Tin Việt Nam – 10/04/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 10/04/2019

Việt Nam khởi tố cựu cán bộ công an vì gian lận điểm thi

Cựu Thiếu tá Đinh Hải Sơn liên quan đến vụ gian lận điểm thi tốt nghiệp phổ thông trung học năm 2018 tại tỉnh Sơn La đã bị tước danh hiệu Cộng an Nhân dân và bị khởi tố về tội Lợi dụng

chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 Bộ luật hình sự. Truyền thông trong nước ngày 9/4 loan tin cho hay

Báo Lao Động đưa tin, Viện Kiểm sát tỉnh Sơn La đã quyết định phê chuẩn khởi tố bị can đối với ông Sơn vào ngày 9/4, sau khi có quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an về kỷ luật cán bộ chiến sĩ công an hôm 8/3 vừa qua.

Ông Sơn bị cáo buộc đã giúp đỡ một số đối tượng tiến hành sửa chữa, nâng điểm cho một số thi sinh ở tỉnh Sơn La trong kỳ thi THPT, trong đó có một người là em vợ của ông Sơn.

Trong vụ án gian lận thi THPT quốc gia năm 2018 ở Sơn La, đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố 8 bị can về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Trong vụ gian lận điểm thi ở Sơn La năm 2018, có 97 bài thi của 44 thí sinh được sửa điểm, và tất cả đã nhập học vào các trường công an, quân đội, y dược.

Cũng theo truyền thông trong nước, nhiều thí sinh được nâng điểm ở Sơn La là con của các gia đình làm việc trong ngành thuế, công an hoặc buôn bán lớn ở tỉnh.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/another-ex-police-officer-involved-in-exam-scam-prosecuted-04102019092026.html

 

Tiết lộ danh tính phụ huynh

của các thí sinh được nâng điểm ở Sơn La

Nhiều thí sinh là con em của công an, lãnh đạo ngành thuế và một số gia đình buôn bán “có tiếng”, trong số 44 thí sinh được nâng sửa điểm thi Trung học Phổ thông quốc gia 2018 ở Sơn La.  Tuy nhiên tên của những thí sinh này vẫn chưa được công bố đầy đủ mà chỉ ở dạng viết tắt, theo truyền thông trong nước hôm 10/4/2019.

Sơn La là một trong những tỉnh có nhiều thí sinh được nâng điểm trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học năm 2018. Điều tra sau đó cho thấy có đến 44 thí sinh ở tỉnh này được nâng điểm.

Kết quả chấm thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo yêu cầu của cơ quan điều tra cho thí sinh N.D.A ở Sơn La đã được sửa nâng lên tới 12 điểm cho ba môn.

Truyền thông trong nước trích lời các bạn học cùng khóa cho biết, N.D.A có lực học không giỏi, nên khi biết điểm thi của N.D.A thì rất nhiều bạn cùng khóa bất ngờ. Được biết, bố của N.D.A làm ở ngành thuế của tỉnh Sơn La.

Một thí sinh khác của Sơn La cũng được nâng tới 17,75 điểm là N.T.H. Bố mẹ của thí sinh này được biết là đều làm trong ngành công an.

Ngoài ra, theo Báo Tuổi trẻ Online, trong số 44 thí sinh nâng điểm có trường hợp được sửa điểm nhiều nhất là thí sinh N.A.T., vốn là con một gia đình buôn bán lớn tại Sơn La. Em này đã được sửa nâng lên tới 26,55 điểm cho cả ba môn.

Trước đó, dư luận đòi hỏi Bộ giáo dục và đào tạo phải cung cấp danh tính của các thí sinh có gian lận điểm ở các tỉnh, nhưng đại diện  Bộ Giáo dục cho rằng việc công bố danh tính thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra Bộ Công an, và nêu lo ngại về tác động tiêu cực khi công bố danh tính các thí sinh.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/update-fraud-exam-scores-in-son-la-04102019090954.html

 

Thêm một thành viên của Con Đường Việt Nam

sang Mỹ định cư

Nhà hoạt động nhân quyền Hoàng Dũng, thành viên của phong trào Con Đường Việt Nam, cùng gia đình đang trên đường đến Hoa Kỳ định cư.

Thông tin trên được chính ông Hoàng Dũng xác nhận với Đài Á Châu Tự Do khi đang trên đường đến Hoa Kỳ vào tối ngày 9/4/2019.

Theo một nguồn tin từ người thân của ông Hoàng Dũng, ông Dũng và gia đình sẽ đến sân bay California vào lúc 8:50 tối ngày 9/4 theo giờ miền Tây Hoa Kỳ.

