Tin Biển Dông – 03/04/2019
Mỹ-Philippines thảo luận triển khai tên lửa Biển Đông
ngừa Trung Quốc
Hoa Kỳ và Philippines đang thảo luận về việc đặt một hệ thống tên lửa được nâng cấp ở Biển Đông để chống lại sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực tranh chấp, tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) cho biết hôm 3/4.
Hệ thống rocket của Lockheed Martin có khả năng phóng các tên lửa dẫn đường tầm xa chính xác, có thể tấn công bất kỳ sự hiện diện nào của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa, một chuyên gia nói với SCMP.
Theo lời các chuyên gia an ninh khu vực nói với SCMP, mặc dù Washington và Manila đang hợp tác để ngăn chặn đà “quân sự hóa” ngày càng gia tăng của Bắc Kinh trên các đảo ở Biển Đông, nhưng hai bên đã không thể kết thúc được thỏa thuận vì Hệ thống pháo phản lực HIMARS có thể quá đắt đỏ đối với ngân sách của Manila.
Bộ quốc phòng Philippines đã được phân bổ ngân sách 3,6 tỷ đôla cho năm 2019, tăng 34% so với năm trước, nhưng vẫn không là gì so với ngân sách quốc phòng khổng lồ năm 2019 của Mỹ là 686 tỷ đôla.
Tiết lộ trên được đưa ra sau khi một nhóm chuyên gia về quốc phòng có ảnh hưởng thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) ở Washington cảnh báo trong một báo cáo mới rằng các hoạt động “tự do hàng hải” của Hoa Kỳ đã thất bại trong việc đối phó với Bắc Kinh ở Biển Đông .
Trung Quốc đã cài đặt các hệ thống tên lửa chống hạm địa đối không trên 3 đảo nhân tạo ở Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn trong chuỗi đảo Trường Sa, tạo ra một rào cản tiềm năng cho quân đội Hoa Kỳ trong khu vực tranh chấp. Trong các cuộc đàm phán an ninh và ngoại giao cấp cao vào tháng 11, Bắc Kinh đã bác bỏ yêu cầu của Mỹ đòi phải gỡ bỏ các tên lửa này.
Báo cáo được công bố vào ngày 21/3 của CNAS thúc giục Hoa Kỳ phải triển khai hệ thống HIMARS ở các nước Đông Nam Á để “chứng minh tính linh hoạt và khả biến trong hiện diện quân sự luân phiên của Mỹ”.
Hệ thống tên lửa đã được thử nghiệm lần đầu tiên trong cuộc tập trận quân sự chung hàng năm của Mỹ và Philippines có tên Balikatan vào năm 2016.
Năm ngoái, Trung tướng Kenneth McKenzie, Giám đốc Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ từng cảnh báo rằng Hoa Kỳ có khả năng thổi bay các đảo nhân tạo của Trung Quốc.
Hôm 1/4, Lầu Năm Góc cũng lên tiếng đảm bảo “liên minh bền vững” giữa Mỹ và Philippines, và đồng ý về nhu cầu “tăng khả năng tương tác” giữa hai quân đội.
Hồi tháng Hai, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng bất kỳ cuộc tấn công nào vào nhắm vào máy bay hay tàu của Philippines ở Biển Đông đều sẽ nhận phản ứng từ Mỹ.
“Việc xây đảo và các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông đe dọa chủ quyền, an ninh và sinh kế của Philippines, cũng như của Hoa Kỳ”, ông Pompeo nói trong cuộc họp báo chung ở Manila vào tháng Hai.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã và đang tăng dần sự hiện diện quân sự ở Biển Đông, một trong những thủy lộ bận rộn nhất trên thế giới. Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Bắc Kinh đã khai phá hơn 2.900 mẫu đất kể từ năm 2013.
Các hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy hoạt động ngày càng tăng trên một số đảo đá ở quần đảo Trường Sa, bao gồm việc xây dựng các sân bay trực thăng, phi đạo và các cấu trúc radar, theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại của Mỹ.
