Tin khắp nơi – 02/04/2019
Tổng thống Trump sắp sửa chấp thuận
việc bán chiến đấu cơ F-16V cho Đài Loan
Washington DC – Hoa Kỳ có thể sẽ đồng ý bán cho Đài Loan loại chiến đấu cơ mà nước này đã hỏi mua từ hơn một thập niên qua, gây ra một cú sốc chính trị cho Trung Cộng.
Theo bản tin của tờ Tin sáng Hoa Nam, các viên chức trong chính phủ Trump đã ngầm phê chuẩn đề nghị mua hơn 60 chiếc F-16 của Đài Bắc, cũng là thỏa thuận mua bán chiến đấu cơ đầu tiên giữa hai bên kể từ năm 1992.
Tuy vài chục chiến đấu cơ sẽ không làm thay đổi cán cân quân sự giữa Đài Loan và Trung Cộng, nhưng đây là dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ sẵn sàng hỗ trợ chính phủ Đài Bắc. Theo giới phân tích, sự việc sẽ gây bất ngờ lớn cho Bắc Kinh, nhưng là một bất ngờ chính trị hơn là bất ngờ về quân sự.
Vụ mua bán, nếu thật sự được phê chuẩn, sẽ là một trong số nhiều hành động ủng hộ của Hoa Kỳ với Đài Loan trong những tháng gần đây, bất chấp việc Washington và Bắc Kinh đang trong quá trình đàm phán thương mại.
Hoa Kỳ đã đưa 1 chiến hạm đi ngang qua eo biển Đài Loan vào cuối tuần qua, không lâu sau chuyến thăm của Tổng thống Thái Anh Văn đến Hawaii, dẫn đến các phản ứng giận dữ của Trung Cộng. Tổng Thống Thái Anh Văn khi thăm Hawaii vào tuần trước nói rằng, thỏa thuận mua bán chiến đấu cơ sẽ giúp gia tăng đáng kể năng lực quân sự Đài Loan, và thể hiện cho thế giới thấy lời hứa của Hoa Kỳ đối với nền quốc phòng của hòn đảo này.
Máy bay F-16V mà Đài Loan muốn mua được quảng cáo là dòng chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 hiện đại nhất thế giới, dù phiên bản F-16 bản gốc đã phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ từ hơn 40 năm qua. (Ngô Bảo)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-sap-sua-chap-thuan-viec-ban-chien-dau-co-f-16v-cho-dai-loan/
Hoa Kỳ ngừng giao thiết bị của phi cơ F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ
Washington, DC – Theo tin từ Reuters, Hoa Kỳ quyết định ngừng giao thiết bị liên quan đến chiến đấu cơ tàng hình F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ, quyết định này đánh dấu bước đi cụ thể đầu tiên của Washington trong việc ngưng chuyển giao phi cơ phản lực cho đồng minh NATO, khi Ankara đưa ra kế hoạch mua hệ thống phòng thủ hỏa tiễn của Nga.
Hôm thứ Hai (1 tháng 4), theo hai nguồn tin thân cận tiết lộ với Reuters, các viên chức Hoa Kỳ thông báo với những người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ rằng họ sẽ không được nhận thêm các thiết bị liên quan đến F-35, để phục vụ công tác chuẩn bị trước khi nhận phi cơ F-35 từ Hoa Kỳ.
Trung tá Không quân Mike Andrew, kiêm phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng cũng đưa ra tuyên bố xác nhận thông tin của Reuters về việc Hoa Kỳ ngừng giao các thiết bị trên cho Thổ Nhĩ Kỳ. Phía Washington cho rằng hệ thống S-400 sẽ đe dọa đến sự an toàn của phi cơ F-35.
Theo Reuters, bất đồng về F-35 là sự kiện mới nhất trong một loạt mâu thuẫn ngoại giao giữa Washington và Ankara, bao gồm cả yêu cầu Hoa Kỳ dẫn độ giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen về Thổ Nhĩ Kỳ, cùng những quan điểm khác biệt trong chính sách tại Trung Đông, cuộc chiến tại Syria và biện pháp trừng phạt Iran.
Các nguồn tin giấu tên nói với Reuters rằng lô hàng thiết bị tiếp theo và các lô hàng sau đó liên quan đến F-35 đều bị chặn lại.
Hồi tháng 3, một viên chức Ngũ Giác Đài từng nói với Reuters rằng, Hoa Kỳ có thể hoãn bàn giao một số thiết bị, nhằm gửi đi thông điệp Washington nghiêm chỉnh khi yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ tham vọng mua hệ thống S-400.
Theo đánh giá, quyết định của Hoa Kỳ về phi cơ F-35 có thể khiến chuyến thăm Washington sắp tới của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu càng thêm phức tạp.
Theo Reuters, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan từ chối từ bỏ kế hoạch mua hệ thống phòng thủ hỏa tiễn S-400 từ Nga. Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này sẽ nhận bàn giao S-400 vào tháng 7/2019. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-ngung-giao-thiet-bi-cua-phi-co-f-35-cho-tho-nhi-ky/
Chính quyền Tổng thống Trump
tăng cường trao trả người di dân về Mexico
Washington / San Diego – Theo tin từ Reuters, vào hôm thứ Hai (1 tháng 4), các viên chức Hoa Kỳ cho biết chính quyền Tổng thống Trump đang tăng cường các biện pháp kiềm hãm dòng người tầm trú Trung Mỹ đến Hoa Kỳ từ Mexico, bao gồm cả việc gửi trả nhiều người di dân trở lại Mexico để chờ đợi phiên tòa di trú ở Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Nội an Kirstjen Nielsen cho biết, cơ quan Quan thuế và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP) sẽ đẩy nhanh quá trình tái phân bổ 750 nhân viên tới biên giới, nhằm đối phó với số lượng người di dân đông đúc.
Theo lời một nhân viên Bộ Nội an, bà Nielsen đã cắt ngắn chuyến thăm châu Âu và bay trở lại Washington để đích thân giám sát các hoạt động này, đồng thời thị sát biên giới vào cuối tuần qua. Trước đó, Bộ trưởng Bộ Nội an từng có kế hoạch đến Thụy Điển và tham gia cuộc gặp với nhiều viên chức an ninh của nhóm các nước G7 tại Paris.
Theo Reuters, Tổng thống Donald Trump đe dọa sẽ đóng cửa biên giới với Mexico trong tuần này, nếu như nước này không có hành động ngăn chặn dòng người di dân từ các nước Honduras, El Salvador và Guatemala. Việc đóng cửa biên giới có thể gây ra sự gián đoạn trong việc nhập cảnh của hàng triệu người, cũng như gây tổn thất hàng tỷ Mỹ kim.
Trong một tuyên bố vào hôm thứ Hai, bà Nielsen cho hay chính sách có tên Giao thức bảo vệ người di dân (MPP), nhằm trao trả lại người di dân về Mexico, sẽ ngay lập tức được mở rộng, do “có thêm hàng trăm người di dân tìm đến Hoa Kỳ mỗi ngày so với mức hiện tại.”
Vào tuần trước, một viên chức Mexico cho biết, tính đến ngày 26 tháng 3, khoảng 370 người di dân đã được gửi trả lại Mexico, kể từ khi chương trình bắt đầu vào cuối tháng 1.
Chính quyền Tổng thống Trump nhận định chính sách MPP là cách để giải quyết những thất bại của hệ thống di trú, được cho là nguyên nhân khuyến khích tình trạng di dân bất hợp pháp. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/chinh-quyen-tong-thong-trump-tang-cuong-trao-tra-nguoi-di-dan-ve-mexico/
Lockheed giành được hợp đồng bán hỏa tiễn THAAD
trị giá 2.4 tỷ Mỹ kim
Washington, DC – Theo tin từ Reuters, vào hôm thứ Hai (1 tháng 4), công ty Lockheed Martin giành được hợp đồng trị giá 2.4 tỷ Mỹ kim với Ngũ Giác Đài cho các hỏa tiễn THAAD, một phần trong số đó dự kiến sẽ được chuyển đến Vương quốc Saudi Arabia.
Trước đó, cũng vào hôm thứ Hai, hãng tin Reuters đưa tin rằng Lockheed đang tiến gần đến việc ký kết thỏa thuận.
Hồi tháng 11, các viên chức Saudi và Hoa Kỳ từng ký các thư đề nghị và chấp nhận các điều khoản chính thức cho việc Saudi Arabia mua 44 thiết bị phóng của hệ thống phòng thủ khu vực, cùng hỏa tiễn và các thiết bị liên quan. Theo Reuters, Ngũ Giác Đài cho biết chính phủ Saudi sẽ trả 1.5 tỷ Mỹ kim trong tổng số 2.4 tỷ Mỹ kim.
Thỏa thuận tháng 11 này từng được ký kết giữa những lo ngại về vai trò của Thái tử Saudi trong cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi, vốn là một nhà phê bình Saudi nổi tiếng sống ở Hoa Kỳ và là một nhà báo của tờ Washington Post.
Theo Reuters, Lockheed Martin – nhà sản xuất vũ khí lớn nhất của Hoa Kỳ – là công ty xây dựng và tích hợp hệ thống THAAD, một hệ thống được thiết kế để bắn hạ các hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Raytheon, một công ty khác của Hoa Kỳ, đã chế tạo phần radar tiên tiến của hệ thống này. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/lockheed-gianh-duoc-hop-dong-ban-hoa-tien-thaad-tri-gia-2-4-ty-my-kim/
Hoa Kỳ và Philippines khởi sự cuộc tập trận Balikatan 2019
Manila, Philippines – Hơn 7,500 binh sĩ Hoa Kỳ và Philippines vào thứ Hai (1 tháng 4) đã khởi sự cuộc tập trận chung thường niên Balikatan 2019, trong bối cảnh Trung Cộng đang lấn chiếm dần vùng biển xung quanh hòn đảo đang do Philippines kiểm soát tại biển Đông.
Cuộc tập trận Balikatan, nghĩa là “vai kề vai,” bao gồm 4,000 binh sĩ Philippines và 3,500 binh sĩ Hoa Kỳ. Một nhóm khoảng 50 binh sĩ Úc cũng tham gia sự kiện.
Trong số các chiến hạm Hoa Kỳ xuất hiện tại Balikatan 2019, có chiếc USS Wasp, một tàu đổ bộ tấn công, cùng phi đội chiến đấu cơ tàng hình F-35B của tàu này.
Viên chức Hoa Kỳ và Philippines cho biết cuộc tập trận năm nay sẽ tập trung vào việc củng cố hợp tác giữa quân đội hai bên, thử nghiệm thời gian đáp ứng trong tình huống thảm họa hoặc bị đe dọa từ bên ngoài, và đối phó với khủng bố.
Cuộc tập trận Balikatan, kéo dài đến hết ngày 12 tháng 4, được coi là sự phản đối ngoại giao của Philippines trước việc Trung Cộng đang gia tăng hoạt động hàng hải xung quanh đảo Thitu, nằm cách bờ biển phía tây Philippines khoảng 480 cây số.
Lực lượng Philippines đã kiểm soát đảo Thitu từ năm 1970. Với diện tích 37 mẫu, đây là hải đảo lớn nhất của Philippines trên biển Đông, với khoảng 100 thường dân và một nhóm nhỏ binh sĩ Thủy quân Lục chiến sinh sống.
Vào cuối tuần qua, ít nhất 200 tàu cá và tàu hải giám Trung Cộng đã xuất hiện quanh đảo Thitu, chặn đường không cho ngư dân Philippines tiếp cận ngư trường tại đây. Phát ngôn viên của Tổng Thống Rodrigo Duterte, ông Salvador Panelo, nói rằng Bộ Ngoại giao đã gởi lời phản đối tới Trung Cộng, theo đề nghị của quân đội. Ông Panelo nói ông cũng sẽ thảo luận vấn đề này với đại sứ Trung Cộng tại Philippines Zhao Jianhua. (Ngô Bảo)
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-va-philippines-khoi-su-cuoc-tap-tran-balikatan-2019/
Thương mại Trung Quốc:
Đối sách mạnh của Trump được ủng hộ rộng rãi
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump thẳng thừng sử dụng vũ khí thuế quan nhằm áp đặt quan điểm « Nước Mỹ Trên Hết » của ông trong lãnh vực thương mại đã khiến nhiều người tức giận, từ giới điều hành doanh nghiệp cho đến các chính phủ đồng minh, chưa kể đến các nghị sĩ thuộc cả hai đảng trong Quốc Hội lưỡng viện Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, ông Trump đã có một nỗ lực thu hút được sự ủng hộ rộng rãi từ những người vốn phản đối ông trên hầu hết lãnh vực khác : Đó là nỗ lực buộc Bắc Kinh phải từ bỏ các hành vi bị mọi người xem là trợ cấp doanh nghiêp Trung Quốc một cách bất chính và lũng đoạn thị trường quốc tế.
Trong bài phân tích ngày 25/03/2019, hãng tin Anh Reuters đã nêu bật thực tế này qua hàng tựa « Việc ông Trump thúc ép Trung Quốc cải cách thương mại được hậu thuẫn rộng rãi trong nước và ngoài nước ».
Đối với Reuters, vào lúc đàm phán Mỹ-Trung để chấm dứt chiến tranh thương mại đang đến hồi kết, giới chính khách, lãnh đạo doanh nghiệp và ngoại giao nhiều nước đang thúc giục tổng thống Mỹ Donald Trump và ê kíp duy trì sức ép để buộc Trung Quốc tiến hành các cải cách cơ cấu có ý nghĩa nhằm giải quyết các vấn đề trầm kha trong quan hệ, đã và đang tác hại đến Mỹ cũng như các doanh nghiệp và công nhân nước ngoài khác.
Theo ông Steven Gardon, phó chủ tịch phụ trách vấn đề thuế gián thu và hải quan tại tập đoàn điện máy Mỹ Lear Corp, cuộc chiến thương mại mà ông Trump khởi động đã « mở nút chai giải tỏa những ức chế bị kìm nén từ lâu », làm gia tăng kỳ vọng theo đó cuộc chiến thương mại sẽ buộc Trung Quốc cải cách các chính sách mà các doanh nghiệp và chính phủ nước ngoài coi là không công bằng. Tập đoàn Lear của ông Gardon là doanh nghiệp có nhà máy ở 39 nước, trong đó có Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Phát biểu trên một diễn đàn của Đại Học Luật Georgetown tại Mỹ trong tháng Ba này, ông Gardon nhận xét rằng từ khi các vấn đề liên quan đến Trung Quốc được nêu bật, hậu thuẫn chính trị tại Mỹ đòi khắc phục các vấn đề đó càng lúc càng tăng, đến mức mà ngày nay không ai có thể dửng dưng được. Theo nhà quan sát này: « Hiện đang có áp lực về mặt chính trị đòi phải giải quyết vấn đề một cách lâu dài. »
Chuyển biến trong cách đánh giá về Trung Quốc
Nhận xét của ông Gardon, theo Reuters, phản ánh một chuyển biến quan trọng trong cách đánh giá của giới kinh doanh Mỹ và quốc tế, về các chính sách kinh tế và thương mại của Trung Quốc. Đây là một cách nhìn nhận phù hợp với mục tiêu, nếu không phải là chiến thuật, đối phó với Bắc Kinh của ông Trump.
