Một bóng ma đang ám ảnh Trung Quốc của Tập: ‘Ông Dân chủ’

Cac Bai Khac

No sub-categories

Một bóng ma đang ám ảnh Trung Quốc của Tập: ‘Ông Dân chủ’

…Khi các thứ đạt một cực độ, chúng phải chuyển động theo hướng ngược lại. Chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng con lắc này bây giờ ở vị trí xa nhất của nó, và rằng chúng ta đang chứng kiến một sự đu đưa chậm nhưng đều đặn theo chiều ngược lại…”


Những người biểu tình ủng hộ dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, 1989. Các nhà chức trách Cộng sản Trung Quốc đang lo về ngày kỷ niệm 4 tháng Sáu lần thứ 30 đang đến gần – Stuart Franklin/Magnum Photos

Bắc Kinh – Cái gì đó lạ đang xảy ra ở Trung Quốc của Tập Cận Bình. Đấy được cho là chế độ độc tài hoàn hảo, thời kỳ được duy trì liên tục nhất của chủ nghĩa độc đoán kể từ khi Cách mạng Văn hoá chấm dứt hơn bốn mươi năm trước, một thời kỳ thất vọng đáng nguyền rủa đến vậy mà tất cả trừ những người biện hộ phục tùng nhất của chế độ đã trở thành những người hay nhạo báng hoặc những người chỉ trích. Thế mà vài tháng qua cũng đã thấy cái gì đó lý thú hơn: sự phê phán nghiêm túc nhất đối với hệ thống trong hơn một thập kỷ, do những người ở bên trong Trung Quốc dẫn đầu, những người đang chọn để nói thẳng bây giờ, trong mùa nhạy cảm nhất của năm nhạy cảm nhất trong hàng thập kỷ.

Phong trào đã bắt đầu khá yên tĩnh, với vài tiểu luận xuất sắc được một học giả Trung Quốc viết. Ông đã bị các sếp đại học của mình tấn công, mà đến lượt đã khuấy động một sự phản ứng dữ dội giữa các trí thức công cộng (public intellectual) Trung Quốc. Chẳng cái nào trong số này có nghĩa rằng Đảng Cộng sản sẵn sàng để nới lỏng sự kìm kẹp lạnh lùng của nó đối với nước này, nhưng nó là một loạt sự kiện đáng chú ý, đang thách thức cái được cho là có thể ở Trung Quốc của Tập.

Mặc dù Đảng đã chẳng bao giờ thống trị một thời đại vàng son về tự do ngôn luận ở Trung Quốc, đã có thể cho rằng trong một thập niên cho đến cuối những năm 2000 Trung Quốc đã trở nên tự do hơn. Sự kết hợp của các cải cách kinh tế và sự tăng nhanh của các phương tiện truyền thông mới đã có vẻ cho phép các công dân sự tự trị cá nhân và quyền tự do biểu đạt nhiều hơn. Điều đó đã bắt đầu thay đổi chậm ngay sau khi Bắc Kinh làm chủ nhà Đại hội Olympic 2008. Đầu tiên là việc bắt giữ Lưu Hiểu Ba vì đã giúp soạn “Hiến chương 08”, một tài liệu đòi những cải cách hiến pháp khiêm tốn-một lập trường muộn hơn được công nhận bởi việc trao một Giải Nobel Hoà bình. Rồi việc lật đổ các chế độ chuyên quyền trong Mùa xuân Arab trong năm 2011 đã ảnh hưởng đến chứng loạn thần kinh của đảng về các âm mưu bí mật và các cuộc khởi nghĩa, và thập niên cuối cùng này đã thấy sự chấm dứt của tranh luận công có ý nghĩa thuộc hầu như mọi loại.