Con đường Việt Nam là một phong trào được khởi xướng vào ngày 10/6/2012 nhằm giúp cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, ông Trương Minh Tam, một thành viên trong phong trào Con đường Việt Nam hiện đang sống tại bang Illinois, Hoa Kỳ cho biết ít nhất có hai thành viên của phong trào này là ông và ông Hoàng Dũng được chính phủ Hoa Kỳ bảo trợ.

Ngoài ra, ông Tam cho biết tổng cộng có khoảng 15 thành viên của phong trào đang định cư ở nước ngoài.

Mặc dù con số người thuộc phong trào ở nước ngoài khá đông nhưng ông Trương Minh Tam cho biết, hoạt động của phong trào trong nước vẫn tiếp tục bình thường:

Toàn bộ hoạt động không bị giới hạn trong một không gian nào cả. Chúng tôi cũng không chĩa mũi nhọn vào nhà nước Việt Nam mà chúng tôi chỉ cổ súy cho người dân Việt Nam thực hiện những quyền con người mà vốn dĩ người dân phải được thụ hưởng. Mỗi một cá nhân ở trong nước hay ở nước ngoài vẫn làm cho mọi người hoạt động bình thường, không ảnh hưởng gì đến hoạt động chung.”

Chính quyền Việt Nam thời gian gần đây đã tiếp tục gia tăng đàn áp, bắt bớ các nhà hoạt động xã hội dân sự, những nhà bất đồng chính kiến.

Thống kê của HRW cho thấy trong năm 2018, Việt Nam kết án tù ít nhất 42 bloggers và nhà hoạt động nhân quyền trong nước theo những điều luật hà khắc.

Theo thống kê của Liên Đoàn Nhân Quyền Quốc Tế và Ủy Ban Nhân Quyền Việt Nam, tính đến nay có ít nhất 150 tù chính trị tại Việt Nam.

Dưới áp lực quốc tế, Việt Nam thời gian qua cũng đã trả tự do cho một số tù nhân lương tâm, tuy nhiên lại bắt họ phải ra nước ngoài định cư như Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Luật sư Nguyễn Văn Đài, hay gần đây nhất là Blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.

Báo cáo nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ được công bố ngày 13/3/2019 gọi Việt Nam là “đất nước công an trị” và chỉ trích các vi phạm nhân quyền ở quốc gia độc đảng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng một ngày sau đó đã ra thông cáo đăng tải trên trang thông tin của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng bản báo cáo của phía Mỹ “vẫn chứa đựng một số nhận định thiếu khách quan, dựa trên những thông tin không chính xác, không phản ánh đúng tình hình thực tế của Việt Nam.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/activist-hoang-dung-on-his-way-to-america-to-settle-down-04092019150644.html

 

Việt Nam xử tử nhiều thứ 4 thế giới

Việt Nam đứng thứ tư thế giới về số lượng xử tử hình, chỉ sau Trung Quốc, Iran và Ả Rập Xê-út, theo một báo cáo vừa công bố hôm 10/4 của Ân xá Quốc tế.

Báo cáo dài 54 trang về “Án tử hình và Xử tử hình năm 2018” của Ân xá Quốc tế cho biết tình trạng xử tử hình trên toàn cầu đã giảm đáng kể, giảm 1/3 vào năm ngoái, thấp nhất trong ít nhất là một thập niên qua. Tuy nhiên, vẫn có một số quốc gia tăng số lượng xử tử hình.

Đứng đầu danh sách xử tử hình nhiều nhất là Trung Quốc, mặc dù Ân xá Quốc tế không có con số chính thức nhưng tổ chức này ước lượng Trung Quốc đã tử hình trên 1.000 người trong năm qua.

Kế đó là Iran với ít nhất 253 người, Ả Rập Xê-út với 149 người.

Việt Nam đứng thứ tư với ít nhất là 85 người.

Theo Ân xá Quốc tế, việc Việt Nam công bố số liệu tử hình của năm ngoái là một động thái “chưa từng có”.

Theo ghi nhận của tổ chức này, các hình thức tử hình gồm có chặt đầu (Ả Rập Xê-út), ghế điện (Mỹ), tiêm thuốc độc (Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ, Việt Nam), xử bắn (Belarus, Trung Quốc, Triều Tiên, Somalia, Đài Loan, Yemen) và treo cổ (Afghanistan , Botswana, Ai Cập, Iran, Iraq, Nhật Bản, Pakistan, Singapore, Nam Sudan, Sudan).

