Tin Việt Nam – 17/03/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 17/03/2019

Gần 1,000 học sinh phải đi xét nghiệm

vì ăn thịt heo bệnh tại trường

Tin Việt Nam –  Báo Tuổi Trẻ loan tin, sáng ngày 16 tháng 3, gần 1,000 gia đình ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã đưa con lên hai bệnh viện lớn ở Hà Nội để xét nghiệm tìm ấu trùng sán heo.

Trước đó, vào tháng 2 năm 2019, một số phụ huynh đã phát hiện bếp ăn của trường con mình đang học là trường mầm non Thanh Khương, thuộc huyện Thuận Thành có thịt heo có những nốt trắng, nghi là heo gạo.

Từ ngày 7 tháng 3, nhiều phụ huynh đưa con đi xét nghiệm thì có 61 trẻ dương tính với ấu trùng sán heo. Vì vậy, các phụ huynh khác đã lo sợ, đưa con mình lên Hà Nội để làm xét nghiệm.

Bác sĩ Trần Hải Ninh, làm việc tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung Ương cho biết, sáng ngày 16 tháng 3, có 500 gia đình đưa con đến bệnh viện làm xét nghiệm, còn ngày hôm trước thì có 230 gia đình. Trước sự việc này, bệnh viện đã phải làm việc từ 5 giờ sáng để lấy mẫu xét nghiệm cho các cháu học sinh.

Còn tại Viện Sốt rét Côn trùng và Ký sinh trùng Trung ương, thì có đến 400 trẻ em đến làm xét nghiệm, tăng gấp 3 lần so với ngày 15 tháng 3.

Một số phụ huynh bất mãn cho biết, con họ ở nhà được ăn uống rất kỹ lưỡng, nhưng từ khi họ phát hiện ra nhà trường cho con ăn thịt heo mắc bệnh đã khiến họ lo lắng. Không chỉ vậy, một số phụ huynh đứng ra tố cáo sự việc thì đã bị giang hồ đến nhà khủng bố, nhắn tin dọa giết.

An Nhiên

https://www.sbtn.tv/gan-1000-hoc-sinh-phai-di-xet-nghiem-vi-an-phai-thit-heo-benh-tai-nha-truong/

 

3 thiếu niên lao xe đạp vun vút

trên cao tốc TP.HCM – Long Thành

 Hình ảnh 3 thiếu niên lao xe đạp vun vút trong làn đường khẩn cấp trên cao tốc TP.HCM – Long Thành khiến nhiều người lắc đầu ngao ngán.

Nữ sinh lớp 9 chạy xe máy điện bị xe tải cán chết thương tâm

Rạp cưới chình ình giữa quốc lộ, ngàn xe vun vút lao qua

Băng qua quốc lộ, 2 nữ tu sĩ bị ô tô tông tử vong

Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) đơn vị quản lý đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (HLD) xác nhận có sự việc trên và cho biết, 3 thiếu niên chạy vào tuyến cao tốc ở đoạn cầu cạn thuộc địa phận TP.HCM.

Theo camera giám sát của VEC E, vào khoảng 7h48, tại địa phận TP.HCM, 3 thiếu niên chạy xe đạp dàn hàng ngang bên trong làn đường khẩn cấp của cao tốc theo hướng từ TP.HCM về Đồng Nai. Đến 8h27 cùng ngày, nhóm thiếu niên này chạy ngược chiều trở lại và ra khỏi cao tốc.

“Có thể 3 thiếu niên trên hiếu kỳ, chạy xe đạp vào làn đường khẩn cấp trên cao tốc, sau đó quay trở lại”- đại điện VEC E cho hay.

170319_3a

Cũng theo vị này, ngoài trường hợp trên, trong sáng cùng ngày đơn vị này cũng phát hiện và hướng dẫn cho một số người nước ngoài chạy xe đạp chạy ra khỏi cao tốc.

VEC E cho biết, hiện nay trên tuyến cao tốc đã có gắn đầy đủ biển báo về quy định cấm xe máy, xe thô sơ, người đi bộ, gia súc… đi vào đường cao tốc. Bên cạnh đó, tuyến đã gắn camera quét hình ảnh các phương tiện vi phạm khi tham gia giao thông và cập nhật thông tin sự cố cho các trạm thu phí như Long Phước, Dầu Giây và lực lượng CSGT phối hợp, xử lý.

Cao tốc HLD toàn tuyến có chiều dài 55 km, trong đó có 4 km đầu đi qua địa bàn quận 2 và quận 9 (TP.HCM) do Khu quản lý giao thông đô thị số 2 quản lý, còn lại thuộc sự quản lý của VEC E.

Đặc biệt, đoạn đường 4 km nối nút giao An Phú đến đoạn giao với đường vành đai 2 (vòng xoay Phú Hữu) cho xe máy lưu thông vào làn đường khẩn cấp. Thời gian gần đây, tại làn đường dành cho xe máy liên tục xảy ra tai nạn giao thông, trong đó có 2 vụ người đi xe máy tông vào dải phân cách, tử vong.

Thảo Nguyên

https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/an-toan-giao-thong/3-thieu-nien-lao-xe-dap-vun-vut-tren-cao-toc-tp-hcm-long-thanh-514236.html

 

Sếp Ngân Hàng Quận Giả Chữ Ký

Chôm 3.9 triệu Đôla, Ra Tòa

SAIGON — Ba triệu chín trăm ngàn đôla Mỹ… con số 3.9 triệu USD là nằm trên tầm tưởng tưởng đối với những tên trộm tại Việt Nam, chỉ trừ cán bộ.

