất định.
Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) ngày 25/4 đưa tin, ông Adam Hickey đã có bài phát biểu tại Hội nghị Ủy ban đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ và Đội Viễn thông Quốc gia lần thứ 5 hôm 24/4. Ông Adam đã nhấn mạnh vấn đề Trung Quốc trộm cắp bí quyết thương mại, gây ra mối đe dọa cho Mỹ, ông đề xuất các chiến lược mới với Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (United States Department of Justice, viết tắt là DOJ) để đối phó với Bắc Kinh.
Ông Adam nói rằng, kể từ khi Trung Quốc công bố kế hoạch “Made in China 2025” vào năm 2015, DOJ đã cáo buộc hành vi trộm cắp bí quyết thương mại đối với các cá nhân và đoàn thể Trung Quốc trong ít nhất 8 ngành công nghiệp.
Ngoài ra, kể từ năm 2011, hơn 90% các vụ kiện gián điệp kinh tế của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đều có liên quan đến đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ), và hơn 2/3 các vụ kiện trộm cắp bí quyết thương mại liên bang đều mối liên hệ địa lý với Trung Quốc.
Hickey cho biết, trong một số vụ kiện cho thấy, ĐCSTQ đang lợi dụng các cơ quan tình báo và công nghệ tình báo gián điệp của họ để đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp tư nhân Hoa Kỳ, chính phủ Trung Quốc nhất định phải chịu trách nhiệm về những vụ trộm này ở một mức độ nhất định.
Adam Hickey, Phó Trợ lý Tổng chưởng lý Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ), đã có bài phát biểu thẳng thắn về nạn trộm cắp quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc hôm 24/4. (Ảnh: rsaconference).
“Một khía cạnh khác trong mối đe doạ của Trung Quốc là từ chối thực hiện cam kết hợp tác với Hoa Kỳ trong việc phòng chống tội phạm, và họ cũng không tôn trọng luật pháp và các thủ tục pháp lý phổ quát. Khi một công ty hoặc cá nhân Trung Quốc vi phạm luật pháp Hoa Kỳ, các yêu cầu cung cấp tài liệu và quyền thẩm vấn của Hoa Kỳ trong nhiều năm qua vẫn không có hồi âm, các cam kết hợp tác cũng không được thực hiện”.
Ông Adam Hickey tin rằng: “Chỉ riêng việc truy tố hình sự là không đủ để bù đắp thiệt hại do các vụ trộm gây ra, cũng không đủ chấn tỉnh kẻ trộm cắp trong tương lai”.
Đối phó mối đe dọa từ Trung Quốc, ông Adam nói rằng DOJ đã thiết lập dự án “Sáng kiến Trung Quốc” với hàng loạt các mục tiêu, và các hạng mục ưu tiên.
Hiện tại, DOJ đang tìm cách sử dụng các công cụ để hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân, gồm các công cụ kinh tế có sẵn của Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Văn phòng đại diện thương mại cùng các công cụ ngoại giao của Bộ Ngoại giao và sự tham gia của các cơ quan tình báo và quân sự.
Đồng thời, DOJ cũng cung cấp thông tin cần thiết khi đối mặt với mối đe dọa cho các công tố viên và các công ty trong khu vực tài phán của họ trên toàn Hoa Kỳ, giúp các công ty đề cao cảnh giác và để khu vực kinh tế tư nhân khi xảy ra sự cố có thể hợp tác hiệu quả với các cơ quan chấp pháp.
Hickey cũng nhấn mạnh, Hoa Kỳ cần phải bảo vệ tốt hơn mạng lưới viễn thông của mình khỏi các mối đe dọa trong chuỗi cung ứng, và chống lại bất kỳ mối đe dọa an ninh quốc gia nào do đầu tư nước ngoài mang lại.
Bộ Tư pháp đã sẵn sàng thực hiện “Đạo luật hiện đại hóa đánh giá rủi ro đầu tư nước ngoài”, nhằm mở rộng quyền lực của Ủy ban đầu tư nước ngoài của Mỹ, kịp thời ứng phó với các rủi ro an ninh quốc gia mới xuất hiện.
ĐCSTQ thông qua kế hoạch “Made in China 2015” trợ cấp khoản tài chính cực lớn để hỗ trợ và bồi dưỡng các doanh nghiệp quy mô lớn, thực hiện cái gọi là “Đại nhảy vọt” về công nghệ khoa học. ĐCSTQ hy vọng có thể lủng đoạn thị trường Trung Quốc và bộ phận thị trường toàn cầu vào năm 2025, tham vọng có thể dẫn đầu 10 ngành công nghệ hàng đầu, và vào năm 2035, họ có thể sẽ vượt qua Đức và Nhật Bản.
Mỹ phê chuẩn bán vũ khí cho Đài Loan,
Bộ Quốc phòng TQ tức giận phản đối
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 15/4 đã phê chuẩn bán vũ khí cho Đài Loan với trị giá 500 triệu Đô la Mỹ, đồng thời đã thông báo cho Quốc hội Mỹ. Hôm 24/4, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã phẫn nộ biểu thị Quân đội Trung Quốc kiên quyết phản đối, yêu cầu Mỹ lập tức hủy bỏ thương vụ bán vũ khí cho Đài Loan; người phát ngôn Văn phòng sự vụ Đài Loan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc cũng cho biết, “kiên quyết phản đối Mỹ và Đài Loan có liên hệ quân sự với bất cứ hình thức nào”.
Mỹ phê chuẩn bán vũ khí trị giá 500 triệu USD cho Đài Loan
Theo Thời báo Tự do tại Đài Loan đưa tin, quân đội Mỹ hôm 15/4 công bố thông tin cho biết, Bộ Ngoại giao nước này đã phê duyệt thương vụ bán vũ khí quân sự cho Đài Loan, dự tính thương vụ này có trị giá khoảng 500 triệu USD, tiếp tục cung cấp căn cứ không quân Luke Air Force Base ở tiểu bang Arizona cho Đài Loan tiến hành dự án đào tạo nhân viên phi công lái chiến đấu cơ F-16, cung cấp hỗ trợ bảo trì và hậu cần, đồng thời gửi thông báo đến Quốc hội Mỹ.
Chuyên gia phân tích cho rằng, việc này không chỉ cho thấy Mỹ bình thường hóa bán vũ khí quân sự cho Đài Loan, đồng thời cũng cho thấy giao lưu Không quân Mỹ – Đài Loan lần đầu tiên thể hiện ra bề mặt. Ngày 17/4, ông Randall Schriver, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cho biết, thương vụ mua bán vũ khí quân sự này phù hợp với “Đạo luật Quan hệ Đài Loan”, hơn nữa cũng là để trợ giúp Đài Loan tăng cường khả năng răn đe, để đối phó với sự đe dọa từ Trung Quốc.
Hôm 24/4, Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc Thái Anh Văn đã tiếp kiến ông Tommy Hicks – chủ tịch Ủy ban Đảng cộng hòa toàn quốc (Republican National Committee, RNC), bà Thái đã cảm ơn sự ủng hộ đảng Cộng hòa đối với nền dân chủ Đài Loan. Bà Thái cho biết, đây là lần thứ 3 chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố bán vũ khí quân sự cho Đài Loan, và bình thường hóa các thủ tục bán vũ khí quân sự cho Đài Loan. Chúng ta nhìn thấy Mỹ đang dùng hành động thực tế và thiết thực, kiên định ủng hộ Đài Loan.
Trung Quốc “kiên quyết phản đối”
Theo truyền thông Trung Quốc đưa tin, hôm 24/4, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm đã lên tiếng về vấn đề này. Ông Ngô Khiêm nói, thương vụ bán vũ khí quân sự này của Mỹ “đầu độc sự phát triển mối quan hệ giữa quân đội hai nước Mỹ – Trung, phá hoại nghiêm trọng quan hệ giữa hai bờ eo biển và hòa bình ổn định tại khu vực eo biển Đài Loan”; ông Ngô Khiêm cho rằng thương vụ này không những “hoàn toàn sai lầm” mà còn “rất nguy hiểm”.
Trong phát biểu của mình, ông Ngô Khiêm cũng nói “dựa vào người phương Tây để đề cao bản thân là không có đường thoát, lấy Đài Loan để chế phục Đại lục chắc chắn sẽ uổng công”, ông cho biết, Trung Quốc yêu cầu Mỹ nghiêm khắc tuân thủ nguyên tắc một Trung Quốc và các quy định trong 3 thông cáo Trung – Mỹ, đồng thời yêu cầu Mỹ “lập tức hủy bỏ các thương bán vũ khí quân sự cho Đài Loan, dừng cung cấp vũ khí cho Đài Loan, cũng như liên hệ quân sự với Đài Loan”, tránh tạo thành tổn thương cho quan hệ Mỹ – Trung và tổn hại đến hòa bình ổn định khu vực eo biển Đài Loan.
Trong buổi họp báo cùng ngày 24/4, người người phát ngôn Văn phòng sự vụ Đài Loan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc Mã Hiểu Quang cũng lên tiếng về vấn đề này, ông Mã cho biết, vấn đề Đài Loan “liên quan đến chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc”, kiên quyết phản đối Mỹ bán vũ khí quân sự cho Đài Loan, và liên hệ quân sự với khu vực Đài Loan bằng bất cứ hình thức nào, “đây là lập trường nhất quán và rõ ràng”.
Sợ đòn Iran, 2 tàu sân bay Mỹ đến khẩn Trung Đông
Lần đầu tiên kể từ năm 2016, Mỹ triển khai tới hai biên đội tàu sân bay ở Địa Trung Hải, đề phòng nguy cơ xung đột quân sự với Iran.
Trong hơn hai năm qua, lần đầu tiên các nhóm tấn công tàu sân bay John C. Stennis (CVN-74) và Abraham Lincoln (CVN 72) cùng gia nhập lực lượng tác chiến của Hạm đội 6 ở khu vực Địa Trung Hải.
Điều này đã được công bố vào ngày 23 tháng 4, bởi một quan chức chỉ huy của Hạm đội 6 là Phó Đô đốc Lisa Franchetti.
Phó đô đốc Franchetti nhận xét rằng, đây là cơ hội hiếm có để hai nhóm tấn công hợp tác cùng với các đồng minh và đối tác quan trọng trong khu vực. Các nguồn tin của DEBKAfile cho rằng, bà đang đề cập đến lực lượng hải quân của Anh, Pháp và Israel.
Phó đô đốc Franchetti, người từng giữ chức Tư lệnh Hạm đội 6 kể từ đầu năm 2018, nói thêm rằng: Từ các hoạt động của hai biên đội tàu sân bay Mỹ ở Địa Trung Hải cho thấy hình ảnh một “Lực lượng hàng hải linh hoạt” và khả năng mở rộng cung cấp cho lực lượng tác chiến chung của Mỹ trong khu vực, đồng thời thể hiện cam kết của chính quyền Washington đối với các đồng minh về sự ổn định và an ninh của khu vực.
Các nguồn tin quân sự của DEBKAfile cho biết thêm rằng, sự tập trung bất thường của lực lượng hải quân và không quân Mỹ trong khu vực này nhằm đưa ra cảnh báo cho Iran về việc chớ có manh động tấn công vào lực lượng của Mỹ hoặc các đồng minh trong khu vực.
Giới chức lãnh đạo Mỹ và các quốc gia đồng minh cho rằng, Tehran có thể tung ra các “hành động liều lĩnh” để đáp trả các biện pháp trừng phạt của chính quyền Trump đối với Iran trong lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ.
Mức độ tập trung binh lực lớn chưa từng có của Washington trong mấy năm qua giúp lực lượng của Mỹ có khả năng chống lại bất kỳ nỗ lực nào của Iran nhằm can thiệp vào các tuyến vận chuyển dầu từ vùng Vịnh qua Eo biển huyết mạch Hormuz và tuyến đường qua Vịnh Aden hoặc Biển Đỏ.
Trong một bài viết trước đó của DEBKAfile cho biết, Mỹ đã đặt lực lượng quân sự của mình ở Trung Đông vào tình trạng báo động cao vào ngày 22 tháng 4, trước khi tuyên bố hủy bỏ các miễn trừ cho phép 8 quốc gia mua dầu của Iran, nước hiện đang Mỹ bị trừng phạt.
Các quốc gia sẽ không còn được hưởng lợi từ quyền miễn trừ của Mỹ là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Italia, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Mỗi ngày, các nước này nhập khẩu khoảng một triệu thùng dầu của Iran.
Giới chức Mỹ tính toán rằng, trước mắt, các lệnh trừng phạt sẽ ngăn chặn ít nhất 10 tỷ dollars rơi vào tay chính quyền Iran.
Mục tiêu của Mỹ là tước bỏ nguồn lực của Iran, không cho nước này nguồn kinh phí để cung cấp cho các chính phủ và nhóm vũ trang bất hợp pháp “gây bất ổn ở Trung Đông trong bốn thập kỷ qua” và buộc chính quyền Tehran phải chấp thuận các điều kiện của Washington.