Ê kíp thương mại của tổng thống Mỹ cho biết là họ đang trong giai đoạn cuối cùng của cuộc đàm phán với Trung Quốc về một thỏa thuận liên quan đến kinh tế thương mại quan trọng nhất trong nhiều thập kỷ. Tám tháng trong cuộc chiến thương mại vừa qua đã làm gián đoạn dòng chảy của hàng tỷ đô la hàng hóa giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, thế nhưng cho đến giờ vẫn không rõ là liệu hai bên có đạt được một thỏa thuận khả dĩ chấp nhận được cho cả hai hay không.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bị cho là đã phải miễn cưỡng thực hiện một số cải cách kinh tế dưới áp lực từ Hoa Kỳ, trong lúc tổng thống Mỹ vẫn nói rằng ông có thể duy trì thuế quan trên hàng nhập từ Trung Quốc trong « một thời hạn đáng kể » ngay cả khi thỏa thuận được ký kết.
Vấn đề là ông Tập Cận Bình dễ dàng chấp nhận việc bị Donald Trump áp thuế hơn là thay đổi mô hình phát triển kinh tế của Trung Quốc.
Để chiêu dụ Washington, Bắc Kinh từng đề nghị mua một khối lượng lớn hàng Mỹ để giảm bớt phần thâm thủng mậu dịch kỷ lục. Ê kíp của tổng thống Trump cho biết là Trung Quốc sẵn sàng mua thêm hơn một nghìn tỷ đô la trong khoảng sáu năm.
Có điều là ngoài giao dịch lớn đó có thể hấp dẫn chính quyền của ông Trump, Bắc Kinh sẽ không làm gì khác để giải quyết những gì mà các công ty Mỹ đang cạnh tranh ở Trung Quốc hoặc với các công ty Trung Quốc, nói là các vấn đề cơ cấu của một hệ thống chèn ép họ.
Hoa Kỳ đã phàn nàn về việc Trung Quốc bỏ ra số tiền lớn để trợ cấp cho ngành công nghiệp của mình, can dự vào các hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ có hệ thống, buộc các công ty nước ngoài giao nộp bí mật thương mại nếu muốn tiếp cận thị trường Trung Quốc. Việc giải quyết những khiếu nại đó đòi hỏi những cải cách chính sách ở cấp cao nhất từ phía Đảng Cộng Sản của Tập Cận Bình đang cầm quyền ở Trung Quốc.
Một khảo sát công bố vào cuối tháng 2 của Phòng Thương Mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc cho thấy phần lớn các doanh nghiệp Mỹ ủng hộ việc tăng hoặc duy trì thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, và số doanh nghiệp muốn chính phủ Mỹ ép Bắc Kinh mạnh mẽ hơn trong việc tạo ra sân chơi bình đẳng, cũng tăng gần gấp đôi so với năm ngoái.
Áp lực bằng thuế quan của Hoa Kỳ thậm chí còn khuyến khích một số quan chức và nhà điều hành doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc kêu gọi đẩy nhanh hơn nữa tốc độ cải cách ở Trung Quốc vào lúc nước này kỷ niệm 40 năm bước đầu tiến lên chủ nghĩa tư bản.
Cuối tháng Hai vừa qua, đại diện thương mại Lighthizer nói với các nhà lập pháp Mỹ rằng giới doanh nhân Mỹ gốc Hoa đã thúc giục ông « kiên quyết » trong các cuộc đàm phán và không « bán rẻ mọi sự chỉ vì đậu nành ».
Lập Pháp đòi tổng thống Mỹ duy trì áp lực
Khi tổng thống Trump dời việc tăng thuế mà ông từng đe dọa nếu Trung Quốc không thỏa thuận trước ngày 01/03, ông đã khiến mọi người lo ngại rằng ông có thể bị đơn đặt hàng khổng lồ của Bắc Kinh lung lạc mà không giải quyết các vấn đề cơ cấu lâu dài.
Thế là từ giới vận động hành lang, giám đốc công ty, cho đến các nhà ngoại giao nước ngoài, các nghị sĩ Mỹ thuộc cả hai đảng, tất cả đều thúc giục ông Trump tiếp tục theo đuổi các yêu cầu về cải tổ cơ cấu.
Dân biểu bang Texas Kevin Brady, một trong những người Cộng Hòa ủng hộ thương mại nhất và là người chỉ trích mạnh mẽ quyết định đánh thuế của ông Trump, gần đây đã tham gia vào phong trào kêu gọi đó.
Chỉ vài ngày sau khi việc hoãn áp thuế được công bố, tại một phiên điều trần của Ủy Ban Chuẩn Chi Hạ Viện, ông Brady khẳng định : « Mặc dù chúng ta muốn Trung Quốc mua thêm hàng hóa Mỹ … nhưng điều quan trọng hơn đối với chúng ta là buộc Trung Quốc phải có trách nhiệm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế cao về quyền sở hữu trí tuệ, chống nạn trợ cấp, sản xuất quá tải và bãi bỏ những thủ đoạn mà họ sử dụng để lũng đoạn nền kinh tế toàn cầu ».
Lãnh đạo đảng Dân Chủ ở Thượng Viện Mỹ Chuck Schumer, vốn dĩ từ lâu nay là một con diều hâu chống thương mại Trung Quốc, đã lên diễn đàn Thượng Viện để kêu gọi ông Trump đừng « lùi bước » và đừng chấp nhận thỏa thuận chủ yếu bao gồm việc mua đậu nành và các hàng hóa khác của Mỹ.
Hôm thứ Năm 21/03, thượng nghị sĩ Schumer đã gởi một tin nhắn twitter với nội dung : « Bây giờ không phải là lúc để bỏ 200 tỷ đô la thuế quan chỉ vì Trung Quốc sắp ký một thỏa thuận. »
Liên Hiệp Châu Âu kín đáo ủng hộ Donald Trump
Các thành viên Liên Hiệp Châu Âu, đồng minh truyền thống của Mỹ, hiện vẫn bực bội về sắc thuế đánh trên thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ mà ông Trump đã áp đặt từ năm ngoái. Liên Hiệp Châu Âu cũng lo lắng trước việc ông sẽ đánh thuế trên ô tô. Thế nhưng khối này lại chia sẻ với tổng thống Mỹ nhiều nỗi thất vọng trên chính sách cưỡng bức chuyển giao công nghệ và các hạn chế tiếp cận thị trường của Trung Quốc.
Tại Bắc Kinh, một quan chức châu Âu tiết lộ với Reuters rằng ngày nào họ cũng nhận được khiếu nại từ các công ty châu Âu. Quan chức này lưu ý rằng mặc dù chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần cam kết giúp cuộc sống của các công ty nước ngoài dễ dàng hơn, nhưng thực tế rất ít thay đổi.
Đánh giá của Ủy viên Thương Mại châu Âu, bà Cecilia Malmstrom về hành vi của Trung Quốc nghe có vẻ giống như văn bản của Văn Phòng Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ, cho rằng Trung Quốc đã lạm dụng các quy tắc thương mại toàn cầu.
Trong một bài phát biểu tại Washington vào tháng Ba, bà Malmstrom cho rằng Trung Quốc đã « xóa nhòa ranh giới giữa khu vực Nhà nước và tư nhân, và Nhà nước đã có một ảnh hưởng lẽ ra không nên có… Tài sản trí tuệ của các công ty bị đánh cắp. Trợ cấp của Nhà nước, trực tiếp hoặc gián tiếp, là điều phổ biến. Và những tác động này được cảm nhận trong và ngoài nước. »
Theo bà Malmstrom, trong khi « đồng ý về chẩn đoán », Mỹ và Liên Âu lại khác nhau về chiến thuật đối phó với Trung Quốc. Bà chủ trương cách tiếp cận đa phương, nêu bật ví dụ về việc bộ ba Liên Hiệp Châu Âu, Hoa Kỳ và Nhật Bản phối hợp giải quyết các vấn đề, thông qua việc cải cách các quy tắc của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới .
Một số người lo ngại rằng châu Âu có thể thua cuộc nếu Washington và Bắc Kinh đạt được thỏa thuận mua thêm hàng tỷ đô la sản phẩm để cố gắng thu hẹp thâm hụt thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc.
Một quan chức châu Âu thứ hai, cũng hoạt động tại Bắc Kinh cho biết : « Nếu Trung Quốc mua nhiều hơn từ Mỹ thì chắc chắn họ sẽ mua ít hơn từ châu Âu », điều có thể ảnh hưởng đến các công ty đa quốc gia lớn ở châu Âu.
Tuy nhiên, giới ngoại giao và quan chức châu Âu thừa nhận rằng họ cũng ủng hộ các mục tiêu của Trump đối với Trung Quốc, cho dù họ không thích chiến thuật thẳng thừng của ông. Nhiều người đang ngấm ngầm mong đợi tổng thống Mỹ thành công.
Một nhà ngoại giao Liên Âu tại Bruxelles xin ẩn danh xác định : « Chúng tôi chống lại các biện pháp đơn phương, nhưng chính xác ra là không ai thấy tội nghiệp cho Trung Quốc. Về nội dung, chúng tôi nghĩ rằng ông Trump có lý… Bắc Kinh phải hiểu rằng nếu không có cải cách, hệ thống chỉ có thể là ngừng hoạt động mà thôi. »
Các quan chức trong chính quyền Trump nhấn mạnh rằng tổng thống Mỹ đã nghe thấy thông điệp và đang tiến hành những « thay đổi cấu trúc » trong quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc, cùng với việc hình thành một cơ chế thực thi buộc Trung Quốc phải giữ đúng cam kết.
Tại một diễn đàn của Trường Luật Georgetown, Clete Willems, một cố vấn thương mại của Nhà Trắng, nói rằng tổng thống Trump quyết tâm khắc phục các vấn đề trong quan hệ thương mại với Trung Quốc mà ông từng chống lại trong nhiều năm, trước cả khi ông lên làm tổng thống.
Đối với người đã loan báo hôm 22/03 quyết định rời Nhà Trắng vì lý do gia đình thì : « Ý kiến cho rằng tổng thống Mỹ đột nhiên chấp nhận một thỏa thuận xấu hoàn toàn không chính xác. Tổng thống sẽ tránh xa các thỏa thuận tồi ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190402-thuong-mai-trung-quoc-doi-sach-manh-cua-trump-duoc-ung-ho-rong-rai
Cựu đại tá tử thủ Đông Hà giải cứu
một trung đội Thuỷ quân Lục chiến Hoa Kỳ năm 1966 từ trần
Tin Virginia – Theo entornointeligente.com, cựu đại tá Howard Lee, người được trao tặng Huy Chương Danh Dự vì đã can đảm dẫn đầu cuộc tử thủ kéo dài 6 tiếng đồng hồ để đẩy lùi cuộc bao vây của địch quân đông gấp 3 lần trong cuộc chiến tranh Việt Nam đã qua đời khoảng 9 giờ 16 phút tối Chủ Nhật (31 tháng 3) ở độ tuổi 85.
Howard V. Lee, cựu đại uý chỉ huy một đơn vị Thuỷ quân Lục chiến Hoa Kỳ đóng tại Đông Hà, gần khu vực phi quân sự Việt Nam đã giải cứu một trung đội của ông bị bộ đội CSBV bao vây ngày 8 tháng 8 năm 1966 bằng cách đốt cháy một cánh đồng cỏ tại Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, nơi đơn vị ông đóng quân. Một nửa quân số được di tản bằng phi cơ trực thăng và hàng chục binh sĩ còn kẹt lại vì chiếc phi cơ trực thăng thứ hai bị bắn rơi.
Câu chuyện kể cho biết, trong giây phút căng thẳng, Howard Lee nói rằng ông có thể chết trong đêm theo ý nguyện của Chúa, nhưng nếu không thì ông xin được sự can đảm để làm tất cả những việc phải làm. Đại uý Lee đã dẫn đầu cuộc tử thủ kéo dài 6 tiếng đồng hồ với một con mắt bị mù và 15 mảnh lựu đạn ghim khắp người. Cuối cùng thì toán bộ đội CSBV rút lui để lại 37 xác chết. Lee và đồng đội được di tản. Ông được tổng thống Lyndon B. Johnson tặng Huy Chương Danh Dự tại một buổi lễ tổ chức ở Toà Bạch Ốc ngày 25 tháng 10 năm 1967.
Rời khỏi đơn vị năm 1975 với cấp bậc đại tá, ông bước vào lĩnh vực mới: bán xe hơi và làm việc tại một nhà máy. Năm 1995, ông trở lại với công việc làm vườn với một mảnh đạn còn nằm nguyên trong cơ thể. Trong bài phỏng vấn được thực hiện sau đó, đại tá Lee nói rằng huy chương Danh Dự giống như kỷ niệm dành cho những người ngã xuống và đó là danh dự của cá nhân. Theo ông, một người mang huy chương không chỉ cho cá nhân mình mà cho tất cả những người có mặt bên cạnh mình trong cuộc chiến tranh, những người đã hy sinh trong cuộc chiến tranh.
Song Châu
Google đóng cửa Google+
Chris FoxTechnology reporter
Google+, mạng xã hội thất bại của Google, cuối cùng sẽ được ‘yên nghỉ’ trong Nghĩa trang Google vào sáng thứ Ba 2/4.
Ra mắt vào năm 2011, cạnh tranh với Facebook và Twitter, đây là nỗ lực thứ tư của Google tại thị trường mạng xã hội.
Nhưng Google+ đã thất bại trong việc thu hút người dùng, ngay cả sau khi Google cố kết hợp nó với một cộng đồng YouTube đang phát triển mạnh.
Đến cuối năm 2011, các nhà phân tích đã viết bản cáo phó. Nhưng Google chỉ quyết định đóng Google+ sau vụ phát hiện rò rỉ dữ liệu vào năm 2018.
Google+ là gì?
Google+ ra mắt công chúng vào cuối 2011.
Nó có nhiều tính năng tiêu biểu của các mạng xã hội, với khả năng đăng ảnh và cập nhật trạng thái trên trang cá nhân.
