Tin khắp nơi – 15/03/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 15/03/2019

TT Trump và Chủ tịch Tập không gặp nhau cuối tháng này

Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Steven Mnuchin hôm 14/3 nói rằng một cuộc gặp thượng đỉnh về thương mại giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ không diễn ra vào cuối tháng Ba như từng được gợi ý, vì còn nhiều việc cần phải làm trong các cuộc thương thảo về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Theo Reuters, sau cuộc điều trần trước Ủy ban Tài chính của Thượng viện, ông Mnuchin nói với các phóng viên rằng đôi bên đang nỗ lực tìm cách đạt được một thỏa thuận “nhanh nhất có thể”.

“Còn nhiều việc cần phải làm, nhưng chúng tôi rất thoải mái với tình thế hiện nay”, ông Mnuchin nói. “So với lần trước, tôi không nghĩ hiện có bất kỳ khác biệt đáng kể nào về vấn đề tiền tệ”.

XEM THÊM:

Tập đoàn Trung Quốc Huawei kiện chính phủ Mỹ

Nhà Trắng hôm 11/3 nói rằng thật “lố bịch” khi cho rằng Tổng thống Donald Trump là một nhà đàm phán không đáng tin cậy, giữa bối cảnh có tin nói rằng phía Trung Quốc không muốn Chủ tịch Tập Cận Bình tham gia một hội nghị thượng đỉnh vì lo ngại rằng ông Trump sẽ bỏ đi, không ký một thỏa thuận thương mại.

Theo Reuters, phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders giễu cợt các tin tức nói rằng Trung Quốc cảnh giác về một hội nghị thượng đỉnh sau khi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều đổ vỡ ở Việt Nam tháng trước.

Khi được hỏi rằng Trung Quốc lo ngại việc ông Trump là một nhà đàm phán không đáng tin cậy, bà Sanders nói: “Tôi cho rằng đó là điều lố bịch. Tổng thống sẽ đi tới thỏa thuận nếu đó là thỏa thuận tốt. Ông sẽ đi tới một thỏa thuận nếu nó vì quyền lợi tốt nhất của Mỹ”.

Bà Sanders cũng cho biết rằng bà không hay biết về các kế hoạch điện đàm giữa ông Trump và ông Tập.

https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-v%C3%A0-ch%E1%BB%A7-t%E1%BB%8Bch-t%E1%BA%ADp-kh%C3%B4ng-g%E1%BA%B7p-nhau-cu%E1%BB%91i-th%C3%A1ng-n%C3%A0y/4830169.html

 

TT Trump lên án

cuộc tấn công đền thờ Hồi giáo ở New Zealand

Hôm 15/3, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump lên án vụ thảm sát kinh hoàng tại 2 đền thờ Hồi giáo ở New Zealand là “hành động thù hận.”

Vụ xả súng hôm 15/3 làm ít nhất 49 người chết và 40 người bị thương là vụ thảm sát tồi tệ nhất từ trước đến nay mà Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã lên án là hành động khủng bố.

Ông Trump viết trên Twitter: “Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc và lời cầu chúc an lành đến với người dân New Zealand sau vụ thảm sát kinh hoàng ở đền thờ Hồi giáo. 49 người vô tội đã thiệt mạng một cách vô lý, cùng rất nhiều người bị thương nặng. Hoa Kỳ luôn bên cạnh New Zealand.”

Trước đó, thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders nói trong một tuyên bố rằng Hoa Kỳ lên án mạnh mẽ vụ tấn công này.

Bà Sanders nói: “Hoa Kỳ lên án mạnh mẽ vụ tấn công ở thành phố Christchurch. Xin gửi những lời chia buồn và lời cầu nguyện của chúng tôi đến với các nạn nhân và gia đình của họ. Chúng tôi đồng lòng cùng người dân và chính phủ New Zealand chống lại hành động thù hận xấu xa này.”

Cảnh sát New Zealand cho biết 3 người đang bị giam giữ, trong đó có một thanh niên độ tuổi 20 tuổi bị buộc tội giết người.

Bản tuyên bố của các nghi phạm xả súng từng ca ngợi ông Trump là “một biểu tượng của sắc dân da trắng tân thời và đồng chí hướng.”

https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-len-an-cuoc-tan-cong-den-tho-hoi-giao-o-new-zealand/4830539.html

 

Ngoại trưởng Pompeo: tất cả các nhà ngoại giao Mỹ

 đã rời Venezuela

Tất cả các nhà ngoại giao Hoa Kỳ còn lại ở Venezuela đã rời khỏi đất nước đó hôm thứ Năm, 15/3, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết, giữa lúc diễn ra cuộc khủng hoảng chính trị về tính hợp pháp của Tổng thống Nicolas Maduro, tái đắc cử năm 2018.

“Các nhà ngoại giao Mỹ giờ đây sẽ tiếp tục công việc của phái bộ từ các địa điểm khác, ở đó, họ sẽ tiếp tục giúp quản lý luồng hàng cứu trợ nhân đạo dành cho người dân Venezuela, và hỗ trợ các nhà đấu tranh vì dân chủ dũng cảm chống lại chính quyền chuyên chế”, ông Pomp Pompeo nói trong một tuyên bố.

Một quan chức Hoa Kỳ cho biết các nhà ngoại giao rời đi trên trong một máy bay thuê, là loại dân sự.

Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố rút các nhân viên ngoại giao còn lại khỏi Venezuela trong tuần này.

Washington đi đầu trong việc công nhận ông Juan Guaido, vị chủ tịch Quốc hội 35 tuổi của Venezuela, người tự xưng là tổng thống lâm thời hồi tháng 1. Ông Guaido nói việc ông Maduro tái đắc cử năm 2018 là một gian lận. Liên quan đến vấn đề này, hầu hết các nước ở châu Âu và Mỹ Latinh đều hành động theo Mỹ.

https://www.voatiengviet.com/a/pompeo-nha-ngo%E1%BA%A1i-giao-my-roi-venezuela/4830562.html

 

Mỹ cân nhắc

cấm thẻ tín dụng Visa và Mastercard ở Venezuela

Hoa Kỳ đang cân nhắc áp đặt các biện pháp về tài chính, theo đó cấm Visa và Mastercard giao dịch ở Venezuela.

Một quan chức cấp cao trong chính quyền của Tổng thống Trump cho biết như vậy hôm 14/3, theo Reuters.

Động thái vốn chưa đi tới quyết định cuối cùng là một bước đi nữa nhằm thắt chặt nguồn tài chính của chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro.

XEM THÊM:

Quân đội Mỹ không đưa nhân viên ngoại giao khỏi Venezuela

Theo Reuters, các biện pháp trừng phạt nhắm vào giới tinh hoa và những nhóm trung thành với ông Maduro, trong đó có các quân nhân, các băng đảng vũ trang và những người Cuba đang hoạt động ở Venezuela, trong khi không nhắm đến các thường dân của nước này.

Quan chức cấp cao của Mỹ được hãng tin Anh dẫn lời nói rằng “mục đích của các biện pháp trừng phạt là tiếp tục ngăn chính quyền bất chính Maduro tiếp cận các nguồn ngân quỹ cũng như khả năng tiếp tục đánh cắp từ người dân Venezuela”.

Các biện pháp trừng phạt tài chính tiềm tàng của Mỹ giống với những bước đi từng được chính quyền của ông Trump áp dụng đối với Iran, Triều Tiên, Syria và Nga, theo quan chức Mỹ ẩn danh.

https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-c%C3%A2n-nh%E1%BA%AFc-c%E1%BA%A5m-th%E1%BA%BB-t%C3%ADn-d%E1%BB%A5ng-visa-v%C3%A0-mastercard-%E1%BB%9F-venezuela/4830184.html

 

Điều gì xảy ra nếu tàu sân bay Mỹ bị tấn công?

Khi đó, Mỹ sẽ phản ứng thế nào và đáp trả thế nào? Đó là câu hỏi có lẽ nhiều người từng đặt ra.

Một cuộc tấn công bất ngờ nhằm vào con tàu to lớn có thể ngay lập tức mang lại hiệu quả, nhưng chắc chắn sẽ tác động mạnh đến giới tinh hoa và cả công chúng Mỹ và có thể nhanh chóng dẫn đến việc đánh báo thù.

Nếu cuộc tấn công xảy ra sau một loạt các vụ xung đột nhỏ và dần trở thành một cuộc khủng hoảng, tình thế có vẻ ít gây sốc hơn, nhưng vẫn khiến quân Mỹ đáp trả mạnh mẽ.Các nhà lý thuyết quân sự đã nhiều lần cho rằng, các quốc gia thường chọn mức độ leo thang quân sự rất cẩn trọng. Hầu hết các

cuộc chiến là xung đột có giới hạn. Khi đó, các tướng lĩnh, chính trị gia đều hiểu tác động chính trị khi lựa chọn mục tiêu tấn công.

Khi chính trị gia muốn giữ cuộc chiến ở một mức độ giới hạn, sẽ có một số mục tiêu bị loại ra, ngay cả khi mục tiêu đó bị tấn công sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho bên tiến hành chiến tranh, theo ý kiến của giáo sư thỉnh giảng Robert Farley của Trường Lục quân Mỹ.

Viết trên National Interest, học giả này cho rằng Mỹ từ lâu đã có nhận thức rằng một số thiết bị chiến tranh đắt giá và hiệu quả nhất của họ là những thứ “không thể đụng vào”. Liên Xô trong nhiều năm đã cố gắng phát triển các vũ khí chống tàu sân bay và chiến thuật chống loại tàu này và nay đến lượt Trung Quốc theo đuổi.

Nhưng các tàu sân bay có tầm quan trọng về mặt biểu tượng rất lớn, cả trong nhận thức của “thiên hạ” cũng như trong suy nghĩ của người Mỹ. Kể từ sau Thế chiến II, chưa có nước nào thực hiện một cuộc tấn công nhằm vào tàu sân bay Mỹ.

Ra lệnh tấn công tàu sân bay Mỹ rõ ràng là một quyết định chính trị rất quan trọng. Có lẽ giới chức chính trị và quân sự các nước khác ưu thích hơn việc đơn giản là phá hỏng tàu sân bay Mỹ, gửi thông điệp tới người Mỹ rằng họ cũng dễ bị tổn thương, nhưng sẽ tránh gây thương vong lớn đối với quân nhân Mỹ.

Tuy nhiên, theo giáo sư Farley, sẽ khó mà đảm bảo giới hạn về cuộc đụng độ mà một bên đặt ra không bị phá vỡ, hoặc khó mà đảm bảo sẽ gây hư hại tàu sân bay ở mức độ “vừa đủ để đạt mục đích”. Với các loại vũ khí hiện nay, tàu sân bay cũng có thể “vô tình” bị đánh chìm.

Tàu USS Nimitz mang theo gần 6000 quân nhân Mỹ, là cỗ máy ngốn ngân sách khủng khiếp. Nhưng tấn công tàu là một việc đầy rủi ro cho bên thực hiện. Một tàu sân bay bị đánh chìm có thể lấy đi sinh mạng của số quân nhân ngang bằng số người Mỹ chết trong cả cuộc chiến Iraq, mà chỉ trong vài phút.

Vậy mới nói, việc Mỹ đáp trả ra sao còn phụ thuộc vào tính hiệu quả của đòn tấn công. Nhưng cuộc tấn công đó có thể ngay lập tức tạo ra nhiều hiệu ứng.

Một quả tên lửa hoặc đánh chìm tàu hoặc phá hủy sàn tàu khiến tàu không còn hoạt động được nữa, sẽ tác động mạnh đến hoạt động quân sự của Mỹ.

Thứ nhất là loại con tàu ra khỏi vòng chiến, thứ hai là ngăn cản người Mỹ triển khai các tàu sân bay khác tới khu vực. Bởi quân đội Mỹ trong mọi thời điểm chỉ có thể triển khai một số lượng nhất định tàu sân bay.

Trong một cuộc khủng hoảng, hải quân Mỹ có thể quay vòng tàu sân bay, nhưng hạ đo ván một tàu tức là đã làm giảm 10% năng lực không kích của hải quân Mỹ.

Nhưng hậu quả sau đó sẽ vô cùng lớn. Bởi đánh chìm một tàu sân bay là cách dễ dàng nhất biến một cuộc chiến giới hạn thành cuộc chiến tổng lực, và sẽ rất ít nước tính đến việc này.

http://biendong.net/xung-dot-chien-tranh/26898-dieu-gi-xay-ra-neu-tau-san-bay-my-bi-tan-cong.html

 

Huawei khẳng định vô tội trước cáo buộc của Mỹ

Công ty Công nghệ Huawei của Trung Quốc hôm 14/3 tuyên không có tội đối với cáo trạng 13 tội danh được đệ trình lên tòa án liên bang New York nhắm vào công ty này, trong khi căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Bắc Kinh.

Huawei, công ty sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, bị buộc tội gian lận ngân hàng và gian lận qua đường viễn thông, vi phạm các chế tài nhắm vào Iran và cản trở công lí.

Giám đốc tài chính của công ty, Mạnh Vãn Chu, đã bị bắt vào tháng 12 tại Canada về các cáo buộc nêu ra trong bản cáo trạng, vốn không được tiết lộ cho đến tháng 1. Bà tuyên bố vô tội trước các cáo buộc và đang chống lại yêu cầu dẫn độ.

Trong phiên tòa khởi tố tại Tòa án Liên bang ở Brooklyn, James Cole, một luật sư ở Mỹ của Huawei, đưa ra lời tuyên bố thay mặt Huawei và công ty con của Huawei ở Mỹ.

Bà Mạnh và Huawei bị buộc tội âm mưu lừa đảo HSBC và các ngân hàng khác bằng cách trình bày sai lạc mối quan hệ của Huawei với công ty Skycom Tech, một công ty bị nghi hoạt động tại Iran.

Huawei đã nói Skycom là một đối tác kinh doanh địa phương, trong khi Mỹ khẳng định công ty này là một công ty con không chính thức được sử dụng để che giấu hoạt động kinh doanh của Huawei ở Iran.

Trợ lí công tố viên liên bang David Kessler nói tại phiên tòa rằng các công tố viên đang trong quá trình đưa ra cáo buộc đối với Skycom và công ty chưa được lên lịch cho phiên tòa khởi tố.