Hôm 1/4, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết họ gửi kháng thư để phản đối sự hiện diện của hàng trăm tàu Trung Quốc ở gần đảo Thị Tứ mà Manila tuyên bố chủ quyền.
Quá trình TQ triển khai “Kế hoạch Biển Đông”
nhằm củng cố các yêu sách chủ quyền phi pháp ở Biển Đông
Trung Quốc lập ra Quỹ Khoa học tự nhiên quốc gia Trung Quốc vào năm 2011 và sau đó chính thức đề ra chương trình “Kế hoạch Biển Đông” kéo dài 8 năm (2011 – 2020), nhằm lợi dụng các hoạt động và kết quả của khảo cổ, khảo sát đáy đại dương ở Biển Đông để củng cố, biện minh cho các đòi hỏi chủ quyền phi pháp của nước này.
Về cái gọi là “Kế hoạch Biển Đông” và quá trình triển khai của TQ
“Kế hoạch Biển Đông” thực chất là kế hoạch của Trung Quốc đưa ra nhằm thúc đẩy triển khai hoạt động khảo cổ, khảo sát khoa học đáy biển ở Biển Đông để tìm kiếm các vết tích lịch sử nhằm phục vụ cho các lập luận về chủ quyền lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông. Năm 2011, Trung Quốc lập ra Quỹ Khoa học tự nhiên quốc gia Trung Quốc và sau đó chính thức đề ra chương trình “Kế hoạch Biển Đông” kéo dài 8 năm (2011 – 2020), với số vốn đầu tư hơn 190 triệu nhân dân tệ.
Theo Kế hoạch này, Trung Quốc đã đào tạo hàng trăm nhà khảo cổ đại dương, xây dựng 3 viện bảo tàng dưới nước và đầu tư hàng triệu đô la vào lĩnh vực nghiên cứu đại dương. Để tăng cường nghiên cứu khoa học ở Biển Đông, kể từ khi chương trình bắt đầu, Trung Quốc đã thực hiện tổng cộng hơn 60 chuyến khảo sát khoa học. Trung Quốc đã thành lập Trung tâm bảo vệ di sản văn hoá dưới nước (CCUCHP), sau đó lập ra “Đội bảo vệ di sản văn hoá dưới nước quốc gia”, với sự tham gia của Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Công an, Giao thông Vận tải và Cục Quản lý Đại dương. Ngoài ra, một trung tâm bảo tồn và nghiên cứu khảo cổ dưới nước đã được thành lập ở Tế Nam, Sơn Đông. Năm 2013, Trung Quốc mở rộng hoạt động khảo cổ phi pháp đến quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tại đây, Trung Quốc đã xác định được khoảng 200 cái gọi là “di sản văn hóa” khác nhau dưới đáy biển giữa quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Đến năm 2017, Trung Quốc đưa vào sử dụng Bảo tàng Hải dương Quốc gia đầu tiên tại Thiên Tân, với chi phí xây dựng lên đến 430 triệu USD. Hiện nay, Trung Quốc đang lên kế hoạch xây dựng phi pháp Trạm khảo cổ biển trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam do nước này cưỡng chiếm.
