Tin khắp nơi – 31/03/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 31/03/2019

TT Trump cắt viện trợ cho các nước Trung Mỹ

Chính phủ Mỹ hôm 30/3 đã cắt viện trợ cho các nước El Salvador, Guatemala và Honduras sau khi Tổng thống Donald Trump lên án các nước Trung Mỹ đưa di dân tới Mỹ và đe dọa đóng cửa biên giới Hoa Kỳ và Mexico.

Trong những ngày qua, theo Reuters, con số người xin tị nạn từ ba trước trên tìm cách vào Mỹ từ biên giới phía nam đã gia tăng.

Tổng thống Trump hôm 29/3 cáo buộc các nước này “lập” các đoàn xe chở di dân và đưa tới phía bắc.

Ông Trump cũng nói rằng “rất có khả năng” là ông sẽ đóng cửa biên giới nếu Mexico không ngưng các di dân tiếp cận Mỹ.

XEM THÊM:

Di dân tăng, Trump dọa đóng biên giới với Mexico

Theo Reuters, những người thường xuyên băng qua biên giới như các công nhân và sinh viên lo ngại bước đi như vậy có thể tác động tới cuộc sống của họ.

Tại một cuộc vận động ở El Paso, Texas, ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, ông Beto O’Rourke, lên án các chính sách di dân của ông Trump là loại chính trị gây “lo sợ và chia rẽ”.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong một thông cáo rằng Bộ này đã và đang thực thi chỉ thị của ông Trump bằng cách chấm dứt các chương trình viện trợ cho ba quốc gia Trung Mỹ còn được biết tới với tên gọi Tam giác phía Bắc.

https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-c%E1%BA%AFt-vi%E1%BB%87n-tr%E1%BB%A3-cho-c%C3%A1c-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-trung-m%E1%BB%B9/4855696.html

 

‘Chán nản’ vì TT Trump cắt viện trợ Trung Mỹ

Các chính trị gia đối lập và các tổ chức viện trợ đặt câu hỏi về quyết định cắt viện trợ cho ba quốc gia Trung Mỹ của Tổng thống Trump.

Ông Trump ra lệnh ngừng các khoản viện trợ cho El Salvador, Guatemala và Honduras để ép chính phủ các nước này chặn dòng người nhập cư vào Mỹ.

Những ý kiến chỉ trích nói quyết định này sẽ làm ảnh hưởng tới các chương trình hiện có nhằm thuyết phục người dân ở lại nước họ.

Người Mỹ gốc Latinh và bức tường của Trump

TT Trump cắt viện trợ Mỹ vì khủng hoảng nhập cư

Mỹ: 1.800 trẻ nhập cư đoàn tụ với cha mẹ

Quốc hội Mỹ có thể tìm cách chặn không cho nguồn tiền viện trợ này được sử dụng cho mục đích khác.

Các quan chức Mỹ nói hệ thống xuất nhập cảnh tại biên giới với Mexico đang hoạt động ở mức quá tải nhưng chính quyền Mỹ vẫn muốn tăng số người xin tỵ nạn được trả về bên kia biên giới lên gấp 5 lần – từ 60 lên 300 người/ngày.

Số người tỵ nạn chạy trốn khỏi bạo lực ở El Salvador, Honduras và Guatemala đang tăng rất mạnh. Ba quốc gia này là nơi xuất thân của phần lớn người nhập cư ở biên giới phía Nam nước Mỹ.

Tổng thống Trump nói ông có thể sẽ đóng cửa biên giới nếu Mexico không làm nhiều hơn để chặn dòng người nhập cư qua biên giới vào Mỹ.

Khoản viện trợ bị cắt lớn bao nhiêu?

“Chúng tôi đang thực hiện chỉ thị của Tổng thống và chấm dứt chương trình viện trợ nước ngoài năm tài khóa 2017 và 2018 cho vùng Tam giác Bắc,” một người phát ngôn bộ ngoại giao Mỹ được hãng tin Reuters dẫn lời. Người này từ chối cung cấp thêm chi tiết.

Theo tờ the Washington Post, khoản tiền có nguy cơ bị cắt là gần 500 triệu USD năm 2018 cộng với hàng triệu tiền còn lại từ năm tài khóa trước. Một nguồn của Reuters ước tính tổng số tiền vào khoảng 700 triệu USD.

Năm 2018, Guatemala nhận 248 triệu USD trong khi Honduras nhận 175 triệu USD và El Salvador nhận 115 triệu.

“Tôi đã chấm dứt các khoản tiền trả cho Guatemala, Honduras và El Salvador,” ông Trump nói với báo giới hôm thứ sáu ngày 29/3.

“Không có tiền nào tới các nơi đó nữa… Chúng ta đã trả họ những khoản tiền rất lớn và chúng ta không trả họ nữa vì họ chưa làm gì cho chúng ta cả.”

Mexico đòi Madrid xin lỗi vì ‘thảm sát 500 năm trước’

Mỹ: Người chuyển giới sẽ không được nhập ngũ

Cắt viện trợ có tác động gì?

Những người ủng hộ viện trợ tranh luận rằng cách tốt nhất để ngăn nhập cư từ khu vực này là thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm bớt bạo lực, và rằng còn quá sớm để đánh giá tác động của các khoản viện trợ, từng được tăng năm 2016 dưới thời Tổng thống Barack Obama.

Cắt viện trợ là “tự bắn vào chân mình,” bà Adriana Beltrán, giám đốc an ninh công dân tại văn phòng Washington của nhóm nghiên cứu nhân quyền Mỹ Latinh, được tờ the New York Times dẫn lời.

“Có những thách thức dài hạn mà sẽ cần một giải pháp bền vững dài hạn,” bà nói thêm.

“Chúng ta có thể bàn về cách làm sao chúng ta đảm bảo rằng viện trợ là có hiệu quả, rằng viện trợ sẽ không hỗ trợ cho các chính phủ tham nhũng.”

Một nhóm nghị sỹ Dân chủ đang đi thăm El Salvador lên án động thái của ông Trump trong một thông cáo chung, nói rằng cách làm của ông Trump là “hoàn toàn phản tác dụng”.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-47765189

 

Mỹ thành lập Ủy ban chống lại mối nguy hiểm từ TQ

Chính quyền Trung Quốc tạo ra một mối đe dọa hiện hữu đối với Mỹ và thế giới. Để đối phó, cần có các biện pháp quốc phòng, kinh tế và chính trị mạnh mẽ hơn. Do đó, một Ủy ban mới được thành lập, bao gồm các cựu quan chức và chuyên gia hàng đầu của Mỹ, theo tờ Freebeacon.

Các cựu quan chức chính phủ, quân đội và tình báo cùng các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ và những người ủng hộ nhân quyền trong một hội nghị vào hôm 25/3 đã đồng ý thành lập một ủy ban, tạm dịch là “Ủy ban chống lại mối nguy hiểm hiện tại: Trung Quốc” (The Committee on the Present Danger: China), để tư vấn chiến lược cho chính phủ Mỹ.

Trong một tuyên bố, các đại biểu tham dư hội nghị đã thống nhất xác định chính quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc chính là lực lượng ‘nguy hiểm nhất’, đe dọa an ninh của Mỹ và thế giới trong bối cảnh hiện nay.

Ủy ban mới này được xây dựng mô phỏng theo một ủy ban cùng tên, được thành lập lần đầu tiên vào những năm 1950, để hỗ trợ các chính sách an ninh quốc gia của Tổng thống Harry Truman, nhằm đối phó với mối “nguy hiểm hiện tại” do Liên Xô lúc đó gây ra.

Có 43 người tham gia Ủy ban, trong đó có những cựu quan chức cao cấp của các chính quyền tiền nhiệm của Mỹ như cựu Giám đốc CIA R. James Woolsey, cựu Bộ trưởng Giáo dục William Bennett, cựu Thứ trưởng Quốc phòng đặc trách Tình báo, Trung tướng Gerald Boykin, và cựu hạ nghị sĩ Frank Wolf.

Một trong những hành động đầu tiên của Ủy ban là đưa ra một tuyên bố, cảnh báo về thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung, được cho là sắp sửa ký kết.

“Thỏa thuận thương mại mà chính quyền Trump hiện đang đàm phán với Trung Quốc, dự kiến sẽ xóa bỏ thói quen lâu đời của Đảng Cộng sản [Trung Quốc] là ăn cắp tài sản trí tuệ của Mỹ. Vẫn còn phải theo dõi xem liệu Trung Quốc có tôn trọng các cam kết mới chấm dứt tình trạng đó hay không, bởi vì họ đã không hề thực hiện các cam kết trước đó”, bản tuyên bố nêu rõ.

Ông Frank Gaffney, phó chủ tịch Ủy ban, nhận định rằng ngay cả khi Mỹ-Trung đạt được thỏa thuận thương mại và Trung Quốc tôn trọng các cam kết của mình thì “chúng ta vẫn sẽ phải đối mặt với một thế giới bị tổn thương trong tay họ”.

Ông Frank Gaffney, Phó chủ tịch Ủy ban chống lại mối nguy hiểm hiện tại: Trung Quốc. (Ảnh: Youtube)

Chủ tịch Ủy ban, Brian Kennedy, cho biết đây là một nhóm chuyên gia độc lập, phi đảng phái, chủ trương liên hệ và thông báo cho các nhà hoạch định chính sách công và chính phủ Mỹ, về mối đe dọa từ Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Theo ông Kennedy, mối đe dọa này được thể hiện qua việc Bắc Kinh không ngừng tăng cường đầu tư phát triển quân sự, thực hiện các chiến dịch tuyên truyền, dùng các thủ đoạn chính trị nhắm vào người

dân, giới kinh doanh, giới chính trị và giới truyền thông, cũng như thực hiện các cuộc tấn công mạng và chiến tranh kinh tế hướng vào nước Mỹ.

“Ủy ban không hoạt động dựa trên quan điểm ý thức hệ nào. Thay vào đó, sẽ dựa trên những dữ liệu thực tế mà những người bình thường có thể hiểu được. Bằng những dữ liệu thực tế này, Ủy ban tin rằng người dân Mỹ, với cách đánh giá của mình, sẽ yêu cầu các quan chức được họ bầu, cần sử dụng tất cả những biện pháp hợp lý, để bảo vệ nước Mỹ, bảo vệ lợi ích kinh tế của họ, và an toàn cho người Mỹ”.

