Tin Việt Nam – 19/03/2019
Tài xế chống BOT ‘bẩn’: Số bị giải tán, người bị bắt
Diễm Thi, RFA
Hôm 15/3/2019, trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài thu phí trở lại sau gần 3 tháng dừng thu phí, xả trạm.
Theo báo chí trong nước thì từ khi mở trạm thu lại vào sáng 15/3/2019 cho đến nay, tại BOT này không xảy ra tình trạng lái xe phản đối. Blogger Nguyễn Lân Thắng từ Hà Nội nhận xét về việc này:
“Thực sự đó là họ rút lui chiến thuật bởi việc phản đối trực diện bây giờ nó rất là nguy hiểm. Việc thò mặt ra BOT sẽ dễ bị lấy cớ gây rối trật tự công cộng rồi bắt giam, thậm chí họ đập phá xe, đánh người một cách ngang nhiên.
Khi các tài xế ra BOT Thăng Long- Nội Bài thực chất là họ nhử xem động thái mạnh của phía bên BOT cũng như phía bên công an như thế nào. Chắc họ sẽ theo một trình tự pháp lý để kiện những hành động sai trái đó, chứ bây giờ mà tiếp tục ra đó phản đối thì nó cũng rất là khó.”
Trước đó từ ngày 18/12/2018, một số tài xế ôtô đã dán biểu ngữ trên xe, tập trung tại BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài phản đối việc thu phí và yêu cầu chuyển trạm về tuyến tránh Vĩnh Yên. Hai ngày sau đó, trạm thu phí này đã mở barie liên tục vì tài xế và dân chúng tụ tập phản đối thu phí, cho rằng trạm đặt sai vị trí, thu phí vô lý với mức giá cao.
Cùng thời điểm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài bị lái xe tập trung phản đối năm ngoái, ba BOT khác cũng bị lái xe phản đối quyết liệt vì cho rằng nơi đặt trạm chưa hợp lý, đó là BOT Cai Lậy (Tiền Giang), Tân Đệ (Thái Bình), Mỹ Lộc (Nam Định).
Cho đến nay, BOT Tân Đệ đã bị tháo dỡ để đưa về tuyến đường tránh Đông Hưng.
Một số tài xế phản đối BOT đã bị bắt giam với tội gây rối trật tự. Một tài xế bị bắt giam gây phản ứng mạnh mẽ trong công luận là ông Hà Văn Nam, tài xế ở tỉnh Thái Bình bị bắt tạm giam theo thông báo của Cơ quan cảnh sát điều tra huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, do Thượng tá Nguyễn Kim Cương ký hôm 5/3/2019.
Hôm 18/3/2019, một nhóm luật sư đã tham gia buổi hỏi cung tại trại tạm giam. Luật sư Hà Huy Sơn, một người trong nhóm luật sư cho RFA biết:
“Tôi cùng bốn luật sư khác tham gia buổi hỏi cung của điều tra viên hỏi cung anh Hà Văn Nam. Tôi chỉ là người dự cung chứ không phải được gặp riêng. Tình hình sức khỏe và tinh thần anh Hà Văn Nam tốt. Anh nói rằng anh không bị đánh đập, không bị ép cung, mớm cung.
Người ta khởi tố anh Nam theo khoản 2 điều 381, tức tội gây rối trật tự công cộng. Còn nội dung buổi hỏi cung thì theo luật quy định chúng tôi không được phép thông tin, không được phép tiết lộ.”
Thực sự đó là họ rút lui chiến thuật bởi việc phản đối trực diện bây giờ nó rất là nguy hiểm. Việc thò mặt ra BOT sẽ dễ bị lấy cớ gây rối trật tự công cộng rồi bắt giam, thậm chí họ đập phá xe, đánh người một cách ngang nhiên. – Nguyễn Lân Thắng
Bà Trần Thị Nhài, vợ ông Hà Văn Nam nêu ra văn bản mới nhất của Công ty Cổ phần BOT Phả Lại thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Giao Thông vận tải tại văn bản số 1619/BGTVT hôm 26/2/2019. Theo đó những người dân thuộc địa phận xã Đức Long, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh sẽ được miễn phí khi qua BOT Phả Lại.
Bà cho rằng đây là điều ông Hà Văn Nam đứng lên đòi quyền lợi cho người dân và đã có kết quả. Bà khẳng định chồng bà vô tội:
“Hôm 15/3 vừa rồi đã có văn bản thông báo của BOT Phả Lại đã miễn phí cho người dân của hai xã quanh trạm này. Đó chính là nội dung anh Nam từng làm việc với đại diện của BOT Phả Lại hôm 31/12/2018 mà bị quy chụp là gây rối. Tức là kết quả đã có rồi. Chồng em đòi quyền lợi cho người dân, người dân được nhận quyền lợi rồi thì chồng lại bị quy chụp như thế. Mình chỉ đấu tranh đòi quyền lợi rất chính đáng bình thường thôi.
Rất nhiều người dân bức xúc chuyện như vậy nhưng họ không dám nói, hơn nữa họ cũng không biết nói như thế nào. Anh Nam nhà em đứng lên đòi quyền lợi cho người dân nên người dân ủng hộ và lên tiếng cho anh.
Trong lòng người dân thế nào thì họ biểu hiện vậy thôi. Em chỉ biết anh Nam nhà em vô tội thôi.”
Hôm 9/3/2019, Tổ chức Ân xá Quốc tế ra thông cáo báo chí yêu cầu nhà chức trách Việt Nam “phải trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện đối với nhà bảo vệ nhân quyền Hà Văn Nam, người bị bắt và cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” vì những hoạt động ôn hòa của ông ấy.”
Ân xá quốc tế xem cáo buộc chống lại ông Hà Văn Nam là có động cơ chính trị, vì nó chỉ liên quan đến việc ông ấy thực hành ôn hòa quyền con người như một người làm chiến dịch chống tham nhũng và đòi công lý.
Từ sáng ngày 15/3/2019, ngay khi BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài thu phí trở lại, Đội CSGT số 15 được huy động phối hợp với các đơn vị cảnh sát cơ động, cảnh sát phòng cháy chữa cháy, công an huyện Sóc Sơn và các lực lượng chức năng khác tại cơ sở, trực suốt ngày đêm tại trạm để đảm bảo an ninh trật tự.
Chồng em đòi quyền lợi cho người dân, người dân được nhận quyền lợi rồi thì chồng lại bị quy chụp như thế. Mình chỉ đấu tranh đòi quyền lợi rất chính đáng bình thường thôi. – Trần Thị Nhài
Ông Nguyễn Lân Thắng nhận định việc này là trái pháp luật:
“Chuyện đấy đương nhiên là trái pháp luật. Từ trước đến nay không phải chỉ riêng chuyện BOT mà chuyện thu hồi cưỡng chế đất đai cho các khu công nghiệp hay khu đô thị, thì việc họ sử dụng công an hay quân đội cưỡng chế đất đai hay cưỡng chế đóng những dịch vụ người ta không sử dụng.”
Ông nhận xét sở dĩ có chuyện công an hay quân đội tham gia vào những việc dân sự này là do nhận thức quyền của người dân còn hạn chế nên họ không có những phản ứng và phản đối mạnh mẽ thích hợp. Bên cạnh đó là với cách tuyên truyền một chiều của hệ thống truyền thông Việt Nam, những người trong hệ thống công quyền bên công an hay quân đội không nghĩ rằng mình đã sai khi thực hiện việc cưỡng chế người dân như vậy.
Trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài ra đời bởi Dự án xây dựng quốc lộ 2 được Chính phủ phê duyệt và Bộ Giao thông ký kết với Công ty cổ phần BOT Vietracimex 8 theo hình thức BOT, có giá trị quyết toán đầu tư là 505 tỷ đồng, hoạt động từ ngày 28/12/2010.
BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài dùng nguồn thu với thời gian 16 năm 10 tháng để hoàn vốn cho dự án trên.
Giữa năm 2018, UBND Hà Nội đã kiến nghị Bộ Giao thông xóa bỏ trạm thu phí này. Bộ Giao thông từng hai lần kiến nghị Chính phủ bỏ trạm nhưng Chính phủ yêu cầu tiếp tục thu phí theo đúng nội dung hợp đồng đã ký kết với nhà đầu tư.
VN mở điều tra dự án PVN mất mát to ở Venezuela
Nhiều câu hỏi đang đặt ra quanh việc Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) xin từ chức trong khi Bộ Công an tiếp tục điều tra dự án khai thác của PVN ở Venezuela.
Hôm 12/3 Hội đồng quản trị PVN họp xem xét đơn xin nghỉ của tổng giám đốc Nguyễn Vũ Trường Sơn, chỉ mới nhậm chức tháng 3/2016.
PVN không xác nhận đơn xin của ông Sơn được chấp thuận hay không, và vì sao ông Sơn xin từ chức.
Trong diễn tiến khác, Bộ Công an gần đây có văn bản gửi PVN đề nghị cung cấp hồ sơ về dự án khai thác dầu khí ở Venezuela, ký hợp đồng từ hồi năm 2010.
‘Nhóm lợi ích’
Theo truyền thông Việt Nam, dự án đầu tư khai thác mỏ lô Junin 2 tại Venezuela do Tổng công ty Thăm dò và khai thác dầu khí (PVEP), công ty con của PVN, làm chủ đầu tư, từ năm 2010.
Thời gian đó, tổng giám đốc PVEP chính là ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, người vừa đệ đơn từ chức Tổng giám đốc PVN.
Đây cũng là giai đoạn khi ông Đinh La Thăng, cựu ủy viên Bộ Chính trị đang thụ án tù, giữ chức Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN (2008-2011).
Tiến sĩ Alexander L. Vuving chỉ ra rằng dự án tiến hành vào giai đoạn người đứng đầu Đảng Cộng sản là ông Nông Đức Mạnh, còn người đứng đầu chính phủ là ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng Việt Nam từ 2006 đến 01/2016.
