Trung Quốc ngang nhiên lên kế hoạch phát triển “thành phố Tam Sa”
Trung Quốc ngang nhiên lên kế hoạch phát triển cái gọi là “thành phố Tam Sa” tại khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam và biến nơi này thành cơ sở dịch vụ chiến lược.
Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong) ngày 18/3 dẫn thông báo trên trang web của chính quyền cái gọi là thành phố Tam Sa (tên gọi Trung Quốc đặt trái phép cho quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam) cho biết, bí thư đảng ủy Zhang Jun đã chủ trì một cuộc họp về kế hoạch phát triển tại thành phố này hôm 15/3.
Cái gọi là thành phố Tam Sa, một phần của tỉnh Hải Nam, được Trung Quốc đơn phương thành lập trái phép vào năm 2012. Ông Jun cho biết kế hoạch phát triển Tam Sa nhằm mục đích biến đảo Phú Lâm và hai đảo nhỏ hơn là đảo Cây và đảo Duy Mộng thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thành “căn cứ hậu cần và dịch vụ chiến lược then chốt quốc gia” của Trung Quốc.
“Chúng ta cần lên kế hoạch kỹ lưỡng cho việc phát triển tổng thể các hòn đảo và bãi đá dựa trên chức năng khác nhau, đồng thời xem xét tới mối quan hệ bổ sung của chúng”, ông Zhang lớn tiếng nói.
Ông Zhang cho biết kế hoạch phát triển cái gọi là thành phố Tam Sa sẽ tuân thủ theo đường lối trong bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm ngoái cũng như chỉ thị của chính quyền trung ương được ban hành hồi tháng 4/2018 nhân kỷ niệm 30 năm thành lập đặc khu kinh tế Hải Nam.
Thông báo không đề cập thông tin chi tiết về kế hoạch phát triển, song nêu rõ các quan chức tại Tam Sa phải “có những bước đi tích cực và thể hiện sáng kiến của mình”.
Động thái trên của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Mỹ gần đây liên tục triển khai máy bay, tàu hải quân tới Biển Đông để thực hiện chiến dịch tuần tra đảm bảo tự do hàng hải. Washington cũng công kích các động thái bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã chỉ trích hành vi xây đảo “trái phép” của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời cáo buộc Bắc Kinh ngăn cản phát triển năng lượng tại vùng biển này thông qua các biện pháp “cưỡng ép”.
Hai máy bay ném bom B-52 có khả năng mang vũ khí hạt nhân của Mỹ tuần trước cũng bay qua Biển Đông lần thứ 2 trong vòng 10 ngày. Hồi đầu năm, Hải quân Mỹ cũng đưa các tàu tới gần các đảo tranh chấp trên Biển Đông trong một động thái được cho là nắn gân Trung Quốc.
Theo SCMP