Theo đánh giá của Ân xá Quốc tế, việc bãi bỏ án tử hình đang là xu hướng quốc tế.

Tổng cộng vào cuối năm 2018, đã có 106 quốc gia bãi bỏ án tử hình chính thức trên luật đối với tất cả các tội phạm. Số người bị tử hình trên toàn cầu, không tính Trung Quốc, giảm từ 993 (theo con số chính thức) trong năm 2017 xuống còn ít nhất 690 người vào năm ngoái.

Hồi tháng 12, một cuộc bỏ phiếu tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc cho thấy có tới 121 quốc gia ủng hộ lệnh cấm trên toàn cầu về án tử hình, trong khi chỉ có 35 quốc gia phản đối.

Vẫn theo báo cáo của Ân xá Quốc tế, hiện có hơn 19.000 người đang chịu án tử hình trên toàn thế giới.

https://www.voatiengviet.com/a/vn-xu-tu-nhieu-thu-4-the-gioi/4870068.html

 

Việt Nam sẽ nhượng bộ tới đâu để có EVFTA?

Diễm Thi, RFA

Trong chuyến đi Pháp và Bỉ vận động cho việc ký kết Hiệp định tự do thương mại với EU (EVFTA) vào những ngày đầu tháng 4 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết Việt Nam sẽ xem xét kỹ lưỡng những khuyến nghị của Liên minh Châu Âu (EU) và Nghị viện Châu Âu (EP).

Báo chí trong nước cho biết chuyến đi của bà Ngân rất thành công.

Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng cho rằng trong chuyến đi Châu Âu vừa rồi, bà Kim Ngân đã mang theo một “món quà”, đó là khả năng Việt Nam có thể đáp ứng yêu cầu cải thiện nhân quyền của phía Châu Âu đưa ra:

“Trước mắt bà Ngân nhấn mạnh và được báo đảng nhấn mạnh theo, là Việt Nam sẽ xem xét kỹ lưỡng ba công ước quốc tế còn lại liên quan đến vấn đề lao động, liên quan đến Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Đặc biệt là công ước cho phép người lao động được quyền tự do thành lập công đoàn độc lập.”

Việt Nam hiện chỉ chấp nhận một công đoàn duy nhất chịu sự chỉ đạo của chính phủ và các công đoàn độc lập khác được người dân lập ra đều không được chấp nhận.

Năm 2011, ba người sáng lập phong trào Lao Động Việt, hoạt động cho quyền lợi công nhân, là ông Đoàn Huy Chương, bà Đỗ Thị Minh Hạnh và ông Nguyễn Hoàng Quốc Hùng bị kết án tù với cáo buộc “Phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân theo Điều 89 Bộ Luật Hình sự.” Ông Nguyễn Hoàng Quốc Hùng bị án 9 năm tù giam, bà Đỗ Thị Minh Hạnh và ông Đoàn Huy Chương cùng bị 7 năm tù giam.

Đây không phải lần đầu tiên bà Kim Ngân đi Châu Âu vận động cho EVFTA. Tháng 4/2017, bà Chủ tịch Quốc hội Việt Nam cũng sang Châu Âu gặp gỡ nguyên thủ ba quốc gia Séc, Thụy Sĩ và Hungary, cũng được báo chí trong nước gọi là ‘chuyến đi thành công’ dù không có bất kỳ một lời cam kết nào của các nước về việc ủng hộ cho Việt Nam mau chóng vào EVFTA. Đến nay đã tròn hai năm mà mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ.

Ông Phạm Chí Dũng nhận định bối cảnh chuyến đi vừa rồi của bà Chủ tịch Quốc hội Việt Nam diễn ra sau khi Hội đồng Châu Âu ra thông báo quyết định hoãn vô thời hạn việc phê chuẩn EVFTA, và chuyến đi lần này có một nét khả quan:

Lần này có một nét khả quan hơn một chút, là bà Kim Ngân có cuộc gặp tương đối đặc biệt với ông Bernd Lange – Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của châu Âu. – TS. Phạm Chí Dũng

“Lần này có một nét khả quan hơn một chút, là bà Kim Ngân có cuộc gặp tương đối đặc biệt với ông Bernd Lange – Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của châu Âu.

Theo thông tin từ đoàn của bà Nguyễn Thị Kim Ngân chứ không phải từ ông Bernd Lange, thì ông Lange đã nói với bà Ngân rằng tháng 6 hoặc tháng 7 năm 2019 sẽ ký và phê chuẩn EVFTA. Thông tin này được coi là thành tích lớn trong chuyến đi vận động kỳ này của bà Nguyễn Thị Kim Ngân và được hệ thống tuyên giáo lẫn báo đảng tuyên truyền ầm ĩ.”

