Tin Việt Nam – 03/04/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 03/04/2019

Dân Phú Thọ biểu tình phản đối khai thác cát gây sạt lở

Nhiều người dân thôn 2, xã Đông Khê, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ trong nhiều ngày qua tập trung trước Ủy Ban Nhân Dân xã để phản đối tình trạng khai thác các làm sạt lở đất canh tác của họ ven sông.

Báo pháp luật xã hội loan tin ngày 3 tháng 4 nói rõ người dân mang theo băng rôn và gõ trống, khua chiêng trước trụ sở UBND xã Đông Khê. Dân yêu cầu các cơ quan chức năng đối thoại và có biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng sạt lở khu vực đất sản xuất của người dân.

Người dân cho biết, từ khi chính quyền Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ cấp giấy phép khai thác cát sỏi trên bờ sông Chảy cho Công ty xây dựng đô thị Phú Thọ, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn hàng chục hecta diện tích bờ bãi do phù sa bồi đắp hằng trăm năm đến nay đã bị sạt lở nghiêm trọng khiến người dân không còn đất canh tác để sinh sống. Người dân đã nhiều lần trình báo với cơ quan chức năng tuy nhiên cả năm trời vẫn chưa được giải quyết.

Một cán bộ xã Đông Khê trả lời xác nhận với báo Pháp luật xã hôi về thực tế nhiều người dân tập trung tại trụ sở Ủy ban Nhân dân xã để phản đối hoạt động khai thác cát xảy ra tại địa phương. Ủy ban Nhân dân xã đã làm đơn báo cáo sự việc đến cơ quan cấp cao để xem xét xử lý vụ việc.

Vào ngày 3 tháng 4, một cuộc họp diễn ra tại Văn Phòng Chính phủ Hà Nội với các bộ ngành về tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát. Cuộc họp do phó thủ tướng Trương Hòa Bình chủ trì. Ông này thừa nhận do cầu sử dụng cát sỏi xây dựng tăng cao, lợi nhuận lớn nên tình hình khai thác cát trái phép đã bùng phát trở lại, nhiều địa phương buông lỏng việc quản lý, bao che khiến tình trạng này diễn ra công khai và lộng hành gây bức xúc trong nhân dân.

Do đó, ông yêu cầu các cơ quan liên quan tập trung rà soát và xử lý dứt điểm tình trạng này.

Theo con số thống kê của Bộ Công an, từ năm 2017 cho tới nay việc xử lý khai thác cát trái phép phát hiện gần 14.000 vụ với hơn 4200 người vi phạm, tịch thu hơn 140 tàu hút cát và phạt tiền lên tới gần 70 tỷ đồng, nhưng chỉ có 7 vụ và 7 bị can bị khởi tố.

Trong khi từ đầu năm 2019 đến hiện nay, tại 14/20 địa phương phát hiện gần 700 vụ với hơn 420 đối tượng bị bắt, và phạt tiền hơn 12 tỷ đồng, hơn 70 tàu và mới chỉ có 2 vụ ở Thanh Hóa và Đồng Nai đã bị khởi tố.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/local-residents-in-phu-tho-protest-sand-exploitation-causing-landslides-04032019104744.html

 

Nguyên Phó Viện trưởng VKSND Đà Nẵng: chỉ nựng bé gái

Người đàn ông sàm sỡ, ép hôn một bé gái trong thang máy chung cư Galaxy 9, ở quận 4, thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) vào tối ngày 1 tháng 4 được xác định danh tính là ông Nguyễn Hữu Linh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) thành phố Đà Nẵng.

Vào chiều ngày 3 tháng 4, nguyên Phó Viện trưởng VKSND thành phố Đà Nẵng-ông Nguyễn Hữu Linh xác nhận với Báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh rằng mình chính là người đàn ông xuất hiện trong clip ghi hình, được trích xuất từ camera an ninh trong thang máy của chung cư Galaxy.

Hai ngày qua, dư luận lên án và yêu cầu cơ quan chức năng nhanh chóng tìm ra tung tích của người đàn ông trong đoạn clip đã ép hôn, sàm sỡ một bé gái trong tháng máy, khi ông này đến thăm gia đình ở chung cư Galaxy.

Truyền thông trong nước cho biết trước đó, vào tối ngày 2 tháng 4, Công an quận 4, TP.HCM đã mời ông Nguyễn Hữu Linh lên làm việc do tính chất nghiêm trọng và nhạy cảm của vụ việc cũng như theo yêu cầu của gia đình bé gái đề nghị cơ quan chức năng làm rõ vụ việc đã xảy ra.

Tuy nhiên, lên tiếng với Báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Hữu Linh cho rằng ông chỉ nựng bé gái và cũng đã có thương lượng với gia đình của bé gái này, rồi sau đó ông trở về Đà Nẵng.

Báo Lao Động Online dẫn lời của bà Nguyễn Thị Thu Thủy, nguyên Phó Chánh tòa Hình sự Tòa án Nhân dân TP.HCM cho rằng công an cần yêu cầu gia đình đưa bé gái đi giám định pháp y để xác định có tế bào nam ở các vùng nhạy cảm hay không vì trong trường hợp có hành vi dùng tay sờ vào vùng nhạy cảm thì chắc chắn sẽ bị xử lý hình sự tội “dâm ô”.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy còn nhận định rằng việc các cơ quan chức năng xử phạt đối tượng cưỡng hôn nữ sinh viên trong thang máy ở Hà Nội số tiền 200.000 đồng sẽ tạo tiền lệ cho những vụ tương tự về sau.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/identified-the-man-who-did-child-sexual-abuse-in-elevator-04032019081855.html

 

Vụ Đoàn Thị Hồng:

nghi phạm chính trị VN bị ‘phân biệt đối xử’

LS Ngô Ngọc TraiGửi tới BBC từ Hà Nội

Cô Đoàn Thị Hồng, sinh năm 1983, quê quán tại huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, và đã tham gia biểu tình ôn hòa hôm 10/06/2018, tại Sài Gòn phản đối việc cho thuê đất 99 năm của dự luật đặc khu và phản đối luật An Ninh Mạng.

Hồng cho rằng việc xuống đường là để bày tỏ nỗi lòng của mình và hy vọng những người có lương tri sẽ xem xét lại mọi việc đang diễn ra trên đất nước này.

Ngày 02/09/2018, Hồng bị một nhóm mặc đồ thường phục bắt tại quận 12, trong lúc đang đi chơi lễ quốc khánh cùng với một người bạn gái. Sau khi Hồng bị bắt người nhà đã đi tìm kiếm khắp nơi.

Luật sư bị ngăn cản

Gia đình mời tôi làm luật sư bào chữa cho Đoàn Thị Hồng.

