Tin khắp nơi – 03/04/2019
Donald Trump
và tài “hô phong hoán vũ” thị trường dầu lửa
Chỉ cần vài dòng tin nhắn trên Twitter, tổng thống Mỹ Donald Trump có thể khiến giá dầu trồi sụt trên thị trường vốn đã bấp bênh từ vài năm nay.
Trong bài viết : “Dầu lửa: Trump thổi thêm khả năng dễ bay hơi của thị trường” trên nhật báo Le Monde số cuối tuần 30-31/03/2019, phóng viên Nabil Wakim cho rằng cả giới hoàng thân vùng Vịnh, môi giới thị trường chứng khoán Luân Đôn và những ông chủ lớn đều ngóng những dòng Tweet sáng sớm của chủ nhân Nhà Trắng.
Ngày 28/03, như thường lệ, trên phương tiện truyền thông ưa thích của mình, tổng thống Mỹ chỉ trích Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu lửa (Organization of the Petroleum Exporting Countries, OPEC) vì giá dầu lửa tăng : “Điều quan trọng là OPEC cần tăng sản lượng dầu. Thị trường thế giới mong manh, giá dầu thì lại quá cao. Cảm ơn !”
Nhận xét của tổng thống Mỹ hoàn toàn đúng vì giá dầu tăng vùn vụt, đặc biệt từ đầu năm 2019, với mức tăng theo quý cao nhất kể từ 10 năm qua, cụ thể là tăng thêm 25% và mỗi thùng dầu hiện có giá hơn 67 đô la (khoảng 60 euro).
Nhưng thực ra, mức tăng chóng mặt trên chưa bù lại được mức giảm hơn 30% vào cuối năm 2018. Hiện tượng tăng – giảm đột biến không lường trước được này từng khiến ông Fatih Birol, giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (AIE), lo ngại khi trả lời Le Monde vào tháng 12/2018 : “Chúng ta đang bước vào một giai đoạn bất trắc và khả năng bốc hơi chưa từng có trong lịch sử ngành dầu lửa”.
Giá dầu giảm vì Mỹ tham gia thị trường cung cấp
Lý do chính được tác giả bài báo nhắc đến là chưa bao giờ thế giới lại sử dụng nhiều dầu lửa như hiện nay. Bất chấp những quan ngại về biến đổi khí hậu, về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chưa hồi kết hoặc sự xuất hiện những sáng kiến công nghệ mới, thế giới vẫn tiêu thụ 100 triệu thùng/ngày.
Thực trạng các nguồn cung cũng trở nên phức tạp hơn và giải thích phần nào sự trồi sụt thất thường của giá dầu lửa.
Thứ nhất, phải nhắc đến sự kiện Mỹ gia nhập đội ngũ các nhà cung cấp chất đốt vào năm 2014. Từ 5 năm nay, lượng dầu lửa từ đá phiến do Mỹ sản xuất, đặc biệt tại bang Texas, đã làm thay đổi hoàn toàn cán cân thế giới. Hoa Kỳ nhanh chóng trở thành nhà cung cấp hàng đầu trên thế giới. Chính sự gia nhập quá nhanh và quá mạnh của các nhà cung cấp Mỹ đã khiến thị trường dầu lửa bất ngờ sụt giá năm 2014 : mỗi thùng dầu có giá từ 100 đô la rơi xuống chưa đầy 30 đô la.
Phải hai năm sau, các nước xuất khẩu dầu lửa thuộc khối OPEC, do Ả Rập Xê Út đứng đầu, mới bắt đầu phản ứng trước sức tấn công bất ngờ của Mỹ. Năm 2016, OPEC ký với Nga và 10 nước sản xuất dầu lửa khác một thoả thuận nhằm giảm sản lượng khai thác. Kết quả là giá dầu tăng dần trở lại trong năm 2017.
Dĩ nhiên tổng thống Mỹ Donald Trump không hài lòng về chiến thuật của OPEC và nhiều lần, trên Twitter, yêu cầu các nước xuất khẩu dầu lửa ngừng cắt giảm sản lượng.
Trừng phạt Iran làm giá dầu tăng
Yếu tố thứ hai tác động đến giá dầu lửa là vào tháng 05/2018, tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, đồng thời quyết định áp dụng những biện pháp trừng phạt “khắc nghiệt nhất trong lịch sử”.
Đợt trừng phạt đầu tiên được ban hành ngày 07/08 nhắm vào bốn lĩnh vực : ngân hàng, nhập khẩu nguyên liệu, nhập khẩu trang thiết bi xe hơi và hàng không. Lĩnh vực dầu lửa và ngân hàng nằm trong danh sách đợt trừng phạt thứ hai, khắt khe hơn, nhắm vào Iran có hiệu lực từ ngày 05/11. Theo đó, các nước, các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài bị cấm tiếp tục mua bán dầu lửa hoặc giao dịch ngân hàng với Cộng Hòa Hồi Giáo Iran, nếu vi phạm sẽ bị cấm tiếp cận hệ thống thị trường tài chính Mỹ.
Vì Iran là quốc gia sản xuất dầu lửa lớn trên thế giới nên dĩ nhiên quyết định của chủ nhân Nhà Trắng trừng phạt Teheran làm gia tăng nỗi lo khan hiếm dầu lửa : giá dầu lại tăng, đạt
mức hơn 80 đô la/thùng, thậm chí có nguy cơ lên thành 100 đô la/thùng theo lo ngại của nhiều nhà phân tích.
Trước tình trạng chi phí nhiên liệu tăng nhanh sau khi hứa trừng phạt nặng Iran, tổng thống Mỹ đã điện đàm với quốc vương Ả Rập Xê Út vào đầu tháng 07/2018 để thảo luận về nhu cầu “duy trì sự ổn định của thị trường dầu lửa”. Tổng thống Trump đề nghị chính quyền Riyad tăng thêm 2 triệu thùng dầu mỗi ngày, thêm vào khối lượng hàng ngày là 10 triệu thùng, theo thống kê tháng 05/2018 của OPEC.
Bề ngoài, Ả Rập Xê Út hứa tăng sản lượng theo yêu cầu của tổng thống Mỹ dù không đề cập tới con số 2 triệu thùng được nêu lên, nhưng đằng sau thì xoa tay hài lòng vì giá dầu tăng. Như vậy, chính quyền Ryiad vừa có tiền chi trả cho cuộc chiến ở Yemen mà họ tham gia, vừa có kinh phí thực hiện các dự án cải cách của thái tử Mohammed Ben Salmane.
Nhưng vụ ám sát dã man và đầy ly kỳ nhà báo đối lập Jamal Khashoggi ngay trong lãnh sự Ả Rập Xê Út tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) hôm 02/10/2018, mà thái tử Ben Salman bị tình nghi là chủ mưu, đã buộc Riyad phải đổi chiến lược. Từ phủ nhận rồi dọa dùng lá bài dầu lửa để trả đũa các biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là từ Mỹ (trừng phạt tài chính nhắm vào 17 quan chức Ả Rập Xê Út, cấm nhập cảnh đối với nhiều người dính líu tới vụ ám sát…), chính quyền Riyad đã phải nhượng bộ.
Ngày 24/10/2018, đích thân thái tử Mohamed Ben Salmane, người bị tình nghi giật dây vụ ám sát, đã công khai lên án một tội ác “ghê tởm” và hứa sẽ trừng trị thích đáng thủ phạm. Nhưng hành động mang ý nghĩa quan trọng hơn cả là quyết định mở van dầu để tiếp tục nhận được sự ủng hộ của Mỹ.
Cùng thời điểm trên, ngày 05/11/2018, tổng thống Mỹ lại đưa ra một quyết định đầy bất ngờ khác. Ông miễn trừ cho 8 nước nhập dầu thô từ Iran mà không bị phạt, gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ý, Hy Lạp, Đài Loan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Cả hai sự kiện trên dẫn đến kết quả là đột nhiên có quá nhiều dầu cùng lúc trên thị trường. Mùa thu 2018, giá dầu rớt xuống 30%. Tổ chức OPEC và Nga lại họp khẩn cấp vào tháng 12/2018 và lại quyết định giảm bớt sản lượng.
Ngoài ra, còn phải kể đến tình trạng hiện nay của Venezuela, một quốc gia dầu lửa khác, hiện cũng nằm trong diện bị trừng phạt của tổng thống Trump. Đất nước tan hoang, thiết bị khai thác, sản xuất dầu lửa không được bảo trì, Venezuela từ một nước xuất khẩu dầu lửa giờ thiếu chất đốt và cả điện sinh hoạt. Theo báo cáo ngày 13/11/2018 của OPEC, Venezuela chỉ còn sản xuất được 1,17 triệu thùng/ngày, giảm 39% so với năm 2017.
Tương lai khó đoán vì tổng thống Mỹ khó lường
Thị trường dầu lửa thất thường bắt đầu tác động lên nền kinh tế của một số nước nhập khẩu, như tại Pháp mà điển hình là phong trào Áo Vàng, bắt nguồn từ giá dầu tăng cao, đè nặng lên ngân sách của những người ở xa các trung tâm đô thị và phải thường sử dụng ô tô.
Tương lai thị trường dẩu lửa ra sao ? Không ai dám lao vào dự đoán. Có thể trước sức ép của tổng thống Mỹ, Ả Rập Xê Út sẽ tăng trở lại sản lượng dầu lửa. Ngoài ra, lượng dầu lửa từ đá phiến của Mỹ cũng có thể giúp giảm giá. Đó là còn chưa kể đến hậu quả của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Tuy nhiên, theo kết luận của tác giả bài báo, điều có vẻ chắc chắn duy nhất là chìa khoá từ giờ nằm ở Nhà Trắng, trong tay tổng thống Donald Trump.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190403-donald-trump-va-tai-ho-phong-hoan-vu-thi-truong-dau-lua
Mỹ ủng hộ COC ‘thực chất và có hiệu quả’ về Biển Đông
Hoa Kỳ đã bày tỏ sự ủng hộ cho một Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) cho Biển Đông có ý nghĩa và hiệu quả, đại diện phía Mỹ cho biết tại cuộc đối thoại Mỹ-ASEAN lần thứ 32 ở thủ đô Washington, D.C. của Mỹ hôm 28/3.
Hoa Kỳ đã bày tỏ sự ủng hộ cho một Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) cho Biển Đông có ý nghĩa và hiệu quả, đại diện phía Mỹ cho biết tại cuộc đối thoại Mỹ-ASEAN lần thứ 32 ở thủ đô Washington, D.C. của Mỹ hôm 28/3.
Phiên đối thoại này có sự tham gia của ông W. Patrick Murphy, phó trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, và Thứ trưởng Ngoại giao Lào Thongphane Savanphet đại diện cho khối ASEAN.
Theo thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ phát đi thì cuộc đối thoại này đã nhấn mạnh phạm vi rộng trong sự hợp tác giữa Mỹ và ASEAN trên các trụ cột chính trị, kinh tế, xã hội và khẳng định tầm quan trọng của Quan hệ Đối tác chiến lược Mỹ-ASEAN trong việc đảm bảo khu vực vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do.
“Các thành viên tham gia đối thoại nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh hàng hải để đảm bảo ổn định khu vực cũng như hợp tác trên biển để đối phó với nạn ô nhiễm chất thải nhựa và việc đánh bắt phi pháp, không trình báo và không được quản lý,” thông cáo viết.
“Hoa Kỳ bày tỏ sự ủng hộ đối với Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông có ý nghĩa và có hiệu quả vốn duy trì quyền của các bên thứ ba và hoàn toàn nhất quán với luật quốc tế.”
http://biendong.net/bi-n-nong/27215-my-ung-ho-coc-thuc-chat-va-co-hieu-qua-ve-bien-dong.html
Matebook của Huawei gây quan ngại
về mức độ an toàn bảo mật
By Jane WakefieldTechnology reporter
Một phần lỗi trong máy tính xách tay Matebook của hãng công nghệ Trung Quốc có thể bị sử dụng để chiếm quyền kiểm soát máy, báo Times tường thuật.
Đây là lỗi do các nhà nghiên cứu của Microsoft phát hiện ra.
“Lỗ hổng phức tạp” này có lẽ có từ giai đoạn sản xuất, một chuyên gia nói với BBC News.
‘Những rủi ro dài hạn’ từ Huawei đối với viễn thông Anh
Huawei kiện chính phủ Mỹ về lệnh cấm thiết bị
Huawei và cuộc tấn công mạng ‘bí hiểm’ ở châu Phi
Huawei hiện đang bị xem xét ngày càng chặt chẽ trên thế giới quanh việc hãng có quan hệ với chính phủ Trung Quốc chặt chẽ tới mức nào.
Huawei vốn luôn bác bỏ việc có bất kỳ thông đồng nào với Bắc Kinh, đã chỉnh sửa lỗi này sau khi được thông báo trong tháng Giêng.
Giáo sư Alan Woodward, một chuyên gia an ninh máy tính ở Đại học Surrey, Anh Quốc nói với BBC News rằng lỗ hổng này có những dấu hiệu điển hình của “backdoor” (cổng hậu) mà Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA) tạo ra nhằm do thám các máy tính cần nhắm tới.
Công cụ phạm tội
Công cụ này bị rò rỉ online và đã được nhiều loại hacker sử dụng, trong đó gồm cả những đối tượng được nhà nước bảo trợ và các băng đảng tội phạm.
“Nó được đưa vào trong giai đoạn sản xuất, nhưng không rõ bằng con đường nào mà nó lại xâm nhập được ở giai đoạn đó, và việc nó trông giống với cách khai thác lỗ hổng của NSA thì không mang ý nghĩa gì,” Giáo sư Woodward nói.
“Họ có thể là băng đảng tội phạm có tổ chức đang can thiệp ngày một nhiều hơn vào dây chuyền cung ứng, hoặc cũng có thể là có ai đó chơi trò địa chính trị để làm mất uy tín của Huawei.”
“Không có bằng chứng nào cho thấy công ty này đã làm bất kỳ điều gì độc hại, cũng không có bằng chứng cho thấy họ bị áp lực từ phía nhà nước.”
Huawei quảng cáo trên báo Mỹ để cải thiện hình ảnh
Canada: Có thể dẫn độ Mạnh Vãn Chu
Trung Quốc cáo buộc hai công dân Canada là gián điệp
Tuy nhiên, câu hỏi cần giải đáp theo Giáo sư Woodward là: “Làm thế nào mà quá trình cài đặt phần mềm lại cho phép điều này xảy ra?”
Hồi tuần trước, cộng đồng tình báo Anh nói rằng việc Huawei chỉ có thể cung cấp “bảo đảm hạn chế” đối với các rủi ro an ninh dài hạn liên quan tới việc sử dụng các thiết bị Huawei trong các hệ thống viễn thông Anh.
Giáo sư Woodward nói: “Huawei rất quan trọng cho các mạng 5G, mà các mạng này sẽ rất quan trọng cho nhiều thứ, trong đó có cả các thành phố trong tương lai và xe hơi tự hành.”
“Gây gián đoạn cho mạng này sẽ có nghĩa là gây gián đoạn nghiêm trọng cho xã hội, và tôi có thể thấy được lý do vì sao mọi người lo lắng về việc Huawei cung ứng thiết bị cho việc xây dựng các mạng 5G mới.”
“Họ đặt trụ sở chính tại một quốc gia có luật lệ mang tính cưỡng bức, và là nước đã nói rõ rằng các công ty phải hợp tác với chính phủ, mà lại phải giữ kín chuyện hợp tác.”
https://www.bbc.com/vietnamese/business-47802198
Quan chức cấp cao Mỹ
không dự hội nghị Vành đai và Con đường ở TQ
Hoa Kỳ sẽ không cử các quan chức cấp cao tới dự hội nghị thượng đỉnh thứ hai về sáng kiến Vành đai và Con đường ở Bắc Kinh trong tháng này vì nhiều quan ngại về dự án, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay hôm 2/4.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì, hôm 30/3 nói rằng gần 40 lãnh đạo nước ngoài sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh sẽ được tổ chức ở Bắc Kinh cuối tháng Tư.
Theo Reuters, ông cũng bác bỏ các chỉ trích về dự án này, coi đó là “định kiến”.
Ông Matt Pottinger, quan chức cấp cao của Nhà Trắng phụ trách về châu Á, năm 2017 đã tới dự hội nghị thượng đỉnh đầu tiên về dự án với tham vọng khôi phục lại Con đường Tơ lụa, nối Trung Quốc với châu Á, châu Âu và xa hơn nữa với mức chi tiêu khổng lồ cho cơ sở hạ tầng.
Dù Mỹ lo ngại, Italy gia nhập Sáng kiến Vành đai và Con đường của TQ
Không có kế hoạch nào như thế cho năm nay. Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói với Reuters: “Chúng tôi sẽ không cử các quan chức cấp cao từ Mỹ”.
Nhà ngoại giao này nói thêm: “Chúng tôi tiếp tục nêu các quan ngại về các hoạt động cấp tài chính không minh bạch, quản trị kém và việc coi thường các tiêu chuẩn và nguyên tắc được quốc tế chấp nhận, gây tổn hại tới nhiều tiêu chuẩn và nguyên tắc mà chúng tôi dựa vào đó để thúc đẩy phát triển toàn diện và ổn định và để duy trì ổn định và trật tự dựa trên nguyên tắc”.