Báo VnExpress kể về một sếp ngân hàng Sài Gòn: Nguyên trưởng phòng Ngân hàng ANZ chiếm đoạt hơn 90 tỷ đồng — con số này tương đương 3.9 triệu USD.

Bản tin ghi rằng để có tiền làm ăn bên ngoài, Thọ mạo danh khách hàng, ký và làm giả hồ sơ vay của nhà băng rồi chiếm đoạt.

VKSND TP SG vừa hoàn tất cáo trạng, chuyển hồ sơ qua tòa cùng cấp để đưa ra xét xử Nguyễn Phạm Gia Thọ (cựu cán bộ Ngân hàng ANZ) và chị dâu Nguyễn Tường Vi (30 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH TM XNK Nông sản Sài Gòn) cùng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Năm 2015, Thọ là Trưởng phòng quan hệ khách hàng Phòng giao dịch Nam Sài Gòn tại quận 7. Anh ta được giao nhiệm vụ huy động tiền gửi tiết kiệm, tư vấn bán bảo hiểm, đề xuất cho vay thế chấp sổ tiết kiệm…

Trong thời gian làm việc, Thọ giả chữ ký của khách hàng có tài khoản tiết kiệm để đăng ký dịch vụ Internet Banking. Sau đó, anh ta chuyển tiền của khách vào tài khoản của mình, hoặc người thân, để chiếm đoạt.

Đầu năm 2016, được khách hàng tên Mai nhờ quản lý trái phiếu trị giá 3 tỷ đồng tại Công ty chứng khoán VPBS, Thọ lập 6 hợp đồng giả đề nghị công ty chứng khoán cho vay với hình thức thế chấp số cổ phiếu. PVBS đã chuyển 3 tỷ đồng vào tài khoản của bà Mai tại Ngân hàng ANZ.

Để chiếm đoạt số tiền, Thọ nhờ mẹ mạo nhận là bà Mai gọi điện đến ngân hàng nhờ đăng ký dịch vụ Internet Banking rồi chuyển tiền vào tài khoản của bà ở ngân hàng khác, sau đó rút ra đưa cho mình sử dụng.

Tháng 7/2017, để có tiền góp vốn với Vi kinh doanh trái cây cung cấp cho siêu thị, Thọ giả chữ ký của nhiều khách hàng tạo tài khoản đồng sở hữu với người thân. Tiếp đó, anh ta lập hợp đồng giả khách hàng vay tiền của ANZ, giải ngân vào tài khoản đồng sở hữu lập trước đó rồi chuyển vào tài khoản của mình và chị dâu.

Trong đó, Thọ dùng sổ tiết kiệm của khách hàng tên Hiền đã tất toán, làm giả hồ sơ thế chấp cho ngân hàng vay 8 tỷ đồng. Anh ta yêu cầu Vi chuyển lại số tiền vào tài khoản của mình nhưng bị chị dâu chiếm đoạt sử dụng cá nhân. Đổi lại, Vi tiếp tục cung cấp thông tin nhiều người thân cho Thọ làm giả hồ sơ vay tiền nhà băng.

VnExpress ghi nhận thêm:

“Nhà chức trách xác định, Thọ đã chiếm đoạt của ANZ tổng cộng 91,3 tỷ đồng. Trong đó, Vi với vai trò là đồng phạm giúp sức chiếm đoạt hơn 80 tỷ.

Liên quan đến vụ án, song nhiều người thân của hai bị can không biết nguồn gốc số tiền cũng như mục đích Thọ và Vi làm nhằm chiếm đoạt tiền của ngân hàng. Họ cũng không được hưởng lợi từ việc này nên cơ quan chức năng không truy cứu trách nhiệm hình sự.”

https://vietbao.com/a291949/sep-ngan-hang-quan-gia-chu-ky-chom-3-9-trieu-dola-ra-toa

 

11 trên 13 dự án của Tập đoàn dầu khí CSVN

 đầu tư ở ngoại quốc bị thua lỗ

Tin Việt Nam – Báo Vnexpress ngày 16 tháng 3 loan tin, báo cáo của Bộ công thương CSVN cho biết, có 11 trong tổng số 13 dự án mà Tập đoàn dầu khí CSVN đầu tư ra ngoại quốc đã thua lỗ hoặc đối mặt với nguy cơ thua lỗ.

Phần lớn các dự án này được thực hiện trong gia đoạn 2009 đến 2012. Điển hình một trong các dự án này là dự án Junin 2 tại Venezuela. Nếu cộng tất cả các khoản phí tham gia dự án Junin 2 thì tổng số vốn phía CSVN dự tính đổ vào là trên 1.82 tỷ Mỹ kim.  Đến nay, nhà cầm quyền CSVN đã dừng dự án để bỏ của chạy lấy người, nhưng số tiền cụ thể đã mất bao nhiêu thì vẫn đang được dấu kín.

Còn tại Peru, Tập đoàn dầu khí CSVN đã bỏ ra hơn 723.5 triệu Mỹ kim để đầu tư vào một số dự án thăm dò, khai thác dầu mỏ. Nhưng đến nay, các dự án này được đánh giá có khả năng rủi ro, không thu hồi được vốn.

Tại Malaysia, vào năm 2007 Tập đoàn dầu khí CSVN cũng đã bỏ ra số tiền hơn 292 triệu Mỹ kim để đầu tư thăm dò dầu khí tại lô SK305. Dự án này sau đó được đánh giá có nhiều vấn đề, nên dừng khai thác từ năm 2015, nhưng để dừng dự án thì theo hợp đồng phía Tập đoàn dầu khí CSVN phải hoàn thành các trách nhiệm còn lại là phải thu dọn mỏ với số tiền hơn 31.42 triệu Mỹ kim.

