Tin Việt Nam – 06/04/2019
Lý Tống: cựu phi công ‘kiêu hùng’ cuối cùng của VNCH
Phụng LinhGửi đến BBC từ Nam California
9 giờ 16 phút tối 5/4, giờ Cali, cựu sĩ quan phi công có biệt hiệu Ó Đen của không lực Việt Nam Cộng Hòa đã chính thức ra đi.
Tám giờ đêm 21/3 khi tôi đặt bút bắt đầu viết những giòng này thì Lý Tống đang chìm sâu vào giấc ngủ dài, vương vấn trần gian tại bệnh viện Sharp Memorial Hospital, San Diego, Nam California, Hoa Kỳ.
Kể từ cuối tháng Ba, báo chí Việt Nam ở hải ngoại cũng như các trang mạng xã hội, Facebook đã tràn ngập tin tức nói về tiểu sử, thân phận của ông.
Viet Film Fest 2018 ở California và người Việt khắp thế giới
Ông John McCain là cầu nối Mỹ-Việt
Việt kiều Mỹ phản đối TQ đầu tư ở Quận Cam
Nghị viện California: Nguyễn đi ra, Diệp bước vào
Tuổi trẻ đào hoa và hào hùng
Lý Tống tên thật là Lê Văn Tống, sinh ngày 1/9 năm 1948 tại làng An Cựu, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên – Huế, gia nhập Không lực Việt Nam Cộng Hoà năm 1965 khi vừa tròn 17 tuổi, và tốt nghiệp khoá 65 A. Cấp bậc cuối cùng của ông trước khi rời quân ngũ là đại uý.
Tuy thế có bức thư của người anh ruột nói ông sinh năm 1946.
Hội trưởng Hội Không quân Việt Nam Cộng Hoà tại San Diego, ông Cù Thái Hòa, cho biết Lý Tống được đưa vào bệnh viện hôm 7/3 vì thở yếu.
Bác sĩ trực bệnh viện nói Lý Tống rơi vào trạng thái hôn mê hôm thứ Ba 19/3 và đang phải thở bằng máy.
Phải đọc bài tâm sự rất dài của ông Lê Xuân Nhuận, anh trai của Lý Tống, mọi người mới có thể hiểu phần nào về tuổi trẻ của ông, một sĩ quan không quân quả cảm, hào hùng.
Khi còn trong độ tuổi thanh niên, Lý Tống đã nhận thức về nghĩa vụ của chàng trai thời chiến, chỉ muốn tung hoành ngang dọc và kiên tâm theo đuổi lý tưởng chống cộng sản, không sợ hãi, không nản lòng trước mọi hoàn cảnh.
Gác bút nghiêng khi vừa tròn 18 tuổi, ông đi một vòng từ miền Trung ra đến tận vùng cao nguyên thăm anh ruột là ông Lê Xuân Nhuận, dự một bữa tiệc tại Ty Cảnh sát Quốc gia tỉnh Quảng Đức và có dịp gặp gỡ nhiều yếu nhân tại đây để chuyện trò, trước khi vào Sài Gòn xin gia nhập binh chủng Không quân, chính thức bước vào con đường binh nghiệp.
Ông Nhuận kể, trong khoảng thời gian từ năm 1970 đến 1973, Lý Tống thường ghé văn phòng Đặc Cảnh vùng II thăm người anh, mỗi lần đến là dắt theo một cô bạn gái mới.
Không chỉ nổi tiếng đào hoa, Lý Tống thường phóng xe hơi như bay, ít chịu dừng lại trạm kiểm soát quân cảnh, nên người anh của ông thường bị than phiền.
Trả lời thắc mắc của các cháu nhỏ gọi bằng chú rằng vì sao ông lái xe như bay, Lý Tống thản nhiên đáp rằng ông “đang bay.”
Cũng theo lời kể của ông Lê Xuân Nhuận, Lý Tống chưa bao giờ quỳ gối khi bị bắt buộc trong thời gian bị giam cầm ở trại A-30. Trái lại, ông luôn dõng dạc thách thức “bắn đi” và không hề tỏ ra sợ hãi.
Bốn lần kết án, 32 năm tù giam
Tên tuổi của Lý Tống đi vào lịch sử của những tấm gương được người Việt hải ngoại một thời ghi nhận là một người ‘chống Cộng kiêu hùng’, luôn tìm cách tấn công vào hệ thống cộng sản ở bất cứ đâu, không chỉ ở Việt Nam.
Tạp chí Reader’s Digest có bài viết về cuộc vượt ngục của Lý Tống với tựa đề “Ly Tong’s The long trek to freedom.” New York Times có bài “An old soldier still fights Vietnam War“. Orange County Register có bài “Ly Tong is a hero, symbol, renegade“, và còn nhiều bài khác nữa.
Cũng không thiếu người cho Lý Tống là kẻ ngông cuồng, nhưng điều ai cũng đồng ý là không mấy ai quyết lòng theo đuổi lý tưởng chống Cộng đến cùng như ông.
Tháng 4 năm 1975, khi bộ đội Bắc Việt tiến vào miền Nam, Lý Tống không di tản, mà lái chiếc A-37 của biên đội Ó Đen dội bom khu vực đóng quân của bộ đội Bắc Việt. Phi cơ bị bắn rơi, Lý Tống bị ngồi tù 5 năm, giai đoạn đầu tiên ông bị giam cầm.
Tại đây, Lý Tống vượt ngục sang Campuchia, đến Thái Lan, và cuối cùng xin tị nạn chính trị tại Singapore. Ông sang Hoa Kỳ định cư từ năm 1984, theo học bậc cao học tại trường đại học New Orleans, Florida.
Không yên phận của một người lính “rã hàng,” Lý Tống tiếp tục lao vào cuộc chiến đấu. Hình như ở ông lúc nào sục sôi nỗi căm thù chế độ cộng sản, chỉ muốn lật đổ họ bằng mọi cách.
Ba lần ‘cướp máy bay’
Năm 1992, trong một chuyến bay của hãng hàng không Vietnam Airlines, Lý Tống uy hiếp phi công lái chiếc phi cơ A 310 bay vòng vòng không phận Sài Gòn để ông thả truyền đơn kêu gọi người dân Việt Nam nổi dậy lật đổ nhà cầm quyền cộng sản. Sau đó, ông nhảy dù rơi xuống một ao rau muống. Lý Tống bị đưa ra toà kết án 20 năm tù về tội không tặc.
Cựu đại sứ Ted Osius nói về ‘người Việt nhập cư bị trục xuất’
‘Tôi không hạnh phúc ở Mỹ nên đã đến Việt Nam’
Việt kiều Mỹ sống với nỗi lo bị trục xuất
Từ Mỹ nhìn về giáo dục ở Việt Nam
Tháng 9 năm 1998, nhà cầm quyền Việt Nam phóng thích và trục xuất Lý Tống trở về Hoa Kỳ nhân một đợt đặc xá tù nhân.
Vẫn không chịu ngơi nghỉ, cũng trong năm đó, Lý Tống lái phi cơ đột nhập lãnh thổ Cuba để rải truyền đơn. Chưa dừng lại ở đây, trong ngày đầu năm mới, 1 tháng Giêng năm 2000, Lý Tống lái một chiếc phi cơ loại nhỏ cất cánh từ Florida bay sang La Habana để rải truyền đơn kêu gọi nhân dân Cuba nổi dậy lật đổ chính quyền cộng sản.
Khi quay trở về, Lý Tống bị Cục Di trú và Hải quan Hoa Kỳ bắt giữ để thẩm vấn.
Ông được phóng thích nhưng bị Cục Hàng không Dân dụng liên bang Hoa Kỳ FAA thu hồi bằng lái, mặc dù được người Cuba chống cộng sản coi như là anh hùng.
Chưa chịu dừng lại, 11 tháng sau, Lý Tống sang Thái Lan đánh cướp một chiếc phi cơ loại nhỏ bay sang Sài Gòn, vòng vòng trên không phận để thả xuống hơn 50,000 tờ truyền đơn kêu gọi nhân dân Việt Nam nổi dậy lật đổ chính quyền cộng sản. Khi phi cơ hạ cánh xuống phi trường của Thái Lan, ông bị bắt đưa ra toà kết án 7 năm tù, bản án thứ ba dành cho ông.
Lý Tống đã làm sôi động dư luận hải ngoại không ngớt tranh đấu để đưa ông ra khỏi nhà tù và tránh bị chính phủ Thái Lan dẫn độ về Việt Nam.
Cuộc tranh đấu trong đó có biện pháp tuyệt thực tại nhà tù Rayong tháng 3 năm 2006 cuối cùng đã đưa ông trở về Hoa Kỳ an toàn.
Tòa án Thái Lan từ chối yêu cầu dẫn độ Lý Tống về Việt Nam vì lý do ông không làm hại gì đến tình hình an ninh của Thái Lan.
Với tinh thần chiến đấu chống cộng sản đến cùng, ngày 24 tháng 8 năm 2008, Lý Tống lại thuê một chiếc phi cơ huấn luyện của Nam Hàn định lái đi rải truyền đơn trên không phận Bắc Hàn. Tuy nhiên, ông bị bắt tại phi trường Seoul trước khi hành động, không bị kết án vì chưa thực hiện hành vi.
Ngày 19 tháng 7 năm 2010, Lý Tống tranh đấu trực diện bằng cách tấn công ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng mà ông cho là văn nô cộng sản. Lý Tống mặc váy, trét phấn thoa son giả dạng một phụ nữ tham dự chương trình trình diễn của ca sĩ họ Đàm tại San Jose.
Ông cầm bó hoa lên tặng và lợi dụng cơ hội này để xịt hơi cay vào mặt Đàm Vĩnh Hưng. Lý Tống bị bắt, ra toà ngày 21 tháng 7 năm 2012 bị kết án 6 tháng tù và 3 năm quản thúc về tội tấn công người khác, bản án thứ tư dành cho ông.
Lý Tống đã làm quá nhiều việc khó có người bình thường nào có thể làm được. Tin tưởng vào Thiên Chúa, công lý và nhiệm vụ chống cộng của chính mình, ông là một trong số ít nhân vật kiên quyết chống chủ nghĩa đó theo cách của mình, ở khắp nơi, từ Việt Nam, Cuba, đến Bắc Hàn.
Tôi xin trân trọng kính chào vĩnh biệt ông, người với tôi là một anh hùng bất khuất của quân đội Việt Nam Cộng Hoà.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của bà Phụng Linh tức Võ Thị Hai, hiện cư ngụ tại Nam California, Hoa Kỳ. Bà từng làm báo ở VN và tiếp tục cầm bút sau khi sang Mỹ định cư từ năm 2004.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47664909
Nếu mất Huế chính phủ của Tổng thống Thiệu
đã sụp đổ ngay từ 1972
Thất bại ban đầu của VNCH ở Quảng Trị năm 1972 khiến Cục Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) nêu nhận định rằng nếu Huế thất thủ, chính phủ của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu sẽ sụp đổ theo.
Nhận định của CIA và của cả Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào tháng 5/1972, ba năm trước khi Sài Gòn sụp đổ, về tình hình Nam Việt Nam không hề là bí mật cho ai.
Đánh giá này được đăng tải rộng rãi ở Mỹ, như bài ‘If Hue Falls, so May Thieu’trong bài gửi đi từ Sài Gòn trên New York Daily News 08/05/1972.
Một báo cáo khác của CIA ngày 07/06/1972 đánh giá chiến sự và vị thế chính trị của TT Thiệu cho thấy bức tranh khá mong manh của VNCH.