Sáng kiến Vành đai và Con đường của Chủ tịch Tập Cận Bình đã gây ra nhiều tranh cãi ở nhiều nước phương Tây, nhất là Mỹ, vốn coi đó là một phương tiện để gây ảnh hưởng của Trung Quốc ở nước ngoài cũng như đặt gánh nặng lên các nước với khoản nợ không bền vững qua các dự án thiếu minh bạch.
Mỹ kêu gọi Burundi hủy bỏ quyết định đối với BBC và VOA
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 2/4 kêu gọi Burundi hủy bỏ quyết định đình chỉ Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) và bước đi cấm hãng BBC của Anh cũng như cho phép các phóng viên hoạt động tự do trước khi diễn ra cuộc bầu cử vào năm 2020.
Theo Reuters, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Palladino nói với các phóng viên rằng “quyết định này gây ra các quan ngại sâu sắc về quyền tự do ngôn luận ghi trong Điều 31 của Hiến pháp Burundi cũng như các cam kết về nhân quyền của Burundi”.
Người phát ngôn này nói thêm: “Chúng tôi kêu gọi chính phủ hủy bỏ quyết định và chúng tôi thúc giục chính phủ Burundi cho phép tất cả các phóng viên hoạt động trong một môi trường không bị đe dọa”.
Burundi rút giấy phép của BBC, đình chỉ vô thời hạn VOA
Theo Reuters, cả VOA và BBC ban đầu bị đình chỉ sáu tháng hồi tháng Năm năm ngoái trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý mà các chính trị gia đối lập và các nhà hoạt động nói rằng nhằm kéo dài sự nắm quyền của tổng thống trong ít nhất một thập kỷ.
Cuộc trưng cầu dân ý tháng Năm năm ngoái đã thông qua các thay đổi theo đó cho phép tổng thống nắm quyền cho tới năm 2034.
Cuối tháng trước, cơ quan quản lý truyền thông của Burundi đã thu hồi giấy phép của BBC và cáo buộc hãng này phát một bộ phim tài liệu mà họ nói là sai trái và gây tổn hại danh tiếng của nước này.
Họ cũng gia hạn một lệnh đình chỉ hiện thời đối với VOA, cáo buộc đài này thuê một phóng viên chống đối chính phủ.
Trump xuống nước sau đe dọa đóng cửa biên giới với Mexico
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 2/4 đã lùi một bước trong lời đe dọa sẽ đóng cửa biên giới với Mexico để chặn nạn di cư bất hợp pháp và ghi nhận Mexcico đã có những bước đi mạnh bạo trong những ngày qua để bắt giữ những di dân băng vào lãnh thổ của họ để đi về hướng Mỹ.
Trước áp lực của các công ty Mỹ lo ngại rằng việc đóng cửa biên giới sẽ gây hỗn loạn cho chuỗi cung ứng, ông Trump đã ghi nhận những nỗ lực của Mexico nhằm ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp từ các nước Trung Mỹ. Trước đó, ông đã đe dọa sẽ đóng cửa biên giới trong tuần này trừ phi Mexico có hành động.
Đóng cửa biên giới sẽ làm gián đoạn hàng triệu lượt qua biên giới hợp pháp và hàng tỷ đô la giao thương. Các hãng xe hơi đã cảnh báo riêng với Nhà Trắng rằng đóng cửa biên giới sẽ khiến cho các nhà máy xe hơi Mỹ ngừng sản xuất chỉ sau vài ngày do họ dựa vào phụ tùng sản xuất ở Mexico được giao nhanh chóng cho họ.
“Mexico, như quý vị đã biết, từ ngày hôm qua đã bắt đầu bắt giữ rất nhiều người đến từ Honduras, Guatemala và El Salvador ở biên giới phía Nam và họ đang thật sự bắt giữ hàng ngàn người. Và đó thật sự là đầu tiên họ làm điều này trong hàng chục năm và lẽ ra họ phải làm cách nay rất lâu,” ông Trump nói với các phóng viên.
Ông Trump đưa việc ngăn chặn di dân bất hợp pháp từ Mexico là một phần chủ chốt trong nghị trình của ông nhưng đóng cửa một trong những tuyến đường biên giới bận rộn nhất thế giới có lẽ một bước đi quá xa thậm chí đối với các thành viên Đảng Cộng hòa của ông.
Lãnh đạo khối đa số ở Thượng viện, ông Mitch McConnell nói rằng đóng cửa biên giới sẽ có hậu quả kinh tế tàn phá và hòa giọng cùng các đồng sự Dân chủ của ông cảnh báo ông Trump không được làm như vậy.
Các hãng ô-tô General Motors Co, Ford Motor Co và Fiat Chrysler Automobiles NV cùng ra thông cáo chung nói rằng ‘bất cứ hành động nào ngăn chặn giao thương ở biên giới sẽ có hại cho kinh tế Mỹ và nhất là ngành công nghiệp ô-tô’.
Các hãng ô-tô xuất khẩu gần 2,6 triệu chiếc xe được sản xuất ở Mexico vào Mỹ trong năm 2018 và khoảng 15% tổng số các xe hơi được bán ở Mỹ. Một số dòng xe như Chevrolet Blazer SUV chỉ có sản xuất ở Mexico. Việc đóng cửa biên giới sẽ chặn hàng ngàn chiếc xe sản xuất ở Mexico đến các phòng trưng bày bán xe ở Mỹ.
https://www.voatiengviet.com/a/trump-xuong-nuoc-sau-de-doa-dong-cua-bien-gioi/4859244.html
Chicago có nữ thị trưởng da đen,
chưa làm chính trị, chống giới quyền thế
Cử tri hôm 2/4 bầu bà Lori Lightfoot làm thị trưởng người Mỹ gốc Phi đầu tiên ở Chicago, thành phố lớn thứ ba của Hoa Kỳ.
Bà Lightfoot, người chưa bao giờ giữ chức vụ trong chính quyền, dễ dàng đánh bại một phụ nữ da đen khác là chính trị gia địa phương lâu năm, bà Toni Preckwinkle, 72 tuổi, để trở thành thị trưởng thứ 56 của thành phố.
Chicago giờ trở thành thành phố lớn nhất của Mỹ bầu một phụ nữ da đen lên làm thị trưởng, và đó cũng là một phụ nữ đồng tính công khai.
Bà Lightfoot, 56 tuổi, cũng là người mới nhất trong làn sóng những người vừa bước chân vào chính trị đã giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử lớn trên toàn cầu, khi các cử tri thay đổi hiện trạng, đưa các ứng cử viên chống giới quyền thế lên nắm quyền. Giờ đây, bà Lightfood sẽ tiếp quản một thành phố nơi mà chính trị là nghề cha truyền con nối và cũng là nơi mà tham nhũng đã tồn tại trong và xung quanh Tòa thị chính qua nhiều thế hệ.
Nhưng người Chicago đã sẵn sàng cho một sự thay đổi, theo lời bà Lightfoot phát biểu trong chiến dịch tranh cử. Bà hứa sẽ ủng hộ việc đặt ra giới hạn cho nhiệm kỳ thị trưởng, tiến hành
cải cách theo đó cấm các quan chức dân bầu thu lợi từ chức vụ trong chính quyền, và tăng cường giám sát vấn đề lương bổng cho người làm công.
Thành phố Chicago nổi tiếng là một bộ máy chính trị trơn tru theo cách ông Richard J. Daley, một trong những “ông trùm” cuối cùng ở các thành phố lớn, điều hành thành phố từ năm 1955 đến 1976 với sự giúp đỡ từ các đội quân là các công nhân trung thành và các ủy viên xấu xa trong hội đồng thành phố.
Mười ba năm sau, con trai của ông là Richard M. Daley trở thành thị trưởng, và trong 22 năm tiếp theo, ông ta điều hành thành phố.
Bà Lightfoot đã làm một số công việc trong và ngoài chính quyền. Bà từng là trợ lý công tố viên liên bang, cổ đông cao cấp của hãng Mayer Brown LLP, và đáng chú ý nhất, bà từng là chủ tịch Hội đồng cảnh sát Chicago, một ủy ban dân sự độc lập.
Bà Lightfoot sẽ phải đối mặt với hàng loạt vấn đề nhức nhối như cải cách sở cảnh sát, nạn băng đảng tràn lan và tội phạm bạo lực, và thâm hụt ngân sách tăng vọt do chi trả lương hưu gia tăng.
https://www.voatiengviet.com/a/chicago-co-nu-thi-truong-da-den/4860144.html
Vụ B737 Max: Phần mềm Boeing hoạt động nhiều lần
trước khi máy bay rơi
Một bản tin độc quyền của Reuters dẫn lời hai nguồn thạo tin cho hay phần mềm chống thất tốc của Boeing trên máy bay gặp nạn của hãng Hàng không Etopia đã hoạt động trở lại tới 4 lần sau khi tổ bay thoạt tiên đã tắt nó đi do có nghi ngờ về dữ liệu từ một cảm biến về luồng không khí.
Vẫn chưa rõ liệu có phải tổ bay đã lựa chọn bật lại hệ thống này hay không. Hệ thống này làm cho đầu máy bay Boeing 737 MAX chúc xuống. Nhưng một người am hiểu về vấn đề này cho biết các nhà điều tra đang nghiên cứu về khả năng phần mềm đã tham gia điều khiển mà không có sự can thiệp của con người.
Phần mềm chống thất tốc của Boeing, được gọi là MCAS, hiện là tâm điểm của các cuộc điều tra về cả vụ tai nạn của hãng Hàng không Etopia vào tháng trước, lẫn vụ tai nạn của hãng Lion Air ở Indonesia vào tháng 10/2018, làm chết tổng cộng gần 350 người.
Những người nắm thông tin về cuộc điều tra nói rằng phần mềm chống thất tốc – nó tự động làm cho đầu máy bay chúc xuống để tránh tình trạng mất lực nâng – đã được kích hoạt vì nhận được dữ liệu sai về góc tấn từ một cảm biến duy nhất.
Cuộc điều tra giờ đây chuyển sang tìm hiểu xem làm thế nào mà MCAS ban đầu bị các phi công vô hiệu hóa, tuân theo quy trình trong tình huống khẩn cấp, nhưng sau đó dường như nó liên tục hoạt động trở lại trước khi máy bay rơi xuống mặt đất, những người thạo tin cho hay.
Một chỉ thị đã được ban hành sau vụ tai nạn ở Indonesia, với chỉ dẫn rằng các phi công cần sử dụng các công tắc ngắt để cô lập hệ thống trong trường hợp xảy ra sự cố và cứ để nó trong trạng thái bị tắt.
Các nhà điều tra đang tìm hiệu xem liệu có tồn tại bất kỳ điều kiện nào mà khi đó MCAS có thể tự động kích hoạt lại hay không, dù các phi công không hủy việc tắt phần mềm đó. Boeing hiện đang trong quá trình nâng cấp phần mềm trong khi đào tạo thêm cho các phi công.
Dự kiến sẽ có báo cáo sơ bộ về cuộc điều tra vòng vài ngày tới.
https://www.voatiengviet.com/a/dieu-tra-phan-mem-b373-max/4860034.html
Một người phụ nữ TQ
bị Mật vụ bắt tại khu nghỉ dưỡng của Trump
Một người phụ nữ Trung Quốc đã bị bắt giữ vào ngày thứ Bảy vì xâm nhập khu vực hạn chế tiếp cận và nói dối nhà chức trách, sau khi bà này vượt qua được các chốt kiểm tra an ninh tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của Tổng thống Donald Trump và mang theo một thiết bị lưu trữ di động chứa phần mềm “độc hại,” theo hồ sơ đệ trình tòa án.
Các tài liệu được Mật vụ đệ trình vào ngày thứ Hai tại Tòa án Khu vực liên bang Nam Florida nói rằng ngay sau giữa trưa ngày thứ Bảy, Yujing Zhang đã tiếp cận một nhân viên Mật vụ rà soát khách đến Mar-a-Lago để tìm cách vào câu lạc bộ.
Bà Zhang trình ra hai hộ chiếu Trung Quốc cho thấy ảnh của bà và nói rằng bà muốn đến hồ bơi. Các nhân viên Mật vụ ban đầu không tìm ra tên của bà trong danh sách khách được tiếp cận khu nghỉ dưỡng, theo bản cung khai mà Mật vụ đệ trình lên tòa án, Reuters cho biết.
Một người quản lí câu lạc bộ nói rằng một người đàn ông tên Zhang là thành viên của câu lạc bộ, và mặc dù Yujing Zhang không đưa ra câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi người đàn ông đó có phải là cha của bà hay không, bản cung khai của Mật vụ nói các quan chức tại khu nghỉ dưỡng cho phép bà vào vì cho rằng bà là họ hàng của một thành viên.
Nhân viên khu nghỉ dưỡng bắt đầu sinh nghi sau khi bà Zhang dường như lúng túng giải thích lí do tại sao bà đến Mar-a-Lago, theo bản cung khai.
Bà Zhang ban đầu nói bà tới dự một sự kiện được tổ chức bởi một nhóm có tên là Hiệp hội Người Mỹ Gốc Hoa Liên Hiệp Quốc. Nhưng nhân viên khu nghỉ dưỡng không tìm thấy có sự kiện nào như vậy trong lịch trình, theo hồ sơ đệ trình tòa án.
Một nhân viên tiếp tân sau đó liên lạc với nhân viên Mật vụ. Mật vụ thẩm vấn bà Zhang và kết luận bà không có “bất cứ giấy tờ nào hợp lệ” cho phép bà vào Mar-a-Lago, theo hồ sơ.
Sau khi câu lưu bà, các nhà điều tra tìm thấy những tư trang của bà bao gồm bốn điện thoại di động, một máy tính xách tay, một ổ cứng gắn ngoài và một thiết bị lưu trữ di động, hồ sơ đệ trình tòa án của Mật vụ cho biết. Kiểm tra sơ bộ thiết bị lưu trữ di động xác định nó có chứa phần “mềm độc hại độc hại,” Mật vụ nói.
Nhà Trắng hôm thứ Ba nói các câu hỏi về vụ việc nên chuyển cho Mật vụ. Mật vụ từ chối bình luận, nói rằng cuộc điều tra vẫn còn đang mở.
Trong một phiên tòa hôm thứ Ba, một luật sư biện hộ công chúng đại diện bà Zhang nói rằng bà đang viện dẫn quyền được giữ im lặng, Reuters nói.
Một phát ngôn viên của Bộ Tư pháp không có bình luận gì về vụ bắt giữ.
Hàng nghìn người Venezuela vượt biên giới sang Colombia
Hàng nghìn người Venezuela đã vượt rào cản dọc theo biên giới quốc tế để sang Colombia hôm 2/4.
Reuters đưa tin, dẫn văn phòng di dân ở Bogoto. Cơ quan này cũng cảnh báo Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro rằng ông sẽ bị quy trách nhiệm cho bất kỳ vấn đề nào có thể xảy ra.
Ông Maduro hồi tháng Hai đã chặn các cây cầu nối hai quốc gia nhằm ngăn chặn nỗ lực do Mỹ đứng đầu nhằm đưa hàng trăm tấn hàng cứu trợ vào Venezuela.
Do các cây cầu bị chặn bởi container và xe tải, người Venezuela từng phải lội qua sông Tachira để sang thành phố Cucuta bên phía biên giới phía bắc của Colombia để tìm kiếm thực phẩm, thuốc men và việc làm. Nhưng mưa to trong những ngày qua đã khiến điều đó khó thực hiện.
Venezuela: Ông Guaido kêu gọi biểu tình phản đối mất điện, nước
Hàng triệu người Venezuela đã bỏ chạy sang Colombia để thoát khỏi tình trạng thiếu hụt lương thực và thuốc men ở trong nước. Theo Reuters, họ tìm kiếm việc làm ở Colombia hoặc tìm đường sang các nước Mỹ Latin khác.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiến hành các bước đi nhằm gia tăng áp lực lên ông Maduro và tăng cường ủng hộ ông Guaido, vốn được Mỹ và hơn 50 nước, trong đó có Colombia, công nhận là tổng thống lâm thời của Venezuela.
Chính phủ Colombia nói rằng việc cung cấp cho các di dân Venezuela các dịch vụ cơ bản, y tế, giáo dục và dịch vụ công cộng đã khiến nước này mất đi 0,5% GDP. GDP của Colombia trong năm 2018 là khoảng 312 tỷ đôla.
NATO 70 năm: TT Mỹ nhắc nhở vấn đề ngân sách
Nhân lễ mừng 70 năm thành lập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), được tổ chức tại Washington, tổng thư Ký NATO Jens Stoltenberg đọc diễn văn tại Quốc Hội Mỹ vào hôm 03/04/2019, trước khi kết thúc cuộc họp với các ngoại trưởng NATO vào ngày 04/04.
Ngày 02/04, ông Stoltenberg đã được tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp đón tại Nhà Trắng.
Theo thông tín viên RFI Anne Corpet tại Washington, ông Trump đã đổi giọng đối với NATO. Trước lúc được bầu lên làm tổng thống Mỹ, ông luôn cho là Liên Minh đã « lỗi thời », nhưng trong cuộc gặp với tổng thư ký NATO, ông lại hoan nghênh những tiến bộ đạt được, và không quên nhắc lại ý muốn đòi các đồng minh tăng phần đóng góp vào ngân sách NATO.