Tháng 10/2018, Nghị Viện Âu Châu đã tổ chức cuộc điều trần về những lợi ích và giá trị của EVFTA. Nội dung buổi điều trần được nhắm đến ba vấn đề chính là Lao động, Nhân quyền và Môi trường. Tại buổi điều trần, bà Maria Arena –Thành viên của Nghị Viện Liên Âu lên tiếng:

“Từ năm 2012 đến năm 2018 chúng tôi nhận thấy các tiêu chí về quyền nghiệp đoàn và nhân quyền của Việt Nam vẫn chưa tiến bộ một cách đầy đủ. Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể chờ thêm 6 tháng nữa để Việt Nam thực hiện lời hứa. Nhưng không chỉ là lời hứa mà là sự đảm bảo, ngay cả trước khi Nghị Viện Liên Âu phê chuẩn hiệp định này. Nghị viện Liên Âu cần Việt Nam có những chỉ dấu tích cực chứ không chỉ là lời hứa.”

Đến tháng 1/2019, các thành viên Nghị viện châu Âu chính thức thông báo về việc hoãn phê chuẩn EVFTA giữa lúc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các doanh nghiệp lớn như Apple, Facebook… bên lề một hội nghị ở Davos để vận động sự ủng hộ của họ cho hiệp định này.

Theo video được đăng tải trên trang Twitter của nữ Nghị sĩ Jude Kirton-Darling, thì lý do hoãn được bà viện dẫn là bởi vấn đề kỹ thuật. Tuy vậy bà đặt câu hỏi: “Sự chậm trễ này có xảy ra nếu chính phủ Việt Nam tiến bộ về nhân quyền?”

Theo thông tin từ cổng thông tin điện tử của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO thì Bộ Luật Lao động hiện một lần nữa đang trong quá trình đổi mới nhằm đáp ứng những yêu cầu mới trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh hội nhập toàn cầu. Bộ luật này lần đầu tiên được thông qua vào năm 1994 và được sửa đổi trong các năm 2002, 2006 và 2012.

Tuy là thành viên chính thức của ILO nhưng cho tới nay Việt Nam chỉ mới phê chuẩn 21/187 công ước của ILO, trong đó chỉ có 5/8 công ước cơ bản. Còn ba công ước cơ bản còn lại thì Chính phủ Việt Nam chỉ đang xem xét phê chuẩn, đó là Công ước số 98 về thương lượng tập thể vào năm 2019; Công ước số 105 về lao động cưỡng bức vào năm 2020 và Công ước số 87 về tự do hiệp hội vào năm 2023.

ILO dẫn lời ông Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam rằng “Các nghĩa vụ quốc tế bắt nguồn từ việc Việt Nam là thành viên chính thức của ILO và vì thế Việt Nam cần tôn trọng và thúc đẩy Tuyên bố của ILO về các Nguyên tắc và Quyền Cơ bản trong Lao động.”

Việt Nam sẽ xuống thang?

Với những quyền lợi mà Việt Nam được hưởng khi EVFTA được thông qua, liệu Việt Nam có chấp nhận nhượng bộ về nhân quyền để được ký kết hay không, luật sư Nguyễn Văn Đài từ Đức nhận định:

“Tôi hy vọng trong nửa năm sau của năm 2019 thì nhà cầm quyền cộng sản sẽ nhượng bộ một số điều kiện để khi Nghị viện Châu Âu được bầu mới thì họ có thể vận động để được thông qua EVFTA vào cuối năm 2019.

Thứ nhất họ sẽ ký vào ba nghị định thư còn lại của Công ước Quốc tế về lao động mà Việt Nam từ xưa đến nay vẫn từ chối ký. Không chỉ các nước thành viên của EU nêu vấn đề này lên mà Nghị viện Châu Âu cũng nhiều lần nêu vấn đề là Việt Nam phải ký nốt những nghị định thư còn lại. Thứ hai là chắc họ sẽ trả tự do cho một số tù nhân lương tâm vào dịp Quốc Khánh 2/9 tới đây. Đó là hai vấn đề họ phải nhượng bộ.”