Vì dầu là hàng hóa xuất khẩu duy nhất của Iran, nên mức doanh số xuất khẩu dầu “về mức không” mà Mỹ quyết tâm áp đặt cho Iran tương đương với doanh thu bằng 0 cho kho bạc của nước này. Đó là một viễn cảnh tồi tệ mà Tehran không bao giờ muốn thấy.
Hành động cứng rắn của Mỹ kết hợp với những thảm họa thiên tai liên tiếp trên diện rộng đã đặt Iran đứng trước viễn cảnh tồi tệ là cạn kiệt ngân sách, nền kinh tế bị suy sụp, đời sống nhân dân khó khăn, dẫn đến đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế-xã hội.
Chính quyền Tehran đối mặt với hai lựa chọn: Hoặc là chấp nhận khuất phục Washington hoặc sử dụng các biện pháp quân sự để buộc Mỹ giảm bớt sự kìm kẹp. Và dường như Iran không có ý định đầu hàng.
Tehran thường cảnh báo rằng nếu xuất khẩu dầu của Iran bị bóp nghẹt, họ sẽ làm gián đoạn tuyến đường chở dầu qua Biển Đỏ; hay ngăn chặn một phần hoặc toàn bộ Eo biển Hormuz, tuyến hàng hải lưu thông một phần năm mức tiêu thụ nhiên liệu hàng ngày của thế giới.
Các lựa chọn tấn công khác cho Tehran sẽ là các cuộc tấn công vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở Trung Đông, bao gồm cả trên lãnh thổ Syria và Iraq; lẫn ở vùng Vịnh và Biển Đỏ.
Các đơn vị đặc nhiệm dân quân Shiite địa phương hoặc các đơn vị đặc biệt của Lực lượng Vệ binh Cách mạng (IRGC) sẽ nhận được mệnh lệnh tấn công các mục tiêu thuộc về các đồng minh của Hoa Kỳ, bao gồm Israel, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Do đó, lực lượng quân sự của Mỹ và đồng minh ở Trung Đông đã được đặt trong tình trạng báo động; đồng thời, hai nhóm tác chiến tàu sân bay được điều động đến Địa Trung Hải, sẵn sàng phóng tên lửa hành trình vào Iran, nếu nước này phong tỏa các tuyến được biển vận chuyển dầu ở Trung Đông.
http://biendong.net/bi-n-nong/27675-so-don-iran-2-tau-san-bay-my-den-khan-trung-dong.html
Quân đội Mỹ đang theo dõi sát tình hình bất ổn ở Venezuela
Quân đội Hoa Kỳ hôm thứ ba cho biết họ đang theo dõi sát diễn biến ở Venezuela nhưng không gợi ý bất cứ vai trò gì trong các sự kiện đang diễn ra, trong lúc các phe phái vũ trang chống đối và ủng hộ Tổng thống Nicolas Maduro đang đụng độ nhau tại một cuộc biểu tình bên ngoài căn cứ không quân ở Caracas.
“Chúng tôi đang theo dõi sát các diễn biến mới ở Venezuela và liên hệ chặt chẽ với các đối tác liên ngành và các cơ quan chỉ huy cao cấp của chúng tôi. Vào thời điểm hiện tại, nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh miền Nam Hoa Kỳ vẫn không thay đổi,” Đại tá Armando Hernandez, phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh miền Nam, đặc trách các lực lượng quân sự Hoa Kỳ ở Mỹ La tinh, nói.
Ngoại trưởng Mỹ: Nga đã khuyên tổng thống Maduro
không chạy sang Cuba
Vào lúc tổng thống Venezuela tự phong Juan Guaido, được Mỹ ủng hộ, kêu gọi tiếp tục biểu tình vào hôm nay, 01/05/2019, và sau khi có nổ súng giữa binh sĩ ủng hộ Guaido và lực lượng thân Maduro, Washington trong suốt ngày hôm qua, đã gia tăng sức ép để tổng thống Nicolas Maduro rời bỏ chính quyền, thậm chí rời khỏi Venezuela.
Theo ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, một chiếc máy bay đã đợi sẵn đề chở ông Maduro sang Cuba, nhưng Nga đã khuyên ngăn.
Thông tín viên RFI tại Washington, Anne Corpet, đã ghi nhận các phản ứng tại Mỹ trước các diễn biến ở Venezuela, trước tiên là của cố vấn An Ninh Quốc Gia: ông John Bolton phủ nhận là đã có đảo chính nhưng thất bại :
« Đó không phải là một cuộc đảo chính. Việc ông Juan Guaido tìm cách kiểm soát quân đội không có gì là đảo chính cả. John Bolton đã lên tiếng ngay vào buổi sáng. Cố vấn An Ninh Quốc Gia Mỹ còn khẳng định: Tất cả phương án đều đã đặt lên bàn và với giọng đe dọa ông cho là sẽ là một sai lầm lớn của Maduro và những người ủng hộ ông ta khi sử dụng vũ lực đối với dân thường.
Vào cuối ngày hôm qua, sức ép gia tăng đối với tổng thống Maduro và đồng minh của ông. Tổng thống Donald Trump trên Twitter thông báo sẵn sàng áp đặt cấm vận toàn diện đối với Cuba và trừng phạt nghiêm ngặt nếu La Habana không triệt thoái hệ thống bố trí quân sự của Cuba ra khỏi Venezuela.
Vào buổi chiều thì ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo yêu cầu Nicolas Maduro rời khỏi Venezuela: Đã lâu rồi không ai thấy Maduro. Đã có một chiếc máy bay sẵn sàng cất cánh và Maduro đã sẵn sàng ra đi vào lúc sáng, nhưng theo những gì mà người ta được biết, Nga đã yêu cầu ông ta ở lại. Nhưng cũng đến lúc Maduro phải ra đi và chúng tôi yêu cầu ông ra đi càng nhanh càng tốt.
Ngoại trưởng Mỹ như đã thúc trực tiếp ông Maduro phải đi qua La Habana… Không thể ở lại Venezuela… Hãy cho chiếc máy bay đó cất cánh đi ».
Hôm qua, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres kêu gọi «các bên không sử dụng bạo lực», «kiềm chế» và «ngay lập tức có các biện pháp để đưa tình hình trở lại bình thường».
Lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu Federica Mogherini cũng kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, đồng thời khẳng định Liên Âu nỗ lực làm mọi việc để nền dân chủ và Nhà nước pháp quyền trở lại tại Venezuela, thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng, theo đúng Hiến pháp.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190501-my-nga-tong-thong-venezuela-khong-chay-sang-cuba
Chính phủ Venezuela cáo buộc
lãnh đạo đối lập âm mưu đảo chính
Giới chức Venezuela nói họ vừa dẹp một âm mưu đảo chính nhỏ sau khi lãnh đạo đối lập Juan Guiadó tuyên bố ông trong “giai đoạn cuối cùng” tiến tới chấm dứt sự cầm quyền của Tổng thống Nicolás Maduro.
Ông xuất hiện trong một đoạn video cùng những người mặc quân phục, và nói ông được sự ủng hộ của quân đội.
Guaido hủy biểu tình ở Tây Venezuela
Juan Guaidó bị Quốc hội thân Maduro tước quyền miễn trừ
Venezuela: Guaidó chờ quân đội ủng hộ
Ông Guiadó, người tự tuyên bố mình là tổng thống lâm thời hồi tháng Giêng, đã kêu gọi để phe quân sự ủng hộ ông nhiều hơn nữa trong việc chấm dứt việc ông Maduro “cướp đoạt” quyền lực.
Quân đội nhìn chung ủng hộ ông Maduro trong cuộc đối đầu với ông Guiadó.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo đối lập nhận được sự ủng hộ của hàng chục quốc gia, trong đó gồm hầu hết các nước Mỹ-Latin và Hoa Kỳ.
Nhưng quốc tế có vẻ như có ý kiến chia rẽ về những diễn biến mới nhất tại Caracas.
Diễn biến mới nhất
Ông Guiadó xuất hiện trong một video dài ba phút, bên cạnh một lãnh đạo đối lập khác là ông Leopoldo López, người đã bị quản chế tại gia kể từ khi bị kết tội xúi giục bạo lực trong các cuộc biểu tình chống chính phủ hồi 2014.
Chữ Thập Đỏ ‘sẽ cứu trợ cho Venezuela’
Máy bay Nga chở gì sang giúp ông Maduro?
Venezuela: Mỹ rút nhân viên tòa đại sứ ở Caracas
Ông López nói ông đã được các thành viên quân đội thả ra, những người tuyên bố trung thành với ông Guiadó.
Trong đoạn video được chia sẻ trên mạng xã hội, ông Guiadó oi ông được sự ủng hộ của “những người lính can đảm” tại Caracas.
Ông Guaidó, Chủ tịch Quốc hội do phe đối lập kiểm soát, đã kêu gọi quân đội ủng hộ ông kể từ khi ông tự tuyên bố mình là tổng thống lâm thời.
Ông nói rằng Tổng thống Maduro là một “kẻ chiếm quyền” bởi đã được tái bầu trong kỳ bầu cử bị phản đối rộng khắp.
Đoạn video có vẻ như được thu hình vào lúc bình minh ở trong hoặc gần căn cứ không quân La Carlota ở thủ đô Caracas.
Mọi người có theo ông Guaidó?
Đoạn video sau đó đã được Reuters ghi lại, cho thấy cảnh ông Guiadó và ông López cùng hàng chục người mặc quân phục đứng trên một con đường cao tốc ở Caracas.
Nhiều người đeo băng tay và băng đầu màu xanh để tỏ ý ủng hộ ông Guiadó. Đoạn video cũng cho thấy hơi cay bắn vào họ.
Video cho thấy cảnh những người ủng hộ ông Guiadó ném đá vào căn cứ không quân trong lúc những người khác vẫy cờ Venezuela, nhưng có vẻ như họ không phối hợp hành động với nhau.
Ông López, người dẫn dắt đảng Popular Will mà ông Guiadó là một thành viên, thúc giục người Venezuela hãy tham gia cùng: “Toàn bộ người dân Venezuela, những ai muốn tự do hãy tới đây, hãy làm gián đoạn trật tự, hãy cùng tham gia, cổ vũ cho binh lính của chúng ta, cùng nhân dân. Xin chào Venezuela, hãy cùng nhau thực hiện điều này.”
Vợ ông nói với Parkin Daniels của Guardian rằng ông đã được thả “để sát cánh bên Guiadó, giải phóng Venezuela”.
Chính phủ phản ứng thế nào?
Bộ trưởng Thông tin Jorge Rodríguez đã lên Twitter nói về các sự kiện. Ông viết rằng chính phủ đang chặn một nhóm nhỏ “những kẻ phản bội trong quân đội”, mà ông nói là đang ủng hộ một cuộc đảo chính.
Bộ trưởng Quốc phòng Vladmir Padrino nói rằng các căn cứ quân sự đang “hoạt động bình thường” và rằng các lực lượng có vũ trang đang “vững vàng bảo vệ hiến pháp và các cơ quan hợp pháp”.
Trong một tin tweet sau đó, ông viết, “Họ là những kẻ hèn nhát!!”
Một thành viên cao cấp trong đảng xã hội đang nắm quyền, Diosdado Cabello, kêu gọi những người ủng hộ Tổng thống Maduro hãy xuống đường quanh dinh tổng thống để bảo vệ ôgn Maduro khỏi “âm mưu hữu khuynh”.
Cộng đồng quốc tế nói gì?
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo viết tweet đáp lời ông Guiadó.
“Chính phủ Hoa Kỳ hoàn toàn ủng hộ nhân dân Venezuela trong công cuộc đấu tranh đòi tự do và dân chủ,” ông viết.
Trong lúc đó, thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Sarah Sanders nói Tổng thống Hoa Kỳ đã được báo cáo tình hình và “chúng tôi đang theo dõi những gì diễn ra”.
Hoa Kỳ mong phục hồi dân chủ, tự do cho người dân VenezuelaBà Kellyanne Conway
Còn bà Kellyanne Conway, cố vấn trong Tòa Bạch Ốc thì nói chính quyền Hoa Kỳ “sát cánh cùng lãnh đạo đối lập Juan Guaidó.
Bà Conway nói, “đã đến lúc lãnh đạo XHCN Nicolás Maduro phải ra đi, và Hoa Kỳ mong phục hồi dân chủ, tự do cho người dân Venezuela.”
Thượng nghị sỹ Mỹ Marco Rubio, một người ủng hộ mạnh mẽ ông Guiadó, cũng dùng Twitter để thúc giục quân đội Venezuela ủng hộ chủ tịch quốc hội.
Nhưng một nữ phát ngôn viên của chính phủ Tây Ban Nha thì cảnh báo về tình trạng “tắm máu” ở Venezuela.
“Tây Ban Nha không ủng hộ bất kỳ cuộc đảo chính quân sự nào,” Isavel Celaa nói, và thúc giục tìm giải pháp “hòa bình” cho cuộc khủng hoảng Venezuela.