« Liên minh NATO đã mạnh hơn rất nhiều từ khi tôi lên làm tổng thống, ông Donald Trump đã tuyên bố như trên. Nguyên thủ Mỹ không ngừng yêu cầu các quốc gia thành viên tăng phần đóng góp của mình cho Liên Minh và ông đã thành công phần nào.
Tổng thư ký NATO xác nhận : Các đồng minh trong khối đã đóng góp nhiều hơn, điều đó cho phép chúng ta phát triển những năng lực phòng thủ mà chúng ta cần phải duy trì.
Ông Trump hy vọng đồng minh góp thêm 100 tỷ đô la cho ngân sách của NATO từ đây đến 2020, và theo thói quen, ông lại nhắm vào Đức : Thành thực mà nói, nước Đức đã không đóng góp đủ. Tôi rất tôn trọng bà Angela và đất nước của bà – cha tôi là người Đức, và như thế tôi có tình cảm sâu đậm đối với Đức – thế nhưng họ đã không chi ra đúng như họ phải trả.
Và một lần nữa, tổng thống Mỹ lại kéo vấn đề qua lãnh vực thương mại khi nói rằng chúng tôi (người Mỹ) đã đóng góp một phần lớn chi phí mà NATO dùng để bảo vệ châu Âu. Chúng tôi bảo vệ những nước đã hưởng lợi từ Mỹ trên phương diện thương mại.
Đây quả là một lời châm chọc, làm khúc dạo đầu cho lễ sinh nhật lần thứ 70 của NATO, mà lẽ ra là dịp để phô bày tình đoàn kết trong khối ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190403-nato-sinh-nhat-lan-thu-70-tt-my-nhac-nho-van-de-ngan-sach
Châu Âu chuẩn bị cho khả năng Brexit hỗn loạn
Liên minh châu Âu hôm 2/4 nói rằng nước Anh có thể đang hướng tới sự ra đi trong hỗn loạn và không có thỏa thuận nào trong lúc Thủ tướng Anh Theresay May dự định sẽ đưa thỏa thuận của bà ra bỏ phiếu lần thứ tư trong tuần này sau ba lần bị bác.
“Trong những ngày qua khả năng không có thỏa thuận ngày càng hiển hiện, nhưng chúng tôi vẫn hy vọng sẽ tránh được nó,” nhà đàm phán chính về Brexit của EU, ông Michel Barnier, phát biểu ở Brussels.
Ông Francois Villeroy de Galhau, nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu, nói rằng các thị trường nên tính đến nguy cơ ngày một tăng của Brexit không có thỏa thuận.
Ít nhất một nửa các nghị sỹ Đảng Bảo thủ của bà May muốn rời EU mà không có thỏa thuận do họ không muốn trì hoãn Brexit lâu hơn nữa mặc dù một số nghị sỹ và các bộ trưởng yêu cầu bà May phải giữ nước Anh gắn chặt với quỹ đạo kinh tế của EU.
“Tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ tìm ra giải pháp. Bản thân Nghị viện Anh đã nói rằng họ không muốn Brexit hỗn loạn,” Thủ tướng Đức Angela Merkel nói.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói ở Paris rằng nếu sau gần ba năm kể từ khi trưng cầu dân ý mà nước Anh vẫn không thể tìm ra được giải pháp thì ‘chính họ đã chọn việc ra đi mà không có thỏa thuận’.
Phát biểu ở Điện Elysee bên cạnh Thủ tướng Ireland Leo Varadkar, ông Macron nói rằng lúc này nước Anh phải quyết định hoặc là bầu cử mới, trưng cầu dân ý lại hay là liên minh hải quan với EU.
“Điều đó tùy thuộc vào London, và họ phải nói ngay vào lúc này,” ông Maron nói.
Với việc cử tri Anh, hai đảng phái chính của nước này và nội các tất cả đều chia rẽ về Brexit, bà May có nguy cơ sẽ làm phân rã Đảng Bảo thủ của bà cho dù bà có nghiêng về phía nào đi nữa.
Nghị viện EU cho người Anh
‘đi lại miễn visa 90 ngày’ sau Brexit
Một ủy ban của Nghị viện châu Âu đồng ý cho dân Anh quyền đi lại sang EU 90 ngày miễn thị thực nếu Anh cũng đáp ứng tương tự với công dân EU.
Thông báo của Nghị viện châu Âu hôm 03/04/2019 nói họ công nhận quyền vào khu vực tự do giao lưu Schengen cho công dân Anh.
Thông báo này được đưa ra đã trấn an nhiều người Anh vì cho đến nay, Anh Quốc vẫn chưa thông qua được thỏa thuận rút khỏi EU.
Anh sẽ dùng lại hộ chiếu xanh dương sẫm
Vì sao kinh tế Anh có vẻ tốt bất chấp lo lắng Brexit?
Brexit: Anh được hai ‘hạn chót’ treo trên đầu
Tháng 3/2019 dừng tự do lưu trú Anh-EU
Thỏa thuận đó đã chuẩn bị sẵn các phương án miễn thị thực cho công dân hai bên đi lại giữa Anh và EU.
Nay, nghị viện EU đơn phương, qua quyết định của Ủy ban Tự do, Công lý và Nội vụ (European Parliament Civil Liberties, Justice and Home Affairs) cho người Anh hưởng quyền miễn visa 90 ngày đó, kể cả khi Anh phải ra khỏi EU ngày 12/04/2019 này.
Quyết định này còn cần được chuẩn thuận bởi Hội đồng châu Âu.
Tuy thế, EU trông đợi Anh cũng công nhận quyền miễn trừ visa cho công dân EU vào Anh tương tự – một lần tới 90 ngày trong giai đoạn 180 ngày.
Hiện chưa rõ nếu thỏa thuận Brexit nào đó được Anh thông qua sẽ nói gì về thời gian dài hơn 90 ngày cho công dân hai bên sang lãnh thổ của nhau.
Hiện nay, mọi công dân Anh, cũng có quy chế là công dân EU, không chỉ hưởng quyền đi lại tự do sang mọi nước EU mà còn có thể sống, làm việc hoặc định cư vĩnh viễn.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47804266
Brexit: Thủ tướng Anh sẽ đề nghị EU cho gia hạn ngắn
Thủ tướng Anh sẽ đề nghị Liên minh châu Âu gia hạn Brexit để gỡ thế bế tắc trong Nghị viện nước này.
Ba Theresa May hôm 02/4/2019 nói rằng bà muốn gặp nhà lãnh đạo đảng Lao động, ông Jeremy Corbyn, để thống nhất một kế hoạch về quan hệ tương lai với EU.
Nhưng bà khẳng định thỏa thuận rút khỏi EU của bà – mà đã bị bác trong cuộc bỏ phiếu vào tuần trước – sẽ vẫn là một phần của thỏa thuận.
Brexit: Nghị viện Anh bỏ phiếu bốn phương án thay thế
Thủ tướng May ‘chịu áp lực’ về chọn Brexit ‘mềm’
Brexit: Nghị sỹ Anh phủ quyết các nội dung gì?
Brexit: Hạ viện Anh lại bác bỏ thỏa thuận rời EU
Bà May nói rằng bà muốn việc gia hạn “càng ngắn càng tốt” – trước ngày 22/5 để Vương quốc Anh không phải tham gia các cuộc bầu cử châu Âu.
Đây là một thời điểm khó khăn cho tất cả mọi ngườiThủ tướng Theresa May
Anh còn có thời gian đến ngày 12/4 để đề xuất một kế hoạch – mà phải được EU chấp nhận – hoặc sẽ rời Liên minh châu Âu mà không có thỏa thuận.
Anh lẽ ra đã rời khỏi khối EU vào ngày 29/3, nhưng bà May đã đồng ý gia hạn ngắn sau khi nhận ra rằng Quốc hội sẽ không đồng ý một thỏa thuận trước hạn chót.
Các nghị sĩ Anh đã hai lần bỏ phiếu thử để cố gắng tìm sự đồng thuận, nhưng không có đề xuất nào chiếm được đa số.
Trong một tuyên bố từ Downing Street, bà May nói rằng bà muốn đồng ý một kế hoạch mới với ông Corbyn, lãnh đạo đảng Lao động đối lập, và đưa ra một cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Anh trước ngày 10/4 – khi EU sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp về Brexit.
Nếu bà và ông Corbyn không nhất trí được, bà đề nghị đưa ra một số phương án thay thế để các nghị sĩ ” xác định theo đuổi con đường nào”.
Thủ tướng Anh cho biết bà hiểu rằng một số người “đã chán ngấy với sự chậm trễ và những cuộc cãi vã bất tận”, họ muốn rời EU mà không có thỏa thuận và bà tin rằng Anh “có thể thành công với không có thỏa thuận trong dài hạn”.
‘Giải pháp tốt nhất’
Brexit và băn khoăn của sinh viên châu Á
Vì sao kinh tế Anh có vẻ tốt bất chấp lo lắng Brexit?
Bà May hứa từ chức nếu đề xuất Brexit được thông qua
Brexit: dân biểu Anh được yêu cầu biểu quyết lần ba
Nhưng bà nói thêm rằng rời khỏi khối này với một thỏa thuận là “giải pháp tốt nhất”.
“Đây là một thời điểm khó khăn cho tất cả mọi người,” bà May nói. “Cảm xúc tăng cao trên tất cả các khía cạnh của cuộc tranh luận, nhưng chúng ta có thể và phải tìm ra những thỏa hiệp để thực hiện nguyện vọng mà người dân Anh đã bỏ phiếu.
Ngay cả khi, sau ngày hôm nay, chúng ta không biết kết quả cuối cùng sẽ ra sao, chúng ta hãy kiên nhẫnChủ tịch Hội đồng châu Âu, Donald Tusk
“Đây là một thời điểm quyết định trong câu chuyện của đảo quốc này và nó đòi hỏi sự đoàn kết quốc gia để mang lại lợi ích quốc gia.”
Tin cho hay, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Donald Tusk, đã kêu gọi sự kiên nhẫn sau khi theo dõi các diễn biến và tuyên bố từ Anh
“Ngay cả khi, sau ngày hôm nay, chúng ta không biết kết quả cuối cùng sẽ ra sao, chúng ta hãy kiên nhẫn,” ông viết trên trang Twitter của mình.
Một số mốc về Brexit:
Tháng 11/2018: Vương quốc Anh đồng ý thỏa thuận rút khỏi và khuôn khổ quan hệ tương lai với EU
Tháng 12/2018: Bà Theresa May hoãn cuộc bỏ phiếu chủ yếu đầu tiên về thỏa thuận để tìm kiếm sự đảm bảo hơn nữa từ EU
15/1/2019: Hạ viện bác bỏ thỏa thuận Brexit tổng thể bằng 230 phiếu
13/3: Các nghị sĩ bỏ phiếu bác thỏa thuận Brexit lần thứ hai với 149 phiếu
22/3: EU đồng ý trì hoãn Brexit sau ngày 29/3 – nhưng chỉ kéo dài đến 12/4 nếu Anh không thể đồng ý thỏa thuận trong vòng một tuần
29/3: Các nghị sĩ bác bỏ thỏa thuận rút khỏi khối với 58 phiếu
Ngày 2/4: Thủ tướng Anh nói rằng bà sẽ tìm kiếm “gia hạn ngắn” từ EU.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47791312
Brexit: Thủ tướng Anh thảo luận với đối lập
về kế hoạch rời LHCA
Tại Luân Đôn, thủ tướng Anh Theresa đã họp bàn với nội các ngày 02/04/2019 để tìm một giải pháp tháo gỡ bế tắc Brexit.
Sau cuộc họp gay go với nhiều ý kiến bất đồng kéo dài 7 giờ, bà May thông báo ý định đề nghị Liên Hiệp Châu Âu cho Luân Đôn thêm một thời hạn nữa, và cũng lấy một quyết định ngoạn mục: quay lưng lại với cánh của bà để thảo luận với phe đối lập vì « lợi ích quốc gia ».
Thông tín viên RFI tại Luân Đôn Muriel Delcroix tường thuật :
Theresa May đã dứt khoát bác bỏ việc ra khỏi châu Âu không thỏa thuận và đã kêu gọi dời ngày ra đi để có thể tiến hành một Brexit êm dịu hơn.
Đánh giá cách tiếp cận của Hạ Viện với loạt bỏ phiếu cho biết ý định là không có hiệu quả, thủ tướng đã chìa tay với đối lập, và đề nghị với lãnh đạo Công Đảng Jeremy Corbyn cùng tìm với bà một kế hoạch ra khỏi châu Âu. Tuy nhiên, có một điều kiện quan trọng : kế hoạch này phải bao gồm thỏa thuận của bà mà các nghị sĩ đã bác bỏ.
Nếu đàm phán có kết quả, kế hoạch tìm được sẽ được đưa ra bỏ phiếu ở Nghị Viện và chuyển đến Hội Đồng Châu Âu vào tuần tới.
Trong trường hợp bế tắc, thủ tướng Anh đề nghị thay đổi bản tuyên bố chính trị đi kèm với thỏa thuận rời khỏi châu Âu và đưa ra Quốc Hội bỏ phiếu một loạt phương án về quan hệ tương lai giữa Luân Đôn với 27 quốc gia Liên Âu.
Bà May hứa sẽ tuân theo ý kiến cuối cùng của Hạ Viện nếu đảng đối lập Công Đảng cũng làm tương tự. Bà muốn tiến trình kết thúc trước ngày 22 tháng 5 để tránh cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu.
Với kết luận : « Anh Quốc đang sống một thời điểm quyết định cần đến sự đoàn kết quốc gia », thủ tướng Anh như đã gởi đi một tín hiệu muộn màng về việc thay đổi cách tiếp cận và một bước nhỏ tiến đến sự thỏa hiệp.
Canh bạc nguy hiểm
Theo giới phân tích, sự thay đổi thái độ ngoạn mục này của thủ tướng Anh không phải là không có rủi ro. Để tìm thỏa hiệp với đối lập, bà đã quay lưng lại với những người cương quyết ủng hộ Brexit mà bà từng cố lôi kéo.
Bà May đứng trước nguy cơ làm đảng của bà bùng nổ, và trong ngắn hạn, nạn nhân là chính phủ của bà.
Nếu thủ tướng sẵn sàng bỏ đảng Bảo Thủ, trong đó có 2/3 nghị sĩ đã yêu cầu trong một bức thư đòi bà gánh vác trách nhiệm Brexit không thỏa thuận, thì cũng chưa chắc là bà tranh thủ được ông Jeremy Corbyn, một người chỉ nghĩ đến tổng tuyển cử, mục tiêu tối hậu của ông.
Ngay hôm 02/04, ông Corbyn đã cảnh báo, nếu không tìm được thỏa hiệp, ông sẽ đưa ra kiến nghị bất tín nhiệm.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190403-brexit-thu-tuong-anh-thao-luan-voi-doi-lap-ve-ke-hoach-roi-lhca
‘Vô ý nhận quà’, Chủ tịch Hiệp hội bóng đá Đức phải từ chức
Chủ tịch Hiệp hội bóng đá Đức Reinhard Grindel từ chức với hiệu lực ngay lập tức sau khi chịu áp lực dư luận vì đã chấp nhận quà là một chiếc đồng hồ đắt tiền từ một đồng nghiệp.
Grindel đã được doanh nhân người Ukraine và Phó Chủ tịch Uefa, Grigoriy Surkis trao tặng món quà này.
Tôi không biết thương hiệu hoặc giá trị của chiếc đồng hồ tại thời điểm đóÔng Reinhard Grindel
Ông Grindel nói: “Giá của chiếc đồng hồ là 6.000 euro.
Manchester United: Solskjaer được bổ nhiệm chính thức
Bóng đá Việt Nam: Trong vinh quang, không quên khiếm khuyết
Nữ hoàng môn quyền Anh ở Trung Quốc
“Tôi không biết thương hiệu hoặc giá trị của nó tại thời điểm đó.
“Tôi xin lỗi vì hành động sơ ý của tôi về việc chấp nhận chiếc đồng hồ.”
‘Không xung đột lợi ích’
Grindel khẳng định không có xung đột lợi ích trong việc chấp nhận món quà và nói thêm:
“Ông Surkis không có quan tâm hay lợi ích gì về tài chính với Hiệp hội (DFB).
“Ông ấy không bao giờ yêu cầu tôi hỗ trợ, lúc đó hay là sau này.
“Rõ ràng vào thời điểm đó ông ấy không ra vận động lại vào Exco của Uefa, nơi mà ông không còn thuộc về nữa.”
Sự ra đi của Grindel kết thúc ba năm gây tranh cãi khi ông nắm giữ DFB.
Một số hành động của ông trong vai trò này, bao gồm đưa các trận đấu ra chơi vào các tối thứ Hai, thời gian lăn bóng muộn và lệnh cấm pháo hoa, tỏ ra không được lòng người hâm mộ, trong khi tuần trước ông bị cáo buộc không khai thu nhập bổ sung trong một cuộc điều tra do tạp chí Der Spiegel tiến hành.