Tuy nhiên, Google cũng mô tả Google+ như một “mảng xã hội” được thiết kế để hoạt động trên tất cả các dịch vụ của công ty.
Các tính năng chính của Google+ bao gồm khả năng sắp xếp bạn bè vào “Circles” và thực hiện các cuộc gọi video nhóm với “Hangouts”.
Google khoe rằng hàng triệu người đã đăng ký tài khoản trong vòng vài tuần kể từ khi ra mắt.
Nhưng vấn đề là rất ít người sử dụng nó.
Chuyện gì đã xảy ra?
“Google+ đã được tiên đoán sẽ thất bại ngay từ ngày đầu tiên,” Matt Navarra, một nhà tư vấn mạng xã hội nói.
“Các vấn đề như giao diện khó sử dụng và không ổn định; sự sinh sau nở muộn so với các gã khổng lồ như Facebook, trải nghiệm người dùng rời rạc và tin đồn về những bất đồng nội bộ về cách Google+ được khai thác”, ông nói.
Google ‘bí mật’ giúp TQ kiểm duyệt thông tin
Google ‘lén lút’ theo dấu chân người dùng
VN muốn truy thuế với thu nhập từ Google và Facebook
Google+ áp dụng chính sách ‘tên thật nghiêm ngặt, cấm truy cập đối với những người sử dụng bút danh, và khóa để họ không dùng được các dịch vụ khác của Google như Gmail.
Điều bất thường là nó cũng lần theo các thương hiệu và các doanh nghiệp để xóa các trang của họ.
Sau đó, Google thừa nhận đây là một sai lầm và quyết định các doanh nghiệp có thể thiết lập trang cá nhân trên Google+.
Nhưng những người đã đăng ký thường bối rối bởi những gì họ thấy.
Trong khi Facebook có ” likes ” và Twitter có ” Favourites “, Google+ có nút “Plus One” rất rườm rà.
Google đã làm gì tiếp theo?
Trong nỗ lực tăng cường sự tham gia của người dùng, Google đã “tích hợp” Google+ với các dịch vụ như Gmail. Sau đó, vào năm 2013, nó kéo cả YouTube vào cuộc.
Sau sự sáp nhập này, bất kỳ ai muốn bình luận dưới một video trên YouTube đều phải có tài khoản Google+.
Động thái này khiến những người làm video nổi tiếng giận dữ, họ cảm thấy thành công của mình đang được sử dụng để giúp Google+ chống đỡ với các khó khăn.
Người sử dụng Google Play cũng bị yêu cầu phải có tài khoản Google+.
Lúc đó Google khoe khoang rằng đã có 500 triệu người sử dụng.
Cái gì đã giết Google+?
Vào tháng 4/2014, người sáng lập Google+, Vic Gundotra, đã rời công ty và những thay đổi diễn ra nhanh chóng.
Các tính năng thành công như Hangouts và Photos bị tách khỏi Google+ và hoạt động dưới dạng dịch vụ độc lập.
Google bắt đầu gỡ bỏ Google+ khỏi các ứng dụng như YouTube và Google Play, chủ yếu để làm hài lòng các nhà sản xuất video và ứng dụng.
Vào năm 2015, Google+ đã có một thay đổi được thiết kế để tập trung vào “cộng đồng” nhưng cũng thất bại.
Cuối cùng, chính việc phát hiện ra hai vụ vi phạm dữ liệu đã thúc đẩy Google đóng cửa Google+.
Năm 2018, Google thừa nhận lỗi phần mềm khiến thông tin cá nhân của tối đa 52 triệu thành viên đã bị các nhà phát triển bên thứ ba truy cập.
Đột nhiên, Google rất vui khi thừa nhận rằng đã có rất ít người thực sự sử dụng nền tảng này.
Google+ hiện đã được tưởng niệm trên Nghĩa trang Google, nơi lưu giữ hồ sơ về các dự án thất bại của Google.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-47782507
Thêm cáo buộc cựu Phó Tổng thống Biden
hành xử ‘không đúng mực’
Một phụ nữ ở Connecticut nói rằng ông Joe Biden đã chạm vào bà một cách không đúng mực tại một cuộc gây quỹ chính trị năm 2009.
Bà Amy Lappos, 43 tuổi, trở thành người thứ hai trong vòng ba ngày lên tiếng cáo buộc cựu phó tổng thống tiếp xúc cơ thể ngoài mong muốn của họ trong bối cảnh ông đang cân nhắc chạy đua vào Nhà Trắng, theo Reuters.
Bà Lappos hôm 1/4 nói với tờ Hartford Courant về sự việc xảy ra tại một sự kiện ở Greenwich, Connecticut.
Bà kể lại: “Ông ấy để tay vào cổ tôi và kéo tôi lại gần để cọ mũi vào mũi của tôi. Khi ông ấy kéo tôi vào gần, tôi nghĩ ông ấy sẽ hôn môi tôi”.
Bà Lappos trước đó kể lại sự việc cho một nhóm trên Facebook hôm 31/3 sau khi một cựu quan chức lập pháp của tiểu bang Nevada, bà Lucy Flores, cáo buộc ông Biden hôn vào phía sau đầu bà tại một sự kiện năm 2014.
Cựu phó tổng thống Mỹ ‘chưa từng hành động không đúng mực’
Theo nhận định của Reuters, các cáo buộc về các vụ việc xảy ra khi ông Biden làm phó tổng thống dưới thời Tổng thống Barack Obama có thể gây tổn hại tới khả năng ông Biden tranh cử tổng thống năm 2020.
Ông dự kiến sẽ ra thông báo về khả năng tranh cử trong những tuần tới và theo thăm dò, ông là ứng viên hàng đầu của phía Đảng Dân chủ.
Phản ứng trước cáo buộc của bà Flores, ông Biden hôm 31/3 tuyên bố rằng ông tin là ông chưa từng có hành động không đúng mực.
Ông Biden nói rằng “nhiều năm trong chiến dịch vận động tranh cử và trong cuộc đời công chức, tôi đã rất nhiều lần bắt tay, ôm hôn, bày tỏ tình cảm”, nhưng ông tin rằng ông “chưa một lần, chưa từng, hành động không đúng mực”, theo Reuters.
“Nếu có gợi ý tôi đã làm vậy, tôi sẽ tôn trọng lắng nghe. Nhưng tôi không bao giờ cố ý làm vậy”, ông Biden nói.
Nhà Trắng bất chấp quyết định,
cấp quyền tiếp cận an ninh cho con gái, con rể Trump
Một người tố cáo tiêu cực trong Nhà Trắng nói rằng chính quyền Trump đã bác bỏ quyết định của các chuyên gia an ninh để trao quyền tiếp cận an ninh cho hơn hai chục người có lí lịch đáng ngờ, bao gồm cả con gái của tổng thống Ivanka và con rể Jared Kushner.
Tricia Newbold, một cố vấn an ninh Nhà Trắng, nói với các nghị sĩ Dân chủ trong Quốc hội rằng 25 quan chức chính quyền ban đầu bị từ chối quyền tiếp cận an ninh vì những lo ngại về ảnh hưởng của nước ngoài, mâu thuẫn lợi ích, hành xử đáng ngờ hoặc phạm tội, những vấn đề tài chính hoặc việc lạm dụng ma túy.
Bà nói rằng cựu giám đốc an ninh nhân sự Nhà Trắng, Carl Kline, đã đích thân bác bỏ quyết định của các quan chức chuyên nghiệp trong trường hợp của hai quan chức cao cấp.
Các cáo buộc của bà Newbold được trình bày trong một bức thư gửi tới Nhà Trắng vào ngày thứ Hai và được công bố bởi Chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện, Elijah Cummings.
Ông Cummings cho biết ông dự định ra trát buộc ông Kline khai chứng và cảnh báo rằng sẽ có thêm những trát buộc khai chứng nếu Nhà Trắng không cung cấp những tài liệu được yêu cầu.
Trong bức thư gửi cho Nhà Trắng, ông Cummings nhắc đến ba “quan chức cao cấp” của Nhà Trắng không được tên. Những người này là những trường hợp nộp đơn xin quyền tiếp cận an ninh được bà Newbold nhắc tới.
Reuters dẫn hai nguồn nắm rõ thông tin mà Ủy ban Giám sát có được cho biết hai trong số ba quan chức cấp cao đó là Ivanka Trump và Jared Kushner, chồng của bà.
Nhà Trắng không hồi đáp ngay lập tức yêu cầu bình luận, Reuters nói. Abbe Lowell, một luật sư đại diện cho ông Kushner và bà Ivanka Trump, không đưa ra bình luận.
Jim Jordan, nghị sĩ Cộng hòa hàng đầu trong ủy ban này của Hạ viện, ra một thông cáo gọi bức thư này là một “đòn tấn công mang tính đảng phái” mà thực chất là “một cái cớ để moi móc hồ sơ cá nhân của các công chức tận tâm.”
Ông Cummings cho biết bà Newbold, một người quản lý trong văn phòng an ninh nhân sự của Nhà Trắng, nói bà bị nhắm mục tiêu trả đũa sau khi từ chối chấp thuận các hồ sơ này dựa trên các thủ tục an ninh quốc gia.
Trong một diễn biến riêng rẽ, Ủy ban Tư pháp Hạ viện ngày thứ Hai nói họ sẽ ra trát để có được bản báo cáo đầy đủ của Công tố viên Đặc biệt Robert Muller về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Bộ trưởng Tư pháp William Bar đã cung cấp một bản tóm tắt những kết luận của ông Mueller cho Quốc hội vào ngày 24 tháng 3, nói rằng công tố viên đặc biệt không xác định các thành viên trong ban vận động Trump thông đồng với Nga.
Mỹ điều tra hàng nghìn vụ cháy xe Hyundai và Kia
Cơ quan quản lý an toàn ôtô hàng đầu của Mỹ hôm 1/4 thông báo sẽ mở một cuộc điều tra đối với 3 triệu ôtô của Hyundai và Kia sau khi xem xét thông tin về hơn 3 nghìn vụ cháy làm bị thương hơn 100 người.
Cơ quan An toàn Giao thông Cao tốc Quốc gia nói rằng cuộc điều tra là nhằm hồi đáp một kiến nghị điều tra của Trung tâm An toàn Ôtô.
Theo Reuters, cuộc điều tra được thực hiện đối với loại ô tô Optima và Sorento của Kia sản xuất trong khoảng thời gian từ 2011 tới 2014 và loại Soul của Kia từ năm 2010 tới 2015 cũng như loại Sonata và Santa Fe của Hyundai sản xuất trong khoảng thời gian từ 2011 tới 2014.
Hyundai và Kia đã thu hồi hơn 2,3 triệu ôtô kể từ năm 2015 để xử lý các nguy cơ cháy động cơ.
Cổ phiếu của Hyundai đã giảm khoảng 2,5% trong phiên giao dịch buổi sáng ở Seoul trong khi cổ phiếu của Kia giảm 1,1%.
Cả Hyundai và Kia ra thông cáo nói rằng đang hợp tác điều tra với cơ quan chức năng.
Venezuela: Ông Guaido kêu gọi
biểu tình phản đối mất điện, nước
Thủ lĩnh đối lập Venezuela Juan Guaido hôm 1/4 kêu gọi người ủng hộ xuống đường để phản đối tình trạng mất điện và nước.
Reuters đưa tin rằng nhiều vụ biểu tình tiếp tục diễn ra khắp các khu vực thuộc tầng lớp lao động của thủ đô Caracas hôm 1/4.
Các nhóm nhỏ người dân chặn đường phố để đòi chính quyền khôi phục nước sau một tuần xảy ra tình trạng mất điện khiến nhiều nơi không có điện để dùng.
Theo Reuters, các cuộc tuần hành tiếp diễn sau khi cảnh sát nổ súng một ngày trước đó vì cư dân dựng các chướng ngại vật bằng lửa.
Mỹ gây ‘áp lực tối đa’ lên Venezuela
“Mỗi lần mất điện hoặc chúng ta không có nước hoặc không có gas, đoán xem chúng ta sẽ phải làm gì?” ông Guaido nói tại một cuộc tuần hành.
“Chúng ta sẽ biểu tình, chúng ta sẽ yêu cầu, chúng ta sẽ xuống đường phố Venezuela vì đó là quyền của chúng ta”.
Chuyện mất điện và thiếu nước lâu nay xảy ra khá thường xuyên ở Venezuela.
Nhưng tình trạng này nay xảy ra thường xuyên hơn, lâu hơn và rộng hơn trước đây, nhất là ở thủ đô.
Venezuela : Tòa Án Tối Cao yêu cầu
tước quyền miễn trừ của lãnh đạo đối lập
Theo AFP, Tòa Án Tối Cao Venezuela, ủng hộ tổng thống Maduro, hôm qua 01/04/2019, đã yêu cầu tước quyền miễn trừ nghị sĩ đối với lãnh đạo đối lập, chủ tịch Quốc Hội Venezuela Juan Guaido.
Cơ quan pháp lý có thẩm quyền cao nhất Venezuela đã kêu gọi chủ tịch Quốc Hội Lập Hiến thực thi thủ tục này. Cả hai định chế nói trên đều ủng hộ tổng thống Maduro. Lý do mà Tòa Án Tối Cao đưa ra là chủ tịch Quốc Hội Juan Guaido không tôn trọng lệnh cấm rời khỏi lãnh thổ, được đưa ra ngày 29/01.
Lãnh đạo đối lập Juan Guaido, tự tuyên bố đảm nhiệm chức vụ tổng thống lâm thời để giúp đưa Venezuela thoát khỏi khủng hoảng, đã bí mật rời Venezuela vào cuối tháng 2/2019. Sau hơn một tuần viếng thăm các nước láng giềng Colombia, Brazil, Paraguya, Achentina và Ecuador để tìm hậu thuẫn, ông Guaido đã trở về nước. Tổng thống tự phong Juan Guaido có được sự công nhận của khoảng 50 quốc gia như là người lãnh đạo hợp pháp Venezuela.
Trong những tuần gần đây, chính quyền Maduro liên tục có các biện pháp trừng phạt nhắm vào lãnh đạo đối lập. Thứ Năm tuần trước, tổng thanh tra Elvis Amoroso, một người thân cận của tổng thống Maduro, đã ra thông báo tước quyền ứng cử 15 năm đối với ông Guaido, với lý do « lạm dụng chức quyền ». Một quyết định ngay lập tức bị lãnh đạo đối lập lên án là « bất hợp pháp ». Hoa Kỳ nhiều lần cảnh báo Caracas về mọi trả đũa nhắm vào ông Juan Guiado, « nguyên thủ hợp pháp » của Venezuela.