Vì sao người Mỹ sẽ không bỏ phiếu cho một tổng thống vô thần

Ông Woolsey, cựu giám đốc CIA trong chính quyền Bill Clinton, cho rằng Trung Quốc đang tìm cách đánh bại Mỹ theo binh pháp Tôn Tử, mà không phải tham gia vào một cuộc xung đột lớn.

“Chúng ta phải có khả năng loại bỏ ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Internet của chúng ta”, ông Woolsey nói, lưu ý về việc Bắc Kinh muốn thông qua Huawei và các hãng công nghệ khác của mình để kiểm soát mạng 5G của nước Mỹ.

Ông Boykin, một quan chức tình báo trong chính quyền George W. Bush, đánh giá rằng mối đe dọa từ tình báo Trung Quốc đã gia tăng nhanh chóng, và thông qua các cuộc tấn công mạng họ đã đánh cắp hoặc chiếm hữu được một lượng lớn công nghệ tiên tiến của Mỹ.

Chiến lược của Đảng Cộng sản Trung Quốc chống lại Mỹ đã được phác thảo trong một cuốn sách có tên “Chiến tranh không giới hạn”, xuất bản năm 1999, với các tác giả là 2 quan chức quân sự cấp cao của Trung Quốc. Cuốn sách kêu gọi sử dụng tất cả các hình thức chiến tranh, gồm quân sự, ngoại giao, kinh tế, tài chính và thậm chí là khủng bố, để chiến thắng.

Cuốn sách “đã vạch ra lộ trình không thay đổi về cách mà họ có ý định giành quyền kiểm soát nước Mỹ, và họ đang trong quá trình thực hiện mọi thứ mà họ muốn”, ông Boykin lưu ý.

Ông Boykin nói thông tin phản gián mà ông nhận được ở Lầu Năm Góc, đã tiết lộ rằng các cơ quan tình báo Trung Quốc đã cài gián điệp ở khắp mọi nơi trong nước Mỹ.

“Mọi trường đại học ở Mỹ đều bị xâm nhập [bởi các đặc vụ Trung Quốc]. Mọi công ty công nghệ cao ở Mỹ đều bị thâm nhập bởi các nhân viên tình báo, ngay cả tập đoàn intel cũng bị xâm nhập”, ông Boykin lưu ý.

Các nhà nghiên cứu của họ đang tập trung vào việc làm sao để có được công nghệ Mỹ. Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm làm suy yếu nước Mỹ là “rất tinh vi”, trung tướng ba sao của Lực lượng đặc nhiệm đã nghỉ hưu Boykin nhận định.

Theo cựu chuyên gia về chính sách hạt nhân của Lầu Năm Góc, ông Mark Schneider, Trung Quốc đang nhanh chóng hiện đại hóa  kho vũ khí hạt nhân của mình, với các tên lửa, máy bay ném bom và tàu ngầm mới.

Vũ khí hạt nhân của Trung Quốc được chế tạo và lưu giữ trong một tổ hợp đường hầm khổng lồ dài 3.000 dặm, được mệnh danh là Bức tường ngầm vĩ đại, với số lượng đầu đạn thực tế trong kho vũ khí là không rõ.

Ông Schneider cho rằng “bất cứ ai nói rằng họ biết Trung Quốc có bao nhiêu đầu đạn hạt nhân, thì đó hoặc là một kẻ ngốc hoặc là một kẻ nói dối”.

Ông Lianchao Han, một cựu chuyên viên làm việc ở Thượng viện nói rằng Trung Quốc đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với Mỹ nhưng nhiều người Mỹ không hề hay biết về mối nguy hiểm này.

“Nhiều người vẫn đang tiếp tục thúc đẩy các chính sách về Trung Quốc bị thất bại [trước đây]. Vì vậy, nhiệm vụ của chúng tôi là cung cấp thông tin, định hướng cho công chúng Mỹ và những nhà hoạt định chính sách rằng bản chất [của Đảng cộng sản Trung Quốc] thực sự là gì, họ dự định làm gì và tại sao họ lại nguy hiểm như vậy”, ông Han nói.

Còn ông Nagle, một cựu phi công và là thành viên của ủy ban chống lại mối ‘nguy hiểm hiện tại’ được thành lập vào hồi những năm 1970, cho rằng “mối đe dọa đó là kế hoạch của Trung Quốc cộng sản, nhằm thống trị Mỹ và cuối cùng là toàn bộ thế giới”.

Tuyên bố thành lập của Ủy ban nhấn mạnh: “Giống như Liên Xô trước đây, Trung Quốc đại diện cho một mối đe dọa, mang tính tồn tại về ý thức hệ đối với Mỹ, và ý tưởng về tự do, một đòi hỏi đặt ra là Mỹ phải có một sự đồng thuận mới về các chính sách và ưu tiên cần thiết để đánh bại mối đe dọa này”.

http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/27206-my-thanh-lap-uy-ban-chong-lai-moi-nguy-hiem-tu-tq.html

 

Ngoại trưởng Mỹ nói nhà lãnh đạo Kim Jong-un

‘muốn Triều Tiên có tương lai’

Ông Mike Pompeo cho hay Mỹ muốn quá trình giải giới hạt nhân của CHDCND có tiến triển, đồng thời hy vọng lãnh đạo 2 bên sẽ sớm gặp nhau trong cuộc gặp thượng đỉnh lần 3.

Hãng Yonhap ngày 29.3 dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết ông hy vọng Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un của Triều Tiên có thể tiếp tục gặp gỡ lần 3 để thúc đẩy các thỏa thuận.

“Tôi hy vọng sẽ có lần tiếp theo trước khi quá lâu. Vấn đề là liệu chúng tôi có thể thuyết phục Chủ tịch Kim rằng đó là định hướng chiến lược đúng đắn cho ông ấy và đất nước hay không”, ông Pompeo phát biểu.

Ngoại trưởng Mỹ cũng chia sẻ ấn tượng của ông về nhà lãnh đạo Triều Tiên mà ông gặp lần đầu khi đến Bình Nhưỡng vào tháng 4.2018.

“Ông ấy cũng biết rằng mình còn trẻ và muốn Triều Tiên có tương lai. Do đó khi gặp gỡ, ông ấy thể hiện mong muốn vì một hướng phát triển lâu dài cho Triều Tiên”, theo ông Pompeo.

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Palladino cho biết Washington muốn quá trình giải giới hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên có tiến triển. Ông Palladino đưa ra thông tin trên khi trả lời câu hỏi của phóng viên về việc vì sao Ngoại trưởng Pompeo nhiều lần không chỉ trích Chủ tịch Kim về cái chết của sinh viên Mỹ Otto Warmbier vào năm 2017.

Cũng trong ngày 29.3, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres khẳng định sẽ ủng hộ nỗ lực của Hàn Quốc trong việc thúc đẩy giải giới hạt nhân vì hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.

Dự kiến Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ đến Washington để gặp người đồng cấp Mỹ vào ngày 11.4 để bàn về liên minh giữa 2 bên và phối hợp vì hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa 2 nhà lãnh đạo sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2 tại Hà Nội.

http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/27204-ngoai-truong-my-noi-nha-lanh-dao-kim-jong-un-muon-trieu-tien-co-tuong-lai.html

 

Quan tòa ngăn chặn quyết định cho thuê đất

khai thác dầu mỏ của Tổng thống Trump

Anchorage, Alaska – Theo tin từ Reuters, một quan tòa liên bang ở Alaska vừa ngăn cản nỗ lực của Tổng thống Trump trong việc mở rộng khu vực cho thuê nhằm khai thác dầu khí ở Bắc Cực và biển Atlantic.

Hôm thứ Sáu (29 tháng 3), quan toà Sharon Gleason đưa ra phán quyết duy trì các chính sách của cựu Tổng thống Barack Obama, rằng vùng biển Bắc Cực Chukchi không được dùng để cho thuê khai thác dầu mỏ. Theo đó, quan tòa Gleason tuyên bố hành động của Tổng thống Trump là bất hợp pháp cũng như vi phạm đạo luật Outer Continental Shelf Lands Act. Bà Gleason cho biết chiếu theo điều luật này, các tổng thống có quyền cắt giảm các khu vực trong chương trình cho thuê khai thác dầu khí quốc gia, nhưng chỉ Quốc hội mới có quyền bổ sung các khu vực mới vào chương trình này. Do đó, quan tòa Gleason tuyên bố luật cấm cho thuê của cựu Tổng thống Obama vẫn có hiệu lực, cho đến khi bị Quốc hội bãi bỏ.

Theo Reuters, Tổng thống Trump bắt đầu chuyển hướng phát triểu khai thác dầu mỏ tại vùng biển Bắc Cực và biển Atlantic, sau khi đưa ra sắc lệnh năm 2017 thuộc khuôn khổ chương trình nghị sự hướng đến mục tiêu “thống trị năng lượng.” Đây là một trong hàng loạt sắc lệnh phá vỡ các sáng kiến về môi trường và biến đổi khí hậu của chính quyền cựu Tổng thống Obama. Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Trump cũng đề nghị khởi động chương trình mở rộng cho thuê đất khai thác dầu mỏ ngoài khơi trong năm nay. Theo đó, chương trình này kéo dài năm năm, bao gồm hai dự án cho thuê khu vực khai thác dầu mỏ trong vòng một năm ở biển Bắc Cực, và ít nhất hai dự án cho thuê kéo dài một năm ở biển Atlantic.

Trong phiên xét xử tách biệt khác diễn ra hôm thứ Sáu, quan tòa Gleason cũng ngăn chặn kế hoạch xây đường bắt ngang qua vùng đất ngập nước ở khu bảo tồn động vật hoang dã quốc gia Alaska. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/quan-toa-ngan-chan-quyet-dinh-cho-thue-dat-khai-thac-dau-mo-cua-tong-thong-trump/

 

Cựu phó tổng thống Mỹ

‘chưa từng hành động không đúng mực’

Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 31/3 tuyên bố rằng ông tin là ông chưa từng có hành động không đúng mực sau khi một nhà hoạt động nữ cáo buộc rằng ông đã khiến bà cảm thấy không thoải mái khi hôn bà tại một sự kiện năm 2014.