Tổng thống Colombia Iván Duque kêu gọi quân đội Venezuela ủng hộ ông Guiadó.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48098088
Venezuela: Juan Guaidó kêu gọi tiếp tục biểu tình hôm 1/5
Về ‘âm mưu đảo chính’ ở Venezuela
Tổng thống lâm thời tự phong Juan Guaidó kêu gọi người Venezuela ủng hộ ông tiếp tục biểu tình hôm 1/5, sau cuộc đụng độ dữ dội hôm 30/4.
Tổng thống Nicolás Maduro, người mà nhà lãnh đạo phe đối lập đang cố gắng lật đổ, vẫn thách thức bất chấp các cuộc biểu tình.
Trong bài diễn văn trên truyền hình, ông mô tả những người ủng hộ Guaidó là một “nhóm nhỏ” mà kế hoạch của họ đã thất bại.
Trong khi đó, chính quyền Mỹ cáo buộc ông Maduro đã sẵn sàng lên đường trốn sang Cuba để thoát khỏi tình trạng bất ổn.
Venezuela nói đang ‘dập tắt âm mưu đảo chính’ 30/4
Juan Guaidó bị Quốc hội thân Maduro tước quyền miễn trừ
Venezuela: Guaidó chờ quân đội ủng hộ
Giới chức Mỹ cho biết ba thành viên nội các ủng hộ Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro đồng tình rằng ông ta phải ra đi.
Tin tức này xuất hiện sau khi lãnh đạo phe đối lập Juan Guaidó kêu gọi quân đội giúp chấm dứt sự cai trị của ông Maduro.
Người biểu tình xuống đường ở thủ đô Caracas để ủng hộ ông Guaidó hôm thứ Ba 30/4.
Nhưng các lãnh đạo quân sự dường vẫn ủng hộ ông Maduro, cáo buộc ông Guaidó đã toan tính đảo chính.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cũng quả quyết rằng Tổng thống Maduro đã chuẩn bị rời Venezuela hôm thứ Ba để bay tới Cuba nhưng đã bị Nga phản bác. Ông Pompeo không đưa ra bằng chứng nào về tuyên bố này.
“Họ có một chiếc máy bay đợi sẵn trên đường băng. Ông ấy đã sẵn sàng rời đi sáng nay, như chúng tôi biết. Người Nga cho biết ông ta nên ở lại”, ông Pompeo nói với đài truyền hình CNN.
Tổng thống Maduro có bài phát biểu khiêu khích trên truyền hình tối thứ Ba.
Ngồi bên cạnh các chỉ huy quân sự, ông nói ông sẽ chiến thắng khi đối mặt với những gì ông gọi là một nỗ lực đảo chính được hậu thuẫn bởi chủ nghĩa đế quốc Mỹ.
Các quan chức là ai?
Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John Bolton cáo buộc Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino là một trong những người đã tham gia vào cuộc đàm phán kéo dài ba tháng với phe đối lập.
Tuy nhiên, ông Padrino xuất hiện trên truyền hình hôm thứ Ba, xung quanh là các binh lính, khẳng định lòng trung thành với ông Maduro.
Ông Bolton cũng nêu tên chánh án tòa án tối cao Maikel Moreno và chỉ huy trưởng bảo vệ Tổng thống, ông Ivan Rafael Hernandez Dala.
Ông nói rằng họ đã cam kết “đạt được sự chuyển đổi quyền lực một cách hòa bình từ phe cánh của Maduro” sang cho ông Guaidó – người mà Mỹ, Anh và một số quốc gia khác công nhận là nhà lãnh đạo chính đáng của Venezuela.
“Tất cả đồng tình rằng ông Maduro phải đi,” ông Bolton nói với các phóng viên ở Washington.
Ông Bolton không đưa ra bằng chứng nào cho thấy những người trung thành với Maduro đang chuẩn bị từ bỏ ông ta. Những khẳng định sau đó được lặp lại bởi Elliott Abrams, đặc phái viên Hoa Kỳ tại Venezuela.
Điều gì xảy ra ở Venezuela?
Cuộc tranh giành quyền lực giữa ông Maduro và ông Guaidó, người lãnh đạo Quốc hội do phe đối lập bầu, bắt đầu từ tháng Một.
Ông Guaidó tuyên bố mình là lãnh đạo lâm thời và đã được hàng chục quốc gia công nhận, nhưng ông Maduro vẫn nắm quyền.
Vào sáng thứ Ba 30/1, ông Guaidó xuất hiện trong một video trên mạng xã hội cùng với một lãnh đạo phe đối lập khác, Leopoldo López, người bị quản thúc tại gia kể từ khi bị kết tội xúi giục bạo lực trong các cuộc biểu tình chống chính phủ năm 2014.
Trong video, ông Guaidó tuyên bố ông đang ở “giai đoạn cuối” chấm dứt sự cai trị của Tổng thống Maduro và rằng ông có sự hỗ trợ của “những người lính dũng cảm” ở Caracas.
“Các lực lượng vũ trang quốc gia đã đưa ra quyết định chính xác … họ được đảm bảo đứng về phía lẽ phải của lịch sử,” ông nói.
Tuy nhiên, quân đội dường như không ủng hộ ông Guaidó trong ngày này.
Phóng viên BBC Guillermo Olmo ở Caracas, cho rằng thứ Ba đánh dấu giai đoạn bạo lực nhất của cuộc khủng hoảng chính trị Venezuela cho tới nay.
Các cuộc đụng độ diễn ra giữa những người ủng hộ ông Guaidó và các xe quân đội. Người biểu tình được nhìn thấy ném đá, nhưng bị đẩy lùi bởi hơi cay và vòi rồng.
Camera truyền hình cũng ghi được khoảnh khắc xe bọc thép lao vào đám đông. Không rõ có ai bị thương tích trong vụ việc này.
Bộ Y tế Venezuela cho biết 69 người bị thương trên cả nước.
Một thất bại, hoặc hơn thế, sẽ xảy ra?
Katy Watson, BBC News
Sự kiện hôm thứ Ba chắc chắn rất kịch tính. Nhưng không rõ khi nào nó chấm dứt ở Venezuela.
Juan Guaidó đã có động thái táo bạo khi tuyên bố các lực lượng vũ trang đã đứng về phía ông. Và việc chính trị gia đối lập Leopoldo López, người đang bị quản thúc tại gia, đứng bên cạnh ông cũng là một bất ngờ lớn. Ai đã giải thoát ông ta và điều đó nói gì về lòng trung thành của các lực lượng vũ trang?
Nhưng ngày trôi qua mà mọi việc không rõ ràng hơn – chính xác ai là người đứng sau cái gọi là cuộc nổi dậy này? Để Juan Guaidó đạt được sự thay đổi thể chế như đã hứa, ông ta cần các tướng quân đội đứng về phía mình. Cho đến nay, ít nhất là công khai, họ vẫn trung thành với ông Maduro.
Tình hình vẫn còn khó hiểu – nhưng sự tự tin mà phe đối lập có được vào đầu ngày có vẻ như đang suy yếu dần.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48116048
Lãnh đạo đối lập Venezuela kêu gọi quân đội nổi dậy
Lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido hôm 30/4 kêu gọi công chúng Venezuela nổi dậy lật đổ Tổng thống Nicolas Maduro, trong lúc các phe phái vũ trang chống và ủng hộ ông Maduro đụng độ nhau tại một cuộc biểu tình bên ngoài căn cứ không quân ở Venezuela khi cuộc khủng hoảng chính trị tại nước này bước sang một đỉnh điểm mới, theo Reuters.
Các nhân chứng cho hãng thông tấn Anh biết, hàng chục thanh niên vũ trang trong quân phúc đã tháp tùng ông Guaido trong cuộc đọ súng với các binh sĩ ủng hộ cho ông Maduro bên ngoài căn cứ không quân La Carlota, nhưng có vẻ như phe đối lập không chủ ý giành quyền kiểm soát bằng vũ lực.
Trong một video đăng trên Twitter vào sáng sớm 30/4, ông Guiado tuyên bố bắt đầu “giai đoạn cuối” của chiến dịch lật đổ ông Maduro, và kêu gọi người dân Venezuela và quân đội ủng hộ ông chấm dứt sự “cướp đoạt” của ông Maduro.
Khoảng ba giờ sau thông báo của ông, không có dấu hiệu của bất kỳ hoạt động quân sự nào khác, cũng không có báo cáo thương vong nào ngay lập tức.
Các lực lượng an ninh trước đó đã bắn hơi cay vào ông Guaido khi hàng trăm thường dân gia nhập vào nhóm ông, Reuters dẫn lời các nhân chứng cho biết.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Vladimir Padrino nói: “Chúng tôi bác bỏ phong trào đảo chính này, vốn nhằm mục đích đem bạo lực vào đất nước”.
Ông nói rằng các lực lượng vũ trang vẫn “kiên quyết bảo vệ chính quyền hợp pháp và hợp hiến của quốc gia”, và tất cả các đơn vị quân đội trên khắp Venezuela báo cáo tình trạng “bình thường” trong doanh trại và căn cứ của họ.
Động thái này được xem là nỗ lực táo bạo nhất của ông Guaido nhằm thuyết phục quân đội nổi dậy chống lại ông Maduro. Nếu thất bại, nó có thể được coi là bằng chứng cho thấy ông thiếu sự hỗ trợ mà ông đã từng tuyên bố. Nó cũng có thể khuyến khích chính quyền, những người đã tước quyền miễn trừ quốc hội và mở nhiều cuộc điều tra về ông, có thể bắt giữ ông.
Hoa Kỳ nằm trong số 50 quốc gia công nhận ông Guaido là Tổng thống Venezuela, và đã áp đặt các lệnh trừng phạt để cố gắng thay thế ông Maduro.
Giá dầu hiện đang ở mức rất cao, 73 USD, một phần do sự bất ổn ở Venezuela, một thành viên của khối OPEC đã bị Mỹ trừng phạt và cuộc khủng hoảng kinh tế.
Theo lời phát ngôn viên Nhà Trắng, Sarah Sanders, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump “đã được thông báo và đang theo dõi tình hình đang diễn ra”. Nhà Trắng từ chối bình luận về việc chính quyền đã được hỏi ý kiến hay biết trước về kế hoạch của ông Guaido hay không.
https://www.voatiengviet.com/a/guaido-keu-goi-quan-doi-noi-day/4897769.html
Venezuela : Mỹ tăng sức ép nhưng Maduro vẫn kháng cự
Nicolas Maduro chuẩn bị lên máy bay đậu sẵn để bay sang Cuba tị nạn nhưng vào giờ chót Matxcơva thuyết phục tổng thống Venezuela thay đổi ý định. Tuyên bố trên đây của ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gián tiếp nhìn nhận áp lực mới nhất của Mỹ lôi kéo quân đội Venezuela ủng hộ đối lập, nhưng không mang lại kết quả mong muốn.
Vào lúc đối lập Venezuela vận động dân chúng và chuẩn bị biểu dương lực lượng trên toàn quốc nhân ngày lễ Lao Động 01 tháng 05 thì ngày hôm trước xảy ra một số đột biến chứng tỏ có một cuộc đấu trí ác liệt.
Sáng sớm này 30/04, tổng thống tự phong Juan Guaido xuất hiện trong một doanh trại quân đội ở thủ đô Caracas bên cạnh những người lính đeo băng xanh dương trên tay, màu biểu tượng của « Chiến dịch Tự do ». Ông long trọng tuyên bố « quân đội đã đứng về phe dân chúng».
Sự kiện tù nhân chính trị Leopoldo Lopez, nhân vật chủ chốt chống chế độ Hugo Chavez trong thập niên 2000, đang bị quản thúc, lại đứng cạnh Juan Guaido cũng như nhiều nhà đối lập khác được thả, chứng tỏ Manuel Ricardo Cristopher Figuera, giám đốc cơ quan công an chính trị Sebin, đã ngả theo đối lập. Nếu công cụ đàn áp đối lập bỏ rơi chế độ, thì đây là một đòn đau đối với tổng thống Maduro, nhưng Sebin không có vũ khí nặng như quân đội, theo bình luận của « đại sứ đối lập » ở Genève với báo Thụy Sĩ Le Temps.
Còn theo thông tín viên của Le Monde ở Washington, thì từ sáng sớm 30/04, đích thân tổng thống Mỹ theo dõi diễn biến tình hình « từng phút một ».
Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, trong một cuộc họp báo đột xuất, thúc giục những sĩ quan cao cấp, công chức nồng cốt của chế độ Maduro đã tiếp xúc với đối lập, phải hành động. Bộ trưởng Quốc Phòng Vladimir Padrino, chỉ huy trưởng lực lượng bảo vệ phủ tổng thống Iven Hernandez và chánh án Tòa Án Tối Cao Maikel Moreno là ba nhân vật được John Bolton lưu ý. Để gây sức ép tâm lý, cố vấn an ninh Mỹ đe dọa sử dụng « mọi biện pháp » tuy rằng Hoa Kỳ « vẫn ưu tiên cho giải pháp chính trị và không chủ trương đảo chính ».
Matxcơva thuyết phục Maduro bám trụ
Trước áp lực của Washington, tổng thống Maduro bỏ dinh tổng thống chạy vào bộ Quốc Phòng. Nếu tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ là sự thật thì « Maduro đã sẵn sàng bay sang Cuba nhưng Matxcơva đã thuyết phục được tổng thống Venezuela nên ở lại » kháng cự cuộc tấn công của Juan Guaido.