Bên cạnh các trung tâm nghiên cứu, đào tạo các nhà khoa học thì Trung Quốc cũng chú trọng đầu tư mạnh cho phương tiện máy móc.Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc có gần 60 tàu khảo sát, gồm 26 tàu khảo sát xa bờ, trên 30 tàu khảo sát gần bờ như tàu Tuyết Long (thuộc Trung tâm nghiên cứu địa cực Trung Quốc), tàu Phát Hiện (thuộc Đại đội Khảo sát địa chất hải dương số 1, Cục dầu mỏ Hải Dương Thượng Hải), tàu Khảo Cổ 01 (thuộc Cục Văn vật Quốc gia Trung Quốc), tàu Chiết Hải Khoa 1 (thuộc Đại học Hải Dương Chiết Giang), tàu Đại Dương số 1 (thuộc Hiệp hội phát triển nghiên cứu tài nguyên khoáng sản đại dương Trung Quốc), tàu Hướng Dương Đỏ 06 (thuộc Chi cục Bắc Hải Cục Hải dương Quốc gia), tàu thực nghiệm tổng hợp Lý Tứ Quang, tàu điều tra hải dương 871, tàu khảo sát vật lý địa cầu Hải Dương Thạch Du (tàu Hải Dương Thạch Du 720 và tàu Hải Dương Thạch Du 721), tàu Đông phương Hồng (thuộc Tập đoàn công nghiệp đóng tàu Trung Quốc)…
TQ tuyên truyền gì cho thành quả của “Kế hoạch Biển Đông”
Trung Quốc đã tuyên truyền rầm rộ về thành quả của “Kế hoạch Biển Đông”, như cho xuất bản hàng loạt các ấn phẩm phổ biến khảo cổ học dưới nước, nghiên cứu chuyên sâu về tàu, thuyền, hải dương như công trình khảo cổ dưới nước Tây Sa gắn với vùng Biển Đông của Việt Nam để tuyên truyền về hoạt động khảo cổ, chứng cứ lịch sử của Trung Quốc đối với khu vực Biển Đông. Trung Quốc tuyên truyền cho rằng đã phát hiện 12 “địa điểm chứa cổ vật văn hóa dưới nước” tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Chính phủ Trung Quốc cho hay các nhà khảo cổ học đã phát hiện được các đồng tiền xu cổ và đồ gốm từ Ấn Độ và vùng Tây Á trong các đợt nghiên cứu dưới nước mới đây. Những cổ vật này sẽ
được sử dụng để hỗ trợ cho các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo tranh chấp. Đáng chú ý, công tác khảo cổ của Trung Quốc cũng đang được mở rộng đến tận quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc đã xác định được khoảng 200 “khu vực di sản văn hoá” dưới nước ở giữa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, và đã tiến hành thăm dò khảo cổ trái phép ở Trường Sa kể từ năm 2013. Trong khi đó, các hãng tin Trung Quốc, cả chính thống và phi chính thống cũng tích cực tuyên truyền, định hướng dư luận trong nước cũng như bên ngoài về các hoạt động khảo cổ hải dương của Bắc Kinh. Đài truyền hình Trung Quốc cũng triển khai nhiều phóng về hoạt động trên để tuyên truyền cho các hành động phi pháp của Bắc Kinh. Đáng chú ý Trung Quốc tuyên truyền cho rằng khảo cổ hàng hải và bảo vệ lịch sử hàng hải của Trung Quốc đã trở thành những công cụ quan trọng trong việc “bảo vệ quyền và chủ quyền” trên biển của Trung Quốc. Nó đồng thời trực tiếp ám chỉ đến những tranh chấp “phức tạp” mà Trung Quốc hiện phải “đối mặt” với các nước láng giềng. Giới chức Trung Quốc ca ngợi khảo cổ biển có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và gìn giữ quyền lợi trên biển của Trung Quốc.