Tạp chí của Đức xác định rằng khoản thu nhập 78.000 euro mà ông nhận từ một công ty con của DFB đã không được khai báo.
Cáo buộc này đã bị DFB bác bỏ khi Hiệp hội Bóng đá Đức nói rằng Grindel đảm nhận vị trí với công ty con chỉ sau khi ông trở thành Chủ tịch và do đó không bắt buộc phải khai báo thu nhập vào thời điểm đó.
https://www.bbc.com/vietnamese/sport-47791311
Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng nghĩ rằng
Nga vi phạm Hiệp ước Vũ khí Nguyên tử
Berlin, Đức – Theo tin từ Reuters, vào hôm thứ Ba (2 tháng 4), Thủ tướng Angela Merkel cho biết, Đức cũng giống như Hoa Kỳ, cũng tin rằng Nga vi phạm Hiệp ước Lực lượng Nguyên tử Tầm trung (INF) có trong thời Chiến tranh Lạnh.
Trước đó, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump khẳng định Washington sẽ rút khỏi Hiệp ước INF vào mùa hè này, trừ khi Moscow chấm dứt các hành vi vi phạm hiệp ước.
Vào hôm thứ Ba, bà Merkel cho biết bà hiểu được vì sao Hoa Kỳ tuyên bố như vậy. Tuy nhiên cho đến nay, Nga vẫn phủ nhận việc vi phạm hiệp ước INF. (Mộc Miên)
Nga nói đã mở trung tâm huấn luyện
máy bay trực thăng ở Venezuela
Nga đã mở một trung tâm huấn luyện ở Venezuela để giúp các phi công của nước này lái máy bay trực thăng quân sự do Nga sản xuất, tập đoàn công nghiệp quốc doanh Rostec của Nga cho biết hôm thứ Hai. Đây là cử chỉ thể hiện sự ủng hộ mới nhất của Moscow dành cho Tổng thống Nicolas Maduro.
Rostec cho biết trung tâm được khánh thành vào thứ Năm tuần trước, cùng ngày Nhà Trắng cảnh báo Moscow và các nước khác ủng hộ ông Maduro chớ điều binh sĩ và thiết bị quân sự, nói rằng Mỹ sẽ xem những hành động như vậy là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh khu vực.
Washington, ủng hộ lãnh đạo đối lập Venezuela Juan Guaido, đã đưa ra cảnh báo sau khi hai máy bay của không quân Nga chở gần 100 nhân viên quân sự hạ cánh bên ngoài thành phố Caracas, một phái đoàn mà Điện Kremlin mô tả là các chuyên gia quân sự.
Rostec cho biết cơ sở đào tạo mới, địa điểm không tiết lộ, được thiết lập với sự giúp đỡ của các chuyên gia Nga và được thiết kế để huấn luyện phi công Venezuela lái máy bay trực thăng Mi-35M cũng như các máy bay trực thăng vận tải do Nga sản xuất.
Nga, nước cũng cung cấp máy bay chiến đấu, xe tăng và hệ thống phòng không cho Venezuela, bác bỏ những chỉ trích của Mỹ về hợp tác quân sự của họ với Caracas. Họ nói rằng họ không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của quốc gia Mỹ Latin này và không đề ra mối đe dọa nào cho sự ổn định của khu vực.
Algeria: Tổng thống từ chức sau làn sóng biểu tình
Tổng thống Algeria Abdelaziz Bouteflika vừa đồng ý từ chức, sau khi các lãnh đạo biểu tình không chấp nhận lời hứa ra đi vào ngày 28/4.
Hãng tin nhà nước APS nói tổng thống đã từ chức sau nhiều tuần biểu tình lan rộng.
Ông Bouteflika, cai trị suốt 20 năm, ban đầu bỏ kế hoạch ra tranh cử lần năm, và sau đó lại hứa sẽ ra đi vào cuối nhiệm kỳ, tức ngày 28/4.
Nhưng những người biểu tình đòi ông phải ra đi ngay lập tức.
Nhà lãnh đạo 82 tuổi, người đã nắm quyền trong 20 năm qua, sẽ đảm bảo “sự hoạt động liền mạch của các cơ quan nhà nước” trước khi ra đi, tuyên bố của tổng thống do hãng truyền thông APS phát đi nói.
Biểu tình lớn tại Algeria đòi Tổng thống từ chức
Dân chủ Hồng Kông đang lung lay hơn bao giờ hết?
Những năm 1848, 1918, 1968, 1988, 2008 và 2018
Tin tức được đưa ra sau nhiều tuần có các cuộc biểu tình rộng khắp, đòi ông phải từ chức.
Kết quả là ông đã từ bỏ kế hoạch tái tranh cử nhiệm kỳ thứ năm.
Kỳ bầu cử đã được trì hoãn và chính phủ cam kết tổ chức đại hội toàn quốc để thảo luận về các biện pháp cải tổ nhằm giải tỏa tâm trạng bất mãn trong dân chúng.
Cho tới nay, vẫn chưa rõ là khi nào ông sẽ từ chức, mà liệu rồi ông có từ chức hay không, giới quan sát nói.
Người biểu tình đòi thay đổi
Phóng viên Ahmed Rouaba của BBC nói rằng nhiều người Algeria tin rằng sức khỏe của người đàn ông ngoài 80 này đã đi xuống tới mức ông nay bị dùng như bình phong bởi một nhóm các doanh nhân, chính trị gia và các quan chức quân sự, được biết đến với tên gọi “quyền lực”.
Nhóm này không muốn từ bỏ ảnh hưởng của mình, phóng viên BBC nói.
Đây là nhóm thống lĩnh Mặt trận Giải phóng Dân tộc (FLN), là tổ chức đã nắm quyền kể từ khi Algeria giành được độc lập từ Pháp, 1962.
Những người biểu tình đang kêu gọi không chỉ tổng thống mà còn toàn bộ dàn chính trị gia lãnh đạo hiện nay của Algeria, bao gồm cả những người được dự kiến sẽ thay thế ông.
Đa số người biểu tình là thanh niên, những người không tham gia vào các đảng phái chính trị.
Họ nói họ muốn có một hệ thống chính quyền mới chứ không chỉ là có ai đó thay thế cho vị trí của ông tổng thống đau ốm.
Hồi tuần trước, tổng tham mưu trưởng quân đội Algeria, Trung tướng Ahmed Gaed Salah đã yêu cầu tổng thống phải tuyên bố là không đủ khỏe để điều hành công việc.
Tháng trước, ông Bouteflika, người hiếm khi xuất hiện trước công chúng kể từ sau khi bị đột quỵ vào năm 2013, cũng tuyên bố tiến hành tái sắp xếp nội các với nhiều thay đổi quan trọng.
Các cuộc biểu tình chống ông Bouteflika bắt đầu từ hai tháng trước, sau khi tổng thống nói ông có kế hoạch ra tranh cử một nhiệm kỳ nữa.
Thế nhưng người dân vẫn tiếp tục biểu tình ngay cả sau khi ông đồng ý không ra tranh cử. Người dân xuống đường đòi phải có thay đổi ngay lập tức.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47787083
Lật được Bouteflika,
Algeri đứng trước thách thức chuyển tiếp
Một trang sử Algeri vừa được lật qua. Abdelaziz Bouteflika, 82 tuổi, đã từ chức tổng thống ngày 02/04/2019, gần một tháng trước khi kết thúc nhiệm kỳ thứ tư.
Về mặt chính thức, tổng thống đã « thông báo với Hội Đồng Bảo Hiến chấm dứt nhiệm kỳ tổng thống Cộng Hòa ». Theo thủ tục, Hội Đồng Bảo Hiến phát động tiến trình chuyển tiếp ngay trong ngày 03/04 theo điều 102 Hiến Pháp. Công luận muốn sang trang chế độ phải chờ thêm ít nhất 90 ngày.
Sự kiện Bouteflika từ chức không làm tình thế thay đổi gì cả. Trước khi xuống, tổng thống Algeri đã lập chính phủ mới để kéo dài “chế độ Bouteflika không Bouteflika“. Nhận định trên đây với Reuters của luật sư Moustapha Bouchachi và cũng là một trong những lãnh đạo phong trào phản kháng cho phép dự báo tình hình Algeri trong những tuần lễ tới là một phương trình phức tạp.
Phong trào xã hội muốn thay đổi triệt để, thành lập Đệ nhị Cộng Hòa với những người mới hoàn toàn, không dính líu gì đến các chính quyền hiện nay, nhưng thực tế có thể rắc rối đa đoan hơn.
Trước hết, Hội Đồng Bảo Hiến phải đề xuất với Quốc Hội tuyên bố « tình trạng tổng thống mất khả năng » để rồi chủ tịch Thượng Viện tạm lên thay trong 45 ngày, triển hạn tối đa thêm 45 ngày, để tổ chức bầu lại tổng thống.
Thế nhưng, sức khỏe của chủ tịch Thượng Viện Abdelkader Bensala, 77 tuổi, khá suy sụp vì bệnh nặng, có thể gây ra nhiều vấn đề, có thể bị sử dụng như quân cờ, bị lèo lái theo tương quan lực lượng trên chính trường, trong 90 ngày tới.
Xã hội công dân và quân đội
Theo chuyên gia Hasni Abidi, Trung tâm Nghiên cứu Thế giới Ả Rập và Địa Trung hải tại Geneve, do trống vắng một lực lượng đối lập đúng nghĩa, quân đội Algeri trở thành tác nhân số một trên chính trường, phải cố tránh tính toán sai lầm trước một tác nhân mới là « đường phố phản kháng ». Bouteflika ra đi là chiến thắng đầu tiên của quân đội và phong trào dân sự phản kháng.
Do bị kềm kẹp suốt hơn 20 năm qua, không một đảng đối lập nào tạo được uy tín, hoặc lưu vong hoặc bị chế độ cài người làm nội gián. Đây cũng là ý kiến của Amira Bourapui, chủ tịch phong trào Công dân-Dân chủ, trên báo La Croix hồi giữa tháng 03/2019. Theo nhà hoạt động này, lực lượng đối lập chính hiện nay không phải là những tổ chức truyền thống tả hữu mà là
phong trào công dân, trưởng thành chính trị từ môi trường học đường hay những nhà hoạt động chống đối chế độ.
Đàn áp phong trào này, quân đội Algeri sẽ tiêu tan uy tín, là phản bội nhiệm vụ bảo vệ quốc gia và quốc dân.
Phong trào công dân, sau chiến thắng đầu tiên, cũng cần có một thế lực « tháp tùng » tiến trình chuyển tiếp với người lãnh đạo mới.
Nhân vật này phải thích hợp với nguyện vọng của đường phố, bởi vì hàng chục triệu người xuống đường không phải chỉ vì muốn lật đổ một mình tổng thống Bouteflika. Họ muốn thành lập một chế độ cộng hòa mới.
Luật sư Moustapha Bouchachi trích dẫn bên trên, vừa là người của đường phố, vừa hoan nghênh thái độ sáng suốt của quân đội, có thể là một ứng cử viên xứng đáng cùng với những nhà chính trị từng tranh cử chống tổng thống Bouteflika như cựu thủ tướng Ali Benflis, theo phân tích của AFP.
Ẩn số ở đây là liệu quân đội Algeri với tướng Salah sẽ chấp nhận phương trình tối ưu này hay tiếp tục « duy trì chính phủ do tổng thống Bouteflika thành lập » ?
Dù muốn dù không, để duy trì không khí ôn hòa, một chính phủ mới, dù lâm thời, phải nỗ lực đàm phán hầu tránh xảy ra những cuộc trả thù hay thanh toán nội bộ.
Một giai đoạn chuyển tiếp là cần thiết nhưng phong trào công dân Algeri đã cảnh báo họ sẽ tiếp tục tranh đấu và hẹn nhau vào thứ Sáu 05/04/2019.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190403-lat-duoc-bouteflika-algeri-dung-truoc-thach-thuc-chuyen-tiep
Động đất mạnh 5,6 độ richter ở Đài Loan
Một trận động đất mạnh 5,6 độ richter xảy ra hôm 3/4 tại Taitung, khu vực nằm ở phía đông nam Đài Loan.
Reuters đưa tin, dẫn nguồn từ cơ quan dự báo thời tiết của hòn đảo.
Hãng tin này cũng cho biết rằng hiện chưa có ngay thông tin về thiệt hại hay thương vong.
Một nhân chứng của Reuters cho biết rằng trận động đất đã gây rung chuyển các tòa nhà ở thủ đô Đài Bắc.
Đài Loan gấp rút tìm kiếm người mất tích
Tin cho hay, trận động đất xảy ra ở độ sâu 10 km, và hiện chưa có thêm các thông tin khác.
Đài Loan là nơi thường xảy ra động đất. Hơn 100 người đã thiệt mạng trong một trận động đất ở miền nam Đài Loan năm 2016.
Một số người ở Đài Loan vẫn còn chưa thể quên được một trận động đất khác mạnh 7,6 độ richter năm 1999 làm hơn 2 nghìn người thiệt mạng.
Căng thẳng Trung – Đài tăng lên
sau vụ phi cơ TQ ‘vượt tuyến’
Jonathan MarcusBiên tập viên quốc phòng và ngoại giao, BBC News
Có chăng một cuộc khủng hoảng mới giữa Trung Quốc và Đài Loan?
Những căng thẳng đang ngày càng gia tăng này liên quan gì đến sự khác biệt ngày càng sâu sắc giữa Washington và Bắc Kinh?
Và có phải Tổng thống Trump đang khiến tình hình trầm trọng hơn khi coi thường chính sách “Một Trung Quốc” mà những người tiền nhiệm ông đã theo đuổi vì nó là nền tảng cho sự hòa giải giữa Trung Quốc và Mỹ vào cuối thập niên 1970?
TQ giận dữ, hủy bản đồ ‘gây tổn hại chủ quyền quốc gia’
Ba điều Mỹ và Trung Quốc sẽ không bao giờ thỏa hiệp
Trung Quốc kiểm soát fentanyl theo ý Mỹ
Vụ vượt rào của chiến đấu cơ Trung Quốc vào Chủ nhật ở eo biển Đài Loan là sự cố nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua.
Khoảng thời gian xảy ra sự xâm nhập – khoảng mười phút – cho thấy đó không chỉ là một sai lầm về phương hướng.
Đài Loan điều động máy bay để đánh chặn những kẻ xâm nhập. Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã kêu gọi các máy bay chiến đấu của Trung Quốc vượt qua tuyến hàng hải sẽ bị “trục xuất một cách mạnh mẽ”.
Đài Loan, vẫn luôn được Bắc Kinh xem là một phần không thể tách rời của Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cảnh báo vào đầu năm nay rằng việc thống nhất vẫn là mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc bất kể sự khác biệt giữa hai hệ thống chính trị. Ông nói rõ rằng Trung Quốc sẽ không “từ bỏ việc sử dụng vũ lực” và họ vẫn giữ nguyên lựa chọn “thực hiện mọi biện pháp cần thiết”.
Trung Quốc vẫn còn bận tâm về Đài Loan. Thật vậy, nhiều nhà phân tích chiến lược Hoa Kỳ coi việc tái lập quyền kiểm soát của Bắc Kinh đối với Đài Loan là mục tiêu chính thúc đẩy các chương trình hiện đại hóa quân sự của nước này.
Và một khía cạnh quan trọng ở đây là chiến lược từ chối chống tiếp cận của Bắc Kinh đang được phương Tây hiểu như thế nào. Nói một cách đơn giản, đây là sự phát triển của các hệ thống vũ khí tầm xa và chính xác hơn để đẩy các lực lượng Hoa Kỳ (những người có thể sẽ đến viện trợ của Đài Loan) ra khỏi Thái Bình Dương.
Tháng trước – trong nỗ lực để báo hiệu rằng họ sẽ tiếp tục khẳng định quyền tự do đi lại – Mỹ đã gửi một tàu khu trục và một tàu Cảnh sát biển qua eo biển Đài Loan giữa Trung Quốc và Đài Loan. Điều này chắc chắn đã gây khó chịu cho Bắc Kinh và được người Đài Loan coi là một cách thể hiện sự ủng hộ.
Những nỗ lực của Washington để chứng minh những gì họ gọi là “tự do hàng hải” đang gây tranh cãi ở Bắc Kinh, vốn tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn vùng biển trong khu vực.
VN tiếp nhận 6 xuồng tuần tra mới từ Mỹ
Trump: Mỹ và Trung Quốc đang ‘rất, rất gần’
Động thái này diễn ra vào thời điểm căng thẳng Trung-Mỹ gia tăng về thương mại, công nghệ và sự quyết đoán quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.
Thêm vào đó là sự bất an ở Bắc Kinh về sự chậm lại trong nền kinh tế của nó, điều mà nhiều người quan sát Trung Quốc lo ngại có thể dẫn đến việc Chủ tịch Tập Cận Bình theo đuổi lập trường dân tộc hơn, và dễ hiểu tại sao nỗi sợ hãi lại tăng lên trong mối quan hệ Mỹ-Trung.
Sự tấn công cuối tuần này của máy bay chiến đấu Trung Quốc là một lời nhắc nhở về sự đối trọng của Đài Loan.
Quan hệ Trung-Mỹ không phải luôn luôn như thế này. Quay lại vào cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980, chính Hoa Kỳ đã thiết lập một chính sách sau được gọi là chính sách “Một Trung Quốc”.