Theo các nguồn tin thông thạo ở Caracas, giám đốc công an chính trị Sebin là nhân vật cột trụ đầu tiên đi theo đối lập. Tư lệnh không quân cũng từ chối tuân lệnh tổng thống Maduro oanh kích biểu tình, nhưng theo một viên chức Mỹ, tổng thống tự phong Juan Guaido khó mà thuyết phục được quân đội bỏ rơi Maduro.
Sau khi tổng thống tự phong rời căn cứ quân sự ở ngoại ô Caracas, vệ binh trung thành với tổng thống Maduro nổ súng và cho xe bọc thép ủi vào đám đông gây thương tích cho 78 người.
Sau một ngày im lặng, tổng thống Maduro tuyên bố phá vỡ một mưu toan đảo chính. Trước đó, ngoại trưởng Venezuela tố cáo Lầu Năm Góc và cố vấn an ninh Mỹ chủ mưu đảo chính, điều mà ông John Boton bác bỏ.
Chính quyền Nga, yểm trợ chế độ Maduro bằng quân sự và ngoại giao, chỉ trích đối lập Venezuela chọn hình thức tranh đấu cực đoan. Trong khi đó, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc kêu gọi hai bên chấm dứt mọi hành động bạo lực.
Từ đầu năm nay, các biện pháp đe dọa quân sự, cô lập ngoại giao, bao vây kinh tế, cấm vận dầu hỏa chỉ làm cho khủng hoảng ở Venezuela ngày càng nghiêm trọng thêm nhưng không mang lại kết quả chính trị mong muốn. Tiếp xúc với « quan chức chế độ Caracas » chứng tỏ Washington nỗ lực tạo thanh thế cho đối lập, theo phân tích của thông tín viên báo Le Monde.
Tuy nhiên, đối thủ của Mỹ chưa rơi vào cảnh thế cùng lực kiệt trước chiến thuật « công tâm ».
Trong một tuyên bố trên Tweet, sau khi bình ổn tình hình, tổng thống Maduro cho biết ông là người có « dây thần kinh bằng thép » và tất cả tướng lãnh đều trung thành.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190501-venezuela-my-tang-suc-ep-nhung-maduro-van-khang-cu
Tổng thống Brazil ủng hộ người dân Venezuela đòi dân chủ
Chính phủ cánh hữu của Brazil đã thể hiện sự ủng hộ dành cho hành động của lãnh đạo đối lập Venezuela Juan Guaido nhằm lật đổ ‘chế độ độc tài Maduro’ với các cuộc biểu tình trên đường phố hôm 30/4 và kêu gọi các nước khác làm tương tự.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro viết trên trang Twitter của ông rằng người dân Venezuela đang bị ‘một kẻ độc tài biến thành nô lệ’ và rằng ông ủng hộ ‘tự do cho quốc gia anh em của chúng ta để cuối cùng trở thành một nền dân chủ thật sự’.
Cố vấn an ninh quốc gia của ông, tướng về hưu Augusto Heleno, nói rằng ông cảm thấy bàng hoàng trước hình ảnh xe bọc thép của lực lượng Vệ binh Quốc gia Venezuela đâm thẳng vào những người biểu tình.
Nhưng ông nói rằng tình hình ở Venezuela ‘không rõ ràng’ và rằng sự ủng hộ dành cho ông Guaido dường như ‘yếu ớt’ và ông không chắc liệu các sỹ quan quân đội có từ bỏ Tổng thống Nicholas Maduro hay không.
Ông Guaido được Brazil, Hoa Kỳ và nhiều nước phương Tây công nhận là Tổng thống lâm thời của Venezuela.
Phát ngôn nhân phủ Tổng thống Brazil, Tướng Otavio Rego Barros, đã đọc tuyên bố bày tỏ sự ủng hộ đối với ‘nhân dân Venezuela chiến đấu cho dân chủ’ và kêu gọi các quốc gia khác ủng hộ nỗ lực của ông Guaido để ‘chấm dứt chế độ độc tài của ông Maduro’.
Trước đó, Ngoại trưởng Brazil Ernesto Araujo cho biết nước ông ủng hộ một cuộc chuyển giao dân chủ ở Venezuela. Ông nói rằng Brazil hy vọng quân đội Venezuela sẽ từ bỏ ông Maduro.
Ông nói thêm rằng việc một số thành phần trong quân đội Venezuela có sự chuyển động về phía công nhận ông Guaido là nhà lãnh đạo hợp pháp của đất nước là bước đi ‘tích cực’.
Mặc dù Brazil công nhận chính phủ lâm thời của ông Guaido, nước này chưa bao giờ tính đến việc can thiệp quân sự để lật đổ chính phủ của ông Maduro, ông Heleno nói.
Chuyện các xứ còn vương triều và vấn đề có vua thì hơn gì
Tuần này, châu Á có hai sự kiện nổi bật đều liên quan đến hai vương triều nổi tiếng, ở Nhật Bản và Thái Lan.
Tân Nhật hoàng Naruhito vừa đăng quang với niên hiệu Lệnh Hòa, và tân vương Thái Lan, Maha Vajiralongkorn, sẽ chính thức lên ngôi vào dịp cuối tuần.
Một số báo quốc tế đã tìm hiểu câu chuyện các vương triều “sống sót” ra sao trên thế giới, và quan điểm chung là định chế cổ xưa này “phải thay đổi, trẻ hóa” thì mới không bị thời gian đào thải.
Vương quyền Lào và vị vua chết trong im lặng
Hoàng tử Bỉ bị cắt trợ cấp vì dự lễ TQ?
Giới trẻ Nhật Bản và kỷ nguyên tân Nhật hoàng
Nhật Hoàng úy lạo gia đình cựu binh Nhật
Sau thế kỷ 20 đầy các cuộc cách mạng xóa sổ vua chúa – tất cả các quốc gia xã hội chủ nghĩa đều bỏ vua – nay trên thế giới chỉ còn trên 50 nước có vua.
Trên thực tế, con số này còn ít hơn, chỉ gần 30 nước thực sự có vua của mình.
Có tới 16 nước thuộc khối Thịnh vượng chung (Commonwealth) nhận vị quốc vương chung là Nữ hoàng Elizabeth II: Liên hiệp Vương quốc Anh, Canada, Australia, New Zealand, Papua New Guinea, Đảo Solomon, Tuvalu, Antigua và Barbuda, Bahamas, Barbados, Belize, Grenada, Jamaica, St. Kitts và Nevis, St. Vincent và Grenadines, cùng St. Lucia.
Nếu như Canada, Úc và New Zealand có liên hệ sắc tộc, văn hóa mật thiết với đế quốc Anh, và do con cháu người Anh, Scotland, Ireland sang định cư thì nhiều đảo quốc nhỏ xíu từng có vua hoặc vị tù trưởng đứng đầu trước khi thực dân Anh sang xâm chiếm.
Nay độc lập rồi họ vẫn coi Nữ hoàng Anh là nguyên thủ quốc gia, chứng tỏ duy trì mối liên hệ biểu tượng đó cũng có lợi cho họ.
Trong số các nước có vua, nữ hoàng là người của chính họ, thì châu Phi lại “tiến bộ đi đầu” chỉ còn ba quốc gia có vương triều: Lesotho, Morocco và Swaziland.
Lâm Tắc Từ và chuyện Trung Hoa mất đất
Thái Lan đòi Google xóa tin ‘xúc phạm hoàng gia’
Nam Mỹ không có nước nào còn vua.
Châu Á và châu Âu hóa ra lại “bảo hoàng” hơn cả, với mỗi châu có 13 vương quốc.
Tại châu Âu, ngoài Anh và Tây Ban Nha vẫn có vương triều liên tục hàng trăm năm qua, các nước lớn như Nga, Đức, Pháp, hoặc tầm trung về dân số như Ý, Ba Lan, Romania đều đã lật đổ vua chúa.
Trong các nước còn lại, Andorra, Bỉ, Đan Mạch, Liechtenstein, Luxembourg, Malta, Monaco, Hà Lan, Na Uy vẫn giữ nền quân chủ.
Bạn có thể đếm qua và thấy chưa đủ 13 nước.
Đúng thế, còn một quốc gia nữa, về nguyên tắc cũng là vương quốc: Nhà nước Vatican.
Giáo hoàng La Mã cũng vua nhưng người lên ngôi không phải cha truyền con nối mà do Giáo hội bầu
Vatican là biệt lệ vì theo thần quyền, còn Liechtenstein và Luxembourg thực ra không có vua (king) mà chỉ do đại công tước làm chủ.
Châu Á, gồm Trung Đông, Nam Á và Đông Á, còn 13 vương triều, với quyền lực của vua đôi khi mạnh hơn nhiều so với vua châu Âu.
Các nước này là Bahrain, Bhutan, Brunei, Campuchia, Nhật Bản, Jordan, Kuwait, Malaysia, Oman, Qatar, Saudi Arabia, UAE và Thái Lan.
Trong thế kỷ 21, một nước châu Á là Nepal đã bỏ vua, chấm dứt triều đại Gorkhaki.
Vào thế kỷ trước, các nước Việt Nam, Lào, Trung Quốc…đều xóa hoàng gia.
Vị vua cuối cùng của Lào, Savang Vatthana, chết trong trại cải tạo sau cuộc cách mạng.
Nhưng các nước khác thì không hề có dấu hiệu muốn bỏ vua.
Nền quân chủ, đôi khi chỉ hình thức, hoặc luân phiên như các vị sultan của Malaysia, nhưng được cho là tạo sự ổn định.
Trong một thế giới nhiều thay đổi, việc duy trì một sợi dây tinh thần với truyền thống văn hóa dân tộc cũng có ý nghĩa tốt.
Sau khi khối Đông Âu xã hội chủ nghĩa tan rã, có các nhóm bảo hoàng vận động để phục hồi vua cho Bulgaria, Serbia, Romania…
Họ lập luận rằng lịch sử là rất quan trọng, và chế độ cộng sản đã bắn súng vào quá khứ nhưng không xây dựng được tương lai tốt hơn.
Phục hồi vai trò quốc vương sẽ giúp kết nối quá khứ với hiện tại, làm khởi sắc các giá trị cũ tốt đẹp.
Vị quốc vương còn có thể đứng trên chính trị đảng phái, làm điểm tựa cho quốc gia khi gặp thiên tai, nguy biến.
Giới bảo hoàng cũng tin rằng khác tổng thống, thủ tướng, vua vì trị vị suốt đời nên không tham nhũng bởi chẳng cần tăng sự giàu có và kiếm chác theo nhiệm kỳ.
Bulgaria có vẻ hào hứng nhất với ý tưởng gần như là phục hồi vương triều, và năm 2001, cựu vương Simeon II đã được bầu làm thủ tướng.
Nhưng sau một nhiệm kỳ không mấy ấn tượng, vị cựu vương cao tuổi, đã mất chức.
Sang năm 2018, ông còn dính vào việc kiện cáo đòi lại lâu đài Vrana ở Sofia và bị chính quyền Bulgaria đuổi khỏi tòa nhà mà dòng ông làm chủ từ 1892.
Việc phục hồi hoàng gia như vậy không phải chuyện dễ.
Tồn tại trong khiêm tốn
Chưa kể phái chống vua chúa luôn nói rằng nền quân chủ không còn lý do tồn tại ở thời hiện đại, và tốn kém.
Nepal hồi 2008 đã phế truất vua và lập ra nước cộng hòa.
Các hoàng gia đều biết họ thuộc về quá khứ nên phải tự hiện đại hóa, phải không gây tốn kém, phiền toái cho quốc dân và giới chính khách cầm quyền.
Hoàng tử Bỉ hồi cuối 2017 đã bị chính phủ dọa cắt trợ cấp 308.000 euro vì dự sự kiện do Trung Quốc tổ chức, ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia.
Trên thực tế, ai xem lễ thoái vị của Nhật hoàng Akihito đều thấy nó quá giản dị, chỉ gồm vài động tác chào hỏi, cảm ơn, chúc tụng và trao ‘báu vật’, trong 10 phút.
Vì cả niên hiệu Bình Thành của Nhật hoàng Akihito là thời gian chuộc lỗi cho quá khứ Thế Chiến 2, nên sự tồn tại của họ càng ít xa hoa càng tốt.
Riêng tại Anh, việc cắt giảm chi tiêu tối đa và để chứng tỏ mình không gây tốn kém cho quốc gia đã khiến Hoàng gia vẫn được nhiều ủng hộ.
Trong các năm 1996 và 2012, Nữ hoàng Elizabeth II hai lần cắt số con cháu có tư cách ‘thành viên hoàng tộc’, xuống còn chưa đến 20 người hiện nay.
Anh có Crown Estate, một dạng Hoàng triều Cương thổ mà nhà Nguyễn ở Việt Nam từng có, gồm điền sản, địa ốc của vương triều.