Âm mưu thực sự của TQ khi tiến hành “Kế hoạch Biển Đông”
Để biện minh cho các yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, Trung Quốc cho rằng nơi nào có hiện vật nguồn gốc Trung Hoa, nơi đó là vùng lãnh thổ do người Trung Hoa chiếm cứ và khai thác, bởi họ có ý đồ sẽ hậu thuẫn cho mục tiêu dịch chuyển không gian hàng hải đến toàn bộ dân chúng. Điều đó cho thấy, khảo cổ học dưới đáy biển mang ý nghĩa chính trị trong vấn đề chủ quyền biển đảo quốc gia. Thứ nhất, mục đích của Trung Quốc tập trung vào khảo cổ học không chỉ là bảo tồn văn hóa, mà quan trọng hơn là nâng cao địa vị cường quốc hải dương của Trung Quốc với thế giới và từng bước độc chiếm Biển Đông. Khảo cổ cũng là chiêu trò mới của Trung Quốc trong việc tìm kiếm các chứng cứ lịch sử, yêu cầu Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận “Con đường tơ lụa trên biển” của họ là di sản văn hóa thế giới. Nó thực chất là thủ đoạn ngụy tạo những chứng cứ lịch sử về sự hiện diện, khai phá của cư dân Trung Quốc trên các quần đảo. Chính điều này đã khiến cho Hội đồng Bản đồ và Khoáng sản quốc gia Philippines hôm 26/2/2018 phải đề nghị Bộ Ngoại giao Philippines kiến nghị Tổ chức Thủy văn quốc tế hủy các tên gọi do Trung Quốc đặt cho 05 cấu trúc trong vùng biển Benham Rise mà Trung Quốc có được thông qua các hoạt động nghiên cứu, khảo sát. Thứ hai, giới chuyên gia cho rằng việc Trung Quốc đưa hàng loạt các tàu khảo sát, khảo cổ và thực nghiệm xuống Biển Đông cho thấy, Trung Quốc đang không ngừng đầu tư chế tạo các tàu phục vụ cho hoạt động nghiên cứu lịch sử và khoa học trái phép, nhằm hiện thực hóa âm mưu hết sức nguy hiểm là tranh đoạt chủ quyền lãnh thổ và vơ vét tài nguyên ở 80% diện tích Biển Đông. Thứ ba, những tàu khảo sát vật lý địa cầu dưới đáy biển này đóng vai trò như những tên “lính tiên phong”, sẽ tiến hành thăm dò, lấy mẫu các tầng đất đá, nghiên cứu cấu tạo các tầng địa chất dưới đáy biển để tìm ra những dấu hiệu cho thấy sự hiện hiện của các mỏ dầu, tạo điều kiện thuận lợi cho các giàn khoan tiến hành thăm dò chất lượng và trữ lượng dầu trong các mỏ ngầm dưới đáy biển.
Quan chức Philippines lo ngại bị TQ “xiết nợ” ở Biển Đông
Phó Thẩm phán cao cấp tại Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio đã kêu gọi sự giám sát công khai hơn đối với các thỏa thuận hợp tác kinh tế song phương với Trung Quốc do lo ngại Bắc Kinh có thể tịch thu bãi Cỏ Rong, nếu Manila không không đáp ứng nghĩa vụ cho vay đối với kế hoạch tưới tiêu sông Chico.
Philippines và mối lo bị Trung Quốc bắt nợ
Theo ông Antonio Carpio, trong trường hợp Philippines không thể trả nợ, Trung Quốc có thể thu giữ, để đáp ứng bất kỳ phán quyết trọng tài nào có lợi cho Trung Quốc, “những tài sản dành cho sử dụng thương mại” của chính phủ Philippines. Theo đó, các tài sản nói trên có thể bao gồm tài nguyên ở Biển Đông, chẳng hạn như các tài sản xung quanh bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Sau khi ông Antonio Carpio đưa ra tuyên bố trên, Thượng nghị sĩ Philippines Joel Villanueva, một đồng minh của Tổng thống Rodrigo Duterte, đã bày tỏ quan ngại về các thỏa thuận tài chính với Trung Quốc. Ông Joel Villanueva nhấn mạnh Chính phủ không nên được phép “cầm cố tài sản” cho quốc gia láng giềng giàu có hơn; khẳng định “Philippines đã thấy những tác động tiêu cực của kiểu thu xếp này với Trung Quốc ở một số quốc gia nơi Trung Quốc cuối cùng đã kiểm soát tài nguyên và tài sản quan trọng của một đất nước”.
Trong khi đó, Người phát ngôn của Phủ Tổng thống Philippines Salvador Panelo (25/3) tuyên bố thỏa thuận liên quan đến dự án sông Chico trị giá 3,6 tỉ peso là hợp pháp, trung thực và công khai; cho biết các điều khoản là “chuẩn mực giữa người cho vay và người đi vay”; khẳng định “không có gì sai khi sử dụng tài nguyên thiên nhiên làm tài sản thế chấp”, đồng thời trấn an người dân rằng chính phủ sẽ không bao giờ vỡ nợ với các khoản vay từ bất kỳ tổ chức quốc tế nào.