Ông Biden nói rằng “nhiều năm trong chiến dịch vận động tranh cử và trong cuộc đời công chức, tôi đã rất nhiều lần bắt tay, ôm hôn, bày tỏ tình cảm”, nhưng ông tin rằng ông “chưa một lần, chưa từng, hành động không đúng mực”, theo Reuters.

“Nếu có gợi ý tôi đã làm vậy, tôi sẽ tôn trọng lắng nghe. Nhưng tôi không bao giờ cố ý làm vậy”, ông Biden nói.

XEM THÊM:

Các ứng cử viên đảng Dân chủ Mỹ chuẩn bị cho tranh cử năm 2020

Ông Biden cho biết rằng ông không nhớ tới vụ việc xảy ra năm 2014.

Theo Reuters, lời cáo buộc được đưa ra trong một bài viết đăng trên mạng hôm 29/3 bởi bà Lucy Flores, một nhà hoạt động đảng phái từng chạy đua để trở thành phó thống đốc bang Nevada.

Bà Flores nói rằng ông Biden cũng chạm vào hai vai bà và ngửi tóc bà khi họ cùng xuất hiện tại một sự kiện, khiến bà cảm thấy không thoải mái.

Ông Biden làm phó tổng thống 8 năm dưới chính quyền của Tổng thống Barack Obama và 36 năm tại Thượng viện Mỹ.

Reuters đưa tin rằng cựu quan chức Mỹ chưa tuyên bố có ra tranh cử tổng thống Mỹ năm 2020 hay không, nhưng dự kiến sẽ sớm ra thông báo.

https://www.voatiengviet.com/a/c%E1%BB%B1u-ph%C3%B3-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-m%E1%BB%B9-n%C3%B3i-ch%C6%B0a-t%E1%BB%ABng-h%C3%A0nh-%C4%91%E1%BB%99ng-kh%C3%B4ng-%C4%91%C3%BAng-m%E1%BB%B1c/4855750.html

 

Liên Hiệp Quốc : Lào nợ nhiều,

dân đói vì theo con đường tơ lụa

Tú Anh

Chiến lược phát triển kinh tế của chế độ Xã hội Chủ nghĩa Lào phục vụ một thiểu số đặc quyền lợi trong khi thành phần dân chúng còn lại nghèo đi. Trên đây là nhận định của đặc sứ Liên Hiệp Quốc về nhân quyền và nạn nghèo khó Philip Alston. Vientiane được khuyến cáo nên bớt tập trung vào dự án “con đường tơ lụa ” của Trung Quốc để lo cho trẻ con và dân nghèo.

Những đập thủy điện khổng lồ, những tài nguyên thiên nhiên nhượng cho Trung Quốc khai thác trong dự án “con đường tơ lụa mới” chỉ tạo rất ít công ăn việc làm nhưng làm cho đất nước mang nợ chất chồng. Trên đây là nhận định của đặc sứ Liên Hiệp Quốc từ thủ đô Vientiane được hãng tin Asian News tường thuật trong bản tin ngày 30/03/2019.

Chuyến công tác của vị chuyên gia người Úc về nhân quyền và nghèo khó của Liên Hiệp Quốc kéo dài 11 ngày từ 18 đến 28/03/2019 tại thủ đô và các tỉnh Champasack, Xiên Khoang, Houaphanh và Attapeu, nơi xảy ra tai nạn vỡ đập hồi năm 2018. Quan chức Liên Hiệp Quốc đã tiếp xúc, thu thập thông tin với chính quyền mọi cấp, công nhân, nông dân và người buôn bán.

Đánh giá kinh tế Lào có tăng trưởng, đặc sứ Philip Alston chỉ trích chính phủ Lào chỉ chạy theo “con số” mà không tập trung cải thiện đời sống người dân. Ít nhất 40% lãnh thổ quốc gia nằm trong kế hoạch sang nhượng phục vụ các dự án đầu tư hạ tầng, vào đập thủy điện, đường xe lửa với hệ quả là nhà cửa đất đai của người dân bị cưỡng chế.

Tại một nước mà có đến 80% dân chúng sống dưới mức 2,5 đô la mỗi ngày, tỷ lệ trẻ em thiếu cân lên đến 20%, một trên mười suy dinh dưỡng, đặc sứ Liên Hiệp Quốc đặc biệt lưu ý tình trạng phụ nữ Lào bị xem nhẹ, không có quyền lựa chọn cuộc sống và tương lai.

Thành phần dân tộc thiểu số, chiếm 50% dân số, còn bất hạnh hơn. Thu nhập của bộ phận dân cư này rất thấp, con cái ít có cơ hội đi học, không được chăm sóc sức khỏe khi ốm đau.

Đặc sứ Liên Hiệp Quốc kêu gọi chính quyền Lào nên tập trung lợi nhuận kinh tế phục vụ phúc lợi cho người dân Lào.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20190331-lien-hiep-quoc-lao-no-nhieu-dan-doi-vi-theo-con-duong-to-lua

 

Pháp kỷ niệm sinh nhật 130 năm Tháp Eiffel

Thanh Hà

Paris khởi động chương trình lễ hội mừng Tháp Eiffel tròn 130 năm tuổi kể từ hai ngày 30 và 31/03/2019. Từ nay đến cuối năm, ngọn tháp biểu tượng của nước Pháp này trở thành “sân chơi” cho những nhà thám tử, là sân khấu nghệ thuật là không gian triển lãm để cùng nhìn lại sự hình thành của công trình được mệnh danh “Bà đầm thép – La Dame de Fer”.

Thích chơi trò thám tử, thì từ hôm qua, người ta có thể ghi danh để điều tra, để giải đáp 20 câu hỏi hỏi bí hiểm nhất về công trình của kỹ sư Gustave Eiffel. Trò chơi này đưa người tham gia ngược dòng lịch sử trở về với thời điểm năm 1886 khi kế hoạch mới được đề xuất và Eiffel là một trong số 100 người “dự thi”.

Đặc biệt trong lễ khai mạc đêm 30 và 31/03/2019 một đoàn kịch, một ban nhạc và một đoàn múa được mời tham dự. Tháp Eiffel trở thành không gian triển lãm với chủ đề Les femmes et les hommes de la Tour prennent la pose, giới thiệu chân dung những con người làm nên công trình xây dựng đồ sộ này qua những bức ảnh đen trắng cỡ lớn (2 mx2m) của nhà nhiếp ảnh Karine Bouvatier.

Nhân sự kiện Tháp Eiffel tròn 130 năm tuổi, thành phố Paris dự trù nhiều sinh hoạt văn hóa xoay quanh nhân vật Gustave Eiffel và công trình nổi tiếng nhất của ông. Từ nay đến cuối tháng 6/2019 nhà hát Théâtre des Mathurins quận 8 liên tục cho diễn vở ca nhạc kịch mang tên La Tour de 300 mètres (Chiếc Tháp 300 mét), nói về cuộc sống cá nhân của nhà kỹ sư này. Điều ít được biết đến là Gustave Eiffel góa vợ sớm và tháp mang tên ông ngự tọa ở quảng trưởng Champs de Mars ngày nay là một món quà ông tặng cho người bạn đời.

Một vở kịch khác do một diễn viên đảm nhiệm được diễn tại quận 6 Paris dành trọn chương trình cho “một nhà tiên phong” trong lĩnh vực xây dựng của nhân loại.

Tối 30 tháng 3, Tháp Eiffel đã chìm trong bóng tối đúng 60 phút để hưởng ứng phong trào Earth Hour : tắt đèn để tiết kiệm năng lượng cho hành tinh.

http://vi.rfi.fr/phap/20190331-phap-130-nam-thap-eiffel

 

Pháp : Áo Vàng biểu tình lần thứ 20 trong ôn hoà

Tú Anh

Phong trào đấu tranh Áo Vàng, trong cuộc xuống đường lần thứ 20 ngày Thứ Bảy 30/03/2019 huy động được 34.000 người trên toàn quốc kể cả 4.000 tại Paris, thấp hơn nhiều so với tuần trước. Cuộc tuần hành, bị cấm ở đại lộ Champs-Elysées, diễn ra khá ôn hoà.

Tại thủ đô, các đoàn tuần hành, bắt đầu vào ban trưa, kéo về quảng trường Nhân Quyền, Trocadero với biểu ngữ « Macron từ chức », « mỗi người một mái nhà » và kết thúc tại đây vào buổi chiều. Cảnh sát câu lưu hoặc phạt hơn 40 người vì xâm nhập vào khu cấm, gồm đại lộ Champs-Elysées, đề phòng những vụ đốt phá cách nay hai tuần.

Ở các tỉnh, theo AFP, có vài vụ xung đột với cảnh sát ở Avignon, Bordeaux nơi cảnh sát chống bạo động phải dùng chiến thuật cách ly đối phó với những nhóm đập phá áo đen bịt mặt trà trộn vào đoàn Áo Vàng.

Tại Montpellier, hai cảnh sát bị thương vì bị ném đá trong cuộc biểu tình được thẩm định khoảng 1.600, theo chính quyền địa phương và 2.500 người theo những người tổ chức.

Phong trào xã hội chống bất công thuế vụ khởi đi từ giữa tháng 11/2018 đã kéo dài 4 tháng rưỡi và không có dấu hiệu kết thúc trước 15/04/2019, ngày tổng thống Pháp công bố tổng kết chiến dịch thảo luận toàn quốc.

http://vi.rfi.fr/phap/20190331-phap-ao-vang-bieu-tinh-lan-thu-20-trong-on-hoa

 

Brexit : Thủ tướng May trước áp lực nội các tan hàng

Thanh Hà

Báo Anh, Sunday Times ngày 31/03/2019 tiết lộ có ít nhất 6 bộ trưởng đòi từ chức trong trường hợp Brexit mà Luân Đôn không đạt được thỏa thuận nào với Liên Âu. Một số khác dọa rời hỏi

nội các nếu thủ tướng Theresa May tìm cách hoãn ngày Brexit. Tình hình rối ren cho thấy không phe nào hài lòng về thủ tục ly dị với Liên Hiệp Châu Âu.