Sau khi gửi thủ tục hồ sơ đăng ký bào chữa theo luật định thì cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh trả lời cho biết Đoàn Thị Hồng đang là bị can trong vụ án ‘Phá rối an ninh’ thuộc tội xâm phạm an ninh quốc gia theo Chương XIII Bộ luật hình sự.

Căn cứ theo quyết định của Viện kiểm sát thành phố HCM thì để giữ bí mật họ sẽ chỉ giải quyết việc luật sư tham gia bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra.

Tôi thấy nội dung trả lời như vậy là bất hợp lý, bởi trong vụ án này những hành vi bị cáo buộc phạm tội của Đoàn Thị Hồng không có gì là bí mật cả.

Tại sao phân biệt nghi can các án ‘chính trị’?

Đồng thời, khi nhận ra việc từ chối như thế này xảy ra với tất cả các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia thì tôi đã soạn một Đơn kiến nghị gửi đến các lãnh đạo nhà nước, đề nghị khắc phục những tồn tại phân biệt đối xử và những thành kiến hẹp hòi trong việc xử lý các vụ án chính trị.

Đơn được gửi đến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga.

Trong đơn nêu rằng Luật sư bào chữa là thiết chế tư pháp thuộc về bên gỡ tội, có vai trò bình đẳng với các thiết chế buộc tội khác như Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát. Có như thế việc xử án mới đảm bảo công bằng.

Vậy nhưng lâu nay luật sư thường xuyên bị từ chối không cho tham gia bào chữa trong quá trình điều tra các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia.

‘Báo chí chưa có bao giờ được như hôm nay’

John Kerry kể lần ‘tìm kiếm’ ở Lăng Hồ Chủ tịch

Geneva: Giới tham dự hội thảo bên lề UPR nuôi hy vọng

Điều này có hai nguyên nhân, một nguyên nhân từ sự không đúng đắn của bản thân quy định pháp luật và một nguyên nhân khác là do nhận thức trong quá trình thực thi.

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 và Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 phản ánh ý chí của nhà nước đều quy định: Trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra.

Quy định này đã xác lập sự phân biệt đối xử giữa các tội danh về xâm phạm an ninh quốc gia với các tội danh còn lại của Bộ luật hình sự.

Mặc dù vậy đây không phải là quy định có tính chất ấn định cứng mà trao quyền tùy nghi cho cơ quan Viện kiểm sát áp dụng trong những trường hợp cần giữ bí mật điều tra.

Tôi xuống đường là để bày tỏ nỗi lòng của mình và hy vọng những người có lương tri sẽ xem xét lại mọi việc đang diễn ra trên đất nước

Song thực tế quy định này lại bị các Cơ quan tố tụng vận dụng triệt để, biến nó thành một lối làm việc cứng nhắc, không cho luật sư tham gia bào chữa trong quá trình điều tra các vụ án chính trị.

Đây là sự phân biệt đối xử thành kiến hẹp hòi đã ăn sâu vào nhận thức của nhiều cán bộ ban ngành, để rồi từ đó bất công đã hiện diện ngay trong luật.

Quá trình thực thi thì như trên đã nói, trong nhiều vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, hành vi của các bị can thực hiện một cách công khai, như viết bài viết báo, xuống đường biểu tình, nhưng các cơ quan tố tụng vẫn viện lý do cần giữ bí mật để khước từ luật sư bào chữa.

Bị phân biệt đối xử

Những người bị xử lý về các tội xâm phạm an ninh quốc gia cũng đều là công dân trong một nước, cho nên cần phải đối xử với họ bình đẳng như các bị can trong các vụ án khác.

Có như thế thì pháp luật mới đảm bảo được sự nghiêm chính và mang ý nghĩa công lý.

Ngoài việc bị khước từ có luật sư trong quá trình điều tra, các bị can trong án chính trị cũng bị ngăn cản mất quyền thăm gặp người thân.

Trong khi pháp luật hiện nay quy định một danh mục rất rộng các hành vi bị coi là xâm phạm an ninh quốc gia, và nhiều hành vi thực chất chỉ là bày tỏ quan điểm chính kiến không có bạo lực cũng bị cho là phạm tội.

Nhiều người chỉ vì thực hiện các quyền của công dân theo Hiến pháp như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền biểu tình nhưng cũng bị quy buộc là tội phạm.

Những điều đó cộng hưởng với nhau tạo ra một số lượng rất lớn các bị can bị đối xử bất công không được luật sư bào chữa.

Về phía cơ quan An ninh thì họ cho rằng làm như thế là thực hiện chuyên chính trấn áp, và họ đang làm tốt công việc bổn phận giữ gìn an ninh trật tự trước Đảng và Nhà nước.

Nhưng bối cảnh hiện nay đòi hỏi ngành an ninh chính trị phải thực hiện nhiệm vụ mà không gây ra những xáo động lương tâm nhận thức trong công chúng.

Mới đây Bộ Chính trị Đảng cộng sản đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về phát triển kinh tế đất nước, trong đó đã có nội dung về giải pháp chủ yếu đối với nguồn nhân lực là giáo dục – đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa, hội nhập quốc tế.

Theo đó Bộ Chính trị đã nhận ra cần giáo dục nhận thức dân chủ cho đội ngũ cán bộ hiện nay để đem lại lợi ích phát triển cho đất nước, và như vậy bao gồm cả những người làm công tác điều tra trong các vụ án chính trị.

Họ cần phải được nhắc nhở rằng họ đang làm việc với các người chủ công dân, đang thi hành pháp luật với những chuẩn mực tiêu chí giá trị phải đảm bảo tuân theo.

Việc giữ vững an ninh trật tự theo đó cần được thực hiện theo một phương cách không đi ngược lại với lẽ công bằng và công lý.

Từ những lẽ đó đơn kiến nghị các lãnh đạo nhà nước có ý kiến chỉ đạo tới ngành An ninh cần khắc phục những sự phân biệt đối xử bất công, dẹp bỏ những thành kiến hẹp hòi trong các vụ án xâm phạm an ninh chính trị.

Cũng cần thiết phải chấm dứt tình trạng ngăn cản không cho luật sư tham gia bào chữa trong quá trình điều tra, nhất là trong những vụ án mà hành vi của bị can đều được thực hiện công khai và không hề bí mật.

Bài thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả, một luật sư ở Hà Nội.

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-47790698

 

70% cử nhân công nghệ thông tin phải đào tạo lại

 – Giới công nghệ nói gì?

Trung Khang, RFA

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, có đến 70% cử nhân công nghệ thông tin ra trường phải đào tạo lại. Ý kiến giới công nghệ như thế nào?

Ông Phùng Xuân Nhạ đưa ra số liệu vừa nêu tại buổi tọa đàm “Phát triển nguồn nhân lực ICT (Công nghệ thông tin và truyền thông) trình độ cao: Gắn kết cơ sở giáo dục đại học – doanh nghiệp” được tổ chức tại Hà Nội hôm 30 tháng 3 năm 2019.