Maduro cách chức bộ trưởng Năng Lượng
Một dấu hiệu cho thấy sự bối rối của chính quyền Maduro, tối hôm qua, tổng thống Maduro thông báo cách chức bộ trưởng Năng Lượng, tướng về hưu Luis Motta Dominguez, được bổ nhiệm từ tháng 8/2015. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh mất điện liên tục xảy ra từ nhiều tuần này, khiến khủng hoảng thêm trầm trọng.
Nhiều cuộc biểu tình xảy ra trong kỳ nghỉ cuối tuần qua khắp cả nước, để phản đối chính quyền bất lực. Lãnh đạo đối lập Juan Guaido hôm qua nhấn mạnh là : Chính quyền Maduro rõ ràng đã không có giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng hiện tại.
Liên Hiệp Quốc : Bắc Kinh « đe dọa » tại Hội Đồng Nhân Quyền
Giới ngoại giao và các nhà hoạt động nhân quyền tố cáo Trung Quốc gây sức ép, thậm chí đe dọa để ngăn chận những tiếng nói chỉ trích Bắc Kinh nhân khóa họp của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc tại Genève.
Theo tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, phái bộ Trung Quốc tại Genève đã gửi một bức thư cho một số phái bộ quốc tế kêu gọi không tham dự một sự kiện do Hoa Kỳ tổ chức vào ngày 15/03 để tố giác Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng Hồi giáo khác tại Tân Cương.
Bản tin của AFP chiều thứ Hai 01/04/2019 cho biết thêm, bức thư mang chữ ký của đại sứ Trung Quốc Du Kiến Hoa (Yu Jian Hua) yêu cầu các nước « không tham gia, không bảo trợ các sự kiện này để bảo vệ quyền lợi trong quan hệ song phương và đa phương với Trung Quốc ».
Theo ông Jonh Fisher, giám đốc Human Rights Watch tại Genève, làn sóng quốc tế phản đối Trung Quốc đàn áp đạo Hồi khiến cho Bắc Kinh « hoảng loạn ». Chính quyền Trung Quốc phải sử dụng đến biện pháp gây áp lực để ngăn chận mọi hành động phối hợp của quốc tế.
Phái bộ Trung Quốc tại Genève chưa trả lời các câu hỏi kiểm chứng của AFP nhưng thông tấn xã Pháp cho biết đã được nhiều nhà ngoại giao xác nhận là phái bộ của nước họ có nhận lá thư của Trung Quốc trước khi Hoa Kỳ tổ chức sự kiện Tân Cương. Hôm thứ Hai, nhiều nhà ngoại giao xác nhận tố cáo của HRW là đúng : Trung Quốc gây sức ép rất mạnh với các nước để họ bảo vệ lập trường của Bắc Kinh trong khóa họp kiểm điểm định kỳ về tình trạng nhân quyền ở Trung Quốc.
Brexit: Nghị viện Anh bỏ phiếu tìm cách gỡ bế tắc
Trong một nỗ lực mới, các nghị sỹ Quốc hội Anh tối thứ Hai tìm cách phá vỡ thế bế tắc cho Brexit bằng cách bỏ phiếu cho các phương án thay thế liên quan thỏa thuận được Thủ tướng Anh đệ trình để nước này rời khỏi Liên minh châu Âu.
Con số bốn phương án sửa đổi do chính người đứng đầu Hạ viện Anh, ông John Bercow, chọn ra để thảo luận.
Các phương án bao gồm những đề xuất về việc rời EU nhưng ở lại trong một liên minh hải quan và một cuộc bỏ phiếu công khai có tính chất khẳng định.
Tuần trước, con số các phương án thay thế được đưa ra bỏ phiếu là tám, so với bốn phương án được chọn ra trong buổi tối đầu tiên của tháng Tư.
Thủ tướng May ‘chịu áp lực’ về chọn Brexit ‘mềm’
Brexit: Nghị sỹ Anh phủ quyết các nội dung gì?
Brexit: Hạ viện Anh lại bác bỏ thỏa thuận rời EU
Brexit và băn khoăn của sinh viên châu Á
Các dân biểu Anh khi bỏ phiếu tuần trước, sau khi bỏ phiếu cho các lựa chọn thay thế khác, đã đạt được đa số cho bất kỳ đề xuất nào.
Dự kiến, cuộc bỏ phiếu diễn ra lúc 20h00 giờ London và kết quả sẽ được biết ngay sau đó.
Trước cuộc bỏ phiếu, các cuộc thảo luận cũng đã diễn ra bên trong tòa nhà quốc hội Westminster xung quanh các kiến nghị liên quan Brexit mà một trong số đó là một kiến nghị đã thu được tới sáu triệu chữ ký.
Báo Anh, the Guardian, hôm 01/4/2019 giật tít lớn trên đầu trang báo điện tử vào đầu giờ buổi tối nhấn mạnh bên cạnh nội dung liên minh hải quan, bỏ phiếu cho một thỏa thuận theo kiểu Norway là một nội dung quan trọng khác ở Hạ viện Anh tối thứ Hai.
Vì sao kinh tế Anh có vẻ tốt bất chấp lo lắng Brexit?
Bà May hứa từ chức nếu đề xuất Brexit được thông qua
Brexit: dân biểu Anh được yêu cầu biểu quyết lần ba
Tờ báo nêu rõ cuộc bỏ phiếu diễn ra trong lúc nước Anh còn 11 ngày trước thời hạn tiếp theo là mốc rời khỏi EU đã được lùi một lần từ hôm thứ Sáu (29/3).
Nhật báo Anh cũng nhắc lại phát biểu của người phụ trách kỷ luật nội bộ trong đảng Bảo thủ Anh, ông Julian Smith, bình luận rằng kỷ luật trong nội các là ‘yếu kém’ nhất trong suốt lịch sử chính trị Anh từ xưa đến nay.
Hôm thứ Hai, nguồn tin khác là hãng tin Anh Reuters dẫn lời dân biểu Julian Smith nhận định rằng cách thức tiến hành các thảo luận và bỏ phiếu ở Quốc hội Anh cho đến nay dường như dẫn đến việc không tránh khỏi là một phương án mềm hơn về Brexit so với phương án của chính phủ Anh vốn đã ba lần bị Hạ viện bác bỏ và cho rằng đây là một áp lực với Thủ tướng và nội các của bà.
Trong khi đó, phóng viên của BBC tường trình từ Westminster cho biết phát ngôn viên của đảng Lao động, ông Keir Starmer, người giữ vai trò Bộ trưởng về Brexit trong “chính phủ đối lập” đã phát biểu cho thấy đảng này ủng hộ các phương án Brexit ‘mềm’ hơn.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47778663
Brexit : Nước Anh sẽ khó tránh bầu cử trước thời hạn
Với việc các dân biểu Anh Quốc bác bỏ toàn bộ 4 kế hoạch thay thế cho thỏa thuận mà thủ tướng Theresa May thương lượng với Bruxelles, khả năng một Brexit « no deal » ( không thỏa thuận ) gần như chắc chắn, và như vậy là nước Anh sẽ khó mà tránh khỏi cuộc bầu cử Quốc Hội trước thời hạn.
Nhìn qua kết quả các cuộc bỏ phiếu hôm qua, có vẻ như là vị thế của thủ tướng Theresa May đang được củng cố. Không một kế hoạch thay thế nào thu được số phiếu bằng với số 286 phiếu thuận mà thỏa thuận Brexit của bà đã nhận được trong cuộc bỏ phiếu lần thứ ba hôm 29/03. Kết quả này sẽ khiến thủ tướng May thêm tự tin để đệ trình thỏa thuận Brexit để các nghị sĩ biểu quyết lần thứ tư.
Thủ tướng Anh có thể ra lời cảnh báo đến các nghị sĩ bảo thủ rằng, nếu không bỏ phiếu cho thỏa thuận của bà, nước Anh sẽ phải chấp nhận một Brexit « mềm », hoặc phải tổ chức bầu cử trước thời hạn, thậm chí tổ chức lại trưng cầu dân ý, một viễn cảnh mà đảng bảo thủ của bà rất sợ. Nhưng không chắc là lời đe dọa đó sẽ có tác động mong muốn, bởi vì khó mà thuyết phục được thêm các dân biểu « cứng đầu » để có đủ số phiếu cần thiết cho việc thông qua thỏa thuận Brexit.
Hôm nay, thủ tướng Theresa May họp với các bộ trưởng của bà để bàn cách đối phó với mọi tình huống, kể cả việc chuẩn bị cho khả năng bầu cử trước thời hạn. Nhưng trong bối cảnh mà các nghị sĩ bất lực trong việc tìm giải pháp cho bế tắc về Brexit, các phương án của thủ tướng Anh rất hạn chế và phương án nào cũng nguy hiểm đối với chính phủ của bà Theresa May, đối với bản thân bà và đối với đất nước.
Nếu thủ tướng May để cho nước Anh đi tới một Brexit không thỏa thuận, những bộ trưởng có xu hướng ôn hòa trong chính phủ của bà sẽ bất mãn từ chức. Quốc Hội có thể sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm bà Theresa May và như vậy là Anh Quốc sẽ phải bầu Quốc Hội trước thời hạn. Nhưng nếu bà cố tìm một thỏa hiệp về một Brexit « mềm » và vẫn duy trì các mối quan hệ chặt chẽ giữa Anh Quốc với Liên Hiệp Châu Âu, thì những bộ trưởng cứng rắn sẽ bỏ rơi bà và chính phủ Theresa May sẽ đổ.
Giữa hai thái cực đó, thủ tướng May chắc không còn sự chọn lựa nào khác là « năn nỉ » Liên Hiệp Châu Âu triển hạn Brexit thêm lần nữa, lần này sẽ là là triển hạn một thời gian dài. Nhưng 27 thành viên kia của Liên Hiệp Châu Âu chỉ chấp nhận triển hạn lần nữa với hai điều kiện : thứ nhất, Luân Đôn phải tổ chức bầu cử Nghị Viện Châu Âu ngày 23/05 và thứ hai, Anh Quốc phải, hoặc là tổ chức bầu cử Quốc Hội trước thời hạn, hoặc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới về Brexit.
Cả hai giải pháp này đều rất có thể dẫn đến việc bà Theresa May mất ghế thủ tướng, nhưng vẫn không giải tỏa được bế tắc về Brexit. Tóm lại, tình hình nước Anh bây giờ như một cái mớ bòng bong ngày càng rối rắm, ngày càng vượt khỏi tầm kiểm soát của cả chính phủ lẫn Quốc Hội. Tình hình này càng kéo dài, thiệt hại tài chính đối với Anh Quốc càng lớn. Theo tính toán của ngân hàng Goldman Sachs, kể từ thời điểm trưng cầu dân ý về Brexit tháng 06/2016, mỗi tuần nền kinh tế Anh bị thiệt hại khoảng 700 triệu euro và kể từ thời điểm đó, nền kinh tế thứ năm thế giới này bị mất khoảng 2,4 điểm GDP. Và trong trường hợp Brexit « no deal », GDP của Anh Quốc sẽ thể sụt giảm 5,5% và giá trị của đồng bảng Anh sẽ mất đi 17%.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190402-brexit-nuoc-anh-se-kho-tranh-bau-cu-truoc-thoi-han
Dân biểu Anh bác mọi kế hoạch
thay cho thỏa thuận Brexit của thủ tướng
Hôm qua, 01/04/2019, các dân biểu Hạ Viện Anh Quốc đã bác bỏ toàn bộ 4 kế hoạch thay thế cho thỏa thuận Brexit của chính phủ Theresa May.
Trong khi chỉ còn 11 ngày nữa là nước Anh trên nguyên tắc phải rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu( 12/04 ), nhưng Nghị Viện Anh vẫn chưa đạt được đồng thuận về một giải pháp để thoát khỏi bế tắc. Từ đây đến cuộc họp thượng đỉnh đặc biệt của Liên Hiệp Châu Âu 10/04, thủ tướng Theresa May phải đệ trình một kế hoạch mới về Brexit, nếu muốn tránh cho Anh Quốc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu mà không có thỏa thuận.
Từ Luân Đôn, thông tín viên Muriel Delcroix tường trình :
« Mặc dù cuộc bỏ phiếu vẫn không giúp chọn được giải pháp thay thế, nhưng có một xu hướng ngày càng rõ nét : lần này, ngoài phương án tổ chức trưng cầu dân ý, hai kế hoạch khác thu
được nhiều phiếu nhất là kế hoạch Brexit nhưng Anh Quốc vẫn nằm trong liên minh thuế quan châu Âu và kế hoạch về một Thị Trường Chung được sửa đổi lại.
Phương án cuối là phương án do dân biểu bảo thủ Nick Boles bảo vệ. Với một cử chỉ như trên sân khấu kịch, ông đã thông báo sẽ rời bỏ đảng, do bất mãn khi thấy các nghị sĩ Bảo Thủ từ chối mọi thỏa hiệp về một Brexit mềm, tức là Anh Quốc sẽ vẫn giữ các mối quan hệ chặt chẽ với Liên Hiệp Châu Âu. Nhiều dân biểu phe đối lập cũng rất bực tức khi thấy Quốc Hội vẫn không tỏ ra linh hoạt để thoát ra khỏi bế tắc này.
Kết quả này tạm thời tăng cường vị thế của thủ tướng Theresa May. Bà có thể một lần nữa nhắc lại rằng đã có một thỏa thuận, đó là văn bản mà bà đã thương lượng với Liên Hiệp Châu Âu từ tháng 11 năm ngoái. Thủ tướng Anh có thể đưa thỏa thuận này ra Hạ Viện để các nghị sĩ biểu quyết lần thứ tư. Về phần các dân biểu, ngày mai, họ sẽ bỏ phiếu thăm dò ý định lần thứ ba.
Trước cuộc bỏ phiếu này, bà Theresa May hôm nay sẽ họp với các bộ trưởng trong suốt 5 tiếng đồng hồ để cố đạt đồng thuận về đối sách sau diễn biến mới này. »
Tình hình kinh tế Ý ngày càng ảm đạm
Chủ Nhật vừa qua, 31/03/2019, bộ trưởng Kinh Tế Ý Giovanni Tria thừa nhận là trong năm 2019, có nhiều khả năng Ý chỉ có mức tăng trưởng bằng không.
Các tổ chức quốc tế cảnh báo Roma : trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế châu Âu đang chậm lại, Ý là quốc gia yếu nhất. Một số người đang sợ rằng nước Ý sẽ kéo toàn bộ Liên Hiệp Châu Âu sụp đổ theo.