Trong lúc nữ thủ tướng Theresa May chịu búa rìu từ Nghị Viện đến ngay trong hàng ngũ các bộ trưởng của bà, bị cả phe đòi ra đi lẫn phe muốn ở lại trong Liên Âu chỉ trích mạnh mẽ, thì các doanh nhân Anh trút cơn thịnh nộ lên các đại biểu Quốc Hội.

Bế tắc chính trị tại Westminster đè nặng lên các hoạt động kinh tế và thương mại của nước Anh. Đặc phái viên RFI từ Luân Đôn, Anissa El Jabril cho biết thêm :

“Từ ba năm qua mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ. Chúng tôi thực sự bức xúc và phẫn nộ”. Chủ tịch phòng thương mại Anh trong tuần đã phải thốt lên câu nói này.

Antoine, một người đã làm việc khoảng 20 năm trên các sàn chứng khoán ở Luân Đôn hoàn toàn chia sẻ quan điểm nói trên. Dù vậy riêng trong lĩnh vực tài chính, anh tỏ ra lạc quan hơn khi cho rằng, “không nhất thiết phải di dời cơ sở khỏi Luân Đôn. Đúng là đã có một số ngân hàng, cơ quan tài chính dời cơ sở sang châu Âu, nhưng số này không nhiều. Tôi hiểu rằng mọi người trông thấy viễn cảnh bấp bênh. Nhưng bên cạnh đó cũng cần tránh rơi vào tình trạng hoảng hốt. Sớm hay muộn, các bên cũng sẽ đàm phán. Đương nhiên, trong một số lĩnh vực, các giải pháp đề xuất sẽ không được như mong đợi, nhưng xét cho cùng, cả phía Anh lẫn Liên Âu đều không có lợi ích gì khi tình thế rơi vào hỗn loạn”.

Antoine muốn nói đến kịch bản một Brexit No Deal. Ngành tài chính Anh vẫn loại trừ kịch bản này. Ngược lại trong tuần, thống đống Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu, Mario Draghi báo động giới ngân hàng không chuẩn bị kỹ lưỡng trước kịch bản đó và đánh giá thấp nguy cơ Anh Quốc ra đi mà không đạt được đồng thuận với châu Âu.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190331-brexit-thu-tuong-may-truoc-ap-luc-noi-cac-da-dam

 

Nga bác bỏ đồn đoán

về ‘chuyên gia’ của nước này ở Venezuela

Nga đã nêu rõ mục đích của các “chuyên gia” mà nước này gửi tới Venezuela theo một thỏa thuận hợp tác quân sự, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói hôm thứ Bảy, bác bỏ những lo ngại của Mỹ về sự hiện diện của họ.

“Phía Nga đã nêu rõ mục đích của việc các chuyên gia của Nga đến Venezuela. Nó không liên quan tới ‘các đội ngũ quân sự’ nào cả,” bà Zakharova nói trong một phát biểu.

“Vì vậy, những đồn đoán về việc Nga tiến hành ‘những hoạt động quân sự’ nhất định tại Venezuela là hoàn toàn vô căn cứ.”

Nga nói các “chuyên gia” của họ không đề ra mối đe dọa nào đối với sự ổn định của khu vực, bác bỏ một lời kêu gọi của Mỹ rút hết tất cả nhân viên quân sự của họ khỏi Venezuela.

https://www.voatiengviet.com/a/nga-bac-bo-don-doan-ve-chuyen-gia-cua-nuoc-nay-o-venezuela/4855147.html

 

Zuzana Caputova

thành nữ tổng thống đầu tiên của Slovakia

Nhà đấu tranh, luật sư nhân quyền Zuzana Caputova trở thành nữ tổng thống Slovakia đầu tiên sau khi thắng cử vòng hai.

Ứng viên chống tham nhũng Zuzana Caputova giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, đưa bà trở thành nữ nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Slovakia.

Bà Caputova, người gần như không có kinh nghiệm chính trị, đánh bại nhà ngoại giao cấp cao Maros Sefcovic, được đảng cầm quyền đề cử, trong cuộc bỏ phiếu vòng hai.

Luật sư chống tham nhũng dẫn đầu cuộc đua Slovakia

Slovakia buộc tội kẻ thuê cựu công an giết nhà báo trẻ

Vụ giết nhà báo trẻ chấn động Slovakia

Vì sao Bộ trưởng nội vụ Slovakia từ chức?

Bà mô tả cuộc bầu cử như một cuộc đấu tranh giữa thiện và ác.

Cuộc bầu cử diễn ra sau vụ một nhà báo điều tra bị sát hại vào năm ngoái.

Jan Kuciak đang điều tra mối liên hệ giữa các chính trị gia và tội phạm có tổ chức khi ông và vợ chưa cưới bị bắn chết vào tháng 2/2018.

Bà Caputova nói cái chết của ông Kuciak là một trong những lý do khiến bà quyết định ra tranh cử tổng thống.

Vị trí tổng thống ở Slovakia chủ yếu mang tính nghi lễ, nhưng người nắm chức vụ này có những quyền hạn nhất định trong việc phủ quyết các luật do quốc hội thông qua.

Với gần như tất cả các phiếu được kiểm, bà đã giành được khoảng 58% trong lúc ông Sefcovic đạt 42%.

Bà Caputova trở nên nổi trội kể từ khi bà dẫn đầu một cuộc tranh đấu kéo dài suốt 14 năm chống lại tình trạng đổ rác bất hợp pháp.

Trước đó, bà Caputova, đã dễ dàng giành chiến thắng trong vòng bỏ phiếu đầu tiên kỳ tranh cử tổng thống tại Slovakia.

“Tôi nhìn thấy thông điệp của cử tri, đó là lời kêu gọi mạnh mẽ, đòi có thay đổi,” bà nói vào đầu giờ hôm Chủ Nhật.

Là một thành viên của đảng nhỏ, Progressive Slovakia, vốn không có ghế nào trong Quốc hội, bà nay là gương mặt mới bước vào vũ đài chính trị, trong lúc đối thủ của bà đã đang giữ chức phó chủ tịch Ủy hội Châu Âu.

Gần đây hơn, tại Slovakia đã nổ ra các cuộc tuần hành lớn chống chính phủ sau vụ sát hại nhà báo Jan Kuciak và hôn thê hồi tháng Hai năm ngoái.

Các cuộc biểu tình đã khiến Thủ tướng Robert Fico phải từ chức.

Một nghi phạm mới trong vụ sát hại này đã bị cáo buộc tội danh ‘đặt hàng’ giết người.

Bốn người khác bị cơ quan công tố buộc tội hồi năm ngoái.

Vụ Trịnh Xuân Thanh: Chính khách Slovakia kiểm tra nói dối

Slovakia vẫn ‘điều tra’ vụ Trịnh Xuân Thanh

Slovakia: ‘VN phải giải thích rõ vụ Trịnh Xuân Thanh’

Bà Caputova nhận được sự hậu thuẫn từ Tổng thống Andrej Kiska, người không ra tranh cử nhiệm kỳ hai.

Khi thắng cử, bà Caputova có thể gây khó khăn cho việc trở lại chính trường của ông Fico và những người thân cận với ông.

Trong số họ có cựu bộ trưởng nội vụ Robert Kalinak, người hiện không còn giữ chức gì trong chính quyền Slovakia.

Ngoài vụ sát hại nhà báo Jan Kuciak, ông Kalinak còn bị cho là có liên quan đến vụ đưa ông Trịnh Xuân Thanh từ Đức tới Slovakia và ra khỏi nước này bằng chuyên cơ của chính phủ Slovakia hồi 2017.

Tuy nhiên, hồi tháng 8/2018, Robert Kalinak khẳng định rằng ông không hề dính líu vào vụ ‘bắt cóc’ ông Trịnh Xuân Thanh.

Thậm chí, ông còn trình ra cả kết quả máy kiểm tra nói dối để phía Đức thấy là ông “không biết gì về vụ việc” gây khủng hoảng quan hệ hai bên.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-47716196

 

Bầu cử Ukraine:

Diễn viên hài Volodymyr là ứng viên dẫn đầu

Người dân Ukraine đang đến các điểm bỏ phiếu hôm 31/3 trong vòng đầu của cuộc bầu cử tổng thống.

Nhà lãnh đạo hiện tại, ông Petro Poroshenko đang tìm cách tái đắc cử nhưng người đang dẫn đầu cuộc đua là diễn viên hài Volodymyr Zelenskiy.

Trump ‘có thể hủy gặp Putin tại G20’

Kiev cấm đàn ông Nga vào Ukraine

Giáo hội Chính thống Ukraine chia tay Moscow

Ukraine: ‘Nga đứng sau vụ tấn công mạng’

Cả hai ứng viên, cùng với cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko, bày tỏ quan điểm chủ yếu ủng hộ châu Âu trong chiến dịch tranh cử.

Không ai trong số các ứng viên thân Nga được coi là ứng viên nặng ký.

Nếu không có ứng viên nào nhận được hơn 50% số phiếu hôm 31/3, hai người xếp đầu sẽ đấu với nhau trong vòng hai vào ngày 21/4.

Tổng cộng có 39 ứng viên có tên trên lá phiếu, nhưng chỉ có ba ứng viên hàng đầu được coi là có cơ hội chiến thắng.

Tổng thống Ukraine có quyền hạn đáng kể đối với chính sách an ninh, quốc phòng và đối ngoại.

Thể chế chính trị của nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ là mô hình “bán tổng thống” (semi-presidential).

Ông Poroshenko, một trong những người giàu nhất Ukraine, được bầu trong một cuộc bỏ phiếu bất ngờ sau khi cựu Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych bị lật đổ trong cuộc Cách mạng Maidan vào tháng 2/2014, sau tiếp đó là vụ Nga sáp nhập Crimea và một cuộc nổi dậy do Nga hậu thuẫn.