Cả Philippines và Trung Quốc đều đang đẩy nhanh việc hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng tốn kém, tuy nhiên Bộ trưởng Dioko cho biết Chính quyền của Tổng thống Duterte cũng “rất cẩn thận” khi đánh giá các dự án. Trước hết, sẽ tiến hành các nghiên cứu khả thi, cũng như cân nhắc cả việc xin hỗ trợ vốn từ Ngân hàng Phát triển châu Á hay từ Ngân hàng Thế giới. Sau đó, các cơ quan chức năng sẽ điều chỉnh và trình trình lên Cơ quan Phát triển và Kinh tế Quốc gia. Ủy ban Điều phối đầu tư sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi trình lên Tổng thống. Ông cũng nhấn mạnh theo kinh nghiệm, nếu dự án có lợi suất từ 10% thì sẽ được phê duyệt vì Philippines có thể vay với mức thấp hơn nhiều.” Vừa qua, một khoản tín dụng 4,4 tỷ Peso của Trung Quốc đã được chuyển đến Cơ quan Thủy lợi quốc gia (NIA) của Philippines để triển khai dự án bơm thủy lợi sông Chico. Chính quyền Duterte đã ký thỏa thuận tín dụng 3,135 tỷ Peso, thỏa thuận duy nhất đến nay với Trung Quốc, cho các cơ sở hạ tầng tưới tiêu. Đây là dự án cơ sở hạ tầng thí điểm đầu tiên do Trung Quốc cấp vốn trong khuôn khổ chương trình “Xây dựng, xây dựng, xây dựng” đầy tham vọng của Philippines.
Cùng với dự án Bơm thủy lợi sông Chico, các dự án khác nằm trong gói đầu tiên Trung Quốc hỗ trợ tài chính bao gồm dự án Nguồn nước Thế kỷ Mới – Đập Kaliwa, Tuyến đường sắt dài quốc gia Nam Philippines, cũng như dự án xây cầu Binondo-Intramuros và Eastrella-Pantaleon bắc qua sông Pasig. Hai cây cầu này được cấp vốn viện trợ 6 tỷ Peso, dự kiến sẽ cùng hoàn thành vào năm 2020. Gói thứ hai bao gồm các dự án Kiểm soát lũ sông Mindanao và sông Ambal-Simuay, dự án xây dựng năm cây cầu bắc qua sông Pasig-Mirikina, dự án Đường ngập lụt Manggahan, Giai đoạn 1 dự án Philippines An toàn và dự án đường cao cốc Subic-Clark. Khu công nghiệp dự kiến tại thành phố Clark mới nổi cũng sẽ được đẩy nhanh vì người Trung Quốc “rất thích thành phố Clark”, ông Dikno cho biết.
Trong khuôn khổ chương trình lớn “Xây dựng, xây dựng, xây dựng” của Chính quyền Tổng thống Duterte, chính phủ dự kiến sẽ triển khai 75 dự án thí điểm “thay đổi cuộc chơi”, tiêu tốn khoảng 9 nghìn tỷ Peso vào các dự án cơ sở hạ tầng hiện đại và hạng nặng đến năm 2022, mở ra “kỷ nguyên vàng về cơ sở hạ tầng”. Các tài liệu của Neda cho thấy 18 dự án và chương trình với kinh phí khoảng 731,7 tỷ Peso sẽ được triển khai thông qua các khoản vay và viện trợ từ Trung Quốc. Ông Diokno nhấn mạnh “với một chương trình cơ sở hạ tầng tham vọng như vậy, chúng ta cần tranh thủ càng nhiều đối tác phát triển càng tốt và rất vui là Trung Quốc đã giúp chúng ta trong việc nâng cấp và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng”.