An Nhiên

https://www.sbtn.tv/11-tren-13-du-an-cua-tap-doan-dau-khi-csvn-dau-tu-o-ngoai-quoc-bi-thua-lo/

 

VN Làm Xe Lửa Nối Hải Phòng-TQ

Bản tin ghi rằng Bộ GTVT đang nghiên cứu làm tuyến đường sắt mới dài 393km nối cảng biển Hải Phòng đi cửa khẩu Lào Cai sang Trung Quốc với khổ đường 1.435mm và vận tốc 160km/h, theo tin Vietnamnet cho hay.

Để khai thác tối đa hành lang Đông  — Tây qua Trung Quốc đi các nước Trung Á và châu Âu, Bộ GTVT đang lập dự án quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai — Hà Nội — Hải Phòng.

Đơn vị tư vấn lập dự án là công ty hữu hạn Tập đoàn Viện Khảo sát thiết kế số năm Đường sắt Trung Quốc.

Tuyến đường sắt mới dài khoảng 393km, trong đó cải tạo tuyến đường sắt khổ 1.000mm dài 12,9km; tuyến kết nối từ ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc) tới ga Lào Cai dài 5,664km; nối đầu mối Hà Nội có chiều dài 6,793km.

Tuyến đường sắt này đi qua 8 tỉnh, TP: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng với điểm kết thúc tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng).

Cụ thể: xuất phát từ ga Lào Cai vượt sông Hồng dọc theo cao tốc Nội Bài — Lào Cai đi theo hướng Nam sông Hồng về ga Đông Anh.

Từ ga Đông Anh tuyến đường vượt cao tốc Hà Nội — Thái Nguyên, về Yên Viên (Gia Lâm), vượt sông Đuống qua khu vực Hưng Yên, chạy dọc theo cao tốc Hà Nội — Hải Phòng qua tỉnh Hải Dương.

Về khu vực Hải Phòng, tuyến đường tiếp tục dọc theo cao tốc qua cầu Tân Vũ — Lạch Huyện tới cảng Lạch Huyện.

Cùng với xây dựng tuyến mới, sẽ cải tạo tuyến đường kết nối Hà Khẩu Bắc đến Lào Cai và Lào Cai đến Hà Khẩu; xây dựng kết nối tuyến đường sắt khu vực Hà Nội với khu đầu mối Hà Nội.

Tuyến đường này vượt đường sắt, đường bộ bằng giao cắt khác mức; đồng thời toàn bộ tuyến đường đóng kín bằng lan can bảo vệ để đảm bảo ATGT đường sắt. Tốc độ thiết kế tàu chạy 160km/h.

Bản tin ghi thông tin lạc quan: Theo phương án tư vấn Trung Quốc đề xuất, dự án sẽ phân kỳ đầu tư, trong đó ưu tiên đoạn kết nối từ ga Hà Khẩu Bắc đến ga Lào Cai hoàn thành trước năm 2020; đoạn Lào Cai tới Hải Phòng năm 2025.

Tư vấn đưa ra dự báo, trong ngắn hạn lượng hàng hoá thông qua đoạn Hà Khẩu Bắc — Lào Cai khoảng 9,4 triệu tấn/năm và dài hạn là 12,55 triệu tấn/năm. Nhưng nếu với đường sắt hiện tại phần lớn hàng hoá phải chuyển tiếp từ đường bộ sang đường sắt, đang làm tăng chi phí.

Hiện nay, tuyến đường sắt Hải Phòng — Lào Cai tất cả đều là khổ 1.000mm, trong khi đường sắt Trung Quốc là khổ 1.435mm (trừ một đoạn ngắn sát khu vực biên giới giáp Lào Cai khổ 1.000mm), do vậy tàu hàng từ Việt Nam khó đi sâu vào nội địa Trung Quốc và các nước Trung Á, châu Âu.

Đại diện Cục Đường sắt VN cho hay, phía Trung Quốc đưa ra phương án xây dựng tuyến kết nối khổ 1.435mm vượt sông Nậm Thi (qua biên giới) ở thượng du bằng hầm với chiều dài 2.497m. Còn phía Việt Nam đề nghị, nên theo hướng vượt sông Nậm Thi bằng cầu xây mới ở vị trí trung du, như vậy sẽ giảm chi phí.

Nhiều người dè dặt khi ngeh chuyện nhà thầu là dự án là Trung Quốc…

https://vietbao.com/a291948/vn-lam-xe-lua-noi-hai-phong-tq

 

Nhiều sinh viên Việt Nam đang du học tại Nhật đã bỏ trốn

Tin Việt Nam –  Báo Vietnamnet ngày 16 tháng 3 loan tin, hãng tin NHK đưa tin trường Đại học Phúc lợi Xã hội tại Tokyo Nhật Bản vừa ra thông báo, từ tháng 4 năm 2018, có 700 sinh viên đang du học tại trường này đã bỏ trốn, và mất tích. Trong số 700 sinh viên bỏ trốn này, có rất nhiều sinh viên đến từ Việt Nam, Nepal và một số nước khác.

Trước sự việc trên, ban đại diện lãnh đạo nhà trường bày tỏ sẽ tăng cường cai quản sinh viên một cách nghiêm ngặt trong thời gian tới. Người này cũng đã nói lời xin lỗi vì việc các sinh viên bỏ trốn hoặc mất tích, và cho rằng đây là việc thật đáng tiếc.