Nga-Ukraine: Chính thống giáo hoàn toàn chia rẽ

Ukraine có bị Putin tấn công sau vụ đoạt tàu?

Khủng hoảng Ukraine: Kiev tuyên bố Nga là ‘kẻ xâm lược’

Tổng thống tiếp theo sẽ phải xử lý cuộc xung đột bế tắc giữa quân đội Ukraine và phe ly khai được Nga hậu thuẫn ở miền Đông, trong khi Ukraine cố gắng thực hiện các yêu cầu của EU để có quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn.

EU nói rằng khoảng 12% trong số 44 triệu người Ukraine bị tước quyền bầu cử, phần lớn là những người sống ở Nga và Crimea, nơi bị Nga sáp nhập vào tháng 3/2014.

Các khu vực do phe ly khai kiểm soát đang tẩy chay cuộc bầu cử.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-47716194

 

Algeri : Tướng Salah tái yêu cầu

tổng thống Bouteflika từ chức theo hiến định

Tú Anh

Một doanh nhân Algeri thân cận với tổng thống Bouteflika bị bắt tại biên giới với Tunisie. Tại Alger, tổng tham mưu trưởng Ahmed Gaid Salah, một lần nữa thúc giục Tòa Bảo Hiến tuyên cáo tổng thống không còn khả năng lãnh đạo hoặc đích thân Bouteflika từ chức, theo quy định của Hiến Pháp.

Chiều 30/03/2019, một ngày sau khi hàng triệu người dân Algeri xuống đường đến lần thứ sáu đòi sang trang chế độ, tướng Ahmed Gaid Salah tái yêu cầu Tòa Bảo Hiến, sử dụng quyền hiến định, điều 102, ngưng chức tổng thống của ông Bouteflika, để đưa Algeri ra khỏi khủng hoảng chính trị. Phương án hai là tổng thống từ chức.

Vị tướng cao cấp nhất của quân đội Algeri và cũng là nhân vật trung thành với tổng thống Bouteflika còn cảnh báo nguy cơ một chiến dịch mạng « đánh phá uy tín quân đội » với luận điểm nhân dân Algeri chống điều 102 của Hiến Pháp.

Không rõ hư thực ra sao, nhưng theo tướng Ahmed Gaid Salah, đa số người dân Algeri, qua các cuộc biểu tình, ủng hộ giải pháp của quân đội.

Trong khi đó, theo Reuters, Ali Haddad một doanh nhân thân cận với tổng thống Algeri được xác nhận bị bắt ở biên giới Algeri-Tunisie. Một người thân của Ali Haddad cho biết như trên nhưng không tiết lộ chi tiết.

Tin nhà tài phiệt truyền thông và cũng là người tài trợ vận động tranh cử cho tổng thống Bouteflika bị bắt đã được nhiều đài truyền hình địa phương loan báo.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190331-algeri-tuong-salah-tai-yeu-cau-tong-thong-bouteflika-tu-chuc-theo-hien-phap

 

Burundi rút giấy phép của BBC, đình chỉ vô thời hạn VOA

Burundi cấm BBC và đình chỉ vô thời hạn Đài Tiếng nói Hoa Kỳ hoạt động ở nước này và cả hai đài quốc tế mô tả hành động này là một đòn giáng mạnh vào tự do báo chí.

Cơ quan quản lí truyền thông của quốc gia trung Phi này đã thu hồi giấy phép của BBC và cáo buộc họ phát một bộ phim tài liệu mà họ nói là sai trái và làm tổn hại danh tiếng của nước này. Họ cũng gia hạn một lệnh đình chỉ hiện hữu đối với VOA, cáo buộc VOA thuê một phóng viên chống đối chính phủ.

Lúc đầu cả hai đài bị đình chỉ trong sáu tháng, vào tháng Năm năm ngoái, trước thềm một cuộc trưng cầu dân ý mà các chính trị gia và các nhà hoạt động đối lập nói được dàn dựng để kéo dài quyền cai trị của tổng thống thêm ít nhất một thập niên nữa.

Vào lúc đó, họ cáo buộc cả hai đài vi phạm luật báo chí và hành xử thiếu chuyên nghiệp. Cả hai đài đã bị cắt sóng ở Burundi kể từ đó.

“Quyết định không thỏa đáng của chính phủ Burundi cấm BBC và đình chỉ vô thời hạn Đài Tiếng nói Hoa Kỳ giáng một đòn nghiêm trọng vào tự do truyền thông, và chúng tôi lên án mạnh mẽ điều này,” BBC nói trong một thông cáo.

Đài phát thanh truyền hình của Anh được tài trợ bằng công quỹ phát sóng một bộ phim tài liệu vào năm ngoái về điều mà họ nói là các địa điểm giam giữ và tra tấn bí mật ở Burundi. Chính phủ bác bỏ tường trình này và BBC nói họ giữ nguyên tường trình của mình.

Cơ quan quản lí của Burundi ngày thứ Sáu cũng cấm các nhà báo làm việc cho một trong hai đài.

“Chúng tôi hết sức lo ngại rằng các phóng viên ở Burundi giờ bị cấm giao tiếp với VOA và chúng tôi tin rằng những đe dọa tiếp diễn này nhắm vào các nhà báo của chúng tôi làm suy yếu tự do báo chí ở nước này,” Giám đốc VOA Amanda Bennett nói.

Hàng trăm người Burundi thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với lực lượng an ninh và nửa triệu người đã lánh ra nước ngoài kể từ khi Tổng thống Pierre Nkurunziza tuyên bố vào năm 2015 ông sẽ tranh cử nhiệm kì thứ ba, điều mà đối thủ của ông nói là vi hiến. Ông đã tái đắc cử.

Cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 5 năm ngoái chấp thuận với tỉ lệ áp đảo những thay đổi có thể cho phép tổng thống nắm quyền đến năm 2034 – mặc dù phe đối lập bác bỏ kết quả và Mỹ nói rằng quá trình này bị hoen ố vì những vụ đe dọa cử tri.

https://www.voatiengviet.com/a/burundi-rut-giay-phep-cua-bbc-dinh-chi-vo-thoi-han-voa/4855152.html

 

Bắc Hàn: Đột nhập sứ quán ở Madrid

‘là vụ tấn công khủng bố nghiêm trọng’

Bắc Hàn mô tả vụ đại sứ quán của họ ở Tây Ban Nha bị đột nhập vào tháng trước là “cuộc tấn công khủng bố nghiêm trọng”.

Trong bình luận chính thức đầu tiên về vụ này, Bình Nhưỡng kêu gọi mở cuộc điều tra và cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ tin đồn rằng FBI “đóng một vai trò”.

Hôm 27/3, nhóm Cheollima Civil Defense (Thiên Lý Mã) vốn đặt mục tiêu lật đổ nhà lãnh đạo Kim Jong-un, tuyên bố họ đã thực hiện vụ đột nhập.

Ai tấn công Đại sứ quán Bắc Hàn ở Tây Ban Nha?

Thiên Lý Mã nói đã tấn công Sứ quán Bắc Hàn

Bắc Hàn xây lại bãi thử tên lửa: Ông Kim gửi thông điệp gì?

Bầu cử Bắc Hàn: Em ông Kim Jong-un làm đại biểu

Nhóm này đã lấy đi máy tính, dữ liệu và nói rằng họ đã chuyển bằng chứng cho FBI.

Ít nhất hai lệnh bắt giữ quốc tế đã được ban hành cho các nghi phạm chính.

‘Mọi sự đều ổn’

Chính quyền Tây Ban Nha cho biết một người trong nhóm nêu trên, được nêu danh tính là Adrian Hong Chang, đã vào cửa sứ quán bằng cách yêu cầu gặp tùy viên thương mại, người mà ông nói đã gặp trước đó để thảo luận về vấn đề kinh doanh.

Các đồng phạm của người này xông vào ngay theo sau ông ta.

Nhóm này bị cáo buộc tra khảo tùy viên và cố gắng thuyết phục ông này đào thoát. Khi ông ta từ chối, họ trói và để ông ta dưới tầng hầm.

Hai thành viên khác của nhóm được cho là công dân Hoa Kỳ Sam Ryu và một người Nam Hàn, Woo Ran Lee.

Nhân viên sứ quán đã bị bắt làm con tin trong nhiều giờ. Một phụ nữ đã trốn thoát qua cửa sổ và la hét cầu cứu. Những người dân ở cạnh bên đã gọi cảnh sát.

Khi cảnh sát xuất hiện, họ được chào đón bởi Adrian Hong Chang, lúc này đóng giả một nhà ngoại giao Bắc Hàn và mặc áo khoác có huy hiệu Kim Jong-un.

Ông ta nói với cảnh sát rằng “mọi sự đều ổn” và “không có gì xảy ra”.

Các thành viên của nhóm sau đó trốn khỏi sứ quán bằng ba chiếc xe biển ngoại giao của Bắc Hàn. Ông Hong Chang và một số người khác rời đi qua cổng hậu bằng một phương tiện khác.

Chi tiết về Thiên Lý Mã

Cheollima Civil Defense (CDC) (Thiên Lý Mã), còn được biết đến với tên gọi Free Joseon (Triều Tiên Tự do), có mục tiêu lật đổ triều đại nhà Kim đang cầm quyền tại Bắc Hàn.

CDC lần đầu tiên trở nên nổi tiếng là sau vụ tuyên bố họ đã đưa cháu trai của ông Kim Jong-un là Kim Han-sol ra khỏi Macau an toàn sau vụ cha của cậu, ông Kim Jong-nam, bị ám sát tại Malaysia hồi 2017.

Kim Han-sol đã bày tỏ nguyện vọng quay trở về Bắc Hàn, và gọi chú mình là một “nhà độc tài”.

Phóng viên BBC Laura Bicker từ Seoul nói rằng Adrian Hong Chang, người mà tòa án Tây Ban Nha nói là dẫn đầu nhóm tấn công Đại sứ quán Bắc Hàn hồi tháng trước, là một nhà hoạt động nhân quyền người Bắc Hàn nổi tiếng.