Cụ thể theo vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước có 235 trường đại học, trong đó có 50 trường đào tạo công nghệ thông tin, hàng năm khoảng 50 ngàn sinh viên công nghệ thông tin ra trường. Tuy nhiên qua khảo sát 50 ngàn cử nhân công nghệ thông tin ra trường thì chỉ có 30% làm việc được ngay, còn 70% phải đào tạo lại.

Tôi thấy điều đó đúng thôi, về bản chất, việc gọi là đào tạo lại thì ít nhiều nơi nào cũng phải đào tại lại cả. Nhưng đúng là ở Việt Nam việc đào tào chưa thật tốt nên việc đào tạo lại tốn công nhiều hơn.

-Nguyễn Tử Quảng

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 2/4/2019 về vấn đề này, ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ BKAV, nhận định:

“Tôi thấy điều đó đúng thôi, về bản chất, việc gọi là đào tạo lại thì ít nhiều nơi nào cũng phải đào tại lại cả. Nhưng đúng là ở Việt Nam việc đào tào chưa thật tốt nên việc đào tạo lại tốn công nhiều hơn. Tôi thấy những năm gần đây việc hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp tốt hơn trước. Tại vì thực chất hiện nay công việc về IT nhiều hơn trước rất là nhiều, cũng như có nhiều công ty ở Việt Nam làm ‘Outsourcing’ (Gia công phần mềm) cho nước ngoài, nên nguồn nhân lực cũng khan hiếm. Mặc dù chưa thật sự bài bản, nhưng tôi thấy việc hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp có tốt hơn.”

Còn ông Nguyễn Lâm Thanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Truyền Thông Số Việt Nam thì cho rằng, trách nhiệm trước nhất là thuộc về sinh viên:

“Tôi nghĩ thanh niên bây giờ cũng ham chơi, nên chất lượng không đạt được nằm ở chỗ sinh viên không chịu học nhiều hơn trách nhiệm của nhà trường và doanh nghiệp. Thật ra sinh viên lười học, mà nhà trường không có biện pháp ép các bạn học, tôi nghĩ đây là vấn đề nghiêm trọng hiện nay. Còn bạn nào mà chăm chỉ thì thông tin có ở khắp nơi, các bạn có thể học được hết, vấn đề nhà trường cũng xuê xoa, sinh viên thì lười học. Kết quả là ra trường không biết làm gì.”

Theo ông Nguyễn Lâm Thanh, sinh viên không có kế hoạch dài hạn mà thường học đối phó, để có điểm tốt nghiệp, còn kiến thức thì không được coi trọng lắm, nên không làm được việc.

Tọa đàm “Phát triển nguồn nhân lực ICT (Công nghệ thông tin và truyền thông) trình độ cao: Gắn kết cơ sở giáo dục đại học – doanh nghiệp” được tổ chức tại Hà Nội hôm 30 tháng 3 năm 2019. Courtesy mic.gov.vn

Cũng tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, mức độ tăng trưởng doanh nghiệp công nghệ thông tin, nhu cầu việc làm rất lớn, dự kiến năm 2020 cần 100 ngàn cử nhân công nghệ thông tin.

Về việc đào tạo nguồn nhân lực thì bất cứ thời đại nào, chế độ nào, xã hội nào cũng cần đào tạo. Nguồn nhân lực đó phải tương ứng với cái hiện có và cái có thể có, của thực tế xã hội, của đất nước về khoa học, về công nghệ, và phải tương ứng hợp lý với sự chuẩn bị cho bước tiến tương lai. Tuy nhiên theo Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, Viện trưởng Viện Điện – Điện tử – Tin học, đào tạo nhân lực tại Việc Nam khó hơn các nước tiên tiến, vì các nước này có mục tiêu và có sẵn phương tiện.v.v…

Ông Nguyễn Tử Quảng đưa ra nhận định:

“Ở Việt Nam, vấn đề ở khâu tổ chức, chẳng hạn như chúng tôi có thể làm về an ninh mạng, sản xuất smart phone, tức là làm những thứ công nghệ cao chẳng khác nào các tập đoàn lớn trên thế giới và nguồn lực thì chúng tôi tự đào tạo. Vậy thì nếu mình biết cách, mình có thể đưa ra cả chương trình đào tạo được, các bạn sinh viên có thể trở thành các kỹ sư giỏi, có thể làm tất cả các việc như các nước phát triển đang làm, ở các tập đoàn hàng đầu họ đang làm.”

Ông Nguyễn Tử Quảng tin tưởng năng lực của sinh Việt Nam là tốt, về công nghệ bắt nhịp rất là nhanh, nhưng vấn đề là cần khâu tổ chức, cần các nhà quản lý họ nhận ra điều đó, thiết kế chương trình bài bản hơn. Ông Quảng chia sẻ kinh nghiệm tại công ty mình:

“Thực ra thì ở BKAV chúng tôi thường không tuyển dụng từ bên ngoài, chúng tôi đào tạo các nhân viên từ sinh viên lên, giống như các doanh nghiệp ở trường đại học ở Silicon Valley trước đây. Tại vì đặc thù của BKAV làm những giải pháp mang tính chất nền tảng, do đó nguồn nhân lực từ các trường mới tốt nghiệp là không đáp ứng tốt. Vì vậy chúng tôi có truyền thống là tuyển rất nhiều sinh viên vào và đào tạo theo chương trình riêng của mình, trong quá trình là sinh viên thực tập thì các em làm việc luôn, phần nào đó tham gia vào các công việc, và khi ra trường thì các em có đầy đủ kỹ năng để làm việc. ”

Chuyện thực hành thì có rất nhiều cơ hội bên ngoài, nhưng không phải bạn nào cũng bỏ công ra làm. Bạn nào mà chịu khó đi ra ngoài, kể cả bạn không giỏi thì về cơ bản các bạn cũng làm được việc. Lười là cái nguy hiểm nhất.

-Nguyễn Lâm Thanh

Bộ trưởng Bộ Truyền thông Thông tin Nguyễn Mạnh Hùng, khi phát biểu tại toạ đàm, đã nêu ra nhiều rào cản mà việc đào tạo nguồn nhân lực ICT chất lượng cao cần phải thay đổi. Đó là truyền thống giáo dục Việt Nam vẫn là học trước rồi làm sau, là thầy dạy trò nghe, học sách

giáo khoa là chính, học thuộc là quan trọng, giảng đường là cơ sở chính của đại học, học nhiều thực hành ít. Theo ông, chính vì những điều vừa nêu, Việt Nam vẫn đang “khát” nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin có chất lượng cao.

