Thấy gì từ việc Terry Gou ra tranh cử Tổng thống Đài Loan?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Thấy gì từ việc Terry Gou ra tranh cử Tổng thống Đài Loan?

Nguồn: “Taiwan’s richest man says his run for president is divinely inspired”, The Economist, 27/04/2019.

Biên dịch: Phan Nguyên

Nếu các doanh nhân giàu có mang lại cả sức mạnh và gánh nặng chính trị, thì Terry Gou (Quách Đài Minh, sinh năm 1950) là người mang lại cả hai thứ đó ở quy mô lớn. Ông là người giàu nhất Đài Loan, với khối tài sản ước tính lên tới 7 tỷ đô la, vì vậy ông sẽ không gặp khó khăn gì trong việc tài trợ cho chiến dịch tranh cử tổng thống mà ông tuyên bố tuần trước. Hơn thế nữa, rất ít người trên thế giới có thể tuyên bố đã tạo ra được nhiều việc làm hơn ông: bắt đầu từ một khoản vay nhỏ từ mẹ mình, ông đã xây dựng nên công ty sản xuất theo hợp đồng lớn nhất trong ngành điện tử, Foxconn, công ty sản xuất iPhone cho Apple, bên cạnh những thứ khác. Công ty sử dụng gần 1 triệu lao động. Trước những cử tri thất vọng về thành tích kinh tế dưới thời tổng thống đương nhiệm Tsai Ing-wen (Thái Anh Văn), ông Gou sẽ không gặp khó khăn trong việc quảng bá mình như là giải pháp cho vấn đề của họ.

Nhưng không thể xây dựng được một doanh nghiệp lớn như vậy mà không đi kèm việc tích tụ những oán hận, ít nhất là theo nghĩa chính trị. Ông Gou không thiếu những oán hận như vậy. Ví dụ, phần lớn việc làm ông tạo ra không phải ở Đài Loan. Và chín năm trước Foxconn gặp phải một loạt các vụ tự tử của công nhân, khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu công ty có nên đối xử tốt hơn với công nhân hay không. Trên thực tế, mô hình Foxconn đi ngược lại với những gì Đài Loan cần, Hsiao Bi-khim, một nghị sĩ Đảng Dân Tiến (DPP) cầm quyền nói (ông Gou đang tìm kiếm đề cử từ đảng đối lập lớn nhất, Quốc Dân Đảng – KMT). Công ty đã phát triển mạnh mẽ bằng cách làm ngơ những công nhân Đài Loan và xây dựng các nhà máy ở những nơi có mức lương thấp hơn, đặc biệt là ở Trung Quốc. Bà Hsiao lập luận rằng nằm tại trung tâm các vấn đề kinh tế của Đài Loan là tình trạng thu nhập bị đình trệ, một vấn đề mà Foxconn đóng vai trò như một lời cảnh báo hơn là một nguồn cảm hứng.

Nhưng những câu hỏi về đặc điểm của Foxconn trong tư cách là một người sử dụng lao động không là gì nếu so với những lo lắng về việc ông Gou ứng cử có thể gây ra những xung đột lợi ích. Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và khẳng định quyền tiến hành thống nhất bằng vũ lực nếu cần thiết. Nhiều người Đài Loan tự hỏi liệu ông Gou có thể chống lại được sức ép từ Trung Quốc hay không khi rất nhiều nhà máy Foxconn hiện đang được đặt tại đại lục, khiến gia tài cá nhân của ông phụ thuộc vào thiện chí của Đảng Cộng sản Trung Quốc? “Trung Quốc có thể kiểm soát ông ấy”, người dẫn chương trình của một chương trình truyền hình nổi tiếng nhận xét như vậy vào tuần qua.

Nếu thế thì, một lần nữa, Trung Quốc cũng có có thể kiểm soát được cả Đài Loan. Khoảng 1 triệu người Đài Loan, khoảng một phần mười lực lượng lao động, hiện đang làm việc tại Trung Quốc. Cùng với Hồng Kông, Trung Quốc hấp thụ khoảng 40% lượng hàng xuất khẩu của Đài Loan. Trung Quốc thưởng cho các chính phủ Đài Loan chịu nghe lời bằng các phần thưởng kinh tế như sự bùng nổ khách du lịch từ đại lục và trừng phạt những chính phủ cứng đầu bằng cách ngăn cản người dân đi du lịch Đài Loan. Quốc Dân Đảng đã phản ứng lại với hệ thống này bằng cách không chính thức từ bỏ mục tiêu thống nhất và tìm cách tăng cường quan hệ kinh tế. Ngược lại, Đảng Dân Tiến nhấn mạnh rằng Đài Loan là một quốc gia độc lập như bất kỳ quốc gia nào khác, bất chấp những hậu quả kinh tế mà lập trường đó có thể mang lại. Về bản chất các cử tri phải lựa chọn giữa các lợi ích kinh tế vốn khiến quốc gia này càng phải chịu sự chi phối của Trung Quốc, hay một chính sách khắc khổ do chính sách đối ngoại gây ra.

Vị trí ứng cử viên của ông Gou đơn  giản là biểu hiện rõ ràng hơn của tình huống lưỡng nan này. Ngay sau khi ông tham gia cuộc đua, bà Thái đã công kích ông trên mạng xã hội vì ông từng bình luận về các cuộc biểu tình chống Trung Quốc vài năm trước đây rằng “các bạn không thể ăn món dân chủ được”. Ông Gou đã phản ứng gay gắt, nói rằng bà Thái đã đưa câu nói đó ra khỏi bối cảnh bởi vì bà “thực sự ngu ngốc và ngây thơ”,  hoặc là “một người thực sự xấu xa và thủ đoạn”. Ông nhấn mạnh rằng ông chỉ muốn nói nền dân chủ nên được sử dụng để cải thiện cuộc sống của người dân.

Sự giận dữ của ông Gou đối với nhận xét của bà Thái gợi ý rằng ông biết sẽ là một sự tự sát chính trị nếu bị coi là ủng hộ sự đánh đổi mà Trung Quốc đưa ra, rằng Đài Loan nên chấp nhận sự thịnh vượng lớn hơn với cái giá phải trả là nền độc lập. Bruce Jacobs đến từ Đại học Monash ở Australia lập luận rằng Đài Loan trên thực tế có số cử tri ủng hộ Đảng Dân Tiến lớn hơn, và các ứng cử viên Quốc Dân Đảng phải tìm cách mở rộng sự hấp dẫn của mình ra ngoài tầng lớp cử tri trung thành nếu muốn thắng cử.

Ông Gou trả lời câu hỏi hóc búa này bằng cách thể hiện mình là một người bình thường được trao thiên chức. Ông đã ngừng cãi vã với bà Thái trong tuần này để đẩy người mẹ già ngồi xe lăn của mình đi dạo quanh một công viên trước ống kính máy quay. Và ông cũng tuyên bố ra ứng cử tại một ngôi đền thờ Matsu (Ma Tổ, hay Lâm Mặc Nương), một nữ thần được thờ phụng ở Đài Loan và vùng duyên hải Trung Quốc. Ông nói rằng Ma Tổ đã hiện ra trong một giấc mơ và bảo ông ra tranh cử để giúp đỡ “những người đang gặp khó khăn”. Tuy nhiên, sẽ rất khó để ông Gou thành công với chiến thuật này. Một người lớn tuổi nhận xét thẳng thừng rằng “Thật không phù hợp khi chính trị hóa Ma Tổ”.