Từ Roma, thông tín viên Anne Tréca gởi về bài tường trình :
« Các số liệu liên tục rơi xuống. Sản lượng công nghiệp sụt giảm. Thất nghiệp tăng cao. Dự báo tăng trưởng năm 2019 gần bằng không, theo Ủy Ban Châu Âu và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển châu Âu OCDE thậm chí còn dự báo mức tăng trưởng âm. Theo tổ chức này, nước Ý đang đâm thẳng vào tường. Vừa đâm thẳng, vừa bóp còi in ỏi, bởi vì hai biện pháp ưu tiên của chính phủ : hạ thấp tuổi về hưu và lập một mức thu nhập tối thiểu sẽ góp phần làm tăng nợ công, và như vậy làm tăng số tiền lãi mà nước Ý sẽ phải trả cho các chủ nợ. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker nói thêm : Nước Ý đang bị chậm trễ so với các nước châu Âu khác.
Ngay tại Roma, các kinh tế gia cũng đang gióng chuông báo động. Ngân Hàng Trung Ương Ý, tổ chức của giới chủ đồng loạt yêu cầu chính phủ thi hành các biện pháp để thúc đẩy hoạt động kinh tế của đất nước. Nhưng chính phủ có vẻ như đang bị tê liệt. Hợp đồng mà trên nguyên tắc nhằm giúp cho liên minh tồn tại rốt cuộc lại trở thành một cái bẫy. Với hậu quả là hàng loạt biện pháp tốn kém mà không đảng nào chịu từ bỏ. Giữa đảng Liên đoàn và đảng 5 Sao nay chỉ toàn là những lời chửi bới. Cùng với khủng hoảng kinh tế, một cuộc khủng hoảng chính trị đang ló dạng. »
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190402-tinh-hinh-kinh-te-y-ngay-cang-am-dam
Erdogan sắp mất thế kiểm soát
ở các thành phố lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ
Đảng cầm quyền AKP của Tổng thống Tayyip Erdogan sắp để mất quyền kiểm soát hai thành phố lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, Istanbul và Ankara, trong một cuộc giật lùi lớn ở bầu cử địa phương mà có thể làm phức tạp kế hoạch đối phó với suy thoái của ông Erdogan.
Trong khi việc kiểm các phiếu bầu chính thức và các đài truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy các ứng cử viên Đảng Cộng hòa Nhân dân (CHP) đối lập dẫn trước ở cả hai thành phố, đảng AKP gốc Hồi giáo sẽ quyết tâm kháng cáo và điều này có thể trì hoãn kết quả cuối cùng trong nhiều ngày.
Erdogan, người đã thống trị chính trị Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khi nắm quyền lực cách đây 16 năm và áp đặt sự cai trị chặt chẽ hơn bao giờ hết, đã vận động không ngừng trong hai tháng trước cuộc bỏ phiếu hôm 31/3, mà ông mô tả là vấn đề sống còn đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhưng các cuộc tuần hành hàng ngày của những người ủng hộ ông và việc truyền bá áp đảo của truyền thông ủng hộ ông đã không thể lấy lòng được nhiều cử tri thành thị, vì cuộc khủng hoảng tiền tệ năm ngoái đã ảnh hưởng nặng nề đối với người Thổ Nhĩ Kỳ.
“Người dân đã bỏ phiếu ủng hộ dân chủ, họ đã chọn dân chủ,” lãnh đạo phe đối lập Kemal Kilicdaroglu nói. Đảng CHP theo chủ nghĩa thế tục của ông Kilicdaroglu cũng nắm thế thượng phong tại thành phố Izmir ven bờ biển Aegean, thành phố lớn thứ ba của Thổ Nhĩ Kỳ.
Đảng AKP và đảng tiền nhiệm Hồi giáo của họ đã kiểm soát Istanbul và thủ đô Ankara trong 25 năm. Các kết quả, vẫn đang được kiểm vào tối 1/4, có thể sẽ mang lại sự thay đổi nhân sự ở cấp cao nhất của chính phủ, theo các nguồn tin bên trong và thân cận với đảng AKP.
Tại Istanbul, thành phố lớn nhất và là trung tâm kinh tế của đất nước, ứng cử viên thị trưởng của đảng CHP, dẫn trước hơn 22.000 phiếu bầu so với đối thủ AKP của họ, theo ủy ban bầu cử quốc gia.
Tuy nhiên, đảng AKP cũng tuyên bố chiến thắng, khi nói rằng họ có rất nhiều bằng chứng về sự bất thường trong bầu cử.
Tại Ankara, các đài truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ứng cử viên đảng CHP đã giành được một chiến thắng rõ rệt. Nhưng đảng AKP cho biết họ sẽ kháng cáo và dự kiến sẽ thay đổi kết quả theo hướng có lợi.
Liên minh cầm quyền của Thủ tướng Erdogan, bao gồm đảng MHP dân tộc, chiếm 51,7% phiếu bầu toàn quốc, theo hãng tin nhà nước Anadolu. Lượng người đi bầu là rất cao, chiếm 84,5%.
Việc mất đi Istanbul – nếu được xác nhận – sẽ đặc biệt quan trọng khi Tổng thống Erdogan từng là thị trưởng thành phố trong những năm 1990.
Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã giao động mạnh trong tuần trước cuộc bầu cử, làm lặp lại cuộc khủng hoảng tiền tệ năm ngoái. Hôm 1/4, đồng lira lúc đầu mất giá tới 2,5% trước khi phục hồi lại.
Một quan chức của đảng AKP và một nguồn tin thân cận với đảng này từng dự đoán một cuộc xáo trộn nội các hoặc những thay đổi khác giữa những người xung quanh Tổng thống Erdogan.
“Chắc chắn sẽ có những thay đổi ở một số nơi, chẳng hạn như nhóm gần gũi của ông Erdogan trong đảng và trong nội các,” nguồn tin yêu cầu giấu tên này cho biết. “Các thị trường kỳ vọng rằng sẽ có một sự thay đổi trong nội các. Điều này làm cho một sự thay đổi trở nên cần thiết.”
Bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ : TT Erdogan chưa thừa nhận thất bại
tại nhiều thành phố lớn
Trong cuộc bầu cử địa phương Thổ Nhĩ Kỳ hôm 31/03/2019, kết quả sơ bộ cho thấy đảng cầm quyền AKP của tổng thống Erdogan thất bại tại Ankara, Istanbul và Izmir, ba thành phố lớn nhất nước mà AKP lãnh đạo từ một phần tư thế kỷ, cho dù trên quy mô cả nước, đa số cử tri bỏ phiếu cho AKP và các đồng minh (51,7%). Đảng cầm quyền chưa thừa thất bại.
Theo AFP, Istanbul, nơi đảng AKP nắm quyền từ 25 năm nay, lọt vào tay ứng cử viên đối lập Ekrem Imamoglu (đảng CHP / đảng Cộng Hòa của Nhân Dân), với 48,8% phiếu, so với 48,51% của ứng cử viên AKP, sau khi 99% số phiếu được kiểm kê. Chênh lệch rất sít sao nói trên khiến đảng AKP quyết định khiếu nại. Hôm qua, 01/04, đảng AKP kêu gọi kiểm lại các phiếu bị coi là « không hợp lệ », cụ thể là 290.000 phiếu tại Istanbul và 90.000 ở Ankara.
Theo kết quả sơ bộ, AKP chỉ còn giữ được 15 thành phố, so với 18 trước đây. Đảng đối lập Cộng Hòa của Nhân Dân kiểm soát được 11, so với 6 hiện nay. Tại các khu vực phía đông nam, với đa số dân cư Kurdistan, đảng thân Kurdistan HDP giành lại được nhiều thành phố, trong đó có Diyarbakir và Van, nơi chính quyền trực tiếp chỉ định lãnh đạo địa phương.
Chiến thắng của đối lập càng đáng ghi nhận hơn trong bối cảnh đảng cầm quyền AKP đã có được sự hậu thuẫn áp đảo của truyền thông tại các thành phố lớn. Đa số phương tiện truyền thông do chính quyền kiểm soát.
Bên cạnh bối cảnh kinh tế bất lợi, với tình trạng kinh tế suy thoái lần đầu tiên kể từ 10 năm nay, lạm phát kỷ lục, thất nghiệp tăng vọt, thì một trong những nguyên nhân dẫn đến thắng lợi của đối lập là do các đảng phái đối lập, cả tả lẫn hữu, đoàn kết chỉ đề cử một ứng viên duy nhất trong các cuộc tranh cử tại các thành phố lớn. Đảng thân Kurdistan HDP không cử ứng viên tại miền tây để tránh làm tản mát phiếu bầu của mặt trận chung toàn quốc chống tổng thống Erdogan.
Algeria: Tổng thống hứa từ chức sau làn sóng biểu tình
Tổng thống Algeria Abdelaziz Bouteflika sẽ từ chức trước ngày mãn nhiệm 28/4, truyền thông nhà nước Algeria tường thuật.
Nhà lãnh đạo 82 tuổi, người đã nắm quyền trong 20 năm qua, sẽ đảm bảo “sự hoạt động liền mạch của các cơ quan nhà nước” trước khi ra đi, tuyên bố của tổng thống do hãng truyền thông APS phát đi nói.
Biểu tình lớn tại Algeria đòi Tổng thống từ chức
Dân chủ Hồng Kông đang lung lay hơn bao giờ hết?
Những năm 1848, 1918, 1968, 1988, 2008 và 2018
Tin tức được đưa ra sau nhiều tuần có các cuộc biểu tình rộng khắp, đòi ông phải từ chức.
Kết quả là ông đã từ bỏ kế hoạch tái tranh cử nhiệm kỳ thứ năm.
Kỳ bầu cử đã được trì hoãn và chính phủ cam kết tổ chức đại hội toàn quốc để thảo luận về các biện pháp cải tổ nhằm giải tỏa tâm trạng bất mãn trong dân chúng.
Cho tới nay, vẫn chưa rõ là khi nào ông sẽ từ chức, mà liệu rồi ông có từ chức hay không, giới quan sát nói.
Người biểu tình đòi thay đổi
Phóng viên Ahmed Rouaba của BBC nói rằng nhiều người Algeria tin rằng sức khỏe của người đàn ông ngoài 80 này đã đi xuống tới mức ông nay bị dùng như bình phong bởi một nhóm các doanh nhân, chính trị gia và các quan chức quân sự, được biết đến với tên gọi “quyền lực”.
Nhóm này không muốn từ bỏ ảnh hưởng của mình, phóng viên BBC nói.
Đây là nhóm thống lĩnh Mặt trận Giải phóng Dân tộc (FLN), là tổ chức đã nắm quyền kể từ khi Algeria giành được độc lập từ Pháp, 1962.
Những người biểu tình đang kêu gọi không chỉ tổng thống mà còn toàn bộ dàn chính trị gia lãnh đạo hiện nay của Algeria, bao gồm cả những người được dự kiến sẽ thay thế ông.
Đa số người biểu tình là thanh niên, những người không tham gia vào các đảng phái chính trị.
Họ nói họ muốn có một hệ thống chính quyền mới chứ không chỉ là có ai đó thay thế cho vị trí của ông tổng thống đau ốm.
Hồi tuần trước, tổng tham mưu trưởng quân đội Algeria, Trung tướng Ahmed Gaed Salah đã yêu cầu tổng thống phải tuyên bố là không đủ khỏe để điều hành công việc.
Tháng trước, ông Bouteflika, người hiếm khi xuất hiện trước công chúng kể từ sau khi bị đột quỵ vào năm 2013, cũng tuyên bố tiến hành tái sắp xếp nội các với nhiều thay đổi quan trọng.
Các cuộc biểu tình chống ông Bouteflika bắt đầu từ hai tháng trước, sau khi tổng thống nói ông có kế hoạch ra tranh cử một nhiệm kỳ nữa.
Thế nhưng người dân vẫn tiếp tục biểu tình ngay cả sau khi ông đồng ý không ra tranh cử. Người dân xuống đường đòi phải có thay đổi ngay lập tức.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47787083
TT Moon hy vọng Triều Tiên hưởng ứng
nỗ lực của Mỹ-Hàn Quốc
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói hôm 1/4 rằng ông hy vọng Triều Tiên sẽ hưởng ứng tích cực khi ông gặp mặt Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tháng này như một phần trong nỗ lực nhằm tái khởi động các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa với miền Bắc.
Ông Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un đã không đạt được thỏa thuận nào tại cuộc họp thượng đỉnh ở Hà Nội hồi tháng 2, gây khó khăn cho những vận động của ông Moon và tạo chia rẽ trong chính phủ của ông về làm cách nào để phá vỡ thế bế tắc.
Phát biểu trước nội các Hàn Quốc, ông Moon nói ông sẽ dùng cuộc gặp thượng đỉnh ngày 11/4 ở Washington để thảo luận về việc khởi động các cuộc đàm phán Mỹ-Hàn Quốc, nhằm đưa tiến trình hòa bình tiến lên phía trước và tạo ra một “quy trình đúng đắn” để thúc đẩy các mối quan hệ với Bình Nhưỡng.
“Tôi hy vọng Triều Tiên sẽ hưởng ứng một cách tích cực trước các nỗ lực của Seoul và Washington,” ông Moon nói.
Hội nghị thượng đỉnh ở thủ đô của Việt Nam đã bị cắt ngắn sau khi ông Trump và ông Kim không đạt được bất cứ thỏa thuận nào để dỡ bỏ các lệnh cấm vận kinh tế đối với Triều Tiên, nhằm đổi lấy việc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân của họ.
Ở Washington đã có người chỉ trích rằng Seoul đã hơi quá lời khi đánh giá cam kết phi hạt nhân hóa của ông Kim Jong Un, và đi quá xa trong việc hối thúc người Mỹ dỡ bỏ cấm vận. Ngược lại, một số cố vấn của ông Moon thì cho rằng Hoa Kỳ không thể duy trì thái độ quá cứng rắn “được ăn cả ngã về không” trong khi tìm cách đạt được một thỏa thuận về chương trình vũ khí hạt nhân với Triều Tiên.
Nhưng ông Moon nói hai nước đồng minh về căn bản “đồng thuận về mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên, và thiết lập một nền hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên.”
Ông Moon chỉ trích những người hoài nghi mà ông không được nêu tên mà ông tố cáo đã tìm cách chia rẽ Seoul và Washington, nhằm “đảo ngược xu hướng hòa bình.”