Hóa ra có tới hai ‘Tháng Tư Đen’
30/04: Những xui xẻo định mệnh của VNCH
Về trận Phước Long ở Tây Ninh năm 1975
Việt Nam Cộng Hòa trước và sau Tết Mậu Thân 1968
Điểm nổi bật trong đánh giá của CIA là sự tồn vong của chế độ mà Tổng thống Thiệu lãnh đạo nay hoàn toàn dựa vào sức chiến đấu của quân đội.
Việc ông Thiệu hoàn toàn kiểm soát giới tướng lĩnh, và các ý tưởng đảo chánh trong họ đã biến mất, sau một giai đoạn đầy bất ổn 1963-67, cũng khiến ông Thiệu, dù sao đi nữa, vẫn là nhân vật mạnh nhất.
Lý do là “đối lập bên trong thì đã tan hàng (in obvious disarray), không còn năng lực tạo ra thách thức gì nghiêm trọng cho sự kiểm soát của ông”.
“Các nhóm đối lập không cộng sản thiếu thống nhất và lãnh đạo để trình bày ra một liên minh hiệu quả cho phái chống ông Thiệu.”
Thậm chí, các hành động chính trị hiệu quả của lực lượng cộng sản chống lại chính phủ trung ương “cũng yếu đi nhiều từ sau trận Tết Mậu Thân 1968”.
Đặc biệt, CIA nhắc đến phái Phật giáo Ấn Quang trong một mục riêng và nhận định rằng đây là nhóm “biệt lệ trong khả năng chính trị rộng rãi của đối lập, vì tổ chức tuyệt diệu của họ ở Trung phần VN”.
“Tất nhiên, Phật giáo Ấn Quang chưa bao giờ có đủ sức để lật đổ chính quyền Sài Gòn, nhưng có khả năng tạo ra bất ổn dân sự nghiêm trọng như đã làm năm 1966…”
CIA khẳng định “Phật giáo Ấn Quang chẳng ưa gì ông Thiệu (nguyên văn: have little love for Thieu) nhưng đi đến kết luận là ông dễ chấp nhận được hơn một người bất định như Tướng Kỳ hoặc vô hiệu quả như Tướng Minh, dù rằng các nhà sư địa phương và Phật tử từng ủng hộ bất thành ứng viên tổng thống của ông Minh”.
Cho rằng chỗ dựa chính trị của ông Thiệu trong xã hội miền Nam chẳng có gì vững chãi, nên ông dựa vào các tướng tá, khả năng chiến đấu của họ, và dựa vào sự ủng hộ công khai của Hoa Kỳ, CIA kết luận, “sự tồn vong về chính trị của ông Thiệu gắn liền với viễn cảnh của Nam VN trên chiến trường”.
Và chính đây là kết luận cho rằng sau khi mất Quảng Trị, nếu Huế thất thủ, thì ông Thiệu sẽ sụp đổ.
CIA tin rằng Huế không quan trọng về quân sự bằng Đà Nẵng, nhưng lại là biểu tượng lớn cho VNCH.
Chiếm lại Cổ thành Quảng Trị
Về quân sự, CIA nhận định chính xác rằng nếu đến mùa thu 1972, VNCH thành công trong các chiến dịch phía Bắc thì vị thế của ông Thiệu sẽ mạnh hơn nhiều, và không đối thủ nội bộ nào “đẩy ông đi được”.
Trên thực tế, sau khi mất Quảng Trị trong đợt tấn công vượt sông Bến Hải mà Bắc VN gọi là “Chiến dịch Trị Thiên” từ tháng 3 đến tháng 5/1972, VNCH và tổng thống Thiệu đã có những quyết định táo bạo.
Việc thay Chuẩn tướng Vũ Văn Giai và Trung tướng Hoàng Xuân Lãm bằng Trung tướng Ngô Quang Trưởng để làm tư lệnh Quân đoàn I – Quân khu I từ tháng 5, đã góp phần làm đảo ngược thế cờ cho VNCH.
Cũng phải nói vào giai đoạn này, Hoa Kỳ vẫn còn quyết tâm bảo vệ miền Nam và Hạm đội 7 đã hỗ trợ tối đa về phi pháo và oanh kích bằng không quân, gồm cả B-52 cho Tướng Trưởng để ông có thể giành lại Cổ thành Quảng Trị ngày 16/09.
Hai bên đều thiệt hại rất nhiều sinh mạng nhưng VNCH còn tồn tại thêm được gần ba năm nữa.
Cũng trong thời gian diễn ra các trận đánh Mùa hè Đỏ lửa 1972, phía Mỹ nhận định rằng việc yểm trợ bằng không quân và phi pháo của họ là yếu tố tối quan trọng cho sức chiến đấu của quân lực VNCH.
Điều này đã không còn vào tháng 3/1975, như chính các báo cáo khác của CIA vào thời gian đó ghi lại.
‘Cuộc chiến Anh-Mỹ’ về cách đánh ở VN
Ngày 30 tháng Tư từ ‘một góc nhìn khác’
30/04: Bên thắng cuộc và thua cuộc nghĩ gì?
Trong cuộc gặp cuối cùng với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ngày 2/04/1975, trưởng nhiệm sở CIA, Ted Shackley ghi lại rằng ông Thiệu “tóc bạc đi nhiều” (so với lần gặp cuối năm 1973), và trông ông “e dè, giảm nhiệt huyết”.
Trước đó hơn một tuần, tối 25/03/1975, quân đội miền Bắc đã chiếm trọn Huế và tiếp tục tấn công để làm chủ toàn bộ Quân khu I.
Đúng như nhận định hồi 1972 của CIA, Huế thất thủ là sự nghiệp của ông Thiệu khó đứng vững.
Vào thời điểm hai bên nói chuyện, ông Shackley cho Tổng thống Thiệu hay quân đội Bắc Việt đã xuất hiện ở cấp sư đoàn tại 17 điểm trên toàn lãnh thổ VNCH.
Hoa Kỳ vẫn cố gắng thuyết phục ông Thiệu cải tổ chính phủ để tạo ra bộ mặt đoàn kết quốc gia, điều ông chưa hề thực sự muốn làm, và đã không làm.
Chính vì thiếu một chính phủ ít nhiều có tính dân chủ đại diện hơn, sự ủng hộ của dư luận Hoa Kỳ với ông Thiệu và VNCH ngày càng giảm, đến chỗ không còn gì.
Ngày 10/04, để cứu vãn tình thế phút chót, Tổng thống Gerald Ford xin Quốc hội 722 triệu USD viện trợ quân sự cho VNCH, cùng 220 triệu viện trợ kinh tế.
Cuộc thảo luận không đi đến đâu và chấm dứt ngày 17/04.
Sang ngày 21/04, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lên truyền hình tuyên bố từ chức.
Ngày 30/04/1975, lực lượng cộng sản tiến vào thủ đô của miền Nam.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47831447
4 người Việt bị toà Australia phạt tù vì trồng cần sa
Một toà án ở Australia hôm 5/4 đã tuyên án tù đối với 4 người Việt Nam bị kết tội trồng cần sa ở nước này. Tờ The Herald của Australia đưa tin.
4 người bị kết án là Tuan Dac Trinh, 38 tuổi, Kim Phuong, 50 tuổi, mỗi người nhận án tù 3 năm 4 tháng vì trồng cần sa ở mức độ lớn; 2 người khác là Vuong Luu Quoc, 27 tuổi bị kết án 2 năm rưỡi tù và Anh Quang Phạm, 26 tuổi, bị kết án 2 năm 3 tháng tù.
Những người này bị cảnh sát Australia bắt giữ hồi tháng 2 năm 2017 sau khi hàng trăm cây cần sa bị phát hiện tại những căn nhà ở ngoại ô Mailand, New South Wales, trong những đợt bố ráp của cảnh sát tại khu vực.
Trong 4 người bị bắt giữ, hai người là Quoc và Trinh là những người nhập cư trái pháp vào Australia và sẽ bị trục xuất về Việt Nam sau khi thu án tù.
Chính phủ Australia ước tính hiện có khoảng hơn 2.300 sinh viên Việt Nam ở quá hạn visa tại nước này, nhiều người trong số họ tham gia vào các hoạt động trồng và bán cần sa.
Tù nhân lương tâm Nguyễn Ngọc Ánh
được gặp gia đình sau 7 tháng biệt giam
Tin từ Bến Tre – Tù nhân lương tâm Nguyễn Ngọc Ánh được gặp gia đình lần đầu tiên sau 7 tháng bị biệt giam trong trại tạm giam của công an tỉnh Bến Tre.
Ngày 4 tháng 4, chị Châu cùng con trai đã được gặp chồng tại trại giam, người bị bắt ngày 30/8/2018 với cáo buộc “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015.
Kể từ khi bị bắt, anh Ánh, một chủ đầm tôm ở Bến Tre, bị biệt giam trong quá trình điều tra. Anh vẫn chưa được gặp luật sư của mình cho dù luật tố tụng hình sự quy định bị can được quyền trợ giúp của luật sư ngay sau khi bị bắt.
Nguyễn Ngọc Ánh, sinh năm 1980, từng tốt nghiệp đại học Nông nghiệp. Anh có nhiều bài viết và live streams trên Facebook nhằm cổ suý nhân quyền và dân chủ.
Nhà cầm quyền tỉnh Bến Tre cho rằng những hoạt động trực tuyến của anh gây hại cho chế độ toàn trị và quyết định bịt miệng anh bằng việc bắt giữ vào cuối tháng 8 năm ngoái.
Sau khi bắt giữ anh, công an Bến Tre liên tục sách nhiễu vợ anh, người đang nuôi con nhỏ. Chúng ép ngân hàng đòi nợ trước kỳ đáo hạn, buộc vợ anh phải bán rẻ đầm nuôi tôm. Chúng còn theo dõi và tra khảo chị về việc nhận tiền giúp đỡ từ những người hảo tâm.
Việc anh được gặp gia đình đồng nghĩa với việc kết thúc điều tra và anh có thể bị đưa ra toà trong thời gian tới. Nếu bị kết tội, anh có thể phải đối mặt với mức án tù từ 7 đến 12 năm.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/tu-nhan-luong-tam-nguyen-ngoc-anh-duoc-gap-gia-dinh-sau-7-thang-biet-giam/
Nước Đức và vụ trục xuất ông Nguyễn Quang Hồng Nhân
Lê Mạnh HùngGửi tới BBC Tiếng Việt từ Berlin, Đức
Bị cảnh sát CHLB Đức cùng Sở Ngoại kiều vùng Nürnberg (Nuremberg) phối hợp bắt và đưa ra sân bay trục xuất thẳng về Việt Nam lúc 8 giờ sáng, ngày 26/3, vợ chồng nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam Nguyễn Quang Hồng Nhân hiện đang bặt tin ở một nơi nào đó ít người hay.
Luật sư người Đức Manfred Hörner cho rằng sau khi về tới Việt Nam, vợ chồng ông Nhân, thân chủ của ông, đã bị an ninh Việt Nam tạm giữ và thẩm vấn hàng chục giờ đồng hồ rồi mới thả cho tự do.
Vụ tước quốc tịch của Phạm Quang Minh Amin
Vlog ‘Chính trị Việt Nam’ của Nguyễn Đức Anh gây tranh cãi
Việt – Đức sắp khôi phục quan hệ đối tác chiến lược?
Cô con gái của hai người này – nghệ sĩ dương cầm tài năng Nguyễn Quang Hồng Ân, 19 tuổi, là sinh viên âm nhạc tại Nürnberg hiện đang lo sợ bản thân cũng có thể bị trục xuất về Việt Nam bất kỳ lúc nào, đã tuyệt vọng báo động cầu cứu khắp nơi cho truyền thông và các tổ chức, hội đoàn giúp đỡ.
Ông Nguyễn Quang Hồng Nhân là ai?