Hoa Kỳ công nhận chính phủ do Đảng Cộng sản điều hành ở Bắc Kinh là chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc. Washington cũng thừa nhận lập trường của Trung Quốc rằng chỉ có một Trung Quốc. Do đó, Đài Loan là một phần của Trung Quốc.
Hoa Kỳ sau đó hạ cấp quan hệ với Đài Loan.
Nhưng Washington cũng nói rõ sẽ “xem xét bất kỳ nỗ lực nào để xác định tương lai của Đài Loan bằng các biện pháp hòa bình” vì đây là một “mối quan ngại sâu sắc đối với Hoa Kỳ”. Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ hệ thống tự phòng thủ của Đài Loan và bỏ ngỏ khả năng viện trợ Đài Loan nếu bị tấn công.
Nhưng chính sách này có thực sự đáng tin khi đối mặt với khả năng quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc?
Và Đài Loan có tiếp tục hài lòng với những lời hứa hẹn về một sự độc lập thay vì một thực tế như vậy? Chính quyền Trump có đang gửi sai tín hiệu đến Đài Loan?
Ví dụ, ông Trump đã trở thành tổng thống đắc cử đầu tiên kể từ năm 1979 hội đàm trực tiếp với một tổng thống Đài Loan. Một số người trong chính quyền Hoa Kỳ muốn ông xem lại toàn bộ chính sách “Một Trung Quốc”.
Bắc Kinh đã chứng kiến vị tổng thống Mỹ này từ bỏ các thỏa thuận kiểm soát vũ khí và thay đổi hiện trạng ngoại giao ở Trung Đông đối với Jerusalem và Cao nguyên Golan. Họ cũng có thể sợ một sự thay đổi tương tự trong chính sách của Hoa Kỳ đối với Đài Loan.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47796810
TQ tăng cường tập trận hải quân với các nước
trong năm 2019 và ý đồ thực sự đằng sau đó
Trung Quốc đang thúc đẩy mạnh các hoạt động tập trận hải quân chung với các nước trong năm 2019. Dư luận cho rằng Trung Quốc coi đây như là một cách để chứng minh rằng mình có thể bảo vệ hòa bình và ổn định cùng với các nước và có thể là cái cớ Trung Quốc dùng để phản đối sự can thiệp từ bên ngoài vào Biển Đông.
Tập trận hải quân chung với Nga
Hải quân Trung Quốc và Hải quân Nga sẽ tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung 2019 vào cuối tháng 4 đầu tháng 5 tới. Trong cuộc tập trận, các thủy thủ Nga và Trung Quốc sẽ thực hành các bài tập chung như sử dụng tên lửa và pháo binh bắn vào các mục tiêu trên biển và trên không, cũng như hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn. Trung Quốc hôm 25/3 đã cử một phái đoàn của Hải quân đến Nga để nhóm họp với Phái đoàn chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Nga để chuẩn bị cho cuộc tập trận. Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định sự tin tưởng lẫn nhau cả về chính trị và hợp tác quân sự giữa Nga và Trung Quốc vào sự hợp tác. Bộ cũng đánh giá cao sự hợp tác Nga – Trung trong việc duy trì sự ổn định khu vực, cũng như các vấn đề quốc tế quan trọng. Hiện Nga và Trung Quốc đang duy trì hợp tác chặt chẽ trong một số lĩnh vực bao gồm quốc phòng, năng lượng và kinh tế, cũng như đối thoại chính trị thường xuyên tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các nền tảng quốc tế khác. Trung Quốc xác định mối quan hệ với Nga là “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện về phối hợp”.
Hồi tháng 9/2018, Trung Quốc và Nga cũng tổ cuộc tập trận với quy mô lớn nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh tới nay mang tên “Vostok-2018”, với sự tham dự của 300.000 quân nhân. Trong đó, Trung Quốc gửi 3.200 lính tới tham gia, cùng nhiều thiết giáp xa và máy bay. Trung Quốc coi đây là cơ hội để tăng cường hợp tác quân sự với Nga và rèn luyện khả năng hiệp đồng chiến đấu và nghệ thuật phản công. “Chúng tôi thống nhất sẽ đều đặn tổ chức các cuộc tập trận như thế này”, hãng tin TASS dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố trong chuyến thăm thao trường Tsugol cùng người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa khi thị sát cuộc tập trận Vostok-2018.
Tập trận hải quân chung với ASEAN
Từ đầu năm 2015, Trung Quốc đã chủ động đề xuất tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung với các nước ASEAN ở Biển Đông, mà theo như Bộ Quốc phòng nước này thì các cuộc tập trận sẽ là một cách để đạt được mục đích “cùng nhau giải quyết tranh chấp và kiểm soát rủi ro”. Tuy nhiên, một số nước thành viên ASEAN đã từ chối tham gia với lý do“Trung Quốc muốn tập trận ở vùng biển có chủ quyền chồng lấn”, tức là ở các khu vực tranh chấp. Vào năm 2016, Trung Quốc tiếp tục đề nghị các nước ASEAN tập trận chung với “mục đích” là nhằm giảm nguy cơ xung đột. Tuy nhiên, cũng chưa có nước nào đồng ý tham gia tập trận chung với Trung Quốc. Đến tháng 10/2017, Trung Quốc và 6 nước ASEAN đã tham gia một cuộc diễn tập chung về cấp cứu trên biển ở ngoài khơi tỉnh Quảng Đông, với tình huống giả định là vụ va chạm giữa một tàu chở khách Trung Quốc với một tàu hàng lớn của Campuchia ở trên biển. Cuộc tập trận có sự tham gia của khoảng 1.000 nhân viên cứu hộ cùng 20 tàu thuyền các loại và 03 máy bay trực thăng của Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Campuchia, Myanmar, Lào và Brunei. Việt Nam, Malaysia, Singapore và Indonesia không tham gia cuộc tập trận này.Cuộc tập trận lần đầu tiên giữa ASEAN và Trung Quốc trên Biển Đông diễn ra từ ngày 22-26/10/2018 ở thành phố Trạm Giang của Trung Quốc với sự tham gia của 08 tàu chiến, 03 trực thăng và hơn 1.200 quân nhân. Trung Quốc điều động 03 tàu chiến, Singapore cử 01 tàu hộ vệ, Brunei có 1 tàu tuần tra, Thái Lan điều 01 tàu hộ vệ. Philippines cử một tàu hậu cần, Việt Nam có 01 tàu tham gia là tàu hộ vệ. Các nước Campuchia, Indonesia, Malaysia và Myanmar cử quan sát viên tới theo dõi cuộc tập trận.
Tập trận hải quân chung với Malaysia, Thái Lan
Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan đã tổ chức một cuộc tập trận quân sự chung tại khu vực ngoài khơi Malaysia từ ngày 20-29/10/2018, với sự tham gia của 692 binh sĩ của Trung Quốc, 03 tàu hải quân, 02 trực thăng, 03 máy bay vận tải Il-76 và 04 xe quân sự. Phía Trung Quốc cho biết đây là cuộc tập trận “hòa bình và hữu nghị”. Cuộc diễn tập nhằm tiếp tục thể hiện ý chí chung của lực lượng vũ trang của ba nước trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong vùng Biển Đông, tăng cường hợp tác và trao đổi thực tiễn, và tăng cường khả năng phản ứng chung trước các mối đe dọa an ninh khác nhau, không nhắm vào bất kỳ quốc gia nào”, theo thông báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc. Đây là lần thứ hai Trung Quốc tham gia vào một cuộc tập trận ở Eo biển Malacca, nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, một trong những tuyến vận chuyển quan trọng nhất trên thế giới. Giới chuyên gia Trung Quốc nói rằng cuộc tập trận ba bên chứng tỏ các nước ASEAN và Trung Quốc có thể hợp tác với nhau trong các vấn
đề quốc phòng và an ninh, đặc biệt trong những khu vực ít nhạy cảm hơn. Đối với Malaysia và Thái Lan, đây là một cách thể hiện việc xây dựng niềm tin với Trung Quốc và đồng thời ra dấu rằng họ không đứng về bên nào trong cuộc đấu của các đại cường ở Biển Đông. Tuy nhiên, dư luận nhận định Trung Quốc sẽ coi đây như là một cách để chứng minh rằng mình có thể bảo vệ hòa bình và ổn định cùng với các nước ASEAN, và dĩ nhiên nó có thể là cái cớ Trung Quốc dùng để phản đối sự can thiệp từ bên ngoài vào Biển Đông.
Ý đồ của TQ khi tiến hành các cuộc tập trận hải quân với các nước
Cùng với các cuộc tập trận hải quân, không quân liên tục thời gian qua của Trung Quốc ở Biển Đông, các cuộc tập trận chung với Nga, ASEAN sẽ giúp Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự, gửi đi thông điệp cảnh báo đối với các nước bên ngoài như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ… không nên can dự vào vấn đề Biển Đông. Trung Quốc đã nhiều lần chỉ trích sự can dự của Mỹ và phương Tây vì cho rằng các nước này “không có tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông, nên để cho các quốc gia trong khu vực quản lý tranh chấp của mình một cách hữu nghị và hiệu quả”. Đây cũng là dịp để Trung Quốc chứng tỏ khả năng dẫn dắt các nước khu vực thực hiện theo các sáng kiến do Trung Quốc khởi xướng. Nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc sẽ sử dụng các cuộc tập trận chung với ASEAN để tuyên truyền theo dụng ý rằng tình hình Biển Đông đang ổn định, phát triển và hợp tác nhờ vào những nỗ lực của Trung Quốc và các nước ASEAN. Trong đó, Trung Quốc và các nước hoàn toàn có thể xây dựng các cơ chế giải quyết tranh chấp mà không cần sự can dự của các nước bên ngoài. Ngoài ra, các cuộc tập trận hải quân chung với các nước cũng nhằm xoa dịu dư luận về hoạt động quân sự hóa ồ ạt của Trung Quốc hiện nay ở Biển Đông; song cũng nhằm phục vụ cho ý đồ này một cách thuận lợi hơn, tránh các phản ứng quyết liệt từ các nước. Trung Quốc tiến tới hợp tác với ASEAN ở cấp độ đa phương và trong tư cách một khối để giành được lòng tin của các nước, xoa dịu nỗi sợ hãi về sức mạnh quân sự áp đảo của Trung Quốc bằng cách tăng sự tự tin và vai trò của ASEAN, lấy ASEAN làm nền tảng cho cuộc đối thoại, là giải pháp chọn lựa của Trung Quốc.
Kết luận:Trung Quốc cho rằng các cuộc tập trận chung trên biển sẽ “tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, mở rộng giao lưu và hợp tác, giữ gìn hòa bình và ổn định của khu vực”, song phải khẳng định rằng tình hình Biển Đông căng thẳng như hiện nay chủ yếu là do các hoạt động đơn phương, đòi hỏi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó Trung Quốc đã liên tục gây phức tạp tình hình bằng hoạt động quân sự hóa, bồi đắp và mở rộng các đảo nhân tạo quy mô lớn ở Biển Đông… Do vậy, để “tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, mở rộng giao lưu và hợp tác, giữ gìn hòa bình và ổn định của khu vực” thì Trung Quốc phải ngừng các hành động nói trên, nếu không mọi sáng kiến hay tuyên bố của Trung Quốc đưa ra chỉ là hình thức, đánh lừa dư luận.
Ngụy tạo mới của TQ về “quyền lịch sử” ở Biển Đông
Bill Hayton là nghiên cứu viên tại Viện nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House). Ông là tác giả của hai cuốn sách về Đông Nam Á: Biển Đông: Cuộc chiến quyền lực ở Châu Á (Yale, 2014) và Việt Nam: Con rồng đang lên (Yale, 2010). Ông cũng là phóng viên của hãng tin BBC. Biendong.net xin giới thiệu bài viết của ông về ngụy tạo mới của Trung Quốc về “quyền lịch sử” ở Biển Đông.
Có nhiều tầng nấc tranh chấp ở Biển Đông: tranh chấp chủ quyền đảo, tranh chấp về quyền đối với vùng biển giữa các đảo, tranh chấp về cán cân quyền lực khu vực và tranh chấp về tương lai của quản trị toàn cầu. Điều khiến các tranh chấp này khó được giải quyết là nhiều chi tiết về yêu sách của các bên vẫn còn mập mờ.
Có tất cả 6 bên đưa ra yêu sách chủ quyền đối với các rạn san hô và bãi đá đang tranh chấp. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với mọi thực thể nằm trong “đường chữ U” (còn gọi là đường lưỡi bò – ND) mà họ công bố lần đầu tiên trong một bản đồ chính thức vào năm 1948. Yêu sách của Trung Quốc bao gồm quần đảo Hoàng Sa ở phía Bắc Biển Đông, quần đảo Trường Sa ở phía Nam, bãi cạn Scarborough ở phía Đông và quần đảo Pratas ở phía Đông Bắc. Đài Loan – với danh nghĩa là Trung Hoa Dân Quốc – cũng có yêu sách lãnh thổ như vậy. Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Philippines ra yêu sách với hầu hết các đảo của quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough trong khi Malaysia và Brunei chỉ tuyên bố chủ quyền đối với một số thực thể ở quần đảo Trường Sa. Hiện tại, Trung Quốc chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, Đài Loan chiếm quần đảo
Pratas và đảo Ba Bìnhở quần đảo Trường Sa. Tất cả các bên khác, trừ Brunei, chiếm ít nhất 5 thực thể của quần đảo Trường Sa.
Các quyền đối với vùng biển giữa các đảo nói chung được điều chỉnh theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). UNCLOS đã được đàm phán trong 9 năm, từ năm 1973 đến năm 1982. Cho đến nay, 167 quốc gia đã ký kết, trong đó 153 quốc gia đã phê chuẩn công ước. Năm 1994, Chính phủ Mỹ đã ký UNCLOS nhưng đến tận bây giờ, Thượng viện Mỹ vẫn từ chối phê chuẩn. Trung Quốc, Việt Nam và các bên yêu sách khác đã ký và phê chuẩn Công ước. Nói chung, theo UNCLOS, các quốc gia ven biển sở hữu vùng biển và đáy biển rộng 12 hải lý tính từ bờ biển. Các quốc gia này cũng có quyền đối với những tài nguyên ở biển và đáy biển – nhưng không phải là lãnh thổ – cách bờ biển của họ tới 200 hải lý (370 km): khu vực này được gọi là vùng đặc quyền kinh tế hay EEZ.
UNCLOS đưa ra các nguyên tắc chung để phân chia lãnh thổ và tài nguyên giữa các bên có yêu sách đối kháng nhưng bỏ qua một số chi tiết rất quan trọng. Một trong số đó là điểm chính xác khi nào một bãi đá không có người ở, không có vùng đặc quyền kinh tế, trở thành một “hòn đảo” đầy đủ có quyền có vùng đặc quyền kinh tế. Trong lời văn của UNCLOS, “bãi đá nào mà con người không thể cư trú hoặc có đời sống kinh tế riêng sẽ không có vùng đặc quyền kinh tế”[i], nhưng UNCLOS không định nghĩa thế nào là “việc cư trú của con người” hay “đời sống kinh tế”. Đây là một vấn đề cá biệt ở Biển Đông vì có nhiều bằng chứng cho thấy dấu tích lịch sử của việc ngư dân đã từng tạm trú trên một số thực thể tranh chấp nhưng không có bằng chứng nào cho thấy đã có bất kỳ ai từng sống ở đó lâu dài. Vậy ranh giới nằm ở đâu? Ảnh hưởng của sự khác biệt giữa một thực thể được coi là có người ở hay không có người ở rất quan trọng về mặt kinh tế. Một bãi đá chỉ có vùng lãnh hải với bán kính 12 hải lý – diện tích 452 hải lý vuông. Một hòn đảo hiệu lực đầy đủ có vùng đặc quyền kinh tế với bán kính rộng 200 hải lý, khiến nó có quyền đối với tài nguyên trên một vùng biển rộng ít nhất 125.000 hải lý vuông. Ở Biển Đông, điều này có có ý nghĩa quan trọng rất lớn trong việc kiểm soát nguồn cá và nguồn tài nguyên hydrocarbon.
Yêu sách mập mờ của Trung Quốc
Phạm vi và cơ sở chính xác của những yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông vẫn còn mập mờ một cách đáng ngạc nhiên, mặc dù đã được thảo luận hàng thập kỷ. Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chưa bao giờ mô tả đầy đủ và rõ ràng về các yêu sách chính xác hoặc những cơ sở pháp lý của họ. Điều chúng ta thấy rõ nhất là một tuyên bố của chính phủ vào ngày 12/7/2016 nêu lập trường sau:
Trung Quốc có chủ quyền lãnh thổ và quyền và lợi ích hàng hải ở Biển Đông, trong đó bao gồm:
i) Trung Quốc có chủ quyền đối với các quần đảo ở Biển Đông, bao gồm quần quần đảo Đông Sa (quần đảo Pratas), quần đảo Tây Sa (quần đảo Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa (Bãi cạn Scarborough) và quần đảo Nam Sa (quần đảo Trường Sa).
ii) Trung Quốc có vùng nội thủy, lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải dựa trên các quần đảo ở Biển Đông;
iii) Trung Quốc có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa dựa trên các quần đảo ở Biển Đông;
iv) Trung Quốc có quyền lịch sử ở Biển Đông[ii].