Ông Vuving cho rằng quyết định đầu tư ra nước ngoài của PVN khi đó “là một quyết định chính trị, có sự thúc đẩy của một số nhóm lợi ích, giống như những dự án cùng thời điểm như khai thác bauxite Tây Nguyên hay sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội”.
Nói với BBC, ông Vuving, đang làm việc ở Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye, Hoa Kỳ, nhấn mạnh những dự án như vậy thường gây tranh cãi, khó thông qua “nếu tôn trọng đầy đủ ý kiến công luận và các bên liên quan”.
“Thế nên các nhóm lợi ích thường nhờ đến các thế lực cấp cao, lên tới cấp ‘tứ trụ’ và Bộ Chính trị,” ông Vuving dẫn giải.
‘Cảnh báo’ của các bộ
Sự tranh cãi của dự án được đề cập qua một bài trên tờ Pháp luật TPHCM ngày 18/3, nói rằng năm 2010, hai bộ của Việt Nam có ý kiến ‘cảnh báo’.
Theo bài này, tháng 8/2010, bộ kế hoạch đầu tư đề nghị dự án “phải được cân nhắc hết sức thận trọng, đặc biệt khi nó được đầu tư bằng vốn nhà nước và vốn vay của doanh nghiệp nhà nước”.
Đồng thời, bộ tài chính yêu cầu PVN giải trình khoản thanh toán 584 triệu USD bằng tiền mặt trong khoảng thời gian ngắn với cái gọi là “phí tham gia hợp đồng” (bonus) cho phía Venezuela (một nửa số tiền phải thanh toán ngay trong vòng sáu tháng từ ngày hợp đồng có hiệu lực và phần còn lại thanh toán lần lượt trong vòng 18 tháng và 30 tháng kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực).
Việt Nam ‘đi ngược Đổi Mới’ vào lúc nào?
Thực chất nội hàm ‘chính phủ kiến tạo VN’ là gì?
Diễn biến Venezuela gửi thông điệp gì cho VN?
Tờ báo này cũng viết: “Vấn đề ở đây là trước đó, một số cảnh báo đã được đưa ra với PVN về các rủi ro trên. Cụ thể, theo tìm hiểu của chúng tôi, trong một văn bản gửi cho thủ tướng khi đó (là ông Nguyễn Tấn Dũng) vào tháng 8-2010, Bộ KH&ĐT đã phân tích các rủi ro tại thị trường Venezuela.”
Còn tờ Giáo dục Việt Nam cho hay hồi tháng 11/2008, Bộ KHĐT đã báo cáo Thủ tướng và kiến nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét đặc cách để sớm cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án Junin 2.
Nhưng đề nghị này Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bác bỏ bằng văn bản kèm theo yêu cầu chính phủ phải có tờ trình Ủy ban để làm rõ phần vốn đóng góp của nhà nước vào dự án này.
Thế nhưng khi Chính phủ gửi cơ quan thường trực Quốc hội tờ trình, thì phần vốn góp của nhà nước thay đổi, từ 956 triệu đô la dự kiến ban đầu, xuống còn 547 triệu đô la, tức chỉ còn 29,9% tổng vốn góp của Việt Nam. Nghĩa là dự án này thoát diện phải báo cáo Quốc hội (dự án có mức góp vốn 30% trở lên).
“Chỉ “sâu chúa” mới dám và vượt mặt Quốc hội, ném chục ngàn tỉ ra ngoài như thế?,” tờ Giáo dục Việt Nam viết.
Còn VietnamNet viết về dự án Junin 2 này rằng “hiện nay dự án đã tạm dừng triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo ngày 2/12/2013 của Văn phòng Chính phủ”.
Dự án ‘khó khăn’
Theo thông tin đã được công bố, trong dự án ở Venezuela, PVEP, trực thuộc PVN, đã góp 40% vốn cùng với Công ty Dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA) để thành lập liên doanh PetroMacareo.
Ý tưởng về dự án xuất phát từ năm 2006, khi Tổng thống Venezuela Hugo Chavez thăm Việt Nam.
Các báo Việt Nam luôn nhắc đến tình hữu nghị ‘đặc biệt’ với Venezuela.
Ngày 31/7/2006, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Hugo Chavez đã chứng kiến quan chức hai nước ký các văn kiện hợp tác song phương, trong đó có Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực năng lượng.
Tháng 6/2007, chính phủ Việt Nam đồng ý về nguyên tắc để PVN đàm phán với Tổng công ty Dầu khí Quốc gia Venezuela về việc thành lập các công ty liên doanh khai thác và nâng cấp dầu khí lô Junin 2 tại Venezuela.
Ngày 24/11/2010, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói “đây có chủ trương của Chính phủ và đồng chí Tổng Bí thư, đồng chí Chủ tịch nước cũng đã có thảo luận với Tổng thống Venezuela về chủ trương này”.
“Cũng nói như các đồng chí là chúng ta thiếu năng lượng, chúng ta phải tìm kiếm các nguồn năng lượng, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.”
“Chủ trương Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam đầu tư ra nước ngoài để có thêm nguồn dầu, thêm nguồn năng lượng là một chủ trương đúng,” ông Nguyễn Tấn Dũng nói.
Tháng 4/2012, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dự Lễ khai trương mỏ đầu tiên của Liên doanh dầu khí Việt Nam – Venezuela tại khu vực Junin 2.
Nhưng đầu năm 2013, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Phùng Đình Thực công khai xác nhận dự án Junin 2 đang gặp khó khăn, thách thức lớn và chậm tiến độ.
Ngày 2/12/2013, văn phòng chính phủ thông báo, theo chỉ đạo của Thủ tướng, dự án tạm dừng triển khai.
Sản phẩm một thời?
Nhà cựu ngoại giao Mỹ David Brown, nay là một cây bút bình luận, nói liên doanh PVN ở Venezuela bắt đầu từ 2010, ngay trước khi hai công ty nhà nước Vinashin và Vinalines sụp đổ.
“Chính phủ Việt Nam thời gian đó ủng hộ quan niệm rằng việc thành lập các nhóm kinh tế hùng mạnh, không bị kiểm soát chặt, được phép quản lý tài sản ở quy mô lớn, sẽ giúp kinh tế Việt Nam hội nhập thành công.”
“Được chính phủ khi đó khuyến khích, cả PVN và Viettel tích cực tìm kiếm liên doanh ở nước ngoài, đặc biệt với các đối tác ở các nước có thể chế tương đồng như Cuba, Angola, Myanmar, khu vực Liên Xô cũ và Venezuela.”
Ông David Brown nói tiếp: “Khai thác dầu khí vốn là ngành rủi ro cao. Một số thành công lớn, nhiều cái khác thất bại.”
“Bộ Công an hiện được cho là đang điều tra về việc PVEP thoả thuận ‘trả cho đối tác Venezuela chỉ đơn giản để đổi lấy quyền khai thác dầu bất kể khả năng lợi nhuận ra sao.’ Tuy nhiên, những khoản chi trả như thế là bình thường trong ngành khai thác dầu khí.”
“PVEP có thể chỉ đơn giản là làm theo thông lệ như các công ty khác trong việc ‘mua’ vai trò trong việc khai thác dầu ở Venezuela, điều hoá ra lại diễn biến xấu đi.”
Trong khi đó, tiến sĩ Alexander L. Vuving cho rằng những “quyết định chính trị” vẫn còn tiếp tục đến ngày nay ở Việt Nam.
“Trong đó có dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành hay gần đây nhất là đề án đặc khu kinh tế,” ông Vuving nói.
Từ PVN, sẽ kỷ luật cấp nào?
Ông David Brown nói: “Nay PVN đang bị tố cáo giảm nhẹ rủi ro và kế toán không minh bạch – những lỗi lầm mà có thể dễ dàng đổ cho người đã đi tù Đinh La Thăng, và người kế nhiệm Nguyễn Vũ Trường Sơn, vừa mới xin từ chức.”
Còn nhà quan sát Alexander L. Vuving tự hỏi liệu Tổng Bí thư hiện thời Nguyễn Phú Trọng có đi xa hơn trong cuộc điều tra.
“Cuộc chiến chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng có thể xem khởi xướng từ 2011 đến 2015 là giai đoạn một, chủ yếu nhắm vào Thủ tướng lúc đó Nguyễn Tấn Dũng.”
“Sau khi ông Dũng bị buộc nghỉ hưu sau Đại hội 12 năm 2016, cuộc chiến chống tham nhũng sang giai đoạn hai.”
“Trong mắt tôi, giai đoạn hai đánh vào bốn nhóm lợi ích, Big Four, là nhóm ông Dũng, nhóm quân đội, nhóm công an (điển hình là vụ Vũ Nhôm), nhóm ông Lê Thanh Hải (nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM).”
“Vụ điều tra PVN đầu tư vào Venezuela có thể sẽ tiếp tục dọn đường đến ông Nguyễn Tấn Dũng, nhưng cũng có thể không.”
Ông Vuving nêu quan điểm: “Hy vọng các vụ án này sẽ bóc trần thêm sự thật về các nhóm lợi ích đã tàn phá đất nước, để công luận có thêm động lực chống lại những cái xấu trong xã hội.”
Các sai phạm của PVN cũng đã khiến nhiều quan chức cao cấp, bao gồm ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN 2005-2008; Phùng Đình Thực, cựu Tổng giám đốc, Chủ tịch PVN 2011-2014; Nguyễn Xuân Sơn, Cựu Chủ tịch PVN 2014-2015; Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch PVN 2016-2017, dính vòng lao lý.
Ông Nguyễn Xuân Sơn chịu mức án cao nhất: Tử hình.