Nhà chức trách Mỹ nói Huawei đã sử dụng Skycom để có được hàng hóa, công nghệ và dịch vụ bị cấm vận của Mỹ ở Iran, và để chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng quốc tế.

Ngày ra tòa tiếp theo được ấn định là 4 tháng 4.

https://www.voatiengviet.com/a/huawei-khang-dinh-vo-toi-truoc-cao-buoc-cua-my/4829664.html

 

Bộ trưởng Tài chính bảo vệ bản khai thuế

của Tổng thống trump trước yêu cầu của Quốc hội

Washington, DC – Theo tin từ Reuters, vào hôm thứ Năm (14 tháng 3), Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin cho biết ông sẽ bảo vệ bản khai thuế của Tổng thống Trump trước yêu cầu phải công khai hóa bản thuế này của Quốc hội.

Trong phiên điều trần tại Hạ viện, ông Mnuchin nói với Ủy ban Thuế Hạ viện rằng, ông sẽ tuân thủ luật pháp khi nhận được yêu cầu công khai bản thuế, nhưng cũng sẽ bảo vệ quyền riêng tư của Tổng thống Trump.

Chủ tịch Ủy ban Richard Neal, thành viên duy nhất của Hạ viện được pháp luật ủy quyền yêu cầu bản khai thuế của Tổng thống, dự kiến sẽ yêu cầu ông Mnuchin cung cấp những tài liệu này. Đảng Dân Chủ xem đây là các tài liệu chủ chốt cho các cuộc điều tra giám sát.

Theo Reuters, ủy ban của ông Neal có thể yêu cầu Tổng thống công khai bản khai thuế cá nhân cũng như các công ty mà Tổng thống sở hữu. Tổng thống Trump vốn đang đi ngược lại với tiền lệ của các ứng cử viên tổng thống, bằng cách từ chối tiết lộ bản khai thuế, đồng thời tiếp tục giữ kín các tài liệu này. Tổng thống cho biết Sở Thuế vụ (IRS) đang kiểm toán bản khai thuế của Tổng thống. IRS nói rằng Tổng thống có thể công bố tờ khai thuế, khi quá trình kiểm toán được tiến hành.

Theo Reuters, nhiều người quan tâm về lợi nhuận của Tổng thống kể từ khi luật sư Michael Cohen nói với Hạ viện vào ngày 27 tháng 2 rằng, Tổng thống đã thay đổi giá trị tài sản, và cắt giảm lương của nhân viên để giảm tiền thuế phải đóng.

Dù vậy, việc yêu cầu tổng thống tại vị công khai bản khai thuế là chưa từng có tiền lệ. Lo sợ một cuộc chiến pháp lý kéo dài, ủy ban của ông Neal đã dành nhiều tháng xây dựng một lập luận pháp lý, dựa trên trách nhiệm của ủy ban để giám sát hệ thống thuế của Hoa Kỳ. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/bo-truong-tai-chinh-bao-ve-ban-khai-thue-cua-tong-thong-trump-truoc-yeu-cau-cua-quoc-hoi/

 

Hạ viện yêu cầu công khai báo cáo điều tra

của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller

Washington, DC – Theo tin từ Reuters, Hạ viện vừa phê chuẩn một nghị quyết không ràng buộc vào hôm thứ Năm (14 tháng 3) kêu gọi công khai báo cáo điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller.

Với tỷ lệ ủng hộ áp đảo 420-0, và bốn dân biểu Cộng Hòa bảo thủ bỏ phiếu trắng, Hạ viện xem như đã giành một chiến thắng chính trị, đồng thời gây áp lực lên Bộ trưởng Tư pháp William Barr để công khai báo cáo, sau khi công tố viên Mueller đệ trình cho ông Barr. Tuy nhiên, nghị quyết này không bắt buộc ông Barr phải tuân thủ. Ngoài ra, hiện vẫn chưa rõ Thượng viện có thông qua nghị quyết hay không.

Từ tháng 5 năm 2017, ông Mueller bắt đầu điều tra nghi vấn nhóm vận động tranh cử của Tổng thống Trump hợp tác với Moscow, cũng như Tổng thống Trump cản trở cuộc điều tra. Tổng thống Trump đã phủ nhận hai nghi vấn này. Hiện tại, ông Mueller không cho biết khi nào ông sẽ hoàn thành báo cáo, tuy nhiên, theo thông tin hôm thứ Năm, về việc một công tố viên cao cấp rời nhóm điều tra, cho thấy bản báo cáo sắp hoàn thành.

Theo quy định, Bộ Tư pháp cai quản các công tố viên đặc biệt, do đó, ông Barr có thể quyết định số lượng báo cáo được công khai. Các quy tắc này cũng yêu cầu ông phải thông báo cho Ủy ban Tư pháp của Hạ viện và Thượng viện, sau khi ông Mueller hoàn thành cuộc điều tra.

Theo Reuters, quy định không yêu cầu ông Barr công bố báo cáo, cũng như không ngăn cản ông đưa toàn bộ tài liệu cho Quốc hội. Reuters cho biết, nghị quyết được giới thiệu vào tuần trước bởi những người đứng đầu 6 Ủy ban Giám sát của Hạ viện đang điều tra Tổng thống Trump, họ kêu gọi ông Barr công khai mọi thứ trong báo cáo của ông Mueller.

Dân biểu Jerry Nadler, chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện, kiêm tác giả của nghị quyết, cho biết “Quốc hội phải lên tiếng vì nguyên tắc minh bạch, vào thời điểm tổng thống Trump liên tục công kích cuộc điều tra Nga.” (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/ha-vien-yeu-cau-cong-khai-bao-cao-dieu-tra-cua-cong-to-vien-dac-biet-robert-mueller/

 

Đảng Dân chủ tiến vào Nhà Trắng

bằng con đường Trung Tây?

Tổ chức đại hội toàn quốc tại tiểu bang Wisconsin không đảm bảo giúp Đảng Dân chủ giành được trận địa quan trọng này trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2020.

Đảng Dân chủ đã tổ chức đại hội ở bang North Carolina hồi năm 2012 và bang Pennsylvania hồi năm 2016 nhưng sau đó đã để mất cả hai bang này trong cuộc bầu cử Tổng thống sau đó trong cùng năm.

Đảng Cộng hòa tổ chức đại hội toàn quốc ở Minnesota vào năm 2008 và Florida vào năm 2012 nhưng rồi cũng để lọt hai bang này vào tay Đảng Dân chủ.

Tuy nhiên, hướng tới cuộc bầu cử vào năm 2020, lựa chọn Milwaukee của Đảng Dân chủ thay vì Houston hay Miami là lựa chọn mang đầy ý nghĩa chính trị bởi vì thông điệp mà Đảng Dân chủ muốn gửi gắm.

Đây là đại hội đầu tiên của Đảng Dân chủ ở vùng Trung Tây kể từ năm 1996. Bốn năm trước, Đảng này gánh chịu thất bại sít sao nhưng đầy tai hại ở Wisconsin, tiểu bang mà ứng viên Tổng thống khi đó của Đảng là bà Hillary Clinton đã không đi vận động trong chiến dịch tranh cử của bà. Wisconsin là một trong ba bang chiến trường ‘bức tường Xanh’ của Đảng Dân chủ vốn đã nhiều năm bỏ phiếu cho đảng này nhưng lại bỏ phiếu cho ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump vào năm 2016, giúp ông bước vào Nhà Trắng.

Các kỳ đại hội Đảng ở Mỹ là các chiến dịch vận động dài hơi và rất tốn kém – đó là diễn đàn cho Đảng và ứng viên Tổng thống của Đảng nói điều họ muốn nói đến với các cử tri mà họ muốn nghe thông điệp đó.

Với việc tổ chức đại hội ở Milwaukee, Đảng Dân chủ muốn gửi đi một số thông điệp.

Họ đang muốn nói rằng lấy lại ba bang Wisconsin, Michigan và Pennsylvania là một ưu tiên chiến lược cốt lõi của Đảng Dân chủ. Cả ba tiểu bang này đã bầu cho ứng viên Tổng thống của Đảng Dân chủ ít nhất là sáu lần liên tiếp cho đến năm 2016. Nếu họ vẫn bầu cho Đảng Dân chủ hồi năm 2016, ông Trump đã không thể trở thành Tổng thống. Nếu Đảng Dân chủ giành lại tất cả ba bang này vào năm 2020 – mà không có gì thay đổi ở các bang khác – thì họ sẽ giành lại Nhà Trắng.

Có thể lập luận hoàn toàn hợp lý rằng Wisconsin là tiểu bang khó nhằn nhất đối với Đảng Dân chủ trong số ba bang chiến trường này và trong một cuộc bầu cử rất sít sao nó có thể là ‘điểm đảo chiều’ giúp cho Đảng nào thắng ở bang này sẽ giành được đa số phiếu đại cử tri. Nếu như nó không phải là bang quan trọng nhất vào năm 2020 thì nó sẽ nằm trong ba hay bốn bang quan trọng hàng đầu.

Các tiểu bang bức tường xanh không phải là con đường đi đến chiến thắng duy nhất mà Đảng Dân chủ theo đuổi trong năm 2020. Còn có con đường phía Nam nhắm vào các bang Florida, North North Carolina, Georgia và Georgia. Nhưng con đường Trung Tây là con đường dễ dàng nhất, có khả năng giành thắng lợi nhất của Đảng Dân chủ.

Bên cạnh đó, với việc chọn Milwaukee, Đảng Dân chủ muốn nói rằng họ không muốn để mất các cử tri nông thôn và cử tri lao động da trắng với khoảng cách phiếu lớn chưa từng thấy do những cử tri này làm thành một bộ phận lớn cử tri ở những bang ‘Bức tường Xanh’. Về mặt lịch sử thì Đảng Dân chủ giành được nhiều sự ủng hộ của nhóm cử tri này ở những bang này hơn là trên phạm vi toàn nước Mỹ. Tuy nhiên, bà Clinton đã đánh mất phiếu cử tri nông thôn và dân lao động da trắng ở Wisconsin với số phiếu ít hơn nhiều so với ông Barack Obama hồi năm 2008 hay 2012.

Ở bang Wisconsin, số cử tri nam giới da trắng là dân lao động (không có bằng đại học) giờ đây tuyên bố họ theo Đảng Cộng hòa cách biệt 24 điểm phần trăm so với Đảng Dân chủ, theo dữ liệu thăm dò do Charles Franklin, giám đốc thăm dò Trường Luật Marquette, thu thập. Hồi năm 2012, họ thiên về Đảng Cộng hòa với cách biệt chỉ có 8 điểm.

Ông Trump giành được Wisconsin chủ yếu bởi vì ông đi vận động tiếp xúc rất nhiều ở các thị trấn nhỏ có đông dân lao động. Cựu Thống đốc Scott Walker của Đảng Cộng hòa đã chiến thắng áp đảo ở các thị trấn nhỏ và các hạt nông thôn trong cuộc bầu cử thống đốc hồi năm 2018 nhưng lại để mất các thành phố lớn và các vùng ngoại ô khiến ông thất bại chung cuộc trên cả bang. Đảng Dân chủ có thể chấp nhận để mất cử tri da trắng nông thôn và lao động ở Wisconsin nhưng nếu họ để mất khối cử tri đó với cách biệt áp đảo như là họ đã từng bị trước ông Trump và ông Walker thì họ chỉ còn một cách biệt sai số nhỏ và điều đó thường là nguyên nhân dẫn đến thất bại.

Những cử tri này không phải là làm thành một khối ủng hộ ông Trump không tách ra được. Thậm chí hồi năm 2016, các cuộc khảo sát ngoài phòng phiếu cho thấy 50% các cử tri da trắng không có trình độ đại học ở Wisconsin có thái độ không tích cực về Trump. Trong một cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 1 năm nay, tỷ lệ ủng hộ ông Trump trong nhóm da trắng không học đại học – nhóm cử tri trung thành của ông Trump – chỉ khiêm tốn ở mức 48%.

Do nhiều cử tri trong số này có tình cảm lẫn lộn về ông Trump, nếu Đảng Dân chủ chọn đúng người làm ứng viên cho họ thì người đó hoàn toàn có thể cải thiện kết quả thất vọng của bà Clinton với nhóm cử tri này ở những bang chiến trường ở vùng Ngũ Hồ. Điều này khiến cho sự tiếp cận mang tính phối hợp với những cử tri lao động ở vùng công nghiệp Trung Tây là một chiến lược hợp lý cho Đảng Dân chủ. Trong kỳ bầu cử giữa kỳ hồi năm 2018, Thượng nghị sĩ Dân chủ Tammy Baldwin đã chiến thắng ở 17 hạt đã bầu cho ông Trump ở Wisconsin và để thua ở nhóm cử tri da trắng không có trình độ đại học với cách biệt chỉ 5 điểm phần trăm trên toàn bang sau khi phát động một chiến dịch kết hợp chủ nghĩa dân túy, những chủ đề địa phương của Wisconsin, chăm sóc y tế và vận động tích cực bên ngoài các thành phố.

Ngoài việc là diễn đàn chính trị cho các đảng, các đại hội toàn quốc cũng là nơi các hãng truyền thông sử dụng để kể những câu chuyện chính trị và định hình thông điệp chính trị.

Đại hội ở bang Wisconsin sẽ đem lại một sự pha trộn khác biệt các chủ đề và câu chuyện chính trị hơn là đại hội ở Texas hay Florida.

Một câu chuyện như thế có thể là các chính sách thương mại của ông Trump và cuộc sống chật vật khốn khổ của những nông dân sở hữu các trang trại sữa hay trồng trọt ở Wisconsin.

Wisconsin là hình ảnh thu nhỏ của cuộc đấu chính trị quyết liệt để giành lấy những vùng ngoại ô của nước Mỹ. Họ có những vùng ngoại ô rất Xanh, tức theo Dân chủ, ở quanh Madison, và những vùng ngoại ô khác rất Đỏ, tức theo Cộng hòa, ở ngoài hạt Milwaukee. Những cộng đồng Đỏ nhất ở những vùng ngoại ô này xưa nay vẫn là thành trì chính trị của Đảng Cộng hòa ở Wisconsin. Tuy nhiên, kết quả của Đảng Cộng hòa ở khu vực ngoại ô đã sụt giảm đối với Trump vào năm 2016 và thống đốc Walker vào năm 2018. Vào năm 2020 thì khối cử tri ngoại ô cũng quan trọng như khối cử tri nông thôn ở Wisconsin.