Tại Diễn đàn hiệp hội các nhà báo kinh tế lần thứ hai của Diễn đàn kinh tế Philippines, ông Diokno cho biết các dự án cơ sở hạ tầng tốn kém sẽ được triển khai trong năm 2019 bao gồm: Dự án Đường sắt Philippines Bắc 1 (Tutuban đến Malolos) có kinh phí 14 tỷ Peso; dự án Cải tạo Hành lang tăng trưởng ở khu vực đường bộ Mindanao có kinh phí 3,6 tỷ Peso; Giai đoạn 1 dự án đường sắc Mindanao có kinh phí 2,9 tỷ Peso; Giai đoạn 1 Dự án quản lý lũ lụt trung tâm Manila có kinh phí 2,2 tỷ Peso; và Giai đoạn 1 dự án Tàu điện ngầm trung tâm Manila có kinh phí 1,5 tỷ Peso.
Thế nhưng, các tài liệu được chính phủ Philippines công bố cho thấy tới nay chỉ có 3 trong số đó, bao gồm 2 cây cầu và 1 công trình thủy lợi trị giá 167 triệu USD, được tiến hành. Phần còn lại bao gồm 3 dự án đường sắt, 3 đường cao tốc, 9 cây cầu vẫn nằm trên giấy.
Chiêu bài quen thuộc của Trung Quốc đã dùng thành công ở châu Phi
Trong những năm gần đây, để thâu tóm các hải cảng có vị trí địa chiến lược quan trọng trên thế giới nhằm phát triển thành căn cứ lưỡng dụng, Trung Quốc đã tích cực triển khai tổng hợp nhiều biện pháp kinh tế, chính trị, ngoại giao và quân sự.
Trung Quốc đã theo đuổi một hành trình liên tục mở rộng tăng cường ảnh hưởng về cả kinh tế, chính trị, ngoại giao và quân sự đối với những “mục tiêu” được lựa chọn. Thông thường, Bắc Kinh sẽ chọn những nước chậm phát triển về kinh tế- xã hội, có trình độ khoa học kỹ thuật, quân sự lạc hậu ở những vùng xa xôi và đương nhiên, những nước này phải có vị trí địa chiến lược quan trọng, có thể hỗ trợ những bước phát triển chiến lược của Trung Quốc. Tính đến thời điểm hiện tại, khu vực Tây Á, châu Phi là những “miếng mồi” ngon mà Bắc Kinh đang nhắm đến. Để đạt được mục tiêu, Trung Quốc đã triển khai một loạt những biện pháp mua chuộc:
Về kinh tế, Trung Quốc không tiếc tiền đầu tư kinh tế, viện trợ nhân đạo, cho vay ưu đãi… nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại của nước sở tại, đồng thời tạo sự lệ thuộc về kinh tế của những nước trên đối với Trung Quốc. Theo số liệu thống kê, trong năm 2016, kim nghạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và châu Phi đã đạt 149,1 tỷ USD và quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Trung Quốc và châu Phi đang phát triển nhanh chóng, trong đó có quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp Trung Quốc và các quốc gia ở châu lục này. Trung Quốc đang trở thành động lực quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế và xã hội ở nhiều quốc gia châu Phi hiện nay và trong tương lai. Theo các chuyên gia khu vực, quy mô đầu tư của Trung Quốc ước tính lên tới gần 3.000 dự án ở gần 60 quốc gia châu Phi với tổng số vốn đầu tư đạt khoảng 95 tỷ USD hiện nay. Các chương trình, dự án đầu tư của Bắc Kinh vào châu Phi tập trung chủ yếu vào lĩnh vực xây dựng, khai khoáng, nông nghiệp, sản xuất kinh doanh, dịch vụ, phát triển cơ sở hạ tầng. Đáng chú ý, để được triển khai căn cứ quân sự ở Djibouti, các ngân hàng của Trung Quốc trở thành nhà cung cấp vốn chính của ít nhất 14 công trình hạ tầng cho Djibouti, tổng trị giá những công trình này là 14,4 tỷ USD, bao gồm một tuyến đường sắt rút ngắn một nửa thời gian đi lại giữa Djibouti với thủ đô Addis Ababa của Ethiopia.