Làm như vậy không giúp gì cho lợi ích quốc gia hay cho tương lai của bán đảo Triều Tiên,” ông Moon nói. “Những mưu đồ đó chỉ được coi là “vô trách nhiệm”, nhất là khi nhắc tới tình trạng khủng hoảng mà chúng ta đã phải chịu đựng trước khi đối thoại bắt đầu.”
Theo tổng thống Hàn Quốc, sự thất bại của hội nghị thượng đỉnh Hà Nội đã tạo ra “những khó khăn tạm thời, nhưng điều đã trở nên rõ ràng là cả hai miền Triều Tiên lẫn Hoa Kỳ đều không muốn trở lui về quá khứ.”
Triều Tiên trong nhiều năm đã theo đuổi các chương trình hạt nhân và tên lửa bất chấp các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Triều Tiên và Hoa Kỳ ngày càng tăng cường độ của cuộc khẩu chiến cho đến khi các quan hệ được cải thiện hồi năm ngoái, dẫn đến hội nghị thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore vào tháng Sáu.
Một quan chức của Nhà Xanh – phủ Tổng thống Hàn Quốc, nói các lãnh đạo ASEAN đang cân nhắc liệu có nên hay không, mời ông Kim tới hội nghị thượng đỉnh ASEAN, sẽ được tổ chức ở phố cảng Busan của Hàn Quốc vào tháng 11 hay không.
Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha đã gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Washington hôm 29/3, bà nói với các phóng viên rằng bà đồng ý tiếp tục hối thúc Triều Tiên để nước này phải đưa ra những nhượng bộ cụ thể về kho vũ khí hạt nhân của mình.
“Điều quan trọng nhất ở giai đoạn này sau hội nghị thượng đỉnh Hà Nội là bắt đầu lại các cuộc đàm phán giữa Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ,” bà nói.
Ông Moon cho biết ông sẽ hợp tác với ông Trump để vượt qua những trở ngại và tìm ra hướng đi mới để tiến tới hòa bình.
TQ tiêu hủy bản đồ ‘gây tổn hại chủ quyền quốc gia’
Hải quan Trung Quốc nói sẽ tiêu hủy gần 300.000 bản đồ đã thu hồi được, vì chúng thể hiện sai một cách không thể chấp nhận được về mặt chính trị các đường biên giới của Trung Quốc.
Các bản đồ này do một công ty ở miền nam Trung Quốc in rồi xuất khẩu sang Rotterdam, Hà Lan.
Một mình chống lại Đường Lưỡi bò
Vụ áo phông lưỡi bò: ‘VN để dành sự giận dữ’
Khách TQ mặc áo in bản đồ ‘lưỡi bò’ vào VN
Các quan chức Trung Quốc đã dành bốn tháng để thu hồi khi phát hiện ra các bản đồ thể hiện đường biên giới quốc tế mà Bắc Kinh cho là không chính xác.
Các phóng viên nói rằng vụ việc cho thấy Bắc Kinh quyết tâm bác bỏ bất kỳ quan điểm nào khác với họ trong vấn đề đường biên.
Vấn đề Đài Loan và biên giới với Ấn Độ
Các bản đồ bị thu hồi đã không thể hiện Đài Loan và Arunachal Pradesh là thuộc lãnh thổ Trung Quốc.
Bắc Kinh luôn coi Đài Loan là một tỉnh ly khai của Trung Quốc, và đe dọa sẽ sử dụng vũ lực nếu nơi này dám tuyên bố độc lập.
Arunachal Pradesh là một trong 29 bang của Ấn Độ nhưng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết lãnh thổ bang này và gọi đó là vùng Tạng Nam (Nam Tây Tạng).
Vùng này trước được Tây Tạng trao cho chính quyền thuộc địa Anh tại Ấn Độ theo một hiệp định hồi 1914, nhưng Trung Quốc phản đối tính hợp pháp của văn bản này.
Ấn Độ và Trung Quốc đến nay đã có 21 vòng đàm phán nhằm tìm giải pháp cho các tranh cãi về đường biên kéo dài gần 3.500km, được gọi là Đường Kiểm soát Ấn Độ – Trung Quốc.
Hồi tháng trước, giới chức tại Trung Quốc đã tiêu hủy gần 30 ngàn bản đồ.
Hoàn Cầu Thời báo hôm thứ Ba tường thuật rằng nhân viên hải quan tại tỉnh Quảng Đông sẽ tiêu hủy tiếp hàng trăm ngàn bản nữa, và sẽ khởi tố bốn nghi can về tội cố ý xuất khẩu các bản đồ này sang Hà Lan.
Tờ Hoàn Cầu: ‘VN thiếu tự tin vụ áo lưỡi bò’
Chủ quyền TQ ở Trường Sa đến từ ‘lỗi dịch thuật’?
Các bản đồ do một công ty ở tỉnh Quảng Đông in.
Bản đồ thể hiện chủ quyền lãnh thổ và là tuyên bố chính trị, ông Mã Uy từ Vụ Quản lý Thông tin Địa lý thuộc Bộ Tài nguyên Trung Quốc được South China Morning Post dẫn lời hôm 25/3.
“Nếu có các ‘bản đồ có vấn đề’ làm tổn hại tới chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, đặc biệt là các sản phẩm do nước ngoài in ấn, hoặc các sản phẩm nhằm để xuất hoặc nhập khẩu, thì chúng sẽ bị cộng đồng quốc tế cố tình sử dụng hoặc suy đoán,” ông nói.
“Điều này sẽ trực tiếp gây hại tới lợi ích quốc gia và sự tự tôn của các công dân, và là một mối đe dọa nghiêm trọng tới an ninh quốc gia.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47787078
Trung Quốc kiểm soát fentanyl theo yêu cầu của Mỹ
Tất cả các chất liên quan đến fentanyl sẽ bị đưa vào danh sách các chất ma túy bị kiểm soát của Trung Quốc từ 1/5 theo một đề nghị của Hoa Kỳ.
Động thái này tuân theo một cam kết mà Bắc Kinh đưa ra trong các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung vào tháng 12.
Loại thuốc giảm đau tổng hợp phần lớn được sản xuất tại Trung Quốc và được cho là làm trầm trọng thêm tình trạng nghiện ma túy ở Mỹ.
Số người chết vì thuốc giảm đau như fentanyl đã khiến Tổng thống Donald Trump phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia hồi 2017.
TQ tăng chi phí quốc phòng, thúc đẩy phát triển kinh tế
Mỹ: Trump thua đau vì thâm hụt thương mại tăng vọt
Trump đã yêu cầu Kim chuyển giao hạt nhân qua một tờ giấy
Việc sản xuất thuốc fentanyl của Trung Quốc từ lâu đã là một căng thẳng giữa hai nước.
“Hoa Kỳ lo ngại về các biến thể [của fentanyl] và nó đã được giải quyết,” Liu Yuejin, phó giám đốc ủy ban kiểm soát ma túy của Trung Quốc, nói trong một cuộc họp báo.
Ông Liu cho rằng tuyên bố cho rằng Trung Quốc là nguồn cung chính của fentanyl là “thiếu bằng chứng”, và thay vào đó đổ lỗi cho lịch sử lạm dụng thuốc theo toa ở Mỹ.
“Chúng tôi tin rằng chính Hoa Kỳ là nhân tố chính trong việc lạm dụng fentanyl ở đó,” ông nói.
“Một số người cho rằng việc tiêu thụ ma túy có liên quan với sự tự do, tính cá nhân và sự giải phóng. Nếu Mỹ thực sự muốn giải quyết vấn đề chất fentanyl, họ có nhiều việc cần phải làm trong nước.”
Bản thân Fentanyl đã nằm trong danh sách thuốc bị kiểm soát ở Trung Quốc. Mở rộng danh sách cho tất cả các chất liên quan đến fentanyl là nhằm mục đích ngăn chặn những kẻ buôn lậu thay đổi công thức để lách luật.
Fentanyl ước tính mạnh hơn morphin 50 đến 100 lần và thường chỉ được sử dụng ở Mỹ cho các cơn đau nặng trong các trường hợp như điều trị ung thư.
Mỹ cho biết loại ma túy tổng hợp này đang được bán trên internet và được gửi qua đường bưu điện từ Trung Quốc, thúc đẩy cuộc khủng hoảng ma túy.
Chính quyền Hoa Kỳ liệt kê tất cả các sản phẩm liên quan đến fentanyl trong nhóm thuốc nguy hiểm nhất.
Năm 2017, Mỹ tuyên bố bản cáo trạng đầu tiên đối với hai cá nhân Trung Quốc về âm mưu “phân phối số lượng lớn” fentanyl, cũng như các loại thuốc phiện khác.
Vấn đề về fentanyl đã được nêu ra trong cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ nổ ra vào năm ngoái.
Cam kết kiểm soát ma túy của Trung Quốc được đưa ra hậu hội nghị thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires vào tháng 12.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47782387
Hệ thống tín nhiệm xã hội:
TQ đang giám sát mọi hoạt động của người dân
Hệ thống chấm điểm “tín nhiệm xã hội” của Trung Quốc đang trong quá trình hoàn thiện và sẽ được triển khai toàn diện vào năm 2020. Nó đã trở thành công cụ đắc lực để chính quyền Trung Quốc kiểm soát mọi hoạt động của người dân.
Khái quát về hệ thống tín nhiệm xã hội Trung Quốc
Trung Quốc đang thiết lập hệ thống đánh giá khổng lồ để theo dõi “nhất cử nhất động” của công dân nước này và xếp hạng họ dựa trên điểm số “tín nhiệm xã hội”. Hệ thống “tín nhiệm xã hội” được công bố lần đầu năm 2014 với mục đích củng cố ý tưởng “duy trì tín nhiệm là vinh quang, phá hoại niềm tin là đáng hổ thẹn”. Chương trình sẽ được triển khai trên toàn quốc từ năm 2020 nhưng đang được thí điểm với hàng triệu người. Hệ thống có tính bắt buộc, không loại trừ cá nhân nào. Tại thời điểm hiện tại, hệ thống đang được xử lý dần dần, một số được điều hành bởi chính quyền thành phố, số khác lại được chấm điểm bởi các nền tảng công nghệ tư nhân nắm giữ dữ liệu người dùng.
Cũng như điểm số tín dụng cá nhân, điểm số xã hội của một người có thể tăng hay giảm phụ thuộc vào hành vi của họ. Phương thức chấm điểm chính xác là một bí mật song một số hành vi vi phạm có thể bao gồm hút thuốc tại khu vực cấm, mua quá nhiều game video, đăng tin giả mạo trên mạng hay lái xe ẩu.
Những người có điểm số thấp phải “trả giá” bằng nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn như dưới đây: (1) Cấm bay hoặc đi tàu. Channel News Asia dẫn thống kê từ nhà chức trách cho biết 9 triệu người có điểm số tín nhiệm xã hội thấp đã bị cấm mua vé trong các chuyến bay nội địa, 3 triệu người bị cấm mua vé tàu hạng thương gia. Hệ thống còn trừng phạt các hành khách có hành vi xấu như đi lậu vé, đi lảng vảng trước cổng ra vào hay hút thuốc tại các khu vực cấm. (2) “Bóp” tốc độ Internet. Đó là theo Rachel Botsman, tác giả một cuốn sách về bảo mật công nghệ, đăng trên Wired năm 2017. Còn theo Foreign Policy, hệ thống tín nhiệm theo dõi mọi người có thanh toán hóa đơn đúng hạn hay không, rất giống với cơ chế đánh giá tín dụng tài chính nhưng đây cũng là một thước đo đạo đức. Các hành vi khác có thể bị trừng trị bao gồm dành quá nhiều thời gian chơi game video, lãng phí tiền bạc vào mua sắm phù phiếm và đăng lên mạng xã hội. Phát tán tin giả mạo, đặc biệt về tấn công khủng bố hay an ninh sân
bay, cũng bị trừng phạt. (3) Cấm công dân và con cái theo học trường điểm. Theo Beijing News, 17 người từ chối thi hành nghĩa vụ quân sự năm 2017 bị cấm đăng ký học ở cấp cao hơn, xin học trung học hay tiếp tục học tập. Tháng 7/2018, một trường đại học không cho một tân sinh viên theo học vì bố của người này có điểm tín nhiệm xã hội thấp. (4) Không có công việc tốt. Những cá nhân “phá hoại tín nhiệm” cũng bị cấm làm các công việc quản lý tại những doanh nghiệp quốc doanh, ngân hàng lớn. Một số tội ác như tham nhũng, biển thủ còn có tác động xấu đến tín nhiệm xã hội. (5) Không được ở khách sạn tốt. Những người không thực hiện nghĩa vụ quân sự bị cấm lưu trú tại các khách sạn và không được hưởng các kỳ nghỉ. Những người có điểm số cao được tăng tốc quá trình cấp phép đến các nơi như châu Âu. Một phụ nữ nói với BBC năm 2015 rằng cô được đặt phòng khách sạn mà không phải trả tiền vì có điểm số cao. (6) Không được nuôi chó. Thành phố Thiên An bắt đầu áp dụng hệ thống tín nhiệm xã hội với những người nuôi chó vào năm 2017. Những người này sẽ bị giảm điểm nếu chó đi lung tung mà không có xích hay gây ra bất tiện nơi công cộng. Người nào mất hết điểm sẽ bị tịch thu chó và phải làm bài kiểm tra về quy định cần thiết để sở hữu chó. (7) Bị cho vào “danh sách đen”. Công khai tên tuổi và chế giễu cũng là một biện pháp. Thông báo năm 2016 từ chính phủ khuyến khích các công ty tham khảo “danh sách đen” trước khi tuyển nhân viên hay ký hợp đồng. Tuy nhiên, mọi người sẽ được tòa án thông báo trước khi có tên trong danh sách và được phép kháng cáo trong vòng 10 ngày nhận thông báo. Ngoài các cá nhân, các công ty trong “danh sách đen” cũng có thể mất các hợp đồng của chính phủ hoặc mất quyền tiếp cận các khoản vay ngân hàng hoặc bị cấm phát hành trái phiếu hoặc nhập khẩu hàng hóa. Các sai phạm của các công ty bị phạt theo tín nhiệm xã hội năm ngoái bao gồm quảng cáo sai hoặc vi phạm các quy tắc an toàn dược phẩm, trung tâm thông tin chính phủ cho biết.