Một câu chuyện nữa là khối cử tri gốc Phi ở Milwaukee. Việc bà Hillary Clinton không thể khiến cho khối cử tri đi bỏ phiếu đông đảo như ông Barack Obama đã khiến bà chịu hậu quả. Tuy nhiên đây không phải là nhân tố hàng đầu khiến bà bại ở Wisconsin mà khối cử tri nông thôn hùng hậu có tác động lớn hơn. Hồi năm ngoái, với cách biệt lớn cho phe Dân chủ, ông Walker đã bại ở Milwaukee.

Về phía Đảng Cộng hòa, Wisconsin là bằng chứng dễ thấy nhất của một Đảng đang đánh vật với mối quan hệ của họ với ông Trump. Các cử tri Đảng Cộng hòa đã bác bỏ hoàn toàn ông Trump trong cuộc bầu cử sơ bộ ở bang này vào năm 2016. Sau đó, trong cuộc bầu cử, họ đã phối hợp với nhau đủ để giúp ông Trump phá vỡ bức tường Xanh. Ngày nay, mặc dù đại đa số cử tri Cộng hòa ở bang này tán thành kết quả làm việc của ông Trump, một bộ phận lớn đang cảm thấy bất mãn.

https://www.voatiengviet.com/a/%C4%91%E1%BA%A3ng-d%C3%A2n-ch%E1%BB%A7-ti%E1%BA%BFn-v%C3%A0o-nh%C3%A0-tr%E1%BA%AFng-b%E1%BA%B1ng-con-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-trung-t%C3%A2y-/4829711.html

 

Thượng Viện Mỹ

bác bỏ tình trạng khẩn cấp do Trump ban hành

Trọng Nghĩa

Tổng thống Mỹ Donald Trump lại gặp trở ngại trong ý muốn xây dựng bức tường chống nhập cư ở biên giới với Mêhicô. Ngày 14/03/2019, với 59 phiếu thuận và 41 phiếu chống, Thượng Viện, dù đa số trong tay đảng Cộng Hòa, đã thông qua một nghị quyết nhằm hủy bỏ thông báo của tổng thống Mỹ, ban hành tình trạng khẩn cấp tại vùng biên giới, cho phép ông dùng quỹ của quân đội để xây bức tường mà không cần Quốc Hội cho phép.

Vố đau đối với ông Trump là đã có 12 thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa đã bỏ phiếu thuận cùng với đảng Dân Chủ. Thông tín viên RFI tại San Francisco, Eric de Salve, nhận định :

“Đây là một sự sỉ nhục đến từ ngay phe cánh của ông Trump, chống lại lời hứa mang tính biểu tượng nhất của ông : xây dựng bức tường ngăn nhập cư ở vùng biên giới với Mêhicô.

Tại Thượng Viện, đảng Cộng Hòa chiếm đa số, 53 ghế trên 100. Tuy nhiên, hôm qua, 14/03, có 59 thượng nghị sĩ, trong có 12 người thuộc đảng Cộng Hòa, đã ủng hộ một nghị quyết do đảng Dân Chủ đưa ra và được thông qua trước đó ở Hạ Viện, hủy bỏ tình trạng khẩn cấp mà ông Trump ban hành. Tình trạng khẩn cấp này cho phép ông lấy tiền từ ngân quỹ đặc biệt của quân đội để chi trả cho việc xây bức tường mà không cần phải thông qua Quốc Hội.

Từ nhiều ngày qua, lo ngại kết quả này, trên Twitter, tổng thống Mỹ đã vận động đảng Cộng Hòa của ông, cho rằng « bỏ phiếu cho nghị quyết có nghĩa là bỏ phiếu cho tội phạm ». Nhưng số người chống đối đã không ngừng gia tăng những ngày gần đây.

« Đây là lá phiếu bảo vệ Hiến Pháp và sự cân bằng quyền lực », thượng nghị sĩ Mitt Romney giải thích như trên, cũng như số đông những người chống đối. Ông Mitt Romney thật ra bỏ phiếu chống việc qua mặt Quốc Hội, vốn đã từ chối tài trợ cho bức tường sau 35 ngày shutdown tháng Giêng vừa qua.

Cái tát mới này của các thượng nghị sĩ buộc Donald Trump sử dụng quyền phủ quyết của ông cho tình trạng khẩn cấp để bác bỏ quyết định chống đối của Quốc Hội. Đây là phủ quyết đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.”

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190315-thuong-vien-my-tinh-trang-khan-cap-tt-trump

 

Tổng thống Trump cam kết phủ quyết

nghị quyết bác bỏ tuyên bố khẩn cấp quốc gia

Washington, DC – Theo tin từ Reuters, vào hôm thứ Năm (14 tháng 3), Thượng viện Hoa Kỳ đã phản đối Tổng thống Donald Trump bằng cách bỏ phiếu dự luật chấm dứt tuyên bố khẩn cấp quốc gia, sau khi 12 thượng nghị sĩ Cộng Hòa tham gia cùng thành viên Dân Chủ phê chuẩn nghị quyết.

Tỷ lệ ủng hộ 59-41 cho thấy phe lưỡng đảng phản đối tuyên bố khẩn cấp của Tổng thống Trump, với mục đích vượt quyền Quốc hội và tập trung ngân sách cho bức tường biên giới. Theo Reuters, trong hai năm đầu tiên của nhiệm kỳ, Quốc hội do đảng Cộng Hòa lãnh đạo thường ủng hộ Tổng thống Trump, do đó Tổng thống không dùng quyền phủ quyết. Nhưng khi ngày càng nhiều đảng viên Cộng Hòa sẵn sàng thách thức Tổng thống, thì điều đó sẽ thay đổi.

Ngay sau khi Quốc hội bỏ phiếu, Tổng thống đăng dòng tweet ngắn gọn viết chữ “phủ quyết.” Cuộc bỏ phiếu hôm thứ Năm đánh dấu sự thất bại đối với Tổng thống Trump tại Thượng viện do đảng Cộng Hòa kiểm soát.

Trước đó hôm thứ Tư, các thượng nghị sĩ cũng phê chuẩn nghị quyết chấm dứt sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu trong cuộc chiến tranh ở Yemen, qua đó, bác bỏ chính sách của Tổng thống Trump đối với nước này.

Một phụ tá của người đứng đầu Hạ viện cho biết, có khả năng Hạ viện sẽ tổ chức bỏ phiếu để bác bỏ phủ quyết của Tổng thống vào ngày 26 tháng 3 tới đây, sau khi các nhà lập pháp trở lại sau kỳ nghỉ kéo dài một tuần.

Theo Reuters, dự luật vừa được Thượng viên thông qua khó có thể trở thành luật, do không có đủ sự ủng hộ của đảng Cộng Hòa trong Hạ viện và Thượng viện. Để bác bỏ quyền phủ quyết của Tổng thống Trump, Quốc hội cần phải có 2/3 số phiếu ủng hộ. Sự việc này có thể phải chờ vào quyết định của tòa án. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-cam-ket-phu-quyet-nghi-quyet-bac-bo-tuyen-bo-khan-cap-quoc-gia/

 

Một phụ nữ Mỹ gốc Việt bị bắt

vì tham gia nhóm trung thành ISIS

Cô Kim Anh Vo, 20 tuổi, ở thành phố Hephzibah, bang Georgia, đã bị nhà chức trách Hoa Kỳ bắt hôm 12/3, vì đã hỗ trợ vật chất cho tổ chức khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo (ISIS).

Trang The Atlanta Journal-Constitution trích lời Công tố viên Liên bang tại New York cáo buộc cô Kim Anh đã gia nhập một nhóm trên mạng, có tên là United Cyber Caliphate (tạm dịch là Liên hiệp Mạng [Internet] Hồi giáo). Tổ chức này thề trung thành với ISIS và “thề quyết thực hiện các cuộc tấn công mạng và xâm nhập hệ thống nhằm vào người Mỹ,” theo một thông cáo của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ hôm 12/3.

Theo Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, kể từ khi Kim Anh gia nhập nhóm này, một trong các nhiệm vụ của nhóm là các thành viên lập ra một “danh sách tiêu diệt,” bao gồm tên, địa chỉ, và các chi tiết nhận dạng khác của các binh sĩ và nhân viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Trong một danh sách tiêu diệt được lập từ tháng 4/2016 đã liệt kê khoảng 3.600 người ở Thành phố New York và nhóm này tuyên bố: “Chúng tôi muốn họ #Chết.”

Hai năm trước, nhóm này đã đăng một danh sách tiêu diệt khác với danh tính của hơn 8.000 người và đăng kèm một video có nội dung: “Chúng tôi có một thông điệp gửi tới người dân Hoa Kỳ, và quan trọng nhất là Tổng thống Trump: Nên nhớ rằng chúng tôi sẽ tiếp tục gây chiến với các ngươi.” Đoạn video có nội dung dường như là hình ảnh của một người đàn ông bị chặt đầu.

Kim Anh cũng đã tìm cách tuyển dụng người tham gia nhóm và hỗ trợ họ với những nỗ lực tấn công mạng, theo Bộ Tư pháp Hoa Kỳ.

Trong số những người được cho là Kim Anh đã tuyển dụng có một trẻ vị thành niên sống ở Na Uy, để xây dựng một video trực tuyến có nội dung đe dọa một nhóm phi lợi nhuận chuyên thúc đẩy chống lại các hệ tư tưởng cực đoan có trụ sở tại thành phố New York.

Cô Kim Anh được cho là đã dùng các nick trên mạng như F@ng, Miss Bones, Zozo, và Kitty Lee, để tuyển dụng thành viên, theo kết luận của điều tra viên được đăng trên trang web của Bộ Tư Pháp Mỹ.

Hồ sơ truy tố cho thấy Kim Anh thảo luận rất nhiều với các thành viên trong nhóm, sử dụng các từ ngữ thông dụng của ISIS. Trong thời gian từ tháng 7, 2017, đến tháng 8, 2018, cô Kim Anh đã 3 lần liên lạc với FBI và nói chuyện với các điều tra viên một cách tự nguyện. Hiện chưa rõ lý do khiến cô này liên lạc với FBI.

Cô có vẻ như tin rằng người lãnh đạo cao nhất của United Cyber Caliphate đang sống tại Iraq. Sau khi người này đột nhiên biến mất, một số thành viên đã đề cử Kim Anh lên làm lãnh đạo nhóm, nhưng cô ta từ chối.

Nếu bị kết án, Kim Anh có thể phải đối mặt với án tù 20 năm. Hôm 12/3, Kim Anh đã xuất hiện trước một tòa án liên bang ở thành phố Augusta và vụ án của cô đã được chuyển đến một tòa án liên bang khác ở New York.

https://www.voatiengviet.com/a/mot-phu-nu-my-goc-viet-bi-bat-vi-tham-gia-nhom-trung-thanh-is/4830459.html

 

Venezuela ngập chìm trong hỗn loạn

Bốn người thiệt mạng và ít nhất 300 người bị giam giữ liên quan đến các cuộc biểu tình và cướp bóc diễn ra trong thời gian Venezuela bị mất điện trên toàn quốc, các nhóm nhân quyền cho biết hôm 14/3.

Quốc gia OPEC này đã lâm vào cảnh mất điện nghiêm trọng nhất trong lịch sử vào tuần trước sau những sự cố kĩ thuật mà chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro gọi là hành động phá hoại được Mỹ hậu thuẫn, nhưng những người chỉ trích nói là do quản lí kém cỏi.

Các nhóm nhân quyền Provea và Đài quan sát Xung đột Xã hội Venezuela cho biết thông qua Twitter rằng ba người đã bị giết ở bang Lara ở miền trung và một người đã bị sát hại ở bang Zulia phía tây. Không rõ nguyên nhân của các vụ tử vong là gì.

Alfredo Romero thuộc nhóm nhân quyền Foro Penal cho biết trong một cuộc họp báo rằng 124 người đã bị giam giữ trong các cuộc biểu tình liên quan đến các dịch vụ công ích kể từ khi mất điện vào ngày 8 tháng 3, và rằng 200 người khác đã bị bắt vì cướp bóc.

Bộ Thông tin đã không hồi đáp ngay lập tức yêu cầu bình luận, Reuters nói.

Điện đã được khôi phục ở nhiều vùng của Venezuela, dù vẫn chưa được khôi phục hoàn toàn cho một số khu vực trong thủ đô Caracas và phần lớn vùng phía tây.

Venezuela rơi và một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc vào tháng 1 khi Juan Guaido, người đứng đầu Quốc hội do phe đối lập kiểm soát, viện dẫn Hiến pháp để tuyên bố ông là Tổng thống lâm thời, nói rằng việc ông Maduro tái đắc cử trong cuộc bầu cử năm 2018 là một sự gian lận.

Diễn biến này đã đặt Venezuela vào trung tâm của một cuộc đấu đá địa chính trị, với Mỹ dẫn đầu hầu hết các quốc gia phương Tây công nhận ông Guaido là nguyên thủ quốc gia chính danh, trong khi Nga, Trung Quốc và các nước khác ủng hộ ông Maduro.

https://www.voatiengviet.com/a/venezuela-ngap-chim-trong-hon-loan/4829677.html

 

Pháp kiểm tra hộp đen của máy bay Boeing 737 MAX gặp nạn

Các nhà điều tra an toàn hàng không tại Pháp hôm 15/3 bắt đầu kiểm tra các hộp đen của máy bay Boeing 737 MAX của hãng hàng không Ethiopia bị rơi vào Chủ nhật tuần trước, theo Reuters.

Cục Điều tra và Phân tích về An toàn Hàng không Dân dụng của Pháp (BEA), cho biết tại thời điểm hiện nay chưa có thông tin về tình trạng của các thiết bị ghi dữ liệu phi hành này. Thông tin sơ bộ cho biết có thể mất vài ngày để trích xuất, tờ USA Today trích lời cơ quan BEA cho biết hôm 14/3.