Hứa Chương Nhuận (许章润 Xu Zhangrun) bước vào. Một giáo sư luật hiến pháp năm mươi sáu tuổi tại Đại học Thanh Hoa danh tiếng ở Bắc Kinh, Hứa nổi tiếng ở Bắc Kinh như một nhà phê bình viết nhiều và ôn hoà đối với việc Chính phủ ngày càng đi theo chủ nghĩa độc đoán. Kể từ 2012, ông đã công bố và đã nói rộng rãi về mối lo của ông đối với con đường của Trung Quốc. Vài tiểu luận của ông được nhắc tới trong “China’s Moment”, được dịch bởi David Ownby, một giáo sư sử học của Đại học Montreal người, với vài học giả khác, đã khởi động một website vô giá được gọi là “Reading the China Dream”, mà làm cho các nhà tư tưởng Trung Quốc hàng đầu có thể được biết đến bằng tiếng Anh. Các tiểu luận khác được dịch bởi học giả Geremie Barmé và được tập hợp trên trang này của website Di sản Trung Quốc.

Trong khi hầu hết bài viết sớm hơn của Hứa đã được diễn đạt trong ngôn ngữ khá chặt, tháng Bảy năm ngoái ông đã quyết định làm cho thông điệp của mình rõ ràng hơn nhiều. Viết cho website của Viện Kinh tế học Unirule bây giờ-đã bị đóng cửa, Hứa đã đưa ra cái chẳng khác gì một kiến nghị cho hoàng đế theo phong cách cổ điển. Ông đã giải thích thẳng thừng rằng sự kìm kẹp thắt chặt từ trước đến giờ của Chính phủ dẫn đất nước đến tai hoạ, và ông đã đòi các biện pháp để đảo ngược chiều hướng.

Bài báo gốc của Hứa năm ngoái, “Những hy vọng và kỳ vọng trước mắt của chúng ta”, đã được The Initium, một website độc lập tiếng Hoa tại Hong Kong đăng lại. Việc đó đã giúp làm cho nó trở thành một trong những bài báo gần đây chỉ trích Chính phủ được đọc rộng rãi nhất; rồi nó được dịch thành “Những nỗi sợ sắp đến, những hy vọng trước mắt” bởi Barmé, người đã đưa thêm một Lời nói đầu vô giá giải thích truyền thống lâu đời về các khuyến nghị hay các đơn thỉnh nguyện tới ngai vàng.

Hứa viết rằng kể từ Cách mạng Văn hoá, sự lên của Trung Quốc đã dựa vào bốn nguyên tắc cơ bản: một sự chấm dứt các chiến dịch chính trị; việc cho phép tài sản tư nhân và sự tích tụ của cải; sự khoan dung một số quyền tự do cá nhân; các giới hạn nhiệm kỳ để ngăn cản sự quay lại của các nhà độc tài giống Mao. Tất cả những thứ này, ông ngụ ý, đã bị Tập vi phạm; sự vi phạm nguyên tắc thứ tư cho phép Tập nắm quyền quá cuối hai nhiệm kỳ 5-năm của ông vào năm 2022.

Hứa sau đó đưa ra tám kỳ vọng-trên thực tế, tám đòi hỏi với Chính phủ-mà gồm sự xoá bỏ các ưu ái đặc biệt cho các cán bộ Đảng Cộng sản, việc công bố các tài sản cá nhân của các nhà lãnh đạo, việc chấm dứt cái ông thấy như một sự sùng bái cá nhân xung quanh Tập, và một sự quay lại giới hạn nhiệm kỳ. Gây kích động nhất trong tất cả, ông đòi sự đảo lại lời tuyên án chính thức về 4 tháng Sáu, 1989, Vụ Thảm sát Thiên An Môn, mà đã là việc sử dụng vũ lực gây chết người đã được biện minh bởi vì các cuộc biểu tình đã là một “cuộc động loạn phản-cách mạng”.

Để hiểu được mức độ thẳng thừng của Hứa, đây là cách ông mô tả (theo bản dịch của Barmé) những ưu ái các đảng viên được hưởng, kể cả chăm sóc sức khoẻ:

Ở một bên của bệnh viện các Dân thường đối mặt với thách thức để được nhận vào điều trị, trong khi mọi người biết rằng các phòng lớn ở bên kia bệnh viện được dành riêng cho việc chăm sóc các cán bộ cấp cao. Nhân dân quan sát việc này với sự cay đắng câm lặng và sâu thẳm. Mỗi tí chút của sự tức giận bị dồn nén này có thể nổ tung với sự thịnh nộ sấm sét vào thời khắc không ngờ nào đó.