Hy vọng nhà cầm quyền sẽ nhượng bộ một số điều kiện để khi Nghị viện Châu Âu được bầu mới thì họ có thể vận động để được thông qua EVFTA vào cuối năm 2019. – LS.  Nguyễn Văn Đài

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng tin rằng Việt Nam phải nhượng bộ để EVFTA được ký kết, bởi đó là lối thoát duy nhất của Việt Nam trong bối cảnh chính thể này đang phải trả nợ nước ngoài mỗi năm từ 10 đến 12 tỷ USD và gần như không biết tìm ngoại tệ đâu ra mà trả nợ. Hiện nay trong 10 hiệp định thương mại song phương (FTA) mà Việt Nam ký với các nước thì chỉ có hai thị trường xuất siêu lớn cho Việt Nam là thị trường Hoa Kỳ lên tới gần 35 tỷ USD xuất siêu một năm, và thị trường Châu Âu xuất siêu lên tới gần 30 tỷ USD một năm. Ông kết luận:

“Đó là lối thoát duy nhất và chính quyền Việt Nam phải có những bước xuống thang về nhân quyền, chỉ có điều xuống thang ở mức độ nào thì còn tùy thuộc vào bản lĩnh của khối Liên minh Châu Âu”.

Theo bản phúc trình toàn cầu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch đưa ra vào ngày 17 tháng 1 năm 2019, thì trong năm 2018, chính quyền Việt Nam đã tìm cách phá vỡ một số mạng lưới bất đồng chính kiến. Ít nhất 42 người đã bị kết án vì bày tỏ ý kiến ​​chỉ trích chính phủ, tham gia các cuộc biểu tình một cách ôn hòa hoặc tham gia các nhóm ủng hộ dân chủ, trong đó bao gồm 9 thành viên của Hội Anh em Dân chủ và 5 thành viên của Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết.

Bên cạnh đó, công an Việt Nam đã sử dụng nhiều cách đàn áp và hạn chế các nhà hoạt động và bloggers, như giám sát; quấy rối; quản thúc tại gia; cấm đi lại; giam cầm; dọa nạt và thậm chí tra tấn trong khi thẩm vấn.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/how-will-vietnam-climb-down-the-human-rights-to-get-evfta-dt-04092019144445.html

 

Khát điện trầm trọng,

Campuchia yêu cầu Việt Nam cung cấp thêm

Bộ trưởng Mỏ và Năng lượng Campuchia, ông Suy Sem, hôm 9/4 yêu cầu Việt Nam cung cấp thêm điện để giúp khắc phục tình trạng thiếu hụt điện của xứ chùa Tháp.

Thông cáo báo chí của Bộ được Khmer Times dẫn lại cho biết ông Sem đã thảo luận việc này với Tham tán Lê Biên Cương, cố vấn thương mại tại Đại sứ quán Việt Nam ở Campuchia.

Theo đó, Bộ trưởng Campuchia yêu cầu Việt Nam cung cấp thêm 50 megawatt điện, đồng thời xả nước từ 14 đập thủy điện ở thượng nguồn xuống Thủy điện hạ Sesan 2 của Campuchia để thủy điện này có đủ nước để sản xuất thêm điện.

Việt Nam hiện đang cung cấp 170 megawatt để giúp Campuchia vượt qua tình trạng thiếu hụt điện trầm trọng vì mực nước thấp tại các đập thủy điện do các đợt nắng nóng.

Trước yêu cầu của quốc gia láng giềng, Tham tán Lê Biên Cương nói sẽ chuyển yêu cầu này đến chính phủ Việt Nam.

Ngoài ra, Campuchia cũng đặt mua điện từ Lào và trước đó là Thái Lan.

Tháng trước, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã lên tiếng kêu gọi các cơ quan chính phủ, tổ chức công tiết kiệm điện trước tình trạng thiếu hụt trầm trọng hiện nay.

Hôm 2/4, ông đe dọa công dân của mình rằng sẽ ra lệnh cúp điện đối với những ai tiếp tục phàn nàn, bất bình về tình trạng mất điện thường xuyên gần đây.

Kể từ giữa tháng 3, chính phủ Campuchia đã bắt đầu cắt điện 6 giờ mỗi ngày, trừ chủ nhật và các ngày quốc lễ. Theo một tuyên bố của Tổng công ty Điện lực Campuchia, việc cung cấp điện sẽ chỉ được khôi phục lại bình thường nếu như có mưa trước cuối tháng 5.

https://www.voatiengviet.com/a/khat-dien-tram-trong-campuchia-yeu-cau-vn-cung-cap-them/4869922.html

 

‘Cần bình tĩnh’ theo dõi giàn Đông Phương 13-2

Trước việc Trung Quốc dự định sẽ đưa giàn sản xuất dầu khí lớn thứ hai là Đông Phương 13-2 (Dongfang 13-2 CEFB) vào lưu vực vịnh Bắc Bộ ngày 10/4, một nhà nghiên cứu Biển Đông nói Việt Nam “cần bình tĩnh” quan sát.