Tính đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố bốn đời chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Quan hệ ‘đối tác toàn diện’
Sau khi Liên Xô tan rã, CHXHCN Việt Nam có xu hướng tìm đồng minh hoặc các đối tác không chỉ giúp về kinh tế mà còn ‘đồng cảm’ về ý thức hệ vốn đã cũ.
Riêng về Venezuela, người dân nước này không biết nhiều đến Việt Nam, như ý kiến của một nhà báo Venezuela từng nói.
Nhưng từ phía chính quyền Việt Nam, báo chí nước này luôn nhắc đến tình hữu nghị ‘đặc biệt’ với Venezuela, được đặt gần bằng quan hệ với Cuba, một đồng minh ý thức hệ lâu năm của CHXHCN Việt Nam ở Tây Bán Cầu’ mà quá khứ chống Hoa Kỳ là yếu tố quan trọng.
“Từ lâu, nhân dân hai nước đã có sự hiểu biết và ủng hộ lẫn nhau. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam, hòa cùng làn sóng đồng tình và ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, nhân dân Venezuela đã dấy lên phong trào đoàn kết ủng hộ Việt Nam.”
“Điển hình là sự kiện tháng 10/1964, các cựu chiến binh Caracas đã tham gia bắt cóc viên trung tá Mỹ Smolen nhằm đánh đổi tự do cho anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, người bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt và kết án tử hình,” bài báo ‘Việt Nam – Venezuela: 25 năm quan hệ phát triển bền vững’ viết.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47625075
Chính quyền xử lý một số Facebooker
đăng tin thịt lợn nhiễm bệnh
Truyền thông trong nước hôm 19/3 loan tin cho biết một số người sử dụng mạng xã hội Facebook đã bị chính quyền địa phương triệu tập để làm việc về vấn đề mà cơ quan chức năng cho là ‘tung tin thịt lợn bị nhiễm sán và dịch tả lợn sai sự thật’.
Theo đó, anh Nguyễn Bá Mạnh, sinh năm 1987, ngụ tại xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh được nói đã đăng lên trang Facebook cá nhân hình ảnh thịt lợn nhiễm sán cùng lời bình luận: “Cần các bậc phụ huynh xã Ngũ Thái lên tiếng, không ngờ xã mình cũng nhận thịt nhiễm sán.”
Cơ quan công an địa phương đã triệu tập anh Mạnh lên làm việc và yêu cầu gỡ bỏ nội dung thông tin bị nói là sai sự thật và yêu cầu anh này đính chính, xin lỗi trên mạng xã hội. Công an huyện Thuận Thành nói vẫn đang tiếp tục điều tra vụ việc.
Tin cũng cho hay hai người dùng Facebook ở tỉnh Cà Mau cũng bị chính quyền triệu tập vì hành vi bị cho là đăng thông tin sai sự thật về dịch tả lợn Châu Phi.
Ông Trần Quốc Chính, Giám đốc Sở Thông Tin và Truyền Thông tỉnh Cà Mau xác nhận cho biết hai cá nhân là Nguyễn Bảo Trân và Phạm Hoàng Yên trước đó hôm 12/3 đăng tải trên Facebook cá nhân hình ảnh kèm thông tin ám chỉ bệnh dịch đã lan tới Cà Mau. Các đăng tải trên được nói đã thu hút hàng ngàn lượt người quan tâm, nhưng cơ quan chức năng xác định đây là thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý người tiêu dùng và gây thiệt hại chăn nuôi trong tỉnh.
Báo trong nước nói Công an tỉnh Cà Mau đã phối hợp với Sở Văn Hóa Thông Tin mời Trân và Yên lên làm việc và nhắc nhở, tuy nhiên không xử phạt vi phạm hành chính. Tại buổi làm việc, hai người này được nói đã khai nhận vì hiếu kỳ và thiếu hiểu biết nên đăng tải thông tin sai sự thật, đồng thời cam kết không tái phạm và gỡ bỏ thông tin.
Ngoài ra, chị Đoàn Phương Loan, 30 tuổi, ngụ tại xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu cũng bị chính quyền triệu tập hôm 18/3 vì đăng tải trên mạng xã hội nội dung “Thịt heo bệnh về tới Bạc Liêu.”
Báo trong nước nói tại buổi làm việc, chị Loan xác nhận hành vi đăng tin sai sự thật, hứa sẽ gỡ thông tin, và nói nguyên nhân vì lo sợ cho gia đình nên đưa thông tin nhằm cảnh báo mọi người.
Trước đó hôm 12/3, Chủ doanh nghiệp Đầm Bầu Thời Trang Mami ở Hà Nội cũng đã bị Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử phạt hành chính 20 triệu đồng vì đăng tải thông tin sai sự thật về dịch tả lợn Châu Phi trên tài khoản Facebook cá nhân.
Cập nhật nhiễm sán lợn tại Bắc Ninh
Đã có hơn 200 trẻ em ở tỉnh Bắc Ninh được xác định bị nhiễm sán lợn và vụ việc khiến thủ tướng chính phủ chỉ đạo, các cơ quan chức năng vào cuộc, giới chuyên gia có ý kiến.
Truyền thông trong nước cho biết tính đến tối ngày 17/3 đã có 209 trẻ em ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh bị nhiễm sán lợn. Đây là những trẻ em có độ tuổi từ 1 đến 10 tuổi ở nhiều xã khác nhau của huyện Thuận Thành.
Tin cho biết có đến 2000 trẻ em được cha mẹ cho đi làm xét nghiệm tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương ở Hà Nội.
Trước tình trạng này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong một cuộc họp với Bộ Y tế vào sáng ngày 18/3, đã yêu cầu đưa bác sĩ về huyện Thuận Thành để khám sức khỏe cho người dân, nhằm trách việc mọi người đến Hà Nội để xét nghiệm.
Bộ Y Tế Việt Nam vào sáng ngày 18 tháng 3 cũng cử cán bộ về hai xã thuộc địa bàn huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh để lấy mẫu máu xét nghiệm sán lợn cho học sinh bị nhiễm.
Bênh cạnh đó, cảnh báo của chính phủ cũng được gửi đến các trường học trong cả nước chú ý đến chuyện vệ sinh thực phẩm cho học sinh. Và chính phủ cũng giao Bộ Công an làm rõ tại sao trẻ em ở Bắc Ninh bị nhiễm sán lợn.
Mạng báo Phụ nữ tại Thành phố Hồ Chí Minh phỏng vấn bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh Viện Nhi Đồng 1, và ông này cho rằng việc xét nghiệm nếu có dương tính hay không cũng không có giá trị vì mục tiêu xét nghiệm để điều trị không có.
Việc nhiễm sán lợn nơi trẻ em có thể do các em ăn thịt có nhiễm loại sán này. Truyền thông trong nước cho hay là từ cuối tháng hai đã có những video xuất hiện cho thấy thịt lợn tại Bắc Ninh có những hạt nhỏ bằng hạt gạo, màu trắng, bị nghi là sán lợn.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/pig-worm-vietnam-up-date-03182019095131.html
Trẻ em bị nhiễm sán ở Bắc Ninh chưa cần phải điều trị
Bộ Y tế Việt Nam cho biết, những trẻ em có kết quả dương tính sán lơn như ở Bắc Ninh thì chưa cần phải điều trị mà chỉ điều trị khi sán đã trưởng thành.
Truyền thông trong nước dẫn lời ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm thuộc Bộ Y tế cho biết vào hôm 19/3.
Theo ông Phong, đoàn công tác của Bộ Y tế ngay sau khi tiếp nhận vụ việc đã đến huyện Thuận Thành, Bắc Ninh để tìm hiểu nguyên nhân và xác minh vụ việc hàng trăm trẻ em tại khu vực này bị nhiễm sán. Nguyên nhân nhiễm sán được ông Phong cho biết có nhiều yếu tố, không chỉ thực phẩm ăn uống trực tiếp mà còn có thể nhiễm qua môi trường nước, vệ sinh không sạch sẽ.
Ngoài ra, theo kết quả xét nghiệm thì không chỉ trẻ nhỏ mà người lớn cũng dương tính với sán và không chỉ Bắc Ninh mà lan rộng nhiều tỉnh thành khác cũng có người nhiễm sán. Đồng thời, ông Phong cho biết ngay cả việc có kết quả dương tính trong máu cũng có thể không có sán vì việc xác nghiệm cũng chỉ là một trong những biện pháp hỗ trợ chẩn đoán, nên khi nào người có biểu hiện mới xét nghiệm và tổ chức điều trị thì mới xác định rõ được.
Do dó, ông Phong khẳng định trẻ em xét nghiệm có dương tính với sán ở khu vực Bắc Ninh chưa cần phải điều trị và bệnh nhân chỉ điều trị khi sán đã trưởng thành và dùng duy nhất một liều thuốc.
Ông Phong còn cho biết thêm việc cung cấp thông tin của Bắc Ninh không thống nhất dẫn đến việc công bố không chính xác khiến người dân hoang mang.
Theo báo cáo của Sở Y Tế Bắc Ninh đến hết ngày 18/3 có tổng cộng gần 3500 trẻ được khám và xét nghiệm. Trong đó có hơn 1800 trẻ được trả kết quả và 225 trẻ em dương tính với sán lợn.
Cần nghiêm minh trong vụ bé gái
bị xâm hại tình dục ở Chương Mỹ
Hòa Ái, phóng viên RFA
Liên quan vụ việc một bé gái 9 tuổi ở huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội bị xâm hại tình dục, dư luận phản đối công an địa phương một cách mạnh mẽ khi tuyên bố cho thủ phạm được tại ngoại, vì “không có dấu hiệu hiếp dâm” và tội phạm ít nghiêm trọng.
Tuyên bố của công an
Một lần nữa, vấn nạn trẻ em ở Việt Nam bị xâm hại tình dục được xã hội đồng loạt nhắc đến qua vụ việc một bé gái tên Q, 9 tuổi, ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội bị thanh niên Nguyễn Trọng Trình (31 tuổi) xâm hại tại khu vườn chuối vào ngày 24 tháng 2.