Phần đầu tiên của yêu sách, chủ quyền đối với các quần đảo ở Biển Đông, tương đối trực diện. Các bên yêu sách khác ở Biển Đông có thể tranh cãi về yêu sách đó, nhưng yêu sách của Trung Quốc được đưa ra theo cách giống như các yêu sách tương tự ở nơi khác. Phần còn lại của tuyên bố rắc rối hơn nhiều. Đầu tiên, chính phủ Trung Quốc có vẻ như cho rằng tất cả các thực thể trên Biển Đông tạo thành một quần đảo đơn nhất và cùng nhau tạo nên vùng lãnh hải riêng. Tuy nhiên, rõ ràng các hải đồ cho thấy các nhóm đảo rất tách biệt và cách nhau bởi những khu vực nước rất sâu. Hơn nữa, không có điều khoản nào trong UNCLOS cho phép các nhóm đảo có “danh nghĩa tập thể”. Tuyên bố của Trung Quốc còn khó hiểu hơn nữa với việc mở rộng quan điểm “một quần đảo đơn nhất” để yêu sách có vùng đặc quyền kinh tế. Một lần nữa, không có điều khoản nào trong UNCLOS quy định về điều này. Cuối cùng, họ ngang nhiên tuyên bố rằng Trung Quốc có quyền lịch sử ở Biển Đông nhưng không nêu rõ gồm những quyền gì và phạm vi đến đâu.
Tóm lại, lập trường của Trung Quốc năm 2016 có ít nhất 2 sự tạo dựng về pháp lý: thứ nhất là các nhóm đảo có thể tạo ra vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế chung; và thứ hai là Trung Quốc có “quyền lịch sử” không xác định ngoài các quyền theo quy định của UNCLOS. Đây không chỉ là sự phát triển pháp lý mơ hồ. Trong những năm gần đây, chúng ta đã thấy các cơ quan nhà nước Trung Quốc hành động theo những lý lẽ này trong các cuộc đối đầu ở Biển Đông.
Ví dụ, Trung Quốc đã phản đối việc khoan dầu khí ngoài khơi bờ biển Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Brunei và Philippines với lý do các hoạt động đó vi phạm quyền lịch sử của mình. Năm 2008, Chính phủ Trung Quốc đã buộc BP ngừng sản xuất dầu khí tại Bãi Tư Chính. Năm 2015, sự việc tương tự đã xảy ra với một công ty niêm yết ở Luân Đôn, Forum Energy plc, khi công ty này đang chuẩn bị khoan tại khu
vực đáy biển Bãi Cỏ Rong ngoài khơi Philippines[iii]. Cũng đã có những cuộc đụng độ giữa lực lượng cảnh sát biển của Trung Quốc và Indonesia về các hoạt động đánh bắt cá gần quần đảo Natuna. Đó đều là những vùng biển ở phía Nam của Biển Đông, cách xa hàng trăm hải lý ngoài bất kỳ vùng đặc quyền kinh tế yêu sách nào có thể tính từ bờ biển Trung Quốc.
Vụ kiện của Philippines tại Tòa Trọng tài và phản ứng của Trung Quốc
Nhằm giải quyết tình trạng này, Philippines đã thực hiện một hoạt động pháp lý chống lại Trung Quốc vào đầu năm 2013. Trung Quốc đã từ chối tham gia vào vụ kiện nhưng vụ kiện vẫn diễn ra và Tòa Trọng tài Quốc tế đã ra phán quyết vào tháng 7/2016[iv]. Hai kết luận quan trọng gồm: một là, không có thực thể nào tại quần đảo Trường Sa và Bãi cạn Scarborough là đảo có hiệu lực đầy đủ và do đó không có vùng đặc quyền kinh tế; và hai là, “đường chữ U” không được coi là yêu sách hợp pháp về các nguồn tài nguyên nằm bên trong đường này theo quy định của UNCLOS. Tòa ra phán quyết rằng:
Các yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử, hay quyền chủ quyền hoặc quyền tài phán khác, đối với các vùng biển trên Biển Đông nằm bên trong “đường chín đoạn” là trái với Công ước và không có hiệu lực pháp lý vì chúng vượt qua các giới hạn địa lý và thực chất của các vùng biển mà Trung Quốc có quyền được hưởng theo Công ước[v].
Các quan chức Chính phủ Trung Quốc lập tức phản đối phán quyết của tòa. Tại một họp báo chính thức tại Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện, Thứ trưởng Ngoại giao Lưu Chấn Dân đã hai lần nói phán quyết đó “không hơn gì một mẩu giấy vụn” và là thứ “không được bất kỳ ai thi hành”[vi]. Quan trọng hơn, các cơ quan nhà nước Trung Quốc tiếp tục hành động bất chấp phán quyết của Tòa. Trong năm 2017 và 2018, Việt Nam đã buộc phải tạm dừng hoạt động khoan thăm dò của công ty Repsol Tây Ban Nha ngoài khơi bờ biển phía đông nam của mình trước sự đe dọa của lực lượng quân sự Trung Quốc. Philippines đã không thể cấp phép thăm dò mới tại Bãi Cỏ Rong vì lý do tương tự và các công ty dầu khí hoạt động ngoài khơi Malaysia và Brunei cũng phải chịu áp lực như vậy.
Tháng 5/2018, khi được hỏi về kế hoạch khoan thăm dò của công ty Rosneft của Nga tại khu vực biển cạnh dự án của Repsol, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố “không quốc gia, tổ chức, công ty hay cá nhân nào được phép thực hiện các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ở vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc khi chưa được Chính phủ Trung Quốc đồng ý”[vii]. Tuy nhiên, bà không giải thích lý do vì sao vùng đáy biển cách bờ biển Trung Quốc hơn 600 hải lý lại “thuộc quyền tài phán của Trung Quốc”. Theo tuyên bố của chính phủ Trung Quốc vào tháng 7/2016, chúng ta có thể nghĩ tới 2 cách giải thích: khu vực này nằm trong phạm vi 200 hải lý của quần đảo Trường Sa khi được coi là một thực thể hợp nhất và/hoặc khu vực này nằm trong vùng mà Trung Quốc tuyên bố “quyền lịch sử”. Đây là hai lý lẽ rất khác nhau có những nguồn gốc cũng rất khác nhau.
Những lập luận về quần đảo của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa
Lập luận rằng các nhóm đảo được hưởng quyền tập thể dường như đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc ngay sau khi có phán quyết của tòa trọng tài. Ngày 18/7/2016, một bài báo đã được đăng trên tờ nhật báo Quân giải phóng Nhân dânTrung Quốc. Bài báo được cho là do các thành viên của “Trung tâm nghiên cứu hệ thống lý luận chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” tại Trường Đảng Trung ương viết. Đó không phải là một tuyên bố của chính phủ, nhưng theo nhà phân tích Andrew Chubb, cuối cùng thì bài báo vẫn gần với cách diễn giải của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Chubb cho biết ông đã nghe về lập luận này nhiều lần trước tháng 7/2016 nhưng đây là lần đầu tiên ông thấy xuất hiện trên báo in.
Bài báo được viết để phản ứng với phán quyết của Tòa Trọng tài và được công bố sau tuyên bố của Chính phủ ngày 12/7. Bài báo khác với tuyên bố của chính phủ khi lập luận rằng thay vì coi toàn bộ Biển Đông là một quần đảo, mỗi nhóm đảo cần được xem xét riêng. Bài báo thậm chí còn không coi Trường Sa là một nhóm đảohợp nhất mà lập luận rằng các cụm đảo nhỏ hơn trong quần đảo Trường Sa sẽ là thành tố cơ bản của yêu sách. Bài báo lập luận rằng:
Trung Quốc có quyền gộp các nhóm đảo tương đối gần nhau trong quần đảo Trường Sa thành một thực thể duy nhất để thiết lập các đường cơ sở lãnh hải, và quần đảo Trường Sa của Trung Quốc có các khu vực hành chính biển như lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa[viii].
Còn nhiều điều cần phải tìm hiểu về nguồn gốc của lập luận này. Nó hợp nhất những yếu tố của luật tập quán quốc tế với những xuyên tạc trong việc giải thích UNCLOS. Nó nhận được sự ủng hộ thấp nhất của cộng đồng pháp lý quốc tế bên ngoài Trung Quốc nhưng cũng có thể tạo ra cơ sở cho quan điểm pháp lý chính của nhà nước.
Các lập luận của Trung Hoa Dân Quốc về vùng nước lịch sử
Cơ sở khác của yêu sách cho rằng “Trung Quốc có quyền lịch sử ở Biển Đông”, có nguồn gốc rất riêng biệt. Nó bắt nguồn, không phải từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mà từ Đài Loan. Cụm từ “vùng nước lịch sử”, lần đầu tiên xuất hiện trong một tài liệu của chính phủ Trung Hoa Dân Quốc vào tháng 3/1993[ix]. Nó suýt chút nữa đã trở thành một phần của luật pháp Đài Loan nhưng khái niệm này cuối cùng đã bị phủ quyết. Thay vào đó, nó đã có một cuộc sống mới ở phía bên kia eo biển Đài Loan.
Chính sách của Đài Loan về Biển Đông bắt đầu nảy sinh vào năm 1988, sau sự xuất hiện mạnh mẽ của các lực lượng quân sự của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại quần đảo Trường Sa. Trung Quốc chiếm đóng đáChữ Thập vào cuối năm 1987 và 5 thực thể nữa vào đầu năm 1988. Khi đổ bộ vào bãi Gạc Ma ngày 14/3/1988, các đơn vị của Trung Quốc đã đụng độ với lực lượng của Việt Nam và 64 chiến sỹ hải quân của Việt Nam đã bị sát hại. Vào thời điểm đó (và cho đến ngày nay), lực lượng của Đài Loan đang chiếm đóng đảo Ba Bình, hòn đảo lớn nhất ở Trường Sa. Sự chiếm đóng của Trung Quốc đã tăng thêm tính cấp thiết đối với nhu cầu phải củng cố các chính sách biển của Đài Loan và điều chỉnh cho phù hợp với các quy tắc mới được đề ra trong UNCLOS năm 1982.
Tháng 7/1989, Bộ Nội vụ Đài Loan đã giải tán Cục Quản lý Đất đai để thành lập một ủy ban để phân định lãnh hải và vùng đặc quyền Kinh tế của Đài Loan[x]. Theo Kristen Nordhaug, có ba học giả pháp lý thuộc ủy ban này là Fu Kuan-Chen, Nien-Tsu Alfred Hu và Huang Yi. Vào thời điểm đó, Fu và Hu đều liên kết với cánh không chính thống trong Quốc dân Đảng càm quyền[xi]. Phe này liên kết với “nhóm cựu trào của đảng” ủng hộ chính sách “một Trung Quốc”: thống nhất Đài Loan với đại lục. Trong suốt năm 1991 và 1992, cánh “không chính thống” đấu tranh quyết liệt với lãnh đạo mới của Quốc dân Đảng chống lại chính sách “Đài Loan hóa” – tiến tới độc lập vững chắc hơn – và nhiều thành viên, bao gồm Fu, tách ra để thành lập Tân Đảng vào năm 1993. Fu được bầu vào Quốc hội năm 1992.
Các báo cáo đương đại cho rằng chính ủy ban này, được các học giả pháp lý theo trường phái “một Trung Quốc” tư vấn, lần đầu tiên đưa ra ý niệm yêu sách “vùng nước lịch sử”[xii]. Thật vậy, trong một thư điện tử gửi cho tác giả của bài viết này, giáo sư Fu tuyên bố: “Tôi là học giả đầu tiên ở Trung Quốc đưa ra ý tưởng về vùng nước lịch sử và một số khái niệm liên quan khác để giải quyết vấn đề Biển Đông”. Nhìn nhận lại, có vẻ như sự canh tân này trong yêu sách của Trung Quốc phần lớn là tác phẩm của một cá nhân.
Sự can thiệp của Mỹ
Dường như vào cùng thời điểm ủy ban này đang thảo luận về chính sách của Đài Loan, một công ty dầu mỏ nhỏ của Mỹ, Crestone, cũng đang cố gắng thuyết phục chính quyền CHND Trung Hoa cho thuê một lô ở đáy biển ngoài khơi bờ biển phía Đông Nam Việt Nam. Một sự trơ tráo đến nghẹt thở: vị trí này nằm cách bờ biển Việt Nam chỉ 250 km và cách các bãi biển của Trung Quốc hơn 1.000 km. Người đứng đầu Crestone, Randall C. Thompson, bắt đầu vận động việc này từ tháng 4/1991 nhưng cho đến tận sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thông qua Luật Lãnh hải vào tháng 02/1992, mới được chấp thuận.
Trung Quốc đã lựa chọn vị trí thăm dò mới là lô Vạn An Bắc – 21 (WAB-21). Các cố vấn của Crestone đã vẽ ranh giới của nó rất cẩn thận. Chúng đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam chứ không phải là Indonesia hay Malaysia. Quan trọng hơn là lô này nằm trong “đường chữ U”. Lần đầu tiên kể từ khi xuất hiện năm 1948 trên một bản đồ chính thức của Trung Quốc, đường chữ U nàydường như đã trở thành đường biên giới chính thức: với gợi ý của Crestone, Trung Quốc lần đầu tiên ra yêu sách đối với tài nguyên bên trong đường này.
Một trong những cố vấn của Crestone là Daniel J. Dzurek, cựu Trưởng phòng Biên giới Bộ Ngoại giao Mỹ. Ông Thompson nói: “tôi đã sử dụng ông ta [Dzurek] để hợp thức hóa quan điểm vùng biển này là của Trung Quốc và ông ta đặc biệt tán thành quan điểm đây là vùng biển của Trung Quốc, không phải vùng biển của Việt Nam dựa trên yêu sách chủ quyền và vấn đề lịch sử”[xiii]. Tuy nhiên, Dzurek đã hạ thấp vai trò của mình. Trong một cuộc trao đổi với tác giả bài này, ông đã nói rằng ông “chưa bao giờ khuyên Trung Quốc về biên giới” mà “chỉ giúp đàm phán một hợp đồng thuê ngoài khơi”[xiv]. Tuy nhiên, tấm bản đồ mà Crestone căn cứ để phác thảo lô đáy biển họ thuê của chính phủ Trung Quốc có đường chữ U là một đường liền nét (không phải nét đứt) và có chú thích dòng chữ “yêu sách của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Hơn nữa, trong một bài báo học thuật quan trọng được xuất bản sau sự việc Crestone, Dzurek đã nhấn mạnh rằng thuật ngữ đường chữ U của Trung Quốc có thể được hiểu đúng nhất là “đường biên giới biển truyền thống”[xv]. Ông dường như đã chấp nhận – và phát triển – ý tưởng Trung Quốc có quyền lịch sử tại khu vực dựa trên những quy định của UNCLOS. Tuy nhiên, bất cứ lý lẽ pháp lý nào mà Trung Quốc cảm thấy rằng họ có đều không được công khai. Chỉ đơn giản là ký hợp đồng cho Crestone và tiếp tục giữ im lặng thay cho lời biện minh.
Phản ứng của Đài Loan
Vào tháng 10/1992, lực lượng đặc nhiệm liên bộ thuộc Bộ Nội vụ Đài Loan được thành lập để điều phối chính sách của chính phủ ở Biển Đông[xvi]. Đồng thời, bộ phận hoạch định chính sách của chính phủ, “Ban Nghiên cứu, Phát triển và Đánh giá”, đã đưa ra một văn bản của Fu Kuen-Chen có tựa đề “Một nghiên cứu về tình trạng pháp lý của vùng nước lịch sử của Trung Hoa Dân Quốc ở Biển Đông”[xvii]. Sau vài tháng thảo luận, ngày 10/3/1993, lực lượng đặc nhiệm đã thống nhất về một bộ “ định hướng chính sách Biển Đông” được chính phủ (Hành chính viện) phê chuẩn ngày 13/4/1993. Đoạn thứ hai của phần mở đầu bộ định hướng chính sách này tuyên bố rằng “khu vực Biển Đông trong giới hạn vùng nước lịch sử là khu vực biển thuộc quyền tài phán của Trung Hoa Dân Quốc, ở đó Trung Hoa Dân Quốc có tất cả các quyền và lợi ích”[xviii].
Trong một cuộc họp báo ngày 10/8/1993, Chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu, Phát triển và Đánh giá đã giải thích về lý do đưa ra yêu sách là này dựa trên đường chữ U năm 1948. Ông ta cho rằng vùng biển bên trong đường chữ U phải được coi là vùng nước lịch sử của Trung Hoa Dân quốc. Khái niệm này khác với vùng nội thủy nhưng tương tự như vùng nước quần đảo[xix]. Vùng nước quần đảo là một khái niệm mới được UNCLOS công nhận, theo đó các quốc gia có toàn bộ lãnh thổ được cấu thành bởi các đảo (như Indonesia hoặc Philippines) có thể đòi quyền đối với vùng biển giữa các đảo của họ. Tuy nhiên, quyền này không được áp dụng cho các quốc gia không phải là quốc gia quần đảo, như Trung Quốc hay Việt Nam. Đầu tháng 9/1993, cả Bộ trưởng Nội vụ Ngô Bá Hùng (Wu Po-hsiung), và Thủ tướng Liên Chấn (Lian Chan), cùng chính thức tổ chức một hội nghị về Biển Đông ở Đài Bắc và cả hai đều nói rằng vùng nước ở Biển Đông từ lâu đã là vùng nước lịch sử của Trung Quốc[xx].