Năm 1918, cha tôi, Vua VI đã phục vụ trong Không quân Hoàng gia cùng Lord Trenchard và trở thành thành viên Hoàng tộc đầu tiên có bằng phi công quân sựNữ hoàng Elizabeth II nói về cha trong ngày Không quân Anh. Vai trò của bà là động viên quân đội, nhấn mạnh truyền thống
Crown Estate đem lại một năm trên 300 triệu bảng tiền lãi từ kinh doanh.
Mỗi năm, Nữ hoàng Elizabeth II chỉ nhận 43 triệu bảng để chi cho các hoạt động của bà và Hoàng gia, và số tiền còn lại nộp vào ngân sách nhà nước Anh.
Crown Estate, hiện trị giá 12 tỷ bảng, cũng không phải tài sản riêng của Hoàng gia hiện hành mà thuộc về vương triều Anh, tức là quốc gia, không ai được quyền chuyển nhượng, bán đi cho bất cứ ai khác.
Việc duy trì Hoàng gia hóa ra không tốn gì mà còn đem lại lợi nhuận lớn cho Anh Quốc.
https://www.bbc.com/vietnamese/culture-social-48122831
Cảnh sát đụng độ với người biểu tình tại Paris ngày 01/05
Các cuộc đụng độ đã nổ ra giữa những nhóm hoạt động tả khuynh và cảnh sát tại Paris.
Người biểu tình ném bom xăng và các thứ khác vào cảnh sát; còn cảnh sát bắn hơi cay nhằm đẩy lui dòng người ở trung tâm Paris hôm thứ Tư, 01/05.
Hơn 150 người đã bị bắt tính đến chiều thứ Tư và nhiều người khác bị khám xét.
Hàng ngàn người trong ngày Quốc tế Lao động tuần hành, phản đối các chính sách của Tổng thống Emmanuel Macron.
Hôm thứ Năm tuần trước, trong diễn văn đề ra chính sách nhằm làm dịu cơn giận dữ của người biểu tình thuộc phong trào Áo Vàng, ông Macron cam kết sẽ áp dụng một loạt cải cách, gồm cả cắt giảm thuế trị giá khoảng 5 tỷ euro.
Tuy nhiên, phe đấu tranh nói như vậy vẫn là quá ít, và tuyên bố sẽ tiếp tục xuống đường phản đối.
Cảnh sát sẵn sàng đối phó
Hôm thứ Ba, 30/4, cảnh sát Pháp đã cảnh báo về khả năng có đụng độ với các nhóm chủ trương vô chính phủ tả khuynh, được biết đến với tên gọi Black Blocs, sau khi trên mạng xã hội có những lời kêu gọi xuống đường cực đoan.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner nói đã có một số cá nhân bị bắt giữ trong hôm thứ Ba, trong đó có một đối tượng mang theo “dùi cui gập gọn và một dao gấp”.
Phát ngôn viên chính phủ nói sẽ có hơn 7.400 cảnh sát được triển khai để đối phó với tình trạng bạo lực trong ngày thứ Tư.
Các lực lượng an ninh Pháp đã được đặt trong tình trạng báo động cao trong gần sáu tháng qua, do các cuộc biểu tình áo vàng diễn ra hàng tuần có nhiều lúc leo thang trở thành các cuộc bạo động.
Các cuộc biểu tình ‘áo vàng’, được đặt tên theo màu áo phản quang của những người đi xe máy, bắt đầu từ tháng 11 quanh việc tăng thuế xăng dầu, nhưng đã có những lúc biến thành những cuộc đụng độ. Người biểu tình coi các chính trị gia và chính phủ hiện nay là xa rời thực tế.
Số người tham gia phong trào này đã giảm xuống, với chỉ khoảng 23 nghìn người dự cuộc xuống đường dịp cuối tuần trước, so với đỉnh điểm 282 nghìn người tham gia trong một lần biểu tình hồi tháng 11.
Tuy nhiên, phong trào vẫn có những lúc gây gián đoạn nghiêm trọng do một số người có hành động bạo lực ở khu vực Champs-Elysees ở trung tâm Paris.
Sau một cuộc biểu tình bạo lực hồi tháng Ba, chính phủ đã cách chức cảnh sát trưởng Paris và quyết định áp dụng chính sách “không khoan nhượng”.
Dự luật “chống bạo loạn” sau đó được thông qua, trao cho các lực lượng an ninh nhiều quyền hơn, gồm cả quyền đưa các đối tượng che mặt trong cuộc biểu tình thành tội phạm hình sự.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48125221
Pháp – Trung tranh cãi vụ tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan
Sau khi Trung Quốc ngày 25.4 lên tiếng phản đối Pháp đưa tàu chiến qua eo biển Đài Loan hồi đầu tháng, Paris ngay lập tức khẳng định quyền “tự do hàng hải theo luật quốc tế” của mình.
Pháp ngày 25.4 một lần nữa xác nhận cam kết của mình trong việc thực thi quyền “tự do hàng hải theo luật quốc tế”, bất chấp phản ứng kịch liệt từ chính quyền Bắc Kinh.
“Hải quân quốc gia (Pháp) mỗi năm đi qua eo biển Đài Loan một lần, không hề xảy ra sự cố hoặc phản ứng gì”, theo Reuters dẫn lời trợ lý của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly sau khi Trung Quốc xác nhận đã chính thức phản ứng bằng công hàm ngoại giao.
Trong khi đó, Bắc Kinh cho hay “hải quân Trung Quốc đã xua tàu chiến Pháp đi qua eo biển Đài Loan” hôm 7.4, nhưng không cung cấp thêm chi tiết là “xua” như thế nào.
Động thái của hải quân Pháp diễn ra chỉ sau khoảng 2 tuần kể từ khi khu trục hạm USS Curtis Wilbur của hải quân và tàu Bertholf của tuần duyên Mỹ đi qua nơi này vào ngày 25.3.
“Việc các tàu này đi qua eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Mỹ đối với một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, theo thông báo của hạm đội 7 thuộc hải quân Mỹ.
“Mỹ sẽ tiếp tục bay ngang, đi thuyền qua và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép”.
Theo giới quan sát, sở dĩ Trung Quốc phản ứng dữ dội về hoạt động của tàu chiến Pháp vì lo ngại hành động này có thể mở đường cho các đồng minh khác của Mỹ, như Nhật Bản và Úc, làm điều tương tự tại eo biển Đài Loan.
http://biendong.net/bi-n-nong/27687-phap-trung-tranh-cai-vu-tau-chien-di-qua-eo-bien-dai-loan.html
Putin nói Kim Jong-un sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân
nếu được đảm bảo an ninh
Tổng thống Nga cho hay Triều Tiên sẵn sàng phi hạt nhân hóa ở mức độ nhất định, nhưng phải được đảm bảo về an ninh và chủ quyền.
Sau hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên với lãnh đạo Triều Tiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 25/4 trả lời báo chí rằng ưu tiên chính của Kim Jong-un trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ là “đảm bảo an ninh và chủ quyền”.
“Phi hạt nhân hóa có nghĩa là Triều Tiên sẵn sàng giải trừ vũ khí ở một mức độ nhất định”, Putin nói. “Nhưng Kim Jong-un trên tất thảy quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc gia và giữ vững an ninh”, theo một văn bản đăng trên trang web của Điện Kremlin dẫn lời Tổng thống Nga.
Putin cho rằng còn quá sớm để nói chi tiết về những đảm bảo an ninh đó sẽ như thế nào nhưng các bên cần hành động để củng cố niềm tin. Tổng thống Nga ám chỉ Mỹ chịu trách nhiệm cho việc đổ vỡ niềm tin khi nhắc lại cuộc đàm phán 6 bên do Trung Quốc chủ trì dưới thời cựu tổng thống Mỹ George Bush.
Cuộc đàm phán 6 bên năm 2005 đã đạt được bước đột phá khi Triều Tiên “cam kết từ bỏ tất cả vũ khí hạt nhân và các chương trình hạt nhân hiện tại” còn Mỹ khẳng định không triển khai vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và không có ý định sử dụng cả vũ khí thông thường lẫn hạt nhân để “tấn công hoặc xâm lược” Triều Tiên. Tuy nhiên, các bên sau đó không thống nhất được phương thức kiểm chứng việc thực thi cam kết. Năm 2009, Triều Tiên rút khỏi đàm phán 6 bên với Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Hàn Quốc.
“Vì một vài lý do, người Mỹ đột ngột quyết định rằng những điều khoản quy định trong thỏa thuận năm 2005 là chưa thấu đáo và cần phải bổ sung thêm một số điều khoản khác”, Tổng thống Putin nói. “Nếu chúng ta hành động như vậy, nếu chúng ta tiến một bước và lùi hai bước, chúng ta sẽ thất bại trong việc đạt được kết quả mong muốn”.
Tổng thống Putin cho rằng các bên cần hành động cẩn trọng và tôn trọng lợi ích của nhau. Tổng thống Nga không rõ về tương lai nối lại đàm phán 6 bên, nhưng khẳng định Kim Jong-un muốn bất cứ biện pháp an ninh nào đều là “đảm bảo mang tính quốc tế”, chứ không đơn giản là thỏa thuận song phương.
Tổng thống Nga cho biết ông sẽ thông báo với Mỹ về nội dung thảo luận giữa ông và lãnh đạo Triều Tiên, đồng thời tiết lộ chính Kim Jong-un đã nhờ Tổng thống Nga truyền đạt lại quan điểm của mình tới Washington.
Mặc dù Kim Jong-un không dự họp báo chung với Tổng thống Putin sau hội nghị thượng đỉnh, lãnh đạo Triều Tiên nói tại bữa tối rằng hai bên đã thảo luận về vấn đề “đảm bảo hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên và trong khu vực” đồng thời nhấn mạnh khao khát “tăng cường và phát triển mối quan hệ thân thiện, truyền thống và chiến lược” với Nga.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói trên kênh CBS rằng con đường ngoại giao phía trước “chông gai” và “thách thức” nhưng vẫn nhìn thấy tương lai phi hạt nhân hóa hoàn toàn. “Mỹ từng chuyển cho Triều Tiên rất nhiều tiền để đổi lại rất ít”, Ngoại trưởng Mỹ nói. “Chúng tôi quyết tâm không lặp lại sai lầm này. Tôi nghĩ Triều Tiên giờ đây đã hiểu rất rõ điều đó”.
Người sáng lập WikiLeaks bị Anh kết án tù 50 tuần
Julian Assange, người sáng lập WikiLeaks vừa bị tòa án Anh kết án 50 tuần tù hôm 1/5 vì vi phạm bảo lãnh tại ngoại khi ông ẩn náu tại Đại sứ quán Ecuador ở London trong bảy năm cho đến khi cảnh sát lôi ông ra khỏi đây vào tháng trước, theo Reuters.
Ông Assange đã xin ẩn náu trong Đại sứ quán vào tháng 6 năm 2012 để tránh lệnh dẫn độ về Thụy Điển theo một cáo buộc về tội cưỡng hiếp, điều mà ông phủ nhận.
Luật sư của ông cho rằng đó là một hành động tuyệt vọng nhằm tránh bị đưa sang Mỹ đối mặt với hành động phát hành hàng ngàn tài liệu ngoại giao mật của Hoa Kỳ.
Nhiều tài liệu có liên quan đến các cuộc chiến, vấn đề an ninh quốc gia và các vấn đề khác, và một số tài liệu đánh giá quan trọng về các nhà lãnh đạo thế giới như Tổng thống Nga Vladimir Putin và hoàng gia Saudi. Hoa Kỳ đã buộc tội ông Assange về âm mưu này và tìm cách dẫn độ ông.
Đưa ra mức án tối đa có thể, Thẩm phán Deborah Taylor nói với ông Assange rằng ông đã lợi dụng vị trí đặc quyền của mình để lách luật và bày tỏ thái độ khinh thường công lý của Anh.
Ông Assange đã gây chú ý trên thế giới vào đầu năm 2010 khi WikiLeaks công bố một video quân sự mật của Hoa Kỳ cho thấy cuộc tấn công vào năm 2007 của các máy bay trực thăng Apache ở Baghdad đã giết chết hàng chục người, trong đó có hai nhân viên của Reuters.
Đối với một số người, ông Assange là một anh hùng vì đã phơi bày điều mà những người ủng hộ gọi là “lạm dụng quyền lực” của các quốc gia tiên tiến và để bảo vệ quyền tự do ngôn luận. Nhưng với những người khác, ông là một kẻ nổi loạn nguy hiểm đã phá hoại an ninh của nước Mỹ.
Vụ án ở Anh phát sinh sau khi ông Assange, 47 tuổi, sinh ra tại Úc, bị hai phụ nữ Thụy Điển buộc tội tấn công tình dục và cưỡng hiếp vào năm 2010. Thông qua các tòa án, ông Assange đã đấu tranh khiến cho lệnh dẫn độ và cuộc điều tra sơ bộ sau đó bị hủy bỏ.