Tuy nhiên, vẫn có những cách để người dân Trung Quốc trở thành một “công dân tốt”. Một nhóm các nhà nghiên cứu ở Đức đã phân tích 194.829 hồ sơ hành vi và 942 báo cáo của chính phủ về hành vi “tốt” và “xấu” của công dân và đưa ra một danh sách các hành động có thể mang lại điểm tín nhiệm tích cực, bao gồm: Giúp đỡ, chăm sóc người tàn tật; Quyên góp cho các quỹ đại học cho sinh viên nghèo; Chăm sóc người già, ngay cả khi họ không phải là họ hàng, thân thích; Giúp đỡ các nông dân trồng rau thu hoạch mùa màng; Trả nợ một khoản vay ngay cả sau khi ngân hàng đã hủy bỏ nó. Tuy nhiên, nghiên cứu này vẫn chưa đầy đủ. Danh sách đầy đủ những việc làm giúp tăng điểm tín nhiệm vẫn chưa được hoàn thiện, và nó có thể còn phụ thuộc vào quyết định của những cơ quan khác nhau.
Bắc Kinh sẽ áp dụng từ năm 2021
Chính quyền thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc sẽ bắt đầu việc chấm “điểm tín nhiệm” của công dân và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố từ năm 2021, đưa kế hoạch đánh giá 1,3 tỉ dân của Trung Quốc dựa trên hành vi xã hội của họ tiến gần thực tế hơn 1 bước. Theo chính quyền Bắc Kinh, với gần 22 triệu cư dân, thành phố sẽ thu thập dữ liệu từ một số phòng, ban thuộc chính quyền để cho điểm người dân dựa trên hành vi và danh tiếng của họ. Để đảm bảo điểm số này chính xác, Bắc Kinh cũng đã khuyến khích những cơ quan có liên quan chia sẻ dữ liệu của họ về các hoạt động của người dân. Các chỉ số tín nhiệm xã hội của người dân dự kiến sẽ tác động lên phương thức tiếp cận thị trường, các dịch vụ công, du lịch, đi lại, tìm việc làm và năng lực khởi nghiệp. Theo đó, những công dân đạt “điểm số tín nhiệm xã hội” cao sẽ hưởng nhiều lợi ích tốt trong khi những người có điểm phạt hoặc vi phạm pháp luật sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong cuộc sống.
Theo kế hoạch đề ra, Bắc Kinh cũng sẽ cải thiện hệ thống danh sách đen, để những người bị xem là không đáng tin cậy sẽ “không thể di chuyển dù chỉ một bước” trong khi những người được đánh giá là có uy tín hoàn toàn có thể sử dụng tất cả các dịch vụ một cách bình thường.
Song song với việc chấm điểm tín nhiệm của các công dân, Bắc Kinh cũng sẽ giám sát độ tín nhiệm của các cán bộ, công chức và các sở, ban, ngành, các cơ quan trong chính quyền bằng cách giám sát việc thực hiện các cam kết, những lời hứa mà họ đã đưa ra. Điểm số này cũng sẽ được tích hợp trong đánh giá tín nhiệm cá nhân của các quan chức, cán bộ hưởng lương từ ngân sách.
Chính quyền Trung Quốc cho rằng việc áp dụng hệ thống đánh giá này sẽ giúp tăng cường sự minh bạch của chính quyền, phơi bày tình trạng tham nhũng, từ đó giúp việc xử phạt trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.
Ngoài ra, các doanh nghiệp ở Bắc Kinh cũng sẽ được chấm điểm. Chính quyền Bắc Kinh nhấn mạnh rằng hệ thống điểm tín nhiệm này sẽ giúp cải thiện môi trường kinh doanh cũng như môi trường xã hội của thành phố. Dĩ nhiên, điểm số này cũng có thể tăng hoặc giảm ở từng thời điểm, phụ thuộc vào hành vi của họ.
Theo Ủy ban Phát triển và Cải cách của Bắc Kinh, thành phố cũng sẽ nâng cấp hệ thống danh sách đen và thường xuyên công bố danh sách các cá nhân và doanh nghiệp bị đánh giá là không đáng tin cậy để tiến hành xử phạt hành vi như vậy. “Đây là một cách tiếp cận quan trọng của Bắc Kinh nhằm đánh giá tín nhiệm của các cá nhân và gắn sự tín nhiệm đó với toàn bộ cuộc sống của họ”, một người phát ngôn của chính quyền thành phố Bắc Kinh nói.
Phương Tây quan tâm, song người dân Trung Quốc “hững hờ”
Theo giới truyền thông xã hội phương Tây, hệ thống tín nhiệm xã hội mới này lại được mô tả như một “cốt truyện khoa học viễn tưởng với sắc màu ảm đạm”. Từ tháng 10/2017 đến tháng 10/2018, công cụ tìm kiếm Google cho biết đã đưa ra kết quả cho hơn sáu triệu lượt tìm kiếm cụm từ “hệ thống tín nhiệm xã hội Trung Quốc” bằng tiếng Anh. Số kết quả hiển thị cho cụm từ này rơi vào khoảng 160 triệu. Số liệu thống kê của Google Trends cũng cho thấy sự quan tâm trên phạm vi toàn thế giới với hệ thống hệ thống tín nhiệm xã hội Trung Quốc đã đạt đỉnh trong nhiều năm qua.
Nhưng ngược lại, thuật ngữ “hệ thống tín nhiệm xã hội Trung Quốc” bằng tiếng Trung, chỉ có 19,2 triệu kết quả hiện ra khi kiểm tra bằng Google. Google Trends cũng cho thấy ít người quan tâm tới thuật ngữ này bằng tiếng Trung so với tiếng Anh. Một phần nguyên nhân có thể bởi Google bị chặn ở Trung Quốc, nên người dùng nước này không thể tiếp cận. Nhưng thậm chí cả trên Baidu, công cụ tìm kiếm phổ biến nhất ở quốc gia này, cũng chỉ có 7,7 triệu kết quả cho các truy vấn về hệ thống tín nhiệm xã hội Trung Quốc. Trên Twitter, các đề tài về hệ thống tín nhiệm xã hội Trung Quốc thu hút sự chú ý và tương tác chỉ sau 5-10 phút. Còn trên Weibo, mạng xã hội tương tự Twitter, thậm chí có số người dùng lớn hơn, cần tối thiểu một tới 2 tiếng, các bài viết về chủ đề này mới được thảo luận. Thậm chí chúng không hề có lượt yêu thích hoặc bình luận. Các minh chứng trên nói lên một điều rằng trong khi cả thế giới đang xôn xao và tò mò về hệ thống tín nhiệm xã hội thì ở chính Trung Quốc, nơi hệ thống này đang được thử nghiệm, người dân lại không quá quan tâm.
Lý giải một phần cho thái độ “thờ ơ” này, chính là từ chính sách tuyên truyền và vận động khéo léo của chính quyền Trung Quốc. Nó tương phản hoàn toàn với cách mà các chủ đề được thảo luận trên báo chí hay mạng xã hội phương Tây. Trong khi báo chí quốc tế sử dụng các từ ngữ như “đáng sợ”, “ớn lạnh”, “rủi ro”, “đáng báo động” để mô tả và cảnh báo về hệ thống tín nhiệm xã hội Trung Quốc, truyền thông Trung Quốc lại dùng các tiêu đề với những từ ngữ như “tin cậy”, “hài hòa”, cùng với hình ảnh các quan chức đang họp trong các bài viết tuyên truyền.
Các nhà hoạt động nhân quyền nói rằng hệ thống này quá cứng nhắc và có thể trở nên không công bằng khi coi ai đó là không đáng tin mà không nói với họ rằng họ đã mất tín nhiệm xã hội, hoặc làm thế nào để họ có thể khôi phục tín nhiệm xã hội.
Ý đồ sâu sa
Viện chính sách quốc tế ASPI cho biết, hệ thống xếp hạng tín nhiệm xã hội của Trung Quốc, với mục đích theo dõi và định hướng hành vi của các doanh nghiệp và công dân tại nước này, đang vượt ra ngoài biên giới Trung Quốc để tác động đến các công ty nước ngoài theo hướng phù hợp với tiêu chí của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Báo cáo mới của chuyên gia nghiên cứu Samantha Hoffman, thuộc Viện chính sách quốc tế ASPI (Canberra) nhận định, hệ thống xếp hạng tín nhiệm xã hội của Trung Quốc có “tiềm năng can thiệp trực tiếp vào chủ quyền của các quốc gia khác”. Hofman dẫn chứng một động thái gần đây của chính quyền Trung Quốc khi ép các hãng hàng không quốc tế ở Mỹ và Australia sử dụng thuật ngữ ưu tiên của Bắc Kinh khi nhắc đến Đài Loan và Hồng Kông, như một phần lãnh thổ của nước này. Đây là một ví dụ điển hình chứng minh tác động của quy tắc hệ thống tín nhiệm xã hội lên các công ty nước ngoài. Bà giải thích: “Điểm tín nhiệm được sử dụng đặc biệt trong những trường hợp này để buộc các hãng hàng không quốc tế chấp nhận và tuân thủ theo phiên bản sự thật mà Đảng Cộng Sản Trung Quốc vẽ ra, qua đó trấn áp mọi quan điểm bất đồng về vấn đề lãnh thổ của Đài Loan”
Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc kiểm soát tất cả các doanh nghiệp thông qua mã ID của họ, mọi vi phạm sẽ được báo cáo lên Hệ thống thông tin tín nhiệm doanh nghiệp quốc gia của Trung Quốc. Hệ thống sau đó tiếp tục mở rộng kiểm soát các tổ chức phi lợi nhuận, công đoàn và các tổ chức xã hội sau ngày 30/6/2018. Điều này khiến các công ty không có lựa chọn nào khác ngoài việc tuân thủ nếu họ muốn tiếp tục kinh doanh tại Trung Quốc.
Hiện tại, hình phạt dành cho các công ty vi phạm là phạt tiền, điển hình là nhà bán lẻ Nhật Bản Muji, đã bị phạt 200.000 nhân dân tệ trong tháng 5/2018 do liệt kê Đài Loan như một quốc gia trên nhãn các sản phẩm bán tại Trung Quốc. Nguyên nhân được nêu ra là công ty này đã vi phạm luật quảng cáo của chính phủ Trung Quốc: gây thiệt hại “nhân phẩm hoặc lợi ích của nhà nước”. Bên cạnh đó, vi phạm cũng được ghi lại trên Hệ thống tín nhiệm doanh nghiệp quốc gia của Hệ thống tín nhiệm xã hội. Danh sách này có thể tạo tiền đề cho các hình phạt từ các cơ quan nhà nước khác.
Những kết quả ban đầu
Kể từ khi ra mắt các hình phạt như vậy, hệ thống này đã khiến 3,5 triệu người “tự nguyện thực hiện nghĩa vụ pháp lý của mình”, trung tâm thông tin cho biết. Trung tâm nói rằng việc “thực hiện nghĩa vụ pháp lý” này bao gồm 37 người đã trả tổng cộng 150 triệu nhân dân tệ (31,3 triệu đô la) qua các khoản phạt hoặc tịch thu quá hạn.
Đến tháng 2/2017, Toà án Nhân dân Tối cao của Trung Quốc tuyên bố rằng đã có 6,15 triệu công dân bị cấm tham gia các chuyến bay trong 4 năm qua vì những “hành động xấu” trên mạng xã hội. Ngoài ra, có 1,65 triệu người bị liệt vào danh sách đen không thể đi tàu hỏa. Lệnh cấm là một bước tiến tới lập danh sách đen trong Hệ thống điểm số tín nhiệm xã hội.
Những điều TQ nên làm nếu muốn
cùng ASEAN đạt được một COC đồng thuận, hiệu quả
Các nướcASEAN đang thúc đẩy một số điều khoản trong văn bản đàm phán của Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông(COC) giữa ASEAN và Trung Quốc, song phía Trung Quốc đã từ chối và đang tìm mọi cách để hướng lái những đến điều khoản do nước này đưa ra.
Để đạt được một COC đồng thuận, hiệu quả với ASEAN, Trung Quốc cần tôn trọng và thực thi nghiêm túc những điều sau:
Thứ nhất, Trung Quốc và các quốc gia phải làm rõ yêu sách trên biển của mình theo đúng quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Trung Quốc hiện đưa ra tuyên bố mập mờ thiếu căn cứ về chủ quyền đối với Biển Đông theo yêu sách “đường lưỡi bò” với những căn cứ thiếu xác thực và không theo quy định chung của UNCLOS, bản thân yêu sách “đường lưỡi bò” đã bị phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS hồi tháng 7/2016 bác bỏ hoàn toàn. Vì vậy, những yêu sách trên biển của Trung Quốc hiện nay là hoàn toàn trái với quy định của UNCLOS.
Thứ hai, Trung Quốc không được thành lập Khu vực nhân diện phòng không mới (ADIZ) ở Biển Đông. Dư luận các nước quan ngại việc Bắc Kinh tại một thời điểm nào đó trong tương lai sẽ thiết lập một ADIZ trên Biển Đông giống như những gì họ đã làm ở Biển Hoa Đông năm 2013. Mặt khác, Bắc Kinh đã tuyên bố rằng họ có quyền bảo vệ an ninh quốc gia bằng bất kỳ phương tiện nào, bao gồm thiết lập một ADIZ, để đối phó với các mức độ đe dọa mà Bắc Kinh phải đối mặt ở Biển Đông. Điều đó hàm ý Trung Quốc ngầm đe dọa rằng nếu Mỹ và đồng minh tăng cường các hành động quân sự, họ sẽ tuyên bố thành lập ADIZ. Chính từ việc không làm rõ yêu sách trên biển của mình theo đúng quy định của UNCLOS nên Trung Quốc đã tự cho mình có quyền thiết lập ADIZ ở Biển Đông khi nào họ muốn. Đây là điều hết sức phi lý và vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế, đi ngược lại với xu thế phát triển chung của khu vực.
Thứ ba, Trung Quốc phải hủy bỏ hai điều khoản do nước này đưa ra là các cuộc tập trận quân sự với các cường quốc bên ngoài ở Biển Đông sẽ không được phép diễn ra trừ khi tất cả các bên ký kết đồng ý và các thỏa thuận phát triển tài nguyên chung trên biển chỉ được dành cho Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á. Đây là hai nội dung mà hầu hết các nước ASEAN và các đối tác bên ngoài phản đối, bởi vì ý đồ chính của Trung Quốc là muốn ngăn chặn sự tham gia của các nước bên ngoài, điều này hoàn toàn phi lý vì thực tế Trung Quốc đã lợi dụng
khái niệm “gác tranh chấp cung khai thác” để lấn át, ép buộc các nước nhỏ, biến Biển Đông trở thành “ao nhà” của Trung Quốc. Biển Đông là tài nguyên chung của tất cả các nước, không một quốc gia nào có quyền kiểm soát và ngăn cản quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các nước khác theo UNCLOS.