“Ngành công nghệ thông tin thì công việc rất là nhiều, chỗ thực tập rất nhiều, bạn nào chăm chỉ thì có rất nhiều cơ hội để thực hành. Nhưng các bạn nào không thực hành, không chủ động tìm sẽ không có. Đi học thì người dạy cũng tương đối lý thuyết, còn chuyện thực hành thì có rất nhiều cơ hội bên ngoài, nhưng không phải bạn nào cũng bỏ công ra làm. Bạn nào mà chịu khó đi ra ngoài, kể cả bạn không giỏi thì về cơ bản các bạn cũng làm được việc. Lười là cái nguy hiểm nhất.”

Vừa rồi là ý kiến của ông Nguyễn Lâm Thanh, theo ông, ở Việt Nam khác các nước, đầu vào thì chặt chứ đầu ra thì lỏng, cứ vào được đại học là có thể tốt nghiệp. Vì vậy ông cho rằng, ngành giáo dục nếu thay đổi được thì đầu vào nên mở rộng để mọi người cùng có cơ hội, nhưng khi ra thì siết chặt để khi ra thì có cùng trình độ. Thay đổi được như thế thì mới đảm bảo chất lượng.

Cũng tại buổi Tọa đàm, Phó Chủ tịch Hội Tin học TP Hồ Chí Minh Phí Anh Tuấn cho biết, sinh viên công nghệ thông tin của Việt Nam đang phải đối diện với nhiều thách thức như tốc độ phát triển công nghệ quá nhanh, các kỹ năng cần thiết của người lao động cũng thay đổi nhanh. Bởi vậy theo ông Tuấn, sinh viên công nghệ thông tin cần phải cập nhật, cải tiến thường xuyên cho nhu cầu “chất lượng cao” của nguồn nhân lực công nghệ thông tin và cũng cần có sự phối hợp giữa doanh nghiệp và trường học nhằm giúp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin.

Theo Ông Nguyễn Tử Quảng con số 70% phải đào tạo lại thì phải xem xét như thế nào là đào tạo lại? Đào tạo lại ở mức độ nào? Ông nói tiếp:

“Ngoài ra tôi nghĩ nguồn lực ngành công nghệ đang rất khan hiếm, nên cũng không phải là vấn đề lớn, vấn đề lớn hơn nữa là quy hoạch, để cho nhiều người nữa tham gia vào ngành công nghệ này ở Việt Nam, tôi nghĩ tiềm năng ngành công nghệ này ở Việt Nam rất cao. Còn việc đào tạo lại thì dần dần các trường phải tự tổ chức thôi, họ cũng phải làm cho tốt, cũng phải cạnh tranh, tôi đang thấy điều đó trong khoảng hai năm trở lại đây.”

Theo ông, tiềm lực đã sẵn sàng, vấn đề cơ quan chức năng có đứng ra để tổ chức không? Ông cho biết, doanh nghiệp có thể sẵn sàng các chương trình để đào tạo hiệu quả, nhưng vấn đề là cần sự tổ chức tốt.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/70-of-bachelor-of-it-must-retrain-04022019125243.html

 

Phiên phúc thẩm Vũ ‘Nhôm’

vụ DAB sẽ diễn ra trong tháng này

Phiên phúc thẩm vụ án thất thoát hơn 3.600 tỷ đồng tại Ngân hàng Đông Á (DAB) sẽ được mở vào ngày 22/4/2019.

Truyền thông trong nước loan tin dẫn thông báo của Tòa Án Nhân Dân Cấp Cao Thành phố Hồ Chí Minh và cho biết phiên xử dự kiến kéo dài đến ngày 7 tháng 5.

Phiên tòa được mở do bị cáo Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “Nhôm”, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79) kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm vào tháng 12/2018.

Ông Phan Văn Anh Vũ cho rằng cấp sơ thẩm chưa đánh giá toàn diện, khách quan chứng cứ trong hồ sơ vụ án; kết luận của cơ quan điều tra và chứng cứ tại tòa có sự mâu thuẫn nên Hội đồng xét xử không có đủ căn cứ buộc tội bị cáo tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Ông Vũ dẫn chứng rằng bị cáo Trần Phương Bình (nguyên Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT và Chủ tịch Hội đồng tín dụng DongABank) thừa nhận Bình che giấu Vũ tình trạng Ngân hàng Đông Á, điều này trái với nội dung cáo trạng.

Tại phiên sơ thẩm này ông Vũ bị tuyên thêm 17 năm tù, cộng với bản án 8 năm tù tuyên vào tháng 7/2018 về tội làm lộ bí mật nhà nước, ông Phan Văn Anh Vũ sẽ phải thụ án 25 năm tù.

Ông Phan Văn Anh Vũ, hay còn được biết đến với biệt danh Vũ ’Nhôm’, từng là một thượng tá tình báo Công an. Ông này bị cho thu tóm nhiều đất đai tại thành phố biển Đà Nẵng và Sài Gòn.

Một số quan chức tại Đà Nẵng trong thời gian qua bị bắt vì có liên quan đến những sai phạm của nhân vật Vũ ‘Nhôm’.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vu-aluminium-s-appeal-trial-will-take-place-this-month-04032019082807.html

 

Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh 2018:

Có cải thiện nhưng chính quyền còn rất nhiều việc phải làm

Nguyễn Trang Nhung

Sáng ngày 2/4, tại khách sạn Melia Hà Nội, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam PAPI 2018 đã được công bố.

Báo cáo PAPI 2018 đánh dấu 10 năm kể từ khi chương trình nghiên cứu xây dựng chỉ số này được khởi xướng.

Ba mục đích chính của báo cáo là (1) trình bày kết quả khảo sát tổng hợp năm 2018 ở cấp quốc gia và cấp tỉnh, (2) xác định những điểm mạnh và điểm yếu trong thực thi chính sách, (3) gợi mở một số biện pháp khả thi nhằm duy trì và cải thiện trong thời gian tới.[1]

Báo cáo PAPI 2018 bao gồm 8 chỉ số nội dung, trong đó có 6 chỉ số gốc và 2 chỉ số mới là quản trị môi trường và quản trị điện từ. Cả 8 chỉ số được đánh giá trên thang điểm 1-10.

Báo cáo là kết quả khảo sát ý kiến của 14.304 người dân được chọn ngẫu nhiên từ 63 tỉnh/thành trên cả nước.

Kết quả cho thấy xu thế biến đổi theo chiều hướng cải thiện ở các chỉ số PAPI gốc.

Chỉ số ‘Công khai minh bạch trong ra quyết định’ có sự cải thiện nhỏ sau 8 năm, kể từ 2011. Một điều kém khả quan đáng lưu ý về nội dung này là tìm và hỏi cán bộ “quen” vẫn là kênh thông tin chính sách chủ yếu (với hơn 38% số người trả lời).