Ông trốn vào Đại sứ quán Ecuador vào tháng 6 năm 2012 sau khi không còn lựa chọn pháp lý nào khác và đã được cấp quy chế tị nạn hai tháng sau đó. Các cáo buộc của Thụy Điển đã được hủy bỏ vào năm 2017, nhưng giới hữu trách có thể khôi phục các cáo buộc này.
Chỉ vài giờ sau khi cảnh sát đưa ông Assange ra khỏi Đại sứ quán Ecuador ở London vào ngày 11 tháng 4, các công tố viên Hoa Kỳ nói rằng họ đã buộc tội ông Assange về âm mưu xâm nhập vào một máy tính mật của chính phủ Mỹ. Ông bị kết án về tội vi phạm tại ngoại trong cùng ngày.
https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-sang-lap-wikileaks-bi-anh-ket-an-tu-50-tuan/4899235.html
Venise thu thêm phí du lịch để hạn chế lượng du khách
Kể từ 01/05/2019, Venise áp dụng thuế mới, thu thêm phí 3€ cho bất cứ ai đặt chân vào thành phố, bất kể du khách có ngủ lại qua đêm hay không. Biện pháp thu thêm phí du lịch là nhằm để tránh cho Venise bị quá tải trước lượng du khách đông đảo.
Hội đồng thành phố nhắm trực tiếp vào thành phần du khách từ các du thuyền khổng lồ thường chỉ ở lại Venise không quá 24 tiếng đồng hồ. Theo nhật báo La Voce di Venezia, kể từ đầu năm 2020, phí du lịch sẽ tăng lên đến 6€ và có thể dao động tới 10€ mỗi đầu người trong những mùa cao điểm như mùa hè hay là những kỳ nghỉ lễ. Vào năm 2022, du khách muốn tham quan Venise trong ngày nhưng không có đặt phòng khách sạn để ngủ lại ít nhất một đêm, phải đăng ký trước với tòa thị chính. Sau khi được cấp giấy phép trên mạng và thanh toán phí du lịch, du khách mới có thể vào thăm thành phố.
Venise tính chuyện thu thêm phí du lịch kể từ cuối năm 2018, cộng thêm với hai loại thuế áp dụng cho khách sạn và nhà nghỉ là thuế TVA 10% và thuế địa phương là 4,5€ một đêm mỗi người. Việc áp dụng ‘‘thuế mới’’ (cho mỗi người và mỗi ngày) có hiệu lực kể từ 01/05/2019 làm gia tăng đáng kể chi phí đối với thành phần các du khách đi tham quan cùng với gia đình.
Theo thông báo chính thức của Hội đồng thành phố Venise, hàng năm có khoảng 30 triệu người ghé thăm Venise, nhưng trong số này chỉ có 1/3 du khách đặt phòng ít nhất một đêm ở khách sạn hay nhà trọ xung quanh khu vực trung tâm gồm nhiều công trình lịch sử của thành phố. Ngược lại, luồng du khách ồ ạt đổ vào Venise cũng làm tăng thêm lượng rác thải.
Thị trưởng Venice Luigi Brugnaro cho biết phần lớn các khoản tiền thu sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc “làm sạch” thành phố. Các khoản tiền thu được cũng sẽ giúp chi trả các phí tổn về mặt an ninh, trong đó có việc duy trì một lực lượng giữ gìn trật tự vào mỗi ngày Chủ Nhật cũng như tăng cường an ninh trong các ngày lễ như Đêm giao thừa 31/12 và mùa Lễ hội hoá trang Carnival vào trung tuần tháng Hai.
Tờ báo địa phương La Nuova di Venezia e Mestre, các chi phí bảo đảm trật tự an ninh cũng như giữ gìn vệ sinh trong thành phố, cho tới nay vẫn do người dân chi trả qua các thuế địa
phương. Nhiều người dân sinh trưởng ở Venizia đã bị buộc phải rời nguyên quán vào đất liền cư trú, do giá sinh hoạt ngày càng tăng cao trước lượng du khách đồng đảo. Trong khi đó, làn sóng khách tham quan cũng như các du thuyền khổng lồ đã gây tác động chẳng những tới các công trình kiến trúc mà các làm xáo trộn nhịp sống của người dân địa phương. Hầu hết các cửa hiệu ở trung tâm Venise chủ yếu bán những mặt hàng để phục vụ du khách, trong khi dân địa phương khi cần đi chợ phải rời khỏi khu phố cổ.
Theo báo La Voce di Venezia, sau Venise, có lẽ sẽ đến phiên Florence (Firenze) một thành phố nghệ thuật khác của nước Ý, sẽ áp dụng biện pháp này do Florence cũng đang phải đương đầu với lượng du khách quá tải. Thị trưởng Florence, ông Dario Nardella đã từng kêu gọi chính quyền Roma thông qua một đạo luật chung cho phép tất cả các thành phố du lịch quan trọng của Ý tăng thêm thuế du khách.
http://vi.rfi.fr/xa-hoi/20190501-venise-thu-them-phi-du-lich-de-han-che-luong-du-khach
Thông điệp phía sau nụ cười của lãnh đạo Nga – Triều
trong cuộc gặp lịch sử
Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Kim Jong-un đã dành cho nhau những cử chỉ thân mật trong lần đầu gặp mặt và đây có thể là thông điệp được hai nhà lãnh đạo gửi tới Mỹ.
Cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un bắt đầu bằng cái bắt tay siết chặt và kết thúc bằng màn nâng ly của hai nhà lãnh đạo trước khi ông chủ Điện Kremlin tổ chức họp báo trước truyền thông.
Tuy nhiên, phía sau những nụ cười, nghi thức đón tiếp và món quà mà Tổng thống Putin dành cho ông Kim Jong-un là thông điệp quan trọng được hai nhà lãnh đạo gửi tới Mỹ.
Ông Kim Jong-un quyết định nhận lời mời tới thăm thành phố Vladivostok trong bối cảnh các cuộc đàm phán với Washington đang lâm vào bế tắc. Việc Bình Nhưỡng “xoay trục” sang Moscow được xem là tín hiệu nhắn gửi Tổng thống Donald Trump, rằng Washington không phải “người chơi” duy nhất trên bàn cờ.
“Nhà lãnh đạo Triều Tiên đích thân đề nghị chúng tôi thông báo với phía Mỹ về lập trường của ông ấy (Kim Jong-un). Không có bí mật nào ở đây”, Tổng thống Putin phát biểu tại cuộc họp báo sau bữa tiệc thân mật với vị khách quý từ Triều Tiên.
Lãnh đạo Nga – Triều đi bộ cùng nhau tới nơi họp thượng đỉnh
Sau hai giờ hội đàm, vượt quá một giờ so với kế hoạch ban đầu, Tổng thống Putin cho biết cuộc đối thoại giữa ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên diễn ra “cởi mở, thú vị và thực chất”. Ông Putin nói rằng hai nhà lãnh đạo đã đề cập tới hàng loạt vấn đề như phi hạt nhân hóa, các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, tương lai của các lao động Triều Tiên có nguy cơ bị trục xuất khỏi Nga theo nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an và quan hệ song phương.
“Phi hạt nhân hóa có nghĩa là từ bỏ vũ khí, nhưng Triều Tiên cần sự bảo đảm để điều đó có thể xảy ra… Tôi có cảm giác ông Kim Jong-un quan tâm đến vấn đề phi hạt nhân hóa và tất cả những gì Triều Tiên mong muốn là đảm bảo an ninh và chủ quyền của nước này”, ông Putin nhấn mạnh.
Trong một bình luận được cho là nhắm trực tiếp tới Mỹ, Tổng thống Nga kêu gọi việc “quay trở lại luật pháp quốc tế”, đồng thời nhấn mạnh cách duy nhất để thực hiện quá trình phi hạt nhân hóa là đảm bảo luật pháp quốc tế phải được đặt lên trên “luật của nắm đấm”.
Triều Tiên đã đàm phán với Mỹ suốt nhiều tháng với chủ đề xoay quanh phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần hai tại Việt Nam hồi cuối tháng 2 kết thúc mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào. Các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Bình Nhưỡng và Washington liên tục bị đình trệ khi hai nước vẫn bất đồng quan điểm về định nghĩa “phi hạt nhân hóa”.
Giải mã cuộc gặp
Thông điệp phía sau nụ cười của lãnh đạo Nga – Triều trong cuộc gặp lịch sử – 2
Theo Robert Kelly, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Pusan Hàn Quốc, việc gặp Tổng thống Putin là cách để nhà lãnh đạo Kim Jong-un đánh tiếng với Tổng thống Trump rằng ông có thể “đi khắp nơi để tìm kiếm thỏa thuận”.
“Ông Kim Jong-un bây giờ có thể vui vẻ đối thoại với bất kỳ ai”, giáo sư Kelly nhận định.
Sau nhiều năm cô lập, nhà lãnh đạo Kim Jong-un dường như hào hứng với việc vươn ra thế giới trong những năm gần đây, một phần bởi vì ông đã có trong tay quân bài mặc cả chiến lược: đó là tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng tấn công lục địa Mỹ. Ngoài hai lần Tổng thống Trump, ông Kim Jong-un còn
có 4 cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và 3 cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Trong bối cảnh các cuộc đàm phán với Mỹ không đi đến đâu, nhà lãnh đạo Triều Tiên chuyển hướng sang Nga với hai mục đích: vừa để xem Tổng thống Putin có thể đưa ra đề xuất giúp đỡ gì, vừa để gửi thông điệp tới các nước khác.
“Có nhiều lý do cho chuyến đi này, và một trong số đó là thể hiện cho Mỹ thấy rằng họ không phải là người chơi duy nhất. Mỹ chắc chắn sẽ theo dõi chặt chẽ bất kỳ kết quả nào (về cuộc gặp thượng đỉnh Kim – Putin), nhà nghiên cứu Tom Plant tại Viện Royal United Services ở London, Anh, nhận định.
Hội nghị thượng đỉnh Nga – Triều lần này diễn ra tại đảo Russky, gần cảng Vladivostok ở vùng Viễn Đông của Nga. Nga và Triều Tiên có chung đường biên giới trên bộ và Tổng thống Putin vẫn mong muốn xây dựng các tuyến đường sắt và đường ống dẫn khí đốt chạy qua Triều Tiên để tới Hàn Quốc.
Ông Putin và ông Kim Jong-un nâng ly trong cuộc gặp đầu tiên
Tổng thống Putin chắc chắn không muốn có một cường quốc hạt nhân ở ngay cửa ngõ của Nga. Các chuyên gia nhận định ông Putin ít nhất cũng muốn được xem như một “nhà bảo trợ chính” cho các cuộc đàm phán liên quan tới Triều Tiên.
“Chúng tôi đã trao đổi về tình hình hình bán đảo Triều Tiên”, ông Putin nói, đồng thời cho biết ông sẵn sàng chia sẻ thông tin về cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho Tổng thống Trump.
Tổng thống Putin hy vọng hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ giúp ông hiểu rõ hơn “về những gì cần làm để giải quyết tình hình trên bán đảo Triều Tiên”.
“Ông Putin từ lâu đã muốn mời ông Kim Jong-un đến Nga. Lần gần nhất là vào tháng 9 năm ngoái tại diễn đàn kinh tế ở Vladivostok. Đây được xem là cơ hội để ông Putin đóng vai trò trong đàm phán hạt nhân Triều Tiên nhằm đảm bảo rằng Nga không chỉ là một bên quan sát, mà còn là thành viên tích cực trong vấn đề này”, chuyên gia Andrey Kortunov tại Hội đồng Quan hệ quốc tế của Nga nói.
“Tôi đoán rằng có vấn đề nghiêm trọng trong quan hệ giữa ông Kim Jong-un và chính quyền Trump. Ông ấy hiểu rằng sức ép ngày càng tăng và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, người được ủy quyền đàm phán, là một nhà đàm phán cứng rắn. Ông ấy cần thêm sự ủng hộ và ông ấy chỉ có thể trông cậy vào Bắc Kinh và Moscow”, chuyên gia Kortunov cho biết thêm.
Theo chuyên gia Tom Plant, việc Tổng thống Putin đồng ý hội đàm với nhà lãnh đạo Kim Jong-un là nỗ lực để giảm bớt mức độ quan trọng của các lệnh trừng phạt do Mỹ áp đặt lên Bình Nhưỡng, cũng như tầm ảnh hưởng toàn cầu của Washington.
“Lợi ích của Nga có lẽ là tìm cách làm giảm bớt mức độ hiệu quả của các lệnh trừng phạt quốc tế nói chung để các lệnh trừng phạt này không còn được coi là biện pháp hợp pháp hay hiệu quả nữa”, ông Plant cho biết.
Tân Nhật hoàng Naruhito cầu nguyện cho hòa bình
trong kỷ nguyên mới
Tân Nhật hoàng Naruhito đọc bài diễn văn đầu tiên sau khi lên ngôi, bày tỏ hy vọng về hạnh phúc và hòa bình cho thế giới.
Vị hoàng đế mới của nước Nhật chính thức lên ngôi, một ngày sau khi cha ông thoái vị.
Thái tử Naruhito chính thức trở thành thiên hoàng vào lúc nửa đêm. Trong một buổi lễ đơn giản và mang tính biểu tượng sâu sắc vào hôm 1/5, ông đã kế thừa báu vật Hoàng gia, chính thức lên ngôi.