Về ngoại giao, Trung Quốc tích cực mua chuộc, lôi kéo giới chức lãnh đạo nước sở tại ủng hộ lập trường, chủ trương của Bắc Kinh. Với chiêu bài chi tiêu mua chuộc, đút lót và sử dụng ảnh hưởng chính trị, ngoại giao để mặc cả, gây sức ép, Trung Quốc đã thành công ở châu Phi và Tây Á. Đáng nể nhất là việc Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena thông qua quyết định sa thải Bộ trưởng Tư pháp Wijeyadasa Rajapakse sau khi ông này chỉ trích chính phủ Sri Lanka ký thỏa thuận bán 70% cổ phần cảng biển Hambantota chiến lược trị giá 1,5 tỉ USD cho Tập đoàn nhà nước China Merchant Port Holdings (CMPort) của Trung Quốc trong thời hạn 99 năm.
Về quân sự, quân đội Trung Quốc tích cực thông qua các hoạt động giao lưu quân sự, viện trợ trang thiết bị quân sự và hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật… để lấy lòng các nước. Đồng thời, thông qua các hoạt động trên, Bắc Kinh cũng tuyên truyền về “mục đích hòa bình” khi Trung Quốc triển khai các cắn cứ quân sự ở nước sở tại. Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (Sipri) công bố một báo cáo cho biết số lượng vũ khí mà Trung Quốc bán cho châu Phi đã tăng thêm 55% kể từ khi ông Tập Cận Bình lên giữ chức Chủ tịch vào năm 2013. Đáng chú ý trong số vũ khí này có loại súng giống AK-47 có giá rẻ hơn và đang được sử dụng tại một số khu vực căng thẳng như Cộng Hòa Dân Chủ Congo, Trung Phi và Nam Sudan.
Về chính trị, Trung Quốc đang tích cực tạo dựng ảnh hưởng đối với khu vực châu Phi. Về mặt chính sách, Trung Quốc vào năm 2006 đã công bố Chính sách châu Phi của mình, trong đó công bố chi tiết về quan hệ Trung Quốc-châu Phi trong nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, đến văn hóa, giáo dục, xã hội, và an ninh (tất nhiên điểm nhấn trong đó vẫn là kinh tế)… Các nguyên tắc chỉ đạo trong chính sách châu Phi bao gồm tôn trọng chủ quyền, bình đẳng, chân thành, cùng có lợi, học hỏi lẫn nhau và cùng phát triển. Đây cũng là cơ sở cho chính sách Trung Quốc “không can thiệp và không đặt điều kiện” trong quan hệ với các nước châu Phi. Quan điểm “không can thiệp” vào công việc nội bộ của các nước châu Phi đã giúp Trung Quốc chiếm được thiện cảm và niềm tin của các đối tác châu Phi, vốn từng chịu ách thực dân phương Tây trong nhiều năm và hiện vẫn bị phương Tây gây sức ép trên các phương diện mà phương Tây gọi là “nhân quyền” và “dân chủ”.
Về khoa học kỹ thuật, bên cạnh viện trợ tài chính và các chương trình cho vay, Trung Quốc còn đặc biệt coi trọng trợ giúp kỹ thuật để gây dựng ảnh hưởng trong khu vực, khiến nhiều nước châu Phi chịu lệ thuộc, chi phối vào Bắc Kinh.
Vì vậy, việc các quan chức lập pháp Philippines lo lắng về khả năng Trung Quốc bắt nợ bãi Cỏ Rong, nếu Manila không tuân thủ các cam kết do phía Bắc Kinh đưa ra là hoàn toàn có cơ sở.
http://biendong.net/bien-dong/27250-quan-chuc-philippines-lo-ngai-bi-tq-xiet-no-o-bien-dong.html