Cũng đáng lo đối với Hứa là trạng thái của các mối quan hệ Trung-Mỹ, mà ông thấy như bị các lãnh tụ ở cả hai bờ của Thái Bình Dương đe doạ. Tại Hoa Kỳ, ông nói “một đám đông xác chết như ma cà rồng vẫn hùng hổ, được nuôi dưỡng bằng chính trị Trò chơi Lớn và Chiến tranh Lạnh” đang thúc đẩy chính trị con buôn mà là “thiển cận và tham lam”. Trung Quốc, trong khi đó, được vận hành bởi Tập, được nhắc tới đơn giản như “Hắn ta”:

Hắn ta mù quáng với Con đường Vĩ đại của công việc hiện thời và bị thành sẹo không thể tẩy được bởi một nhãn hiệu chính trị từ Cách mạng Văn hoá. Tính kiêu căng vênh váo và bản lãnh trịnh trọng dẫn Hắn ta để bẻ cong các cố gắng của hắn để phục vụ những mục đích sai trái; đủ tài để chơi trò chơi quan liêu, và đạt chức cao một cách tài cao không thể nghi ngờ, nhưng về phần Hướng dẫn Quốc gia theo Đường Đúng đắn, [những gì Hắn ta làm] là tồi hơn sự lãng phí thời gian thậm tệ vì có cái gì đó tai ác đang hoạt động.

Hứa đã bám sát việc này với vài bài báo khác cảnh cáo về sự im lặng và tội đồng loã, cũng như một phê phán ba phần sâu rộng đối với đảng kể từ những cải cách bắt đầu trong năm 1978. Mặc dù tất cả các bài báo của Hứa đã bị kiểm duyệt ngay lập tức, bản thân Hứa ban đầu đã tránh được sự chỉ trích chính thức-cho đến năm nay, khi trong tháng Ba ông bị ngưng việc giảng dạy và bị điều tra.

Việc đó đã dẫn đến một loạt các tiểu luận cam đảm từ các nhà tư tưởng công cộng (public thinker) Trung Quốc. Một tiếng nói hàng đầu là Quách Ư Hoa (郭於華 Guo Yuhua), một đồng nghiệp của Giáo sư Hứa tại Thanh Hoa, bản thân bà đã bị đại học gạt sang bên lề trong khi sự chỉ trích của bà đối với Chính phủ đã bị kiểm duyệt và bị chặn. (Xem Hỏi-Đáp 2018 của NYR Daily với bà ở đây.) Quách Ư Hoa đã viết rằng đại học đã huỷ hoại danh tiếng của nó bằng việc tấn công Hứa.

Các học giả hay tiếng nói nổi bật khác, những người đã gia nhập, gồm nhà văn độc lập Chương Di Hoà (章诒和 Zhang Yihe), nhà phê bình film và người xuất bản Cảnh Tiêu Nam (耿瀟男 Geng Xiaonan), dịch giả và học giả Tư Trung Quân (资中筠 Zi Zhongyun), giáo sư luật Hạ Lập An (夏立安 Xia Li’an), và giáo sư kinh tế Đại học Bắc Kinh Trương Duy Liên (张维迎 Zhang Weiying) (người đã sửa lại một bài dân ca để ủng hộ Hứa; nó có thể được nghe ở đây). Nhiều người khác đã noi theo, kể cả bài viết nào đó một cách cay độc về sự cần thoát khỏi tất cả các giáo sư, và một số người sử dụng thơ kinh điển để cất tiếng nói ủng hộ của họ. Ngoài ra, các học giả Trung Quốc và nước ngoài đã khởi xướng một kiến nghị để ủng hộ Hứa, mà có thể được xem và ký, ở đây.