Theo Tân Hoa Xã , hôm 10/4 giàn nổi này dự kiến sẽ di chuyển vào khu vực mà Trung Quốc gọi là bồn trũng Yinggehai, vốn có tiềm năng nhiều dầu khí nằm khoảng giữa đảo Hải Nam và bờ biển Việt Nam trong vịnh Bắc Bộ. mà Việt Nam gọi là bồn trũng Sông Hồng.

Thông tin này được đăng tải trên mạng xã hội, khiến dư luận hoang mang lo ngại về một kịch bản giống như 5 năm trước, khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào Biển Đông.

Kỳ vọng gì nếu chủ tịch Trọng thăm Hoa Kỳ?

‘Vấn đề lớn nhất’ của Mỹ-Trung là Biển Đông?

Liệu xung đột Trung-Mỹ có thể xảy ra?

Trả lời BBC hôm 10/4, nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn nói theo thông tin ông nắm được, giàn nổi này sẽ tới vị trí dự kiến là ở sát đường trung tuyến phân chia vịnh Bắc Bộ, trên vùng biển thuộc sự kiểm soát của Trung Quốc.

“Tôi cũng nhận được thông báo là giàn khoan này sẽ dừng lại ở bên kia đường phân chia vịnh Bắc Bộ, như Tân Hoa xã thông báo. Vì thế, chúng ta chỉ theo dõi chứ chưa phản đối được.”

“Tôi vẫn đang theo dõi đường đi của giàn khoan Dongfang 13-2 CEPB qua tin tức trên báo chí nước ngoài. Tuy nhiên khi nó đang di chuyển trên vùng biển quốc tế và trong trên vùng biển do Trung Quốc kiểm soát thì theo luật pháp quốc tế, chúng ta chưa thể phản đối hoạt động của giàn khoan này được.”

‘Cần bình tĩnh theo dõi’

Cuối năm 2000, Việt Nam với Trung Quốc đã đạt được hiệp định phân chia vịnh Bắc Bộ sau một quá trình đàm phán lâu dài và công phu.

Theo đó, ông Sơn nói Việt Nam kiểm soát khoảng 53% vịnh Bắc Bộ, nhờ Việt Nam có đảo Bạch Long Vĩ, còn Trung Quốc kiểm soát khoảng 47%.

Tàu chiến Mỹ tới sát vùng Philippines-TQ tranh chấp

Ông Trần Đức Anh Sơn bị khai trừ Đảng

“Trong vùng nước do Trung Quốc kiểm soát và trong vùng biển quốc tế, thì Trung Quốc có quyền thực hiện quyền ‘tự do hành hải’.”

“Chỉ khi nào họ bắt đầu hoạt động thăm dò mà xâm phạm chủ quyền biển Việt Nam, xâm phạm nguồn tài nguyên dưới đáy biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam thì chúng ta mới có thể phản đối. Còn bây giờ chúng ta cần bình tĩnh theo dõi sát sao mọi hoạt động và đường đi của giàn khoan này.”

Nhưng ông Sơn cũng cho rằng đây là “một động thái đáng quan ngại” của Trung Quốc.

“Dù Trung Quốc nói là họ đã chuẩn bị việc này trong hơn hai năm qua và nay là bước triển khai trên thực địa. Nhưng họ lại chọn thời điểm Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam sắp có chuyến thăm Hoa Kỳ để triển khai hoạt động này, thì có vẻ như đây là một động thái dằn mặt Việt Nam.”

Theo Tân Hoa Xã, giàn sản xuất dầu Đông Phương 13-2 (Dongfang 13-2 CEPB) do tổ hợp liên doanh Zhuhai COOEC và Fluor Heavy Industries Co. Ltd. sản xuất là một giàn khoan xử lý dầu khí toàn diện và dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào tháng Sáu.

Trọng lượng nổi của giaàn khoan là 17.247 tấn, tương đương với trọng lượng của 10.000 chiếc xe hơi thông thường và bao phủ một khu vực rộng bằng một sân bóng đá.

Giàn khoan này sẽ giúp gia tăng đáng kể sản lượng khí đốt tự nhiên, ước tính sẽ đạt 2,6 tỷ mét khối hàng năm, đủ để cung cấp năng lượng cho Khu vực Vịnh Quảng Đông-Hồng Kông-Macao.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47864677

 

Dongfang 13-2 CEPB có tái diễn Hải Dương 981?

