Đầu tư Trung Quốc: Tâm điểm trong cuộc tranh cử tại Indonesia

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đầu tư Trung Quốc: Tâm điểm trong cuộc tranh cử tại Indonesia
Minh Anh

Tổng thống mãn nhiệm Indonesia tại một cuộc mít tinh vận động tranh cử ở Jakarta, ngày 13/04/2019.Antara Foto/Akbar Nugroho Gumay/ via REUTERS

Sau Sri Lanka, Malaysia hay Maldives, giờ đến lượt Indonesia. Các dự án đầu tư của Trung Quốc bị các ứng cử viên đem ra «mổ xẻ» để công kích nhau, với lập luận rằng đầu tư Trung Quốc có nguy cơ đe dọa đến an ninh kinh tế và chủ quyền quốc gia. Đây là cảm giác bất an thật sự trước các khoản đầu tư «hậu hĩnh» của Trung Quốc, hay đó chỉ là «một chiêu bài» để vận động tranh cử ?

Thứ Tư, 17/04/2019, Indonesia sẽ tổ chức tổng tuyển cử để bầu tổng thống và Quốc Hội. Jakarta cũng như các nước châu Á dân chủ khác đều cần đến nguồn vốn của Trung Quốc để phát triển cơ sở hạ tầng yếu kém.

Thế nhưng, tâm lý bài Trung Quốc cũng tăng theo số lượng dự án đầu tư của Bắc Kinh tại Indonesia. Người dân nước này lo sợ nguy cơ bị mất chủ quyền tại những cơ sở trọng yếu của nền kinh tế, cũng như rủi ro mắc nợ Trung Quốc quá cao, mà Sri Lanka là một ví dụ điển hình.

Ông Deasy Simandjuntak, Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á tại Singapore, nhận xét với hãng tin Pháp AFP: «Sức mạnh kinh tế ngày càng lớn của Trung Quốc là một vấn đề chủ chốt trong các cuộc bầu cử tại nhiều nước châu Á. Phe đối lập chỉ trích các chính phủ v những chính sách bị cho là ʺthân Trung Quốcʺ».

Đây cũng chính là những luận điểm mà ông Prabowo Subianto, một cựu tướng lĩnh Indonesia, đối thủ của tổng thống Indonesia mãn nhiệm Joko Widodo đưa ra trong cuộc tổng tuyển cử năm nay. Bị ông Widodo dẫn trước 10 điểm trong các cuộc thăm dò, Prabowo Subianto đã sử dụng luận điệu «dân tộc chủ nghĩa», đòi xem xét lại các dự án phát triển cơ sở hạ tầng có nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc, nhất là những công trình nằm trong khuôn khổ dự án Con Đường Tơ Lụa Mới của Bắc Kinh.

Quả thật dưới thời tổng thống Widodo, hàng tỷ đô la đầu tư của Trung Quốc đã ồ ạt đổ vào Indonesia. Là một đảo quốc rộng lớn được hình thành từ 17.000 đảo nhỏ, Indonesia cần nguồn vốn của Trung Quốc để phát triển các cơ sở hạ tầng quan trọng như đường xá, sân bay, đường sắt… Theo số liệu chính thức, riêng trong năm 2018, Jakarta và Bắc Kinh đã ký kết nhiều thỏa thuận đầu tư trị giá tổng cộng 23 tỷ đô la.

Một số doanh nghiệp Trung Quốc đã có mặt trong nhiều dự án lớn, trong đó có dự án xây khu công nghiệp trên đảo Celebes và một dự án đường tầu hỏa tốc hành nối Jakarta và Bandung, trị giá 6 tỷ đô la. Đây cũng chính là hai dự án bị phe đối lập khai thác triệt để, kích động nỗi sợ ở người dân về một làn sóng công nhân Trung Quốc ùa sang và tỷ lệ mắc nợ cao đáng lo ngại.

Mà nỗi sợ «người Hoa» này cũng không phải là một điều gì mới mẻ tại đất nước có 250 triệu dân và đại bộ phận là theo Hồi giáo. Người dân Indonsia từ lâu đã có hiềm khích với cộng đồng người Hoa trong nước, nhất là với những người giầu, vốn kiểm soát một phần quan trọng nền kinh tế Indonesia. Họ cũng từng là mục tiêu của các cuộc thanh trừng « chống Cộng sản » trong những năm 1960 và các cuộc thảm sát năm 1998, vào thời điểm chế độ Suharto sụp đổ.

Giờ đây, với những dòng vốn đầu tư Trung Quốc ồ ạt đổ vào Indonesia, thái độ «bài người Hoa» còn gia tăng mạnh mẽ. Bởi vì «vốn đầu tư Trung Quốc bị gán với cộng sản và bị cho là một mối đe dọa» như lưu ý của bà Trissia Wijaya, chuyên gia về kinh tế Đông Nam Á, tại đại học Murdoch của Úc.

Đây quả là một mảnh đất «mầu mỡ» cho phe đối lập khai thác. Trong cuộc đấu này, chưa biết ai thắng ai. Nhưng có một điều chắc chắn là khái niệm «Quốc gia trước đã» của ông Donald Trump đang trở nên thịnh hành.

Prabowo Subianto, 67 tuổi, mang tư tưởng bài Trung Quốc, chủ trương «chủ nghĩa dân tộc sáng suốt» thông qua một chính sách gọi là «Indonesia First». Phải chăng đã đến lúc tổng thống Mỹ cần đăng ký bản quyền cho khái niệm «Nước Mỹ trước đã!»?