Nhật hoàng Akihito thoái vị trong buổi lễ 10 phút
Công chúa Nhật cưới thường dân
Nhật Bản trước đại lễ kế vị ngôi Thiên Hoàng
Giới trẻ Nhật Bản và kỷ nguyên tân Nhật hoàng
Niên hiệu Lệnh Hòa chính thức bắt đầu.
Nhật hoàng không nắm quyền lực chính trị mà đóng vai trò biểu tượng quốc gia.
Cha của ông, Nhật hoàng Akihito, 85 tuổi, người chọn cách thoái vị do tuổi tác và sức khỏe yếu, trở thành thiên hoàng đầu tiên làm như vậy trong hơn 200 năm.
Lễ đăng quang diễn ra như thế nào?
Lễ đăng quang của tân thiên hoàng bắt đầu lúc 10:15 giờ địa phương (01:15 GMT) hôm 1/5.
Do nữ giới trong hoàng gia không được phép ở đó nên Hoàng hậu Masako không có mặt tại sự kiện.
Ông Naruhito, 59 tuổi, được trao lại hai báu vật – bản sao của một thanh kiếm và một viên ngọc – được lưu truyền qua các thế hệ Nhật hoàng.
Ngoài ra còn có một chiếc gương trong số báu vật hoàng gia.
Người Nhật nghĩ gì về Niên hiệu Lệnh Hòa?
Tuy nhiên, chiếc gương – được coi là thứ quý giá nhất trong số những báu vật – được cho là được lưu giữ tại Thần cung Ise ở tỉnh Mie và không bao giờ đưa ra khỏi nơi này.
“Năm 1989, khi Nhật hoàng Akihito [lên ngôi], ông đã nói về phúc lợi xã hội và hòa bình”, ông Ken Ruoff, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật tại Đại học Portland, nói với BBC.
Đây là những mục tiêu mà Nhật hoàng Akihito đã hướng tới trong kỷ nguyên Bình Thành.
Giáo sư Ruoff nói thêm: “Những phát ngôn đầu tiên của tân Nhật hoàng Naruhito sẽ cho chúng ta sẽ hiểu rõ kế hoạch của vị hoàng đế. Tôi nghĩ những lời của ông sẽ nói lên tinh thần chung [của kỷ nguyên mới]”.
Tại sao chế độ quân chủ Nhật quan trọng?
Đây là chế độ quân chủ lâu đời nhất thế giới và vẫn đang được tiếp nối, hình thành từ năm 600 trước Công nguyên, theo truyền thuyết.
Trên thực tế, các vị Nhật hoàng từng được coi là các vị thần, nhưng Nhật hoàng thời chiến Hirohito – ông nội của Naruhito – công khai từ bỏ thần tính vào cuối Thế chiến hai, như một phần của sự đầu hàng của Nhật.
Nhật hoàng Akihito đã giúp gầy dựng lại danh tiếng của Nhật thời hậu chiến.
Giờ đây, Nhật hoàng Akihito sau khi thoái vị được biết đến với tước hiệu “Joko”, có nghĩa là “thái thượng hoàng”.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48089341
Triều đại « Lệnh Hòa »
và những thách thức cho tân vương Naruhito
RFIĐăng ngày 01-05-2019 Sửa đổi ngày 01-05-2019 15:18
Ngày 01/05/2019, Nhật Bản chính thức bước vào một triều đại mới « Lệnh Hòa ». Kể từ nửa đêm (theo giờ Nhật Bản), nhật hoàng Akihito, sau 30 năm trị vì, chính thức thoái vị. Hoàng thái tử Naruhito, con trai trưởng, trở thành tân vương Nhật Bản.
Naruhito sẽ là hiện thân cho « biểu tượng Quốc Gia và Đoàn Kết dân tộc ». Nhưng ông là ai, là một người như thế nào ? Những thách thức nào đang chờ đón vị tân vương ? Nhiều câu hỏi đã được đặt ra vì người ta biết rất ít về Naruhito.
Ở tuổi 59, Naruhito được trao thanh gươm và châu báu – những « báu vật thiêng », và chính thức lên ngôi hoàng đế Nhật Bản, đời thứ 126. Triều đại Bình Thành (Heisei) như vậy đã khép lại, khai mở một triều đại mới Lệnh Hòa (Reiwa), nghĩa là « Hài hòa » và « Tươi đẹp ».
« Cha nào, con nấy », liệu rằng câu nói này có thể đúng đối với tân vương hay không ? Từ vóc dáng cho đến cả tính cách và cách điều hành việc nước ? Là một người kín đáo, liệu tân vương có được tầm vóc như cha mình để hiện đại hóa thể chế có nghìn năm tuổi đó ? Naruhito từng cam kết mang lại cho hoàng triều một tầm mức quốc tế, khi nhắc lại rằng vợ và bản thân ông từng đi học ở nước ngoài.
Trả lời câu hỏi nhà báo Heike Schmidt ban tiếng Pháp đài RFI, Philippe Mesmer, phóng viên thường trú của báo Le Monde tại Tokyo chuyên về đời sống chính trị Nhật Bản, nhận xét :
« Đó là một người được cho là thông minh, tinh nhanh, nhưng ông là người Nhật Bản, nên được nuôi dưỡng trong khuôn khổ nghiêm ngặt của hoàng gia. Do vậy, tôi nghĩ là nếu Naruhito muốn thúc đẩy, tạo ra những thay đổi trong phương cách vận hành thể chế hoàng gia, thì điều đó sẽ được thực hiện theo cách của người Nhật, nghĩa là từng bước nhỏ một, dần dần như cách làm của cha ông ».
Yêu thích môn quần vợt, đi bộ và chơi đàn alto, Naruhito, sinh ngày 23/02/1960, là vị hoàng tử đầu tiên có đặc quyền được nuôi dưỡng và lớn lên dưới cùng mái nhà với cha mẹ, chứ không như cha của ông, Nhật hoàng thoái vị Akihito bị giao cho người quản gia và gia sư dưỡng dục khi còn nhỏ.
Naruhito cũng là vị hoàng tử đầu tiên được đi du học ở nước ngoài. Ông từng có hai năm đào tạo tại đại học Oxford và viết một luận án về dòng sông Thames thế kỷ XVIII. Sông Thames,
là vì ông yêu thích nước, các dòng sông và những con đường thủy. Đó cũng là cách để ông thoát khỏi những sự gò bó của hoàng gia. Rồi khi về nước, ông tham gia nhiều vào những hội nghị quốc tế về việc cấp nước cho tất cả mọi người.
Phê phán chủ nghĩa quân phiệt
Nhưng bên cạnh đó, Naruhito còn có một niềm đam mê khác : đó là lịch sử. Cũng giống như cha, Naruhito chủ trương hiếu hòa và điều này đã được ông khẳng định nhân sự kiện kỷ niệm 70 năm ngày chấm dứt Đệ Nhị Thế Chiến. Guibourg Delamotte, giảng viên ngành khoa học chính trị chuyên nghiên cứu về Nhật Bản trường INALCO cho rằng chủ trương này vẫn sẽ được Naruhito tiếp nối :
« Nhân dịp sinh nhật lần thứ 55, Nhật hoàng đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải duy trì ký ức lịch sử, nhìn thẳng vào lịch sử với thái độ khiêm tốn. Tư tưởng chủ hòa này làm hài lòng rất nhiều người dân Nhật Bản, theo đó, toàn nước Nhật thừa nhận lịch sử, thừa nhận nỗi đau khổ của người dân Nhật cũng như trách nhiệm đối với lịch sử bao gồm cả thời kỳ quân phiệt. Do vậy, tân hoàng đế Naruhito phải đi theo hướng này. »
Câu hỏi đặt ra : Naruhito có đủ khôn khéo để tiếp tục đi theo con đường này của cha hay không ? Một con đường ghập ghềnh khó đi, mà chính bản thân hoàng đế thoái vị cũng phải rất khéo léo trong cách thể hiện quan điểm của mình trước những người bảo thủ mang tư tưởng chủ nghĩa dân tộc, mà chính phủ thủ tướng Shinzo Abe là một ví dụ điển hình.
Nhà báo Philippe Mesmer đánh giá đây sẽ là một nhiệm vụ khá tế nhị cho tân vương : « Phạm vi hoạt động của ông rất là hạn hẹp. Bình thường ra, ông không thể xen vào các cuộc tranh luận chung, do vậy cha của ông đã chọn cách nhấn mạnh đến vấn đề hòa bình như đến thăm các địa điểm xung đột, cầu nguyện cho các nạn nhân của xung đột, cầu nguyện cho các nạn nhân, đồng thời kêu gọi hòa bình một cách có hệ thống. Đó chính là cách thức để ông truyền đi thông điệp hiếu hòa. Nếu ông muốn đưa ra một thông điệp chính trị, ông sẽ làm nhưng theo một cách rất là khôn khéo ».
Gần gũi dân : Cách làm chính trị của Nhật hoàng
Năm 2004, Naruhito đã có một cuộc cách mạng nhỏ trong hoàng cung. Ông chỉ trích các nghi thức hoàng gia đã bóp nghẹt cá tính của Masako, vợ ông – một nhà cựu ngoại giao xuất sắc. Áp lực phải có con trai để nối dõi ngai vàng đã khiến thái tử phi rơi vào trầm cảm. Dù vậy, ông cũng lên tiếng trấn an mọi người rằng Masako sẽ dần hoàn thiện được vai trò của một hoàng hậu.
Liệu rằng cặp đôi tân vương này có thể chiếm lĩnh được tình cảm của người dân Nhật Bản như cha và mẹ ông đã làm được hay không ? Trong lễ đăng quang, Naruhito cam kết chia sẻ « nỗi khổ » và « niềm vui » với người dân Nhật Bản. Đây cũng là những gì cựu hoàng Akihito và bà Michiko từng làm khi đến thăm nạn nhân của vụ thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011.
Theo như quan điểm của ông Mickael Prazan, tác giả nhiều tập sách về Nhật Bản, đây cũng chính là những thách thức dành cho Naruhito và Masako : « Hoàng đế thoái vị, tức cha của tân vương Naruhito, thường hay có mặt khi cần thiết và có những phát biểu công khai trước ống kính truyền hình, do vậy ông rất được lòng dân. Sự gần gũi với dân là một trong những chức năng hay nói đúng hơn là chức năng chính của hoàng đế Nhật Bản. Hoàng đế ngày nay không còn là hoàng đế của nước Nhật nữa, mà là hoàng đế của tất cả người dân Nhật, giống như vào thời kỳ Cách Mạng Pháp, vua nước Pháp trở thành vua của tất cả người dân Pháp ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190501-trieu-dai-lenh-hoa-thach-thuc-naruhito
Triều Tiên tuyên bố các nước
có thể trừng phạt 1.000 năm nếu muốn
Bộ trưởng Triều Tiên tuyên bố các lệnh trừng phạt không phải là mối lo ngại với Bình Nhưỡng, đồng thời kêu gọi Mỹ thay đổi cách tiếp cận cứng rắn trong vấn đề phi hạt nhân hóa.
“Hãy cứ để cho họ áp lệnh trừng phạt trong một trăm, một nghìn năm nữa nếu họ muốn. Chúng tôi không quan tâm và gần như không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt đó”, Bộ trưởng Các vấn đề Kinh tế đối ngoại Triều Tiên Kim Yong-jae nói với hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) về các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên Hợp Quốc.
Ông Kim Yong-jae đang tham dự Diễn đàn Sáng kiến Vành đai và Con đường tại Bắc Kinh.
“Những con người này không nên làm những điều mà họ đang làm và phải thay đổi cả lập trường của họ”, ông Kim cho biết.
Khi được hỏi liệu các lệnh trừng phạt có gây khó khăn cho nền kinh tế phụ thuộc vào tài nguyên năng lượng của Triều Tiên hay không, Bộ trưởng Kim Yong-jae khẳng định “không ảnh hưởng”.
“Sản lượng điện và năng lượng đã tăng từ năm ngoái. Thậm chí cả Hàn Quốc cũng nghĩ rằng chúng tôi đang rất cần nới lỏng trừng phạt, nhưng lệnh trừng phạt không ảnh hưởng tới chúng tôi”, ông Kim nhấn mạnh.
Quan chức Triều Tiên cũng chỉ trích Hàn Quốc vì động thái dè dặt của nước này với Mỹ và tiếp tục tập trận chung với Washington.
“Hàn Quốc chỉ thay đổi tên của cuộc tập trận và vẫn tiến hành tập trận”, ông Kim Yong-jae nói, đề cập tới cuộc tập trận không quân chung Mỹ – Hàn gần đây.
Truyền thông Triều Tiên hôm qua cảnh báo đáp trả quân sự cuộc tập trận giữa hai đồng minh Mỹ – Hàn, coi đây là động thái gây nguy hiểm cho quan hệ liên Triều.