Đài BR (Bayerischer Rundfunkt) của vùng Nam Đức mô tả rằng ông Nhân là một nhà bất đồng chính kiến, một cây bút phê bình chế độ nổi danh ở Việt Nam, từng bị chính quyền Việt Nam bắt giam, kết án 20 năm tù và đã thụ án chừng 17 năm trời ở Việt Nam với cáo buộc “hoạt động tuyên truyền, chống phá cách mạng”, trước khi ông cùng gia đình sang Đức.
Năm 2015, tận dụng cơ hội được phép tháp tùng cô con gái Nguyễn Quang Hồng Ân (khi đó 15 tuổi) sang tham dự cuộc thi piano ở Áo và Đức, cả gia đình ông Nhân đã nột đơn xin tị nạn chính trị tại Đức.
Đơn xin tị nạn đã bị cơ quan cứu xét Liên bang có chi nhánh tại vùng Bayern (Bavaria) bác bỏ.
Gia đình ông Nhân nộp đơn lần thức hai, đồng thời nỗ lực tiến hành thủ tục di trú sang Canada.
Trong khi chờ đợi mọi thủ tục, gia đình ông Nhân vẫn phải sống trong khu trại tị nạn của Bang Bayern-vùng nổi tiếng về sự khắt khe đối với người xin tị nạn, và cô con gái vẫn theo học nhạc tại trường nhạc Nürnberg.
Vì sao Đức trục xuất vợ chồng ông Nguyễn Quang Hồng Nhân?
Lý do là bởi Sở Ngoại kiều vùng Nürnberg chỉ máy móc căn cứ vào việc đơn xin tị nạn của gia đình ông Nhân đã bị bác, trong lúc luật sư của gia đình ông Nhân không cung cấp được đầy đủ những thông tin về khả năng ông Nhân sẽ gặp nguy hiểm bị trả về Việt Nam bởi những hoạt động chính trị nổi trội của ông, kể cả sau khi ông rời khỏi Việt Nam.
Tình trạng sức khoẻ tồi tệ của ông Nhân cũng có thể là một lý do để trì hoãn trục xuất cũng đã không được nhấn mạnh.
Tình hình Việt Nam hiện nay, theo các nhân viên Đức này là không có gì nguy hiểm đối với những người như ông Nguyễn Quang Hồng Nhân.
Họ cũng cho rằng không hay biết gì về kế hoạch đi Canada của gia đình ông Nhân.
Ở đây nổi trội khả năng đã có một sự làm việc không trôi chảy giữa gia đình ông Nhân và Luật sư Manfred Hörner.
Tiểu bang Bayern đang là nơi có chủ trương mạnh mẽ nhất ở Đức chống lại dòng người nhập cư và mong muốn trục xuất nhiều như có thể những người không được quyền lưu trú ra khỏi Đức.
Phản ứng của truyền thông đã mang lại điều gì?
Từ một vài cuộc điện thoại cầu cứu ban đầu của cô con gái Nguyễn Quang Hồng Ân, tin tức đã lan toả rất nhanh chóng.
Một loạt bài tường thuật về vụ việc đã xuất hiện trên các báo Đức như TAZ, Süddeutsche Zeitung, Deutsche Welle, Đài BR.
Một loạt các tổ chức xã hội dân sự giúp đỡ người tị nạn, tổ chức Phóng viên Không biên giới đã được báo động và tìm cách giúp đỡ.
Các chính trị gia, các đảng phái đối lập trong Nghị viện bang Bayern đã lên tiếng chỉ trích “Đây là một vụ trục xuất tàn nhẫn, vô nhân đạo”, “Hoàn toàn tê liệt trong chính sách đối với người tị nạn của chính quyền bang Bayern”, “Cần phải tạo cho những nạn nhân này quyền được quay trở lại Đức”, “Cần phải bảo vệ cô con gái của gia đình trước đe doạ bị trục xuất”.
Kết quả cho tới nay (cũng theo đài BR) Cơ quan Liên bang về Nhập cư và Tị nạn (BAMF) đã tuyên bố cứu xét lại đơn xin tị nạn của ông Nguyễn Quang Hồng Nhân.
Bộ Ngoại giao Đức cũng đã được thông tin và tuyên bố sẽ quan tâm theo dõi vụ việc này.
Người bị trục xuất oan uổng có thể được đón trở lại Đức hay không?
Có thể!
Trong quá khứ đã có một số trường hợp nạn nhân bị trục xuất không đúng ra khỏi Đức về các nước như: Nigeria, Afghanistan, Kosovo, Marokko, Simbabwe, Trung Quốc và Tunisia.
Một tổng kết cuối năm 2018 cho biết có bảy trường hợp trục xuất không đúng này và chính phủ Đức thấy có trách nhiệm phải tìm cách đưa họ trở lại Đức.
Điển hình như vụ trục xuất một người theo đạo Hồi tên là Sami A. khiến xôn xao dư luận Đức cách đây chưa lâu. Toà án cấp cao Bang Nordrhein-Westfallen đã ra phán quyết buộc chính quyền phải tìm cách đưa bằng được người này trở lại Đức bởi anh ta sẽ gặp nguy hiểm ở nơi bị đưa về.
Vụ trục xuất gia đình nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Quang Hồng Nhân từ Đức về Việt Nam sẽ là một chủ đề không nhỏ trên truyền thông và dư luận Đức những ngày tới đây.
Sự hoạt động có hiệu quả tới đâu của một nhà nước pháp quyền như CHLB Đức, vai trò của truyền thông trung lập và tác động của các tổ chức xã hội dân sự như thế nào tới đời sống chính trị nơi đây… sẽ được chứng minh trong thời gian tới.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả, một nhà báo tự do hiện đang sống tại Berlin, Đức.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-47838595
Kỳ vọng Mỹ – Việt nếu Chủ tịch Trọng thăm Hoa Kỳ
Nếu đi thăm Hoa Kỳ, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng sẽ đến một nước Mỹ đang có cuộc ‘đọ găng’ kinh tế và địa chính trị với Trung Quốc.
Vì Việt Nam được cho là đang ‘hưởng lợi’ từ thương chiến Mỹ – Trung, đây là dịp nhìn nhận các kỳ vọng trong và ngoài từ một chuyến thăm cao cấp của lãnh đạo Việt Nam sang Hoa Kỳ sau khi Hà Nội đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều.
BBC News Tiếng Việt phỏng vấn Tiến sỹ Phạm Đỗ Chí từ Hoa Kỳ về chủ đề này.
BBC:Trang Nikkei Asian Review trong bài mới đây của Tomoya Onishi cho rằng Việt Nam hưởng lợi nhiều từ thương chiến Mỹ – Trung, với xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng mạnh, vậy thực chất câu chuyện là gì thưa ông?
TS Phạm Đỗ Chí: Như tôi đã nêu lên cùng điểm này trước đây, Việt Nam đã hưởng lợi nhiều từ thương chiến đó từ giữa năm 2018, không phải chỉ từ xuất khẩu tăng sang Mỹ thay các mặt hàng Trung quốc bị áp thuế suất, nhưng đáng kể hơn nữa là tác động lên một số doanh nghiệp ngoại quốc dời trụ sở từ Trung Quốc sang Việt Nam, nhất là thành phố Sài Gòn.
Chủ nghĩa Xã hội đang ‘nhen nhóm’ ở Mỹ?
NV Nguyễn Tâm: ‘Đảng Dân Chủ khó lật ngược thế cờ’
Bầu cử giữa kỳ Mỹ: 5 nhận xét quan trọng
Lượng đầu tư FDI tiếp tục dâng cao, số doanh nhân và công nhân ngoại quốc, nhất là Nhật Bản, đã gây ảnh hưởng đáng kể lên nhu cầu tìm văn phòng và nhà ở tại các thành phố lớn. Mức sống vốn đã lên cao ở các thành phố vì giới trung lưu trong nước nay lại tăng thêm do mãi lực từ người nước ngoài, và là động lực cho tăng trưởng kinh tế được kỳ vọng duy trì ở mức 7% của năm ngoái.
BBC:Hoa Kỳ rộng tay hơn cho hàng hóa Việt Nam trong khi đang ngăn chặn hàng TQ? Hay đây chỉ là một ý kiến từ Nhật Bản, nước đối thủ của Trung Quốc từ lâu muốn ‘hướng Nam’ và thúc đẩy quan hệ với Việt Nam để ‘san sẻ rủi ro’ khi đầu tư vào TQ?
Hoa Kỳ thực chất không muốn “rộng tay” hơn với hàng Việt Nam, như Tổng thống Trump đã tuyên bố trước đây là cần giảm mức nhập siêu từ Việt Nam và có lẽ ông sẽ nêu quan điểm này với Chủ tịch Nước Việt Nam. Tuy nhiên rõ ràng là Nhật Bản đã tiên liệu trước đầu tư và sản xuất quốc tế sẽ chạy bớt khỏi Trung Quốc để sang Việt Nam, là nước cũng được dự đoán sẽ mong thiết lập thế “đối tác chiến lược” với Mỹ và nhờ đó sẽ được xuất hàng sang dễ dàng hơn.
Tất nhiên phải kể đến chiến lược lâu dài của Nhật là bớt tập trung đầu tư vào một chỗ như Trung Quốc và đặt thêm đầu cầu ở Việt Nam (thay vì Thái Lan được coi có tình trạng chính trị bất ổn) như một đối tác chiến lược mới trong lâu dài, bên cạnh mối lo an ninh quân sự ở Biển Đông như các nước trong khối Ấn Độ- Thái Bình Dương.
BBC:Tình hình Hoa Kỳ hiện ra sao? Tổng thống Donald Trump đã ‘thoát hiểm chính trị’ sau vụ điều tra của Robert Mueller hay chưa?
TS Phạm Đỗ Chí: Tình hình nước Mỹ nói chung vẫn ở vị thế ổn định của cường quốc đứng đầu với kinh tế tăng trưởng mạnh ở mức 3%, thất nghiệp mức thấp kỷ lục, lạm phát cũng chưa bật lại cao như nhiều quan sát viên lo ngại sau chuỗi kinh tế phục hồi kéo dài 10 năm và thị trường chứng khoán vẫn quanh mức cao kỷ lục.
Nhưng tình hình chính trị ở thủ đô Washington vẫn là “mối bòng bong” quanh cá nhân TT Trump, với các thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ đảng Dân Chủ vẫn nhăm nhe “ăn sống nuốt tươi” ông này nếu có thể được, dù Bản Tóm tắt của Báo cáo Mueller do Bộ Tư Pháp soạn đã chỉ ra là Tổng thống Trump không “đi đêm” với Nga để thắng cuộc bầu cử tháng 11/2016.
Các quan chức và phe chống đối ông Trump tiếp tục nhằm vào hai điểm chính sau:
Không thỏa mãn với “Bản Tóm Tắt” (theo nguyên tắc phải lược bớt các bí mật liên quan đến an ninh quốc phòng Mỹ), đòi xem nguyên văn bản chính.
Đòi ông Trump tiết lộ bản khai thuế cá nhân trong 7 năm qua theo thói quen của các vị tổng thống tân cử trước, mặc dù mỗi cá nhân người Mỹ được quyền giữ kín các bản này theo Hiến pháp.
Có thể tiên đoán Tổng thống Trump sẽ tiếp tục điên đầu với các nguồn dư luận liên hệ, nhưng thực tế mà nói ông không còn chịu mối đe dọa phải rời Nhà Trắng do luận tội (impeachment) vì kết án đi đêm với Nga hay cá nhân ông Putin. Vả lại, đảng Cộng Hòa vẫn nắm giữ Thượng viện, chuyện đó không thể xảy ra dù với đồng ý của Hạ viện do đảng Dân Chủ nắm giữ.