Vào sáng ngày 18 tháng 3, Báo mạng Dân Trí dẫn lời của Trưởng Công an huyện Chương Mỹ, Trung tá Trần Trí Dũng cho biết bị can Nguyễn Trọng Trình không có dấu hiệu của hành vi hiếp dâm dựa theo lời khai của nạn nhân và bị can, do đó bị khởi tố về hành vi “Dâm ô với người dưới 16 tuổi” theo quy định tại Khoản 1 Điều 146 Bộ luật Hình sự, thuộc tội phạm ít nghiêm trọng, và bị can không bị tạm giam.
Truyền thông trong nước loan tải thông tin mẹ của bé gái Q sau khi tìm được con gái đi lạc ở ngoài đường vào trưa ngày 24 tháng 2, phát hiện trên mặt và quần áo của con gái dính nhiều vết máu trong lúc cháu bé liên tục gào khóc. Trên cơ thể của bé Q được phát hiện có vết hằn hình bàn tay, xương tay phải bị rạn, gãy hàm răng dưới và chảy máu ở bộ phận sinh dục.
Mẹ của bé gái Q đã làm đơn trình báo vụ việc đến cơ quan chức năng và thủ phạm Nguyễn Trọng Trình bị Công an huyện Chương Mỹ bắt tạm giam. Tuy nhiên đến ngày 6 tháng 3, bị can Nguyễn Trọng Trình được tại ngoại.
Tại vì trong thực tế, nếu đúng như báo chí tường thuật lại thì cháu bé không chỉ bị gãy tay, gãy răng…Riêng điều này có thể quy về tội bạo hành rồi. Nhưng cháu bé còn bị tổn thương nghiêm trọng ở bộ phận sinh dục, cụ thể là rách màng trinh và thủng tầng sinh môn. Như vậy rõ ràng là có hành vi xâm nhập. Cho dù không phải xâm nhập bằng bộ phận sinh dục của thủ phạm chăng nữa thì hành vi xâm nhập có thể hoàn toàn coi là hành vi hiếp dâm
-TS. Khuất Thu Hồng
Trưởng Công an huyện Chương Mỹ nhấn mạnh với báo giới rằng luật pháp chặt chẽ nên khi cho tại ngoại thì giao cho chính quyền địa phương quản lý, nên không thể giam giữ theo cảm tính và nếu làm theo dư luận thì công an vi phạm pháp luật và vi phạm quyền con người.
Truyền thông cũng cho biết bị can Nguyễn Trọng Trình vào tháng 4 năm 2013 mãn án tù về tội cướp giật tài sản, về cư trú tại địa phương và đang trong diện quản lý, theo dõi của cơ quan chức năng.
Dư luận phản đối
Trước tuyên bố vừa nêu của Trưởng Công an huyện Chương Mỹ, một làn sóng phản đối mạnh mẽ của công luận qua các trang fanpage của báo chí chính thống lẫn trên các trang mạng xã hội rằng không thể để cho thủ phạm tại ngoài như thế được. Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội ghi nhận ý kiến của dư luận:
“Thật ra không chỉ riêng ý kiến của tôi, mà cũng có rất nhiều người có ý kiến về vụ việc này và đều không đồng tình với cách xử lý như vậy; do đánh giá vụ việc là ‘ít nghiêm trọng’, cho tại ngoại và cho đó là hành vi dâm ô. Tại vì trong thực tế, nếu đúng như báo chí tường thuật lại thì cháu bé không chỉ bị gãy tay, gãy răng…Riêng điều này có thể quy về tội bạo hành rồi. Nhưng cháu bé còn bị tổn thương nghiêm trọng ở bộ phận sinh dục, cụ thể là rách màng trinh và thủng tầng sinh môn. Như vậy rõ ràng là có hành vi xâm nhập. Cho dù không phải xâm nhập bằng bộ phận sinh dục của thủ phạm chăng nữa thì hành vi xâm nhập có thể hoàn toàn coi là hành vi hiếp dâm. Tôi sợ rằng cách vận dụng những quy định của Luật Hình sự hiện nay về cái tội ‘hiếp dâm’ và cái tội ‘dâm ô’ chưa rõ ràng, cho nên người ta có thể vận dụng để giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của hành vi này.”
Trong cùng ngày 18 tháng 3, Báo Dân Trí dẫn lời của giới luật sư cho rằng với các thương tích trên cơ thể của bé gái nạn nhân, cho thấy bị can đã dùng vũ lực nhằm thực hiện mục đích giao cấu. Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) nói với Báo Dân Trí rằng trên cơ sở hồ sơ đã tiếp xúc, lời khai các bên và thương tích trên cơ thể nạn nhân, thì quan điểm của ông cho rằng hành vi của bị can Nguyễn Trọng Trình có dấu hiệu của tội “Hiếp dâm với người dưới 16 tuổi”. Trong khi đó, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) nhận định với Báo Dân Trí rằng hành vi của bị can Nguyễn Trọng Trình không những xâm hại trực tiếp về sức khỏe, mà còn gây sang chấn tâm lý lâu dài cho cháu Q.
Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục Trẻ em, ông Đặng Hoa Nam cho báo giới quốc nội biết Cục Trẻ em không đồng tình với việc cho phép bị can đang bị khởi tố liên quan tới xâm hại tình dục trẻ em được tại ngoại và Cục Trẻ em đã gửi công văn yêu cầu Sở Lao động-Thương binh & Xã hội xác minh thông tin bị can được tại ngoại để báo cáo với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.
Kêu gọi của công luận
Đài RFA ghi nhận rất nhiều ý kiến của dư luận bày tỏ sự phẫn nộ trước quyết định cho thủ phạm được tại ngoại của Công an huyện Chương Mỹ. Họ kêu gọi các cơ quan chức năng cần thực thi pháp luật một cách nghiêm minh trong vụ việc của bé gái bị xâm hại tình dục ở huyện Chương Mỹ vừa mới xảy ra. Một cư dân ở Hà Nội chia sẻ:
“Tôi rất bất bình về vụ việc này, và công lý cần được thực thi cho bé. Thứ hai nữa là Công an Việt Nam cũng cần phải tỏ rõ trách nhiệm tốt hơn, không thể để những vụ việc mà những vấn nạn của xã hội lại không thể xét xử công minh được. Tôi rất quan tâm đến vụ này và tôi tin rằng với sự vào cuộc của báo chí thì sẽ sỡm làm rõ ai đúng, ai sai và thủ phạm phải được đưa ra xét xử đúng người đúng tội.”
Vào hạ tuần tháng 3 năm 2017, Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc-UNICEF ra thông cáo về tệ trạng trẻ em bị xâm hại tình dục tại Việt Nam. Đồng thời, Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam (GBVNet) cũng ra thông cáo kêu gọi Chính phủ cùng xã hội có hành động thiết thực giúp bảo vệ và ngăn ngừa vấn nạn trẻ em bị xâm hại tình dục. Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, vào thời điểm đó, trong một cuộc phỏng vấn với RFA cho biết bà ghi nhận chỉ sau 4 ngày thông cáo được phổ biến, đã có gần 30 ngàn người ký tên vào kiến nghị thư này để gửi đến Quốc hội và Chính phủ. Tiến sĩ Khuất Thu Hồng nhận định với số lượng chữ ký nhiều như thế, chứng tỏ sự quan tâm của xã hội là rất lớn, mọi người nhận thức vấn đề trẻ em bị xâm hại tình dục cấp thiết đến mức độ nào.
Tôi rất bất bình về vụ việc này, và công lý cần được thực thi cho bé. Thứ hai nữa là Công an Việt Nam cũng cần phải tỏ rõ trách nhiệm tốt hơn, không thể để những vụ việc mà những vấn nạn của xã hội lại không thể xét xử công minh được. Tôi rất quan tâm đến vụ này và tôi tin rằng với sự vào cuộc của báo chí thì sẽ sỡm làm rõ ai đúng, ai sai và thủ phạm phải được đưa ra xét xử đúng người đúng tội
-Người dân Hà Nội
Trả lời câu hỏi của RFA rằng, trong vòng 2 năm qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam có những việc làm thiết thực ra sao, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng nói rằng bà ghi nhận trong thời gian 2 năm vừa rồi, một số vụ việc xâm hại tình dục trẻ em được đưa ra xét xử, cho thấy dấu hiệu tích cực của phía các cơ quan chức năng. Tuy nhiên theo Tiến sĩ Khuất Thu Hồng thì mặc dù có sự quan tâm nhiều hơn của phía chính quyền nhưng xét về số lượng vụ việc được giải quyết là có sự thay đổi rất chậm, trong khi Bộ Công An thông báo có đến 1000 vụ xâm hại tình dục trẻ em từ năm 2012 đến 2015 và riêng 6 tháng đầu năm 2017, có đến 800 vụ việc đã xảy ra. Tiến sĩ Khuất Thu Hồng nhận xét:
“Về phía xã hội thì tôi thấy trong xã hội Việt Nam, bây giờ người dân có nhận thức tốt hơn trong vấn đề này rất nhiều. Mỗi một vụ việc xảy ra mà có thể công bố, được báo chí đưa tin thì mọi người rất quan tâm cũng như có sự lên tiếng rất mạnh mẽ. Và tôi cũng trông đợi rằng sự lên tiếng đó của xã hội sẽ tạo ra những áp lực để khiến cho các cơ quan chức năng phải có những hành động mạnh mẽ hơn nữa. Và qua các vụ việc như vậy, có thể thấy rằng là các quy định pháp luật của Việt Nam còn yếu và còn thiếu. Tôi rất hy vọng sẽ có những sự điều chỉnh, sửa đổi lại các quy định luật pháp để nó thật sự trở thành một công cụ để răn đe và xử lý những hành vi như thế.”