Hiện tại, trường Đại học Phúc lợi Xã hội đang có 5,000 sinh viên ngoại quốc theo học, phần lớn các du học sinh đi theo diện nghiên cứu sinh cư trú với visa du học. Bộ Tư pháp và Bộ Giáo dục Nhật Bản sẽ tiến hành phỏng vấn toàn bộ các trường trên đất nước này trong tương lai. Ngoài ra, cơ quan điều tra Nhật Bản đã tổ chức tìm kiếm các sinh viên bỏ trốn và mất tích.

An Nhiên

https://www.sbtn.tv/nhieu-sinh-vien-viet-nam-dang-du-hoc-tai-nhat-da-bo-tron/

 

Nan Đề Môi Trường

Trần Khải

Môi trường ô nhiễm là chuyện tràn lan khắp nơi tại Việt Nam… hại sức khỏe toàn dân…

Báo An Toàn Giao Thông kể: Vào khoảng 8h ngày 14/3, hàng chục hộ dân phường Quỳnh Xuân, TX. Hoàng Mai (Nghệ An) đã bê những tảng đá lớn chặn QL48E không cho phương tiện qua lại do bức xúc cảnh ô nhiễm. Theo ghi nhận mặt đường đầy rẫy ổ gà, ổ voi, bụi mù mịt, bám trắng xóa trên nhà dân và cây xanh của khu dân cư thuộc khối 9 và 10, phường Quỳnh Xuân.

Chị Nguyễn Thi H. (trú phường Quỳnh Xuân) bức xúc: Hơn chục năm nay, chúng tôi phải sống trong cảnh ngập bụi ngày nắng và lầy lội ngày mưa. Ăn cơm cũng phải chui vào phòng kín, sống trong nhà mà phải đeo khẩu trang. Đường xấu nên va chạm, trượt ngã xảy ra thường xuyên.

Báo Lao Động kể: Cứ tối đến, người dân cả xã Cổ Dũng (huyện Kim Thành, Hải Dương) phải cửa đóng then cài để tránh mùi hôi thối nồng nặc theo hướng gió từ nhà máy xử lý rác thải xã Việt Hồng (huyện Thanh Hà).

Vài năm nay, theo xác nhận của trạm Y tế xã Cổ Dũng, cả xã luôn có trên dưới 30 trường hợp người dân bị mắc bệnh ung thư.

Người dân nghi ngờ nhà máy xử lý rác thải là tác nhân chính gây ung thư nhưng đến nay, các cơ quan quản lý tỉnh Hải Dương vẫn chưa có câu trả lời xác đáng cho việc này.

Đóng kín cửa vẫn không hết mùi hôi thối

Nhà máy nhà máy xử lý rác thải xã Việt Hồng nằm ở xã Việt Hồng, cuối huyện Thanh Hà nhưng người dân xã Cổ Dũng, huyện Kim Thành lãnh đủ.

Báo Môi Trường & Đô Thị kể: Nhiều năm gần đây, người dân huyện Lâm Thao nhiều lần phản ánh đến cơ quan chức năng về trạm trộn bê tông của Công ty cổ phần xây dựng Đức Anh (thuộc Cụm công nghiệp Hợp Hải, xã Hợp Hải, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) liên tục xả nước thải, bột bã bê tông chưa qua xử lý ra môi trường.

Được biết, cuối năm 2018, Đại biểu HĐND tỉnh Phú Thọ tiếp xúc cử tri tại huyện Lâm Thao, cử tri xã Hợp Hải đã đề nghị tỉnh Phú Thọ và huyện Lâm Thao sớm có giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm ở xung quanh CCN Hợp Hải.

Tuy nhiên, những kiến nghị về ô nhiễm môi trường của người dân không được các cơ quan chức năng huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ xử lý giải quyết. Trái lại, trạm trộn bê tông Đức Anh vẫn ngang nhiên xả thải “đầu độc” môi trường trong thời gian dài.

Báo Hà Nội Mới kể: Ô nhiễm, bồi lắng, lòng dẫn bị thu hẹp… là thực trạng nhiều năm nay của sông Đáy, đoạn chảy qua thành phố Hà Nội. Để phòng, chống hạn hán, úng ngập, việc nạo vét, cải tạo lòng dẫn sông Đáy đang là vấn đề cấp thiết.

Hơn 60 năm sinh sống ven sông nhưng chưa bao giờ ông Đỗ Văn Hiệp, ở phường Đồng Mai (quận Hà Đông), lại chứng kiến mực nước sông Đáy, đoạn chảy qua cầu Mai Lĩnh cạn kiệt như những ngày này. Mặt nước còn sót lại đen kịt, bốc mùi hôi thối. “Trước đây, nhiều hộ dân ở Đồng Mai có cuộc sống ổn định nhờ nghề đánh cá trên sông Đáy. Thế nhưng, do nước sông cạn kiệt, ô nhiễm nên nghề đánh cá ở đây cũng đã mai một từ hơn 10 năm nay”, ông Đỗ Văn Hiệp cho biết.

Báo Thiếu Niên kể: Mỗi năm con người thải 8 tấn nhựa xuống biển, đe dọa sức khỏe toàn nhân loại.

Ô nhiễm nhựa đang trở nên đáng sợ hơn bao giờ hết. Liên Hợp Quốc đã cảnh báo điều này trong một báo cáo mang tính bước ngoặt về môi trường.

Một báo cáo đã đánh giá những rủi ro tác động trực tiếp đến cuộc sống con người của đến từ các chất gây ô nhiễm môi trường đang ngày càng tăng lên qua quá trình tăng lên dân số thế giới.

Tám triệu tấn nhựa đã đổ xuống biển từ đất liền hàng năm là con số dấy lên mối nguy hại đòi hỏi cần phải có hành động khẩn cấp được thực hiện – nhưng tới hiện tại vẫn chưa có một thỏa thuận quốc tế nào ngăn chặn chuỗi những sai lầm này.