Một chi tiết đáng để ý khác là tiếng nói đang lên của một nhóm nhỏ trong đảng Dân Chủ như TNS Bernie Sanders hay thành viên Hạ viện trẻ tuổi Alexandria Ocasio-Cortez, đòi áp dụng một số chính sách kinh tế của Chủ nghĩa Xã hội (CNXH) cho chính Hoa Kỳ, nước tư bản cầm đầu thế giới.
Họ đang hô hào chuyện tăng bội chi ngân sách để áp dụng một số dịch vụ miễn phí quan trọng trong giáo dục và y tế, là hai điểm “huyết mạch” trong bất kỳ xã hội nào. Một số tờ báo lớn khuynh tả có ảnh hưởng cũng kêu gọi ủng hộ các nghị trình này.
Đáng kể nữa là có cả một giáo sư của Stony Brook University ở New York, bà Stephanie Kelton, lên tiếng ủng hộ nhóm Dân Chủ này với các chi tiêu xã hội sẽ rất lớn nêu trên dù có làm bội chi ngân sách nhảy vọt.
Bà đã nêu ra một ‘Lý thuyết Tiền tệ Hiện đại’ (Modern Monetary Theory—MMT), theo đó bội chi ngân sách của Mỹ dù khổng lồ chăng nữa cũng “không còn là mối lo” và Mỹ có khả năng vay nhiều hơn nữa. Trong khi giới kinh tế gia dòng chính vẫn lo tác động của các chính sách này lên lạm phát và giá trị của đồng đô la Mỹ, do vay mượn quá sức.
Tóm lại, lúc này ai nói gì cũng được vì “lời nói không bị đánh thuế”. Nhưng vào giữa năm tới 2020 lúc mùa tranh cử Tổng thống Mỹ trở lại, lời phán đoán cuối cùng cho Chủ nghĩa Xã hội của người dân Mỹ mới có thể biết được, và ông Trump nếu còn sức khỏe ra tranh cử sẽ gặp may mắn bất ngờ nếu có chống đối lớn với vấn đề không mới này.
BBC: Trở lại với thương chiến Mỹ – Trung? Tình hình hiện đang ở đâu?
TS Phạm Đỗ Chí: Trái với dự đoán rộng rãi của giới truyền thông vào cuối tháng Hai, cuộc gặp ‘chốn thân tình’ của ông Trump đã hẹn với ông Tập Cận Bình ở Mar-a-Lago, Floriday đã không xảy ra cuối tháng Ba 2019.
Lý do chính nêu ra phía Mỹ là Trung Quốc chưa sẵn sàng để đạt đến một bản thương thảo quy mô, theo đòi hỏi của năm phái đoàn Mỹ liên tiếp lúc họp ở cả hai nước, xứng đáng để hai ông ký trong một kỳ họp thượng đỉnh.
Mặt khác theo nguồn tin hành lang không chính thức từ Washington, có thể Tổng thống Trump đã học được bài ‘chua cay’ từ cuộc họp thượng đỉnh với ông Kim Jong-un của Triều Tiên, là không để đối tác lợi dụng tên tuổi của mình (Trump) nhằm quảng cáo nâng cao uy tín riêng trong nước của họ. Đi họp khi đối tác chưa sẵn sàng cũng vô ích.
Ngoài ra còn có nhận định ngoài lề là ông Kim Jong-un có thể đã có tin tức sai lạc từ nguồn nào đó và đánh giá sai thế chính trị nội bộ của ông Trump buổi họp cuối hôm 28/2/19 ở Hà Nội – cả đêm trước ông Trump phải ngồi khách sạn xem tin các Nghị sĩ Hạ viện thuộc Đảng Dân Chủ vạch tội mình qua kết án của người luật sư cũ là ông Cohen – nên nghĩ là ông Trump đang ở “thế yếu” ở thủ đô Mỹ và cần một ‘good deal ở Hà Nội’ bằng bất cứ giá nào. Và Bình Nhưỡng đã đòi Mỹ phải bỏ hết cấm vận, như điều kiện để Triều Tiên tiến tới các bước phi hạt nhân hóa. Kết quả là gì? Tổng thống Trump đã bỏ tiệc trưa đi về ngay Mỹ ở thế mạnh.
Từ các kinh nghiệm trên, phái đoàn Mỹ đang thương thảo lần 6 ở ngay thủ đô Hoa Kỳ và hy vọng là lần cuối cùng với đoàn cấp cao Trung Quốc do ông Lưu Hạc dẫn đầu. Nội dung xoay quanh bốn vấn đề chính:
Phải có một chương trình tổng thể trong 5 năm gồm cải cách thể chế kinh tế thị trường thật sự ở Trung Quốc, nhằm tăng gia mạnh các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ một cách qui mô, chứ không phải chỉ tuyên bố mua thêm vài chục chiếc Boeing hay bớt thuế lên xe Mỹ, hay mua nông sản từ vài bang Mỹ…
Trong khi chờ đợi mở cửa thị trường Trung Quốc cho các mặt hàng Mỹ chính, việc áp dụng các áp thuế vẫn tiếp tục và theo thời khóa biểu của từng mặt hàng được vào. Và riêng Bộ trưởng Thương mại Mỹ Robert Lighthizer còn đòi thêm thỏa ước khắt khe là sau khi Mỹ bỏ thuế nhập, nếu Trung Quốc trở mặt đặt lại hạn chế hay thêm rào cản thương mại, Mỹ có quyền tái áp dụng tariff đã gỡ bỏ, mà Trung Quốc không có quyền làm tương tự lên hàng Mỹ.
Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho Hoa Kỳ, và đặc biệt là cho phép các hãng Mỹ lập ở Trung Quốc mà không đòi hỏi chuyển giao các công nghệ cao và mật.
Chuyện gián điệp trong công nghệ và viễn thông cũng sẽ được thỏa thuận một cách chính thức, khi hai công ty Trung Quốc là ZTE và Huawei vẫn là ám ảnh của Mỹ và nhiều nước Tây Âu.
BBC:Nếu xảy ra chuyến thăm của TBT- CT Nguyễn Phú Trọng sang Hoa Kỳ tới đây, thì kỳ vọng từ các bên mà ông ghi nhận cho chuyến thăm Mỹ như vậy là gì? Nhà Trắng mong đợi gì và có kỳ vọng quá cao vào một vai trò của Việt Nam trong khu vực hay không?
TS Phạm Đỗ Chí: Việc mời Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng sang thăm Mỹ phần nào thể hiện nhã ý cám ơn của Tổng thống Trump với việc Việt Nam giúp tổ chức chu đáo kỳ họp thượng đỉnh Trump-Kim ở Hà Nội như nêu trên. Phần khác, Hoa Kỳ cũng muốn khuyến khích và nêu cao vai trò của Việt Nam trong khu vực, và trông chờ Việt Nam hỗ trợ chiến lược mới của Tổng thống Trump trong việc thành lập liên minh ‘Ấn Độ-Thái Bình Dương’ được đề cập rộng rãi trong giới truyền thông, như đối trọng với Chiến lược ‘Vành Đai và Con Đường’ của Trung Quốc và nhất là ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Về phần Việt Nam, chắc chắn Chính phủ Việt Nam sẽ nhân dịp này nâng cao thế đứng của đất nước mình trên trường quốc tế, và thiết lập thế đối tác chiến lược với Hoa kỳ – ả về thương mại và an ninh quân sự. Dù kỳ vọng này có thể là tế nhị trong thế ngoại giao với Trung Quốc; tuy nhiên với thành tích lịch sử về “đu dây chính trị”, Việt Nam hy vọng sẽ có thể vượt qua các trở ngại về mặt này mà sẵn sàng thương thảo với Mỹ.
Riêng nhân dân Việt Nam, theo ý riêng của tôi, cũng sẽ đặt rất nhiều kỳ vọng vào chuyến đi này của ông Trọng, khi mà nhiều ý kiến tin rằng có không ít người dân Việt Nam vẫn ủng hộ nồng nhiệt ông Trump, với các chính sách nội bộ làm cho “nước Mỹ mạnh” và chiến lược cương quyết đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông, và là hy vọng bảo vệ an ninh và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam trong tương lai.
Người dân cũng mong mỏi ông Trọng sẽ đem đến thông điệp của một Việt Nam tương lai sẵn sàng cải cách thể chế theo hướng dân chủ, dẫn dắt nền kinh tế theo hướng thị trường thật sự để trở thành một đối tác chiến lược xứng đáng của Mỹ ở Á châu.
Nếu các mong ước thiết tha này của cả dân tộc Việt Nam gồm gần 100 triệu người, tính cả cộng đồng hải ngoại gồm 4 triệu người, được Chủ tịch Trọng và chính phủ của ông thực hiện, các kỳ vọng nêu trên của Hoa Kỳ với Việt Nam không phải là không khả thi.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47831446
Ba Lan: Lò mổ lậu đang gây hại cho uy tín người Việt Nam
Ngô Hoàng MinhGửi tới BBC từ Warsaw
Vụ đài báo Ba Lan phát hiện vào cuối tháng 3/2019 ra một lò mổ bất hợp pháp do người Việt Nam làm chủ, cung cấp thịt từ nguồn không rõ xuất xứ ra thị trường đang gây chấn động cộng đồng Việt ở Warsaw.
Người Việt ở Ba Lan sinh sống với số lượng khá đông đảo và tồn tại được ở nơi xa xứ hàng chục năm nay là nhờ có hai ngành chính: ngành chủ lực là công việc buôn bán hàng vải và giầy dép, ngoài ra có ngành thứ hai là ẩm thực.
Ba Lan: Người VN gặp phải nạn kỳ thị chủng tộc
Ba Lan: ‘Băng đảng Việt chuyển hàng triệu euro’
Ba Lan kiểm tra chợ châu Á có đông người Việt
Ba Lan bắt giám đốc ‘rửa tiền triệu cho mafia VN’
Sau này mới xuất hiện thêm ngành dịch vụ thứ ba là ngành làm nghề làm đẹp (móng chân, móng tay), thường được biết đến là nghề nail.
Gần đây, chính quyền Ba Lan tăng cường kiểm soát và thu thuế, đặc biệt là thuế giá trị gia tăng – VAT. Ngành hải quan và thuế của Ba Lan đang tìm mọi cách kiếm thật nhiều tiền cho ngân sách chính phủ, để có nguồn tài chính hỗ trợ cho dân nghèo Ba Lan, trong những chương trình dân sinh nhằm phục vụ các đợt bầu cử ở quốc gia này. Cùng lúc, người ta còn đưa ra ý kiến là dân châu Á ở Ba Lan đang trốn thuế rất nhiều.
Do vậy, có một số ý kiến trong cộng đồng người Việt tin rằng chính quyền đang tìm mọi cách tăng cường kiểm tra, với mục đích chỉ để viết phiếu phạt cho những người đang buôn bán ở khu vực các Trung tâm Thương mại vùng Wólka Kosowska, ngoại ô Warsaw.
Mức tiền phạt thường được viết ở con số hàng ngàn hoặc hàng chục ngàn zloty Ba Lan. Do vậy, công việc làm ăn buôn bán của bà con đang gặp khá nhiều khó khăn.
Vì lẽ đó, nhiều người trong cộng đồng người Việt ở Ba Lan đã và đang tìm cách chuyển nghề kinh doanh buôn bán của mình sang ngành ẩm thực, để tiếp tục có thể tồn tại ở quốc gia từng được cho là khá thân thiện nhưng nay đang có rất nhiều sự thay đổi.
Tất nhiên, rất nhiều người không phải xuất thân từ nghề ẩm thực và chế biến thực phẩm, nhưng có lẽ ai cũng đang cố gắng học hỏi để chuyển ngành, nhằm cho mục đích mưu sinh của mình.