Chuyến bay 302 của hãng hàng không Ethiopian Airlines đã bị rơi ngay sau khi cất cánh từ thủ đô Addis Ababa hôm 10/3, làm 157 người thiệt mạng. Trước đó, vào tháng 10, cũng một chiếc máy bay Boeing 737 MAX khác cùng loại đã rơi ở Indonesia làm 189 người thiệt mạng.

Trong cả hai tai nạn, phi công đều yêu cầu xin quay máy bay trở lại phi trường chỉ vài phút sau khi cất cánh.

Các hãng hàng không quốc tế đã cấm khác thác máy bay 737 MAX và công ty Boeing, nhà sản xuất máy bay của Hoa Kỳ, đã tạm dừng việc bàn giao máy bay thuộc dòng này cho bên mua. Được biết Boeing hiện có đơn đặt hàng hàng ngàn chiếc máy bay loại này, theo Reuters.

Các chi tiết tương đồng trong hai thảm họa hàng không này đã khiến các du khách trên toàn thế giới sợ hãi khi bay và giá của công ty Boeing trên thị trường chứng khoán mất gần 28 tỷ đôla.

Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) đã xác định có sự tương đồng của hai vụ rơi máy bay Boeing 737 MAX 8, buộc cơ quan này phải cho tất cả máy bay thuộc dòng 737 MAX dừng bay từ ngày 13/3, theo CNN.

https://www.voatiengviet.com/a/phap-kiem-tra-hop-den-cua-may-bay-boeing-737-max-gap-nan/4830674.html

 

Quốc hội Anh hoãn Brexit

nhưng không cho trưng cầu dân ý lại

Các nghị sĩ Anh hôm 14/3 bỏ phiếu với tỷ lệ áp đảo hoãn lại Brexit để tạo điều kiện cho Thủ tướng Theresa May nối lại các nỗ lực giành được sự hậu thuẫn của Quốc hội đối với thỏa thuận Brexit của bà vào tuần tới.

Các nhà lập pháp Anh đã phê chuẩn một tuyên bố đề xuất EU cho nước Anh trì hoãn Brexit (tức việc Anh tách khỏi EU) thêm một thời gian ngắn nếu như một thỏa thuận không thể đạt được trước ngày 20/3 – hay trì hoãn lâu hơn nếu vẫn không có được thỏa thuận kịp thời. Tỷ lệ bỏ phiếu là 412/202.

Vào lúc chỉ còn 15 ngày nữa là đến hạn nước Anh phải rời khỏi Liên minh châu Âu, bà May đang đe dọa sẽ trì hoãn Brexit lâu để gây áp lực buộc những người ủng hộ Brexit trong Đảng Bảo thủ của bà cuối cùng phải ủng hộ thỏa thuận.

Nhiều khả năng Hạ viện Anh sẽ tổ chức bỏ phiếu lại về thỏa thuận Brexit của bà May vào tuần tới. Khi đó, các nghị sĩ sẽ phải quyết định có ủng hộ một thỏa thuận mà họ cảm thấy là không giúp nước Anh ly khai hoàn toàn hay phải chấp nhận việc đánh mất thời cơ hoặc thậm chí dìm chết Brexit với quá trình trì hoãn kéo dài.

Trước đó, nghị viện Anh đã bỏ phiếu bác bỏ tổ chức trưng cầu dân ý lần hai về Brexit, tức là nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), ít nhất là vào lúc này.

Các nghị sĩ Anh đã chặn lại một đề xuất kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý một lần nữa về việc liệu có nên ở lại hay ra khỏi EU với tỷ lệ 334-85. Đa số các nghị sỹ Đảng Lao động đối lập không ủng hộ biện pháp này.

Tuy nhiên, kết quả cuộc bỏ phiếu này không ngăn các nghị sĩ đưa ra bỏ phiếu một lần nữa vào lúc khác để giành được sự ủng hộ của Quốc hội.

Những người vận động cho một cuộc trưng cầu dân ý mới đang chia rẽ về việc thời điểm liệu có chín muồi chưa để tổ chức trưng cầu dân ý lần hai hay không.

Hồi năm 2016, cử tri Anh đã bỏ phiếu rời khỏi EU với tỷ lệ 52-48.

Quyền lực của bà May trong tuần này đã chạm mức thấp kỷ lục sau một loạt những thất bại và những vụ nổi loạn gây mất mặt tại Quốc hội. Tuy nhiên, bà đã nói rõ rằng bản kế hoạch của bà vẫn nằm trong nghị trình mặc dù nó đã bị bác bỏ hai lần với đa số áp đảo hồi tháng 1 và hôm 12/3.

Trong nỗ lực thuyết phục những người phản đối thỏa thuận, bà May đã cảnh báo không giấu diếm những nghị sĩ nổi loạn trong Đảng Bảo thủ của bà rằng nếu họ không ủng hộ thỏa thuận của bà thì sẽ không có Brexit gì hết.

Trong khi đó, đón Thủ tướng Ireland Leo Varadkar đến thăm Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng cuộc tranh luận ở nước Anh về việc rời khỏi EU đang khiến nước này bị ‘tan rã’.

Ông Trump nói ông ‘ngạc nhiên về mức độ tồi tệ’ mà các cuộc thương thảo Brexit đang được tiến hành. Ông Trump, người tự coi mình là bậc thầy đạt được thỏa thuận, nói rằng ông đã cho Thủ tướng Anh Theresa May lời khuyên nhưng bà không nghe theo.

https://www.voatiengviet.com/a/qu%E1%BB%91c-h%E1%BB%99i-anh-ho%C3%A3n-brexit-nh%C6%B0ng-kh%C3%B4ng-cho-tr%C6%B0ng-c%E1%BA%A7u-d%C3%A2n-%C3%BD-l%E1%BA%A1i/4829423.html

 

« Backstop » :

Chiếc gai cản trở Anh Quốc và Bruxelles chia tay

Minh Anh

« Backstop » chính là chiếc gai gây căng thẳng trong cuộc đàm phán Brexit giữa Anh Quốc và Liên Hiệp Châu Âu. Cũng vì điều khoản này mà thủ tướng Anh Theresa May trong những ngày qua liên tiếp gặp thất bại trong các cuộc bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit.

Các nghị sĩ Anh Quốc không những không đồng tình với thỏa thuận Brexit mà thủ tướng Anh đạt được với Bruxelles mà còn không ủng hộ một « Brexit Hard » – tức là một Brexit không có thỏa thuận.

Ngày 29/01/2019 các nghị sĩ Anh Quốc yêu cầu thủ tướng Theresa May phải thương thuyết lại điều khoản « Backstop »  liên quan đến vấn đề đường biên giới giữa Cộng Hòa Ailen và vùng Bắc Ailen. Liên Hiệp Châu Âu, thông qua lời chủ tịch Hội đồng Châu Âu, đã từ chối mở lại các cuộc thương thuyết về chủ đề này.

Vậy « backstop » là gì ? Vì sao Anh Quốc phản đối mạnh mẽ điều khoản này ? Tại sao Bruxelles không muốn đàm phán lại điểm gai góc này? Kênh truyền hình France 24 có bài giải thích. RFI Tiếng Việt xin giới thiệu.

Đâu là vấn đề đường biên giới Ailen ?

Một trong những điểm nhậy cảm nhất trong các cuộc đàm phán về Brexit là vấn đề đường biên giới giữa Cộng Hòa Ailen – thành viên Liên Hiệp Châu Âu và Bắc Ailen, vùng lãnh thổ thuộc Anh Quốc. Về mặt lý thuyết, việc Brexit có nguy cơ dẫn đến việc lập lại các chốt biên phòng dọc theo ranh giới dài 500 km này, tái lập kiểm soát hải quan và chấm dứt tự do lưu thông tài sản và hàng hóa giữa hai vùng lãnh thổ.

Cả Luân Đôn và Bruxelles đều muốn tránh kịch bản này bằng mọi giá. Đường biên giới gần như vô hình này là một trong những điều kiện tiên quyết của thỏa thuận « Thứ Sáu Tuần Thánh » (hay còn gọi là thỏa thuận Belfast) được ký kết vào năm 1998 nhằm chấm dứt 30 năm đối đầu bạo lực giữa những người mang tư tưởng chủ nghĩa dân tộc theo Công giáo ở Cộng Hòa Ailen và những người chủ trương hợp nhất theo Tin Lành ở Bắc Ailen.

Người dân và các doanh nghiệp ở cả hai bên đều muốn giữ đường biên giới vô hình này càng lâu càng tốt. Theo ước tính, mỗi ngày có khoảng 30.000 người dân Ailen băng qua đường biên giới phía bắc và ngược lại có đến 31% lượng hàng xuất khẩu của Bắc Ailen đổ vào Cộng Hòa Ailen.

« Backstop » mà Liên Hiệp Châu Âu đề xuất là gì ?

Trong thỏa thuận đạt được vào tháng 12/2017, Liên Hiệp Châu Âu và Anh Quốc đều cam kết làm mọi cách để tránh tái lập kiểm soát dọc theo đường biên giới giữa hai nước. Các nhà đàm phán Liên Hiệp Châu Âu mong muốn thiết lập một quy chế đặc biệt cho vùng Bắc Ailen.

Do vậy, ông Michel Barnier, trưởng đoàn đàm phán phía EU, đã đề xuất « backstop » hay còn gọi là cơ chế bảo đảm (filet de securite), một điều khoản bảo đảm tạm thời cho phép duy trì đường biên giới mở. Cơ chế này được ghi trong dự thảo thỏa thuận, nhưng bị các nghị sĩ Anh Quốc bác bỏ hồi tháng Giêng năm nay, trên thực tế dự kiến được tiến hành theo hai giai đoạn như sau :

– Giai đoạn thứ nhất, hay còn gọi là giai đoạn chuyển tiếp, được tính từ ngày tiến hành Brexit (được dự trù là vào ngày 29/03/2019) cho đến hết tháng 12 năm 2020. Trong giai đoạn này, Vương Quốc Anh vẫn nằm trong liên minh thuế quan, trong thời gian tìm kiếm một thỏa thuận thương mại.

– Khi thời kỳ chuyển tiếp chấm dứt, tức sau năm 2020, nếu đôi bên vẫn chưa tìm được một thỏa thuận thương mại nào, cơ chế « backstop » sẽ được kích hoạt. Vương Quốc Anh vẫn tạm thời ở lại trong liên minh thuế quan, và do vậy hàng hóa vẫn được tự do lưu thông giữa lục địa và Anh Quốc.

Còn Bắc Ailen do có quy chế riêng, nên phải tuân thủ các quy định của thị trường chung, tức là có thỏa thuận thương mại với Liên Hiệp Châu Âu mang tính ràng buộc, hội nhập hơn vì được tự do lưu thông hàng hóa dịch vụ và đi lại của người dân.

Nói một cách tóm tắt, « backstop » là một cơ chế bảo đảm trong trường hợp Luân Đôn và Bruxelles vẫn còn có những bất đồng khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc.

Vì sao các nghị sĩ Anh phản đối « backstop » ?

Những người ủng hộ mạnh mẽ Brexit nhất chỉ trích cơ chế này ở ba điểm. Thứ nhất họ cho rằng « backstop » cản trở nước Anh và Liên Hiệp Châu Âu « chia tay dứt khoát ». Vì nằm trong liên minh thuế quan với EU, Vương quốc Anh không thể thương lượng các thỏa thuận tự do mậu dịch khác cho chính mình.

Điều khoản ràng buộc này cho phép Liên Hiệp Châu Âu an tâm rằng sẽ không chuyện hàng hóa một nước thứ ba « tận dụng cổng vào đặc quyền, thông qua ngả Bắc Ailen để thâm nhập thị trường châu Âu », theo như giải thích của Le Monde.

Thứ hai, các nghị sĩ thuộc đảng chủ trương hợp nhất Bắc Ailen, mà thủ tướng May đang cần đến để có được đa số ở Nghị viện, e sợ rằng việc duy trì Bắc Ailen trong vùng kinh tế của Liên Hiệp có nguy cơ dẫn đến tình trạng « sáp nhập » Bắc Ailen vào Cộng hòa Ailen.

Cuối cùng, cơ chế « backstop » do Bruxelles đề xuất lại không quy định ngày hết hạn. Đây cũng điểm gây căng thẳng giữa thủ tướng Anh với các nhà đàm phán Liên Hiệp Châu Âu. Thế nhưng, đòi hỏi này của Thủ tướng Anh luôn bị các nước thành viên Liên Hiêp tìm cách trì hoãn, nhất là nước Cộng hòa Ailen. Do vậy đối với các nghị sĩ Anh Quốc đây chẳng qua là một tình trạng « vờ chia tay ». Anh Quốc có nguy cơ vĩnh viễn bị gắn chặt với Liên Hiệp Châu Âu.

Nếu không đạt được thỏa thuận, chuyện gì xảy ra ?

Nếu như mỗi bên hiện nay cứ khăng khăng giữ nguyên lập trường, Anh Quốc vẫn rời Liên Hiệp Châu Âu ngày 29/03/2019 vào lúc 23 giờ GMT. Chính phủ Luân Đôn và Dublin (Cộng hòa Ailen) đã đánh tiếng cho biết không có ý định áp đặt kiểm soát thuế quan ở biên giới. Nhưng Bruxelles nêu rõ là một « Brexit » không có thỏa thuận đồng nghĩa với việc lập lại đường biên giới hữu hình dưới hình thức này hay hình thức khác.

Các đối tác châu Âu của Cộng hòa Ailen khẳng định đứng về phía Dublin và sẽ bảo vệ « backstop ». Nhưng các nước này cũng muốn tránh « No Deal » – một cuộc chia tay không có thỏa thuận. Trong trường hợp bế tắc kéo dài, Ailen cũng không thể nào để mở cửa lâu đường biên giới trên bộ duy nhất giữa Anh Quốc với Liên Hiệp Châu Âu.