Báo Pháp Luật Plus kể chuyện Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy): Chợ tự phát “mọc” trên phố Trần Quốc Vượng, ô nhiễm “bủa vây” khu dân cư.

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lộn xộn về giao thông… đang là thực trạng ở chợ tạm trên phố Trần Quốc Vượng (Dịch Vọng Hậu – Cầu Giấy – Hà Nội).

Mỗi sáng, các loại nông sản như: Rau quả, gà vịt, ngan ngỗng được bày tràn chiếm toàn bộ vỉa hè.

Người mua, kẻ bán tấp nập, tiếng mặc cả, tiếng chửi tục ầm ĩ… Theo quan sát của phóng viên, việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, buôn bán tùy tiện nên môi trường ở khu vực này rất ô nhiễm, rác thải chỉ được dọn dẹp qua loa không được xử lý cẩn thận.

Báo Tài Nguyên & Môi Trường kể: Theo một nghiên cứu của tổ chức thống kê của EU vào năm ngoái, trong số 345 triệu tấn hóa chất được tiêu thụ ở Liên minh châu Âu, 62% số đó gây nguy hiểm cho sức khỏe.

“Một lượng lớn hóa chất độc hại và chất ô nhiễm tiếp tục rò rỉ ra môi trường làm ô nhiễm chuỗi thức ăn và tích tụ trong cơ thể chúng ta, nơi chúng gây thiệt hại nghiêm trọng”, ông Joyce Msuya, người đứng đầu Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc viết.

“Hãy xem xét việc mở rộng thị trường và sự gia tăng ô nhiễm, chúng ta không thể tiếp tục đánh cược sức khỏe của chính chúng ta” – ông Joyce Msuya nhấn mạnh.

Báo Thiên Nhiên kể về Con số giật mình:

* Từ năm 1950-2015, nhân loại đã thải ra khoảng 6,9 tỷ tấn nhựa, nhưng chỉ có 9% trong số này được tái chế.

* Từ tháng 1 đến tháng 11-2018, Malaysia đã nhập khẩu khoảng 200 triệu tấn nhựa phế liệu từ Mỹ, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước (theo số liệu của Resource Recycling).

*  30.000 container chứa đầy rác thải nhựa nhập khẩu tồn đọng tại các cảng của Thái Lan vào thời điểm tháng 6-2018 do trục trặc về giấy phép nhập khẩu. Con số này ở Việt Nam là 9.000 container, theo Resource Rec Waste.

Báo Xây Dựng kể: Cửa ngõ thủ đô trở thành ‘con đường đau khổ’ vì ùn tắc triền miên.

Mặt bằng chậm giải phóng khiến tình trạng ùn tắc diễn ra hàng ngày trên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội). Người dân và tài xế khổ sở vì khói bụi, ô nhiễm.

Đường Phạm Văn Đồng đoạn nối lên cầu Thăng Long nằm trong dự án mở rộng đường vành đai 3 dưới thấp do Hà Nội đầu tư xây dựng. Sau gần 3 năm kể từ ngày khởi công, đoạn đường Phạm Văn Đồng được ví như “con đường đau khổ” vì ô nhiễm, khói bụi và ùn tắc.

https://vietbao.com/a291960/nan-de-moi-truong

 

Tiêu chuẩn hóa: Thực chất

là cuộc chiến giành lợi thế thương mại

Vũ Thái Hà

Hoàn toàn không quá đáng nếu nói rằng “cuộc chiến” tiêu chuẩn chính là cuộc chiến giành lợi thế thương mại.

Khi một lần nữa, nước mắm lại trở thành tâm điểm của truyền thông và mạng xã hội với bản dự thảo TCVN-12607:2019 Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm mà Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) đưa ra, câu hỏi trọng tâm xuất hiện: Liệu tiêu chuẩn này có thiên vị sản phẩm nước mắm được sản xuất công nghiệp và “giết chết” nước mắm truyền thống hay không?

Nhu cầu tiêu chuẩn hóa 
của nền kinh tế

Tiêu chuẩn hóa là một vấn đề rất lớn của mọi nền kinh tế. Và kể từ khi thế giới bước vào sản xuất công nghiệp cho đến nay, tầm mức quan trọng của vấn đề này chỉ liên tục tăng. Tiêu chuẩn hóa chính là con đẻ của sản xuất công nghiệp, đồng thời nó cũng là một động lực quan trọng giúp sản xuất công nghiệp phát triển về quy mô với tốc độ ngày càng nhanh.

Tiêu chuẩn hóa trực tiếp giúp giảm chi phí sản xuất, đơn giản hóa quá trình tạo ra sản phẩm, để từ đó đảm bảo sự ổn định về chất lượng của sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng. Các nhà sản xuất đều hiểu rõ giá trị của việc làm này.

Nhìn từ phương diện thương mại quốc tế, mỗi ngành trong mỗi quốc gia lại có quá nhiều các tiêu chuẩn khác nhau, vì thế chúng sẽ là trở ngại đối với các giao dịch. Để “khớp lệnh” cho các yêu cầu mua bán hàng hóa qua biên giới, các nhà sản xuất và xuất nhập khẩu sẽ phải dung hòa nhiều các chuẩn mực khác nhau, khiến chi phí và rủi ro trong giao dịch tăng cao.

Tiêu chuẩn hóa tự nó đã ngụ ý sự thống nhất và nhất quán từ tên gọi, ý nghĩa và quy cách thể hiện các tính chất của sản phẩm, cho đến quá trình tạo ra sản phẩm đó, cùng với các phương pháp và công cụ giám sát, kiểm tra và đo lường nhằm đảm bảo sản phẩm được sản xuất ra đáp ứng các chuẩn mực đã công bố.