Nhắc lại vụ ‘người Việt giết thịt chó mèo’
Câu hỏi đặt ra là liệu tất cả những người Việt ở Ba Lan đã cố gắng học hỏi để hoạt động kinh doanh phù hợp với luật pháp của quốc gia này, theo tiêu chuẩn Châu Âu hay chưa?
Hơn chục năm trước đây, ngành ẩm thực của cộng đồng người Việt ở Ba Lan đã gặp phải nhiều điêu đứng, khi truyền thông Ba Lan đã đồng loạt làm chiến dịch ‘trừng phạt’ ngành này.
Nguyên nhân là có người Việt làm nghề thịt chó ở Ba Lan và trong cộng đồng đúng là vẫn có một số đồng hương vẫn coi món này là ‘khoái khẩu’ và có cầu là có cung.
Dù giết mổ chó mèo là phi pháp, người ta tin rằng một số lượng rất lớn chó, và thậm chí cả mèo và chim bồ câu hoang, ở Ba Lan đã bị giết hại. Do vậy các phóng viên báo chí và truyền hình Ba Lan đã vào cuộc, làm một chiến dịch đả kích thật lớn, tuyên truyền là người Việt sử dụng thịt chó mèo (bất hợp pháp) để làm các món ăn cho khách hàng Ba Lan trong những cửa hàng ăn uống do người Việt quản lý.
Ngoài ra, họ cho là đa số các nhà hàng của người Việt đang hoạt động không đủ tiêu chuẩn vệ sinh. Chiến dịch tẩy chay không chỉ các món ăn Việt mà cả người Việt cũng đã từng gặp những ánh mắt không thân thiện của người dân bản xứ.
Có một số cháu học sinh đã không dám đi học, vì bạn bẻ Ba Lan chê cười và trêu ghẹo, rằng bố mẹ “ăn thịt chó”.
Hàng loạt các quán bar của người Việt bị phá sản và một số người Thổ Nhĩ Kỳ đã tranh thủ mua lại với giá rất rẻ, để mở ra các quán kebab, quảng bá ngành ẩm thực của nước họ, dần dần chiếm lĩnh thị trường.
Trong khoảng thời gian dài, người Việt đã phải tự chấn chỉnh lại ngành ẩm thực của mình, cố gắng loại trừ những thiếu sót và tăng cường khía cạnh chất lượng các món ăn, nên gần đây đã lấy lại được nhiều sự tin tưởng của khách hàng Ba Lan, tức là một số quán ăn Việt lại đang có được rất đông khách Ba Lan tới thưởng thức.
Cứ tưởng mọi việc đang có xu hướng phát triển tốt đẹp, nào ngờ trong cộng đồng vẫn còn có nhu cầu ăn nhiều… thịt dê.
Vì thế có lần, trong một cửa hàng thực phẩm nhỏ của người Việt ở khu chợ Wólka Kosowska, các cơ quan chức năng đã phát hiện ra một con dê đã được thịt, đang bị cất giữ trong điều kiện không đủ tiêu chuẩn vệ sinh.
Vậy là Cơ quan Biên phòng Ba Lan, nhân chiến dịch bắt giữ những người Việt sinh sống bất hợp pháp, đã vào cuộc, và một số báo chí Ba Lan lại lớn tiếng đưa tin là người Việt vẫn sinh sống và làm việc không theo khuôn khổ pháp luật Ba Lan.
Cũng may là cả cộng đồng đã đoàn kết, dám mạnh dạn lên tiếng phản đối và mặc dù chưa thấy có cơ quan Ba Lan nào xin lỗi hay nhận lỗi là đã đưa tin sơ xuất, nhưng có lẽ phía Ba Lan đã thận trọng hơn trong vấn đề đưa thông tin về cộng đồng người Việt ở quốc gia này.
Vậy là người Việt đã tạm hài lòng với thành công ban đầu này trong công cuộc đấu tranh gìn giữ thị trường (ngành ẩm thực).
Sóng gió vụ ‘xưởng thịt gà bất hợp pháp’
Những ngày cuối tháng 3 năm nay, không ai ngờ gần đây ngành ẩm thực của cộng đồng người Việt ở quốc gia này lại bị ‘tấn công’ bất ngờ và mạnh mẽ.
Nguyên nhân là do có một số phóng viên đã theo dõi và phát hiện ra một lò mổ thị gà bất hợp pháp và hoàn toàn không đủ các tiêu chuẩn vệ sinh ở Ba Lan làng Wola Przypkowska, gần Tarczyn.
Cũng do là nhu cầu của người Việt cứ thích mua loại gà già, khó tìm trong siêu thị Ba Lan. Mà nhà sản xuất người Việt lại không chịu học hỏi và đầu tư cho cơ sở làm ăn của họ để tuân theo tiêu chuẩn giết mổ gia súc gia cầm EU.
Các cơ quan chức năng đã phát hiện ra là gà bị nhốt trong những chiếc lồng đầy phân bẩn thỉu và thậm chí trong các túi nilon, có một số lợn nuôi trong điều kiện thảm hại và bị bệnh.
Gà đã thịt thì người ta giữ lẫn chất bẩn, phân, trong túi nilon đen, loại dân Ba Lan dùng để chứa rác, tất cả không có dấu kiểm dịch, quá trình giết mổ không đủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn.
Việc kiểm tra cho thấy loại thịt gà từ lò mổ bất hợp pháp này không đảm bảo chất lượng, vì màu da gà đã thay đổi, có biểu hiện bệnh ghẻ lở. Người ta còn tìm thấy cả một số sừng, có lẽ là sừng dê, nhưng người dân Ba Lan lại tưởng là người Việt đã đặt bẫy bắt thú hoang bất hợp pháp, rồi thịt chúng mà không có xét nghiệm gì.
Môi trường khu vực ‘lò mổ gà’ này đã bị ô nhiễm với lông, xương và chất thải vứt đầy xung quanh, tới mức là người ta phải dùng máy xúc và xe tải để đào hết đi, mang rác tới chỗ xử lý.
Phóng sự trên kênh TVN khẳng định “thịt từ đây đã được bán vào các quán ăn Việt Nam ở Warsaw” và cả các bar người Việt trong khu thương xá Wolka Kosowska.
Điều này chứng tỏ ý thức của một số người Việt quả thực là quá kém và chỉ muốn làm ăn, kiếm tiền thật nhanh, bất chấp khả năng nghề nghiệp. Trong vụ việc, có năm người Việt đã bị cơ quan chức năng tạm giữ, trong đó ba người được giao cho Cục Biên phòng vì cư trú ở Ba Lan bất hợp pháp. Chưa kể cả năm người đều làm nghề giết mổ, chế biến thịt gà không giấy tờ.
Lại một lần nữa, cộng đồng người Việt ở Ba Lan thấy cần lại phải đoàn kết bảo vệ ngành ẩm thực của mình. Một số hội đoàn, tổ chức đã lên tiếng phê phán hoạt động giết mổ gia súc gia cầm trái phép kia và khẳng định đây chỉ là vụ việc đơn lẻ.
Nhưng theo người viết bài này, việc làm ăn của bà con ta sẽ ngày càng khó, nếu mỗi cá nhân không nâng cao ý thức. Bởi vì khi tự phát hiện ra những sai sót (điều kiện vệ sinh chưa an toàn) mà chúng ta không dám lên tiếng, không tự bảo nhau để chấn chỉnh lại thì trước sau các cơ quan chức năng của Ba Lan sẽ phát hiện ra.
Người Việt ở Ba Lan cần hiểu rằng chính quyền và cả người dân Ba Lan luôn có ý thức bảo vệ môi trường sống của họ. Họ cũng sẵn sàng trừng phạt khi thấy các hoạt động vi phạm.
Ngoài ra, gần đây có hiện tượng người Việt rất khó thuê được nhà của người Ba Lan, nhưng vì sao thì cần được đề cập trong một bài báo khác. Nhìn chung, nếu người Việt chúng ta không tự thay đổi thì có lẽ chúng ta sẽ không được chấp nhận tử tế ở quốc gia châu Âu này.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của ông Ngô Hoàng Minh, phiên dịch viên tuyên thệ làm việc cho Bộ Tư pháp Ba Lan. Ông sống ở Ba Lan từ 1980.
https://www.bbc.com/vietnamese/culture-social-47825767
Rừng Việt Nam tiếp tục bị tàn phá với tốc độ nhanh
Thanh Trúc
Báo cáo về hiện trạng rừng trên toàn quốc, do Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn công bố năm 2018, cho thấy Việt Nam có 14 triệu hectares rừng trên cả nước, trong đó rừng tự nhiên hơn 10 triệu, rừng trồng hơn 4 triệu.
Vẫn theo báo cáo này, diện tích rừng đủ tiêu chuẩn che phủ toàn quốc tương ứng hơn 40%, tức là có tăng nhưng chủ yếu là rừng trồng với mức sinh học thấp, còn rừng tự nhiên với mức đa sinh học cao lại giảm đi đáng kể.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Biến Đổi Khí Hậu tại Đại Học Cần Thơ bày tỏ sự nghi ngờ về con số mà Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn đưa ra:
Tôi cho là tốc độ phủ điện tích rừng không bằng tốc độ rừng bị phá. Đâu phải rừng trồng lên bao nhiêu là sống bấy nhiêu, tỷ lệ thất bại cũng nhiều. Tôi nghe báo cáo là hơn 30% tùy theo địa phương, có nơi báo cáo là 40%, nhưng theo những người làm lâm nghiệp mà tôi tiếp xúc thì chỉ chỉ khoảng hơn 20% mà thôi.
Sau những cơn lũ chết người hồi tháng Mười năm 2017, được báo chí trong nước mô tả là lịch sử, một viên chức đã về hưu của Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tại tỉnh Hòa Bình nói với đài Á Châu Tự Do phá rừng là nguyên nhân chính gây ra những trận lũ khủng khiếp như vậy.
Đấy là vấn đề rất lớn chứ không phải chuyện đùa, nó đang gây ra những đảo lộn kinh khủng và nhãn tiền, từ rừng, từ nước, từ nước ngầm cho đến các dòng sông, đều thấy một sự mất mát, một sự xuống cấp nguy hiểm.
-Ông Nguyễn Khắc Mai
Điển hình trong khoảng thời gian vài tháng của năm 2017, báo VNExpress loan tin về vụ khai thác gỗ pơ mu tại huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam hồi tháng Bảy. Bước sang tháng Tám thì báo Pháp Luật đang phóng sự điều tra về nạn phá rừng ở tỉnh Yên Bái, nói rằng lâm tặc được chống lưng cho hành động phi pháp của họ.
Cũng trong tháng Tám 2017, báo điện từ VTC News có bài nói về sư lo ngại của người dân huyện Tân Lạc , tỉnh Hòa Bình, liên quan đến việc rừng đầu nguồn bị phá làm ảnh hưởng đến đời sống và nguồn nước sử dụng ở đây.
Tháng Ba năm 2019, vụ việc đất rừng ở Sóc Sơn bị vi phạm cũng được đưa lên các mặt báo kèm chỉ thị báo cáo từ phía thanh tra chính phủ.
Thạc sĩ lâm nghiệp Nguyễn Huỳnh Thuật, người sáng lập Rừng Gọi và Nhóm Yêu Quí Động Vật Cát Tiên ở Đồng Nai, phân tích:
Rừng khắp nơi của nước ta bị tàn phá bởi các công trình xây dựng, khai khoáng hoặc thủy điện. Cái thứ hai là mở đường đi xuyên, thứ ba là xây dựng các chuỗi nhà hàng khách sạn, thứ tư là làm cáp treo, thứ năm là việc khai thác cát và thứ sáu là chuyển đổi những khu rừng nguyên sinh để làm rừng công nghiệp như vường cao su và cà phê chẳng hạn.