Dư luận khắp Việt Nam kêu gọi cơ quan pháp luật cần nhanh chóng điều tra vụ việc bị xâm hại tình dục của bé gái ở Chương Mỹ và xét xử công minh, vì bởi lẽ không những luật pháp phải được thực thi mà công tác bảo vệ và ngăn ngừa tệ nạn trẻ em Việt Nam bị xâm hại tình dục của cơ quan nhà nước không phải chỉ là những khẩu hiệu tuyên truyền.
Công chúng phẫn nộ về hành động
tấn công ‘hôn ẩu’ chỉ bị phạt 200.000 đồng
Đông đảo người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam bày tỏ “thất vọng”, “tức giận” khi nghe tin người đàn ông khống chế và hôn một cô gái trong thang máy chung cư chỉ bị phạt 200.000 đồng (chưa đến 10 đô la Mỹ).
Một nữ chuyên gia về giới nói với VOA rằng mức phạt như vậy là “quá tệ” và đã đến lúc pháp luật “cần phải thay đổi”.
Các bản tin trên báo chí Việt Nam cho hay công an quận Thanh Xuân, Hà Nội, ngày 18/3 ra quyết định xử phạt 200.000 đồng đối với ông Đỗ Mạnh Hùng vì có hành vi “sàm sỡ, hôn” một nữ sinh viên 20 tuổi trong thang máy của một tòa nhà chung cư.
Vụ việc do người đàn ông 37 tuổi gây ra vào tối hôm 4/3, làm nữ sinh viên “hoảng loạn”, theo lời tường thuật của nhiều tờ báo.
Theo tìm hiểu của VOA, ngay sau khi bị tấn công, nữ sinh viên có tên được viết tắt là P.H.V trình báo công an, song vụ việc có nguy cơ bị ỉm đi nếu không có nhiều người sử dụng mạng xã hội lan truyền thông tin, hình ảnh về vụ việc qua mạng.
Một hành vi tệ như thế mà chỉ xử phạt 200.000, và cái người gây ra câu chuyện này anh ta sẽ cảm thấy chả có gì răn đe cả. Đã đến lúc mọi người cùng ngồi lại với nhau xem là chúng ta cần sửa gì trong quy định của luật pháp
Bà Nguyễn Vân Anh, chuyên gia về giới
Sau hơn 10 ngày dư luận đưa ra nhiều ý kiến, công an đã phạt ông Hùng và giải thích với báo chí rằng theo đánh giá của công an, hành vi ông ta “không cấu thành tội phạm” mà thuộc vào phạm trù “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”.
Tin cho hay công an cũng lập biên bản yêu cầu ông Hùng cam kết “không tái phạm, không được có các hành vi tương tự”.
Nữ sinh V phát biểu rằng cô “rất thất vọng” và “không đồng tình về mức phạt”, theo các bản tin của VNExpress và Việt Nam Mới. Cô nói: “Tôi không nghĩ anh ta bị xử phạt nhẹ nhàng như vậy. Chẳng nhẽ chỉ cần bỏ ra 200.000 đồng thì ra đường muốn làm gì ai cũng được sao? Đến giờ này tôi không biết nói gì thêm…”
Bình luận về diễn biến này, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên, nói với VOA:
“Sẽ phải xem xét lại các điều khoản quy định của luật. Bởi vì nó rất vô lý. Một hành vi tệ như thế mà chỉ xử phạt 200.000, và cái người gây ra câu chuyện này anh ta sẽ cảm thấy chả có gì răn đe cả. Đã đến lúc mọi người cùng ngồi lại với nhau xem là chúng ta cần sửa gì trong quy định của luật pháp”.
Trên mạng xã hội, nhiều người gọi mức phạt vừa được áp dụng là “trò cười” hoặc “nhẹ như phủi bụi”.
Đây không phải lần đầu tiên mức phạt nhẹ như vậy được áp dụng ở Việt Nam cho hành vi tấn công tình dục.
Theo tìm hiểu của VOA, hồi giữa năm 2018, một nữ nhân viên Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, cáo buộc rằng một nam đồng nghiệp đã tấn công, tìm cách hiếp dâm chị. Sau đó, công an huyện công bố kết quả điều tra nói rằng nam đồng nghiệp đó chỉ “trêu ghẹo, sàm sỡ” và anh này đã bị phạt 200.000 đồng.
Trong hai ngày qua, nhiều người bày tỏ ý kiến lo lắng trên mạng rằng mức phạt quá nhẹ hiện nay có thể “khích lệ” những kẻ xấu gia tăng tấn công tình dục nhằm vào phụ nữ ở nơi công cộng.
Trước tiên, các hội đoàn nếu có thể hãy lên tiếng, và những người làm luật, những luật sư, các tổ chức phải lên tiếng để yêu cầu xem xét lại cách chúng ta xử phạt các tội phạm tình dục.
Nữ chuyên gia về giới Nguyễn Vân Anh
Đồng thời họ cũng chỉ ra những bất cập của những quy định luật pháp với so sánh rằng có trường hợp “đi tiểu bậy” ở Hà Nội bị phạt 2 triệu đồng/người năm 2017, hay một phụ nữ bị phạt 7,5 triệu đồng hồi tháng 2 năm nay ở Điện Biên vì “nói xấu người khác trên Facebook”, trong khi hành vi tấn công tình dục được xem là nguy hiểm hơn nhiều lại chỉ bị phạt nhẹ hơn rất nhiều.
Nữ chuyên gia Nguyễn Vân Anh đồng ý với các quan điểm nêu trên. Bà nói với VOA rằng hành vị tấn công tình dục “phải bị xử phạt theo một mức cao hơn rất là nhiều”.
Bà Vân Anh nhận định rằng trong những ngày sắp tới, các tổ chức, các nhà hoạt động sẽ có nhiều hành động để phản ứng về vụ việc của ông Đỗ Mạnh Hùng và các vụ tương tự. Bà nói với VOA:
“Trước tiên, các hội đoàn nếu có thể hãy lên tiếng, và những người làm luật, những luật sư, các tổ chức phải lên tiếng để yêu cầu xem xét lại cách chúng ta xử phạt các tội phạm tình dục, không chỉ vụ này mà một loạt vụ khác đang được xem xét rất là nhẹ”.
Nữ giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên nhận xét thêm rằng lâu nay hệ thống pháp luật Việt Nam “phản ứng chậm, rất là tệ và có cái nhìn xuê xoa” về các vụ tấn công hay quấy rối tình dục. Bà Vân Anh lưu ý đến thực tế đang có ngày càng nhiều các vụ việc như vậy, và thúc giục nhà chức trách “nghiêm túc nhìn lại” các quy định luật pháp cũng như việc thực thi chúng.
Hôm 6/3, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tham gia Lễ phát động “Năm An toàn cho phụ nữ và trẻ em”.
Tuy nhiên, một loạt vụ việc bao gồm vụ hiếp, giết nữ sinh ở Điện Biên, thầy giáo dâm ô học sinh ở Bắc Giang, bé gái 9 tuổi bị xâm hại ở Chương Mỹ, Hà Nội, và vụ tấn công tình dục trong thang máy mới đây đang làm dư luận hoài nghi về kết quả có thể đạt được trong năm nay.
https://www.voatiengviet.com/a/cong-chung-phan-no-vu-tan-cong-hon-au-bi-phat-200000/4837837.html
FAO kêu gọi VN công bố
tình trạng khẩn cấp về sốt heo châu Phi
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) đã khuyên Việt Nam tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc (national emergency) về dịch sốt heo châu Phi (African Swine Fever – ASF).
Trong tuyên bố, FAO cho biết virus bệnh sốt heo đã được phát hiện lần đầu tiên một tháng trước tại ba trang trại ở hai tỉnh phía Bắc của Việt Nam.
Nay dịch đã lan sang 17 tỉnh của Việt Nam với 239 ổ dịch đã được xác nhận, theo Reuters hôm 19/03/2019.
Nguy cơ dịch virus Zika ở Việt Nam
Vì sao TQ nuôi sáu tỷ con gián?
Bộ đội Bắc Hàn vượt tuyến có giun 27cm
Tiêu thụ nhiều heo
Thịt heo chiếm 75% tổng lượng tiêu thụ thịt tại Việt Nam, nơi phần lớn 30 triệu con heo nuôi tại các trang trại được tiêu thụ trong nước.
“Heo chết do dịch ASF và các biện pháp kiểm soát bệnh gây ra gánh nặng kinh tế cho nhiều gia đình ở nông thôn,” ông Albert T. Lieberg, đại diện FAO tại Việt Nam nói sau cuộc họp tuần trước với chính quyền Việt Nam.
Hiện Việt Nam đã và đang thực hiện các biện pháp kiểm soát di chuyển nghiêm ngặt đối với heo và các sản phẩm từ heo và đã tiêu hủy hơn 25,000 con.
Tuy nhiên, FAO cho biết các trang trại nhỏ với tiêu chuẩn vệ sinh thấp sẽ khiến bệnh này lây lan rộng hơn.
Căn bệnh không thể chữa được ở heo nhưng vô hại với con người này cũng đã lây lan nhanh chóng ở Trung Quốc.
Tuần trước, Bắc Kinh đã cấm nhập khẩu heo, heo rừng và các sản phẩm liên quan từ Việt Nam.
Trong tháng 1/2019, Trung Quốc thông báo tỉnh thứ 24 ở nước họ bị dịch sốt heo châu Phi.
Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) nói tính từ năm 2017 đến ngày 18/2/2019 đã có 20 quốc gia báo cáo bệnh dịch sốt heo châu Phi.
Hơn 100 ổ dịch được phát hiện ở Trung Quốc, gồm cả ổ dịch tại Vân Nam và Quảng Đông, hai tỉnh biên giới với Việt Nam.
Cũng liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, dư luận Việt Nam những ngày qua đang bức xúc vì vụ hơn 200 trẻ ở Bắc Ninh bị nhiễm sán lợn vì thức ăn ở trường.