Đây là một cách diễn giải rất khác biệt về ý nghĩa của đường chữ U so với khi nó được vẽ lần đầu sau chiến tranh thế giới thứ hai. Nhà sử học người Canada Chris P.C. Chung đã kiểm tra các tài liệu lưu trữ được giải mật gần đây của Trung Hoa Dân Quốc và tìm ra rằng nhiều cuộc họp đã được tổ chức trong năm 1946 và 1947 để xác định điều gì sẽ trở thành yêu sách của Trung Quốc. Trong một cuộc họp vào ngày 26/9/1946, một ủy ban của chính phủ đã đồng ý sử dụng “Bản đồ phác thảo vị trí đảo tại Biển Đông (南海諸島位置略圖)” do những nhà họa đồ trong Bộ Nội vụ vẽ trước đó để định hướng quyết định của mình. Tôi đã thảo luận về nguồn gốc của bản đồ này trong một bài viết riêng[xxi]. Bản đồ này là tài liệu đầu tiên của chính phủ Trung Quốc có đường chữ U và ý nghĩa của nó rất rõ ràng đối với ủy ban này của Đài Loan: nó chỉ rõ “cách xác định phạm vi tiếp nhận các đảo ở Biển Đông” (“接收南海各島應如何劃定接收範圍案”). Ủy ban này chỉ quan tâm tới các đảo. Họ không đề cập đến vùng biển, lịch sử hay cái gì khác[xxii].
Do đó, rõ ràng là vì khái niệm “vùng nước lịch sử” không tồn tại trong suy nghĩ của chính phủ Trung Quốc vào năm 1946 nhưng lại xuất hiện vào năm 1992 nên nó phải được tạo dựng vào một thời điểm nào đó giữa hai năm này. Bằng chứng sẵn có cho thấy việc tạo dựng khái niệm này chính là sự can thiệp của Giáo sư Fu.
Ý tưởng vượt qua eo biển
Tranh cãi về việc Trung Hoa Dân Quốc có nên tuyên bố “vùng nước lịch sử” ở Biển Đông hay không kéo dài trong 5 năm và trở thành cuộc đấu gián tiếp giữa Quốc dân đảng “không chính thống” ủng hộ chính sách “một Trung Quốc” và những người ủng hộ nền độc lập vững chắc hơn của Đài Loan. Đối với nhiều người ở phe “một Trung Quốc”, yêu sách tối đa ở Biển Đông là một phương tiện để thể hiện ý thức quốc gia của họ và họ đã rất say sưa tranh luận. Những người ủng hộ độc lập coi yêu sách biển là một vấn đề nhỏ, phần lớn không phù hợp với mối quan tâm chính của họ. Kết quả là lúc đầu cuộc tranh luận về Biển Đông đã bao phủ nhóm “một Trung Quốc”/quyền lịch sử/không chính thống[xxiii].
Đầu những năm 1990, có nhiều điểm tương đồng trong cách mà các chính phủ đối địch ở Đài Bắc và Bắc Kinh xây dựng nội luật về các yêu sách biển của mình. Cả hai đều đề xuất hai dự thảo luật riêng biệt: một về Lãnh hải và Vùng tiếp giáp lãnh hải và một về Vùng đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa[xxiv]. Trong khi các chính sách chính thức cấm tiếp xúc trực tiếp, dường như các học giả, như Giáo sư Fu, và các trung gian khác, như Crestone, đã truyền đạt những ý tưởng đó giữa hai bờ eo biển Đài Loan. Có những lúc, mong muốn hợp tác thậm chí còn lớn hơn. Tại một hội nghị học thuật chung Trung Quốc – Đài Loan vào tháng 6/1994 tại Đài Bắc, cố vấn chính trị cho Hành chính viện (bộ máy nhà nước Đài Loan) Zhang Jinyou đã liên tục thúc giục hai chính phủ hợp tác trong việc vẽ bản đồ và quyền tài phán ở Biển Đông[xxv].
Tuy nhiên, từ năm 1992 đến năm 1995 không có tiến triển nào đối với những dự thảo luật này. Có hai luồng ý kiến phản đối: những luật sư cho rằng không có cơ sở nào trong UNCLOS cho yêu sách “vùng nước lịch sử” và nhóm “ủng hộ độc lập” cũng phản đối ý tưởng đồng bộ hóa yêu sách của Đài Loan với Trung Quốc[xxvi]. Mọi câu chuyện về hợp tác đã bị cắt đứt sau tháng 6/1995 khi Tổng thống Đài Loan, Lý Đăng Huy (Lee Teng-Hui) thăm Mỹ, kết thúc cuộc khủng hoảng giữa Đài Loan và Trung Quốc và khủng hoảng chính trị nội bộ Đài Loan. Cuộc khủng hoảng nội bộ chỉ được giải quyết bằng “Hội nghị Phát triển Quốc gia” tháng 12/1996. Việc này dẫn đến một thỏa hiệp giữa phe chính thống của Quốc Dân Đảng và Đảng Dân chủ Tiến bộ (Dân Tiến Đảng) ủng hộ độc lập (DPP) và sự cô lập đối với Tân Đảng. Sự đồng thuận mới giữa Quốc Dân Đảng và Dân Tiến Đảng dựa trên việc làm suy yếu các mối liên kết giữa Đài Loan và Trung Quốc và bao gồm cả giảm hợp tác trong các yêu sách ở Biển Đông. Do đó, Giáo sư Fu và phần còn lại của Tân Đảng đã bị lép vế trong cuộc thảo luận về chính sách biển của Đài Loan[xxvii].
Đến cuối năm 1997, nhóm phản đối “quyền lịch sử” đã giành chiến thắng. Vào tháng 12, các phương tiện truyền thông trong nước đưa tin rằng lực lượng đặc nhiệm của chính phủ đã cân nhắc, “đạt được đồng thuận sớm hơn trong một cuộc đàm phán phi đảng phái về việc tạm thời gác lại vấn đề chủ quyền đối với vùng nước lịch sử đặc biệt”[xxviii]. Cụm từ và yêu sách nàyđã bị xóa khỏi Luật Lãnh hải và Vùng tiếp giáp Lãnh hải của Đài Loan, được ban hành một tháng sau đó, vào ngày 21/01/1998.
Tuy nhiên, ở phía bên kia eo biển Đài Loan, một luật tương tự của Trung Quốc, “Luật về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”, được ban hành 5 tháng sau, ngày 26/6/1998, lại bao gồm, trong Điều 14, việc kết hợp các quy tắc của UNCLOS vào luật pháp Trung Quốc, “sẽ không ảnh hưởng” đến “quyền lịch sử” của Trung Quốc[xxix]. Cụm từ này chỉ được thêm vào ở giai đoạn cuối cùng khi luật được thông qua tại Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc và nhà chức trách Trung Quốc không có giải thích công khai nào về cơ sở logic của việc làm đó. Ý nghĩa chính xác của nó vẫn còn mơ hồ. Theo quan điểm của Châu Khắc Uyên (Zou Keyuan), “Trung Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên và có lẽ là duy nhất đưa các yêu sách lịch sử vào Luật Vùng đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa chứ không phải các văn bản riêng biệt hoặc các tuyên bố của chính phủ”[xxx]. Đến năm 1998, khái niệm về ‘quyền lịch sử’ của Trung Quốc ở Biển Đông đã bị xóa bỏ khỏi luật pháp ở Đài Loan nhưng đã có một cuộc sống mới ở Trung Quốc, nơi nó tiếp tục làm sinh động chính sách của nhà nước với những kết quả bất ổn cho khu vực.
Kết luận
Các bằng chứng sẵn có dường như cho thấy rõ ràng khái niệm “quyền lịch sử” tại Biển Đông chỉ xuất hiện vào đầu những năm 1990 và ở Đài Loan, chứ không phải Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Có vẻ như nó chỉ xuất phát từ ý tưởng của một cá nhân duy nhất, Fu Kuen-Chen, trước khi được những người theo quan điểm “một Trung Quốc” trong chính trường Đài Loan ủng hộ. Mặc dù các mối liên kết chưa được thiết lập vững chắc, có cơ sở để tin rằng ý tưởng rằng đường chữ U tạo nên một “biên giới biển truyền thống” cho yêu sách của Trung Quốc đối với các quyền tài nguyên sau đó đã được truyền bá từ Đài Loan đến Trung Quốc thông qua sự can thiệp của công ty dầu mỏ Mỹ, Crestone. Trong 3 năm sau đó, các học giả và quan chức có cùng quan điểm ở cả hai phía eo biển Đài Loan đã hợp tác phát triển và thúc đẩy khái niệm này.
Chính sự thay đổi trong chính trị nội bộ của Đài Loan, từ bỏ lập trường “một Trung Quốc” và hướng tới tự chủ hay độc lập vững chắc hơn, đã chấm dứt sự phát triển của các tranh luận về “quyền lịch sử” trên đảo. Trước sự tấn công của cả phe chống Trung Quốc và các học giả pháp lý không đồng ý với lập luận cơ bản, cụm từ này biến mất khỏi các tranh luận chính trị chính thống và chỉ còn tồn tại trong những người ủng hộ Tân Đảng và các nhánh của nó.
Tuy nhiên, đến năm 1998, khái niệm này đã bén rễ ở Trung Quốc. Năm 2002, Fu Kuen-Chen đã theo nó. Ông ta đã thể hiện quan điểm “một Trung Quốc” của mình bằng cách đảm nhận các vị trí học thuật đồng thời tại cả trường Đại học Luật Hạ Môn Trung Quốc và Học viện Công nghệ Quốc gia Kim Môn, nằm trên đảo Kim Môn của Đài Loan, chỉ cách Hạ Môn 10km qua vịnh. Ông tiếp tục giảng dạy tại Hạ Môn và tại Đại học Giao thông Thượng Hải, cả hai đều nằm ở Trung Quốc đại lục. Ông vẫn kiên trì các tranh luận về “vùng nước lịch sử” của mình và phiên bản tối đa hóa yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông[xxxi].
[i] Công ước Liên hợp quốc về Luật biển, 1982. Điều 121 (3).
[ii] Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Tuyên bố của Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về chủ quyền lãnh thổ, các quyền và lợi ích biển của Trung Quốc tại Biển Đông ngày 12/7/2016. http://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/zxxx_662805 / t1379493.shtml.
[iii] Alliance News, Diễn đàn Năng lượng để hủy bỏ cổ phiếu để có khả năng thu mua Philex, ngày 15/5/2015. http://www.morningstar.co.uk/uk/news/AN_1431696400003978 100/forum-energy-to-cancel-shares-to-facilitate-philex-takeover-bid-.aspx.
[iv] Tòa án trọng tài được chính thức thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, Tòa trọng tài thường trực 2013-19. Tài liệu trực tuyến có tại http://www.pcacases.com/web/view/7 [truy cập ngày 24/5/2018].
[v] Tòa Trọng tài Thường trực, Phán quyết về vấn đề Biển Đông, Vụ kiện số 2013-19. Ngày 12/7/2016, tr. 473.
[vi] Lưu Chấn Dân, phát biểu tại Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện về các tranh chấp ở Biển Đông, Bắc Kinh ngày 13/7/2016. http://www.scio.gov.cn/32618/Document/1483804/1483804.htm [truy cập ngày 24/5/2018].
[vii] Họp báo thường kỳ của Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Lục Khảng ngày 17/5/ 2018. http://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/xwfw_665399/s2510_665401/t1560357.shtml.
[viii] Andrew Chubb, Xác định đường chín đoạn sau phán quyết: rõ ràng hơn và phức tạp hơn. Thảo luận về Biển Đông. Ngày 24/5/2018. https://southseaconversations.wordpress.com/2016/07/20/defining-the-post-arbitration-nine-dash-line-more-clarity-and-more-complication/
[ix] Kuan-Ming Sun, ‘Chính sách năm 1995 của Trung Hoa Dân Quốc đối với Biển Đông’. Chính sách hàng hải tập 19. Kỳ 5: 401.
[x] Kristen Nordhaug, ‘Chính sách của Đài Loan tại Biển Đông 1988-99”. Tạp chí Thái Bình Dương Tập 14. Kỳ 4 (2001): 496; Yann-huei Song và Peter Kien-hong Yu, ‘“Vùng nước lịch sử” của Trung Quốc tại Biển Đông: Một phân tích từ Đài Loan, Trung Hoa Dân Quốc’. Tạp chí American Asian Tập 12. Kỳ 4 (1994): 83-101.
[xi] Nordhaug (2001), tr. 506.
[xii] Christopher C. Joyner, ‘Tranh chấp quần đảo Trường Sa: Vai trò nào trong việc bình thường hóa quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan?’ Tạp chí New England Law Tập 32. Kỳ 3 (1998): 827; Song và Yu (1994).
[xiii] Randall C. Thompson, giao tiếp cá nhân với tác giả.
[xiv] Daniel J. Dzurek, điện đàm cá nhân với tác giả, ngày 02/12/2013.
[xv] Daniel J. Dzurek, ‘Tranh chấp quần đảo Trường Sa: nước nào khởi đầu trước’? Tóm lược hàng hải Tập 2. Kỳ 1, Đơn vị nghiên cứu biên giới quốc tế, Đại học Durham, Vương quốc Anh. 1996.
[xvi] Nordhaug (2001), tr. 498.
[xvii] Kuan-Hlahoma Wang, ‘Các yêu sách và hành động thực tiễn của Trung Hoa Dân Quốc đặc biệt liên quan tới Biển Đông’. Tạp chí Phát triển đại dương và Luật pháp quốc tế, Tập. 41 (2010): 237-252.
[xviii] Sun (1995), như trên.
[xix] Sun (1995), như trên,tr. 403.
[xx] Song và Yu (1994).
[xxi] Bill Hayton, 2018, Nguồn gốc hiện đại của yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Tạp chí Trung Quốc hiện đại. https://doi.org/10.1177/0097700418771678.
[xxii] Chris P.C. Chung, ‘Vẽ đường chữ U: Yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, 1946-1974’. Tạp chí Trung Quốc hiện đại, số 1-35 (2015).
[xxiii] Nordhaug (2001), tr. 497.
[xxiv] Yann-Huei Song và Zou Keyuan, ‘Luật biển của Trung Quốc đại lục và Đài Loan: Sự phát triển, so sánh, ý nghĩa và những thách thức tiềm ẩn đối với Mỹ’. Tạp chí Phát triển đại dương và Luật pháp quốc tế, Tập 31. Kỳ 4 (2000): 311.
[xxv] Mark J. Valencia, Trung Quốc và tranh chấp ở Biển Đông. Oxford: Adelphi Số 298, 1995, tr. 40.
[xxvi] Nordhaug (2001); Song và Zou (2000), tr. 311.
[xxvii] Nordhaug (2001), tr. 292.
[xxviii] Thông tấn xã Trung ương (Đài Loan), ‘Các bộ của Đài Loan họp về xử lý vấn đề Biển Đông’ được dịch tại FBIS-CHI-97-355, ngày 21/12/1997, trích trong Nordhaug (2001), tr. 502.
[xxix] Jacques deLisle, ‘Vùng biển tranh chấp: yêu sách của Trung Quốc và Biển Đông’. Orbis Tập 56. Kỳ 4 (2012): 616.
[xxx] Zou Keyuan, ‘Quyền lịch sử trong Luật quốc tế và hành động thực tiễn của Trung Quốc. Tạp chí Phát triển đại dương và Luật pháp quốc tế, Tập. 32 (2001): 160.
[xxxi] Kimberly L. Wilson, ‘Chính sách của Đảng và Bản sắc dân tộc trong yêu sách của Đài Loan đối với Biển Đông’. Khảo sát châu Á, Tập. 57. Kỳ 2 (2017): 292.
http://biendong.net/bi-n-nong/27246-nguy-tao-moi-cua-tq-ve-quyen-lich-su-o-bien-dong.html
Trung Quốc thổi phồng
số lượng 300 chiếc Airbus đặt mua ở Pháp
Theo hãng tin Reuters 02/04/2019, số lượng 300 chiếc Airbus mà Trung Quốc đặt mua nhân chuyến thăm Pháp của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào trung tuần tháng 3, thực ra là một con số đã được thổi phồng, nhằm mục tiêu chính trị hơn là kinh tế.
Trích dẫn hai nguồn tin thông thạo hồ sơ này, hãng tin Anh cho biết số máy bay được cho là mới đặt mua nói trên, thực ra đã được thổi phồng lên vì bao gồm cả những hợp đồng hiện hữu, lẫn những thỏa thuận đã được phía Trung Quốc phê chuẩn nhưng chưa đúc kết.
Trị giá đơn đặt mua các chiếc Airbus như nói trên được ước lượng khoảng 35 tỷ đô la, theo giá chỉ định, nhưng trị giá thực của những hợp đồng thật sự mới thì thấp hơn.