Và nếu như Ailen không thể kiểm soát hàng hóa đến từ nước Anh, Liên Hiệp Châu Âu một ngày nào đó có nguy cơ phải xem xét khả năng đến lượt hàng hóa xuất khẩu từ Cộng hòa Ailen sang các nước thành viên EU cũng phải bị kiểm soát.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190315-backstop-chiec-gai-can-tro-anh-quoc-bruxelles-chia-tay

 

Những mối liên hệ của Nga với Venezuela

Hoa Kỳ và một loạt các nước Mỹ Latin đã công nhận lãnh đạo đối lập Venezuela Juan Guaido là Tổng thống lâm thời của nước này, khiến cho Tổng thống Nicolas Maduro ngày càng bị cô lập.

Mặc dù Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Venezuela, lâu nay Nga vẫn là đồng minh của ông Maduro và người tiền nhiệm là Hugo Chavez với các hoạt động làm ăn từ dầu hỏa cho đến cho vay và thiết bị quân sự.

Mới đây nhất, Moscow đã trở thành chỗ cho vay cuối cùng của Venezuela với việc chính phủ Nga và tập đoàn Rosneft đã cung cấp cho Venezuela các khoản vay và khoản tín dụng trị giá 17 tỷ đô la, theo ước tính của Reuters.

Dưới đây là số liệu về sự can dự của Nga vào Venezuela.

Nợ nhà nước

Hồi tháng 11 năm 2017, Nga đã đồng ý tái cấu trúc các khoản nợ nhà nước của Venezuela trị giá 3,15 tỷ đô la và quá trình trả nợ kéo dài trong 10 năm.

Thứ trưởng Tài chính Nga Sergei Storchak trong tháng này cho biết Venezuela đang trả nợ và hiện không có đàm phán nào về việc cho Caracas vay thêm. Ông Storchak cũng cho biết Nga đã đưa ra cho Venezuela kế hoạch giải quyết các vấn đề kinh tế của họ.

Ngân hàng

Nga và Venezuela có một ngân hàng cổ phần chung, Evrofinance Mosnarbank, ngân hàng lớn thứ 19 của Nga theo giá trị tài sản. Quỹ Phát triển Quốc gia Venezuela (Fonden) kiểm soát 49,99% cổ phần.

Ngân hàng Nga Gazprombank, nơi mà tập đoàn nhà sản xuất khí đốt Gazprom do nhà nước kiểm soát nắm cổ phần, và ngân hàng Nhà nước VTB, mỗi bên nắm 25% cổ phần trong Evrofinance.

Ngân hàng VTB, hiện đang là ngân hàng lớn thứ 2 của Nga, đang xem xét bán cổ phần của họ trong Evrofinance nhưng hiện vẫn chưa có thỏa thuận chắc chắn, một lãnh đạo điều hành VTB nói với Reuters hồi tháng trước.

Gazprombank hôm 14/3 cho biết họ hiện họ không dính vào bất cứ dự án đầu tư ở Venezuela, do đó rủi ro đối với hoạt động kinh doanh của họ là không cao.

Mối liện hệ ROSNEFT-PDVSA

Rosneft, tập đoàn dầu mỏ lớn nhất của Nga và là một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới trong lĩnh vực này, đang hoạt động ở Venezuela và cũng đã cấp những khoản vay cho PDVSA (Tập đoàn dầu khí Quốc gia Venezuela) được bảo trợ bằng dầu mỏ.

Theo Rosneft, PDVSA đã trả nợ 500 triệu đô la trong quý thứ 3 trong năm rồi, với nợ đọng hiện ở mức 3,1 tỷ đô la.

Rosneft hiện đang nắm cổ phần 49,9% trong công ty lọc dầu Mỹ Citgo dưới hình thức khoản vay 1,5 tỷ đô la hồi năm 2016. Cổ phần còn lại 50,1% hiện đang do PDVSA nắm giữ được thế chấp theo đợt phát hành trái phiếu vào năm 2020.

Reuters tường thuật hồi năm 2017 rằng Rosneft đang thương thảo với PDVSA để trao đổi khoản thế chấp ở Citgo của họ đổi lấy cổ phần là các giếng dầu và một thỏa thuận cung cấp nhiên liệu.

Các công ty dầu Nga

Hãng Rosneft, hãng mà Giám đốc điều hành Igor Sechin thường xuyên đến Venezuela, có cổ phần trong một số dự án dầu hỏa ở quốc gia Nam Mỹ này. Tổng sản lượng dầu hỏa từ các dự án này là 8 triệu tấn hồi năm 2017, tương đương 161.000 thùng dầu một ngày.

Phần của Rosneft trong sản lượng này là 3 triệu tấn, theo tài liệu có được của hãng Rosneft được công bố mới nhất. Đặc biệt, Rosneft có tham gia vào các dự án sau đây:

Junin 6: PDVSA nắm cổ phần 60%, phần còn lại do liên doanh giữa Rosneft và Gazpromneft, nhánh dầu mỏ của Gazprom, nắm. Trong liên doanh đó, Rosneft nắm 80% còn Gazpromneft giữ 20%.

Petromonagas: Rosneft nắm 40%

Petroperija: Rosneft nắm 40%

Petromiranda: Rosneft nắm 32%

Ngũ cốc

Nga, quốc gia sản xuất lúa mì lớn nhất thế giới, đã cung cấp lúa mì cho Venezuela trong những năm trước, nhưng cho đến nay trong năm 2019 không còn đợt giao hàng nào như vậy nữa. Nga đã xuất khẩu 226.000 tấn lúa mì đến Venezuela trong năm 2018 và 223.500 tấn trong năm 2017.

Quân sự

Khoản tín dụng đầu tiên để mua súng, được cố Tổng thống Hugo Chavez và Tổng thống Nga Vladimir Putin ký kết ở Moscow hồi năm 2006. Kể từ đó, những hiệp định tương tự đã cho phép Venezuela mua súng trường tự động Kalashnikov, máy bay Sukhoi, xe tăng và các thiết bị quân sự khác.

Hồi tháng trước, nhật báo Nezavisimaya dẫn những nguồn tin giấu tên cho biết Nga muốn triển khai máy bay chiến lược tại một căn cứ không quân của Venezuela ở vùng biển Ca-ri-bê nằm về phía đông nam Hoa Kỳ.

Hồi tháng 12 năm ngoái, hai máy bay ném bom chiến lược của Nga có khả năng đem theo vũ khí hạt nhân đã hạ cánh xuống Venezuela.

https://www.voatiengviet.com/a/nh%E1%BB%AFng-m%E1%BB%91i-li%C3%AAn-h%E1%BB%87-c%E1%BB%A7a-nga-v%E1%BB%9Bi-venezuela/4829709.html

 

Syria : Chế độ Assad « hồi sinh » sau 8 năm nội chiến

Tú Anh

Ngày 15/03/2011 đã diễn ra những cuộc biểu tình đầu tiên chống chế độ Bachar al Assad tại Syria. Tám năm tiếp theo sau, cuộc nổi dậy của « phong trào mùa xuân Ả Rập » biến thành chiến tranh với nhiều tác nhân tham dự và hơn 370.000 người chết. Nếu một phần lãnh thổ Syria vẫn còn nằm ngoài vòng kiểm sóat của Damas, chế độ Bachar al Assad dần dần không còn bị các nước Ả Rập tẩy chay.

Bắt đầu với những cuộc đàn áp đẫm máu các cuộc biểu tình tranh đấu bất bạo động đòi dân chủ, xung khắc tại Syria theo thời gian biến thành một cuộc chiến phức tạp, với sự tham gia của nhiều thế lực : từ các nhóm thánh chiến đến các cường quốc quốc tế lẫn khu vực, chia cắt đất nước thành từng mảnh.

Theo tổ chức nhân quyền Syria OSDH, hơn 125.000 quân Syria, dân quân Hồi giáo ủng hộ chế độ, tình nguyện quân Iran và Hezbollah Liban đã tử thương. Phía bên kia, lực lượng võ trang nổi dậy và lực lượng Dân Chủ Kurdistan do phương Tây yểm trợ bị thiệt hại 67.000 người. Ngoài ra, các phe thánh chiến, hậu thân của Ai Qaida hay của Daech chết gần 66.000.

Số liệu của Liên Hiệp Quốc cho biết thêm trong số 17 triệu dân Syria, 13 triệu trở thành nạn nhân chiến tranh và trong số này 5 triệu người phải lưu vong. Các tổ chức phi chính phủ tiếp tục tố cáo chế độ Damas chà đạp nhân quyền, sử dụng vũ khí hóa học, tra tấn và bắt người tùy tiện.

Trước áp lực quân sự trên chiến trường, các biện pháp cô lập ngoại giao, có lúc số phận của chế độ Bachar al Assad như mành treo chuông. Năm 2013, quân đội Syria chỉ kiểm soát có 20% lãnh thổ. Nhưng thời kỳ « đen tối » dường như đã qua. Với sự trợ giúp quân sự và ngoại giao của Nga và từ chính quyền Iran theo hệ phái Shia, chuyện khó tin đã thành sự thật.

Tuy một phần ba lãnh thổ vẫn còn nằm trong tay thánh chiến và lực lượng Dân chủ Kurdistan, nhưng trong nước cũng như ở bên ngoài, chế độ Damas có thể tự hào là đã vãn hồi tình thế, cho dù chiến tranh chưa chấm dứt. Theo chuyên gia Myriam Youssef từ Damas (Chương trình nghiên cứu chiến tranh của Đại Học Kinh Tế Luân Đôn) chính quyền đã tuyên bố « 2018 là năm chấm dứt chiến tranh ».

2018 : hồi sinh

Về đối ngoại, vòng vây cô lập Syria do phương Tây và các đồng minh Trung Đông thiết lập cũng từ từ bị rạn nứt. Cuối năm 2018, tổng thống Sudan, Omar el Bechir là lãnh đạo Ả Rập đầu tiên công du Syria. Tiếp theo đó, hai vương quốc Ả Rập khác là Bahrein và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất thông báo mở lại sứ quán tại Damas. Rồi giám đốc an ninh quốc gia Syria sang Ai Cập dự hội nghị chống khủng bố. Và mới đây, chủ tịch Quốc Hội Syria tham dự hội thảo liên nghị viện tại Jordani.

Các quốc gia Ả Rập ủng hộ đối lập Syria nhìn nhận thất bại : Bachar al Assad bám trụ được là nhờ trợ lực của Nga và Iran. Từ nay, nhân danh tình đoàn kết Ả Rập chống khủng bố Daech và cũng để ngăn chận tham vọng bá quyền của Iran, nhu cầu muốn nối lại quan hệ với Damas được thấy rõ trong khu vực.

Cơ hội để minh chứng xu hướng này là thượng đỉnh Liên Đoàn Ả Rập vào cuối tháng Ba này tại Tunisia. Nước chủ nhà cùng với Irak và Liban đã kêu gọi đón tiếp Syria trở lại tổ chức 8 năm sau khi nước này bị trục xuất.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190315-syria-bachar-al-assad-hoi-sinh-8-nam-noi-chien

 

Israel oanh tạc dải Gaza

sau khi Tel Aviv bị tấn công bằng hai hỏa tiển

Dải GAZA – Theo tin từ Reuters, vào đầu hôm thứ Sáu (15 tháng 3), máy bay quân sự của Israel ném bom các mục tiêu Hamas ở Dải Gaza, vài giờ sau khi hai hỏa tiễn được bắn vào thành phố Tel Aviv trong cuộc tấn công đầu tiên kể từ sau cuộc chiến tranh năm 2014.

Quân đội Israel cho biết hệ thống phòng thủ Iron Dome của họ chặn đứng 5 trong số 6 hỏa tiễn được bắn vào Israel. Trong một tuyên bố, quân đội Israel cho biết họ tấn công vào “khoảng 100 mục tiêu quân sự” thuộc về Hamas, nhóm dân quân Hồi giáo đang kiểm soát Dải Gaza. Tuyên bố này bao gồm các bức ảnh của một số địa điểm mà quân đội cho biết họ đã chọn làm mục tiêu, bao gồm cả trụ sở hoạt động tại Bờ Tây của Hamas, một địa điểm sản xuất hỏa tiễn và một đồn hải quân được cho là kho vũ khí.

Hiện hãng tin Reuters vẫn chưa thể xác minh ngay lập tức các tuyên bố này. Các cơ quan truyền thông của Palestine đã đưa tin về các cuộc tấn công trên khắp dải Gaza, từ Rafah ở phía nam đến phía bắc của dải bờ biển đông dân cư, nơi cư trú của hai triệu người Palestine. Một số tòa nhà bị chọn làm mục tiêu đã được di tản để đề phòng, vì Hamas cũng dự đoán được phản ứng của Israel.

Các viên chức của Bộ Y tế tại dải Gaza cho biết có một người đàn ông và một người phụ nữ đã bị thương khi ngôi nhà của họ bị thiệt hại ở Rafah vào sáng sớm. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/israel-oanh-tac-dai-gaza-sau-khi-tel-aviv-bi-tan-cong-bang-hai-hoa-tien/

 

Nhật Bản đóng tàu mới

 để bảo vệ quần đảo tranh chấp với TQ

Lực lượng bảo vệ biển Nhật Bản (MSDF) sắp được sở hữu một đội tàu tuần tra mới, chủ yếu hoạt động quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

Lực lượng bảo vệ biển Nhật Bản (MSDF) sắp được sở hữu một đội tàu tuần tra mới, chủ yếu hoạt động quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

Tàu mới dự kiến thực hiện nhiệm vụ theo dõi, trinh sát thay cho các khu trục hạm. Kế hoạch của chính phủ Nhật dự kiến công tác đóng 3 chiếc đầu tiên bắt đầu vào năm tài khóa 2020, trong vòng 10 năm sẽ đưa 12 tàu vào biên chế.

Với lượng giãn nước khoảng 1.300 tấn, thủy thủ đoàn 30 người, kích thước tàu mới sẽ lớn hơn tàu tuần tra tên lửa dẫn đường lớp Hayabusa (240 tấn, đang phục vụ) đáng kể.

Chưa rõ tàu mới trang bị vũ khí gì. Tàu Hayabusa có bệ phóng tên lửa kép cùng pháo cỡ 76mm trên boong trước. Để đủ sức theo dõi chặt hoạt động của quân đội Trung Quốc, tàu mới nhiều khả năng sở hữu hệ thống trinh sát tiên tiến.