Nhìn chung hiện nay, nếu xét tham vọng hàng hải và mong muốn kiểm soát thực tế Biển Đông của Trung Quốc, Việt Nam và các thành viên ASEAN có cùng mục tiêu chiến lược sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thương lượng với Trung Quốc. Đòn bẩy chính của họ trong cuộc đàm phán có lẽ là áp lực ngày càng tăng từ Mỹ và các đồng minh đối với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Nhưng trong khi Trung Quốc có thể cân nhắc những áp lực này một cách nghiêm túc và làm mềm cách tiếp cận đối với tranh chấp trong tương lai, thì một khả năng cao hơn là Trung Quốc sẽ bật lại những áp lực này và lựa chọn lập trường cứng rắn hơn, nhất là tại một thời điểm khi giới lãnh đạo Trung Quốc cần cho người dân trong nước thấy rằng Trung Quốc sẽ đứng vững và kiên quyết chống lại áp lực của Mỹ trong cuộc đối đầu ngày một gia tăng giữa hai nước.
Giới quan sát quân sự: TQ có thể
sẽ hạ thuỷ tàu sân bay tiếp theo vào năm 2023
Theo những hình ảnh mới nhất tại Nhà máy Đóng tàu Giang Nam Thượng Hải, một trong những nhà máy đóng tàu lâu đời và lớn bậc nhất của Trung Quốc vừa được báo chí tiết lộ, dường như Trung Quốc đang xúc tiến kế hoạch đóng thêm tàu sân bay và có thể sẽ hạ thuỷ tàu sân bay tiếp theo vào năm 2023.
Giới quan sát quân sự khu vực nhận định với tốc độ đóng tàu sân bay hiện tại của Trung Quốc, nước này có thể sẽ hạ thuỷ tàu sân bay tiếp theo vào năm 2023 khi quá trình đóng mới đang chuẩn bị được bắt đầu. Những hình ảnh mới nhất tại Nhà máy Đóng tàu Giang Nam Thượng Hải, một trong những nhà máy đóng tàu lâu đời và lớn bậc nhất của Trung Quốc được báo chí tiết lộ cho thấy, một loạt trang thiết bị hạng nặng bao gồm cần cẩu và đường trượt cho một con tàu siêu lớn dường như đã hoàn thiện xong. Ngoài ra, cảng đóng tàu này còn có sự xuất hiện của hai khu trục hạm Trung Quốc, có vẻ như được sử dụng để thăm dò vùng biển trong khu vực cảng trước khi tàu sân bay được đặt lườn.
Mặc dù chưa hề được quân đội Trung Quốc xác nhận. Tuy nhiên theo giới nghiên cứu, rất có thể tàu sân bay tiếp theo của Trung Quốc sẽ có thiết kế hiện đại như tàu sân bay Mỹ và gần như chắc chắn sẽ sử dụng động cơ hạt nhân. Tàu sẽ có đường băng cất cánh thẳng và không cần cầu nhảy. Điều này đồng nghĩa với việc tốc độ triển khai và thu hồi máy bay có thể nhanh gấp đôi so với cách thức triển khai bằng cầu nhảy trên các tàu sân bay hiện tại của Trung Quốc. Bắt đầu từ năm 2018, các báo cáo về việc Trung Quốc chuẩn bị cho việc đóng mới thêm một tàu sân bay nữa đã xuất hiện trên nhiều phương tiện truyền thông. Theo chính thông tin đồn đoán được các phương tiện truyền thông Trung Quốc đăng tải, có thể tới năm 2025 nước này sẽ có thêm tàu sân bay tiếp theo trong biên chế.
Hiện tại, Hải quân Trung Quốc đang có hai tàu sân bay trong tay nhưng chỉ một chiếc mới nhất có khả năng thực chiến, chiếc đầu tiên là Liêu Ninh thực tế không được sử dụng trong chiến đấu mà chỉ là tàu sân bay huấn luyện. Chiếc thứ hai Type-001A đang trong quá trình thử nghiệm. Các chuyên gia quân sự Trung Quốc cho biết nước này sẽ chế tạo 4 tàu sân bay hạt nhân vào năm 2035 để đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa và mở rộng sức mạnh. Các nhà phân tích nói phần cứng thiết bị của Hải quân Trung Quốc có thể gần tương đương các siêu cường hàng đầu thế giới về công nghệ siêu hàng không mẫu hạm, sau nhiều thập niên cố gắng thu hẹp khoảng cách, nhưng vẫn tụt hậu so với Mỹ.
Bắc Kinh rất muốn mở rộng các nhóm tác chiến tàu sân bay để hiện thực hóa tham vọng hải quân toàn cầu và bảo vệ lợi ích đang tăng ở nước ngoài. Type-002, tàu sân bay thông thường tiếp theo của Trung Quốc, chiếc đầu tiên được trang bị máy phóng điện từ, bắt đầu được đóng vào năm 2018. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ đạo cho quân đội hoàn thành quá trình hiện đại hóa vào năm 2035 và trở thành lực lượng chiến đấu hàng đầu thế giới vào năm 2050.
TQ bị lên án vì ‘đe dọa’ các đoàn tham dự
phiên họp tại Hội đồng Nhân quyền LHQ
Các nhà ngoại giao và giới hoạt động hôm 2/4 tố cáo Trung Quốc vận động hành lang, gây áp lực và thậm chí, ‘đe dọa’ nhằm dập tắt chỉ trích đối với Bắc Kinh trong phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hồi tháng trước, theo AFP.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) tố cáo phái bộ Trung Quốc tại Geneva là đã gửi thư cho một số phái đoàn, kêu gọi họ đừng tới dự một sự kiện do Mỹ tổ chức vào ngày 13/3 với nội dung xoay quanh cách đối xử của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác ở tỉnh Tân Cương.
AFP đã được xem qua bức thư có chữ ký của Đại sứ Trung Quốc Mã Triêu Húc. Thư kêu gọi các nước “đừng đồng bảo trợ, tham gia hoặc có mặt tại sự kiện bên lề này… vì lợi ích của mối quan hệ song phương với Trung Quốc, và để tiếp tục những hợp tác đa phương”.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền mạnh mẽ chỉ trích những “lời đe dọa” này. Giám đốc HRW ở Geneva, John Fisher, nói rằng làn sóng phản đối của cộng đồng quốc tế về cách Trung Quốc đối xử với các nhóm thiểu số Hồi giáo đã “dồn Trung Quốc vào trạng thái hoảng loạn”.
Trong một tuyên bố, ông Fisher nói rằng các quan chức Trung Quốc đang “gây áp lực công khai cũng như trong vòng riêng tư để ngăn chặn hành động có phối hợp của quốc tế”.
Phái đoàn Trung Quốc chưa trả lời yêu cầu của AFP xin xác nhận thông tin, và bình luận.
Tuy nhiên, nhiều nhà ngoại giao xác nhận với AFP rằng phái đoàn của họ đã nhận được bức thư trong những ngày dẫn tới sự kiện.
Sự kiện diễn ra bên lề phiên họp kéo dài ba tuần của Hội đồng Nhân quyền, với nội dung tập trung vào những cáo buộc rằng có tới một triệu người Duy Ngô Nhĩ và thành viên của các nhóm thiểu số khác – đa số là người Hồi giáo Turk- đang bị cầm giữ tại những trại giam ở Tân Cương.
Trong khi đó, Trung Quốc một mực khẳng định rằng người Duy Ngô Nhĩ và những người thuộc các nhóm thiểu số khác chỉ được đưa vào các “trường đào tạo” huấn nghiệp mà thôi. TQ nói các trường này được lập ra như một biện pháp để chống lại phong trào cực đoan hóa.
Tập Cận Bình: ‘Chỉ có chủ nghĩa xã hội
mới cứu được Trung Quốc’
Các quốc gia phương Tây phát triển có những lợi thế lâu dài về kinh tế, kỹ thuật và quân sự so với Trung Quốc và Đảng Cộng sản phải nhận thức rằng một số người sẽ sử dụng những điểm mạnh của phương Tây để chỉ trích những thất bại của chủ nghĩa xã hội, theo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Kể từ khi lên nắm cách đây hơn 6 năm, ông Tập đã tăng cường các nỗ lực để đảm bảo sự trung thành tuyệt đối đối với Đảng Cộng sản và kỷ luật của đảng. Ông phát động một chiến dịch truy quét tham nhũng, cảnh cáo rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ tồn vong.
Năm nay được đánh dấu bằng một loạt các sự kiện có tính cách nhạy cảm, kể cả kỷ niệm 30 năm kể từ sau vụ đàn áp đẫm máu chống những người biểu tình đòi dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn. Năm nay Trung Quốc cũng chứng kiến sự gia tăng của những lời kêu gọi phải trung thành với Đảng Cộng sản.
Hôm 1/4, tạp chí Cầu Thị (Qiushi- có nghĩa là Tìm sự thật), tạp chí lý luận hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, lần đầu tiên công bố những trích đoạn dài từ một bài phát biểu của ông Tập hồi đầu năm 2013, ngay sau khi ông lên lãnh đạo Đảng, trong đó ông cảnh báo về những nguy cơ mà đảng Cộng sản Trung Quốc đang phải đối mặt.
Trích dẫn những nhà tư tưởng cộng sản như Marx và Engels, ông Tập nói chủ nghĩa xã hội chắc chắn sẽ đánh bại chủ nghĩa tư bản nhưng đây sẽ là một quá trình lịch sử lâu dài. Trung Quốc đang thực hiện “chủ nghĩa xã hội với các đặc tính Trung Quốc”.
Ông Tập cho rằng Trung Quốc phải “đánh giá đầy đủ thực tế khách quan của các thế mạnh lâu dài mà các quốc gia phát triển phương Tây đang có trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học và quân sự, và người Trung Quốc phải chủ ý chuẩn bị cho tất cả các khía cạnh của sự hợp tác lâu dài trong khi có sự giằng co giữa hai hệ thống xã hội”.
Theo chủ tịch Trung Quốc, Đảng Cộng sản cần phải “đối mặt với thực tế rằng một số người sẽ so sánh các mặt tốt của các nước phát triển phương Tây với những yếu kém trong tiến trình phát triển xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc và sẽ lên tiếng chỉ trích về chủ nghĩa xã hội.”
Ông Tập nhận định mặc dù đảng đã phạm phải những “sai lầm lớn” như Cuộc Cách mạng Văn hóa, khi mà con cái đấu tố cha mẹ, và học sinh đả kích thầy/cô giáo sau khi Mao Trạch Đông phát động chiến tranh giai cấp, nhưng lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc “nói chung là rực rỡ”.
Chủ tịch nước Trung Quốc nói thêm rằng những người chỉ trích cuộc cách mạng đã đưa Đảng Cộng sản lên cầm quyền vào năm 1949 – chỉ đơn giản là tìm cách kích động để lật đổ đảng.
Ông Tập cho rằng Trung Quốc cần tiếp tục với những cải cách kinh tế lịch sử đã bắt đầu từ năm 1978, ông nói rằng nếu không có những cải cách đó, thì Đảng Cộng sản Trung Quốc có lẽ đã sụp đổ.
Ông Tập nói Đảng Cộng sản Trung Quốc lúc đó “thậm chí có thể đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, như sự cáo chung của đảng cộng sản và sự suy tàn của đất nước là điều mà Liên bang Xô Viết và các nước Đông Âu đã gặp phải.”
Theo ông Tập, Trung Quốc đã chứng minh rằng những kẻ tiêu cực, chỉ trích Trung Quốc, đã sai.
Ông khẳng định: “Cả lịch sử lẫn thực tế đều cho chúng ta thấy rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có thể cứu vãn Trung Quốc. Chỉ có chủ nghĩa xã hội với những đặc tính Trung Quốc có thể giúp Trung Quốc phát triển. Đây là kết luận của lịch sử và sự lựa chọn của nhân dân.”
Dự luật ở Singapore yêu cầu mạng xã hội
đăng ‘cải chính’ bên cạnh tin giả
Singapore đã đệ trình luật tin tức giả tạo mới trong nghị viện vào ngày thứ Hai yêu cầu mạng xã hội phải kèm theo cảnh báo trên những nội dung đăng tải mà họ xác định là sai lạc và xóa những bình luận chống lại “lợi ích công cộng.”
Bước đi này được đưa ra hai ngày sau khi người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg nói rằng các chính phủ nên đóng vai trò tích cực hơn trong việc quản lí nền tảng trực tuyến này.
Singapore vẫn được điều hành bởi cùng một đảng chính trị kể từ khi giành độc lập khỏi Anh hơn 50 năm trước. Nước này nói rằng họ dễ bị ảnh hưởng bởi tin giả vì vị thế của mình là một trung tâm tài chính toàn cầu, với sự hòa trộn của nhiều sắc dân và tôn giáo và việc truy cập internet rộng rãi.
Dự luật mới đề xuất chính phủ có thẩm quyền yêu cầu các nền tảng trực tuyến đăng các cảnh báo hoặc các “cải chính” bên cạnh các nội dung chứa thông tin sai lạc mà không cần xóa chúng.
Bộ trưởng Luật pháp Singapore K. Shanmugam nói việc này sẽ cho phép người dân đọc bất cứ thứ gì họ muốn và tự mình quyết định.
Theo các đề xuất, các biện pháp trừng phạt hình sự sẽ chỉ được áp dụng nếu thông tin sai lạc được lan truyền bởi “các tác nhân xấu xa” tìm cách “phá hoại xã hội,” bộ trưởng nói.
Bộ trưởng nói thêm rằng họ sẽ cắt đứt “khả năng thu lợi nhuận” của một website trực tuyến mà không đóng nó, nếu đăng ba “điều sai trái” “chống lại lợi ích công cộng” trong khoảng thời gian sáu tháng trước.
Bộ không nói sẽ cắt đứt dòng lợi nhuận của website đó ra sao.
Dự luật được đưa ra trong bối cảnh có những bàn luận về một cuộc tổng tuyển cử trong năm nay. Bộ trưởng Luật pháp Shanmugam từ chối bình luận khi được hỏi liệu luật mới có liên quan đến cuộc bầu cử hay không, Reuters cho biết.
Facebook, đặt trụ sở Châu Á-Thái Bình Dương tại Singapore và gần đây đã tiết lộ kế hoạch đầu tư 1 tỉ đôla vào trung tâm dữ liệu Châu Á đầu tiên của mình ở nước này, trước đây đã tranh cãi với chính phủ về tin giả.
Nhưng đại công ty công nghệ này tuyên bố vào tháng 1 rằng họ cũng sẽ thành lập một trung tâm hoạt động khu vực mới tập trung vào việc giám sát các nội dung liên quan đến bầu cử trong các văn phòng ở Singapore.