Tin mới nhất cho biết hiện đang có cuộc điều tra và trước mắt chính quyền đã đình chỉ hiệu trưởng Cao Thị Hòe của Trường mầm non Thanh Khương, nơi xảy ra vụ nhiễm sán.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-47629159
Dịch tả lợn Châu Phi đã lan tới Thừa Thiên Huế
Dịch tả lợn Châu Phi lần đầu tiên đã xuất hiện ở tỉnh Thừa Thiên Huế.
Truyền thông trong nước loan tin vừa nói hôm 18/3.
Cụ thể, 4 con lợn nhiễm bệnh đầu tiên thuộc đàn heo 6 con của gia đình ông Tạ Hồng Uẩn tại thôn Hiền An, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, Huế.
Ủy ban nhân dân xã Phong Sơn cho biết, hiện 2 con heo còn lại của ông Uẩn đã được tiêu hủy. Kết quả xét nghiệm từ các mẫu bệnh phẩm đều dương tính với bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
Tin cho biết, Chi cục Thú y Thừa Thiên Huế sau khi phát hiện ổ dịch tại xã Phong Sơn, đã tiến hành xử lý vôi, tiêu độc khử trùng, thành lập các chốt xung quanh khu vực ổ dịch để phong tỏa người ra vào cũng như các loại gia súc, gia cầm.
Ngoài ra Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các địa phương không giấu dịch; không mua bán vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt…
Theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 19/3/2019, đã có tổng cộng 19 tỉnh, thành nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Số lượng lợn tiên hủy hơn 26 ngàn con.
Ngoài Thừa Thiên Huế, 18 tỉnh thành được xác định có dịch gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nam, Hải Dương, Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hòa Bình, Ninh Bình, Điện Biên, Sơn La, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Nghệ An, Lạng Sơn và Bắc Ninh.
Ba du khách Anh chết ở Đà Lạt:
‘Không được cảnh báo đầy đủ’
Ba du khách người Anh tử nạn khi khám phá khu vực thác Datanla, TP Đà Lạt, đã không nhận được cảnh báo đầy đủ, theo một kết luận tại Anh.
Thái Lan: Nhiều du khách TQ chết vì lật tàu
Thêm vụ cháy tàu du lịch trên vịnh Hạ Long
Hai chị em Izzy Squire, 19 tuổi, và Beth Anderson, 24, thiệt mạng cùng người bạn Christian Sloan, 24, hồi tháng 2/2016.
Họ đã cắm đầu lao khi trượt thác, xuống một vũng suối và lẽ ra sau đó sẽ đi ra.
Nhưng chuyên viên khám nghiệm tử thi tại Anh vừa kết luận rằng người hướng dẫn du lịch địa phương đã không giải thích đầy đủ cho ba du khách.
Các gia đình người Anh tuyên bố cái chết của người thân họ “đã hoàn toàn có thể ngăn chặn được”.
Chuyên viên khám nghiệm tử thi tại Anh Chris Dorries nghe lời khai rằng ba người bạn đã mặc áo phao, mũ bảo hiểm vào thời điểm họ trượt xuống thác nước để rơi vào một vũng suối sâu khoảng 1,8 mét.
Nhưng thay vì trèo ra, ba người này lại tiếp tục đi tiếp xuống khu vực dòng sông, và thiệt mạng khi rơi xuống thác.
Cuộc khám nghiệm cũng được nghe người hướng dẫn Đặng Văn Sỹ nói rằng anh đã cảnh báo ba du khách về cách thức đi ra khỏi vũng suối an toàn.
Nhưng nhiều nhân chứng, được tìm thấy qua một kêu gọi đăng trên Facebook của gia đình ông Sloan, bác bỏ điều này.
Hôm thứ Ba, chuyên viên Dorries nói không chấp nhận lời khai của ông Sỹ, và kết luận hoặc ông Sỹ đã không hề đưa ra cảnh báo, hoặc đã không bảo đảm là lời cảnh báo của ông được du khách hiểu đúng.
Phát biểu sau kết luận này, người cha của bà Squire và Anderson, David Squire, nói ông không biết cuộc điều tra hình sự ở Việt Nam đang diễn ra tới đâu.
Ông Squire tuyên bố: “Các sự kiện và hoàn cảnh dẫn tới cái chết của họ đã hoàn toàn có thể ngăn ngừa được.”
Chuyên viên khám nghiệm Dorries nói: “Họ đã không được cảnh báo đầy đủ về rủi ro ở cuối đoạn trượt xuống, và đặc biệt là có rủi ro chết người vì còn một thác nước khác cách đó chỉ 14 mét có thể cuốn họ đi.”
Ông Dorries nói rằng, trái ngược tin tức lúc mới xảy ra vụ việc, ba du khách Anh đã không chủ quan làm gì để đe dọa an toàn chính bản thân họ.
Xem bài ‘Vietnam waterfall death tourists ‘were not warned of danger’ đã đăng trên trang BBC News nội địa ở Anh Quốc.
Xem bài của BBC Tiếng Việt về câu chuyện này hồi 2016.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47628075
Người Việt hay chen lấn, đi trễ:
“Hoàn cảnh sinh tính cách”
Trung Khang, RFA
Một lần nữa chuyện người Việt chen lấn, xô đẩy, không xếp hàng, đi trễ… lại được một vị lãnh đạo chính phủ nói đến và kêu gọi người dân và báo chí góp phần đẩy lùi những thói quen xấu như thế.
“Có lẽ người ta hay dùng câu là hoàn cảnh tạo nên tính cách.”
Đó là nhận định của Sử gia Dương Trung Quốc, ông đưa ra ví dụ tuổi thơ của ông cách đây năm sáu chục năm, thì rõ ràng có sự khác biệt từ cách giáo dục trong xã hội, trong gia đình, từ trong những câu ca dao, từ trong lề thói đời sống, người ta luôn lấy sự tự tại, bình tĩnh, không vội vã.v.v… để thể hiện tính cách của mình, sự sang trọng của mình, hay sự lịch sự của mình. Ông nói tiếp:
Phải nói là rất khắc nghiệt, nên nó dẫn đến việc tính cách con người luôn luôn tranh thủ mọi cơ hội để đạt được mục đích của mình, trong hoàn cảnh đời sống không ổn định, chính sách chế độ không thể ổn định được.
-Sử gia Dương Trung Quốc
“Nhưng rõ ràng nhất của việc này là thời kỳ chiến tranh, thời kỳ bao cấp; nói thế không phải đổ cho câu chuyện của một thời kỳ lịch sử nhất định. Tôi lấy ví dụ về tiêu chuẩn nhu yếu phẩm chẳng hạn, nếu anh chậm chân thì có thể không bao giờ anh có được cả, để được xếp hàng người ta phải tranh giành một cơ hội nào đó. Phải nói là rất khắc nghiệt, nên nó dẫn đến việc tính cách con người luôn luôn tranh thủ mọi cơ hội để đạt được mục đích của mình, trong hoàn cảnh đời sống không ổn định, chính sách chế độ không thể ổn định được.”
Sự không ổn định có thể thấy rõ nhất qua việc, khi ra nước ngoài, người Việt Nam vẫn xếp hàng, nhưng khi ở trong nước, có lẽ họ lo sợ vì nạn tham nhũng, nạn ‘cò’… giành mất phần nếu họ kiên nhẫn xếp hàng. Điều này cho thấy rõ, rất nhiều người mất niềm tin vào sự công bằng.
Sự phát triển của xã hội ngày nay, khoảng cách giàu nghèo, cộng với sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền cũng là một câu hỏi được nêu lên là có phải là nguyên nhân của sự việc.
Theo Sử gia Dương Trung Quốc, một trong những nguyên nhân là việc ngày càng nhiều người dân nông thôn di cư vào thành thị:
“Lối sống của nông thôn tràn vào thành thị, phải nói là khá lâu dài, cho đến bây giờ vẫn như vậy thôi, thì tôi cho rằng hoàn cảnh thay đổi xã hội tạo nên thói xấu đó. Cộng với việc chúng ta không có cái chuẩn mực. Hơn nữa có nhiều cái chúng ta phải giải thích hết sức sâu sắc. Tôi lấy ví dụ việc tranh cướp ở các lễ hội chẳng hạn, ngày xưa lễ hội nó chỉ ở làng thôi, và trong làng có thói quen là sự tranh cướp tạo nên sự vui vẻ của ngày hội, còn bây giờ thì của tứ chiến. Cho nên nó chứa đựng ở đó tất cả những hành vi, từ cái chỗ rất văn hóa, thành hành vi phi văn hóa.”
Nếu nhìn vào hiện tượng để phân tích thật kỹ, thì những thay đổi của xã hội, đòi hỏi hành vi con người phải phù hợp theo. Vì vậy ông Dương Trung Quốc cho rằng, để hạn chế những hành động vô văn hóa đó thì không có gì có thể giải quyết bằng kỷ luật của đời sống, kỷ luật của thực tiễn, kỷ luật của khoa học… Ông đưa ra ví dụ chuyện giờ giấc, không thể xuê xoa được, người đi muộn thì lỡ chuyến tàu, điều đó là chắc chắn. Vì vậy tự điều chỉnh bằng nếp sống có thể tốt hơn bằng chính sách; thậm chí bằng kỹ thuật công nghệ nhiều hơn chỉ là vấn đề thuần túy là giáo dục, nhắc nhở, nói chuyện…
Tại Hội thảo “Vai trò của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hoá ứng xử” do Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch phối hợp cùng Hội Nhà báo, Bộ Thông tin – Truyền thông tổ chức hôm 16 tháng 3, tại Hà Nội, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ngoài việc kêu gọi kêu gọi người dân bỏ thói chen lấn, trễ giờ, ông còn kêu gọi báo chí có tiếng nói mạnh mẽ hơn về vấn đề này bằng cách tăng bài viết, chuyên mục về ứng xử văn hoá.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 18/3/2019, nhà ngôn ngữ học, Phó giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng đưa ra nhận định liên quan vấn đề này:
“Nếu mà nói là chữa một thói quen như thế thì rất là lâu, nhất nhiều thứ, chẳng hạn như chuyện đi trễ khi dự đám cưới ở Việt Nam. Nhưng ở đây không nói như thế, mà nói về phía nhà nước, chẳng hạn như tôi đi đến chỗ nhà nước thì cán bộ nhà nước đâu nêu gương được chuyện đó. Cái cần làm nhất là một nhà nước có pháp luật, có kỷ cương, mà cái đó thì rất khó làm. Chứ chỉ báo chí lên tiếng thì chưa đủ. Nếu như ông phó thủ tướng kêu gọi như vậy, trong khi bộ máy hành chính như thế, thì làm sao người ta tin được. Tôi cho là có thể nói như ổng, nhưng với cương vị như ông phó thủ tướng thì trước hết ông phải hướng vào đội ngũ của ông ấy.”