Chỉ số ‘Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công’ tiếp tục đà cải thiện của năm 2017, được giải thích là do người dân lạc quan hơn với tình hình kinh tế hộ gia đình và cảm thấy mức độ tham nhũng ở cấp cơ sở có xu hướng giảm.

Hai chỉ số có điểm trung bình toàn quốc đạt mức trung bình cao là ‘Thủ tục hành chính công’ và ‘Cung ứng dịch vụ công’, trong đó, các tỉnh/thành trong nhóm đạt điểm cao nhất phân bố khá đều trên cả nước. Về dịch vụ công, có sự cải thiện qua các năm ở các dịch vụ y tế công lập, cơ sở hạ tầng căn bản, an ninh và trật tự khu dân cư song có sự yếu đi của dịch vụ giáo dục tiểu học công lập.

Hai chỉ số gốc còn lại là ‘Tham gia của người dân ở cấp cơ sở’ và ‘Trách nhiệm giải trình với người dân’ ở mức thấp (dao động lần lượt từ 4,41 đến 6,16 và từ 4,31 đến 5,6) cho thấy 2 mảng quản trị này còn yếu và cần phải được cải thiện nhiều.

Hai chỉ số mới được thêm vào để đáp ứng nhu cầu quản trị đang thay đổi và phức tạp hơn: Môi trường ngày càng trở thành mối bận tâm của công chúng, trong khi quản trị điện tử là đòi hỏi tất yếu của nền quản trị và hành chính công mới.

Điểm chỉ số ‘Quản trị môi trường’ đạt mức dưới trung bình, dao động từ 3,54 đến 6,74. Trả lời khảo sát, đa số người dân lựa chọn các dự án đầu tư thân thiện với môi trường thay vì dự án có thể tạo ra nhiều việc làm hoặc đóng góp nhiều cho ngân sách địa phương. Một điểm tích cực khác là đa số ủng hộ mạnh mẽ năng lượng sạch.

Điểm chỉ số ‘Quản trị điện từ’ đạt mức rất thấp, dao động từ 1,93 đến 4,24. Mặc dù số người tiếp cận tin tức qua Internet và số người có Internet tại nhà đã tăng tương ứng 10% và 15% so với năm 2017, song số người sử dụng cổng thông tin điện tử của chinh quyền để làm thủ tục hành chính chỉ tăng nhẹ. Điều này có một phần nguyên nhân là dịch vụ chính quyền điện tử còn rất hạn chế.

Chỉ số tổng hợp PAPI cao nhất thuộc về Bến Tre, với 47,06/80 điểm. Nhiều tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ thuộc về nhóm đạt điểm cao nhất. Trong khi đó, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thuộc về nhóm đạt điểm thấp nhất.[2]

Từ kết quả khảo sát PAPI 2018, nhiều kết luận quan trọng đã được rút ra. Như TS. Đặng Hoàng Giang trình bày trong buổi công bố, các cấp chính quyền còn rất nhiều việc phải làm để người dân hài lòng hơn với nền quản trị và hành chính công, đặc biệt là về quản trị môi trường và quản trị điện tử.

Ở một mặt khác, theo người viết, các lực lượng thúc đẩy xã hội từ bên dưới như các tổ chức xã hội dân sự và những người hoạt động cần có nhiều biện pháp và cách thức thiết thực và

gần gũi hơn trong việc đẩy mạnh sự tham gia của người dân trong việc quản lý nhà nước và xã hội.

Chú thích:

[1] Báo cáo PAPI 2018

http://papi.org.vn/uploads/PAPI_VN_upweb.pdf

[2] Bài trình bày công bố PAPI 2018

http://papi.org.vn/uploads/06_PAPI_2018_Launch_Presentation_VIE_FINAL.pdf

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á  Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/papi2018-improved-more-room-for-more-improvement-04022019141739.html

 

Giá các mặt hàng chính quyền CSVN kinh doanh

đều là tài liệu mật

Tin Việt Nam – Báo Vietnamnet ngày 2 tháng 4 loan tin, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, hiện nay các phương án giá điện của Tập đoàn Điện lực CSVN vẫn được xem là tài liệu mật trước khi công bố ra toàn dân.

Thường thì, người dân chỉ biết điện tăng giá khi nhận được thông báo rộng rãi vào đúng thời điểm quyết định tăng giá điện có hiệu lực. Chính sách độc tài này đã khiến cho nhiều công ty sử dụng điện gặp khó khăn trong việc lên kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính.

Không chỉ mình mặt hàng điện, mà theo Phòng Thương mại và Công nghiệp, các mặt hàng mà do nhà cầm quyền CS điều hành giá đều được đưa vào diện thông tin mật. Việc này theo Phòng Thương Mại và Công nghiệp cho rằng, có thể nhà cầm quyền CSVN lo ngại tình trạng đầu cơ, kìm hàng trước mỗi lần thay đổi giá.

Tuy nhiên, đối với mặt hàng điện thì việc đầu cơ, găm hàng là điều không thể. Bởi đây là mặt hàng kinh doanh độc quyền của nhà cầm quyền và hơn hết là mặt hàng điện có những đặc trưng riêng mà người dân không thể găm hàng dự trữ được. Chính vì vậy, Phòng Thương mại và Công nghiệp đã đề nghị cơ quan soạn thảo của Bộ Công thương bổ sung quy định về việc công khai phương án giá bán điện trước khi tăng.

An Nhiên

https://www.sbtn.tv/gia-cac-mat-hang-nha-cam-quyen-cs-kinh-doanh-deu-la-tai-lieu-mat/

 

Các công ty ngoại quốc đầu tư vào Việt Nam

đang có xu hướng nhỏ dần

Tin Việt Nam – Đài VOV của nhà cầm quyền CSVN, ngày 2 tháng 4 loan tin, ông Đậu Anh Tuấn, trưởng phòng pháp chế, thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp cho biết, các công ty có vốn đầu tư ngoại quốc hoạt động tại Việt Nam chủ yếu là những công ty có quy mô nhỏ. Mục đích hướng đến của các công ty này là xuất cảng, và chuyên cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho các tập đoàn đa quốc gia lớn, thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Tuấn cho rằng, nhiều công ty nhỏ có vốn đầu tư ngoại quốc vào Việt Nam chỉ để làm vệ tinh, nhà cung cấp cho các dự án đầu tư ngoại quốc lớn hơn. Những công ty này có thể cản trở khu vực tư nhân nội địa hòa nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Nguyên nhân dẫn đến việc các công ty có vốn đầu tư ngoại quốc ngại vào Việt Nam đó chính là thủ tục hành chính của nhà cầm quyền. Theo ông Daniel J.Kritenbrink, đại sứ Mỹ tại Việt Nam, năm 2018, các công ty tại Việt Nam có ghi nhận các xu hướng tích cực đang diễn ra tại Việt Nam về cải thiện các thủ tục hành chính, và một số vấn đề khác. Tuy nhiên, ông Daniel J.Kritenbrink  cho biết, các công ty có vốn đầu tư ngoại quốc có một số điểm đáng lo ngại như quy mô đầu tư có xu hướng nhỏ dần; và nhà cầm quyền Việt Nam cần phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính như thông quan, bảo hiểm xã hội, thuế, thanh tra, và kiểm tra.