Theo một bản tin của AFP năm 2017 nói về nạn phá rừng ở Đắk Lak thì Việt Nam dường như không ngăn chặn được tệ nạn này. Cùng thời điểm, báo VNExpress phát hành trong nước cũng đưa tin về vụ khai thác bất hợp pháp rừng gỗ quí pơ mu tại huyện Nam Giang tỉnh Quảng Nam, có sự thông đồng giữa một phó đồn công an đia phương với lâm tặc.
Mới đây nhất, đầu tháng Tư 2019, một bài viết của tác giả Stephen Nash trên Asia Times, nói rằng kết quả nghiên cứu cho thấy Việt Nam là điển nóng của đa dạng sinh học với 30 vườn quốc gia, nơi sinh sống của hàng chục loại động vật hoang dã quí hiếm, không thua những công viên Safari nổi tiếng ở tận Kenya hay Tanzania.
Và những vườn quốc gia, những khu rừng nguyên sinh của Việt Nam như rừng Cúc Phương chẳng hạn, tác giả Stephen Nash viết tiếp, cần gấp rút được bảo tồn trước khi mọi tài sản quí báu trong đó, mà có thể khoa học chưa biết tới, bị diệt chủng và biến mất vì hành vi khai thác gỗ và nạn săn bắt thú hoang dã đang xảy ra một cách không thương tiếc.
Nhà nghiên cứu thuộc nhóm Minh Triết, ông Nguyễn Khắc Mai, nhận định:
Trên tổng thể đất nước mình không chỉ rừng phòng hộ mới bị phá hoại mà tất cả các vườn quốc gia để nghiên cứu thì cũng bị xâm phạm nghiêm trọng. Đấy là vấn đề rất lớn chứ không phải chuyện đùa, nó đang gây ra những đảo lộn kinh khủng và nhãn tiền, từ rừng, từ nước, từ nước ngầm cho đến các dòng sông, đều thấy một sự mất mát, một sự xuống cấp nguy hiểm.
Việt Nam có qui định bảo vệ rừng phòng hộ, ông Nguyễn Khắc Mai khẳng định, nhưng mặt khác lại cho người nước ngoài thuê rừng thì đó chính là hành động phá hoại gián tiếp:
Giao đất rừng cho người nước ngoài, chủ yếu là cho người Tàu thuê những khu rừng lớn, phần lớn những khu rừng ấy đều có rừng phòng hộ cả. Họ làm gì trong ấy cũng không ai biết để mà kiểm tra kiểm soát được, sự phá hoại hết sức nghiêm trọng.
Về mặt chủ trương thì rất rõ, thế còn như tôi nói là thực hiện Luật chưa được nghiêm chỉnh cho nên vẫn còn hiện tượng này hiện tượng khác.
-TS. Nguyễn Ngọc Sinh
Bảo vệ vườn quốc gia, bảo tồn rừng là trách nhiệm của con người đối với thiên nhiên và đất nước, là nhận định của thạc sĩ lâm nghiệp Nguyễn Huỳnh Thuật, từ năm 2012 từng kiến nghị chính phủ về hai dự án thủy điện ở Cát Tiên, được coi là Khu Dự Trữ Sinh Quyền Thế Giới, vì cho rằng những công trình này phá hoại môi trường, làm đảo lộn hệ sinh thái cũng như đời sống của con người và cây cỏ trong vùng. Đến năm 2013, thủ tướng chính phủ lúc bấy giờ ra quyết định ngưng việc xúc tiến dự án thủy điện ở Cát Tiên, Đồng Nai.
Về câu hỏi có thực Việt Nam đã không thể ngăn chặn được tệ nạn phá và khai thác rừng bừa bãi phi pháp hay không, chủ tịch Hội Bảo Vệ Thiên Nhiên Và Môi Trường, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, trả lời:
Về mặt chủ trường, đường lối, chính sách thì Việt Nam càng ngày càng quan tâm về ý nghĩa giá trị của Đồng Bằng Sông Hồng, Mũi Cà Mau, vùng Tây Nghệ An vân vân… Những rừng tự nhiên đã đóng cửa từ lâu, không được khai thác, những rừng phòng hộ thì phải khai thác theo đúng qui định, qui hoạch.
Tuy nhiên thực tiễn luôn có những bất cập, những vi phạm mà qui định của pháp luật không thể làm hết được, vẫn còn chỗ này chỗ khác, nơi này nơi kia. Về mặt chủ trương thì rất rõ, thế còn như tôi nói là thực hiện Luật chưa được nghiêm chỉnh cho nên vẫn còn hiện tượng này hiện tượng khác.
Theo một bản tin trên tờ Phnom Penh Post số 5 ra tháng Ba vừa qua, một loạt hội thảo được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan, qua đó ASEAN xác định các điểm quan trọng đối với sự tồn tại đa dạng sinh học ở khu vực trong đó có Việt Nam 2019.
Giám đốc điều hành Trung tâm đa dạng sinh học ASEAN (ACB), Tiến sĩ Theresa Mundita Lim, tuyên bố sự đa dạng sinh học phong phú của ASEAN là điều đáng tự hào nhưng vấn đề quan trọng là tài nguyên thiên nhiên này đang cạn kiệt nhanh chóng và đang đối diện sự mất mát lớn. . .
Việt Nam cùng các nước ASEAN đã ký Công Ước Về Đa Đạng (CBD) và các hiệp định môi trường đa phương khác như Công Ước Ramsar, vùng đất ngập nước được chỉ định có tầm quan trọng toàn cầu theo Công Ước Ramsar, một hiệp ước quốc tế điều chỉnh việc bảo tồn các khu vực đất ngập nước. Việt Nam hiện có 8 khu Ramsar được thế giới công nhận.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnams-empty-forests-04052019143231.html
“TPHCM lạc hậu trên 20 năm so với Bangkok về chống ngập”
Xuân Nam, RFA
Ngày 2/4/2019, truyền thông trong nước dẫn lời ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Chống ngập TPHCM, cho biết trong năm 2019, thành phố sẽ tiếp tục đầu tư 4.900 tỷ đồng cho các công trình chống ngập.
Ông Dũng cũng cho biết, tính đến 2020, tổng vốn đầu tư mà TP đã và sẽ dành cho chống ngập lên đến 93.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 4 tỷ đô la Mỹ
Đầu tư nhiều như thế, nhưng hiệu quả thực tế ra sao?
Trao đổi với đài RFA, Tiến sĩ Hồ Long Phi – nguyên Giám đốc Trung tâm quản lý nước – Biến đổi khí hậu thuộc ĐH Quốc gia TPHCM nhận định rằng công tác chống ngập ở TP hiện đi sau Bangkok, Thái Lan khoảng hai đến ba chục năm.
“Quốc gia nào cũng vậy. Đầu tiên phải đi vào xây dựng các công trình truyền thống, không ngoại lệ. Bangkok họ hoàn thiện cách đây 20 năm rồi, 1995 -2000 là họ gần như xong hết. Tokyo chẳng hạn, họ đã xong cách đây 50, 70 năm rồi và bây giờ họ đang ở các bước bổ sung. Còn mình (TPHCM-PV) thì hiện nay chưa xong bước căn bản. “
Ông Phi nhận định, để chống ngập, các nước thường xây dựng các công trình cứng hay còn gọi là công trình truyền thống, như: cống thoát nước, cống ngăn triều…, giúp giải quyết khoảng 90% tình trạng ngập; 10% còn lại giải quyết bằng các giải pháp phi truyền thống, bao gồm các công cụ về chính sách, về thể chế, về xã hội, cùng các công trình thích nghi với môi trường như hồ điều tiết nước, dải phân cách thấp, v.v…
Theo Kỹ sư Nguyễn Anh Tuấn, nguyên cán bộ Cục quản lý công trình thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, hiện là chuyên gia tư vấn cho Trung tâm chống ngập TP.HCM, nhận định chống ngập và thoát nước phải đi song hành với nhau.
“Đứng về mặt kỹ thuật, TPHCM có 75% diện tích ở dưới cái cao trình 1,7m-đấy là cái cao trình mực nước lớn nhất ở TP hiện nay thế cho nên chịu tác động của triều, thì phải có công trình chống ngập, tức là đê bao.”
“Nhưng đê bao không thì cũng không giải quyết được vấn đề vừa chống ngập vừa thoát nước nữa. Thoát nước ở vùng trũng, mà đã bao đê, thì phải bằng bơm thôi. Hiện nay, cái làm của TP cũng chưa đồng bộ lắm. Nghĩa là bất kỳ chỗ nào đã đê bao thì phải có bơm, nhưng hiện nay bơm chưa đi song hành với đê bao. Vậy cho nên, khi mưa xuống mà triều dâng cao thì không bơm nước ra thì không thoát được nước, như vậy là ngập”
Nhưng cho dù có bơm nước ra đường ống chính thì lại gặp khó do hạn chế về năng lực thoát nước đô thị. Kỹ sư Nguyễn Anh Tuấn cho biết:
“Năm 2001 khi mà qui hoạch tổng thể hệ thống thoát nước ra đời, quyết định 752, đề ra thành phố cần 6000 km đường cống, nhưng TP hiện nay mới có hơn 50 khối lượng đó thôi. Cho nên khối lượng thoát nước vẫn còn thiếu nhiều lắm.”
Theo tính toán của Tiến sĩ Hồ Long Phi, để hoàn thiện hệ thống chống ngập cho diện tích của TPHCM hiện vào khoảng 750km2, thì cần gấp đôi con số dự trù 4 tỷ của TP, tức khoảng 8 tỷ đô la Mỹ. Theo TS. Phi, con số này được tính toán dựa trên tốc độ đô thị hoá của TP và những chi phí gia tăng trong đền bù, giải toả mặt bằng.
Tuy nhiên, với tốc độ giải ngân và đầu tư 15 năm qua chỉ vào khoảng 4 tỷ, trong đó vốn ODA đối ứng của Nhật là 2 tỷ đô la Mỹ, thì con đường trước còn mắt khá xa
“Tôi nghĩ 10-15 năm nữa mới giải ngân hết con số 4 tỷ đô la còn lại. Và con số này (4.900 tỷ đầu tư chống ngập trong 2019-PV) cũng nằm trong lộ trình đó. Điều đó không có nghĩa là hệ thống chống ngập trong thời gian vừa qua không có tác dụng, chưa có tác dụng đầy đủ, vì nhiều lý do.”
Lý do mà ông nêu ra là do thiết kế ban đầu dùng những thông số đầu vào hơi nhỏ so với tốc độ biến đổi khí hậu, thành ra nhanh chóng bị lạc hậu, làm cho hệ thống chỉ phát huy hiệu quả khoảng 60%. Tiếp đó, do người dân xả rác, làm cho năng lực thoát nước của cống hạn chế. Và nguyên nhân cuối cùng là tiến độ thi công quá chậm.
“Rồi những vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện, dẫn đến một công trình từ khi dự kiến cho đến khi kết thúc thường là 5 năm. Thì đó là lý do mà tình trạng ngập ở TPHCM kéo dài dai dẳng như vậy.”
Khi được hỏi, trở ngại lớn nhất của TPHCM trong việc chống ngập có phải nằm ở các giải pháp kỹ thuật hay không? TS. Hồ Long Phi khẳng định không phải như vậy:
“Giải pháp kỹ thuật khá rõ. Cái trở ngại lớn nhất là trở ngại về tài chính. Chống ngập hiện nay không phải là một công trình đem ra để đấu thầu được, bởi vì nó còn bao cấp.”