Ông này đã từng giúp những người đào tẩu từ Bắc Hàn, phóng viên Bicker nói, tuy nhiên, câu hỏi chưa được trả lời là ông ta có nguồn tài trợ tự đâu và làm cách nào để có thể tiến hành một chiến dịch hoàn hảo như thế.

Việc truyền thông Mỹ tường thuật các chi tiết về vụ tấn công và cả các nguồn nói việc này có liên quan tới CCD, chỉ vài ngày sau khi nhóm của Hong Chang trao nộp tài liệu và máy tính lấy được từ Đại sứ quán Bắc Hàn cho FBI, là “phản bội lại sự tin cậy”, CDC nói trong một tuyên bố.

Một câu hỏi đang được đặt ra là phải chăng tình báo Mỹ đã dính dáng vào vụ tấn công Đại sứ quán Bắc Hàn hôm 22/2?

‘Bầu cử’ ở Bắc Hàn nghĩa là gì?

Bắc Hàn sắp phóng hỏa tiễn để thử phản ứng của Mỹ?

Sụ việc xảy ra chỉ vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh tại Việt Nam giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un.

Và bây giờ thì có tin rằng tình báo Hoa Kỳ dính dáng vào vụ này.

Với việc Mỹ và Bắc Hàn cố gắng cải thiện quan hệ sau gần 70 năm thù địch, những cáo buộc như vậy có thể làm tình hình căng thẳng.

BBC đã liên lạc với cảnh sát ở Madrid để hỏi bình luận của họ nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi.

Ai đứng sau vụ tấn công?

Giới chức bác bỏ ý kiến rằng những tội phạm vô danh đứng đằng sau vụ tấn công.

Các nguồn tin thân cận với giới điều tra cho trang El País hay rằng vụ tấn công được lên kế hoạch hoàn hảo, như thể nó được thực hiện bởi một nhóm của “quân đội”.

Và những kẻ tấn công dường như biết rõ chúng đang tìm kiếm cái gì, chúng lấy điện thoại di động và máy tính.

Cả hãng El País và El Confidencial đều đưa tin rằng chính quyền Tây Ban Nha nghi ngờ các cơ quan tình báo Hoa Kỳ và các đồng minh của họ có thể đã tham gia vào vụ tấn công.

Nạn nhân của vụ tấn công nói với giới điều tra rằng những kẻ tấn công nói tiếng Hàn, và có thể đến từ Hàn Quốc.

El País thậm chí còn cho hay hai trong số 10 người của nhóm này được xác định có quan hệ với Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA).

CIA từ chối yêu cầu bình luận của BBC.

Tại sao có kẻ muốn tấn công Đại sứ quán Bắc Hàn?

Tin cho hay những kẻ tấn công có thể đã tìm kiếm thông tin về cựu đại sứ Bắc Hàn tại Madrid, ông Kim Hyok-chol.

Nhà ngoại giao này bị trục xuất khỏi Tây Ban Nha tháng 9/2017 liên quan đến chương trình thử hạt nhân của Bắc Hàn.

Nhưng ông Kim Hyok-chol hiện đang đóng vai trò đặc phái viên chính trong các cuộc đàm phán của Bắc Hàn với Hoa Kỳ, và giúp tổ chức hội nghị thượng đỉnh gần đây tại Việt Nam.

Ông cũng đã tới Washington DC cùng với cánh tay phải của Kim Jong-un, Kim Yong-chol, vào tháng Một.

Tuy nhiên, không rõ chính xác lý do tại sao cuộc tấn công Đại sứ quán Bắc Hàn tại Mandrid lại diễn ra, hoặc ai có liên quan.

Chuyện gì đang xảy ra?

Giới điều tra Tây Ban Nha hiện rất kín tiếng, và New York Times cho hay cả nữ nhân viên trốn thoát lẫn đại sứ quán không ai nộp đơn khiếu nại lên cảnh sát.

Tuy nhiên, nếu có bất kỳ sự dính dáng nào của mạng lưới tình báo được chứng minh, điều này có thể gây náo động cả Bắc Hàn và quốc tế.

Tây Ban Nha sẽ không hài lòng nếu tình báo nước ngoài đến hoạt động ở đây mà không xin phép. Và đột nhập vào đại sứ quán của một quốc gia khác sẽ là vi phạm nghiêm trọng giao thức quốc tế.

Tòa án tối cao quốc gia, Audiencia Nacional, sẽ xem xét kết quả điều tra và có thể ra lệnh bắt giữ bất kỳ kẻ tấn công nào được xác định.

Tuy nhiên, các nguồn tin chính phủ cho biết việc chứng minh sự tham gia của các cơ quan tình báo Mỹ có thể rất khó khăn.

Điều duy nhất rõ ràng cho đến nay là câu chuyện này mới chỉ bắt đầu.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-47716195

 

Vì sao Triều Tiên sẽ vẫn trụ vững trước ‘áp lực tối đa’ từ Mỹ?

Dù chính quyền Mỹ gây ‘áp lực tối đa’, Triều Tiên vẫn có nhiều cơ sở để trụ vững theo nhận định của một chuyên gia về Triều Tiên.

Triều Tiên vẫn nắm thế chủ động

Chính sách của Mỹ dựa trên giả định cho rằng một cuộc bao vây bằng lệnh trừng phạt cuối cùng sẽ buộc Triều Tiên phải “phất cờ trắng” và hạ vũ khí. Logic này kéo theo việc Mỹ gây “áp lực tối đa” với mục tiêu buộc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un phải nhượng bộ để đổi lấy việc giảm nhẹ mức độ trừng phạt. Nhưng những gì diễn ra tại Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 ở Hà Nội cho thấy cách tiếp cận này chưa có tác dụng.

Các cuộc họp báo sau Thượng đỉnh cho thấy dường như chính nhà lãnh đạo Kim mới là người định hình “cuộc chơi” còn chính quyền Mỹ ở vào thế bị động.

Ông Kim đề xuất ngừng phát triển vũ khí hạt nhân bằng cách dỡ bỏ nguồn vật liệu hạt nhân chính và ngừng hoạt động thử hạt nhân và tên lửa, để đổi lại việc chấm dứt các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhằm vào Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân thứ 4 của Triều Tiên vào năm 2016. Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho nói rõ rằng đây là đề xuất cuối cùng của họ.

Giới chính trị Triều Tiên tỏ ra là bên chiếu bí ông Trump hơn là bên thua cuộc. Khoảng nửa tháng sau Thượng đỉnh Mỹ-Triều 2, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui thậm chí còn cảnh báo rằng Triều Tiên sẽ khôi phục việc thử vũ khí chiến lược nếu Mỹ không chớp lấy cơ hội đã được đề xuất cho họ.

Trong lịch sử quan hệ Mỹ-Triều Tiên, cứ mỗi lần Mỹ từ bỏ đàm phán và không đạt được thỏa thuận thì Triều Tiên lại có tiến bộ nhanh chóng trong chương trình hạt nhân của họ. Và giờ đây Triều Tiên đã chế được trái bom hạt nhân có sức công phá gấp 10 lần quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima (Nhật Bản) vào cuối Thế chiến 2.

Lần này, nếu đàm phán Mỹ-Triều không được nối lại thì không loại trừ khả năng Triều Tiên sẽ lại tiến lên hoàn thiện nốt hệ thống phóng. Họ hiện còn phải làm tiếp nhiều việc liên quan đến tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và quá trình hồi quyển của tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Lệnh trừng phạt về cơ bản không có tác dụng với Triều Tiên

Một số bình luận viên cho rằng việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un yêu cầu được giảm nhẹ lệnh trừng phạt đối với nước này là bằng chứng cho thấy các lệnh trừng phạt phát huy tác dụng. Nhưng như vậy là quá lạc quan. Các lệnh trừng phạt khó có thể buộc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Báo cáo năm 2019 của nhóm chuyên gia Liên Hợp Quốc về các lệnh trừng phạt cho thấy chính quyền của ông Kim Jong Un rất giỏi trong việc né tránh các lệnh trừng phạt ở các lĩnh vực ưu tiên của ông.

Triều Tiên có rất nhiều phương cách để lách qua những chế tài trừng phạt đó: Sử dụng các công ty bình phong và tài khoản ngân hàng ở Đông Nam Á, bán quyền đánh cá cho ngư dân Trung Quốc, khai thác vàng ở Congo, bán vũ khí cho Yemen và Libya, hướng dẫn quân sự ở Sierra Leone… Báo cáo còn cho rằng Triều Tiên có thể còn áp dụng một số biện pháp “đặc biệt” phi chính thức nữa để bù đắp cho các thiệt hại của mình.

Tất nhiên khi bị trừng phạt như thế này, người dân Triều Tiên sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Nhưng Triều Tiên sẽ không quy trách nhiệm về việc này cho chính phủ của họ mà dồn trách nhiệm đó lên Mỹ với cáo buộc Mỹ khước từ kiến tạo hòa bình.

Điểm tựa Trung Quốc

“Áp lực tối đa” không thể làm Triều Tiên suy sụp vì đất nước này vẫn đang ở vào vị thế thoải mái hơn bao giờ hết so với khi Liên Xô sụp đổ. Việc kinh tế Trung Quốc trỗi dậy và nhiều năm tăng cường thương mại với Trung Quốc đã giúp Triều Tiên hồi phục sau khủng hoảng Liên Xô tan rã rồi phát triển thị trường và công nghiệp trong nước.

Thương mại giữa Triều Tiên và Trung Quốc đã giảm đột ngột do “áp lực tối đa” nhưng rõ ràng không tới mức đe dọa sự sinh tồn của Triều Tiên. Trung Quốc thông báo kim ngạch thương mại của họ với Triều Tiên đạt tới 2,38 tỷ USD vào năm 2018. Mức này thấp hơn mức đỉnh cao 7 tỷ USD vào năm 2014 nhưng vẫn cao hơn nhiều so với con số 350 triệu USD vào năm 1999.

Con số thương mại được công bố chính thức nói trên còn chưa bao gồm các khoản khác như viện trợ… Theo các nguồn tin do tờ báo Hàn Quốc Chosun Ilbo trích dẫn, lượng nhiên liệu nhập vào Triều Tiên tăng gấp đôi sau cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2018.