Có thể nói rằng, chuẩn hóa trong giao thương quốc tế là “dịch” các yêu cầu mang tính địa phương ra thứ “ngôn ngữ” quốc tế hơn, được hiểu và chấp nhận ở nhiều nơi hơn. Tiêu chuẩn hóa, vì thế còn là công cụ để truyền đạt nội dung của sản phẩm đến với các thị trường mới, khách hàng mới.

Cụ thể, “nước mắm” của Việt Nam sẽ mãi mãi chỉ được biết đến bởi người Việt nếu nó không được “dịch” và chuyển tải vào một tên gọi chung khác đã được cả thế giới biết đến và chấp nhận: fish sauce. Như vậy, tiêu chuẩn hóa đã vượt ra khỏi ý nghĩa ban đầu, nặng về kỹ thuật, để trở thành một nhân tố có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả thương mại: nếu “nước mắm” không phải là “fish sauce” thì để thương mại hóa được, người ta sẽ phải tiếp thị nó lại từ đầu; đấy là một nỗ lực tiêu tốn rất nhiều công sức và tiền bạc, nhất là trên thị trường quốc tế, và điều đó có thể ảnh hưởng đến ngành sản xuất này trên diện rộng.

Có thể nói dứt khoát rằng hội nhập kinh tế càng sâu rộng thì tiêu chuẩn hóa càng phải được quan tâm. Thực tế thì chậm tiêu chuẩn hóa là một rào cản lớn đối với hội nhập. Câu hỏi còn lại là: Tiêu chuẩn hóa như thế nào?

Các nhóm tiêu chuẩn khác nhau

Tiêu chuẩn hóa luôn có mục tiêu cuối cùng là đảm bảo được chất lượng của sản phẩm, và nếu xét trong bối cảnh của việc làm ra sản phẩm thì nó thường điều chỉnh hai phạm vi: (1) Quy cách, thuộc tính, tính chất và đặc điểm của sản phẩm cụ thể, và (2) Quá trình sản xuất ra sản phẩm đó.

Các tiêu chuẩn điều chỉnh phạm vi thứ nhất vẫn được gọi là các tiêu chuẩn dành cho sản phẩm, chẳng hạn tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5107:2018 dành cho sản phẩm nước mắm. Các tiêu chuẩn điều chỉnh phạm vi thứ hai thường được gọi là tiêu chuẩn dành cho hệ thống quản lý hay tiêu chuẩn dành cho các quá trình, chẳng hạn tiêu chuẩn TCVN-12607:2019 Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm mà đại diện của cơ quan soạn thảo đã cho là sẽ “đưa ra các khuyến nghị, khuyến khích về việc xác định các mối nguy và từ đó có thể đưa ra cách thức khuyến nghị mối nguy đó cho chính nhà sản xuất và cho người tiêu dùng. Có thể áp dụng hay không áp dụng tùy vào điều kiện nhà sản xuất”.

Còn nếu nhìn từ mức độ quan tâm đến người tiêu dùng thì sẽ dễ dàng nhận thấy các tiêu chuẩn được đặt ra là để đảm bảo (1) an toàn và vệ sinh khi sử dụng, (2) minh bạch về thông tin sản phẩm, và (3) cơ chế ứng phó khi có sự cố ngoại ý trong quá trình lưu thông và sử dụng sản phẩm.

Ngoài ra, các tiêu chuẩn còn khác nhau về mức độ tuân thủ khi thực thi: có những tiêu chuẩn mang tính “pháp lệnh”, đòi hỏi sự tuân thủ hoàn toàn và nghiêm ngặt, và có những tiêu chuẩn chỉ dừng lại ở mức độ khuyến nghị và hướng dẫn, khi đó các nhà sản xuất có thể chọn áp dụng một phần hay toàn bộ, tùy nhu cầu thực tế của mình.

Các yêu cầu của tiêu chuẩn càng cao bao nhiêu thì việc tuân thủ chúng các đòi hỏi nhiều đầu tư bấy nhiêu. Đó chính là lý do vì sao người ta còn xem tiêu chuẩn hóa như một công cụ để thúc đẩy quá trình nâng cao năng lực của các nhà sản xuất nói riêng và của cả nền kinh tế nói chung. Nâng cao năng lực cũng chính là nâng cao năng lực cạnh tranh.

Không phải vô cớ mà các nền kinh tế có trình độ thấp hơn vẫn chọn việc tăng tốc tiêu chuẩn hóa như một giải pháp cho phát triển: bằng việc “bắt buộc” hoặc khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tuân thủ và áp dụng các tiêu chuẩn, Nhà nước có thể nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế để đương đầu với cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Tiêu chuẩn hình thành như thế nào?

Các nghiên cứu và quan sát thực tế cho biết rằng các tiêu chuẩn thường được hình thành từ ba nguồn: (1) do các hội ngành hay hội nghề nghiệp xây dựng (committee-based), (2) do thị trường quyết định (market-based), và (3) do nhà nước thiết lập (government-based).

Trong trường hợp thứ nhất, các bên hữu quan sẽ cùng nhau thiết lập tiêu chuẩn nhằm đáp ứng nhu cầu của họ. Họ có thể bao gồm các nhà sản xuất, các nhà nhập khẩu hay xuất khẩu, và các tổ chức chuyên môn nghề nghiệp. Các tiêu chuẩn hình thành theo hướng này thường được chấp nhận và tuân thủ tốt, do các đơn vị áp dụng cũng chính là các đơn vị tham gia xây dựng tiêu chuẩn trong suốt quá trình dài, lợi ích của họ đã được phản ảnh vào nội dung của tiêu chuẩn liên quan.