Đây là những lĩnh vực mà các công ty có vốn đầu tư ngoại quốc gặp nhiều phiền hà. Ngoài ra, các nhà đầu tư ngoại quốc còn than phiền, tình trạng cúp điện ở Việt Nam vẫn còn phổ biến đã gây thiệt hại cho các công ty, chất lượng đường giao thông giữa các địa phương có sự cải thiện không đồng đều, chưa kể mỗi lần mưa lớn, thành phố cũng thành sông.

An Nhiên

https://www.sbtn.tv/cac-cong-ty-ngoai-quoc-dau-tu-vao-viet-nam-dang-co-xu-huong-nho-dan/

 

Việt Nam bác tin về sàn giao dịch tiền ảo trong nước

Thanh Trúc, RFA

Việt Nam chính thức bác bỏ việc thành lập sàn giao dịch tiền ảo sau khi bản tin trên mạng PR Newswire loan báo về việc này cuối tháng Ba vừa qua.

Theo tin từ Mạng PR Newswire thì 2 tổ chức kinh doanh tiền ảo, từ quen thuộc gọi chung là Bitcoin hay từ chính thức là Crypto Currency, vừa thành công trong việc điều đình tiến tới bản MOU ghi nhớ tương thuận để Việt Nam có sàn giao dịch tiền ảo đầu tiên trong những ngày tới.

Vẫn theo PR Newswire, tên 2 công ty được phép lên sàn giao dịch tiền ảo đầu tiên là Linh Thanh Group và KRONN Ventures AG .

Tin đó không đúng, là khẳng định của ông Bùi Văn, cưu phó giám đốc kiêm giảng viên Chương Trình Fulbright, hiện phụ trách kênh truyền hình kinh tế FBNC ở thành phố Hồ Chí Minh:

PN Newswire là tổ chức đưa tin cho các doanh nghiệp và các doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về nguồn tin chứ PR Newswire không chịu trách nhiệm về nguồn tin đó. Tôi không nghĩ là Việt Nam cho phép đâu, có thể Google rồi đám “Ngân Hàng Nhà Nước Không Cấp Phép Cho Sàn Tiền Ảo” là có một loạt các tin của một loạt báo đài đồng loạt xác nhận Ngân Hàng Nhà Nước bác bỏ thông tin sắp cấp phép cho sàn giao dịch tiền ảo, cho nên chúng tôi biết chắc cái này không có đâu.

Chưa và không hề có chuyện chấp thuận để crypto currency tức tiền ảo được lên sàn giao dịch công khai ở trong nước, cũng là câu trả lời của chuyên gia tài chính và ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu:

Chúng tôi cũng được tin là Ngân Hàng Nhà Nước đã phủ nhận việc cấp giấy phép cho công ty vận hành với crypto currency . Điều này không làm tôi ngạc nhiên vì theo tôi hiểu Nhà Nước vẫn chưa có qui định nào rõ rệt về việc cho phép hay không cho phép tiền ảo crypto currency.

Từ năm 2014, crypto currency, đồng tiền ảo, được hiểu như thế nào, cách lưu hành của nó như thế nào, mua bán chuyển nhượng ra sao, được coi là hiện tượng rất mới trong nền kinh tế Việt Nam.

Ngân Hàng Nhà Nước đã phủ nhận việc cấp giấy phép cho công ty vận hành với crypto currency . Điều này không làm tôi ngạc nhiên vì theo tôi hiểu Nhà Nước vẫn chưa có qui định nào rõ rệt về việc cho phép hay không cho phép tiền ảo crypto currency. – TS. Nguyễn Trí Hiếu

Sau đó không lâu, đầu 2016, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho biết tiếp, Ngân Hàng Nhà Nước đã ra thông cáo là đồng tiền ảo không được phép sử dụng như một phương tiện thanh toán:

Có nghĩa không được sử dụng để mua bán hàng hóa,không được sử dụng để trả tiền khách sạn hoặc mua bất động sản. Tuy nhiên Ngân Hàng Nhà Nước không cấm chuyện có thể chuyển nhượng, mua bán cái crypto currency. Thành ra dùng nó như một phương tiện thanh toán thì không được phép, nhưng Luật không cấm việc tôi có đồng bitcoin, tôi có thể bán cho một người bạn với giá 1 bitcoin 4.000 hoặc  5.000 Đô la  nếu hai bên thỏa thuận thương lượng với nhau. Chính vì thế đây là một lỗ hổng về mặt quản lý đồng tiền ảo.

Về mặt nguyên tắc Việt Nam chưa hề tuyên bố  nên hay không nên cho phép đồng tiền ảo được lưu hành được sử dụng trong nước, vì thế tin nói Ngân Hàng Nhà Nước  cho phép lập sàn giao dịch đồng tiền ảo là chuyện không thể xảy ra, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nói.

Anh Lâm ở Sài Gòn, từng tham gia mua bán crypto currency trên sàn mang tên Remitano từ khi tiền ảo vào Việt Nam 4 hay 5 năm trước, cũng có suy  nghĩ tương tự:

Em săn dự án và thấy dự án nào nền tảng của nó thật, trình độ kỹ thuật OK là em chơi thôi. Cho mở sàn giao dịch là trái  ngược hoàn toàn với những năm trước. Giống như mấy  anh em của em  là dân MMO Make Money Online trên sàn Remitano là sàn giao dịch buôn bán bằng nhiều loại đồng tiền crypto currency, nhưng cũng có một khoảng thời gian bị  Nhà Nướ cđánh thuế. Đơn giản là quản lý không được thì cấm thôi, có nghĩa là không cho qui đổi ra tiền mặt,còn những cá nhân làm trái thì bị diệt hết trơn rồi.

Được hỏi về những dấu hiệu lừa đảo tai tiếng liên quan đến tiền ảo ở trong nước, anh Lâm trả lời không phải là dấu hiệu mà là chuyện có thực:

Đa số là người sau trả người trước, nó vẽ ra dự án thôi. Nếu biết chơi hụi thì cũng giống như chủ hụi nói là gởi tiền cho họ để lấy lãi hàng tháng thì người sau trả người trước. Chơi hụi lúc trước là trả tiền mặt, sau này là Bitcoin, thì  Bitcoin lại dễ lừa nữa vì đâu có tra ra được. Lừa tới mấy trăm ngàn tỷ lận. Bốn, năm năm rồi, lừa biết bao nhiêu rồi, cảnh báo họ không tin thì biết làm sao.