Phạm Chí Dũng

Vì sao Trung Quốc vừa tung ra động thái sẽ đưa giàn sản xuất dầu khí lớn thứ hai là Dongfang 13-2 CEPB vào Lưu vực Yinggehai ở Biển Đông vào ngày 10/4/2019 trong bối cảnh ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng sắp công du Hoa Kỳ – chuyến đi có thể diễn ra vào mùa hè năm 2019?

Cú khiêu khích mới

Thông tin về Dongfang 13-2 CEPB được phát bởi Tân Hoa Xã ngày 7/4/2019 – địa chỉ đã tung tin về cuộc xâm lấn Biển Đông của giàn khoan Hải Dương 981 vào năm 2017.

Giàn nổi Dongfang 13-2 CEPB nặng 17.247 tấn, tương đương với 10 nghìn chiếc xe ôtô thông thường và rộng bằng một sân bóng đá. Còn lưu vực Yinggehai, nơi dự kiến sẽ đặt giàn sản xuất dầu khí lớn thứ hai của Trung Quốc, nằm ở phía tây bắc Biển Đông, giữa Đảo Hải Nam và bờ biển phía Bắc của Việt Nam.

Liệu sự kiện Dongfang 13-2 CEPB năm 2019 có tái diễn vụ Hải Dương 981 năm 2014?

‘Đối tác chiến lược toàn diện quan trọng nhất’ (!?)

Tháng 5 năm 2014, giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đã lần đầu tiên tấn công vào Biển Đông, chen lấn vào vùng hải phận của Việt Nam và như một cú tát tai nổ đom đóm vào mặt Bộ Chính trị ở Hà Nội, nhất là với những quan chức Việt vẫn còn mộng mị ngủ ngày mà đã biến thành cơn mê sảng bi kịch trong thói đu dây quốc tế giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Vào thời điểm đó, đã xuất hiện những kế hoạch khai thác dầu khí ở giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với những đối tác nước ngoài là Repsol (Tây Ban Nha) tại mỏ Cá Rồng Đỏ ở vùng biển Đông Nam, với Tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga tại mỏ Lan Đỏ, cũng như bắt đầu có kế hoạch thăm dò khai thác với tập đoàn dầu khí khổng lồ ExxonMobil của Mỹ tại mỏ Cá Voi Xanh ở vùng biển Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Từ năm 2014, Trung Quốc đã sử dụng chiến thuật cho giàn khoan vào biển Đông để khủng bố tâm lý rệu rã của chính thể bị cộng đồng lên án là ‘hèn với giặc, ác với dân’.

Biến cố Hải Dương 981 đã kéo dài suốt vài tháng và gây ra một cơn chấn động lớn trong nội bộ đảng CSVN. Nhưng trong lúc toàn bộ đảng này không hề dám có một phản ứng ra mặt nào mà chỉ im thin thít, còn quốc hội cũng không phát ra nổi một nghị quyết về Biển Đông mà chỉ nói như vẹt về từ ngữ ‘tàu lạ’, hàng chục ngàn người dân Việt Nam đã rùng rùng phẫn nộ xuống đường biểu tình để phản kháng cú khiêu khích của Trung Quốc thông qua Hải Dương 981. Khi đó, một lần nữa châm ngôn ‘hèn với giặc, ác với dân’ đã ứng nghiệm: làn sóng biểu tình này đã bị chính quyền và công an Việt Nam đàn áp thô bạo và dã man.

Nhưng cũng chính vào lúc đó, Bắc Kinh đã sai lầm cơ bản khi biếu không cho người Việt món quà Hải Dương 981, khiến dân tộc có nguy cơ vô cảm chính trị này trở nên đồng thuận hơn, cùng lúc phần lớn thế giới trở nên đối lập rõ ràng với Trung Quốc.

Chỉ sau khi Hà Nội và Bắc Kinh đạt được một ‘thỏa thuận ngầm’ nào đó, Hải Dương 981 mới rút đi. Nhưng trong toàn bộ thời gian nổ ra biến cố này, tất cả các quốc gia có ‘quan hệ đối tác chiến lược’ với Việt Nam, kể cả Nga, đều không một lời hoặc có một hành động nào hỗ trợ cho chính thể mà từ năm 2001 đã ‘quơ quào đối tác chiến lược’. Bỉ bôi nhất là thủ phạm gây ra vụ Hải Dương 981 lại là Trung Quốc – được giới chóp bu Việt Nam xem là ‘đối tác chiến lược toàn diện quan trọng nhất’. Thể diện của chính thể Việt Nam đã thêm một lần lao dốc khi có tin về việc Nguyễn Phú Trọng, khi đó còn là tổng bí thư chứ chưa phải ‘tổng tịch’, đã gọi điện đến hai chục lần cho Tập Cận Bình để điều đình vụ Hải Dương 981 nhưng họ Tập không thèm nghe máy.