Ở trường hợp thứ hai, tiêu chuẩn hình thành qua quá trình cạnh tranh: nhiều nhà sản xuất cùng đưa ra thị trường một kiểu loại sản phẩm cạnh tranh nhau, cuối cùng sản phẩm nào chiếm vị thế áp đảo thì tiêu chuẩn tương ứng của nhà sản xuất đó sẽ trở thành tiêu chuẩn mà thị trường đi theo. Các tiêu chuẩn loại này thường cần nhiều thời gian để định hình và được nhìn nhận, thường thì chúng cũng phản ảnh cục diện của cuộc cạnh tranh trong thị trường tương ứng.

Nếu hai hình thức trên đây là phổ biến ở các nền kinh tế phát triển, có bề dày về công nghiệp hóa, thì hình thức thứ ba lại là lựa chọn phổ biến của các nền kinh tế đang phát triển, mới nổi: nhà nước đứng ra xây dựng các tiêu chuẩn để tạo ra các hành lang và động lực cho các ngành kinh tế khác nhau của quốc gia.

Cho dù nhà nước đóng vai trò chủ đạo thì nguồn tri thức để xây dựng các tiêu chuẩn cũng vẫn phải được huy động từ cộng đồng xã hội. Ưu điểm của các tiêu chuẩn do nhà nước xây dựng là có tính “pháp lệnh” cao, còn nhược điểm của chúng là hay gây tranh cãi và không được đón nhận một cách suôn sẻ, nhất là khi cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm xây dựng tiêu chuẩn lại không huy động được sự đóng góp của các nhà sản xuất, là những thực thể sẽ phải tuân thủ hoặc áp dụng tiêu chuẩn trên thực tế, có quyền lợi liên quan và chịu ảnh hưởng trực tiếp.

Các phương phức hình thành tiêu chuẩn này thật ra không loại trừ nhau mà cùng tồn tại, và chúng phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện của mỗi ngành nghề cũng như mỗi quốc gia.

Mặt trái của tiêu chuẩn

Cho dù ở phạm vi quốc gia hay quốc tế thì khi nói về tiêu chuẩn hóa trong hoạt động kinh tế, người ta luôn phải lưu ý đến mặt trái của nó. Các tiêu chuẩn có thể trực tiếp hay gián tiếp tác động và làm méo mó thị trường ở hai khía cạnh: độc quyền và bảo hộ.

Trong thị trường nội địa, nếu tiêu chuẩn sản phẩm của một nhà sản xuất nào đó, vì bất cứ lý do gì, được chọn là tiêu chuẩn của ngành, hay thậm chí là tiêu chuẩn của quốc gia, thì nó dễ dàng trở thành rào cản ngăn chặn các nhà sản xuất khác tham gia thị trường.

Ở mức độ ít cực đoan hơn, nếu một nhà sản xuất nào đó đưa được các yêu cầu hay điều khoản có lợi cho mình vào trong các tiêu chuẩn thì họ cũng có thể chặn được bước đi của các đối thủ cạnh tranh. Các đối thủ cạnh tranh mới xuất hiện cũng vậy, bằng cách đưa vào tiêu chuẩn các điều khoản có lợi, họ có thể có được cơ hội tốt hơn khi gia nhập thị trường.

Ở bình diện quốc tế, câu chuyện hoàn toàn tương tự, và các tiêu chuẩn luôn là nội dung lớn nhất trong các cuộc đàm phán thương mại song phương và đa phương. Các tiêu chuẩn về sản phẩm, về nguyên vật liệu vẫn thường được các quốc gia sử dụng như các rào cản để ngăn chặn sự xâm nhập của các sản phẩm nhập khẩu, nhằm bảo hộ sản xuất trong nước, mà các yêu cầu cụ thể của tiêu chuẩn luôn khoác bên ngoài một lớp áo hiền lành và chính đáng: bảo vệ người tiêu dùng, an toàn, vệ sinh, bảo vệ môi trường, phù hợp với văn hóa và phong tục… Hoàn toàn không quá đáng nếu nói rằng “cuộc chiến” tiêu chuẩn chính là cuộc chiến giành lợi thế thương mại.

Trở lại với câu chuyện đang nóng trên các diễn đàn: việc định nghĩa sản phẩm như thế nào là nước mắm là một vấn đề cực kỳ nghiêm túc, và đưa đến ngay lập tức một lưỡng nan. Nếu chỉ xem nước mắm sản xuất theo cách truyền thống là nước mắm, còn lại tất cả các sản phẩm khác không được gọi là nước mắm thì sẽ có thể bảo hộ được ngành nghề truyền thống, nhưng sẽ bỏ ngỏ thị trường, bởi năng lực sản xuất của các nhà thùng khó mà đáp ứng được nhu cầu quá lớn của thị trường. Đó là chưa kể thị trường xuất khẩu, câu hỏi là những sản phẩm trong nước nào sẽ còn được sử dụng tên gọi fish sauce,vốn đã được thị trường quốc tế nhận biết dễ dàng?

Ngược lại, nhìn nhận nhiều sản phẩm sản xuất theo nhiều phương thức khác nhau là nước mắm sẽ giúp cho các nhà sản xuất phi truyền thống có cơ hội tham gia thị trường nước mắm, và chắc chắn chính họ sẽ củng cố được năng lực cạnh tranh của ngành này trên thị trường quốc tế; tuy nhiên, áp lực cạnh tranh mà họ đặt ra cho các nhà thùng là lớn và không thể tránh khỏi.