Cuối cùng ông Tập Cận Bình ít có lý do để nhiệt tình với việc thực thi các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên trong bối cảnh Tổng thống Trump đang phát động chiến tranh thương mại nhằm vào Trung Quốc và coi Trung Quốc là một đối thủ chiến lược trong chiến lược an ninh quốc gia của mình.

Ông Trump thức thời hơn các thành viên nội các

Tiếp tục thương lượng là phương cách duy nhất để thoát khỏi khủng hoảng Triều Tiên. Mỹ thực ra cũng không có lợi lộc nếu phát động chiến tranh hạt nhân chỉ để trừng phạt Triều Tiên vì đã phát triển năng lực hạt nhân.

Cựu Tổng thống Mỹ Obama giải thích như thế này: “Rõ ràng chúng ta có năng lực hủy diệt Triều Tiên bằng kho vũ khí của chúng ta. Nhưng ngoài vấn đề tổn thất nhân đạo, Triều Tiên lại nằm trước thềm đồng minh thiết yếu của chúng ta là Hàn Quốc”.

Một đòn đánh “chảy máu mũi” nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên cũng không giải quyết được vấn đề. Cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Dennis Blair cảnh báo về tính thiếu tin cậy của phương án này: Với việc Triều Tiên có nhiều đường hầm và việc Mỹ gặp khó khăn trong thu thập tình báo về Triều Tiên, một cuộc tiến công chung của Mỹ và Hàn Quốc sẽ khó lòng có xác suất cao loại bỏ được hết năng lực hạt nhân của Triều Tiên.

Không đạt được thỏa thuận nào và cũng không có giải pháp quân sự khả thi, Mỹ đứng trước nguy cơ cao là mặc định trôi trở về chính sách “kiên nhẫn chiến lược” của thời Tổng thống Obama. Và trong lúc đó, ông Kim có thể lại có điều kiện để hoàn thiện kho vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của mình.

Có lẽ bản thân Tổng thống Mỹ Trump đã hiểu rõ điều này dù không phải ai trong nội các của ông cũng như vậy. Thực tế vào ngày 15/3/2019, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe đã khen ông Trump là linh hoạt, đồng thời chỉ trích Ngoại trưởng Mỹ Pompeo và Cố vấn Bolton là đã làm hỏng đàm phán ở Hà Nội.

Vào ngày 22/3, Tổng thống Trump đã công khai mâu thuẫn với Bộ Tài chính Mỹ bằng việc tuyên bố rút lại các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên. Nay đã cơ bản được minh oan khỏi cáo buộc cấu kết với Nga và cản trở tư pháp, ông Trump sẽ rảnh tay hơn trong nỗ lực tìm kiếm thỏa thuận với Triều Tiên.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/27216-vi-sao-trieu-tien-se-van-tru-vung-truoc-ap-luc-toi-da-tu-my.html

 

TQ hủy 30.000 bản đồ,

nhằm ‘xóa’ đối thủ biên giới Ấn Độ, Đài Loan

Trung Quốc đã tiêu hủy 30.000 bản đồ thế giới, vì cho rằng chúng “mô tả sai đường biên giới với Đài Loan và Ấn Độ. Theo Newsweek, đường biên giới được thể hiện trên các bản đồ không được Bắc Kinh công nhận – quốc gia này đang cố bảo thủ ý kiến của họ về ranh giới trong nước với quốc tế.

Trong một cuộc họp báo tuần trước, Bộ Tài nguyên Trung Quốc và các quan chức hải quan nói rằng, có khoảng 803 hộp chứa các bản đồ đã bị tịch thu và tiêu hủy, với lý do “đã mô tả sai đường biên giới lãnh thổ” của Trung Quốc.

Bắc Kinh xem đây là nhiệm vụ “bảo vệ lãnh thổ” lớn nhất cần được xử lý trong lịch sử Trung Quốc, theo bộ phận Quản lý thông tin địa lý thuộc Bộ Tài nguyên Trung Quốc, Newsweek đưa tin.

Trung Quốc hiện là nước đang có nhiều tranh chấp về biên giới với nhiều quốc gia trên thế giới. Nổi bật nhất là tranh chấp biên giới với Ấn Độ, Đài Loan, và trên vùng đường thủy chiến lược Biển Đông.

Đài Loan là hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, trong khi đó đang giao tranh ranh giới quốc gia với New Delhi về khu vực Aksai Chin, gần Kashmir – do Ấn Độ quản lý.

Trung Quốc cũng tuyên bố Biển Đông là “của riêng”, bất chấp những cáo buộc từ cộng đồng quốc tế rằng Bắc Kinh ra sức thực thi tuyên bố của họ thông qua lực lượng quân sự. Đã có những cuộc chạm trán giữa tàu Hoa Kỳ và Trung Quốc trong khu vực đường thủy chiến lược.

Quan hệ Mỹ – Trung ngày càng căng thẳng vì Hoa Kỳ đã thực thi “Đạo luật Du lịch Đài Loan” (Taiwan Travel Act) – nhằm hạn chế các quan chức Trung Quốc đến Mỹ – tuy nhiên Trung Quốc đã cực lực phản đối đạo luật này.

Trong một họp báo, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: “Họ rõ ràng đã can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc, và gửi tín hiệu hoàn toàn sai lầm cho lực lượng ly khai ‘Tây Tạng độc lập’, phá hoại nghiêm trọng quan hệ Mỹ – Trung. Trung Quốc kiên quyết phản đối điều đó. Báo cáo của Mỹ về hành động nêu trên là thiên vị và hoàn toàn không quan tâm đến sự thật, Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận nó. Tôi phải nhấn mạnh rằng các vấn đề về Tây Tạng hoàn toàn là vấn đề nội bộ của Trung Quốc, không quốc gia nào được phép can thiệp”.

Người Tây Tạng khắp thế giới kỷ niệm 60 năm bị Bắc Kinh đàn áp

Ngoại trưởng Mike Pompeo gần đây cho biết, Trung Quốc đã vi phạm nhân quyền “qúa mức”.

Trong một cuốn “sách trắng” phát hành hôm thứ Tư (27/3), Bắc Kinh nói rằng: “Luật lệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với Tây Tạng đã đảm bảo tự do tôn giáo trong khu vực và giám sát thực thi ‘trật tự’ cơ chế tái sinh được sử dụng để chọn ra nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng”, theo SCMP. Tài liệu được công bố khi Bắc Kinh đã xiết chặt an ninh Tây Tạng, đóng cửa với các nhà báo và các nhà ngoại giao nước ngoài trước ngày kỷ niệm 60 năm Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 lưu đày khỏi Lhansa vào năm 1959, sau cuộc biểu tình chống lại sự cai trị của Trung Quốc.

Trung Quốc dường như đang cố gắng loại bỏ toàn diện văn hoá truyền thống và đồng hóa Tân Cương, ngoài việc biến đổi nơi cư trú người Duy Ngô Nhĩ, họ đã bước đầu xoá bỏ văn tự Duy Ngô Nhĩ trong các trường đại học tại Tân Cương

http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/27210-tq-huy-30000-ban-do-nham-xoa-doi-thu-bien-gioi-an-do-dai-loan.html

 

TQ chỉ nhập chính ngạch 8 loại nông sản Việt

Trong khi với Thái Lan, có 23 loại nông sản được nhập chính ngạch vào thị trường đông dân nhất thế giới này.

Thông tin trên được ông Nguyễn Lâm Viên – Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao – Tổng giám đốc Vinamit cho biết tại Hội thảo Xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc do Hội này tổ chức tại TP.HCM hôm 28.3.

Trung Quốc thiếu nhiều mặt hàng Việt Nam thừa

8 loại nông sản Việt được vào chính ngạch tại thị trường Trung Quốc gồm: Xoài, nhãn, chuối, dưa hấu, chôm chôm, vải, mít, thanh long. Theo ông Viên, mỗi doanh nghiệp Việt cần phải lên tiếng, các hiệp hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm lên tiếng để Chính phủ đàm phán với các cơ quan chức năng Trung Quốc nhằm tăng loại nông sản vào thị trường này. Ngoài ra, ông Viên cũng tiết lộ, thị trường Trung Quốc đang có nhu cầu rất lớn các nông sản: khoai, bí, dừa… Trong khi Việt Nam thừa nhiều, nhưng vì không nằm trong danh sách được phép nhập chính ngạch, nên vẫn vào con đường tiểu ngạch không bền vững và giá thành thấp. “Những sản phẩm liên quan đến trái cây, nông sản, chăn nuôi của Việt Nam, chúng ta cần nỗ lực có những đàm phán cụ thể với phía thị trường lớn này để cơ hội nông sản Việt vào Trung Quốc bằng đường chính ngạch ngày một nhiều hơn”, ông Lâm Viên nhấn mạnh.

Trung Quốc chỉ nhập chính ngạch 8 loại nông sản Việt – ảnh 1

Ông Nguyễn Lâm Viên cho biết mới có 8 loại trái cây Việt được nhập chính ngạch vào thị trường Trung Quốc

Cần can thiệp cấp Chính phủ

Thực tế, trong thời gian qua, tỷ lệ hàng xuất khẩu Việt Nam vào thị trường đông dân nhất thế giới bằng con đường chính ngạch vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng và nhu cầu. Ngoài ra, những yêu cầu của thị trường ngày càng khắt khe hơn về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bao bì đóng gói, an toàn thực

phẩm… khiến nhiều mặt hàng Việt vốn quen xuất tiểu ngạch sang thị trường này không đáp ứng được. Chia sẻ tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho hay, nông sản Việt đang chịu sự cạnh tranh dữ dội về giá cả, chất lượng, thương hiệu, hình thức bao bì sản phẩm… tại thị trường này so với sản phẩm cùng loại của Thái, Malaysia, Trung Quốc… Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành nông sản, thủy sản cho rằng, các bộ ngành và Chính phủ cần có động thái can thiệp để các cơ quan chức năng Trung Quốc cùng ngồi lại với phía Việt Nam, tính toán và tăng danh mục loại nông, thủy sản được nhập chính ngạch vào Trung Quốc.