Tháng Tư năm 2018, Việt Nam lên tiếng yêu cầu điều tra nghi án lừa đảo tiền ảo. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ thị các bộ ngành và cơ quan chức năng tăng cường điều tra một vụ lừa tiền ảo lên tới mấy trăm triệu đô la

Tháng Sáu năm 2018 Việt Nam ra lịnh tạm ngưng nhập máy đào tiền ảo ( Cryptocurrency Mining). Tin nói Bộ Tài Chính tạm thời ngưng nhập máy đào tiền ảo nhằm tăng cường quản lý hoạt động liên quan đến bitcoin và các giao dịch tiền ảo khác.

Tính đến lúc này khoảng 15.000 máy đào tiền ảo đã nhâp về Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Chỉ riêng 2018, hơn 9.300 máy đào tiền ảo được nhập, trong đó Hà Nội 2.300 máy, Sài Gòn khoảng 7.000 máy.

Bất kể biện pháp ngăn chặn và cảnh báo từ chính phủ, thực tế cho thấy đầu tư vào tiền ảo vẫn gia tăng tại các thành phố lớn, đe dọa sự ổn định thị trường tài chính cũng như trật tự xã hội.

Đối với ông Bùi Văn, đang phụ trách kênh truyền hình kinh tế tài chính FBNC trên TV, thì  không thể gọi là đầu tư mà gọi là đầu cơ mới đúng:

Không có cái đầu tư gì mà mới mua 5.000 khoảng hai tháng sau đã lên 20.000, rồi vừa 20.000 thì hai tháng sau lại giảm xuống còn 3.000. Cái này là speculation tức là đầu cơ. Nhà Nước Việt Nam không khuyến khích cái đầu cơ này. – Ông Bùi Văn

Tiền ảo thì  rủi ro của nó rất cao, không có cái đầu tư gì mà mới mua 5.000 khoảng hai tháng sau đã lên 20.000, rồi vừa 20.000 thì hai tháng sau lại giảm xuống còn 3.000. Cái này là speculation tức là đầu cơ. Nhà Nước Việt Nam không khuyến khích cái đầu cơ này.

Khác với đầu tư là tạo ra giá trị, đầu tư vào một công ty thì tiền đó dùng làm ra hàng hóa, dịch vụ, trả lương công nhân, tạo ra một cái giá trị gia tăng. Còn đầu cơ là mua vào thế nào thì bán ra  giá trị như thế, không tạo ra giá trị gia tăng.

Đây là một trò chơi mà người này được của người kia, tiếng Anh gọi là Zero Sum Game, Nhà Nước Việt Nam rất là không khuyến khích.

Một lý do quan trọng khác, ông Bùi Văn nhận định tiếp, Việt Nam đã phải vất vả trong việc kiểm soát lạm phát, trong việc kềm giữ mệnh giá giữa 3 thứ đang lưu hành là VND, USD và vàng, vì thế không có lý do nào lại chấp thuận cho lên sàn giao dịch một loại tiền không kiểm soát được:

Thế bây giờ lại sinh ra crypto currency mà qui mô của nó còn rất nhỏ so với nên kình tế nhưng cái tác động gây nhiễu, gây ra những tin đồn của nó lại rất lớn.

Cho nên Ngân Hàng Nhà Nước khó mà có thể cho phép một thứ tiền, vốn đã là ảo, mà còn  vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chính phủ như bao lâu nay, ông Bùi Văn kết luận.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/no-authorized-crypto-currency-exchange-in-vn-tt-04032019084315.html

 

Cuộc đua đại hội 13 sẽ ‘máu lửa’ đến mức nào?

Phạm Chí Dũng

‘Lò’ sẽ được đốt từ dưới lên, từ trên xuống và đến năm 2020 thì đốt khắp nơi.

Rất giống nhưng cũng rất khác đại hội 12 của đảng Cộng sản vẫn còn đang cầm quyền ở Việt Nam, đại hội 13 của chính đảng chưa hề được luật hóa này – sẽ xảy ra vào năm 2021 – có một ‘đặc thù’ mà không một đại hội đảng nào trước đây có: ‘đốt lò’.

Nếu vào thời tiền đại hội 12, những trận chiến quyền lực bề nổi và dưới gầm bàn chủ yếu bằng thủ đoạn gửi thư tố cáo cho Ủy ban Kiểm tra trung ương và đấu tố nhau trên mạng xã hội nhưng đương sự cùng lắm cũng chỉ bị kỷ luật về mặt đảng và do đó mất quyền ứng cử vào Ban Chấp hành trung ương và Bộ Chính trị, giai đoạn nóng sốt hai năm trước đại hội 13 lại mở ra cơ hội tung tóe cho những ai muốn ‘chơi’ nhau: Ủy ban Kiểm tra trung ương chỉ đóng vai trò tiền xét các vụ việc vi phạm tư cách đảng viên, còn sau đó vụ tham nhũng hoặc cố ý làm trái của đảng viên đó được chuyển sang cơ quan an ninh điều tra hoặc cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ Công an – hai địa chỉ mà từ đó có thể khiến những ứng cử viên ủy viên trung ương hoặc bộ chính trị phải ‘một đi không trở lại’ trong ngậm đắng nuốt cay.

Tháng Ba năm 2019, câu chuyện bắt đầu…

Trở lại thời… Chân Dung Quyền Lực

‘Bắt đầu bàn nhân sự rồi, phải hết sức cảnh giác’ – phát biểu của ‘Tổng chủ’ Nguyễn Phú Trọng vào cuối tháng 3 năm 2019 xảy đến trong bối cảnh chính trường Việt Nam bất chợt sôi sục hẳn lên với sự khởi động của một cái gì đó giống như bầu không khí xung đột nóng rực trước đại hội 12. Đó đây thấp thoáng hiện ra vài ba bài viết trên mạng xã hội nhằm đấu tố trong giới chóp bu cao cấp về tài sản, sân sau và thủ đoạn ‘chơi nhau’. Và cũng bắt đầu bắn thẳng vào những tên tuổi cụ thể của quan chức cấp cao.

Đầu năm 2019, rõ là các cơ quan đảng đang đẩy nhanh hơn tiến độ ‘quy hoạch cán bộ cấp chiến lược’ để chuẩn bị nhân sự cho đại hội 13 vào đầu năm 2021. 2019 là năm ‘bàn nhân sự’ cấp tỉnh thành, còn đến năm 2020 sẽ là năm quyết định vận mạng nhân sự chủ chốt của cấp trung ương, trong đó có Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị và đặc biệt là ‘tam trụ’ (thay cho ‘tứ trụ’ trước đây vì hiện thời một mình Nguyễn Phú Trọng ngồi đến hai ghế).

