Sài Gòn Chiện Nhỏ!
Sài Gòn là một mảnh đất lạ kỳ. Nó kỳ lạ đến nỗi người ta luôn nghĩ về Sài Gòn mà lại chẳng biết viết gì về nó. Nó lạ kỳ đến nỗi người ta luôn nhớ về nó khi đang ở trong lòng nó.
Ông là cựu binh sĩ chế độ cũ. Sau “giải phóng” ông làm nhiều nghề lặt vặt để sinh sống và để nuôi ba đứa con ăn học. Rồi ông gặp may, được một chủ nhà hàng dân rặt Sài Gòn mướn làm quản lý.
Vào một buổi tối, khi nhà hàng chuẩn bị đóng cửa, thì có một nhóm người hung dữ cầm mã tấu xông vào nhà hàng truy bức người chủ để cướp tiền. Ông thế cô, tuy biết mình khó chống cự nhưng vẫn cố đổi mạng để cứu chủ. Ông vừa chống đỡ vừa la cầu cứu khiến bốn tên cướp hoảng sợ bỏ chạy.
Kết quả, ông chủ chỉ bị thương nhẹ, còn ông thì bị hai nhát chém nặng khiến suốt đời không thể cử động cánh tay phải.
Vậy mà vào lúc đó, khi người chủ thoát nạn ngỏ lời cám ơn, ông chỉ bảo: “Chiện nhỏ, ăn cây nào, rào cây nấy mà!”
Mặc ông từ chối, người chủ nhà hàng vẫn mua cho ông một căn nhà, chu cấp hằng tháng đủ nuôi cả gia đình ông kể cả lo cho ba đứa con ông ăn học.
Ở một showroom sang trọng của một hãng xe hơi nổi tiếng mà giá của một chiếc xe nằm ngoài khả năng đếm của nhiều người, vào một buổi trưa trời nắng gắt bên ngoài nhưng bên trong vách kính thì mát lạnh. Anh nhân viên bán hàng mặc đồ vest với cà vạt và giày da bóng lộn đang ngồi xem tivi.
Có một cụ ông đi bộ ngoài đường mở cửa vào showroom. Trông ông có vẻ không được khá giả lắm, chỉ vận áo sơ mi ngắn tay cũ và chiếc quần ka-ki ngả màu. Ông cụ bước vào, đảo mắt nhìn một lượt rồi chắp tay sau lưng đi đến những chiếc xe trưng bày và bắt đầu xem xét. Anh nhân viên bán hàng bật dậy đi theo cụ. Anh gọi cụ là ngoại: Ngoại ơi, ngoại à. Mỗi lần cụ dừng lại ở một bộ phận, anh lại đề nghị được cho cụ xem rõ hơn, anh mở cửa trước, cửa sau, mở nắp capo để cho cụ xem xét. Khi cụ nêu thắc mắc, anh giải thích lịch sự, vui vẻ.
Khi đi hết tour, anh bán hàng mời cụ già lại sofa có cái bàn kiếng sạch bóng và mời cụ dùng café. Mãi sau cụ già nói với anh: “Qua thấy chỗ bán xe hơi này sang trọng quá, nên qua vô xem chơi, chứ qua có muốn mua xe cũng không mua nổi. Thật đã làm phiền cháu quá nhiều”.
3.
Một lần, anh xe ôm chở tôi xin phép tấp vô lề uống ly trà đá, tôi mới biết là Sài Gòn có trà đá miễn phí. Và thùng trà đá miễn phí tôi thấy đầu tiên hôm đó là gần bệnh viện 115.
“Cho nhiêu cũng được” – Câu này ai ở Sài Gòn chắc là biết, chắc thỉnh thoảng có nghe, nhất là khi đi taxi, xe ôm, xích lô… nếu là khách đi quen rồi hoặc quãng đường gần quá khó trả giá thì bác tài sẽ nói vậy: chú (cô) cho nhiêu cũng được. Nói vậy chứ ai đành lòng cho ít, ví như đúng ra bảy ngàn thì khách sẽ đưa mười ngàn cho chẵn tiền.Đó cũng không hẳn vì ít tiền quá mà nói vậy, cũng có khi nhiều thứ giá trị hơn người bán cũng nói: cho nhiêu cũng được. ví dụ như chuyện có cô giáo nọ dạy văn ở một trường cấp hai, cô nổi tiếng là thương học trò như con. Mỗi buổi sáng cô hay đi chợ ở gần nhà để tiện việc cơm nước. Trong chợ có rất nhiều người biết cô là cô giáo, và họ thường gọi luôn là “cô giáo”. Nhiều khi cô giáo cũng khó xử với các bà, các chị trong chợ, họ cứ bỏ vô giỏ cô khi thì con cá, khi thì bó rau, khi thì ký thịt… khi cô đòi trả tiền thì họ không chịu lấy hoặc nói: cô giáo cho nhiêu cũng được.
Nguồn: Internet