Cơ hội xuất khẩu chính ngạch thủy sản vào Trung Quốc bằng đường biển rất lớn

Về nhóm hàng thủy, hải sản, theo ông Trương Đình Hòe, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản, tầng lớp trung lưu Trung Quốc đang tăng mạnh nhu cầu mua thủy, hải sản đánh bắt tự nhiên. Năm 2019, cơ hội rất lớn cho thủy sản Việt Nam vào Trung Quốc bằng đường chính ngạch do nước này đang giảm mạnh diện tích nuôi trồng thủy sản, thuế nhập khẩu đang được điều chỉnh có lợi cho doanh nghiệp Việt. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm lại được siết chặt hơn. Tuy nhiên, ông Hòe khuyên doanh nghiệp nên tập trung nâng cao chất lượng để xuất chính ngạch sẽ tốt hơn nhiều về giá lẫn tính bền vững. Ngoài ra, vị này cũng cảnh báo tình trạng xuất khẩu thủy sản bằng đường bộ mà không cần xin chứng thư chất lượng có thể tạo ra những hệ lụy về chất lượng sản phẩm cũng như hình ảnh sản phẩm thủy, hải sản Việt rất lớn. “Cần thực hiện quản lý chất lượng thông qua việc cấp và kiểm tra Chứng thư chất lượng trước khi xuất khẩu hàng đi Trung Quốc”, ông Hòe khuyến cáo.

Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 8,3 tỉ USD, trong khi 5 năm trước đó, năm 2013 chỉ đạt 1,2 tỉ USD.

http://biendong.net/the-gioi-dai-duong/27201-tq-chi-nhap-chinh-ngach-8-loai-nong-san-viet.html

 

TQ viện trợ lô thiết bị quân sự

gần 19 triệu USD cho Philippines

Lô hàng viện trợ quân sự giúp thắt chặt quan hệ quốc phòng giữa Bắc Kinh và Manila dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte.

“Trong cuộc gặp song phương tướng Từ Quốc Nguy, cục trưởng Cục Hợp tác quân sự Quốc tế thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc, chúng tôi đã ký thỏa thuận viện trợ trị giá một tỷ peso (gần 19 triệu USD) nhằm đáp ứng yêu cầu của quân đội Philippines”, Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Cardozo Luna hôm qua phát biểu trong lễ tiếp nhận trang bị quân sự Trung Quốc tại thủ đô Manila.

Các khí tài được Bắc Kinh chuyển giao cho Manila theo thỏa thuận này gồm có cầu dã chiến, thiết bị khử mặn và lọc nước, cùng radar thăm dò lòng đất. “Vấn đề của Philippines là nhiều cây cầu bị bão phá hủy. Cầu dã chiến rất có ích với nỗ lực tìm kiếm cứu hộ trong thảm họa”, Thứ trưởng Luna nói.

Quan chức Philippines nói radar thăm dò lòng đất có thể giúp quân đội nước này phát hiện bom mìn bị vùi lấp ở thành phố Marawi sau chiến dịch quân sự chống phiến quân kéo dài nhiều tháng hồi giữa năm 2017.

“Bom mìn sót lại đã ngăn cản việc tái định cư ở các khu vực giao tranh. Tới nay vẫn còn hơn 40 quả bom chưa được tìm thấy”, Thứ trưởng Luna nói thêm, cho biết gói viện trợ mới thể hiện quan hệ song phương đang ngày càng gắn bó giữa Philippines và Trung Quốc.

Từng là đồng minh quân sự thân thiết của Mỹ, Philippines dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte thực thi chính sách tăng cường quan hệ với Trung Quốc để đổi lấy viện trợ kinh tế và quốc phòng. Bắc Kinh từng hai lần viện trợ khí tài quân sự cho Manila, trong đó có 6.000 súng trường tấn công, hàng trăm súng bắn tỉa,  nhiều loại vũ khí cá nhân và đạn trị giá gần 7,4 triệu USD vào tháng 6/2017. Đến tháng 7/2018, Trung Quốc chuyển giao 4 xuồng tuần tra hạng nhẹ và hàng chục súng chống tăng cho quân đội Philippines.

http://biendong.net/bi-n-nong/27195-tq-vien-tro-lo-thiet-bi-quan-su-gan-19-trieu-usd-cho-philippines.html

 

Máy bay TQ vượt ranh giới hàng hải,

Đài Loan phản đối

Đài Loan hôm 31/3 lên án hành động “khiêu khích” từ Bắc Kinh sau khi hai chiếc máy bay chiến đấu của Trung Quốc bay ngang qua đường ranh giới hàng hải trong bối cảnh ngày càng có nhiều căng thẳng giữa hai bên.

Reuters dẫn một tuyên bố của Bộ Quốc phòng của hòn đảo tự trị nói rằng sớm ngày 31/3, Đài Loan đã nhanh chóng triển khai các máy bay để “đuổi” hai chiếc máy bay chiến đấu của Trung Quốc sau khi chúng bay qua ranh giới hàng hải tại Eo biển Đài Loan

Bộ này nói thêm rằng động thái của Trung Quốc đã “gây tác động nghiêm trọng tới an toàn và ổn định của khu vực”.

XEM THÊM:

Đài Loan muốn mua thêm vũ khí để tự vệ, Mỹ đáp ứng thuận lợi

Chưa có phản ứng tức thời của Bắc Kinh, theo hãng tin Reuters.

Tin cho hay, Trung Quốc đã nhiều lần triển khai các máy bay quân sự và tàu tới bao vây Đài Loan trong các cuộc diễn tập trong vòng vài năm qua cũng như đã tìm cách cô lập hòn đảo này trên trường quốc tế.

Hoa Kỳ tuần trước đã triển khai các tàu tuần duyên và hải quân qua Eo biển Đài Loan trong một phần nỗ lực gia tăng di chuyển qua vùng biển chiến lược này bất chấp phản đối của Trung Quốc.
Đài Loan là một trong các điểm nóng trong quan hệ Mỹ – Trung, bên cạnh các vấn đề khác như chiến tranh thương mại và Biển Đông.

https://www.voatiengviet.com/a/m%C3%A1y-bay-tq-v%C6%B0%E1%BB%A3t-ranh-gi%E1%BB%9Bi-h%C3%A0ng-h%E1%BA%A3i-%C4%91%C3%A0i-loan-ph%E1%BA%A3n-%C4%91%E1%BB%91i/4855647.html

 

Thông điệp Ấn Độ gửi TQ

sau khi phóng thành công tên lửa diệt vệ tinh

Giới chuyên gia cho rằng động thái của Ấn Độ khi tuyên bố bắn rơi thành công vệ tinh và trở thành cường quốc vũ trụ mang thông điệp gửi tới Trung Quốc về tiềm năng quân sự của New Delhi.

Ngày 27/3, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố rằng New Delhi đã trở thành cường quốc không gian khi bắn thành công tên lửa đạn đạo đánh chặn lên độ cao 300 km, tiêu diệt một vệ tinh trong quỹ đạo thấp.

Động thái trên không những gửi thông điệp tới Pakistan trong bối cảnh 2 quốc gia Nam Á đang căng thẳng vì xung đột ở Kashmir mà dường như còn là lời nhắn rõ ràng tới Trung Quốc rằng New Delhi có khả năng bắn rơi vệ tinh của đối thủ, theo Bloomberg.

Theo ông Modi, Ấn Độ là nước thứ 4 trên thế giới có thể làm được điều trên sau Mỹ, Nga, Trung Quốc.

“Rõ ràng điều Ấn Độ muốn gửi gắm là họ là một nền quân đội mạnh mẽ và uy lực. Điều này dường như không ám chỉ tới một quốc gia riêng lẻ mà là thông điệp gửi tới toàn bộ đối thủ của New Delhi. Nếu ai đó định làm gì với các vệ tinh của chúng tôi, chúng tôi có khả năng đáp trả ngược lại”, Ajey Lele, cựu quân nhân Ấn Độ, chuyên gia tại viện Phân tích và Nghiên cứu Quốc phòng Ấn Độ, cho biết.

Trung Quốc được đánh giá là ngày càng nâng cao năng lực trong lĩnh vực không gian. Đây là một trong nhiều lý do mà Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn Washington xây dựng một lực lượng vũ trụ, theo Bloomberg. Ấn Độ dường như cũng hiểu được tình hình lúc này.

“Trung Quốc rõ ràng là một phần nằm trong tính toán (của Ấn Độ)”, chuyên gia Rajeswari Pillai Rajagopalan tại quỹ Observer Research, trụ sở tại New Delhi, nhận xét.

Ông Rajagopalan chỉ ra rằng Trung Quốc đã thử nghiệm bắn rơi vệ tinh như Ấn Độ từ 12 năm trước và điều này dường như khiến New Delhi “thức tỉnh” và đã đầu tư nghiên cứu lĩnh vực không gian.

Theo giới quan sát, quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã trở nên căng thẳng sau hàng loạt những mâu thuẫn ở biên giới 2 nước. Hai nước dường như đều muốn nâng cao tầm ảnh hưởng ở khu vực. Trong khi Trung Quốc bắt tay hợp tác quân sự và kinh tế với Pakistan, Ấn Độ hướng tới nâng cao quan hệ với Mỹ.

John Blaxland, người đứng đầu trung tâm nghiên cứu quốc phòng và chiến lược tại đại học Quốc gia Australia, cho biết vụ thử bắn rơi vệ tinh cho thấy Ấn Độ đã tham gia vào chiến trường không gian và bất cứ đối thủ nào của họ sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng nếu muốn “khiêu chiến” với New Delhi trên vũ trụ.

Hơn nữa, trong bối cảnh căng thẳng ở Kashmir vẫn chưa hạ nhiệt, vụ phóng tên lửa diệt vệ tinh của Ấn Độ được coi là thông điệp gửi tới Pakistan rằng họ có khả năng bắn hạ tên lửa đạn đạo của đối thủ.

http://biendong.net/bi-n-nong/27220-thong-diep-an-do-gui-tq-sau-khi-phong-thanh-cong-ten-lua-diet-ve-tinh.html