Chẳng khác gì thời tiền đại hội 12 (bắt đầu ‘đánh nhỏ’ vào năm 2014 và đặc biệt là ‘đánh nhau lớn’ trong nguyên năm 2015), đơn thư tố cáo và bài viết ‘đâm dao sau lưng đồng chí’ với các tác giả nặc danh 100% và không rõ nguồn gốc đang chĩa mũi dùi sâu nhất vào Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính và thêm một số quan chức cao cấp khác.

Tình hình trên khiến nhiều người buộc phải nhung nhớ… Chân Dung Quyền Lực.

Vào cuối năm 2014, lần đầu tiên trang Chân Dung Quyền Lực xuất hiện và tạo nên một cơn địa chấn trong chính trường và chính giới Việt nam khi tấn công không thương tiếc, với nhiều chi tiết liên quan đến tài sản, sân sau và nhân thân ‘chính trị nội bộ’, đối với một số ủy viên bộ chính trị khi đó, đặc biệt là Nguyễn Xuân Phúc. Khỏi phải nói rằng hiệu ứng của trang mạng phe cánh chính trị này đã khiến nhiều ‘chính khách’ co rúm và phải uống thuốc ngủ. Nhưng đến gần cuối năm 2015 khi sắp diễn ra đại hội 12, trang Chân Dung Quyền Lực tự nhiên biến mất theo đúng cái cách mà nó đã thình lình xuất hiện. Có lẽ vào lúc đó, ‘nhiệm vụ lịch sử’ của nó đã tạm hoàn thành.

Còn giờ đây, cuộc chiến quyền lực đã bắt đầu manh nha, và nếu không có gì thay đổi thì sự việc sẽ diễn ra theo đúng quy luật xung đột chính trị – lại một cuộc chạy đua sống mái vào các chức danh chủ chốt trong Bộ Chính trị và trong ‘tam trụ’, kể cả một cuộc vận động để điều chỉnh ‘tam trụ’ thành ‘tứ trụ’ như cũ.

Sẽ ra sao nếu Trọng ‘nghỉ tổng bí thư’?

Từ khoảng cuối năm 2018, bắt đầu xuất hiện một thông tin ngoài lề đầy gợi cảm và biến động: có một khả năng là Nguyễn Phú Trọng sẽ chuyển giao quyền lực tổng bí thư cho một người thân tín, chẳng hạn như Trần Quốc Vượng, mà chỉ ngồi ghế chủ tịch nước. Và cùng với ‘nhân sự cấp chiến lược Trần Quốc Vượng’, còn một cái tên ‘chiến lược’ khác cũng được nêu ra như một phương án thay thế vị trí thủ tướng hiện thời: Vương Đình Huệ.

Theo dư luận, không phải ngẫu nhiên mà thời gian gần đây xuất hiện những đồn đoán về ‘Huệ sửa số liệu’ hay vụ chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh mà bị xem là có liên quan đến phạm vi hoạt động của Phạm Minh Chính và vài ủy viên bộ chính trị khác. Trong khi đó, quan chức được xem là đàn em thân tín của Nguyễn Xuân Phúc là Huỳnh Đức Thơ – chủ tịch Đà Nẵng và từng có thời được coi là bất khả xâm phạm dù bí thư Đà Nẵng khi đó là Nguyễn Xuân Anh phải rớt đài thảm thiết – cũng đang được đồn đoán là sẽ ‘vào lò’…

Không loại trừ cái tin Nguyễn Phú Trọng ‘nghỉ tổng bí thư’ chỉ là một thủ thuật chính trị theo kiểu ‘giả chết bắt quạ’ và bắt chết những tay mơ non choẹt kinh nghiệm nhưng ham hố ghế và háu đá.

Nhưng ‘vấn đề sức khỏe’ lại có vẻ là một thực tồn không tránh khỏi của ông Trọng. Từ năm 2018 đến nay, nhiều thông tin ngoài lề về việc sức khỏe bác Cả ‘không được tốt lắm’, lại thêm việc ‘thân này ví xẻ làm đôi’ cho cả hai văn phòng tổng bí thư và chủ tịch nước kể từ tháng 9 năm 2018 mà đã và sẽ khiến cho ông Trọng có thể rơi vào tình trạng phân tâm trầm trọng, dẫn tới hội chứng mệt mỏi thần kinh và thể trạng…

Trong bối cảnh đó và nếu đến một lúc nào đó Nguyễn Phú Trọng không chỉ có ý định mà còn buộc phải tự nguyện nhường lại cái ghế tổng bí thư cho người khác, hai ứng cử viên hàng đầu đã hoặc được sắp sẵn, hoặc cố ngoi lên vị trí sắp sẵn đó: Trần Quốc Vượng và Nguyễn Xuân Phúc.

Đây là hai tính cách khác nhau một trời một vực: trong khi Thủ tướng Phúc thậm chí còn được dân gian đặt cho biệt danh là ‘Phúc nổ’ với đủ thứ giai thoại về ‘đầu tàu kinh tế’ và ‘tăng trưởng GDP’ tại các địa phương mà ở đó ông ta lộ rõ chiến dịch vận động để vị thế của mình được ‘nâng lên một tầm cao mới’, Trần Quốc Vượng lại chỉ nói quá ít so với Phúc. Và trong khi Nguyễn Xuân Phúc được xem là ‘một thế lực đang lên’ với ‘mạnh vì gạo bạo vì tiền’, thì Trần Quốc Vượng lại ‘nghèo’ và kín đáo hơn nhiều, tuy không phải không có dư luận về ‘sân sau’ của nhân vật này.

Hoặc Vượng – một quan chức bên đảng không có nhiều điều kiện tiếp xúc và vận động ở các tỉnh thành như Phúc, đã tìm ra một chiến thuật khôn ngoan ẩn mình trong im lặng. Chính thái độ được xem là ‘khiêm tốn’ và ‘không đam mê quyền lực’ ấy của Trần Quốc Vượng có thể đã chiếm được tình cảm của Nguyễn Phú Trọng, để Vượng được chính thức vào ngôi ‘thái tử’.

Khác với thời tiền đại hội 12, giai đoạn ‘toàn đảng, toàn quân lập thành tích chào mừng đại hội 13’ không những là cuộc chiến đánh vào các sân sau của nhau, mà tính xung đột của nó còn ‘máu lửa’ hơn nhiều bởi yếu tố hình sự hóa của cuộc chiến này – thể hiện bởi Bộ Công an ở cấp trung ương và cơ quan công an ở một số địa phương then chốt – những nơi đậm đà yếu tố ‘phe cánh chính trị’. ‘Lò’ sẽ được đốt từ dưới lên, từ trên xuống và đến năm 2020 thì đốt khắp nơi.

https://www.voatiengviet.com/a/dai-hoi-13-mau-lua/4858431.html