Nhà thờ Đức Bà Paris qua lời văn của đại văn hào Victor Hugo

Cac Bai Khac

No sub-categories

Nhà thờ Đức Bà Paris qua lời văn của đại văn hào Victor Hugo

Tại sao nhà thờ Đức Bà Paris có ý nghĩa lớn, hãy đọc một chương văn mà đại văn hào Pháp Victor Hugo (1802-1885) đã dành riêng để miêu tả về công trình kiến trúc này trong cuốn tiểu thuyết “Thằng gù nhà thờ Đức Bà”.

Nghệ thuật, trong đó nhà thờ Đức Bà Paris và nhà văn Victor Hugo là hai niềm tự hào lớn trong những di sản văn hóa của họ. Đặc biệt, sinh thời, trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của mình, Victor Hugo đã từng miêu tả chi tiết về công trình kiến trúc này.

Giờ đây, khi công trình này gặp hỏa hoạn và những tổn hại gây ra đối với công trình vẫn chưa thể lường hết, truyền thông thế giới đang thể hiện sự kinh hoàng và tiếc nuối.

Nhà thờ Đức Bà Paris không chỉ là một điểm đến, một di sản của nghệ thuật kiến trúc, đây còn là biểu tượng của thành tựu mà con người đạt tới, hơn thế, nó còn là thành tựu của một cộng đồng – xã hội. Đó không phải công trình của riêng một người mà là thành quả lao động của nhiều thế hệ người.

Hoạt động xây dựng nhà thờ bắt đầu từ năm 1180 và cần tới 200 năm mới có thể hoàn tất về cơ bản. Kể từ khi nhà thờ được hoàn tất cơ bản hồi năm 1260, công trình này đã sống sót vượt qua thử thách của chiến tranh, mưa nắng và những biến động của vô vàn phong cách thẩm mỹ.

Công trình đã từng một lần tạm mất đi ngọn tháp giữa của mình hồi năm 1786 sau khi những cấu trúc bê đỡ ngọn tháp trở nên quá yếu sau hàng thế kỷ chịu đựng nắng mưa, đến mức những người phục chế đã phải di dời ngọn tháp để có những biện pháp sửa chữa, thay thế. Nhà thờ Đức Bà Paris cũng đã chứng kiến nhiều biến động trong đời sống nước Pháp.

Công trình này đại diện cho những gì đẹp đẽ nhất mà con người có thể thực hiện nếu chúng ta đem gộp sức lao động, tiền của, nguồn lực, thời gian vào một công trình. Trước biến cố hỏa hoạn vừa xảy tới với công trình có giá trị biểu tượng này, hãy cùng đọc lại những trích dẫn từ một chương văn mà nhà văn nổi tiếng của nước Pháp – Victor Hugo đã dành để tôn vinh công trình này.

Chương I – Quyển 3 có tên “Nhà thờ Đức Bà” được Victor Hugo viết ngay sau khi tác giả để độc giả được gặp gỡ anh gù Quasimodo và cô gái Esmeralda. Qua những miêu tả của Victor Hugo, độc giả sẽ hiểu được sự vĩ đại của công trình Nhà thờ Đức Bà Paris dù đã thực sự đặt chân tới thăm công trình này hay chưa.

Ở thời điểm Victor Hugo viết nên tác phẩm tiểu thuyết này, nhà thờ Đức Bà Paris đang trong tình trạng không được sửa chữa và xuống cấp nghiêm trọng. Khi ấy, lối kiến trúc của công trình bị xem là cũ kỹ và không nhận được sự quan tâm đúng tầm.

Khi ấy, trong tiểu thuyết của mình, Hugo đã có những miêu tả về sự điêu tàn xót xa. Nhưng rồi nhà thờ đã được giải cứu. Tiểu thuyết ra mắt vào năm 1831 đã trở thành cú hích thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội quay trở lại với công trình nhà thờ. Năm 1844, công trình được tu sửa, phục chế.

“Thằng gù nhà thờ Đức Bà” được Victor Hugo viết ra để rung một hồi chuông cảnh báo khi công trình kiến trúc vĩ đại này đang bị bỏ quên và bên bờ vực mục ruỗng nguy hiểm, nhưng cũng chính cuốn tiểu thuyết đã thành công trong việc cứu rỗi công trình để hồi sinh lại vẻ đẹp kiến trúc mà nhân loại cho tới hôm nay vẫn luôn trân trọng.

Nhà thờ Đức Bà Paris là một công trình của những sự hồi sinh qua từng thời kỳ, vượt lên trên những biến cố, vẫn sẽ luôn giữ được vẻ đẹp của nghệ thuật kiến trúc đỉnh cao.

Những trích dẫn từ chương I – “Nhà thờ Đức Bà” – ở Quyển 3 thuộc tiểu thuyết “Thằng gù nhà thờ Đức Bà”:

Chắc chắn đến nay nhà thờ Đức Bà Paris vẫn là một tòa nhà hùng vĩ và thiêng liêng… Nhà thờ Đức Bà Paris đặc biệt là một mẫu mực kỳ lạ. Mỗi bề mặt, mỗi hòn đá của tòa nhà đáng kính này không những là một trang lịch sử của nước Pháp mà còn là lịch sử của khoa học và nghệ thuật.

Mọi sắc thái, mọi dị biệt chỉ ảnh hưởng tới bề mặt của công trình, chính nghệ thuật đã thay da, còn bản thân cấu tạo của nhà thờ không bị đụng chạm tới. Vẫn là dãy xà kèo bên trong, vẫn là các phần sắp xếp hợp lý.

Bất kể cái vỏ ngoài của nhà thờ được chạm trổ và thêu thùa thế nào, vẫn luôn luôn thấy, ít nhất cũng dưới dạng thức mầm mống và sơ khai, cái cốt cách bên trong của đại giáo đường La Mã. Bao giờ nó cũng phát triển trên nền đất theo cùng một quy luật.

Vẫn hai gian bất di bất dịch cắt nhau hình chữ thập, đầu trên xây tròn thành hậu cung để làm nơi dành cho hát thánh ca, vẫn vĩnh viễn là những gian bên dành cho các cuộc rước bên trong nhà thờ, cho các gian nguyện, hành lang dọc nơi gian chính tỏa ra, qua các hàng cột.

Quy định như vậy rồi, số lượng các gian nguyện, cổng, tháp chuông, chóp lầu, cứ thay đổi bất tận, tùy theo thích thú của từng thế kỷ, từng dân tộc, từng nghệ thuật. Một khi nơi cúng lễ đã đầy đủ và bảo đảm, kiến trúc tha hồ muốn làm gì thì làm.

Tượng thánh, kính cửa, hoa thị, hoa văn, đường răng cưa, đỉnh cột, phù điêu, cứ kết hợp mọi sáng tạo theo đối số thích nghi. Do đó mà các công trình có vẻ ngoài thiên hình vạn trạng nhưng thực chất bên trong vẫn vô cùng trật tự và thống nhất. Như thân cây cố định, cành lá thì tùy nghi bay bướm.

Theo Vox