Một ví dụ được nêu bật, trong thông báo về 300 chiếc Airbus gọi là « mới đặt mua », có 10 chiếc A350 bán cho một khách hàng không xác định rõ danh tánh. Thực ra, đó là 10 chiếc Airbus do hãng hàng không Sichuan Airlines đặt mua từ năm 2018, nhân hội chơ triển lãm hàng không Farnborough ở Anh Quốc, một thương vụ đã được chính thức loan báo.
Trả lời hãng Reuters, một phát ngôn viên Airbus đã từ chối đi vào chi tiết của thương vụ 300 chiếc máy bay đó, nhưng không loại trừ khả năng có những sai sót.
Hai nguồn tin mà Reuters trích dẫn còn nhắc lại vụ Bắc Kinh cũng từng loan báo đặt mua 300 chiếc Boeing nhân chuyến viếng thăm Bắc Kinh của tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm 2017. Con số 300 chiếc Airbus lần này đã được chọn một phần vì lý do chính trị, cho thấy là Bắc Kinh không thiên vị Mỹ hay châu Âu.
Về thương vụ 300 chiếc Boeing năm 2017, giới phân tích thời đó cũng đã gợi lên vấn đề thổi phồng số liệu.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190403-tq-thoi-phong-so-luong-300-chiec-airbus-dat-mua-o-phap
Tư lệnh quân đội Thái cảnh báo phe đối lập
chớ biểu tình sau bầu cử
Tư lệnh Lục quân Thái Lan hôm 2/4 cảnh báo dân chớ đi biểu tình để phản đối cuộc bầu cử đang bị tranh chấp, chớ xúc phạm chế độ quân chủ được tôn kính, và chỉ trích những người mà ông nói là “xuyên tạc” nền dân chủ.
Theo Reuters, phát biểu của Tư lệnh Lục quân Thái Lan là một trong một loạt dấu hiệu mới nhất xuất phát từ quân đội và các định chế thân hoàng gia, chống lại các đảng đối lập trung thành với cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra.
Cuộc bầu cử ngày 24/3 đã đặt đảng của nhà lãnh đạo chính quyền quân sự vào thế đối đầu với một liên minh đối lập. Kết quả không dứt khoát của cuộc bầu cử dẫn đến việc cả đảng thân quân đội Palang Pracharat lẫn phe đối lập, đều tuyên bố chiến thắng.
Kết quả chung cuộc sẽ không được công bố cho đến ngày 9/5.
Đại Tướng Apirat Kongsompong tuyên bố quân đội sẽ giữ thái độ trung lập trong cuộc bầu cử mà người tiền nhiệm của ông, cựu Tư lệnh quân đội Prayuth Chan-ocha đang tìm cách duy trì quyền lực trong cương vị Thủ tướng dân cử, năm năm sau khi ông lên nắm quyền sau một cuộc đảo chính.
“Tướng General Prayuth phải đi theo con đường của riêng ông và quân đội phải lùi lại”, Reuters dẫn lời Tướng Apirat nói. “Quân đội chúng tôi không thể tham chính”.
Mặt khác, Tướng Apirat khẳng định rõ rằng quân đội sẽ không cho phép lặp lại các cuộc biểu tình quy mô trên các đường phố như trước đây, trong đó cả những người ủng hộ lẫn những người chống đối ông Thaksin đã làm tê liệt thủ đô Bangkok trong nhiều tháng trời.
“Tôi không thể để người Thái giải quyết những khác biệt quan điểm trên các đường phố”, Reuters dẫn lời Tướng Apirat nói với các phóng viên. Ông nói thêm rằng người chiến thắng và kẻ thua cuộc trong cuộc bầu cử phải giải quyết những khác biệt của họ tại diễn đàn quốc hội.
Tướng Apirat cũng giành những lời lẽ gay gắt cho các chính khách mà theo ông đã “bóp méo” các nguyên tắc dân chủ, khiến các nguyên tắc này không phù hợp với văn hóa Thái Lan, là
tôn kính nhà vua và đặt ngài lên trên hết, một ám chỉ rõ ràng nhắm tới đảng của ông Thaksin và các đồng minh của đảng này.
“Làm như vậy là không phải”, ông Apirat nói. “Thái Lan là một nền dân chủ và nhà vua là vị nguyên thủ quốc gia”.
Các đảng trung thành với ông Thaksin đã dành được thắng lợi trong tất cả mọi cuộc bầu cử từ năm 2001, ngay cả sau khi ông Taksin bị lật đổ trong vụ đảo chính năm 2006.
Ông Thaksin vẫn là một nhân vật chính trị có ảnh hưởng mặc dù đã tự nguyện sống lưu vong từ khi trốn khỏi Thái Lan vào năm 2008 để tránh một phiên tòa về tham nhũng mà ông nói cho là có động cơ chính trị.
Tuần trước, sáu đảng đã liên minh với đảng thân Thaksin Pheu Thai trong một “mặt trận dân chủ”, mà họ tuyên bố sẽ hội đủ số ghế trong quốc hội để thành lập chính phủ và ngăn chặn ông Prayuth tiếp tục nắm quyền.
“Mọi người nên chấp nhận thắng thua”, ông Apirat nói. “Thay vào đó, họ xây dựng một phe dân chủ và một phe độc tài, điều đó không đúng. Tất cả chúng ta đều là người Thái”.
Người đứng đầu quân đội cũng nhắc tới một tuyên bố của Quốc vương Maha Vajiralongkorn vào đêm trước bầu cử. Phát biểu với các phóng viên hôm 2/4, nhà vua nói: “Chúng ta phải chọn người tốt ra để cai trị, để những kẻ xấu không còn quyền lực”.
Quốc vương Vajiralongkorn bất ngờ ra tuyên bố đó vào ngày 23/3, một động thái được xem là phá vỡ cung cách ứng xử của vua cha, là không bàn về chính trị. Ông đề cập đến “người tốt” và “kẻ xấu”, nhưng không đề cập cụ thể tới bất kỳ đảng phái hay chính khách nào.
Chưa đầy một tuần sau bầu cử, nhà vua ban hành một chiếu chỉ, tước bỏ mọi danh hiệu hoàng gia hoặc tước hiệu mà ông Thaksin từng được trao tặng.
Lệnh vua được ban hành tiếp theo sau những động thái của quân đội nhằm tước đi công trạng của ông Thaksin.
Tuần trước, quân đội nói rằng ông Thaksin đã hành động “một cách đáng chê trách” để tước đi một giải thưởng về thành tích học tập trước đây của ông trong tư cách sinh viên sĩ quan, đồng thời xóa tên ông khỏi danh sách danh dự của nhà trường.
https://www.voatiengviet.com/a/thai-lan-chong-bieu-tinh-hau-bau-cu/4858866.html
Brunei sẽ ‘ném đá đến chết’ người quan hệ đồng tính
Luật mới bắt đầu có hiệu lực hôm thứ Tư 3/4, cũng áp dụng cho một loạt các tội phạm khác, bao gồm cắt cụt chi cho hành vi trộm cắp.
Quốc gia Đông Nam Á nhỏ bé Brunei đang đưa ra các luật Hồi giáo hà khắc mới trong đó tình dục đồng tính trở thành một hành vi phạm tội bị trừng phạt bằng cách ném đá đến chết.
Động thái này lập tức bị cộng đồng quốc tế lên án.
Grindr và 10 năm thay đổi thế giới đồng tính nam
“Có thể vừa là người Hồi giáo vừa là đồng tính”
Mạng xã hội TQ thôi cấm nội dung đồng tính
Cộng đồng đồng tính Brunei ‘sốc’ và sợ hãi trước “những hình phạt thời trung cổ” này.
“Bạn thức dậy và nhận ra rằng hàng xóm, gia đình bạn, hoặc thậm chí bà già tốt bụng bán tôm rán bên đường cũng không nghĩ bạn là con người, hoặc rằng việc ném đá là ok,” một người Brunei đồng tính muốn ẩn danh, nói với BBC.
Theo luật mới, các cá nhân sẽ chỉ bị kết án tình dục đồng giới nếu họ thú nhận hoặc bị bốn nhân chứng nhìn thấy thực hiện hành vi này.
Đồng tính luyến ái bị coi là bất hợp pháp ở Brunei và bị phạt tới 10 năm tù.
Brunei, nằm trên đảo Borneo, do Quốc vương Hassanal Bolkiah trị vì, trở nên giàu có nhờ xuất khẩu dầu khí.
Quốc vương 72 tuổi là người đứng đầu Cơ quan đầu tư Brunei, nơi đã đầu tư vào một số khách sạn hàng đầu thế giới bao gồm Dorchester ở London và khách sạn Beverly Hills ở Los Angeles.
Tuần này, nam diễn viên Hollywood, George Clooney, và một số nhân vật nổi tiếng khác kêu gọi tẩy chay các khách sạn hạng sang của Brunei.
Các hoàng gia cầm quyền của Brunei có một khối tài sản tư nhân khổng lồ và dân Brunei, chủ yếu là người dân tộc Malay, tận hưởng các dịch vụ hào phóng của nhà nước và không phải trả thuế.
Người Hồi giáo chiếm khoảng hai phần ba dân số, khoảng 420.000 người ở Brunei.
Brunei vẫn giữ án tử hình nhưng chưa thực hiện một vụ hành quyết nào kể từ năm 1957.
Luật Hồi giáo ở Brunei
Brunei lần đầu tiên đưa ra luật Sharia vào năm 2014 mặc dù bị lên án rộng rãi, tạo cho nước này một hệ thống pháp luật kép gồm cả luật Sharia và Luật chung. Sau đó, quốc vương cho hay bộ luật hình sự mới sẽ có hiệu lực trong vài năm.
Giai đoạn đầu tiên, bao gồm các tội phạm bị trừng phạt bằng án tù và phạt tiền, được thực hiện năm 2014. Brunei sau đó trì hoãn việc thực thi luật trong hai giai đoạn cuối, bao gồm các tội phạm bị trừng phạt bằng cách cắt cụt chi và ném đá.
Nhưng vào thứ Bảy, chính phủ đã đưa ra một tuyên bố trên trang web nói rằng bộ luật hình sự Sharia sẽ được thực thi đầy đủ vào thứ Tư 3/4.
Trong những ngày sau đó, cộng đồng quốc tế bày tỏ sự phẫn nộ và kêu gọi Brunei đảo ngược tiến trình.
Rachel Chhoa-Howard, một nhà nghiên cứu Brunei tại Tổ chức Ân xá Quốc tế, cho biết: “Những điều luật này đã bị lên án rộng rãi khi các kế hoạch được thảo luận lần đầu tiên cách đây 5 năm”.
“Bộ luật hình sự của Brunei chứa một loạt các điều khoản vi phạm nhân quyền.”
Liên Hợp Quốc lặp lại tuyên bố này, gọi bộ luật của Brunei là “tàn nhẫn, vô nhân đạo”, và rằng nó đánh dấu một “thất bại nghiêm trọng” trong việc bảo vệ nhân quyền.
Luật Hình sự mới có những thay đổi gì?
Hình phạt tử hình sẽ được áp dụng đối với các hành vi phạm tội như hãm hiếp, ngoại tình, kê gian, trộm cướp, tình dục đồng giới, lăng mạ hoặc phỉ báng nhà tiên tri Muhammad.
Đánh roi được áp dụng với tội phá thai và cắt cụt chi đối với người có hành vi trộm cắp.
Những thay đổi khác bao gồm biến việc “thuyết phục, nói hoặc khuyến khích” trẻ em Hồi giáo dưới 18 tuổi “chấp nhận lời dạy của các tôn giáo khác ngoài Hồi giáo” thành một tội hình sự.
Luật chủ yếu áp dụng cho người Hồi giáo, mặc dù một số điều sẽ áp dụng cho người không theo Hồi giáo.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47796869
Bê bối 1MDB: Cựu Thủ tướng Malaysia Najib ra tòa
Cựu thủ tướng Malaysia Najib Razak ra hầu tòa liên quan tới vai trò của ông trong vụ bê bối tài chính lớn, vốn gây chấn động thế giới.
Ông đối diện bảy cáo buộc trong vụ đầu tiên của một số vụ án hình sự, trong đó ông bị cáo buộc đã bỏ túi 681 triệu đô la từ quỹ đầu tư quốc gia 1MDB.
Ông Najib bác bỏ tất cả các cáo buộc trong phiên xử hôm thứ Tư.
Cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak bị bắt
Malaysia: Làm sao để truy tố cựu thủ tướng?
Malaysia buộc tội Goldman về vụ bê bối 1MDB
Quỹ 1MDB được thành lập với mục tiêu nhằm thúc đẩy kinh tế Malaysia thông qua các hoạt động đầu tư chiến lược.
Nhưng thay vào đó, quỹ này bị cáo buộc là đã được dùng để trang trải cho kiểu sống xa hoa, để đầu tư vào một bộ phim điện ảnh Hollywood, và một siêu du thuyền.
Nhóm những người ủng hộ đã gặp ông Najib khi ông tới tòa tại Kuala Lumpur. Họ đứng cầu nguyện cùng ông trước khi ông bước vào bên trong tòa nhà, và hô to “Najib muôn năm”.
Các luật sư của ông Najib đã có nỗ lực phút chót nhằm trì hoãn trình tự tố tụng, nhưng bị thẩm phán bác bỏ.
Khám nhà cựu thủ tướng Malaysia
Malaysia thông qua luật chống ‘tin giả’
Mỹ bắt cựu quan chức Goldman về bê bối tài chính 1MDBTrong phần mở đầu cáo trạng, Trưởng Công tố Malaysia Tommy Thomas nói ông Najib “quyền lực gần như tuyệt đối” đã sử dụng quyền lực đi kèm với “trách nhiệm to lớn”.
“Bị cáo không thể đứng trên pháp luật,” ông nói thêm.
Phiên tòa hôm thứ Tư là phiên xử quan trọng đầu tiên liên quan tới vụ bê bối MDB.
Ngày xử lẽ ra là ngày 12/2, nhưng được hoãn lại để cơ quan công tố có thời gian lắng nghe các kháng cáo liên quan.
Chính phủ Malaysia cũng ra các cáo buộc hình sự đối với hãng Goldman Sachs của Mỹ, theo đó nói ngân hàng đầu tư này lừa dối các nhà đầu tư với việc gây quỹ cho 1MDB.
Goldman Sachs bác bỏ và nói “mạnh mẽ phản đối các cáo buộc”.
Chi tiết về phiên tòa
Ông Najib đang phải đối mặt với tổng cộng 42 cáo buộc, chủ yếu liên quan đến 1MDB.
Phiên tòa đầu tiên bắt đầu vào hôm 3/4, tập trung vào các cáo buộc rằng 10,3 triệu đô la đã được chuyển từ SRC International, công ty con của 1MDB, vào tài khoản cá nhân của ông Najib.
Vụ án liên quan đến ba tội danh “rửa tiền”, ba tội danh “thiếu trách nhiệm” và một tội danh “lạm quyền”. Ông Najib không nhận tội đối với tất cả các cáo buộc.
Số tiền liên quan đến phiên tòa đặc biệt này được cho là chưa kể khoản 681 triệu đô la được cho là chuyển vào tài khoản cá nhân của ông.
Bối cảnh
Quỹ 1MDB được ông Najib, khi đang là Thủ tướng, thành lập vào 2009, nhằm thúc đẩy nền kinh tế Malaysia phát triển.
Cựu thủ tướng Malaysia ‘sớm phải ra tòa’
Cựu thủ tướng Malaysia bị cấm ra nước ngoài
Nhưng quỹ bắt đầu thu hút sự chú ý từ đầu 2015, do không trả đúng hạn một số các khoản trong tổng số 11 tỷ đôla nợ ngân hàng và các chủ nợ.
Sau đó quỹ này bị điều tra ở ít nhất là sáu quốc gia liên quan tới các cáo buộc rửa tiền và tham nhũng.
Tạp chí Wall Street Journal tường thuật rằng họ đã nhìn thấy tài liệu được cho là lần ra dấu vết cho thấy khoản 700 triệu đôla từ quỹ được chuyển sang các tài khoản cá nhân của ông Najib.
Ông Najib liên tục bác bỏ việc lấy tiền từ 1MDB hoặc từ bất kỳ quỹ công nào.
Những ai liên quan vụ này?
Một mục tiêu khác của cuộc điều tra là doanh nhân Malaysia Low Taek Jho, người đóng vai trò chính trong các giao dịch của 1MDB.
Ông bị cáo buộc chuyển tiền cho bản thân và các cộng sự, nhưng cũng liên tục phủ nhận mọi hành vi sai trái. Hiện chưa rõ ông ta đang ở đâu.
Ít nhất sáu quốc gia gồm Singapore và Hoa Kỳ tiến hành các cuộc điều tra về rửa tiền và tham nhũng nhắm vào 1MDB.
Ngân hàng Goldman Sachs là một trong những thương hiệu lớn nhất bị dính vào vụ bê bối.
Chính phủ Malaysia đã đệ trình cáo buộc hình sự đối với ngân hàng này, cáo buộc họ đã tiếp tay lấy tiền biển thủ từ quỹ.
Tim Leissner, người từng là chủ tịch Đông Nam Á của Goldman Sachs, đã nhận tội tham gia âm mưu hối lộ và rửa tiền.