Càng ngạc nhiên hơn là, các tuyên bố công khai này đang xảy ra vào thời điểm cực kỳ tế nhị. Như luôn luôn ở Trung Quốc, lý trí là lịch sử. 4 tháng Sáu này sẽ là ngày kỷ niệm thứ ba mươi của Thiên An Môn, mà sẽ đến chính xác một tháng muộn hơn ngày kỷ niệm lần thứ một trăm của Phong trào Ngũ Tứ (4 tháng Năm 1919), bản thân nó là một điểm ngoặt trong lịch sử Trung Quốc cận đại khi người Trung Quốc xuống đường đòi “Ông Khoa học” và “Ông Dân chủ” – nói cách khác, một nền kinh tế và quân đội hiện đại cùng với một hệ thống chính trị hiện đại. Như nhiều nhà bình luận sắp chỉ ra trong những tuần sắp tới, nước này đang trong quá trình có được cái trước trong khi bóp nghẹt mọi cố gắng để tạo ra cái sau. Cuối cùng, ngày 1 tháng Mười này sẽ là ngày kỷ niệm lần thứ bảy mươi của việc thành lập nền Cộng hoà Nhân dân. Sự chạm nhau của tất cả những tiền lệ lịch sử trọng yếu này có nghĩa rằng cần phải có sự cam đảm quá mức cho các trí thức công cộng phê phán để nói thẳng bây giờ.

Tất nhiên, Chính phủ khôn lỏi để gạt những tiếng nói như vậy sang bên lề. Bên trong Trung Quốc, việc truy cập đến những bài báo này của Hứa, Quách, và những người khác cần đến một VPN, một phần mềm cho phép một người dùng vượt qua mạng nội bộ (intranet) bị kiểm duyệt của Trung Quốc và truy cập vào Internet toàn cầu. Như một kết quả, Hứa và những người ủng hộ của ông là xa lạ với tuyệt đại đa số người Trung Quốc.

Việc đó làm khó cho các trí thức công cộng để tác động đến sự thay đổi. Nhưng họ thực hiện một chức năng quan trọng khác: phản ánh Zeitgeist, hệ tư tưởng của một thời đại. Cho dù Tập nổi tiếng về mặt cá nhân giữa nhiều người trong xã hội Trung Quốc, ấn tượng của tôi trong các chuyến du hành rộng qua các phần khác nhau của Trung Quốc và quan sát các tầng lớp xã hội khác nhau là, người dân cũng biết rõ về một cảm giác mất mát-rằng tính năng động của các năm 1990 và những năm 2000 đã biến thành cái gì đó cứng nhắc và trì trệ hơn. Ngay cả sự phát triển kinh tế được tán dương của Trung Quốc, mà trong hàng thập kỷ đã che kín tất cả các loại bất bình dân chúng, đang chậm dần, và Chính phủ thiếu bất cứ sự thúc đẩy nào cho cải cách mà sẽ tạo ra các động lực mới của sự tăng trưởng.

Vụ của Hứa vì thế là nhiều hơn rất nhiều việc một nhà bất đồng chính kiến khác nữa bị bịt miệng hay vài tiếng nói cô đơn nói thẳng khi phản kháng. Thay vào đó, nó thâu tóm một ý nghĩa rằng Chính phủ đã vung tay quá mức trên nhiều mặt trận và rằng đối lập đang lập nên.

Tất cả việc này rất có thể sẽ là không thể để duy trì. Nhưng trong thế kỷ qua, ngay cả trong những thời đen tối nhất, chủ nghĩa nhân văn cơ sở của văn hoá Trung Quốc đã chẳng bao giờ bị tiêu diệt, vào những thời khắc quyết định, nó đã lại tự khẳng định mình. Điều này có thể có vẻ quá hy vọng một cách lãng mạn, nhưng nó nhắc nhở tôi về một ngạn ngữ từ tư tưởng truyền thống Trung Hoa: vật cấp tất phản (物极必反 wu ji bi fan). Khi các thứ đạt một cực độ, chúng phải chuyển động theo hướng ngược lại. Chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng con lắc này bây giờ ở vị trí xa nhất của nó, và rằng chúng ta đang chứng kiến một sự đu đưa chậm nhưng đều đặn theo chiều ngược lại.

Ian Johnson
Nguồn: A Specter Is Haunting Xi’s China: ‘Mr. Democracy’

Nguyễn Quang A dịch