 Lời giải nào cho bài toán tiêu chuẩn hóa “nước mắm”?

Tiêu chuẩn hóa rõ ràng không phải là câu chuyện của các định nghĩa, quy trình và quy phạm, mà nó là câu chuyện của thương mại và kinh tế, có tác động về kinh tế và xã hội rất lớn. Không hề quá đáng khi

dư luận lên tiếng, thậm chí là rất gay gắt, khi dự thảo tiêu chuẩn liên quan đến nước mắm được công bố.

Một mặt, sự việc làm dấy lên mối quan ngại về môi trường cạnh tranh; mặt khác, nó khiến cho cộng đồng lo âu về tương lai của một nghề truyền thống, vốn được xem là đã tạo nên sản phẩm mang quốc hồn quốc túy, và an sinh của một bộ phận không nhỏ những người đang làm việc trong nghề đó.

Hơn thế nữa, cái gì đang xảy ra với nước mắm thì cũng có thể đã, đang và sẽ xảy ra với các sản phẩm khác, như cà phê hay trà chẳng hạn. Một phương án để giải bài toán tiêu chuẩn hóa một cách hợp lý, hợp lệ, nhằm phát huy tối đa các lợi ích mà nó mang lại, trong khi phải hạn chế được các bất cập, ngăn ngừa được các lạm dụng có thể đưa đến cạnh tranh không lành mạnh, cố ý làm méo mó môi trường kinh doanh, là một yêu cầu chính đáng và bức thiết của các doanh nghiệp nói riêng và cộng đồng xã hội nói chung.

Để làm được như vậy, dường như chỉ có một lựa chọn, đó là áp dụng tối đa các nguyên tắc trên đây vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn, bắt đầu với việc đánh giá lại tác động xã hội của công tác tiêu chuẩn hóa liên quan đến sản phẩm nước mắm, chỉ ra các rủi ro của chính việc làm này về kinh tế và xã hội, từ đó xác định cho các tiêu chuẩn liên quan một phạm vi áp dụng phù hợp, cùng với các biện pháp cần thiết để giảm các tác động tiêu cực.

Trên hết, hãy để cho các bên hữu quan, các đối tượng có lợi ích bị ảnh hưởng được tham gia vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn; họ có thể bao gồm các doanh nghiệp sản xuất ở quy mô lớn, các cơ sở sản xuất truyền thống, các doanh nghiệp thương mại và xuất nhập khẩu, và cả đại diện của người tiêu dùng.

Bài toán rõ ràng là không thay đổi, bởi các câu hỏi vẫn là: (1) Sản phẩm nào được gọi là nước mắm, và (2) Việc sản xuất nước mắm cần và nên tuân theo các quy phạm nào để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Cái cần thay đổi chính là con đường đi tìm lời giải.

Từ năm 2018, theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5107:2018 do Bộ Khoa học – công nghệ công bố, sản phẩm nước mắm có 2 loại là nước mắm nguyên chất và nước mắm, không áp dụng quy định phân hạng nước mắm như trước đây theo tiêu chuẩn TCVN 5107:2003.

– Nước mắm nguyên chất (genuine fish sauce) là sản phẩm dạng dịch lỏng trong, thu được từ hỗn hợp của cá và muối (chượp chín) đã được lên men tự nhiên trong một khoảng thời gian ít nhất 6 tháng.

– Nước mắm (fish sauce) là sản phẩm được chế biến từ nước mắm nguyên chất, có thể bổ sung nước muối, đường và phụ gia thực phẩm, có thể được điều chỉnh màu, điều chỉnh mùi.

Cách tránh lạm dụng

Độc quyền và bảo hộ là hai tình trạng không được chào đón trong nền kinh tế thị trường nói chung; cho nên mọi tiến trình có nguy cơ dẫn đến tình trạng này đều phải được kiểm soát để tránh bị lạm dụng. Tiêu chuẩn hóa là một tiến trình như thế; tiến trình xây dựng các tiêu chuẩn, bản thân tiêu chuẩn và việc thực thi, áp dụng nó có thể đưa đến việc triệt tiêu cạnh tranh.

Các khuyến nghị đối với quá trình xây dựng tiêu chuẩn cho biết nếu tiến trình đó tuân thủ các nguyên tắc sau đây thì sẽ không làm hạn chế sự cạnh tranh: (1) Đối tượng tham gia vào xây dựng tiêu chuẩn là không hạn chế, (2) Quy trình xây dựng tiêu chuẩn là minh bạch, (3) Việc tuân thủ tiêu chuẩn là không bắt buộc, và (4) Việc tiếp cận với nội dung của tiêu chuẩn là bình đẳng. Các nguyên tắc này đảm bảo rằng mọi bên liên quan, có lợi ích bị ảnh hưởng bởi tiêu chuẩn, đều được tham gia vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn một cách bình đẳng, minh bạch và tự nguyện.

Trong khi các nguyên tắc khác là hoàn toàn khả thi trên thực tế thì nguyên tắc về tuân thủ không bắt buộc lại không thể trở thành phổ quát, bởi trong nhiều trường hợp, các tiêu chuẩn là bắt buộc tuân thủ, nhất là khi chúng liên quan đến sự an toàn của người sử dụng. Vì các lẽ đó, công việc tiêu chuẩn hóa luôn cần đến vai trò của các định chế xã hội, như các hội ngành nghề, hội nghề nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước.

https://cuoituan.tuoitre.vn/tin/20190316/tieu-chuan-hoa-thuc-chat-la-cuoc-chien-gianh-loi-the-thuong-mai/1490929.html