Đến năm 2015, giàn khoan Hải Dương 981 lại hiện hình một lần nữa. Ngày 6/5/2015, website của Cục Hải sự Trung Quốc đăng tải thông báo về hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 tại giếng Lăng Thủy 25-1S-1 ở Biển Đông. Hoạt động này là đáng được chú ý, dù khi đó Hải Dương 981 vẫn nằm ngoài vùng lãnh hải Việt Nam. Một tuần sau thông báo trên của Cục Hải sự Trung Quốc, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius bất ngờ thông báo “Chúng tôi sẽ tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với nghi thức cấp cao nhất”. Đến tháng 7 năm 2015, Trọng chính thức đi Mỹ – chuyến công du đầu tiên cua ông ta đến xứ Cờ Hoa mà đã được Tổng thống Barak Obama tiếp đón đặc cách như một nguyên thủ quốc gia tại Phòng Bầu Dục.

Điều đáng nói là hình ảnh tái xuất mang tính khủng bố của Hải Dương 981 xảy ra dù Nguyễn Phú Trọng đã chấp nhận ‘đi Trung Quốc trước khi đi Mỹ’, khi tới Bắc Kinh vào tháng 4 năm 2015.

Trọng có ‘đi Trung Quốc trước’?

Logic của những dự kiện lịch sử cận đại trong quan hệ Trung – Việt cho thấy chẳng cần hoài nghi rằng sự xuất hiện của Hải Dương 981 trước đây và Dongfang 13-2 CEPB vào năm 2019 là những động tác dằn mặt đối với giới lãnh đạo cao cấp của Việt Nam trong thế đu dây dễ lộn cổ giữa Trung Quốc và Mỹ.

Chiến thuật ép và lấn từng bước của Trung Quốc là quá dễ nhìn ra: trước chuyến đi Mỹ của Nguyễn Phú Trọng vào mùa hè năm 2019, tùy thuộc vào thái độ của Trọng với Tập ra sao mà Dongfang 13-2 CEPB sẽ nằm yên ở vùng chồng lấn biển hoặc lao thẳng vào hải phận Việt Nam theo đúng cái cách của Hải Dương 981 vào năm 2014.

Một lần nữa kể từ năm 2015, giới quan sát chính trị và dư luận còn chút quan tâm đến tình cảnh mắm muối giữa Việt Nam và Trung Quốc lại chờ đợi lời giải cho phương trình ‘Trọng có gặp Tập trước khi gặp Trump?”.

Khác khá nhiều với bối cảnh năm 2015, những gì đang diễn ra trong năm 2019 này bộc lộ thế ‘giãn Trung’ với gia tốc nhanh hơn và cũng có vẻ ‘can đảm’ hơn của Trọng và đảng CSVN. ‘Can đảm bám Mỹ’ nhằm khai thác dầu khí trong vùng chủ quyền của mình, không còn nghi ngờ gì nữa, là sách lược tìm đến sự hỗ trợ của quân đội Mỹ như một đối trọng duy nhất với Trung Quốc tại Biển Đông, để khi đó Việt Nam sẽ có thể yên tâm tiến hành khai thác các lô dầu khí trong tâm thế ‘chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng’, mà không đến nỗi phải mắt trước mắt sau trước đường lưỡi bò chín đoạn của Trung Quốc quét qua hầu hết các lô dầu khí này.

Trong nguy cơ ‘mất ăn dầu khí’ như thế, đang xuất hiện những dấu hiệu và cả tiền đề cho ‘đối tác chiến lược Việt – Mỹ’ trong tương lai không quá xa.

Cũng khác với bối cảnh năm 2015, một chuyến đi ‘Trung Quốc trước’ của Nguyễn Phú Trọng trong thời gian tới, nếu xảy ra, sẽ mang lại cho ông ta những thất lợi lớn về chính trị và cả rủi ro sinh mạng khó lường, nhất là khi Trọng đã chỉ đạo hệ thống tuyên giáo và báo chí Việt Nam ‘tố cáo giặc Trung Quốc xâm lược’ vào ngày 17 tháng Hai năm 2019 như một cách kỷ niệm ngày Chiến tranh biên giới phía Bắc.

https://www.voatiengviet.com/a/dongfang-13-2-cepb-hai-duong-981/4868804.html