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm cách tỉnh Okinawa khoảng 400km về phía tây, hiện do Tokyo kiểm soát nhưng Bắc Kinh thường xuyên đưa tàu hoặc máy bay đến vùng biển xung quanh quấy rối. Vì nước láng giềng gia tăng hoạt động nên Nhật triển khai lực lượng giám sát và ngăn chặn.

http://biendong.net/doc-bao-viet/26906-nhat-ban-dong-tau-moi-de-bao-ve-quan-dao-tranh-chap-voi-tq.html

 

Bắc Hàn nói ‘Hoa Kỳ vứt bỏ cơ hội vàng’ trong đàm phán

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bắc Hàn, bà Choe Sun-hui nói ‘Hoa Kỳ vứt bỏ cơ hội vàng’ trong đàm phán và rằng Bắc Hàn có thể thử hạt nhân trở lại.

Bà Choe nói phía Mỹ “vứt bỏ cơ hội vàng” tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều ở Hà Nội tháng trước.

Khi đó, Bắc Hàn nói họ sẵn sàng dỡ bỏ cơ sở nguyên tử Yongbyon nhưng hội đàm tan vỡ vì Tổng thống Donald Trump từ chối không bỏ cấm vận, chừng nào Bình Nhưỡng chưa hủy hết mọi cơ sở hạt nhân.

Giải mã hội nghị Trump-Kim ‘không ký gì’ ở Hà Nội

Mike Pompeo hy vọng có tiến bộ thực sự ở Hà Nội

Điều Trump muốn từ cuộc gặp với Kim

Số phận của những quan chức Bắc Hàn đào tẩu

Nay bà Choe cho hay Triều Tiên có thể bỏ luôn mọi đàm phán với Mỹ và tái khởi động các vụ thử nguyên tử.

Kim Jong-un sẽ lên tiếng

Theo hãng tin TASS của Nga, bà Choe nói với các nhà báo tại Bình Nhưỡng rằng lãnh tụ Kim Jong-un sẽ có thông báo chính thức về quan điểm của ông liên quan đến hội đàm tương lai với Hoa Kỳ.

Nhưng phía Bắc Hàn nói họ “không có ý định chịu chấp nhận bất cứ yêu cầu nào từ Hoa Kỳ”.

Chiến thuật của Bắc Hàn là hy vọng lời nói sẽ khiến Hoa Kỳ có phản ứngLaura Bicker

Tuy thế, theo phóng viên BBC tại Seoul, Laura Bicker, các diễn biến mới này không có nghĩa là mọi việc sẽ trở lại thời Bình Nhưỡng dọa “tung ra bão lửa”.

“Không hẳn như thế. Chiến thuật của Bắc Hàn là hy vọng lời nói sẽ khiến Hoa Kỳ có phản ứng. Bình Nhưỡng biết rõ ông Donald Trump tự ca ngợi về khả năng ông dừng ông Kim, không bắn hỏa tiễn và thử nguyên tử nữa. Và chừng nào Bắc Hàn không thử tên lửa, thì ông Trump nói, ông “không hề vội”…

Phóng viên BBC cũng cho hay, “cần ghi nhận bà Choe Son-hui vẫn ca ngợi quan hệ cá nhân giữa Kim Jong-un và Donald Trump. Vì thế, cánh cửa ngoại giao vẫn mở. Nhưng bà phê phán ông Mike Pompeo và cố vấn an ninh John Bolton khiến quan điểm của Mỹ cứng rắn hơn”.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-47584833

 

Ai tấn công Đại sứ quán Bắc Hàn ở Tây Ban Nha?

Câu hỏi đang được đặt ra là phải chăng tình báo Mỹ đã dính dáng vào vụ tấn công Đại sứ quán Bắc Hàn hôm 22/2?

Các nhà điều tra Tây Ban Nha đang xem xét một cuộc tấn công được cho là nhắm vào Đại sứ quán Bắc Hàn ở Madrid.

Vào ngày 22/2, một nhóm 10 kẻ tấn công đã đột nhập vào tòa nhà Đại sứ quán, trói, đánh đập và thẩm vấn tám người bên trong.

Bắc Hàn xây lại bãi thử tên lửa: Ông Kim gửi thông điệp gì?

Bầu cử Bắc Hàn: Em ông Kim Jong-un làm đại biểu

‘Bầu cử’ ở Bắc Hàn nghĩa là gì?

Bắc Hàn sắp phóng hỏa tiễn để thử phản ứng của Mỹ?

Sụ việc xảy ra chỉ vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh tại Việt Nam giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un.

Và bây giờ thì có tin rằng tình báo Hoa Kỳ dính dáng vào vụ này.

Với việc Mỹ và Bắc Hàn cố gắng cải thiện quan hệ sau gần 70 năm thù địch, những cáo buộc như vậy có thể làm tình hình căng thẳng.

BBC đã liên lạc với cảnh sát ở Madrid để hỏi bình luận của họ nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi.

Vậy thì điều gì đã xảy ra tại Đại sứ quán Bắc Hàn ở Mandird?

Chuyện gì đã xảy ra?

Truyền thông địa phương cho biết vào chiều ngày 22/2, một nhóm 10 người đã đột nhập vào Đại sứ quán Bắc Hàn ở phía Tây Bắc Mandrid.

Theo tờ El Confidencial (tiếng Tây Ban Nha), những kẻ tấn công đã bịt miệng, trói các nhân viên, và lấy một số máy tính.

Một phụ nữ đã xoay sở trốn thoát được qua cửa sổ tầng hai và la hét cầu cứu. Hàng xóm nhanh chóng gọi cảnh sát.

Nhưng khi nhà chức trách đến nơi, họ được một người đàn ông châu Á đón ở cửa và bảo rằng mọi việc vẫn bình thường.

Vài phút sau, người đàn ông này cùng những kẻ tấn công nhanh chóng rời đại sứ quán, phóng đi trên hai chiếc xe của Đại sứ quán Bắc Hàn.

Bên trong Đại sứ quán, cảnh sát cho hay tìm thấy tám người bị trói, bị chụp túi lên đầu. Họ đã bị trói bốn tiếng đồng hồ. Hai người trong số đó phải nhờ trợ giúp y tế.

Cả hai chiếc xe ngay sau đó được tìm thấy bị vứt lại gần Đại sứ quán.

Ai đứng sau vụ tấn công?

Giới chức bác bỏ ý kiến rằng những tội phạm vô danh đứng đằng sau vụ tấn công.

Các nguồn tin thân cận với giới điều tra cho trang El País hay rằng vụ tấn công được lên kế hoạch hoàn hảo, như thể nó được thực hiện bởi một nhóm của “quân đội”.

Và những kẻ tấn công dường như biết rõ chúng đang tìm kiếm cái gì, chúng lấy điện thoại di động và máy tính.

Cả hãng El País và El Confidencial đều đưa tin rằng chính quyền Tây Ban Nha nghi ngờ các cơ quan tình báo Hoa Kỳ và các đồng minh của họ có thể đã tham gia vào vụ tấn công.

Nạn nhân của vụ tấn công nói với giới điều tra rằng những kẻ tấn công nói tiếng Hàn, và có thể đến từ Hàn Quốc.

El País thậm chí còn cho hay hai trong số 10 người của nhóm này được xác định có quan hệ với Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA).

CIA từ chối yêu cầu bình luận của BBC.

Tại sao có kẻ muốn tấn công Đại sứ quán Bắc Hàn?

Tin cho hay những kẻ tấn công có thể đã tìm kiếm thông tin về cựu đại sứ Bắc Hàn tại Madrid, ông Kim Hyok-chol.

Nhà ngoại giao này bị trục xuất khỏi Tây Ban Nha tháng 9/2017 liên quan đến chương trình thử hạt nhân của Bắc Hàn.

Nhưng ông Kim Hyok-chol hiện đang đóng vai trò đặc phái viên chính trong các cuộc đàm phán của Bắc Hàn với Hoa Kỳ, và giúp tổ chức hội nghị thượng đỉnh gần đây tại Việt Nam.

Ông cũng đã tới Washington DC cùng với cánh tay phải của Kim Jong-un, Kim Yong-chol, vào tháng Một.

Tuy nhiên, không rõ chính xác lý do tại sao cuộc tấn công Đại sứ quán Bắc Hàn tại Mandrid lại diễn ra, hoặc ai có liên quan.

Chuyện gì đang xảy ra?

Giới điều tra Tây Ban Nha hiện rất kín tiếng, và New York Times cho hay cả nữ nhân viên trốn thoát lẫn đại sứ quán không ai nộp đơn khiếu nại lên cảnh sát.

Tuy nhiên, nếu có bất kỳ sự dính dáng nào của mạng lưới tình báo được chứng minh, điều này có thể gây náo động cả Bắc Hàn và quốc tế.

Tây Ban Nha sẽ không hài lòng nếu tình báo nước ngoài đến hoạt động ở đây mà không xin phép. Và đột nhập vào đại sứ quán của một quốc gia khác sẽ là vi phạm nghiêm trọng giao thức quốc tế.

Tòa án tối cao quốc gia, Audiencia Nacional, sẽ xem xét kết quả điều tra và có thể ra lệnh bắt giữ bất kỳ kẻ tấn công nào được xác định.

Tuy nhiên, các nguồn tin chính phủ cho biết việc chứng minh sự tham gia của các cơ quan tình báo Mỹ có thể rất khó khăn.

Điều duy nhất rõ ràng cho đến nay là câu chuyện này mới chỉ bắt đầu.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-47565143

 

Vì vụ Mạnh Vãn Chu,

TQ và Canada ăn miếng trả miếng về mậu dịch

Ngày 1.3 vừa qua, Trung Quốc đã thu hồi giấy phép xuất khẩu hạt cải dầu của công ty Richardson International sang thị trường Trung Quốc với cớ “có vật gây hại hoặc vi khuẩn”. Sau khi Trung Quốc tuyên bố cấm nhập khẩu hạt cải dầu của Canada, phía Canada cũng đáp trả bằng cách tuyên bố không cho phép nhập khẩu thịt lợn và mọi sản phẩm chế biến từ thịt lợn của Trung Quốc. Quan hệ giữa hai nước vốn đã căng thẳng sau sự kiện bà Mạnh Vãn Chu – CFO của Công ty Huawei bị cảnh sát bắt giữ hôm 1.12.2018 theo yêu cầu của Mỹ – nay lại càng trở nên tồi tệ, đã lan sang lĩnh vực thương mại.

Những nông dân trồng cải dầu, ngành nông nghiệp và kinh tế Canada sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng trước quyết định cấm nhập hạt cải dầu của hải quan Trung Quốc.

Ngày 6.3, Công ty Richardson International – hãng xuất khẩu hạt cải dầu lớn nhất của Canada đã xác nhận thông tin họ bị Tổng cục Hải quan Trung Quốc hủy bỏ tư cách xuất khẩu sản phẩm sang nước này và nói hành động này của phía Trung Quốc có thể giáng đòn mạnh vào nền kinh tế Canada. Một hòn đá ném xuống nước gây nên bao lớp sóng, truyền thông và giới chính khách trong nước Canada liên tiếp đưa tin và bình luận về sự kiện; hầu hết đều đánh giá đây chỉ là hành động trả thù của Trung Quốc với Canada về vụ bắt giữ Mạnh Vãn Chu.

Ngày 6.3, tại cuộc họp báo định kỳ, Lục Khảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc giải thích việc chính phủ Trung Quốc đưa ra quyết định chặn cửa đối với hạt cải dầu của Công ty Richardson International là có căn cứ. Ông nói: “Qua tìm hiểu, gần đây hải quan Trung Quốc nhiều lần tìm thấy sinh vật có hại nguy hiểm trong hạt cải dầu nhập khẩu từ Canada; trong đó kiểm định thấy hạt của một công ty đặc biệt nghiêm trọng. Trong tình hình đó, hải quan Trung Quốc căn cứ quy định pháp luật liên quan và tập quán quốc tế, đã đưa ra quyết định tạm ngừng nhập khẩu. Đây là quyết định hoàn toàn hợp tình hợp lý và hợp pháp”.

Trái ngược với quan điểm của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ngày 5.3, bà Marie-Claude Bibeau, Bộ trưởng Nông nghiệp Canada tuyên bố: “Sau khi nhận được thông báo từ phía Trung Quốc về sản phẩm hạt cải phạm quy, cơ quan kiểm định thực phẩm Canada đã điều tra và chứng thực: không hề phát hiện thấy sự tồn tại của bất cứ sinh vật hay vi khuẩn có hại nào trong hạt cải dầu”.

Canada là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hạt cải dầu lớn, có sản lượng hạt cải đứng thứ 2 thế giới, chỉ đứng sau EU; nghề trồng cải dầu mỗi năm đem về cho nền kinh tế Canada 26,7 tỷ dollar Canada (tức 19,9 tỷ USD), 250 ngàn việc làm. Điều quan trọng hơn là, Trung Quốc là khách hàng lớn của cải dầu Canada, mỗi năm Canada xuất khẩu lượng hạt cải trị giá 5 tỷ dollar Canada (25 tỷ NDFT), một nửa số

đó được bán sang Trung Quốc. Trung Quốc là thị trường hàng đầu đối với hạt cải dầu Canada, loại hạt sẽ được nghiền thành dầu thực vật và bột thức ăn chăn nuôi. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã nhập khẩu 4,5 triệu tấn hạt cải dầu, trị giá 1,9 tỉ USD trong năm 2017.

Theo Công ty Richardson International, do Trung Quốc hủy bỏ giấy phép xuất khẩu của họ, những nông dân trồng cải dầu của Canada cũng sẽ đối diện với vấn đề sản phẩm dư thừa nghiêm trọng. Qua đó có thể thấy việc công ty này bị Trung Quốc chặn ngoài cửa là một đòn nặng nề đến mức nào đối với Canada và cũng là nguyên nhân gây nên làn sóng bất bình trong dư luận Canada. Ông Jean-Marc Ruest, trưởng ban pháp chế của công ty, cho biết động thái này hàm chứa một động cơ chính trị. “Chúng tôi là nhà xuất khẩu lớn nhất của Canada. Chúng tôi có từ lâu đời và sở hữu toàn bộ công ty”, ông nói. “Nếu nó liên quan đến tranh chấp sâu sắc hơn giữa Canada và Trung Quốc, tôi đoán chúng tôi đã trở thành một mục tiêu của họ”.