“Dân chúng chỉ đóng một phần tượng trưng rất là nhỏ, so với chi phí thực sự của việc đầu tư và hoạt động của các công trình đó. Mà bao cấp thì nhà thầu không hứng thú, không thấy có cách nào để thu tiền hết, thì họ không bỏ tiền ra. Đó là cái nhược điểm lớn nhất hiện nay tại sao các công trình chống ngập nó thiếu bền vững về tài chính. “
Tiến sĩ Phi cũng nói thêm rằng, trở ngại thứ hai liên quan đến thể chế.
“Có nghĩa là cách chúng ta quản lý đầu tư xây dựng hiện nay bị cắt vụn ra chứ không thống nhất thành một cái mảng thành ra nó dẫn đến cái chuyện là bên này đá bên kia. Ví dụ bên qui hoạch đô thị thì ít quan tâm đến chuyện chống ngập phải làm thế nào, họ chỉ biết làm những công trình theo ý của họ, làm sao lợi nhuận cao nhất thôi, rồi sau đó hậu quả sẽ có người khác lo.”
“Nó chia cắt như vậy đó, thành ra cuối cùng, giống như chúng ta đang có một cuộc đuổi bắt. Trong đó, những người chạy trước luôn luôn là các thành phần khác của chính quyền, của nhà nước còn chống ngập luôn luôn là người đi sau nhận điều tiếng, giải quyết hậu quả thôi. Hạn chế về mặt thể chế khiến chúng ta vẫn còn loay hoay và hiệu quả chống ngập giảm đi rất là nhiều.”
Tiến sĩ Hồ Long Phi cũng cho rằng không thể có chuyện hoàn hoàn chống ngập 100% vì năng lực thiết kế của các công trình cứng là hữu hạn, trong khi biến đổi thiên nhiên là vô hạn. Theo thiết kế chỉ giải quyết được 90%.
“Những đô thị đã hoàn thiện từ lâu rồi, mà bây giờ vẫn ngập, họ vẫn làm những cái bổ sung. Ví dụ như ở Tokyo, họ bổ sung hàng chục triệu m3 các hồ điều tiết ngầm để giải quyết hệ thống hiện có. “
Đảng viên quấy rối tình dục dưới mọi hình thức
chỉ bị khiển trách?
Tre
Có thật không? Tôi đã phải dụi mắt vài lần.
Điều 33. Vi phạm về đạo đức, nếp sống văn minh
1- Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:
a) Tổ chức việc cưới, việc tang, các ngày lễ, tết, sinh nhật, mừng thọ, kỷ niệm ngày cưới, mừng nhà mới, lên chức, chuyển công tác xa hoa, lãng phí hoặc trái quy định.
b) Vi phạm các quy định về cấm uống rượu, bia làm ảnh hưởng đến tư cách đảng viên.
c) Có hành vi quấy rối tình dục dưới mọi hình thức.
Rất tiếc, sau khi kiểm tra qua nhiều nguồn chính thức, thì điều (c) trên kia, là có thật.
Nó nằm trong điều 33 Quy định 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành vào tháng 12/2017.
Nhắc lại cho rõ, vào năm 2017, tức cách đây mới hai năm chứ không phải vào thời bàn đá chông chênh dịch sử Đảng… tận thế kỷ nào.
Cứ ba phụ nữ Việt Nam có một người từng bị bạo lực tình dục
Tháng 12 năm ngoái, bà Đỗ Thị Thu Hà, phụ trách Văn phòng UNFPA (Quỹ Dân số Liên hợp quốc) tại Việt Nam, cho biết theo một khảo sát thực hiện ở Việt Nam, thì cứ 3 phụ nữ Việt Nam lại có một người từng bị bạo lực tình dục.
Đại diện Vụ bình đẳng giới – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thì công bố có trên 1.100 vụ xâm hại tình dục trẻ em được ghi nhận trong thời gian qua. Trong nhiều vụ việc, thủ phạm chính là người thân ruột thịt của các em gái.
Tôi cảm thấy thật châm biếm khi đọc được những thông tin này trên báo Tuổi trẻ. Vì cũng chính tờ Tuổi trẻ, năm ngoái từng nổi tiếng vì Trưởng ban truyền hình có bút danh là Anh Thoa bị đình chỉ công tác do có một nữ sinh viên báo chí, CTV Ban truyền hình tố cáo vì xâm hại tình dục cô ấy. Sau nhiều tháng đấu tranh giữa việc tố cáo hay không tố cáo, cô gái đã từng chọn giải pháp tự tử.
Sau tố cáo nói trên, một quan chức khác của báo Tuổi trẻ là ông Nguyễn Hoài Phong, bút danh Vân Trường, Trưởng Văn phòng đại diện sông Tiền cũng bị một nữ CTV của báo tên Trần Thị Hiền (nickname trên mạng xã hội là Kim Nguyen) viết status tố cáo cụ thể. Từ gạ gẫm, tấn công tình dục đến đe dọa và trừng phạt khi cô gái này dám phản kháng.
Nhưng hơn một năm trôi qua, cho đến nay báo Tuổi trẻ vẫn còn nợ bạn đọc về kết quả xác minh và xử lý tố cáo bị quấy rối tình dục của các CTV trên.
Thực ra, nói báo Tuổi trẻ nợ… cũng không chính xác. Vì với cương vị Trưởng phòng, Trưởng ban, dĩ nhiên hai kẻ bị tố cáo kia đều phải là đảng viên (theo quy định chung của chính quyền Việt Nam, phải là đảng viên mới được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo). Vậy, căn cứ theo điểm c điều 33 Quy định 102 thượng dẫn- “quấy rối tình dục dưới mọi hình thức” chỉ bị khiển trách- hai vị lãnh đạo này chỉ bị khiển trách là đã xong trách nhiệm. Chấm dứt vụ việc.
Trường hợp báo Tuổi trẻ chỉ là một ví dụ khá điển hình lý giải một phần vì sao quấy rối tình dục lại bị xem nhẹ trong Quy định về trách nhiệm của đảng viên.
Ưu quyền của đảng viên
Văn phòng UNFPA Việt Nam giải thích thuật ngữ quấy rối tình dục là “các cử chỉ, hành vi khiến đối phương cảm thấy khó chịu về mặt tâm lý và tình dục như việc nam giới nhìn chằm chằm, cố ý để lộ các bộ phận sinh dục, huýt sáo trêu ghẹo, bình phẩm về hình thức bên ngoài hay ve vãn, tán tỉnh bằng các tin nhắn gợi dục.”
Thông tin trên báo chí cho thấy các hành vi này khá phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt trong các môi trường có nhiều sự lệ thuộc vào cấp trên hay người có quyền hạn, như công nhân trong nhà máy, nữ nhân viên trong các cơ quan Nhà nước (đặc biệt ở phía Bắc Việt Nam, khi tư tưởng dùng tiền chạy việc vào cơ quan Nhà nước được xem là bình thường), nữ sinh viên với giảng viên nam giới. Nhắc lại, trong các công sở, cơ quan Nhà nước, người có chức vụ đều phải là đảng viên.
Đặc biệt trong môi trường hoạt động nghệ thuật như sàn diễn thời trang hay điện ảnh, kịch nghệ, ca múa, việc các mầm non nghệ thuật bị gạ gẫm và đe dọa đổi lấy cơ hội xuất hiện với công chúng hầu như là bình thường trong nghề. Nó phổ biến đến nỗi không ít người xem đó là cuộc đổi chác sòng phẳng: Giữa hai người có thanh sắc hoặc khả năng chuyên môn như nhau hoặc không chênh lệch đáng kể, ai muốn thăng tiến người ấy phải chấp nhận đánh đổi.
Nhìn vào Quy định 102, thấy tư tưởng này cũng ăn rất sâu vào các đồng chí đảng viên-tổ chức được gọi là tinh hoa của xã hội Việt Nam, tự lãnh trách nhiệm tiên phong và dẫn dắt cả đất nước. Nó vừa thể hiện sự trịch thượng của giai cấp cầm quyền (đảng viên ưu tú hơn quần chúng; đảng viên có đặc quyền khi quấy rối tình dục thì chỉ bị khiển trách; đảng viên xấu thì bị trả về làm… quần chúng!), vừa tối sầm tư tưởng trọng nam khinh nữ, cương quyết giữ một khoảng cách rất xa với văn minh.
Quy định trên mâu thuẫn với chính những luận cương, quan điểm lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tạp chí Cộng sản của Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam cuối tháng 12/2018 đăng bài viết “Nêu gương-một phương thức lãnh đạo của Đảng” của Giáo sư-Tiến sĩ khoa học Phan Xuân Sơn và Nguyễn Thị Thanh Dung. Bài viết dẫn chiếu: “Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nhấn mạnh: Đảng Cộng sản Việt Nam (…) lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược (…) và bằng hành động gương mẫu của đảng viên”.
Vai trò nêu gương của đảng viên được chính Đảng đề cao. Đầu tháng 6/2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành hẳn một quy định riêng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên (Quy định số 101-QÐ/TW Trung ương Đảng).
Trong đó quy định rõ bảy nội dung nêu gương, mà đạo đức, lối sống, tác phong là lĩnh vực được đặt ở vị trí quan trọng thứ hai, chỉ sau sự nêu gương về tư tưởng chính trị.
Vậy mà tận 5 năm sau, lại có một điều khoản quy định đảng viên quấy rối tình dục DƯỚI MỌI HÌNH THỨC thì chỉ bị khiển trách.
Cựu Phó viện trưởng Viện kiểm sát Đà Nẵng không đủ tư cách công dân tốt nhưng vẫn đủ tư cách đảng viên
Vụ công khai dâm ô trẻ em trong thang máy tại một chung cư ở Sài Gòn đang gây xôn xao mấy ngày gần đây, một phần lớn vì thủ phạm từng giữ chức vụ cao trong cơ quan bảo vệ pháp luật: ông Nguyễn Hữu Linh, cựu Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân TP Đà Nẵng.
Cơ quan cấp trên (cũ) của ông Linh là Viện kiểm sát nhân dân Tối cao thể hiện quan điểm trên công luận: “Nếu xác định có hành vi như vậy sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật”.
Nhưng như thế sẽ có một điều rất ngộ nghĩnh xảy ra. Đó là về mặt công dân, ông cựu Phó viện trưởng có thể (nhiều khả năng) bị xử lý theo pháp luật. Nhưng về tư cách đảng viên thì ông ta chỉ bị khiển trách (tức là rất nhẹ)!
Suy diễn sâu hơn một chút nữa thì: ông Linh KHÔNG ĐỦ tư cách là một công dân tôn trọng pháp luật, nhưng VẪN ĐỦ tư cách là đảng viên!
Câu chuyện trên là một ví dụ cho thấy đã đến lúc để Đảng Cộng sản Việt Nam chấm dứt những văn bản rất trống kèn về mặt hình thức nhưng không có hiệu lực thực tế, không những thế còn tiềm tàng khả năng bị đem làm đề tài cho những câu chuyện châm biếm bất tận, như Quy định 102 kể trên.
Đối chiếu với chính những luận cương nền tảng của Đảng Cộng sản Việt Nam và mong muốn của người dân, đảng viên chỉ cần tuân thủ mọi quy định của pháp luật, và khi vi phạm pháp luật thì không được tính là một yếu tố giảm nhẹ. Thế là đủ, và may mắn cho xã hội lắm rồi. Không cần vẽ rắn thêm chân, tưởng tượng ra những hình tượng phi thực tế và đầy ảo giác để khi va chạm với (vẫn) hệ thống pháp luật của chính quyền thì nó vỡ toang ra một cách đầy hài hước và mỉa mai như vậy.
Tham khảo:
https://www.moha.gov.vn/DATA/DOCUMENT/2018/12/NQTW%204/QD102-TW.pdf
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/party-member-only-get-light-punishment-04062019095256.html
‘Đối tác chiến lược Mỹ – Việt’ sắp thành hình?