Bộ trưởng Kim Yong-jae chỉ trích Hàn Quốc vì không tuân thủ thỏa thuận quân sự liên Triều mà hai nước đã ký hồi tháng 9 năm ngoái nhằm chấm dứt mọi động thái thù địch nhằm vào nhau.
“Chúng ta nên hành xử đúng như những gì Hàn Quốc và Triều Tiên đã nhất trí, đồng thời chịu trách nhiệm về bất kỳ vấn đề nào phát sinh từ thỏa thuận”, Bộ trưởng Kim cho biết thêm.
Kim nói hòa bình trên bán đảo Triều Tiên
phụ thuộc vào thái độ của Mỹ
Lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un trong cuộc họp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (25/4) đã nói rằng hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên phụ thuộc hoàn toàn vào thái độ của Mỹ trong tương lai, Thông tấn Xã Bắc Hàn (KCNA) đưa tin.
Những phát biểu của ông Kim được coi là cách mà Bắc Hàn giữ áp lực buộc Mỹ phải linh hoạt hơn trong việc chấp nhận những yêu cầu của Bình Nhưỡng về nới lỏng chế tài. Tại thượng đỉnh Mỹ – Triều lần hai tại Hà Nội, Bắc Hàn đã đưa ra yêu cầu này nhưng ông Trump kiên quyết bác bỏ.
Tại thượng đỉnh Hà Nội hồi tháng Hai, ông Kim Jong-un được cho là đã nói rằng ông sẽ đợi tới cuối năm nay để Mỹ phải linh hoạt hơn trong cách tiếp cận với chế độ Bình Nhưỡng.
“Tình huống trên báo đảo Triều Tiên và khu vực hiện nay đang bế tắc và đã tới điểm quan trọng mà có thể khiến nó quay về trạng thái ban đầu vì Mỹ thể hiện thái độ đơn phương, không thiện chí trong các cuộc đàm phán DPRK – Mỹ gần đây,” KCNA dẫn lời ông Kim, sử dụng tên viết tắt chính thức của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên – DPRK.
“DPRK sẽ tự chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống có thể,” ông Kim nói thêm.
Reuters cho biết chưa có bình luận chính thức của Bộ Ngoại giao Mỹ về phát ngôn mới nhất của ông Kim Jong-un. Nhưng hãng tin này dẫn lời ông William Hagerty – Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản nói với một trung tâm nghiên cứu có trụ sở tại Washington rằng mối quan hệ của ông Kim với Nga và Trung Quốc là một phần trong nỗ lực của Bình Nhưỡng nhằm tìm cách dỡ bỏ các chế tài quốc tế.
“Điều thực tế mà quý vị thấy ở cuộc gặp giữa ông Kim Jong-un và ông Vladimir Putin là nhấn mạnh thực tế rằng các chế tài đang hiệu quả và những chế tài này đang đặt áp lực cùng cực lên chế độ Bắc Hàn,” Reuters dẫn lời ông Hagerty.
“Điều chúng ta nhìn thấy là một mức tiếp cận để có thể tìm được cách giải quyết nó. Có một cách đơn giản hơn nhiều để giải quyết nó và đó chính là phi hạt nhân hóa,” ông Hagerty nói.
Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản cũng cho rằng điều quan trọng là cộng đồng quốc tế phải thực thi các chế tài mà Liên Hiệp Quốc đã áp đặt lên Bắc Hàn vì các chương trình hạt nhân và tên lửa của chế độ này.
Cuộc họp thượng đỉnh lần đầu tiên giữa ông Putin và ông Kim được tổ chức tại thành phố cảng Vladivostok, miền viễn đông nước Nga vào hôm thứ Năm (25/4). Ngoại giới đánh giá rằng các cuộc thảo luận giữa lãnh đạo Nga, Bắc Hàn lần này không đem đến bất kỳ bước đột phá lớn nào.
Theo KCNA, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận chuyên sâu về những cách thức để hai nước thúc đẩy giao tiếp chiến lược và hợp tác chiến thuật trong công cuộc đảm bảo hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên và trong khu vực.
Trong đối thoại với ông Kim, ông Putin đã nói rằng ông nghĩ hoàn toàn có thể đạt được thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng và nhấn mạnh rằng cách thức để đạt được điều đó là phải tiến từng bước nhằm xây dựng niềm tin.
Tuy nhiên, theo Reuters, ông Putin cũng nhấn mạnh rằng bất kỳ đảm bảo nào của Mỹ có lẽ đều cần phải nhận được sự ủng hộ của các nước khác đã từng tham gia đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân bán đảo Triều Tiên. Đàm phán 6 bên được tổ chức lần cuối vào năm 2008 với sự tham gia của Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và hai miền Triều Tiên.
Ngoài thảo luận về vấn đề hạt nhân, KCNA cho biết hai nhà lãnh đạo Nga, Bắc Hàn cũng đã bàn thảo và thống nhất sẽ thực thi các biện pháp để gia tăng hợp tác hơn nữa về thương mại, kinh tế, khoa học và công nghệ.
Theo KCNA, ông Kim Jong-un đã mời ông Putin tới thăm Bắc Hàn vào thời điểm phù hợp và ông Putin đã vui vẻ nhận lời.
TQ vượt mặt Mỹ về sức mạnh tên lửa
Nhiều tên lửa Trung Quốc được cho là mạnh hơn những mẫu tương tự của Mỹ, đe dọa thế cân bằng sức mạnh tại khu vực.
Báo cáo đặc biệt của Reuters công bố ngày 25/4 cho biết Lực lượng Tên lửa thuộc quân đội Trung Quốc (PLA) đã được nâng lên tầm cao mới có thể tạo ra thách thức chưa từng có đối với các tàu sân bay và căn cứ đóng vai trò then chốt cho vị thế quân sự số một của Mỹ ở châu Á.
Báo cáo nằm trong loạt bài nghiên cứu “Thách thức Trung Quốc”, đề cập về cách thức Chủ tịch Tập Cận Bình tái cơ cấu và tăng cường sức mạnh cho PLA thông qua việc tăng cường năng lực tên lửa, hải quân và hạt nhân.
Cùng với quá trình hiện đại hóa quân đội, nhiều tên lửa trong kho vũ khí của Bắc Kinh đã có sức mạnh ngang hàng hoặc vượt những tên lửa của Washington, có khả năng chọc thủng “chiếc ô bảo vệ” của Mỹ với các đồng minh khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản và đảo Đài Loan trong hàng thập kỷ qua.
“Trung Quốc hiện có lực lượng tên lửa đạn đạo hiện đại nhất thế giới và có khả năng áp đảo các hệ thống phòng thủ mà chúng ta đang triển khai”, đại tá James Fanell, cựu sĩ quan tình báo hải quân Mỹ, nhận định.
Quan trọng hơn, Trung Quốc còn sở hữu mẫu tên lửa đạn đạo diệt hạm DF-26 có khả năng tấn công tàu sân bay Mỹ đang hoạt động ngoài khơi hoặc neo đậu tại các căn cứ ở Nhật Bản, thậm chí là tại đảo Guam ở Thái Bình Dương.
Lầu Năm Góc đang phải đối mặt với thách thức lớn khi tầm hoạt động của các tên lửa chống hạm Trung Quốc đã vượt xa phạm vi tác chiến của tiêm kích trên tàu sân bay Mỹ và có thể vô hiệu hóa chúng trong trường hợp nổ ra xung đột. Do đó, sức mạnh tàu sân bay của Washington sẽ giảm đi rất nhiều nếu phải hoạt động ngoài tầm tác chiến của tiêm kích.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/27712-tq-vuot-mat-my-ve-suc-manh-ten-lua.html
Trung Quốc tố tàu chiến Pháp ‘xâm nhập trái phép’ lãnh hải
Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định tàu chiến Pháp đã xâm phạm lãnh hải Trung Quốc khi tàu đi ngang eo biển Đài Loan hồi đầu tháng này nên đã hủy luôn lời mời Pháp tham dự một cuộc diễu binh hải quân.
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 25-4, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ông Nhậm Quốc Cường (Ren Guoqiang), xác nhận Bắc Kinh đã gửi công hàm phản đối đến Pháp sau sự việc.
Ông Nhậm không đề cập đến việc Trung Quốc rút lại lời mời Pháp tham gia một cuộc diễu binh nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Hải quân giải phóng nhân dân Trung Quốc.
Các tàu chiến từ Úc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác đã xuất hiện trong cuộc diễu binh vừa kết thúc tại Thanh Đảo cách đây hai ngày.
Trung Quốc xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và đặc biệt phản ứng mạnh mẽ trước sự xuất hiện của các tàu quân sự nước ngoài trong eo biển Đài Loan. Việc một tàu chiến Pháp xuất hiện tại khu vực được xem là một động thái hiếm gặp bởi trước đây chỉ có hải quân Mỹ mới hay làm điều này.
Hãng tin Reuters dẫn lời hai quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ tàu hộ vệ Vendemiaire của Pháp đã đi ngang qua vùng biển nằm giữa Đài Loan và Trung Quốc đại lục hôm 6-4. Con tàu đã bị hải quân Trung Quốc theo dõi, vị này khẳng định.
Cũng theo lời của các quan chức Mỹ, ngay sau khi xảy ra sự việc, phía Trung Quốc đã thông báo đến Pháp rằng họ không còn được hoan nghênh tham dự cuộc diễu binh ở Thanh Đảo.
Đại tá Patrik Steiger, người phát ngôn của tham mưu trưởng quân đội Pháp, từ chối cho Reuters biết vì sao tàu chiến Pháp lại đi qua eo biển Đài Loan. Các quan chức Mỹ cũng im lặng khi được hỏi về mục đích của động thái trên.
Chen Chung-chi, người phát ngôn cơ quan quốc phòng Đài Loan, nhấn mạnh vùng biển nằm giữa hòn đảo này và Trung Quốc đại lục là “vùng biển quốc tế” và việc các tàu quân sự đi qua khu vực này cũng là “điều cần thiết”.
Trong khi đó, ông Abraham Denmark, cựu phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ, nhận định việc Pháp đưa tàu chiến đi ngang eo biển Đài Loan cho thấy Paris nhìn về Bắc Kinh không chỉ bằng lăng kính thương mại mà còn cả quân sự.
Reuters bình luận hành động của Pháp có thể mở đầu cho các hành động tương tự từ những đồng minh khác của Mỹ như Úc và Nhật Bản. Mỹ đã nhiều lần kêu gọi các đồng minh đưa tàu chiến vào Biển Đông để thực hiện các sứ mệnh “đảm bảo tự do hàng hải” và thách thức chủ quyền vô lý của Trung Quốc.
http://biendong.net/bi-n-nong/27688-trung-quoc-to-tau-chien-phap-xam-nhap-trai-phep-lanh-hai.html
Tân Cương : Trung Quốc
phản đối sự can thiệp của Liên Hiệp Quốc
Trung Quốc, hôm qua 30/04/2019, đã bác bỏ những tuyên bố của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về tình trạng của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và coi đó là hành động can thiệp vào công việc nội bộ nước này
Thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tường thuật từ Bắc Kinh :
Cuộc đọ sức giữa Bắc Kinh và Liên Hiệp Quốc vẫn tiếp tục. Đối với phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, nhân quyền chỉ là « một cái cớ » để can thiệp vào công việc nội bộ Trung Quốc.
Lập luận này được các lãnh đạo Trung Quốc thường xuyên sử dụng khi tình trạng của gần 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam cầm, theo Liên Hiệp Quốc , trong các trại cải tạo được nhắc đến. Bắc Kinh luôn khẳng định đấy là những trung tâm dạy nghề nhằm chống lại xu hướng cực đoan hóa và khủng bố.
Hiện diện ở Bắc Kinh vào cuối tuần vừa qua nhân thượng đỉnh về Con Đường Tơ Lụa, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã tránh nêu vấn đề một cách công khai. Theo người phát ngôn của ông, Stéphane Dujarric, thì tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã đề cập đến hồ sơ này khi nói chuyện riêng với lãnh đạo Trung Quốc.
Trong buổi gặp, ông Guterres đã nói: Nhân quyền phải được hoàn toàn tôn trọng trong khuôn khổ các chính sách chống khủng bố và ngăn chặn thái độ cực đoan và bạo lực. Ông còn nói thêm, mỗi cộng đồng phải cảm nhận được là bản sắc của họ được tôn trọng.
Những lời lẽ này rõ ràng đã làm Trung Quốc không hài lòng. Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, bà Michelle Bachelet, vẫn đang đợi được Bắc Kinh cho phép đến Tân Cương.
Trung Quốc đã tổ chức cho các nhà ngoại giao từ các quốc gia Hồi Giáo và vùng Balkan đến thăm vùng Tân Cương, riêng châu Âu vẫn đang chờ đèn xanh.
Các nước Liên Hiệp Châu Âu đã yêu cầu cho đại diện 28 quốc gia cùng đi, trong đó có cả Thụy Điển, nước đã đề nghị tạo điều kiện dễ dàng cho việc cấp giấy cư trú cho người Duy Ngô Nhĩ.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190501-tan-cuong-trung-quoc-phan-doi-su-can-thiep-cua-lien-hiep-quoc