Tờ Sohu của Trung Quốc cho rằng, ngành nghề trồng cải dầu chỉ là một bộ phận nhỏ của nông nghiệp Canada, nhưng việc Trung Quốc ra đòn cấm nhập khẩu đã gây nên sóng gió lớn trong nước, điều này đủ để chứng minh Canada đang lo sợ bị mất đi thị trường Trung Quốc. Báo này nhận định, trước khi trở thành “tay súng” của Mỹ nhắm vào Huawei, Canada rất mong muốn tăng cường quan hệ mậu dịch với Trung Quốc. Sau khi ký Hiệp định mậu dịch Mỹ – Mexico – Canada (USMCA), Canada đã ý thức được việc họ trở thành bên thua thiệt nên thông qua việc ký Hiệp định mậu dịch tự do Trung Quốc – Canada để có thể giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ.

Sau khi xảy ra sự kiện Mạnh Vãn Chu, quan hệ mậu dịch Trung Quốc – Canada bỗng chốc trở nên băng giá khiến nhiều người trong chính phủ Canada rất lo ngại. Cuộc đàm phán về một hiệp định mậu dịch tự do với Trung Quốc mà Canada mong muốn từ lâu bỗng bị lâm vào tình trạng đình trệ; quan hệ mậu dịch với Trung Quốc bị phủ bóng mây đã khiến kinh tế Canada xảy ra nhiều nhân tố “không xác định”. Ví dụ, sau khi xảy ra sự kiện Huawei, giá cổ phiếu của Canada Goose Holdings Inc. – một công ty cổ phần của Canada chuyên sản xuất quần áo mùa đông nhãn hiệu nổi tiếng Canada Goose chỉ trong vòng 3 ngày đã bị mất đứt 16%, hay 8 tỷ NDT.

Ngày 6.3, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland tuyên bố: “Tôi cực kỳ quan ngại về những gì đã xảy ra với Tập đoàn Richardson. Chúng tôi không tin rằng có bất kỳ cơ sở khoa học nào cho những quyết định như vậy. Chúng tôi đang tích cực làm việc với Chính phủ Trung Quốc về vấn đề này”. Đáp lại, cùng ngày người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói tại cuộc họp báo: “Quyết định của chính phủ Trung Quốc dựa trên những cơ sở vững chắc. Cũng như các quốc gia khác, chúng tôi có quyền bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của người dân”.

Trước một động thái được cho là sự trả thù tiếp theo cho sự kiện Mạnh Vãn Chu của phía Trung Quốc sau khi bắt giữ 2 công dân Canada vì lý do “xâm hại an ninh quốc gia” và tử hình một người khác về tội vận chuyển ma túy sau phiên tòa phúc thẩm’; ngày 11.3, Cục Kiểm định thực phẩm Canada (CFIA) đã đăng tải trên trang web cơ quan này văn bản tuyên bố: Canada sẽ không nhập khẩu thịt lợn và mọi sản phẩm chế biến từ thịt lợn của quốc gia đã bị chính thức xác nhận có dịch tả lợn châu Phi. Trong thời gian xảy ra dịch bệnh này ở Trung Quốc, Canada sẽ cấm nhập khẩu thịt lợn, chế phẩm thịt lợn, bao gồm cả tinh dịch lợn và bào thai lợn từ Trung Quốc.

Xem xét các số liệu, số lượng sản phẩm thịt lợn Canada nhập của Trung Quốc không nhiều, trái lại số thịt lợn Trung Quốc nhập của Canada còn nhiều hơn. Năm 2016, số sản phẩm thịt lợn Canada nhập của Trung Quốc chỉ trị giá 7,6 triệu dollar Canada, chiếm 0,6% tổng lượng sản phẩm thịt lợn mà nước này nhập khẩu; từ quý I.2017, Canada còn vượt Mỹ, trở thành nước Bắc Mỹ xuất khẩu thịt lợn nhiều nhất cho Trung Quốc. Năm 2017, Canada đã xuất khẩu sang Trung Quốc 306.083 tấn sản phẩm thịt lợn trị giá 570 triệu dollar Canada khiến Trung Quốc trở thành thị trường tiêu thụ thịt lợn Canada đứng thứ 3 sau Mỹ và Nhật. Năm 2017 Canada xuất khẩu sản phẩm thịt lợn đạt 4 tỷ USD, thị trường Trung Quốc chiếm 14%.

Vì vậy, quyết định cấm nhập khẩu sản phẩm thịt lợn Trung Quốc của chính phủ Canada có lẽ chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, thể hiện lập trường cứng rắn đôívới Trung Quốc mà thôi, chứ không có mấy giá trị thực tiễn.

http://biendong.net/doc-bao-viet/26915-vi-vu-manh-van-chu-tq-va-canada-an-mieng-tra-mieng-ve-mau-dich.html

 

Ngân sách quân sự TQ đứng thứ 2 thế giới

nhưng sức mạnh không tương xứng?

Ngày 5.3 vừa qua, trong báo cáo của chính phủ trước kỳ họp thứ 2 quốc hội Trung Quốc khóa 13, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã công bố dự toán ngân sách quốc phòng năm 2019 là 1.189,88 tỷ Nhân dân tệ (177.6 tỷ USD), tăng 7,5% so với năm 2018, đứng thứ 2 thế giới.

Sau khi cải cách quân đội năm 2016, quân đội Trung Quốc ngày càng hiện đại hóa mạnh mẽ.

Chi phí quốc phòng tăng mạnh

Báo cáo về xếp hạng chi tiêu quốc phòng  của các quốc gia năm 2018 do Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế Anh Quốc (International Institute for Strategic Studies, IISS) cho thấy, Mỹ đứng đầu thế giới với 643 tỷ USD, Trung Quốc đứng thứ 2 với 168,2 tỷ USD, các nước đứng sau là Ả rập Xê-út, Nga và Ấn Độ. Năm 2019, Mỹ vẫn tiếp tục đứng đầu về chi phí quốc phòng với dự toán 716 tỷ USD.

Tuy nhiên, ngoài chi tiêu quốc phòng đối ngoại, Trung Quốc còn có một khoản chi tiêu đáng chú ý khác là “chi tiêu giữ ổn định” năm 2018 cũng tới 126 tỷ NDT, năm nay dự tính còn nhiều hơn.

Ngày 11.3, Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockkholm, Thụy Điển (SIPRI) công bố văn bản cho thấy, trong thời gian từ 2014 đến 2018, lượng vũ khí xuất khẩu của Mỹ đã tăng 6% so với giai đoạn từ 2009 đến 2013, đạt tới 36% tổng lượng vũ khí xuất khẩu của toàn thế giới.

Nhật báo Sankei Shimbun của Nhật ngày 11.3 đưa tin, tỷ lệ của nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 2 là Nga giảm 6%, chiếm 21%. Trong khi đó lượng vũ khí mua vào của các nước Trung Đông đã tăng gấp đôi, Ả rập Xê-út nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất (chiếm 12%) có lượng vũ khí nhập khẩu nhiều gấp 3 lần Ai Cập nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ 3.

Bài báo viết, Trung Quốc tập trung chi tiêu cho việc hiện đại hóa vũ khí, năng lực khai thác gia tăng rõ rệt, lượng vũ khí nhập khẩu của Trung Quốc giảm đi 7%. Nga chiếm tới 70% thị trường nhập khẩu vũ khí của Trung Quốc, chủ yếu là các máy bay chiến đấu tính năng cao và các hệ thống vũ khí phòng không.

Lượng vũ khí xuất khẩu của Trung Quốc gia tăng 2,7%, chiếm 5,2% thị trường toàn thế giới. Số quốc gia mua vũ khí của Trung Quốc đã tăng từ 12 lên thành 53. Bài báo cho rằng, Trung Quốc muốn thông qua bán vũ khí để thắt chặt quan hệ ngoại giao. Do giá cả vũ khí biến động theo ảnh hưởng của nhân tố chính trị nên khi thống kê những cơ quan thống kê không tính theo kim ngạch giao dịch, mà lấy 5 năm làm một chu kỳ tính toán.

Đài truyền hình NHK của Nhật hôm 11.3 đưa tin, theo số liệu tính toán thì lượng vũ khí của Mỹ tăng 29% với chu kỳ tinh toán trước, Anh – Nga – Pháp chiếm 6,8%, Đức 6,4% và Trung Quốc 5,2%. 6 nhà buôn vũ khí lớn nhất này chiếm 3/4 toàn thị trường. Lượng nhập khẩu vũ khí của cả khu vực Trung Đông tăng tới 87% trở nên đặc biệt nổi bật trong điều kiện các khu vực khác đều phải giảm bớt nhập khẩu.

Trang tin Sina của Trung Quốc ngày 13.3 đưa tin, từ năm 2016 có 7 công ty Trung Quốc đã lọp vào Top 20 công ty bán vũ khí lớn nhất, trong các năm 2017, 2018 thứ tự xếp hạng của các công ty này tăng lên rõ rệt, theo thống kê của IISS. Các công ty này cũng rất thành đạt trong lĩnh vực xuất khẩu, nếu đem so sánh với một số quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn nhất. Hiện có 53 quốc gia là bạn hàng mua vũ khí của Trung Quốc, trong đó có 13 nước đã đặt mua 53 máy bay không người lái vũ trang.

Theo Đa Chiều, 5 năm gần đây, lượng vũ khí xuất khẩu của Trung Quốc gia tăng 38%, còn lượng vũ khí nhập khẩu lại giảm 19%, chất lượng và công năng của các vũ khí xuất khẩu của Trung Quốc đang gia tăng mạnh. Ví dụ: các loại máy bay FC-1, máy bay không người lái Caihong, máy bay huấn luyện KMT-8, pháo tự hành PLZ 45/05, tên lửa chống hạm C-803, xe tăng MBT-2000 và loại xe tăng chủ yếu được trang bị công nghệ cao VT-4 xuất khẩu đã mang lại vị trí khả quan của vũ khí Trung Quốc trong thị trường toàn thế giới.

Tờ Hindustan Times ngày 12.3 đăng bình luận chỉ rõ, tuy Trung Quốc hiện vẫn dựa vào nhập khẩu nhiều loại vũ khí và là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ 6 thế giới, nhưng Trung Quốc hiện là quốc gia xuất khẩu máy bay không người lái vũ trang đứng đầu toàn thế giới.

Tiến sĩ Trần Quang Văn, một nhà bình luận quân sự có tiếng cho biết: chi phí cho nghiên cứu khoa học kỹ thuật đã chiếm 2% GDP. Điều này đã giúp cho việc ra đời hàng loạt vũ khí tự thiết kế và bản quyền sở hữu trí tuệ, như máy bay tàng hình J-20, Y-20, tàu sân bay 001A, tên lửa DF-41. Tàu lớp 055, tên lửa phóng từ tàu ngầm JL-3 và hệ thống Bắc Đẩu Tinh.

Năng lực thực tế còn nhiều bất cập?

Việc tăng ngân sách quốc phòng với mức độ lớn gây ấn tượng thực lực của quân đội Trung Quốc ngày càng được tăng cường. Tuy nhiên, tờ Giải phóng Quân báo gần đây liên tiếp đăng bài chỉ ra những điểm yếu trong sức chiến đấu của quân đội. Tờ báo phê phán trong một cuộc diễn tập tiểu đoàn hợp thành trong điều kiện số hóa đã xuất hiện “chỉ huy tạm thời hỗn loạn”, 1 tiểu đoàn khác do xử lý thông tin không đúng đã khiến việc cập nhật bản đồ hình thái không theo kịp sự thay đổi chiến trường. Tờ báo tựa hồ tạo nên “hình ảnh một đội quân không nắm chắc chỉ huy cơ bản và không kiểm soát được nhiệm vụ”, “đối lập rõ rệt với hình ảnh một quân đội Trung Quốc khao khát đánh nhau và ngày càng nguy hiểm mà phương Tây đang dựng nên”.

Tờ Đa Chiều cho rằng, nhân tố quan trọng khiến khả năng chiến đấu thực sự của quân đội Trung Quốc khó có thể đánh giá được là sau cuộc chiến tranh với Việt Nam, quân đội Trung Quốc luôn thiếu kinh nghiệm thực chiến. Nói cho cùng, cách tốt nhất để đánh giá sức chiến đấu của một quân đội là thực chiến. Nếu phần lớn chi tiêu đều đổ vào việc hiện đại hóa vũ khí, cho dù tính năng vũ khí ưu việt, nhưng sự thiếu thốn một số công nghệ then chốt sẽ làm cho khả năng thực chiến của chính những vũ khí đó bị hoài nghi…

Ngoài ra,năng lực tổ chức và vấn đề tham nhũng của quân đội cũng là một nhân tố tác động đến chất lượng và sức mạnh chiến đấu. Một số nhà phân tích quân sự phương Tây cho rằng, tài nguyên nhân lực, tổ chức và tham nhũng mấy chục năm nay vẫn luôn tác động đến quân đội Trung Quốc. Gần đây, hàng loạt tướng lĩnh cao cấp bị ngã ngựa cho thấy cuộc chiến chống tham nhũng trong nội bộ quân đội đã giành được tiến triển, nhưng thỉnh thoảng vẫn có tin không được kiểm chứng về tướng này tướng nọ tiếp tục ngã ngựa, cho thấy trong nội bộ quân đội vẫn còn tồn tại hiện tượng tham nhũng. Tham nhũng rõ ràng là nhân tố bào mòn sức chiến đấu của quân đội.

http://biendong.net/bi-n-nong/26914-ngan-sach-quan-su-tq-dung-thu-2-the-gioi-nhung-suc-manh-khong-tuong-xung.html

 

Ông chủ Huawei Nhậm Chính Phi nói thẳng: “Nếu họ

không mua của chúng tôi, chúng tôi bán cho người khác!”

Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi khẳng định nỗ lực của Washington nhằm vào công ty công nghệ của Trung Quốc sẽ làm tổn hại danh tiếng trên toàn cầu của Mỹ.