Báo chí thì cũng cần thiết, có thể nêu gương những việc làm tốt hay bêu gương những việc làm sai trái, theo tôi cũng có sức ép xã hội và cũng không phải là không có hiệu quả. Nhưng tôi cho rằng cuối cùng cũng phải đi vào cái kỷ luật của đời sống, cuối cùng người dân phải cân nhắc hiệu quả của hành vi của mình, vì có những trường hợp đi trễ có thể bị phạt… hoặc là ở cơ quan nếu đến trễ thì có thể bị xử lý về hành chính… Tôi cho rằng phải làm một tổng thể như thế mới hy vọng thay đổi được, chứ không chỉ là tuyên truyền thuần túy, mặc dù tuyên truyền là cực kỳ quan trọng, nhưng nó chỉ là một phần của cuộc sống thôi – Ông Dương Trung Quốc nhận định.
Không phải người Việt trong nước mới hay đi trễ, nhiều người Việt khi ra nước ngoài sinh sống, mặc dù sống trong một trường năng động hơn, văn minh hơn, nhưng chuyện người Việt hay đi trễ cũng là vấn đề cần bàn, đến nỗi có cả một câu nói vui mô tả chuyện này là “Không ăn đậu không phải Mễ (người Mexico), không đi trễ không phải Việt Nam”. Tuy nhiên không phải người Việt ở nước ngoài lúc nào cũng đi trễ, khi cần gặp ai quan trọng, hay khi đi máy bay, họ thường đi đúng giờ, thậm chí họ đi sớm hơn.
Phó giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng thì cho rằng, Ông Vũ Đức Đam nói như thế thì nên hướng vào cán bộ nhà nước, tức là người trong phạm vi ông Đam có trách nhiệm, nếu ông làm được như thế, cán bộ không đi trễ về sớm, thì sẽ làm gương rất tốt:
Ông Vũ Đức Đam nói như thế thì nên hướng vào cán bộ nhà nước, tức là người trong phạm vi ông có trách nhiệm, nếu ông làm được như thế, cán bộ không đi trễ về sớm. Thì sẽ tác động rất lớn đến quần chúng, chứ kêu gọi văn hóa nói chung thì rất khó mà giải quyết.
-PGS. TS. Hoàng Dũng
“Trong truyền thống của người Việt, thì chuyện chuyện trễ giờ liên quan đến một xã hội nông nghiệp. Chẳng hạn dẫn nước vào ruộng trước một giớ hay sau một giờ chẳng có ý nghĩa gì, nhưng anh đến nhà máy trễ 10 phút là sinh chuyện rồi. Cho nên đời sống công nghiệp buộc phải đúng giờ, còn đời sống nông nghiệp không phải thế, cái đó nó có từ đặc điểm kinh tế văn hóa của người Việt, phải sửa chữa từ lâu rồi. Ông Vũ Đức Đam nói như thế thì nên hướng vào cán bộ nhà nước, tức là người trong phạm vi ông có trách nhiệm, nếu ông làm được như thế, cán bộ không đi trễ về sớm. Thì sẽ tác động rất lớn đến quần chúng, chứ kêu gọi văn hóa nói chung thì rất khó mà giải quyết.”
Còn Sử gia Dương Trung Quốc thì cho rằng mọi hiện tượng xã hội phải nghiên cứu thật kỹ chứ không đơn giản. Chẳng hạn như lễ hội ngày xưa liên quan đến một không gian nhất định, quy củ, có nề nếp, những hành vi đã được điều chỉnh bằng tập quán. Ông so sánh với hiện nay:
“Như vấn đề cướp lộc chẳng hạn, hay như chơi cù chẳng hạn, người ta tranh giành nhau một cách quyết liệt, nhưng mà nó có luật lệ rồi. Nó khác với cái chuyện vừa rồi, dân tại chỗ đang chơi với nhau rất vui vẻ, rồi dân bên ngoài nhảy vào, biến nó thành một cuộc ẩu đả, tranh cướp rất vô lối, vô văn hóa.”
Tuy nhiên Ông cho rằng, muốn giải quyết thì phải điều chỉnh từng bước một, chứ không nên triệt tiêu. Vì nếu triệt tiêu thì sẽ mất đi phần nào giá trị của lễ hội, mà nên điều chỉnh như thế nào, cho phù hợp với thực tế hiện nay là lễ hội gắn liền với du lịch, vì lễ hội đã vượt ra khỏi khuôn khổ những yếu tố truyền thống. Vì vậy Ông cho rằng, muốn hạn chế các thói xấu trong xã hội, thì phải điều chỉnh làm sao để vẫn giữ được nét đẹp, nét hay, hạn chế những yếu tố đi sai lệch, biến tướng, phản cảm, đi ngược lại giá trị văn hóa.
Việt Nam có khuynh hướng
có các tập đoàn tư bản cấu kết với nhà nước
Kính Hòa RFA
Trong số báo ra ngày 17/3/2019 của tờ VnEconomy, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam được trích lời nói rằng cơ cấu kinh tế của nền kinh tế Việt Nam đang có vấn đề.
Đó là những vấn đề gì?
Trong một Diễn đàn về phát triển kinh tế tư nhân, ông Trần Đình Thiên nhận xét rằng hiện nay các công ty vừa và nhỏ của người Việt không phát triển, bộ phận doanh nghiệp phát triển nhất là các doanh nghiệp thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Trước đó vài ngày, ông cựu Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ljungreen, viết trên tạp chí YaleGlobal rằng việc thu hút FDI của Việt Nam có vẻ dễ dàng hơn là phát triển những doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, hiện sống tại Hội An, đồng tình với đánh giá của ông Trần Đình Thiên và ông cựu đại sứ Thụy Điển.
“Xuất khẩu của Việt Nam hàng năm là có 75 đến 78% là do các công ty nước ngoài. Còn mấy triệu cái doanh nghiệp Việt Nam không được 25% tổng kim ngạch xuất khẩu. Thành ra nền kinh tế Việt Nam nó không có vững, những doanh nghiệp Việt Nam không tham gia tích cực vào việc phát triển kinh tế.”
Ông Bùi Kiến Thành nêu các lý do sau đây làm doanh nghiệm vừa và nhỏ của Việt Nam không phát triển:
Không có nhân sự được đào tạo tốt.
Không tiếp cận được với nguồn vốn vay.
Những doanh nghiệp Việt Nam không tham gia tích cực vào việc phát triển kinh tế.
-Ông Bùi Kiến Thành.
Khó tiếp cận được các cơ sở hạ tầng đất đai.
Ngoài ra theo ông Bùi Kiến Thành, các doanh nghiệp Việt Nam còn phải đối đầu với nạn hối lộ mà các doanh nghiệp FDI không phải chịu.
Một chuyên gia kinh tế khác là ông Nguyễn Huy Vũ hiện làm việc tại Na Uy cho biết:
“Các doanh nghiệp nước ngoài đến làm ăn tại Việt Nam thì có sự cam kết giữa hai chính phủ, nếu có chuyện gì xảy ra với chính quyền thì chính phủ của họ can thiệp. Đối với doanh nghiệp Việt Nam thì không có ai can thiệp với chính quyền trung ương cả.”
Ông Nguyễn Huy Vũ dẫn chứng nhiều trường hợp các doanh nghiệp bị cơ quan chức năng tùy tiện áp dụng những biện pháp chế tài, trong đó có vụ lực lượng công an tịch thu vàng bạc đá quí của một doanh nghiệp tại Cần Thơ cách đây không lâu.
Ngay trong các sản phẩm được các doanh nghiệp FDI làm ra tại Việt Nam, theo vị cựu đại sứ Thụy Điển, thành phần do người Việt Nam làm ra hầu như chỉ gói gọn trong lao động giản đơn.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long, một nhà quan sát từ Đại Học Maine, Hoa Kỳ, nói với RFA rằng đừng thấy những con số hàng tỉ đô la hàng xuất khẩu của Việt Nam mà lạc quan, vì trong đó phần lớn là các giá trị được làm ra tại nước ngoài.
Ông Bùi Kiến Thành gọi đây là một nền kinh tế tạm nhập tái xuất.
Gần đây có tin cho biết tập đoàn Samsung của Hàn Quốc, nhà đầu tư lớn nhất Việt Nam hiện nay, mở hai trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam.
Xoay quanh sự việc này có hai luồng ý kiến khác nhau.
Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế sống ở Hà Nội cho biết:
“Việt Nam luôn thúc đẩy Samsung làm nhiều hơn nữa, các linh kiện các bộ phẩn tại Việt Nam và các bộ phận nghiên cứu và phát triển. Đấy là những bước triển khai hơn nữa ngoài việc gia công thuần túy của Samsung, rất đáng hoan nghênh.”
Nhưng ông Bùi Kiến Thành tỏ ý dè dặt hơn, ông nói rằng phải chờ một thời gian nữa xem có kết quả gì hay không.