Kể từ năm 1975, chưa bao giờ Mỹ và Việt Nam lại sát gần với quan hệ đối tác chiến lược như vào lúc này – cái lúc mà giới chóp bu Việt Nam dường như đã chuyển từ sáo ngữ cửa miệng ‘lợi ích tương đồng’ với Bắc Kinh sang những gì cần có để một liên minh quân sự Việt – Mỹ trong tương lai gần có thể đánh bật Trung Quốc khỏi Biển Đông.
Tín hiệu từ một cuộc hội thảo
Ngày 3/4/2019, một số quan chức cấp thứ trưởng của Mỹ và Việt Nam đã tổ chức hội thảo mang tên “Việt- Mỹ: Hướng đến hợp tác chiến lược” tại Trung Tâm Chiến lược & Nghiên Cứu Quốc tế CSIS ở thủ đô Washington.
Có thể xem hội thảo trên là một trong số hiếm hoi hoặc là lần đầu tiên hai bên bàn về chủ đề không còn là chuyện giỡn chơi hay trả treo mặc cả này. Đối với chính thể Việt Nam, bây giờ không còn là lúc ngả ngớn õng ẹo đu dây giữa Mỹ và Trung Quốc nữa, mà Hà Nội đang bị ‘đồng chí tốt’ ép bật khỏi những giếng dầu ở Biển Đông khiến ngân sách – vốn đang tồi tệ – càng nguy khốn hơn.
Hội thảo “Việt- Mỹ: Hướng đến hợp tác chiến lược” cũng có thể được xem là một trong những tiền đề để chuẩn bị cho cuộc gặp Donald Trump – Nguyễn Phú Trọng tại Washington vào mùa hè năm 2019, một cuộc gặp mà lạ thay, bởi khác hẳn những lần trước luôn được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thông báo đầu tiên, lần này lại được Bộ Ngoại giao Việt Nam chính thức ‘chủ động thông tin đối ngoại’ chứ chẳng cần đợi phía Mỹ nữa.
Con số 13?
Cho đến nay, chính thể Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào về ‘vị thế Việt Nam nâng cao trên trường quốc tế’ với việc thủ chẵn một tá đối tác chiến lược trong túi mình, bao gồm cả hai đối tác chiến lược với Ấn Độ – thành tích của kẻ quá cố nhân nào quả đó là Chủ tịch nước Trần Đại Quang, và với Úc của quan chức còn đang sống phơi phới là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đều hình thành vào đầu năm 2018.
Còn 10 quan hệ đối tác chiến lược khác của Việt Nam từ năm 2001 đến năm 2013 là với Liên bang Nga (2001), Nhật Bản (2006), Ấn Độ (2007), Trung Quốc (2008), Hàn Quốc, Tây Ban Nha (2009), Vương quốc Anh (2010), Đức (2011) và Ý (2013). Không thể gọi khác hơn là ‘phong trào đối tác chiến lược’ – gần giống với phong trào lập ra các hợp tác xã thời bao cấp kinh tế, trung bình mỗi năm lại cho ra đời một đối tác kiểu đó, hoặc còn được ví như ‘quơ quào đối tác chiến lược’.
Nếu ‘đối tác chiến lược Mỹ – Việt’ được thành hình trong thời gian tới, đó sẽ là con số 13 về tính chất quan hệ này – con số mà theo thuyết âm dương của người Việt là ‘xui xẻo’, nhưng với giới quan chức Việt mang thuộc tính còn hơn cả mê tín dị đoan thì đó phải là cái đích nhắm tới bất chấp may rủi.
Cùng nguy cơ Trung Quốc
Con số 13 trên, nếu có, phải là hệ quả của bầu không khí từ ‘cầu viện’ biến thành nồng ấm hơn và hơn hẳn trong quan hệ Việt – Mỹ kể từ tháng 7 năm 2017 khi Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch vội vã sang Hoa Kỳ, ngay sau vụ Trung Quốc đe dọa tấn công mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ – liên doanh giữa Việt Nam với hãng dầu khí Tây Ban Nha là Repsol và khiến Repsol phải ‘bỏ của chạy lấy người’, để sau đó Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis đã lần đầu tiên điều động hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson đến hiện diện tại cảng Đà Nẵng vào tháng 3 năm 2018, phục vụ cho một nhu cầu cần thiết với Mỹ và tối cần thiết với Bộ Chính trị Việt Nam là dự án khai thác mỏ dầu khí Cá Voi Xanh.
Không chỉ Việt Nam, mà cả Mỹ cũng bị đe dọa một cách rõ rệt bởi Trung Quốc tại Biển Đông. Sau đại hội 19 của đảng Cộng Sản Trung Quốc, Tập Cận Bình đã lớn lên thành một “tư tưởng” được ghi trong điều lệ đảng, vượt hơn cả Đặng Tiểu Bình trước đây và có thể bắt đầu sánh ngang với “tư tưởng Mao.”
Độc tôn cá nhân lại dẫn đến nguy cơ bá quyền nước lớn. Rất nhiều khả năng là sau đại hội 19, Tập Cận Bình sẽ vươn tay thọc sâu vào Biển Đông, với mục tiêu gần nhất là “đánh úp” quần đảo Trường Sa của Việt Nam, khống chế quân cảng Cam Ranh để vô hiệu hóa tàu Mỹ hoạt động tại cảng này, phát triển tầm tác chiến tại Biển Đông và biến vùng biển này thành một kiểu “trạm thu phí” của Trung Quốc đối với tàu bè chở hàng hóa của các nước.
Nguy cơ chiến tranh trên Biển Đông không còn là dự báo nữa, mà có thể trở thành hiện thực vào bất kỳ năm nào sau năm 2017.
Để bảo vệ an ninh hàng hải và phòng vệ, Hoa Kỳ đang và sẽ phải triển khai hướng tiếp cận mới về Biển Đông, mà đặc trưng nổi bật nhất là tính chất thường xuyên và nhịp độ cao hơn so với trước đây.
Cũng là để Việt Nam có thể bám vào đặc trưng mới này, ít nhất cho tới lúc nào mục tiêu khai thác dầu khí để bồi hoàn cho một nền ngân sách rỗng ruột của Việt Nam vẫn còn bị Trung Quốc thẳng tay cấm đoán.
Không còn lựa chọn nào khác, hiện thời Mỹ là đối trọng duy nhất của Trung Quốc mà Việt Nam buộc phải dựa vào.
Việc lựa chọn Mỹ là ‘đối tác chiến lược tương lai đã phát xuất từ một bài học lịch sử hết sức tệ hại.
Bài học cay nghiệt cho thói đu dây
Hậu quả của thói đu dây quốc tế cùng vô số tính toán tủn mủn lồng trong thói tự tôn cộng sản nói mãi không chịu bỏ là một bài học quá đắt giá: vào năm 2014, khi giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xông thẳng vào vùng lãnh hải Việt Nam như một cái tát nổ đom đóm vào mặt Bộ Chính trị Hà Nội, hầu hết các “đối tác chiến lược” của Việt Nam, kể cả nước Nga của Putin, đều thờ ơ hoặc quay lưng khi Việt Nam bị uy hiếp.
Khi đó, tư lệnh quân đội Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, Đô Đốc Samuel Locklear, đã gợi ý vẫn còn cửa cho “đối tác chiến lược toàn diện” giữa Mỹ và Việt Nam, hàm ý rằng Việt Nam cần rõ ràng và dứt khoát hơn trong mối quan hệ quân sự với Mỹ chứ không thể đeo bám chính sách “đu dây” nguy hiểm giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, chính thể Việt Nam đã phớt lờ hảo ý của người Mỹ mà vẫn đeo đuổi mối quan hệ ngày càng nguy hiểm hơn với người bạn “bốn tốt – mười sáu chữ vàng.”
Đến năm 2017, “đối tác chiến lược toàn diện” Trung Quốc đã thêm một lần nữa hạ nhục Nguyễn Phú Trọng cùng giới quan chức tham sống sợ chết. Trong nhiều nỗi nhục trên đời, có lẽ nỗi nhục thuộc loại tận cùng nhất là bị kẻ thù cầm tù ngay trong nhà mình vì có dầu cũng không làm cách nào ‘ăn’ được.
Từ nằm 2014 đến nay, giới chóp bu Việt Nam chưa bao giờ cô đơn đến thế trên trường quốc tế, dù Việt Nam đã thủ đến chẵn một tá “đối tác chiến lược” trong túi, nếu không tính đến “đối tác chiến lược” với Đức mà đã bị quốc gia này tạm thời đình chỉ “quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam” ngay sau vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” vào năm 2017.
Rốt cuộc, chính động cơ “bắt cá đa phương” vô cùng tận đã chẳng mang lại một người bạn thực sự nào.
Một trong những dẫn chứng cho triết lý “lắm mối tối nằm không” là vào năm 2014 khi đối thoại về việc nới lỏng cấm vận võ khí sát thương cho Việt Nam, Đô đốc Hoa Kỳ Samuel Locklear đã như mỉa mai: “Việc này phần lớn phụ thuộc vào Việt Nam muốn gì vì họ có nhiều đối tác, nhiều láng giềng, cũng như nhiều mối quan ngại về an ninh”.
Kết quả gần hai chục năm “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước” cùng hàng chục đối tác chiến lược của chính thể này đã chỉ được đúc rút thành lời giễu cợt không thèm che đậy của chính giới quốc tế.
Chính thể độc đảng ở Việt Nam đã ăn ở ra sao để sinh ra nông nỗi ấy?
Sẽ như ‘sống lại’?
Cái khó ló cái khôn – ông bà đã dạy. Lòng can đảm, dù chẳng hề là thuộc tính của một chế độ, vẫn thình lình phơi ra trong bất kỳ tình thế nào mà chế độ đó phải tìm mọi kế và làm mọi cách để bảo vệ sự tồn sinh của nó.
Hẳn là từ đầu năm 2016 khi bắt đầu tập tạnh cách tuyên bố ‘tàu Mỹ đi qua vô hại ở Biển Đông’, “tập thể Bộ Chính Trị Việt Nam” cũng bắt đầu phải tính toán việc dựa dẫm vào sức mạnh của hải quân Mỹ để bảo vệ vùng biển của mình.
Cũng có nghĩa là bắt đầu chiến thuật ‘can đảm dựa Mỹ’.
5 năm sau vụ giàn khoan Hải Dương 981, tình hình đang diễn ra như nó ắt phải thế, và dù muộn vẫn còn hơn không.
Nếu mọi chuyện thuận buồm xuôi gió và sau cuộc cuộc gặp Trump – Trọng sắp tới tại Washington sẽ hiện ra một văn bản được ký giữa hai bên như kiểu ‘Hiệp ước tương trợ quốc phòng’ mà Mỹ đã ký với Philippines, hoặc ít ra cũng là một bản ghi nhớ về việc sẽ tiến hành chuyện đó trên nền tảng chuẩn bị cho ‘quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Mỹ – Việt’, và ngay trước mắt sẽ là sự hiện diện lần thứ hai của hàng không mẫu hạm Mỹ tại Việt Nam, Bộ Chính trị ở Hà Nội sẽ có thể như ‘sống lại’ để vừa tiến vừa run vào mỏ Cá Voi Xanh ở vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi – có trữ lượng đến 150 tỷ mét khối và hứa hẹn mang về đến 60 tỷ USD, bằng số thu nguyên một năm của nền ngân sách bóp họng dân chúng với nhiệm vụ tối thượng là nuôi đảng.
https://www.voatiengviet.com/a/doi-tac-chien-luoc-viet-my-thanh-hinh/4864070.html