Huawei bị đối xử bất công?

“Nếu chính quyền Mỹ luôn đối xử với các quốc gia khác, những công ty hoặc cá nhân nước ngoài theo cách hung hăng như vậy, thì sẽ không có ai dám đầu tư vào Mỹ nữa,” ông Nhậm trả lời trong cuộc phỏng vấn với CNN tại trụ sở của Huawei ở Thâm Quyến.

Trong những tháng trở lại đây, chính phủ Mỹ đã tăng cường áp lực và thuyết phục các đồng minh dừng việc sử dụng thiết bị viễn thông của Huawei trong quá trình xây dựng mạng không dây thế hệ tiếp theo có tên gọi “5G”.

Washington cho rằng Huawei có thể giúp chính phủ Trung Quốc thu thập thông tin tình báo qua các thiết bị điện tử. Tuy nhiên, Huawei đã phủ nhận mọi cáo buộc về rủi ro an ninh và yêu cầu chính quyền của ông Trump cung cấp bằng chứng để chứng tỏ vấn đề.

Ông Nhậm Chính Phi, nhà sáng lập và CEO của Huawei, đã dành nhiều lời ca ngợi nền kinh tế Mỹ, mô tả thị trường Mỹ là đầu tàu trong lĩnh vực đổi mới. Nhưng ông Nhậm khẳng định công ty Huawei – nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới – đang bị đối xử bất công.

Đây là lý do Huawei quyết định thực hiện nước cờ kiên quyết nhất trong cuộc chiến chống lại áp lực từ Mỹ. Huawei đã đệ đơn kiện chính phủ Mỹ vào hồi tuần trước, mục tiêu nhằm vào một luật gần đây yêu cầu các cơ quan liên bang Mỹ không được sử dụng sản phẩm của Huawei.

“Chúng tôi chọn lên tiếng vào thời điểm hiện tại bởi chính phủ Mỹ coi chúng tôi là mối đe dọa tới an ninh quốc gia. Họ phải có bằng chứng. Mọi người trên thế giới đều đang nói về an ninh mạng và họ chọn cách bài trừ Huawei.”

“Thế còn Ericsson thì sao? Cisco nữa? Chẳng phải họ đều có vấn đề an ninh mạng hay sao? Tại sao Huawei lại bị bài trừ?” – ông Nhậm nhắc tới một số nhà sản xuất thiết bị mạng lớn của phương Tây.

Được biết, Huawei là thành quả được ông Nhậm Chính Phi xây dựng trong hơn 30 năm qua. Hiện tại, công ty này đã đạt doanh thu 100 tỉ USD hàng năm và bán được số lượng điện thoại thông minh nhiều ngang “ông lớn” Apple. Huawei đã giúp ông Nhậm trở thành một trong những tỷ phú lớn của thế giới.

Ông Nhậm đã phủ nhận mọi cáo buộc rằng công ty đang nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ Trung Quốc, khẳng định đây là tập đoàn tư nhân. Ông Nhậm tuyên bố thà đóng cửa doanh nghiệp còn hơn là nhận lệnh từ Bắc Kinh và sử dụng thiết bị Huawei vì mục đích do thám.

“Chiến lược của ông Trump hoàn toàn sai lầm”

Nỗ lực của Huawei đã không cản được việc chính phủ của ông Trump theo đuổi chiến dịch chống lại công ty này. Ít lâu sau khi Huawei đệ đơn kiện, Đại sứ Mỹ tại Đức đã gửi một lá thư cảnh báo tới chính phủ Đức, viết rằng Mỹ sẽ hạn chế lượng thông tin tình báo cho Berlin nếu Huawei tiếp tục được xây dựng hệ thống mạng 5G trên lãnh thổ Đức.

Theo ông Nhậm, những hành vi như vậy sẽ làm tổn hại hình ảnh của Mỹ đối với các nhà đầu tư nước ngoài và Mỹ sẽ không còn là môi trường “tuyệt vời” để làm kinh doanh như đã quảng bá nữa.

Ông Nhậm đánh giá tổng thống Donald Trump là một nhà lãnh đạo tài năng vì đã cắt thuế cho doanh nghiệp Mỹ, nhưng kêu gọi ông Trump nghĩ lại về phương pháp tiếp cận các doanh nghiệp và công ty nước ngoài.

“Chiến lược của ông Trump hoàn toàn sai lầm. Nếu ngày hôm nay ông ấy đe dọa một đất nước, ngày mai đe dọa một công ty hoặc bắt giữ người vô cớ, thì chẳng còn ai dám đầu tư vào Mỹ nữa.”

Các công tố viên Mỹ đã cáo buộc Huawei và giám đốc tài chính (CFO) Mạnh Vãn Chu với nhiều tội danh, trong đó có vi phạm cấm vận của Mỹ đối với Iran. Bà Mạnh – con gái của ông Nhậm Chính Phi – đã bị bắt giữ tại Canada và hiện đang đối diện với việc bị dẫn độ sang Mỹ.

Huawei và bà Mạnh đã phủ nhận các cáo buộc, trong khi chính phủ Trung Quốc yêu cầu thả bà Mạnh ngay lập tức.

“Ông Trump nên cởi mở và chấp nhận mọi hình thức đầu tư. Nếu ông ấy bao dung hơn, thì tất cả những đầu tư liên quan tới nước Mỹ sẽ giúp đảm bảo sự thịnh vượng của Mỹ trong một thế kỉ tới”.

Huawei giữa tâm điểm căng thẳng Mỹ – Trung Quốc

Huawei là một trong những công ty toàn cầu thành công nhất của Trung Quốc và đã đặt mục tiêu đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hệ thống 5G trên khắp thế giới. Mạng viễn thông thế hệ mới được cho là sẽ kết nối mọi thứ từ điện thoại thông minh tới robot và xe ô tô tự lái, hệ thống đèn hiệu giao thông nối mạng Internet.

Huawei đã mắc kẹt trong cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc trên đường đua đạt được thành tựu công nghệ của tương lai. Chính quyền ông Trump đã chỉ trích chính phủ Trung Quốc vì những khoản ưu đãi mất cân đối đối với các công ty Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong các ngành công nghiệp chủ chốt.

Những năm qua, Huawei đã gặp khó khăn trong việc tham gia thị trường Mỹ. Ông Nhậm cho rằng chính phủ Mỹ không có điều kiện để đánh giá đúng đắn về sản phẩm của Huawei.

“Không hề có thiết bị của Huawei trong mạng lưới của Mỹ – điều đó có giúp mạng của Mỹ hoàn toàn an toàn hay không? Nếu không, làm sao họ có thể nói với các quốc gia khác rằng mạng viễn thông sẽ an toàn khi không có Huawei? Đó là lí do và quan điểm của chúng tôi khi kiện chính phủ Mỹ”.

Ông Nhậm cho rằng những nỗ lực của Mỹ trong việc buộc các nước phương Tây như Đức và Anh không sử dụng sản phẩm của Huawei không phải là vấn đề lớn.

“Nếu họ không mua từ chúng tôi, chúng tôi sẽ bán cho người khác. Chúng tôi có thể giảm lượng sản phẩm.

Chúng tôi không phải công ty đại chúng, do đó chúng tôi không cần lo về việc giảm lợi nhuận dẫn tới sụt giảm giá cổ phiếu. Chúng tôi có thể giảm nhân viên và giảm chi phí một chút, nhưng Huawei vẫn sẽ tồn tại”.

Ông Nhậm khẳng định ông “rất bình tĩnh” về vụ án của con gái.

“Mạnh Vãn Chu không có tội, vì thế nếu luật pháp minh bạch và công bằng, tôi tin rằng con gái tôi sẽ sớm vượt qua mọi chuyện”.

Các công tố viên Mỹ nói rằng chính ông Nhậm cũng nói dối FBI hồi năm 2007 về hoạt động kinh doanh với Iran. Tuy nhiên, FBI chưa bao giờ cáo buộc ông Nhậm.

Khi được hỏi liệu ông có tới Mỹ để theo dõi vụ bắt giữ của con gái Mạnh Vãn Chu hay không, ông Nhậm nói ông không có lí do để tới đây.

“Thị trường Mỹ khá nhỏ đối với chúng tôi. Tôi không có lí do để tới Mỹ. Hãy để luật sư xử lí vụ việc này,” nhà sáng lập Huawei tuyên bố.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/26905-ong-chu-huawei-nham-chinh-phi-noi-thang-neu-ho-khong-mua-cua-chung-toi-chung-toi-ban-cho-nguoi-khac.html

 

RSF thúc giục Thái Lan

tôn trọng quy chế tị nạn của Bạch Hồng Quyền

Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) kêu gọi chính phủ Thái Lan tôn trọng qui chế tỵ nạn mà Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc đã cấp cho blogger Bạch Hồng Quyền, một nhà hoạt động ở Việt Nam chạy sang Thái Lan.

Theo thông cáo báo chí của RSF phát đi ngày 15 tháng 3 thì sau cuộc bố ráp cách đây hai tuần đến căn nhà nơi ông Quyền ở, bản thân ông này lo sợ có thể phía Thái Lan cho phép đặc vụ Việt Nam bắt cóc ngay tại Xứ Chùa Vàng rồi đưa về Việt Nam.

Ông Bạch Hồng Quyền sang Bangkok, Thái Lan từ tháng 5 năm 2017 và sau cuộc bố ráp hôm 1 tháng 3 ông này phải đi trốn với nỗi sợ như vừa nêu.

Theo RSF thì một ngày sau khi ông Bạch Hồng Quyền giúp blogger Trương Duy Nhất nộp đơn xin tị nạn tại văn phòng UNHCR ở Bangkok, ông Trương Duy Nhất đã biến mất một cách bí ẩn tại một trung tâm mua sắm ở Bangkok vào ngày 26 tháng 1.

Vụ Trương Duy Nhất được cho là bị bắt cóc bởi đặc vụ Việt Nam với sự tiếp tay của chính quyền địa phương Thái Lan làm dấy lên lo ngại rằng các nhà báo Việt Nam khác đã trốn khỏi đất nước cũng có thể chịu chung số phận.

Bản thân blogger Bạch Hồng Quyền bị chính quyền Việt Nam buộc tội gây rối trật tự công cộng, nên ông chạy sang Thái Lan với hy vọng tìm được qui chế tỵ nạn cho bản thân và gia đình. Hiện ông này đang đăng ký đi tỵ nạn theo một chương trình của chính phủ Canada.

Thái Lan đã từng là nơi ẩn náu cho các nhà báo bị đàn áp bởi các chế độ độc tài trong khu vực, nhưng dưới chính phủ của Thủ tướng Prayuth Chan – ocha, Thái Lan đôi khi lại là nước tiếp tay trục xuất họ về lại nơi phải trốn chạy.

RSF nhắc đến trong thông cáo báo chí trường hợp blogger Trương Duy Nhất, người Việt đã biến mất bảy tuần trước mà vẫn chưa có tin tức gì.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/rsf-urges-thailand-respect-bachhongquyen-s-refugee-status-03152019093906.html

 

Jacinda Ardern: ‘Ngày đen tối nhất New Zealand’

Bốn chín người đã thiệt mạng và ít nhất 20 người khác bị thương trong các vụ xả súng tại hai nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch, New Zealand, một vụ tấn công làm nhiều người chết nhất ở nước này.

Thủ tướng Jacinda Ardern mô tả vụ việc là một cuộc tấn công khủng bố và một trong những “ngày đen tối nhất” của New Zealand.

Thủ phạm được xác định là Brenton Tarrant, 28 tuổi, quốc tịch Úc, là người theo tư tưởng cực hữu và bài nhập cư.

Người Hồi giáo ở New Zealand:

46 nghìn, bằng 1% dân số

Có gần 60 đền, trung tâm Hồi giáo

Cảnh sát New Zealand xác nhận thủ phạm bị kết tội giết người và sẽ được đưa ra tòa vào sáng thứ Bảy.

Cảnh sát cũng đã bắt hai người đàn ông khác và một phụ nữ sau vụ việc xảy ra ở giáo đường Al Noor và Linwood, nhưng sau đó một người đã được thả.

Nhà chức trách không loại trừ khả năng còn các nghi phạm nữa đang lẩn trốn.

Tay súng đã phát trực tiếp (live-stream) vụ tấn công từ một camera đeo trên đầu. Cảnh quay cho thấy gã xả súng không thương tiếc vào những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em ở cự ly gần bên trong nhà thờ Hồi giáo Al Noor.

Cảnh sát kêu gọi người dân không chia sẻ những hình ảnh “vô cùng đau đớn” trên mạng. Facebook nói hãng này đã xóa tài khoản Facebook và Instagram của hung thủ và đang nỗ lực xóa các bản copy của video mà gã phát tán.

Thủ phạm không nằm trong đối tượng tình nghi trước đó của cả cảnh sát New Zealand và Úc.

Thủ tướng New Zealand, bà Jacinda Ardern nói hai vụ việc hôm thứ Sáu là “tấn công khủng bố”.

Vụ xả súng gây choáng váng cho dư luận vốn nghĩ New Zealand là quốc gia rất bình yên.

Đánh vào Lăng Giáo chủ Khomeini và Quốc hội Iran

Bắt nghi phạm Hồi giáo vụ Dortmund

Cây bút Việt từ tỉnh Hồi giáo Nam Thái Lan

Người ta tìm thấy tài liệu phỉ báng di dân tại hiện trường, cho thấy đây nhiều khả năng là một vụ bắn giết mang tính kỳ thị sắc tộc và tôn giáo.

Nhiều nạn nhân là người gốc Bangladesh trong cộng đồng địa phương.

Chính phủ New Zealand ra lệnh cho mọi giáo đường đạo Hồi tạm đóng cửa vì lý do an ninh.

Một cuộc tuần hành phản đối biến đổi khí hậu ở Christchurch dự kiến có hàng nghìn người tới dự cũng bị hủy.

Tại nhà thờ Hồi giáo thứ hai ở ngoại ô Linwood, nơi có 8 người chết, cảnh sát đã tháo kíp nổ của “nhiều thiết bị nổ được gắn trên xe” của một trong các nghi phạm.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-47582633