Ông Nguyễn Huy Vũ thì nói rằng việc các tập đoàn lớn cho triển trai các trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam là khó xảy ra, nếu có thì có thể là họ sẽ cho người của xứ họ vào làm việc để tận dụng việc ưu đãi về thuế của Việt Nam.
Trong thời gian gần đây, xuất hiện tập đoàn Vingroup của “đại gia” Phạm Nhật Vượng tại Việt Nam với nhiều dự án công nghiệp làm cho một số nhà quan sát lạc quan về một bước phát triển mới của kinh tế Việt Nam.
Ông Bùi Kiến Thành nói về những dự án của Vingroup:
“Ông Vượng có những việc làm tốt, chuyển từ dịch vụ sang sản xuất xe ô tô. Những công việc của anh Vượng cũng nằm trong khả năng và tiến triển tương đối tốt.”
Tuy nhiên ông cũng nói thêm là phải chờ xem là sự tiến triển đó như thế nào.
Ông Nguyễn Huy Vũ cho rằng muốn phát triển kinh tế tạo ra nhiều giá trị, cần có hai điều kiện, là ý tưởng mới và môi trường kinh doanh thuận lợi, và ông chưa thấy hai điều kiện đó xuất hiện tại Việt Nam.
Nhận xét về những tin tức vừa qua xung quanh các dự án của tập đoàn Vingroup, ông Nguyễn Huy Vũ cho biết:
“Trường hợp của Phạm Nhật Vượng giống như Cheabol của Hàn Quốc hay Keiretsu của Nhật Bản. Đó là những tập đoàn lớn cấu kết với nhà nước tổ chức sản xuất đối với những ngành công nghiệp nặng chậm thay đổi, cần vốn lớn của Nhật Bản và Hàn Quốc trong quá khứ.”
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh những ngành kinh tế hiện đại thay đổi nhanh chóng, ông Vũ cho rằng Việt Nam chưa có tác nhân mới nào đáng lạc quan.
Trường hợp của Phạm Nhật Vượng giống như Cheabol của Hàn Quốc hay Keiretsu của Nhật Bản. Đó là những tập đoàn lớn cấu kết với nhà nước.
-Ông Nguyễn Huy Vũ.
Bình luận về môi trường kinh doanh của Việt Nam hiện nay bà Phạm Chi Lan cho rằng đã có nhiều sự thay đổi tích cực, vì thế các doanh nhân lớn sẽ không bị những trường hợp đáng tiếc như vụ ông Tăng Minh Phụng bị án tử hình hồi sau đổi mới 1986.
Bà Phạm Chi Lan hoan nghênh những dự án lớn của Vingroup , nhưng mặt khác bà cũng e ngại việc xuất hiện các tập đoàn lớn nhiều tiền của:
“Những công ty rất lớn thì sẽ có nhiều ảnh hưởng đến quyết sách của chính phủ. Họ dễ đi lobby để có chính sách có lợi cho họ và bất lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khác.”
Trong bài viết tổng quát về phát triển kinh tế và chính trị Việt Nam trong thời gian mấy mươi năm qua, ông cựu đại sứ Thụy Điển nhận thấy rằng việc thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển cần những nổ lực chính trị lớn.
Ông kết thúc bài viết rằng mặc dù Việt Nam đã thực hiện một đường lối cải cách kinh tế phi cộng sản nhưng cần nổ lực nhiều hơn để đánh thức tiềm năng rất to lớn của Việt Nam.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-cheabol-keiretsu-03182019120418.html
Cụ bà 72 tuổi ở Hà Nội viết thư cho TT Trump
lên án tội ác CNXH
Một cụ bà 72 tuổi ở Hà Nội vừa gửi thư ngỏ cho Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, bày tỏ lo ngại về tội ác của Chủ nghĩa Xã hội (CNXH) và kêu gọi người đứng đầu Tòa Bạch Ốc thực thi nghiêm khắc Đạo luật Magnitsky để trừng phạt các quan chức chính phủ vi phạm nhân quyền.
Bà Phạm Thị Qúy, một cán bộ về hưu và hiện là một blogger chuyên lên tiếng về các vấn đề chính trị-xã hội ở trong nước, nói với VOA về bức thư bằng tiếng Việt và tiếng Anh mà bà vừa gửi cho Tổng thống Mỹ Donald Trump:
“Tôi viết thư cho ông Trump đề cập đến hai vấn đề mà ông ấy đã nói: tình hình đất nước Venuezuela và Đạo luật Magnistky. Tôi trình bày rằng đất nước của chúng tôi bị mất nhân quyền, việc hành xử sai luật của các quan chức, nạn cường quyền… Tôi đã gửi thư theo email, trên Facebook và Twitter của ông.”
Tôi trình bày rằng đất nước của chúng tôi bị mất nhân quyền, việc hành xử sai luật của các quan chức, nạn cường quyền…
Bà Phạm Thị Qúy.
Bà Phạm Thị Qúy nói bà đã ngưỡng mộ ông Trump từ rất lâu và bà đã viết bức thư này vào dịp nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đến thủ đô Hà Nội dự hội nghị thượng đỉnh với lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un.
Bà nói với VOA rằng trong mấy thập kỷ qua bà là nạn nhân của chế độ XHCN mà cộng sản Việt Nam “cương quyết” theo đuổi.
Bức thư của bà có đoạn: “Chúng tôi bị nhồi sọ: Lý tưởng CNXH là xóa bỏ “tư hữu” bất công, kiến tạo “công hữu” công bằng – mọi người đều có quyền sở hữu tài sản xã hội chung. Thực tế thì sao? Cũng như đông đảo dân Việt khác, tôi chìm ngỉm trong hệ tư tưởng Cộng sản (áp đặt) và nghẹt thở trong chế độ XHCN (hình thức, gian trá) tại Việt Nam ngay từ thưở thiếu thời.”
Bà Quý thừa nhận rằng thoạt đầu bà cũng “bị kích động, ngộ nhận mà hồ hởi, tự hào về chiêu bài “tự do, độc lập dân tộc” mà hy sinh cá nhân, chịu thiệt thòi về “dân chủ”, và tuyệt đối tin tưởng, tự giác chịu đựng, tự nguyện hy sinh bản thân vì tập thể, vì cộng đồng, vì dân tộc, vì xã hội.”
Nhưng càng về sau, theo lời bà, “khi thấy tính chiêu bài, giả tạo của nó thì đã quá muộn”, vô phương cứu vãn.
“Tôi đã cùng với gia đình, thân nhân, họ tộc trải qua bao kiếp nạn, từ Giảm tô, Cải cách Ruộng đất đến Cải tạo Công thương nghiệp, … đến Cải tổ, Đổi mới, Mở cửa, Hội nhập … Sống dầm dề, dai dẳng quá nửa thê kỷ trong cái xã hội pháp lý thối nát dưới ngọn cờ XHCN rồi biến thái “Thị trường định hướng XHCH.”
Ngỏ lời với Tổng thống Trump, bà Quý nói:
“Ông nói ông cương quyết giải tán các chế độ XHCN và cộng sản. Còn chúng tôi thì đã chịu đựng chế độ đó gần hết đời người rồi. Chúng tôi là những nhân chứng sống của chế độ này. Từ bé tí đã thấy oan sai. Rồi đến bây giờ đã 72 tuổi rồi, cứ sống triền miên trong một xã hội mà quyền sống đang ngày càng bị bóp nghẹt.”
Đến bây giờ đã 72 tuổi rồi, cứ sống triền miên trong một xã hội mà quyền sống đang ngày càng bị bóp nghẹt.
Bà Phạm Thị Qúy.
Theo bà Qúy, động lực của “mua quan, bán tước, phấn đấu vào Đảng và tìm cách làm “cán bộ nhà nước”, “lợi ích nhóm” và hình thành “nhóm lợi ích”…dù nhỏ dù lón ấy đều nằm trong bộ máy nhà nước.
Bà Qúy viết:
“Với chế độ “Đảng cử dân bầu”, vì lợi ích cá nhân, các ĐBQH, và cả QH trở thành lực lượng bảo kê, hợp luật hóa, vinh danh sự cướp bóc. Trùm lên cái hệ thống pháp luật, luân lý ấy là: Đảng Cộng sản lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối và Quốc hội – dưới danh nghĩa là “cơ quan quyền lực cao nhất của dân,” nhưng cũng dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng.”
Bà Qúy nói bà không nghĩ bức thư của bà có cơ hội được ông Trump hay nhân viên cấp dưới của ông đọc, nhưng bà tin rằng thông điệp của bà gửi đi sẽ được nhiều người biết đến.
“Thư được tổng thống đọc là một điều khó khăn. Nhưng thông qua mạng xã hội, tôi muốn lên tiếng cho biết hiện tình đất nước là như thế. Ông đang áp dụng Luật Mangistky đối với quan chức trên toàn thế giới thì xin ông lưu tâm đến bức thư ngỏ của tôi.”
Ông Trump đã nhiều lần kêu gọi các nước trên thế giới “chống lại chủ nghĩa xã hội và những đau khổ mà nó đã gây ra cho mọi người.”
Trong bài diễn văn đọc trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 25/9/2018, ông Trump nói: “Cách đây không lâu, Venezuela là một trong những quốc gia giàu nhất thế giới. Ngày nay, chủ nghĩa xã hội đã làm quốc gia giàu tài nguyên dầu mỏ này bị phá sản, khiến người dân rơi vào cảnh nghèo đói.”
Theo Tổng thống Trump thì “thử nghiệm” CNXH đã “tạo ra đau khổ, tham nhũng và phân rã.”
Trong bài diễn văn về Tình trạng Liên bang hôm 5/2/2019, Tổng thống Donald Trump chỉ trích CNXH, nói rằng CNXH đã gây nên khủng hoảng kinh tế và chính trị ở Venezuela.